Mục đích chính của chúng ta trong cuộc đời này là giúp đỡ người khác. Và nếu bạn không thể giúp đỡ người khác thì ít nhất cũng đừng làm họ tổn thương. (Our prime purpose in this life is to help others. And if you can't help them, at least don't hurt them.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm. (Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown
Những khách hàng khó tính nhất là người dạy cho bạn nhiều điều nhất. (Your most unhappy customers are your greatest source of learning.)Bill Gates
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Vâng Theo Lời Phật Dạy Giống Như Kẻ Nghèo Đặng Của Báu, Chẳng Dám Trái Phạm »» Xem đối chiếu Anh Việt: Vâng Theo Lời Phật Dạy Giống Như Kẻ Nghèo Đặng Của Báu, Chẳng Dám Trái Phạm »»

Vâng Theo Lời Phật Dạy Giống Như Kẻ Nghèo Đặng Của Báu, Chẳng Dám Trái Phạm
»» Xem đối chiếu Anh Việt: Vâng Theo Lời Phật Dạy Giống Như Kẻ Nghèo Đặng Của Báu, Chẳng Dám Trái Phạm

(Lượt xem: 6.468)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Font chữ:
Font chữ:

Vâng Theo Lời Phật Dạy Giống Như Kẻ Nghèo Đặng Của Báu, Chẳng Dám Trái Phạm

Trong kinh Vô Lượng Thọ, phẩm Trược Thế Ác Khổ và phẩm Trùng Trùng Hối Miễn, đức Phật nói đến những điều ác khổ để chiết phục chúng sanh, khuyên răn chúng sanh bỏ ác, tu thiện. Trong phẩm Như Nghèo Ðặng Của Báu, đức Phật nói đến những nhân quả lành để nhiếp thọ chúng sanh, khuyên lơn chúng sanh tinh tấn đi theo đường lành, rộng trồng gốc đức, dứt bỏ ác hạnh nhằm nhổ dứt cái khổ sanh tử, đạt sự vui vô vi.

Đức Phật dạy chúng sanh bồi dưỡng “gốc đức” bằng hai cách: Thứ nhất là hành Lục độ (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ); Thứ hai là nhất tâm niệm Phật nhằm tuyển trạch bổn nguyện của Phật Di Ðà gộp thành quả đức cho chính mình. Vì sao phải niệm Phật? Vì sáu chữ hồng danh “Nam Mô A Di Đà Phật” vốn đầy đủ vạn đức, là cái gốc của mọi đức.

Trong pháp hội Văn Thù Sư Lợi Thọ Ký trong kinh Bảo Tích có nói: “Nếu có chúng sanh ở trong cõi Phật ấy tu các phạm hạnh suốt cả ức trăm ngàn năm, vẫn chẳng bằng ở trong thế giới Sa Bà này chỉ trong khoảng thời gian khảy ngón tay khởi tâm từ bi đối với chúng sanh. Công đức người ấy đạt được còn nhiều hơn thế nữa. Huống hồ là trong một ngày một đêm trụ trong tâm thanh tịnh.”

Kinh Tư Ích cũng dạy: “Như người ở cõi tịnh trì giới suốt một kiếp; người ở cõi này thực hành lòng từ trong khoảnh khắc vẫn là tối thắng.” Kinh còn dạy: “Ta thấy trong những cõi Hỷ Lạc và cõi An Lạc không có khổ não, cũng không có danh từ khổ não. Trong những cõi ấy mà làm các công đức thì chẳng đáng kể là lạ. Ở chốn phiền não này mà nhẫn được sự chẳng thể nhẫn, lại còn dạy người khác pháp này thì phước ấy mới là tối thắng.”

Kinh Thiện Sanh cũng nói: “Lúc Phật Di Lặc xuất thế, thọ giới suốt trăm năm cũng chẳng bằng [thọ giới] một ngày một đêm trong cõi ta. Vì sao vậy? Trong thời của ta, chúng sanh có đủ cả năm thứ nhơ bẩn. Này thiện nam tử! Bát Trai Giới đây chính là con đường dẫn tới trang nghiêm vô thượng Bồ Ðề.”

Kinh Vô Lượng Thọ ghi: Trong cõi này, tu hành dù trong “một ngày một đêm thì thù thắng hơn nước Vô Lượng Thọ làm thiện trăm năm,” tu hành dù trong “mười ngày mười đêm, thù thắng hơn các cõi Phật phương khác làm thiện ngàn năm.” Ý của Phật là, trong cõi Sa Bà này, ngay trong khoảng uống khổ ăn độc chưa từng ngưng nghỉ mà hành nhân lại có thể thực hành Lục độ: trai giới thanh tịnh, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định niệm Phật thì công đức của người ấy vượt xa hẵn những người trong các cõi Phật phương khác.

Ắt hẵn sẽ có người nghe những đoạn kinh văn trên, bèn thắc mắc: Nếu tu hành tại Uế độ này là thù thắng hơn các cõi Tịnh độ phương khác thì cứ ở lại cõi Sa Bà này mà tu để mau chóng thành Phật, tại sao Phật lại khuyên chúng sanh cầu sanh Tịnh Ðộ? Sách Yếu Tập viết: “Kinh này [kinh Vô Lượng Thọ] chỉ nói về sự tu hành khó hay dễ, chứ chẳng giảng về thiện căn là thù thắng hay hèn kém. Ví như kẻ nghèo hèn thí được một tiền tuy đáng khen là hay, nhưng chẳng bao biện được các việc. Kẻ phú quý bỏ ra ngàn vàng, tuy chẳng đáng gọi là hay, nhưng lại có thể hoàn tất muôn sự. Việc tu hành trong hai cõi cũng giống như thế.” Vậy, nếu chúng ta muốn mau chóng hoàn thành các việc thành Phật, lợi sanh thì phải chuyên nhất cầu sanh Tịnh Ðộ, lẽ nào lưu luyến Uế độ hoặc vướng mắc vào những chuyện ân tình của người thế gian mà chẳng thành tựu nổi Phật đạo.

Lại nữa, trong kinh Đại Tập, đức Thế Tôn lại nói: “Thời đại mạt pháp hàng trăm triệu người tu hành, ít có một người đắc đạo.” Kinh lại nói: “Cõi này người tu như trứng cá, kẻ chứng đạo chẳng đáng để đếm.” Ở cõi này tu trong một ngày một đêm, hơn hẳn làm lành cả trăm năm nơi Tây phương là bởi vì ở đây tu rất khó thành. Trong cõi này, chúng ta mắc phải quá nhiều chướng ngại, nên việc tinh tấn tu hành rất là khó khăn; do khó mà làm nổi nên coi là quý. Vậy thì nếu một người bình thường như chúng ta ở trong cõi này mà muốn tu hành đắc đạo thì thật là việc khó thành. Còn như người được vãng sanh, tu hành trong cõi kia thì rất là mau chóng đắc Vô Thượng Bồ Ðề. Lý do là như thế nào? Do vì trong cõi kia, không lúc nào mà chẳng tu, không có sự việc gì gọi là không tu. Hơn nữa, trong cõi ấy, vô tình chúng sanh như ao suối, rừng cây, gió, hương, hoa, quả, nhà cửa, lầu quán, ánh sáng v.v... đều là Phật, đều khéo biết căn cơ của mỗi chúng sanh mà diễn thuyết pháp nhiệm mầu, như trong Phẩm Suối Ao Công Đức của kinh Vô Lượng Thọ có ghi: “Hoặc giả nghe đặng, tiếng Phật Pháp Tăng, tiếng Ba La Mật, Chỉ Tức Tịch Tịnh, Vô Sinh Vô Diệt, Mười lực Vô Úy, hoặc tiếng Vô Tánh, Vô Tác Vô Ngã, hoặc tiếng Ðại Từ Ðại Bi Hỷ Xả, hoặc tiếng Cam Lồ Quán Ðảnh Thọ Vị. Từng thanh từng loại, nghe đặng thế rồi, tâm ta thanh tịnh, chẳng chút phân biệt, chánh trực bình đẳng, thiện căn thuần thục, tùy chỗ muốn nghe, cùng Pháp tương ưng, nguyện nghe tiếng nào, riêng nghe tiếng ấy, chỗ không muốn nghe, tuyệt nhiên chẳng nghe. Hằng bất thối tâm A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề.” Câu kinh văn này đã giải thích rất rõ ràng vì sao trong cõi kia tu hành dễ đắc đạo như vậy, hết thảy đều là tự nhiên, không tu mà tu, tu mà như là không tu, vô công dụng đạo mà Bồ đề đại đạo vẫn được viên thành một cách hết sức tự nhiên.

Đức Thế Tôn mấy lượt khuyên lơn dạy bảo, chỉ mong đại chúng sanh chớ quên thường luôn phụng trì kinh Vô Lượng Thọ này. Phật nói: “Ta thương các ông, khổ tâm khuyên dạy, trao cho kinh pháp, thảy đều thọ trì, quán chiếu, phụng hành. Trai gái sang hèn, bà con bạn bè, thay nhau dạy bảo, cùng nhau kiểm thảo, nghĩa lý thuận hòa, vui vẻ hiếu hiền. Chỗ làm nếu phạm, phải tự hối lỗi, bỏ ác làm thiện, sáng nghe chiều sửa, phụng kinh trì giới, cũng giống như kẻ nghèo đặng của báu, chuyển trước sửa sau, tẩy sạch tâm nhơ, cải sửa hành vi, tự nhiên cảm nhận, nguyện ước thành đạt.”

Đức Như Lai đại từ thương xót chúng sanh, trao cho các vị Bồ tát đương cơ kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ này và căn dặn các Ngài ấy phải nên rát miệng, xót lòng khai thị, dạy dỗ cho chúng sanh. Vì thế đại lão Cư Sĩ Hoàng Niệm Tổ mới bảo: “Nếu chẳng thuyết pháp độ sanh thì chẳng thể báo đền nổi Phật ân!” Nếu chúng ta chẳng biết thuyết pháp độ sanh, thì ít cũng phải biết tiếp nhận lời giáo huấn của Phật, y giáo phụng hành, như thể mới chẳng đến nổi cô phụ Phật ân.

Trong kinh, đức Thế Tôn mấy lượt khuyên lơn, nhắc nhở, chỉ mong chúng sanh thọ trì, tư duy kinh Vô Lượng Thọ để phụng hành cho đúng pháp. Thế mà, chúng sanh vẫn thờ ơ, vô cảm đối với sự quan tâm của đức Phật thì đấy là quá đổi vô tình. Phật bảo: “Ta thương các ông, trao cho kinh pháp,” rồi lại khuyên chúng sanh phải nên “phụng kinh trì giới, cũng giống như kẻ nghèo đặng của báu.” Phật còn dạy, nếu đã được nghe kinh Vô Lượng Thọ rồi, thì chẳng những phải nên thọ trì, quán chiếu, phụng hành mà còn phải thay nhau dạy bảo, viên mãn hai hạnh tự lợi, lợi tha.

Thế gian thường bảo “thượng từ, hạ hiếu.” Thế mà đức Phật lại nói: “Ta thương các ông, hơn cha mẹ thương con,” đấy đã chỉ là tấm lòng đại từ của Phật! Chúng sanh trong sáu đường đều là cha mẹ ta, thệ nguyện cứu độ thì là đại hiếu! Do đại bi nên muốn khiến cho khắp tất cả chúng sanh được thoát khổ, được vui sướng. Đấy chính là đại hạnh của Bồ tát. Thêm nữa, muốn “thay nhau dạy bảo” thì trước hết phải dùng Tứ Nhiếp Pháp để lôi cuốn chúng sanh. “Tứ Nhiếp Pháp” là: bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.

Phật răn dạy: “Chỗ làm nếu phạm, phải tự hối lỗi, bỏ ác làm thiện, sáng nghe chiều sửa, phụng kinh trì giới, cũng giống như kẻ nghèo đặng của báu, chuyển trước sửa sau, tẩy sạch tâm nhơ, cải sửa hành vi.” Đấy là lời mà Phật khuyên chúng sanh phải thường luôn sáng chiều phụng trì kinh giới để phản tỉnh lỗi lầm thì mới có thể “chuyển trước sửa sau, tẩy sạch tâm nhơ.” Đức Thế Tôn tâm từ đến tột bực, nên ban lời dạy như thế. Kẻ nghèo cùng mà được của báu này ắt diệt ngay các khổ, bởi đó mà được hoan hỷ, vô ưu. Ở đây, Phật dùng của báu để ví cho diệu dụng của kinh Vô Lượng Thọ này. Hơn nữa, kẻ nghèo một khi có được của báu này rồi thì phải dốc trọn tánh mạng, tận lực gìn giữ, chẳng để mất đi, thì mới chẳng phụ từ ân vô lượng của Phật đối với chúng ta.

Do vì Phật pháp sẽ dần dần diệt mất, ngũ thiêu, ngũ thống sẽ chuyển thành dữ dội hơn, nên Phật răn dạy chúng sanh hãy mau mau bỏ ác tu thiện, phụng trì kinh pháp để sớm thoát ra khỏi đời ác ngủ trược, kẻo bị rơi vào đời Kiếp trược phải chịu khổ vô lượng. Nếu hành nhân được lãnh thọ kinh giới này, thì phải tự khéo vâng giữ lời kinh Phật dạy như là bảo vệ cái đầu, con mắt của chính mình. Tức là nơi kinh này phải thường luôn ghi nhớ để có thể ứng dụng nó trong cái nhìn, cái thấy và cái suy nghĩ của mình mỗi khi tiếp xúc với trần cảnh, đối vật, tiếp người. Nếu lỡ khuyết phạm lỗi lầm thì phải mau sám hối, bỏ những ác hạnh sai trái trong quá khứ, tu thiện nghiệp đúng đắn trong hiện tại, rửa sạch cấu nhơ trong tâm, dứt ác hướng thiện, bỏ tà theo chánh, hồi Tiểu hướng Ðại, bỏ cái hư ngụy, giữ lấy cái chân thật v.v... Nếu tu hành được như thế thì tự nhiên cảm ứng với Phật, được chư Phật, Bồ tát ngầm gia hộ, có nguyện cầu chi đều được viên mãn, nên kinh bảo: “Tự nhiên cảm nhận, nguyện ước thành đạt.”

Tiếp theo đây, kinh nói đến Từ đức vô lượng của Phật. Kinh chép: “Ở chỗ Phật hành, nước thành tụ lạc, đều được giáo hóa. Thiên hạ hòa thuận, trời trăng trong sáng, mưa gió thuận thời, tai dịch chẳng khởi, nước thạnh dân an, binh đao chẳng động, trọng sùng nhân đức, chuyên hành lễ giáo, nước không trộm cắp, không có oan uổng, mạnh không hiếp yếu, người người đắc ý.” Câu “ở chỗ Phật hành” chỉ những chỗ Phật đã từng đi đến để giáo hóa chúng sanh, mà cũng có nghĩa là những nơi được Phật pháp lưu truyền đến. “Nước thành tụ lạc” là chỉ chung quốc gia, thành ấp, làng mạc v.v..., nơi dân chúng tụ lại sanh sống.

Bất cứ nơi nào Phật đã đặt chân đến thì không ai là chẳng được nhận lãnh sự giáo hóa của Phật. Những nơi tiếp nhận sự giáo hóa của Phật, tất nhiên sẽ cảm ứng được những điều tốt lành như là “thiên hạ hòa thuận, trời trăng trong sáng, mưa gió thuận thời, tai dịch chẳng khởi, nước thạnh dân an, binh đao chẳng động, trọng sùng nhân đức, chuyên hành lễ giáo, nước không trộm cắp, không có oan uổng, mạnh không hiếp yếu, người người đắc ý.”

“Thiên hạ hòa thuận” là thế giới hòa bình, mọi xứ, mọi nhà, mọi người hòa hiếu với nhau.

“Trời trăng trong sáng, mưa gió thuận thời” là mưa hòa gió thuận, không có các thiên tai như động đất, núi lở, biển trào, đất chìm, hạn hán, lũ lụt, gió bão, mưa đá, chiến tranh, lửa cháy v.v...

“Tai dịch chẳng khởi” là chẳng có các thứ bệnh ôn dịch v.v… ung thư lưu hành.

“Nước thạnh dân an” là quốc gia sung túc, sản xuất dồi dào, nhân dân no ấm, an lạc.

“Binh đao chẳng động” nghĩa là trong nước không có giặc cướp, không có những bọn phản nghịch, bán nước cầu vinh, không có những phe đảng tranh quyền, đoạt lợi, sát hại lẫn nhau v.v… Ngoài lại không bị nước khác xâm lấn, nên có thể dẹp võ dụng văn, xếp bỏ vũ khí, không cần dùng đến nữa.

“Trọng sùng nhân đức” là tôn trọng đạo đức, làm người lương thiện. Nếu mọi người đều tôn sùng đạo đức, đều bỏ ác làm thiện, thì “nhân đức” và “lễ giáo” sẽ tự nhiên được phát triển. Lễ nghĩa là tôn ty, trật tự. Giáo nghĩa là nhường nhịn, nhường bước, đưa cái tốt lành cho người khác hưởng, chẳng giành lấy về cho riêng mình.

“Nước không trộm cắp” là nhà nước và nhân dân đều tuân theo lẽ phải, vâng giữ pháp luật nên chẳng có các nạn như là trộm cướp, áp bức, bốc lột, cưỡng chế. Nhà nước tham ô, bậc trên không sáng, tại chức không chánh, a dua cưỡng chế, mưu đồ cướp giật tài sản của nhân dân chính là nạn trộm cắp lớn, chớ chẳng phải hạnh trộm cắp vặt của người dân. Người dân nghèo cùng khổ đói đi ăn cắp để sống là chuyện nhỏ mà bị tù đài, bị xử cực hình, nhà nước tổ chức ăn cướp lớn mà chẳng ai dám nói tới, thì đó là điều oan uổng, không công bằng.

“Không có oan uổng”: Nếu người nắm giữ chức vị trong nhà nước liêm minh công chánh, xét kỹ từng chi tiết, từng việc làm, chẳng phán định bất cứ việc gì sai lầm, thì sẽ nhân dân đâu đến nổi lãnh chịu nhiều nổi hàm oan, uất ức.

“Mạnh không hiếp yếu”: Ỷ mạnh hiếp yếu chính là nguồn cội của mọi tai vạ trong thế gian. Nước hùng mạnh cậy vào quân lực hiếp đáp nước nhược tiểu. Kẻ giàu cậy vào tiền của để bóc lột người nghèo. Kẻ nắm giữ quyền binh thường dựa quyền thế để rúc rỉa nhân dân. Chánh quyền nhà nước và người giàu có trong nước kết hợp lại thành bọn giặc cướp bức hại người dân lương thiện. Cậy mạnh hiếp yếu, cậy đông hiếp đáp kẻ cô thế, cậy quyền thế khinh người, rúc rỉa máu xương người khác để cốt ấm thân, tàn nước hại dân, bán rẻ đất nước và tài nguyên, thì không còn gì tệ hơn thế nữa. Bởi thế, nếu trong một quốc gia xả hội không có kẻ mạnh hiếp kẻ yếu, thì người người đều đắc ý, đây, kia đều an ổn. Kẻ có người không chia sẻ cho nhau, chung sống hòa bình, thì toàn thế giới sẽ đạt đến chỗ ấm no, hạnh phúc và bình đẳng, ai nấy đều vui vẻ, hạnh phúc và đắc, thì đâu đến nổi phải gây ra những cuộc đảo chánh, giết hại lẫn nhau để đòi quyền công bằng, độc lập, tự do.

Phật đi đến đâu, chỗ đó đều được hưởng những lợi ích như thế, đủ thấy từ lực của Phật khó suy nghĩ, khó bàn luận nổi!

Một lần nữa, Phật lại nhắc nhở chúng sanh bỏ ác tu thiện, phụng trì kinh pháp này. Kinh chép: “Ta thương các ông, hơn cha mẹ thương. Ta cõi này thành Phật, lấy thiện trừ ác, nhổ gốc khổ sinh tử, khiến đặng năm đức, đặng an vô vi. Ta vào Niết Bàn, kinh đạo lần diệt, nhân dân tà ngụy, lại làm điều ác, năm thiêu năm khổ, lâu sau càng nguy. Các ông thay nhau, khuyên lơn nhắc nhở, y kinh pháp Phật, chớ nên trái phạm.”

Do con người chẳng tôn trọng Phật pháp, chẳng coi lời giáo huấn của Phật là của báu vô tận, nên họ chẳng phụng kinh trì giới, y giáo tu hành; do đó, Phật pháp sẽ dần dần diệt mất, ngũ thiêu, và ngũ thống sẽ chuyển thành dữ dội hơn. Vì lẽ đó, Phật răn dạy chúng sanh phải bỏ ác tu thiện, phụng trì kinh pháp như kẻ nghèo đặng của báu.

Trong kinh, đức Phật bảo: “Ta thương các ông, hơn cha mẹ thương.” Vì sao đức Phật lại bảo Ngài thương chúng sanh hơn cha mẹ thương con? Cha mẹ chỉ hạn cuộc trong một đời, còn Phật là cha mẹ trong vô lượng kiếp. Cha mẹ chẳng bình đẳng, Phật thường bình đẳng. Cha mẹ chán ghét đứa con bất hiếu, ngỗ nghịch, Phật thương xót kẻ ác nghịch. Cha mẹ nuôi dưỡng sắc thân, Phật trưởng dưỡng nội tâm. Lại nữa, Phật dùng lòng đại từ bình đẳng trong vô lượng kiếp nuôi dưỡng huệ mạng của chúng sanh, vượt xa khả năng của cha mẹ. Vì thương chúng sanh, nên Phật thuyết pháp lành nhằm giáo hóa, hàng phục những lỗi ác của họ nhằm để tiêu trừ năm điều đau đớn, diệt năm sự thiêu đốt ở nơi họ. Phật khiến cho chúng sanh hành năm điều thiện, bỏ năm điều ác, quay lưng với trần cảnh để trở về với giác ngộ, nhổ tận cội gốc khổ sanh tử để được sự thường lạc vô vi. Do những yếu tố ấy, nên Phật mới nói: “Ta thương các ông, hơn cha mẹ thương.”

Chánh pháp của Phật Thích Ca tồn tại năm trăm năm, Tượng pháp một ngàn năm, Mạt pháp một vạn năm. Khi cả ba thời gian này đã qua thì kinh pháp sẽ bị diệt hết. Như trong kinh Pháp Diệt Tận có nói: Kinh Thủ Lăng Nghiêm sẽ bị diệt mất trước tiên, các kinh khác cũng dần dần diệt mất. Vào lúc đó, nhân dân tà ngụy, tức là những người tham lam, dối trá, dâm tà, giảo quyệt, chỉ biết tự tư tư lợi, sẽ lại nổi lên làm điều ác. Bởi vậy, sự đau đớn, sự thiêu đốt lại càng thêm lừng lẫy, năm sự thiêu đốt, năm sự khổ đau, lâu sau càng thêm nguy ngập. Vì thế Phật dạy ngài Di Lặc Bồ tát cùng hết thảy đại chúng trong pháp hội Đại Thừa Vô Lượng Thọ phải nên “thay nhau, khuyên lơn nhắc nhở, y kinh pháp Phật, chớ nên trái phạm.”

Nếu chúng ta biết vâng lời Phật dạy, thì hãy dùng tâm chân thành, tâm cung kính, tâm thật thà mà buông xả vạn duyên, tự tại chuyên tu một bộ kinh Vô Lượng Thọ, chuyên niệm một câu Phật hiệu “A Di Đà” thì hiện tại ắt sẽ thấy Phật vãng sanh Cực Lạc. Nếu chúng ta đi ngược lại lời Phật dạy, hằng ngày đều khởi tâm tham tài, đắm sắc, sân giận, ngu si, ngã mạn thì sẽ khởi sanh vô tận phiền não. Phiền não trược thuộc về kiến tư hoặc, tức là thấy biết sai lầm. Kiến trược và phiền não trược thuộc về vọng tâm, không phải chân tâm. Vì Chân tâm chính là thanh tịnh bình đẳng giác chân thật, nên cũng không có tham, sân, si, mạn, cũng không có ngã chấp và pháp chấp, thì làm gì có kiến trược và phiền não trược. Kiến trược và phiền não trược đều là do tham, sân, si, mạn, ngã chấp và pháp chấp mà sanh khởi.

Nhưng, làm thế nào để hồi phục chân tâm của chúng ta? Một câu niệm Phật là phương pháp vô cùng hiệu quả, lại rất đơn giản, rất dễ dàng, chỉ cần niệm một câu A Di Đà Phật không hề gián đoạn thì đến một lúc nào đó, chân tâm sẽ tự nhiên hiện ra. Hiện ra được chân tâm rồi thì tâm hoan hỷ tự nhiên sanh khởi và sẽ nắm chắc phần vãng sanh. Khi niềm hỷ lạc lưu lộ ra từ chân tâm, thì chính là đã diệt được khổ. Niềm vui này không phải là do sự kích thích từ bên ngoài hay do ai có thể ban bố cho mình; bởi nó đơn thuần chỉ là niềm vui tự nhiên có sẵn trong nội tâm của mỗi chúng sanh. Khi tâm mình thường sanh hoan hỷ, thì mình tự nhiên trở nên tích cực với mọi công việc hằng ngày đối vật tiếp người; đó mới chính là “pháp hỷ sung mãn.” Đó mới là cảnh giới của minh tâm kiến tánh.

Lão Hòa Thượng Hải Hiền luôn hiện tướng hỷ duyên ra bên ngoài trong mọi hoàn cảnh đối vật, tiếp người. Ngài chẳng bao giờ tỏ ra tướng phiền não, mõi mệt. Vì sao vậy? Bởi ngài đã buông xả “cái ta.” Quên đi “cái ta” thì không còn phiền não, mệt mõi và bệnh hoạn nữa; sức lực dồi dào, tất cả đều tốt cả. Hòa Thượng Hãi Hiền nói “tất cả đều tốt cả” là do vì Ngài đã buông xả được “cái ta.” Buông xả được “cái ta” thì mọi công việc mình làm đều chỉ là vì người khác, chẳng cho riêng mình. Thân thể chúng ta không tốt chỉ là vì không thể buông xả vạn duyên; đạo lý chính là nằm ở chỗ này.

Phiền não trược sanh ra Kiến trược. Kiến trược sanh ra Mạng trược nên mới có các thứ bệnh khổ. Nói cách khác thân bệnh là do tâm bệnh sanh ra. Mạng trược chính là thân thể không khỏe mạnh, thọ mạng ngắn ngủi. Tiếp đó là Chúng sanh trược, tức là chúng sanh xưa nay đã tạo nhiều ác nghiệp: bất kính cha mẹ, coi nhẹ sư trưởng, không kính tin Phật, không kính trọng pháp, không tin nhân quả thiện ác... Vì không tin những điều này, nên không chịu bỏ ác làm thiện, không tu trai giới thanh tịnh. Đây chính là nguyên nhân sanh ra các động loạn và tai biến từ nơi thân thể của mình cho đến trong nhà, ngoài đường, đoàn thể, quốc gia, thế giới. Trong suốt bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông gì hoàn cảnh sống cũng đều rối loạn; đó chính là Chúng sanh trược. Sau cùng hết, Phật nói đến Kiếp trược, tức là thời đại tương lai của chúng sanh trên quả địa này: Khi thọ mạng con người giảm đến ba mươi tuổi, nạn đói nổi lên; khi giảm đến hai mươi tuổi, bệnh dịch nổi lên; khi giảm đến mười tuổi đao binh nổi lên, thế giới chúng sanh đều bị hại, con người ăn nuốt lẫn nhau.

Hiện nay chúng ta đang tiếp cận với thời đại Kiếp trược mà Phật nói trong kinh. Vì sao chúng ta biết ? Hãy quán sát tình hình thế giới thì sẽ tự mình thấy rõ: nạn đói rách, bệnh dịch và chiến tranh đang bắt đầu nổi lên và lan tỏa khắp nơi, ngay trong những quốc gia phú cường cũng có những người đói rách, bệnh tật thì nói chi đến những nước nghèo nàn, lạc hậu. Vì lẽ đó, hơn lúc nào hết, chúng ta phải nhất định vãng sanh Cực Lạc trong đời này. Nếu đời này chúng ta không vãng sanh thì coi như là xong rồi, những đời sau nữa chúng ta không sao tránh khỏi phải bị rơi vào thời Kiếp trược. Nếu tính theo tuổi thọ giảm dần, thì sau bốn ngàn năm nữa là bắt đầu thời Kiếp trược, nạn đói khắp nơi, sau hai ngàn năm nữa ôn dịch khắp nơi, sau một ngàn năm nữa nạn đao binh khởi dậy khắp nơi, người giết người, người ăn thịt người. Vào lúc đó, Phật pháp sẽ không còn tồn tại. Chánh Pháp của Thích Ca Mâu Ni Phật vẫn còn chín ngàn năm nữa. Sau chín ngàn năm, các kinh đạo của Phật đều tận diệt, duy chỉ có kinh Vô Lượng Thọ này trụ thế thêm một trăm nữa, sau một trăm năm nữa kinh này cũng chẳng còn, mà chỉ còn có một câu Phật hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật.” Lúc ấy, người nào niệm một câu Phật hiệu này vẫn được độ thoát. Thế nhưng ngày nay, dù chánh pháp của Phật vẫn còn tại thế, nhưng người thật sự hiểu rõ và tin tưởng pháp môn này càng ngày càng khó, người thật sự làm lại càng ngày càng ít, thì làm sao có thể hy vọng là chín ngàn năm sau sẽ có người biết đến và tin tưởng pháp môn này! Thật sự phải nói là đã khó rồi, lại càng ngày càng khó hơn.

Tám vạn bốn ngàn pháp môn của Phật rốt cùng rồi cũng chỉ duy về có một bộ kinh Vô Lượng Thọ, tất cả các pháp tu của Phật cuối cùng đều quy về một câu “Nam Mô A Di Đà Phật” dẫn về Cực Lạc. Nếu chúng ta biết rõ ràng là như vậy, thì hãy lập tức y theo lời kinh Phật dạy, “Một dạ chuyên niệm A Di Đà Phật cầu sanh Cực Lạc” thì chúng ta chính là “kẻ nghèo đặng của báu” và biết sử dụng của báu ấy, chẳng đến nổi giống như ăn mày trong kinh Pháp Hoa, có viên ngọc quý trong túi áo mà chẳng biết dùng nên mãi mãi vẫn là kẻ bần cùng lang thang, đói rách. Nay, chúng ra được Phật ban cho phần thưởng tốt lành bậc nhất, thế mà không muốn tiếp nhận, thì có khác chi kẻ ăn mày có viên ngọc quý mà không biết giá trị liên thành của nó, nên vứt bỏ nó đi. Nếu kẻ ăn mày chịu nhận phần thưởng quý báu ấy, thì bổng dưng phát tài rồi, đâu còn phải nghèo cùng, ăn xin nữa.

Chúng ta học kinh Vô Lượng Thọ là để hiểu rõ giáo giới của Phật mà tu hành, chớ chẳng phải để tăng trưởng kiến thức, hoặc để bàn luận kiến văn.... Giá trị của của những thứ đó tuy cũng như viên ngọc quý, nhưng nếu chẳng biết đem nó đánh đổi lấy phước, huệ cho chính mình, thì vẫn là vô dụng. Làm thế nào để đánh đổi giáo giới của Phật thành phước, huệ để có thể thật sự hưởng thụ ? Điều quan trọng nhất là phải biết buông xả, thật thà niệm Phật để khai nhập cảnh giới của pháp môn Tịnh độ. Người khai nhập vào kinh Vô Lượng Thọ, nhất định hiện tiền thấy Phật A Di Đà, Quán Âm, Thế Chí, chẳng phải là chuyện nói đùa, chẳng phải là một tuồng kịch!

Di Lặc đại sĩ là đương cơ trong hàng Bồ tát của kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ, nên ngài hiểu được chỗ bí yếu của bản kinh, liền nói lên một câu “Phật đều độ thoát” để cho chúng sanh biết tấm lòng đại từ bình đẳng của Phật mà tín nhận phụng hành kinh giáo này. Ngài Di Lặc đại sĩ kính cẩn nhận lãnh lời răn dạy của Phật, chắp tay kính tạ và khen ngợi đức Như Lai rằng: Người đời hung ác sâu đậm cùng cực như thế mà đức Phật vẫn phát lòng đại từ bình đẳng vô lượng, thường muốn độ thoát những kẻ hung ác cùng cực như thế. Nên nay, chúng con xin vâng, theo lời Phật dạy, không dám trái phạm.

Chỗ bí ẩn của kinh này là: Người hiện tại phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm “A Di Đà Phật” thì tương lai sẽ sanh về Tây Phương, thì ngay trong lúc này cũng đã thuộc vào chánh định tụ, bí mật được bất thoái chuyển nơi quả vị Vô Thượng Bồ Ðề. Đây chính là chỗ ẩn mật của kinh giáo này. Cho nên Phẩm Quyết Chứng Quả Tối Cực của kinh này ghi: “Nếu có thiện nam, nếu có thiện nữ, đã sinh sẽ sinh, thảy đều được trú trong Chánh Ðịnh Tụ, quyết định chứng đặng quả vị Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Tại vì sao thế? Nếu là tà định và bất định tụ, chẳng thấu triệt đặng nhân tối cực đó.” Kinh A Di Ðà cũng nói: “Nếu có kẻ đã phát nguyện, đang phát nguyện, sẽ phát nguyện muốn sanh về cõi Phật A Di Ðà thì những người ấy đều được bất thoái chuyển nơi A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.” Bởi thế, ngài Di Lặc mới thưa là “Phật đều độ thoát” cho hết thảy chúng sanh tín, nhận, phụng hành pháp môn Tịnh độ này.

Sách Di Ðà Yếu Giải viết: “Chẳng luận là chí tâm, tán tâm, hữu tâm, vô tâm, hiểu hay chẳng hiểu, chỉ cần nghe danh hiệu của Phật, danh hiệu của sáu phương Phật và tên kinh này một phen thoảng qua tai thì dẫu cho ngàn vạn kiếp sau, rốt ráo do đấy mà được độ thoát.” Ðây cũng chính là ý chỉ của câu “Phật đều độ thoát.” Chỉ vì một ý chỉ này, mà Ngài Di Lặc đại sĩ đã đại diện cho hết thảy hàm linh trong đời hiện tại và tương lai mà chắp tay bạch Phật rằng: “Chúng con xin vâng theo lời Phật dạy, không dám trái phạm.” Vì thế chúng ta ngày nay cũng đều phải tuân theo ý chỉ của Phật mà chắp tay bạch Phật: “Chúng con xin vâng theo lời Phật dạy, không dám trái phạm.”

Vì sao chúng ta phải vâng theo lời Phật dạy “cầu sanh Tịnh độ”, không được trái phạm ? Vì Tịnh Ðộ là cõi chí thiện. Cầu sanh Tịnh Ðộ là công phu chí thiện. Lại nữa, nếu chẳng tiếp nhận kinh Vô Lượng Thọ này của Phật, y giáo tu hành thì chẳng thể thâm nhập pháp môn Tịnh Ðộ và cũng chẳng viên mãn nổi điều thiện và diệt sạch điều ác. Vì vậy, chúng ta đều phải tuân lời Phật răn dạy, phát Bồ Đề tâm, Tín Nguyện Trì Danh, cầu sanh Tịnh Ðộ!




none

 
 
 

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1411 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự tham dục


Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ


Vua Là Phật, Phật Là Vua


Phật giáo và Con người

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 54.224.52.210 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (410 lượt xem) - Việt Nam (128 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - ... ...