Khó khăn thách thức làm cho cuộc sống trở nên thú vị và chính sự vượt qua thách thức mới làm cho cuộc sống có ý nghĩa. (Challenges are what make life interesting and overcoming them is what makes life meaningful. )Joshua J. Marine
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Thành công là khi bạn đứng dậy nhiều hơn số lần vấp ngã. (Success is falling nine times and getting up ten.)Jon Bon Jovi
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Điều quan trọng không phải vị trí ta đang đứng mà là ở hướng ta đang đi.Sưu tầm
Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Lo lắng không xua tan bất ổn của ngày mai nhưng hủy hoại bình an trong hiện tại. (Worrying doesn’t take away tomorrow’s trouble, it takes away today’s peace.)Unknown
Vết thương thân thể sẽ lành nhưng thương tổn trong tâm hồn sẽ còn mãi suốt đời. (Stab the body and it heals, but injure the heart and the wound lasts a lifetime.)Mineko Iwasaki
Đôi khi ta e ngại về cái giá phải trả để hoàn thiện bản thân, nhưng không biết rằng cái giá của sự không hoàn thiện lại còn đắt hơn!Sưu tầm
Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề bất ổn của mình với cùng những suy nghĩ giống như khi ta đã tạo ra chúng. (We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them.)Albert Einstein

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Người trí thức và đạo Phật »» Xem đối chiếu Anh Việt: Người trí thức và đạo Phật »»

Người trí thức và đạo Phật
»» Xem đối chiếu Anh Việt: Người trí thức và đạo Phật

(Lượt xem: 6.370)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Font chữ:
Font chữ:

Người trí thức và đạo Phật

Trừ ra ở những địa phương mà công cuộc chấn hưng Phật giáo đã tạo được tác dụng sinh hoạt theo chính pháp trên các phương diện giáo dục, xã hội và tâm linh, ở nhiều nơi, nhất là ở thôn quê, mỗi khi nói đến đạo Phật, một số trong chúng ta thường liên tưởng tới những ngôi chùa tối tăm với lối thờ phụng phức tạp và tới những ông thầy quanh năm gõ mõ tụng kinh và đi làm đám ma, đám chay trong làng, trong xóm. Từ gần một trăm năm nay hình bóng của đạo Phật là như thế đối với người trí thức Việt Nam. Cố nhiên có một số người có liên lạc với các tự viện đứng đắn, tiếp xúc được với một ít các vị cao tăng và hiểu được rằng đạo Phật là một sinh hoạt tâm linh rất cao siêu, nhưng số người ấy thực là quá ít. Hình ảnh của đạo Phật Lý Trần chỉ được thấy thấp thoáng mờ ảo qua một vài trang lịch sử, một ít tác phẩm và thơ văn; những tài liệu này cũng ít có ai chú ý tới. Chúng ta chỉ thấy trước mắt một số sinh hoạt tín ngưỡng rất bình dân, rất phức tạp, được mệnh danh là đạo Phật Việt Nam. Thực ra thì đấy chính là hình bóng đích thực của đạo Phật bình dân Việt Nam, và hình bóng ấy mang trong nó tình trạng chậm tiến và lạc hậu của ta về phương diện kỹ thuật, khoa học và xã hội.

Trong kinh Pháp Hoa, giáo lý của Phật được ví với một trận mưa rào thấm nhuần rừng núi đồng ruộng. Tùy theo nhu cầu, các cây lớn cây bé hút lấy nước mát của trận mưa. Nhu cầu tín ngưỡng tầm thường của xã hội bình dân khiến cho xã hội bình dân chỉ tiếp nhận được một phần rất ít giáo lý của đạo Phật, và vì vậy đạo Phật bình dân Việt Nam tiêu biểu một cách nghèo nàn và vô cùng thiếu sót giá trị cao đẹp của Phật học. Khi một bà mẹ mang đứa con tám tháng đến chùa “bán khoán” cho ông thầy và cho Phật, bà mẹ ấy tin tưởng rằng khi đứa bé đã là con của Phật rồi thì ma quỷ không còn dám động tới tánh mạng nó nữa. Nhà chùa cho đứa bé mặc áo có in những chữ Phạn (như là bùa chú) để trấn áp các loại ma quỷ. Khi mà những phương tiện y tế, vệ sinh đang còn thiếu thốn, không bảo đảm được cho sinh mạng đứa bé thì cố nhiên bà mẹ phải tìm tới những bảo đảm của tín ngưỡng. Đạo Phật là đạo từ bi, tại sao sau một lễ cầu an ông thầy lại không cho đứa bé mặc một chiếc áo của Phật để bà mẹ vững lòng tin hơn nơi uy lực huyền diệu của Ngài? Mà thử hỏi các ông thầy chùa làng có cần phải có một trình độ trí thức cao hay không và một khả năng hướng dẫn đời sống tâm linh sâu sắc hay không, khi mà những nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng thì giản dị và tầm thường như thế? Một vị tăng sĩ bác học, chỉ biết dạy tham thiền và giảng kinh Pháp Hoa làm sao có thể sống trong một ngôi chùa bao quanh bởi lớp quần chúng chỉ đòi hỏi những công việc ma chay trừ tà và trị bệnh như thế?

Cho nên muốn đạo Phật được hiển lộ với hết sắc thái cao đẹp của nó, ta phải tìm cách áp dụng cho được đạo Phật một cách sung mãn trong sự sống, và như thế tức là phải làm sao cho quần chúng biết tìm ở đạo Phật sự thỏa mãn những nhu cầu sinh hoạt trí tuệ và tâm linh cần cho sự phát triển toàn vẹn con người của họ chứ không phải chỉ biết tìm ở đạo Phật những an ủi và che chở có tính cách thần bí mà thôi.

Một câu hỏi tự nhiên đến với chúng ta. Làm sao trong điều kiện sinh hoạt kinh tế thấp kém như thế, làm sao trong sinh hoạt trí thức thiếu thốn như thế người dân có thể có được những nhu cầu về sự phát triển con người của họ về phương diện sinh hoạt tâm linh? Bận rộn quá về vấn đề chạy ăn, chạy thuế, chạy thuốc men cho con làm sao họ có thể nghĩ đến chuyện học hỏi giáo lý đạo Phật? Kiến thức thiếu thốn như thế làm sao họ nhận ra rằng sở dĩ con họ bị bệnh không phải là vì tà vì quỷ, mà tại vì họ thiếu những phương pháp trị liệu và bảo vệ sanh mạng cho đứa bé? Họ đang cần ở một ít trấn tĩnh và an ủi thì họ nhận một ít trấn tĩnh và an ủi ở đạo Phật, thế thôi. Đạo Phật phải chỉ cho họ thấy rằng ngoài những nhu cầu trấn tĩnh và trị liệu ấy, họ còn phải tìm ở đạo Phật phương tiện để phát triển sinh hoạt tâm linh, giáo dục, kinh tế và xã hội nữa. Nhưng đạo Phật Việt Nam trong những thời gian gần đây đã không làm được như thế. Vì sao?

Lý do thứ nhất là người trí thức Việt Nam đã bỏ Phật học để theo đòi cái học khoa cử. Ai cũng biết ở các thời đại Lý và Trần, đạo Phật đã đóng vai trò kiến quốc trên các phương diện văn học, đạo đức, nghệ thuật, giáo dục, ngoại giao và xã hội. Đạo Phật trong các thời đại ấy đã thúc đẩy sự tiến lên của xã hội Việt Nam và công trình kia chứng thực sinh lực và khả năng của Phật giáo. Sử chép rằng ở triều Lý giới trí thức bác học nhất trong nước là các nhà Phật học và các thiền sư. Cái học của Phật học lúc đó là cái học để hiểu và để xây dựng, nó không đem lại tước vị cho ai cả. Các thiền sư thường được vua mời vào cung giảng đạo, luận bàn việc văn hóa, kinh tế, xã hội và cả chính trị nữa. Có thiền sư đã được mời đứng ra để tiếp sứ ngoại quốc. Thế nhưng họ vẫn sống đạm bạc nâu sồng trong các tự viện, và chỉ vào cung khi có chỉ triệu mời. Giới trí thức đã nắm được tinh hoa của Phật học (tác phẩm của thời đại chứng tỏ điều ấy) có một nếp sinh hoạt tâm linh phong phú, giải thoát, siêu việt, và đã sử dụng cái học ấy để giúp cho xã hội, từ tinh thần kiến trúc đến công tác từ thiện xã hội. Nhưng từ lúc cái học thi cử bắt đầu được tổ chức, thì tình thế đổi hẳn. Người trí thức của thế hệ kế tiếp nhận thấy ở cái học ấy những phương tiện để bước lên nấc thang phú quý danh vọng. Học kinh Lăng Nghiêm và thực tập tham thiền nhập định không có triển vọng bằng học Luận Ngữ và tập làm văn sách, thi phú. Thế là trí thức Việt Nam bỏ Phật học để theo cái học khoa cử với giấc mộng áo mũ cờ lọng và võng điều võng thắm. Lịch sử ghi lại những dèm pha, những sàm tấu, những công kích đối với thiền sư và thiền môn. Các vị tăng khi không được dùng nữa thì an nhiên trở về tự viện hành đạo, dạy học, ẩn mình, đúng như lời của Tuệ Trung Thượng Sĩ trong bài Phóng cuồng ca:

“Thâm tắc lệ hề, thiển tắc kệ,

Dụng tắc hành hề, xã tắc tàng”

(Thượng Sĩ Ngữ Lục, Việt Nam Phật Điển Tùng San)

Người ta theo cái học mới cả rồi, thế hệ trẻ chen nhau vào cửa Khổng sân Trình cả rồi, nên Thiền môn vắng bóng kẻ sĩ. Chỉ cần một thời gian ba bốn chục năm thôi là cao tăng bác học trở nên thưa thớt lẻ tẻ. Và Phật giáo, thiếu người trí thức, thiếu sự lãnh đạo, rơi xuống cho quần chúng bình dân gìn giữ, bảo vệ. Cũng do đó mà đạo Phật trong các thời đại sau này sẽ bị lấm lem bởi những màu sắc mê tín thần bí phức tạp mà ta còn trông thấy ở nền tín ngưỡng hiện đại. Một số ít các bậc cao tăng không đủ để phát huy nền đạo lý chính pháp trong cả một xã hội khao khát tín ngưỡng như xã hội Việt Nam chúng ta. Và chỉ có những ai có duyên được gặp họ mới thấy được đạo Phật không phải chỉ là một ít nghi lễ để làm thỏa mãn những nhu cầu tín ngưỡng hàng ngày của quần chúng trong thôn lạc.

Lý do thứ hai là số người Phật tử trí thức không biết tìm cách trả đạo Phật lại cho giới trí thức, không biết đánh tan những nhận thức sai lạc của giới trí thức khi họ cho rằng đạo Phật là mê tín thần quyền, là chỉ lo tự lợi, là chán đời, là nhu nhược yếu đuối… không trình bày được đạo Phật cho những người có chí như một lý tưởng cải thiện sinh hoạt xã hội và tâm linh của dân tộc. Điều này có thể là một điều trách cứ quá đáng, bởi vì công việc thì khó mà số lượng các cao tăng và các cư sĩ hiểu Phật thì quá nhỏ bé. Nhưng dù sao quan niệm và phương pháp của họ trong công cuộc duy trì Phật pháp cũng đã thiển cận. Khi người Tây phương mang qua nước ta nền văn minh và cái học của họ, đáng lẽ đạo Phật có thể lấy kỹ thuật mới để phát huy nền đạo học đã bị mai một và chen lấn bởi cái học khoa cử. Bởi vì khi Tây học được thiết lập ở xứ ta, trí thức Việt Nam lại bỏ Nho học mà theo cái học mới, cũng như ngày xưa người ta đã bỏ Phật học để theo Nho học vậy. Cái học ông nghè ông cống bấy giờ hết có hiệu quả nữa rồi, người ta bèn chạy theo cái học ông Phán để buổi tối có rượu sâm banh và buổi sáng có sữa bò. Các nhà nho bị bỏ rơi, lui về vườn, và ta thấy rõ cái cảnh thiền gia và nho gia ngồi uống trà thân mật. Nhà sư cố nhiên bao giờ cũng hoan hỷ, dù là với người ngày xưa đã cho mình về vườn.

Cái chữ nho mà ngày xưa người tăng sĩ thường dùng để học kinh và dạy kinh bấy giờ cũng ít ai chịu học, nên nền Phật học đã ốm yếu lại càng ốm yếu hơn. Thêm vào đó lại có những tôn giáo mới, với lối truyền đạo có phương pháp hơn, công phu hơn và tích cực hơn. Các nhà sư vốn gần gũi với phong trào kháng chiến Cần Vương nên cũng không ưa gì cái học a tròn b méo của người Pháp đem vào. Họ cũng muốn tẩy chay cái thứ văn minh “mất gốc” lúc bấy giờ đang lan tràn như vũ bão, nhất là ở thành thị. Họ không biết thích nghi với thời đại, đem lối văn tự mới để truyền bá Phật học. Trái lại những người tập sự trong các tu viện (điệu) đều chỉ được học chữ Hán. Mãi đến khoảng 1930 mới bắt đầu thấy có các chú điệu được học quốc ngữ.

Cố nhiên Phật học phải suy đồi một cách thảm hại khi mà một mặt, thế hệ những người thâm hiểu Hán văn tàn dần, một mặt, lớp người muốn học quốc văn bị cấm đoán, không được khuyến khích. Thế kỷ vừa qua thực đã mang lại quá nhiều đen tối cho Phật giáo, nếu mà không có phong trào chấn hưng Phật học khởi mở từ khoảng 1930 dưới ảnh hưởng của phong trào Phật học Trung Hoa do Thái Hư đại sư lãnh đạo.

Công cuộc chấn hưng Phật giáo đã vấp phải những trở ngại lớn lao. Một mặt, lớp người Phật tử trí thức làm cán bộ thì thiếu thốn; mặt khác, công việc va chạm sự khó khăn nghi kỵ của chính quyền; mặt khác nữa không có cơ sở tài chính: mọi cố gắng phần nhiều dựa trên phương tiện của một số các người hơi dư dật được mệnh danh là có tâm đạo và thực ra là có nhiều đòi hỏi tín ngưỡng không cần cho chánh pháp lắm như tô tượng, đúc chuông, đàn trai, chẩn tế… Cho nên mãi đến nầy sau bao nhiêu cố gắng, đạo Phật vẫn chưa tự thực hiện được phong độ ngày xưa. Một số rất đông thanh niên và trí thức mê say Tây phương vẫn không có được một ý niệm về giá trị Phật học, mỗi khi nghe nói đến đạo Phật vẫn nghĩ đến những hình thái lễ bái tín ngưỡng tiêu cực, những lề lối sinh hoạt yếm thế.

Cuộc biến động lịch sử vừa qua đã lay chuyển được trí thức trẻ tuổi Việt Nam. Tinh thần vô úy, hy sinh, thương yêu của đạo Phật được thể hiện chói rạng nơi Hòa thượng Quảng Đức, nơi lớp người hiền lành nhưng cương quyết khi họ đứng dậy cho tự do và ngã xuống cho tự do. Một số những người bạn trẻ bàng hoàng tỉnh thức: họ không dám nghĩ rằng cái hình ảnh họ tạo ra trong trí họ là đạo Phật nữa. Họ hé thấy ở đạo Phật một cái gì không phải yếm thế, tiêu cực. Thì ra trong cái hình thức cũ kỹ và tầm thường ấy có một viên ngọc nội dung vô cùng giá trị. Sự hưởng ứng và phong trào học Phật của người trí thức và thanh niên ngày nay chứng tỏ sự hé thấy đó.

Cuộc vận động của toàn dân sở dĩ thành công là vì chúng ta đã khai triển được đức vô úy, tình thương yêu, sự hy sinh, những gì được coi như là nắm trong phần nội dung đẹp đẽ của đạo Phật. Đó là những tia sáng đầu chiếu xuyên ra ngoài cái vỏ hình thức cũ kỹ và tầm thường. Nếu lấy được viên ngọc đó ra hẳn ngoài ánh sáng, thì ta sẽ trở nên vô cùng giàu có.

Nhân đây tôi xin nhắc lại câu chuyện viên ngọc quý trong kinh Pháp Hoa. Một vị trưởng giả triệu phú kia biết rằng đứa con trai mình vì tánh tiêu xài phung phí nên có thể làm tán gia bại sản ngay trong một thời gian ngắn sau khi ông qua đời. Ông liền lấy cái áo của đứa con, cái áo mà ông dặn đứa con sẽ mang theo suốt đời, rạch gấu áo và giấu vào đấy một viên ngọc bảo châu quý giá vô ngần. Quả nhiên sau khi ông mất, đứa con phá sản trong một thời gian rất ngắn, và sau khi bị bạn bè hất hủi liền đi tha phương cầu thực, đói lạnh khổ sở tháng này sang năm khác. Một hôm khám phá ra được viên ngọc trong gấu áo, đứa con liền trở thành giàu có sung sướng như xưa. Viên ngọc kia, trong trường hợp Việt Nam, mà cũng là trường hợp của Á châu nữa, là tiềm lực và khả năng của đạo Phật nằm sâu trong lớp hình thức cũ kỹ và tầm thường của những nhu cầu tín ngưỡng bình dân. Viên ngọc đó đã hơn một lần lóe cho ta thấy ánh sáng của nó. Tình trạng của chúng ta hiện cũng là tình trạng của đứa con nghèo khổ tha phương khất thực không nơi nương tựa, không có một cái gì nữa để tin vào mà sống.

Gần một thế kỷ mất nước. Hai mươi năm chiến họa liên miên; anh em một nhà giết nhau vì chủ nghĩa, vì đảng phái. Văn minh Tây phương gây xáo động và thác loạn. Đạo lý cổ truyền bất lực vì không thoát xác nổi. Tôn giáo lấm lem chính trị. Bạo lực đảng phái gây chia rẽ, căm thù, cuồng tín. Hứa hẹn ngàn chuyện nhưng không thực hiện được một. Người thanh niên sinh ra chán nản nghi ngờ, liều lĩnh, đi tìm quên lãng trong khói thuốc, tiếng ca, men rượu. Chúng ta lâm vào tình trạng cơ cực nghèo khổ còn chua xót gấp mấy lần đứa con phung phí của người trưởng giả trong kinh Pháp Hoa. Dân tộc Việt Nam, có dư can đảm để chịu đựng khổ đau nhưng khổ đau phải là khổ đau vì một cái gì. Phải có một cái gì để làm đối tượng cho sự quy hướng đức tin. Nếu bạo lực, căm thù, cuồng tín đã thất bại thì chỉ còn có tình thương, sự hy sinh và thái độ không cố chấp mới có thể xây dựng lại cuộc sống. Mà tình thương sự hy sinh và thái độ không cố chấp ấy ở đạo Phật vốn không phải là những trang sức hình thức: nó nằm trong tận cùng bề sâu của đạo Phật, nó là bản chất của đạo Phật. Nó chính là viên bảo châu quý giá.

Thực ra những chất liệu quý giá kia đã được phát sinh và nuôi dưỡng bởi công trình thực nghiệm và sinh hoạt tâm linh của đức Phật và của con người. Qua những biến cố và kinh nghiệm trong lịch sử, và nhất là qua cuộc tranh đấu vừa rồi của toàn dân, ta biết đến sự hiện hữu của viên ngọc quý giá đó. Tuy nhiên, nó đang nằm sâu trong lớp áo rách, phải làm thế nào để đem nó ra cho được thì ta mới thoát khỏi trạng thái cùng khổ hiện nay. Tất cả sự khó khăn là ở chỗ đó.

Trong những năm tháng tha phương cầu thực, đứa con cùng khổ tuy mang viên ngọc quý trong áo nhưng vẫn không biết không hay. Mà dù nếu có biết rằng viên ngọc đang nằm trong túi áo nhưng không lấy được nó ra thì đứa con cũng chưa có thể gọi là thực sự giàu có. Chúng ta cũng vậy, nếu chỉ bằng lòng với ý tưởng rằng chúng ta có viên ngọc, mà không chịu nỗ lực để làm hiển lộ nó – hiển lộ tiềm lực và khả năng đạo Phật – thì chúng ta vẫn chưa là thực sự giàu có. Và công việc đòi hỏi tất cả chúng ta – những người giữ ngọc – một thái độ khiêm tốn, một tinh thần cấp cứu, một ý chí cương quyết thực hiện. Phải trở lại với đạo Phật, phải trả đạo Phật về cho trí thức và thanh niên, phải xây dựng lại nền Phật học, phải đem nền học ấy ra áp dụng trong sinh hoạt tâm linh, áp dụng trong mọi sinh hoạt văn hóa, kinh tế, mỹ thuật, xã hội… như các nhà Phật học xưa kia đã thực hiện và đã thành công trong xã hội Lý Trần.

(Trích: Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời
Thích Nhất Hạnh NXB Lá Bối – Sài Gòn 1964)




none

none

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1411 chương »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chắp tay lạy người


Cẩm nang phóng sinh


Học Phật Đúng Pháp


Người chết đi về đâu

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.239.59.193 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (410 lượt xem) - Việt Nam (129 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - ... ...