Nếu tiền bạc không được dùng để phục vụ cho bạn, nó sẽ trở thành ông chủ. Những kẻ tham lam không sở hữu tài sản, vì có thể nói là tài sản sở hữu họ. (If money be not thy servant, it will be thy master. The covetous man cannot so properly be said to possess wealth, as that may be said to possess him. )Francis Bacon
Bất lương không phải là tin hay không tin, mà bất lương là khi một người xác nhận rằng họ tin vào một điều mà thực sự họ không hề tin. (Infidelity does not consist in believing, or in disbelieving, it consists in professing to believe what he does not believe.)Thomas Paine
Chỉ có một hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này là yêu thương và được yêu thương. (There is only one happiness in this life, to love and be loved.)George Sand
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Sự hiểu biết là chưa đủ, chúng ta cần phải biết ứng dụng. Sự nhiệt tình là chưa đủ, chúng ta cần phải bắt tay vào việc. (Knowing is not enough; we must apply. Willing is not enough; we must do.)Johann Wolfgang von Goethe
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Người khôn ngoan chỉ nói khi có điều cần nói, kẻ ngu ngốc thì nói ra vì họ buộc phải nói. (Wise men speak because they have something to say; fools because they have to say something. )Plato
Hãy học cách vui thích với những gì bạn có trong khi theo đuổi tất cả những gì bạn muốn. (Learn how to be happy with what you have while you pursue all that you want. )Jim Rohn
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Duyên khởi giảng giải Cảm ứng thiên »» Duyên khởi giảng giải Cảm ứng thiên »»

Duyên khởi giảng giải Cảm ứng thiên
»» Duyên khởi giảng giải Cảm ứng thiên

(Lượt xem: 8.341)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Văn học Phật giáo - Duyên khởi giảng giải Cảm ứng thiên

Font chữ:

(Giảng ngày 11 tháng 5 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 1, số lưu trữ: 19-012-0001)

Thưa quý vị đồng học!

Mới đây có một số vị đồng tu yêu cầu tôi giảng lại bản văn “Thái Thượng Cảm ứng thiên”, hy vọng có thể phát sóng qua đài truyền hình. Làm được như vậy rất tốt, nhưng việc giảng lại lần nữa phải mất nhiều thời gian. Tại đây chúng ta vừa khai giảng các bộ kinh Hoa Nghiêm, kinh Vô Lượng Thọ và kinh Địa Tạng. Cùng lúc giảng giải cả ba bộ kinh như vậy đã nhiều rồi, nay tăng thêm nữa tôi e là quá nặng. Nhưng suy đi tính lại, tôi dự định sẽ tận dụng thời gian sáng sớm để giảng khoảng nửa giờ, trong hai đến ba tháng có thể hoàn tất trọn vẹn phần giảng giải này.

Trong thực tế, khóa giảng này cực kỳ quan trọng và thiết yếu. Hồi cuối triều Thanh, đầu thời Dân quốc, Đại sư Ấn Quang đặc biệt đề cao pháp tu này. Những năm ấy, Đại sư đang ở núi Phổ Đà, quan Tri huyện Định Hải bấy giờ lên núi lễ kính, thỉnh Đại sư đến huyện Định Hải giảng kinh thuyết pháp. Đại sư vốn người Thiểm Tây, phát âm rất nặng, nên đối với cư dân địa phương có sự khác biệt trở ngại về ngôn ngữ, liền nhờ một vị Pháp sư đến Định Hải giảng kinh.

Vị Pháp sư ấy đến Định Hải giảng kinh gì? Dường như là Âm chất văn của Văn Xương Đế quân. Tôi xem văn bản thấy được tư liệu này thì hết sức kinh ngạc. Một vị quan đứng đầu địa phương cung thỉnh pháp sư giảng kinh, ngài đến đó không giảng kinh Phật, mà lại giảng kinh văn của Đạo giáo!

Đặc biệt hơn nữa, Đại sư Ấn Quang suốt một đời hết sức đề cao những bản văn thuộc loại như Liễu Phàm tứ huấn, Cảm ứng thiên... Vì thế mà ngài phải nhận rất nhiều sự phê phán của người đương thời cũng như đời sau, nhưng hết thảy phê phán đều là dựa trên chỗ thấy biết của người phàm tục.

Trên phương diện Phật pháp, tôi tin là rất nhiều vị đồng tu đều đã biết qua câu này: “Viên nhân thuyết pháp, vô pháp bất viên” (Người hiểu đạo thuyết pháp, dù nói pháp nào cũng không khiếm khuyết.) Lại có câu: “Vô nhất pháp bất thị Phật pháp.” (Không một pháp nào không là Phật pháp.) Quý vị thử suy ngẫm xem, hai câu ấy có ý nghĩa gì? Trong thực tế, các pháp thế gian với pháp Phật do đâu mà phân biệt? Là do tâm của quý vị. Trong các pháp không hề có thế gian hay xuất thế gian. Không hề có! Đều là do trong tâm quý vị phân biệt. Nếu trong tâm quý vị có sự vướng mắc phân biệt vọng tưởng thì đó gọi là pháp thế gian, dù quý vị học kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm cũng là pháp thế gian. Vì sao vậy? Vì không ra ngoài Ba cõi. Nếu như quả thật lìa khỏi sự vướng mắc phân biệt vọng tưởng, xin thưa với quý vị rằng hết thảy các pháp đều sẽ là thấu triệt sinh tử, ra ngoài Ba cõi. Vì thế, không một pháp nào không là Phật pháp. Chúng ta cần phải hiểu thật rõ ràng ý nghĩa đó.

Hôm qua khi tôi viếng thăm [các tín hữu] đạo Thiên Chúa, có người hỏi tôi rằng, đạo Thiên Chúa giảng về linh hồn so với đạo Phật giảng về pháp tánh thì khác biệt thế nào? Tôi chỉ đơn giản bảo người ấy rằng, nếu có vướng mắc phân biệt thì gọi là linh hồn, không có vướng mắc phân biệt thì gọi là pháp tánh. Người ấy liền lập tức nhận hiểu, thể hội được vấn đề.

Như vậy, [linh hồn với pháp tánh] là một hay không phải một? Chỉ là một thôi. Nhưng một đàng thì có vướng mắc phân biệt, một đàng thì lìa khỏi vướng mắc phân biệt. Có vướng mắc phân biệt thì hết thảy các pháp đều chướng ngại; lìa khỏi vướng mắc phân biệt thì muôn pháp đều trọn vẹn dung thông. Vì thế cần thấu hiểu được rằng, hết thảy chúng sinh trong pháp giới hư không đều cùng một pháp tánh, kinh Hoa Nghiêm gọi đó là pháp thân: “Thập phương tam thế Phật, cộng đồng nhất pháp thân.” (Ba đời mười phương Phật, đều cùng một pháp thân.) Câu này thì quý vị đều nghe rất quen thuộc rồi. Quý vị suy ngẫm xem, đã cùng một pháp thân thì có pháp nào lại không là pháp Phật? Bài văn Cảm ứng thiên lẽ nào là ngoại lệ? Cho nên cũng là pháp Phật. Huống chi, các bài Cảm ứng thiên với Âm chất văn, từ đầu đến cuối mỗi chữ mỗi câu đều là giảng rõ về Năm giới và Mười nghiệp lành.

Năm giới và Mười nghiệp lành là pháp căn bản trong nhà Phật. Những ai lìa khỏi Năm giới và Mười nghiệp lành là rơi vào tà đạo. Bất luận quý vị tu học theo pháp môn nào, dù là người mới học hay đã chứng A-la-hán, cho đến Bồ Tát Đẳng Giác, nếu lìa khỏi Năm giới và Mười nghiệp lành thì đã rơi vào tà đạo, sao có thể gọi là pháp Phật?

Nếu muốn giảng giải Năm giới và Mười nghiệp lành cho trọn vẹn và thực tiễn, thì các bài Cảm ứng thiên với Âm chất văn chính là tài liệu giảng dạy rất tốt, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Đại sư Ấn Quang đã nói hết sức rõ ràng, thế giới ngày nay nhiều loạn động, nhiều tai nạn, nếu muốn cứu vãn chỉ có một phương pháp là kêu gọi tất cả chúng sinh hãy tỉnh ngộ, thấu hiểu đạo chân chánh, dứt điều ác, làm điều thiện. Như vậy thì mọi tai ương cho dù không hóa giải hoàn toàn cũng sẽ được giảm nhẹ, rút ngắn được thời gian tai kiếp. Mà điều này thì chắc chắn là có thể làm được.

Có vị đồng tu ở Đài Loan hỏi tôi, trong đại kiếp nạn này liệu Đài Loan có thoát được chăng? Tôi bảo người ấy chắc chắn là được. Người Đài Loan tạo tội rất nặng, nhưng quý vị thử suy ngẫm xem, họ bắt đầu tạo tội từ khi nào? Bất quá cũng chỉ từ 20 năm gần đây thôi. Quý vị nghĩ xem, trước đây 20 năm người Đài Loan hết sức có khuôn phép, giữ theo luật pháp. Nhìn ngược lại 30 năm trước, phong khí Đài Loan có thể nói là tốt đẹp nhất Đông Nam Á, lòng người chơn chất, hiền lương. Người Đài Loan tạo tội chỉ trong 20 năm gần đây, khiến phong khí xã hội hoàn toàn thay đổi. Nhưng dù vậy, số người tạo tội cũng không quá nhiều, mà thời gian cũng không quá lâu. Huống chi ở Đài Loan số người niệm Phật rất nhiều, người có thiện tâm cũng rất nhiều. Cho nên dù gặp kiếp nạn, cũng sẽ không quá lớn.

Người Nhật Bản tạo tội rất nặng, có thể nói là hết sức nặng. Trong tương lai khi đại nạn đến, họ phải nhận lãnh quả báo gấp chục lần người Đài Loan hoặc hơn thế nữa. Chúng ta theo như nghĩa lý trong Cảm ứng thiên mà giảng giải thì người gieo nhân lành sẽ gặt quả tốt, người làm việc ác phải chịu quả xấu, đó là lẽ cảm ứng chân thật.

Cho nên, Tổ Ấn Quang hết sức đề cao ba bản văn [Liễu Phàm tứ huấn, Cảm ứng thiên và Âm chất văn]. Đó chính là trí tuệ chân thật, cứu vãn được kiếp nạn của thế giới. Đại sư suốt một đời hết sức nêu cao việc này, mà người chân chánh thấu hiểu được lại không nhiều lắm. Sau khi Tổ Ấn Quang đã vãng sinh rồi, người có khả năng tiếp tục truyền rộng những điều này lại càng quá ít.

Năm 1977, tôi nhận lời mời của các đồng tu, lần đầu tiên đến Hương Cảng (Hongkong) giảng kinh Lăng Nghiêm. Khi ấy tôi ở lại lâu đến bốn tháng. Trong hai tháng đầu tôi ở tại Cửu Long, nơi thư viện Trung Hoa Phật Giáo của Lão pháp sư Đàm Hư. Hai tháng sau thì ở tại đạo tràng của Lão Hòa thượng Thọ Dã và Giảng đường Quang Minh của Lam Đường Đạo.

Khi ở chỗ thư viện, tôi thấy nơi đây thu thập được rất nhiều những kinh sách do Hoằng Hóa Xã của Đại sư Ấn Quang xuất bản. Tôi với Đại sư có quan hệ hết sức mật thiết, là quan hệ truyền thừa tiếp nối, vì thầy tôi là Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam vốn là học trò của Đại sư. Do đó, bản thân tôi đối với những lời khuyên dạy của ngài, cũng như những Kinh sách do Hoằng Hóa Xã xuất bản, đều tự nhiên có cảm tình rất sâu sắc. Những kinh sách của Hoằng Hóa Xã được thu thập trong thư viện nhỏ này, tôi đều xem qua toàn bộ, thấy có ba quyển được in nhiều nhất, hình thức in đẹp nhất. Đó là các sách Cảm ứng thiên hội biên, An Sĩ toàn thư và Liễu Phàm tứ huấn.

Thư viện Trung Hoa Phật Giáo lưu giữ những sách này với số lượng khá nhiều, tôi liền chọn trong những ấn bản khác nhau, lấy ra mỗi loại một quyển mang về Đài Loan. Khi nhìn vào những trang bản quyền cuối sách thì biết rằng ba tên sách này được in ra nhiều lần, mỗi lần in ít nhất là 10.000 quyển, nhiều nhất thì lên đến 50.000 quyển. Vậy cả thảy đã in bao nhiêu lần? Có đến mấy chục lần! Tôi làm một thống kê sơ lược thì thấy ba tên sách này có số lượng đã in vượt quá ba triệu quyển. Điều này khiến tôi hết sức kinh ngạc. Các sách do Hoằng Hóa Xã xuất bản, mỗi tên sách đều vào khoảng một ngàn, hai ngàn quyển, vì sao ba tên sách này được in nhiều đến thế?

Điều này khiến tôi phải chú ý, rồi lặng lẽ suy ngẫm thật kỹ mới hiểu ra rằng, Tổ Ấn Quang hết lòng muốn cứu vớt tai ương cho đời, cứu vớt kiếp nạn, [ngài tin rằng lưu hành] ba tựa sách này là rất tốt.

Ngày nay, ở những hiệu sách khắp nơi, các vị đồng học đều có thể tìm thấy [sách nói về] những lời tiên tri, dự báo từ thuở xưa của phương Tây. Có rất nhiều sách khác nhau. Tôi đã xem qua đến mười mấy quyển, thảy đều nói rằng năm 1999 là thời điểm cuối cùng của thế giới, với một đại nạn mang tính hủy diệt và kéo dài, đại khái phải đến hơn vài chục năm. Quãng thời gian này bắt đầu từ năm 1990, cho nên phải qua đến sau năm 2010 mới có thể xem là tai qua nạn khỏi.

Những sách như vậy của phương Tây chỉ nói là có tai nạn xảy ra, rằng do con người làm nhiều việc xấu ác, Thượng đế muốn dạy dỗ uốn nắn nên phải trừng phạt người đời, muốn đem cả thế giới này làm mới lại từ đầu. Hết thảy đều là theo luận thuyết “túc mạng” hay số phận an bày, khác xa với các sách như Liễu Phàm tứ huấn, Cảm ứng thiên, vì trong những sách này đề ra phương thức cứu vãn, còn các sách của phương Tây chỉ nói đến kiếp nạn mà không đề ra biện pháp gì để cứu vãn.

Trong số những tiên tri dự báo của phương Tây có một phần nằm trong Thánh kinh, so ra có sự sáng suốt hơn, vì trong đó đi đến kết luận cuối cùng là do nơi lòng người. Nếu lòng người có thể thay đổi, hướng về điều lành, thì kiếp nạn này có thể được hóa giải. Nhưng cũng chỉ nói chung chung vậy thôi, còn việc thay đổi cụ thể thế nào, dứt ác làm thiện ra sao thì không thấy nói rõ. Thật là khác xa với ba quyển [Liễu Phàm tứ huấn, Cảm ứng thiên và An Sĩ toàn thư,] vì trong ba sách này giảng rõ mọi điều thấu triệt, dù nói về lý lẽ hay sự tướng cũng đều hết sức thấu triệt.

Nói thật thì chúng ta hiểu ra những điều này quá muộn, có lẽ cũng vì chúng sinh thế giới này phước báo khác biệt. Vì sao nói rằng chúng ta hiểu ra quá muộn? Chưa từng có ai đem những sách này dịch sang ngoại ngữ để lưu hành trên toàn thế giới, vì không hiểu được tầm quan trọng, thiết yếu của việc này. Nếu như ba quyển sách này đều được dịch sang nhiều ngôn ngữ trên thế giới, đều được lưu hành rộng rãi khắp nơi, thì nơi nơi đều sẽ được tốt đẹp. Đó là vì chúng ta không hiểu biết, nay hiểu ra được thì không còn kịp nữa. Đó thật là “mất bò mới lo sửa chuồng”, nhưng vẫn phải làm thôi. Hy vọng mọi người đều phát tâm, chúng ta cùng khởi xướng việc này, đem hết khả năng chuyển dịch những sách này ra nhiều ngoại ngữ để lưu hành trên khắp thế giới, khiến cho những ai hữu duyên đọc được đều có phúc lành. Hơn nữa, chúng ta còn có trách nhiệm và sứ mạng phải khuyên bảo khuyến khích mọi người tụng đọc, gìn giữ làm theo những lời dạy trong sách, không chỉ để chuyển biến nghiệp báo tự thân, mà còn giúp cho xã hội được bình yên, ổn định, giúp cho chúng sinh trên toàn thế giới được tai qua nạn khỏi.

Trong vòng một năm sau khi từ Hương Cảng trở về, tôi đề xướng việc in ấn sách Cảm ứng thiên hội biên lần thứ nhất, đến nay đã in rất nhiều lần, tổng cộng được khoảng gần 100.000 quyển, cho dù năng lực của tôi rất hạn chế.

Với các sách Cảm ứng thiên hội biên, An Sĩ toàn thư và Liễu Phàm tứ huấn, tôi ở Đài Loan đề xướng việc phiên dịch, in ấn lưu hành. Hơn nữa, các sách này đều được tôi giảng giải qua rất nhiều lần, cũng không nhớ rõ bao nhiêu lần. Quyển Cảm ứng thiên tôi dùng để giảng giải khi trước, bên trong mỗi trang đều có ghi chú bên lề, những chỗ quan trọng đều có đánh dấu. Cách đây mấy hôm, khi đồng tu yêu cầu giảng [sách này], tôi liền tìm kiếm quyển sách đã giảng trước đây. Tìm ra được thì bớt việc, vì đến lúc giảng giải không cần phải chuẩn bị lại.

Hy vọng chư vị đồng tu xem trọng việc này, thực sự dứt trừ hết thảy các việc xấu ác, tu tập hết thảy việc lành. [Nên ghi nhớ,] Tổ Ấn Quang dùng ba quyển sách này để bổ sung vào những chỗ thiếu sót trong giới hạnh của chúng ta.

Về pháp môn niệm Phật, các bậc tổ sư, đại đức thường dạy bảo khuyến khích chúng ta “trì giới niệm Phật”. Niệm Phật mà không giữ giới luật, không làm việc thiện thì không thể vãng sanh. Người xưa từng nói: “Miệng niệm Di-đà tâm tán loạn, cho dù lớn tiếng uổng công thôi.” Cho nên, điều quan trọng, thiết yếu nhất là phải giữ lòng lành, nói lời lành, làm việc lành. Kết luận cuối cùng trong Cảm ứng thiên cũng là như vậy. Nếu quý vị giữ được thân, khẩu, ý đều hiền thiện, thì theo như trong Cảm ứng thiên, quý vị sẽ được thiện thần bảo vệ, giúp đỡ. Tịnh Độ tông thì dạy rằng như vậy quý vị niệm Phật nhất định sẽ vãng sanh. Thế gian hiện nay rất nhiều tai nạn, nên ví như chúng ta gặp phải tai nạn cũng không cần phải sợ sệt.

Hôm qua, tôi viếng thăm viện dưỡng lão, gặp khoảng hơn 20 người già mắc bệnh ung thư thời kỳ cuối. Tôi bảo các nữ tu trong viện rằng, cần mang đến hy vọng cho những người già này, đừng mang bi thương đến cho họ; phải dùng tôn giáo để giáo dục, mở ra con đường cho họ. [Nên khuyên bảo họ rằng,] con người thật ra không có chết đi, sống chết là chuyện bình thường, chỉ là chuyển đổi sang hoàn cảnh khác mà thôi. Khi họ thay đổi được quan niệm như thế thì đối với chuyện sống chết họ sẽ thấy không còn quan trọng, trong lòng sẽ được bình yên, tĩnh lặng. Như thế là giải tỏa được vướng mắc để chuyển sang một hoàn cảnh tốt đẹp hơn, một sinh hoạt tốt đẹp hơn.

Cho nên, sự giáo dục của tôn giáo là hết sức quan trọng, thiết yếu. Khi mọi người quan tâm đến trẻ em, đối với những trẻ khuyết tật đều có sự chăm sóc giúp đỡ đặc biệt. Với người già cũng cần phải chăm sóc giúp đỡ đặc biệt như thế, sao có thể thờ ơ xem nhẹ? Người già phải có cách chỉ bày đặc biệt, phải thường trò chuyện, thăm hỏi, an ủi họ. Điều này cũng quan trọng, thiết yếu như việc dạy dỗ trẻ em. Phải có người thường xuyên giảng nói, mang đạo lý quan trọng này giảng giải cho họ, giúp họ thoát khỏi sự đau đớn khổ sở vì [nỗi lo] sống chết. Với người học Phật thì nhất định phải khuyên bảo họ cầu sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc. Với những tín đồ Thiên Chúa giáo, Cơ Đốc giáo, hãy khuyên bảo họ nhất định phải cầu lên thiên đường. Cõi trời so với cõi người tốt đẹp hơn nhiều. Như thế là giáo dục, không chỉ chăm chăm lo việc giúp đỡ đời sống vật chất, mà đối với đời sống tinh thần cũng nhất định không để họ thiếu thốn.

Chuyện vui chơi giải trí cũng cần tăng thêm. Hôm qua, các nữ tu bảo tôi rằng, những người phụ trách việc giải trí có mời một số thanh niên đến đây ca hát, phục vụ các cụ, nhưng họ không thích nghe. Tôi nói, đó là lẽ đương nhiên, người già nghe loại âm nhạc thời nay chỉ chán ghét thôi, sao có thể nghe được? Quý vị phải hiểu được tâm lý của người già, phải dùng loại âm nhạc của 30 năm trước, thì họ sẽ thích nghe, hoặc những bài hát của 40 năm trước, có người nghe qua liền nhớ lại lúc còn trẻ họ đã hát, trong lòng ắt có cảm xúc. Tất nhiên không thể [người nào cũng] giống hệt như nhau.

Nghe tôi nói rồi họ mới nghĩ lại. Tôi bảo, quý vị cần phải tìm kiếm nhiều loại. Những điệu múa ngày nay người già không thích xem, phải cho họ xem các vở diễn Triều Châu, các tuồng tích xưa, thì họ sẽ vui thích. Các cụ là người của thời xưa, quý vị phải dùng những thứ thời xưa thì họ đáp ứng ngay. Cho nên, chúng ta phải chú tâm, phải thường xuyên trò chuyện với người già, xem họ vui thích chuyện gì, hy vọng những gì, ta mới có thể thay họ mà lo liệu. Như thế mới đúng là chăm sóc, lo lắng cho người già, giúp người già mở mang tâm ý, được sống thoải mái tự do. Chúng ta làm được như vậy mới hết trách nhiệm.

Chúng ta phải hết sức tìm kiếm những bài hát xưa, những vở diễn xưa, những băng ghi hình... Tìm được rồi thì mang đến tặng cho các cụ. Trong số các cụ có rất nhiều người Trung quốc. Những việc làm như vậy có thể nói đích thực là dứt ác, làm thiện.

Hôm nay tôi thấy rất nhiều người trong quý vị đã có tập sách Cảm ứng thiên khổ nhỏ này. Mọi người sử dụng bản in nhỏ gọn như vậy là rất tốt. Tôi vừa xem qua, thấy bản này in ra 1.000 quyển, như vậy là quá ít. Bản này nhỏ gọn, dùng tụng đọc tốt, rất thuận tiện mang theo để thường xuyên đọc. Phần sau lại có cả Âm chất văn của Văn Xương Đế quân. Cả hai bản văn nằm trong một quyển, thật là một quyển sách nhỏ gọn hết sức lý tưởng.

Trong khoảng nửa giờ buổi sáng sớm của thời gian từ hai đến ba tháng tới, chúng ta sẽ cùng nhau nghiên cứu quyển sách nhỏ này.

Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây thôi.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 1411 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Người chết đi về đâu


Hương lúa chùa quê - Phần 1: Hồi ký của Hòa thượng Thích Bảo Lạc


Kinh Phổ Môn


Kinh Đại Bát Niết-bàn - Tập 2

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 44.222.149.13 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (410 lượt xem) - Việt Nam (129 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - ... ...