Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Thành công có nghĩa là đóng góp nhiều hơn cho cuộc đời so với những gì cuộc đời mang đến cho bạn. (To do more for the world than the world does for you, that is success. )Henry Ford
Hãy sống tốt bất cứ khi nào có thể, và điều đó ai cũng làm được cả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Một người chưa từng mắc lỗi là chưa từng thử qua bất cứ điều gì mới mẻ. (A person who never made a mistake never tried anything new.)Albert Einstein
Hoàn cảnh không quyết định nơi bạn đi đến mà chỉ xác định nơi bạn khởi đầu. (Your present circumstances don't determine where you can go; they merely determine where you start.)Nido Qubein
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi có thể điều chỉnh cánh buồm để luôn đi đến đích. (I can't change the direction of the wind, but I can adjust my sails to always reach my destination.)Jimmy Dean
Kẻ yếu ớt không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh mẽ. (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong.)Mahatma Gandhi
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Năng lượng tâm và nền văn minh tự hủy »» Năng lượng tâm và nền văn minh tự hủy »»

Năng lượng tâm và nền văn minh tự hủy
»» Năng lượng tâm và nền văn minh tự hủy

(Lượt xem: 6.663)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Năng lượng tâm và nền văn minh tự hủy

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Thời-không vũ trụ chứa hàng triệu, tỉ, hàng ức cho đến không máy móc nào đếm hằng hà sa số hành tinh như trái đất mới biết con người là một sinh thể gần như bằng không. Nhưng vấn đề ở chỗ, con người vốn siêu việt, câu thông với vũ trụ, chứa thông tin vũ trụ và do đó sự tồn tại của vũ trụ có liên đới trực tiếp với con người. Chân lý tối thượng này mấy ngàn năm trước từ một con người bình thường đã phát hiện thông qua sự giác ngộ toàn triệt - đó là Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Cho đến khoảng ba mươi năm trở lại đây, ngành khoa học tiên phong Vật lý lượng tử đã phần nào nhìn ra, khiến cho lời Phật thêm phần chói sáng; chứng minh tuyệt đối kinh Phật chẳng những là triết học mà còn là khoa học siêu vượt. Cũng đi đến một kết luận đặc biệt quan trọng: Hễ ai nói chỉ tin khoa học, không tin Phật giáo, họ hoàn toàn chưa tiếp cận đến nền khoa học đang dấn mình về phía hư không đầy hấp dẫn.

Từ sự thấu triệt chân tướng vũ trụ nhân sinh, Đức Phật thuyết lại không thêm bớt. Một khi các nhà thiên văn học biết vũ trụ rộng lớn nhường nào, sẽ dần hiểu những ẩn nghĩa siêu hình trong kinh Phật. Siêu hình ở đây là siêu quá, vượt khỏi lối kiến giải thông thường. Thử nghiệm câu trong Bát nhã Tâm kinh: “Sắc tức thị không”. Sắc, hiểu thô là vật chất; đã vật chất sao lại không? Nói như giỡn chơi. Phải đến lúc khoa học phát triển, cùng với việc chia chẻ vật chất ra điện tử, trung tử, quang tử, lượng tử, cho đến hạt cơ bản, mới hay vật chất đó chính xác là huyễn tướng (Kinh Kim Cang: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”). So với các hạt Phật nêu như cực vi chi vi (hay còn gọi lân hư trần), khoa học hãy còn rất xa mới thể hội tường tận. Thông điệp “Sắc tức thị không, không tức thị sắc; sắc bất dị không, không bất dị sắc” không đơn thuần dừng lại ở sự vi diệu đó. Nó là bản thể của chân tâm mà những vị tu chứng mới phần nào thâm nhập, nghĩa là nằm ngoài sự kiến giải.

Một câu quen thuộc khác trong kinh Hoa Nghiêm: “Nhất tức nhất thiết” (một là tất cả). Một cộng một bằng hai. Bây giờ một gồm thâu tất cả, nghe thật buồn cười. Điểm này một học sinh tiểu học sẽ cùng ý nghĩ với phần lớn các bậc trí. Đến thời điểm giải Nobel Lý thuyết toàn đồ(1) thực chứng, chân lý này mới thoát khỏi nỗi ám ảnh siêu hình để đưa ra luận đề mới: Con người nhỏ bé với vũ trụ bao la có mối liên hệ mật thiết; mà theo Phật pháp là một thể thông qua sóng tâm. Bản kinh Báo hiếu phụ mẫu trọng ân cách nay gần ba ngàn năm Phật đã thấu rõ "thai mang một tháng mới như hạt sương rơi trên cỏ, tụ tán mong manh. Hai tháng mới như váng sữa. Ba tháng mới như huyết đọng…". Đọc những bộ kinh khác thực sự tuôn trào cảm xúc, như chính được quay về bến bờ sau nghìn trùng lưu lạc. Những bộ kinh Vô Lượng Thọ, A Di Đà, Địa Tạng, Quán Kinh, Kim Cang, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, hay bộ kinh trọng yếu khai tuệ là Lăng Nghiêm; nghe qua tưởng như những câu chuyện bình thường, thần thoại, huyễn hoặc nhưng nó tả về một cảnh giới cao vợi, ngôn ngữ thế gian khó tường giải. Triết gia Pháp Michel Foucault (1926 - 1984), một trong “tứ trụ” của chủ nghĩa hậu cấu trúc (post-structuralism) nói rằng con người sáng tạo ra ngôn ngữ nhưng lại bị đóng khung trong cái nghĩa hạn hẹp của nó(2). Cảnh giới chư Phật đưa ra vượt khỏi những định danh của ngôn ngữ, do vậy để hiểu đúng nghĩa chân thật phải từ trong trực ngộ thông qua quá trình hành pháp miên mật. Kinh Phật vốn vô lượng nghĩa. Hành giả suốt đời tụng một bản kinh, mỗi ngày có khi tụng trăm lần, càng tụng trí càng sáng, càng đưa áp dụng và quán chiếu trong đời sống càng thấy ẩn nghĩa lộ diện, niềm hạnh phúc tuôn trào. Rồi một khi cảnh giới nâng thêm, kinh ấy lại tự phát sinh nghĩa thâm diệu, tức nghĩa kinh vô hình. Cho đến lúc triệt ngộ, toàn bộ chân kinh hiện trên mặt-phẳng-Tâm. Chẳng phải từ đâu tới, mà “viên minh châu” ấy một phen được vén bụi trần. Như chính lịch sử vũ trụ đã được Đức Phật “khảo cổ” chi tiết đến hạt vi trần. Chúng ta có thể bày ra triết học, khoa học tiến bộ nhất thế gian, sẽ thấy không gì ra ngoài Tam tạng kinh điển. Kinh viết: “Vạn pháp duy tâm” (không phải duy tâm trong triết học đối lập với duy vật), là cách mà khoa học ngày nay đang tiếp cận; họ thậm chí đã nén được nước thành “dao” cắt đứt cả sắt thép. Về mặt nhân văn, Đạo Phật chính là nền tảng, là thước đo cho mỗi sinh mệnh. Ai học Phật sẽ tự xếp chỗ đứng cho mình trong xã hội và các tầng hư không. Chạm vào mấy câu Chứng đạo ca, đã thấy thi pháp thơ lừng lẫy; dẫn vài Công án thiền đã hàm dung tuyến tính truyện điệp trùng. Lại thấy những gì con người sáng tạo thật nhỏ bé ngay trong sự nhỏ bé của xác phàm. Nhưng có một bí mật. Bí mật của toàn thể bí mật. Là, vũ trụ nằm trọn trong tâm mỗi con người.

Nhiều khoa học gia hàng đầu thế giới chiêm nghiệm, trước khi vật chất hình thành nó nằm trong tâm trí chúng ta. Đức Phật lý giải vạn vật đều từ tâm sinh khởi, theo đó dẫu là một hạt vật chất nhỏ nhất cũng hàm dung vũ trụ. Từ việc truy tìm vụ nổ Big Bang, khoa học cảm nghiệm nó không hề lớn như tưởng tượng, mà rất có thể nguyên khởi từ trên bề mặt của một sợi tóc. Điều này tương hợp với lý thuyết Hiệu ứng cánh bướm(3), với ngành khoa học sai số. Từ kết quả của sai số (như số π chẳng hạn), người ta bỗng thấy tổng hợp những sai số nối nhau kia dễ dàng gây ra một dư chấn thảm khốc. Phật giảng, Tâm mỗi người dung chứa sức mạnh toàn thể, và mỗi ý nghĩ đều loang đến vô tận. Trong Kinh A Hàm thí dụ, con chim lúc sà xuống đậu trên cây cao chót vót với con chim lúc sà xuống đậu trên nhánh cây thấp, thì bóng của nó tiếp cận mặt đất đồng nhau. Mỗi niệm của chúng ta xuyên thấu hư không giới và do đó tác động đến vũ trụ nhân sinh, nhanh hơn tốc độ ánh sáng đến không thể so sánh. Thế nên Phật bảo trong các nghiệp chúng sanh gây ra, nghiệp ý là gốc rễ. Ta không đánh đập ai song những ý nghĩ sát, trộm, dâm, dối, tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến sẽ là năng lượng đen trước hết bao vây lấy mình rồi ảnh hưởng trực tiếp đến từ trường, đến thứ năng lượng sạch ở mọi pháp giới, chiêu cảm thiên tai. Phát loại ý nghĩ xấu ác, là đang xây “ngục” cho chính mình, trong lúc chúng ta lại tưởng là lâu đài, một lâu đài ảo ảnh. Ý nghĩ có mức thu hút thứ cùng loại vô cùng lợi hại, (có thể so với khoa học Luật hấp dẫn). Trong nhà nếu bài bạc, sẽ tự động hút những người mê trò này tụ đến; còn ta dẫu lặng lẽ trì chú niệm kinh, cũng sẽ tự động thu hút những Phật tử quanh đó. Ta nghĩ xấu, nó chiêu cảm những ý nghĩ xấu sẵn giữa không trung xoáy vào tâm; nghĩ thiện thì ngược lại. Xưa nay rất nhiều người hành trì pháp niệm Phật, quán hơi thở, thiền minh sát,… tạo nên nguồn năng lượng tịnh khiết. Niệm Phật ở bất cứ thời điểm nào cũng là mở cánh cửa Tâm để nguồn năng lượng thiện ùa vào. Ở mức thấp khoa học cũng kết luận trí tuệ khởi nguồn từ lòng bi, ái mẫn, tận hiến vì người.

Để phát sinh trí tuệ, Phật pháp đưa ra phương pháp chế tâm nhất xứ; như ta thắp bóng đèn hàng ngàn watt (W) dẫu sao cũng là sự sáng, còn gom vào một điểm lượng sáng đó sẽ xuyên cả sắt thép. Nó khác với sự tích lũy tri thức thế gian. Đọc càng nhiều học càng nhiều, đa phần là sự cóp nhặt thông tin; một thiền sư gọi là kiến thức ao hồ (không phải loại kiến thức lòng giếng), rồi ta sử dụng nó theo một chiều hướng gọi là phản ứng trở ra từ những kinh nghiệm. Những khái niệm được lưu cửu thành khuôn thước dựa theo nghiệp báo và sở thích. Rồi chúng ta dùng vô số khái niệm, kinh nghiệm phủ chụp lên thế giới quanh mình. Khoa học nêu danh từ reaction, kết hợp giữa repeat và action. Thấy ai có biểu hiện về tinh thần và thể chất giống với cái ta lưu trong đầu, liền mang ra gán ghép họ vào. Điều này hết sức tệ hại đối với việc ta không biết gì lại phán cho người mắc căn bệnh ấy bệnh kia; mà theo Tâm lý học hiện đại và Duy thức học cùng với Luật xung động, ta dễ biến từ không [bệnh], thành có(4). Chúng ta càng học theo kiểu chấp giữ khái niệm, nên vạn sự vạn vật phần nhiều bị bóp méo trở nên tuyệt đối với riêng ta trên cái tương đối của pháp giới toàn chân. Sức mạnh của nguồn năng lượng sạch sẵn mọi nơi mọi lúc, mỗi người đều có thể sử dụng một khi tâm thôi vọng động. Sự ngáng trở Tâm nối mạng với vũ trụ chính là vọng tưởng, hiểu đơn giản là nghĩ và tưởng, đuổi theo vọng và tự chúng xung đột lẫn nhau. Bạn hãy nhắm mắt tự răn mình không nghĩ gì sất, sẽ thấy trong đầu là dòng sông cuồn cuộn ý nghĩ. Dừng nghĩ tưởng, cảm hóa nghĩ tưởng, chuyển tâm hướng về miền thuần thiện, tâm trở về trong lặng như tờ giấy trắng là ước vọng mà Triết học đã chạm tới. Là kiến tạo lại thế giới một cách ngây thơ sau khi đã giảm trừ toàn bộ hiện tượng để tiến đến bản chất do chủ thể cấp cho sự vật; ở đây phát sinh một điều mà Husserl gọi là tương đồng tính là năng tri (noema) và sở tri (noesis)(5). Sự ngây thơ ở đây chính là tờ giấy trắng của chân Tâm; cũng là Đạo mà Lão Tử đã thâm nhập. Với triết học đó là mong ước rất xa vời. Trong nhà Phật, tờ giấy trắng chính là Tâm tịch mặc trên sự định thường tại dẫu cho thế giới đảo điên thế nào chăng nữa, bởi mỗi pháp đều bình đẳng với nghiệp nhân quả báo mà nó đang lãnh thọ, và lãnh thọ qua từng giây phút ý niệm; từ đây “sanh ra vạn pháp” như cách nhìn của thiền sư Huệ Năng lúc kiến tánh. Tâm ấy cũng là tấm gương soi chiếu vũ trụ mười pháp giới.

Friedrich NietzscheBậc thức giả lỗi lạc Friedrich Nietzsche (1844 - 1900) nhận định: Phật giáo là tương lai của nhân loại được nêu ra trong tác phẩm Kẻ chống Chúa (còn được biết đến với tên Kẻ phản Ki-tô). Với cái búa trong tay, ông muốn tạo ra hệ giá trị mới gần như chống lại tín điều ngáng trở tầm nhìn của con người về vũ trụ. Từ khoa học nhìn về tôn giáo, Albert Einstein càng thấy rõ Phật giáo là khoa học của vũ trụ bởi sự hoàn thiện cả hai mặt tự nhiên và tâm linh. Qua Thuyết tương đối, ông chứng minh tuổi thọ con người tùy thuộc vào không gian. Thí nghiệm hai người cùng tuổi, một người vẫn sống dưới đất, người kia du hành trên trời, sau mấy năm hai bên gặp lại, người sống trên trời trẻ măng còn người kia thì già nua. Tiến sĩ, Hòa thượng Chin Kung trong thời giảng kinh Hoa Nghiêm có dẫn một câu chuyện được giới khoa học phát hiện không lâu sau Đệ Nhị Thế Chiến. “Chuyện kể rằng: Có một chiếc máy bay chở hơn năm mươi hành khách, bỗng dưng bay tới một chiều không gian khác! Rất may mắn, nó lại trở về. Sau khi trở về, đáp xuống một phi trường. Sau khi hạ cánh, mọi người cảm thấy rất ngỡ ngàng: “Chúng ta chẳng đến chỗ này, vì sao lại đáp xuống nơi đây?” Lại hỏi về thời gian của chuyến bay, tra mã số chuyến bay, đúng vậy, chẳng sai, ba mươi lăm năm trước có một chiếc phi cơ chở khách như thế bị mất tích. Bỗng nhiên nó đáp xuống, họ chẳng có cảm giác lâu lắc chi cả, từ chỗ kia bay tới chỗ này, chỉ là bay sai phương hướng. Sau khi đáp xuống, mới biết trong thế gian này đã hơn ba mươi năm trôi qua! Do mọi người đều cho rằng chiếc máy bay ấy đã gặp nạn, tiền bảo hiểm đã đều đền bù cả rồi. Họ đều quay về gặp người nhà của chính mình, chính họ chẳng già nua, giống như mới lên máy bay ngày hôm qua, hôm nay quay về, người nhà đều già khọm cả rồi! Đấy là chuyện phát sanh trên địa cầu, là thật, chẳng giả! Chiều không gian khác nhau, thời gian sai biệt lớn ngần ấy, khoa học chẳng có cách nào giải thích!” Còn như cảnh giới Cực Lạc được Phật Thích Ca giới thiệu trong Kinh A Di Đà, Vô Lượng Thọ siêu vượt 28 tầng trời(6); hay câu chuyện dân gian thường kể về người lên trời ba ngày lúc trở lại trần gian đã không còn tìm thấy người thân bởi đã trôi qua ba trăm năm, thực sự có căn cứ khoa học(7). Với Nguyên lý Vũ trụ toàn ảnh, thế giới này vốn dĩ đang trong một giấc đại mộng! Hãy tưởng đến, đang giữa ban ngày bỗng cô gái thấy phía trước người yêu (đã chết từ lâu) nói chuyện với ai đó. Cô dụi mắt ào tới (để biết mình không mơ). Vòng tay giang rộng, nhưng cô gái, thật đau đớn, bởi đó là ảnh được chiếu từ bộ máy tinh vi. Các nhà lượng tử chứng minh thuyết phục cuộc sống của ta đều từ [não bộ] chiếu ra; thế giới này là ảnh được chiếu từ một alaya tổng thể. Phật giảng từ rất xưa: “Nhất thiết pháp hữu vi như mộng, huyễn, bào, ảnh. Đại sư Vĩnh Gia thốt lên: “Trong mộng rõ ràng có sáu cõi”; tu chứng rồi thì “không cả đại thiên”. Để thấy rằng [phàm] nhân loại đang trong giấc mộng mà Đức Phật luôn gắng đánh thức bằng ngàn vạn pháp môn, để ít nhất không lao về phía vực thẳm; để ít nhất mỗi người thấy mình với mọi người mọi vật trên thế gian đều “nối mạng” vương víu với nhau trong một vở kịch bi hài.

*

Qua lý thuyết Hồi quy vĩnh cữu (eternal recurrence), Nietzsche thừa nhận sự thay đổi và tuần hoàn của vạn vật chứ không hề mất đi. Điều này là những “phác thảo” về thuyết Luân hồi trong Kinh Phật. Khoa học đã tiến rất xa so với bộ máy cồng kềnh ì ạch của xã hội vật chất. Nhiều báo cáo uy tín trên thế giới bảo vệ mỹ mãn thuyết con người chết vốn như lật giở sang trang, theo nghiệp mà tái sanh trong một kiếp khác. Thí nghiệm ở phòng cấp cứu những bệnh viện lớn với hàng trăm trường hợp chết lâm sàng, lúc sống lại họ đã kể về việc thấy xác mình nằm dưới như thế nào, thấy lại người thân đã qua đời, thấy vô vàn hồn ma tàn ác bao vây đòi nợ báo oán, thấy thần linh v.v(8). Thuyết Hữu sinh trung tâm luận (lấy sự sống làm trung tâm) “giải thích những sự kiện kiểu như những kinh nghiệm cận tử, xuất hồn, thoát xác và thậm chí là sự đầu thai mà không cần đến quan niệm tôn giáo”. Giáo sư Stuart Hameroff ở ĐH Arizona khẳng định dứt khoát, “có sự hiện hữu của một linh hồn thường hằng (eternal soul)… Bộ não của con người là một máy tính lượng tử hoàn hảo và linh hồn hay ý thức đơn giản là thông tin được tích trữ ở vào cấp độ lượng tử. Linh hồn có thể được truyền đi, sau cái chết của thân xác”.“Thời khắc tử vong” tạo nên những “ấn tượng thiên đường” sâu đậm, tạo nên một thế giới lộng lẫy của sự sống đằng sau cuộc chuyển kiếp bi hùng. Báo cáo khoa học thực nghiệm của Giáo sư Stephenson, ông đã miệt mài trong hơn 40 năm chứng minh luân hồi có thật qua việc thu thập lượng bằng chứng khổng lồ, nghiên cứu tường tận 3.000 trường hợp rất điển hình. Qua đây ông từng được giới khoa học mệnh danh là “Galileo Galilei của thế kỷ 20”. Để thấy về Đầu thai chuyển kiếp, xét ở góc độ khoa học, rốt ráo mà nói, đã được chứng minh quá rõ ràng, đã hoàn thành đã xếp lại rồi. Vấn đề là ta không quan tâm không muốn chạm đến, bởi thường vẫn nghĩ “chúng” không liên quan đến cuộc sống của mình; vũ trụ rộng lớn ngoài kia không mảy may liên quan đến sự nghiệp và vận mạng của mình.

Gần đây có phát hiện chấn động về sóng hấp dẫn (gravitational wave) cách trái đất 1,3 tỉ năm ánh sáng(9). Trong Kinh Phật chẳng có gì lạ lẫm, mà sóng ấy ở ngay cạnh mỗi người từ vô thủy, chỉ là khoa học chưa thể chứng minh đó thôi. Lúc ta nghĩ về một người thân trong xóm so với nghĩ về một người thân cư trú ở nước ngoài đều thông đến nhanh như nhau. Đệ tử Phật môn, hễ vừa khởi tâm động niệm đã biết niệm kia trùm khắp vũ trụ, và vũ trụ cũng đã “hồi âm” về chính họ vô vàn những niệm tương đồng. Luận từ Bồ tát xử thai kinh, một niệm xuất ra ước khoảng 1 ngàn 6 trăm triệu phần của giây. Khoa học nếu chế ra loại đồng hồ chia một giây thành tỉ tỉ phần, mới cảm được không gian và thời gian là zero. Cộng với việc thu tần sóng giữa trời đất đã phần nào biểu hiện không gian hẹp đến mức nào. Nếu thật có không gian, thì trong một sát-na sao cách cả đại dương có thể bắt được sóng? Nếu thời gian là thật sao những sự kiện xảy ra trong quá khứ, khoa học vẫn thu được vẹn nguyên trong không gian mênh mông này. Còn với những bậc đã thâm nhập cảnh giới, họ chỉ sống với thực tại, cái thực tại soi chiếu quá khứ - hiện tại - vị lai trên mặt phẳng của tâm thức như gương, vượt ngoài thời không. Điều khả dĩ, khoa học đã tìm ra mối liên hệ mật thiết giữa mỗi cá nhân với vũ trụ thông qua sóng. Dẫu khoa học còn chưa thể biết sóng này xuất phát từ Tâm, chứ không phải bộ não. Thí nghiệm của BBC cho thấy ý niệm từ tâm có trước khi tác động lên não là 6 giây! Sóng Tâm. Quá trình mắt [6 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý] nhìn thấy một vật [tiếp xúc với trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp], được đưa vào sâu trong thức thứ 8 alaya so sánh với những thứ lưu sẵn từ kiếp này hoặc tiền kiếp rồi sanh khởi tâm thích hay ghét mới dội ngược lên não (trong khoảng một phần tỉ giây). Đòi hỏi người tu phải thâm nhập định sâu mới cảm nổi. Chẳng hạn khoa học chứng minh có một cõi sau cái chết, con người thoát xác vẫn còn đó, nhưng khoa học không nhìn thấy. Rồi tương lai khoa học nếu bảo vệ thành công thuyết có tồn tại các cõi Quỷ, Địa ngục, Thiên giới chăng nữa, hẳn cũng không thể nhìn thấy chúng sanh ở mỗi cõi đó, trừ khi họ hành pháp đắc đạo (chứ không phải học pháp). Sự nhìn thấy này chính là Tâm trong veo như gương, và các cảnh giới tự hiện. Nói đúng hơn, Tâm mỗi chúng sanh vốn đã là tấm gương lớn (đại viên kính trí) phản chiếu toàn vũ trụ, chỉ là tạm do nghiệp phủ mờ. Hiểu trên phương diện khoa học, mỗi người vốn có tính chất của một dạng ăng-ten thu và phát sóng không ngừng. Ai không nhận được là do tâm vọng. Việc bậc tu hành chứng ở quả vị đầu tiên rồi quả thứ hai Tư đà hàm có Tha tâm thông, biết được ý nghĩ của bất cứ người nào trên thế gian, là sự thể không quá xa vời trong hạn hữu cái biết của Lượng tử học. Tôi hồi chưa học Phật từng có duyên gặp một vị ẩn tu, mà mình vừa nghĩ gì họ đã biết, khiến tôi xấu hổ cùng tận! Chợt nghĩ tương lai khoa học sẽ sáng tạo ra máy phát hiện mọi ý nghĩ của con người, (và tai hại thay nếu nó luôn hiện trên màn hình công cộng); hẳn ai nấy sẽ tự hiểu cái hẹp hòi của tri thức không giải quyết được phiền não, nghiệp nạn nếu không thực hành chánh pháp. Ở công trình Nước kết tinh của tiến sĩ Emoto đã cho thấy ý nghĩ của con người tác động trực tiếp đến vạn sự vạn vật(10). Sự tác động ở đây nếu hiểu rộng là do tác động của ý từ Tâm mỗi người. Vật lý lượng tử xem ý thức cũng là dạng “hạt siêu vị trí”, một khi vật được tác động bởi ý sẽ đổi khác và đặc biệt tạo nên “sự dao động toàn phần”. Từ những hành vi thường tình mà xét, chưa bàn đến sự gây rối xã hội thông qua thân và khẩu, ai hàng ngày với ý nghĩ thuần thiện chính họ là “diệu hảo nhơn”, góp phần hài hòa thế giới. Ở đây xin dừng để cúi lạy các bậc xuất gia tu hành chân mật. Chính họ, nhờ việc nhất tâm hành trì kinh giáo phát ra năng lượng tịnh khiết cùng với lực gia trì của chư Phật và Bồ tát đã giữ cho trái đất được trường tồn, giữ cho phước mạng mỗi người không phân biệt bản tánh ra sao. Chúng ta khỏe mạnh hạnh phúc tưởng chỉ nhờ mồ hôi nước mắt của mình âu là sự thật quá đỗi lầm. Chúng ta không hiểu nên không khởi lòng tri ân ấy là lỗi lỗi quá chừng. Ai với ý nghĩ ác (vượt khỏi khuôn Thập thiện Ngũ giới) là góp phần phá hoại thế giới. A truy đuổi B, không thấy B nhưng thấy xe của B liền thả sức đập phá; là A đang xả vào không gian một nguồn nhiệt lượng ác loang mãi và đến một ngày sẽ trở về với chính A. Hoặc, Y trả thù đánh Z; việc hại người này nhiều đôi khi tội không lớn bằng lượng từ trường sân giận Y phóng vào vũ trụ. Hay đó là việc một người chỉ ở trong nhà (xem như vô hại), song luôn luôn thù hận hằn học hoặc xem đồi trụy trên internet dậy nên vô vàn ý nghĩ độc... Thử cho một giọt mực vào bể, không cần tác động, hãy để yên như vậy sáng mai ta sẽ thấy giọt mực kia hòa khắp cùng nước trong bể. Lại hỏi nước biết giận hờn chăng? Câu trả lời từ khoa học là “Biết”. Kinh Hoa Nghiêm: “Tình dữ vô tình đồng viên chủng trí”(11). Nước hiểu sâu sắc ý nghĩ con người. Loại năng lượng xấu ác từ nhân tâm đang ngày càng gia tăng, đồng nghĩa với việc nước trong đại dương sông bể ngày một giận dữ. Nhân đã có, một khi vướng duyên sẽ tạo quả, cơn giận của nước bùng lên thành sóng thần. Động đất, thiên tai địch họa xét đến cùng cũng từ nguyên lý này.

Con người có thể bay lượn, biến hóa như chàng Ngộ Không? Trong Phật pháp, đây là sự thường. Vấn đề ở chỗ vọng niệm trùng trùng. Lưu một kỷ niệm, nó nằm đó mãi, bởi ta mê, luôn muốn bộ não chiếu lại nhấm nháp. Không cách gì xóa. Khoa học phát triển tới đâu cũng không giải quyết nổi vấn đề này. Bởi vọng chỉ được đẩy lùi thông qua việc chọn một Pháp môn trong nhà Phật quán sát tâm thời thời khắc khắc, gần như buông bỏ vạn duyên mới mong tiếp nhập cảnh giới siêu phàm. Ta mê tài - danh - sắc - thực - thùy, bị dục lôi kéo bởi ký ức quá đậm. Người bậc thấp thì mê sắc dục - ăn uống - ngủ nghỉ; người cao hơn thì mê tài - danh, hoặc họ mê tài danh dựa trên sắc thực thùy. Đều là do tham và mạn sai sử, mà gốc là do nghi lời Thánh hiền. Nếu ta nhạt bớt tham, ngã mạn, lợi dưỡng, làm trước hết vì người, thì tài danh vô hại, tài danh cần phát huy, còn không đều nằm trong khuôn khổ tham, đều nằm trong lâu đài của ảo ảnh. Sao ta mong Tết, trong lúc tháng năm vẫn nhẹ nhàng trôi; chính bởi tàng thức lưu giữ những hoa hòe, anh em xa gần hội ngộ, ta lưu hình ảnh bữa cơm tất niên, lộc lì xì, ta lưu cữu những bài hát về mùa xuân và phút giao thừa thiêng liêng, ta lưu giữ bổng lộc và tiền thưởng hậu hĩnh. Chúng đều là nhiên liệu nghiệp thức phóng “linh hồn” vào vòng luân hồi kiếp tới. Tưởng?! Tưởng đến niềm vui nhưng không có trước mặt, liệu có phải khổ? Tưởng đến nỗi buồn liệu nỗi buồn có vơi hay nhân lên gấp bội? Những câu hỏi luôn có đáp số rõ ràng nhưng ta vẫn lao theo. Người vợ mất chồng đang tuổi xuân thì ngày đêm chiếu lại những thước phim quá khứ; xem đến hao kiệt nguồn sống, phát bệnh rồi tự kết thúc vận mạng. Chính những lúc tâm chao lộn về những thời gian vàng phủ bụi hay ngược về tưởng cảnh người chồng bỗng làm cuộc trở về trong tưởng tượng, là thân đang ngồi lại với một hiện tại bạc nhược ươn hèn. Khoa học cảnh báo tưởng về quá khứ là ném sức mạnh về quá khứ, tưởng về tương lai là ném sức mạnh về tương lai. Quả, diệu lý. Mọi huyễn tướng đều ảo ảnh nằm trong “ngũ ấm ma” như Phật đã dạy; và dĩ nhiên ta hành pháp mới dần nhạt đi huyễn giác, ai thực tu sẽ có cơ duyên ra khỏi ảo ảnh, do đó họ chạm được thứ hạnh phúc thật, không ảo. Cái này nếu đem kiến giải thông thường thì đến Phật cũng oan! Rất nhiều bậc đạt trình độ giảng bất cứ bản kinh nào với lượng thông tin mênh mang như biển cũng không cần suy nghĩ, không cần chuẩn bị mảy may. Nó thuộc về và vượt lên quả vị Vô Học xuất thế. Thiền tông luôn khuyên nhắc hành giả an trú trong thực tại, thực tại của từng giây sanh diệt. Tịnh tông khuyến tấn đặt câu Phật hiệu trong tâm không gián đoạn. Sông đời luôn cuộn xoáy. Ta lao theo vọng tưởng là buông thả cùng luân hồi. “A Di Đà Phật”; ý nghĩ hình ảnh vừa khởi, ta vin lấy nó sẽ phác lộ sự an lạc ngay giữa trần lao. Câu Phật hiệu này vốn là “bí kíp” đầy trí tuệ của triết gia Phạm Công Thiện. Câu này ai không thực tu mà cầm cũng bằng mê tín, rất tầm thường; ai hạ thủ công phu thực hành là cứu cánh tối thượng.

Khoa học thực nghiệm, nếu hút hết cái không trong mỗi người thì lượng vất chất còn lại chỉ bằng một hạt bụi. Nhưng cái file chứa lượng thông tin khổng lồ trong quá trình sống lại vĩnh hằng. Chẳng hạn tương lai dữ liệu cá nhân không cần lưu trong vi tính trong các ổ đĩa nữa, mà lưu trong box đám mây, không cần mang theo bất cứ gì ta cũng lấy được chúng. Với ngành Vật lý, chỉ nói đến hạt trung tử thôi, nó đã tự tại phiêu du không chướng ngại xuyên qua tấm sắt dày hàng vạn km. Một cục sắt? Nó đâu phải vật chất, nó là sự hội tụ của hàng tỉ các hạt - đơn giản thế thôi. Có vậy các đệ tử Phật tu ở mức đưa được tâm về không, họ không còn ý niệm về một cái ta hiện hữu (nhân tướng), không ta sẽ không cảnh (ngã tướng), mới xuyên tường tự tại. Sự tiến bộ của khoa học, nhìn từ Phật pháp, quả vạn lần bội phục. Người ta có thể chụp gen của một người, rồi bằng công nghệ in 3D phun ra (như kiểu in phun lên giấy) bức tượng y hệt. Thử nghiệm “xây” cây cầu nhỏ theo dạng chất liệu phun đôi khi mắt không nhìn thấy, đã hoàn mỹ. Tương lai những ngôi nhà hẳn cũng được xây dựng theo cách này; rồi những công nghệ kiểu “nhân bản vô tính” chẳng có gì lạ. Nhưng đó thực là thảm họa. Một khi không ngăn được việc “copy” những con người giống hệt bằng xương thịt nhưng với một tâm hồn vô cảm tách biệt với thế giới bí ẩn huyền nhiệm sẽ hại đến hành tinh xanh. Ngành khảo cổ học đã phát hiện, khoảng 6 vạn năm trước từng tồn tại đế chế Atlantic phát triển cao siêu đến độ phương tiện giao thông không tiếng động, lấy năng lượng sạch từ không trung nên cũng không ô nhiễm; con người thì đạt đến “sự hưởng thụ điên cuồng”, đắm trong Dục! Kết quả là thảm họa bị nhấn chìm xuống đáy biển Đại Tây Dương. Trong Phật pháp cuộc sống giản đơn vẫn mang lại hạnh phúc viên mãn, ở đó giàu sang, danh vọng và sự hào nhoáng vật phẩm không liên quan. Một khi ai “phát tâm” hưởng thụ, là mở đầu cho chiến dịch tạo nghiệp (như nguồn điện năng đang cung cấp cho bóng đèn quả ớt bỗng bị cắm thêm bàn ủi, lò sưởi), phước mạng tiêu hao ngồn ngộn khiến con đường dẫn đến tai nạn, đến bệnh viện và đến nghĩa trang ngắn hơn bao giờ hết. Tất thảy mọi tài sản ta có, cho đến sự bình an nói chung, đều nhờ Phước trong Mạng. Phước như dầu trong đèn, nhưng khác là ta không biết phước còn bao nhiêu, nên cứ đốt và không nghĩ đến việc tích phước chêm dầu. Liên tưởng đến tư tưởng “hãy tận tình hưởng thụ cuộc sống đi, ngày mai khó mà đoán trước” của người dân trong kinh thành La Mã cổ đại Pompeii vào năm 79 SCN; nay các nhà khoa học tìm thấy nguyên nhân chính từ dòng chữ khắc trên vách tường với lời nhắc nhở về tội ác từ sự hưởng thụ dục lạc vật chất đã đến mức đầy ứ.

Thời đại mà thế giới đang thu hẹp trên một mặt phẳng, việc khởi ý niệm của mỗi người thật sự quá lợi hại đối với sự an nguy của địa cầu. Chuyển vào thế giới mạng một mẩu tin xấu, nó dội nghiệp thức về tác giả (nhận phần trăm) cho đến khi mẩu tin đó vĩnh viễn biến mất khỏi địa cầu. Những người có ảnh hưởng lớn đến số đông, từ hành vi lời nói, cho đến sản phẩm được truyền tải qua sách báo, băng đĩa, chẳng thể không suy ngẫm. Việc nhận diện ta với vũ trụ có mối liên hệ “huyết thống” thật sự quan trọng để góp phần cứu vãn thế giới bên bờ hủy hoại mau chóng. Tại những hội nghị hòa bình, đối phó thiên tai quốc tế thời gian qua, nhiều khoa học gia không khuyên giải giáp vũ khí, không khuyên chống chiến tranh, mà khuyên nhân loại mỗi người hãy ý thức việc bỏ ác hành thiện, đoan chánh tâm niệm; thật sự là đang nhìn theo luồng ánh sáng chiếu từ “lỗ đen” của vũ trụ, thật sự đang nhìn theo cái nhìn Đức Phật trong ánh hào quang của từ bi vô lượng.



Chú thích

(1) Lý thuyết toàn đồ hay còn được biết đến với tên gọi Lý thuyết não bộ toàn ảnh (the holonomic brain theory), được phát triển bởi khoa học gia thần kinh Karl Pribram trong một sự kết hợp với nhà vật lý lượng tử lừng danh David Bohm; lý thuyết là mô hình về sự nhận thức của con người qua việc mô tả não bộ như là một hệ thống liên mạng tích lũy mang tính toàn ảnh (holoraphic storage network) - (Tuệ Đan hiệu đính).

(2) Michel Foucault: Nếu thử một lần tháo dỡ toàn bộ ngôn ngữ hiện có trên thế giới này thì nhân loại khi ấy chẳng còn lại gì cả. Còn với nhà triết học Pháp Jacques Derrida (1930 - 2004), cha đẻ của thuyết Giải kiến tạo (deconstructionism): Sự định danh luôn đánh mất những chân trời ý nghĩa của ngôn từ; khi một sự vật được định nghĩa như là một cái gì đó (trong từ điển chẳng hạn) thì chính lúc ấy những cách hiểu khác cũng như những cách định nghĩa khác về nó sẽ bị khép lại và bỏ qua, sự định danh vô tình làm nghèo nàn đi tính biểu tượng của ngôn ngữ. - (Tuệ Đan hiệu đính).

(3) Hiệu ứng cánh bướm (butterfly effect) quan niệm rằng những nguyên nhân nhỏ, yếu hay không quan trọng lại có thể gây ra những kết quả to lớn. Trong lý thuyết hỗn độn (chaos theory), hiệu ứng cánh bướm là sự phụ thuộc về độ nhạy dựa trên những điều kiện ban đầu, ở đó, sự biến đổi rất nhỏ trong một trạng thái của hệ thống phi tuyến tính xác định cũng có thể mang lại kết quả trong những sự khác biệt to lớn nơi một trạng thái sau đó. - (Tuệ Đan hiệu đính).

(4) Lượng tử học cho rằng một sự vật sờ sờ trước mắt, ta cũng chỉ tiếp cận được với bản chất sự thật của nó rất hạn chế, thậm chí là một phần tỉ; khế lý Phật pháp. Đức Phật chỉ ra bởi phía sau mỗi hành động của chúng sanh là con tàu nghiệp lực sai khiến (oan gia trái chủ từ hữu hình như các loài vật hay người bị mình giết, phá thai, từ những ý nghĩ xấu do tâm mình phóng ra, và do tập khí huân tụ từ kiếp này và tiền kiếp). Chẳng hạn một vụ án đương sự đã thú nhận với đầy đủ tang chứng vật chứng; nhưng trường nghiệp lực sai khiến thôi thúc phạm nhân kia hành ác thì chỉ có bậc tu đạt Thiên nhãn thông mới thấy. Theo đó mọi hành vi trong đời đều như một ngọn tháp vĩ đại sừng sững giữa trời với vô vàn mặt song ta chỉ thấy được một mặt hướng về phía mình. Ta, thực không thể gọi là làm chủ được mình một khi Tâm chưa gạn lọc đến mức tịnh khiết; chẳng hạn ý muốn một cái gì nổi lên liên quan đến dục lạc, liệu có cưỡng lại?; rồi ý nghĩ ấy dồn dập, chiêu cảm thêm năng lượng tương đồng sẽ đẩy ta đến hành động - là lộ trình của nghiệp [karma] đi từ nhân tương tác với duyên tạo quả.

(5) Triết gia Đức Edmund Husserl (1859 - 1938) đưa ra ba giai đoạn để đạt được yếu tính thuần túy của sự vật: (1) giảm trừ triết học hiểu như là hoài nghi, gạt bỏ tất cả những gì chúng ta đã học, đã biết từ sách vở, truyền thống, tập tục, lối sống…; (2) giảm trừ bản chất, nghĩa là đóng ngoặc mọi hiện tượng (khoan vội phán đoán quy kết định danh), tiến hành tìm lại kinh nghiệm ban sơ như lúc đầu ta bắt gặp thế giới, đến giai đoạn này điều quan trọng là ta phải biết gạt bỏ “thiên khiến thế giới”; (3) giảm trừ hiện tượng học, nghĩa là kiến tạo lại thế giới một cách ngây thơ sau khi đã giảm trừ toàn bộ hiện tượng để tiến đến bản chất do chủ thể cấp cho sự vật, ở đây phát sinh một điều mà Husserl gọi là tương đồng tính là năng tri (noema) và sở tri (noesis). - (Tuệ Đan hiệu đính).

(6) Vào giữa tháng 12 năm 1993, sau khi phi hành gia người Mỹ sửa chữa lại kính viễn vọng Hubble, vỏn vẹn trong vài ngày liền xuất hiện kỳ tích, kính viễn vọng hướng về một chòm sao thiên thể xa xôi, kết quả là đã chụp lại được “Thế giới thiên quốc” tươi đẹp ở trong vũ trụ. Ngày 8 tháng 2 năm 1994, tuần báo tin tức thế giới đã lần lượt đăng tải bức ảnh này, đồng thời cũng báo cáo về phát hiện của tiến sĩ Marcia Masson. [Tiểu Thiện, dịch từ Renminbao; theo tinhhoa].

(7) Theo Kinh Phật: Tuổi thọ thiên nhơn ở trời Tứ đại thiên vương là 500 năm (1 ngày đêm bằng 50 năm cõi hạ giới), tương đương với 9 triệu năm cõi người; ở trời kế tiếp Đao Lợi, một ngày một đêm bằng 100 năm ở cõi người, tuổi thọ trung bình là 1.000 tuổi; cứ thế tăng lên đến cõi trời Dạ ma, Đâu suất, Hóa tự tại, Tha hóa tự tại, v.v; đến tầng trời cao nhất Phi tưởng phi phi tưởng là tám vạn đại kiếp (mỗi đại kiếp tương đương với một lần trái đất thành - trụ - hoại - không); người ở cõi trời Phi tưởng này sống hoàn toàn trong định, nhưng vẫn cứ hết phước hết thọ mạng lại “rơi xuống” luân hồi trong lục đạo (trời, người, a tu la, súc sanh, quỷ, địa ngục), chưa ra khỏi Tam giới, tức chưa chứng quả thánh đầu tiên Tu đà hoàn theo tầng bực thuộc Nhị thừa giáo; đến quả thánh thứ tư A la hán mới thoát nghiệp tử sinh; hoặc thù thắng hơn là những hành giả thuộc Tịnh độ tông tu niệm A Di Đà Phật đạt Nhất Tâm Bất Loạn cầu sanh về thế giới Cực Lạc.

(8) Người ta đặt những vật trên những cái giá đỡ sát trần khoa Cấp cứu, được thay đổi thường xuyên, không ai có thể nhìn thấy, ngay bác sĩ ở đó cũng không được biết. Khi hồn lìa xác thường ở dạng chân không nhẹ bẫng, “họ” nâng dầng lên và vô tình thấy những vật trên giá đỡ. Sau này sống lại, những người đó được phỏng vấn đã kể tường tận sự kiện bỗng nhiên thoát xác. Trong đời thường ở bất cứ quốc gia nào những chuyện tương tự rất nhiều.

(9) Ngày 14/9/2015, Đài quan sát sóng hấp dẫn giao thoa kế laser (LIGO) bắt được tín hiệu sóng hấp dẫn từ hai lỗ đen va chạm nhau cách Trái đất 1,3 tỉ năm ánh sáng.

(10) Thuyết Bất định (uncertainty principle) của Heisenberg cho rằng cùng một lúc không thể xác định đồng thời vị trí và vận tốc của một điện tử hay lượng tử; xác định cái này thì cái kia trở nên bất định và ngược lại, bởi do tác động chủ quan từ đối tượng thí nghiệm (như dụng cụ đo, phép tính, xử lý số liệu).

Trong Thông điệp của nước, tiến sĩ Masaru Emoto, giám đốc Viện Hado ở Tokyo, Nhật Bản, đã trình bày những kết quả chụp ảnh có độ phân giải lớn từ những tinh thể nước với kích thước siêu nhỏ. Nghiên cứu được thực hiện: cho nước tiếp xúc với một tác nhân có ý thức như suy nghĩ, âm nhạc, ngôn ngữ, từ ngữ hay một yếu tố vật lý, (không gian không giới hạn, ví như đặt cốc nước ở Mỹ nhưng người tác động suy nghĩ xấu hay tốt ở Việt Nam) sau đó nhỏ giọt nước ra khay rồi đem bỏ vào tủ lạnh, hạ nhiệt độ xuống còn -0C để nước kết tinh thành băng, nhanh chóng lấy ra đặt dưới kính hiển vi có độ phân giải cao để chụp lại mẫu tinh thể của nước; phát thông tin xấu nó xấu như lá mục, phát thông tin tốt nó như hoa tuyết kim cương; với câu hồng danh “Nam mô A Di Đà Phật”, câu chú “Um ma ni bát di hồng” hay cho nước nghe Kinh thì kết tinh mỹ mãn - (Tuệ Đan hiệu đính).

(11) Loài hữu tình (con người, động vật nói chung) và vô tình (thực vật, khoáng vật…) đều chung một bản/tánh thể, đều có kiến (tánh thấy), văn (tánh nghe) giác (tánh nhận thông tin), tri, v.v. Đây vốn là [Pháp tánh] bản nhiên của muôn vật. Theo kinh Phật, chẳng phải riêng nước mà ngay cả sơn hà đại địa đều có thanh, sắc, hương, vị; đều là khởi từ chúng duyên hòa hợp mà sanh khởi (như con người) và đều có mối liên hệ với con người trong một trường sóng nhất định.




    « Xem chương trước «      « Sách này có 1411 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Hạnh phúc khắp quanh ta


Nguồn chân lẽ thật


Một trăm truyện tích nhân duyên (Trăm bài kinh Phật)


Thắp ngọn đuốc hồng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 35.168.113.41 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (410 lượt xem) - Việt Nam (128 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - ... ...