Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Để sống hạnh phúc bạn cần rất ít, và tất cả đều sẵn có trong chính bạn, trong phương cách suy nghĩ của bạn. (Very little is needed to make a happy life; it is all within yourself, in your way of thinking.)Marcus Aurelius
Hãy sống tốt bất cứ khi nào có thể, và điều đó ai cũng làm được cả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cuộc sống xem như chấm dứt vào ngày mà chúng ta bắt đầu im lặng trước những điều đáng nói. (Our lives begin to end the day we become silent about things that matter. )Martin Luther King Jr.
Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi. (I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone
Người khôn ngoan chỉ nói khi có điều cần nói, kẻ ngu ngốc thì nói ra vì họ buộc phải nói. (Wise men speak because they have something to say; fools because they have to say something. )Plato
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tồn tại tích cực của cuộc sống.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tu tập Phật pháp »» Biểu tượng hoa sen »»

Tu tập Phật pháp
»» Biểu tượng hoa sen

(Lượt xem: 474)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Biểu tượng hoa sen

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Ngày Tết Nguyên Đán, chúng tôi dùng hình ảnh hoa sen để chúc Tết Tăng ni, Phật tử. Trong đạo Phật biểu tượng hoa sen có gì kỳ đặc? Chúng tôi nói lên biểu tượng đó để tất cả quý vị ý thức việc tu hành, sống theo tinh thần của biểu tượng hoa sen và đi đúng theo hướng của Đức Phật đã dạy.

Nói đến hoa sen, trước hết trong chùa chúng ta thấy tượng Đức Phật ngự trên tòa sen. Hẳn quý vị cũng nhớ thuở xưa khi thành Phật, Ngài ngồi dưới cội Bồ-đề, trên tòa cỏ. Hiện nay chúng ta lại thờ Đức Phật ngồi trên tòa sen, như vậy là không đúng sự thật rồi. Vậy tòa sen mang ý nghĩa gì mà chúng ta lại quý trọng để làm đài cho Đức Phật ngồi? Kế đến, khi đi chùa, quý vị thấy tháp thờ các vị trụ trì hay những vị đạo cao đức trọng đều có để các búp sen. Vậy các búp sen nói lên ý nghĩa gì mà trong đạo Phật từ chùa, tháp cho đến mộ của Phật tử cũng để hình ảnh hoa sen? Cả đến gia đình Phật tử cũng dùng lá cờ có hình hoa sen. Đó là những điều chúng ta cần phải hiểu rõ. Sau đây tôi nêu ra hai phần:

1. Ý nghĩa biểu tượng hoa sen theo tinh thần Phật giáo Nguyên thủy.

2. Ý nghĩa biểu tượng hoa sen theo tinh thần Phật giáo Phát triển hay Đại thừa.

Theo tinh thần Phật giáo Nguyên thủy, hoa sen xuất phát từ trong bùn nhơ, luôn luôn sen mọc trong ao hồ. Điều đó ca dao Việt Nam đã nhắc đến và quý vị cũng đã nhớ, đã thuộc. Như vậy giá trị của hoa sen là từ nơi bùn nhơ sen trỗi dậy, vươn lên khỏi bùn, ngâm trong nước và lên khỏi mặt nước mới trổ hoa. Khi ở trong bùn thì hôi nhưng khi nó nở hoa thì thơm ngát. Vậy giá trị của hoa sen là từ chỗ nhơ nhớp, hôi hám nhưng khi trổ, hoa có mùi hương tinh khiết, đó là điểm kỳ đặc của hoa sen. Tỉ dụ như hoa hồng, hoa cúc, hoa mai chúng ta trồng trên khô, trổ hoa thơm thì cũng thường, vì chúng không có gì hôi hám. Còn sen ở trong bùn lại trổ được hoa thơm, điều đó thật hiếm có. Thế nên đạo Phật dùng ý nghĩa này của hoa sen để tượng trưng cho người tu hành. Theo sử liệu, Đức Phật ngày xưa là thái tử con vua Tịnh Phạn, Ngài sống trong cảnh vương giả thụ hưởng ngũ dục sắc, thanh, hương, vị, xúc dư thừa. Ngài sống trong ngũ dục, chìm trong ngũ dục, nhưng chính từ trong ngũ dục sau này Ngài thức tỉnh, thoát ra khỏi ngũ dục và đi tu. Khi đi tu, Ngài sống khổ hạnh đến ngày viên mãn đạt quả, thành Phật giác ngộ sáng suốt, cũng như hoa sen từ trong bùn vươn ra khỏi bùn, lên khỏi mặt nước rồi trổ hoa. Thế nên Đức Phật dạy:

Trước tâm này buông lung,
Chạy theo ái dục lạc,
Nay ta chánh chế ngự,
Như cầm móc điều voi.

(Kinh Pháp Cú 326)

Đức Phật kể lại: Thuở trước ở trong cung Thái tử, tâm Ngài buông lung chạy theo ái dục, thụ hưởng dục lạc, nhưng từ ngày đi tu Ngài chế ngự, xả ly ngũ dục. Như vậy quý vị thấy từ trong vũng bùn ngũ dục Ngài thoát ra và trở thành một vị giác ngộ giải thoát. Đức Phật không phải từ phương trời nào xuống, mà chính là một con người hưởng đầy đủ dục lạc ở thế gian, rồi tự điều phục, thoát khỏi ngũ dục trở thành đấng giác ngộ.

Khi ngài ở trong cung vua thọ hưởng dục lạc dụ như hoa sen còn ở trong bùn; khi Ngài vượt thành xuất gia không còn ở trong dục lạc thế gian dụ như hoa sen vượt ra khỏi bùn nhưng còn ở trong nước; khi Ngài tu hành đến lúc được viên mãn giác ngộ, giống như hoa sen vượt khỏi nước, nở hoa. Như vậy hoa sen từ lúc mới mọc đến khi trổ hoa trải qua nhiều giai đoạn: Giai đoạn một là ở trong bùn, giai đoạn hai là ra khỏi bùn ở trong nước, giai đoạn ba là ra khỏi nước, giai đoạn bốn là nở hoa thơm ngát. Cũng vậy, cuộc đời của Đức Phật có nhiều giai đoạn: Giai đoạn một là hưởng dục lạc ở thế gian, giai đoạn hai là vượt thành xuất gia, giai đoạn ba khi tu Ngài tinh tấn giữ giới thanh tịnh, điều phục được tâm, giai đoạn bốn là giác ngộ viên mãn. Thế nên sau này, chư Tổ dùng hoa sen để tượng trưng cho công hạnh tu hành của Đức Phật, hình tượng Đức Phật ngự trên đài sen là ý nghĩa như vậy.

Sau khi giác ngộ rồi Đức Phật cũng dùng hoa sen để dạy đệ tử và các đệ tử Phật cũng học theo gương của Ngài.

Như giữa đống rác nhớp,
Quăng bỏ trên đường lớn.
Chỗ ấy hoa sen nở
Thơm sạch đẹp ý người.

Cũng vậy giữa quần sanh,
Uế nhiễm, mù, phàm tục,
Đệ tử bậc Chánh giác,
Sáng ngời với tuệ trí.

(Kinh Pháp Cú 58-59)

Qua bài kệ này chúng ta thấy Đức Phật dạy đệ tử của Ngài phải giống như hoa sen. Giống cách nào? Ở thành phố, chúng ta thấy mấy chiếc xe rác hôi hám nhơ nhớp, người ta đem đổ các chỗ trũng, các đầm. Chính nơi đó sen mọc lên, khi sen nở hoa có mùi thơm thanh khiết. Đó là Đức Phật dùng hình ảnh hoa sen để ví dụ. Ngài dạy tiếp: “Cũng vậy, giữa quần sanh uế nhiễm, mù, phàm tục”. Chúng ta là những kẻ uế nhiễm, mù tối, phàm tục phải luôn luôn nuôi dưỡng trí tuệ mình được sáng ngời để xứng đáng là đệ tử bậc Chánh giác. Như thế quý vị thấy Đức Phật dùng hoa sen để nhắc nhở đệ tử Ngài phải sống như hoa sen, từ chỗ nhiễm nhơ phàm tục dùng trí tuệ sáng ngời để đi đến giác ngộ.

Tiếp đến chúng tôi nói biểu tượng hoa sen theo tinh thần Phật giáo Đại thừa hay Phật giáo phát triển. Đa số quý vị đều có tụng kinh Pháp Hoa. Pháp Hoa là gì? Pháp là Diệu Pháp, Hoa là Liên Hoa, nói tắt là Pháp Hoa, nói đủ là Diệu Pháp Liên Hoa. Liên Hoa là hoa sen. Diệu Pháp dụ như hoa sen nên gọi là Diệu Pháp Liên Hoa. Như vậy kinh Pháp Hoa là bộ kinh nói lên ý nghĩa Diệu Pháp giống như hoa sen. Diệu Pháp là tri kiến Phật. Kinh Pháp Hoa nói: “Chư Phật ra đời vì khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”, nghĩa là chỉ dạy cho chúng sanh ngộ được Tri kiến Phật, tức là nhận ra cái thấy biết Phật của mình. Vậy cái thấy biết Phật của mình ở đâu? - Ở ngay trong thân vô thường nhơ nhớp này. Tri kiến Phật thanh tịnh sáng suốt, là Diệu Pháp, là Pháp sẵn có nơi con người chúng ta. Thân nhơ nhớp ô uế này dụ như đống bùn. Đức Phật dạy thân chúng ta nhơ nhớp bất tịnh, nhưng trong cái nhơ nhớp bất tịnh có cái thanh tịnh sáng suốt, vì vậy mà dụ Tri kiến Phật như hoa sen. Chúng ta khéo ứng dụng tu theo lời Phật dạy trong kinh Pháp Hoa thì sẽ được giác ngộ, nhận ra Tri kiến Phật nơi thân năm uẩn này.

Kế đến các Thiền sư nói về hoa sen. Ngài Đạo Huệ, Thiền sư đời Lý có bài kệ:

Âm:

Sắc thân dữ diệu thể,
Bất hiệp bất phân ly.
Nhược nhân yếu chân biệt,
Lô trung hoa nhất chi.

Dịch:

Sắc thân cùng diệu thể,
Chẳng hợp chẳng chia ly,
Nếu người cần phân biệt,
Trong lò một cành hoa.

Các Thiền sư không nói hoa sen ở trong bùn mà nói hoa sen ở trong lò lửa. Hoa sen trong bùn thì dễ hiểu, còn hoa sen trong lò lửa là điều quá sức tưởng tượng của chúng ta. Lò lửa là chỉ thân vô thường. Trong kinh Pháp Hoa cũng có dụ là “tam giới vô an du như hỏa trạch”, nghĩa là ba cõi không an giống như nhà lửa. Thân vô thường của chúng ta bị thiêu đốt, khô chết từng phút từng giây, nhưng trong đó lại có một cái chưa bao giờ bị thiêu đốt, luôn nguyên vẹn trong sáng tươi tốt, nói theo kinh Pháp Hoa đó là Tri kiến Phật, nói theo bài kệ này đó là Diệu thể. Lò lửa dụ cho sắc thân, cành hoa dụ cho Diệu thể. Cành hoa là biểu trưng cho trí tuệ sẵn có của chúng ta, nhà Phật gọi là Phật tánh hay Chân tâm. Trí tuệ đó có sẵn trong tâm vô thường này giống như hoa sen trong lò lửa. Thân chúng ta bị lửa vô thường thiêu đốt bại hoại nhưng tánh giác của chúng ta không bao giờ khô héo. Thế nên đã bao lần thân này hoại đi thọ thân khác mà tánh giác không thêm, không bớt, không thay đổi dụ như hoa sen trong lò lửa vẫn tươi tốt.

Đến vị thứ hai, Thiền sư Ngộ Ấn đời Lý nói khác hơn một chút.

Âm:

Diệu tánh hư vô bất khả phân,
Hư vô tâm ngộ đắc hà nan.
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận,
Liên phát lô trung thấp vị càn.

Dịch:

Diệu tánh rỗng không chẳng thể vin,
Rỗng không tâm ngộ việc dễ tin.
Tươi nhuần sắc ngọc trong núi cháy,
Lò lửa hoa sen nở thật xinh.

Trong bài kệ này Thiền sư cũng nói hoa sen ở trong lò lửa.

“Diệu tánh rỗng không chẳng thể vin”. Nghĩa là mỗi người chúng ta tánh giác nhiệm mầu, nó rỗng rang chúng ta không thể nào vin theo được, không thể nào nắm bắt được.

“Rỗng không tâm ngộ việc dễ tin”. Nếu khi tâm chúng ta rỗng rang không còn dính mắc thì lúc đó chúng ta mới tin được.

“Tươi nhuần sắc ngọc trong núi cháy”. Nghĩa là ở trong ngọn núi cháy rực, hòn ngọc vẫn tươi nhuần không bị khô, không bị cháy cũng không bị nứt bể.

“Lò lửa hoa sen nở thật xinh”. Ở trong lò lửa hoa sen vẫn nở thật đẹp. Như vậy hoa sen ở trong lò lửa là để nói ngay thân vô thường sanh diệt của chúng ta vẫn có cái thể tánh hay Diệu tánh lúc nào cũng tươi nhuần, lúc nào cũng đẹp đẽ không bị khô héo, trong khi tất cả đều bị ngọn lửa vô thường thiêu đốt. Như thế quý vị thấy ngay trong thân vô thường có cái không phải vô thường, cái đó gọi là Diệu tánh hay Diệu thể.

Lại có một vị Tăng hỏi Hòa thượng Tộ ở Trí Môn:

- Hoa sen khi chưa ra khỏi nước thì thế nào?

Ngài đáp:

- Hoa sen.

- Sau khi ra khỏi nước thì thế nào?

- Lá sen.

Lời đáp như là không có đáp, không thể hiểu gì cả. Nhưng sau này ngài Viên Thông Đại Ứng, một vị Quốc sư Nhật Bản làm một bài tụng rằng:

Âm:

Liên hoa hà diệp ly nê thủy,
Xuất vị xuất thời tuyệt điểm ai.
Vô hạn thanh hương thâu bất đắc,
Hòa phong đối vũ mãn trì khai.

Dịch:

Hoa sen cành lá lìa bùn nước,
Ra với chưa ra bặt điểm trần.
Vô hạn hương thơm thu chẳng hết,
Theo mưa quyện gió nở đầy ao.

Nói là ra khỏi nước hay chưa ra khỏi nước, nói là hoa sen, cành sen, lá sen, cách nói đó là để chúng ta không bị tình giải trói buộc. Vị Tăng hỏi “Hoa sen khi chưa ra khỏi nước thì thế nào?” là ý ngầm hỏi khi Phật tánh của chúng ta còn lẫn trong vọng tâm phiền não này thì thế nào? Ngài liền trả lời: Hoa sen. Lại hỏi: Sau khi ra khỏi nước thì thế nào? Lẽ ra sau khi ra khỏi nước là sắp nở, cũng như tâm giác của chúng ta khi thoát khỏi phiền não là sẽ sáng, nhưng Ngài lại đáp là lá sen. Như vậy đáp là hoa sen, là lá sen, lối đáp đó đều không cho chúng ta hiểu mà để chúng ta nhận ra. Nếu khi nào chúng ta không khởi niệm suy nghĩ phân biệt - danh từ chuyên môn nhà Thiền gọi là không khởi tình giải - lúc đó “ra với chưa ra bặt điểm trần”, nghĩa là không còn một mảy niệm nào làm cho nhơ nhớp thì “vô hạn hương thơm thu chẳng hết”, khi ấy hương thơm tràn khắp, dù chúng ta muốn thu, thu cũng không hết. “Theo mưa quyện gió nở đầy ao” là theo mưa gió, đầy ao nở toàn hoa sen.

Tóm lại, ý nghĩa bài tụng này muốn nói rằng khi người tu đến chỗ tâm niệm không còn đuổi theo ngoại cảnh hay không còn khởi những tình giải lăng xăng nữa, tâm thanh tịnh không còn dính một mảy bụi nhơ nhớp, khi ấy nơi nơi hoa sen đều nở rực, nơi nơi tỏa mùi hương thơm ngát của hoa sen, không còn hôi hám bẩn thỉu nữa. Đó là ý nghĩa hoa sen.

Tôi nhắc lại, tinh thần Phật giáo Nguyên thủy nói về hoa sen như chúng ta từng học từ thuở bé: “Trong đầm gì đẹp bằng sen…”, đó là ý nghĩa từ chỗ nhơ nhớp trở thành thanh tịnh thơm tho, đẹp đẽ, để chỉ cho tất cả chúng ta từ con người phàm tục dở xấu, nhưng khéo tu khéo sửa sẽ trở thành người hay, người tốt. Người hay tốt không phải ngẫu nhiên có, mà phát xuất từ con người xấu dở trước kia. Cũng như Đức Phật, không thể bỗng nhiên có Phật ra đời, mà chính Ngài từ con người phàm tục, thọ hưởng dục lạc rồi sau thức tỉnh bỏ dục lạc đi tu đến giác ngộ. Như vậy là đâu phải Ngài từ trên trời rơi xuống, cũng không phải từ hành tinh xa lạ nào đến đây, mà chính là con người có đầy đủ bản chất người như chúng ta, nhưng khi tu Ngài dẹp bỏ tất cả, rồi thành Phật.

Hiện nay chúng ta có giống Ngài không? Chúng ta tu dễ hay khó hơn Ngài? Nếu quý Phật tử nam “lỡ” làm Hoàng tử thì chắc là hưởng dục lạc suốt đời chứ không bao giờ bỏ ngai vàng đi tu! Nếu quý Phật tử nữ làm Công chúa chắc cũng khó đi tu lắm! Đức Phật cũng là một con người, nếu Ngài mang tính chất thánh thiện sẵn, chắc là Ngài không có gia đình, không có vợ con. Nhưng Ngài cũng như chúng ta, cũng có gia đình, cũng có con, nhưng Ngài dám dứt bỏ tất cả, một phen ra đi khi nào tu ngộ đạo mới trở về. Đó là điều đặc biệt của Ngài. Trái lại chúng ta hiện nay đi đâu thì nhớ nhà, nhớ người này, nhớ người kia, nhớ con nhớ cháu… Thế nên chúng ta cũng có tư cách như Ngài mà không làm được như Ngài, còn Ngài cũng có tư cách như chúng ta mà Ngài đã làm được con người xuất trần.

Nhìn Đức Phật rồi gẫm lại chúng ta, tất cả chúng ta đều có khả năng làm Phật, nhưng rất tiếc là chúng ta không gan. Thường thường quý vị ai cũng nói mình gan lắm, chớ đâu có ai nói tôi nhát lắm, tôi khiếp nhược lắm, phải không? Nhưng anh hùng là anh hùng với những người yếu thế hơn mình, như bên nam thì anh hùng với vợ con, vợ con nói trái ý thì la hét và muốn tát tai liền, nhưng lại không anh hùng với mình. Những sự nóng giận, tham lam, si mê của mình không có gan bỏ, mà không có gan bỏ tức là không có anh hùng! Trong đạo Phật, anh hùng là anh hùng với chính mình. Những gì biết là xấu dở liền cắt đứt ngay. Như quý vị Phật tử nam chắc cũng có nhiều người ghiền rượu, ghiền thuốc phải không? Biết ghiền rượu, ghiền thuốc là hại sức khỏe, là tốn tiền, nhưng quý vị có bỏ được không? Mười người khoảng hai ba người bỏ được, còn bảy tám người không bỏ được, như vậy là biết hại nhưng mà không gan bỏ. Hành động cử chỉ mạnh bạo hung tợn tỏ ra là anh hùng, nhưng rốt cuộc cái hại, cái dở của mình lại bỏ không nổi thì đâu gọi là anh hùng. Như vậy để thấy người đời không can đảm giải quyết những điều hư, điều dở của mình.

Trái lại, Đức Phật từ con người dở, tức là con người hưởng thụ ngũ dục trong cảnh vua chúa sang giàu, nhưng khi thức tỉnh rồi ngay đó Ngài dứt bỏ hết để đi tu. Chúng ta hiện nay thật ra hưởng thụ có bao nhiêu đâu, sánh với Đức Phật khi còn làm Thái tử, Ngài thụ hưởng trăm phần mà Ngài trút bỏ một cách dễ dàng, còn quý Phật tử thụ hưởng chưa được mười phần mà bỏ không được, như thế mới thấy chỗ yếu của chúng ta. Chính sự yếu đuối đó làm cho chúng ta tu không tiến, còn Ngài khi quyết định làm thì dứt khoát làm, khi vượt thành xuất gia rồi cho đến khi ngộ đạo mới trở về thăm gia đình. Còn chúng ta hiện nay ngồi trong chùa thì nhớ gia đình, về gia đình lại nhớ trong chùa, đi đi lại lại không có thái độ dứt khoát, nên không thể bì được với Ngài.

Đến các Thiền sư, các ngài thấy rõ thân này là thân vô thường bại hoại, ai cũng bị vô thường chi phối; nhớ thuở nào chúng ta là người trẻ, nay là người già. Sắc tươi trẻ lần lần bị thiêu đốt trở thành già, tóc ngày xưa xanh nay đã bạc, răng ngày xưa cứng chắc nay đã rụng, những gì tốt đẹp thuở xưa nay đã bại hoại. Cái gì làm hoại? Nhà Phật gọi đó là lửa vô thường thiêu đốt. Tuy thân chúng ta bị lửa vô thường thiêu đốt, nhưng trong đó có cái không bị thiêu đốt, đó là Phật tánh, là Chân tâm của chúng ta. Thế nên Thiền sư dụ Phật tánh, Chân tâm như hoa sen, thân vô thường như lò lửa.

Như vậy tất cả chúng ta ai cũng có hoa sen trong lò lửa, nhưng hiện nay chúng ta nhớ lò lửa hay nhớ hoa sen? - Cứ nhớ thân lửa cháy rần rần, còn hoa sen thì không nhớ chút nào, thế nên khi thân cháy rụi thì chới với. Vậy ngay trong lò lửa này chúng ta nhận ra hoa sen tươi thắm trong lò lửa, chúng ta cười vui, dù lửa cháy đến đâu đi nữa chỉ làm tươi thắm thêm hoa sen của mình. Lò lửa cháy, nó khô nó hoại, hoa sen vẫn tươi thắm mãi, vậy là trong cảnh vô thường chúng ta thoát được cái vô thường. Trái lại, nếu chúng ta chỉ nhớ thân lửa cháy này, dầu chúng ta cung cấp nuôi dưỡng nó bao nhiêu đi nữa, nó cũng bại hoại. Có ai nuôi thân này mà khỏi bại hoại không? Hẳn là không, nuôi cách nào rồi cũng bại hoại, cũng không còn. Vậy tại sao cái sẽ không còn mà chúng ta cố giữ, cố lo cho nó mãi, trong khi cái còn mãi, không bao giờ mất lại không nhớ? Như thế chúng ta là người trung thành với mình hay là người phản bội chính mình? Chúng ta thương chúng ta hay là ghét? Ghét mới bỏ cái thật giữ cái giả, trái lại nếu thương mình thì cái thật phải giữ, cái giả đừng màng. Quý Phật tử thử kiểm điểm lại xem, quý vị lớn tuổi trong sáu bảy mươi năm nay giữ cái nào? Thân lửa cháy hay hoa sen? Thân lửa cháy rực thiêu đốt hết bao nhiêu sự nghiệp mà cứ giữ, còn hoa sen tươi thắm lại bỏ quên! Thật là chúng ta tự hủy hoại, tự bỏ quên mình! Thế nên người Phật tử tu theo Phật cần yếu là phải nhớ lại mình, tìm ra cái thật của mình, đó là căn bản của sự tu.

Trong kinh Đức Phật dạy chúng ta tu là phải buông xả tâm chấp ngã này. Khi không chấp thân, không chấp cái ngã này là mình thì tâm chúng ta mới không dính mắc, không tham, không sân, không phiền não. Khi ấy trí tuệ chân thật hiện ra, gọi là hoa sen hay Tri kiến Phật. Vậy trí tuệ đó sẽ phát ra khi nào chúng ta không chấp cái hư giả của mình, là quý. Quý vị có bằng lòng điều đó không? Tuy nó giả mà thương nó quá, không đành quên, vì thương nhiều nên có ai xúc chạm đến nó thì nổi sân. Vì lẽ đó Đức Phật thường dạy người Phật tử phải biết thân này là vô thường, vô ngã. Vô ngã là không phải thật ta mà chấp là ta. Như hiện nay quý vị nghĩ da thịt là mình chăng? Nếu da thịt là mình thì chỗ nào lỡ có u nhọt, người ta cắt bỏ ra thì cái đó là mình hay là miếng thịt thúi? Chúng ta có gớm không? Nếu là mình thì lúc nào cũng là mình, chớ không thể còn trong thân là mình, cắt bỏ ra ngoài là không phải mình, rồi lại gớm nó. Như thế làm sao nói thân này là thật được? Nhưng trong đã có cái chân thật mà chúng ta không thấy, thế nên người ta dù xuất gia, dù tại gia đều phải làm sao thấy được, nhận ra được cái chân thật của mình. Nhưng muốn thấy được cái chân thật thì phải biết cái giả. Khi có những món đồ giả, nếu muốn mua đồ thật đừng lầm đồ giả thì phải làm sao? Phải biết đồ giả như thế nào, đồ thật như thế nào, biết được cái giả rồi mới tìm ra cái thật, nếu không giả là thật thì mỗi lần mua là mỗi lần lầm.

Cũng vậy, trong thân này có cái giả mà cũng có cái thật, nếu không nhận ra cái giả thì không bao giờ biết được cái thật. Thân chúng ta là thân vô thường luôn luôn bị thiêu đốt, bị bại hoại. Cái gì bị thiêu đốt, bị bại hoại là giả, nhưng chúng ta cứ cho là thật. Thân mình là thật nên khi nghe Phật nói thân này vô ngã, không phải là mình thì buồn khổ. Hiểu như vậy để biết thân chúng ta là tương duyên hợp, không thật. Thử hỏi thân này là thật hay giả? Nhiều người trả lời là giả. Tại sao biết thân này là giả? Đa số đáp: Vì Phật nói thân này vô thường tạm bợ hư dối nên nói là giả. Nhưng trả lời “giả” là trong thâm tâm thấy giả hay bắt chước nói theo Phật? Vậy là bắt chước mà đáp chớ không phải do chính mình nhận biết.

Giả sử đặt câu hỏi: Mũi quý vị đang làm gì?

- Đang thở.

- Thở nghĩa là gì?

Hít không khí ở ngoài vào độ mấy giây đồng hồ liền trả ra. Hít vào, trả ra. Có ai hít vào mà không trả ra? Nếu trả ra mà không hít vào thì thế nào? Như thế là cuộc sống này là nhờ hít vào, tức mượn không khí ở ngoài rồi trả ra, mượn trả, mượn trả đều đều… Khi ngồi chơi, không ngờ mình đang mượn trả, mượn trả đều đều không lúc nào ngồi chơi cả. Nếu trả rồi không mượn lại thì tắt thở, là chết. Nếu thân này là thật thì không cần mượn làm chi, trái lại phải mượn mới còn sống thì đâu gọi là thật. Mũi mượn không khí, miệng mượn tách nước, một lát sau lại trả, rồi đến mượn chén cơm rồi lại trả… Mượn trả đều đều suôn sẻ đó là cuộc sống yên lành. Nếu mượn mà trả không được thì xuống đất. Nếu trả mà mượn không được thì cũng xuống đất. Chúng ta thấy cuộc sống thật đáng tức cười, chỉ là mượn trả, mượn trả nếu suôn sẻ thì cười vui cho là hạnh phúc, nếu trục trặc thì nằm giẫy giụa rồi chở đi cấp cứu. Như vậy trong cuộc sống này cái gì là thật? Trong nhà Phật nói thân này do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) hợp thành, nhưng tự nó không bảo vệ được, phải mượn đất nước gió lửa bên ngoài bồi bổ luôn, nên lúc nào cũng mượn trả. Xét theo lẽ đó thân mượn trả là thân tạm bợ vô thường, giả dối không thật. Không thật mà tưởng thật là không sáng suốt. Nếu thấy rõ như vậy, quý vị có tỉnh không? Như hết nước thì mượn nước, nước lã hoặc nước trà, nước cam, nước xá xị v.v… nếu khô cổ cho một tách nước vào thì hết khô. Nhưng chúng ta lại cầu kỳ, cho nước là không chịu, phải kiếm nước cam, nước chanh mới bằng lòng. Cũng vì ý muốn đó nên cực nhọc, vì phải làm ra tiền mới mua được, chớ nước lã thì không phải mua, không phải tốn gì cả. Khi bao tử trống thì kiếm chén cơm với vài thức ăn đơn giản như rau luộc… nhưng chúng ta phải đòi có món gì xào chiên thơm thơm, phải có thịt có cá… nên phải cực.

Một hôm vào buổi sáng sớm, trên xe đi từ Phước Thái về thành phố Hồ Chí Minh đến một chiếc cầu vào thành phố, tôi nhìn thấy nước dưới sông đen ngòm mà có nhiều người cầm rổ đi vớt, đi xúc, nước đã hôi mà cứ dầm dưới đó vì cần kiếm ít con cá, ít con tép con con về ăn, chỉ bấy nhiêu đó là vừa ý rồi. Thay vì ở nhà cuốc một liếp đất trồng rau, buổi sáng cắt vào ăn, khỏi phải lạnh phải hôi gì cả, thế mà không chịu. Lại gần đây, trong chuyến đi lên nghỉ trên Đà Lạt, mỗi sáng tôi đi quanh hồ Xuân Hương, nhiều hôm trời lạnh buốt, đi trên bờ còn phải mặc áo lạnh mà vẫn có những người cầm nơm xuống hồ đi nơm cá, cả mình ướt đẫm, lạnh đánh bò cạp nhưng họ vẫn chịu đựng. Vì sao phải cực nhọc như vậy? Cũng vì mượn đất vào cho hợp với cái lưỡi, thật ra thức ăn nào có đủ chất bồi bổ cơ thể là được, đâu cần phải có những thứ ngon ngọt mới được. Như ở chùa chúng tôi đâu có ăn con vật nào mà vẫn sống. Nếu phải chịu lạnh lẽo kiếm mấy con vật đó để ăn, thử hỏi cái khổ này ai đày mình vậy, ai làm mình khổ? Có phải cái lưỡi không?

Cuộc sống của chúng ta vì lệ thuộc vào cảm giác của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân nên phải khổ. Nếu biết là vay mượn chúng ta chỉ mượn những gì cần thiết thôi, cũng như xe hết xăng không chạy được thì đổ xăng vào, thân hết nước thì khô, khó chịu, uống tách nước vào thì hết khô, cần gì phải bày biện cho thêm khổ, càng cầu kỳ chừng nào thì càng khổ chừng nấy. Uống trà, không thích trà thường, phải trà hiệu này hiệu kia, thế nên bao nhiêu tiền cũng không đủ, đó là lỗi tại ai?

Nếu hiểu rõ tinh thần Phật dạy, chúng ta thấy tu là phải đơn giản. Muốn đơn giản cuộc sống, chúng ta phải thấy rõ bản chất của thân. Nó là một đống bùn nhơ, một tướng vô thường, nó là cái lò lửa chớ không có gì tốt đẹp, quý báu. Nếu chúng ta không lầm nó, đương nhiên đời sống chúng ta sẽ đạm bạc, yên ổn và việc tu hành của chúng ta cũng được dễ dàng, trái lại nếu lệ thuộc vào nó thì đường tu của chúng ta sẽ rất khó khăn.

Tóm lại tôi giải thích cũng khá nhiều, quý vị không nhớ tôi muốn chúc điều gì. Vậy tôi cô đọng lại lời chúc Tết đầu năm của chúng tôi là: Chúc tất cả Tăng ni, Phật tử sang năm mới đều là những mầm sen chuẩn bị thoát ra khỏi bùn, khỏi nước và trổ hoa tươi đẹp thơm tho.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1433 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.218.254 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (89 lượt xem) - Việt Nam (71 lượt xem) - French Southern Territories (14 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - ... ...