Chúng ta có lỗi về những điều tốt mà ta đã không làm. (Every man is guilty of all the good he did not do.)Voltaire
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Hãy làm một người biết chăm sóc tốt hạt giống yêu thương trong tâm hồn mình, và những hoa trái của lòng yêu thương sẽ mang lại cho bạn vô vàn niềm vui và hạnh phúc.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm
Hãy sống như thế nào để thời gian trở thành một dòng suối mát cuộn tràn niềm vui và hạnh phúc đến với ta trong dòng chảy không ngừng của nó.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu bạn nghĩ mình làm được, bạn sẽ làm được. Nhưng nếu bạn nghĩ mình không làm được thì điều đó cũng sẽ trở thành sự thật. (If you think you can, you can. And if you think you can't, you're right.)Mary Kay Ash

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Giới thiệu sách mới »» Giới thiệu bản Việt dịch sách Tây Vực Ký »»

Giới thiệu sách mới
»» Giới thiệu bản Việt dịch sách Tây Vực Ký

(Lượt xem: 3.979)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Giới thiệu bản Việt dịch sách Tây Vực Ký

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Bối cảnh ra đời của tác phẩm

Pháp sư Huyền Trang sinh ra trong thời loạn lạc và lớn lên trong khoảng thời gian nhà Đường bắt đầu dựng nghiệp. Ngài là người thông minh mẫn tiệp và sớm có duyên lành cùng Phật pháp, nên ngay từ lúc tuổi trẻ đã là một bậc danh tăng nổi tiếng khắp xa gần. Ngài có học vấn uyên bác, tinh thông giáo lý của nhiều tông phái khác nhau đương thời nên từ đó nhận ra nhiều khiếm khuyết, bất ổn trong những Kinh điển đã được dịch và truyền bá tại Trung Hoa vào thời điểm đó. Từ nhận thức này, ngài lập nguyện phải đi sang Ấn Độ để học hỏi tận cội nguồn Giáo pháp, cũng như thỉnh Kinh điển về Trung Hoa và phiên dịch ra Hán ngữ để lưu truyền. Mặc dù tâm nguyện này của ngài đã không được sự cho phép của hoàng đế nhà Đường lúc đó là Đường Thái Tông, ngài vẫn quyết chí ra đi, bất chấp mọi hiểm nguy và chướng ngại.

Theo Đại Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp Sư Truyện (大慈恩寺三藏法師傳 - Đại Chánh Tạng, Tập 50, kinh số 2053), vào mùa thu năm 629, tháng 8, ngài dự định lên đường, đang có ý chờ đợi điềm lành thì bỗng nhiên có một giấc mộng rất lạ. Ngài mơ thấy giữa biển cả mênh mông bỗng nổi lên một tòa núi Tu-di toàn bằng vàng, bạc, lưu ly và pha lê, cực kỳ trang nghiêm xinh đẹp. Ngài có ý muốn lên núi, nhưng sóng biển chung quanh cuồn cuộn dữ dội mà không có thuyền bè gì cả. Tuy vậy, trong lòng ngài không hề cảm thấy sợ hãi, vẫn quyết ý muốn lên núi, chợt thấy từ trong sóng nước có hoa sen bằng đá hiện ra đỡ dưới chân ngài, chân bước đến đâu thì hoa sen hiện ra đến đó, mà ngoái nhìn lại những chỗ đã đi qua thì hoa sen ấy tự nhiên biến mất. Ngài đi trên hoa sen như vậy, không bao lâu liền đến dưới chân núi. Nhưng núi cao chót vót, chỉ có thể ngước nhìn mà không làm sao lên được. Ngài thử cất mình nhảy lên, liền tự nhiên có cơn gió mạnh nâng cả thân hình ngài bay bỗng lên hư không. Cứ như vậy lên đến tận đỉnh núi, liền thấy khắp bốn phía đều mênh mông khoáng đãng, tầm nhìn trải rộng không có gì che chắn. Ngài thức dậy thấy trong lòng hoan hỷ lạ thường, liền quyết định lên đường. Đó là vào niên hiệu Trinh Quán thứ 3, tức năm 629 theo Dương lịch, ngài vừa 26 tuổi. (Xem trong bản sách đã dẫn, trang 222, tờ c, từ dòng 16 đến dòng 23.)

Về niên đại liên quan đến cuộc đời ngài, cho đến nay vẫn còn có những ý kiến khác biệt, nhưng ở đây chúng tôi căn cứ vào Đại Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp Sư Truyện do hai vị Huệ Lập (慧立) và Ngạn Tông (彥悰) là những người đồng thời với ngài thực hiện, có thể xem là tư liệu đáng tin cậy nhất. Lấy ví dụ như cùng đoạn tư liệu chúng tôi vừa trích dẫn trên, có thể tìm thấy gần như nguyên vẹn được chép lại trong sách Đại Đường Cố Tam Tạng Huyền Trang Pháp Sư Hành Trạng (大唐故三藏玄奘法師行狀 – Đại Chánh Tạng, Tập 50, kinh số 2052), nhưng lại chép rằng năm ấy ngài 29 tuổi. (Xem sách vừa dẫn, trang 214, tờ c, dòng 24.) Ông Võ Đình Cường, trong sách Huyền Trang (Hương Đạo-1960) cũng thấy có một đoạn khá tương đồng như đoạn chúng tôi vừa trích dẫn trên, nhưng sau đó lại nói rằng năm ấy ngài 34 tuổi. Tiếc là không thấy tác giả dẫn nguồn tư liệu từ đâu.

Và như vậy, Pháp sư Huyền Trang lên đường Tây du từ khoảng tháng 8 năm 629 (Trinh Quán 3), cho đến tháng giêng năm 645 (Trinh Quán 19) thì quay về đến Trường An, tổng thời gian chính xác là 15 năm và 5 tháng. Tuy vậy, cách tính năm tháng ngày xưa cũng giống như cách tính tuổi ta, vừa khởi đầu đã tính ngay là 1 năm và cứ vậy đếm tới cho đến năm cuối cùng, do vậy nên trong trong các tư liệu thời ấy đều nói ngài đi về ròng rã 17 năm, nhưng thời gian thực tế như đã nói là 15 năm cộng thêm 5 tháng.

Đường Thái Tông là một ông vua có niềm tin mãnh liệt nơi Tam bảo, nên mặc dù đã ban lệnh cấm xuất quan mà ngài Huyền Trang vẫn chống lệnh ra đi nhưng nhà vua không hề phiền trách mà ngược lại còn ngày đêm trông ngóng. Do vậy, khi nhận được tờ biểu của ngài gửi về từ khi còn ở nước Cù-tát-đán-na (Vu Điền), vua đã lập tức ra lệnh cho các quan viên địa phương phải tổ chức đón rước và hộ tống ngài về kinh thành. Và ngay sau khi ngài về đến, vua đã thỉnh ngài vào nội cung để tiếp kiến, nhằm có nhiều thời gian trao đổi hơn là giữa chốn triều đình. Khi trò chuyện với Pháp sư, nhà vua say mê lắng nghe ngài kể chuyện về các nước đã đi qua, đến mức hầu như quên hết mọi chuyện khác. Nhân đó vua liền yêu cầu Pháp sư biên soạn lại những nội dung đã thu thập được trong chuyến đi để in thành sách. Đây chính là duyên khởi để ra đời tập sách này.

Với sự hỗ trợ nhiệt thành cũng như hối thúc của vua Đường Thái Tông, mùa thu năm sau đó, vào tháng 7 năm 646 (Trinh Quán 20) thì sách được hoàn thành.

Lịch sử lưu hành tác phẩm

Vua Đường Thái Tông rất nôn nóng trong việc biên soạn sách này, do đó có thể dễ dàng hiểu được việc sách được khắc bản in ra ngay sau khi hoàn tất, nghĩa là trong khoảng 646-647.

Không những thế, với việc có thêm lời tựa của Vu Chí Ninh được viết trong khoảng 651–683, chúng ta biết chắc một điều là sách này được tái bản không lâu sau đó.

Ngoài ra, việc sách này được thu thập vào Đại Tạng Kinh cũng là một điều thuận lợi giúp bảo lưu và truyền rộng qua nhiều thế hệ. Trong các bản Càn Long Tạng và Vĩnh Lạc Bắc Tạng hiện nay đều có thể dễ dàng tìm thấy sách này. Cho đến phiên bản Đại Chánh Tạng thì sách này được xếp vào Tập 51, kinh số 2087. Đây có thể xem là phiên bản ổn định và lưu hành lâu nhất, vì hầu hết các bản in riêng rẽ đều đã bị thất bản qua thời gian.

Với sự lưu truyền của tác phẩm này, cộng với sự kính ngưỡng mà người đương thời dành cho ngài Huyền Trang, chúng ta có thể đoán chắc được một điều là câu chuyện về chuyến đi thỉnh kinh đầy gian khổ và hiểm nguy của ngài cũng phải được lưu truyền rất rộng rãi, chẳng những vào thời ấy mà kể cả qua các thời đại về sau. Một trong những biểu hiện rõ rệt của điều này là vào khoảng cuối thế kỷ 16, bộ tiểu thuyết hư cấu Tây Du Ký đã ra đời, lấy cảm hứng cốt chuyện từ chính chuyến đi thỉnh kinh của ngài Huyền Trang. Tuy không có bằng chứng chắc chắn nhưng đa số mọi người đều cho rằng bộ tiểu thuyết này là của Ngô Thừa Ân, còn học giả Đoàn Trung Còn thì cho rằng tác giả Tây Du Ký là Khâu Xử Cơ nhưng không thấy dẫn ra cứ liệu.

Trong thực tế, Tây Du Ký chỉ lấy cảm hứng từ câu chuyện thỉnh kinh để hư cấu nên tác phẩm, cho nên ngoài nhân vật Đường Tam Tạng là ngài Huyền Trang và câu chuyện thỉnh kinh ra, toàn bộ tác phẩm hư cấu này thực sự có rất ít liên quan đến Tây Vực Ký. Tuy vậy, việc bộ tiểu thuyết này góp phần đưa tên tuổi và hình ảnh ngài Huyền Trang cũng như câu chuyện thỉnh kinh của ngài đến với đại đa số quần chúng là điều không thể phủ nhận. Và cũng chính vì vậy nên những hiểu biết chính xác về chuyện thỉnh kinh của ngài chỉ có được ở một số rất ít người có cơ hội tiếp cận với Tây Vực Ký, thay vì là nghe biết qua Tây Du Ký.

Tuy nhiên, sự nhận hiểu về một nhân vật lịch sử quan trọng như ngài Huyền Trang thông qua một bộ tiểu thuyết hư cấu tất nhiên phải dẫn đến rất nhiều điểm sai lệch, méo mó. Và từ sự nhận hiểu sai lệch đó, những đóng góp thực sự của ngài cho nền Phật học đã không được nhiều người biết đến hoặc biết đến một cách sai lầm, thiếu sót. Hơn thế nữa, ảnh hưởng của Tây Du Ký lại càng được mở rộng hơn khi sách được dịch sang tiếng Việt với nhan đề “Tây Du diễn nghĩa”, được lưu hành rất rộng, và đến khoảng năm 1990 thì có cả phim truyền hình chuyển ngữ tiếng Việt. Do vậy, trong thực tế ngày nay những người biết đến ngài Huyền Trang qua sử liệu chính thức rất ít, mà biết đến qua phim và truyện Tây Du Ký lại rất nhiều.

Nhiều trí thức Phật giáo Việt Nam đã sớm nhận ra điều này và đã có những nỗ lực tích cực để điều chỉnh. Năm 1931, ông Đoàn Trung Còn cho xuất bản quyển Văn Minh Nhà Phật Qua Tàu, sau đó tái bản năm 1935, kể về chuyện ngài Huyền Trang đi thỉnh kinh. Đến năm 1960, ông Võ Đình Cường xuất bản quyển Huyền Trang, cũng viết về cuộc đời ngài Huyền Trang. Cả hai vị này đều không dẫn tư liệu gốc đã dựa vào để biên soạn, nhưng dựa theo sự so sánh một số đoạn văn trong sách của họ, chúng ta có thể biết rằng họ đã sử dụng ít nhất một phần tư liệu Hán ngữ lấy từ Đại Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp Sư Truyện (大慈恩寺三藏法師傳), là tập sách mà chúng tôi vừa dẫn bên trên.

Lấy ví dụ sau đây là đoạn văn kể về giấc mộng của ngài Huyền Trang trước khi lên đường đi thỉnh kinh, được in trong sách Huyền Trang của Võ Đình Cường:

“Một đêm, vào năm 629, Ngài nằm mộng thấy núi Tu-di cao chót vót nổi lên giữa bể mênh mông. Ngài nhảy xuống biển, không ngại ngùng sóng to gió lớn, quyết tâm bơi cho tới chân núi. Bỗng một tòa sen nổi lên dưới chân Ngài, và đưa Ngài đến chân núi. Nhưng ngọn núi này quá hiểm trở, khó có thể trèo lên được. Bỗng một luồng gió lạ nổi dậy, đưa Ngài bay bổng lên tận ngọn núi. Một chân trời mênh mông hiện ra dưới chân Ngài, bao nhiêu đất nước, xứ sở đều hiện rõ ra trước mắt, làm Ngài sảng khoái vô cùng. Ngài sực thức dậy và càng thêm tin tưởng ở sự thành tựu của nguyện vọng mình... ...Năm ấy ngài đã 34 tuổi.”

Cùng một nội dung này, chúng ta tìm thấy trong sách của ông Đoàn Trung Còn (bản in 1935) như sau:

“Một hôm thầy nằm chiêm bao thấy hòn núi Tu-di nằm giữa biển. Thầy muốn lên đến đảnh núi, sắp đánh liều lội ngang sóng biển. Bỗng đâu có một tòa sen hiện dưới chơn và đưa thầy qua đến triền núi. Cao biệt mù, đá chập chồng ghê gớm, không thế lần bước lên được. Liền đó có một ngọn gió đưa thầy lên đến tận đảnh núi. Thầy trông ra thấy chân trời minh mông, một mình đứng trên cao, xem đủ các nơi... tuồng như đã trải qua các chỗ linh mà nghiên cứu đạo lành. Thầy đẹp lòng lắm, liền giựt mình thức dậy. Ít hôm sau, thầy ra đi... ...Khi bước chân ra đi, Huyền Trang tuổi chừng hai mươi sáu.”

Đây chính là một đoạn trong Đại Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp Sư Truyện, nguyên bản như sau:

貞觀三年秋八月,將欲首塗,又求祥瑞。乃夜夢見大海中有蘇迷盧山,四寶所成,極為嚴麗。意欲登山,而洪濤洶湧,又無船栰,不以為懼,乃決意而入。忽見石蓮華涌乎波外,應足而生,却而觀之,隨足而滅。須臾至山下,又峻峭不可上。試踊身自騰,有摶飈颯至,扶而上昇。到山頂,四望廓然,無復擁礙,喜而寤焉,遂即行矣。時年二十六也。

Trinh Quán tam niên thu bát nguyệt, tương dục thủ đồ, hựu cầu tường thụy. Nãi dạ mộng kiến đại hải trung hữu tô-mê-lô sơn, tứ bảo sở thành, cực vi nghiêm lệ. Ý dục đăng sơn, nhi hồng đào hung dũng, hựu vô thuyền phạt, bất dĩ vi cụ nãi quyết ý nhi nhập. Hốt kiến thạch liên hoa dũng hồ ba ngoại, ứng túc nhi sinh, khước nhi quan chi, tùy túc nhi diệt. Tu du chí sơn hạ, hựu tuấn tiễu bất khả thượng. Thí dũng thân tự đằng, hữu đoàn tiêu táp chí, phù nhi thượng thăng. Đáo sơn đỉnh tứ vọng khuếch nhiên, vô phục ủng ngại. Hỷ nhi ngụ yên, toại tức hành hĩ. Thời niên nhị thập lục dã.

Nếu so với những chi tiết trong đoạn này đã được chúng tôi chuyển dịch đầy đủ ở phần trước, độc giả có thể thấy ngay là những đoạn văn này có cùng một xuất xứ, hoàn toàn giống nhau về đại thể, chỉ được các tác giả thêm bớt đôi chút mà thôi. Chẳng hạn, khi mô tả việc hoa sen sinh ra trong mộng, nguyên bản nói “ứng túc nhi sinh... tùy túc nhi diệt” thì rõ ràng ở đây là mỗi bước chân đi của ngài liền tự nhiên có hoa sen sinh ra (ứng túc nhi sinh), mà đi qua rồi thì tự nhiên mất đi (tùy túc nhi diệt), và như vậy nghĩa là mỗi bước chân đi có mỗi đóa hoa sen hiện ra rồi mất đi sau khi ngài đi qua. Tuy nhiên, cả hai tác giả đều mô tả theo cách đơn giản hóa là “một tòa sen nổi lên dưới chân Ngài” (Võ Đình Cường) hay “một tòa sen hiện lại dưới chân và đưa Ngài qua...” (Đoàn Trung Còn). Hoặc như trong hai bản này nói ngài “nhảy xuống biển, không ngại ngùng sóng to gió lớn, quyết tâm bơi cho tới chân núi” (Võ Đình Cường), hay là “sắp đánh liều lội ngang sóng biển” (Đoàn Trung Còn), nhưng trong nguyên bản chỉ nói “quyết ý nhi nhập”, nghĩa là trong ý đã quyết định nhưng chưa hẳn đã nhảy xuống biển. Như vậy, ông Đoàn Trung Còn dùng chữ “sắp” có vẻ hợp lý hơn, tuy rằng chuyện “lội ngang sóng biển” chỉ là diễn dịch thêm.

Nhưng dù có đôi chút thêm thắt sai lệch như vậy, chúng ta vẫn thấy rõ hai vị này đã căn cứ vào đoạn văn này (hay một tư liệu nào khác đã phái sinh từ đây) để mô tả lại giấc mộng lành của ngài Huyền Trang.

Năm 1961, thầy Thích Minh Châu xuất bản quyển “Hsuan-Tsang, the Pilgrim and Scholar” (Nava Nalanda Mahavihara, 1961) bằng Anh ngữ, nhưng phải đến năm 1966 mới có bản Việt dịch sách này: “Huyền Trang, Nhà Chiêm bái và Học giả” (Vạn Hạnh, 1966) của Thích Nữ Trí Hải, nói về cuộc đời ngài Huyền Trang, cũng dựa trên bản Hán ngữ Đại Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp Sư Truyện. Như vậy, có thể nói đây là tư liệu mà hầu hết các tác giả đều đã sử dụng khi nghiên cứu về cuộc đời ngài Huyền Trang. Và như đã nói, sách này được biên soạn bởi hai vị sống cùng thời, từng trực tiếp tiếp xúc, làm việc với ngài Huyền Trang nên có thể xem là rất đáng tin cậy.

Những sách Việt ngữ kể trên đều góp phần đáng kể trong việc giới thiệu với độc giả Việt Nam một hình ảnh chân xác, đúng thật về ngài Huyền Trang. Tuy nhiên, nếu nói về chuyến đi thỉnh kinh vô tiền khoáng hậu của ngài thì Đại Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp Sư Truyện chỉ là một bảng tóm tắt, không nêu ra được đầy đủ cuộc hành trình của ngài. Và đây chính là giá trị không gì thay thế được của Tây Vực Ký.

Ngoài ra, như đã nói ở trước, Tây Vực Ký được biên soạn ngay sau khi ngài Huyền Trang về đến Trường An theo yêu cầu của Đường Thái Tông, nên những tư liệu được chọn lọc, ghi chép vào sách này có thể nói là đầy đủ và chính xác nhất. Chính những chi tiết, dữ kiện trong sách này sau đó mới được sử dụng để đưa vào các tác phẩm ra đời muộn hơn, mà Đại Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp Sư Truyện cũng là một trong số đó.

Như vậy, có thể nói rằng việc chưa tiếp cận được với một bản Việt dịch đầy đủ của sách Tây Vực Ký là một thiếu sót vô cùng đáng tiếc cho độc giả Việt Nam. Về sự ra đời và lưu hành của một số bản Việt dịch sách này từ năm 2003 đến nay, chúng tôi sẽ đề cập chi tiết trong phần Dẫn nhập của sách. Quý vị có thể tìm hiểu trước khi đi vào nội dung Việt dịch.

Và một điều có vẻ như nghịch lý đã diễn ra trong thực tế là các nhà nghiên cứu phương Tây lại biết đến và nghiên cứu về Tây Vực Ký trước xa các học giả Việt Nam, cho dù xét về sự tương đồng văn hóa thì chúng ta có nhiều lợi thế hơn trong việc tiếp cận tác phẩm này.

Từ năm 1857, phương Tây đã có bản dịch Tây Vực Ký sang tiếng Pháp của Stanislas Aignan Julien (1797-1873) với nhan đề Mémoires sur les contrées occidentales. Sau đó, vào năm 1884 thì Samuel Beal xuất bản một bản dịch Anh ngữ, nhưng có vẻ như không hoàn toàn dịch từ Hán ngữ mà có một phần đã dựa vào bản dịch tiếng Pháp của Julien. Mặc dù còn có nhiều khiếm khuyết như Giáo sư Thomas Watters sau đó đã chỉ ra, nhưng các bản dịch đầu tiên này đã góp phần quan trọng trong bước đầu giới thiệu Tây Vực Ký đến với phương Tây, đặt nền tảng cho các nghiên cứu sâu hơn sau này.

Năm 1904 và 1905, tác phẩm On Yuan Chwang’s Travels in India (2 quyển - Royal Asiatic Society, London) của Giáo sư Thomas Watters lần lượt xuất bản, được in ấn muộn màng sau khi tác giả đã qua đời vào năm 1901. Đây là một công trình nghiên cứu chuyên sâu về tác phẩm. Thay vì chuyển dịch toàn bộ, Giáo sư Thomas Watters chỉ tóm lược nội dung từng phần để đưa ra các phân tích, nghiên cứu của ông. Công trình của ông thực sự đã giúp cho những người đi sau dễ dàng hơn rất nhiều trong việc tìm hiểu Tây Vực Ký.

Năm 1996, một người Trung Hoa là Giáo sư Lý Vinh Hy (李榮熙 - 1916-1997) đã dịch Tây Vực Ký sang tiếng Anh với nhan đề The Great Tang Dynasty Record of the Western Regions (BDK America, Inc., 1996).

Và điều thú vị là mặc dù được viết bằng Hán ngữ là chữ viết của người Trung Hoa, nhưng ngày nay bản thân người Trung Hoa lại thường phải đọc tác phẩm này qua các bản dịch sang Hoa ngữ, tức là lối văn bạch thoại. Hiện có khá nhiều các bản dịch loại này như Đại Đường Tây Vực Ký kim dịch (大唐西域記今譯) của Quý Tiện Lâm (季羨林), Tân dịch Đại Đường Tây Vực Ký (新譯大唐西域記) của Trần Phi (陳飛)... và có cả sách hướng dẫn đọc Tây Vực Ký như Đại Đường Tây Vực Ký đạo độc (大唐西域記導讀) của Nhuế Truyền Minh (芮傳明). Tất cả các công trình này đều sẽ được chúng tôi đề cập và phân tích trong phần Dẫn nhập.

Điểm qua tiến trình phát triển và lưu hành của sách này như trên để thấy rằng việc ra đời một bản Việt dịch Tây Vực Ký vào thời điểm này (2022) là khá muộn màng, nếu không muốn nói là quá trễ, khi mà thế hệ các bậc tiền bối am hiểu Hán văn đều đã dần dần ra đi, trong khi thế hệ tiếp nối thì dường như có rất ít người quan tâm đến công việc chuyển dịch những loại sách như thế này. Đây chính là một trong những lý do thúc đẩy chúng tôi phải liều lĩnh thực hiện bản Việt dịch này, dù tự biết đây là một công việc khó khăn vượt quá sức mình.


Những điểm mới của bản Việt dịch này

Trước hết, khi thực hiện bản Việt dịch này chúng tôi không chỉ nhắm đến việc chuyển dịch từ Hán ngữ sang Việt ngữ, mà còn mong muốn giới thiệu với độc giả một bức tranh toàn cảnh, khả dĩ có thể giúp nhận hiểu đầy đủ về công trình thỉnh kinh của ngài Huyền Trang.

Để làm được điều này, chúng tôi không thể chỉ dựa vào văn bản Hán ngữ của Tây Vực Ký, mà cần phải mở rộng tầm nhìn sang hầu hết các vấn đề có liên quan đến chuyến đi của ngài, trong đó bao gồm cả các yếu tố về lịch sử cũng như địa dư, và đặc biệt phải là trong bối cảnh thời đại của chuyến đi, vốn khác biệt rất nhiều so với những hiểu biết hiện nay.

Độc giả khi tiếp cận bản Việt dịch này sẽ thấy được những nỗ lực cụ thể hóa của chúng tôi trong việc miêu tả lại các tuyến đường mà ngài Huyền Trang đã đi qua. Chính nhờ vậy mà chúng tôi đã tránh được một số những sai lầm theo cách hiểu của người đi trước. Chẳng hạn, khi kể đến đoạn đường về của ngài Huyền Trang, ông Đoàn Trung Còn đã viết “Thầy Huyền Trang noi theo đường cũ mà về.” (trang 118, sách đã dẫn). Nhưng thật ra như độc giả sẽ thấy rõ sau khi đọc bản Việt dịch này, ngài Huyền Trang đã đi và về bằng hai lộ trình khác nhau, chỉ có một điểm giao nhau nơi Hoạt quốc mà thôi.

Để giúp độc giả dễ dàng hình dung những đoạn đường ngài Huyền Trang đi qua, chúng tôi đã thực hiện các bức đồ họa cho từng đoạn hành trình trong mỗi quyển, đầy đủ cả 12 quyển, cộng thêm với 2 đồ họa tổng quát để độc giả có thể thấy rõ toàn bộ cuộc hành trình.

Trong thực tế, một số địa điểm ngài Huyền Trang đã từng thăm viếng và mô tả trong sách, cho đến nay vẫn chưa được sự thống nhất ý kiến của các nhà nghiên cứu, mà mỗi người có thể xác định theo một cách khác nhau. Tuy nhiên, những khác biệt như vậy không nhiều, và có thể làm sai lệch đi một phần nhỏ trong các đồ họa, nhưng chúng tôi chấp nhận các sai biệt đó vì về tổng thể vẫn nêu ra được một hình ảnh cụ thể hơn về cuộc hành trình, so ra vẫn hơn là để độc giả chỉ có thể tiếp cận mơ hồ qua các dòng chữ.

Ở một số nơi trong sách, chính nhờ vẽ ra họa đồ mà chúng tôi xác nhận lại được các mối tương quan giữa nhiều địa điểm khác nhau. Chẳng hạn, trong quyển 1 khi mô tả đến nước Câu-mê-đà, ngài Huyền Trang nhắc đến một loạt các nước nằm về phía nam của nước này:

Về hướng nam, qua sông Phược-sô thì có thể đến các nước Đạt-ma-tất-thiết-đế (Dharmasthiti), Bát-đạc-sang-na (Madakhshan), Dâm-bạc-kiện (Yamgan), Khuất-lang-noa (Kurana), Hứ-ma-đát-la (Himatala), Bát-lợi-át (Parghar), Ngật-lật-sắt-ma (Kishm), Hạt-la-hồ (Rahula), A-lợi-ni (Arhan), Măng-kiện (Mungan)...

Tất cả những nước này chỉ được nhắc tên như thế, nhưng đến quyển 12 trên lộ trình quay về ngang qua nơi đây, chúng ta gặp đủ tất cả các nước đã được kể trên, và quả thật khi thể hiện lên đồ họa đều nằm về phía nam của nước Câu-mê-đà.

Một trường hợp tương tự khác như trong quyển 3 nói về nước Bát-lộ-la có nhiều mỏ khoáng vàng bạc, mãi đến quyển 12 trên đường đi về khi đến nước Thương-di rồi qua cao nguyên Ba-mê-la, ngài lại nói rằng về hướng nam cao nguyên này, vượt qua núi là đến nước Bát-lộ la, có nhiều vàng bạc. Khi ghép đồ họa của 2 quyển này lại với nhau thì quả nhiên vị trí của nước Bát-lộ-la nằm chếch về hướng nam của cao nguyên Ba-mê-la. Điều này cho thấy những quan sát và ghi chép của ngài Huyền Trang rất chính xác, và nếu không thể hiện cụ thể lên bản đồ, chúng ta rất khó nhận biết được. Hơn thế nữa, những thông tin liên quan qua lại giữa các nước như thế cho thấy ngài luôn biết rõ vị trí của mình và các nước chung quanh nằm về hướng nào.

Một điều thú vị khác là khi sử dụng phương pháp đồ họa, chúng tôi cũng giải quyết được một số vấn đề khó hiểu nếu chỉ căn cứ vào mô tả trong sách. Chẳng hạn như trong phần mô tả về nước Yết-nhã-cúc-xà, nếu căn cứ theo các chỉ dẫn đường đi trước đó thì khi đến nước này ngài đang bờ phía tây của sông Hằng, tức sông Căng-già, nhưng lại thấy nói về kinh thành nước này là “phía tây giáp sông Căng-già”. Điều này rõ ràng không hợp lý, nhưng khi thể hiện cụ thể lên bản đồ, chúng ta nhận ra ở vị trí này sông Hằng có một nhánh nhỏ rẽ sang hướng tây, và như vậy ngài Huyền Trang đã nhầm lẫn nhánh sông này với dòng chính của con sông Hằng.

Ngoài ra, cũng với mục đích giúp độc giả dễ dàng tiếp nhận thông tin trong sách, chúng tôi đã chuyển đổi toàn bộ các mô tả đường dài trong sách sang hệ mét, thay vì giữ nguyên đơn vị lý (里) hoặc xích (尺), mà nhiều người vẫn dịch là dặm và thước, vốn rất mơ hồ và khó hiểu đối với độc giả hiện nay. Chẳng hạn như đoạn đường 500 dặm thường không gợi lên được ý niệm chính xác nào nhưng nếu được chuyển đổi thành 160 km sẽ giúp độc giả hình dung ra ngay được quãng đường dài này. Tương tự, một ngọn tháp cao 100 thước thật ra chỉ là khoảng 33 mét, nên người đọc sách khó có thể hình dung chính xác độ cao được mô tả nếu không có sự chuyển đổi này.

Một nỗ lực khác của chúng tôi trong khi trình bày bản Việt dịch tập sách này là cố gắng tách biệt rõ ràng giữa các thông tin mô tả thực tế trong sách với các thông tin thuộc loại truyền thuyết hay chuyện kể có liên quan. Với sự trình bày tách biệt này, độc giả sẽ nhận biết để tiếp nhận và phân tích thông tin một cách dễ dàng hơn.

Cuối cùng, việc sử dụng các đồ họa trong sách dẫn đến nhu cầu in màu để thể hiện được một cách rõ ràng nhất, nhưng như vậy cũng đồng nghĩa với việc đưa giá thành quyển sách lên cao hơn. Do vậy, chúng tôi sẽ phát hành theo cả hai hình thức, in màu cho chất lượng rõ ràng hơn và in trắng đen để có giá sách thấp hơn. Ngoài ra cũng có phiên bản bìa cứng đặc biệt dành cho những ai muốn có bản in đẹp và giá trị để lưu giữ trong tủ sách gia đình. Tất cả đều được thực hiện qua phương thức POD (Print On Demand), do vậy độc giả khắp thế giới đều có thể dễ dàng đặt mua sách qua hệ thống Amazon cũng như các hệ thống phân phối sách trực tuyến khác. Theo thông tin chúng tôi hiện có thì bản sách in thường dày 620 trang sẽ có giá khoảng 20 USD, trong khi bản in màu và đóng bìa cứng sẽ có giá khoảng 40 USD. Giá sách này khi mua qua Amazon thì gần như đã được bao gồm cả chi phí gửi đến tận nhà. Quý vị chỉ cần vào trang Amazon gõ tên sách để tìm kiếm và đặt mua.

Tuy nhiên, cần nói rõ là toàn bộ nội dung sách sẽ được chúng tôi phổ biến hoàn toàn miễn phí. Do vậy, quý độc giả chỉ phải mua sách khi thấy cần có một bản sách in trên giấy. Nếu không, quý vị có thể vào các trang web của chúng tôi để đọc sách mà không cần phải trả bất cứ chi phí nào.

Hy vọng rằng việc lưu hành bản Việt dịch này sẽ giúp quý độc giả có được một sự nhận hiểu chính xác và đầy đủ hơn về ngài Huyền Trang và chuyến đi thỉnh kinh vô tiền khoáng hậu của ngài. Không phải là một chuyến Tây du cùng Tề Thiên Đại Thánh và Trư Bát Giới với yêu tinh quỷ quái đầy rừng núi, nhưng thực sự cũng không kém phần gian nan nguy hiểm trong từng bước chân qua rừng sâu núi thẳm, vượt sa mạc hoang vu cho đến băng qua cao nguyên lộng gió đầy trời bão tuyết.

Trân trọng,
Nguyễn Minh Tiến





Hình minh họa: Đồ họa thể hiện hành trình qua 34 nước trong Quyển 1 - Tây Vực Ký






Hình minh họa: Đồ họa thể hiện toàn bộ hành trình của ngài Huyền Trang (có thể phóng lớn trên máy tính)


    « Xem chương trước «      « Sách này có 1411 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phật Giáo Yếu Lược


Gõ cửa thiền


Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1


Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 44.221.43.208 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (410 lượt xem) - Việt Nam (129 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - ... ...