Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người duy nhất mà bạn nên cố gắng vượt qua chính là bản thân bạn của ngày hôm qua. (The only person you should try to be better than is the person you were yesterday.)Khuyết danh
Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Đừng làm một tù nhân của quá khứ, hãy trở thành người kiến tạo tương lai. (Stop being a prisoner of your past. Become the architect of your future. )Robin Sharma
Sự hiểu biết là chưa đủ, chúng ta cần phải biết ứng dụng. Sự nhiệt tình là chưa đủ, chúng ta cần phải bắt tay vào việc. (Knowing is not enough; we must apply. Willing is not enough; we must do.)Johann Wolfgang von Goethe
Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill
Phải làm rất nhiều việc tốt để có được danh thơm tiếng tốt, nhưng chỉ một việc xấu sẽ hủy hoại tất cả. (It takes many good deeds to build a good reputation, and only one bad one to lose it.)Benjamin Franklin
Nếu muốn người khác được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi. Nếu muốn chính mình được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1 »» Bài giảng thứ 23 »»

Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1
»» Bài giảng thứ 23

(Lượt xem: 1.495)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1 - Bài giảng thứ 23

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

(Giảng ngày 11 tháng 6 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 24, số hồ sơ: 19-012-0024)

Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.

Hôm qua chúng ta xem đến câu thứ 14 [trong Cảm ứng thiên]: “Kỳ quá đại tiểu, hữu sổ bách sự, dục cầu trường sanh giả, tiên tu tị chi.” (Những tội lỗi lớn nhỏ như thế tính ra đến số mấy trăm, muốn cầu sống lâu thì trước hết phải kiêng tránh tất cả.)

Những tội lỗi lớn nhỏ “tính ra đến số mấy trăm”, ở đây muốn chỉ đến mấy trăm loại. Trong mỗi một loại ấy, thật ra lại có vô số tội lỗi khác biệt. Các bậc cổ đức nói: “Việc phi nghĩa mà làm thì đều là tội lỗi.” Phi nghĩa là những chuyện không nên làm. Nếu tư tưởng, hành vi của quý vị là những chuyện không nên làm thì đó là tội lỗi.

Tội lỗi có lớn nhỏ, lớn là những tội ác nặng nề, nhỏ là những lỗi lầm sai sót. Đối với mọi tội lỗi, quỷ thần trong trời đất đều thấy biết, chư Phật, Bồ Tát cũng thấy biết rõ ràng, minh bạch. Thật ra, quỷ thần trong trời đất thấy biết, chúng ta thường xem là chuyện đương nhiên. Chư Phật, Bồ Tát còn có thể thấy được đến cả lý lẽ nguyên nhân [của tội lỗi], thấy biết rõ quý vị vì sao rơi vào mê hoặc, vì sao tạo nghiệp, vì sao thọ quả báo.

Vì sao nói rằng chư Phật, Bồ Tát có thể thấy được lý lẽ nguyên nhân? Trong kinh Vô Lượng Thọ mọi người đều đã đọc qua rồi, người ở thế giới Cực Lạc, ngay cả người chỉ vừa mới vãng sinh, hoặc người vãng sinh [ở phẩm vị thấp nhất là] hạ phẩm hạ sinh, cũng đều có thiên nhãn thông nhìn thấu suốt, thiên nhĩ thông nghe thấu suốt, tha tâm thông rõ biết hết [tâm ý người khác]. Nói cách khác, đối với mỗi người chúng ta, trong quá khứ nhiều đời nhiều kiếp từng trải qua những tình huống gì, các vị đều biết rõ. Do đó, các vị biết được mọi lý lẽ nguyên nhân.

Bao nhiêu nghiệp ác, thói quen xấu ác đã tích lũy, tập thành qua nhiều đời nhiều kiếp, thật không dễ sửa đổi. Chúng ta đã thấy trong kinh Địa Tạng, thế gian có những người bất thiện, tập khí nghiệp chướng hết sức nặng nề, quá khứ từng đọa vào ba đường ác rồi mới từ đó sinh vào cõi người, vẫn còn mang theo những tập khí tàn dư trong ba đường ác.

Những điều tương tự như vậy, thiên địa quỷ thần chưa hẳn đã thấy biết được rõ ràng. Năng lực của một vị A-la-hán cũng chỉ biết được đến 500 kiếp quá khứ của một người. Thời gian lâu xa hơn 500 kiếp thì vị A-la-hán không thấy biết được. Cho nên, người thuyết pháp cần phải thấu suốt rõ ràng mới có thể khế hợp căn cơ, mới biết cần sử dụng pháp môn phương tiện nào để giúp đỡ cứu vớt chúng sinh khổ nạn.

Câu này trong Cảm ứng thiên [khuyên chúng ta kiêng tránh mọi tội lỗi] cũng là một nguyên tắc. Nguyên tắc mang tính khái quát, chỉ cần ta có thể tuân thủ làm theo, nhất định sẽ được lợi ích.

Ngày xưa ở Trung quốc, cả Tam giáo Nho, Lão, Phật đều tham gia vào giáo dục trong xã hội, cùng theo tư tưởng văn hóa đa nguyên nhất thể, đã cống hiến rất lớn lao cho xã hội. Tam giáo tuy khác biệt nhưng cũng có chỗ tương đồng, đó là bất luận tu học theo pháp môn nào của đạo nào, nhất định vẫn phải lấy việc tích đức làm căn bản. Điều này cả Tam giáo đều công nhận.

Phải bắt đầu từ đâu mà tích đức? Từ trong tâm mà thực hiện công phu. Trong tâm nhất định phải chân thành chính trực. Nhà Phật nói “vượt phàm lên thánh”, thế nào là phàm? Phàm là tình cảm đời thường, chúng ta thường gọi là cảm xúc, tình cảm. Cảm xúc, tình cảm là tình thường. Phàm cũng có nghĩa là hành xử theo tình cảm, cảm xúc. Hành xử theo tình cảm ắt có lỗi lầm, sai sót, ta thường nói là hành động theo cảm tính.

Nếu có thể buông xả, dứt bỏ mọi tình cảm vướng mắc thì người đó là bậc thánh. Bậc thánh là người hiểu biết sáng tỏ, giác ngộ; định nghĩa về bậc thánh là như thế. Cho nên, trở thành bậc thánh tức là làm một người hiểu biết sáng tỏ, làm người giác ngộ. Nếu không đem bám chấp tình cảm chuyển biến thành trí tuệ thì không thể thành bậc thánh. Nói cách khác, người bám chấp tình cảm thì vĩnh viễn không hiểu biết sáng tỏ, không thể giác ngộ.

Sự bám chấp tình cảm từ đâu phát sinh? Trong Phật pháp dạy rằng, đó là từ nơi sự phân biệt, bám chấp vào bốn tướng mà phát sinh. Bốn tướng là tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh và tướng thọ giả. Khi phân biệt bốn tướng này, bám chấp vào bốn tướng này, thì đó là nguồn gốc phát sinh sự bám chấp tình cảm.

Do phân biệt chấp trước cho nên mới có sự ích kỷ riêng tư, giành lợi ích về mình, mới có thị phi nhân ngã, mới có tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn. [Khi ấy,] không chỉ lời nói, việc làm mới tạo nghiệp, mà khởi tâm động niệm cũng đều tạo nghiệp.

Phần trước đã nói qua khái quát với quý vị điều này, khởi tâm động niệm xấu ác là tâm quý vị xấu ác, không tốt. Chư Phật, Bồ Tát đã giác ngộ, hiểu rõ. Người giác ngộ không có tự ngã, không [bám chấp] tự kỷ nên mới có thể thực sự tôn kính người khác. Người hiểu biết sáng tỏ mới làm được như thế. Nho gia cũng [dạy như] vậy, chỉ sau khi hiểu biết sáng tỏ rồi mới có thể xem nhẹ bản thân, tự mình khiêm hạ mà tôn trọng người khác.

Chỉ có người mê hoặc mới tự cao tự đại, tự nâng mình lên cao thật cao, hoàn toàn không xem trọng người khác, không thể chịu được sự trái ý bất công. Chỉ một chút trái ý bất công là ôm hận trong lòng, chẳng lúc nào quên, do đó chiêu cảm phải chịu quả báo [gặp những điều] không vừa ý [làm khởi tâm sân hận]. Mọi người đều biết, sân hận thì phải đọa vào địa ngục.

Cho nên, chư Phật, Bồ Tát vì sao không trụ trong sáu đường? Vì sao không trụ trong mười pháp giới? Khi thị hiện trong sáu đường, các ngài vẫn trụ nơi pháp giới nhất chân, điều đó có ý nghĩa gì? Đó là, không có tự ngã, không [bám chấp] tự ngã thì mới có thể khiêm hạ. Người giác ngộ ở nơi thấp kém vẫn khoái lạc, tự tại, chỉ có người mê hoặc mới tham địa vị cao. Ý nghĩa này quý vị phải lưu tâm suy xét kỹ, chú tâm thể hội, được lợi ích vô cùng.

Nếu thực sự hiểu rõ được nhân quả trong ba đời, như tôi vẫn thường nói trong các buổi giảng, thì quan hệ giữa người với người nhất định không có sự lấn lướt được lợi, cũng nhất định không có sự thiệt thòi thua kém. Quý vị lấn lướt được lợi, tương lai phải đền trả lại, nợ mạng phải đền mạng, nợ tiền phải trả tiền. Trong truyện Hồng Lâu Mộng nói nợ người nước mắt phải trả bằng nước mắt, đó là chuyện thật chứ không phải giả.

Chỉ có người thực sự giác ngộ, thực sự hiểu biết sáng tỏ, không còn tạo nghiệp, mới có thể làm được đến mức tùy duyên qua ngày, trong chỗ tùy duyên đó thành tựu công đức. Trong Thập đại nguyện vương nói “tùy hỷ công đức”, công đức là gì? Đức của tự tánh lưu xuất hiển lộ là công đức. Trong ý nghĩa này, có một quan niệm trọng yếu nhất mà chúng ta không có cách gì hình thành [trong nhận thức của mình]. Nếu có thể hình thành được quan niệm này thì đạo Bồ Tát không còn khó khăn gì nữa, tích lũy công đức cũng là chuyện hết sức dễ dàng.

Đó là quan niệm gì? Hết thảy chúng sinh trong pháp giới cùng khắp hư không cũng là chính bản thân mình. Quan niệm như thế chúng ta không có cách gì hình thành [trong nhận thức của mình]. Nhưng chư Phật, Bồ Tát đều quan niệm như thế. Phật chứng đắc thanh tịnh pháp thân, pháp thân là gì? Pháp thân là hết thảy chúng sinh trong pháp giới cùng khắp hư không, cũng là chính bản thân mình. Người nào có thể khẳng định [hết thảy chúng sinh] là chính bản thân mình, nhất định không mảy may nghi hoặc đó là bản thân mình, thực sự là bản thân mình, thì người ấy đã thành Phật, đã chứng đắc pháp thân thanh tịnh. Cho nên vị ấy vì hết thảy chúng sinh phụng sự cũng chính là vì bản thân mình phục vụ. Như vậy đâu còn gì để nói, đâu còn gì để chấp trước? Không phải vì người khác, mà là vì chính bản thân mình.

Trong lúc giảng kinh tôi cũng từng nói, vũ trụ phức tạp như thế nào, thân thể chúng ta cũng phức tạp như thế ấy. Thân thể ta chính là vũ trụ thu nhỏ; vũ trụ là thân thể ta khuyếch đại. Trong đó, mức độ phức tạp không tăng thêm cũng không giảm bớt, hoàn toàn tương đồng. Cho nên, thân thể chúng ta là một vũ trụ nhỏ. Vũ trụ nhỏ này với vũ trụ lớn cũng là một, chẳng phải hai.

Kinh Hoa Nghiêm nói, lớn nhỏ đều bao dung, lớn có thể bao dung nhỏ, nhỏ cũng có thể bao dung lớn. “Hạt cải hàm chứa núi Tu-di, núi Tu-di hàm chứa hạt cải”, đó mới là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Chư Phật, Bồ Tát trong vô số cõi nước cứu giúp hết thảy chúng sinh chưa giác ngộ, cũng là xuất phát từ quan niệm vừa nói trên, dựa trên quan niệm này mà kiến lập. Cho nên, pháp là pháp không thể nghĩ bàn, người cũng là người không thể nghĩ bàn.

Chúng ta đọc kinh “Bồ Tát Địa Tạng bản nguyện”, qua giảng chú đại lược của Pháp sư Thanh Liên, trong năm tầng ý nghĩa huyền diệu, đối với mỗi tầng ngài đều thêm vào lời tán “không thể nghĩ bàn”, điều đó rất có ý nghĩa. Nếu bản thân ngài không khế nhập được những cảnh giới ấy thì không thể nói ra những lời như thế. Vì ngài đã thể hội sự thật chân tướng, nhận biết rõ ràng, khế nhập được vào những cảnh giới [trong kinh], nên mới có thể nói ra những điều như thế.

Chúng ta đọc qua rồi, liệu thể hội được mấy phần? Vì sao chúng ta không thể hội? Vì có chướng ngại. Chướng ngại ấy không ngoài hai điều là phiền não chướng và sở tri chướng. Phiền não chướng là [những phiền não] tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn. Sở tri chướng, nói theo ngôn ngữ ngày nay là những thành kiến, định kiến trong phương diện học thuật, tri thức. Nếu là những thành kiến về mặt nhân quả thì vẫn thuộc về phiền não chướng, là một loại trong các phiền não do thấy biết, nghĩ tưởng. Nếu thuộc về lãnh vực tri thức thì gọi là sở tri chướng. Vì tự cho mình là đúng nên không thể thấy biết được chân tướng sự thật.

Chúng ta ở chỗ này phải có sự vận dụng công phu, trừ được một phần chướng ngại thì trí tuệ hiển lộ được một phần. Chướng ngại như vậy có thể dùng cách gì để trừ, chúng ta cần phải hiểu biết rõ ràng. Việc trừ bỏ chướng ngại chính là đối với những tình chấp phân biệt [hãy làm cho] dần dần giảm nhẹ đi, không còn nặng nề nghiêm trọng như trước. Mỗi năm mỗi giảm dần, mỗi tháng mỗi nhẹ hơn, sự phân biệt bám chấp sẽ dần dần giảm nhẹ. Đó là từng bước xa lìa, dứt bỏ.

Đối với [sự phân chia] 51 phẩm vị của hàng Bồ Tát, hoặc bốn cõi, ba hạng, chín phẩm của [người vãng sinh] Tịnh độ cũng đều như vậy. Bớt đi một phần phiền não tập khí thì phẩm vị lại tăng cao hơn một bậc, cho đến khi tập khí phiền não hoàn toàn dứt sạch tức là viên mãn thành tựu quả Phật. Bồ Tát ở địa vị Đẳng giác vẫn còn một phẩm vô minh sinh tướng chưa dứt sạch, nên vẫn còn phiền não. Do đó mà vẫn chưa viên mãn, công đức chưa hoàn toàn thành tựu. Chưa rốt ráo thành tựu, cần phải tiếp tục tu tập buông xả hết cho đến khi hoàn toàn thanh tịnh, như vậy mới rốt ráo thành tựu viên mãn.

Cho nên, chúng ta cần phải dứt trừ, buông xả hết. Nếu không chịu buông xả thì đó là tích lũy tội nghiệp; buông xả được, đó là tích lũy công đức. Vì sao không buông xả được? Vì không hiểu biết sáng tỏ về sự thật chân tướng, đối với những điều giả dối mà cho là chân thật, nhận biết sai lầm, nghĩ tưởng sai lầm cho nên tu tập sai lầm, tự chiêu cảm quả báo xấu ác.

Thế nhưng, buông xả và nhận biết thấu đáo là hai việc phụ thuộc và thành tựu cho nhau. Nếu có thể buông xả một chút, liền có thể nhận biết rõ ràng hơn một phần. Nếu có thể nhận biết thấu đáo thêm một phần, liền có thể buông xả được thêm một chút nữa. Nói cách khác, vị Bồ Tát từ lúc mới phát tâm cho đến lúc thành tựu viên mãn quả Phật là một quá trình thấy biết thấu đáo và buông xả, phụ thuộc và thành tựu cho nhau.

Trong sáu ba-la-mật thì trí tuệ là thấy biết thấu đáo và năm ba-la-mật còn lại đều là buông xả. Quý vị nghĩ xem có đúng vậy không? Bố thí là buông xả tâm tham lam. Trì giới là buông xả ý niệm xấu ác. Nhẫn nhục là buông xả sân hận, buông xả lòng ganh ghét. Tinh tấn là buông xả sự giải đãi, lười nhác. Thiền định là buông xả tán loạn. Tất cả đều là buông xả. Bát-nhã là sáng tỏ, rõ ràng, minh bạch, thấu đáo. Sáu pháp ba-la-mật quy về trong bốn chữ “nhìn thấu, buông xả”, chúng ta phải thực sự cố gắng thực hành.

Những khái niệm, hình tướng trong kinh luận như thế này tuyệt đối không thể chỉ đọc qua là xong. Vừa đọc qua đã là quá khứ, làm sao thực hành? Quý vị thực sự nhận biết thấu đáo, rõ ràng, sáng tỏ, thực sự buông xả hết, bao nhiêu tội lỗi đều không còn nữa, sao có thể không được sống lâu?

Sống lâu là tuổi thọ không thể đo lường. Cho nên, nếu muốn cầu được sống lâu, cầu được phước báo, phải từ nơi tâm địa mà cầu, vì tâm sinh ra muôn vật. Trong kinh Phật nói: “Tâm sinh thì đủ mọi pháp sinh.” Phần trước chúng ta ta đã xem qua: “Hết thảy các pháp từ tâm tưởng sinh.” Cho nên, Phật pháp gọi là cái học bên trong. Trong [tâm tu hành] đã trọn vẹn đầy đủ thì cảnh giới bên ngoài liền thuận theo tâm [mà hiển lộ]. Cho nên nói rằng: “Tâm tưởng sự thành.” (Trong tâm nghĩ tưởng thì sự việc thành tựu.) Trong Phật pháp dạy điều này là chính xác.

Quý vị vừa nghĩ tưởng điều ác, việc ác ngay lúc đó đã hình thành. Quý vị nghĩ tưởng điều hiền thiện, việc thiện được hình thành. Quý vị nghĩ tưởng đến Phật là đã có Phật. Nghĩ tưởng đến tham lam, sân hận, si mê thì ba đường ác đã hình thành. Trong tâm nghĩ tưởng là sự việc hình thành. Nghĩ tưởng đến tham lam thì cảnh giới ngạ quỷ đã hình thành. Nghĩ tưởng đến sân hận, ganh ghét thì địa ngục hình thành.

Sự trang nghiêm của y báo, chính báo trong mười pháp giới từ đâu mà có? Là từ trong tâm tưởng của chính mình. Hết thảy các pháp đều từ trong tâm tưởng khởi sinh, biến hiện ra thành những cảnh giới ấy. Đã biết sự thật là như thế, vì sao không nghĩ tưởng Phật? Vì sao lại nghĩ tưởng những việc khác? Nghĩ tưởng đến Phật là làm Phật. Trong tâm tưởng Phật, miệng niệm Phật, thân làm theo những điều Phật làm, miệng nói đúng những lời Phật dạy, người như thế là đã thành Phật rồi.

Cho nên, chúng ta muốn thành Phật thì không thể không đọc kinh. Nếu không đọc kinh thì tư tưởng lan man lộn xộn. Chúng ta muốn cho tư tưởng của mình hoàn toàn tương ưng với lời dạy trong kinh Phật thì khởi tâm động niệm phải nghĩ tưởng những gì? Phải nghĩ tưởng đến những ý nghĩa được Phật giảng dạy trong kinh điển, đến những lời giáo huấn của Phật, đến những cảnh giới Phật đã thuyết dạy. Vì thế, tôi khuyên mọi người tụng kinh Vô Lượng Thọ 3.000 lượt, ý nghĩa là ở chỗ này.

Kinh điển không [tụng đọc cho] thuần thục thì quý vị nghĩ tưởng điều gì? Không có cách gì nghĩ tưởng [đến Phật được] cả. Trước hết phải tụng đọc kinh điển cho thuần thục, cho đến khi thuộc nằm lòng, thuộc lòng đến mức hết sức nhuần nhuyễn thì khởi tâm động niệm tự nhiên những ý nghĩa lập luận trong kinh, những cảnh giới trong kinh hoàn toàn có thể hiện ra ngay trước mắt.

Tôi thường bảo mọi người: “Nhớ Phật, niệm Phật, hiện tại hoặc tương lai nhất định sẽ gặp Phật.” Tin vào điều đó hay không là tùy quý vị. Có người tin được, làm theo, đạt được chỗ tốt đẹp, người ấy hết sức vui mừng hoan hỷ, đến nói cho tôi biết, tôi cũng vui mừng hoan hỷ theo, tôi vì người ấy mà hoan hỷ. Những người không chịu tiếp nhận, không chịu làm theo, tôi thấy vậy cũng vẫn hoan hỷ. Vì sao vậy? Một khi tâm người ấy nghĩ tưởng thì sự việc sẽ thành tựu, pháp giới khắp hư không chính là như vậy. Người ấy trong đời này không được cứu độ nhưng cũng xem như đã gieo trồng được căn lành, trong tạng thức (a-lại-da thức) cũng đã có một nhân duyên [về sau] được cứu độ, có chủng tử của việc được cứu độ. Như vậy cũng tốt, chỉ là không được cứu độ ngay trong đời này mà thôi.

Lý lão sư trước đây thường giảng, còn muốn kéo dài kiếp sống trong luân hồi là còn phải chịu đựng rất nhiều khổ nạn. Cho nên, chúng ta thực sự tin nhận, thực sự vâng làm theo lời dạy, ngay trong đời này phải làm xong việc này. Đó là căn lành, phúc đức, nhân duyên đều đã thành thục.

Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 95 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Giải thích Kinh Địa Tạng


Học đạo trong đời


Sống và chết theo quan niệm Phật giáo


Vì sao tôi khổ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 54.227.136.157 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (410 lượt xem) - Việt Nam (129 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - ... ...