Bằng bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời bạn đang gieo các hạt giống bạo lực khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Đừng làm cho người khác những gì mà bạn sẽ tức giận nếu họ làm với bạn. (Do not do to others what angers you if done to you by others. )Socrates
Niềm vui cao cả nhất là niềm vui của sự học hỏi. (The noblest pleasure is the joy of understanding.)Leonardo da Vinci
Hào phóng đúng nghĩa với tương lai chính là cống hiến tất cả cho hiện tại. (Real generosity toward the future lies in giving all to the present.)Albert Camus
Hãy cống hiến cho cuộc đời những gì tốt nhất bạn có và điều tốt nhất sẽ đến với bạn. (Give the world the best you have, and the best will come to you. )Madeline Bridge
Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Mất lòng trước, được lòng sau. (Better the first quarrel than the last.)Tục ngữ
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1 »» Bài giảng thứ 85 »»

Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1
»» Bài giảng thứ 85

(Lượt xem: 1.576)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1 - Bài giảng thứ 85

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

(Giảng ngày 21 tháng 8 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 86, số hồ sơ: 19-012-0086)

Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.

Xin mời xem đoạn thứ 37 trong Cảm ứng thiên: “Cẩu hoặc phi nghĩa nhi động, bội lý nhi hành.” (Nếu như nghĩ điều phi nghĩa, làm việc trái lẽ.)

Từ câu này cho đến câu thứ 44, “Cương cường bất nhân, ngận lệ tự dụng” (Cứng rắn chẳng có lòng nhân, làm điều tàn nhẫn tự cho là đúng) là nói về những điều ác lớn.

Nội dung trong toàn bản văn Cảm ứng thiên không gì khác hơn là khuyên làm việc thiện, ngăn làm việc ác. Phần văn khuyên làm thiện ít, phần nói về ngăn việc ác nhiều, chỗ dụng ý này của bản văn chúng ta có thể nhận hiểu được. Chính như trong kinh Địa Tạng, đức Phật cũng có dạy: “Chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề, khởi tâm động niệm không một điều gì là không tạo tội.” Chúng ta cũng thấy rõ trong luận Bách pháp minh môn, chỉ có 11 pháp lành nhưng đến 26 pháp xấu ác.

Do đó có thể biết rằng, Tuân tử nói về tánh ác không phải là vô lý. Tánh ác đó là tập tánh, do thói quen tập thành, không phải bản tánh vốn có. Bản tánh thì không thể nói là thiện hay ác. Cho nên, Khổng tử nói về tánh so với Mạnh tử, Tuân tử là khác biệt. Khổng tử nói về [tánh là] bản tánh, cho nên “tánh tương cận” (tánh [của mọi người] đều gần nhau). Bản tánh của hết thảy chúng sinh đều rất gần gũi nhau. Trong Phật pháp dạy rằng bản tánh [của tất cả chúng sinh] là một, [không chia tách], không phải hai. Ý nghĩa này còn sâu sắc hơn nữa.

Mạnh tử, Tuân tử nói về [tánh là] tập tánh, cho nên “tập tương viễn” (tập quen thì ngày càng xa). Tập tánh đó [mỗi ngày đều tiêm nhiễm, tập thành thói quen], dần dần xa lìa bản tánh. Nói “ngày càng xa” đó là xa lìa bản tánh. Trong Phật pháp dạy rằng đó là mê muội đánh mất bản tánh. Tập tánh [thành thói quen] mê muội đánh mất đi bản tánh.

Một lần mê muội rồi không hiểu biết để quay đầu hướng thiện, mê muội không phản tỉnh, không biết quay đầu. Không quay đầu hướng thiện thì càng mê càng lún sâu. Quý vị xem, từ nơi Phật pháp giới, trong mười pháp giới, từ Phật pháp giới xuống dần đến Bồ Tát, Duyên giác, Thanh văn, đến sáu đường luân hồi, thẳng vào ba đường ác, càng mê càng lún sâu, quả thật là kiếp sau lại càng tồi tệ hơn kiếp trước. Đây là hiện trạng thực tế [của hết thảy chúng sinh], cứ mỗi kiếp sinh ra lại càng tồi tệ hơn kiếp trước đó. Cho nên mới làm khổ nhọc chư Phật, Bồ Tát [phải vào] trong sáu đường, mười pháp giới để giáo hóa chúng sinh.

Người căn tánh nhanh lẹ sáng suốt, có duyên cùng chư Phật, Bồ Tát thì nghe qua lời khuyên dạy liền dễ dàng giác ngộ, chịu quay đầu hướng thiện, đó gọi là được cứu độ. Người duyên phần cạn cợt không được gặp chư Phật, Bồ Tát thì không có cách nào [giải thoát]. Người gặp được chư Phật, Bồ Tát, nghe được lời răn dạy của chư Phật, Bồ Tát, nhưng không thể tin sâu, không thể vâng làm, vẫn như cũ tạo tác ác nghiệp đọa lạc vào đường ác, nhưng khi ấy trong thức a-lại-da cũng đã gieo cấy được căn lành. Chỉ là căn lành ấy còn rất mong manh yếu ớt, mà tập khí phiền não thì mạnh mẽ lớn lao, nên căn lành không chống chọi được với tập khí phiền não, vẫn phải chịu luân chuyển nhiều kiếp dài lâu.

Chúng ta đời này gặp được Phật pháp, thật hết sức may mắn là có thể tin nhận, vâng làm theo. Nên biết rằng đó là căn lành được tích lũy từ vô lượng kiếp đến nay, trải qua đời đời kiếp kiếp đã từng được nghe Phật pháp, đến đời này [căn lành ấy] mới khởi sinh tác dụng [tốt đẹp] này. [Căn lành] khởi sinh tác dụng là được cứu độ, vì chư Phật, Bồ Tát từ bi, nên nói rằng “trong cửa Phật không bỏ một ai”.

Hôm qua, Lý Hội trưởng bảo tôi cách đây hai ngày có một vị lão bà cư sĩ, đã hơn sáu mươi tuổi, thường đến Niệm Phật đường của chúng ta niệm Phật. Bà có bệnh, mà bệnh rất nặng, liền nói với Lý cư sĩ là bà sắp vãng sinh, nhờ Lý cư sĩ giúp bà lo hậu sự. Lý cư sĩ nói: “Ngày 26 này tôi phải đi Trung quốc, bà nếu có vãng sinh thì phải đi trước ngày này, tôi mới có thể lo hậu sự cho bà. Nếu bà đi sau ngày đó thì tôi không lo được.”

Bà nói: “Được.” Thế rồi đến ngày hôm qua, tức là ngày 20, bà nói đến 5 giờ chiều sẽ vãng sinh. Điều này trước đó mấy ngày bà cũng nói với người khác rồi. Hôm qua, quả đúng 5 giờ chiều, không sai lệch một giây một phút nào, bà thực sự vãng sinh. Lý cư sĩ nhận lời bà nên đứng ra lo hậu sự. Ông nói sau khi lo hậu sự rồi, đến ngày 25 thì mới hoàn tất viên mãn, ngày 26 ông sẽ đi Trung quốc.

Chuyện như thế này không chỉ xảy ra một lần, trước đây đã gặp như vậy nhiều lần rồi. Không chỉ là biết trước ngày giờ vãng sinh, mà còn có thể đi trước đó, hoặc chậm lại sau đó. Trong Phật pháp gọi là “sinh tử tự tại” (sống chết tùy ý muốn). Bà ấy có thể đi trước đó, cũng có thể đi sau đó, muốn đi ngày nào thì đi, đó thật là sinh tử tự tại. Một lão bà niệm Phật trong Niệm Phật Đường [mà được như thế].

Quý vị phải biết rằng, đó gọi là chúng sinh căn cơ đã chín muồi. Bà lão này thực sự đã thành tựu. Bà về làm Phật ở thế giới Tây phương Cực Lạc rồi. Cho nên tôi cũng thường nói, đạo trường thù thắng, Niệm Phật Đường thù thắng, không phải ở chỗ có đông người, mà ở chỗ thực sự vãng sinh được bao nhiêu người, đó mới gọi là thù thắng. Chúng ta xem trong sách Tây phương xác chỉ, Bồ Tát Giác Minh Diệu Hạnh cùng một nhóm người đồng tu, cả thảy chỉ có 12 người, tất cả 12 người đều được vãng sinh. Quý vị nói xem, thật thù thắng biết bao. [Đạo trường] thù thắng hay không phải xét ở điểm này. Đông người thì ồn ào náo nhiệt, có gì là thù thắng?

Niệm Phật nhờ đâu có thể vãng sinh? Những ý nghĩa, phương pháp, phạm vi này, chúng ta hiện nay đã hiểu được cũng khá rõ ràng rồi. Tu học theo đúng lý, đúng pháp thì như các bậc đại đức xưa đã nói: “Muôn người tu, muôn người vãng sinh.” Đó là sự thật. Nói chung tu hành [niệm Phật] không thể vãng sinh là do quý vị đối với thế gian này còn có sự lưu luyến, đó cũng gọi là không buông xả được. Điều này thực sự là chướng ngại.

Chúng ta mỗi ngày đều tụng đọc Kinh điển Đại thừa, nhất định phải hiểu rõ được rằng thế gian này là hư ảo, không phải chân thật. Hết thảy những gì có hình tướng đều là hư vọng, hết thảy các pháp hữu vi đều như mộng ảo, như bọt nước, bất kể sự việc gì cũng đều không xem là chân thật, chỉ có việc niệm Phật cầu vãng sinh là chân thật, quyết tâm kiên định, người như vậy là tuổi thọ vô lượng, là sáng suốt vô lượng.

Vị lão bà cư sĩ hôm qua vừa vãng sinh, trước đó khi bà đến đây niệm Phật, nhiễu Phật cũng đều là tuổi thọ vô lượng, đều là sáng suốt vô lượng. Vãng sinh đó là sống mà vãng sinh, không phải chết rồi mới vãng sinh. Phật pháp như vậy gọi là Phật pháp thành tựu khi đang sống. Sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc thì cái túi da hôi thối này không cần đến nữa, vất bỏ hẳn đi, chuyển đổi một thân thể khác, chuyển sang một thân thể không khác với thân Phật A-di-đà. Trong kinh cho chúng ta biết đó là “tử ma chân kim sắc thân” (sắc thân bằng vàng ròng tử ma), tướng tốt vẻ đẹp rực rỡ tươi sáng so với Phật hoàn toàn tương đồng.

Thế giới Tây phương Cực Lạc là thế giới bình đẳng, đó mới là chân thật, ngoài ra thì mọi thứ đều là giả. Đã là giả thì giữ trong lòng để làm gì? Chúng ta phải hiểu rõ được ý nghĩa này, phải nhận biết được sự thật này.

Dứt ác tu thiện là căn bản của việc học Phật, là điều kiện phải có để được vãng sinh. Khi giảng kinh tôi cũng đặc biệt nhấn mạnh, đã sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc thì mỗi người đều là bậc thượng thiện, ắt phải có đủ các điều kiện của bậc thượng thiện.

Về bậc thượng thiện, tôi đã có nói qua, tâm phải thiện, ý phải thiện, công hạnh phải thiện, trong đời sống thường ngày, đối đãi với người, tiếp xúc muôn vật không một mảy may ác ý. Chúng ta có đủ được những điều kiện này thì niệm Phật mới được vãng sinh.

Do đó có thể biết rằng, có rất nhiều người niệm Phật, suốt một đời niệm Phật, cuối cùng không thể vãng sinh. Đại đa số là vậy. Ngày trước khi tôi ở Đài Trung, lão sư Lý Bỉnh Nam thường nói với tôi: “Muôn người niệm Phật, thực sự được vãng sinh chỉ vài ba người mà thôi.”

Vì sao có hiện trạng như vậy? Nguyên nhân này hiện nay chúng ta đã hiểu được rồi. Niệm Phật rất tốt, cũng hết sức tinh tấn, dũng mãnh, trì giới thật tinh nghiêm, nhưng vẫn không thể vãng sinh. Nguyên nhân là gì? Vì ba tiêu chuẩn tâm thiện, ý thiện, công hạnh thiện vẫn chưa đạt được. Trong hoàn cảnh thuận vẫn còn khởi sinh tham ái, trong hoàn cảnh trái nghịch vẫn còn khởi sinh sân hận. Như vậy thì không thể vãng sinh. Điều này chúng ta phải hiểu rõ thật sáng tỏ.

Thế nào là ác niệm, thế nào là ác hạnh, đặc biệt cũng phải nhận hiểu rõ. Điều ác dứt trừ được hết thì đó chính là thiện. Cho nên, trong Cảm ứng thiên giảng về quả báo xấu ác rất nhiều, không chỉ nhiều hơn nói về quả báo hiền thiện một phần. Chúng ta xem về phân lượng thì giảng về quả báo hiền thiện chỉ một phần tư, trong khi giảng về quả báo xấu ác có đến ba phần tư.

Câu đầu tiên [của chương này] là nói tổng quát: “Cẩu hoặc phi nghĩa nhi động, bội lý nhi hành.” (Nếu như nghĩ điều phi nghĩa, làm việc trái lẽ.) Phần chú giải của câu này nói rất rõ: “Từ nay đến chết luôn ghi nhớ, rõ ràng làm ác là chuốc điều tai họa. Hai câu này nêu lên đề cương bao quát.” Ở đây nói hai câu này là cương lĩnh tổng quát.

Lại trong chú giải nói rất hay: “Nghĩ là khởi lên trong lòng, làm là thể hiện thành sự việc.”

Ở đây, “động” là khởi tâm động niệm, đó là nói tâm xấu ác, ý xấu ác. “Làm việc trái lẽ” là làm việc xấu ác, so với thiện tâm, thiện ý, thiện hạnh là hoàn toàn trái ngược.

Nói “nghĩ điều phi nghĩa”, chữ “nghĩa” ở đây là nghĩa lý, chỉ một chữ này [hiểu theo] tiêu chuẩn sâu cạn đã khác nhau rất nhiều.

Theo tiêu chuẩn [sâu xa] của Đại thừa, “nghĩa” ở đây là đức của tự tánh. Những ý niệm nào không phù hợp với đức của tự tánh thì đều là xấu ác. Tiêu chuẩn dựa theo đức của tự tánh là rất cao, là tiêu chuẩn của hàng Bồ Tát. Chúng ta lấy một ví dụ trong Đàn kinh mà nói, Đại sư Huệ Năng dạy rằng “bản lai vô nhất vật” (xưa nay không một vật), nên chỉ cần “có một vật” là đã sai rồi. Vì thế, Thiền tông [có câu nói rằng]: “Niệm một tiếng Phật, súc miệng ba ngày còn chưa sạch.” Nói như vậy có ý nghĩa gì không? Quả thật có ý nghĩa. Trong tâm xưa nay vốn không có một vật, Phật từ đâu đến?

Quý vị xem, ngay cả việc niệm Phật còn là sai lầm, trong lòng khởi lên bất kỳ ý niệm gì, dù nghĩ đến Phật cũng là sai trái, huống chi nghĩ đến chuyện gì khác? Chúng ta thử đặt lại câu hỏi, trong tâm không có bất cứ điều gì, không có bất cứ ý niệm gì, như vậy đúng hay không? Không đúng, như vậy vẫn là sai lầm. Sai lầm như thế nào? Đó là quý vị rơi vào vô minh. Quý vị thực sự không nghĩ tưởng gì trong tâm, tương lai quý vị sẽ sinh về đâu? Sinh về cõi trời Vô tưởng. [Sinh về] cõi trời Vô tưởng đều là ngoại đạo.

Như vậy, quý vị nói khởi tâm động niệm là sai, không khởi tâm động niệm cũng là sai, rốt lại phải làm thế nào? Các bậc tổ sư, đại đức thường đến chỗ then chốt này thì không nói nữa, quý vị phải tự mình tham cứu.

Sự tu học Phật pháp, bất kể là Đại thừa hay Tiểu thừa, đều phải ghi nhớ một cương lĩnh chung, một nguyên tắc chung, đó là định và tuệ phải song song tu học. Có định mà không có tuệ thì rơi vào vô minh. Có tuệ mà không có định thì rơi vào vọng tưởng. Vô minh và vọng tưởng, cả hai bên đều không rơi vào, đó gọi là “định tuệ cùng học”, cũng gọi là “phước tuệ cùng tu”. Mọi thứ đều rõ biết, đó là tuệ. An nhiên không lay động, đó là định. Trong lúc an nhiên không lay động thì cũng đồng thời mọi thứ đều rõ biết. Trong lúc mọi thứ đều rõ biết thì cũng đồng thời an nhiên không lay động. Đó là công phu chân thật.

Bất kể rơi vào hoàn cảnh thuận hay nghịch, gặp phải thiện duyên hay ác duyên, đối với hành giả đều không thấy trở ngại. Bên ngoài không bám chấp hình tướng, bên trong không dao động nội tâm, sáng tỏ rõ ràng. Kinh điển Đại thừa thường nói là “tĩnh lặng mà sáng suốt, sáng suốt mà tĩnh lặng”. Tĩnh lặng là an nhiên không lay động, sáng suốt là mọi thứ đều rõ biết. Cho nên, bất kể làm gì thì vẫn luôn sống trong định tuệ, so với kẻ phàm phu hoàn toàn khác biệt.

Cảnh giới ấy rất cao, những người mới học như chúng ta nhất định không đạt đến. Không thể đạt đến thì tiêu chuẩn hiểu về chữ “nghĩa” ở đây cần phải hạ thấp xuống. Hạ xuống đến tiêu chuẩn thấp nhất, như tôi thường khuyên mọi người là, vâng theo lời răn dạy của Phật, đó là “nghĩa”, hiểu theo trình độ của chúng ta hiện nay.

Chúng ta y theo kinh Vô Lượng Thọ, y theo Cảm ứng thiên. Cảm ứng thiên có thể thể dựa theo được, tuy không phải là kinh Phật, nhưng được Tổ Ấn Quang đề xướng. Những gì trong Cảm ứng thiên giảng giải đều chính là [lời Phật dạy]: “Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành.” Trong chú giải của sách Vị biên cũng có [lời Phật dạy]: “Tự làm trong sạch tâm ý.” Những điều này so với lời Phật dạy không khác, chúng ta nên dựa vào, nên y theo, [tu tập] thành tựu thiện tâm, thiện ý, thiện hạnh của mình.

Cho nên, mỗi lúc khởi tâm động niệm đều phải thường tự suy ngẫm xem ý niệm của mình, tư tưởng của mình có thuận theo lời Phật dạy hay không? Nếu theo như trong kinh điển đức Phật không cho phép những suy nghĩ như vậy, không cho phép ta khởi lên ý niệm như vậy thì phải nhanh chóng buông bỏ đi. Nếu trong kinh điển đức Phật có cho phép những suy nghĩ như vậy, khuyến khích chúng ta khởi lên những ý niệm như vậy, thì nhất định phải sinh khởi những ý niệm đó.

Hôm nay nói thật với mọi người, trong pháp môn Tịnh độ chỉ nhờ có “đới nghiệp vãng sinh” (mang theo nghiệp cũ mà vãng sinh) chúng ta mới có thể làm được. [Để có thể] “đới nghiệp vãng sinh”, Phật dạy chúng ta phải chấp trì danh hiệu [Phật]. Vì thế, đối với thiền học, quả thật chúng ta ngay cả mép ngoài cũng không chạm được tới, vì cảnh giới ấy cao siêu quá. Chúng ta [tu tập là] từ chỗ có đi đến chỗ không, hành giả tu thiền là từ chỗ không đến chỗ có.

Phương pháp [niệm Phật] của chúng ta ngày nay là từ chỗ có đi đến chỗ không. Phật dạy chúng ta niệm Phật, nhớ tưởng đến Phật. Nhớ tưởng là nghĩ tưởng, chúng ta ngày ngày nghĩ tưởng đến Phật, nghĩ tưởng đến tướng hảo của Phật, nghĩ tưởng đến sự sáng suốt của Phật, nghĩ tưởng đến tâm lượng của Phật, nghĩ tưởng đến công hạnh của Phật. Nghĩ tưởng nhiều rồi thì chúng ta dần dần trở nên tương tự như Phật, phát nguyện cầu vãng sinh liền có thể được vãng sinh.

Nếu như trái lời Phật dạy, hành động trái ngược với đức của tự tánh, đó là đại ác. Chúng ta bình thường chỉ nói như thế là sai lầm, trong Cảm ứng thiên ở chỗ này gọi là đại ác. Hai câu này là nguồn gốc của những điều đại ác: “Nghĩ điều phi nghĩa, làm việc trái lẽ.”

Hai câu này vừa mới nghe qua thật hết sức ôn hòa, nhưng ý nghĩa quở trách [sự sai lầm của] chúng ta thật hết sức sâu xa. Chúng ta phải thể hội, nhận hiểu thật thấu đáo.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 95 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1


Báo đáp công ơn cha mẹ


Tây Vực Ký


Truyện tích Vu Lan Phật Giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 34.228.7.237 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (410 lượt xem) - Việt Nam (128 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - ... ...