Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Người khôn ngoan học được nhiều hơn từ một câu hỏi ngốc nghếch so với những gì kẻ ngốc nghếch học được từ một câu trả lời khôn ngoan. (A wise man can learn more from a foolish question than a fool can learn from a wise answer.)Bruce Lee
Nếu quyết tâm đạt đến thành công đủ mạnh, thất bại sẽ không bao giờ đánh gục được tôi. (Failure will never overtake me if my determination to succeed is strong enough.)Og Mandino
Những khách hàng khó tính nhất là người dạy cho bạn nhiều điều nhất. (Your most unhappy customers are your greatest source of learning.)Bill Gates
Cuộc sống ở thế giới này trở thành nguy hiểm không phải vì những kẻ xấu ác, mà bởi những con người vô cảm không làm bất cứ điều gì trước cái ác. (The world is a dangerous place to live; not because of the people who are evil, but because of the people who don't do anything about it.)Albert Einstein
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1 »» Bài giảng thứ 62 »»

Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1
»» Bài giảng thứ 62

(Lượt xem: 1.363)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1 - Bài giảng thứ 62

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

(Giảng ngày 27 tháng 7 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 63, số hồ sơ: 19-012-0063)

Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.

Xin mời mọi người mở xem đến câu thứ 23 trong Cảm ứng thiên: “Côn trùng thảo mộc, do bất khả thương.” (Côn trùng cỏ cây cũng không được làm hại.)

Câu này hàm ý yêu người thương vật, từ bi bình đẳng.

Chữ “côn” (昆) hàm nghĩa rất nhiều, cũng chính là nói đến hết thảy [các loài] lớn cũng như nhỏ, đến như loài bò sát nhỏ, các động vật nhỏ nhoi đều không có ý làm hại, huống chi đối với các loài vật lớn? Đó là thực sự nuôi dưỡng tâm từ bi.

Trong ba loại bố thí, ý nghĩa này thuộc về bố thí vô úy (bố thí sự không sợ hãi). Quả báo của bố thí vô úy là được sống lâu, an ổn khỏe mạnh. Người Trung quốc nói về năm loại phước báo thì trong đó có hai loại quả báo [sống lâu, an ổn khỏe mạnh] này. Cho nên, chúng ta nhìn thấy quả thì phải biết cách tu nhân như thế nào [để được quả ấy]. Thực sự chịu tu nhân lành thương yêu nhân ái thì về sau nhất định được quả báo tốt đẹp. Nhân duyên quả báo không mảy may sai lệch.

Toàn văn Cảm ứng thiên đều là khuyên người tu nhân lành, dứt bỏ duyên xấu ác. Từ vô lượng kiếp đến này, chúng ta khởi tâm động niệm, nói năng hành động, nói thật ra đều quá nhiều việc ác, ít việc lành. Cho nên, trong Kinh luận Phật giáo cho chúng ta biết về số lượng phiền não, như trong luận Bách pháp minh môn quy nạp hết thảy phiền não thành 26 nhóm lớn thì các pháp lành chỉ có 11 nhóm, [còn lại toàn là pháp xấu ác.] Vì thế, tập khí xấu ác của chúng ta so với tập khí hiền thiện quả thật là quá mức nhiều hơn.

Đối với các loài vật nhỏ nhoi, nhất là như các loài muỗi mòng, sâu kiến, mỗi lúc nhìn thấy ta đều vô ý giết hại. Giết hại như vậy có lý do gì không? Hoàn toàn không có lý do. Vậy do nguyên nhân gì? Là do tập khí, tập khí xấu ác [khiến ta giết hại như vậy].

Cho nên, các bậc thánh nhân thế gian cũng như xuất thế gian đều dạy ta phải nuôi dưỡng, bồi đắp tâm từ bi. Phải nuôi dưỡng, bồi đắp bắt đầu từ đâu? Chính là từ việc biết thương yêu quý trọng mạng sống của các loài vật nhỏ nhoi. Người học Phật biết rằng [mỗi con vật bé nhỏ] đó cũng là một sinh mạng [như chúng ta]. Chúng phải thọ thân nhỏ bé như vậy là do trong quá khứ đã tạo nghiệp xấu ác. Chúng ta trong quá khứ cũng không thể biết được đã bao nhiêu lần thọ thân như chúng. Những thân tướng nhỏ hơn, những động vật nhỏ hơn ta cũng vẫn có một thần thức [như chúng ta], làm sao có thể giết hại? Không chỉ là không thể giết hại, mà khiến chúng khởi sinh phiền não [như sợ sệt, oán hận...] thì ta cũng có lỗi. Đối với các loài vật nhỏ đều như vậy, làm sao có thể khởi tâm xấu ác đối với người khác?

Có nhiều người cho rằng động vật càng nhỏ nhoi thì càng ngu si hơn, nên các động vật lớn có linh tính cao hơn, cũng chính là thông minh hơn. Tuy nhiên, chúng ta quan sát kỹ trong thực tế thì quan điểm này rất khó chấp nhận. Bởi vì chúng ta thấy như loài kiến cũng rất thông minh. Xã hội của chúng được tổ chức rất nghiêm ngặt, chặt chẽ, có kiến chúa, có sự phân công. Kiến cũng biết phân công, nên có thể thấy chúng hoàn toàn không phải loài quá ngu si.

Côn trùng có cánh như ong mật cũng có tổ chức xã hội, sao có thể nói chúng hoàn toàn ngu si? Những sự thật này chúng ta phải quan sát thật kỹ. Các nhà động vật học chuyên nghiên cứu động vật đều quan sát kỹ lưỡng, chi tiết hơn chúng ta. Họ nghiên cứu cách sinh hoạt, động thái [của từng loài], rồi từ những động thái, cách sinh hoạt đó có thể nhận hiểu được tâm lý của chúng.

Cho nên nhất định không được cho rằng việc giết hại các loài vật nhỏ cũng chẳng quan trọng gì vì chúng rất ngu si, không biết trả thù. Cách suy nghĩ như vậy là sai lầm. Trong sách xưa có kể chuyện một cậu bé cứu con kiến. Con kiến này sắp bị chìm trong nước, cậu vớt nó đưa lên bờ. Về sau cậu bé được kiến báo ơn. Có thể thấy, kiến cũng có tánh linh. Từ đó chúng ta có thể nhận hiểu được rằng, nếu chúng đã biết báo ơn thì khi bị giết hại chúng cũng biết báo oán.

Những loài vật nhỏ nhoi cũng đều có tánh linh, cũng đều biết trả ơn, báo thù, huống chi là các loài vật lớn? Vì thế, trong kinh Lăng Già đức Phật khuyên ta không nên ăn thịt chúng sinh. Trong kinh Phật cũng giảng giải rất rõ ràng về căn nguyên của chiến tranh. Đó là do [con người] ăn thịt chúng sinh, oan oan tương báo, không có lúc kết thúc. Nhưng thế gian ngày nay có ai chịu tin vào lời dạy ấy? Chúng ta khuyên bảo người khác, họ bảo ta là mê tín, họ giễu cợt chúng ta, còn biết làm sao được?

Khi Phật còn tại thế, hằng ngày nuôi sống bằng cách đi khất thực. Khất thực như thế hoàn toàn không phải gây phiền toái cho chúng sinh. Trong thực tế, đức Thế Tôn suốt đời không muốn gây mảy may phiền toái nào cho người khác. Chúng ta xem trong kinh đều thấy, tất cả là tùy duyên, hằng thuận chúng sinh, tùy hỷ công đức. Cho nên [khi Phật đi] khất thực, người ta cúng dường món gì thì ăn món ấy, nhất định không hề có sự phân biệt, không có sự bám chấp. Vì thế, có người cúng dường thịt thì ăn thịt, cúng dường món gì thì ăn món ấy, tuyệt đối không phải là đề xướng hay tán thành việc ăn thịt. Chúng ta phải nhận hiểu thật rõ ràng ý nghĩa này.

Lẽ tự nhiên trên tinh thần “từ bi là gốc, phương tiện là cửa vào” thì không cần buộc mọi người phải chuẩn bị riêng thức ăn chay để cúng dường cho người xuất gia, gây phiền toái thêm cho họ. Ý nghĩa [của việc nhận ăn thịt] là như vậy.

Cho nên, trong kinh Lăng Già khuyên người ăn chay, vua Lương Vũ Đế của Trung quốc đọc qua kinh này cảm động sâu sắc nên tự thân quyết định ăn chay trường. Ông là một vị hộ pháp lớn lao, đã đem toàn tâm toàn lực hộ trì Phật pháp. Ông tự mình ăn chay, lại khuyến khích người xuất gia ăn chay. Phật giáo Trung quốc bắt đầu ăn chay là nhờ có sự đề xướng của Lương Vũ Đế. Sự đề xướng này là hết sức đúng đắn, thuận theo lời răn dạy của đức Phật.

Những động vật nhỏ bé hơn so với con người cũng hoàn toàn giống nhau. Chúng không may nhận lãnh thân tướng như vậy trong luân hồi, chúng ta nhất định không được thấy chúng nhỏ nhoi yếu ớt mà khinh thường lấn áp. Như vậy chắc chắn là sai lầm. Trong phần chú giải nói rất rõ ràng, những con vật nhỏ bé không chỉ là có tánh linh, mà chúng cũng có tánh Phật. Trong kinh Phật dạy: “Hết thảy chúng sinh đều có tánh Phật.” Đã có tánh Phật thì rồi sẽ thành Phật, chúng ta sao có thể làm hại những vị Phật [tương lai]? Sao có thể giết chết những vị Phật [tương lai]? Chúng ta tự mình tu hành muốn được thành Phật, lại đi hại Phật, giết Phật, vậy sao có thể thành Phật được?

Cho nên, Phật chế định giới luật, điều trước tiên là không giết hại. Ý nghĩa này hết sức sâu rộng. Nếu như không tụng đọc kinh điển Đại thừa, hiểu sâu nghĩa lý, thì rất khó nhận hiểu được [ý nghĩa của] điều giới không giết hại. Thực sự giữ theo giới không giết hại, thử hỏi đối với các loài vật nhỏ nhoi có thể làm thương tổn chúng hay không? Không thể được. Có thể thấy rằng chúng cũng có trí tuệ, cũng có sự chọn lựa.

Trong sách Cao tăng truyện gần đây, quý vị đều biết là Đại sư Ấn Quang không bị những loài vật nhỏ bé quấy nhiễu, gây tổn hại. Bất kỳ ngài đến ở nơi đâu, trong phòng của ngài cũng không thể tìm được dù chỉ một con muỗi, ruồi, bọ nhảy, kiến... Không thể tìm thấy. Lúc bình thường thì nhiều lắm, nhưng một khi ngài đến ở thì không còn nữa. Những con vật nhỏ bé ấy đều dời đi nơi khác.

Vì sao Pháp sư Ấn Quang có thể có sự cảm ứng như vậy còn chúng ta thì không? Điều này rất đáng để chúng ta suy ngẫm sâu xa. Chúng ta phải nghĩ xem, điều đó có ý nghĩa gì? [Là do ngài có] tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi. Tâm chân thành thì trên có thể cảm động chư Phật, Bồ Tát, dưới cảm động đến quỷ thần trong trời đất, cho đến quỷ thần trong cảnh giới ngạ quỷ cũng đều cảm động, huống chi những động vật nhỏ bé trong cảnh giới súc sinh. Hết thảy chúng đều cảm động. Điều này chúng ta phải nhận biết.

Cho nên, người tu hành chân chánh thì khi nhìn thấy những loài vật nhỏ bé ấy đều chắp tay niệm Phật, niệm Tam quy y: “Quy y Phật, không đọa vào địa ngục; quy y Pháp, không đọa vào ngạ quỷ; quy y tăng, không đọa vào súc sinh.” Tôi nghĩ là mọi người đều đã nghe qua những câu này rồi. Nhưng chúng ta có thực sự vâng làm theo hay không? Rất nhiều người [nghe qua rồi] quên hết cả.

Ba câu quy y này đối với loài vật mà nói, chính là lời chúc phúc, là lời nhắc nhở chúng. Chúng ta nói vậy, chúng có hiểu được không? Về ngôn ngữ thì không thể hiểu, nhưng về tánh linh thì thông suốt. Sự chí thành trong tâm ta, chí thành chúc phúc, chúng có thể cảm nhận được. Chỉ cần ta thực sự chân thành.

Thế nào là chân thành? Nhất tâm, [không tạp niệm] là chân thành. Ta vì chúng chúc phúc, vì chúng niệm Tam quy y, nếu tâm ấy không chân thành, xen tạp, tán loạn thì không có hiệu quả gì. Nếu thực sự chân thành sẽ có hiệu quả. Tâm chân thành không chỉ đối với một việc này, cần phải trong điều kiện bình thường nuôi dưỡng bồi đắp cho tâm chân thành ấy hiện ra.

Tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chính giác, từ bi, đó chính là chân tâm của chúng ta, là tự tánh vốn đầy đủ tánh đức. Chúng ta vốn có, chư Phật, Bồ Tát cũng có, hết thảy chúng sinh cũng đều vốn có. Tánh đức của các vị Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, chư Phật đều hiện tiền, tự tại. Tánh đức của chúng ta bị chôn sâu trong tập khí phiền não, nên tuy có mà không thể khởi sinh tác dụng.

Cho nên, Phật dạy chúng ta phải khắc phục phiền não, khắc phục chướng ngại, sao cho tánh đức hiển lộ hiện tiền. Nhà Nho nói “khắc niệm tác thánh” (khắc phục được ý niệm thành bậc thánh) cũng là ý nghĩa này. Khắc phục phiền não, khắc phục tập khí là điều quan trọng thiết yếu nhất.

Căn tánh mỗi người không giống nhau. Đối với người có căn lành phước đức sâu dày thì rất dễ dàng. Những người này vừa nghe qua một lần [việc không giết hại] liền sáng tỏ, có thể làm được ngay. Ví như đối với ý nghĩa này chưa được thấu suốt, họ nghe qua rồi cũng sinh tâm hoan hỷ, rất muốn làm theo.

Chúng ta mỗi ngày đều nghe giảng kinh, mỗi ngày đều tụng đọc Kinh điển Đại thừa, nhưng không thể làm theo được, nên có thể tự hiểu rằng căn lành phước đức của mình mỏng manh đến mức nào. Như vậy thì phải làm sao? Phải nghe nhiều, đọc nhiều [hơn nữa], phải nuôi dưỡng bồi đắp căn lành phước đức của mình. Khi nhân duyên thành thục liền tự nhiên hết sức hoan hỷ triệt để làm theo lời răn dạy không giết hại, làm được đến mức trọn vẹn. Không chỉ là không giết hại mà cũng tuyệt đối không gây phiền não cho chúng sinh.

Không giết hại chúng sinh thì được quả báo sống lâu. Không gây phiền não nhiễu hại chúng sinh thì được quả báo an ổn khỏe mạnh. An ổn khỏe mạnh tức là thân tâm được an vui, suốt đời không có việc gì buồn phiền lo nghĩ trong lòng, không có phiền não gì. Như vậy là an ổn khỏe mạnh.

An ổn khỏe mạnh đó là quả, do nhân là không muốn gây phiền não cho hết thảy chúng sinh. Nhân thế nào thì quả như thế ấy, nhân duyên quả báo không mảy may sai lệch. Nguyên lý nhân quả như thế có thể quy kết đến mức rốt cùng chỉ gồm trong bốn chữ “tự làm tự chịu”.

Chúng ta tự mình tu thiện, tự mình hưởng phước báo; tự mình làm việc xấu ác, tự mình nhất định phải nhận chịu quả báo xấu ác. Ngàn vạn lần không thể oán trời trách người. Oán trời trách người là tạo nghiệp lớn, thêm tội nghiệp.

Ở đời có nhiều người không hiểu ý nghĩa này, cho rằng hết thảy những chuyện không vừa ý đều do người khác gây ra cho mình, rằng người khác gây phiền phức cho mình. Như vậy là sai lầm, [vì sự thật chính là] tự làm tự chịu.

Nói người khác gây phiền phức cho ta, vì sao họ không gây phiền phức cho ai khác, chỉ riêng tìm đến ta? Vì ta với họ trong quá khứ có duyên xấu ác, họ tìm đến ta để báo thù. Chúng ta hiểu rõ được như vậy thì nên tiếp nhận, chấp nhận quả báo mà không mảy may oán hận, như vậy thì gút mắt oán thù tự nhiên được mở ra, tự nhiên được hóa giải.

Các bậc thánh hiền thế gian cũng như xuất thế gian đều dạy chúng ta: “Oán thù nên hóa giải, không nên buộc vào.” Không kết oán với người khác thì con đường tu đạo Bồ-đề luôn xuôi buồm thuận gió, sống trong đời cũng luôn được như ý, tốt lành. Hết thảy đều do tự thân tu tập mà được.

Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 95 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Sống đẹp giữa dòng đời


Phát tâm Bồ-đề


Những Đêm Mưa


Vào thiền

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 54.85.255.74 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (410 lượt xem) - Việt Nam (128 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - ... ...