Vua hỏi: “Bạch đại đức, người ta thấy vui trong lòng, điều ấy là thiện
hay bất thiện? Người ta thấy khổ trong lòng, điều ấy là thiện hay bất
thiện? Phật có thuyết các pháp vui hoặc khổ chăng? Như khiến cho các
pháp hữu vi không phải khổ.”
Na-tiên liền hỏi vua: “Này đại vương, như có người đốt hòn sắt nóng đỏ,
nắm trong lòng bàn tay, hòn sắt có làm người ấy rất khó chịu chăng? Lại
trong lòng bàn tay kia nắm chặt một cục băng, cục băng có làm người ấy
rất khó chịu chăng?”
Vua đáp: “Tất nhiên, cả hai đều có sức gây khó chịu như nhau.”
Na-tiên hỏi vua: “Như vậy, vật trong hai tay người ấy, có phải đều nóng
cả chăng?”
“Không phải đều nóng cả.”
“Hay là đều lạnh cả chăng?”
“Cũng không phải đều lạnh cả.”
Na-tiên nói: “Cả hai vật ấy đều gây khó chịu. Bần tăng đã hai lần hỏi
đại vương. Nếu cả hai đều nóng, nên nói là đều nóng; nếu cả hai đều
lạnh, nên nói là đều lạnh. Nay vì sao một lạnh, một nóng, lại có thể nói
là đều gây khó chịu cho người?”
Vua nói: “Trẫm không đủ trí tuệ hiểu rõ việc này. Xin đại đức vì trẫm
giảng giải.”
Na-tiên đáp: “Kinh Phật nói rằng: Có sáu việc khiến cho người ta đắm vào
sự vui, có sáu việc khiến người ta đắm vào sự buồn, lại có sáu việc
khiến người ta không vui, có sáu việc khiến người ta không vui cũng
không buồn.
“Còn có sáu việc giúp người ta thoát ra khỏi sự vui, sáu việc giúp người
ta thoát ra khỏi sự buồn.”
Vua hỏi: “Những gì là sáu việc khiến người ta chìm đắm vào sự vui?”
Na-tiên đáp: “Một là mắt nhìn thấy, trong lòng mong mỏi có được mãi, vì
thế nên vui. Hai là tai nghe âm thanh dễ chịu, trong lòng mong mỏi có
được mãi, vì thế nên vui. Ba là mũi ngửi hương thơm, trong lòng mong mỏi
có được mãi, vì thế nên vui. Bốn là lưỡi nếm vị ngon, trong lòng mong
mỏi có được mãi, vì thế nên vui. Năm là thân xúc chạm êm ái, trong lòng
mong mỏi có được mãi, vì thế nên vui. Sáu là trong ý được vui, trong
lòng mong mỏi có được mãi, vì thế nên vui. Như vậy là sáu việc khiến
người ta chìm đắm vào sự vui.”
Vua lại hỏi: “Những gì là sáu việc giúp người ta thoát ra khỏi sự vui?”
Na-tiên đáp: “Một là mắt thấy sắc đẹp, lòng nghĩ nhớ rằng chẳng thể được
như vậy mãi, liền sanh tâm dứt bỏ, tự suy nghĩ hiểu thấu lẽ vô thường,
nhờ vậy thoát ra khỏi sự vui.
“Hai là tai nghe âm thanh dễ chịu, lòng nghĩ nhớ rằng chẳng thể được như
vậy mãi, liền sanh tâm dứt bỏ, nhờ vậy thoát ra khỏi sự vui.
“Ba là mũi ngửi hương thơm, lòng nghĩ nhớ rằng chẳng thể được như vậy
mãi, liền sanh tâm dứt bỏ, nhờ vậy thoát ra khỏi sự vui.
“Bốn là lưỡi nếm vị ngon, lòng nghĩ nhớ rằng chẳng thể được như vậy mãi,
liền sanh tâm dứt bỏ, nhờ vậy thoát ra khỏi sự vui.
“Năm là thân xúc chạm êm ái, lòng nghĩ nhớ rằng chẳng thể được như vậy
mãi, liền sanh tâm dứt bỏ, nhờ vậy thoát ra khỏi sự vui.
“Sáu là ý nghĩ đến ái dục, lòng nghĩ nhớ rằng chẳng thể được như vậy
mãi, liền sanh tâm dứt bỏ, nhờ vậy nên thoát ra khỏi sự vui.
“Như vậy là sáu việc giúp người ta thoát ra khỏi sự vui.”
Vua hỏi: “Những gì là sáu việc khiến người ta chìm đắm vào sự buồn?”
Na-tiên đáp: “Một là những điều mắt không ưa thích mà phải nhìn thấy,
nên sanh tâm buồn. Hai là những điều tai không muốn nghe mà phải nghe,
nên sanh tâm buồn. Ba là những mùi mũi không ưa ngửi mà phải ngửi, nên
sanh tâm buồn. Bốn là những vị lưỡi không ưa nếm mà phải nếm, nên sanh
tâm buồn. Năm là những điều thân không ưa thích mà phải xúc chạm, nên
sanh tâm buồn. Sáu là những điều ý không ưa thích mà phải nghĩ tưởng,
nên sanh tâm buồn. Như vậy là sáu việc khiến người ta chìm đắm vào sự
buồn.”
Vua hỏi: “Những gì là sáu việc khiến người ta không vui?”
Na-tiên đáp: “Một là mắt thấy những hình sắc xấu xí, khiến người không
vui. Hai là tai nghe những âm thanh khó chịu, khiến người không vui. Ba
là mũi ngửi những mùi hôi thối, khiến người không vui. Bốn là lưỡi nếm
những vị cay đắng, khiến người không vui. Năm là thân xúc chạm những vật
thô nhám, khiến người không vui. Sáu là trong ý ôm ấp những sự oán ghét,
khiến người không vui. Như vậy là sáu việc khiến người ta không vui.”
Vua lại hỏi: “Những gì là sáu việc khiến người ta không buồn cũng không
vui?”
Na-tiên đáp: “Một là mắt thấy hình sắc, lòng không buồn, cũng không vui.
Hai là tai nghe âm thanh, lòng không buồn, cũng không vui. Ba là mũi
ngửi hương thơm, lòng không buồn, cũng không vui. Bốn là lưỡi nếm mùi
vị, lòng không buồn, cũng không vui. Năm là thân có xúc chạm, lòng không
buồn, cũng không vui. Sáu là ý có suy nghĩ, lòng không buồn, cũng không
vui. Như vậy là sáu việc khiến người ta không buồn cũng không vui.”
Vua lại hỏi: “Những gì là sáu việc giúp người ta thoát ra khỏi sự buồn
rầu?”
Na-tiên đáp: “Một là mắt nhìn thấy sự chết, nhân đó suy ngẫm rằng thân
mình với vạn vật đều vô thường. Người ấy tự nghĩ rằng: Ta đã có được ý
nghĩ này, làm sao lại không đắc đạo? Như vậy thoát ra khỏi sự buồn rầu.
“Hai là tai không ưa thích những âm thanh hay lạ. Người ấy tự nghĩ rằng:
Ta đã có được ý nghĩ này, làm sao lại không đắc đạo? Như vậy thoát ra
khỏi sự buồn rầu.
“Ba là mũi không ưa thích mùi hương thơm. Người ấy tự nghĩ rằng: Ta đã
có được ý nghĩ này, làm sao lại không đắc đạo? Như vậy thoát ra khỏi sự
buồn rầu.
“Bốn là lưỡi không sợ những vị nhạt đắng. Người ấy tự nghĩ rằng: Ta đã
có được ý nghĩ này, làm sao lại không đắc đạo? Như vậy thoát ra khỏi sự
buồn rầu.
“Năm là thân không ưa những sự xúc chạm mềm mại. Người ấy tự nghĩ rằng:
Ta đã có được ý nghĩ này, làm sao lại không đắc đạo? Như vậy thoát ra
khỏi sự buồn rầu.
“Sáu là ý không ưa thích sự ái dục. Người ấy tự nghĩ rằng: Ta đã có được
ý nghĩ này, làm sao lại không đắc đạo? Như vậy thoát ra khỏi sự buồn
rầu.
“Như vậy là sáu việc giúp người ta thoát ra khỏi sự buồn rầu.”
Vua tán thán rằng: “Hay thay! Hay thay!”