Khuyên người không ăn thịt trâu, thịt chó, chẳng bằng là khuyên người đừng giết trâu, giết chó. Khuyên các lò mổ đừng mổ trâu giết chó, chẳng bằng khuyên các quan địa phương ban lệnh cấm giết trâu, chó.
Vì sao vậy? Khuyên người đừng ăn thịt trâu, thịt chó, tuy trước mặt ta họ chịu nghe lời, nhưng đến lúc món ngon bày ra trước mặt, mấy ai có thể tự kiềm chế được? Cho nên biết rằng, khuyên người không ăn chẳng bằng khuyên người đừng giết.
Lại như những người giết mổ, nghe lời khuyên mà chịu thay đổi cũng rất khó khăn, trong mười người chưa hẳn đã được một. Nếu không bắt đến cửa quan, dùng hình luật nghiêm khắc để trừng trị, thì cho dù ngày ngày đều đến lò mổ để khuyên bảo cũng chỉ là vô ích. Như vậy sao bằng ban ra lệnh cấm rõ ràng nghiêm minh, khiến cho những kẻ hung bạo phải tức thời buông đao giấu kỹ. Huống chi việc cấm giết mổ đó, cho dù anh học trò nghèo cũng có thể nhờ sự hỗ trợ của quan binh mà làm nên việc. Một khi bảng cấm đã treo lên, sau đó liền theo dõi kiểm soát nghiêm ngặt, vâng làm theo thành nề nếp quy tắc, thì dù chẳng khuyên người không ăn thịt trâu chó, tự nhiên cũng không còn thịt trâu chó để ăn.
Than ôi, chỉ tiếc là những kẻ làm quan khi gặp việc mang lại danh lợi cho mình thì nỗ lực làm ngay, gắng gổ không ngừng, nhưng đối với việc cấm giết mổ này thì lại ngậm miệng líu lưỡi.
Phút lâm chung còn trả nghiệp
Nước Tề có một quý tộc kia được phong chức quan tượng trưng, tính tình phóng túng, xa xỉ, thích ăn thịt trâu, thịt chó, mỗi lần ăn đều tự tay mình giết.
Vào năm ông ta được hơn ba mươi tuổi, một hôm bỗng nhiên nhìn thấy một con trâu lớn thình lình xông đến, lập tức toàn thân đau đớn như dao cắt, rồi gào thét, phát điên lên mà chết.
LỜI BÀN
Có nhiều công lao với con người nhất, thật không loài vật nào hơn trâu, chó. Hao tổn âm đức nhiều nhất cũng không gì bằng ăn thịt trâu, chó. Thế mà người đời lại cứ muốn ăn thịt trâu, thịt chó, thật không hiểu nổi là vì sao?
Kiêng ăn thịt trâu đỗ trạng nguyên
Vùng Kim Lăng có người tên Chu Chi Phiền, lúc còn chưa đỗ đạt, một hôm nằm mộng thấy vị thần đến bảo ông rằng: “Trạng nguyên năm nay lẽ ra là Từ Hy Mạnh, người ở Trấn Giang, nhưng anh ta vì việc tư tình với một cô gái không đúng lễ giáo nên bị phế truất. Người tiếp theo lẽ ra là ngươi, nhưng Từ Hy Mạnh cả nhà đã ba đời không ăn thịt trâu, còn cha con nhà ngươi thì chưa bỏ được thịt trâu. Nếu ngươi biết hối lỗi thì vẫn còn kịp đó.”
Tỉnh mộng, Chi Phiền đem việc ấy kể lại với cha nhưng người cha không tin. Nhưng rồi đêm ấy, chính ông cũng nằm mộng thấy y hệt như vậy. Khi ấy mới kinh sợ, liền thề từ đó không ăn thịt trâu nữa.
Năm ấy quả nhiên Chu Chi Phiền đỗ trạng nguyên, còn Từ Hy Mạnh chỉ đỗ tiến sĩ, hạng ba.
LỜI BÀN
Có người nói, trâu là con vật để cúng tế, chỉ người có phúc mới được ăn. Nếu theo như chuyện này mà xét thì không thể biện bạch gì thêm nữa.
Quỷ hiện nghiệp nhân
Vào triều Thanh, tại huyện Vô Tích, tỉnh Giang Tô có một viên thư lại họ Vương. Vào năm Đinh Dậu thuộc niên hiệu Thuận Trị, vì chuyện ghi chép lương tiền có sai sót nên bị giam rồi chết trong ngục Bắc Đô.
Đến tháng tư niên hiệu Khang Hy năm thứ hai, có con trai của Kim Thái là Hán Quang, người Tô Châu, từ kinh thành đi thuyền về quê. Thuyền vừa đi qua bến Trương Gia bỗng nghe có tiếng người gọi: “Tôi là người họ Vương ở Vô Tích, xin được đi nhờ thuyền.” Hán Quang đồng ý, cho thuyền ghé vào, nhưng chẳng thấy ai cả. Thuyền ra đi, lại nghe có tiếng gọi như trước. Hán Quang lên tiếng hỏi, liền nghe tiếng họ Vương đáp thật rằng: “Tôi là quỷ chết oan, thuyền ông đậu xa bờ quá nên tôi không lên được.” Người trên thuyền nghe như vậy đều kinh hãi. Quỷ họ Vương liền nói: “Không sao đâu, cho tôi ngồi ở mạn thuyền là được.”
Hán Quang cho ghé thuyền vào sát bờ, liền nghe như có người nhảy lên thuyền. Thuyền vừa đi chưa bao lâu, chợt lại nghe tiếng quỷ kêu lên. Hán Quang hỏi việc gì, quỷ đáp: “Tôi bỏ quên cái túi nhỏ trên bờ sông rồi. Trong đó có sổ ghi chép lương tiền các khoản, về nhà có người tra hỏi, cần phải lấy đó làm bằng chứng. Xin cho tôi trở lại để lấy.” Hán Quang liền chiều ý.
Sau đó thuyền đi tiếp được ba ngày, lúc trời sắp tối bỗng nghe quỷ nói: “Xin tạm dừng thuyền, trên bờ chỗ kia có đàn phổ trai, tôi muốn đến dự.”
Hán Quang không hiểu, hỏi: “Phổ trai là gì?” Quỷ đáp: “Người đời thường gọi là thí thực, tức là bố thí thức ăn.” Hán Quang liền ghé thuyền cho quỷ đi. Vừa đi được chốc lát đã trở lại ngay, nói: “Bồ Tát Quán Âm làm chủ đàn, không có phần cơm cho tôi, vì ngày trước tôi thích ăn thịt trâu. Mỗi khi Bồ Tát chủ đàn, tất cả những người ham thích thịt trâu đều không được vào ăn.”
Hán Quang nghe thế kinh hãi nói: “Có chuyện như vậy thật sao? Tôi vốn thường ăn thịt trâu, từ nay xin chừa bỏ.”
Chốc lát sau, nghe tiếng quỷ khóc lớn. Hán Quang hỏi việc gì, quỷ đáp: “Vì ông phát tâm giữ giới không ăn thịt trâu, nên thần chứng giới đàn từ cõi trời sắp đến, tôi không thể ở đây được nữa.” Hán Quang liền hỏi: “Vậy ông làm sao về nhà?” Quỷ đáp: “Tôi phải chờ thuyền khác thôi.” Hán Quang dừng thuyền, quỷ lẳng lặng rời đi.
LỜI BÀN
Pháp vị Du-già thí thực của nhà Phật có khả năng cứu tế khắp hai cõi trời, người: trên là tám bộ trời, rồng, dưới cho đến chúng sinh trong ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, hết thảy đều nằm trong phạm vi rộng thí của pháp thí thực này, lẽ nào lại có việc Bồ Tát làm chủ đàn mà người ham ăn thịt trâu không được thí thực? Quỷ họ Vương kia không được ăn, đó là do nghiệp riêng chiêu cảm mà thành chỗ thấy riêng mà thôi.
Thí như loài quỷ đói, trải qua nhiều kiếp không được nghe đến tên gọi “nước”, dù có đi trên mặt nước, đưa mắt nhìn cũng chỉ thấy đó toàn là máu mủ, chẳng phải là do nghiệp lực của họ mà thành như thế đó sao?
Thuở xưa, Tôn giả Mục-kiền-liên dùng thiên nhãn nhìn khắp thế gian, thấy được người mẹ đã qua đời của ngài đang ở trong cảnh giới của loài quỷ đói, liền mang đến cho bà một bát cơm. Mẹ ngài nhận được liền dùng tay trái che bát [vì sợ những quỷ khác nhìn thấy], tay phải bốc lấy cơm. Bà vừa đưa cơm vào đến miệng, cơm ấy liền lập tức hóa thành than lửa. Ngài Mục-kiền-liên đau đớn khóc than, tìm đến cầu cứu với đức Phật. Phật dạy: “Mẹ của ông tội nặng, không phải sức một người có thể cứu độ được. Lòng hiếu thảo của ông tuy cảm động trời đất, nhưng dù trời đất quỷ thần cũng không thể giúp được việc này. Ông nên nhờ cậy đến sức oai thần của chư tăng trong mười phương, mẹ ông mới có thể được giải thoát.”
Ngài Mục-kiền-liên liền tổ chức Phật sự lớn lao, cúng dường tất cả chư tăng mười phương. Mẹ ngài ngay trong ngày ấy liền được thoát khỏi cảnh khổ trong loài quỷ đói.
Theo đó mà xét thì việc quỷ họ Vương không được ăn, lẽ nào không phải do nghiệp báo tự thân của ông ta chiêu cảm?
Có người hỏi: “Nếu đã như vậy thì việc thí thực ở thế gian thật cũng chẳng ích lợi gì?” Đáp rằng: “Mối tương quan giữa chúng sinh với Phật pháp phân thành hai hạng: một là có duyên, hai là vô duyên. Những chúng sinh có duyên ắt sẽ được thấm nhuần ân huệ. Nếu không thể tiếp nhận được, ấy là vô duyên. [Như vậy, có kẻ vô duyên, cũng có người hữu duyên,] không thể cố chấp vào một lẽ duy nhất mà luận việc.”
Giễu cợt Phật pháp sớm lãnh tai ương
Ở Ma thành có hai người đã đỗ cử nhân, một người hết lòng tin Phật, một người thì chê bai báng bổ. Một hôm, cả hai cùng đọc sách trong điện thờ Bồ Tát Địa Tạng, bỗng có một người mang thịt chó đến biếu. Người tin Phật liền xua tay bảo đi nơi khác, không cho vào điện thờ, lại hốt hoảng chạy tránh ra bên ngoài cửa.
Người báng Phật thấy vậy liền nói: “Ta theo cái học của nhà Nho, không biết đến cái gì là Phật giáo hay Lão giáo cả.” Rồi ông ta leo lên tòa cao, giễu cợt gắp thịt đút vào miệng Bồ Tát. Nhưng vừa nhấc đũa lên thì cảm thấy giữa khoảng không có một luồng sức mạnh đẩy tới, khiến ông ta ngã nhào xuống đất chết ngay.
Chốc lát sau, vị cử nhân đã tránh ngoài cửa cũng lăn ra chết. Ngay khi ấy ông ta nhìn thấy người báng Phật kia đang chịu hàng trăm thứ hình phạt, trên cổ đeo gông rực lửa đỏ, khắp thân hình đều bị lửa dữ thiêu đốt.
Diêm vương nói với người tin Phật rằng: “Ông có lòng tin, lẽ ra không phải đến chốn này. Ta đưa ông đến đây là muốn ông nhìn thấy kẻ kia chịu hình phạt khổ sở, để ông kể lại cho người đời được biết.” Nói rồi ra lệnh trả về dương gian, ông ta liền sống lại.
LỜI BÀN
Bồ Tát Địa Tạng ở nơi thế giới Ta-bà này đã có phát lời thệ nguyện lớn lao rằng: “Nếu có một chúng sinh còn chưa được giải thoát, ta xem như chính mình đã đẩy họ rơi vào hầm hố.”
Đức Thế Tôn khi thuyết pháp tại cung trời Đao-lợi đã ngợi khen Bồ Tát Địa Tạng rằng: “Ví như mười phương chư Phật cùng xưng tán công đức của ông, trải qua ngàn vạn kiếp cũng không hết được.” Phật lại dạy rằng: “Ví như có chúng sinh cõi trời đã hưởng hết phước báo, hiện ra năm tướng suy, sắp đọa lạc vào các cảnh giới xấu ác như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, nếu được thấy hình tượng Bồ Tát Địa Tạng rồi hết lòng chiêm ngưỡng, lễ bái, liền có thể không đọa lạc nữa mà được tăng thêm phước báo nơi cõi trời.”
Đức Phật cũng dạy rằng: “Nếu có chúng sinh nào chuyên tâm thành kính cúng dường Bồ Tát Địa Tạng, suốt một đời không thối chuyển, thì trong đời vị lai sẽ thường được sinh nơi các cõi trời, thọ hưởng phúc lạc. Khi phước báo cõi trời đã hết, sinh vào cõi người thì trăm ngàn vạn kiếp đều được làm bậc đế vương.
Than ôi, bậc Đại Sĩ có thần lực không thể nghĩ bàn như thế, phương danh chấn động khắp vô số thế giới, oai thần thâu nhiếp vạn ức chư thiên, hết thảy chúng sinh được nghe danh hiệu, được thấy hình tượng ngài thì đều được phước báo thù thắng, thế mà kẻ phàm phu ngu mê uế trược, hiểu biết cạn cợt nhỏ nhoi lại dám hủy báng, khác nào lấy ánh sáng đom đóm mà so với mặt trời chói lọi, lấy cánh ruồi mà che cả bầu trời, thật không biết tự lượng sức mình!