Lúc ấy, Phật ở thành Câu-thi-na, giữa hai cây sa-la, sắp nhập Niết-bàn.
Khi ấy, có ông Tu-bạt-đà nghe Phật sắp nhập Niết-bàn liền cùng với một
nhóm người khác, cả thảy 500 người cùng tìm đến chỗ Phật, chí thành lễ
bái cầu xin xuất gia nhập đạo.
Phật bảo những người ấy rằng: “Lành thay đó, tỳ-kheo!” Liền đó, râu tóc
đều rụng hết, áo cà-sa hiện nơi thân, hóa thành 500 vị sa-môn oai nghi,
đức hạnh. Phật liền vì mọi người khai diễn thuyết pháp, khiến cho tâm ý
khai mở, thảy đều có chỗ đắc pháp.
Khi ấy, chư vị tỳ-kheo thấy việc như vậy liền thưa hỏi Phật: “Bạch Thế
Tôn! Chẳng hay nhóm 500 người bọn ông Tu-bạt-đà đây, trước đã trồng căn
lành chi mà lúc Phật sắp nhập Niết-bàn còn thuyết pháp cứu độ cho họ
không hề mỏi mệt.”
Phật nói: “Chẳng phải ngày nay họ mới được cứu độ. Trong đời quá khứ, ta
cũng đã từng cứu độ cho họ như vậy.”
Các vị tỳ-kheo nghe nói đều lấy làm lạ, liền thưa hỏi xin Phật thuyết
cho nghe nhân duyên thời quá khứ. Phật bảo chư tỳ-kheo: “Các ngươi hãy
chú tâm lắng nghe, ta sẽ vì các ngươi mà phân biệt giảng nói.
“Về thuở quá khứ cách đây đã vô số kiếp, xứ Ba-la-nại có vị vua tên là
Phạm-ma-đạt-đa, cùng dẫn theo nhiều người ra khỏi thành dạo chơi, đến
một vùng núi kia có con suối rất lớn, gặp một bầy nai, liền mang cung
tên cùng nhau đuổi bắn.
“Khi ấy, con nai chúa trong bầy liền dẫn cả bầy cùng chạy trốn, nhưng
gặp suối nước lớn cản ngang không sao qua được, cả bầy đều cầm chắc phải
bỏ mạng. Nai chúa thấy vậy liền bảo 500 con nai trong bầy rằng: ‘Nay ta
lấy thân mình làm cầu nối, bắc ngang qua suối, các ngươi nương trên thân
ta mà qua suối nhanh kẻo chết.’
“Nói rồi, nai chúa hóa hình to lớn, bốn chân dạng ra đạp tỳ hai bên bờ
suối. Cả bầy nai cùng lần trên lưng nai chúa mà chạy sang bờ bên kia.
Khi ấy, da thịt nai chúa bị chân của bầy nai dẫm đạp lên, tróc ra từng
mảng, đau đớn không nói hết. Đến chừng không chịu được nữa, đã muốn thu
mình lại thì nhìn thấy trên bờ vẫn còn một con nai mẹ, vì dẫn theo một
nai con nên chậm chạp chưa qua kịp. Nai chúa lại gắng hết sức mình để
chịu đựng, chờ cho hai mẹ con nai qua thoát đến bờ bên kia. Quá sức đau
đớn, khi ấy nai chúa liền bỏ mạng, sinh lên cảnh trời Đao-lỵ.”
Phật bảo chư tỳ-kheo: “Nai chúa thuở ấy chính là ta ngày nay. Trong đời
quá khứ, còn mang thân thú vật, ta đã tu hạnh đại từ bi, chẳng kể khổ
nạn, quên thân mình mà cứu độ chúng sanh. Huống chi nay ta thành Phật,
vượt trên ba cõi, lẽ nào lại mỏi mệt trong việc cứu độ chúng sanh hay
sao?”
Phật lại nói: “Bầy nai 500 con thuở ấy, chính là nhóm 500 người của ông
Tu-bạt-đà ngày nay, vừa được ta độ cho xuất gia làm tỳ-kheo đó.”
Khi ấy, chư tỳ-kheo lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Chẳng hay nhóm ông
Tu-bạt-đà 500 người đây nhờ phước báo gì mà nay được gặp Phật, lại được
xuất gia đắc đạo?”
Phật bảo chư tỳ-kheo: “Các ngươi hãy chú tâm lắng nghe, ta sẽ vì các
ngươi mà phân biệt giảng nói. Vào giữa Hiền kiếp này, xứ Ba-la-nại có vị
Phật xuất thế hiệu là Ca-diếp. Phật hóa độ chúng sanh đã lâu, pháp duyên
đã mãn, liền muốn nhập Niết-bàn. Khi ấy có 500 vị tỳ-kheo cùng nhau ngồi
thiền học đạo trong chốn núi sâu, không hay biết việc Phật sắp nhập
Niết-bàn.
“Bấy giờ, có mấy vị thần cây nơi ấy, biết Phật sắp nhập Niết-bàn nên
buồn thảm khóc lóc, nhỏ lệ xuống chỗ các vị tỳ-kheo đang ngồi thiền.
“Các vị tỳ-kheo liền hỏi mấy vị thần cây rằng: ‘Hôm nay vì sao mà các
ngài buồn khóc nhỏ lệ như vậy?’ Mấy vị thần cây đáp: ‘Đức Phật Ca-diếp
sắp nhập Niết-bàn nên chúng tôi buồn khóc.’
“Chư tỳ-kheo nghe vậy thì kinh hoàng, sửng sốt, trong lòng sầu não không
sao nói hết, liền hỏi các vị thần cây rằng: ‘Nay chúng tôi đang ở xa
quá, biết làm sao gặp được đức Thế Tôn lần cuối trước khi ngài nhập
Niết-bàn?’
“Các vị thần cây đáp: ‘Nếu các ngài muốn đến đó, chỉ việc nhắm mắt lại,
thần lực của chúng tôi có thể giúp đưa các ngài đi.’
“Chư tỳ-kheo nghe vậy liền nhắm mắt cả lại. Trong phút chốc, bỗng thấy
mình được đưa đến ngay trước chỗ Phật Ca-diếp. Các vị liền đối trước
Phật mà sám hối hết thảy tội lỗi ác nghiệp từ muôn đời. Nhờ công đức tu
tập từ kiếp trước như thế, nên nay các vị lại được gặp ta mà xuất gia,
đắc đạo.”
Phật bảo chư tỳ-kheo: “Năm trăm tỳ-kheo thuở ấy, chính là nhóm năm trăm
người của ông Tu-bạt-đà ngày nay đó.”
Các vị tỳ-kheo nghe Phật thuyết nhân duyên này xong thảy đều vui mừng
tin nhận.