Nếu quyết tâm đạt đến thành công đủ mạnh, thất bại sẽ không bao giờ đánh gục được tôi. (Failure will never overtake me if my determination to succeed is strong enough.)Og Mandino
Thật không dễ dàng để tìm được hạnh phúc trong chính bản thân ta, nhưng truy tìm hạnh phúc ở bất kỳ nơi nào khác lại là điều không thể. (It is not easy to find happiness in ourselves, and it is not possible to find it elsewhere.)Agnes Repplier
Kinh nghiệm quá khứ và hy vọng tương lai là những phương tiện giúp ta sống tốt hơn, nhưng bản thân cuộc sống lại chính là hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Mục đích cuộc đời ta là sống hạnh phúc. (The purpose of our lives is to be happy.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Điều người khác nghĩ về bạn là bất ổn của họ, đừng nhận lấy về mình. (The opinion which other people have of you is their problem, not yours. )Elisabeth Kubler-Ross
Hạnh phúc là khi những gì bạn suy nghĩ, nói ra và thực hiện đều hòa hợp với nhau. (Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.)Mahatma Gandhi
Điều bất hạnh nhất đối với một con người không phải là khi không có trong tay tiền bạc, của cải, mà chính là khi cảm thấy mình không có ai để yêu thương.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Bất lương không phải là tin hay không tin, mà bất lương là khi một người xác nhận rằng họ tin vào một điều mà thực sự họ không hề tin. (Infidelity does not consist in believing, or in disbelieving, it consists in professing to believe what he does not believe.)Thomas Paine
Cho dù người ta có tin vào tôn giáo hay không, có tin vào sự tái sinh hay không, thì ai ai cũng đều phải trân trọng lòng tốt và tâm từ bi. (Whether one believes in a religion or not, and whether one believes in rebirth or not, there isn't anyone who doesn't appreciate kindness and compassion.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2 »» Bài giảng thứ 100 »»

Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2
»» Bài giảng thứ 100

(Lượt xem: 2.334)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2 - Bài giảng thứ 100

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

(Giảng ngày 20 tháng 9 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 101, số hồ sơ: 19-012-0101)

Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.

Xin mời xem đoạn thứ 42 trong Cảm ứng thiên: “Cuống chư vô thức, báng chư đồng học.” Trong Vị biên giải thích ý nghĩa này hết sức rõ ràng, cũng đưa ra không ít trường hợp điển hình làm ví dụ, nói rõ vấn đề nghiệp nhân quả báo trong đó. Ngoài ra cũng trích dẫn một đoạn kinh Phật, dạy chúng ta cách sống chung với bè bạn như thế nào. Đoạn kinh này không dài, trong thực tế chúng ta đều nên ghi nhớ, hơn nữa còn phải vận dụng vào thực tế. “Phật dạy, đối xử qua lại với bạn bè có năm việc.”

Giáo dục của Nho giáo xem trọng luân thường. Người Trung quốc nói đến ngũ luân bao gồm [các quan hệ] vợ chồng, cha con, anh em, bạn bè, vua tôi. Cho nên, bạn bè là một trong ngũ luân, có mối quan hệ hết sức mật thiết với bản thân ta. Để chu toàn đạo nghĩa với bạn bè, đức Phật dạy chúng ta năm việc.

Thứ nhất, nếu bạn làm chuyện xấu ác, tạo nghiệp ác, phải khuyên bảo để bạn chấm dứt. Cho nên, bạn bè có nghĩa vụ giúp nhau sửa lỗi. Nếu thấy bạn mình làm chuyện sai trái mà không nói ra thì chưa đủ gọi là bạn bè, đó không phải bạn bè. Tuy nhiên, khuyên bảo uốn nắn cũng phải theo lễ nghi, nhất định phải giữ lễ, phải hiểu biết lễ nghi thích hợp. Lúc nói lỗi để khuyên bảo tuyệt đối không được có mặt người khác. Phải khuyên bảo trong chỗ riêng tư. Như vậy mới là bạn bè. Cha mẹ dạy con thì có thể dạy dỗ [sửa lỗi] lúc có mặt anh chị em. Đó là cha mẹ hay anh chị dạy dỗ [sửa lỗi] con em. Nhưng nếu có người ngoài, cha mẹ, anh chị cũng không nên nói ra. Đó là vì giữ thể diện cho con em mình. Thầy dạy dỗ [sửa lỗi] học trò, có thể nói ra trước mặt các bạn đồng học. Vì sao vậy? Vì chúng ta là bạn đồng học, thầy không chỉ dạy riêng một người, đó là dạy dỗ tất cả học sinh của thầy. Nhưng bạn bè với nhau thì không được. Bạn bè chỉ có thể khuyên bảo nói lỗi ở chỗ riêng tư kín đáo. Cho nên, ý nghĩa này chúng ta phải hiểu thật rõ ràng.

Khuyên bảo lẫn nhau để dứt trừ lỗi, đó là nói có sự giúp đỡ qua lại với nhau. Bản thân mình nếu có lỗi thì nhờ có bạn bè khuyên can giúp đỡ, nhắc nhở cảnh tỉnh. Bản thân ta [khi cần] cũng phải [khuyên can] giúp đỡ bạn bè của mình như vậy. Đặc biệt là trong Phật pháp, thực sự rõ biết rằng nhân quả [báo ứng] tương quan trong cả ba đời: [quá khứ, hiện tại và tương lai], cho nên việc khuyên bảo sửa lỗi là quan trọng thiết yếu hơn hết. Khởi sinh một niệm xấu ác, trước mắt dường như chẳng có gì đáng nói, nhưng hậu quả trong tương lai thật [nghiêm trọng] không dám nghĩ đến. Người đời đối với ý nghĩa sự việc này không rõ biết, nhưng chúng ta [là người học Phật] cần phải tự mình nhận hiểu rõ ràng sáng tỏ.

Tập khí xấu ác rất nặng nề, trong sách Luận ngữ có nói đến. Sách Luận ngữ là do Khổng tử nói ra. “Bạn bè [khuyên can] quá nhiều lần thì thành ra xa cách.” Cho nên, hiện nay so [với thời trước] khó khăn hơn rất nhiều. Khuyên bảo sửa lỗi không được quá ba lần. [Khuyên can] ba lần trở lên thì đã thành kẻ ác rồi, tình bạn bè thành ra xa cách. Không chỉ là xa cách, mà còn kết thành oán thù. Do đó có thể biết rằng, việc khó nhất trong đời này là [hiểu được] lòng người. Đó gọi là: “Thành tựu công việc đã khó, làm người còn khó hơn.”

Người thực sự thấu tình đạt lý, Nho gia gọi là người quân tử, là người thực sự thông hiểu ý nghĩa [thích hợp] lòng người. Thấu tình đạt lý đến mức rốt ráo thì đó là bậc thánh nhân, trong Phật pháp chúng ta tôn xưng là Phật, Bồ Tát. Chúng ta ngày nay tội lỗi đầy mình, khởi tâm động niệm, nói năng hành động đều là bất thiện, chư Phật, Bồ Tát vì sao không đến khuyên bảo sửa lỗi cho ta? Vì sao không thể đến dạy dỗ chúng ta?

Chúng ta tự mình suy ngẫm xem, chư Phật, Bồ Tát đến dạy dỗ, liệu chúng ta có tiếp nhận hay không? Không thể tiếp nhận. [Khuyên bảo] quá ba lần liền thấy phiền toái, ghét giận, rồi cũng sẽ xem chư Phật, Bồ Tát là kẻ oan gia thù nghịch. Cho nên chư Phật, Bồ Tát vì lòng từ bi mà không đến với chúng ta. Các ngài không đến là từ bi, là bảo vệ mối quan hệ tốt, không để quan hệ tốt hiện nay với quý vị phải hóa thành xa cách. Đợi khi nào quý vị thực sự giác ngộ, thực sự muốn quay đầu, ở trong sáu đường đã chịu đựng đủ mọi khổ não, bừng lên được một ý niệm giác ngộ, một niệm quay đầu hướng thượng, khi ấy [chư Phật, Bồ Tát] sẽ đến [giúp quý vị] như những người bạn tốt. Phương thức của chư Phật, Bồ Tát là như vậy, rất đáng cho chúng ta tham khảo.

[Nếu người ta] không chịu nghe lời khuyên thẳng thắn, không chịu nghe lời hiền thiện, thì hãy tạm thời rời xa. Nhất định phải đợi khi họ muốn quay đầu hướng thiện mới quay lại tiếp cận. Như thế là ý nghĩa cảm ứng giao hòa trong đạo hết sức lớn lao.

Đó là việc khuyên bảo sửa lỗi [giữa bạn bè với nhau], được đức Phật kể ra trước tiên [trong năm điều].

Điều thứ hai là, bạn bè gặp lúc khó khăn, bệnh tật, phải quan tâm giúp đỡ. Chúng ta gặp việc khó khăn, đang lúc cần có người giúp đỡ hỗ trợ, chính là lúc bạn bè với nhau có nghĩa vụ phải tương trợ. Tiếp theo là những lúc có bệnh tật, bạn bè với nhau nhất định phải quan tâm, phải hết lòng hết sức hỗ trợ giúp đỡ tìm thầy giỏi thuốc hay, hỗ trợ việc điều trị bệnh.

Thế nhưng trong xã hội hiện đại, đích thực việc này là quá khó khăn. Người xưa gọi như thế này là “thiên hạ đại loạn”. Rốt cuộc thì sự hỗn loạn này là do đâu? Người bình thường chúng ta nói rằng xã hội không có trật tự, xã hội giữ gìn an ninh không tốt, giữa người với người qua lại không có ý tốt, dẫy đầy sự dối trá. Như thế cũng là chúng ta chưa quan sát sâu hơn một bậc. Khi quan sát sâu hơn một bậc, ta sẽ thấy đạo đức, luân thường đã bị phá hoại hết rồi. Cha con không còn tình thân, bạn bè không còn tin nhau, vợ chồng không còn tình nghĩa, như vậy sao có thể được? Đó thực sự là loạn cả rồi. Chỉ một chút gì không vừa ý là lập tức trở mặt. Đó là đời loạn rồi. Đời thái bình hưng thịnh tuyệt đối không có những hiện tượng như vậy.

Chúng ta thử nghĩ xem, xã hội thịnh trị hay rối loạn, nguồn gốc là tại đâu? Chính là ở nơi giáo dục. Hiện tại mọi người không còn nói đến nền giáo dục của các bậc thánh hiền xưa. Không chỉ là bỏ đi không dùng, mà còn nỗ lực tiêu diệt cho mất hẳn. Đó là trái nghịch luân thường. Trong sách Tả truyện có câu: “Con người vất bỏ luân thường thì yêu ma nổi dậy.” Vất bỏ luân thường thì cả xã hội này toàn là yêu ma quỷ quái.

Nhà Phật nói về mười pháp giới, bên trong mười pháp giới lại có mười pháp giới. Mỗi một pháp giới đều có đủ mười pháp giới bên trong, nói như vậy rất hay. Đại sư Thiên Thai từ nơi kinh Pháp Hoa phát minh ra thuyết “bách giới, thiên như” (một trăm cảnh giới, một ngàn như thị), cũng chính là phát huy ý nghĩa này. Con người có thể tiếp thụ được nền giáo dục thánh hiền thì đó là chư thiên trong cõi người, là Phật, Bồ Tát trong cõi người. Con người nếu vất bỏ nền giáo dục của thánh hiền, đó chính là ngạ quỷ trong cõi người, là súc sinh, là địa ngục, là yêu ma quỷ quái trong cõi người. Điểm then chốt chính là ở nơi giáo dục. Cho nên, đức Phật Thích-ca Mâu-ni buông bỏ hết mọi sự nghiệp, theo đuổi công việc giáo dục. Hết thảy chư Phật Như Lai đều thị hiện như vậy. Cho nên chúng ta mới hiểu được rằng, giáo dục là sự nghiệp lớn lao nhất trong thế gian cũng như xuất thế gian. Điều đức Phật làm chính là sự nghiệp lớn lao nhất của thế gian và xuất thế gian. Vì người khác không thể làm, người khác làm không đến nơi đến chốn, người khác không làm tốt, nên đức Phật mới thị hiện đến làm. Chúng ta cần phải thể hội được điều này.

Chúng ta ngày nay phát tâm học Phật, làm đệ tử của Phật, tiếp nối sinh mạng trí tuệ của Phật, trong thời đại này đảm đương gánh vác gia nghiệp của đức Như Lai. Gia nghiệp của Như Lai chính là sự nghiệp giáo dục. Làm thế nào để hỗ trợ, giúp đỡ chúng sinh thực sự giác ngộ, đó là công việc của đệ tử Như Lai.

Cho nên khi bạn bè gặp khó khăn, có bệnh tật, phải xem như chính bản thân ta gặp khó khăn, bản thân ta có bệnh tật, phải hết lòng hết sức quan tâm, phải dùng phương tiện khéo léo [giúp đỡ], phải có trí tuệ. Trong phần này đề cập đến rất nhiều phương pháp, cũng nêu nhiều ví dụ điển hình. Trong sách Liễu Phàm tứ huấn cũng có nói, nếu bạn bè ta có tập khí xấu ác nặng nề nghiêm trọng, có thể dùng thủ đoạn xấu đối đãi với họ, hy vọng họ phải chịu một chút khó khăn khổ sở, chịu giày vò thêm một chút rồi cuối cùng có thể được thành tựu. Như thế cũng là phương cách đối đãi với bạn bè. Đợi khi người bạn ấy đã giác ngộ rồi mới cảm kích, biết rằng “người bạn này không có ý xấu, chỉ muốn [làm như vậy để] thành tựu cho mình”.

Tập khí xấu ác cũng có lúc thực sự rất khó sửa đổi, vì đã tập quen thành thói tật. Cho nên việc giáo dục phải thực hiện lúc còn tuổi nhỏ. Từ khoảng tuổi trung niên về sau không có cách gì giáo dục được, cũng không có cách gì khuyên bảo. Vì sao vậy? Vì đã tập quen thành thói tật. Khi nghe khuyên dạy rồi, người ấy có muốn sửa đổi hay không? Quả thật muốn sửa đổi, nhưng sửa đổi không được, không có cách gì khắc phục được tập khí của bản thân mình, đó là trường hợp của phàm phu. Nghe khuyên dạy rồi có thể sửa đổi, có đủ dũng khí, có quyết tâm sửa đổi, có đủ nghị lực khắc phục tập khí của bản thân, người như vậy không phải phàm phu. Chúng ta xem trong lịch sử có thể thấy, bất kể là chuyện thế tục hay chuyện trong Phật pháp, những người có thành tựu lớn lao, hầu hết đều là những người như vậy, có thể khắc phục chính mình, quay lại tuân theo lễ nghĩa. Đó là các bậc thánh hiền quân tử, trong Phật pháp là chư Phật, Bồ Tát.

Điều thứ ba là, bạn bè có chuyện kín đáo giữ riêng trong gia đình, không được mang đi nói với người ngoài. Trong nhà bạn có những chuyện không tốt mình nghe được, đó gọi là: “Chuyện xấu trong nhà không thể nói rộng ra bên ngoài.” Bạn bè nếu có việc làm xấu, có thể khuyên bảo bạn sửa lỗi nhưng không thể mang ra nói với người ngoài.

Chúng ta xem qua đức Phật dạy mấy điều như trên, trong xã hội hiện tại thì bạn bè đối xử với nhau hầu như đều ngược lại.

Điều thứ tư là phải kính trọng nhau, thường giữ quan hệ qua lại, không ghi nhớ những chuyện oán hờn. Đặc biệt là đối với những bạn bè vừa mới quen biết nhau, trong Phật pháp thường nói: “Chỉ nói chuyện hiện tại, không bàn việc đã qua.” Trong quá khứ ví như người bạn ấy từng làm việc xấu, việc ác, nhưng ngày nay họ đã quay đầu hướng thiện, đã giác ngộ, ngạn ngữ Trung quốc có câu rằng: “Kẻ xấu quay đầu không gì quý hơn.” Khi còn trẻ tuổi không hiểu chuyện, tạo tác bao nhiêu là việc ác, chỉ cần người ấy bây giờ có thể tiếp nhận những lời răn dạy của thánh hiền, hoan hỷ nghe kinh, có thể nhận hiểu tin tưởng, có thể vâng làm theo thì đó là người tốt. Đại sư Thiện Đạo nói rất hay, [đó là do] “gặp duyên khác nhau”. Là do trong quá khứ không gặp được bậc thiện tri thức, chỉ gặp toàn những kẻ xấu. Con người, nhất định là đại đa số không có bản tính cố định. Bản tính không cố định nên “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Khi giao du qua lại với loại bạn bè nào thì học theo giống như những bạn bè ấy, quay đầu hướng thiện sẽ thành người tốt.

Con người ai mà không có lỗi lầm? Đó là: “Nhân phi thánh hiền, thục năng vô quá?” (Người chưa thành bậc thánh hiền, sao có thể không phạm lỗi?) Quý vị không phải thánh hiền tái sinh, nhất định phải có lúc lỗi lầm. Chỉ cần biết quay đầu hướng thiện là tốt. Các bậc tổ sư đại đức vẫn thường thị hiện [những tấm gương] như vậy. Các bậc tổ sư trong Tịnh độ tông của chúng ta, những người mà quý vị bội phục nhất là Đại sư Ngẫu Ích, Đại sư Ấn Quang, khi còn trẻ tuổi đều là những người hủy báng giáo pháp. Đó là các ngài vì chúng ta thị hiện, đều là chư Phật, Bồ Tát vì chúng ta mà thị hiện như vậy. Lúc còn trẻ tuổi các ngài đọc sách nhà Nho, bài xích Phật pháp, về sau được tiếp xúc với Phật pháp, được nghe giáo pháp, mới hối tiếc, sám hối lỗi lầm, sửa lỗi hướng thiện, trở thành bậc tổ sư trong Phật pháp.

Hãy xem lại quãng thời gian trước sau tuổi hai mươi của các ngài, dưới mắt nhìn của chúng ta hiện nay thì đó là yêu ma, chống đối người học Phật. Vì sao lại chống đối? Đó là các ngài thị hiện. Cho nên, trong xã hội ngày nay có biết bao người phản đối Phật pháp. Vì sao họ phản đối? Vì chưa từng tiếp xúc, không biết trong Phật pháp nói những gì, chỉ nghe người khác nói lại, người ta nói thế nào thì cũng nói theo thế ấy. Nghe người khác nói Phật pháp là mê tín, mình cũng dựa theo đó nói là mê tín; nghe người khác nói Phật giáo tiêu cực, mình cũng cho rằng Phật giáo quả thật là tiêu cực. Thực sự thì chưa từng tiếp xúc.

Ví như có được tiếp xúc [cũng không dễ nhận hiểu]. Chúng ta đều biết rằng, kinh điển Phật giáo muộn nhất là vào khoảng đời Nam Tống đã được kết tập, cho dù có một số vị pháp sư dịch kinh thời ấy đã dùng lối văn dễ hiểu nhất, nhưng chúng ta ngày nay đọc những kinh văn ấy cũng vẫn còn thấy rất khó hiểu. Huống chi trong kinh điển Đại thừa đức Phật có dạy: “Pháp Phật không có người giảng, dù có trí cũng không hiểu được.” Nếu muốn hiểu Phật pháp, nhất định phải gặp được bậc thiện tri thức. Có người vì quý vị giảng giải, hỗ trợ giúp đỡ quý vị học Phật, hỗ trợ giúp đỡ quý vị đọc kinh thì quý vị mới có thể hiểu được.

Chúng ta ngày nay đã học Phật sáng tỏ, chúng ta có nghĩa vụ phải hỗ trợ giúp đỡ bạn bè của mình, đem Phật pháp giới thiệu với họ, dùng phương tiện khéo léo dứt trừ những nghi hoặc của họ.

Các bậc thánh hiền thế gian và xuất thế gian đều dạy chúng ta rằng, chỉ ghi nhớ ân đức của người khác, tuyệt đối không ghi nhớ những điều oán hận. Chúng ta biết rằng, ân đức là tình cảm chân thật lưu xuất hiển lộ, còn oán hận đều chỉ là những sự hiểu lầm, không phải chân thật, việc gì phải ghi nhớ trong lòng?

Điều thứ năm là nói chuyện tiền bạc chung nhau, “bạn bè giàu nghèo không như nhau, phải giúp đỡ nhau, không được chê bai phỉ báng nhau.” Con người sống ở đời, do từ quá khứ tu tập gieo nhân không giống nhau, cho nên nhất định không thể bình đẳng như nhau. Nếu được giàu có, phải biết hỗ trợ giúp đỡ bạn bè, thường chu cấp cứu giúp [bạn nghèo], nâng đỡ bạn, nhất định không được hủy báng, không được khinh chê.

Đó là dạy chúng ta biết cách giao tiếp qua lại với bạn bè. Nếu trái lại với những điều này, đó là “Cuống chư vô thức, báng chư đồng học.” (Lừa dối người không biết, báng bổ bạn đồng học.)

Về hai chữ “bằng hữu” (bạn bè), nhà Nho giải thích rằng, bạn cùng học với nhau gọi là “bằng”, cùng chí hướng với nhau gọi là “hữu”. Cho nên, hữu đem so với bằng phải thân thiết hơn rất nhiều. Hữu là cùng chung mục đích, chí hướng, bằng là bạn học chung, chưa hẳn đã cùng chung mục đích chí hướng. Bạn bè, hay bằng hữu là một trong ngũ luân, nhất định phải hiểu rõ, nhất định không được lừa dối. Không được lừa dối, càng không được hủy báng. Học Phật cũng phải từ chỗ này vận dụng vào thực tế, từ chỗ này bắt đầu học.

Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 103 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa


Giai nhân và Hòa thượng


Kinh Đại Bát Niết-bàn - Tập 2


Ba điểm tinh yếu trên đường tu tập

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 52.205.218.160 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (410 lượt xem) - Việt Nam (128 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - ... ...