Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Trung A Hàm Kinh [中阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 55 »»

Trung A Hàm Kinh [中阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 55


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.55 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.68 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Trung A Hàm

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49 | 50 | 51 | 52 | 53 | 54 | 55 | 56 | 57 | 58 | 59 | 60 |
Việt dịch: Thích Tuệ Sỹ

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

17. PHẨM BÔ-ĐA-LỢI
202. KINH TRÌ TRAI[1]

Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trụ trong Đông viên, Lộc tử mẫu giảng đường [02]
Bấy giờ Lộc Tử Mẫu Tì-xá-khư [03] , vào lúc sáng sớm, tắm gội, mặc chiếc áo trắng tinh, dẫn các con dâu với đoàn tùy tùng vây quanh đi đến chỗ Phật. Cúi đầu làm lễ, rồi đứng sang một bên, Thế Tôn hỏi:
"Này Bà cư sĩ [04] , bà vừa tắm gội chăng?
Đáp rằng:
"Bạch Thế Tôn, hôm nay con trì trai. Bạch Thế Tôn, hôm nay con trì trai."
Thế Tôn hỏi:
"Này Bà cư sĩ, hôm nay bà trì loại trai nào? Vì trai có ba loại. Những gì là ba? Thứ nhất là loại trai của mục đồng; thứ hai là loại trai của Ni-kiền; thứ ba là Thánh trai tám chi.
"Này Bà cư sĩ, thế nào là loại trai của mục đồng [05] ? Mục đồng buổi sáng thả trâu trong đầm, buổi xế dẫn trâu về thôn. Khi về thôn, nó nghĩ rằng, 'Ngày hôm nay ta thả trâu ở chỗ này; ngày mai ta sẽ thả trâu ở chỗ kia. Ngày hôm nay ta cho trâu uống ở chỗ này; ngày mai ta sẽ cho trâu uống nước tại chỗ kia. Này Bà cư sĩ, nếu người trì trai nghĩ rằng, 'Ngày hôm nay ta ăn đồ ăn như vầy; ngày mai ta sẽ ăn đồ ăn như kia. Ngày hôm nay ta uống thức uống như vầy; ngày mai ta sẽ uống thức uống như kia. Ngày hôm nay ta nuốt thức ăn như vầy; ngày mai ta sẽ nuốt thức ăn như thế kia'. Người ấy ở đây trải qua ngày đêm hoan lạc, đắm trước trong dục vọng như vậy. Đó gọi là loại trai của mục đồng. Nếu trì loại trai mục đồng như vầy, không thu hoạch được đại lợi, không được đại quả, không có đại công đức, không được phát triển.
"Này Bà cư sĩ, thế nào là loại trai của Ni-kiền [06]? Nếu có người xuất gia học theo Ni-kiền, vị ấy khuyên người rằng, 'Ngươi đối với chúng sanh ở ngoài một trăm do-diên về phía Đông, để ủng hộ chúng sanh ấy, hãy loại bỏ dao gậy. Cũng vậy, đối với phương Tây, phương Nam và phương Bắc, ngoài một trăm do-diên mà có chúng sanh nào, vì để ủng hộ chúng sanh ấy, hãy loại bỏ dao gậy'. Người ấy khuyến khích sách tấn người khác như vậy. Hoặc chúng sanh có tưởng được thủ hộ, hoặc chúng sanh không có tưởng không được ủng hộ, ngươi vào ngày mười lăm là ngày thuyết Tùng giải thoát, cởi bỏ y phục, để mình trần truồng, đứng ngay về phương Đông, nói như vầy, 'Ta không có cha mẹ, không thuộc về cha mẹ. Ta không có vợ con, không thuộc về vợ con. Ta không có nô tỳ, không thuộc về nô tỳ'. Này Bà cư sĩ, người ấy khuyến khích sách tấn bằng lời nói chân thật, nhưng ngược lại sự khuyến khích sách tấn trở thành những lời nói hư dối. Người ấy ngày ngày gặp mặt cha mẹ mình và nghĩ rằng, 'Đây là cha mẹ ta'. Cha mẹ người ấy ngày ngày cũng thấy con mình cũng nghĩ rằng, 'Đây là con ta'. Người ấy gặp mặt vợ con và nghĩ rằng, 'Đây là vợ con ta'. Vợ con cũng thấy người ấy và cũng nghĩ rằng 'Đây là tôn trưởng của ta'. Người ấy gặp mặt nô tỳ cũng nghĩ rằng, 'Đây là nô tỳ của ta'. Nô tỳ cũng thấy người ấy và cũng nghĩ rằng, 'Đây là chủ của ta'. Người ấy thọ dụng dục lạc này, không được cho mà thọ dụng, chứ không phải được cho mà thọ dụng [07] . Đó gọi là loại trai của Ni-kiền như vậy không thu hoạch được đại lợi, không được đại quả, không được phát triển.
"Này Bà cư sĩ, thế nào là Thánh trai tám chi [08] ? Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, 'A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, dẹp bỏ dao gậy, có tàm, có quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả cho đến côn trùng, vị ấy đối với sự sát sanh tâm đã tịnh trừ. Tôi cũng trọn đời xa lìa sát sanh [09] , đoạn trừ sát sanh, dẹp bỏ dao gậy, có tàm có quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả cho đến côn trùng. Đối với việc sát sanh nay tôi tịnh trừ tâm ấy.Tôi do chi này mà đồng đẳng không khác với A-la-hán' [10] . Ta coi chi này đồng đẳng không khác với A-la-hán, cho nên nói là trai.
"Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, 'A-la-hán chân nhân trọn đời không lấy của không cho, đoạn trừ sự lấy của không cho, những gì được cho rồi mới lấy, vui thích trong việc lấy của được cho, thường ưa bố thí, tâm vui thích sự phóng xả, hoan hỷ, không bỏn sẻn, không trông chờ báo đáp, không để sự trộm cắp che lấp tâm mình, hay tự chế ngự. Vị ấy đối với việc không cho mà lấy, tâm đã tịnh trừ. Tôi cũng trọn đời xa lìa sự lấy của không cho, đoạn trừ sự lấy của không cho, những gì được cho mới lấy, vui thích trong việc lấy của được cho, thường ưa bố thí, tâm vui thích sự phóng xả, hoan hỷ, không bỏn sẻn, thường không trông chờ sự báo đáp, không để sự trộm cắp che lấp tâm mình hay tự chế ngự. Đối với việc không cho mà lấy, nay tôi tịnh trừ tâm ấy'. Ta coi chi này đồng đẳng không khác với A-la-hán, cho nên nói là trai.
"Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, 'A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa phi phạm hạnh, đoạn trừ phi phạm hạnh, tu hành phạm hạnh, chí thành tâm tịnh, sống không xú uế, ly dục, đoạn dâm, vị ấy đối với phi phạm hạnh, tâm đã tịnh trừ. Tôi nay trong một ngày một đêm này xa lìa phi phạm hạnh, đoạn trừ phi phạm hạnh tu hành phạm hạnh, chí thành tịnh tâm, sống không xú uế, ly dục, đoạn dâm. Đối với phi phạm hạnh, nay tôi tịnh trừ tâm ấy'. Ta coi chi này đồng đẳng không khác với A-la-hán, cho nên nói là trai.
"Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, 'A-la-hán chân nhân trọn đời không nói láo, đoạn trừ sự nói láo chỉ nói lời chắc thật, vui thích sự thật, an trụ nơi sự thật, được mọi người tin tưởng, không lừa gạt thế gian. Vị ấy đối với sự nói dối, tâm đã tịch trừ. Tôi nay trọn đời không nói dối, đoạn trừ sự nói dối, chỉ nói lời chắc thật, vui thích sự thật, an trụ nơi sự thật, được mọi người tin tưởng, không lừa gạt thế gian. Đối với sự nói dối, tôi nay tịnh trừ tâm ấy'. Ta coi chi này đồng đẳng không khác với A-la-hán, cho nên nói là trai.
"Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, 'A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa việc uống rượu buông lung, đoạn trừ sự uống rượu buông lung. Vị ấy đối với việc uống rượu buông lung, tâm đã tịnh trừ. Tôi nay cũng trọn đời xa lìa sự uống rượu buông lung, đoạn trừ sự uống rượu buông lung. Đối với việc uống rượu buông lung, nay tôi tịnh trừ tâm ấy'. Ta coi chi này đồng đẳng không khác với A-la-hán, cho nên nói là trai.
"Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, 'A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa giường lớn cao rộng, đoạn trừ giường lớn cao rộng, vui thích nằm ngồi chỗ thấp, hoặc giường hoặc trải cỏ. Vị ấy đối với giường lớn cao rộng, tâm đã tịnh trừ. Tôi nay trong một ngày một đêm này xa lìa giường lớn cao rộng, đoạn trừ giường lớn cao rộng, vui thích nằm ngồi chỗ thấp, hoặc giường hoặc trải cỏ. Đối với giường lớn cao rộng, tôi nay tịnh trừ tâm ấy'. Ta coi chi này đồng đẳng không khác với A-la-hán, cho nên nói là trai.
"Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, 'A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa tràng hoa anh lạc, hương bột, phấn sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe. Đoạn trừ tràng hoa anh lạc, hương bột, phấn sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe. Vị ấy đối với tràng hoa anh lạc, hương bột, phấn sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe tâm đã tịnh trừ. Tôi nay trong một ngày một đêm này xa lìa tràng hoa anh lạc, hương bột, phấn sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe. Đoạn trừ tràng hoa anh lạc, hương bột phấn sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe. Đối với tràng hoa anh lạc, hương bột, phấn sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe, nay tôi tịnh trừ tâm ấy'. Ta coi chi này đồng đẳng không khác với A-la-hán, cho nên nói là trai.
"Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, 'A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa sự ăn phi thời, đoạn trừ sự ăn phi thời. Vị ấy đối với sự ăn phi thời tâm đã tịnh trừ. Tôi nay trong một ngày một đêm xa lìa sự ăn phi thời, đoạn trừ sự ăn phi thời. Đối với sự ăn phi thời, tôi nay tịnh trừ tâm ấy'. Ta coi chi này như của A-la-hán, ngang nhau không khác, do đó gọi là trai.
"Người ấy sau khi đến với Thánh trai tám chi này rồi, để tiến lên, lại nên tu tập năm pháp.
"Những gì là năm? Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Như Lai rằng, 'Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu[11] , Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự [12] , Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu[13] '. Người ấy sau khi niệm tưởng Như Lai như vậy, ác tham nếu có liền bị tiêu diệt. Những pháp tạp uế, ác bất thiện, nếu có cũng bị diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi Như Lai cho nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng bị tiêu diệt. Cũng như một người trên đầu có cáu ghét, do cao, nước nóng, sức người tắm gội cho nên được sạch. Cũng vậy, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Như Lai rằng, 'Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu'. Người ấy sau khi niệm tưởng Như Lai như vậy ác lam tham nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi Như Lai nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, bất thiện nếu có cũng bị diệt. Đó gọi là Đa văn Thánh đệ tử thọ trì trai giới Phạm thiên, cùng cộng hội với Phạm thiên, nhân Phạm thiên cho nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng bị diệt.
Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Pháp rằng, 'Pháp này do Thế Tôn giảng thuyết toàn thiện, cứu cánh, thường hằng, không biến đổi, được biết bởi chánh trí, được thấy bởi chánh trí, được chứng giác bởi chánh trí [14]'. Người ấy sau khi niệm tưởng như vậy rồi, ác tham lam nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng bị diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi pháp nên tâm tĩnh, được hỷ; ác tham lam nếu có liền diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng bị diệt. Cũng như một người trong mình có cấu ghét, nhờ bột tắm, nước nóng và sức người tắm gội kỹ cho nên được sạch sẽ. Cũng vậy, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Pháp rằng, 'Pháp này do Thế Tôn giảng thuyết toàn thiện, cứu cánh, thường hằng, không biến đổi'. Người ấy sau khi niệm pháp như vậy rồi, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi pháp cho nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, đó gọi là Đa văn Thánh đệ tử thọ trì pháp trai, cùng cộng hội với pháp, nhân pháp cho nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, bất thiện nếu có cũng được diệt.
"Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Tăng rằng, 'Tăng là đệ tử Thế Tôn, khéo thú hướng, chất trực, hành yếu, hành thú, trong Tăng chúng của Như Lai thật sự có A-la-hán thú, A-la-hán quả chứng, A-na-hàm thú, A-na-hàm quả chứng, Tư-đà-hàm thú, Tư-đà-hàm quả chứng, Tu-đà-hoàn thú, Tu-đà-hoàn quả chứng. Đó là bốn đôi, tám hạng Thánh sĩ. Đó là chúng tăng đệ tử của Thế Tôn, thành tựu giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, xứng đáng mời gọi, xứng đáng thỉnh, xứng đáng cúng dường, xứng đáng phụng sự, xứng đáng kính trọng, là ruộng phước là ruộng phước tốt cho trời và người [15] '. Người đó sau khi niệm tưởng như vậy rồi, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi Tăng nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Cũng như một người nơi áo có cấu ghét, bất tịnh, nhờ tro, bột kết, bột giặt, nước nóng, sức người giặt giũ, nên nó được sạch sẽ như vậy. Cũng vậy, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Tăng rằng, 'Tăng là đệ tử Thế Tôn, khéo thú hướng, chất trực, hành yếu, hành thú, trong Tăng chúng của Như Lai thật sự có A-la-hán thú, A-la-hán quả chứng, A-na-hàm thú, A-na-hàm quả chứng. Tư-đà-hàm thú, Tư-đà-hàm quả chứng, Tu-đà-hoàn thú, Tu-đà-hoàn quả chứng. Đó là bốn đôi tám hạng Thánh sĩ, đó là Tăng chúng của Thế Tôn, thành tựu, giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, xứng đáng mời gọi, xứng đáng thỉnh, xứng đáng cung kính, xứng đáng cúng dường, xứng đáng phụng sự, xứng đáng kính trọng, là ruộng phước tốt cho trời và người'. Người ấy niệm tưởng Tăng như vậy, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi tăng nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Đó gọi là Đa văn Thánh đệ tử thọ trì tăng trai, cùng tăng cộng hội, nhân tăng mà tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt.
"Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy Giới mình đang thọ trì, không sứt, không thủng, không uế, không ô, rất rộng, rất lớn, không trông chờ báo đáp, được bậc trí khen ngợi, khéo trọn đủ, khéo thú hướng, khéo thọ, khéo trì. Người ấy sau khi niệm tưởng Giới mình đang thọ rồi, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi Giới, nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Cũng như một tấm gương bụi nhơ, không sáng, nhờ đá, đá mài, ngọc oanh, và sức người lau chùi, mài dũa mà được trong sáng. Cũng vậy, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Giới mình đang thọ trì, không sứt, không thủng, không ô, không uế, rất rộng, rất lớn, không trông chờ báo đáp, được bậc trí khen ngợi, khéo trọn đủ, khéo thú hướng, khéo thọ, khéo trì. Người ấy sau khi niệm tưởng Giới mình đang thọ trì như vậy, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi Giới nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Đó gọi là Đa văn Thánh đệ tử thọ trì giới trai. Cùng Giới cộng hội, nhân Giới, tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt.
"Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng chư Thiên rằng, 'Thật sự có Tứ vương thiên. Hàng Thiên ấy, nếu thành tựu tín, mạng chung nơi này được sanh nơi ấy. Tôi cũng có tín ấy. Hàng Thiên ấy, nếu thành tựu giới, văn, thí, tuệ, mạng chung nơi này được sanh nơi ấy. Tôi cũng có tuệ ấy. Thật sự có Tam thập tam thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất-đà thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa lạc thiên. Hàng Thiên ấy, thành tựu tín, mạng chung nơi này được sanh nơi ấy, tôi cũng có tín ấy. Hàng Thiên ấy, nếu thành tựu giới, văn, thí, tuệ, mạng chung nơi này được sanh nơi ấy. Tôi cũng thành tựu tuệ ấy'. Người ấy sau khi niệm tưởng như vậy rồi, và chư Thiên có tín, giới, văn, thí, tuệ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi chư Thiên nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Cũng như vàng ròng thượng sắc, bị bụi đóng bất tịnh, nhờ lửa, bài, kiềm, chùy, đất đỏ, sức người lau chùi mài dũa mà được minh tịnh. Cũng vậy, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng chư Thiên rằng 'Thật sự có Tứ vương thiên. Hàng Thiên ấy, nếu thành tựu tín, mạng chung nơi này được sanh nơi kia, tôi cũng có tín ấy. Hàng Thiên ấy, nếu thành tựu giới, văn, thí, tuệ, mạng chung nơi này được sanh nơi kia, tôi cũng có tuệ ấy. Thật sự có Tam thập tam thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất-đà thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa lạc thiên. Hàng Thiên ấy, nếu thành tựu tín, mạng chung nơi này được sanh nơi ấy. Tôi cũng thành tựu tín ấy. Hàng Thiên ấy, nếu thành tựu giới, văn, thí, tuệ, mạng chung nơi này được sanh nơi ấy; tôi cũng thành tựu tuệ ấy'. Người ấy niệm tưởng như vậy, và chư Thiên có tín, giới, văn, thí, tuệ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt.
"Này Bà cư sĩ, nếu hành trì Thánh trai tám chi này như vậy và ở đây với mười sáu đại quốc này, một là Ương-già, hai là Ma-kiệt-đà, ba là Ca-thi, bốn là Câu-tát-la, năm là Câu-lâu, sáu là Ban-xà-la, bảy là A-nhiếp-bối, tám là A-hòa-đàn-đề, chín là Chi-đề, mười là Bạt-kỳ, mười một là Bạt-ta, mười hai là Bạt-la, mười ba là Tô-ma, mười bốn là Tô-ma-tra, mười lăm là Dụ-ni, mười sáu là Kiếm-phu. Trong các nước này những sở hữu tiền tài, bảo vật, kim ngân, ma ni, chơn châu, lưu ly, tương-già [16], bích ngọc, san hô, lưu-thiệu [17] , bệ-lưu[18] , bệ-lặc[19], mã não, đồi mồi, xích thạch, tuyền châu, và giả sử một người làm vua trong đó, sẽ được xử dụng tự tại, tùy ý. Nhưng người ấy so với người thọ trì Thánh trai tám chi hoàn toàn không bằng một phần mười sáu.
"Này Bà cư sĩ, Ta nhân đó mà nói như vầy, 'Lạc thú của nhân vương không bằng lạc thú của chư Thiên'. Nếu nhân gian năm mươi năm, ở trên Tứ vương thiên mới là một ngày một đêm. Như vậy ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm. Năm trăm năm như vậy là tuổi thọ của Tứ vương thiên. Này Bà cư sĩ, tất có trường hợp này, là thiện nam tử hay thiện nữ nhân, thọ trì Thánh trai tám chi, thân hoại mạng chung sẽ sanh lên Tứ vương Thiên.
"Này Bà cư sĩ, do đó mà ta nói như vầy, 'Lạc thú nhân vương không bằng lạc thú chư Thiên'. Nếu nhân gian sống một trăm tuổi, thì ở Tam thập tam thiên mới một ngày một đêm. Như vậy ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm và một nghìn năm như vậy là tuổi thọ của Tam thập tam thiên. Này Bà cư sĩ, tất có trường hợp này là thiện nam tử hay thiện nữ nhân, thọ trì Thánh trai tám chi này, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên Tam thập tam thiên.
"Này Bà cư sĩ, Ta nhân đó mà nói như vầy, 'Lạc thú nhân vương không bằng lạc thú chư Thiên'. Ở nhân gian hai trăm năm thì Diệm-ma thiên mới là một ngày một đêm. Như vậy ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm. Hai nghìn năm như vậy là tuổi thọ của Diệm-ma thiên. Này Bà cư sĩ, tất có trường hợp này, là thiện nam tử hay thiện nữ nhân thọ trì Thánh trai tám chi, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên trên Diệm-ma thiên.
"Này Bà cư sĩ, ta nhân đó mà nói như vầy, 'Lạc thú của nhân vương không bằng lạc thú của chư Thiên'. Nhân gian bốn trăm năm thì Đâu-suất-đà thiên mới là một ngày một đêm. Như vậy, ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm. Bốn ngàn năm như vậy là tuổi thọ của Đâu-suất-đà thiên. Này Bà cư sĩ, tất có trường hợp này, là thiện nam tử hay thiện nữ nhân thọ trì Thánh trai tám chi này, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên Đâu-suất-đà thiên.
"Này Bà cư sĩ, Ta nhân đó mà nói như vầy, 'Lạc thú nhân vương không bằng lạc thú chư Thiên'. Nhân gian sống tám trăm tuổi, thì Hóa lạc thiên mới là một ngày một đêm. Như vậy ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm, tám ngàn năm như vậy là tuổi thọ của Hóa lạc thiên. Này Bà cư sĩ, tất có trường hợp này, là thiện nam tử hay thiện nữ nhân thọ trì Thánh trai tám chi này, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên Hóa lạc thiên.
"Này Bà cư sĩ, Ta nhân đó mà nói rằng, 'Lạc thú của nhân vương không bằng lạc thú chư Thiên'. Nhân gian một ngàn sáu trăm năm, thì Tha hóa lạc thiên mới một ngày một đêm. Như vậy ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm, một vạn sáu ngàn năm như vậy là tuổi thọ của Tha hóa lạc thiên. Này Bà cư sĩ, tất có trường hợp này, là thiện nam tử hay thiện nữ nhân thì trì Thánh trai tám chi này, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên Tha hóa lạc thiên."
Lúc bấy giờ Lộc Tử Mẫu Tì-xá-khư chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:
"Bạch Thế Tôn, Thánh trai tám chi thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, đại lợi, đại quả, có đại công đức, có đại quảng bố, con từ nay cho đến trọn đời xin thọ trì Thánh trai tám chi này, tùy theo năng lực mà bố thí tu phước."
Rồi Lộc Tử Mẫu sau khi nghe những lời Phật dạy, khéo thọ trì, khéo tu tập, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, đi quanh ba vòng rồi lui về.
Thế Tôn thuyết như vậy, Lộc Tử Mẫu Tì-xá-khư và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: A.8.43. Visākhā-sutta. Biệt dịch No.87 Phật Thuyết Trai Kinh, Ngô, Chi Khiêm dịch; No.88 Ưu-ba-di Đọa-xá-ca Kinh, khuyết danh dịch; và 89 Phật Thuyết Bát Quan Trai Kinh, Lưu Tống, Trở Cừ Kinh Thanh dịch.
[02] Đông viên, Lộc tử mẫu giảng đường 東 園 鹿 子 母 講 堂. Pāli: Pubbārāme Migāramātupāsāde.
[03] Lộc tử mẫu Tì-xá-khư 鹿 子 母 毗 舍 佉. Pāli: Visākhā Migāramātā.
[04] Nguyên Hán: Cư sĩ phụ 居 士 婦.
[05] Phóng ngưu nhi trai 放 牛 兒 齋. Pāli: gopālakūposatha.
[06] Ni-kiền trai 尼 犍 齋. Pāli: Nigaṇṭhūposatha.
[07] Bỉ dụng thử dục bất dữ nhi dụng phi thị dữ dụng 彼 用 此 欲 不 與 而 用 非 是 與 用. Câu này không hiểu muốn nói gì. No.87, có đoạn có thể đối chiếu lại không có ý nghĩa quan hệ ngày hôm sau, vẫn gọi nhau (là cha mẹ, con cái...) như cũ.
[08] Thánh bát chi trai 聖 八 支 齋. Pāli: atthaṅga samannāgato upasatho hay ariyūposatha.
[09] Bản Hán có sự nhầm lẫn. Giới bát quan trai có thể tự phát nguyện trong một ngày một đêm No.87 và bản Pāli cũng nói chỉ phát nguyện trong một ngày một đêm. Pāli: yāvajīvaṃ arahanto pāṇātipātaṃ pahāya... ahaṃ pajja imañca rattiṃ imañca divasaṃ pāṇtipātaṃ pahāya..., A-la-hán trọn đời không sát sanh... tôi nay một ngày một đêm không sát sanh...
[10] Câu chót này theo văn mạch bản Hán, phải hiểu lời kết của Phật. Nhưng theo bản Pāli nó nằm trong lời phát nguyện. Pāli: imināpaṅgena arahantaṃ anukaromi uposatho ca me upavuttho, "Tôi noi gương A-la-hán với chi này, tôi sẽ thọ trì trai giới".
[11] Hán: Minh Hành Thành Vi. Pāli: vijjācara-sampanno.
[12] Đạo Pháp Ngự 道 法 御; bản Hán đọc Dhammasārathi (người đánh xe của Đạo pháp) và lược bỏ purisa (con người). Phật hiệu theo Pāli: Purisadammasārathi (vị đánh xe, hay hướng dẫn con người đã đươc huấn luyện): Điều ngự trượng phu.
[13] Chúng Hựu 眾 祐, tức Thế Tôn. Pāli: Bhagavā.
[14] Tư duy về Pháp bảo, đọc theo Pháp Uẩn (Đại 26, tr.462a) như vầy: "Phật Chánh pháp thiện thuyết hiện kiến, vô nhiệt, ứng thời, dẫn đạo, cận quán, trí giả nội chứng".
[15] Tư duy về Tăng bảo, theo Pháp Uẩn (sđd., nt.) như vầy: "Phật đệ tử, cụ túc diệu hành, chất trực hành, như lý hành, pháp tùy pháp hành, hòa kỉnh hành, ở trong tăng này có Dự lưu hướng, Dự lưu quả, Nhất lai hướng, Nhất lai quả, Bất hoàn hướng, Bất hoàn quả, A-la-hán hướng, A-la-hán quả. Như vậy tổng có bốn song tám bối Bổ-đặc-già-la. Phật đệ tử chúng giới cụ túc, ứng thỉnh, ứng khuất, ứng cung kính, vô thượng phước điền, thế sở ứng cúng".
[16] Tương-già 儴 伽. Pāli: saṃkha, vỏ sò hay xa-cừ.
[17] Lưu-thiệu 留 邵, không rõ ngọc gì.
[18] Bệ-lưu 鞞 留, không rõ ngọc gì.
[19] Bệ-lặc 鞞 勒, không rõ ngọc gì.
203. KINH BÔ-LỊ-ĐA[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại Na-nan-đại, trong khu rừng xoài của Ba-hòa-lị. [02]
Bấy giờ Bô-lị-đa Cư sĩ mặc chiếc áo trắng tinh, đầu quấn khăn trắng, chống gậy, cầm dù, mang guốc thế tục, đi từ vườn này sang vườn khác, từ quán nọ đến quán kia, từ rừng đến rừng, du hành khắp nơi, thong dong tản bộ, nếu gặp các Sa-môn, Phạm chí bèn nói rằng, 'Chư Hiền nên biết, tôi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự'. Các Sa-môn, Phạm chí nói lại bằng những lời dịu dàng rằng, 'Vâng, Cư sĩ Bô-lị-đa lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự'.
Rồi Cư sĩ Bô-lị-đa trong khi du hành khắp nơi, thong dong tản bộ đến chỗ Đức Phật, chào hỏi xong, chống gậy đứng ngay trước Phật.
Thế Tôn hỏi:
"Cư sĩ, có chỗ ngồi đó, muốn ngồi thì mời ngồi."
Cư sĩ Bô-lị-đa bạch rằng:
"Này Cù-đàm, không thể như vậy! Không nên như vậy! Vì sao? Vì tôi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự, mà Cù-đàm gọi tôi là Cư sĩ sao?"
Thế Tôn nói:
"Ngươi có hình tướng, biểu hiệu như Cư sĩ, cho nên Ta gọi ngươi là Cư sĩ. Có chỗ ngồi đó, muốn ngồi thì mời ngồi."
Thế Tôn lại ba lần nói rằng:
"Này Cư sĩ, có chỗ ngồi đó, muốn ngồi thì ngồi."
Cư sĩ Bô-lị-đa cũng ba lần bạch Phật rằng:
"Này Cù-đàm, không thể như vậy! Không nên như vậy! Vì sao? Vì tôi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự mà Cù-đàm gọi tôi là Cư sĩ sao?"
Thế Tôn trả lời rằng:
"Ngươi có hình tướng, biểu hiện như Cư sĩ, cho nên Ta gọi ngươi là Cư sĩ. Có chỗ ngồi đó, muốn ngồi thì mời ngồi."
Rồi Thế Tôn hỏi:
"Ngươi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự như thế nào?"
Cư sĩ Bô-lị-đa đáp:
"Tất cả những tài vật trong nhà, tôi đều cho con cái hết rồi tôi sống vô vi, vô cầu, chỉ đi lấy thức ăn để duy trì mạng sống mà thôi. Tôi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự như vậy."
Thế Tôn nói:
"Này Cư sĩ, trong Thánh pháp luật, sự đoạn tuyệt các tục sự không phải như vậy. Này Cư sĩ, trong Thánh pháp luật có Tám chi đoạn tuyệt tục sự."
Lúc bấy giờ Cư sĩ Bô-lị-đa bèn bỏ gậy, xếp dù, cởi guốc tục, chắp tay hướng về Phật bạch rằng:
"Này Cù-đàm, trong Thánh pháp luật, thế nào là Tám chi đoạn tuyệt tục sự?"
Thế Tôn nói:
"Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử y trên lìa sát mà đoạn trừ sát, y trên xa lìa lấy của không cho mà đoạn trừ sự lấy của không cho, y trên xa lìa tà dâm mà đoạn trừ tà dâm, y trên xa lìa nói láo mà đoạn trừ nói láo, y trên không tham trước mà đoạn trừ tham trước, y trên không nhuế hại mà đoạn trừ nhuế hại, y trên không đố kỵ thù nghịch mà đoạn trừ đố kỵ thù nghịch, y trên không tăng thượng mạn mà đoạn trừ tăng thượng mạn.
"Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y trên lìa sát mà đoạn trừ sát? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, 'Ai giết chóc phải chịu ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta giết chóc, ấy là gây hại mình và cũng xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương đều nghe đồn tiếng xấu của ta, thân hoại mạng chung tất sẽ đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai giết chóc như vậy, sẽ chịu quả báo này, trong đời này và đời sau. Như vậy, nay ta có nên y trên lìa sát mà đoạn trừ sát chăng?' Rồi vị ấy y trên xa lìa sát hại mà đoạn trừ sát hại. Như vậy là Đa văn Thánh đệ tử y trên lìa sát mà đoạn trừ sát.
"Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa lấy của không cho mà đoạn trừ sự lấy của không cho? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, 'Ai lấy của không cho tất phải chịu quả báo ác trong đời này và đời sau. Nếu ta lấy của không cho, ấy là gây hại mình và cũng xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương đều nghe đồn tiếng xấu của ta, thân hoại mạng chung tất sẽ đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai lấy của không cho phải chịu ác báo trong đời này và đời sau như vậy, nay ta có nên y trên xa lìa lấy của không cho mà đoạn trừ sự lấy của không cho chăng?' Rồi vị ấy y trên xa lìa lấy của không cho mà đoạn trừ sự lấy của không cho. Như vậy, Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa lấy của không cho mà đoạn trừ sự lấy của không cho.
"Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y xa lìa tà dâm mà đoạn trừ tà dâm? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, 'Ai tà dâm tất phải chịu ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta tà dâm ấy là tự hại mà cũng là xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương thảy đều nghe đồn tiếng xấu của ta. khi thân hoại mạng chung phải đi đến ác thú, sanh trong địa ngục. Ai tà dâm tất phải chịu ác báo này trong đời này và đời sau như vậy, nay ta có nên y trên xa lìa tà dâm mà đoạn trừ tà dâm chăng?' Rồi vị ấy y trên xa lìa tà dâm mà đoạn trừ tà dâm. Như vậy, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa tà dâm mà đoạn trừ tà dâm.
"Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa nói láo mà đoạn trừ sự nói láo? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, 'Ai nói láo tất phải chịu ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta nói láo ấy là tự hại mà cũng xuyên tạc phỉ báng người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, khi thân hoại mạng chung tất sẽ phải đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai nói láo tất phải chịu ác báo này đời này và đời sau như vậy. Nay ta nên y cứ trên xa lìa nói láo mà đoạn trừ sự nói láo chăng?' Rồi vị ấy y cứ trên xa lìa nói láo mà đoạn trừ sự nói láo. Như vậy Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa nói láo mà đoạn trừ sự nói láo.
"Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y trên không tham trước mà đoạn trừ tham trước? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, 'Ai tham trước tất phải thọ ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta tham trước ấy là tự hại mà cũng là xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta. Khi thân hoại mạng chung tất phải đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai tham trước tất phải thọ ác báo này trong đời này và đời sau như vậy. Nay ta có nên xa lìa tham trước mà đoạn trừ tham trước chăng?' Rồi vị ấy y trên xa lìa tham trước mà đoạn trừ tham trước. Như vậy, Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa tham trước mà đoạn trừ tham trước.
"Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa hại nhuế mà đoạn trừ hại nhuế? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, 'Ai hại nhuế tất phải thọ ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta hại nhuế ấy là tự hại, mà cũng là hủy báng xuyên tạc người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương đều nghe đồn tiếng xấu của ta, khi thân hoại mạng chung tất sẽ đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai hại nhuế tất phải thọ ác báo này đời này và đời sau. Như vậy, nay ta có nên xa lìa hại nhuế mà đoạn trừ hại nhuế chăng?' Rồi vị ấy y trên xa lìa hại nhuế mà đoạn trừ hại nhuế. Như vậy, Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa hại nhuế mà đoạn trừ hại nhuế.
"Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y trên không đố kỵ thù nghịch mà đoạn trừ đố kỵ thù nghịch? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, 'Ai đố kỵ thù nghịch tất phải thọ ác báo đời này và đời sau. Nếu ta đố kỵ thù nghịch ấy là tự hại và cũng xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương đều nghe đồn tiếng xấu của ta. Khi thân hoại mạng chung tất phải đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai đố kỵ thù nghịch tất phải thọ ác báo này đời này và đời sau như vậy, nay ta có nên y cứ trên không đố kỵ thù nghịch mà đoạn trừ đố kỵ thù nghịch chăng?' Rồi vị ấy y cứ trên không đố kỵ thù nghịch mà đoạn trừ đố kỵ thù nghịch. Như vậy, Đa văn Thánh đệ tử y cứ trên không đố kỵ thù nghịch mà đoạn trừ đố kỵ thù nghịch.
"Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y trên không tăng thượng mạn mà đoạn trừ tăng thượng mạn? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, 'Ai tăng thượng mạn tất thọ ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta có tăng thượng mạn ấy là tự hại mà cũng là xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương đều nghe đồn tiếng xấu của ta. Khi thân hoại mạng chung tất phải đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai có tăng thượng mạn tất phải thọ ác báo này đời này và đời sau như vậy. Nay ta có nên y cứ không tăng thượng mạn mà đoạn trừ tăng thượng mạn chăng?' Rồi vị ấy y trên không tăng thượng mạn mà đoạn trừ tăng thượng mạn. Như vậy Đa văn Thánh đệ tử y trên không tăng thượng mạn mà đoạn trừ tăng thượng mạn.
"Đó là Tám chi đoạn tuyệt tục sự trong Thánh pháp luật."
Cư sĩ hỏi rằng:
"Này Cù-đàm, trong Thánh pháp luật chỉ như vậy là đoạn tuyệt tục sự hay còn những điều khác nữa?"
Thế Tôn nói:
"Trong Thánh pháp luật không chỉ có chừng đó đoạn tuyệt tục sự, mà còn Tám chi đoạn tuyệt tục sự khác đạt đến chứng ngộ."
Bô-lị-đa Cư sĩ nghe xong, bèn cởi khăn trắng chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:
"Này Cù-đàm, thế nào nói là trong Thánh pháp luật còn có Tám chi đoạn tuyệt tục sự khác đạt đến chứng ngộ?"
Thế Tôn đáp rằng:
"Này Cư sĩ, cũng như một con chó đói, gầy ốm, mệt mỏi, đến bên chỗ mổ bò. Người đồ tể hay đệ tử của người đồ tể quăng cho con chó một khúc xương đã rút tỉa hết thịt. Con chó lượm được khúc xương rồi chạy đến chỗ này chỗ kia mà gặm, rách môi, mẻ răng, hoặc gây thương hại cuống họng, nhưng con chó không vì vậy mà đoạn trừ được đói. Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, 'Dục vọng như bộ xương khô. Thế Tôn nói dục vọng như bộ xương khô, hoan lạc ít mà khổ não lại nhiều, đầy dẫy nguy hiểm, nên xa lánh đi. Nếu ai có sự xả ly dục, ly ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi sự vật dục của thế gian [03] đều vĩnh viễn đoạn tận không dư tàn. Hãy tu tập điều đó.
"Này Cư sĩ, cũng như cách thôn không xa, có một miếng thịt rơi trên khoảng đất trống; hoặc quạ hoặc diều mang miếng thịt ấy đi. Rồi những quạ diều khác đuổi theo để tranh giành. Ý Cư sĩ nghĩ sao? Nếu quạ diều ấy không chịu xả bỏ tức khắc miếng thịt này, các quạ diều khác vẫn đuổi theo để dành giựt chăng?"
Cư sĩ đáp:
"Thật sự như vậy, Cù-đàm."
"Ý Cư sĩ nghĩ sao, nếu quạ diều ấy xả bỏ tức khắc miếng thịt này, các quạ diều khác có còn đuổi theo để dành giựt chăng?"
Cư sĩ đáp:
"Không vậy, Cù-đàm."
"Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, 'Dục vọng như miếng thịt. Thế Tôn nói dục vọng như miếng thịt; hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm, hãy nên xa lìa đi'. Nếu ai có sự xả ly dục, ly ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi vật dục thế gian đều vĩnh viễn đoạn tận không dư tàn. Hãy nên tu tập điều này.
"Này Cư sĩ, cũng như một người tay cầm một bó đuốc đang cháy, ngược gió mà đi. Ý Cư sĩ nghĩ sao? Giả sử người ấy không liệng bỏ tức khắc, nhất định có cháy tay và các chi thể khác chăng?"
Cư sĩ đáp:
"Thật sự như vậy, Cù-đàm."
"Ý Cư sĩ nghĩ sao? Giả sử người ấy liệng bỏ tức khắc, sẽ còn bị cháy tay hay các chi thể khác nữa chăng?"
Cư sĩ đáp:
"Không vậy Cù-đàm."
"Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, 'Dục vọng như bó đuốc đang cháy; Thế Tôn nói dục vọng như bó đuốc đang cháy, hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm hãy xa lánh đi'. Nếu ai có sự xả ly dục, ly ác bất thiện pháp này, thì ở đây, tất cả mọi dục vọng thế gian, vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập điều này.
"Này Cư sĩ, cũng như cách thôn không xa có một hầm lửa lớn, trong đó đầy những lửa nhưng không có khói, không có ngọn. Nếu một người đi đến, không ngu, không si, cũng không điên đảo, tự chủ với tâm mình, tự do tự tại, muốn hoan lạc chớ không muốn đau đớn, rất ghét sự đau đớn; muốn sống chớ không muốn chết, rất ghét sự chết. Ý Cư sĩ nghĩ sao? Người ấy lại nhảy vào hầm lửa này chăng?"
Cư sĩ đáp:
"Không phải vậy, Cù-đàm. Vì sao vậy? Vì người ấy thấy hầm lửa liền nghĩ rằng, 'Nếu rơi xuống hầm lửa, nhất định chết chớ không nghi ngờ. Dù không chết, nhất định chịu đựng đau đớn vô cùng'. Người ấy thấy hầm lửa bèn nghĩ đến việc xa lìa, ước mong xa lìa, xả ly.
"Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử lại tư duy như vầy, 'Dục vọng như hầm lửa. Thế Tôn nói dục vọng như hầm lửa, hoan lạc ít mà khổ não nhiều đầy những nguy hiểâm, hãy nên xa lánh đi'. Nếu ai có sự xả ly dục, ly ác bất thiện pháp, thì ở đây tất cả mọi vật dục thế gian vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập điều này.
"Này Cư sĩ, cũng như cách thôn không xa, có một con rắn độc to lớn, rất dữ, rất độc địa, màu đen dễ sợ. Nếu một người đi đến, không ngu, không si, cũng không điên đảo, tự chủ với tâm mình, tự do tự tại, muốn hoan lạc, chớ không muốn đau đớn, rất ghét đau đớn; muốn sống chớ không muốn chết, rất ghét sự chết. Ý Cư sĩ nghĩ sao, người ấy há lại thò tay cho con rắn cắn, hay các chi thể khác và nói rằng, 'Này, mổ đi! Này mổ đi!' Như vậy chăng?"
Cư sĩ đáp:
"Không phải vậy, Cù-đàm. Vì sao vậy? Người ấy thấy con rắn bèn nghĩ rằng, 'Nếu ta thò tay và các chi thể khác cho con rắn nó mổ, nhất định phải chết chớ không nghi ngờ. Dù không chết thì nhất định phải chịu đau đớn vô cùng'. Người ấy thấy con rắn bèn nghĩ đến sự lánh xa, ước mong xả ly.
"Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử lại tư duy như vầy, 'Dục vọng như rắn độc. Thế Tôn nói dục vọng như con rắn độc, hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm, hãy xa lánh đi. Nếu ai có sự xả ly dục, ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi dục vọng thế gian vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập điều này.
"Này Cư sĩ, cũng như một người nằm mộng, thấy mình sung túc, năm thứ dục lạc thỏa thích. Nhưng khi tỉnh dậy, một thứ cũng không thấy. Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, 'Dục vọng như giấc mộng. Thế Tôn nói dục vọng như giấc mộng, hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm, hãy xa lánh đi'. Nếu ai có sự xả ly dục, ác bất thiện pháp này, thì ở đây, tất cả mọi vật dục thế gian, vĩnh viễn đoạn tận, không dư tàn. Hãy nên tu tập sự kiện này.
"Này Cư sĩ, cũng như một người vay mượn vật dụng hưởng lạc, hoặc cung điện, lầu các, hoặc vườn hào, ao tắm, hoặc voi ngựa, xe cộ, hoặc chen gẩm mùng mền, hoặc nhẫn, vòng, xuyến, hoặc hương, anh lạc, vòng cổ, hoặc tràng hoa vàng báu, hoặc danh y thượng phục, rồi nhiều người trông thấy bèn ca ngợi rằng, 'Như vậy, tốt lành thay! Như vậy, sung sướng thay! Nếu có tài vật gì thì nên hưởng thụ thỏa thích cho đến cùng như vậy'. Nhưng chủ nhân có thể tước đoạt hay sai người tước đoạt bất cứ lúc nào muốn, bèn tự mình tước đoạt hay sai người tước đoạt, những người khác trông thấy, bèn nói với nhau rằng, 'Nó là người vay mượn; thật sự là lừa gạt chớ không phải vay mượn. Vì sao? Vì chủ nhân của sở hữu có thể tước đoạt hay sai người tước đoạt bất cứ lúc nào muốn. Và rồi đã tự mình tước đoạt hay sai người tước đoạt'. Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, 'Dục vọng như vay mượn. Thế Tôn nói dục vọng như vay mượn hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm, hãy xa lánh đi'. Nếu ai có sự xả ly dục, ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi vật dục thế gian vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập điều này.
"Này Cư sĩ, cũng như cách thôn không xa, có một gốc cây ăn trái to lớn. Cây ấy thường có nhiều trái ngon lành đẹp mắt. Một người đi đến, đói, mệt mỏi, gầy ốm, muốn được ăn trái. Người ấy nghĩ rằng, 'Cây này thường có nhiều trái ngon lành đẹp mắt. Ta đang đói, gầy ốm, mệt mỏi, muốn được ăn trái. Nhưng dưới gốc không có trái rụng để có thể ăn cho no và mang về. Ta biết leo cây. Bây giờ ta có nên leo lên cây này chăng?' Nghĩ xong, bèn leo lên. Lại cũng có một người khác, đói, gầy ốm, mệt mỏi, muốn được ăn trái, cầm một cái búa rất lớn, bèn nghĩ rằng: 'Cây này thường có nhiều trái ngon lành đẹp mắt nhưng dưới gốc cây không có trái rụng để có thể ăn cho no và mang về, ta không biết leo cây. Bây giờ ta có nên đốn ngã cây này chăng?', bèn đốn ngã cây ấy. Ý Cư sĩ nghĩ sao? Người trên cây nếu không xuống nhanh khi cây ngã xuống đất, có bị gãy tay hoặc các chi thể khác chăng?"
Cư sĩ đáp:
"Thật sự như vậy, Cù-đàm."
"Ý Cư sĩ nghĩ sao, nếu người trên cây leo xuống nhanh, khi cây ngã xuống đất, há lại bị gãy tay hay các chi thể khác chăng?"
Cư sĩ đáp:
"Không vậy, Cù-đàm."
"Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử lại tư duy như vầy, 'Dục vọng như trái cây. Thế Tôn nói dục vọng như trái cây, hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm hãy lánh xa đi'. Nếu ai có sự xả ly dục ly ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi vật dục thế gian, vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập sự kiện này.
"Đó gọi là trong Thánh pháp luật còn có Tám chi đoạn tuyệt tục sự khác, đạt đến chứng ngộ.
"Này Cư sĩ, rồi vị ấy có giác có quán, đã dứt, [04]nội tĩnh, nhất tâm, không giác, không quán, có hỷ lạc do định sanh, chứng đắc đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ. Rồi vị ấy ly hỷ, xả, vô cầu, an trụ với chánh niệm chánh trí, thân thọ lạc, điều mà Thánh gọi là được Thánh xả, niệm, an trú lạc, chứng đắc Tam thiền, thành tựu an trụ. Rồi vị ấy lạc diệt, khổ diệt, hỷ ưu vốn cũng diệt, không lạc không khổ, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ.
"Rồi vị ấy với định tâm thanh tịnh như vậy, không uế, không phiền, nhu nhuyến, an trụ vững vàng, đạt đến bất động tâm, tu học và chứng ngộ lậu tận trí thông, biết như thật 'Đây là Khổ', 'Đây là Khổ tập', 'Đây là Khổ diệt', 'Đây là Khổ diệt đạo'. Biết như thật đây là lậu, đây là lậu tập, đây là lậu diệt, đây là lậu diệt đạo. Vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu, vô minh lậu, giải thoát rồi biết mình đã giải thoát, biết như thật rằng: 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'."
Khi nói pháp này Bô-lị-đa Cư sĩ viễn ly trần cấu, pháp nhãn về các pháp phát sanh. Lúc bấy giờ Bô-lị-đa Cư sĩ thấy pháp, đắc pháp, chứng giác bạch tịnh pháp, đoạn nghi độ hoặc, không còn tôn thờ ai, không còn do ai, không còn do dự, đã an trụ nơi quả chứng đối với pháp của Thế Tôn đã được vô sở úy, bèn cúi đầu đảnh lễ chân Phật bạch:
"Bạch Thế Tôn, con nay quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, từ hôm nay suốt trọn đời, tự quy y cho đến lúc mạng chung.
"Bạch Thế Tôn, con trước đây mặc chiếc áo trắng tinh, đầu quấn khăn trắng, chống gậy, cầm dù và mang guốc tục, đi từ vườn này sang vườn khác, từ quán nọ đến quán kia, từ rừng đến rừng, du hành khắp nơi thong dong tản bộ, nếu gặp các Sa-môn, Phạm chí, bèn nói như vầy, 'Chư Hiền, tôi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự'. Các Sa-môn, Phạm chí ấy bèn những lời dịu dàng nói với con rằng, 'Vâng, Cư sĩ Bô-lị-đa lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự'.
"Bạch Thế Tôn, con lúc bấy giờ các vị ấy thật sự vô trí, lại đặt vào chỗ trí, thật sự vô trí mà thờ tự, thật sự vô trí mà cúng thực, thật sự vô trí mà phụng sự như người trí. Bạch Thế Tôn, kể từ hôm nay chúng Tỳ-kheo và đệ tử Thế Tôn, đây mới thật sự là có trí, xứng đáng đặt ở chỗ trí, thật sự có trí xứng đáng thờ tự, thật sự có trí xứng đáng cúng thực, thật sự có trí xứng đáng phụng sự người trí tuệ.
"Bạch Thế Tôn, con nay lại lần nữa tự quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc kể từ hôm nay suốt đời tự quy y cho đến lúc mạng chung. Bạch Thế Tôn, con trước kia kính tín kính trọng các Sa-môn, Phạm chí ngoại đạo, kể từ hôm nay đoạn tuyệt. Bạch Thế Tôn, nay lần thứ ba con xin tự quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay suốt đời tự quy y cho đến lúc mạng chung."
Đức Phật thuyết như vậy, Cư sĩ Bô-lị-đa và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: M.54. Potaliya-suttaṃ.
[02] Ba-hòa-lị-nại viên 波 和 利 奈 園 (Pāli: Pāvārikambavana). Bản Pāli nói: tại thôn Āpaṇa, Anguttarāpa.
[03] Thế gian ẩm thực 世 間 飲 食. Pāli: Lokāmisupādānā: Sự chấp thủ vật dục trần gian.
[04] "Có giác có quán" là Sơ thiền, "giác quán đã dứt" là ở Nhị thiền. Ở đây không nói đến Sơ thiền. Pāli lược bỏ cả bốn thiền.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự tham dục


Cảm tạ xứ Đức


Tự lực và tha lực trong Phật giáo


Gọi nắng xuân về

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 13.59.231.155 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập