Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Trung A Hàm Kinh [中阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 44 »»

Trung A Hàm Kinh [中阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 44


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.53 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.64 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Trung A Hàm

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49 | 50 | 51 | 52 | 53 | 54 | 55 |
Việt dịch: Thích Tuệ Sỹ

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

13. PHẨM CĂN BỔN PHÂN BIỆT
170. KINH ANH VŨ[1]

Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, khi đêm đã qua, vào lúc trời vừa sáng, Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào nước Xá-vệ. Trong khi đi khất thực, Thế Tôn đi qua nhà của Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử[02]. Lúc bấy giờ, Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử có chút việc phải làm nên đi khỏi, không có ở nhà.
Khi ấy, tại nhà Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử có một con chó trắng[03] đang ăn cơm trong cái chậu bằng vàng, trên một cái giường lớn. Rồi con chó trắng trông thấy Đức Phật từ xa đi lại; thấy Ngài, nó liền sủa. Đức Thế Tôn nói với con chó trắng rằng:
"Ngươi không nên làm như vậy. Nhà người hết ó rồi lại sủa.
Chó trắng nghe nói, giận dữ từ trên giường nhảy xuống, đến bên đống cây, nằm buồn thiểu não.
Sau đó, Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử, thấy chó trắng có vẻ giận dữ, đã từ trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây nằm buồn thiểu não, ông mới hỏi người nhà rằng:
"Ai quấy rầy con chó của tôi, khiến nó rất đổi giận dữ, từ trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây nằm buồn thiểu não vậy?"
Người nhà trả lời:
"Chúng tôi không ai quấy rầy con chó trắng cả khiến nó rất đổi giận dữ, từ trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây nằm buồn thiểu não. Ma-nạp nên biết, ngày nay có Sa-môn Cù -đàm đến đây khất thực, con chó trắng đã thấy liền chạy tới sủa. Sa-môn Cù-đàm nói với con chó trắng rằng, 'Ngươi không nên làm như vậy. Nhà ngươi hết ó rồi lại sủa'. Này Ma-nạp, do vậy nên khiến con chó trắng rất đổi giận dữ, từ trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây nằm buồn thiểu não".
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử vừa nghe xong tức thì nổi giận, muốn vu khống Đức Thế Tôn, muốn hủy báng Đức Thế Tôn. Với ý định vu khống, hủy báng, hạ nhục Sa-môn Cù-đàm như vậy, ông liền ra khỏi Xá-vệ, đến Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Khi ấy, Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng đại chúng đứng vây quanh trước sau, Đức Thế Tôn trông thấy Anh Vũ Ma-nạp Đo -đề Tử từ xa đi đến, Ngài bảo các Tỳ-kheo rằng:
"Các ngươi thấy Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử đến không?"
Các Tỳ-kheo trả lời:
"Bạch Đức Thế Tôn, dạ thấy".
Đức Thế Tôn bảo rằng:
"Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử mà mạng chung ngay bấy giờ thì như co duỗi cánh tay, trong khoảnh khắc tất sanh địa ngục. Vì sao vậy? Vì người ấy đối với Ta đang nổi cơn thịnh nộ. Nếu có chúng sanh nào, do bởi tâm sân nhuế, thân hoại mạng chung tất đến chỗ ác, sanh vào địa ngục".
Rồi Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử đến chỗ Đức Phật, nói với Thế Tôn rằng:
"Hôm nay Sa-môn Cù-đàm có đến nhà tôi khất thực phải không?"
Đức Thế Tôn trả lời rằng:
"Hôm nay Ta có đến nhà ông khất thực".
"Cù-đàm, ông nói gì với con chó trắng của tôi, khiến nó rất đổi giận dữ, từ trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây nằm buồn thiểu não?"
Đức Thế Tôn trả lời rằng:
"Hôm nay vào lúc trời vừa sáng, Ta đắp y mang bát vào Xá-vệ khất thực, lần lượt khất thực đến nhà ông. Lúc ấy con chó trắng trông thấy Ta từ xa đi đến. Thấy Ta, nó liền sủa. Ta nói với con chó trắng rằng, 'Người không nên làm như vậy. Nhà ngươi hết la ó[04] rồi lại sủa'. Vì vậy, con chó trắng rất đổi giận dữ, từ trên giường nhảy xuống, đến bên đống cây nằm buồn thiểu não".
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử hỏi Thế Tôn:
"Con chó trắng đời trước có liên hệ gì với tôi?"
Đức Thế Tôn bảo:
"Thôi, thôi, này Ma-nạp, tốt hơn đừng nên hỏi Ta. Ông nghe việc này rồi chắc chắn không vừa ý".
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử hỏi đi hỏi lại Đức Thế Tôn ba lần:
"Con chó trắng đời trước có liên hệ gì với tôi?"
Đức Thế Tôn cũng ba lần nói:
"Thôi, thôi, này Ma-nạp, tốt hơn đừng nên hỏi Ta. Ông nghe việc này rồi chắc chắn không vừa ý".
Đức Thế Tôn lại bảo Ma-nạp rằng:
"Ông hỏi Ta đến ba lần mà không chịu thôi. Ma-nạp nên biết, con chó trắng kia đời trước là cha của ông, tên là Đô-đề vậy".
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử nghe nói xong, nổi giận gấp bội. Ông muốn vu khống Đức Thế Tôn, muốn hủy báng Đức Thế Tôn, muốn hạ nhục Đức Thế Tôn. Với ý định vu khống, hủy báng, hạ nhục như vậy, ông nói với Đức Thế Tôn:
"Cha tôi là Đô-đề thực hành sự bố thí lớn lao, thiết những cuộc trai tự vĩ đại, sau khi thân hoại mạng chung nhất định sanh lên Phạm thiên. Chớ do nhơn gì, duyên gì mà sanh vào loài chó hạ tiện này?"
Đức Thế Tôn bảo:
"Đô-đề, cha của ông do bởi tăng thượng mạn ấy nên sanh vào loài chó hạ tiện".
Phạm chí tăng thượng mạn,
Chết rồi sanh sáu nơi:
Chó, gà, heo và sói,
Lừa năm, địa ngục sáu.
"Anh Vũ Ma-nạp, nếu ông không tin lời Ta nói, ông có thể trở về nói với con chó trắng rằng, 'Nếu đời trước là cha của tôi, chó trắng hãy trở lên giường lớn'. Ma-nạp, chó trắng tất sẽ trở lên giường lớn. 'Nếu đời trước là cha của tôi, chó trắng hãy ăn trong mâm vàng như cũ'. Này Ma-nạp, chó trắng tất ăn trong mâm vàng như cũ. 'Nếu đời trước là cha của tôi, hãy chỉ cho tôi thấy kho tàng cất dấu vàng bạc, thủy tinh, trân bảo mà tôi không biết'. Này Ma-nạp, chó trắng chắc chắn sẽ chỉ cho ông thấy kho tàng cất dấu vàng bạc, thủy tinh và châu báu mà ông không biết".
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử nghe những lời Đức Phật, nói, ghi nhớ kỹ, nhiễu quanh Đức Thế Tôn xong rồi trở về nhà, nói với con chó trắng rằng:
"Nếu đời trước là cha của tôi, chó trắng hãy trở lên giường lớn".
Chó trắng liền trở lên giường lớn.
"Nếu đời trước là cha của tôi, chó trắng hãy ăn trong mâm vàng như cũ".
Chó trắng liền ăn trong mâm vàng như cũ.
"Nếu đời trước là cha của tôi, hãy chỉ chỗ kho tàng trước kia cha tôi cất dấu vàng bạc, thủy tinh, trân bảo mà tôi không biết".
Chó trắng tức thì từ trên giường nhảy xuống, đi đến chỗ mà đời trước nó ngủ nghỉ, dùng miệng và chân bươi bốn chân giường.
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử liền từ chỗ đó mà được rất nhiều báu vật. Rồi thì Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử đã được báu vật, rất đổi vui mừng, quỳ gối bên phải xuống đất, chấp tay hướng đến Thắng lâm, vườn Cấp cô độc, ba lần xướng lên những lời tán thán Đức Thế Tôn:
"Những lời Sa-môn Cù-đàm nói đều không hư dối. Những lời Sa-môn Cù-đàm nói đều chắc thật. Những lời Sa-môn Cù-đàm nói đều như thật".
Ba lần tán thán Đức Thế Tôn xong, ông từ Xá-vệ đi ra, đến Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng đại chúng vây quanh trước sau. Đức Thế Tôn trông thấy Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử từ xa đi đến, Ngài bảo các Tỳ-kheo:
"Các ngươi có thấy Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử đi đến không?"
Các Tỳ-kheo trả lời:
"Bạch Đức Thế Tôn, thấy".
Đức Thế Tôn bảo:
"Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử bây giờ mà mạng chung thì như co duỗi cánh tay, trong khoảnh khắc chắc chắn đi đến chỗ lành. Vì sao vậy? Vì người ấy đối với Ta rất có thiện tâm. Nếu có chúng sanh nào do bởi thiện tâm, thân hoại mạng chung tất đến chỗ lành, sanh vào trong thiên giới".
Bấy giờ, Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử đi đến chỗ Đức Phật, cùng thăm hỏi rồi ngồi xuống một bên.
Đức Thế Tôn bảo:
"Thế nào? Này Ma-nạp, như Ta đã nói, con chó trắng như vậy có đúng chăng, hay không đúng như vậy?"
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử bạch rằng:
"Bạch Cù-đàm, thật đúng như đã nói. Kính bạch Cù-đàm, tôi lại có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho, tôi mới dám tỏ bày".
"Đức Thế Tôn bảo:
"Tùy ý, ông cứ hỏi".
"Bạch Cù-đàm, do nhân gì, do duyên gì, chúng sanh kia đều thọ thân người mà có người cao kẻ thấp, có người đẹp kẻ xấu. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, tôi thấy có kẻ sống lâu, người chết yểu; có kẻ nhiều bệnh, người ít bệnh; lại thấy có kẻ thân hình đoan chánh, có người không đoan chánh; lại thấy có kẻ có oai đức, người không oai đức; lại thấy có kẻ sanh nhằm dòng dõi tôn quý, có người sanh nhằm dòng dõi ti tiện; lại thấy có kẻ giàu có, có người nghèo hèn; lại thấy có kẻ thiện trí, có người ác trí".
Đức Thế Tôn trả lời:
"Chúng sanh kia do nơi hành nghiệp của chính mình, nhân bởi nghiệp mà thọ báo, duyên vào nghiệp, y nơi nghiệp, tùy theo nơi nghiệp xứ có cao thấp mà chúng sanh có tốt đẹp hay không tốt đẹp".
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử bạch Thế Tôn rằng:
"Sa-môn Cù-đàm nói vắn tắt quá, không phân biệt một cách rộng rãi, tôi không thể biết được. Mong Sa-môn Cù-đàm nói một cách rộng rãi cho tôi nghe để tôi được hiểu rõ ý nghĩa".
Đức Thế Tôn bảo:
"Này Ma-nạp, hãy nghe kỹ và suy nghĩ kỹ. Ta sẽ phân biệt một cách rộng rãi cho ông nghe".
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử bạch:
"Kính vâng, tôi xin vâng lời lắng nghe".
Đức Phật nói:
"Này Ma-nạp, do nhân gì, do duyên gì mà kẻ nam hay người nữ thọ mạng rất ngắn ngủi? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào sát sanh, hung dữ, cực ác, uống máu, ý nghĩ ác hại, không có tâm từ bi đối với tất cả chúng sanh, cho đến các loài côn trùng. Người ấy lãnh thọ nghiệp này, tạo tác đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục rồi, lại sanh vào nhân gian, tuổi thọ rất ngắn ngủi. Vì sao vậy? Con đường này đưa đến nhận lãnh sự đoản thọ, nghĩa là kẻ nam hay người nữ sát sanh, hung dữ, cực ác, uống máu. Này Ma-nạp, nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
"Này Ma-nạp, do nhơn gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ thọ mạng rất dài? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào xa lìa nghiệp sát, đoạn tuyệt nghiệp sát, bỏ hẳn dao gậy, có tâm tàm, có tâm quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả cho đến loài côn trùng. Người ấy thọ nghiệp này, tạo tác nghiệp ấy đầy đủ rồi đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời, lại sanh vào nhân gian, thọ mạng rất dài. Vì sao vậy? Con đường này đưa đến nhận lãnh sự trường thọ, nghĩa là kẻ nam hay người nữ xa lìa nghiệp sát, đoạn tuyệt nghiệp sát. Này Ma-nạp, nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
"Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ đa phần có tật bệnh? Nếu có kẻ nam hay người nữ nhiễu hại chúng sanh; người ấy hoặc nắm tay, hoặc dùng cây đá, hoặc dùng dao gậy nhiễu hại chúng sanh. Người ấy thọ nghiệp này, tạo thành nghiệp ấy đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, chịu nhiều tật bệnh. Vì sao vậy? Con đường này đưa đến chỗ chịu nhiều bệnh, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào nhiễu hại chúng sanh. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
"Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ không có tật bệnh? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào không nhiễu hại chúng sanh, người ấy không dùng tay nắm, không dùng cây đá, không dùng dao gậy nhiễu hại chúng sanh. Người ấy tạo nghiệp này, tác thành nghiệp ấy đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời rồi, lại sanh vào nhân gian, không có tật bệnh. Vì sao vậy? Con đường này đưa đến hưởng thọ không tật bệnh, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào nhiễu hại chúng sanh. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
"Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có thân hình không đoan chánh? Nếu có kẻ nam hay người nữ mà tánh nóng nảy, hay bực dọc, vừa nghe chút ít đã nổi cơn giận dữ, nổi ganh ghét mà sanh lo buồn, nổi thịnh nộ tranh chấp. Người ấy thọ lấy nghiệp này, tạo tác đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, hình thể không đoan chánh. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo hình thể không đoan chánh, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào tánh nóng nảy, hay bực dọc. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
"Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có thân hình đoan chánh? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào tánh không nóng nảy, không hay bực dọc, người ấy nghe lời nói êm ái hay thô bỉ cục cằn không nổi cơn giận dữ, không ganh ghét sanh ra buồn rầu, không nổi thịnh nộ tranh chấp. Người ấy thọ nghiệp, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời lại sanh vào nhân gian, hình thể đoan chánh. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo hình thể đoan chánh, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào tánh không nóng nảy, không nhiều bực dọc. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
"Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ không có oai đức? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào bên trong ôm lòng tật đố; người ấy thấy kẻ khác được cung kính, cúng dường liền sanh lòng tật đố; nếu thấy kẻ khác có của thì muốn làm sao của ấy được về mình. Người ấy tạo nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục rồi, lại sanh vào trong nhân gian, không có oai đức. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo không có oai đức, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào bên trong ôm lòng tật đố. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
"Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có oai đức lớn? Nếu có kẻ nam hay người nữ không ôm lòng tật đố, người ấy thấy kẻ khác được cung kính cúng dường không sanh lòng tật đố. Nếu thấy kẻ khác có của, không có lòng ham muốn của ấy được về ta. Người ấy tạo nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời rồi, lại sanh vào nhân gian, có oai đức lớn. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo có oai đức, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào không ôm lòng tật đố. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
"Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ sanh vào dòng dõi đê tiện? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào kiêu ngạo, ngã mạn, người đáng cung kính thì không cung kính, đáng tôn trọng thì không tôn trọng, đáng quý thì không quý, đáng phụng thờ thì không phụng thờ, đáng cúng dường thì không cúng dường, đáng nhường lối thì không nhường lối, đáng nhường chỗ ngồi thì không nhường chỗ ngồi, đáng chấp tay hướng về lễ bái, thăm hỏi thì không chấp tay hướng về lễ bái, thăm hỏi. Người ấy thọ nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, sanh nhằm dòng dõi ti tiện. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo sanh nhằm dòng dõi ti tiện, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào kiêu ngạo, đại mạn. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
"Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ sanh nhằm dòng dõi tôn quý? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào không có lòng kiêu ngạo, đại mạn, người đáng cung kính thì cung kính, đáng tôn trọng thì tôn trọng, đáng quý thì quý, đáng phụng thờ thì phụng thờ, đáng cúng dường thì cúng dường, đáng nhường lối thì nhường lối, đáng nhường chỗ thì nhường chỗ, đáng chấp tay hướng về lễ bái thăm hỏi thì chấp tay hướng về lễ bái thăm hỏi. Người ấy tạo nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời, lại sanh vào nhân gian nhằm dòng dõi tôn quý. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo sanh nhằm dòng dõi tôn quý, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào không kiêu ngạo, đại mạn. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
"Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ không có của cải? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào không làm thí chủ, không thực hành bố thí cho Sa-môn, Phạm chí, cho kẻ nghèo cùng đơn độc ở xa đến xin những thứ như đồ ăn, thức uống, quần áo, mền, vòng hoa, hương thoa, nhà cửa, giường chõng, đèn dầu và sai dịch. Người ấy tạo nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, không có của cải. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo không có của cải, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào không biết làm người thí chủ, không thực hành bố thí. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
"Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có nhiều của cải? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào biết làm người thí chủ, biết thực hành bố thí. Người ấy bố thí cho Sa-môn, Phạm chí và kẻ nghèo cùng, cô độc từ xa tới xin những thứ như đồ, ăn thức uống, áo quần, mền, vòng hoa, hương thoa, nhà cửa, giường chõng, đèn dầu và sai dịch. Người ấy thọ nhận nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời, lại sanh vào nhân gian, có nhiều của cải. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo có nhiều của cải, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào làm người chủ bố thí, biết thực hành hạnh bố thí. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
"Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có trí tuệ kém cỏi? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào không thường đến nơi kia hỏi việc. Nếu có Sa-môn, Phạm chí danh đức, người ấy không thường đến nơi đó hỏi đạo nghĩa, rằng 'Thưa chư tôn, thế nào là thiện, thế nào là bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là không tội? Thế nào là vi diệu, thế nào là không vi diệu? Thế nào là trắng, thế nào là đen? Trắng đen từ đâu sanh ra? Ý nghĩa của quả báo hiện tại như thế nào? Ý nghĩa của quả báo vị lai như thế nào? Ý nghĩa quả báo hậu thế như thế nào?' Giả sử có hỏi nhưng không chịu thực hành. Người ấy thọ nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, có trí tuệ kém cỏi. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo trí tuệ kém cỏi, nghĩa là kẻ nam hay người nữ ấy không có thường đến nơi kia hỏi việc. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
"Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có trí tuệ tốt đẹp? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào thường hay đến nơi kia hỏi việc. Nếu có Sa-môn, Phạm chí danh đức, người ấy thường đến nơi ấy mà hỏi đạo nghĩa, rằng 'Thưa chư tôn, thế nào là nghiệp thiện, thế nào là bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là không tội? Thế nào là vi diệu, thế nào là không vi diệu? Thế nào là trắng, thế nào lào đen? Trắng và đen từ đâu sanh ra? Ý nghĩa của quả báo hiện tại là thế nào? Ý nghĩa của quả báo vị lai là thế nào? Ý nghĩa quả báo hậu thế như thế nào?" Hỏi xong lại thường thực hành. Người ấy thọ nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời, lại sanh vào nhân gian, có trí tuệ tốt đẹp. Vì sao vậy? –Vì con đường này đưa đến thọ báo có trí tuệ tốt đẹp, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào thường hay đến nơi kia hỏi việc. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
"Ma Mạp nên biết, tạo tác nghiệp tương xứng với đoản thọ, tất chịu đoản thọ. Tạo nghiệp tương xứng với trường thọ, tất được trường thọ. Tạo tác nghiệp tương xứng với nhiều tật bệnh, tất phải chịu nhiều tật bệnh. Tạo tác nghiệp tương xứng với ít tật bệnh, tất được ít tật bệnh. Tạo tác nghiệp tương xứng với sự không đoan chánh, tất phải thọ sự không đoan chánh. Tạo tác nghiệp tương xứng với đoan chánh, tất được đoan chánh. Tạo tác nghiệp tương xứng với không oai đức, tất phải chịu không oai đức. Tạo tác nghiệp tương xứng với oai đức, tất được oai đức. Tạo tác nghiệp tương xứng với dòng dõi ti tiện, tất phải sanh nhằm dòng dõi ti tiện. Tạo tác nghiệp tương xứng với dòng dõi tôn quý, tất được sanh vào dòng dõi tôn quý. Tạo tác nghiệp tương xứng với không của cải, tất bị không của cải. Tạo tác nghiệp tương xứng với nhiều của cải, tất được nhiều của cải. Tạo tác nghiệp tương xứng với trí tuệ kém cỏi, tất bị trí tuệ kém cỏi. Tạo tác nghiệp tương xứng với trí tuệ tốt đẹp, tất được trí tuệ tốt đẹp.
"Này Ma-nạp, đó là những điều Ta đã nói từ trước rằng 'Chúng sanh do hành nghiệp của chính mình, do nghiệp mà thọ báo, duyên nơi nghiệp, tùy theo nghiệp xứ cao thấp mà chúng sanh có tốt đẹp hay không tốt đẹp'".
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử bạch rằng:
"Bạch Thế Tôn, con đã hiểu! Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu! Thế Tôn, nay con tự quy y Phật, quy y Pháp và chúng Tỳ-kheo. Cúi xin Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc. Kể từ ngày nay, trọn đời tự quy y cho đến tận mạng. Bạch Đức Thế Tôn, bắt đầu ngày nay, mong Ngài vào nhà Đô-đề như vào nhà Ưu-bà-tắc khác tại Xá-vệ, để cho nhà Đô-đề được lợi nghĩa, được lợi ích an ổn, khoái lạc lâu dài[05]".
Phật thuyết như vậy. Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử và vô lượng chúng sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Bản Hán, quyển 44. Tương đương Pāli, M.135. Cūḷakammavibhaṅga-suttam. Hán, biệt dịch, No.78 Phật Thuyết Đâu-điều Kinh, khuyết danh dịch; No.79 Phật Thuyết Anh Vũ Kinh, Lưu Tống Cầu-na-bạt-đà-la dịch; No.80 Phật Vị Thủ-ca Trưởng Giả Thuyết Nghiệp Báo Sai Biệt Kinh, Tùy, Pháp Trí dịch; No.81 Phân Biệt Thiện Ác Báo Ứng Kinh, Tống, Thiên Tức Tai dịch.
[02] Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử 鸚 鵡 摩 納 都 提 子. No.79: Anh Vũ Ma-lao Đâu-la Tử; No.78: Đâu-diệu Tử Cốc; No.80: Đáo-đề-đa Tử Thủ-ca Trưởng giả; No.81: Đâu-nễ-dã Tử Du-ca Trưởng giả; Pāli: Subha māṇava Toddeyyaputta, niên thiếu Bà-la-môn tên là Subha, con trai của Todeyya.
[03] Bạch cẩu. No.78: con chó tên Loa 螺; No.79 nó tên là Bối 貝 (in lầm là cụ 具) và No.81 gọi nó là Thương-khư 傷 佉, phiên âm tương đương Pāli là Saṅkha: con sò.
[04] Hán: để 呧; Nguyên-Minh: hộ 護 (giữ); bản Thánh: nha 啀 (tru).
[05] No.79 kết luận, Phật nói: đời sau ai nghe kinh này mà lông dựng đứng, nước mắt chảy sẽ được gặp Phật Di-lặc trong tương lai.
171. KINH PHÂN BIỆT ĐẠI NGHIỆP[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương xá, trú trong Trúc lâm, vườn Ca-lan-đà.
Bấy giờ, Tôn giả Tam-di-đề[02] cũng trú ở thành Vương xá, trong thiền thất Vô sự. Lúc ấy, dị học Bộ-la-đà Tử[03] sau giờ trưa, ung dung đi đến chỗ Tôn giả Tam-di-đề, cùng chào hỏi rồi lui ngồi xuống một bên và hỏi:
"Này Hiền giả Tam-di-đề, tôi có điều muốn hỏi, ngài cho phép chăng?"
Tôn giả Tam-di-đề đáp:
"Hiền giả Bộ-la-đà Tử, muốn hỏi cứ hỏi. Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ".
Dị học Bộ-la-đà Tử bèn hỏi:
"Này Hiền giả Tam-di-đề, tôi trực tiếp nghe từ Sa-môn Cù-đàm, tôi trực tiếp nhận từ Sa-môn Cù-đàm, rằng 'Thân nghiệp, khẩu nghiệp là hư vọng. Chỉ có ý nghiệp là chơn thật. Có một loại định, Tỳ-kheo vào định đó không còn hay biết gì'".
Tôn giả Tam-di-đề đáp:
"Hiền giả Bộ-la-đà Tử, chớ có nói như vậy, chớ có hủy báng Đức Thế Tôn. Hủy báng Thế Tôn là bất thiện. Thế Tôn không nói như vậy.
"Hiền giả Bộ-la-đà Tử, Đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói rằng 'Nếu cố ý tạo tác nghiệp[04], khi tác đã thành, Ta nói không có việc không thọ báo, hoặc hiện tại thọ báo, hoặc đời sau thọ báo. Nếu không cố ý tạo tác nghiệp, khi tác đã thành, Ta không nói chắc chắn phải thọ báo'".
Dị học Bộ-la-đà Tử ba lần nhắc lại câu ấy với Tôn giả Tam-di-đề rằng:
"Này Hiền giả Tam-di-đề, tôi trực tiếp nghe từ Sa-môn Cù-đàm, tôi trực tiếp nhận từ Sa-môn Cù-đàm, rằng 'Thân nghiệp, khẩu nghiệp là hư vọng. Chỉ có ý nghiệp là chơn thật. Có một loại định, Tỳ-kheo vào định đó không còn hay biết gì'."
Tôn giả Tam-di-đề cũng ba lần đáp:
"Hiền giả Bộ-la-đà Tử, chớ có nói như vậy, chó có hủy báng Đức Thế Tôn. Hủy báng Thế Tôn là bất thiện. Thế Tôn không nói như vậy.
"Hiền giả Bộ-la-đà Tử, Đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói rằng 'Nếu cố ý tạo tác nghiệp, khi tác đã thành, Ta nói không có việc không thọ báo, hoặc hiện tại thọ báo, hoặc đời sau thọ báo. Nếu không cố ý tạo tác nghiệp, khi tác đã thành, Ta không nói chắc chắn phải thọ báo'".
Dị học Bộ-la-đà Tử hỏi Tôn giả Tam-di-đề:
"Nếu cố ý tạo tác nghiệp, khi tác nghiệp đã thành, phải thọ báo gì?"
Tôn giả Tam-di-đề đáp:
"Hiền giả Bộ-la-đà Tử, nếu cố ý tạo tác nghiệp, khi tác nghiệp đã thành, tất thọ báo khổ".
Dị học Bộ-la-đà Tử lại hỏi:
"Này Hiền giả Tam-di-đề, ông học đạo trong pháp luật này bao lâu rồi?"
Tôn giả Tam-di-đề đáp rằng:
"Hiền giả Bộ-la-đà Tử, tôi học đạo trong pháp luật này mới có ba năm".
Lúc ấy, dị học Bộ-la-đà Tử bèn suy nghĩ rằng: "Tỳ-kheo niên thiếu mà vẫn có thể bảo hộ Tôn sư như vậy, huống nữa là vị Thượng tọa cựu học."
Rồi thì dị học Bộ-la-đà Tử nghe Tôn giả Tam-di-đề nói, không cho là phải, cũng không cho là quấy, rời chỗ ngồi, lắc đầu mà đi.
Lúc bấy giờ Tôn giả Đại Châu-na[05], đang ở cách chỗ nghỉ ngày của Tôn giả Tam-di-đề không xa. Tôn giả Đại Châu-na nghe cuộc đối thoại giữa Tôn giả Tam-di-đề và dị học Bộ-la-đà Tử, ghi nhớ tất cả, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến Tôn giả A-nan, cùng chào hỏi xong rồi ngồi xuống một bên và mang những lời đối thoại giữa Tôn giả Tam-di-đề và dị học Bộ-la-đà Tử thuật lại hết cho Tôn giả A-nan nghe.
Tôn giả A-nan nghe xong bảo rằng:
"Này Hiền giả Châu-na, nhơn câu chuyện này, chúng ta nên đến gặp Đức Phật và trình bày lên Thế Tôn. Hiền giả Châu-na, chúng ta hãy cùng đến nơi Thế Tôn và bạch lên Thế Tôn tất cả nghĩa này. Hoặc nhơn đây, chúng ta được nghe những pháp nào khác của Thế Tôn".
Rồi Tôn giả A-nan và Tôn giả Đại Châu-na cùng đi đến chỗ Phật. Tôn giả Đại Châu-na cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả A-nan cúi đầu làm lễ sát chân Phật rồi đứng qua một bên.
Lúc đó, Tôn giả A-nan nói rằng:
"Này Hiền giả Châu-na, Hiền giả nên nói đi! Hiền giả nên nói đi!"
Bấy giờ Thế Tôn hỏi:
"Này A-nan, Tỳ-kheo Châu-na muốn nói sự gì?"
Tôn giả A-nan thưa:
"Bạch Thế Tôn, Thế Tôn sẽ tự nghe hết câu chuyện".
"Rôi thì Tôn giả Đại Châu-na thuật lại đầu đuôi cuộc đối thoại giữa Tôn giả Tam-di-đề và dị học Bộ-la-đà Tử cho Phật nghe. Nghe xong, Thế Tôn bảo rằng:
"Này A-nan, hãy xem Tỳ-kheo Tam-di-đề người si, không đạo lý gì. Vì sao? Vấn đề dị Bộ-la-đà Tử hỏi là bất định[06] mà Tỳ-kheo Tam-di-đề, người ngu si kia chỉ trả lời theo nhất hướng đáp[07]."
Tôn giả A-nan bạch rằng:
"Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo Tam-di-đề nhơn việc này trả lời rằng 'Nhữøng gì được cảm thọ đều là khổ' thì có lỗi gì?"
Đức Thế Tôn quở Tôn giả A-nan:
"Hãy xem Tỳ-kheo A-nan cũng không có đạo lý gì cả. A-nan, kẻ ngu si Tam-di-đề này, dị học Bộ-la-đà Tử kia hỏi tất cả ba cảm thọ, khổ thọ, lạc thọ và không khổ không lạc thọ. A-nan, nếu kẻ ngu si Tam-di-đề được dị học Bộ-la-đà Tử hỏi, nên đáp như vầy, 'Này Hiền giả Bộ-la-đà Tử, nếu cố ý tạo nghiệp an lạc, khi tác đã thành sẽ thọ quả báo an lạc. Nếu cố ý tạo nghiệp khổ, khi tác đã thành, sẽ thọ quả báo khổ. Nếu cố ý tạo nghiệp không khổ không lạc, khi tác đã thành rồi sẽ thọ quả báo không khổ không lạc'. Này A-nan, nếu kẻ ngu si Tam-di-đề được dị học Bộ-la-đà Tử hỏi và đáp như vậy thì dị học Bộ-la-đà Tử mắt còn không dám nhìn Tam-di-đề ngu si ấy, huống nữa lại có thể hỏi đến chuyện như vậy chăng?
"Này A-nan, nếu ngươi từ Thế Tôn mà nghe kinh 'Phân biệt đại nghiệp', thì đối với Như Lai lại càng tăng thượng tâm tĩnh, được hoan hỷ".
Bấy giờ, Tôn giả A-nan chấp tay hướng về Phật, bạch rằng:
"Bạch Thế Tôn, nay thật đúng lúc. Bạch Thiện Thệ, nay thật đúng lúc. Nếu Thế Tôn vì các Tỳ-kheo nói kinh 'Phân Biệt Đại Nghiệp', các Tỳ-kheo nghe xong sẽ ghi nhớ kỹ".
Thế Tôn bảo:
"Này A-nan, hãy lắng nghe, hãy suy nghĩ kỹ, Ta sẽ phân biệt đầy đủ cho ngươi nghe".
Tôn giả A-nan thưa:
"Kính vâng, bạch Thế Tôn".
Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời dạy, lắng nghe.
Phật nói:
"Này A-nan, hoặc có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối,... cho đến không từ bỏ tà kiến. Với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chỗ lành, sanh lên trời. Này A-nan, hoặc có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến. Với sự xả ly, sự thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chỗ ác, trong địa ngục.
"Này A-nan, hoặc có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến. Với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chỗ ác, trong địa ngục. Này A-nan, hoặc có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến. Với sự xả ly và thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, trong cõi trời.
"Này A-nan, nếu có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung, người ấy sanh về chốn lành, trong cõi trời. Nếu có vị Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn mà thấy người kia, thấy rồi bèn tự suy nghĩ rằng, 'Không có thân ác hành, cũng không có quả báo của thân ác hành. Không có khẩu và ý ác hành, cũng không có quả báo của khẩu và ý ác hành. Vì sao? Ta thấy người kia không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ sự lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về cõi lành, trong cõi trời. Nếu có những trường hợp khác cũng tương tự như vậy, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, kia tất cả khi thân hoại mạng chung nhất định sanh về cõi lành, trong cõi trời. Ai thấy như vậy gọi là chánh kiến. Ai thấy khác đi, trí họ đi về nẻo tà'. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, dều chủ trương theo một chiều rằng 'Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối'.
"Này A-nan, nếu có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Nếu có Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn mà thấy người kia, thấy rồi bèn tự suy nghĩ rằng: "Không có thân diệu hạnh, không có quả báo của thân diệu hạnh, không có khẩu và ý diệu hạnh, cũng không có quả báo của khẩu và ý diệu hạnh'. Vì sao? Ta thấy người kia từ bỏ sát sanh, từ bỏ sự lấy của không cho từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Nếu có những trường hợp khác cũng tương tự như vậy, từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, kia tất cả khi thân hoại mạng chung nhất định sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Ai thấy như vậy gọi là chánh kiến. Ai thấy khác đi, trí họ đi về nẻo tà'. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, đều chủ trương theo một chiều rằng 'Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối'.
"Này A-nan, nếu có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Nếu có Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn mà thấy người kia, thấy rồi bèn tự suy nghĩ: 'Có thân ác hạnh, có quả báo của thân ác hạnh, có khẩu và ý ác hạnh, cũng không có quả báo của khẩu và ý ác hạnh'. Vì sao? Ta thấy kẻ kia không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, kia tất cả khi thân hoại mạng chung nhất định sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Ai thấy như vậy gọi là chánh kiến; thấy khác đi, trí họ đi về nẻo tà'. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, đều chủ trương theo một chiều rằng: 'Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.'
"Này A-nan, nếu có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến. Với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Nếu có Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn mà thấy người kia, thấy rồi bèn tự suy nghĩ: 'Có thân diệu hạnh, cũng có quả báo của thân diệu hạnh; có khẩu và ý diệu hạnh, cũng có quả báo của khẩu và ý diệu hạnh. Vì sao? Ta thấy kẻ kia từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, khi thân hoại mạng chung nhất định sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Nếu lại có trường hợp khác tương tợ như vậy, từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng chung nhất định sẽ sanh về nẻo lành, sanh trong cõi trời. Ai thấy như vậy gọi là chánh kiến; thấy khác đi, trí họ đi về nẻo tà'. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng: 'Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối'.
"Này A-nan, ở trong đó, nếu vị Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, nói như thế này, 'Không có thân ác hành, không có quả báo của thân ác hành. Không có khẩu, ý ác hành, không có quả báo của khẩu và ý ác hành'. Ta không theo vị ấy. Nếu vị ấy nói như thế này, 'Ta thấy người kia không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục'. Ta nghe theo vị ấy. Nếu nói như vầy, 'Nếu có những trường hợp khác tương tợ như vậy, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng chung sanh về chỗ lành, sanh lên trời'. Ta không nghe theo vị ấy. Nếu có ai nói như vầy, 'Thấy như vậy mới là chánh kiến, thấy khác là kẻ có trí tà'. Ta không nghe theo họ. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng 'Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.' Ta cũng không nghe họ. Vì sao? Này A-nan, Như Lai biết những người đó là trường hợp khác.
"Này A-nan, trong đó có Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, nói thế này, 'Không có thân diệu hạnh, cũng không có quả báo của thân diệu hạnh; không có khẩu, ý diệu hạnh, cũng không có quả báo của khẩu và ý diệu hạnh'. Ta không nghe theo vị ấy. Nếu nói thế này, 'Ta thấy người kia từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến. Với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục'. Ta nghe theo[08] vị ấy. Nếu có ai nói thế này, 'Có những trường hợp khác tương tợ như vầy, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục'. Ta không nghe theo họ[09]. Nếu kia lại nói thế này, 'Thấy như vậy mới là chánh kiến, thấy khác là kẻ có trí tà'. Ta cũng không nghe họ. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng 'Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.' Ta cũng không nghe họ. Vì sao? Này A-nan, Như Lai biết những người đó là trường hợp khác.
"Này A-nan, trong đó nếu có Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, nói như vầy, 'Có thân ác hạnh, cũng có quả báo của thân ác hạnh. Có khẩu, ý ác hạnh, cũng có quả báo của khẩu và ý ác hạnh'. Ta nghe theo vị ấy. Nếu kia nói như thế này, 'Ta thấy người kia không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến. Với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục'. Ta nghe theo vị ấy. Nếu nói thế này, 'Những trường hợp tương tợ như vậy, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục'. Ta không nghe theo họ. Nếu kia lại nói thế này, 'Thấy như vậy mới là chánh kiến, thấy khác là kẻ có trí tà'. Ta cũng không nghe họ. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng 'Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối'. Ta cũng không nghe họ. Vì sao? Này A-nan, Như Lai biết những người đó là trường hợp khác.
"Này A-nan, trong đó nếu có Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, nói như thế này, 'Có thân diệu hạnh, cũng có quả báo của thân diệu hạnh; có khẩu, ý diệu hạnh, cũng có quả báo của khẩu và ý diệu hạnh'. Ta nghe theo vị ấy. Nếu nói như vầy, 'Ta thấy người kia từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời'. Ta nghe theo họ. Nếu nói như vầy, 'Nếu có những trường hợp tương tợ như vầy, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời'. Ta không nghe theo họ. Nếu kia lại nói thế này, 'Thấy như vậy mới là chánh kiến, thấy khác là kẻ có trí tà'. Ta cũng không nghe họ. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng 'Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.' Ta cũng không nghe họ. Vì sao? Này A-nan, Như Lai biết những người đó là trường hợp khác.
"Này A-nan, nếu có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Ấy là, nếu trước kia nó đã tạo tác nghiệp bất thiện, tác đã thành rồi, do sự không xả ly, không thủ hộ, cho nên ở trong đời hiện tại thọ báo xong, họ sanh về nơi đó[10]. Hoặc do hậu báo cho nên người kia không vì nhơn này, không vì duyên này mà thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Hoặc trước kia đã tạo tác nghiệp thiện, tác đã thành rồi, do xả ly và thủ hộ nên chưa tiêu hết, cần phải được thọ báo ở chốn lành; kia do nhơn này, duyên này cho nên thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Hoặc khi chết khởi các tâm, và tâm sở hữu pháp thuộc thiện[11] tương ưng với chánh kiến; kia nhờ nhơn này, duyên này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. A-nan, Như Lai biết người kia là như vậy.
"Này A-nan, nếu có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Nếu trước kia họ đã tạo tác nghiệp thiện, tác đã thành rồi, do sự xả ly, thủ hộ cho nên ở trong đời hiện tại họ thọ báo xong, cho nên sanh về nơi đó. Hoặc do bởi hậu báo cho nên họ không vì nhơn này, duyên này mà thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Hoặc trước kia đã tạo tác nghiệp bất thiện, tác đã thành rồi, do không xả ly và không thủ hộ nên chưa tiêu hết, phải thọ báo ở địa ngục; họ do nhơn này, duyên này cho nên thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Hoặc khi chết sanh tâm và các tâm sở hữu pháp bất thiện tương ưng với tà kiến, do nhơn này, duyên này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. A-nan, Như Lai biết người kia là như vậy.
"Này A-nan, nếu có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Kia do chính nhơn này, duyên này thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Hoặc trước kia đã tạo tác nghiệp bất thiện, tác đã thành rồi, do sự không xả ly, không thủ hộ mà chưa tiêu hết, nên phải thọ báo ở địa ngục; kia do nhơn này, duyên này cho nên thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Hoặc khi chết sanh các tâm và tâm sở hữu pháp bất thiện tương ưng với tà kiến, kia do nhơn này, duyên này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. A-nan, Như Lai biết người kia là như vậy.
"Này A-nan, nếu có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Kia nhờ chính nhơn này, duyên này thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Hoặc trước kia đã tạo tác nghiệp thiện, tác đã thành rồi, nhờ có xả ly, có thủ hộ mà chưa tiêu hết, phải được thọ báo thiện; kia nhờ nhơn này, duyên này cho nên thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Hoặc đến lúc chết sanh các tâm và tâm sở hữu pháp thiện tương ưng với chánh kiến, kia do nhơn này, duyên này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. A-nan, Như Lai biết người kia là như vậy.
"Lại nữa, có bốn hạng người. Hoặc có người không có mà tợ như có. Hoặc có mà tợ như không có. Hoặc không có tợ như không có. Hoặc có tợ như có.
"Này A-nan, cũng như có bốn loại xoài. Hoặc xoài không chín mà giống như chín. Hoặc chín giống như không chín. Hoặc không chín giống như không chín. Hoặc chín giống như chín.
"Cũng vâïy A-nan, bốn thứ xoài được thí dụ với người. Hoặc có người không có mà tợ như có. Hoặc có mà tợ như không có. Hoặc không có tợ như không có. Hoặc có tợ như có".
Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli, M.136. Mahā-Kammavibhaṅga-suttam.
[02] Tam-di-đề, xem kinh số 165.
[03] Bộ-la-đà Tử 哺 羅 陀 子. Pāli: Potaliputta.
[04] Hán: cố tác nghiệp, nghiệp được làm với sự cố ý. Pāli: sañcetanika kamma.
[05] Đại Châu-na 大 周 那. Pāli: Mahā-Cunda, đệ tử của ngài Xá-lợi-phất.
[06] Vấn sự bất định 問 事 不 定, câu hỏi không xác định, cần trả lời bằng phân biệt đáp; một trong bốn ký vấn. Xem thêm cht. dưới. Bản Thánh chép: vấn sự bất túc 足, nhầm tự dạng. Pāli: vibhajja-byākāṇiyo pañho.
[07] Nhất hướng đáp, một trong bốn cách trả lời vấn đề, tứ ký vấn: nhất hướng (xác định), phân biệt, phản cật bà xả trí. Pāli: ekaṃsena vyākato.
[08] Chấp nhận có. Trường hợp hành thiện, nhưng tái sanh ác thú. Vì có sự phân biệt.
[09] Như trên, nhưng không chấp nhận, vì quan điểm nhất hướng.
[10] Tức sanh về cõi lành.
[11] Tức khi chết với tâm và tâm sở thiện.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Cảm tạ xứ Đức


Nắng mới bên thềm xuân


Gió Bấc


Tự lực và tha lực trong Phật giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.133.109.30 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập