Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Trung A Hàm Kinh [中阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 57 »»

Trung A Hàm Kinh [中阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 57


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.63 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.76 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Trung A Hàm

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 46 | 47 | 48 | 49 | 50 | 51 | 52 | 53 | 54 | 55 | 56 | 57 | 58 | 59 | 60 |
Việt dịch: Thích Tuệ Sỹ

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

17. PHẨM BÔ-ĐA-LỢI
207. KINH TIỄN MAO (I)[1]

Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại thành Vương xá, ở Trúc lâm, vườn Ca-lan-đà cùng đại chúng Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người đang an cư mùa mưa.
Bấy giờ trải qua đêm, lúc vừa sáng, Thế Tôn mang y cầm bát vào thành Vương xá để khất thực. Khất thực xong, thu dọn y bát, rửa chân tay, Ngài khoác y ni-sư-đàn trên vai và đi đến vườn Dị học trong rừng Khổng tước. [02]
Tại rừng Khổng tước, trong vườn Dị học, bấy giờ có một người Dị học tên là Tiễn Mao [03] là một vị danh đức, là bậc Tông chủ, được nhiều người tôn làm Thầy, có tiếng tăm lớn, nhiều người kính trọng ông đang ở giữa đám đông ồn ào, lớn tiếng, âm thanh huyên náo, luận bàn đủ mọi đề tài súc sanh, [04] như: bàn chuyện vua chúa, bàn chuyện trộm cướp, bàn chuyện đấu tranh, bàn chuyện ăn uống, bàn chuyện áo chăn, bàn chuyện phụ nữ, bàn chuyện đàn bà, bàn chuyện con gái, bàn chuyện dâm nữ, bàn chuyện thế gian, bàn chuyện tà đạo, bàn chuyện trong biển; đại loại như thế, chúng tụ tập luận bàn đủ mọi đề tài súc sanh.
Dị học Tiễn Mao thấy Phật từ xa đến, dặn dò chúng của mình rằng: "Này các ông, hãy ngồi im lặng, người đang đến kia là Sa-môn Cù-đàm. Đồ chúng của ông ấy im lặng, thường ưa sự im lặng, khen ngợi sự im lặng. Ông ấy nếu thấy chúng ta im lặng, có thể sẽ đến thăm."
Dị học Tiễn Mao dặn chúng im lặng, chính mình cũng im lặng mà ngồi.
Thế Tôn đi đến chỗ Dị học Tiễn Mao. Dị học Tiễn Mao liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo, chắp tay mà bạch Phật rằng:
"Kính chào Sa-môn Cù-đàm, Sa-môn Cù-đàm đã lâu không đến đây. Mời Ngài ngồi xuống chỗ này."
Thế Tôn liền ngồi xuống chỗ ngồi Tiễn Mao đã trải sẵn. Dị học Tiễn Mao và Thế Tôn sau khi cùng nhau chào hỏi, rồi lui ngồi một bên.
Thế Tôn hỏi rằng: "Ưu-đà-di, [05]các ông vừa bàn luận những gì, do việc gì mà cùng nhóm họp ở đây?"
Dị học Tiễn Mao đáp rằng:
"Bạch Cù-đàm, xin bỏ qua vấn đề này. Vấn đề này không hay ho gì. Sa-môn Cù-đàm nếu muốn nghe vấn đề này để sau này nghe cũng không khó gì."
Thế Tôn hỏi như vậy ba lần rằng:
"Ưu-đà-di, các ông vừa bàn luận những vấn đề gì? Do việc gì mà cùng nhóm họp nơi đây?"
Dị học Tiễn Mao cũng đáp lại ba lần rằng:
"Bạch Cù-đàm, xin bỏ qua vấn đề này. Nó không hay ho gì. Sa-môn Cù-đàm nếu muốn nghe sau này nghe cũng không khó. Nhưng Sa-môn Cù-đàm ba lần muốn nghe, nay tôi phải nói.
"Bạch Cù-đàm, chúng tôi cùng với số đông các Phạm chí nước Câu-tát-la cùng tụ tập ngồi ở học đường Câu-tát-la [06] bàn luận như vầy, "Thật tốt đẹp và lợi ích cho dân nước Ương-già Ma-kiệt-đà! [07] Thật tốt đẹp và lợi ích cho người nước Ương-già Ma-kiệt-đà! Chúng Đại phước điền [08]như thế cùng an cư mùa mưa tại thành Vương xá.
"Đó là có ngài Phất-lan Ca-diếp [09]
Vì sao? Bạch Cù-đàm, Phất-lan Ca-diếp là bậc Tông chủ danh đức, làm Thầy mọi người, có tiếng tăm lớn, mọi người kính trọng, lãnh đạo đồ chúng lớn, được năm trăm dị học tôn trọng, cùng an cư mùa mưa tại thành Vương xá này.
"Cũng vậy, Ma-tức-ca-lợi Cù-xá-lợi Tử, Sa-nhã Bệ-la-trì Tử, Ni-kiền Thân Tử, Ba-phục Ca-chiên, A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi. Bạch Cù-đàm, A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi là danh đức Tông chủ, làm Thầy mọi người, có tiếng tăm lớn, mọi người đều kính trọng, thống lãnh đồ chúng lớn, được năm trăm dị học tôn trọng, cùng an cư mùa mưa ở thành Vương xá.
"Vừa rồi cùng bàn đến Sa-môn Cù-đàm rằng, 'Sa-môn Cù-đàm này là bậc danh đức Tông chủ, làm Thầy mọi người có tiếng tăm lớn, mọi người kính trọng, thống lĩnh đại chúng Tỳ-kheo được một ngàn hai trăm người tôn trọng, cũng cùng nhau an cư mùa mưa tại thành Vương xá này.
"Bạch Cù-đàm, chúng tôi lại nghĩ, 'Nay trong các Sa-môn, Phạm chí được tôn trọng này, ai là người được đệ tử cung kính, cúng dường, không bị đệ tử đúng theo pháp mắng nhiếc, cũng không bị đệ tử vấn nạn rằng 'Điều này hoàn toàn không thể có, không tương ưng, không chính đáng'. Nói rồi bỏ đi?'
"Bạch Cù-đàm, chúng tôi lại nghĩ, Phất-lan Ca-diếp này không được đệ tử hầu hạ, tôn trọng, cúng dường, bị đệ tử dùng pháp mà mắng nhiếc, rất nhiều đệ tử nạn vấn rằng 'Điều này hoàn toàn không thể được, không tương ưng, không chính đáng'. Nói rồi bỏ đi.
"Bạch Cù-đàm, thuở xưa Phất-lan Ca-diếp đã có lần ở trong chúng đệ tử giơ tay la lớn, 'Các ông hãy dừng lại! Không có ai đến hỏi các ông. Người ta hỏi tôi, các ông không thể giải quyết việc này, nhưng ta có thể giải quyết được việc này'. Nhưng các đệ tử ngay trong lúc đó lại bàn luận việc khác nữa, không chờ ngươi nói xong vấn đề. Bạch Cù-đàm, chúng tôi lại nghĩ, như vậy, Phất-lan Ca-diếp này không được đệ tử hầu hạ, cung kính, tôn trọng, cúng dường. Bị đệ tử dùng pháp mạ lỵ mắng nhiếc, rất nhiều đệ tử vấn nạn rằng: 'Điều này hoàn toàn không thể được, không tương ưng, không chính đáng'. Nói rồi liền bỏ đi.
"Ma-tức-ca-lợi Cù-xá-lợi Tử, Sa-nhã Bệ-la-trì Tử, Ni-kiền Thân Tử, Ba-phục Ca-chiên, A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi. Cũng vậy, bạch Cù-đàm, chúng tôi lại nghĩ, 'A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi này, không được đệ tử hầu hạ, cung kính, tôn trọng, cúng dường, bị đệ tử dùng pháp mạ lỵ mắng nhiếc, rất nhiều đệ tử vấn nạn rằng 'Điều này hoàn toàn không thể được, không tương ưng, không chính đáng'. Nói rồi bỏ đi.
"Bạch Cù-đàm, thuở xưa A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi đã có lần ở trong chúng đệ tử giơ tay la lớn rằng, 'Các ông hãy dừng lại, không có ai đến hỏi các ông. Người ta hỏi tôi, các ông không thể giải quyết được việc này'. Nhưng các đệ tử ngay trong lúc đó, lại bàn luận việc khác không chờ ngươi nói xong. Bạch Cù-đàm, chúng tôi lại nghĩ, như vậy, A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi, không được đệ tử hầu hạ, cung kính, tôn trọng, cúng dường mà bị đệ tử dùng pháp mạ lỵ mắng nhiếc, rất nhiều đệ tử vấn nạn rằng 'Điều này hoàn toàn không thể được, không tương ưng, không chính đáng'. Nói rồi bỏ đi.
"Bạch Cù-đàm, chúng tôi lại nghĩ, Sa-môn Cù-đàm này được đệ tử hầu hạ, cung kính, tông trọng, cúng dường, cũng không bị đệ tử vấn nạn rằng 'Điều này hoàn toàn không thể được, không tương ưng, không chính đáng'. Nói rồi bỏ đi.
"Bạch Cù-đàm, thuở xưa Sa-môn Cù-đàm đã có lần nói pháp tại đại chúng, vô lượng trăm ngàn người vây quanh. Ngay bấy giờ có một người ngủ mà ngáy. Lại có một người bảo người kia rằng 'Đừng có ngủ ngáy. Ông không muốn nghe Thế Tôn nói pháp vi diệu như cam lồ sao?' Người kia liền im lặng không gây tiếng động nữa.
"Bạch Cù-đàm, chúng tôi lại nghĩ, như vậy Sa-môn Cù-đàm được đệ tử hầu hạ cung kính, tôn trọng, cúng dường, không bị đệ tử dùng pháp mạ lỵ mắng nhiếc, cũng không bị đệ tử vấn nạn rằng 'Điều đó hoàn toàn không thể được, không tương ưng, không chính đáng'. Nói rồi liền bỏ đi."
Thế Tôn nghe rồi liền hỏi Tiễn Mao rằng:
"Ưu-đà-di, ông thấy Ta có bao nhiêu pháp khiến cho các đệ tử hầu hạ cung kính, tôn trọng và cúng dường, thường theo Ta không rời?"
Dị học Tiễn Mao đáp rằng:
"Tôi thấy Cù-đàm có năm pháp khiến đệ tử hầu hạ, cung kính, tôn trọng, cúng dường phụng sự, thường theo không rời. Những gì là năm? Sa-môn Cù-đàm trí túc về thô y, khen ngợi tri túc về thô y. Bởi vì Sa-môn Cù-đàm tri túc về thô y, khen ngợi tri túc về vải thô, nên tôi thấy tri túc đó là pháp thứ nhất mà Sa-môn Cù-đàm có thể khiến cho hàng đệ tử phụng sự cung kính, tôn trọng cúng dường, thường theo không rời.
"Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm tri túc về ăn uống đạm bạc, khen ngợi về tri túc đạm bạc. Bởi vì Sa-môn Cù-đàm tri túc về ăn uống đạm bạc, khen ngợi về tri túc ăn uống đạm bạc, nên tôi thấy Sa-môn Cù-đàm có pháp thứ hai khiến các đệ tử cung kính, tôn trọng cúng dường, phụng sự thường theo không rời.
"Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm ăn ít, khen ngợi sự ăn ít. Vì Sa-môn Cù-đàm ăn ít và khen ngợi sự ăn ít, nên tôi thấy Sa-môn Cù-đàm có pháp thứ ba khiến các đệ tử cung kính tôn trọng, cúng dường phụng sự, thường theo không rời.
"Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm tri túc về chỗ nghỉ ngơi và giường chõng thô sơ, khen ngợi tri túc về chỗ nghỉ ngơi và giường chõng thô sơ. Vì Sa-môn Cù-đàm tri túc như vậy, nên tôi thấy đó là pháp thứ tư mà Sa-môn Cù-đàm có thể khiến các đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, thường theo không rời.
"Lại nữa Sa-môn Cù-đàm tĩnh tọa và ngợi khen tĩnh tọa. [10] Vì vậy tôi thấy đó là pháp thứ năm mà Sa-môn Cù-đàm có thể khiến các đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng hành thường theo không rời.
"Đó là năm pháp mà tôi thấy Sa-môn Cù-đàm có thể khiến các đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng hành, thường theo không rời."
Thế Tôn bảo rằng:
"Này Ưu-đà-di, Ta không phải do năm pháp ấy mà khiến các đệ tử cung kính tôn trọng, cúng dường thừa sự, thường theo không rời. Này Ưu-đà-di, áo ta mặc được cắt theo con dao Thánh [11] và nhuộm màu sắc xấu xa. Như vậy, y Thánh được nhuộm màu sắc xấu xa. Ưu-đà-di! Nhưng đệ tử Ta cũng có người trọn đời chỉ mặc áo phấn tảo do người ta bỏ, và cũng nói thế này, 'Thế Tôn ta tri túc về thô y', khen ngợi sự tri túc về thô y. Này Ưu-đà-di, nếu đệ tử ta nhận sự tri túc về thô y mà khen ngợi Ta, thì người đó do sự kiện này đã không cung kính tôn trọng, cúng dường phụng sự Ta, cũng không theo Ta.
"Lại nữa, này Ưu-đà-di, Ta ăn đồ ăn gạo nếp, nấu chín và không có hạt xép, vô lượng tạp vị. Ưu-đà-di, nhưng đệ tử Ta có người trọn đời khất thực, ăn đồ ăn đã bỏ, cũng lại nói rằng, 'Thế Tôn ta tri túc về thô thực', khen ngợi tri túc về thô thực. Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta nhân sự tri túc về ăn uống thô sơ, mà khen ngợi Ta, người ấy nhân sự kiện này đã không cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, cũng không theo Ta.
"Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta chỉ ăn bằng một trái cây bệ-la [12] hoặc bằng nửa bệ-la. Nhưng đệ tử của Ta có người ăn bằng một câu-tha [13], hoặc bằng nửa câu-tha, cũng nói như vầy, 'Thế Tôn ăn ít, khen ngợi sự ăn ít'. Nếu đệ tử Ta nhân sự ăn ít mà khen ngợi Ta, người ấy do sự kiện này đã không cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự và theo Ta.
"Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta hoặc ở trên lầu cao, hoặc trên nhà rạp. Ưu-đà-di, nhưng đệ tử của Ta có người trải qua chín mười tháng, suốt đêm ngủ ngoài trời, cũng nói như vầy, 'Thế Tôn của Ta tri túc về chỗ nghỉ ngơi và giường chõng thô sơ, khen ngợi tri túc về chỗ nghỉ ngơi và giường chõng thô sơ'. Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta khen ngợi tri túc về chỗ nghỉ ngơi và giường chõng thô sơ nên khen ngợi Ta, thì người ấy do sự kiện này đã không cung kính, tôn trọng, cúng dường phụng sự Ta và cũng không theo Ta.
"Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta thường sống trong sự náo nhiệt giữa Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Nhưng đệ tử của Ta có người quá nửa tháng mới nhập chúng một lần vì pháp thanh tịnh [14] cũng nói như vầy, 'Thế Tôn của Ta tĩnh tọa và khen ngợi sự tĩnh tọa'. Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta nhân sự tĩnh tọa mà khen ngợi Ta, vị ấy do sự kiện này đã không cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, cũng không theo Ta.
"Ưu-đà-di, Ta không có năm pháp này, khiến hàng đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự, thường theo không rời. Ưu-đà-di, Ta lại có năm pháp khác, khiến các đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường phụng sự, thường theo không rời.
"Những gì là năm? Này Ưu-đà-di, Ta có đệ tử do giới vô thượng, [15] khen ngợi Ta rằng, 'Thế Tôn có giới, đại giới, lời nói đúng theo việc làm, việc làm đúng theo lời nói'. Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta nhân giới vô thượng mà khen ngợi Ta thì vị ấy nhân điều này mà cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự thường theo Ta không rời.
"Lại nữa, này Ưu-đà-di, Ta có đệ tử, do vô thượng trí tuệ,[16] khen ngợi Ta, 'Thế Tôn có trí tuệ, cực đại trí tuệ, nếu có ai đến bàn luận hay đối đáp, Ngài đều khuất phục được. Nghĩa là đối với Chánh pháp luật, họ không thể nói. Đối với điều chính mình nói, họ cũng không thể nói'. Ưu-đà-di, nếu đệ tử nhân vô thượng trí tuệ, mà khen ngợi Ta, vị ấy nhân sự kiện này mà cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, theo Ta không rời.
"Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta có đệ tử do vô thượng tri kiến, [17] khen ngợi Ta rằng, 'Thế Tôn biết khắp chứ không phải không biết; thấy khắp chứ không phải không thấy. Ngài nói pháp cho đệ tử có nhân chứ không phải không nhân, có duyên chớ không phải không duyên, có thể đáp chứ không phải không thể đáp, có xả ly chứ không phải không xả ly'. Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta nhân vô thượng tri kiến mà khen ngợi Ta, người ấy nhân sự kiện này mà cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự, thường theo ta không rời.
"Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta có đệ tử, do nhờm tởm mũi tên ái dục mà đến hỏi Ta về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo. Ta liền trả lời về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo. Ưu-đà-di, nếu có đệ tử đến hỏi Ta được trả lời xứng ý, khiến được hoan hỷ, người đó nhân sự kiện này mà cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, thường theo Ta không rời.
"Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta vì các đệ tử hoặc nói Túc mạng trí thông, tác chứng, hoặc nói Lậu tận trí thông tác chứng minh đạt. Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta trong Chánh pháp luật này được thọ được độ, được đến bờ bên kia, không nghi không hoặc, ở trong thiện pháp không có do dự, người ấy nhân sự kiện này mà cung kính, cúng dường, tôn trọng, phụng sự Ta, thường theo ta không rời.
"Này Ưu-đà-di, Đó là năm pháp Ta có khiến cho các đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, thường theo không rời."
Bấy giờ Dị học Tiễn Mao, liền từ chỗ ngồi đứng dậy trịch vai áo mặt, chắp tay hướng về Phật bạch rằng: "Kỳ diệu thay! Hy hữu thay! Ngài khéo nói những điều vi diệu thấm nhuần thân thể con cũng như cam lồ. Bạch Cù-đàm, cũng như mưa lớn, cõi đất này từ cao đến thấp thảy được thắm nhuần khắp cả. Cũng vậy, Sa-môn Cù-đàm nói cho chúng tôi những điều vi diệu, thấm nhuần thân thể chúng tôi cũng như cam lồ.
"Bạch Thế Tôn, tôi đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu. Bạch Thế Tôn, hôm nay con tự quy Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay con trọn đời tự quy y cho đến mạng chung."
Phật thuyết như vậy. Dị học Tiễn Mao sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Bản Hán, quyển 57. Tương đương Pāli, M.77. Mahā-sakuludāyi-suttaṃ.
[02] Khổng tước lâm Dị học viên 孔 雀 林 異 學 園, khu vườn cho các du sĩ, rừng nuôi công. Pāli: Moranivāpa paribbājakārāma.
[03] Tiễn Mao 箭 毛. Pāli: Sakuḷudāyi, và kể thêm tên hai du sĩ khác: Varadhara, Anugāra.
[04] Súc sanh luận 畜 生 論. Pāli: tiracchāna-kathā, luận bàn phiếm, vô ích. Đoạn kế kể các đề tài được nói là súc sanh luận.
[05] Ưu-đà-di 優 陀 夷, tức tên gọi lược của Tiễn Mao; xem cht.3 trên. Pāli: Udāyi.
[06] Học đường 學 堂. Pāli: Kutūhalasāla, nghị luận đường; chỉ nơi xảy ra cuộc thảo luận.
[07] Ương-già Ma-kiệt-đà 鴦 伽 摩 竭 陀. Pāli: Aṅga-Magadhā, lúc này hai nước đang liên minh chính trị nên gọi chung như vậy.
[08] Chúng đại phước điền: những người là ruộng phước lớn, thường chỉ chúng Tỳ-kheo, nhưng ở đây cũng chỉ cho nhóm ngoại đạo khác.
[09] Phất-lan Ca-diếp, Pāli: Pūrāṇa-Kassapa và năm vị kế tiếp: Makkhali-Gosāla. Sañjaya-Belaṭṭhiputta, Nigaṇṭha-Nātaputta, Pakudha-Kaccāyana, được mệnh danh là Lục sư ngoại đạo. Về chủ trương của họ, xem kinh Sa-môn quả, No.1 (27) và D. 2.
[10] Yến tọa, ngồi nghỉ ngơi chỗ thanh vắng.
[11] Để bản: Thánh lực 聖 力. Tống-Nguyên-Minh: Thánh đao 聖 刀.
[12] Bệ-la thực 鞞 羅 食. Pāli: veḷuvāhāra, thức ăn bằng trái cây veḷuva, một loại dưa (tên khoa học Aegle marmelos).
[13] Câu-tha thực 拘 拖 食, kosāhāra, một bát cơm.
[14] Pháp thanh tịnh, đây chỉ Giới bổn Tỳ-kheo, Pāli: Pātimokkhuddesāya, để tụng giới bổn Pātimokkha.
[15] Vô thượng giới. Pāli: adhisīla, tăng thượng giới.
[16] Vô thượng trí tuệ. Pāli: adhipaññā, tăng thượng tuệ.
[17] Vô thượng tri kiến. Pāli: abhikkaantañāṇadassana, tri kiến siêu việt.
208. KINH TIỄN MAO (II)[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại thành Vương xá, ở Trúc lâm vườn Ca-lan-đa cùng đại chúng Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người, an cư mùa mưa.
Bấy giờ, trải qua đêm, lúc vừa sáng, Thế Tôn mang y cầm bát vào thành Vương xá để khất thực. Khất thực xong, thu dọn y bát, rửa chân tay, Ngài khoác ni-sư-đàn trên vai và đi đến vườn Dị học, trong rừng Khổng tước. Tại rừng Khổng tước, trong vườn Dị học, bấy giờ có một người Dị học tên là Tiễn Mao là một danh đức, bậc tông chủ, được mọi người tôn làm thầy, có tiếng tăm lớn, mọi người kính trọng, thống lãnh đồ chúng đông đảo, được năm trăm vị dị học tôn trọng. Vị này ở giữa một đại chúng đang ồn ào, nhiễu loạn, nói năng lớn tiếng, bàn luận đủ mọi vấn đề súc sanh, tức là vấn đề vua chúa, về giặc, về việc đấu tranh, việc ăn uống, về y phục, về đàn bà, về con gái, về dâm nữ, về thế gian, về đồng trống, về dưới biển và việc nước, việc dân. Những người ấy cùng nhau nhóm họp ngồi bàn luận về những vấn đề như súc sanh vậy.
Dị học Tiễn Mao thấy Phật từ xa đến, dặn đồ chúng của mình rằng: "Này các ông, hãy ngồi im lặng. Người đang đến kia là Sa-môn Cù-đàm, đồ chúng của ông ấy im lặng, thường ưa sự im lặng, khen ngợi sự im lặng. Ông ấy nếu thấy chúng ta im lặng, có thể đến thăm.
Dị học Tiễn Mao dặn đồ chúng im lặng, chính mình cũng im lặng mà ngồi.
Thế Tôn đi đến chỗ Dị học Tiễn Mao. Dị học Tiễn Mao liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo, chắp tay hướng về Phật bạch rằng:
"Kính chào Sa-môn Cù-đàm, Sa-môn Cù-đàm đã lâu không đến đây, mời Ngài ngồi xuống chỗ này."
Thế Tôn liền ngồi xuống chỗ ngồi Tiễn Mao đã trải sẵn. Dị học Tiễn Mao và Thế Tôn, sau khi cùng nhau chào hỏi, rồi lui ngồi một bên.
Thế Tôn hỏi rằng:
"Ưu-đà-di, các ông vừa bàn luận những gì? Do việc gì mà cùng nhau ngồi họp ở đây? Dị học Tiễn Mao đáp rằng:
"Bạch Cù-đàm, xin bỏ qua vấn đề này, vấn đề này không hay ho gì. Sa-môn Cù-đàm muốn nghe vấn đề này để sau này nghe cũng không khó gì."
Thế Tôn hỏi như vậy ba lần rằng:
"Ưu-đà-di, vừa bàn luận những gì? Do việc gì mà nhóm họp ngồi đây?"
Dị học Tiễn Mao cũng đáp lại ba lần rằng:
"Bạch Cù-đàm, xin bỏ qua vấn đề này, nó không hay ho gì, Sa-môn Cù-đàm nếu muốn nghe, sau này nghe cũng không khó. Nhưng nếu Sa-môn Cù-đàm ba lần muốn nghe, nay tôi phải nói.[02]
"Bạch Cù-đàm, tôi có sách lự, có tư duy; trụ trong trạng thái sách lự, trụ trong trạng thái tư duy, có trí tuệ, có biện tài, khi nghe có người nói: 'Thật sự có Tát-vân-nhiên, [03] thấy tất cả, biết tất cả, không cái gì không biết, không cái gì không thấy. Tôi liền vấn sự vị ấy, nhưng vị ấy không biết. Bạch Cù-đàm, tôi nghĩ như vầy, 'Đây là những ai?'."
Thế Tôn hỏi rằng:
"Này Ưu-đà-di, ông có sách lự, có tư duy; trụ trong trạng thái sách lự, trụ trong trạng thái tư duy, có trí tuệ, có biện tài, nhưng ai nói, 'Thật sự có Tát-vân-nhiên, biết tất cả, thấy tất cả, không có gì không biết, không có gì không thấy' nhưng khi ông đến vấn sự, thì vị ấy không biết?"
Dị học Tiễn Mao đáp rằng:
"Bạch Cù-đàm, đó là Bất-lan Ca-diếp. Vì sao? Bạch Cù-đàm, vì Bất-lan Ca-diếp tự cho là thật có Tát-vân-nhiên, biết tất cả, thấy tất cả, không gì không biết, không gì không thấy. Tôi có sách lự, có tư duy, trụ trong sách lự, trụ trong tư duy có trí tuệ, có biện tài; tôi đến vấn sự. Nhưng vị ấy không biết. Bạch Cù-đàm, vậy nên tôi nghĩ thế này, 'Đây là những ai?'
"Ma-tức-ca-lợi Cù-xá-lợi Tử, Bà-nhã Bệ-la-trì Tử, Ni-kiền Thân Tử, Ba-phù Ca-chiên, A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi, các vị này cũng vậy. Bạch Cù-đàm, A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi tự cho thật sự có Tát-vân-nhiên, biết tất cả thấy tất cả, không cái gì không biết, không cái gì không thấy. Tôi có sách lự, có tư duy, trú trong sách lự, trú trong tư duy, có trí tuệ, có biện tài, tôi đến vấn sự những vị ấy không biết. Bạch Cù-đàm, vậy nên tôi khởi ý nghĩ rằng, 'Đây là những ai?'
"Bạch Cù-đàm, vậy nên tôi lại suy nghĩ, 'Như vậy ta phải đến chỗ Sa-môn Cù-đàm để hỏi những việc quá khứ. Sa-môn Cù-đàm ắt có thể đáp những việc quá khứ của ta. Ta phải đến chỗ Sa-môn Cù-đàm, hỏi những việc vị lai, Sa-môn Cù-đàm ắt sẽ đáp những việc vị lai của ta. Lại nữa, ta tùy những việc mà hỏi cùng Sa-môn Cù-đàm, ắt Sa-môn Cù-đàm cũng tùy mà trả lời những việc ta hỏi."
Thế Tôn đáp rằng:
"Ưu-đà-di! Thôi! Thôi, ông luôn luôn có dị kiến, dị nhẫn, dị lạc, dị dục, dị ý, nên không thấu triệt ý nghĩa những điều Ta nói. Ưu-đà-di, Ta có đệ tử, có nhân, có duyên, nhớ được vô lượng đời sống về trước, trong quá khứ, nghĩa là một đời, hai đời, trăm đời, ngàn đời, thành kiếp, bại kiếp, vô lượng thành bại kiếp, ăn uống như vậy, thọ khổ vui như vậy, sống lâu như vậy, trụ lâu như vậy, chết như vậy, từ đây sanh tử ra kia, từ kia sanh tử ra đây. Ta sanh tại đây, họ như vậy, tên như vậy, sống như vậy, ăn uống như vậy, thọ khổ lạc như vậy, sống lâu như vậy, trú lâu như vậy, thọ chung như vậy. Vị ấy đến hỏi ta việc quá khứ, Ta đáp việc quá khứ cho vị ấy. Ta cũng đến hỏi việc quá khứ, vị ấy cũng đáp việc quá khứ cho Ta. Ta tùy theo sự việc đó mà hỏi, vị đó cũng tùy theo việc Ta hỏi mà đáp.
"Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta có đệ tử thanh tịnh thiên nhãn, vượt quá người thường, thấy chúng sanh này, khi sanh khi chết, sắc đẹp sắc xấu, sắc diệu hay bất diệu, qua lại chỗ thiện hay bất thiện, tùy theo sự thọ nghiệp của chúng mà thấy đúng như thật. Nếu chúng sanh này thành tựu thân ác hạnh, thành tựu khẩu và ý ác hạnh, vu báng Thánh nhân, tà kiến, thành tựu nghiệp tà kiến, người ấy do nhân duyên này, khi thân hoại mạng chung ắt đến chỗ dữ, sanh vào trong địa ngục. Nếu chúng sanh này thành tựu thân diệu hạnh, thành tựu khẩu và ý diệu hạnh, không vu báng Thánh nhân, chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến; người ấy do nhân duyên này, khi thân hoại mạng chung ắt sanh lên chỗ thiện, được sanh lên trời. Người đó đến hỏi Ta việc vị lai, Ta đáp việc vị lai cho họ; ta cũng hỏi việc vị lai nơi họ, họ cũng đáp việc vị lai cho ta; ta tùy theo việc người ấy hỏi mà đáp, người ấy cũng tùy theo việc ta hỏi mà đáp."
Dị học Tiễn Mao bạch rằng:
"Bạch Cù-đàm, nếu như vậy, tôi càng trở thành không biết, không thấy, càng trở thành ngu si, rớt vào ngu si. Nghĩa là vì Sa-môn Cù-đàm nói như vầy, 'Ưu-đà-di! Thôi! Thôi! Ông luôn luôn dị kiến, dị nhân, dị lạc, dị dục và dị ý, nên không thấu triệt ý nghĩa những điều ta nói. Ưu-đà-di, Ta có đệ tử, có nhân có duyên, nhớ được vô lượng đời sống về trước trong quá khứ, nghĩa là một đời, hai đời, trăm đời, ngàn đời, thành kiếp, bại kiếp, vô lượng thành kiếp, vô lượng bại kiếp, ăn uống như vậy, thọ khổ vui như vậy, sống lâu như vậy, trụ lâu như vậy, mạng chung như vậy, từ đây sanh tử ra kia, từ kia sanh tử ra đây, ta sanh tại đây, họ như vậy, tên như vậy, sống lâu như vậy, ăn uống như vậy, thọ khổ lạc như vậy, trú lâu như vậy, mạng chung như vậy. Vị ấy đến hỏi ta việc quá khứ, ta đáp việc quá khứ cho vị ấy; ta cũng đến hỏi vị ấy việc quá khứ, vị ấy cũng đáp việc quá khứ cho ta. Ta theo sự việc người đó hỏi mà đáp, người đó cũng tùy theo sự việc ta hỏi mà đáp. Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta có đệ tử thanh tịnh thiên nhãn, vượt quá người thường, thấy chúng sanh này khi sanh khi tử, sắc đẹp sắc xấu, sắc diệu hay bất diệu, qua lại chỗ thiện hay chỗ bất thiện, tùy theo sự tạo nghiệp của chúng sanh này mà thấy như thật. Nếu chúng sanh này thành tựu thân ác hạnh, thành tựu khẩu, ý ác hạnh, vu báng Thánh nhân, tà kiến, thành tựu nghiệp tà kiến, người ấy do nhân duyên này khi thân hoại mạng chung, ắt đến chỗ ác, sanh trong địa ngục. Nếu chúng sanh này thành tựu thân diệu hạnh, khẩu, ý diệu hạnh, không vu báng Thánh nhân, chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, người ấy do nhân duyên này khi thân hoại mạng chung ắt sanh lên chỗ thiện, được sanh lên trời. Người đó đến hỏi ta việc vị lai, ta đáp việc vị lai cho họ. Ta cũng hỏi việc vị lai nơi vị ấy, vị ấy cũng đáp việc vị lai cho ta. Ta tùy theo việc người ấy hỏi mà đáp, người ấy cũng tùy việc ta hỏi mà đáp'.
"Bạch Cù-đàm, tôi đối với đời sống này làm những gì đã làm, được những gì đã được, nhưng vẫn không thể nhớ huống gì có thể nhớ được sự việc trong vô lượng đời sống về trước, có nhân có duyên sao? Bạch Cù-đàm, tôi còn không thể thấy con quỷ Phiêu phong [04] thì làm gì mà được thiên nhãn thanh tịnh vượt qua người thường, thấy chúng sanh này khi chết, khi sống, sắc tốt, sắc xấu, đẹp hoặc không đẹp, đưa đến chỗ thiện hoặc chỗ bất thiện tùy sự tạo nghiệp của chúng sanh này, thấy đó như thật.
"Bạch Cù-đàm, tôi lại nghĩ như vầy, 'Nếu Sa-môn Cù-đàm hỏi ta vấn đề theo Thầy học pháp, hoặc giả có thể đáp khiến Ngài vừa ý."
Thế Tôn hỏi rằng:
"Ưu-đà-di, ông theo Thầy học những pháp gì?"
Dị học Tiễn Mao đáp rằng:
"Bạch Cù-đàm, người đó nói, 'Sắc vượt quá sắc, sắc kia tối thắng, sắc kia tối thượng.[05]"
Thế Tôn hỏi rằng:
"Ưu-đà-di, sắc là gì?"
Dị học Tiễn Mao đáp rằng:
"Bạch Cù-đàm, nếu sắc nào không có sắc khác tối thượng hơn, tối diệu hơn là tối thắng hơn; vậy sắc đó tối thắng, sắc đó tối thượng."
Thế Tôn bảo rằng:
"Ưu-đà-di, cũng như có người nói như vầy, 'Nếu trong nước có người con gái rất đẹp, ta muốn được người con gái đó'. Nếu có người hỏi người đó như vầy, 'Ông biết trong nước có người con gái rất đẹp, nhưng có biết tên gì, họ gì, sanh sống như thế nào? Là cao hay thấp, thô hay tế, trắng hay đen, hoặc không trắng không đen, là con gái Sát-đế-lợi, con gái Phạm chí, Cư sĩ, hay người thợ, ở phương Đông, phương Tây, phương Nam, phương Bắc?' Người đó đáp, 'Tôi không biết'. Người kia lại hòi, 'Ông không biết, không thấy trong nước có người con gái rất đẹp, tên họ như vậy, sanh sống như vậy, dài, ngắn, thô, tế, trắng, đen, không trắng không đen, con gái Sát-lợi, con gái Phạm chí, Cư sĩ, hay người thợ, ở phương Đông, phương Tây, phương Nam hay phương Bắc, mà lại nói như vầy, 'Ta muốn được người con gái đó được ư'?'
"Cũng vậy, Ưu-đà-di, ông nói như vầy, 'Người đó nói sắc vượt quá sắc, sắc đó tối thắng, sắc đó tối thắng. Nhưng khi hỏi sắc đó thì ông lại không biết."
Dị học Tiễn Mao thưa rằng:
"Bạch Cù-đàm, cũng như tinh vàng tử ma là thứ cực diệu, người thợ vàng khéo mài dũa, sửa sang khiến cho trong suốt, nhờ dùng tấm lụa trắng đem giữa nắng, sắc của nó cực diệu, ánh sáng chiếu sáng lấp lánh. Cũng vậy, bạch Cù-đàm, tôi nói, 'Sắc đó vượt hơn sắc, sắc đó tối thắng, sắc đó tối thượng'."
Thế Tôn bảo rằng:
"Ưu-đà-di, nay Ta hỏi ông, tùy theo chỗ hiểu mà đáp. Ưu-đà-di, ý ông nghĩ sao? Vàng ròng tử ma nhờ dùng lụa trắng, để giữa nắng mà sắc của nó cực diệu chiếu sáng lấp lánh, và ánh sáng con đom đóm trong đêm tối chiếu sáng lấp lánh, trong hai ánh sáng đó, cái nào tối thượïng, tối thắng?"
Dị học Tiễn Mao đáp rằng:
"Bạch Cù-đàm, ánh sáng con đom đóm đối với ánh sáng của vàng ròng tử ma thì ánh sáng đom đóm tối thượng, tối thắng."
Thế Tôn hỏi rằng:
"Ưu-đà-di, ý ông nghĩ sao? Ánh sáng lấp lánh của đom đóm trong đêm tối và ánh sáng lấp lánh của đèn dầu trong đêm tối, trong hai ánh sáng đó, cái nào tối thượng, tối thắng?"
Dị học Tiễn Mao đáp rằng:
"Bạch Cù-đàm, ánh sáng đèn dầu đối với ánh sáng đom đóm, thì ánh sáng đèn dầu tối thượng, tối thắng."
Thế Tôn hỏi rằng:
"Ưu-đà-di, ý ông nghĩ sao? Ánh sáng đèn dầu trong đêm tối và lửa đống cây lớn trong đêm tối, trong hai ánh sáng đó, cái nào tối thượng, tối thắng?"
Dị học Tiễn Mao đáp rằng:
"Bạch Cù-đàm, ánh sáng lửa cây lớn đối với ánh sáng đốt đèn dầu thì ánh sáng lửa đống cây lớn tối thượng, tối thắng."
Thế Tôn hỏi rằng:
"Ưu-đà-di, ý ông thế nào? Ánh sáng chiếu của lửa đống cây lớn, trong đêm tối và ánh sáng chiếu của sao Thái bạch vào buổi sáng, trời không u ám, hai ánh sáng ấy, ánh sáng nào tối thượng, tối thắng?"
Dị học Tiễn Mao đáp rằng:
"Bạch Cù-đàm, ánh sáng của saoThái bạch đối với ánh sáng của lửa đống cây lớn, thì ánh sáng của sao Thái bạch tối thượng, tối thắng."
Thế Tôn hỏi rằng:
"Này Ưu-đà-di, ý ông nghĩ sao? Ánh sáng chiếu tỏa của sao Thái bạch vào buổi sáng trời không u ám và ánh sáng tỏa chiếu của mặt trăng nửa đêm không u ám, trong ánh sáng ấy, cái nào tối thượng, tối thắng?"
Dị học Tiễn Mao đáp rằng:
"Bạch Cù-đàm, ánh sáng của mặt trăng đối với ánh sáng của sao Thái bạch thì ánh sáng của mặt trăng tối thượng, tối thắng."
Thế Tôn hỏi rằng:
"Này Ưu-đà-di, ý ông nghĩ sao? Ánh sáng chiếu tỏa của mặt trăng nửa đêm trời không u ám, và ánh sáng chiếu tỏa của mặt trời vào mùa thu, đứng ngay giữa bầu trời trong suốt, không u ám, trong hai ánh sáng ấy cái nào tối thượng, tối thắng?"
Dị học Tiễn Mao đáp rằng:
"Bạch Cù-đàm, ánh sáng mặt trời so với ánh sáng mặt trăng thì ánh sáng mặt trời tối thượng, tối thắng."
Thế Tôn bảo rằng:
"Này Ưu-đà-di, có rất nhiều chư Thiên; mà nay ánh sáng của mặt trời và ánh sáng của mặt trăng này, tuy có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nhưng ánh sáng đó cũng không bằng ánh sáng của chư Thiên. Ta ngày xưa đã cùng với chư Thiên tụ tập luận sự, nhưng những điều ta nói đều vừa ý chư Thiên ấy, tuy vậy Ta không nói: 'Sắc vượt quá sắc, sắc đó tối thắng, sắc đó tối thượng'. Này Ưu-đà-di, còn ông đối với ánh lửa đom đóm, lửa sâu bọ, sắc rất tệ, rất xấu mà nói 'Sắc đó vượt quá sắc, sắc đó tối thắng, sắc đó tối thượng,' và khi được hỏi lại không biết."
Dị học Tiễn Mao thưa rằng:
"Bạch Cù-đàm, con xin hối lỗi về lời nói này. Bạch Thiện Thệ, con xin hối lỗi về lời nói này." [06]
Thế Tôn hỏi rằng:
"Này Ưu-đà-di, ý ông nghĩ sao mà nói như vầy, 'Bạch Thế Tôn, con xin hối lỗi về lời nói đó, bạch Thiện Thệ, con xin hối lỗi về lời nói đó?'."
Dị học Tiễn Mao đáp:
"Bạch Cù-đàm, con nói như vầy, 'Sắc kia vượt quá sắc, sắc đó tối thắng, sắc đó tối thượng'. Sa-môn Cù-đàm nay khéo tra xét tôi, khéo dạy dỗ và khéo quở trách, khiến sự hư vọng của tôi không còn nữa. Bạch Cù-đàm, vậy nên con nói như vầy. 'Bạch Thế Tôn, con xin hối lỗi về lời nói này. Bạch Thiện thệ con xin hối lỗi về lời nói này'."
Dị học Tiễn Mao lại thưa rằng:
"Bạch Cù-đàm, 'Đời sau tuyệt đối lạc [07], có một đạo tích để chứng đắc [08] thế giới tuyệt đối lạc."
Thế Tôn hỏi rằng:
"Ưu-đà-di, thế nào gọi là hậu thế tuyệt đối lạc? Thế nào là có một đạo tích chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc?"
Dị học Tiễn Mao đáp rằng:
"Bạch Cù-đàm, giả sử có một người xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; xa lìa trộm cắp tà dâm, nói láo; cho đến, xa lìa tà kiến được chánh kiến. Bạch Cù-đàm, đó gọi là đời sau tuyệt đối lạc, đó gọi là chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc."
Thế Tôn lại bảo rằng:
"Ưu-đà-di, nay Ta hỏi ông, theo sự hiểu biết mà đáp. Này Ưu-đà-di, ý ông nghĩ thế nào? Nếu có một người xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, người ấy là tuyệt đối lạc, hay là hỗn tạp khổ [09]?"
Dị học Tiễn Mao đáp rằng:
"Bạch Cù-đàm, là hỗn tạp khổ."
"Nếu có một người xa lìa trộm cắp, tà dâm, nói láo, cho đến xa lìa tà kiến có chánh kiến, người ấy là tuyệt đối lạc, hay là hỗn tạp khổ?"
Dị học Tiễn Mao đáp rằng:
"BaÏch Cù-đàm, là hỗn tạp khổ."
Thế Tôn hỏi rằng:
"Ưu-đà-di, há không phải rằng hỗn tạp khổ lạc như vậy là đạo tích chứng đắc thế giới?"
Dị học Tiễn Mao đáp:
"Bạch Cù-đàm, hỗn tạp khổ lạc như vậy là đạo tích chứng đắc thế giới vậy."
Dị học Tiễn Mao lại thưa rằng:
"Bạch Thế Tôn, con hối lỗi lời nói này. Bạch Thiện Thệ, con hối lỗi lời nói này."
Thế Tôn hỏi rằng:
"Ưu-đà-di, ông nghĩ thế nào mà nói như vầy, 'Bạch Thế Tôn, con hối lỗi lời nói này. Bạch Thiện Thệ, con hối lỗi lời nói này?'
Dị học Tiễn Mao đáp rằng:
"Bạch Cù-đàm, con vừa nói, 'Đời sau tuyệt đối lạc, có một đạo tích chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc'. Nay Sa-môn Cù-đàm khéo tra xét con, khéo dạy dỗ và khéo quở trách, khiến cho sự hư vọng của con không còn nữa. Bạch Cù-đàm, do đó con nói như vầy, 'Bạch Thế Tôn, con hối lỗi lời nói này. Bạch Thiện Thệ, con hối lỗi lời nói này'."
Thế Tôn bảo rằng:
"Ưu-đà-di, đời quả có tuyệt đối lạc, có một đạo tích chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc."
Dị học Tiễn Mao hỏi rằng:
"Bạch Cù-đàm, thế nào là đời quả có tuyệt đối lạc? Thế nào là có một đạo tích chứng đắc tuyệt đối lạc?"
Thế Tôn đáp rằng:
"Ưu-đà-di, nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Chúng Hựu; người ấy đoạn trừ năm triền cái, là thứ làm tâm tạp uế, tuệ yếu kém, ly dục, ly ác bất thiện pháp; có giác, có quán, hỷ lạc do ly dục sanh, chứng Sơ thiền, thành tựu an trụ, cùng với chư Thiên kia tương đồng về giới, về tâm, về kiến vậy. Vị ấy giác quán đã dứt, nội tâm tịch tĩnh, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ, cùng với chư Thiên kia tương đồng về giới, về tâm, và về kiến vậy. Vị đó ly hỷ dục, an trú xả, vô cầu, chánh niệm chánh trí, thân giác lạc, điều mà bậc Thánh nói là được Thánh xả, có niệm, an trú lạc, chứng Tam thiền thành tựu an trú, cùng với chư Thiên tương đồng về giới, về tâm và về kiến vậy. Ưu-đà-di, đó gọi là thế giới tuyệt đối lạc."
Dị học Tiễn Mao hỏi:
"Bạch Cù-đàm, Trong đời, tuyệt đối lạc chỉ cùng cực là thế chăng?"
Thế Tôn nói:
"Trong đời, tuyệt đối lạc không chỉ cùng cực là thế. Ưu-đà-di, còn có đạo tích nữa chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc."
Dị học Tiễn Mao hỏi:
"Bạch Cù-đàm, thế nào là có đạo tích nữa chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc?"
Thế Tôn đáp:
"Ưu-đà-di, Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp; có giác, có quán, hỷ lạc do ly dục sanh, chứng Sơ thiền, thành tựu an trụ, cùng với chư Thiên kia tương đồng về giới, về tâm, về kiến vậy. Vị ấy giác quán đã dứt, nội tâm tịch tĩnh, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ, cùng với chư Thiên kia tương đồng về giới, về tâm, và về kiến vậy. Vị đó ly hỷ dục, an trú xả, vô cầu, chánh niệm chánh trí, thân giác lạc, điều mà bậc Thánh nói là được Thánh xả, có niệm, an trú lạc, chứng Tam thiền thành tựu an trú, cùng với chư Thiên tương đồng về giới, về tâm và về kiến vậy. Ưu-đà-di, đó gọi là thế giới tuyệt đối lạc."
Dị học Tiễn Mao hỏi rằng:
"Bạch Cù-đàm, phải chăng đệ tử của Sa-môn Cù-đàm vì thế giới tuyệt đối lạc, và vì đạo tích chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc ấy mà theo Sa-môn Cù-đàm học phạm hạnh chăng?"
Thế Tôn đáp rằng:
"Đệ tử của Ta không phải chỉ vì thế giới tuyệt đối lạc và vì chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc ấy mà theo học phạm hạnh. Nhưng còn có sự tối thắng, tối diệu, tối thượng khác để chứng đắc nữa."
Bấy giờ cả đại chúng này cùng lớn tiếng nói:
"Cái ấy là tối thượng, tối diệu, tối thắng; vì để chứng đắc cái ấy mà đệ tử Sa-môn Cù-đàm theo Sa-môn Cù-đàm học phạm hạnh."
Sau khi làm cho đại chúng của mình im lặng rồi, Phạm chí Tiễn Mao lại thưa rằng:
"Bạch Cù-đàm, cái gì là tối thượng, tối diệu, tối thắng, vì để chứng đắc như vậy, mà đệ tử Sa-môn Cù-đàm theo Sa-môn Cù-đàm học phạm hạnh?"
Thế Tôn đáp rằng:
"Ưu-đà-di, Tỳ-kheo diệt lạc, diệt khổ, và ưu, hỷ đã có từ trước cũng diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ. Ưu-đà-di, đó gọi là tối thượng tối diệu, tối thắng, vì để chứng đắc như vậy mà đệ tử Ta theo học phạm hạnh."
Bấy giờ Dị học Tiễn Mao liền từ chỗ ngồi đứng dậy, muốn cúi đầu sát chân Phật. Ngay lúc đó các đệ tử dị học phạm hạnh của Dị học Tiễn Mao thưa với Dị học Tiễn Mao rằng: "Tôn giả nay đáng làm bậc Thầy mà muốn làm đệ tử Sa-môn Cù-đàm ư? Khi nào Tôn giả không đáng làm Thầy, rồi hãy làm đệ tử Sa-môn Cù-đàm vậy."
Đó là các đệ tử của Dị học Tiễn Mao là chướng ngại cho Dị học Tiễn Mao đối với sự tu học phạm hạnh.
Phật thuyết như vậy. Dị học Tiễn Mao sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: M.79. Cūḷa-Sakuludāyi-sutta.
[02] Toàn cả đoạn trên, giống Kinh 208.
[03] Tát-vân-nhiên 薩 云 然; Pāli: sabaññu, hoặc âm là tá-bà-nhã: vị Nhất thiết trí; người hay đấng Toàn trí.
[04] Phiêu phong quỷ 飄 風 鬼; Pāli: Pamsupisācaka, "quỷ bùn", môt loại tì-xá-xà.
[05] Pāli: ayaṃ paramo vaṇṇo ayaṃ paramo vaṇṇo ti, "sắc này là tối thượng, sắc này là tối thượng". Sắc (vaṇṇa) ở đây có nghĩa màu sắc hay màu da.
[06] Thế Tôn, hối quá thử thuyết. Pāli: acchidaṃ Bhagavā kathaṃ, Thế Tôn đã cắt đứt vấn đề.
[07] Hậu thế nhất hướng lạc 後 世 一向 樂. Pāli: ekantasukho loko, thế giới nhất hướng lạc.
[08] Pāli: atthi ākāravatī paṭipadā... sacchikiriyāyāti, có đường lối có cơ sở để thực chứng bản thân.
[09] Tạp khổ 雜 苦. Pāli: sukhadukkhī, vừa sướng vừa khổ.
209. KINH BỆ-MA-NA-TU[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Dị học Bệ-ma-na-tu, [02] sau giờ ngọ, thung dung đến chỗ Phật, chào hỏi xong, hỏi rằng:
"Bạch Cù-đàm, sắc này hơn, sắc này hơn. Này Cù-đàm, sắc này hơn." [03]
Thế Tôn hỏi:
"Này Ca-chiên, [04] đó là những sắc nào?"
Dị học Bệ-ma-na-tu đáp:
"Bạch Cù-đàm, nếu sắc nào không có sắc khác tối thượng, tối diệu, tối thắng hơn, Cù-đàm, sắc đó là tối thượng, sắc đó là tối thắng."
Thế Tôn bảo:
"Ca-chiên, cũng như có người nói như vầy, 'Nếu trong nước có người con gái rất đẹp, ta muốn được người con gái đó'. Nếu có người hỏi người đó như vầy, 'Ông biết trong nước có người con gái rất đẹp, nhưng có biết tên gì, họ gì, sanh sống như thế nào? Là cao hay thấp, thô hay tế, trắng hay đen, hoặc không trắng không đen, là con gái Sát-đế-lợi, con gái Phạm chí, Cư sĩ, hay người thợ, ở phương Đông, phương Tây, phương Nam phương Bắc?' Người đó đáp, 'Tôi không biết'. Người kia lại hỏi, 'Ông không biết, không thấy trong nước có người con gái rất đẹp, tên họ như vậy, sanh sống như vậy, dài, ngắn, thô, tế, trắng, đen, không trắng không đen, con gái Sát-lợi, con gái Phạm chí, Cư sĩ, hay người thợ, ở phương Đông, phương Tây, phương Nam hay phương Bắc, mà lại nói như vầy, 'Ta muốn được người con gái đó được ư'?'
"Cũng vậy, Ca-chiên, ông nói như vầy, 'Sắc kia là vi diệu, tối vi diệu; sắc kia là tối thắng; sắc kia là tối thượng'. Nhưng khi hỏi sắc đó thì ông lại không biết."
Dị học Bệ-ma-na-tu thưa:
"Bạch Cù-đàm, cũng như tinh vàng tử ma là thứ cực diệu, người thợ vàng khéo mài dũa, sửa sang khiến cho trong suốt, nhờ dùng tấm lụa trắng đem giữa nắng, sắc của nó cực diệu, ánh sáng chiếu sáng lấp lánh. Cũng vậy, bạch Cù-đàm, tôi nói 'Sắc kia là vi diệu, tối vi diệu; sắc kia là tối thắng; sắc kia là tối thượng'.
Thế Tôn bảo:
"Ca-chiên, nay Ta hỏi ông, tùy theo chỗ hiểu biết mà đáp. Ý ông nghĩ sao? Vàng ròng tử ma nhờ dùng lụa trắng, để giữa nắng mà sắc của nó cực diệu chiếu sáng lấp lánh, và ánh sáng con đom đóm trong đêm tối chiếu sáng lấp lánh, trong hai ánh sáng đó, cái nào tối thượïng, tối thắng?"
Dị học Bệ-ma-na-tu đáp rằng:
"Bạch Cù-đàm, ánh sáng con đom đóm đối với ánh sáng của vàng ròng tử ma thì ánh sáng đom đóm tối thượng, tối thắng."
Thế Tôn hỏi:
"Ca-chiên, ý ông nghĩ sao? Ánh sáng đèn dầu trong đêm tối và ánh lửa đống cây lớn trong đêm tối, trong hai ánh sáng ấy, cái nào sáng hơn?"
Dị học Bệ-ma-na-tu đáp:
"Bạch Cù-đàm, ánh sáng lửa đống cây lớn trong đêm tối đối với ánh sáng đèn dầu thì ánh sáng lửa đống cây lớn sáng hơn."
Thế Tôn hỏi:
"Ca-chiên, ý ông nghĩ thế nào? Ánh sáng chiếu của lửa đống cây lớn trong đêm tối và ánh sáng chiếu của sao Thái bạch vào buổi sáng trời không u ám, ánh sáng nào sáng hơn?"
Dị học Bệ-ma-na-tu đáp:
"Bạch Cù-đàm, ánh sáng của sao Thái bạch đối với ánh sáng lửa đống cây lớn, thì ánh sáng sao Thái bạch sáng hơn."
Thế Tôn hỏi:
"Ca-chiên, ý ông nghĩ sao? Ánh sáng chiếu tỏa của sao Thái bạch vào buổi sáng trời không u ám và ánh sáng chiếu tỏa của mặt trăng nửa đêm trời không u ám, trong hai ánh sáng ấy, cái nào sáng hơn?"
Dị học Bệ-ma-na-tu đáp:
"Bạch Cù-đàm, ánh sáng của mặt trăng đối với ánh sáng của sao Thái bạch thì ánh sáng của mặt trăng sáng hơn."
Thế Tôn hỏi:
"Ca-chiên, ý ông nghĩ sao? Ánh sáng chiếu tỏa của mặt trăng vào nửa đêm trời không u ám và ánh sáng chiếu tỏa mặt trời vào mùa thu đứng ngay giữa bầu trời trong suốt không u ám, trong hai ánh sáng đó cái nào sáng hơn?"
Dị học Bệ-ma-na-tu đáp:
"Bạch Cù-đàm, ánh sáng của mặt trời, so với ánh sáng của mặt trăng thì ánh sáng mặt trời sáng hơn."
Thế Tôn bảo rằng:
"Ca-chiên, có rất nhiều chư Thiên, nay ánh sáng của mặt trời và ánh sáng của mặt trăng này tuy có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nhưng ánh sáng đó cũng không bằng ánh sáng của chư Thiên. Ta ngày xưa đã từng cùng chư Thiên tụ tập luận sự. Những điều Ta nói đều vừa ý chư Thiên ấy, nhưng Ta không nói, 'Sắc vượt quá sắc, sắc đó tối thắng, sắc đó tối thượng." Này Ca-chiên, còn ông, với lửa đóm, lửa sâu, sắc rất tệ xấu mà nói 'Sắc kia là vi diệu, tối vi diệu; sắc kia là tối thắng; sắc kia là tối thượng'. Và khi được hỏi lại nói không biết."
Ngay lúc đó dị học Bệ-ma-na-tu bị Thế Tôn quở trách trước mặt trong lòng buồn bã, cúi đầu im lặng, không còn lời nào biện bạch.
Sau khi Thế Tôn quở trách, muốn khiến ông ta hoan hỷ nên bảo:
"Này Ca-chiên, có năm công đức của dục [05] khả hỷ, khả ái, khả niệm, khả ái, có lạc tương ưng với dục. [06] ,Mắt nhận biết sắc, tai biết tiếng, mũi biết hương vị, lưỡi biết mùi, và thân biết cảm xúc. Này Ca-chiên, sắc hoặc có ái, hoặc không ái. Nếu có một người đối với sắc này mà khả ý, xứng ý, thích ý, thỏa ý, mãn nguyện ý, người ấy đối với sắc khác dù tối thượng, tối thắng vẫn không ham muốn, không tư duy, không nguyện cầu. Người đó cho sắc này là tối thắng tối thượng. Này Ca-chiên, thanh, hương, vị, xúc cũng lại như vậy. Này Ca-chiên, xúc hoặc có ái, hoặc không ái. Nếu có một người đối với xúc này mà khả ý, xứng ý, thích ý, thỏa ý, mãn nguyện ý, người đó đối với những xúc khác, dù tối thượng, tối thắng vẫn không ham muốn, không tư duy, không nguyện, không cần. Người đó cho xúc này là tối thượng, tối thắng vậy.
Bấy giờ Dị học Bệ-ma-na-tu chấp tay hướng về Phật bạch rằng:
"Bạch Cù-đàm! Thật kỳ diệu thay! Thật hy hữu thay. Sa-môn Cù-đàm vì tôi mà dùng vô lượng phương tiện nói, 'Dục lạc, dục lạc đệ nhất'.[07] Bạch Cù-đàm, cũng như do lửa cỏ mà đốt lửa cây, do lửa cây mà đốt lửa cỏ. Cũng vậy, Sa-môn Cù-đàm vì tôi mà dùng vô lượng phương tiện, nói: 'Dục lạc, dục lạc đệ nhất'.
Thế Tôn bảo:
"Thôi! Thôi! Này Ca-chiên, ông là người vì luôn luôn có sở kiến dị biệt, nhẫn thọ dị biệt, sở thích dị biệt, ý dục dị biệt, ý hướng dị biệt [08], cho nên không thấu triệt ý nghĩa những điều Ta nói.
"Này Ca-chiên, đệ tử Ta đầu hôm và cuối đêm thường không nằm ngủ, mà chánh định, chánh ý, tu tập đạo phẩm, biết như thật 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'. Những người ấy mới thấu triệt những điều Ta nói."
Ngay lúc đó dị học Bệ-ma-na-tu nổi giận đối với Phật, nổi ghen ghét, không vừa ý, muốn vu báng Thế Tôn, muốn hạ nhục Thế Tôn, và ông vu báng Thế Tôn như vầy, hạ nhục Thế Tôn như vầy:
"Cù-đàm, có Sa-môn, Phạm chí, không biết biên tế đời trước, không biết biên tế đời sau, không biết sanh tử vô cùng mà tự cho là chứng đắc Cứu cánh trí, biết như thật rằng 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'. Cù-đàm, tôi nghĩ như vầy, 'Vì sao Sa-môn, Phạm chí này không biết biên tế đời trước, không biết biên tế đời sau, không biết sanh tử vô cùng mà tự cho là chứng đắc Cứu cánh trí, biết như thật 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'?"
Lúc đó Thế Tôn liền nghĩ rằng:
"Dị học Bệ-ma-na-tu nổi giận đối với Ta, nổi ghen ghét, không vừa ý, muốn vu báng Ta, muốn hạ nhục Ta, và vu báng Ta như vậy, hạ nhục Ta như vậy mà nói với Ta như vầy, 'Cù-đàm, có Sa-môn, Phạm chí, không biết biên tế đời trước, không biết biên tế đời sau, không biết sanh tử vô cùng mà tự cho là chứng đắc Cứu cánh trí, biết như thật rằng 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'. Cù-đàm, tôi nghĩ như vầy, 'Vì sao Sa-môn, Phạm chí này không biết biên tế đời trước, không biết biên tế đời sau, không biết sanh tử vô cùng mà tự cho là chứng đắc Cứu cánh trí, biết như thật 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'?'."
"Thế Tôn biết rồi bảo rằng:
"Này Ca-chiên, nếu có Sa-môn, Phạm chí này không biết biên tế đời trước, không biết biên tế đời sau, không biết sanh tử vô cùng mà tự cho là chứng đắc Cứu cánh trí, biết như thật 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'; thì người đó phải nói như vầy, 'Hãy gác qua biên tế đời trước, hãy gác qua biên tế đời sau'. Nhưng này Ca-chiên, Ta cũng nói như vầy, 'Hãy gác qua biên tế đời trước, hãy gác qua biên tế đời sau'. Giả sử không nhớ một đời. Khi đệ tử Tỳ-kheo của Ta đến, không nịnh hót, không lừa gạt, mà thẳng thắn thì Ta giáo hóa họ. Nếu cứ theo sự giáo hóa của Ta mà thực hành đúng như vậy thì nhất định biết được Chánh pháp.
"Này Ca-chiên, cũng như một đứa trẻ nhỏ thân còn yếu, nằm ngửa. Cha mẹ nó buộc tay chân nó lại. Đứa bé đó sau lớn lên, các căn thành tựu, cha mẹ lại cởi trói tay chân cho nó ra. Nó chỉ nhớ khi được cởi trói, chớ không nhớ khi bị trói.
"Cũng vậy, này Ca-chiên, Ta nói như vầy, 'Hãy gác lại biên tế đời trước, hãy gác lại biên tế đời sau'. Giả sử không nhớ một đời. Khi đệ tử Tỳ-kheo Ta đến, không nịnh hót, không lừa dối, mà thẳng thắn thì Ta giáo hóa họ. Nếu cứ theo sự giáo hóa của Ta mà thực hành đúng như vậy thì nhất định biết được Chánh pháp.
"Này Ca-chiên, cũng như do dầu, do tim, mà đốt đèn, không có người thêm dầu, không có người đổi tim, dầu trước đã hết, sau lại không rót thêm thì không thể còn mà chóng tự tắt vậy.
"Cũng vậy, này Ca-chiên, Ta nói như vầy, 'Hãy gác lại biên tế đời trước, hãy gác lại biên tế đời sau'. Giả sử không nhớ một đời. Khi đệ tử của Ta đến, không nịnh hót, không lừa dối mà thẳng thắn thì Ta giáo hóa họ. Nếu cứ theo sự giáo hóa của Ta mà thực hành đúng như vậy thì nhất định biết được Chánh pháp.
"Này Ca-chiên, cũng như có mười đống cây, hoặc hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi hay sáu mươi đống cây, dùng lửa mà đốt, tất cả đều bùng cháy, bèn thấy ngọn lửa. Đống lửa ấy nếu không có người thêm cỏ cây hoặc đổ thêm vỏ trấu vào củi trước đã hết, sau không thêm nữa, thì không thể còn mà chóng tự tắt vậy.
"Cũng vậy, này Ca-chiên, Ta nói như vầy, 'Hãy gác lại biên tế đời trước, hãy gác lại biên tế đời sau'. Giả sử không nhớ một đời. Khi đệ tử của Ta đến, không nịnh hót, không lừa dối mà thẳng thắn thì Ta giáo hóa họ. Nếu cứ theo sự giáo hóa của Ta mà thực hành đúng như vậy thì nhất định biết được Chánh pháp."
Khi thuyết pháp này Dị học Bệ-ma-na-tu xa lìa trần cấu, pháp nhãn của các pháp phát sanh. Lúc đó, Dị học Bệ-ma-na-tu thấy pháp, chứng pháp, giác ngộ bạch tịnh pháp, không còn thấy ai hơn, lại không do kẻ khác mà độ nghi, đoạn hoặc, không còn do dự, đã an trú quả chứng đối với pháp của Thế Tôn, chứng được vô sở úy, cúi đầu sát chân Phật mà thưa rằng:
"Bạch Thế Tôn, con xin được theo Phật xuất gia học đạo, thọ giới cụ túc, được làm Tỳ-kheo, thực hành phạm hạnh."
Thế Tôn dạy:
"Thiện lai Tỳ-kheo, hãy hành phạm hạnh! Dị học được theo Phật xuất gia học đạo, thọ cụ túc giới, được làm Tỳ-kheo, thực hành phạm hạnh. Tôn giả Bệ-ma-na-tu xuất gia học đạo, thọ giới cụ túc rồi, biết pháp, thấy pháp, cho đến chứng được quả vị A-la-hán.
Phật thuyết như vậy. Tôn giả Bệ-ma-na-tu và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: M.80. Vekhannassa-suttaṃ. Biệt dịch No.90 Phật Thuyết Bệ-ma-túc kinh, Lưu Tống, Cầu-na-bạt-đà-la dịch.
[02] Bệ-ma-na-tu 鞞 摩 那 修. No.90 Bệ-ma-túc. Pāli: Vekhanassa paribbājaka, thầy của Sakuludāyi. Sau khi Sakuludāyi bị khuất phục bởi Phật (xem kinh 208 trên) ông thân hành đến tìm hiểu sự thật.
[03] Tối sắc; No.90: Hình sắc cực vô thượng diệu. Pāli: paramo vaṇṇo, "màu sắc là trên hết". Có lẽ chủ trương phân biệt sắc tộc. Xem cht.5, Kinh 208 trên.
[04] Ca-chiên 迦 旃. Pāli: Kaccana, họ của Vekhanassa.
[05] Ngũ dục công đức 五 欲 功 德. No.90: ngũ tánh dục. Pāli: Pañca-kāmagunā, năm phẩm chất hay yếu tố của dục vọng, chứ không phải phẩm chất của năm thứ dục vọng.
[06] No.90: Cận dâm, nhiễm trước. Pāli: Kāmūpasamhitā rajanivā.
[07] Dục lạc, dục lạc đệ nhất 欲 樂 欲 樂 第 一. Pāli: kāmehi kāmasukham; kāmasukhā kāmaggasukham tattha aggam akkhayāti, "do bởi các dục mà có lạc; từ lạc do dục ấy lạc dục tối thượng ấy được nói là tối thượng".
[08] Dị kiến dị nhẫn dị lạc dị dục dị ý 異 見 異 忍 異 樂 異 欲 異 意. Pāli: aññadiṭṭhena aññakhantikena aññarucikena aññatrayogena aññatrācariyakena, quan điểm dị biệt, tin tưởng dị biệt, sở thích dị biệt, sở hành dị biệt, tông sư dị biệt.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.141.24.134 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập