Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 45 »»

Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 45


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.38 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.45 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Tăng Nhất A Hàm

Kinh này có 51 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49 | 50 | 51 |
Việt dịch: Thích Đức Thắng

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

KINH SỐ 4[120]
[90a07]Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ số đông Tỳ kheo cùng tụ tập tại giảng đường Phổ hội. Mọi người đều có ý nghĩ này: “Thật kỳ diệu thay, hy hữu thay! Như Lai có thể phân biệt biết rõ chư Phật quá khứ đã nhập Niết-bàn, với tên hiệu như vậy, chủng tộc như vậy, sự trì giới và đệ tử tùy tùng như vậy, cùng tam-muội, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, thân thọ dài ngắn, thảy đều biết rõ. Thế nào, chư Hiền, đó là do Như Lai phân biệt pháp xứ cực kỳ thanh tịnh mới biết nguồn gốc danh hệu của chư Phật chăng? Hay do chư thiên đến báo cáo cho biết điều này chăng?”
Khi ấy, bằng thiên nhĩ thông suốt, Thế Tôn nghe các Tỳ kheo đang khơi dậy đề tài này, liền đi đến chỗ các Tỳ kheo, rồi xuống ngay giữa đại chúng. Bấy giờ Thế Tôn hỏi các Tỳ kheo:
“Các ông tập họp tại đây, đang bàn luận chuyện gì?”
Các Tỳ kheo bạch Phật:
“Chúng con tập họp tại đây bàn luận các đề tài Phật pháp. Mọi người đều nêu lên vấn đề như vầy, ‘Kỳ diệu thay, hy hữu thay, Như Lai có thể biết rõ chư Phật quá khứ với danh hiêu, chủng tộc như vậy; trí tuệ như vậy, cũng đều thống suốt tường tận. Thật kỳ diệu! Thế nào, này chư Hiền, đó là do sự phân biệt pháp giới của Như Lai cực kỳ thanh tịnh mới biết được nguồn gốc danh hiệu chư Phật, hay do chư Thiên đến chỗ Phật nói lại sự kiện ấy?’”
Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:
“Các ông có muốn nghe trí lực siêu việt của chư Phật quá khứ, cùng danh hiệu, thọ mạng dài vắn chăng?”
Các Tỳ kheo đáp:
“Nay là lúc thích hợp, cúi xin Như Lai giải bày nghĩa lý này.”
Phật bảo các Tỳ kheo:
“Các ông hãy khéo suy nghĩ. Ta sẽ diễn rộng ý nghĩa cho các ông nghe.”
Các Tỳ kheo vâng lời Phật dạy, lắng nghe.
Phật bảo các Tỳ kheo:
Tỳ kheo, nên biết, quá khứ cách nay 91 kiếp, có Phật xuất thế hiệu Tỳ-bà-thi Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác.
“Lại 31 kiếp có Phật xuất thế hiệu [790b] Thi-khí Như Lai, Chí chân, đẳng chánh giác.
“Lại 31 kiếp Có Phật hiệu Tỳ-xá-phù Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác xuất hiện ở đời.
“Trong Hiền kiếp này, có Phật xuất thế hiệu Câu-lưu-tôn Như Lai, Ứng cúng, Đẳng chánh giác.
“Lại trong Hiền kiếp có Phật xuất thế hiệu Câu-na-hàm-mâu-ni Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác.
“Lại trong Hiền kiếp có Phật xuất thế hiệu Ca-diếp.
“Lại trong Hiền kiếp, Ta, Thích-ca Văn Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác, xuất hiện ở đời.”
Rồi Thế Tôn nói bài kệ này:
Trong chín mươi mốt kiếp
Có Phật Tỳ-bà-thi.
Trong ba mươi mốt kiếp
Xuất hiện Phật Thi-khí.
Lại ở trong kiếp đó
Xuất hiện Phật Tỳ-xá.
Ngày nay trong Hiền kiếp
Bốn Phật lại ra đời:
Câu-tôn, Na, Ca-diếp,
Như mặt trời soi đời.
Nếu muốn rõ tên họ,
Và danh hiệu, như vậy
“Tỳ-bà-thi Như Lai xuất hiện trong chủng tộc sát-lợi. Thi-khí Như Lai cũng xuất hiện trong sát-lợi. Tỳ-xá-phù Như Lai cũng từ sát-lợi. Câu-lưu-tôn xuất hiện trong dòng Bà-la-môn. Câu-na-hàm-mâu-ni xuất hiện trong dòng bà-la-môn. Ca-diếp Như Lai xuất hiện trong dòng bà-la-môn. Như Ta nay xuất hiện trong dòng sát-lợi.”
Rồi Thế Tôn nói bài kệ này:
Các Phật trước xuất hiện
Đều từ dòng sát-lợi.
Câu-tôn, đến Ca-diếp,
Xuất từ Bà-la-môn.
Chí tôn không ai bằng.
Ta nay Thầy trời người,
Với các căn tịch tĩnh,
Xuất từ dòng sát-lợi.
“Tỳ-bà-thi Như Lai họ Cù-đàm.[121] Thi-khí Như Lai cũng từ họ Cù-đàm. Tỳ-xá-phù cũng họ Cù-đàm. Ca-diếp Như Lai xuất từ họ Ca-diếp. Câu-lâu-tôn, Câu-na-hàm-mâu-ni, cũng đòng họ Ca-diếp không khác. Ta, Như Lai đời hiện tại, có họ Cù-đàm.’
Bấy giờ Thế Tôn bèn nói bài kệ này:
Các Phât Chánh giác đầu
Xuất từ họ Cù-đàm.
Ba vị tiếp Ca-diếp,
Đều có họ Ca-diếp.
[790c] Như Ta đời hiện tại,
Chư thiên nhân cúng dường,
Các căn đều tịch tĩnh,
Xuất từ họ Cù-đàm.
“Tỳ kheo, nên biết, Tỳ-bà-thi Như Lai có họ[122] là Câu-lân-nhã.[123] Thi-khí Như Lai cũng xuất từ Câu-lân-nhã. Tỳ-xá-phù Như Lai cũng xuất từ Câu-lân-nhã. Câu-lưu-tôn Như Lai xuất từ Bà-la-đọa. Câu-na-hàm-mâu-ni cũng xuất từ Bà-la-đọa. Ca-diếp Như Lai cũng xuất từ Bà-la-đọa.[124]”
Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ này:
Ba vị Chánh giác đầu
Xuất từ Câu-lân-nhã.
Sau cho đến Ca-diếp
Đều từ Bà-la-đọa.
Như Ta đời hiện tại,
Chư thiên nhân cúng dường,
Các căn đều tịch tĩnh,
Xuất từ Câu-lân-nhã.[125]
“Tỳ-bà-thi Như Lai ngồi dưới cây hoa Ba-la-lợi[126] mà thành Phật đạo. Thi-khí Như Lai ngồi dưới cây Phân-đà-lợi[127] mà thành Phật đạo. Tỳ-xá-phù Như Lai ngồi dưới cây Sa-la[128] mà thành Phật đạo. Câu-lưu-tôn Như Lai ngồi dưới cây Thi-lợi-sa[129] mà thành Phật đạo. Câu-na-hàm-mâu-ni Như Lai ngồi dưới cây Ưu-đầu-bát-la[130] mà thành Phật đạo. Ca-diếp Như Lai ngồi dưới cây Ni-câu-lưu[131] mà thành đạo quả. Như Ta Như Lai trong đời hiện tại ngồi dưới cây Cát-tường[132] mà thành Phật đạo.”
Vị thứ nhất thành đạo
Dưới cây Ba-la-lợi.
Thi-khí, Phân-đà-lợi.
Tỳ-xá, cây Sa-la.
Câu-tôn, cây Thi-lợi.
Câu-na, cây Bạt-la.
Ca-diếp, cây Câu-lưu.
Ta dưới cây Cát tường.
Bảy Phật, Thiên trung Thiên,
Soi tỏ khắp thế gian,
Nhân duyên dưới bóng cây,
Mà chứng thành đạo quả.
“Tỳ-bà-thi Như Lai có đệ tử là đại chúng gồm 16 vạn 8 nghìn người. Thi-khí Như Lai có đệ tử với đại chúng gồm 16 vạn người. Tỳ-xá-phù Như Lai có đệ tử là đại chúng 10 vạn người. Câu-lưu-tôn Như Lai có đệ tử là đại chúng 8 vạn người. [791a] Câu-na-hàm-mâu-ni Như Lai có đệ tử là chúng 7 vạn người. Ca-diếp Như Lai có đệ tử là chúng 6 vạn người. Ta nay chúng đệ tử có 1250 người. Thảy đều là A-la-hán, vĩnh viễn dứt sạch các lậu, không còn các triền phược.”
Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ này:
Trăn nghìn sáu vạn tám,
Đệ tử Tỳ-bà-thi.
Trăm nghìn thêm sáu vạn,
Chúng đệ tử Thi-khí.
Chúng Tỳ kheo trăm nghìn,
Đệ tử Tỳ-xá-bà.
Câu-tôn, chúng tám vạn.
Câu-na-hàm bảy vạn
Ca-diếp, chúng sáu vạn.
Thảy đều A-la-hán.
Ta nay Thích-ca Văn,
Nghìn hai trăm năm chục,
Đều là bậc Chân nhân,
Hiện đang hành giáo pháp.
Đệ tử theo di giáo,
Con số không thể lường.
“Tỳ bà-thi Như Lai có thị giả tên là Đại Đạo Sư.[133] Thi-khí Như Lai có thị giả tên là Thiện Giác.[134] Tỳ-xá-phù Như Lai có thị giả tên là Thắng Chúng.[135] Câu-lưu-tôn Như Lai có thị giả tên là Cát Tường.[136] Câu-na-hàm-mâu-ni Như Lai có thị giả tên là Tỳ-la-tiên.[137] Ca-diếp Như Lai có thị giả tên là Đạo Sư.[138] Ta nay có thị giả tên là A-nan.”
Bấy giờ Thế Tôn nói kệ:
Đại Đạo và Thiện Giác,
Thắng Chúng và Cát Tường,
Tỳ-la-tiên, Đạo Sư,
A-nan. Bảy thị giả.
Những vị này hầu Phật,
Không khi nào sái thời;
Phúng tụng và thọ trì,
Không để mất nghĩa lý.
“Tỳ-bà-thi Như ai thọ 8 vạn 4 nghìn tuổi. Thi-khí Như Lai thọ 7 vạn tuổi. Tỳ-xá-phù Như Lai thọ 6 vạn tuổi. Câu-lưu-tôn Như Lai thọ 5 vạn tuổi. Câu-na-hàm Như Lai thọ 4 vạn tuổi. Ca-diếp Như Lai thọ 2 vạn tuổi. Ta ngày nay thọ mạng rất vắn. Tuổi thọ dài nhất không quá một trăm.”
Bấy giờ Thế Tôn nói kệ:
Phật đầu, tám vạn tư.
Phật kế, 7 vạn tuổi.
Tỳ-xá-bà sáu vạn.
Câu-lưu thọ 5 vạn.
[791b] Gấp đôi số hai vạn
Tuổi thọ Câu-na-hàm.
Ca-diếp thọ hai vạn.
Chỉ Ta thọ trăm tuổi.
“Như vây, này các Tỳ kheo, Như Lai quán sát biết rõ tên họ, danh hiệu của chư Phật; tất cả đều rõ ràng; chủng loại, xuất xứ, thảy đều quán triệt; trì giới, thiền đinh, trí tuệ, giải thoát, thảy đều thấu rõ.”
Bấy giờ A-nan bạch Thế Tôn:
“Như Lai cũng nói, Như Lai biết rõ quá khứ hằng sa chư Phật đã diệt độ, và vị lai hằng sa chư Phật sẽ xuất hiện. Vì sao Như Lai không ghi nhận những việc làm của ngần ấy chư Phật, mà nay chỉ nói đến sự tích của bảy vị Phật?”
Phật bảo A-nan:
“Tất cả đều có nhân duyên nên Như Lai chỉ nói sự tích của bảy vị Phật. Hằng sa chư Phật trong quá khứ cũng chỉ nói sự tích của bảy Phật. Tương lai Di-lặc xuất hiện ở đời cũng chỉ nói sự tích bảy Phật. Như khi Sư Tử Ưng Như Lai xuất hiện, cũng sẽ nói sự tích bảy Phật. Khi Phật Thừa Nhu Thuận xuất hiện ở đời, cũng sẽ nói sự tích bảy Phật. Khi Phật Quang Diệm xuất hiện ở đời cũng sẽ nói sự tích bảy Phật. Khi Phật Vô Cấu xuất hiện ở đời, cũng sẽ ghi nhận sự tích Phật Ca-diếp. Khi Phật Bảo Quang xuất hiện ở đời, cũng sẽ ghi nhận sự tích Thích-ca Văn.”
Bấy giờ Thế Tôn nói kệ này:
Sư Tử, Nhu Thuận, Quang,
Vô Cấu và Bảo Quang,
Tiếp theo sau Di-lặc,
Thảy đều thành Phật đạo.
Di-lặc kể Thi-khí.
Sư Tử thuật Tỳ-xá.
Nhu Thuận kể Câu-tôn.
Quang Diệm kể Mâu-ni.
Vô Cấu kể Ca-diếp.
Thảy đều nói bởi duyên.
Bảo Quang thành Chánh giác,
Sẽ kể danh hiệu Ta.
Phật Chánh giác quá khứ,
Cũng như Phật tương lai,
Đều kể truyện bảy Phật,
Và sự tích gốc ngọn.
“Thảy đều có nhân duyên nên Như Lai ghi nhận danh hiệu chỉ bảy Phật thôi.”
A-nan bạch Phật:
“Kinh này tên gì? Phụng hành như thế nào?”
Phật nói:
“Kinh này gọi là “Ký Phật danh hiệu.” Hãy ghi nhớ phụng hành.”
Bấy giờ A-nan và các Tỳ kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 5
[791c] Một thời Phật trú tại Ca-lan-đà, Trúc viên, thành La-duyệt.
Bấy giờ trưởng giả Sư Tử đi đến Xá-lợi-phất, cúi đầu lễ dưới chân, rồi ngồi xuống một bên. Trưởng giả Sư Tử bạch Xá-lợi-phất rằng:
“Cúi mong tôn giả nhận lời thỉnh của con.”
Xá-lợi-phất im lặng nhận lời. Khi trưởng giả thấy Tôn giả im lặng nhận lời, bèn rời chỗ ngồi đứng dậy, cúi lạy dưới chân, rồi lui ra.
Ông lại đi đến Đại Mục-kiền-liên, Ly-việt, Đại Ca-diếp, A-na-luật, Ca-chiên-diên, Mãn Nguyện Tử, Ưu-bà-ly, Tu-bồ-đề, La-hầu-la, Quân-đầu Sa-di. Các vị thượng thủ như vậy cùng với năm trăm vị.
Bấy giờ trưởng giả trở về nhà sửa soạn đủ các thức ăn hết sức ngon lành, trải các chỗ ngồi rất đẹp. Sau đó, đến thưa là đã đến giờ:
“Thưa các Chân nhân A-la-hán biết cho, nay thức ăn đã dọn xong, cúi mong các vị hạ cố đến nhà con.”
Khi ấy các Đại Thanh văn khóac ba y, cầm bát, đi vào thành, đến nhà ông trưởng giả. Trưởng giả thấy các vị Tôn giả đã yên chỗ ngồi rồi, tự tay san sớt, bưng dọn các thức ăn. Khi thấy Thánh chúng ăn xong, sau khi dùng nước rửa, ông dâng cúng mỗi vị một tấm lụa trắng, và bước lên trước để nhận chú nguyện. Lúc bấy giờ Xá-lợi-phất thuyết một bài pháp cực kỳ vi diệu cho ông trưởng giả nghe. Sau đó, ngài rời chỗ ngồi đứng dậy, trở về tĩnh thất.
Bấy giờ La-hầu-la đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn hỏi:
“Ngươi từ đâu đến đây?”
La-hầu-la đáp:
“Hôm nay con được trưởng giả Sư Tử đến thỉnh.”
Phật hỏi:
“Thế nào, La-hầu-la, ăn uống có ngon hay không ngon?”
La-hầu-la đáp:
“Thức ăn rất ngon và rất dồi dào. Nay con nhận được tấm lụa trắng này từ đó.”
Phật hỏi:
“Chúng Tăng đến đó bao nhiêu người? Ai là thượng tọa?”
La-hầu-la bạch:
“Hòa thượng Xá-lợi-phất ở đầu hàng Thượng thủ. Các đệ tử thần đức khác có 500 vị.”
Phật bảo La-hầu-la:
“La-hầu-la, trưởng giả ấy có được phước nhiều không?”
La-hầu-la bạch Phật:
“Vâng, bạch Thế Tôn, ông trưởng ấy được phước báo không hể kể xiết. Thí cho một vị A-la-hán, phước còn khó hạn lượng, huống gì các bậc được chư thiên thần diệu cung kính. Hôm nay có 500 vị thẩy đều là bậc Chân nhân. Cho nên của phước của ông ấy làm sao mà lường hết được.”
Phật bảo La-hầu-la:
“Nay công đức do bố thí 500 vị La-hán, so với công đức bố thí cho một sa-môn là người được sai cử thứ tự từ trong Tăng [792a] khi Tăng được thỉnh cúng dường; phước từ người được sai cử trong chúng này so với phước bố thí 500 La-hán, nhiều gấp trăm lần, nghìn lần, hàng ức vạn lần, không thể lấy thí dụ mà biết được. Vì sao? Phước từ người được Chúng sai cử khó mà hạn lượng, đưa đễn chỗ cam lộ, diệt tận.
“La-hầu-la, nên biết, như có người tự mình thề rằng, ‘Tôi sẽ uống hết nước trong các sông ngòi. Người ấy có thể làm được như vậy chăng?”
La-hầu-la bạch Phật:
“Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì sao? Diêm-phù-địa này rất rộng lớn. Có bốn con sông lớn của Diêm-phù-địa, một là Hằng-già, hai là Tân-đầu, ba là Tư-đà, bốn là Bác-xoa. Mỗi con sông còn có 500 chi lưu. Người ấy không bao giờ có thể uống cho hết được. Chỉ nhọc công mà chẳng bao giờ thành.”
“Người ấy lại nói rằng, ‘Ta tự mình có phương tiện nhân duyên có thể uống hết các con nước.’ Nhân duyên gì mà có thể uống hết các con nước? Khi ấy, người này nghĩ rằng, ‘Tôi sẽ uống nước biển. Vì sao? Tất cả con sông đều đổ vào biển.’ Thế nào, La-hầu-la, người ấy có thể uống hết các con nước chăng?”
La-hầu-la bạch Phật:
“Bằng phương tiện như vậy thì có thể uống hết các con nước. Vì sao? Tất cả mọi dòng nước đều đỏ vào biển. Cho nên người ấy có thể uống hết nước.”
Phật nói:
“Cũng vậy, La-hầu-la. Hết thảy sự bố thí riêng từ đều như dòng nước kia, hoặc được phước, hoặc không được phước. Chúng Tăng như biển cả kia. Vì sao? Cũng như nước của các sông khi đổ vào biển đều mất tên cũ, mà chỉ có một gọi là biển cả. La-hầu-la, ở đây cũng vậy. Nay mười hạng người đều từ trong Chúng mà ra; không có Chúng thì không thành. Những gì là mười? Đó là, hướng Tu-đà-hoàn, Tu-đà-hoàn, hướng Tư-đà-hàm, Từ-đà-hàm, hướng A-na-hàm, A-na-hàm, hướng A-la-hán, đắc A –la-hán, Bích-chi Phật, và Phật. Đó là mười hạng người đều do từ trong Chúng, không đơn độc, không biệt lập.
“La-hầu-la, hãy do phương tiện này mà biết rằng, với người được sai cử từ Chúng, phước ấy không thể hạn lượng. Cho nên, này La-hầu-la, thiện nam tử, thiện nữ nhân nào muốn cầu phước không thể kể xiết ấy hãy cúng dường Thánh chúng.
“La-hầu-la, nên biết, cũng như người lấy bơ bỏ vào nước, nó đặc lại chứ không tan ra. Nếu đem dầu bỏ vào nước, nó lan khắp trên mặt nước. [792b] Cho nên, này La-hầu-la, hãy nhớ nghĩ cúng dường Thánh chúng, Tăng Tỳ kheo. La-hầu-la, hãy học điều này như vậy.”
Bấy giờ trưởng giả Sư Tử nghe Như Lai tán thán phước do bố thí Chúng, chứ không tán thán các phước khác. Vào một lúc khác, ông trưởng giả đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân rồi ngồi xuông một bên. Trưởng giả bạch Thế Tôn:
“Con có nghe Như Lai tán thán phước do bố thí Chúng, mà không tán thán phước do người được biệt thỉnh. Từ nay về sau, con sẽ thường xuyên cúng dường Thánh chúng.”
Phật nói:
“Ta không nói như vậy, rằng cúng dường Thánh chúng chứ đừng cúng dường người khác. Nay cúng bố thí cho súc sanh còn được phước, huống nữa cho người. Nhưng điều mà Ta nói, là phước nhiều hay ít. Vì sao vậy? Thánh chúng của Như Lai là bậc đáng kính, đáng quý trọng, là ruộng phước tối thượng của thế gian. Nay trong Chúng này có bốn Hướng và bốn Quả,[139] cùng Thanh văn thừa, Bích-chi-phật thừa, Phật thừa. Thiện nam tử, thiện nữ nhân nào muốn chứng đắc đạo của ba thừa, hãy tìm cầu từ trong Chúng. Vì sao vậy? Đạo của ba thừa đều xuất từ trong Chúng.
“Này Trưởng giả, Ta quán sát nhân duyên ý nghĩa này cho nên mới nói như vậy. Ta cũng không khuyên dạy người chỉ nên cúng dường Thánh chúng chứ đừng cho các người khác.”
Khi ấy ông trưởng giả bạch Thế Tôn:
“Đúng vậy, như lời Thế Tôn dạy. Từ nay về sau, nếu có làm phước nghiệp, con thảy đều cúng dường Thánh chúng, không lựa chọn người mà cho.”
Sau đó, Thế Tôn nói pháp vi diệu cho ông trưởng giả, khiến ông sanh tâm hoan hỷ. Trưởng giả nghe xong, rời chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lạy dưới chân, rồi cáo lui.
Ý của trưởng giả Sư Tử lúc bấy giờ muốn lập phước nghiệp. Chư thiên khi ấy đến bảo ông rằng: “Vị này là hướng Tu-đà-hoàn. Vị này đắc Tu-đà-hoàn. Hãy thí cho vị này sẽ được phước nhiều. Thí cho vị kia sẽ được phước ít.” Rồi chư thiên này nói bài kệ:
Phật khen thí lựa chọn.
Cho vị có đức này,
Cho vi ấy phước nhiều,
Như ruộng tốt trổ mạ.
Trưởng gia Sư Tử khi ấy im lặng không trả lời. Chư thiên này lại nói với trưởng giả: “Đây là người trì giới. Đây là người phạm giới. Đây là vị hướng Tu-đà-hòan. Đây là vị đắc Tu-đà-hoàn. Vị này là hướng Tu-đà-hàm. Vị này đắc Tư-đà-hàm. Vị này hướng A-na-hàm. Vị này đắc A-na-hàm. Vị này hướng A-la-hán. Vị này đắc A-la-hán. Vị này là Thanh văn thừa. Vị này là Bích-chi-phật thừa. Vị này là Phật thừa. Thí cho vị này được ít phước. Thí cho vị này được nhiều phước.”
Bấy giờ trưởng giả Sư Tử im lặng không trả lời. Vì sao vậy? Ông chỉ nhớ đến giáo giới của Như Lai, là bố thí mà không lựa chọn.
Vào một lúc khác, trưởng Sư Tử lại đi đến Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân, rồi ngồi xuống một bên. Ông nói:
“Con ghi nhớ nên thỉnh Thánh chúng dùng cơm. Có vị Trời đến bảo con, ‘Đây là người trì giới. Đây là người phạm giới. Đây là vị hướng Tu-đà-hoàn. Đây là vị đắc Tu-đà-hoàn.’ Cho đến, cả ba thừa, thảy đều phân biệt. Vị Trời ấy lại nói kệ:
Phật khen thí lựa chọn.
Cho vị có đức này,
Cho vị ấy, phước nhiều,
Như ruộng tốt trổ mạ.
“Khi ấy con lại nghĩ như vầy: Không nên làm trái giáo giới của Như Lai. Há có ṭhể sanh tâm lựa chọn sao? Không bao giờ nên có tâm thị phi ý cao thấp. Rồi con lại nghĩ: Ta sẽ bố thí cho hết thảy mọi loài chúng sanh. Ai trì giới, người ấy được phước vô cùng. Ai phạm giới, tự mình lãnh thọ tai ương.Ta chỉ vì thương xót chúng sanh rằng không ăn thì không thể sống.”
Phật bảo ông trưởng giả:
“Lành thay, lành hay, Trưởng giả, ông có thệ nguyện rộng lớn như vậy! Bồ tát bố thí với tâm luôn luôn bình đẳng. Trưởng giả nên biết, khi Bồ tát huệ thí, chư thiên đến bảo rằng,’Thiện nam tử, nên biết, đây là người trì giới. Đây là người phạm giới, thí đây, được phước nhiều, thí đây được phước ít.’ Bồ tát bấy giờ không hề có tâm như vậy, răng ‘Nên thí đây. Không nên thí đây.’ Nhưng Bồ tát giữ tâm ý không có thị phi. Không nói, đây trì giới. Cũng không nói, đây phạm giới. Cho nên, này Trưởng giả, hãy với tâm niệm bình đẳng mà huệ thí, trong lâu dài được phước vô lượng.”
Bấy giờ ông trưởng giả ghi nhớ lời dạy của Như Lai, nhìn chăm chú Thế Tôn, ý không di động, tức thì ngay trên chỗ ngồi mà được pháp nhãn thanh tịnh. Sau đó, ông trưởng giả rời chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lạy dưới chân Phật, rồi lui ra.
Ông trương giả đi chưa bao lâu, Phật nói với các Tỳ kheo:
“Trưởng giả Sư Tử này do ghi nhớ bình đẳng thí, lại nhìn kỹ Như Lai từ đầu đến chân, tức thì ngay trên chỗ ngồi mà được pháp nhãn thanh tịnh.”
Rồi Phật bảocác Tỳ kheo:
[793a] “Trong hàng ưu-bà-tắc của Ta, đệ tử đệ nhất bình đẳng thí, đó là trưởng giả Sư Tử.”
Bấy giờ các Tỳ kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 6[140]
Nghe như vậy:
Một thời Phật trú tại Ca-lan-đà, Trúc viên, thành La-duyệt, cùng chúng 500 đại Tỳ kheo.
Bấy giờ Tôn giả Xá-lơi-phất đang vá y trong một hang vắng trong núi Kỳ-xà-quật. Khi ấy có một nghìn Phạm-di-ca từ cõi Phạm thiên biến mất và xuất hiện trước Xá-lợi-phất, cúi đầu lạy dưới chân, nhiễu quanh ba vòng, rồi đứng hầu, và nói bài kệ tán thán này:
Quy mạng đấng Thượng nhân.
Quy mạng đấng Tôn quý.
Nay chúng tôi không biết
Ngài y nơi thiền nào?
Sau khi các trời Phạm-di-ca nói xong bài kệ này, Xá-lợi-phất im lặng chấp nhận. Chư thiên sau khi thấy Xá-lợi-phất im lặng chấp nhận rôi, bèn cúi lạy dưới chân mà lui.
Chư thiên đi chưa xa, Xá-lợi-phất liền nhập Kim cang tam-muội. Khi ấy có hai con quỷ; một tên là Già-la, và một tên là Ưu-bà-già-la. Chúng được Tỳ-sa-môn Thiên vương sai đi đến Tỳ-lâu-lặc-xoa Thiên vương để luận bàn việc người và trời. Khi hai con quỷ bay ngang qua hư không, chúng từ xa thấy Xá-lợi-phất ngồi kiết già, buộc niệm trước mắt, tâm ý tịch nhiên định. Quỷ Già-la nói với quỷ kia:
“Bấy giờ ta có thể nắm tay đấm lên đầu sa-môn này.”
Quỷ Ưu-bà-già-la nói với con quỷ thứ hai:
‘Ngươi chớ có khởi ý nghĩ đánh lên đầu sa-môn. Vì sao? Sa-môn này có thần đức, có oai lực rất lớn. Vị Tôn giả này tên là Xá-lợi-phất. Trong hàng đệ tử của Thế, ngài là vị thông minh tài cao không ai hơn, là đệ nhất trí tuệ trong các đệ tử. Nếu không, ngươi sẽ chịu khổ vô lượng lâu dài.”
Nhưng con quỷ kia lặp lại ba lần, nói:
“Ta có thể đánh lên đầu sa-môn này.”
Quỷ Ưu-bà-già-la nói:
“Ngươi không nghe lời ta, thì ngươi cứ ở lại đây. Ta sẽ bỏ ngươi mà đi.”
Con ác quỷ kia nói:
“Ngươi sợ sa-môn sao?”
Quỷ Ưu-ba-già-la nói:
“Ta sợ thật. Nếu ngươi lấy tay đánh sa-môn này, đất này sẽ nứt làm hai. Ngay lúc đó mưa to gió lớn sẽ nổi lên. Đất cũng rung động, chư thiên kinh sợ. Khi đất rung động, Tứ thiên vương cũng kinh sợ. Tứ thiên vương mà kinh sợ, [793b] chúng ta không ở yên được đâu.”
Khi ấy, con ác quỷ nói:
“Ta có thể làm nhục sa-môn này.”
Con quỷ thiện nghe thế liền bỏ đi. Con quỷ ác kia bèn lấy tay đánh vào đầu Xá-lợi-phất. Tức thì, trời đất bị chấn động. Bốn phía mưa to gió lớn kéo đến. Đất liền nứt làm hai.Con quỷ ác này cả tòan thân rơi xuống địa ngục.
Sau đó, Tôn giả Xá-lợi-phất từ tam-muội dậy, sửa lại y phục, và bước xuống núi Kỳ-xà-quật, đi đến Thế Tôn tại vườn Trúc, cúi đầu lạy dưới chân, rồi ngồi xuống một bên.
Bấy giờ Phật bảo Xá-loại-phất:
“Thân thể ông nay không có bệnh tật gì chăng?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Thân thể con nguyên chẳng bệnh hoạn gì. Duy chỉ có nhức đầu.”
Thế Tôn nói:
“Quỷ Già-la lấy tay đánh vào đầu ông. Nếu nó lấy tay đánh vào núi Tu-di, núi ấy cũng bị vỡ làm đôi. Vì sao? Con quỷ ấy có sức mạnh to lớn. Nay nó đã chịu tội báo, toàn thân rời vào địa ngục A-tỳ.”
Rồi Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Kỳ diệu thay, hy hữu thay, Kim cang tam-muội có uy lực như vậy! Do uy lực của tam-muội này, không có gì làm tổn thương được. Gỉa sử mang cả núi Tu-di mà dộng vào đầu, nó cũng không hề làm tổn thương một sợi lông. Vì sao vậy? Tỳ kheo, hãy lắng nghe!
“Trong Hiền kiếp này có Phật hiệu Câu-lưu-tôn Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác. Đức Phật ấy có hai Đại Thanh văn; một tên là Đẳng Thọ, và một tên là Đại Trí.[141] Tỳ kheo Đẳng Thọ có thần túc đệ nhất. Tỳ kheo Đại Trí có trí tuệ đệ nhất; như Ta hiện nay có Xá-lợi-phất là trí tuệ đệ nhất và Mục-kiền-liên là thần thông đệ nhất. Hai vị Tỳ kheo này, Đẳng Thọ và Đại Trí, đều đắc Kim cang tam-muội. Vào một lúc, Tỳ kheo Đẳng Thọ nhập Kim cang tam-muội[142] tại một nơi vắng vẻ. Khi ấy, bọn chăn bò, chăn dê và những người đi lấy củi thấy Tỳ kheo này đang tọa thiền, họ bảo nhau rằng, ‘Sa-môn này hôm này đã bị vô thường bắt rồi.’ Những người chăn bò và lấy củi bèn gom lá, cây các thứ chất lên mình Tỳ kheo, xong rồi châm lửa đổi, và sau đó bỏ đi. Khi Tỳ kheo Đẳng Thọ rời khỏi tam-muội, sửa lại y phục, rồi bỏ đi. Ngay ngày hôm đó, Tỳ kheo khóac y, cầm bát vào thôn khất thực. Những người lấy củi lượm cỏ thấy Tỳ kheo này vào thôn khất thực, liền bảo nhau, ‘ [793c] Tỳ kheo này chết từ hôm qua rồi. Chúng ta đã châm lửa thiêu. Hôm nay ông ấy sống lại. Bây giờ nên đặt tên cho ông, gọi là Hoàn Hoạt.’[143]
“Tỳ kheo nào đắc Kim cang tam-muội, lửa đốt không cháy, dao chém không đứt; xuống nước không bị chìm; không bị ai đả thương. Như vậy, này Tỳ kheo, Kim cang tam-muội có uy đức như vậy. Nay Xá-lợi-phất đắc tam-muội này. Tỳ kheo Xá-lợi-phất phần nhiều an trú trong hai chỗ, là Không tam-muội và Kim cang tam-mội. Cho nên, Tỳ kheo, hãy tìm cầu phương tiện hành kim cang tam-muội.
“Tỳ kheo, hãy học điều này như vậy.”
Rồi Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Ta sẽ dạy các ông, như Tỳ kheo Xá-lợi-phất, là Tỳ kheo trí tuệ, đại trí, phân biệt trí, quảng trí, vô biên trí, tiệp tật trí, phổ du trí, lợi trí, thậm thâm trí, đoạn trí, thiểu dục tri túc, tịch tĩnh, dũng mãnh, niệm không phân tán, giới thành tựu, tam-muội thành tưu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, giải thoát tri kiến huệ thành tựu, nhu hòa, vô tránh, đoạn trừ sự ác, đắc biện tài, huệ biện vô ngại, tán thán sự dứt trừ ác, thường niệm xả ly, thương xót quần sanh, nhiệt hành chánh pháp, thuyết pháp cho người không hề mệt mỏi.”
Bấy giờ Thế Tôn nói kệ:
Mười nghìn các dân trời,
Thảy đều Phạm-ca-di,
Tự quy Xá-lợi-phất,
Ở trên đỉnh Linh thứu.
Quy mạng đấng Thượng nhân.
Quy mạng đấng Tôn quý.
Nay chúng tôi không biết
Ngài y nơi thiền nào?
Hoa đệ tử như vậy
Làm đẹp cây Phật đạo.
Như vườn Trú độ[144] trời,
Khoái lạc không thể sánh.
“Hoa đệ tử, tức là Tỳ kheo Xá-lợi-phất. Vì sao vậy? Con người này có thể làm đẹp cây Phật, cây Đạo, tức là Như Lai vậy. Như Lai che mát tất cả chúng sanh. Cho nên, Tỳ kheo, hãy chuyên niệm tinh cần, dũng mành tinh tấn, như Tỳ kheo Xá-lợi-phất. Tỳ kheo, hãy học điều này như vậy.”
Bấy giờ các Tỳ kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.[145]


Chú thích:
[120] Tham chiếu Pali, D. 14 Mahāpadāna (R. ii. 1). Hán, Trường 1, kinh 1 “Đại bản”.
[121] Nguyên Hán: tánh 姓. Đoạn dưới cũng nói tánh thuộc Câu-lân-nhã. Có sự lần lộn vè dụng ngữ tr0ng bản hán dịch này. Xem cht. dưới.
[122] Tánh, Pali: gotta, tức dòng họ, chỉ phương diện huyết thống.
[123] Câu-lân-nhã 拘[*][18]若. Pali: Koṇḍañña. Trên kia cũng nói là tánh Cù-đàm. Trường 1 cũng như Pali, chỉ nói tánh Câu-lị-nhã 拘利若, không nói đến tánh Cù-đàm.
[124] Bà-la-đọa 婆羅墮. Ba vị sau này, Trường 1 và Pali đều nói thuộc dòng họ Ca-diếp, như đoạn trên; không nói đến Bà-la-đọa.
[125] Không thấy nơi nào khác nói Thích-tôn thuộc họ Câu-lân-nhã.
[126] Ba-la-lợi 波羅利. Pali: Pāṭali, cây có hoa màu hồngnhạt, tên khoa học Bignonia suaveola.
[127] Phân-đà-lợi 分陀利. Pa;i: Puṇḍarīka, sen trắng.
[128] Để bản chép: ba-la 波羅; nên sửa lại là sa-la 沙羅. Pali: Sāla.
[129] Thi-lợi-sa 尸利沙. Pali: Sirīsa, Skt. śirṣa, hoa hợp hôn (Huyền ứng âm nghĩa).
[130] Ưu-đầu-bát-la 優頭跋羅. Pali: Udumbara.
[131] Ni-câu-lưu 尼拘留. Pali: Nigrodha, Skt. nyagrodha, môt loại cây đa hay sung (Ficus indiaca).
[132] Cát tường 吉[30]祥. Pali: Assattha; Skt. aśvattha, cáy yường thọ (Ficus religiosa).
[133] Đại Đạo Sư. Trường 1, thị giả Vô Ưu 無憂. Pali: Asoka.
[134] Thiện Giác. Trường 1, thị giả Nhẫn Hành 忍行. Pali: Khemaṅkaro.
[135] Thắng Chúng. Trường 1, thị giả Tịch Diệt 寂滅. Pali: Upasanto.
[136] Cát Tường. Trường 1, thị giả Thiện Giác 善覺. Pali: Buddhijo.
[137] Tỳ-la-liên. Trường 1, thị giả An Hòa 安和. Pali: Sotthijo.
[138] Đạo Sư. Trường 1, thị giả Thiên Hữu 善友. Pali: Sabbamitto.
[139] Nguên Hán: đắc.
[140] Cf. Tạp (Việt) kinh 1244; Ud. 4.4. Juṇha.
[141] Đẳng Thọ 等壽 và Đại Trí 大智. Pali: Sañjīva, Vidhura; cf. D.ii. 7.
[142] Trung kinh 131, M. 50: nhập diệt tận định (saññāvedayitanirodha).
[143] Hoàn Hoạt 還活, Pali: Sañjīva (cf. M.i. 333), trên kia dịch là Đẳng Thọ.
[144] Cây Trú độ (Pali: Pāricchattaka) trên trời Tam thập tam. Xem kinh số 2 phẩm 39. Cf. Trung 1, knh 2 (tr. 422a20).
[145] Bản hán, hết quyển 45.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 51 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Học Phật Đúng Pháp


Chớ quên mình là nước


Hoa nhẫn nhục


Quy nguyên trực chỉ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 18.221.98.71 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập