Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 47 »»

Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 47


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.64 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.8 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Tăng Nhất A Hàm

Kinh này có 51 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49 | 50 | 51 |
Việt dịch: Thích Đức Thắng

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Bấy giờ Thế Tôn liền thè lưỡi ra, hai bên liếm đến tai. Rồi Ngài rút lưỡi trở lại, và nhập tam-muội, khiến cho bà-la-môn trông thấy mã âm tàng. Bà-la-môn sau khi thấy 32 tướng và 80 vẻ đẹp của Phật, hoan hỷ phấn chấn không thể dừng được. Bà-la-môn Thi-la liền bạch Phật:
“Ở đây tôi là bà-la-môn. Sa-môn là dòng sát-lợi. Nhưng sa-môn, bà-la-môn đều chung một con đường, tìm cầu một giải thoát như nhau. Sa-môn có thừa nhận chúng ta cùng một con đường chăng?”
Phật bảo [800a] bà-la-môn:
“Ông có thấy vậy chăng?”
Bà-la-môn đáp:
“Tôi thấy như vậy.”
Phật bảo:
“Ông hãy khởi tâm ý hướng về một giải thoát duy nhất, đó là chánh kiến.”
Bà-la-môn bạch Phật:
“Chánh kiên tức là một giải thoát duy nhất, hay còn có giải thoát nào nữa?”
Thế Tôn nói:
“Còn có giải thoát khác nữa, để đắc Niết-bàn. Sự ấy có tám. Đó là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Bà-la-môn, đó là đạo có tám chi dẫn đến Nết-bàn.”
Bà-la-môn hỏi:
“Có chúng sanh nào biết được đạo tám chi này không?”
Phật nói:
“Số ấy không chỉ một trăm nghìn. Bà-la-môn, nên biết, có vô số trăm nghìn chúng sanh biết đạo tám chi ấy.”
Bà-la-môn hỏi:
“Có hạng chúng sanh nào không hiểu được đạo tám chi này chăng?”
Phật nói:
“Hạng chúng sanh không hiểu, không phải chi một người.”
Bà-la-môn hỏi:
“Có hạng chúng sanh nào không thể đắc pháp này chăng?”
Phật nói:
“Cũng có hạng chúng sanh không đắc đạo. Hạng người ấy có mười một. Những gì là mười một? Đó là, gian ngụy, ác ngữ, khó can gián, không biết đền trả, hay ganh tị, giết cha mẹ, giết A-la-hán, đoạn thiện căn, việc thiện trở lại làm ác, chấp có ngã, khởi ác niệm nhắm đến Như Lai. Bà-la-môn, đó là mười một hạng người không thể đạt đến đạo tám chi này.”
Khi Phật nói đạo tám chi này, ông bà-la-môn liền dứt sạch trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Rồi bà-la-môn Thi-la nói với 500 đệ tử:
“Các ngươi ai có sở thích gì thì hãy tự mình tụng tập. Ta nay muốn theo Như Lai khéo tu phạm hạnh.”
Các đệ tử bạch rằng:
“Chúng con cũng muốn xuất gia học đạo.”
Bấy giờ, bà-la-môn cùng 500 đệ tử thảy đều quỳ xuống, chắp tay bạch Thế Tôn:
“Cúi mong Thế Tôn nhận cho chúng con xuất gia học đạo.”
Phật nói:
“Hãy khéo đến đây, Tỳ kheo! Hãy đến với Như Lai mà tu hành phạm hạnh vô thượng, để dần dần dứt sạch nguồn khổ.”
Như Lai nói xong lời này, 500 bà-la-môn tức thì thành sa-môn. Sau đó Thế Tôn lần lượt thuyết pháp, nói các đề tài vi diệu cho 500 người này nghe; đề tài về thí, về giới, sanh thiên, dục là bất tịnh tưởng, xuất yếu là an lạc. Như pháp mà chư Phật Thế Tôn thường thuyết, là Khổ, Tập, Tận, Đạo; Thế Tôn bấy giờ rộng nói chi tiết cho những người này nghe. Tức thì 500 người hoàn toàn dứt sạch các lậu, đắc pháp thượng nhân.
Bấy giờ [800b] bà-la-môn Sí-ninh đến báo:
“Đã đến thời, cúi mong thần đức hạ cố.”
Thế Tôn nói với Thi-la và 500 Tỳ kheo:
“Các ông thảy đều khóac y, cầm bát.”
Rồi Phật cùng với một nghìn Tỳ kheo vây quanh trước sau đi vào thành, đến nhà bà-la-môn, ngồi trên chỗ dọn sẵn.
Khi bà-la-môn Sí-ninh thấy 500 bà-la-môn đều đã trở thành sa-môn, bèn nói rằng:
“Lành thay! Các ông đã đi theo con đường chân chánh, không có gì hơn nữa.”
Bà-la-môn Thi-la nói với bà-la-môn Sí-ninh bằng bài kệ này:
Ngoài đây, không pháp nào
Vượt hơn pháp yếu này.
So loại tợ như vậy,
Chí thiện không đâu hơn.
Bấy giờ bà-la-môn Sí-ninh bạch Thế Tôn:
“Cúi mong Thế Tôn hoan hỷ đợi thêm chút nữa. Chúng con đang bày biện thêm thức ăn.”
Phật nói:
“Thức ăn đã làm, đúng thời thì dọn lên, chớ sợ không đủ.”
Bà-la-môn Sí-ninh vô cùng hoan hỷ, tự thân bưng sớt thức ăn cúng dường Phật và Tăng Tỳ kheo. Sau khi Thế Tôn và Tăng Tỳ kheo ăn xong, cất dọn chén bát xong, bà-la-môn rải đủ các loại hoa lên Phật Tăng Tỳ kheo, rồi bước lên trước bạch Phật rằng:
“Kính bạch Thế Tôn, hết thảy trai gái lớn nhỏ trong nhà con đều cầu xin Thế Tôn nhận là ưu-bà-tắc, ưu-bà-di.[178]”
Vợ của bà-la-môn lúc đang mang thai. Bà hỏi Phật:
“Con đang mang thai, không biết là trai hay gái, cũng xin từ quy y Như Lai. Cúi xin nhận con là ưu-bà-di.”
Bấy giờ Như Lai nói pháp vi diệu cho đại chúng nghe. Ngay trên chỗ ngồi, Ngài nói kệ rằng:
Đẹp thay, phước báo này!
Sở nguyện đều thành tựu.
Dần đến chỗ an ổn,
Không còn lo tai hoạn;
Khi chết, sanh lên trời.
Giả sử các Ma thiên
Cũng không thể khiến cho
Người làm phước đọa tội.
Những ai cầu phương tiện,
Trí tuệ của Thánh Hiền,
Sẽ dứt sạch gốc khổ,
Vĩnh viễn xa tám nạn.
Thế Tôn sau khi nói bài kệ này, rời chỗ ngồi đứng dậy ra đi.
Bấy giờ bà-la-môn Sí-ninh nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 7[179]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Ta hằng ăn một lần ngồi,[180] thân thể nhẹ nhàng, khí lực khỏe mạnh. Tỳ kheo các ông cũng nên ăn một bữa, thân thể nhẹ nhàng, khí lực mạnh khỏe, để có thể tu phạm hạnh.”
Lúc bấy giờ Bạt-đà-bà-la bạch Phật:
“Con không thể ăn một bữa. Vì sao vậy? Khí lực con sẽ yếu ớt.”
Phật nói:
“Nếu ông đền nhà đàn-việt, ăn một phần, còn một phần mang về nhà.”[181]
Bạt-đề-bà-la bạch Phật:
“Con cũng không thể thực hành pháp này.”
Phật nói:
“Cho phép ông phá bỏ trai,[182] mà ăn thông qua ngày.”
Bạt-đề-bà-la bạch Phật:
“Con cũng không thể thi hành pháp này.”
Khi ấy, Thế Tôn im lặng không trả lời.
Bấy giờ Ca-lưu-đà-di vào lúc sắp tối, mặt trời lặn, khốac y cầm bát vào thành khất thực. Khi ấy trời rất tối. Ưu-đà-di[183] lần hồi đi đến nhà một trưởng giả kia. Vợ của ông trưởng giả đang mang thai, nghe có tiếng sa-môn khất thực ngoài cửa, liền bưng cơm ra để cho. Nhưng vì Ưu-đà-di có sắc da cực kỳ đen, lại gặp lúc trời đang mưa, chớp giật khắp nơi, cho nên khi vợ ông trưởng gỉa ra cổng vừa thấy một ông sa-môn sắc da cực kỳ đen, tức thì kinh hãi la lớn:
“Quỷ! Trời ơi, tôi gặp quỷ!”
Ngay lúc ấy thai nhi bị chấn thương nên mạng chung.[184]
Sau đó, Ca-lưu-đà-di trở về tinh xá, ưu sầu không vui, ngồi mà suy nghĩ hối hận không còn kịp. Lúc bấy giờ trong thành Xá-vệ có tiếng đồn xấu như vầy: “Sa-môn họ Thích dùng chú thuật làm trụy thai con của người ta.” Trong đó, trai gái bảo nhau: “Thời giờ này các sa-môn đi đứng vô độ, ăn không biết phải thời, giống như người bạch y tại gia, có gì khác?”
Bấy giờ, số đông các Tỳ kheo nghe mọi người bàn luận lý lẽ như vậy: “Sa-môn họ Thích không biết chừng mực, lui tới bất kể.” Trong số đó, có Tỳ kheo trì giời hoàn hảo cũng tự oán trách: “Thật là không thích hợp đối với chúng ta.” Rồi họ đi đến Phật cúi đầu lạy dưới chân, và đem hêt nhân duyên ấy thuật lên đức Thế Tôn.. Thế Tôn bảo một Tỳ kheo:
“Ông đi gọi Ca-lưu-đà-di đến đây.”
Tỳ kheo ấy vâng lời Phật, tức thì đi gọi Ưu-đà-di. Ưu-đà-di nghe Phật gọi, vội vàng đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn hỏi:
“Có thật hôm qua vào lúc tối mặt trời lặn ông vào thành khất thực, đến nhà trưởng giả, khiên cho vợ ông ấy trụ thai chăng?”
Ưu-đà-di bạch Phật:
“Vâng, bạch Thế Tôn.”
Phật bảo Ưu-đà-[801a]di:
“Ông vì sao không phân biệt thời tiết, nhằm lúc trời sắp mưa mà vào thành khất thực? Việc làm của ông không thích hợp. Thiện gia nam tử xuất gia học đạo mà lại tham đắm chuyện ăn?”
Ưu-đà-di liền rời chỗ ngồi đứng dậy bạch Thế Tôn:
“Từ nay về sau con không dám tái phạm nữa. Cúi mong hế tôn nghe cho con sám hối.”
Bấy giờ Phật bảo A-nan:
“Ông hãy kíp đánh kiền chùy, tập họp các Tỳ kheo tại giảng đường Phổ hội.
A nan vâng lời Phật dạy, liền tập họp các Tỳ kheo vào giảng đường Phổ hội, rồi đến trước Phật, bạch rằng:
“Các Tỳ kheo đã tập họp. Bạch Thế Tôn, giờ là lúc thích hợp.”
Khi ấy Thế Tôn liền đi đến giảng đường, ngồi xuống giữa, nói với các Tỳ kheo:
“Chư Phật trong thời quá khứ xa xưa đều chỉ ăn một lần ngồi. Các Thanh văn cũng ăn một lần ngồi. Chư Phật và các đệ tử trong tương lai cũng chỉ ăn một lần ngồi. Vì sao vậy? Đó là pháp yếu để hành đạo. Hãy ăn một lần ngồi. Nếu ai có thể ăn một lần ngồi, thân thể nhẹ nhàng, tâm được mở tỏ. Do tâm đã mởi tỏ mà được các thiện căn. Do được các thiện căn mà đắc tam-muội. Do đắc tam-muội mà như thật biết. Như thật biết những gì? Như thật biết Khổ đế. Như thật biết Khổ tập đế. Như thật biết Khô tận đế. Như thật biết Khổ xuất yếu đế.
“Các ngươi, những thiện gia nam tử, đã xuất gia học đạo, xả bỏ tám nghiểp ở đời mà không biết thời tiết, vậy có khác gì với những con người tham dục kia? Bà-la-môn có pháp riêng của bà-la-môn. Ngoại đạo có pháp riêng của ngoại đạo.”
Lúc bấy giờ Ưu-ba-li bạch Thế Tôn:
“Chư Phật trong quá khứ và chư Phật trong tương lai đều ăn một lần ngồi. Cúi mong Thế Tôn hạn định thời gian ăn cho các Tỳ kheo.”
Thế Tôn nói:
“Như Lai cũng đã có nhận thức đó. Nhưng vì chưa có người sai phạm. Phải đợi khi ngay trước mắt có người phạm tội, Ta mới chế luật.”
Rồi Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Ta chuyên ăn một lần ngồi. Các ông cũng nên ăn một lần. Nay, các ông chỉ ăn giữa ngày mà không được quá thời.
“Các ông cũng nên học pháp khất thực. Tỳ kheo học pháp khất thực như thế nào? Ở đây, Tỳ kheo chỉ vì mục đích duy trì mạng sống. Được cũng không vui, mà không được cũng không buồn. Khi được thức ăn, hãy tư duy mà ăn. Ăn không với tâm tham đắm, mà chỉ cốt giữ cho thân này được tồn tại, trừ khử bệnh[185] cũ [801b], không gây thêm bệnh mới, khiến cho khí lực sung túc. Tỳ kheo, như vậy gọi là khất thực.
“Tỳ kheo các ngươi, hãy ăn một lần ngồi. Tỳ kheo, thế nào là ăn một lần ngồi? Đã đứng dậy rồi, ăn xong, không ăn trở lại nữa; nếu ăn, là phạm.[186] Tỳ kheo, như vậy gọi là ăn một lần ngồi.
“Tỳ kheo các ngươi, cũng nên nhận được thức ăn rồi mới ăn.[187]Thế nào là Tỳ kheo nhận được rồi mới ăn? Ở đây, Tỳ kheo đã được thức ăn rồi, lại được thêm nữa thì có thể nhận. Nhưng đã ăn xong, không được ăn trở lại. Như vậy, Tỳ kheo nhận được thức ăn thì ăn.
“Tỳ kheo các ngươi, nên khóac ba y;[188] nên ngồi dưới gốc cây; nên ngồi chỗ nhàn tĩnh; nên ngồi ngoài trời trống, khổ hành; nên khóac y chắp mảnh; nên sống trong bãi tha ma; nên khóac y tồi tàn. Vì sao vậy? Người sống thiểu dục thì được khen ngợi.
“Nay Ta dạy các ông, hãy như Tỳ kheo Ca-diếp. Vì sao vậy? Tỳ kheo Ca-diếp tự mình hành mười hai pháp đầu đà, và cũng khuyến khích người khác hành theo pháp yếu này.
“Nay Ta dạy các ông, hãy như Tỳ kheo Diện Vương,[189] Vì sao vậy? Tỳ kheo Diện Vương khóac loại y thô xấu tồi tàn, không bận các thứ tốt đẹp.
“Tỳ kheo, đó là giáo huấn của Ta. Hãy chuyên tâm tu tập. Tỳ kheo, hãy học như vậy.”
Bấy giờ, Bạt-đề-bà-la trải qua ba tháng[190] không đến gặp Thế Tôn. Khi vừa hết ba tháng, A-nan đi đến Bạt-đề-bà-la, nói rằng:
“Nay chư Tăng đang khâu vá y. Như vậy, Như Lai sẽ du hành trong nhân gian. Nay thầy không đến gặp, sau này hối hận vô ích.”
Rồi A-nan dẫn Bạt-đà-bà-la đến chỗ Thế Tôn. Bạt-đà-bà-la cúi đầu lạy dưới chân Phật, và bạch rằng:
“Cúi mong Thế Tôn nghe cho con sám hối. Từ nay về sau sẽ không tái phạm nữa. Như Lai chế cấm giới, mà con không vâng lãnh. Cúi mong Thế Tôn rủ lòng tha thứ.”
Ông nói như vậy ba lần. Bấy giờ Phật bảo Bạt-đà-bà-la:
“Ta nhận cho ông sám hối lỗi lầm, về sau chớ có phạm nữa. Vì sao vậy? Ta tự nghĩ, sống chết vô số, có khi làm thân lừa, loa, lạc đà, voi, ngựa, heo, dê, nuôi dương thân bốn đại này bằng cỏ. Hoặc ở trong địa ngục, ăn nuốt sắt nóng. Hoặc ở trong loài ngạ quỷ hằng ăn máu mũ. Hoặc có khi làm người, ăn năm thứ thóc gạo này. Hoặc sanh làm thân trời, ăn cam lộ tự nhiên. Trong vô số kiếp, hình mạng cùng cạnh tranh mà chưa hề biết nhàm đủ, Ưu-ba-ly,[191] nên biết, như lửa gặp củi, mới đầu không biết đủ. [801c] Như biển nuốt các sông, không bao giờ biết đủ. Nay, kẻ phàm phu cũng vậy, tham ăn không biết nhàm đủ.”
Rồi Thế Tôn nói kệ:
Sanh tử không đoạn tuyệt,
Thảy đều do tham dục.
Oán ghét thêm lớn ác,
Điều người ngu quen làm.
“Cho nên, Bạt-đà-bà-la, hãy chuyên niệm thiểu dục tri túc. Như vậy, Ưu-ba-ly*, hãy học điều này.”
Rồi bấy giờ Bạt-đà-bà-la, sau khi nghe những điều Như Lai dạy, sông tại chỗ nhàn tĩnh mà tự mình khắc kỹ, vì mục đích mà thiện gia nam tử xuất gia học đạo, tu phạm hạnh vô thượng, là như thật biết rằng, sanh tử đã dứt, phạm hành đã lập, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa. Bấy giờ, Bạt-đà-bà-la thành A-la-hán.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Trong đệ tử của Ta, đệ nhất trong các Thanh văn ăn nhiều là Tỳ kheo Cát Hộ[192] vậy.”
Bấy giờ các Tỳ kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 8
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở trong thôn Ương-nghệ, cùng với chúng đại Tỳ kheo 500 vị.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Mọi người đều gọi các ngươi là sa-môn. Giả sử có người hỏi, ‘Các ông có phải là sa-môn không?’ Các ông cũng trả lơi, ‘Tôi là sa-môn.’
“Nay Ta nói với các ngươi về hành của sa-môn, và hành của bà-la-môn. Các ngươi hãy suy niệm tu tập, về sau nhất định đạt thành kết quả, như thật, không thể sai khác. Vì sao vậy? Có hai hạng sa-môn. Có sa-môn tập hành. Có sa-môn thệ nguyện.
“Thế nào gọi là sa-môn tập hành? Ở đây, Tỳ kheo đi đứng, tới lui, nhìn ngó, dung mạo khóac y, bưng bát, thảy đều đúng như pháp. Không đắm tham dục, sân hận, ngu si. Duy chỉ trì giới, tinh tấn không phạm các điều phi pháp, học các giới. Đó gọi là sa-môn tập hành.
“Thế nào gọi là sa-môn thệ nguyện? Ở đây, hoặc có Tỳ kheo mà oai nghi, giới luật, ra vào, tới lui, bước đi, dung mạo, nhìn ngó, cử động, thảy đều như pháp, dứt sạch hữu lậu, thành vô lậu, ở ngay trong hiện pháp, tự thân chứng ngộ mà an trú, như thật biết rằng, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa. Đó gọi là sa-môn thệ nguyện.
“Tỳ kheo, đó là hai hạng sa-môn.”
Khi ấy A-nan bạch Thế Tôn rằng:
“Thế nào [802a] là pháp hành của sa-môn, pháp hành của bà-la-môn?”
Phật bảo A-nan:
“Tỳ kheo ăn uống biết đủ, ngày đêm kinh hành, không mất thời tiết, hành các đạo phẩm.
“Thế nào là Tỳ kheo có các căn tịch tĩnh? Ở đây, Tỳ kheo, khi mắt thấy sắc, không khởi tuởng đắm trước, gợi các loạn niệm, ở trong đó mà nhãn căn được thanh tịnh, trừ các niệm xấu, không niệm pháp bất thiện. Khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân biết trơn mịn, ý biết pháp, ở nơi ý căn mà được thanh tịnh. Như vậy, Tỳ kheo được các căn thanh tịnh.
“Thế nào là Tỳ kheo ăn uống biết đủ? Ở đây, Tỳ kheo lường bụng mà ăn; không vì mục đích mập trắng, mà chỉ cốt duy trì thân này cho được tồn tại, trừ khử bệnh cũ, bệnh mới không sanh, để có thể tu phạm hạnh. Cũng như trai hay gái, trên thân sanh ghẻ, tùy thời lấy thuốc cao mà bôi lên vết thương, thường mong vết thương được lành. Nay Tỳ kheo ở đây cũng vậy, lường bụng mà ăn. Sở dĩ lấy mỡ bôi bánh xe, là muốn đi được xa. Tỳ kheo lường bụng mà ăn, vì để duy trì mạng tồn tại. như vậy, Tỳ kheo ăn uống biết đủ.
“Thế nào là Tỳ kheo hằng biết tỉnh giác? Ở đây, Tỳ kheo vào lúc đầu đêm, cuối đêm, hằng biết tỉnh giác, tư duy pháp 37 phẩm đạo. Lại nữa, đầu đêm, cuối đêm, đi kinh hành, trừ khử ý tưởng ác kết bất thiện. Rồi lại, nửa đêm nằm nghiêng bên hông phải, hai bàn chân chồng lên nhau, hướng đến tưởng ánh sáng. Cuối đêm, trở dậy kinh hành, trừ khử niệm bất thiện. Như vậy, Tỳ kheo biết tỉnh giác.
“Như vậy, A-nan, đó là yếu hành của sa-môn.
“Thế nào là yếu hành của bà-la-môn? Ở đây, Tỳ kheo như thật biết Khổ đế, như thật biết Khổ tập, Khổ tận, Khổ xuất yếu. Rồi sau đó, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Đã được giải thoất, liền được trí giải thoát, như thật biết rằng, sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, điều cần làm đã làm xong, không còn thọ thai nữa. Đó gọi là yếu hành của bà-la-môn.
“A-nan, nên biết, đây là nghĩa của yếu hành.”
Rồi Thế Tôn nói kệ này:
Sa-môn: tâm tĩnh lặng,[193]
Các ác đã diệt tận.
[802b] Bà-la-môn, là thanh tịnh,
Trừ khử các loạn tưởng.
“Đó là, A-nan, pháp hành của sa-môn và pháp hành của bà-la-môn. Hãy suy niệm tu hành. Chúng sanh nào hành pháp này, nhiên hậu mới được gọi là sa ­môn.
“Lại nữa, vì sao gọi là sa-môn? Các kết sử hoàn toàn lắng dừng, cho nên gọi là sa-môn.
“Lại nữa, vì sao gọi là bà-la-môn? Tận trừ pháp ngu hoặc, cho nên gọi là bà-la-môn.[194]
“Lại nữa, vì sao gọi là sát-lợi? Do đã đoạn trừ dâm, nộ, si, nên gọi là sát-lợi.
“Cũng gọi là người Đã Tắm.[195] Thế nào gọi là Đã Tắm? Người ấy đã rửa sạch 21 kết sử, vì vậy gọi là Đã Tắm.
“Cũng gọi là giác. Thế nào gọi là giác? Vì đã giác ngộ pháp ngu và pháp trí, nên gọi là giác.
“Cũng gọi là Bờ Kia. Thế nào gọi là Bờ Kia? Người ấy đã từ bờ này sang đến bờ bên kia, cho nên gọi là Bờ Kia.
“Này A-nan, những ai hành được pháp này, mới được gọi là sa-môn, bà-la-môn. Ý nghĩa như vậy, các ngươi hãy suy niệm phụng hành.”
Bấy giờ A-nan nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 9
Tôi nghe như vầy:
Một thời,Phật ở giữa những người họ Thích,[196] ngụ trong vườn Ni-câu-lưu, Ca-tỳ-la-việt, cùng với chúng đại Tỳ kheo 500 vị.
Bấy giờ Vương tử Đề-bà-đạt-đâu đi đến Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân, rồi ngồi xuống một bên. Khi ấy, Đề-bà-đạt-đâu bạch Phật rằng:
“Cúi mong Thế Tôn chấp thuận cho con được vào đạo làm sa-môn.”[197]
Phật bảo Đề-bà-đạt-đâu:
“Ông nên sống tại gia mà huệ thí phân-đàn.[198] Vì làm sa-môn thật không dễ.”
Đề-bà-đạt-đâu lặp lại ba lần, bạch Phật:
“Cúi xin Thế Tôn cho phép con tại hàng thấp nhất.”
Phật lại bảo:
“Ông nên sống tại gia, không nên xuất gia tu hạnh sa-môn.”
Lúc bấy giờ Đề-bà-đạt-đa liền có ý nghĩ rằng, “Sa-môn này có lòng tật đố. Nay ta cứ tự mình cạo đầu, khéo tu phạm hạnh. Cần gì sa-môn ấy.”[199]
Rồi Đề-bà-đạt-đâu lui về, tự mình cạo tóc, khóac ca-sa, tự xưng “Ta là Thích tử.”
Bấy giò có một Tỳ kheo tên là Tu-la-đà,[200] hành đầu đà khất thực, khóac y vá mẩnh, thông suốt năm thần thông. Đề-bà-đạt-đa đến chỗ Tỳ kheo này, cúi đầu lạy dưới chân, bạch rằng:
“Cúi xin Tôn giả thuyết giáo cho tôi, để tôi được an ổn lâu dài. [802c] Bấy giờ Tỳ kheo Tu-la-đà liền dạy các oai nghi lễ tiết, tư duy pháp này, theo học pháp này, vân vân. Đề-bà-đạt-đa y theo lời dạy của Tỳ kheo ấy, không có điều gì sai sót. Sau đó, Đề-bà-đạt-đâu bạch Tỳ kheo rằng:
“Cúi xin Tôn giả chỉ dạy tôi đạo thần túc. Tôi có thể tu hành được đạo này.”
Khi ấy, Tỳ kheo này dạy cho ông đạo thần túc:
“Ông bây giờ phải học về sự khinh trọng của tâm ý. Sau khi đã biết tâm ý khinh trọng, lại phải phân biệt sự khinh trọng của bốn đại là đất, nước, lửa, gió. Sau khi đã biết sự khinh trọng của bốn đại, phải tu hành tam-muội tự tại. Sau khi hành tam-muội tự tại, lại phải tu tam-muội dũng mãnh. Sau khi hành tam-muội dũng mãnh, lại phait tu hành tam-muội tâm ý. Sau khi hành tam muội tâm ý, lại phải hành tam-muội tự giới.[201] Sau khi hành tam-muội tự giới, như vậy chẳng bao lâu sẽ thành tựu đạo thần túc.”
Đề-­bà-đạt-đâu sau khi nhận sự chỉ giáo của thầy, tự biết sự khinh trọng của tâm ý. Sau đó lại biết sự khinh trọng của bốn đại. Rồi tu suốt hết thảy các tam-muội, không có điều gì sai sót. Không bao lâu, ông đắc đạo thần túc, bằng vô sô phương tiện như vậy, ông biến hóa thành vô lượng. Lúc bấy giờ danh tiếng Đề-bà-đạt-đâu được lưu truyền khắp bốn phương.
Bấy giờ, bằng thần túc, Đề-bà-đạt-đâu lên cho đến cõi trời Tam thập tam lấy đủ các loại hoa ưu-bát, câu-mâu-đầu, đem dâng cho thái từ A-xà-thế, lại bảo:
“Hoa này xuất xứ từ trên trời Tam thập tam. Thích Đề-hoàn Nhân sai mang đến dâng Thái tử.”
Thái tử A-xà-thế thấy Đề-bà-đạt-đâu thần túc như vậy nên tùy thời cúng dường, cung cấp những gì cần thiết. Thái tử lại suy nghĩ: “Thần túc của Đề-bà-đạt-đâu thật khó ai sánh kịp.”
Đề-bà-đạt-đau lại ẩn hình biến thành đứa bhỏ, ngồi lên đùi của Thái tử. Lúc ấy, các thể nữ nghĩ thầm: “Đây là người gì? Quỷ chăng? Trời chăng?” Nói năng chưa dứt, Đề-bà-đạt-đâu hiện hình lại như cũ. Vương thái tử và các cung nhân đều ca ngợi: “Đây là Đề-bà-đạt-đâu.” Tức thì cung cấp cho những thứ cần dùng. Lại cho loan truyền lời này: “Danh đức của Đề-bà-đạt-đâu thật không thể ghi hết.”
Bấy giờ số đông các Tỳ kheo nghe lời đồn này, đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân, rồi bạch Phật rằng:
“Đề-bà-đạt-đâu có thần túc rất lớn, nên được các thứ y phục, ẩm thực, giường chõng và ngọa cụ, thuốc men trị bệnh.”
Phật bảo các Tỳ kheo:
“Các ông chớ [803a] có khởi ý nghĩ ấy, mong đắm trước lợi ưỡng của Đề-bà-đạt-đâu. Lại cũng chớ khen tốt sức thần thông của ông ấy. Người đó sẽ vì thần túc mà đọa vào ba đường dữ. Lợi dưỡng mà Đề-bà-đạt-đâu thu hoạch được, cùng với thần thông ấy rồi sẽ mất hết. Vì sao vậy? Đề-bà-đạt-đâu tự mình gây các hành vi thân, miệng ý, lại khởi lên ý tưởng rằng,[202] ‘Sa-môn Cù-đàm có thần túc, ta cũng có thần túc. Sa-môn Cù-đàm có sở tri, ta cũng có sở tri. Sa-môn Cù-đàm thuộc chủng tộc cao quý, ta cũng thuộc chủng tộc cao quý. Nếu Sa-môn Cù-đàm hiện một thần túc, ta sẽ hiện hai thần túc. Sa-môn Cù-đàm hiện hai thần túc, ta sẽ hiện bốn. Ông ấy hiện tám, ta sẽ hiện mười sáu. Ông ấy hiện mười sáu, ta sẽ hiện ba mươi hai. Tùy theo Sa-môn Cù-đàm niên hóa thế nào, ta sẽ biến hóa gấp bội.’”
Bấy giờ, có rất đông Tỳ kheo nghe Đề-bà-đạt-đâu tự tuyên bố như vậy. Do đó, có 500 Tỳ kheo đi đến với Đề-Bà-đạt-đâu, và 550 Tỳ kheo nhận sự cúng dường của Thái tử.[203]
Bấy giờ, Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên bảo nhau:
“Chúng ta hãy đi đến chỗ Đề-bà-đạt-đâu, nghe xem ông ấy thuyết pháp đề tài gì?”
Rồi hai vị cùng đi đến chỗ Đề-bà-đạt-đâu. Từ xa, Đề-bà-đạt-đâu thấy Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, liền bảo các Tỳ kheo:
“Hai người ấy là đệ tử của Tất-đạt.”
Trong lòng ông rất vui sướng. Sau khi chào hỏi xong, họ ngồi xuống một bên. Các Tỳ kheo đều khởi lên ý nghĩ rằng, “Đệ tử của Phật Thích-ca nay đều theo Đề-bà-đạt-đâu hết.”
Bấy giờ Đề-bà-đạt-đâu nói với Xá-lợi-phất:
“Nay Thầy có thể thuyết pháp cho các Tỳ kheo không? Tôi muốn nghỉ một chút. Vì hơi đau lưng.”
Rồi Đề-bà-đạt-đâu nằm nghiêng hông bên phải, hai bàn chân chồng lên nhau, vì trong lòng rất vui sướng, nên ngủ liền.
Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên thấy Đề-bà-đạt-đâu ngủ rồi, liền dùng thần túc tiếp các Tỳ kheo bay lên hư không mà đi. Khi Đề-bà-đạt-đâu thức dậy, không thấy các Tỳ kheo, vô cùng tức giận, phun ra lời này, “Ta không trả được oán này, sẽ không gọi là Đề-bà-đạt-đâu nữa.” Đây là lần thư nhất Đề-bà-đạt-đâu phạm tội ác ngũ nghịch.[204] Khi Đề-bà-đạt-đâu vừa khởi lên ý nghĩ ấy, tức thì mất thần túc.
Bấy giờ số đông các Tỳ kheo bạch Thế Tôn rằng:
“Tỳ kheo Đề-bà-đạt-đa có thần túc rất lớn, có thể phá hoại Thánh chúng.[205]”
Phật nói với các Tỳ kheo:
“Không chỉ ngày nay Đề-bà-đạt-đâu mới [803b] phá hoại Thánh chúng, mà trong đời quá khứ cũng đã thường xuyên phá hoại Thánh chúng. Vì sao vậy? Trong quá khứ, đã hoại Thánh chúng, ông lại khởi ác niệm rằng,[206] ‘Ta sẽ bắt Sa-môn Cù-đàm mà giết đi. Để trong ba cõi này ta là Phật độc tôn, không có ai ngang lứa.’”
Khi ấy, Đề-bà-đạt-đâu nói với thái tử A-xà-thế[207]:
“Thủa xưa, thọ mạng con người rất dài. Ngày nay rất vắn. Giả sử Vương Thái tử một mai chết đi, thật là uổng phí sanh ra trên đời. Sao ngài không bắt Vua cha giết đi để nối ngôi Thánh vương? Còn tôi, sẽ giết Như Lai để được làm Phật. Vua mới, Phật mới, không khoái lắm sao?”[208]
A-xá-thế liền sai người giữ cửa bắt vua cha nhốt vào ngục, tự lập làm vua cai trị nhân dân. Bấy giờ dân chúng bàn bạc với nhau: “Người con này khi chưa sanh đã là đứa con oan gia.” Nhân đó, họ gọi là vua A-xà-thế. Đề-bà-đạt-đâu đã nhốt vua cha rồi, bèn khởi ý tưởng này: “Ta phải bắt Sa-môn Cù-đàm mà giết đi."
Lúc bấy giò Thế Tôn đang ở bền sườn một hòn núi nhỏ trong núi Kỳ-xà-quật. Đề-bà-đạt-đâu leo lên núi Kỳ-xà-quật, tay bưng một tảng đá lơn, dài 30 khủyu tay, rộng 15 khủyu tay, ném vào Thế Tôn. Ngay lúc đó, thần núi là quỷ Kim-tỳ-la, thường trực sống trên núi này, thấy Đề-bà-đạt-đâu ôm đá ném Phật, liền đưa tay ra đón lấy rồi để xuống chỗ khác. Trong lúc đó, một mảng đá vụn văng trúng chân Như Lai, tức thì chảy máu. Thế Tôn trong thấy Đề-bà-đạt-đâu, liền nói:
“Ngươi nay khởi ý muốn hại Như Lai. Đây là tội ngủ nghịch thứ hai.”
Khi ấy, Đề-bà-đạt-đâu nghĩ thầm: “Giờ ta không giết được Sa-môn Cù-đàm này, sẽ tìm phương tiện khác.” Rồi bỏ đi, đến chỗ A-xà­-thế, tâu vua rằng:
“Vua hãy cho con voi Đen uống rượu say, để nó giết Sa-môn.[209] Vì sao? Con voi này rất hung bạo. Nhất định nó sẽ giết sa-môn Cù-đàm. Nếu Sa-môn Cù-đàm có Nhất thiết trí, ngày mai sẽ không vào thành khất thực. Nếu ông không có nhất thiết trí, ngày mai chắc sẽ vào thành khất thực, và sẽ bị con voi dữ này giết.”[210]
Vua A-xà-thế liền sai cho voi uống rượu thuần[211] cho thật say, và bố cáo dân chúng trong nước biết:
“Những ai muốn yên ổn, tiếc mạng sống, ngày mai, không ai được đi lại trong thành.”
Bấy giờ, đến giờ, Thế Tôn khóac y cầm bát vào thành La-duyệt [803c] khất thực. Trong nước, trai gai lớn nhỏ, chúng bốn bộ, nghe vua A-xà-thế cho voi uống rượu để hại Như Lai, ai nấy đều đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân rồi bạch Phật:
“Cúi mong Thế Tôn chớ vào thành La-duyệt khất thực. Vì sao? Vua A-xà-thế cho voi uống rượu say để hại Như Lai.”
Phât bảo các ưu-bà-tắc:
“Phàm là Đẳng chánh giác, không ai có thể hại được.”
Thế Tôn tuy có nghe lời ấy, nhưng vẫn vào thành. Con voi dữ khi trông thấy Phật từ xa, nó bừng cơn thịnh nộ, nhắm chạy đến Như Lai, để giết. Phật thấy con voi chạy đến, liền nói bài kệ:
Voi chớ có hại Rồng.
Khó gặp Voi rồng[212] hiện.
Do bởi không giết Rồng,
Mà được sanh cõi lành.[213]
Con voi ấy sau khi nghe Như Lai nói bài kệ này, liền quỳ xuống liếm chân Như Lai. Trong lòng con voi khi ấy hối hận không yên, nên nó mạng chung, liền được sanh lên trời Tam thập tạm.
A-xà-thế và Đề-bà-đạt-đâu thấy con voi đã chết, buồn bã vô cùng. Đề -bà-đạt-đâu nói với vua:
“Sa-môn Cù-đàm đã giết chết con voi rồi.”
A-xà-thế nói:
“Sa-môn Cù-đàm này có thần lực rất lớn, có nhiều kỹ thuật, lại có chú thuật mới giết được con voi rồng đó.”
Rồi A-xà-thế lại nói:
“Sa-môn này rất có oai đức đầy đủ, nên rốt cuộc không bị voi dữ giết.”
Đề-bà-đạt-đâu nói:
“Sa-môn Cù-đàm có chú làm huyễn hoặc, khiến cho các dị học ngoại đạo bị khuất phục hết, huống gì loài súc sanh.”
Khi ấy Đề-bà-đạt-đâu lại nghĩ thầm: “Ta nay quán sát thấy tâm ý vua A-xà-thế muốn cải đổi. Thế rồi Đề-bà-đạt-đâu rầu rĩ không vui, đi ra khỏi thành La-duyệt.
Lúc bấy giờ Tỳ kheo ni Pháp Thí[214] trông thấy Đề-bà-đạt-đâu từ xa đi đến, cô nói với ông:
“Ông đã gây tội lỗi cực kỳ. Nay sám hối còn dễ; để sau nay thì rất khó.”
Đề-bà-đạt-đâu nghe lời này, lại càng tức giận, trả lời rằng:
“Con tiện tỳ trọc này, tội lỗi gì mà nay dễ, sau khó?”
Tỳ kheo ni Pháp Thí đáp:
“Ông đã đi theo kẻ ác, lại tạo gốc rễ bất thiện.”
Cơn lửa giận trong người Đề-đạt-đâu liền cháy bừng bừng; tức thì ông lấy tay đánh chết Tỳ kheo ni [804a]. Như vậy, Đề-đạt-đâu đã giết bậc Chân nhân.[215]
Sau đó, ông trở về phòng của mình, nói với các đệ tử:
“Các ngươi nên biết, ta đã có chủ ý nhắm đến Sa-môn Cù-đàm, nhưng theo nghĩa lý thì không phù hợp. Vì La-hán lại khởi ác ý nhắm đến A-la-hán. Ta nay nên hướng đến ông ấy mà sám hối.”
Đề-bà-đạt-đâu vì vậy mà buồn bã không vui, chẳng bao lâu lâm trọng bệnh. Ông bảo đệ tử:
“Ta không còn sức lực nào để đi gặp Sa-môn Cù-đàm. Các người hãy dìu ta đi đến chỗ Sa-môn.”
Bấy giờ Đề-bà-đạt-đâu lấy thuốc độc bôi lên đầu móng tay; sau đó bảo đệ tử:
“Các ngươi hãy cáng ta đến chỗ Sa-môn kia.”
Các đệ tử liền cáng Đề-bà-đạt-đâu đi đến chỗ Thế Tôn. A-nan trông thấy Đề-bà-đạt-đa từ xa đang đến, liền bạch Thế Tôn:
“Đề-bà-đạt-đa nay đến đây, chắc đã có tâm hối hận, muốn đến Như Lai cầu sám hối sửa đổi lỗi lầm.”
Phật bảo A-nan:
“Đề-bà-đat-đâu không bao giờ có thể đi đến chỗ Thế Tôn.”
A-nan ba lần lặp lại, bạch Phật
“Nay Đề-bà-đạt-đâu muốn đến Như Lai cầu xin sám hối lỗi lầm..”
Phật nói với A-nan:
“Con người ác này không bao giờ có thể đi đến chỗ Như Lai. Con người này, hôm nay mạng căn đã chín.”
Khi đến chỗ Thế Tôn, Đề-bà-đạt-đâu nói với các đệ tử:
“Nay ta không nên nằm mà gặp Như Lai. Hãy để ta xuống giường rồi gặp Như Lai.”
Khi Đề-bà-đạt-đâu vừa đặt chân xuống đất, ngay lúc ấy từ trong đất một ngọn lửa theo gió nổi lên bao phủ thân Đề-bà-đạt-đâu. Đề-bà-đạt-đâu trong khi bị ngọn lửa thiêu đốt, liền phát sanh tâm hối hận đối với Như Lai, vừa muốn xưng “Nam mô Phật” nhưng rốt cuộc không phát ra được tiếng “Nam mô Phật” mà rơi ngay xuống địa ngục.
A nan sau khi thấy Đề-bà-đạt đâu rơi xuống địa ngục, liền bạch Thế Tôn rằng:
“Đề-bà-đạt-đâu hôm nay mạng chung mà vào trong địa ngục chăng?”
Phật nói”
“Đề-bà-đạt-đâu không phải vì diệt tận mà đạt đến Niết-bàn. Nay Đề-bà-đạt-đâu khởi ác tâm nhắm đến Như Lai; khi thân họai mạng chung, rơi xuống địa ngục.”
Khi ấy A-nan buồn rầu rơi lệ không thể dừng được. Phật bảo A-nan:
“Vì sao mà ông khóc?”
A nan bạch Phật:
“Con nay tâm dục ái chưa hết, chưa đoạn dục, nên mới buồn khóc vậy.”
Bấy giờ Thế Tôn bèn nói bài kệ này:
[804]Như người tự gây hành
Tự xét trở lại gốc.
Điều thiện nhận báo thiện;
Điều ác nhận báo ác.
Người đời ạo hành ác,
Chết, chịu khổ địa ngục.
Nếu có đạo hành thiện,
Chuyển thọ lộc trời.
Đây không phải lỗi Phật;
Ngươi cớ gì mà buồn?
A nan bạch Phật:
“Đề-bà-đạt-đâu thân hoại mạng chung sanh vào chỗ nào?”
Phật bảo A-nan:
“Nay Đề-bà-đạt-đâu này thân hoại mạng chung, sanh vào địa ngục. Vì sao vậy? Do ông ấy đã tạo tội ác ngũ nghịch, nên chịu qủa báo ấy.”
A nan lại bạch Phật:
“Đúng vậy, Thế Tôn, như lời dạy của Thánh tôn. Thân quá khứ đã làm ác; thân hiện tại vào địa ngục. Vậy thì, vì sao nay con lại buồn khóc rơi lệ? Bởi vì Đề-bà-đạt-đâu không tiếc danh hiệu dòng họ, chủng tánh, cũng không vì cha mẹ, tôn trưởng. Ông đã làm nhục dòng học Thích, hủy hoại môn hộ của chúng ta. Nhưng Đề-bà-đạt-đâu hiện thân vào địa ngục, thật sự không thích hợp. Vì sao vậy? Môn hộ chủng tộc của chúng ta xuất từ ngôi vị Chuyển luân Thánh vương. Đề-bà-đạt-đâu xuất thân từ chủng tộc của vua, không nên hiện thân vào địa ngục. Đáng lẽ, Đề-bà-đạt-đâu hiện thân dứt sạch các lậu, thành vô lậu, tâm được giải thoát, ở trong hiện thân mà thọ chứng quả, biết như thật rằng sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn thọ thai nữa. Tập theo dấu tích bậc Chân nhân, đắc A-la-hán, ở nơi Niết bàn giới vô dư mà bát-niết-bàn. Không dè hiện thân này lại vào địa ngục. Đề-bà-đạt-đâu khi xưa có oai thần rất lơn, rất có thần đức, nên mới lên đến trời Tam thập tam, biến hóa tự do, há có thể tưởng người đó lại vào địa ngục! Thế Tôn, không rõ Đề-bà-đạt-đâu ở trong địa ngục trải qua bao nhiêu năm?”
Phật bảo A-nan:
“Con người này ở trong địa ngục trải qua một kiếp.”
A nan lại bạch Phật:
“Nhưng kiếp có hai loại. Có đại kiếp, có tiểu kiếp. Không rõ người này chịu theo kiếp nào?”
Phật nói:
“Người này trải qua đại kiếp. Nói đại kiếp, là khi con số kiếp của Hiền kiếp này tận cùng. Khi ấy, hành tận, mạng chung, trở lại làm người.”
A nan [804c] bạch Phật:
“Đề-bà-đạtt-đâu đã vùi lấp hết gốc rễ làm người, rồi sau khôi phục trở lại. Vì sao vậy? Con số của kiếp rất lâu dài. Phàm đại kiếp không dài quá Hiền kiếp.”
Rồi A-nan lại buồn khóc, nghẹn ngào, không vui; lại bạch Phật:
“Đề-bà-đạt-đâu ra khỏi địa ngục sẽ sanh về đâu?”
Phật nói:
“Đề-bà-đạt-đâu mạng chung ở đó, rồi sẽ sanh lên trời Tứ thên vương.”
A nan lại hỏi:
“Sau khi mạng chung ở trời này, lại sanh về đâu?”
Phât nói với A-nan:
“Sau khi mạng chung ở đó, lần lượt sanh lên trời Tam thập tam, trời Diệm thiên, trời Đâu-suất, trời Hóa tự tại, trời Tha hóa tự tại.”
A nan lại hỏi:
“Từ đó mạng chung, lại sanh vào chỗ nào?”
Phật bảo A-nan:
“Ở đay, Đề-bà-đạt-đâu từ địa ngục chết đi, sanh vào cõi lành, sanh lên trời, trải qua 60 kiếp không rơi vào ba đường dữ; qua lại cõi trời, cõi người, đến thân cuối cùng, sẽ cạo bỏ râu tóc, khóac ba pháp y, với chí tín kiên cố xuất gia học đạo, thành Bích-chi-phật hiệu là Nam-mô.”
Bấy giờ A-nan bước tới trước bạch Phật:
“Như vậy Thế Tôn, Đề-bà-đạt-đâu do ác báo của mình mà bị dẫn xuống địa ngục chịu tội. Nhưng ông đã làm công đức gì mà trải qua 60 kiếp sanh tử không phải thọ khổ não, và cuối cùng lại thành Bích-chi-phật hiệu là Nam-mô?”
Phât bảo A-nan:
“Tâm ý thiện trong khoảnh khắc búng ngón tay mà phước ấy khó có thể thí dụ. Huống hồ Đề-bà-đạt-đâu thông kim bác cổ, tụng tập rất nhiều, ghi nhớ tổng trì các pháp, điều gì đã nghe rồi thì không quên. Đề-bà-đạt-đâu này xưa vì thù oán mà khởi tâm muốn sát hại Như Lai. Nhưng cũng do duyên báo từ quá khứ xa xưa, vì đã khởi tâm hoan hỷ hướng đến Như Lai. Do nhân duyên báo ứng này, trong 60 kiếp không đọa ba đường dữ. Lại do Đề-bà-đạt-đâu vào giây phút cuối cùng trước khi mạng chung đã khởi tâm vui vẻ xưng ‘Nam mô Phật’, cho nên sau này thành Bích-chi-phật hiệu là Nam-mô.”
Khi ấy A-nan bước lên trước Phật, lặp lại trình bày của mình:
“Vâng, bạch Thế Tôn, như lời Phật[216] dạy.”
Lúc bấy giờ Đai Mục-kiền-liên bước lên trước Phật bạch rằng:
“Con nay muốn vào trong địa ngục, thuyết yếu hành[217] cho Đề-bà-đạt-đâu, để ủy lạo và chúc mừng ông ấy.”
Phật bảo Mục-kiền-liên:
“Ông nên biết rõ, chớ có đường đột khinh suất, mà hãy chuyên tâm chánh ý, không để loạn tưởng. Vì sao vậy? Chúng sanh có hành vi cực ác khó mà khắc chạm[218] cho thành, vì vậy mới đọa vào địa ngục. Lại nữa, tội nhân ấy không hiểu tiếng nói [805a] trao đổi của nhân gian.”
Mục-kiền-liên bạch Phật:
“Con ở đây hiểu biết 64 thứ ngôn ngữ. Con sẽ bằng tiếng nói thích hợp mà trao đổi với người ấy.”
Phật bảo Mục-liên:
“Ông nên biết lúc thích hợp.”
A nan nghe những lời này, hoan hỷ phấn khởi không dừng được. Khi ấy Đại Mục-kiền-liên bước lên trước lạy dưới chân Phật, nhiễu quanh Phật ba vòng, rồi ngay trước Phật, trong khỏanh khắc chừng lực sỹ co duổi canh tay, biến mất và đi đến địa ngục A-tỳ. Khi ấy Đai Mục-kiền-liên ở trên hư không trong địa ngục A-tỳ búng ngón tay gọi:
“Đề-bà-đạt-đâu.!”
Nhưng Đề-bà-đạt-đâu im lặng không trả lời. Các ngục tốt hỏi Mục-liên:
“Ông gọi Đề-bà-đạt-đâu nào?”
Rồi ngục lại bạch:
“Ở đây cũng có Đề-bà-đạt-đâu thời Phật Câu-lâu-tôn; Đề-bà-đạt-đâu thời Phật Câu-na-hàm-mâu-ni; Đề-bà-đạt-đâu thời Phật Ca-diếp; cũng có Đề-bà-đạt-đâu tại gia; cũng có Đề-bà-đạt-đâu xuất gia. Ông Tỳ kheo! Nay đích thực ông muốn gọi Đề-bà-đạt-đâu nào?”
Mục-liên đáp:
“Đề-bà-đạt-đâu mà tôi muốn gọi là con của chú của Phật Thích-ca Văn. Tôi muốn gặp ông ấy.”
Khi ấy, ngục tốt cầm cây chỉa sắt, hoặc cầm ngọn lửa đỏ, châm đốt vào thân ông ấy để cho tỉnh giác. Thân thể Đề-bà-đạt-đâu lúc bấy giờ bị ngọn lửa đốt cao 30 khuỷu tay. Ngục tốt bảo:
“Nhà ngươi, gả ngu si, sao còn ngủ?”
Đề-bà-đạt-đâu đang bị đủ các thứ khổ bức bách, trả lời:
“Hôm nay ông dạy bảo điều gì?”
Ngục tốt lại nói:
“Ngươi hãy ngước mắt nhìn lên trời xem.”
Theo lời ấy Đề-bà-đạt-đâu ngước mắt nhìn lên hư không, thấy Đại Mục-kiền-liên ngồi kiết già trên một đóa hoa sen báu, như mặt trời đang vén đám mây. Thấy vậy Đề-bà-đạt-đâu nói bài kệ:
Ai đó hiện thiên quang,
Như mặt trời vén mây?
Cũng như tụ núi vàng,
Không một chút bụi dơ?
Mục-liên trả lời bằng bài kệ:
Ta là con Thích tôn,
Đấng dòng họ Cù-đàm.
Là Thanh văn của Ngài,
Tên gọi Đại Mục-liên.
Đề-bà-đạt-đâu nói với Mục-liên:
“Tôn giả Mục liên, vì sao khuất hận đến đây? Chúng sanh trong đây đã gây vô lượng tội ác, khó mà khai hóa được. Vì đã không [805b] tạo thiện căn nên sau khi mạng chung sanh vào đây.”
Mục-liên đáp:
“Tôi được Phật sai đến đây. Vì thương tưởng, muốn giúp nhổ bứt cội khổ.”
Nghe đến tiếng Phật, Đề-bà-đạt-đâu hoan hỷ phấn khởi không dừng được, liền nói lên lời này:
“Cúi mong Tôn giả kịp thời nói rõ, Như Lai Thế Tôn có dạy điều gì. Ngài lại không tiên báo cội nguồn[219] của nẻo dữ nữa chăng?”
Mục-liên nói:
“Đề-bà-đạt-đâu, chớ có kinh sợ. Cực khổ của địa ngục không đâu hơn nơi này nữa. Đức Phật Thích-ca Văn Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác, thương xót đến hết thảy loài bò bay máy cựa, như mẹ yêu con, tâm không phân biệt, đúng hợp thời cơ thì diễn giáo nghĩa, không để mất đầu mối, cũng không nghịch với từng loại mà diễn nói quá lượng. Nay, từ chính kim khẩu của Ngài ký thuyết, ông trước kia khởi ác ý muốn hại Thế Tôn, lại lôi kéo người khác chạy theo đường ác.[220] Do nhân duyên báo ứng này mà sanh váo địa ngục A-tỳ, trải qua một kiếp không có ngày ra. Hết số kiếp này, hành đã hết, mạng chung, sẽ sanh lên trời Tứ thiên vương, lần lượt sanh lên Tam thập tam, Diệm, thiên, Đâu-suất, Hóa tự tại, Tha hóa tự tại. Trong 60 kiếp, không rơi vào nẻo dữ. Châu lưu giữa cõi trời và cõi người, sau cùng thọ thân trở lại làm người, cạo bỏ râu tóc, khóac ba pháp y, với chí tín kiên cố xuất gia học đạo, sẽ thành Bích-chi-phật hiệu là Nam-mô. Sở dĩ như vậy, do khi ông sắp chết, đã ưng ‘Nam mô’ nên mới có danh hiêu này. Nay đức Như Lai quán sát thấy thiên ngôn Nam mô này, nên nói trong 60 kiếp ông sẽ thành Bích-chi-phật với danh hiệu ấy.”
Đề-bà-đạt-đa nghe xong những lời này, hoan hỷ phấn khởi, tâm thiện phát sanh, lại bạch Mục-liên:
“Những điều Như Lai nói tất nhiên không thể nghi ngờ, vì thương xót chúng sanh mà cứu vớt vô lượng, đại từ, đại bi, giáo hóa bao trùm đến kẻ ngu hoặc. Dù nay tôi nằm nghiêng hông phải trong địa ngục A-tỳ, trải qua một kiếp, tâm ý chuyên chánh, không hề mệt mỏi.”
Bấy giờ Mục-liên nói với Đề-bà-đạt-đâu:
“Thế nào, bây giờ nổi thống khổ của ông có thêm bớt gì không?”
Đề-bà-đạt-đâu đáp:
“Thân tôi thống khổ chỉ tăng chứ không giảm. Nay nghe được Như Lai đã thọ ký cho danh hiệu, thống khổ có hơi giảm chút ít nhưng không đáng kể.”
Mục-liên hỏi:
“Căn nguyên thống khổ mà ông đang chịu giống như thứ gì?”
Đề-bà-đạt-đâu nói:
“Bằng [805c] bánh xe sắt nóng cán cho thân tan rã; rồi lại bằng chày sắt giã nát thân hình tôi; con voi đen hung bạo dày xéo thân tôi. Lại có ngọn núi lửa đến trán vào mặt tôi. Ca-sa ngày xưa nay biến thành tấm đồng đỏ rực đến quàng lên thân tôi. Tinh trạng thống khổ nguyên lai như vậy.”
Mục-liên nói:
“Ông có biết nguồn gốc tội lỗi xưa mà nay phải phải chịu khổ não này chăng? Tôi phân biệt từng thứ, ông có muốn nghe không?”
Đề-bà-đật-đâu nói:
“Thưa vâng, xin hợp thời thì nói.”
Khi ấy Mục-liên nói bài kệ này:
Xưa nơi đấng Tối thắng,
Ông phá hoại chúng Tăng;
Nay bị chày sắt nóng
Giã nát thân hình ông.
Bởi vì đại chúng kia
Là Thanh văn đệ nhất;
Gây đấu loạn chúng Tăng;
Nay bị bánh sắt cán.
Xưa ông đã xúi vua
Cho Voi Đen uống say;
Nay bị đám voi đến,
Dày xéo thân hình ông.
Xưa ông ôm đá lớn,
Ném vào chân Như Lai;
Nay chịu báo núi lửa,
Đốt ông cháy không sót.
Xưa ông vung tay đấm,
Giết chết Tỳ kheo ny;
Nay bị lá đồng nóng,
Quấn siết không chút lỏng.
Nghiệp báo không hề mất.
Không thể ẩn trong không
Mà tránh thoát được,
Xa các nguồn ác này.
“Ông trước kia là Đề-bà-đạt-đâu, căn nguyên mà ông đã gây ra chính là như vậy. Hãy tự chuyên tâm chánh ý hướng đến Phật Như Lai, trong lâu dài sẽ được phước vô lượng.”
Đề-bà-đạt-đâu lại bạch Mục-liên:
“Nay tôi gởi nhờ Mục-liên cúi đầu lạy dưới chân Thế Tôn, cầu mong Ngài đi đứng nhẹ nhàng, bước đi khỏe mạnh. Cũng xin kính lễ Tôn giả A-nan.”
Bấy giờ Tôn giả Đai Mục-kiên-liên phóng đại thần túc khiến cho thống khổ trong địa ngục A-tỳ ngưng lại. Rồi nói bài kệ này:
Thảy xưng Nam mô Phật
Thích Sư, đấng Tối thắng.
Ngài đem lại an ổn,
Dứt trừ các khổ não.
Chúng sanh trong địa ngục sau khi nghe Mục-lên nó bài kệ này, có hơn sáu vạn người hành nghiệp hết, tội sạch, tức thì mạng chung nơi đó mà sanh lên trời Tứ thiên vương.
Bấy giờ Mục-liên [806a] thâu thần túc lại, trở về chốn cũ, đi đến Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân, rồi đứng sang một bên. Mục liên khi ấy bạch Phật:
“Đề-bà-đà-đạt-đâu dâng lời thăm hỏi vô lượng, đi đứng nhẹ nhàng, dạo bước khỏe mạnh. Lại cũng thăm hỏi A-nan và nói lời này, ‘Được Như Lai thọ ký trong 60 kiếp nữa thành Bích-chi-phật hiệu Nam-mô, thì dù tôi nằm nghiêng hông phải trong địa ngục A-tỳ không bao giờ tháy mệt mỏi.’”
Thế Tôn nói:
“Lành thay, lành thay, Mục-liên! Ông đã làm được nhiều điều lợi ích, nhiều thấm nhuần, vì thương xót các loài chúng sanh, mong cầu an lạc cho trời và người, khiến cho Thanh văn của chư Như Lai dần dần đạt đến Niết-bàn diệt tận. Cho nên, này Mục-liên, hãy tinh cần để thành tựu ba pháp. Vì sao? Nếu Đề-bà-đạt-đâu mà tu hành thiện pháp, thân ba, miệng bốn, ý ba; người ấy chung thân không tham đắm lợi dưỡng, cũng không tạo tội ngũ nghịch để đọa vào địa ngục A-tỳ. Vì sao? Phàm người tham đắm lợi dưỡng cũng (không)[221] có tâm cung kính đối với Tam bảo, cũng không phụng trì cấm giới, không đầy đủ các hành thân, miệng, ý. (Vậy, các ngươi) hãy chuyên niệm các hành của thân, miệng, ý. Như vậy, Mục-liên, hãy học điều này.”
Bấy giờ Mục-liên nghe những lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 10
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Nếu chúng sanh nào tu hành từ tâm giải thoát,[222] quảng bố ý nghĩa ấy, diễn nói cho người khác nghe, sẽ thu hoạch được mười một qủa báo. Những gì là mười một? Nằm ngủ yên, tỉnh giấc yên, không thấy ác mộng, chư thiên hộ vệ, mọi người yêu mến, không bị độc, không bị binh đao, không bị nước, lửa, giặc cướp; thảy đều không bị xâm hại; sau khi thân hoại mạng chung sanh lên trời Phạm thiên. Đó gọi là Tỳ kheo tu hành từ tâm sẽ có được mười một phước này.”
Rồi Thế Tôn nói bài kệ:
Nếu ai hành từ tâm,
Cũng không hành phóng dật;
Các kết dần dần đoạn,
Rồi thấy được dấy đạo.
Do hành từ tâm này,
Sẽ sanh lên Phạm thiên;
Nhanh chóng được diệt độ,
Cuối cùng đến Vô vi.
Tâm không sát, không hại,
Cũng không ý hơn thua;
Hành từ đến tất cả,
Không hề tâm oán hận.
[806b] “Cho nên, Tỳ kheo, hãy tìm cầu phương tiện hành nơi từ tâm, quảng bố nghĩa ấy. Như vậy, Tỳ kheo, hãy học điều này.”
Bấy giờ các Tỳ kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.[223]


Chú thích:
[178] Trong bản Hán không có ưu-bà-di.
[179] Tham chiếu Pali, M 65 Baddāli, 66 Laṭukikopama. Hán, Trung, kinh 194, kinh192.
[180] Nhất tọa thực 一坐食. Pali: ekāsana, có hai giải thích. Hoặc eka-asana: một bữa ăn; hoặc eka-āsana: một chỗ ngồi. Tất cả các bản Hán đều hiểu theo nghĩa sau. Ý nghĩa này liên hệ hai điều luật. Thứ nhất, liên hệ điều luật phi thời thực. Thứ hai, liên hệ đièu luật dư thực pháp.
[181] Quan điểm của Đại chúng bộ về nhất tọa thực. Quan điểm này không được Thương tọa bộ và Hữu bộ đồng tình.
[182] Hán: hoại trai 壞齋, có thể ăn quá ngọ. Điểm tranh luận giữa Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ, Cf. Tứ phần 54 (tr. 969c18): nhị chỉ sao thực 二指抄食. Pali, Pali: dvaṅgulakappa, nhị chỉ tịnh, được giải thích: dvaṅgulāya chāyāya vītivattāya, (được phép ăn quá trưa) khi bóng chưa quá hai ngón tay. Liên hệ điều luật phi thời thực. Vin.ii. 230.
[183] Trong bản: Ưu-đà-di 優
陀夷, tức Ca-lưu-đà-di nói trên. Vì Ưu-đà-di (Pali: Udāyi) có nước da rất đen, nên xươc danh là Ca-la (Pali: kāla, đen).
[184] Trung, ibid, và Pali,ibid., bà chỉ hoãng sợ, nhưng không chết.
[185] Để bản: thống 痛 . TNM: bệnh.
[186] Các bộ luật như nhau: Tỳ kheo ăn xong (đã đứng dậy), rồi ăn lại, hay ăn thêm, phải tác pháp dư thực.
[187] Điều luật: Tỳ kheo ăn xong, nếu nhận được thêm nữa, có thể ăn nhưng phải tác pháp dư thực.
[188] Luật quy định: mỗi Tỳ kheo chỉ được sở hữu ba y, không được quá.
[189] Diện Vương, xem kinh 6 phẩm 4. Tham chiếu, A.i.25: Thọ trì y phục thô xấu (lūkhacīvaradhārānaṃ) là Mogharājāti.
[190] Trung, ibid., suốt ba tháng hạ an cư.
[191] Nguyên trong bản.
[192] Cát Hộ 吉護, dịch nghĩa của Bạt-đà-bà-la, Skt. Bhadrapāli (?). Pali, ibid.: Baddāli.
[193] Tức tâm 息心, định nghĩa từ sa-môn. Pāli: samaṇa (Skt. śramaṇa).
[194] Trong bản, chép là “phạm chí.” Định ngãi từ bà-la-môn; Pāli: brāhmaṇa.
[195] Mộc dục 沐浴, một từ chỉ A-la-hán, người đã tắm sạch.
[196] Nguyên Hán: Thích sí 釋翅, phiên âm từ tương đương Pali: Sakkesu, sở y cách của từ Sakka.
[197] Nhân duyên Để-bà-đạt-đa xuất gia, cùng các Vương tử họ Thích, xem Tứ phần 4 (tr. 590b13tt). Pali, Cullavagga vii. Vin. ii. 180ff.
[198] Phân-đàn huệ thí 分檀
惠施. Pali: piṇḍadāyaka, bố thí vật thực. Xem cht. 46, kinh 2 phẩm 29.
[199] Có lẽ đây là truyền thuyết riêng của các nhà truyền Tăng nhất. Tất cả các bộ đều không thừa nhận giới cụ túc được phép tự thọ.
[200] Tu-la-đà, có thể đồng nhất với Pali Surādha, Theragāthā 135-6; nhưng không có liên hệ gì đến Devadatta.
[201] Một cách trình bày khác về bốn thần túc (như ý túc): dục tam-ma địa, cần (tinh tấn) tam-ma-địa, tâm tam-ma-địa, quán tam-ma-địa. Cf. Tập dị 5 (tr.391c26).
[202] Trong đoạn này, văn dịch Hán hình như nhảy sót, nên thiếu mạch lạc so với đoạn tiếp theo. Từ đây trở xuống, nên xem là lời tự rao truyền của Đề-bà-đạt-đa, chứ không lời tiên đoán của Phật.
[203] Các Luật bộ đều nói, Đề-bà-đạt-đa đề nghị Phật chấp thuận 5 điều luật mới khắt khe hơn. Phật bác bỏ. Đề-bà-đạt-đa tự công bố luật mới. 500 Tỳ kheo tách khỏi Tăng đi theo. Tăng bị vỡ.
[204] Đây muốn nói Đề-bà-đạt-đa phạm tội phá hòa hiệp tăng. Nhưng diễn tiến câu chuyên được kể trên đây, nếu theo phân tích của các bộ luật, không hội đủ yếu tố để thành phá Tăng. Nên nghi ngờ chuyện kể ở đây không phải chính thống, mà chỉ là một loại truyền thuyết nhân gian, thiếu căn bản Luật và Pháp.
[205] Hán: hoại Thánh chúng 壞聖眾, tức phá Tăng, hay phá hòa hiệp Tăng.
[206] Đoạn văn thiếu mạch lạc xét theo ngữ cảnh. Hán dịch có thể nhảy sót.
[207] Trong để bản: A-xà-thế vương.
[208] Xem kinh 11 phẩm 17.
[209] Truyện kể trên, kinh 5 phẩm 18.
[210] Xem kinh 5 phẩm 18.
[211] Hán: thuần tửu 醇酒, một loại rượu cực mạnh.
[212] Nguyên hán: long tượng 龍象, chỉ loại voi chúa.
[213] Bài kệ, như knh 5 phẩm 18.
[214] Pháp Thí 法施. Trên kia, kinh 2 phẩm 5, phiên âm là Đàm-ma-đề-na. Đồng nhất với Pali, Dhammadinnā, đệ nhất thuyết pháp trong các Tỳ kheo ni. Cf. A.i. 25
[215] Tội ngũ nghịch thứ ba: giết A-la-hán. Vì Tỳ kheo ni này là một A-la-hán. Nhưng khong thấy truyền thuyết nơi khác Tỳ kheo ni ày bị Đè-bà-đạt-đa giết.
[216] Để bản: thần. Bàn khác: Phật thần.
[217] Hán: yếu hành; đây chỉ hành trạng tương lai mà Phật dự báo.
[218] Để bàn: điêu, khắc chạm. bản khác: điều: điều phục.
[219] Để bản chép: vô. Nghi là chữ nguyên chép nhầm.
[220] Để bản: vô do. bản khác: ác nguyên.
[221] Nghi trong để bản chép thiếu.
[222] Tu từ vô lương tâm.
[223] Bản hán, hết quyển 47.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 51 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Em Là Vì Sao Sáng


Truyện cổ Phật giáo


Vầng sáng từ phương Đông


Phật pháp ứng dụng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.196.217 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập