Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 35 »»

Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 35


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.51 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.63 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Tăng Nhất A Hàm

Kinh này có 51 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 |
Việt dịch: Thích Đức Thắng

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

KINH SỐ 7[106]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở bên bờ sông A-du-xà,[107] cùng chúng đại Tỳ-kheo gồm năm trăm vị.
Lúc ấy, Đại Quân-đầu[108] đang ở tại mổ chỗ nhàn tĩnh, tự nghĩ: “Có nghĩa này, mà thường tăng thêm công đức, hay không lý này?” Rồi Quân-đầu liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, và ngồi qua một bên. Bấy giờ Quân-đầu bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, vừa rồi, khi ở chỗ nhàn tĩnh, con tự nghĩ: ‘Có lý này hay không, là những gì được làm cho [741c] chúng Tăng được tăng thêm công đức?’ Nay con hỏi Thế Tôn, cúi xin dạy cho.”
Thế Tôn bảo:
“Có thể được tăng ích công đức.”
Quân-đầu bạch Phật:
“Thế nào là được tăng thêm công đức?”
Thế Tôn đáp:
“Có bảy sự kiện tăng ích, phước kia không thể kể được, cũng không ai có thể tính đếm được. Những gì là bảy? Ở đây, con trai thiện gia, hoặc con gái thiện gia, tạo dựng Tăng già-lam nơi chưa từng tạo dựng. Phước này không thể kể.
“Lại nữa, Quân-đầu, thiện nam, thiện nữ đem giường ghế cúng dường Tăng già-lam kia, cùng Tăng Tỳ-kheo, này Quân-đầu, đây là phước thứ hai không thể kể hết.
“Lại nữa, Quân-đầu, thiện nam, thiện nữ đem thức ăn cúng dường Tăng Tỳ-kheo kia; này Quân-đầu, đó là phước thứ ba không thể tính hết.
“Lại nữa, Quân-đầu, thiện nam, thiện nữ đem áo che mưa cúng dường Tăng Tỳ-kheo kia, này Quân-đầu, đó là công đức thứ tư, phước kia không thể lường.
“Lại nữa, Quân-đầu, con trai, con gái thiện gia đem thuốc cúng dường Tăng Tỳ-kheo kia, này Quân-đầu, đó là phước thứ năm không thể tính hết.
“Lại nữa, Quân-đầu, thiện nam thiện nữ đào giếng tốt nơi hoang dã, này Quân-đầu, đó là công đức thứ sáu cũng không thể tính hết.
“Lại nữa, Quân-đầu, thiện nam, thiện nữ nào làm nhà dọc đường cho người qua lại có chỗ nghỉ đêm, này Quân-đầu, đó là công đức thứ bảy không thể tính xiết.
“Này Quân-đầu, đó gọi là pháp bảy công đức, phước kia không thể đo lường. Khi đi, hoặc ngồi, ngay đến khiến mạng chung, phước kia cũng theo sau như bóng theo hình, phước đức ấy không thể tính hết để có thể nói có bao nhiêu phước. Cũng như nước biển lớn, không thể dùng thăng đấu để đong được để nói có bao nhiêu nước. Bảy công đức này cũng vậy, phước ấy không hạn lượng. Cho nên, Quân-đầu, thiện nam, thiện nữ hãy tìm cầu phương tiện thành tựu bảy công đức này.
“Quân-đầu, hãy học điều này như vậy.”
Quân-đầu sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành
KINH SỐ 8
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi hãy tu hành, niệm tưởng về sự chết, tư duy về tưởng chết.”
Khi ấy, có một Tỳ-kheo đang ngồi ở chỗ kia, bạch Thế Tôn:
[742a] “Con thường tu hành tư duy tưởng về sự chết.”
Thế Tôn bảo:
“Ngươi tư duy tu hành tưởng về sự chết thế nào?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Con tư duy về tưởng chết rằng: ‘Ý sẽ còn sống bảy ngày nữa, nên tư duy bảy giác chi, để ở trong pháp Như Lai được nhiều lợi ích, sau khi chết không hối hận.’ Thế Tôn, con tư duy về tưởng chết như vậy.”
Thế Tôn bảo:
“Thôi, Thôi, Tỳ-kheo! Đây chẳng phải hành về tưởng chết. Đấy gọi là pháp phóng dật.”
Lại có Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
“Con có thể tu hành về tưởng chết.”
Thế Tôn bảo:
“Ngươi tu hành tư duy về tưởng chết thế nào?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Con suy nghĩ: ‘Ý sẽ còn sống sáu ngày nữa, tư duy Chánh pháp Như Lai, rồi sau đó mạng chung. Như vậy mới có sự tăng ích.’ Con tư duy tưởng chết như vậy.”
Thế Tôn bảo:
“Thôi, thôi, Tỳ-kheo! Đó cũng là pháp phóng dật, chẳng phải tư duy về tưởng chết.”
Các Tỳ-kheo bạch Phật: Ý sẽ tồn tại năm ngày, hoặc nói bốn ngày, hoặc nói ba ngày, hai ngày, một ngày.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thôi, thôi, Tỳ-kheo! Đây cũng là pháp phóng dật chẳng phải tư duy về tưởng chết.”
Lúc ấy, lại có Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
“Con có thể kham nhận tu hành về tưởng chết.”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Đến giờ khất thực, con đắp y mang bát, vào thành Xá-vệ khất thực, rồi ra khỏi thành Xá-vệ, trở về nơi ở, vào trong tịnh thất, tư duy về bảy giác chi mà mạng chung. Đây là tư duy về tưởng chết.”
Thế Tôn bảo:
“Thôi, thôi, Tỳ-kheo! Những điều mà Tỳ-kheo các ngươi mói đều là hành phóng dật, chẳng phải là tu hành pháp tưởng chết.”
Lúc ấy, Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu ai có thể như Tỳ-kheo Bà-ca-lợi[109] , đó gọi là tư duy về tưởng chết. Tỳ-kheo ấy có thể khéo tư duy về tưởng chết, nhàm tởm thân này là bất tịnh ghê tởm. Tỳ-kheo tư duy về tưởng chết, phải buộc ý trước mắt, tâm không di động, niệm số đếm hơi thở ra vào, đồng thời tư duy về bảy giác chi, như vậy ở trong pháp Như Lai mới được nhiều lợi ích. Vì sao vậy? Hết thảy các hành đều rỗng lặng, cái sanh và cái diệt đều như huyễn hoá, không có chơn thật. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy ở trong hơi thở ra vào tư duy về tưởng chết để [743b] thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, buồn rầu, khổ não.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 9
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
bấy giờ, vua Ba-tư-nặc ra lệnh quần thần:
“Hãy nhanh chóng chuẩn bị xe lông chim. Ta muốn đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ thăm hỏi.”
Sau đó, đại vương ra khỏi thành, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, Như Lai đang thuyết pháp cho vô số chúng đang vây quanh. Lúc ấy, có bảy Ni-kiền Tử, lại có bảy người lõa hình, lại có bảy bà-la-môn Đen[110], lại có bảy bà-la-môn lõa hình, đi qua cách Thế Tôn không xa.
Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc thấy những người này đi qua cách Thế Tôn không xa, liền bạch Phật:
“Xem những người này đi qua trông không dừng, đều là thiểu dục tri túc, không có gia nghiệp. Nay trong những vị A-la-hán ở thế gian này, những người này là tối thượng thủ. Vì sao vậy? Ở giữa mọi người, họ là những người rất là khổ hành, không tham lợi dưỡng.”
Thế Tôn nói:
“ Đại vương hoàn toàn chưa biết chân A-la-hán. Không phải vì hình thể lõa lồ mà gọi là A-la-hán. Đại vương, nên biết, đó đều chẳng phải là hành chân thật. Nên nhớ nghĩ quan sát sự biến đổi từ xa xưa đến nay, rồi lại nên quán ai đáng thân thì biết thân, ai đáng gần thì biết gần. Vì sao vậy? Thời quá khứ lâu xa có bảy bà-la-môn, cùng học một chỗ, tuổi đã suy sụp, lấy cỏ làm y phục, ăn rau quả, sinh các tà kiến. Họ đều nghĩ như vầy: ‘Chúng ta trì pháp khổ hành này để sau làm vua nước lớn. Hoặc cầu làm Thích, Phạm, Tứ thiên vương.’
Bấy giờ, có vị Thiên sư A-tư-đà[111] vốn là tổ phụ của các bà-la-môn ấy, biết những ý nghĩ trong tâm các bà-la-môn kia, liền biến mất khỏi Phạm thiên, hiện đến chỗ bảy bà-la-môn. Lúc ấy, Thiên sư A-tư-đà bỏ phục sức cõi trời, hiện hình bà-la-môn, kinh hành ở đất trống. Bảy bà-la-môn từ xa trong thấy A-tư-đà kinh hành, ai nấy đều nổi sân nhuế mà nói rằng: ‘Đây là người đắm dục nào mà đi trước những đồng phạm hạnh chúng ta? Nay phải chú thuật cho nó tiêu thành tro.’ Bảy bà-la-môn này liền lấy tay bụm nước rảy lên bà-la-môn này và chú rằng: ‘Giờ ngươi hãy mau biến thành tro bụi.’ Nhưng bà-la-môn càng tức giận thì nhan sắc của Thiên sư A-tư-đà càng xinh đẹp. Vì sao vậy? Vì tâm từ hay [742c] diệt sân. Lúc ấy, bảy bà-la-môn tự nghĩ: ‘Cấm giới của ta đã bị suy giảm hay sao mà chúng ta càng nổi giận thì người ấy càng xinh đẹp thêm?’ Rồi bảy bà-la-môn liền nói với vị Thiên sư rằng:
Là trời? Càn-thát-bà?
La sát? hay quỷ thần?
Thật sự người tên gì?
Chúng tôi đều muốn biết.
“Thiên sư A-tư-đà liền nói kệ đáp rằng:
Chẳng phải trời, Đạp-hòa,
La sát hay quỷ thần
Mà ta đây chính là
Thiên sư A-tư-đà
“Tôi biết ý nghĩ của các ông nên từ cõi trời Phạm thiên bay xuống đây. Phạm thiên cách đây rất xa. Thiên đế Thích cũng vậy. Dùng khổ hành để làm Chuyển luân Thánh vương còn không được, huống gì là làm Đế Thích, Phạm thiên hay Tứ thiên vương.
“Lúc ấy, Thiên sư A-tư-đà liền nói kệ:
Trong tâm đầy niệm tưởng,
Mà ngoại hình tồi tàn.
Nhưng siêng tu chánh kiến
Mới xa lìa ác đạo.
Giữ tâm cho thanh tịnh,
Thân, miệng cũng như vậy;
Xa lìa các niệm ác;
Chắc chắn sẽ sanh thiên.
“Lúc ấy, bảy bà-la-môn hỏi: ‘Ngài có thật là Thiên sư không?’ Thiên sư A-tư-đà đáp: ‘Đúng vậy. Nhưng không phải do lõa hình mà được sanh thiên. Vị tất tu khổ hành ấy mà được sanh lên trời Phạm thiên. Cũng chẳng phải phơi bày thân thể hay làm ngần ấy khổ hành mà được sanh nơi ấy. Nhưng nếu có thể thu nhiếp tâm ý không cho lay động thì được sanh thiên. Không thể sanh nơi ấy bằng cách mà các ông đang làm.’
“Này Đại vương, quán sát ý nghĩa này, không phải do lõa hình mà gọi là A-la-hán. Kẻ phàm phu không thể phân biệt được ai là bậc Chân nhân, nhưng bậc Chân nhân thì có thể phân biệt do hành vi được làm nào là phàm phu. Lại nữa, kẻ phàm phu không thể biết hành của của phàm phu; duy chỉ bậc Chân nhân mới biết hành của phàm phu. Đại vương, nên biết, do phương tiện mà biết rằng điều đó đã có từ trước lâu xa rồi, chứ không phải mới ngày nay. Đại vương, hãy học điều này như vậy.”
Bấy giò, vua Ba-tư-nặc bạch Thế Tôn rằng:
“ Những điều Như Lai dạy rất là hay, người đời chẳng thể hiểu nổi. Nhưng việc nước quá [743a] nhiều, con xin cáo về.”
Phật bảo vua:
“Vua hãy biết thời”
Vua đứng dậy, đảnh lễ sát đất rồi ra đi.
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc nghe Phật dạy hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 10[112]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở vườn Ny-câu-lâu thuộc nước Ca tỳ la vệ của dòng họ Thích, cùng chúng đại Tỳ-kheo gồm năm trăm vị .
Bấy giờ, sau khi ăn, Thế Tôn từ vườn Ni-câu-lâu đến trong xóm Tì-la-da-trí[113] và ngồi dưới một gốc cây. Lúc ấy, Chấp Trượng, người họ Thích,[114] ra khỏi thành Ca tỳ la việt, đến chỗ Thế Tôn, rồi đứng im lặng.
Sau đó, Chấp Trượng Thích hỏi Thế Tôn rằng: “Sa môn dạy dỗ điều gì? Bàn luận những gì?”
Thế Tôn bảo: “Bà-la-môn nên biết, điều mà Ta luận thì trời rồng, quỷ thần không thể theo kịp,[115] chẳng dính mắc thế gian, cũng chẳng trụ trong thế gian.[116] Điều mà Ta luận là như vậy.”
Khi ấy, Chấp Trượng Thích lắc đầu, thở dài, rồi bỏ đi. Sau đó, Như Lai đứng dạy trở về tinh xá.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Vừa rồi, khi Ta đang ngồi trong vườn, có Chấp Trượng Thích đến gặp ta và hỏi ta rằng: ‘Sa môn luận những gì?’ Ta đáp: ‘Điều mà Ta luận chẳng phải là điều mà chư thiên và thế gian có thể theo kịp, cũng chẳng dính mắc thế gian, cũng chẳng trụ trong thế gian. Điều mà Ta luận là như vậy.’ Lúc ấy, Chấp Trượng Thích nghe xong liền bỏ đi.”
Lúc ấy, có một Tỳ-kheo bạch Thế Tôn rằng:
“Thế nào là không dính mắc thế gian cũng không trụ ở thế gian?”
Thế Tôn bảo:
“Điều mà Ta luận hoàn toàn không dính mắc thế gian, cũng như nay được giải thoát khỏi tham dục, dứt trừ sự nghi ngờ của dòng họ Thích,[117] không có các tưởng.[118] Điều mà Ta luận là như vậy.”
Nói xong, Thế Tôn liền đi vào tịnh thất.
Lúc ấy, các Tỳ-kheo nói với nhau: “Vừa rồi, Thế Tôn nói tóm lược ý nghĩa của luận ấy, mà ai có thể giảng rộng nghĩa này?”
Rồi các Tỳ-kheo nói với nhau: “Thế Tôn thường ca ngợi tôn giả Đại Ca-chiên-diên. Chỉ có Ca-chiên-diên có thể giảng rộng ý nghĩa này.”
Sau đó, các Tỳ-kheo nói với Ca-chiên-diên rằng:
“Vừa rồi Như Lai đã giảng tóm tắt ý nghĩa ấy. Cúi xin Tôn giả hãy giảng rộng thêm, phân biệt rõ ràng từng việc cho mọi người được hiểu.”
Ca-chiên-diên đáp:
“Ví dụ như có một người [743b] đi ra khỏi làng để tìm lõi cây. Vừa thấy cây to, người ấy liền đốn ngã lấy cành lá mang đi mà bỏ cây lại. Hôm nay các vị cũng như vậy. Các vị đã bỏ Như Lai mà đi tìm lõi cây nơi cành lá. Nhưng Như Lai nhìn thấy tất cả, không đâu không cùng khắp. Ngài soi sáng thế gian, là Đạo sư của Trời Người. Như Lai là chủ chân thật của pháp. Các vị phải tùy theo thời gian thích hợp, tự nhiên sẽ được Như Lai giải thsch cho ý nghĩa này.”
Lúc ấy, các Tỳ-kheo đáp:
“Tuy Như Lai là chủ chân thật của pháp, sẽ diễn rộng nghĩa ấy. Nhưng Tôn giả đã được Thế Tôn ghi nhận, có khả năng nói rõ nghĩa ấy.”
Ca-chiên-diên nói:
“Vậy các vị hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ, tôi sẽ giảng nói phân biệt nghĩa ấy.”
Các Tỳ-kheo đáp: “ Thưa vâng.”
Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.
Ca-chiên-diên nói: “Luận mà hôm nay Như Lai nói đến, không phải là điều mà trời rồng, quỷ thần có thể theo kịp, không dính mắc, cũng không trụ thế gian, nhưng ta được giải thoát đối với chúng, dứt sạch nghi ngờ không còn do dự. Như chúng sanh ngày nay ưa thích tranh đấu, kiện tụng, khởi các loạn tưởng. Lại nữa, Như Lai nói, Ta không sanh tâm đắm nhiễm trong đó; đó là kết sử tham dục, kết sử sân nhuế, tà kiến, ham muốn thế gian, kết sử kiêu mạn, kết sử nghi, kết sử vô minh, và do đó đưa đến đau khổ vì dao gậy, mà tranh đấu kiện tụng với người, phát sanh bao nhiêu hành vi bất thiện, phát sanh loạn tưởng.
“Khi mắt thấy sắc mà sanh ra thức tưởng, nhân ba sự ấy mà có xúc[119]. Do có xúc* nên có thọ*. Do có thọ* nên có giác tri. Do có giác tri nên có tưởng. Do có tưởng nên suy lường; từ đó mà có các niệm dính mắc nơi tưởng.[120] Tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp mà sanh ra thức tưởng, nhân ba sự ấy mà có xúc. Do có xúc* nên có thọ*. Do có thọ* nên có giác tri. Do có giác tri nên có tưởng. Do có tưởng nên suy lường; từ đó mà có các niệm dính mắc nơi tưởng. Đó là kết sử tham dục, kết sử sân nhuế, tà kiến, ham muốn thế gian, kết sử kiêu mạn, kết sử nghi ngờ, kết sử vô minh, gây ra tai biến đao gậy và bao nhiêu tai biến khác không thể tính hết.
“Nếu có ai nói không có mắt, không có sắc mà lại có xúc*, điều đó không đúng. Nếu có ai nói không có xúc* mà có [743c] thọ* thì cũng không đúng. Nếu nói không có thọ* mà có tưởng thì cũng không đúng. Nếu có ai nói không có tai, không có tiếng; không có mũi, không có mùi; không có lưỡi, không có vị; không có thân, không có sự xúc chạm; không có ý, không có pháp, mà nói là có thức, thì cũng không có lý. Nếu có ai nói không có xúc* mà có thọ* thì cũng không đúng. Nếu nói không có thọ* mà có tưởng thì cũng không đúng. Nếu có ai nói, có mắt, có sắc và ở trong đó phát sanh ra thức, điều đó hợp lý. Nếu nói có tai, tiếng; mũi, hương; lưỡi, vị; thân, sự trơn láng; ý, pháp, và ở trong đó phát sanh ra thức, điều đó hợp lý. Các vị nên biết, do nhân duyên này nên Thế Tôn nói: ‘Điều mà Ta luận, không phải là điều mà trời, người, Ma, Thiên ma có thể theo kịp; không chấp trước thế gian, không trụ ở thế gian, nhưng Ta lại giải thoát khỏi tham dục, chấm dứt nghi ngờ, không còn do dự.’ Vì lý do này Thế Tôn nói nghĩa ấy. Nếu ai chưa thông suốt thì hãy đến gặp Thế Tôn hỏi lại nghĩa ấy. Như Lai có dạy điều gì, hãy ghi nhớ mà phụng hành.”
Nghe Ca-chiên-diên giảng xong, các Tỳ-kheo không nói là đúng, cũng không nói là sai, mà tức thời đứng dậy, nói với nhau: “Chúng ta hãy đem ý nghĩa này đến hỏi Thế Tôn. Thế Tôn có dạy điều gì, sẽ theo đó mà phụng hành.”
Rồi thì, số đông các Tỳ-kheo đến gặp Thế Tôn, đảnh lễ sát đất, rồi ngồi qua một phía, đem việc lúc nãy bạch với Thế Tôn.
Bấy giờ, Như Lai nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Tỳ-kheo Ca-chiên-diên thông minh, biện tài, đã giảng rộng nghĩa ấy. Nếu các ông đến hỏi Ta điều đó, thì Ta cũng giảng cho các ông như vậy mà thôi.”
Lúc ấy, A-nan đang đứng sau Như Lai. A-nan liền bạch Phật rằng:
“Ý nghĩa của kinh này rất sâu sắc. Giống như có người đi đường gặp cam lồ[121] liền lấy ăn. Thật hết sức thơm ngon, ăn không biết chán. Ở đây cũng như vậy, thiện nam, thiện nữ nghe kinh này sẽ không hề biết chán.”
A-nan lại hỏi:
“Kinh này tên là gì và phụng hành ra sao?”
Phật bảo A-nan:
“Kinh này tên là ‘Pháp vị cam lồ.’[122] Hãy ghi nhớ và phụng hành.”
Bấy giờ, A-nan nghe Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
41. PHẨM CHỚ SỢ
KINH SỐ 1[123]
[744a2] Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Ny-câu-lâu thuộc nước Ca-tỳ-la-vệ của dòng họ Thích, cùng chúng đại Tỳ-kheo gồm năm trăm vị.
Lúc ấy, Thích Ma-ha-nam đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát đất, ngồi qua một phía, rồi bạch Thế Tôn rằng:
“Tự thân con nghe Như Lai có dạy như vầy, thiện nam, thiện nữ nào đoạn trừ ba kết sử thành Tu đà hoàn, gọi là bất thối chuyển, ắt thành đạo quả, không còn tìm cầu đến các ngoại đạo dị học, cũng không xét đến các thuyết mà người khác nói. Không có trường hợp nào mà không phải như vậy.
“Nhưng khi con thấy bò, ngựa, lạc đà hung dữ, thì con sợ hãi đến rợn tóc gáy và nghĩ rằng: Nếu hôm nay mà ta gặp phải tai nạn này chắc sẽ qua đời và sẽ sanh về đâu?”
Thế Tôn bảo Ma-ha-nam :
“Chớ sợ, Ma-ha-nam! Giả sử hôm nay mạng chung, ông sẽ không đoạ vào ba đường dữ. Vì sao vậy? Có ba thứ dẫn đến tiêu diệt. Ba thứ ấy là: như có người do tham đắm dâm dục mà phát sanh não loạn, lại có tâm làm hại người khác.[124] Nếu không có tâm tham dục này thì sẽ không có tâm sát hại, ở trong đời hiện tại không phát sanh khổ não. Những ai có pháp ác, bất thiện, thì sẽ tự hại mình. Nếu không có pháp ấy thì không bị nhiễu loạn, không có sầu ưu. Cho nên, này Ma-ha-nam, ba ý nghĩa này cho thấy các pháp ác thì đoạ xuống dưới, các pháp lành thì nổi lên trên. Cũng như thả hủ bơ bị vào trong nước, rồi đạp vỡ; các mảnh sành liền chìm xuống còn bơ thì nổi lên trên. Ở đây cũng vậy, các pháp ác bất thiện thì chìm xuống, các pháp lành thì nổi lên. Ma-ha-nam, nên biết, ngày xưa khi chưa thành Phật đạo,[125] Ta siêng tu khổ hành suốt sáu năm tại Ưu-lưu-tì, không ăn thức ăn ngon. Thân thể ốm gầy giống như là người trăm tuổi, đều do không ăn mà ra. Khi Ta định đứng dậy, liền bị té xuống đất. Lúc ấy, Ta lại suy nghĩ: nếu Ta bị chết lúc ấy thì sẽ sanh về đâu? Và ta nghĩ rằng: Nếu hôm nay Ta chết thì sẽ không đoạ ác đạo, nhưng ý nghĩa không phải là từ vui đến vui, mà là từ khổ đến vui.
“Sau đó, Ta sống trong hang Tiên nhân,[126] có nhiều Ni-kiền tử đang học đạo ở đấy. Lúc ấy, có Ni-kiền tử đưa tay chỉ mặt trời, phơi thân ngoài nắng để học đạo. [744b] Có người ngồi chồm hổm để học đạo. Bấy giờ, Ta đến chỗ họ, nói với họ rằng: ‘Vì sao các ông không ngồi mà lại dơ tay, kiểng chân vậy?’ Ni-kiền tử nói: ‘Cù-đàm, nên biết, trước kia Thầy tôi đã làm việc bất thiện, sở dĩ chúng tôi khổ hành là để diệt tội ấy.[127] Nay phơi bày thân thể tuy hơi nhục, nhưng tội ấy sẽ được diệt trừ. Cù-đàm, nên biết, hành diệt hết thì khổ cũng diệt hết; khổ diệt hết thì hành cũng diệt hết.[128] Khổ, hành dứt hết thì đạt đến Niết bàn.’
“Khi ấy, Ta nói với các Ni-kiền tử rằng: ‘Việc ấy không đúng. Không phải do hành diệt hết mà khổ diệt hết; cũng không phải do khổ diệt hết và hành diệt hết mà đạt Niết bàn. Giả sử khổ hānh diệt hết mà đạt đến Niết bàn, điều đó đúng; nhưng không thể từ lạc mà dẫn đến vui.’[129] Ni kiền tử nói: ‘Vua Tần-tì-sa-la do từ vui mà dẫn đến lạc, có gì là khổ?’ Khi ấy, Ta lại nói với Ni-kiền tử rằng: ‘Cái vui của vua Tần-tì-sa-la làm sao bằng cái lạc của Ta?” Ni-kiền tử nói: ‘Cái vui của vua Tần-tì-sa-la hơn cái lạc của ông.’ Ta lại nói với Ni-kiền tử rằng: ‘Vua Tần-tì-sa-la có thể như Ta ngồi kiết già bảy ngày bảy đêm không lay động[130] được không? Hoặc ngồi kiết già sáu, năm, bốn, ba, hai cho đến một ngày được không?’ Ni kiền tử đáp: ‘Không được, thưa Cù-đàm.’ Thế Tôn bảo: “ Ta có thể ngồi kiết già mà thân hình không lay động*. Thế nào, Ni kiền tử, vậy ai lạc hơn?’ Ni kiền tử đáp: ‘Sa môn Cù-đàm lạc hơn.’
“Này Ma-ha-nam, hãy do phương tiện này mà biết rừng, lạc không thể đến từ lạc, mà lạc phải đến từ từ khổ. Này Ma-ha-nam giống như hai bên làng có ao nước lớn, dài rộng một do tuần, chứa đầy nước. Nếu có người đến đó lấy một giọt nước; này Ma-ha-nam, giọt nước đó nhiều hay nước trong hồ nhiều hơn?”[131]
Ma-ha-nam nói: “Nước trong hồ nhiều; chẳng phải một giọt nước nhiều.”
Thế Tôn bảo:
“Ở đây cũng như vậy, đệ tử Hiền Thánh đã vĩnh viễn chấm dứt các khổ, chỉ còn lại (một ít khổ) cũng như một giọt nước mà thôi. Người chứng quả thấp nhất trong chúng của Ta trải qua không quá bảy lần sanh, bảy lần chết nữa thì dứt sạch gốc khổ; nếu dũng mãnh, tinh tấn thì đạt đến Gia gia[132] rồi đắc đạo.”
Rồi Thế Tôn lại nói thêm pháp [744c] vi diệu cho Ma-ha-nam nghe. Sau khi nghe pháp xong, ông đứng dậy ra về.
Bấy giờ Ma-ha-nam nghenhừng điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Tôn giả Na-già-bà-la ở trong thành Lộc dã.
Bấy giờ, có một Bà-la-môn tuổi đã già nua, vốn có đôi chút quen biết đối với Tôn giả Na-già-bà-la. Lúc ấy, Bà-la-môn đó đến chỗ Tôn giả Na-già-bà-la, đảnh lễ rồi ngồi qua một phía.
Bà-la-môn nói với Tôn giả Na-già-bà-la rằng:
“Ngài là người sung sướng nhất trong những người sung sướng.”
Tôn giả Na-già-bà-la nói:
“Vì sao ông nói tôi là người sung sướng nhất trong những người sung sướng?”
Bà-la-môn đáp:
“Trong vòng bảy ngày, bảy đứa con trai của tôi đều chết. Chúng đều dũng mãnh, tài cao, trí huệ, khó có ai sánh kịp. Trong vòng sáu ngày gần đây, mười hai người giúp việc qua đời. Họ đều là những người giúp việc siêng năng. Trong vòng năm ngày, bốn anh em tôi qua đời. Họ có nhiều nghề, làm gì cũng giỏi. Bốn ngày gần đây, cha mẹ tôi đã gần trăm tuổi bỏ tôi mà lìa đời. Ba ngày gần đây, hai người vợ xinh đệp hiếm có trên đời của tôi đã chết. Lại nữa trong nhà có tám hầm châu báu, hôm qua tìm mãi không thấy. Những khổ não mà tôi đang gặp không thể tính hết. Còn tôn giả thì đã vĩnh viễn xa lìa tai hoạ đó, không còn lo buồn, sống an vui với đạo pháp. Vì lý do đó tôi mới nói ngài là người sung sướng nhất trong những người sung sướng.”
Lúc ấy, Tôn giả Na-già-bà-la bảo bà-la-môn ấy rằng:
“Sao ông không tìm phương tiện cho những người ấy không qua đời.”
Bà-la-môn đáp:
“Tôi cũng làm nhiều phương tiện để không chết, không bị mất của, lại tuỳ thời bố thí, tạo các công đức, tế tự chư thiên, cúng dường các bà-la-môn trưởng lão, thủ hộ chư thần, tụng các chú thuật, lại có thể xem tinh tú, chế thuốc thang, bố thí đồ ăn uống ngon lành cho những người nghèo khổ. Những việc như vậy kể ra không hết nhưng lại không thể cứu mạng sống của họ.”
Bấy giờ, Tôn giả Na-già-bà-la liền nói kệ:
Thuốc thang và chú thuật,
Y phục, đồ ăn uống;
Tuy cho nhưng vô ích,
Vẫn ôm lấy khổ đau.
[745a] Giả sử cúng tế thần,
Hương hoa và tắm gội.
Suy tính nguồn gốc này,
Không thể chửa trị được.
Giả sử cho các vật,
Tinh tấn giữ phạm hạnh,
Suy tính nguồn gốc này,
Không thể chửa trị được.
Bà-la-môn hỏi:
“Phải làm cách nào để thoát khỏi tai hoạ khổ não này?”
Tôn giả Na-già-bà-la liền nói kệ:
Gốc ân ái, vô minh,
Phát sanh các khổ não.
Diệt sạch các thứ ấy,
Thì không còn khổ não.
Nghe xong, bà-la-môn ấy liền nói kệ:
Tuy già chẳng ngại già,
Hành sự như đệ tử;
Xin xuất gia học đạo
Để thoát tai nạn này.
Rồi thì, Tôn giả Na-già-bà-la trao cho ông ba y, cho ông ấy xuất gia học đạo và bảo với ông ấy rằng:
“Ông nay là Tỳ-kheo. Hãy quán sát thân này từ đầu đến chân; xét sem tóc, lông, móng, răng, từ đâu mà đến, hình hài, da thịt, xương, tuỷ, ruột, bao tử, từ đâu mà đến. Nếu từ bỏ đây, thì sẽ đi về đâu? Vì vậy, Tỳ-kheo chớ có lo nghĩ nhiều về sự khổ não của thế gian, mà phải quán sát trong lỗ chân lông này, tìm phương tiện thành tựu bốn đế.
Bấy giờ, Tôn giả Na-già-bà-la liền nói kệ:
Trừ tưởng, chớ lo nhiều;
Không lâu được pháp nhãn.
Hành vô thường, như điện .
Không gặp phước lớn này.
Quán từng lỗ chân lông,
Nguồn gốc của sanh diệt.
Hành vô thường, như điện.
Bố thí hướng Niết bàn.
Sau khi nghe giảng xong, Tỳ-kheo già ấy ngồi ở nơi vắng vẻ tư duy về mục đích mà thiện nam tử ấy cạo bỏ râu tóc xuất gia học đạo với lòng tin kiên cố, tu phạm hạnh vô thượng, biêt như thật rằng, sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, đã làm những việc cần làm, không còn thọ thai trở lại. Bấy giờ, Tỳ-kheo ấy liền đắc quả A-la-hán.
Có vị thiên vốn là bạn cũ của Tỳ-kheo ấy, thấy vị ấy thành A-la-hán, liền đến chỗ Tôn giả Na-già-bà-la đứng trên hư không mà [745b] nói kệ rằng:
Đã đắc giới cụ túc,
Ở nơi vắng vẻ ấy.
Đắc đạo, tâm không chấp;
Trừ sạch nguồn gốc ác.
Lúc ấy, vị thiên đó rải hoa trời cúng dường tôn giả rồi biến mất.
Bấy giờ, Tỳ-kheo ấy và vị thiên nghe nhừng điều Tôn giả Na-già-bà-la nói, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 3[133]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Hãy quán bảy xứ thiện, lại xét bốn pháp,[134] ở trong ngay trong đời này được gọi là thượng nhân. Này Tỳ-kheo, thế nào là quán bảy xứ thiện? Ở đây, Tỳ-kheo đem tâm từ rải khắp một phương, hai phương, ba phương, bốn phương, bốn hướng và phương trên dưới cũng đều như vậy, làm cho tâm từ tràn đầy khắp thế gian. Với tâm bi, hỷ, xả*, không, vô tướng, nguyện cũng lại như vậy.[135] Các căn đầy đủ, ăn uống điều độ, thường tự giác ngộ; Tỳ-kheo quán bảy pháp như vậy.
“Tỳ-kheo, xét bốn pháp như thế nào? Ở đây, Tỳ-kheo quán thân nơi nội thân, trừ khử sầu ưu, thân niệm xứ; quán thân nơi ngoại thân, thân niệm xứ; quán thân nơi ngoại thân, thân niệm xứ. Quán thọ nơi nội thọ thọ*, thọ niệm xứ; quan thọ nơi ngoại thọ*, thọ thọ niệm xứ; quán thọ nơi nội ngoại thọ*, thọ niệm xứ. Quán tâm nơi nội tâm, tâm niệm xứ; quan tâm nơi ngoại tâm, tâm niệm xứ; quan tâm nơi nội ngoại tâm, tâm niệm xứ;trừ khử sầu ưu, không còn các khổ hoạn. Quán pháp nơi nội pháp, pháp niệm xứ; quán pháp nơi ngoại pháp, pháp niệm xứ; quán pháp nơi nội ngoại pháp, pháp niệm xứ. Tỳ-kheo, hãy quan sát bốn pháp như vậy.
“Này Tỳ-kheo, quán bảy xứ thiện và xét bốn pháp ấy, ở ngay trong đời này là bậc thượng nhân. Vì vậy, Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu bảy xứ thiện và xét bốn pháp ấy. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 4
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Ni-câu-lâu, nước Ca-tỳ-la-vệ, giữa những người họ Thích cùng đại chúng Tỳ-kheo gồm năm trăm vị .
Lúc ấy, các Tỳ-kheo đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát đất rồi ngồi qua một phía. Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn rằng:
“Chúng con muốn đến phương Bắc để du hoá.”
[745c] Thế Tôn nói:
“Nên biết thời.”
Rồi Thế Tôn lại hỏi các Tỳ kheo:
“Các ngươi đã từ giã Tỳ-kheo Xá-lợi-phất chưa?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Chưa, bạch Thế Tôn.”
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ông hãy đến từ giã Tỳ-kheo Xá-lợi-phất. Vì sao vậy? Tỳ-kheo Xá-lợi-phất thường xuyên giáo giới cho những đồng phạm hạnh, thuyết pháp không hề mệt mỏi.
Rồi Thế Tôn nói pháp vi diệu cho các Tỳ-kheo nghe. Các Tỳ-kheo sau khi nghe pháp xong, rời khỏi chỗ ngồi, đảnh lễ sát chân Thế Tôn, nhiễu Phật ba vòng, rồi ra đi.
Lúc ấy, Xá-lợi-phất đang ở một tháp miếu của những người họ Thích. Các Tỳ-kheo đến chỗ Xá-lợi-phất, chào hỏi, rồi ngồi qua một phía. Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Xá-lợi-phất rằng:
“Chúng tôi muốn đến phương bắc du hoá trong nhân gian. Nay xin từ giã Tôn giả[136].”
Xá-lợi-phất nói:
“Này các Thầy, nên biết, nhân dân, sa-môn, bà-la-môn ở phương Bắc đều thông minh, trí huệ khó ai bì. Nếu có người muốn thử, đế hỏi các vị rằng, ‘Chư Hiền có chủ trương gì?’ Các Thầy sẽ trả lời như thế nào?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Nếu có ai đến hỏi, chúng tôi sẽ trả lời bằng nghĩa lý này: “Sắc là vô thường. Cái gì vô thường, cái đó là khổ. Cái gì khổ, cáo đó là vô ngã. Vô ngã là không. Do không, vô ngã nên chúng rỗng không. Đó là điều mà người trí quán sát. Thọ, tưởng, hành, thức, cũng vậy, là vô thường, khổ, không, vô ngã. Những gì là không, vì nó vô ngã nên không. Đó là điều mà người trí học. Năm uẩn này đều rỗng không, vắng lặng. Những gì tụ hội bởi nhân duyên, đều sẽ tiêu diệt, không tồn tại lâu dài. Con đường tám nhánh cùng tu với bảy chi. Những điều mà Tôn Sư của chúng tôi dạy chính là như vậy.’ Nếu có người sát-lợi, bà-la-môn hay nhân dân đến hỏi, chúng tôi sẽ trả lời với nghĩa lý như vậy.”
Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Các Thầy hãy kiên trì tâm ý, chớ có khinh suất.”
Bấy giờ, Xá-lợi-phất nói pháp vi diệu đầy đủ cho các Tỳ kheo nghe. Các Tỳ kheo nghe xong, rời chỗ ngồi đứng dậy ra đi.
Khi số đông các Tỳ-kheo đi chưa bao xa, Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:
“Như thế nào là thực hành con đường tám nhánh và pháp bảy chi?”
Số đông các Tỳ-kheo bạch Xá-lợi-phất rằng:
“Chúng tôi từ xa đến đây là để nghe ý nghĩa ấy. Xin hày hãy giảng cho chúng tôi.”
Xá-lợi-phất [746a] đáp:
“Các vị hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ. Tôi sẽ nói.”
Các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.
Xá-lợi-phất nói:
“Ai nhất tâm niệm chánh kiến, tức là niệm giác chi không rối loạn. Chánh tư duy,[137] là nhất tâm niệm hết thảy các pháp, tức là pháp giác chi. Chánh ngữ,[138] là thân, ý tinh tấn, tức là tinh tấn giác chi. Chánh nghiệp,[139] là hết thảy các pháp được sanh, tức là hỷ giác chi. Chánh mạng,[140] là biết đủ đối với tài sản Hiền Thánh, xả xả bỏ tài sản thế tục, nhẹ nhàng thân thể, tức là khinh an* giác chi. Chánh tinh tấn,[141] là chứng đắc bốn Thánh đế, trừ sạch các kết sử, tức là định giác chi. Chánh niệm,[142] là quán sát bốn niệm xứ,[143] thân không bền chắc, thẩy đều rỗng không, vô ngã, tức là xả* giác chi. Chánh tam muội,[144] là đạt được những gì chưa đạt, độ thoát những gì chưa độ thoát, chứng đắc những gì chưa chứng đắc.[145]
“Nếu có người đến hỏi rằng, ‘Như thế nào là tu tám đạo và bảy pháp ấy,’ các Thầy hãy trả lời như vậy. Vì sao vậy? Bởi vì Tỳ-kheo nào tu tám đạo và bảy pháp này, tâm liền được giải thoát khỏi hữu lậu.
“Tôi nhắc lại cho các Thầy rõ, Tỳ-kheo nào tu hành tư duy con đường tám nhánh và bảy pháp này, Tỳ-kheo ấy liền thành tựu hai quả không nghi ngờ gì. Hoặc chứng quả A-la-hán. Vả, hãy gác qua việc đó. Nếu không thể tu tập nhiều, nhưng trong một ngày mà tu hành con đường tám nhánh và bảy pháp này, phước báo không thể tính hết. Hoặc đắc A-na-hàm hoặc A-la-hán.[146]
“Vì vậy, các Thầy phải tìm cầu phương tiện tu hành con đường tám nhánh và bảy pháp này, nhất định sẽ chứng đắc đạo không có gì nghi ngờ.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe những điều Xá-lợi-phất nói, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ..
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Ca-diếp:
“Nay ông đã cao tuổi, ý lực không còn trẻ khỏe, hãy nhận y áo và đồ ăn của các gia chủ.”
Ca-diếp bạch Phật rằng:
“Con không thể nhận y áo và đồ ăn của họ. Nay với con, mặc y vá mảnh này, và tùy thời khất thực, không còn an lạc nào hơn. Vì sao vậy? Trong tương lai sẽ có các Tỳ-kheo thân thể yếu ớt, tâm tham y đệp, thức ăn ngon, nên giảm sút toạ thiền, không kham hành khổ hạnh, nhưng người ấy lại nói, ‘Quá khứ trong thời Phật, các Tỳ-kheo cũng nhận sự cung thỉnh của người, nhận y áo, ṭhức ăn. Vì sao chúng ta không làm theo Thánh nhân ngày xưa?’ Do tham đắm y áo, thức ăn, họ sẽ [746b] cởi bỏ y phục làm bạch y, khiến cho các vị Thánh hiền không còn oai thần, chúng bốn bộ dần dần suy giảm. Thánh chúng đã giảm bớt thì tháp miếu Phật cũng sẽ bị huỷ hoại. Tháp miếu Phật bị huỷ hoại cho nên kinh sách bị thất lạc. Lúc ấy, chúng sanh không còn tinh quang. Do không còn tinh quang nên tuổi thọ rất ngắn. Bấy giờ, chúng sanh sau khi mạng chung đều đoạ vào ba đường dữ. Cũng như ngày nay, chúng sanh tạo phước nhiều nên đều được sanh thiên; chúng sanh trong tương lai vì tạo tội nhiều nên đều đoạ địa ngục.”
Thế Tôn nói:
“Lành thay, lành thay, Ca-diếp! Ông đã làm nhiều lợi ích, làm ruộng phước và bạn lành của mọi người. Ca-diếp, nên biết, hơn một ngàn năm sau khi Ta nhập Niết bàn sẽ có Tỳ-kheo sút giảm thiền định, không còn thực hành pháp đầu đà, cũng không có đắp y vá mảnh và đi khất thực, chỉ thích nhận y áo, thức ăn do trưởng giả mang lại. Không còn ai sống dưới gốc cây, tại chỗ nhàn tĩnh, mà chỉ ưa trang sức phòng xá. Cũng không dùng đại tiểu tiện làm thuốc,[147] mà chỉ thích các loại dược thảo rất ngon ngọt. Hoặc ở đây lại tham đắm tài sản, tiếc lẩn phòng xá, thường xuyên tranh chấp với nhau. Lúc bấy giờ, đàn-việt thí chủ, dốc lòng chí tín Phật pháp, ưa hành huệ thí, không tiếc lẩn tài vật. Đàn-việt thí chủ ấy sau khi mạng chung thảy đều sanh lên trời. Nhưng Tỳ kheo lười biếng thì vào địa ngục.
“Như vậy, Ca-diếp, hết thảy các hành là vô thường, không tồn tại dài lâu.
“Lại nữa, Ca-diếp, nên biết, trong đời tương lai có Tỳ kheo tuy cạo đầu những vẫn hành theo nghiệp thế tục; tay trái ẳm con trai, tay phải ẳm con gái; lại cầm đàn, sáo mà khất thực trên đường phố. Lúc ấy, thí chủ đàn việt còn thọ phước vô cùng huống gì ngày nay những người khất thực đều tu hành chân chánh.
“Này Ca-diếp, tất cả các hành đều vô thường, không thể tồn tại lâu dài.
“Ca-diếp nên biết, trong tương lai, sa môn Tỳ-kheo sẽ xả bỏ con đường tám nhánh và bảy pháp này, cũng như Pháp bảo mà ngày hôm nay Ta đã tích tụ trong ba a-tăng-kỳ kiếp. Trong tương lai, các Tỳ-kheo khất thực để tự nuôi sóng bằng sự ca hát giữa đám đông. Đàn-việt thí chủ cho cơm cho chúng Tỳ kheo đó mà còn được phước, huống là ngày nay mà không được phước sao? Nay Ta đem pháp này giao cho Tỳ-kheo Ca-diếp và A-nan. Vì sao vậy? Hôm nay, Ta đã gần tám mươi tuổi. Không bao lâu nữa Như Lai sẽ diệt độ. Nay [746c] đem Pháp bảo giao phó cho hai người. Hãy ghi nhớ đọc tụng, lưu truyền ở thế gian, đừng để đoạn tuyệt. Nếu ai ngăn cản ngôn giáo của Thánh nhân, người ấy sẽ đoạ vào biên địa. Hôm nay ta đã giao phó Kinh pháp cho ông, đừng để bị thất thoát.”
Lúc ấy, Ca-diếp và A-nan liền rời khỏi chỗ ngồi, quỳ xuống chấp tay, bạch Thế Tôn rằng:
“Vì sao lại đem giáo Pháp giao phó cho hai con mà không giao cho vị khác? Lại nữa, trong chúng Như Lai, các vị có thần thông bậc nhất không thể đếm hết, sao Như Lai không phó chúc cho các vị đó?”
Thế Tôn bảo Ca-diếp rằng:
“Trên trời, trong loài người, ta không thấy người nào có thể thọ trì Pháp bảo sánh với Ca-diếp và A-nan. Trong chúng Thanh văn cũng không có ai vượt hơn được hai người này. Chư Phật trong quá khứ cũng có hai người thọ trì kinh pháp như Ca-diếp và A-nan ngày nay, rất là hy hữu. Vì sao vậy? Tỳ-kheo hành đầu đà trong thời Phật quá khứ, khi Pháp còn thì vị ấy còn, khi Pháp diệt vị ấy cũng mất. Tỳ-kheo Ca-diếp của Ta ngày nay lưu lại ở thế gian cho đến khi Phật Di-lặc ra đời rồi mới nhập diệt. Do đó Tỳ-kheo Ca-diếp hơn các Tỳ-kheo thời quá khứ. Còn Tỳ-kheo A-nan vì sao lại hơn các thị giả của chư Phật quá khứ? Thị giả của chư Phật quá khứ nghe các Ngài giảng sau đó mới hiểu; nhưng Tỳ-kheo A-nan ngày nay Như Lai chưa nói đã hiểu; Như Lai không nói cũng đều biết hết. Do bởi nhân duyên này Tỳ-kheo A-nan hơn các thị giả của chư Phật quá khứ.
“Vì vậy, hôm nay Ta giao phó Pháp bảo cho Ca-diếp và A-nan, đừng để bị khuyết giảm.”
Rồi Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Hết thảy hành vô thường.
Có sanh ắt có diệt.
Không sanh thì không chết.
Diệt ấy đệ nhất lạc.
Bấy giờ, Đại Ca-diếp và A-nan nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.[148]


Chú thích:
[106] Tham chiếu, Hán, Trung 2, kinh 7.
[107] A-dũ-xà giang thủy 阿[24]踰闍江水. Có lẽ đồng nhất Pāli, Ayojjhā, tên một vương quốc bên bờ sông Hằng. Cf. Tây vực ký 5 (tr. 896b04): A-dũ-đā 阿踰陀國 (Skt. Ayodhyā).
[108] Đại Quân-đầu 大均頭. Pāli: Mahā-Cunda.
[109] Bà-ca-lợi 婆迦利, tức trên kia, kinh 10 phẩm 46, phiên âm là Bà-ca-lê 婆迦梨. Pāli: Vakkali.
[110] Hắc phạm chí 黑梵志?
[111] Cf. Pāli, M. 93 Assalāyana (R. ii. 155): Asita Devala. Hán, Trung 37, kinh 151 (tr. 665c05).
[112] Pāli, M. 18 Madhupiṇḍika (R. i. 108). Hán, Trung 28, kinh 115.
[113] Tỳ-da-la-trí tụ 毘羅耶致聚. Pāli: beluvalaṭṭhikāya mūle, (ngồi) dưới gốc cây beluvaṭṭhika, một loại trúc. Trung kinh 115: trong một ngôi chùa của họ Thích, trong rừng trúc 竹林釋迦寺中.
[114] Chấp Trượng Thích chủng 執杖釋種. Pāli: Daṇḍapāṇipi Sakko.
[115] Hán: phi … sở năng cập … 所能及. Pāli: yathāvadī… na kenaci loke viggayha tiṭṭhati, yathā ca pana kāmehi visaṃyuttaṃ viharantaṃ taṃ brāhmaṇaṃ akathaṃkathiṃ chinnakukkuccaṃ bhavābhave vītataṇhaṃ saññā nānusenti, “điều mà Ta nói, không phải để tranh luận với bất cứ ai trong thế gian này; điều mà Ta nói là như bà-la-môn sống an trú mà không bị trói buộc bởi các dục, không hoài nghi, đọan trừ ác tác, không còn khát ái nơi hữu và phi hữu, không có các tưởng tiềm phục. ” Chỗ này Hán dịch thiếu một đoạn, nhưng được thấy trong tường thuật tiếp theo. Tham chiếu, Trung kinh 115 (tr. 0603b18).
[116] Dịch sát Hán. Có lẽ từ Phạn văn tương đương Pāli: na kenaci loke viggayha tiṭṭhati : “không tồn tại để tranh chấp (viggayha) với bất cứ ai trong thế gian”, nhưng bản Hán đọc là na kenaci loke vigayha tiṭṭhati, “không tồn tại để đắm chìm (vigayha) trong thế gian.”
[117] “Của dòng họ Thích”, cụm từ này có thể được chép dư trong Bản Hán. Xem cht. 47 trên.
[118] Xem cht. 47 trên.
[119] Nguyên Hán: cánh lạc 更樂.Đây là định nghĩa về xúc. Định cú Pāli: cakhuñca… paṭicca rūpe ca uppajjati cakkhuviññāṇaṃ tiṇṇaṃ saṅati phasso, duyên nơi mát và sắc, thức con matứ khởi lên. Tổ hợp ba này (gồm mắt, sắc, và thức) là xúc.
[120] Pāli: yaṃ vitakketi taṃ papañceti, do tầm mà có hý luận.
[121] Trung kinh 115: mật hoàn 蜜丸, cục mật ong. Pāli: madhupiṇḍikaṃ.
[122] Cam lộ pháp vị 甘露法味. Trung kinh 115: Mật hoàn dụ 蜜丸喻. Pāli: madhupiṇḍika-pariyāyo.
[123] Pāli, S. 55. 21. Mahānāma (R. v. 369); Pāli, M. 12 Cūḷadukkhakkhandha (R. i. 19). Hán, Tạp (Việt) kinh 1291.
[124] Cf. Pāli, M. 12 Cūḷadukkhakkhandha (R. i. 19): lobho, doso, moho cittassa upakkileso’ ti. tham, sân, si, là cấu uế của tâm.
[125] Tường thuật tương tợ, Cf. M. 14. ibid.
[126] Tiên nhân quật 仙人窟. Pāli: Isigila; tường thuật tưong tợ, cf. M. 14, ibid.
[127] Có lẽ Hán dịch bị nhảy sót nên đoạn văn hơi vô lý. Tham chiếu Pāli, ibid.: nigaṇṭho nāṭaputto‚ sabbaññū…so evamāha pubbe pāpakammaṃkataṃ, taṃ imāya kaṭukāya dukkarakārikāya nijjīretha, “Ni-kiền Tử, là đấng toàn trí, đã nói như vậy: bằng sự khổ hành khốc liệt này, các ngươi sẽ trừ diệt ác nghệp đã làm trước kia.”
[128] Đối chiếu Pāli: kammakkhayā dukkhakkhayo, nghiệp dứt sạch, nên khổ dứt sạch.
[129] Trong bản Pāli, điều này là phát biểu của nhóm Ni-kiền tử: na… sukhena sukhaṃ adhigantaṃ, dukkhena kho sukhaṃ adhigantabbaṃ (…) bimbisāro sukhaṃ adhigaccheyya, “lạc không thể đạt được bằng lạc; lạc phải đạt được bằng khổ. (Nếu không như vậy,) vua Bimbisara có thể đạt được lạc.” Đây là lý luận cho lối tu khổ hạnh của Ni-kiền tử mà Phật bác bỏ. Hán dịch sai lầm cho là quan điểm của Phật.
[130] Pāli, thêm chi tiết: suốt bảy bgày bảy đêm an trú với cảm thọ duy nhất là lạc (ekanta-sukhaṃ paṭisaṃvedī vaharitum).
[131] Xem Tạp 5, kinh 109. Pāli, S. 13.2. Pokkharaṇī.
[132] Gia gia, thứ sáu trong 18 bậc hữu học. Xem Trung 30, kinh 127.
[133] Tham chiếu Pāli, S. 22.; 57. Sattaṭṭhāna (R. iii. 62). Hán, Tạp (Việt) kinh 42.
[134] Tạp (Việt) kinh 42: thất xứ thiện, tam chủng quán nghĩa 七處善種觀義. Pāli, S.22: sattaṭṭhānakusalo, tividhāpaparikkhī.
[135] Xem kinh 3, phẩm 30.
[136] Trong bản: Thế Tôn.
[137] Đẳng trị 等治.
[138] Đẳng ngữ.
[139] Đẳng nghiệp.
[140] Đẳng mạng.
[141] Đẳng phương tiện.
[142] Đẳng niệm.
[143] Bốn ý chỉ.
[144] Đẳng tam-muộ.
[145] Hán dịch sót: định giác ý (giác chi).
[146] Việt dịch sát. Nhưng Hán dịch đoạn này lôn xộn. Nói theo thứ tự: tu tám Thánh đạo và bảy giác chi trong 7 năm, hoặc chỉ trong 7 ngày, cho đến một ngày, có thể chứng một trong hai quả: hoặc A-la-hán ngay trong đời này, hoặc nếu còn hữu dư, chứng A-na-hàm, tái sinh Tịnh cư thiên và nhập Niết-bàn trên đó.
[147] Địa tiểu tiện dược大小藥. Dịch ý của từ hủ lạn dược 腐爛藥, loại thuốc quy định cho Tỳ kheo. Pāli: pūtimatta, cũng được hiểu là nước nước đái quỷ. Nhưng ngữ nguyên của từ này không rõ ràng.
[148] Bản Hán, hết quyển 35.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 51 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Lược sử Phật giáo


Em Là Vì Sao Sáng


Phát tâm Bồ-đề


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Hạ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 18.190.219.65 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập