Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 31 »»

Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 31


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.51 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.65 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Tăng Nhất A Hàm

Kinh này có 51 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 |
Việt dịch: Thích Đức Thắng

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

38. PHẨM LỰC
KINH SỐ 1[67]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bầy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có sáu loại sức mạnh phàm thường.[68] Những gì là sáu? Trẻ con dùng tiếng khóc làm sức mạnh, muốn nói điều gì cốt trước phải khóc. Người nữ dùng sân hận làm sức mạnh, nổi sân hận rồi sau đó mới nói. Sa-môn, bà-la-môn dùng nhẫn nhục làm sức mạnh, thường nghĩ tự hạ mình và hạ mình đối với người sau đó mới trình bày. Quốc vương dùng kiêu ngạo[69] làm sức mạnh, dùng thế lực cường hào để nói chuyện. Song A-la-hán dùng sự tinh chuyên làm sức mạnh để nói chuyện. Chư Phật Thế Tôn thành tựu đại từ bi, dùng đại bi làm sức mạnh để làm lợi khắp chúng sanh.[70]
“Này các Tỳ-kheo, đó gọi là có sáu sức mạnh đời thường này. Cho nên, các Tỳ-kheo hãy học điều này như vậy.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi hãy tư duy về tưởng vô thường, [717c] phát triển tưởng vô thường, đọan hết ái dục giới, ái sắc giới, ái vô sắc giới, cũng đọan vô minh, kiêu mạn. Giống như lấy lửa đốt cây cỏ, cháy sạch hết không còn lưu dấu vết nào. Ở đây cũng như vậy, tu tưởng vô thường, dứt sạch dục ái, sắc ái và vô sắc ái, vô minh, kiêu mạn, viễn không còn tàn dư. Vì sao vậy? Khi Tỳ-kheo tu tưởng vô thường thì không có tâm dục. Do không có tâm dục nên có thể phân biệt pháp, tư duy nghĩa của nó, không có sầu ưu khổ não. Do tư duy nghĩa pháp thì tu hành không còn ngu si, sai lầm. Nếu thấy có ai tranh cãi, vị ấy liền tự nghĩ: ‘Các hiền sĩ này không tu tưởng vô thường, không phát triển tưởng vô thường cho nên đưa đến tranh cãi này. Vị ấy do tranh cãi, không quán nghĩa của nó. Do không quán nghĩa của nó nên tâm mê lầm. Vị ấy đã chấp vào sai lầm này nên khi chết rơi vào trong ba đường dữ là ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tu tưởng vô thường và phát trểin tưởng vô thường, liền không còn tưởng sân hận, ngu si, cũng có thể quán pháp và quán nghĩa của nó. Nếu sau khi chết sẽ sanh về ba đường lành trời, người, và dẫn đến Niết-bàn.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 3[71]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở tại bên bờ sông Ưu-ca-chi.[72] Bấy giờ, Thế Tôn đến dưới một gốc cây, tự trải toạ cụ mà ngồi, chánh thân, chánh ý, buộc niệm trước mặt.
Lúc ấy, có một bà-la-mônđi đến chỗ kia. Thấy dấu chân của Thế Tôn rất kỳ diệu, bà-la-môn này nghĩ thầm: ‘Đây là dấu chân của người nào, là trời, rồng, quỷ thần, càn-thát-bà,[73] a-tu-la, người hay phi nhân hay là Phạm thiên tổ tiên của ta?’ Lúc ấy, bà-la-môn liền theo dấu chân mà đi tới, từ xa trông thấy Thế Tôn ngồi dưới một gốc cây chánh thân, chánh ý, buộc niệm trước mặt. Thấy vậy, ông bèn hỏi:
“Ông là vị trời chăng?”
Thế Tôn bảo:
“Ta chẳng phải là trời.”
“Là càn-thát-bà chăng?”
Thế Tôn đáp:
“Ta cũng chẳng phải là càn-thát-bà.”
“Là rồng chăng?”
Đáp:
“Ta chẳng phải là rồng.”
“Là dạ-xoa chăng?”
Phật bảo bà-la-môn:
“Ta chẳng phải là dạ-xoa.”
“Là Tổ phụ chăng?”
“Ta chẳng phải là Tổ [718a] phụ.”
Lúc ấy, bà-la-môn hỏi Thế Tôn:
“Vậy Ngài là ai?”
Thế Tôn nói:
“Người có ái thì có thủ[74], có thủ thì có tham ái, nhân duyên hội hợp sau đó từng cái sanh ra nhau như vậy, như vậy, năm khổ thủ uẩn không bao giờ chấm dứt. Vì đã biết ái rồi, thì biết năm dục, cũng biết sáu trần ngoài và sáu xứ trong, tức biết gốc ngọn thủ uẩn này.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Thế gian có ngũ dục;
Ý là vua[75] thứ sáu.
Biết sáu pháp trong ngoài.
Nên niệm diệt gốc khổ.
“Cho nên phải tìm phương tiện diệt trừ sáu sự trong ngoài. Bà-la-môn, hãy học điều như vậy.”
Bà-la-môn nghe Phật dạy như vậy, tư duy nghiền ngẫm, ôm ấp trong tâm không rời, liền từ trên chỗ ngồi dứt sạch trần cấu, được mắt pháp trong sạch.
Bấy giờ bà-la-môn nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 4
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Xưa, trong lúc Ta còn là Bồ tát, chưa thành Phật đạo, có nghĩ như vầy: ‘Thế gian này rất là cần khổ, có sanh, có già, có bệnh, có chết, mà không đạt được cùng tận nguồn gốc của năm thủ uẩn này.’ Lúc ấy, Ta lại tự nghĩ: ‘Vì nhân duyên gì mà có sanh, già, bệnh, chết, lại vì nhân duyên gì đưa đến tai hoạn này?’ Trong khi đang tư duy, Ta lại sanh khởi ý nghĩ như vầy: ‘Có sanh thì có già, bệnh, chết.’
“Trong lúc đang tư duy, bấy giờ Ta lại tự nghĩ: ‘Vì nhân duyên gì có sanh?’ Ở đây, do hữu mà có sinh. Lại tự nghĩ như vầy: ‘Hữu do đâu mà có?’ Trong khi đang tư duy, lại tự nghĩ như vầy: ‘Hữu này do thủ* mà có hữu.’ Lại tự nghĩ: ‘Thủ này do đâu mà có?’ Bấy giờ, Ta dùng trí quán sát: ‘Do ái mà có thủ.’ Lại tư duy nữa: ‘Ái này do đâu mà sinh?’ Lại quán sát nữa: ‘Do thọ mà có ái.’ Lại tư duy nữa: ‘Thọ này do đâu mà sinh?” Trong khi đang quán sát: ‘Do xúc mà có thọ này,’ lại tự nghĩ tiếp: ‘Xúc này do đâu mà có?’ Lúc Ta khởi suy niệm này: ‘Duyên sáu xứ mà có sự xúc này,’ thời Ta lại tư duy: ‘Sáu xứ này do đâu mà có?’ Lúc quán sát: ‘Do danh sắc mà có sáu xứ,’ thì Ta lại tự nghĩ: ‘Danh sắc do đâu mà có?’ Khi quán sát: ‘Do thức mà có danh sắc,’ thì Ta lại tự nghĩ: ‘Thức do [718b] đâu mà có?” Khi quán sát: ‘Do hành sinh thức,’ thì Ta lại tự nghĩ: ‘Hành do đâu mà sinh?’ Khi quán sát, lại thấy: ‘Hành do vô minh mà sinh.’
“Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên sáu xứ, sáu xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên chết, chết duyên buồn rầu khổ não không thể nói hết. Đó gọi là sự tập khởi của khổ thủ uẩn như vậy.
“Bấy giờ, Ta lại tự nghĩ: ‘Do nhân duyên gì già, bệnh, chết diệt?’ Khi Ta quan sát, thấy rằng: ‘Sanh diệt thì già, bệnh, chết diệt.’ Ta lại tự nghĩ như vầy: ‘Do đâu mà không sinh?’ Quán sát gốc của sinh thì thấy: ‘Hữu diệt thì sanh diệt.’ Ta lại nghĩ: ‘ Do đâu không có hữu?’ Lại tự nghĩ như vầy: ‘Không thủ thì không hữu.’ Ta lại nghĩ: ‘Do đâu mà thủ diệt?’ Khi Ta quan sát, thấy rằng: ‘Ái diệt thì thủ diệt.’ Lại tự nghĩ như vầy: ‘Do gì mà diệt ái?’ Ta lại quan sát thấy: ‘Thọ diệt thì ái diệt.’ Lại tư duy: ‘Do gì mà thọ diệt?’ Khi quan sát thấy: ‘Xúc diệt thì thọ diệt.’ Lại tư duy: ‘Do gì mà xúc diệt?’ Lúc quan sát thấy: ‘Sáu xứ diệt thì xúc diệt.’ Lại quán sát: ‘Sáu xứ này do gì mà diệt?’ Lúc đang quan sát, Ta thấy: ‘Danh sắc diệt thì sáu xứ diệt.’ Lại quán sát: ‘Do gì danh sắc diệt? Thức diệt thì danh sắc diệt.’ Lại quán: ‘Thức này do gì mà diệt?’ Hành diệt thì thức diệt.’ Lại quán: ‘Hành này do gì mà diệt?’ Si diệt thì hành diệt. Hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì sáu xứ diệt, sáu xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì già, bệnh, diệt; già bệnh diệt thì tử diệt. Đó gọi là năm thủ uẩn diệt.
“Bấy giờ, Ta lại tự nghĩ như vầy: ‘Thức này là đầu mối tối sơ đưa con người đến sanh, già, bịnh, chết này, nhưng lại không thể biết nguồn gốc của sinh, già, bệnh, chết này. Giống như có người ở trong rừng đi theo con đường nhỏ, đi tới trước một chút thì gặp một con đường lớn cũ, là nơi ngày xưa mọi người đi trên đó. Lúc này, người ấy liền đi theo con đường đó, đi tới trước một chút nữa lại thấy thành quách xưa, vườn cảnh ao tắm thảy đều rất tốt tươi. Nhưng trong thành kia không có người ở. Người này thấy [718c] rồi, quay trở về bổn quốc, đến trước tâu vua:
“Hôm qua dạo chơi núi rừng, tôi gặp thành quách tốt, cây cối sum suê tươi tốt, nhưng trong thành ấy không có người dân. Đại vương hãy cho nhân dân đến cư trú ở thành kia.”
“Nghe người ấy nói xong, bấy giờ quốc vương liền cho nhân dân ở. Nhờ vậy thành quách này trở lại như xưa, nhân dân đông đúc, vui vẻ vô cùng.
“Các Tỳ-kheo, nên biết, khi xưa lúc Ta chưa thành Bồ-tát, học đạo ở trong núi, thấy nơi chốn du hành của chư Phật xa xưa, liền theo con đường này, liền biết được nguồn gốc sinh khởi của sanh, già, bệnh, chết. Có sinh thì có diệt, thảy đều phân biệt, biết sinh khổ, sinh tập, sinh diệt, và sinh đạo, thảy đều biết rõi ràng. Hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu xứ, danh sắc, thức, hành, vô minh cũng lại như vậy. Vô minh khởi thì hành khởi, những gì được hành tạo lại do thức. Nay Ta đã biết rõ thức, nên nay vì chúng bốn bộ mà nói về gốc này; tất cả đều phải biết chỗ phát sanh nguồn gốc này: biết khổ, biết tập, biết diệt, biết đạo, hãy suy niệm cho rõ ràng. Đã biết sáu xứ thì biết sanh, già, bệnh, chết; sáu xứ diệt thì sanh, già, bệnh, chết diệt. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện diệt trừ sáu xứ.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn đang thuyết Pháp cho vô số, trăm ngàn vạn chúng. Khi ấy, A-na-luật ở trên chỗ ngồi kia. A-na-luật ở giữa đại chúng mà ngủ gục. Khi Phật thấy A-na-luật ngồi ngủ, liền nói kệ này:
Nghe Pháp ưa ngủ nghĩ;
Ý không có thác loạn.
Những pháp Hiền thánh nói
Là điều kẻ trí ưa.
Giống như hồ nước sâu,
Lắng trong không bợn dơ.
Người nghe Pháp như vậy,
Hưởng vui, tâm thanh tịnh.[76]
Cũng như tảng đá lớn,
Gió lay không thể động.
Như vậy, được khen chê,
Tâm không có dao động.[77]
Lúc ấy, Thế Tôn bảo A-na-luật:
“Ông sợ pháp vua và sợ giặc cướp mà hành đạo sao?”
A-na-luật đáp:
“Thưa không, Thế Tôn!”
Phật hỏi A-na-luật [719a]:
“Vì sao ông xuất gia học đạo?”
A-na-luật bạch Phật:
“Vì ghê tởm già, bệnh, chết, buồn rầu, khổ não này. Vì bị khổ bức bách, muốn dứt bỏ, cho nên xuất gia học đạo.”
Thế Tôn bảo:
“Nay ông là thiện gia nam tử với lòng tin kiên cố xuất gia học đạo. Hôm nay chính Thế Tôn đang thuyết pháp, vì sao ở trong đây ngủ gục?”
Lúc ấy, tôn giả A-na-luật liền rời chỗ ngồi đứng dậy, vén áo bày vai phải, quỳ gối, chấp tay bạch Phật:
“Từ nay về sau, thân thể tan nát, con quyết cũng không ngồi trước Thế Tôn mà ngủ gục.”
Lúc ấy, tôn giả A-na-luật suốt đêm đến sáng không ngủ, nhưng không thể trừ được mê ngủ, nhãn căn dần dần tổn thương.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo A-na-luật:
“Sự nổ lực tinh tấn của ngươi tương ưng với trạo cử. Nếu lại biếng nhác, thì nó tương ưng với kết. Hành trì của ngươi hiện nay là nên ở giữa.”
A-na-luật bạch Phật:
“Ở trước Như Lai con đã thề, nay không thể làm ngược lại bổn nguyện.”
Sau đó, Thế Tôn bảo Kỳ-vực:
“Hãy chữa trị mắt cho A-na-luật.”
Kỳ-vực đáp:
“Nếu A-na-luật chịu ngủ nghỉ chút ít thì con mới chữa mắt được.”
Thế Tôn bảo A-na-luật:
“Ngươi nên ngủ. Vì sao vậy? Tất cả pháp do ăn mà tồn tại, không ăn thì không tồn tại. Mắt lấy ngủ nghỉ làm thức ăn. Tai lấy âm thanh làm thức ăn. Mũi lấy mùi thơm làm thức ăn. Lưỡi lấy vị làm thức ăn. Thân lấy sự trơn láng làm thức ăn. Ý lấy pháp làm thức ăn. Nay Ta cũng nói, Niết-bàn cũng có thức ăn.”
A-na-luật bạch Phật:
“Niết-bàn lấy gì làm thức ăn?
Phật bảo A-na-luật:
“Niết-bàn lấy sự không phóng dật làm thức ăn. Nương vào không phóng dật đến được vô vi.”
A-na-luật bạch Phật:
“Tuy nói mắt lấy ngủ nghỉ làm thức ăn, nhưng con không kham ngủ nghỉ.”
Bấy giờ, A-na-luật đang vá y phục cũ thì mắt từ từ bị hư hoại, nhưng được thiên nhãn không có tỳ vết. Lúc ấy, A-na-luật dùng pháp thường để vá y phục, nhưng không thể xỏ chỉ qua lỗ kim. A-na-luật liền tự nghĩ: “Các vị đắc đạo A-la-hán trên thế gian hãy xỏ kim cho tôi.”
Lúc ấy, Thế Tôn, bằng thiên nhãn thanh tịnh, nghe âm thanh này: “Các vị đắc đạo A-la-hán trên thế gian hãy xỏ kim cho tôi.” Thế Tôn liền đến chỗ A-na-luật, bảo rằng:
“Ông đưa kim [719b] lại đây Ta xỏ cho.”
A-na-luật bạch Phật:
“Vừa rồi con có kêu gọi những ai ở thế gian muốn cầu phước kia, thì hãy xỏ kim cho con.”
Thế Tôn đáp:
“Người cầu phước thế gian không có ai hơn Ta. Như Lai đối với sáu pháp không bao giờ nhàm chán. Những gì là sáu? Một là bố thí, hai là giáo giới, ba là nhẫn nhục, bốn là thuyết pháp thuyết nghĩa, năm là giúp đỡ chúng sanh, sáu là cầu Đạo Vô thượng Chánh chơn. Này A-na-luật, đó gọi là Như Lai đối với sáu pháp này không bao giờ nhàm chán.”
A-na-luật bạch:
“Thân Như Lai là Pháp thân chân thật, còn muốn cầu Pháp gì nữa? Như Lai đã vượt qua biển sanh tử, lại thoát ái trước, mà nay vẫn đứng đầu trong những người cầu phước!”
Thế Tôn bảo:
“Đúng vậy, A-na-luật! Như lời ông nói: ‘Như Lai cũng biết sáu pháp này mà không bao giờ nhàm chán. Nếu chúng sanh nào biết những việc làm nơi thân, miệng, ý là nguồn gốc của tội ác, sẽ không bao giờ rơi vào ba đường dữ. Do chúng sanh kia không biết nguồn gốc tội ác nên đoạ vào trong ba đường dữ.”
Rồi Thế Tôn nói kệ này:
Lực mà thế gian có,
Tồn tại trong trời người;
Lực phước là hơn hết.
Do phước được thành Phật.
“Cho nên, A-na-luật, hãy tìm cầu phương tiện được sáu pháp này.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 6[78]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Lúc ấy, một số các Tỳ-kheo vào thành Xá-vệ khất thực, nghe thấy bên ngoài cửa cung vua Ba-tư-nặc có đám đông người dân giơ tay kêu gào, tỏ vẻ oán trách: ‘Trong nước có giặc cướp tên Ương-quật-ma[79] hết sức hung bạo, giết hại người vô số, không từ bi đối với hết thảy chúng sanh. Nhân dân trong nước không ai là không kinh tởm lo sợ. Mỗi ngày, nó giết một người, lấy một ngón tay xâu thành chuổi, cho nên gọi là nó là “Chuổi Ngón Tay.”[80] Cúi xin Đại vương hãy đi đánh bắt.’
Các Tỳ-kheo sau hi khất thực xong, trở về tinh xá Kỳ-hoàn, thâu cất y bát, lấy toạ cụ vắt lên vai, đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
[719c] “Chúng con một số đông vào thành Xá-vệ khất thực nghe thấy bên ngoài cung vua có nhiều người dân kêu than oán trách: ‘Nay trong nước có giặt cướp tên Ương-quật-ma là người hung bạo, không có tâm từ, giết hại hết thảy chúng sanh. Người chết, đất nước trống không, đều do kẻ ấy. Nó lại lấy ngón tay người xâu làm tràng hoa.”
Thế Tôn nghe các Tỳ-kheo kia nói xong, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, im lặng ra đi.
Thế Tôn ngay sau đó đi đến chỗ tên giặc kia. Những người kiếm củi, nhặt cỏ, người đi cày, người chăn bò, dê, thấy Thế Tôn đi vào con đường ấy, đều bạch với Phật:
“Sa-môn, chớ có đi theo con đường này. Vì sao vậy? Cạnh đường này có giặc cướp tên Ương-quật-ma đang ở đó. Người dân muốn đi vào đường này thì phải tập họp mười người, hoặc hai mươi người, hoặc ba mươi, bốn mươi, năm mươi người, mà vẫn không qua được, bị Ương-quật-ma bắt giết hết. Nhưng Sa-môn Cù-đàm đi một mình không có bạn sẽ bị Ương-quật-ma quấy nhiễu, chuyện này phải cảnh giác.”
Thế Tôn tuy nghe những lời này, nhưng vẫn đi tới, không dừng lại.
Trong lúc đó, mẹ Ương-quật-ma đem thức ăn đến chỗ Ương-quật-ma. Lúc này, Ương-quật-ma tự nghĩ: ‘Chuổi ngón tay của ta đã đủ số chưa?’ Nó bèn đếm, số ngón tay vẫn chưa đủ. Lại đếm trở lại, chỉ thiếu một ngón tay người. Ương-quật-ma nhìn quanh quất hai bên, tìm một người lạ để bắt giết, nhưng nhìn khắp bốn phía đều không thấy người. Nó liền tự nghĩ: ‘Thầy ta có dạy, nếu giết hại mẹ thì tất sẽ sanh thiên. Nay mẹ ta đã tự đến đây, ta hãy bắt giết, được đủ số ngón tay là được sanh lên trời.’
Rồi Ương-quật-ma dùng tay trái nắm đầu mẹ, tay phải rút kiếm nói với mẹ: ‘Mẹ ơi, hãy đứng lại một lát.’
Lúc ấy, Thế Tôn liền nghĩ: ‘Ương-quật-ma này đang tạo ngũ nghịch.’ Ngài lập tức phóng ánh sáng từ giữa chặng mày chiếu khắp núi rừng ấy. Lúc ấy, Ương-quật-ma Thấy ánh sáng này, liền nói với mẹ: ‘Đây là ánh sáng gì mà chiếu khắp núi rừng này? Chẳng phải nhà vua tập hợp binh chúng đem công phạt ta ư?’
Lúc ấy, người mẹ bảo:
“Con ơi, nên biết, đây chẳng phải ánh sáng của mặt trời, mặt trăng hay lửa, cũng chẳng phải ánh sáng của Đế Thích, Phạm Thiên vương.”
Bấy giờ, người mẹ liền nói kệ này:
Chẳng phải ánh sáng lửa.
Trời, trăng, hay Thích, Phạm.
[720a] Chim thú không kinh sợ,
Vẫn ca hót như thường.
Ánh sáng rất thanh tịnh,
Khiến người vui vô lượng.
Ắt là đấng Tối thắng,
Thập lực, đến chốn này.
Trong cõi trời và người,
Thiên nhãn nhìn thế giới;
Vì muốn độ cho con
Thế Tôn đến nơi này.
Bấy giờ, Ương-quật-ma nghe đến tiếng Phật, vui mừng hớn hở, không tự dừng được, liền nói:
“Thầy con cũng giáo giới, bảo con: ‘Nếu con có thể giết mẹ, hay Sa-môn Cù-đàm, thì có thể sanh lên trời Phạm thiên.’”
Lúc ấy, Ương-quật-ma bảo mẹ:
“Nay Mẹ đứng đây! Trước hết con bắt giết Sa-môn Cù-đàm giết, sau đó hãy ăn.”
Ương-quật-ma liền bỏ mẹ ra mà chạy đuổi theo Thế Tôn. Từ xa trông thấy Thế Tôn đi đến, giống như khối vàng, chiếu khắp mọi nơi. Nó cười mà nói rằng: ‘Nay Sa-môn này nhất định ở trong tay ta, tất sẽ giết không nghi ngại. Nhân dân muốn đi vào đường này, họ đều tập họp đông người, mà đi đường này. Vậy mà Sa-môn này đơn độc không bạn bè. Nay ta sẽ bắt giết ông ta.”
Rồi Ương-quật-ma liền rút kiếm ra, đi ngược về phía Thế Tôn. Trong lúc đó, Thế Tôn liền quay ngược đường lại, từ từ mà đi. Nhưng Ương-quật-ma chạy rượt theo cũng không thể nào kịp. Khi ấy, Ương-quật-ma bạch Thế Tôn:
“Sa-môn, dừng lại! dừng lại!”
Thế Tôn bảo:
“Ta đã tự dừng rồi. Tự ngươi không dừng!”
Ương-quật-ma vừa chạy, vừa từ xa nói kệ này:
Đi, mà lại nói dừng.
Lại bảo ta không dừng.
Nói nghĩa này cho tôi:
Ông dừng, tôi không dừng?
Lúc ấy, Thế Tôn liền dùng kệ đáp:
Thế Tôn nói đã dừng,
Vì không hại hết thảy.
Nay ngươi có tâm giết,
Không lìa xa nguồn ác.
Ta dừng nơi tâm từ;
Thương giúp cả mọi người.
Ngươi gieo nhân địa ngục,
Không lìa xa nguồn ác.
Ương-quật-ma nghe bài kệ này, liền tự nghĩ: “Ta đã làm việc ác thật sao? Còn thầy bảo ta: ‘Đó là đại tế đàn, được quả báo lớn, [720b] nếu có thể bắt giết một ngàn người, lấy ngón tay xâu thành chuổi, thì được quả như sở nguyện mình. Người như vậy, sau khi chết vào chỗ lành, sanh lên trời. Nếu bắt giết mẹ ruột và Sa-môn Cù-đàm thì sẽ sanh lên Phạm thiên.” Lúc ấy, Phật liền dùng oai thần, khiến thần thức của nó chợt sáng: “Các sách vở của bà-la-môn cũng có nói rằng Như Lai ra đời rất là khó gặp, thật lâu, ức kiếp mới xuất hiện một lần. Khi vị ấy ra đời, độ người chưa độ, giải thoát người chưa giải thoát. Vị ấy nói Pháp diệt trừ sáu kiến chấp. Sao gọi là sáu? Người nói có ngã kiến, liền nói pháp diệt trừ ngã kiến; người nói không có ngã kiền thì cũng vì họ nói pháp diệt trừ không có ngã kiến; người nói vừa có ngã kiến, vừa không có ngã kiến thì, cũng vì họ nói pháp diệt trừ vừa có ngã vừa không có ngã. Lại tự quán sát, nói pháp đã được quán sát, tự nói pháp vô ngã, cũng chẳng phải pháp Ta nói, cũng chẳng phải pháp Ta chẳng nói. Nếu Như Lai xuất thế sẽ nói pháp diệt trừ sáu kiến chấp này. Lại nữa, khi ta chạy đi thì có thể đuổi kịp voi, ngựa, xe cộ và nhân dân, nhưng Sa-môn này đi không nhanh vội, song hôm nay ta không thể theo kịp người này. Đây chắc phải là Như Lai.”
Lúc ấy, Ương-quật-ma liền nói kệ này:
Tôn giả đã vì tôi
Mà nói kệ vi diệu.
Người ác nay biết chân,
Đều nhờ oai thần Ngài.
Lập tức bỏ kiếm bén,
Ném vào trong hang sâu.
Nay lễ chân Sa-môn
Liền cầu làm Sa-môn.
Rồi Ương-quật-ma liền đến trước bạch Phật:
“Cúi xin Thế Tôn cho phép con làm Sa-môn.”
Thế Tôn bảo:
“Hãy đến đây, Tỳ-kheo!” Lập tức Ương-quật-ma liền thành Sa-môn, mặc ba pháp y.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Nay ông đã cạo đầu;
Trừ kết sử cũng vậy.
Diệt kết, đắc quả lớn;
Không còn sầu, khổ não.
Ương-quật-ma sau khi nghe nhửng lời này, dứt sạch bụi trần, được mắt pháp trong sạch.
Bấy giờ, Thế Tôn dẫn Tỳ-kheo Ương-quật-ma trở về tinh xá Kỳ-hoàn, thành Xá-vệ. Trong lúc đó, vua Ba-tư-nặc tập hợp bốn bộ binh, định đánh dẹp Ương-quật-ma. Khi ấy, vua liền tự nghĩ: ‘Nay ta hãy đến chỗ Thế Tôn, đem nhân duyên này thưa đầy đủ lên Thế Tôn. Nếu Thế Tôn [720c] có dạy điều gì thì sẽ phụng hành.’
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc liền tập họp binh bốn bộ, đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Thế Tôn hỏi vua:
“Đại vương, hôm nay sắp đi đâu, mà thân thể đầy bụi bậm đến như vậy?”
Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:
“Nay trong nước con có giặc cướp tên Ương-quật-ma hết sức hung bạo, không có lòng từ đối với hết thảy chúng sanh. Đất nước hoang vắng, nhân dân lưu tán, đều do tên tặc này. Nay nó bắt người giết đi, lấy ngón tay xâu thành chuổi. Đó là quỷ dữ, chẳng phải là người. Nay con muốn bắt người này mà giết đi.”
Thế Tôn bảo:
“Nếu Đại vương thấy Ương-quật-ma với lòng tin kiên cố đã xuất gia học đạo, thì sẽ làm sao?”
Vua bạch Phật rằng:
“Còn biết làm gì hơn, là cung kính, cúng dường, tuỳ thời lễ bái! Nhưng, bạch Thế Tôn, nó lại là người ác, không có một mảy may thiện, thường giết hại, thì có thể có tâm xuất gia học đạo này chăng? Hoàn toàn không thể có việc ấy!”
Lúc ấy, Ương-quật-ma đang ngồi kiết già cách Thế Tôn không xa, chánh thân, chánh ý, buộc niệm trước mặt. Bấy giờ, Thế Tôn đưa tay phải chỉ và nói với vua:
“Đó là tên cướp Ương-quật-ma.”
Vua nghe những lời này, trong lòng kinh sợ, lông tóc đều dựng đứng.
Thế Tôn bảo vua:
“Chớ sinh lòng sợ hãi, hãy bước đến trước, thì tự vua sẽ tỏ ý mình.”
Vua nghe lời Phật dạy, liền đến trước Ương-quật-ma, nói với Ương-quật-ma:
“Ông họ gì?”
Ương-quật-ma đáp:
“Tôi họ Già-già,[81] mẹ tên Mãn Túc[82].”
Lúc ấy, vua đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bấy giờ, vua hỏi:
“Khéo vui trong chánh pháp này, chớ có lười biếng, tu phạm hạnh thanh tịnh để dứt gốc khổ. Tôi sẽ trọn đời cúng dường y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc men trị bệnh.”
Ương-quật-ma im lặng không đáp. Vua liền rời chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân. Quay trở lại chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên.
Lúc ấy, vua lại bạch với Phật:
“Người chưa hàng khiến hàng, người chưa phục khiến phục. Thật là kỳ lạ, hiếm có! Cho đến có thể hàng phục người cực ác. Cầu mong Thế Tôn thọ mạng vô cùng, để nuôi dưỡng nhân dân. Nhờ ơn Thế Tôn mà thoát được nạn này. Việc nước bề bộn, con xin trở về thành.”
Thế Tôn bảo:
“Vua nên biết đúng lúc!”
Bấy giờ, quốc vương liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ [721a] sát chân Phật, rồi lui đi.
Lúc bấy giờ, Ương-quật-ma hành a-lan-nhã, đắp y năm mảnh. Đến giờ, vị ấy ôm bát, đi đến từng nhà khất thực, một vòng rồi trở lại từ đầu; đắp y rách vá, thô xấu, tồi tàn, lại ngồi ở giữa trời trống, không che thân thể. Ương-quật-ma ở nơi vắng vẻ, tự tu hạnh này, vì mục đích mà thiện gia nam tử xuất gia học đạo, tu vô thượng phạm hạnh, biết như thật rằng, Sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa. Bấy giờ, Ương-quật-ma liền thành A-la-hán, sáu thông trong suốt không còn bụi dơ.
Sau khi đã thành A-la-hán, đến giờ đắp y, mang bát, vào thành Xá-vệ khất thực. Lúc ấy, có một thiếu phụ đang sanh khó. Thấy vậy, vị ấy liền tự nghĩ: ‘Đau khổ thay, chúng sanh chịu bức não[83] vô hạn.’ Sau khi thọ thực xong, Ương-quật-ma cất y bát, lấy toạ cụ đặt lên vai, đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bấy giờ Ương-quật-ma bạch Thế Tôn:
“Vừa rồi, con đắp y, mang bát vào thành Xá-vệ khất thực, gặp một người nữ thân thể mang thai nặng nề.[84] Lúc ấy, con liền tự nghĩ: ‘Chúng sanh chịu khổ đến như vậy sao?’”
Thế Tôn đáp:
“Ông hãy đến chỗ người phụ nữ ấy, nói như vầy: ‘Từ khi tôi sanh trong nhà Hiền Thánh đến nay, chưa từng sát sanh. Bằng lời chí thành này cầu cho người mẹ và thai nhi không gì tai biến[85]!”
Ương-quật-ma đáp:
“Thưa vâng, Thế Tôn!”
Ngay trong ngày ấy, Ương-quật-ma liền đắp y, mang bát, vào thành Xá-vệ, đến chỗ người mẹ kia, nói với cô: “‘Từ khi tôi sanh trong nhà Hiền Thánh đến nay, chưa từng sát sanh. Bằng lời chí thành này cầu cho người mẹ và thai nhi không gì tai biến.”
Lúc ấy, người mẹ mang thai liền sanh được.
Một hôm, Ương-quật-ma vào thành khất thực, các nam, nữ lớn nhỏ, mọi người đều nói với nhau:
“Đó gọi là Ương-quật-ma, đã giết hại chúng sinh không thể kể, nay lại đi trong thành khất thực.”
Rồi thì, nhân dân trong thành, mọi người lấy gạch đá đả thương, hoặc dùng dùng dao chém, khiến đầu mặt Ương-quật-ma bị thương, y phục bị rách hết, máu chảy nhớp thân thể. Sau khi ra khỏi thành Xá-vệ, Ương-quật-ma đi đến chỗ Thế Tôn. Bấy giờ, từ xa Thế Tôn thấy Ương-quật-ma bị thương tích đầy đầu mặt, máu chảy ướt y, đang đi đến. Thấy vậy, Thế Tôn liên nói:
“Ngươi hãy nhẫn nhịn! Vì sao vậy? Tội này, đáng ra phải chịu báo mãi trong một kiêp lâu dài.”
Lúc ấy, Ương-quật-ma liền đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bấy giờ Ương-quật-ma ở trước Như Lai nói kệ này:
Kiên cố nghe pháp cú;
Kiên cố hành Phật Pháp;
Kiên cố gần bạn lành;
Liền đến nơi diệt tận.
Con vốn là đại tặc,
Tên là Ương-quật-ma,
Bị cuốn trôi theo dòng,
Nhờ Thế Tôn cứu vớt.
Nay quán, tự trả nghiệp,
Cũng nên quán gốc pháp.
Nay đã đắc ba minh,
Thành tựu hạnh nghiệp Phật.
Con vốn tên Vô Hại,[86]
Nhưng giết hại vô kể,
Nay tên Chân Đế Thật,[87]
Không còn hại gì nữa.
Giả sử thân, miệng, ý,
Đều không tâm thức hại;
Đó là không sát hại;
Huống gì khởi tư tưởng.
Thợ cung hay nắn sừng (?);[88]
Nhà thuỷ hay dẫn nước;
Người thợ chạm, đẻo gỗ;
Bậc trí tự điều thân.[89]
Hoặc dùng roi gậy phục;
Hoặc dùng lời lẽ khuất,
Trọn không dùng đao gậy.
Nay con tự hàng phục.
Trước, người gây tội ác,
Sau dừng không tái phạm,
Chiếu sáng khắp thế gian;
Như mây tan, trăng hiện.
Trước, người gây tội ác,
Sau dừng không tái phạm,
Chiếu sáng khắp thế gian;
Mây tan, mặt trời hiện.
Tỳ-kheo già, trẻ khoẻ,
Tu hành, hành Phật pháp,
Chiếu sáng khắp thế gian;
Như trăng kia, mây tan.[90]
Tỳ-kheo già, trẻ khoẻ,
Tu hành theo Phật Pháp,
Chiếu sáng khắp thế gian;
Mặt trời kia, mây tan.
Nay con chịu chút khổ.
Ăn uống tự biết đủ.
Thóat hết tất cả khổ.
Duyên cũ nay đã hết.
Không theo dấu tử thần,
Cũng không còn tái sanh;
Nay chỉ đợi thời tiết,
Hoan hỷ, không rối loạn.
Bấy giờ, Như Lai hứa khả những gì Ương-quật-ma nói. Ương-quật-ma [721c] thấy Như Lai đã im lặng hứa khả, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân liền lui đi.
Lúc ấy, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
“Ương-quật-ma vốn tạo công đức gì mà ngày nay thông minh, trí huệ, mặt mày xinh đẹp hiếm có trên đời? Lại tạo hành vi bất thiện gì mà trên thân hiện này sát hại chúng sanh vô số kể? Lại tạo công đức gì mà nay gặp Như Lai, đắc quả A-la-hán?”
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Vào thời quá khứ lâu xa trong Hiền kiếp này,[91] có Phật hiệu Ca-diếp Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác xuất hiện ở đời. Sau khi Như Lai Ca-diếp nhập diệt, có vua tên Đại Quả thống lĩnh trong nước, cai trị Diêm-phù-đề. Vua ấy có tám vạn bốn ngàn cung nhân thể nữ, nhưng không có con cái. Bấy giờ, vua Đại Quả liền hướng về thần cây, thần núi, mặt trời, mặt trăng, tinh tú không nơi nào là không cầu xin con cái. Sau đó đệ nhất phu nhơn của vua mang thai, trải qua tám, chín tháng, sanh được một con trai, tướng mạo xinh đẹp hiếm có trên đời. Lúc ấy, vị vua kia liền tự nghĩ: ‘Ta trước kia không có con cái, suốt một thời gian như vậy nay mới sanh hài nhi, cần phải đặt tên, để cho nó ở trong ngũ dục mà thụ hưởng.”
Vua bèn triệu tập quần thần, những người có thể xem tướng, bảo rằng:
“Nay ta đã sanh hài nhi này, các khanh hãy đặt tên cho.”
Nhừng người này nghe vua dạy rồi, liền tâu vua:
“Nay Thái tử này rất kì diệu, xinh dẹp không ai bằng, mặt như màu hoa đào, ắt sẽ có thế lực lớn, nay nên đặt tên là Đại Lực.”
Sau khi thầy tướng đặt tên cho thái tử rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về. Bấy giờ, quốc vương yêu thương thái tử này, chưa từng rời mắt.
Khi thái tử vừa lên tám tuổi, dẫn theo các người hầu cận đến chỗ phụ vương, hầu hạ thăm hỏi. Vua cha tự nghĩ: ‘Thái tử này, tự thật là kỳ lạ!’ Vua liền bảo thái tử:
“Thế nào, nay ta cưới vợ cho con?”
Thái tử tâu vua:
“Nay con còn nhỏ tuổi, cần gì cưới vợ?”
Lúc ấy, vua cha tạm đình chỉ không cưới vợ cho. Đến khi thái tử hai mươi tuổi, vua lại nói:
“Ta muốn cưới vợ cho con.”
Thái tử tâu vua:
“Con không cần cưới vợ.”
Lúc ấy, vua bảo quần thần, nhân dân:
“Ta trước kia không có con cái, qua [722a] thời gian rất lâu mới sinh được một đứa con. Nay nó không chịu lấy vợ, thanh tịnh không một tì vết.”
Bấy giờ, vua đổi tên cho thái tử là Thanh Tịnh.
Khi thái tử Thanh Tịnh đã gần ba mươi tuổi, vua lại bảo quần thần:
“Hiện nay tuổi ta đã suy yếu, không con nào khác; hiện chỉ có thái tử Thanh Tịnh. Nay vương vị cao phải truyền cho thái tử. Nhưng thái tử không thích sống trong năm dục, làm sao xử lí việc nước?”
Quần thần đáp:
“Phải tìm cách làm cho thái tử ưa thích năm dục.”
Lúc ấy, vua liền cho đánh chuông, kích trống, thông báo với nhân dân trong nước:
“Ai có thể làm cho thái tử Thanh Tịnh ưa thích năm dục, ta sẽ thưởng cho ngàn vàng và các vật báu.”
Bấy giờ, có người nữ tên Dâm Chủng, hiểu rõ sáu mươi bốn biến. Người nữ kia nghe vua có sắc lệnh: ‘Ai có thể làm cho thái tử Thanh Tịnh ưa thích năm dục thì ta sẽ thưởng cho ngàn vàng và các vật báu.’ Cô liền đến chỗ vua cha và tâu:
“Hãy cho tôi ngàn vàng và các vật báu, tôi có thể khiến cho thái tử của vua quen với năm dục.”
Vua cha bảo:
“Nếu làm được việc ấy, ta sẽ ban cho gấp đôi; không phụ lời hứa.”
Dâm nữ tâu vua:
“Thái tử ngủ ở đâu vậy?”
Vua bảo:
“Ở toà nhà phía Đông, không có nữ nhơn. Chỉ có một người nam làm thị vệ ở đó.”
Người nữ tâu:
“Cúi xin Đại vương ra lệnh trong cung cho tôi tuỳ ý ra vào, không được ngăn cản.”
Ngay đêm đó, vào canh hai, dâm nữ ở cạnh cửa phòng thái tử giả bộ cất tiếng khóc. Thái tử nghe tiếng khóc người nữ, liền hỏi người hầu:
“Đây là người nào đến đây mà khóc?”
Người hầu đáp:
“Đó là người nữ, đang khóc ở cạnh cửa.”
Thái tử nói:
“Khanh mau đến chỗ đó, hỏi vì sao khóc?”
Người hầu kia liền đến chỗ đó hỏi vì sao khóc. Dâm nữ đáp:
“Bị chồng bỏ, cho nên khóc!”
Người hầu trở vào tâu Tthái tử:
“Người nữ này bị chồng bỏ, lại sợ trộm cướp, cho nên khóc!”
Thái tử bảo:
“Dẫn người nữ này để trong chuồng voi.”
Đến đó, cô lại vẫn khóc. Thai tử bảo dẫn vào chuồng ngựa, cô lại khóc.
Thái tử lại bảo quan hầu:
“Dẫn đến đây!”
Cô liền được dẫn vào nhà. Ở đây cô lại vẫn khóc.
Thái tử đích thân tự hỏi:
“Vì sao lại khóc?”
Dâm nữ đáp:
“Thưa thái tử, người nữ một mình yếu đuối, rất là sợ hãi, cho nên khóc.”
Thái tử bảo:
“Lên trên giường ta thì không còn sợ nữa.”
[722b] Lúc ấy, người nữ im lặng không đáp, cũng không còn khóc. Rồi thì, người nữ liền cởi y phục, tới trước nắm tay thái tử đặt lên ngực mình. Cảm giác kinh sợ chỉ trong chốc lát, nhưng rồi dần dần khởi dục tưởng. Khi dục tâm đã khởi thì thân thể đến với nhau.
Sáng sớm hôm sau, thái tử Thanh Tịnh đến chỗ vua cha. Lúc ấy, vua cha từ xa trông thấy nhan sắc thái tử khác với ngày thường, liền nói:
“Những điều mà con muốn, đã kết quả rồi sao?”
Thái tử đáp:
“Đúng như Đại vương nói.”
Lúc này, vua cha vui mừng hớn hở, không xiết kể, bèn nói:
“Con muốn cầu mong gì, ta sẽ ban cho?”
Thái tử nói:
“Những gì cha đã muốn ban, đừng có hối tiếc lại, thì con sẽ xin theo ước nguyện của mình!”
Thời vua bảo:
“Như những gì con đã nói, cha quyết không hối tiếc. Con muốn cầu ước nguyện gì?”
Thái tử tâu vua:
“Ngày nay, Phụ vương thống lãnh toàn cõi Diêm-phù-đề, tự do với mọi thứ. Vậy xin hãy đem hết tất cả những cô gái chưa chồng trong cõi Diêm-phù-đề, trước về nhà ta, sau đó cho lấy chồng.”
Lúc ấy, vua bảo:
“Ta sẽ làm theo lời con.”
Vua liền ra lệnh cho nhân dân trong nước:
“Ai có con gái chưa gã chồng, trước đưa đến cho thái tử Thanh Tịnh, rồi sau đó mới gã chồng.”
Bấy giờ, trong thành kia có một người nữ tên Tu-man, đến lượt phải đến chỗ vua. Lúc ấy, con gái trưởng giả Tu-man, để thân thể trần truồng, đi chân không giữa đám đông người, cũng không hề hổ thẹn. Mọi người thấy vậy, nói với nhau:
“Đây là con gái trưởng giả, tiếng đồn khắp nơi, vì sao lại trần truồng đi giữa chốn đông người như con lừa không khác?”
Người nữ nói với mọi người:
“Tôi chẳng phải là con lừa. Những người các ngươi mới là con lừa. Các người có thấy người nữ nào gặp người nữ mà lại mắc cỡ? Mọi người trong thành đều là người nữ, chỉ có thái tử Thanh tịnh là người nam thôi. Nếu tôi đến cửa thái tử Thanh Tịnh thì tôi mới mặc quần áo.”
Lúc này, nhân dân trong thành cùng bàn nhau:
“Những điều cô này nói thật đúng ý chúng ta. Chúng ta đúng là nữ, chẳng phải nam. Chỉ có thái tử Thanh Tịnh là nam. Hôm nay chúng ta phải thực hiện pháp người nam.”
Rồi nhân dân trong thành săm sửa vũ khí, mặc giáp, mang gậy, đến chỗ vua cha, tâu với vua cha:
“Chúng tôi có hai lời nguyện, xin vua chấp nhận.”
Vua hỏi:
“Hai lời nguyện gì?”
Nhân dân tâu vua:
“Vua muốn sống thì hãy giết thái tử Thanh Tịnh. Muốn thái tử sống thì chúng tôi sẽ giết vua. Chúng tôi không chịu phụng sự [722c] thái tử Thanh Tịnh, vì nhục cho phép thường của nước.”
Lúc ấy, vua cha liền nói kệ này:
Vì nhà, mất một người.
Vì thôn, mất một nhà.
Vì nước, mất một thôn.
Vì thân, mất thế gian.
Vua nói bài kệ này rồi, bảo nhân dân:
“Nay chính đã đúng lúc! Tuỳ ý các khanh.”
Bấy giờ, mọi người liền bắt trói hai tay thái tử Thanh Tịnh, dẫn ra bên ngoài thành, họ nói với nhau rằng:
“Chúng ta tất cả đều cùng dùng gạch đá đập chết. Cần gì một người giết!”
Khi thái tử Thanh Tịnh sắp chết, tự nói lên lời thề nguyền: “Những người dân này bắt ta giết uổng. Nhưng vua cha đã tự cho ta nguyện này. Nay ta chịu chết cũng không dám từ. Mong đời tương lai, ta sẽ báo óan này, và lại mong gặp A-la-hán chân nhơn để sớm được giải thoát.”
Nhân dân bắt giết thái tử rồi, tự giải tán.
“Này các Tỳ-kheo, các ngươi chớ nghĩ vua Đại Quả lúc ấy há người nào khác, mà nay chính là thầy của Ương-quật-ma. Dâm nữ lúc ấy nay chính là vợ của ông thầy ấy. Nhân dân lúc ấy nay là tám vạn người bị giết chết. Thái tử Thanh Tịnh lúc ấy nay chính là Tỳ-kheo Ương-quật-ma. Khi sắp chết, đã phát thệ nguyện này, nên nay báo oán hòan trả không thóat được. Vì nhân duyên này, nên giết hại vô số. Sau đó, nguyện gặp Phật, nên nay được giải thóat, thành A-la-hán. Đó là ý nghĩa của việc này, hãy nhớ mà phụng hành.”
Lúc ấy, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Trong các đệ tử ta, người có trí huệ, thông minh bậc nhất chính là Tỳ-kheo Ương-quật-ma.”
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.[92]


Chú thích:
[67] Pāli, A.VIII. 27 Bala (R. iv. 223).
[68] A. ibid. tám loại sức mạnh.
[69] A. ibid. quyền ăng tự tại là sức mạnh của vua chúa (issariyabalā rājāno).
[70] Hai sưc mạnh sau Pāli thay bằng: vũ khí là sức mạnh của đạo tặc (āvuddhabalā corā), chê bai là sức mạnh của kẻ ngu (ujjhattibalā bālā), thẩm sát là sức mạnh của kể trí (nijjhattibā oaṇḍitā), tư trạch là sức mạnh của đa văn (paṭisaṅkhānabalā bahussutā).
[71] Pāli, A.IV 36 Doṇa (R. ii.38). Hán, Tạp (Viêt) kinh 1077.
[72] Ưu-ca-chi 憂迦支江水. Pāli: Ukaṭṭhā, một thị trấn ở Kosala.
[73] Càn-thát-bà.
[74] Nguyên Hán: thọ.
[75] Để bản: sanh 生. TNM: vương. Cf. Tứ phần 32 (tr. 791c14): đệ lục vương vi thượng 第六王為上.
[76] Dhp. 82.
[77] Pháp cú Pāli, Dhp. 81.
[78] Pāli, M 86 Aṅgulimāla (R. ii. 97). Hán, Tạp 38, kinh 1077.
[79] Ương-quật-ma 鴦掘魔. Pāli: Aṅgulimāla.
[80] Hán: chỉ man 指鬘; cũng là dịch nghĩa của từ aṅguli-māla. Định nghĩa của Pāli: so manusse vadhitvā vadhitvā aṅgulīnaṃ mālaṃ dhāreti, nó giết nhiều người, rồi lấy ngón tay làm tràng hoa mà đeo.
[81] Già-già 伽伽. Pāli: Gagga, là tên cha. Họ là Bhaggava.
[82] Mãn Túc 滿足. Pāli: Mantāṇī.
[83] Để bản chép: thọ thai 受[04]胎. TNM: thọ não. Sửa lại cho phù hợp với Pāli: kilissanti vata bho sattā.
[84] Nguyên Hán: trọng nhâm 重[06]妊. Tường thuật không phù hợp với trả lời của Phật. Có lẽ tương đương Pāli: mūḷhagabbhaṃ, sanh khó, nhưng Hán dịch hiểu mūḷha theo nghĩa đen là “nặng nề, chậm chạp.”
[85] Pāli, định cú: tena saccena sotthi te hotu, “bằng sự thật này, mong cho cô được an lành.” Đay là một paritta, hộ chú, cầu thần chú cứu hộ, phổ biến trong Pāli.
[86] Vô Hại 無害. Pāli: Ahiṃsaka, tên cha mẹ đặt. Aṅguimāla là tên do người đời đăt.
[87] Chân Đế Thật. Pāli: Sacca. Nhưng Pāli, (…) ajjāhaṃ saccanāmomhi, (…), [Tôi vốn tên Vô Hại, nhưng đã hại người rất nhiều người], nay chân thật [là Vô Hại, vì không còn hại ai nữa].
[88] Hán: giác 角. Cf. Dhp. 80: usukārā namayanti tejanaṃ, thợ làm tên nắn thẳng mũi tên.
[89] Dhp. 80.
[90] Cf. Dhp. 382.
[91] Truyện tiền thân của Aṅgulimāla, Pāli, Jataka 537: Mahā-Sutasoma.
[92] Bản Hán, hết quyển 31.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 51 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Đại Bát Niết-bàn - Tập 2


Giọt mồ hôi thanh thản


Đường Không Biên Giới


Tự lực và tha lực trong Phật giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.104.238 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập