Trời sinh voi sinh cỏ, nhưng cỏ không mọc trước miệng voi. (God gives every bird a worm, but he does not throw it into the nest. )Ngạn ngữ Thụy Điển
Trời không giúp những ai không tự giúp mình. (Heaven never helps the man who will not act. )Sophocles
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Chớ khinh thường việc ác nhỏ mà làm; đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả núi rừng làng mạc. Chớ chê bỏ việc thiện nhỏ mà không làm, như giọt nước nhỏ lâu ngày cũng làm đầy chum vại lớn.Lời Phật dạy
Có hai cách để lan truyền ánh sáng. Bạn có thể tự mình là ngọn nến tỏa sáng, hoặc là tấm gương phản chiếu ánh sáng đó. (There are two ways of spreading light: to be the candle or the mirror that reflects it.)Edith Wharton
Lo lắng không xua tan bất ổn của ngày mai nhưng hủy hoại bình an trong hiện tại. (Worrying doesn’t take away tomorrow’s trouble, it takes away today’s peace.)Unknown
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Một người trở nên ích kỷ không phải vì chạy theo lợi ích riêng, mà chỉ vì không quan tâm đến những người quanh mình. (A man is called selfish not for pursuing his own good, but for neglecting his neighbor's.)Richard Whately
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Thượng »» Thực hành rộng khắp theo Tam giáo »»

An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Thượng
»» Thực hành rộng khắp theo Tam giáo

Donate

(Lượt xem: 5.096)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Thượng - Thực hành rộng khắp theo Tam giáo

Font chữ:


Giảng rộng

Hết thảy các bậc thánh nhân trong Tam giáo đều có tâm niệm cứu giúp người đời, chỉ là vận dụng các phương pháp khác nhau để thi hành tâm niệm cứu thế đó mà thôi. Nho giáo vận dụng theo những sự việc hòa nhập với thế tục, Phật giáo dạy người thực hành các pháp môn vượt thoát ra ngoài thế tục. Đạo giáo thì mới nhìn có vẻ như cũng theo con đường vượt thoát thế tục, nhưng thật ra thì chưa từng vượt thoát.

Khổng tử, Nhan Hồi tuy đều là các bậc thánh nhân, nhưng nếu dựa vào học thuyết của các vị ấy để trừ ma diệt quỷ, ắt chỉ là chuyện viển vông không thật. Phật giáo với Đạo giáo tuy là tôn quý cao minh, nhưng nếu muốn dùng vào việc khoa cử để tiến thân trên quan trường, ắt chỉ là chuyện hoang đường, không thể được. Chính vì thế mà Tam giáo tất yếu phải hình thành thế ba chân vạc, cùng hỗ trợ cho nhau trong việc cứu thế. Con người vốn chẳng thể chỉ dùng duy nhất một phương cách mà giáo hóa được, nên sự dạy dỗ của các bậc thánh mới phải phân thành ba đường. Ví như ba vị thầy thuốc giỏi, một người chuyên về nội khoa, một người chuyên về ngoại khoa, một người nữa lại chuyên về nhi khoa. Y thuật của 3 vị tuy khác nhau, nhưng mục đích trị bệnh cứu người đều giống nhau. Nếu như 3 vị này cùng học chuyên một ngành giống nhau, ắt việc trị bệnh cứu người không thể được rộng khắp. Cho nên, sách Thượng thư có nói rằng: “Mỗi người làm việc thiện theo cách khác nhau, nhưng tựu trung cũng đều giúp cho thiên hạ được an ổn.”

Tôi từng đọc qua sách “Đồng Nhân phủ chí” (銅仁府志) của đất Quý Châu, được biết rằng tên đất ấy nguyên trước đây dùng chữ nhân (人) có nghĩa là con người, vì trong địa phương ấy có núi Đồng Nhân (銅人). Sau mới đổi chữ nhân (人) thành chữ nhân (仁) có nghĩa là lòng nhân ái, nhưng tên đất với tên núi ấy từ xa xưa vốn thật là Đồng Nhân (銅人).

Núi nằm giữa một cái đầm rất lớn, dưới chân núi toàn là nước. Có một năm trời hạn hán kéo dài rất lâu, nước khô sạch, người ta nhìn thấy bên dưới núi ấy là khoảng không, có ba tượng người bằng đồng rất lớn cùng đội tòa núi lên, sừng sững mà đứng thẳng như thế. Những trang phục nhìn thấy trên thân 3 pho tượng đồng ấy lại giống hệt như lễ phục phân biệt của Tam giáo. Thiết nghĩ, ngọn núi ấy phải có từ thời khai thiên lập địa, lúc đó cả Tam giáo thậm chí còn chưa có tên gọi. Nhưng các pho tượng đồng vĩ đại như thế quả thật sức người không thể đúc ra được. Thế mới biết rằng Tam giáo vốn thật đã sẵn có từ khi trời đất hình thành. Huống chi như vị thế của Đế Quân vốn siêu việt trên nhân loại, lẽ đâu không biết rằng đạo lớn luân thường của Khổng Nhan vốn dĩ đã chói sáng như mặt trời, mặt trăng đi qua bầu trời, vậy tại sao vẫn muốn kiêm hợp gắn liền cả Phật giáo và Đạo giáo để giáo huấn, răn dạy hàng nho sĩ?

Lại xét rằng, cõi Nam Diêm-phù-đề tuy gọi tên chỉ là một châu, nhưng bao gồm rất nhiều đất nước khác nhau. Mỗi một đất nước đều có các bậc thánh hiền ra đời thiết lập giáo pháp để giáo hóa người đời. Cho nên, những bậc thánh hiền như Khổng tử, Lão tử... hẳn là nhiều không thể tính đếm hết, chỉ có điều ở mỗi nước đều dùng danh xưng khác nhau để gọi mà thôi. Đến như văn tự chữ viết, chí ít cũng có đến 64 loại, nay những gì các nhà Nho đọc qua, bất quá cũng chỉ là những sách vở dùng trong khoa cử. Ngoài những thứ ấy ra, chỗ kiến giải của họ liệu có được bao nhiêu? Đến như Ba tạng mười hai bộ kinh trong Phật giáo, được cất giữ cẩn thận nơi cung điện của Long vương, chẳng những là nhà Nho không thể được thấy, mà nếu có thấy qua ắt cũng chỉ biết chê bai bài xích. Ấy chỉ vì nếu không chê bai bài xích thì sợ rằng không được xem là người noi theo và giữ gìn truyền thống Nho gia. Những kẻ bài xích như thế, cũng không chỉ dùng lời nói, mà còn trước tác, biên soạn thành sách vở, không khỏi có những lời xuyên tạc lệch lạc, báng bổ, đem thuyết “ý, tất, cố, ngã” của Khổng tử mà giảng giải theo ý riêng sai lệch, quen thói cổ hủ chỉ biết công kích những ai khác biệt với mình. Nhưng xét kỹ hành vi mà những kẻ như thế ngày đêm thường làm, cho đến những tâm niệm ẩn khuất thường khởi sinh lúc ngồi một mình, thì tất thảy không ra ngoài chuyện tranh danh đoạt lợi, dối đời hại người. Thậm chí còn bôn ba xu nịnh kẻ quyền thế để mưu lợi danh, cờ gian bạc lận đủ việc xấu ác không gì không làm. Những kẻ ấy, đối với cái học sửa tâm chính đáng, rèn ý chân thành, cứu đời giúp người của Nho gia thì họ chẳng bao giờ nói đến, chỉ toàn làm tổn hại thanh danh tốt đẹp của Nho gia, như vậy sao có thể làm sáng tỏ học thuật của Nho gia? Lời dạy của Đế Quân về việc “thực hành rộng khắp theo Tam giáo” quả thật có thể xem như một tiếng chuông cảnh tỉnh giữa đêm dài mê muội.

Người đời có thể học làm đúng theo lời Khổng tử, ắt là Phật Thích-ca cũng lấy làm vui. Người đời có thể học làm theo lời dạy của Phật, ắt Khổng tử cũng lấy làm vui. Nếu như cứ nhất định cho rằng chỉ làm theo đúng như đạo của mình mà thành người hiền thiện thì mới vui lòng, bằng như không làm theo đúng như đạo của mình thì cho dù có thành người hiền thiện mình cũng không vui; như thế ắt chỉ giống như tôi tớ quy thuận chủ nhân, quân binh quy thuận tướng lãnh mà thôi, sao có thể gọi là làm đúng theo ý nguyện các bậc thánh nhân của Tam giáo?

Khi nói “thực hành rộng khắp”, đó là nói về phương diện tâm ý, không phải nói về những biểu hiện hình thức nơi vẻ ngoài. Người nào đối với lẽ nhân nghĩa có thể luôn tu tập nghĩ nhớ đến, đó chính là thực hành theo đạo Nho, không nhất thiết phải dựa vào hình thức áo xanh đai mực mới gọi là nho sĩ. Người nào có thể chứng ngộ chân tâm, thấu triệt bản tánh, đó chính là thực hành theo đạo Phật, không nhất thiết phải dựa vào hình thức đầu tròn áo vuông mới gọi là tăng sĩ.

Những kẻ học Nho câu nệ theo cổ lệ, khi nghe đến khái niệm “thực hành rộng khắp” ắt sẽ không hài lòng mà cho rằng như thế là học vấn pha tạp, không tinh thuần, nhưng lại không biết rằng trong sự pha tạp cũng có những chỗ cần phân biệt rõ. Như trong lẽ trời có pha tạp ý muốn con người, trong vương đạo có pha tạp bá thuật, trong lúa gạo có pha tạp cám trấu... những điều ấy nhất định không thể gọi là hỗn tạp. Đến như những lời dạy của Tam giáo thì thảy đều nhằm mục đích mang lại lợi lạc cho thân tâm con người. Ví như Thái sơn không bỏ đất chọn đá, nên mới hợp thành ngọn núi cao lớn sừng sững; biển lớn không loại bỏ các dòng nước nhỏ, nên mới hình thành độ sâu thăm thẳm, há có thể chê bỏ cho rằng những điều ấy là pha tạp được sao? Xét trong một gia đình, ắt phải có cơm ăn áo mặc, có tiền tài vật báu, có người giúp việc, có ruộng vườn v.v... có thể nói là cực kỳ pha tạp. Thế nhưng nếu không có đủ những thứ pha tạp như thế thì nhà ấy chẳng thể gọi là giàu sang. Hoặc xét như những thứ ta ăn vào bụng, ắt là có cơm có cháo, có món canh món nướng, có giấm chua muối mặn, hẳn cũng có thể gọi là cực kỳ pha tạp. Nhưng nếu không có đủ những thứ pha tạp ấy, người ta không thể mạnh khỏe. Vậy sao lại riêng khởi tâm nghi ngờ việc thực hành rộng khắp theo Tam giáo mà cho là hỗn tạp?

Luận về lợi ích của sự thực hành rộng khắp

Giúp vào sự giáo hóa của vua


Trong sự cai trị đất nước, việc giữ cho dân tình yên ổn không dựa vào điều gì khác hơn là khen thưởng và trừng phạt. Muốn làm sáng rõ hình luật, trợ giúp việc giáo hóa nhân dân, ắt cần phải thực hành rộng khắp theo Nho giáo. Thế nhưng, phạm vi của sự thưởng phạt bất quá cũng chỉ giải quyết được một phần trăm, phần ngàn các vấn đề xã hội mà thôi. Như muốn trừ bỏ được những việc xấu ác trong chỗ ẩn khuất mà người khác không ai biết, hay những tâm niệm xấu ác vừa mống khởi, thì dẫu cho mỗi nhà đều có một Khổng tử, mỗi hộ giao cho một Cao Đào, e rằng cũng không thể làm nổi. Cho nên, người đời thường chỉ sợ hình luật của quốc gia, phần lớn chẳng biết sợ sự trách phạt của lẽ trời. Nhưng nói chung thì hình luật của quốc gia còn có thể tìm cách lẩn trốn, tránh né, mà sự trách phạt của lẽ trời thì không cách gì trốn tránh được. Nếu người đời có thể thực hành rộng khắp theo Phật giáo, Đạo giáo, khiến cho thuyết nhân quả được tỏa sáng rực rỡ trong đời, ắt người thế gian từ nơi chỗ nhỏ nhiệm sâu thẳm trong tâm thức cũng tự nhiên có sự kiêng sợ không dám làm điều bất thiện. Được như vậy thì so với việc Khổng tử biên soạn sách Xuân Thu khiến cho bọn loạn thần nghịch tử đều kinh sợ, ắt là hiệu quả cũng không hề thua kém.

Lời bàn

Vào thời Lưu Tống, Tống Văn Đế có lần bảo Hà Thượng: “Phạm Thái, Tạ Linh Vận thường nói rằng Lục kinh của Nho gia căn bản là nhằm cứu giúp thế tục, chính đính lòng người. Nếu muốn cầu đạt đến tâm tánh linh diệu sáng suốt, thấu rõ yếu nghĩa chân thật, thì nhất định phải nương theo sự chỉ dẫn của Phật giáo. Giá như nhân dân cả nước đều được Phật pháp cảm hóa, ắt trẫm sẽ có thể ngồi yên mà hưởng cảnh thiên hạ thái bình.”

Hà Thượng đáp rằng: “Từ khi nhà Tấn dời đô qua sông về phương đông đến nay, những người như Vương Đạo, Chu Nghĩ, Dữu Lượng, Tạ An, Đới Quỳ, Hứa Tuân, Vương Mông, Hy Siêu, Vương Thản Chi, cho đến các đời ông cha, anh em của thần không ai là không quy y theo đạo Phật. Xét như trong một làng trăm hộ, nếu có một người thọ trì Năm giới, tức là có một người làm việc thiện; 10 người giữ Năm giới tức có 10 người làm việc thiện. Có người làm một việc thiện tức là trừ bỏ được một việc xấu ác. Trừ bỏ được một việc xấu ác tức là bớt được một hình phạt trừng trị. Mỗi nhà giảm bớt một hình phạt, thì cả nước giảm được hàng vạn hình phạt. Bệ hạ nói rằng có thể ngồi yên hưởng thái bình chính là như vậy. Các nhà Nho sau này do húy kỵ với Phật giáo nên thay dùng những khái niệm ‘quân tử, tiểu nhân’ để bổ trợ cho những chỗ mà sự thưởng phạt không thể đạt đến. Thần cho rằng cách làm như thế thật là thiển cận hẹp hòi.”

Phát triển Nho học chân chánh

Chúng ta đã có chí theo học Khổng Mạnh, nên học lấy chỗ bản lĩnh sâu sắc nhất. Chẳng hạn như học theo quan điểm của Khổng tử là “không có một bậc thầy cố định nào”, hoặc “đạo của ta chỉ dùng một mối mà suốt thông vạn pháp”, hoặc như thuyết “không ý, tất, cố, ngã”, đó chính là những chỗ sâu sắc nhất trong học thuyết của Khổng tử. Còn như việc nhận rõ và nêu ra các lẽ “tự chế phục bản thân, quay về theo lễ nghĩa đạo lý” hay “chân thành và khoan thứ”, thì chính là chỗ bản lĩnh sâu sắc nhất của các vị Nhan Hồi, Tăng Tử.

Học thuyết của Trọng Ni chuyên nhắm đến sự tự mình tu dưỡng, chế phục bản thân. Vì thế mới có những lời như: “Đạo vốn ở tự tâm, lặng lẽ mà nhận hiểu”, hoặc như: “Ta thật không có thời gian nhàn rỗi để phê phán người khác”, hoặc là: “Thường nghiêm khắc với lỗi lầm của chính mình mà khoan thứ, giảm nhẹ sự trách cứ đối với người khác.” Những lời dạy đầy lòng nhân ái như thế, trong sách Nho lưu lại rất nhiều, một lần không thể kể ra được hết.

Vào thời của Mạnh tử, tuy vẫn có các thuyết khác của Dương Mặc, nhưng Mạnh tử đều cương quyết bác bỏ, không chấp nhận. Đó chỉ là vì cho rằng chủ trương lấy sự thương yêu nhường nhịn thay cho hình phạt chế trị tuy rất tốt đẹp, lý tưởng, nhưng trong thực tế không phải điều mà tất cả mọi người đều có thể làm theo. Không giống như những kẻ đời sau đối với học thuyết nỗ lực tự hành của Trọng Ni thì tránh khó tìm dễ, muốn cầu an ổn, nhưng chỉ riêng lấy việc bài xích, chống lại Dương Mặc mà cho rằng như thế đã là hàng môn đệ của thánh nhân, liền phấn khích vỗ tay nhảy nhót; vốn thật đối với sự tu dưỡng thì bỏ khó tìm dễ, ngược lại trong lòng tiếc hận rằng đời nay chẳng có Dương Mặc để cho mình bài xích. Nhân đó liền soi mói tìm kiếm những điều nhỏ nhặt, khiên cưỡng có đôi chút tương tợ thì lập tức cho đó là thuộc về học thuyết của Dương Mặc. Rồi lại mang những điều thật trong học thuyết của Dương Mặc mà gán cho Phật giáo, Đạo giáo. Những kẻ ấy quả là phí công chạy theo cái học giảng thuật, mà chỗ thực hành tu dưỡng đức hạnh tự thân lại quá sơ sài, cạn cợt. Thật chẳng bằng noi theo tâm lượng chí công vô tư của bậc thánh hiền, chỉ cần nỗ lực hết sức mình, dẹp bỏ những sự công kích đối với kẻ khác, như vậy ắt sẽ tự nhiên mà được thành tựu.

Lời bàn

Ngũ giới của đạo Phật, mới nhìn qua có vẻ như tương tợ với Ngũ thường của Nho gia, nhưng chỉ nên kết hợp để tán trợ cho nhau, không nên có sự công kích hủy báng nhau. Có những nhà Nho không có sự suy xét kỹ càng, vừa nghe giáo pháp “từ bi” xuất phát từ đạo Phật liền lập tức phản bác, công kích, hóa ra chính vì thế mà làm suy vi học thuyết về “đức nhân” của Nho giáo. Lại vừa nghe đến những giới “không trộm cắp, không tà dâm” là xuất phát từ đạo Phật, liền lập tức phản bác, hóa ra vì thế mà làm tiêu vong học thuyết về “nghĩa” của Nho giáo. Lại nghe nhà Phật răn cấm sự nói dối, liền lập tức phản bác, hóa ra vì thế mà làm diệt mất đạo “trung tín” của Nho gia. Như thế chẳng phải là muốn bảo vệ đạo mình, hóa ra lại làm tổn hại cho đạo đó sao?

Xưa có vị học giả cho rằng Phật giáo có hại, đem việc ấy hỏi tiên sinh Tượng Sơn. Tiên sinh liền hỏi lại: “Nếu bảo là có hại, vậy thử nói xem có hại ở điểm nào?” Kỳ thật hiện nay gây tổn hại cho đạo lý chính là ở những lời nhàn rỗi công kích của đám người tự khoe mình là học giả đó thôi.

Ngấm ngầm trừ dứt tai họa

Giữa vũ trụ mênh mông, thế nào cũng có lúc xuất phát những bậc anh hùng tài năng kiệt xuất. Điều quan trọng là phải biết vận dụng tài trí hơn người theo những khuynh hướng chân chánh, ắt sẽ thành những bậc cứu thế lưu danh như Trương Lương, Chu Bột, Trần Bình, Tiêu Hà... Bằng như vận dụng vào chỗ tà vạy xấu ác, ắt sẽ trở thành những kẻ như Vương Mãng, Đổng Trác, Tư Mã Ý, Tào Tháo...

Từ khi thiết đặt chế độ thi cử khoa bảng, tự nhiên khiến cho người ta ngay từ thuở thiếu thời đã lao vào những chuyện bút nghiên giấy mực, hết năm này sang năm khác, bỗng chốc nhìn lại đã đến lúc tóc bạc răng rụng. Trong suốt thời gian ấy, quả không ít người đè nén được tính khí gian hùng, trừ bỏ được tâm tánh giảo hoạt. Lại riêng có những bậc tài trí kiệt xuất hơn người, công danh lợi lộc chẳng động tâm, liền lui về những chốn tùng lâm tĩnh mịch, sớm chiều kinh kệ, cầu học đông tây, xem công danh như áng mây trôi, nhìn sống chết khác nào giấc mộng. Lại có những kẻ tính khí ngang bướng ngỗ nghịch, nhưng nhờ niệm Phật tu thiền mà được chuyển hóa, ngấm ngầm trừ dứt được những nguyên nhân mang đến tai họa. Chẳng thể biết được số người như thế đã lên đến hàng bao nhiêu ngàn vạn vạn người, liệu có thể nói những lợi lạc mang lại cho xã hội như thế là nhỏ nhặt được sao?

Lời bàn

Khổng tử soạn thành sách Xuân Thu, khiến cho bọn loạn thần nghịch tử khi xem đến đều rúng động kinh sợ. Thế thì bọn chúng sợ những gì? Đó là sợ tiếng xấu để lại muôn đời sau khi chết. Nhưng đó chỉ là chuyện của thời đạo đức văn minh hãy còn hưng thịnh. Nếu là bọn loạn thần nghịch tử của đời sau này, khi đạo đức đã suy thoái, ắt cũng chẳng sợ gì việc tiếng xấu truyền lưu. Hơn nữa, cũng chẳng riêng gì là kẻ loạn thần nghịch tử, đến như rất nhiều người được xưng là trí thức, đa phần cũng chẳng hề biết đến sách Xuân Thu!

Vậy nên phải nương theo giáo lý nhà Phật mà chỉ ra cho mọi người thấy rằng, đời sống này ngắn ngủi không thường còn, sau khi chết nhất định phải thọ lãnh nghiệp báo; những kẻ bất trung bất hiếu, tạo nhiều ác nghiệp ắt phải đọa làm súc sinh, ngạ quỷ. Khi ấy mới biết rằng suốt đời vất vả chạy theo bao tâm niệm gian tà, lập nhiều mưu ma chước quỷ, rốt cuộc cũng chẳng được gì, nhưng đời sau phải chịu muôn điều khổ não, chung quy cũng chỉ do chính mình tự tạo. Hồi tưởng lại những khi đấu tranh giành giật, mưu bá đồ vương, nay hốt nhiên thảy đều tan nhanh như sương sớm.

Đáng mừng thay, từ khi có đạo Phật đến nay, biết bao kẻ loạn thần nghịch tử phải run sợ, biết bao kẻ gian trá xấu xa phải khiếp đảm, khiến cho người người ngày càng hướng thiện, nhưng lắm kẻ dường như chẳng biết nhờ ai mà được sự tốt đẹp như thế. Bản thân tôi xem trong giáo pháp vĩ đại của đức Như Lai mà nhận biết được hết thảy những điều ấy.

Trưng dẫn sự tích

Quả báo tức thời của kẻ hủy báng giáo pháp


Quan Tư đồ thời Bắc Ngụy là Thôi Hạo, học nhiều biết rộng, tài trí hơn người, được Thái Vũ Đế hết sức tin dùng, ưu ái. Nhưng ông vốn không tin Phật pháp, thường khuyên vua làm những việc hủy hoại giáo pháp, tiêu diệt Tăng-già. Ông thấy vợ là Quách thị tụng kinh Phật thì nổi giận đốt kinh.

Thôi Hạo có 2 người em là Thôi Di và Thôi Mô, hết sức kính tín Tam bảo. Mỗi khi nhìn thấy tượng Phật, cho dù đang ở chỗ đất bùn cũng nhất định quỳ xuống lễ lạy. Thôi Hạo thấy vậy thì cười nhạo, hết lời bài xích.

Về sau, Thôi Hạo vì liên quan trong việc chép quốc sử mà làm cho Vũ Đế nổi giận, nhốt vào cũi trên xe đưa ra thành phía nam, bị đánh đập tra tấn cực kỳ tàn khốc. Lại cho 10 người vệ sĩ cùng lúc tiểu tiện lên người ông, nhục nhã đau đớn, than khóc rất thê thảm, người đi đường ai nấy đều nghe thấy. Từ xưa đến nay, thân làm đến trọng thần chấp chính mà cuối cùng phải chịu khổ nhục đến như Thôi Hạo thật là chưa từng có. Toàn gia tộc họ Thôi bất luận già trẻ đều bị mang ra xử tử hình, chỉ riêng Thôi Di và Thôi Mô do không cùng chí hướng với Thôi Hạo nên đặc biệt được miễn tội.

Lời bàn

Sau khi Thái Vũ Đế hủy diệt Phật pháp, có vị sa môn là Đàm Thủy chống tích trượng đi thẳng vào hoàng cung. Thái Vũ Đế sai người bắt mang ra chém, nhưng đao chém không gây được thương tích gì cho ngài. Vua giận lắm, đích thân đến tận nơi rút đao chém, vị sa môn ấy cũng không hề hấn gì. Vua sai mang ném vào chuồng cọp. Cọp vừa nhìn thấy đại sư bỗng khiếp sợ nằm mọp xuống sát đất, bất động. Vua lại truyền đưa đạo sĩ Khấu Khiêm đến, bảo đi lại gần chuồng cọp. Cọp lập tức gầm lên, nhe răng muốn cắn. Vua kinh sợ, liền thỉnh Đại sư Đàm Thủy lên đại điện, lễ bái sám hối tội trước, xin hứa sẽ khôi phục lại Phật giáo.

Than ôi! Các bậc thánh trong Tam giáo, vị nào cũng chỉ muốn giáo hóa con người đến chỗ hiền thiện mà thôi, lẽ nào lại có thể so sánh mà cho rằng chỗ lập giáo của mỗi đạo có sự hơn kém nhau? Tần Thủy Hoàng lầm tin mưu kế của Lý Tư, thực hiện chủ trương đốt hết sách vở, chôn sống Nho sĩ, rốt cùng bỏ mạng tại Sa Khâu, còn Lý Tư bị giết sạch cả họ. Các vua đời Đông Hán như Hoàn Đế, Linh Đế, đời Đường như Chiêu Tông, Tuyên Tông, đều do mê muội sủng ái tin lời bọn hoạn quan mà giết hại những bậc danh sĩ trong thiên hạ. Rốt cuộc những kẻ bày mưu đều gánh chịu tai họa mất mạng, các vua ấy thì chịu họa mất nước.

Ngụy Thái Vũ Đế mê muội nghe lời Thôi Hạo, phá chùa chiền, đốt kinh Phật, chưa được 3, 4 năm thì Thôi Hạo mang họa cả họ bị tru diệt, cha con Thái Vũ Đế đều chết không an ổn.

Chu Vũ Đế lầm nghe theo lời Vệ Nguyên Tung mà hủy diệt giáo pháp, chưa quá 3, 4 năm thì Nguyên Tung bị giáng tội chết, Chu Vũ Đế mắc bệnh lạ, toàn thân nóng nảy như lửa đốt, rốt lại chỉ mới 36 tuổi đã bỏ mạng, trước giờ chết nhìn thấy vô số điều xấu ác thảm thương, thật không nỡ kể ra đây.

Đường Vũ Tông tin theo Triệu Quy Chân, Lý Đức Dụ, phá bỏ chùa chiền khắp nơi. Chưa được một năm, Quy Chân bị tội chết, Đức Dụ cũng bị đày đến chết tại Nhai Châu. Đường Vũ Tông thì chết lúc mới 32 tuổi, không con nối dõi.

Các vua đời Ngũ quý, không ai tài trí hơn Chu Thế Tông, chỉ có điều là không biết tin kính Phật pháp, thậm chí về sau cho nấu chảy tượng Phật lấy đồng đúc tiền. Thế nên không quá 6 năm thì mất nước về tay Triệu Khuông Dận của Bắc Tống.

Rốt cùng xem lại, nhà Tần hủy phá đạo Nho, chỉ sau 30 năm thì Nho giáo hưng thịnh trở lại; các triều Hán, Đường có những lúc khắt khe tàn hại các bậc danh sĩ trong thiên hạ, nhưng chẳng mấy năm sau thì giới sĩ phu cũng dần dần phát triển như trước. Đời Bắc Ngụy Thái Vũ Đế hủy phá Phật pháp, chỉ sau 7 năm thì đạo Phật được khôi phục; đời Chu Vũ Đế hủy phá Phật pháp, chỉ sau 6 năm thì đạo Phật cũng được khôi phục; Đường Vũ Tông hủy phá Phật pháp, không quá một năm sau thì đạo Phật lại khôi phục; đó chẳng phải là ngửa mặt lên trời phun nước bọt, hóa ra tự làm dơ mặt mình đó sao?

Lý Tư và Thôi Hạo là hai kẻ nặng tội nhất trong việc diệt Nho hủy Phật, nên ngay trong đời đã phải chịu quả báo diệt thân cực kỳ lạ lùng thảm khốc. Tống Huy Tông tuy làm việc sửa đổi chùa chiền Phật giáo thành đạo quán của Đạo giáo, nhưng chưa đến nỗi hủy diệt Chánh pháp, nên tự thân ông ta tuy chịu sự nhục nhã, nhưng vận nước vẫn được nối dài. Đó đều là những chuyện đời trước hết sức rõ ràng, có thể khảo chứng được. Nguyện cho người người trong thiên hạ đều có thể nhận hiểu được ý nghĩa của việc thực hành rộng khắp theo Tam giáo, người theo Nho giáo, kẻ theo Đạo giáo hay người tin Phật giáo, thảy đều thực hành theo lời dạy của đạo mình, đồng tâm hiệp lực trong việc giáo hóa, mang lại sự an ổn cho xã hội, không còn xung khắc báng bổ lẫn nhau. Được như thế quả thật là vô cùng may mắn cho tất cả chúng sinh.

Phụ đính 2 mục hỏi đáp về tăng sĩ

Hỏi: Các vị tăng sĩ không bỏ công cày ruộng dệt vải, chỉ ngồi thọ hưởng cúng dường, thật là hao phí lương thực, vải vóc trong xã hội, như vậy mang lại những lợi ích gì?

Đáp: Trong xã hội có rất nhiều hạng người không cày ruộng mà vẫn có cơm ăn, đâu chỉ riêng các vị tăng sĩ? Ví như các vị ấy không xuất gia, chẳng lẽ lại không tiêu tốn lương thực, vải vóc? Nếu tiêu tốn lương thực, vải vóc, liệu có nhất định phải do các vị ấy tự cày ruộng, dệt vải mà có chăng? Huống chi, nếu họ làm người thế tục thì chẳng phải chỉ một thân một mình, ắt còn phải có thêm vợ con quyến thuộc, tôi tớ giúp việc... nên sự tổn phí còn hơn gấp nhiều lần, sao có thể so với cuộc sống tăng lữ chỉ một y một bát, rày đây mai đó giáo hóa người đời?

Người đời dùng da chồn lông cáo làm thành mão quan tôn quý; gấm vóc trang điểm làm thành y phục sang trọng; lên núi cao, xuống biển sâu tìm về đủ các món ngon vật lạ, mà những người thụ hưởng các thứ ấy, xét kỹ ra đều là những kẻ không cày mà có cơm ăn. Vậy thử hỏi những kẻ ấy là ai? Là tăng sĩ chăng? Là người thế tục chăng?

Trong chốn thế tục, những hầu thiếp được yêu mến khi trang sức trên người thật chẳng tiếc gì châu ngọc quý báu; những đào hát diễn viên chốn cung đình cũng dùng toàn đai ngọc mũ vàng; hoặc như những sòng bạc thâu đêm suốt sáng hoang phí bạc tiền; hoặc những kẻ kết thành bè đảng ăn chơi, rượu thịt ê hề... Những kẻ không làm mà ăn như thế quả thật nhiều đến mức lấy xe mà chở, lấy đấu mà đong cũng không hết được, sao không nhắm đến bọn họ mà trừ khử, lại chỉ biết quy lỗi vào hàng tăng sĩ?

Lẽ nào những kẻ phàm tục, xấu ác, hèn kém lại được thụ hưởng y phục gấm vóc, món ăn trân quý, còn bậc hiền nhân thấy thật tánh, rõ chân tâm lại không xứng đáng thọ dụng áo vải thô, cơm dưa muối hay sao?

Tôi thường nghe lắm kẻ chuyên đi công kích người không đồng quan điểm với mình, thật không khỏi có chút bất bình.

Hỏi: Xã hội ngày xưa có 4 thành phần là sĩ, nông, công, thương. Xã hội ngày nay lại thêm 2 thành phần nữa là tăng sĩ với đạo sĩ, thành cả thảy đến 6 thành phần. Một nhà làm ruộng mà đến sáu nhà ăn, một nhà sản xuất vật dụng mà đến sáu nhà dùng, như vậy làm sao khỏi đi đến chỗ nghèo đói rồi sinh ra trộm cắp khắp nơi?

Đáp: Nếu số người tiêu thụ lương thực giảm xuống, lúa thóc ắt không bán ra được, nông dân tất nhiên bị tổn hại. Nếu số người sử dụng vật dụng giảm đi, vật dụng làm ra không bán được, ắt công nhân cũng bị tổn hại. Cho nên, nguồn lợi của nông dân chính là ở chỗ có nhiều người tiêu thụ lúa thóc, nguồn lợi của công nhân chính là ở chỗ có nhiều người tiêu thụ vật dụng.

Thử hỏi, những người ăn lúa thóc của nông dân, dùng vật dụng của công nhân làm ra, lại ngang nhiên mà lấy không của họ được chăng? Hay là phải bỏ tiền ra mua? Giá như không mua mà có thể lấy dùng, tất nhiên số ấy càng đông càng tai hại. Còn nếu như người dùng đều bỏ tiền mua mà vẫn cứ cho là gây hại cho xã hội, thì lẽ nào như các nhà buôn bán lớn, mỗi ngày bán ra hàng hóa trị giá cả ngàn nén bạc, cha mẹ vợ con họ nhìn thấy như thế lại phải đau đớn khóc lóc chăng? Những người thắc mắc như thế quả là cổ hủ, chẳng hiểu gì việc đời, thật không đáng để nói đến.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 46 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Các tông phái đạo Phật


Chuyện Vãng Sanh - Tập 3


Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy


Người chết đi về đâu

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.238.82.77 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (20 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...