Khi thời gian qua đi, bạn sẽ hối tiếc về những gì chưa làm hơn là những gì đã làm.Sưu tầm
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Việc người khác ca ngợi bạn quá hơn sự thật tự nó không gây hại, nhưng thường sẽ khiến cho bạn tự nghĩ về mình quá hơn sự thật, và đó là khi tai họa bắt đầu.Rộng Mở Tâm Hồn
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Mỗi ngày khi thức dậy, hãy nghĩ rằng hôm nay ta may mắn còn được sống. Ta có cuộc sống con người quý giá nên sẽ không phí phạm cuộc sống này.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thành công không phải điểm cuối cùng, thất bại không phải là kết thúc, chính sự dũng cảm tiếp tục công việc mới là điều quan trọng. (Success is not final, failure is not fatal: it is the courage to continue that counts.)Winston Churchill
Chúng ta không có khả năng giúp đỡ tất cả mọi người, nhưng mỗi người trong chúng ta đều có thể giúp đỡ một ai đó. (We can't help everyone, but everyone can help someone.)Ronald Reagan
Hãy cống hiến cho cuộc đời những gì tốt nhất bạn có và điều tốt nhất sẽ đến với bạn. (Give the world the best you have, and the best will come to you. )Madeline Bridge
Hãy tin rằng bạn có thể làm được, đó là bạn đã đi được một nửa chặng đường. (Believe you can and you're halfway there.)Theodore Roosevelt
Chúng ta không học đi bằng những quy tắc mà bằng cách bước đi và vấp ngã. (You don't learn to walk by following rules. You learn by doing, and by falling over. )Richard Branson

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Vào thiền »» Thiền và sự chứng ngộ »»

Vào thiền
»» Thiền và sự chứng ngộ

Donate

(Lượt xem: 5.405)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


Vào thiền - Thiền và sự chứng ngộ

Font chữ:


Đến đây, có thể vấn đề sẽ bắt đầu chuyển sang một hướng mới. Qua những gì vừa trình bày, cứ tạm cho là bạn đã tin được rằng không cần phải tìm kiếm đâu xa mà thiền vẫn hiện hữu ngay trong cuộc sống này, trong những sự việc rất đơn sơ diễn ra trước mắt ta qua từng giây phút. Thế nhưng vì sao ta không trực nhận được điều đó? Ngay cả khi đã tin vào những gì vừa nói, thì liệu đã có gì thay đổi trong cuộc sống của chúng ta? Điều đó phải giải thích như thế nào?

Trong thực tế, mỗi chúng ta đều có một thế giới riêng của mình, do những cảm nhận không bao giờ hoàn toàn giống nhau, cho dù có vẻ như chúng ta đang sống chung cùng nhau chỉ dưới một bầu trời. Bạn và tôi có thể cùng ngồi với nhau uống một tách trà, và sự kiện rất đơn giản này có vẻ như giống nhau ở hai chúng ta. Nhưng thực tế là cảm nhận của hai ta không bao giờ hoàn toàn giống nhau. Trong tách trà của bạn có thể kèm theo những mối ưu tư của riêng bạn, hoặc những kinh nghiệm đã qua nào đó mà nơi tôi không có. Cũng có thể tách trà gợi lên cho tôi rất nhiều điều hoàn toàn xa lạ đối với bạn...

Ví dụ đơn sơ này có thể được mở rộng với tất cả những gì xảy ra cho chúng ta trong cuộc sống. Thiền luôn nhấn mạnh vào sự trải nghiệm tự thân - những gì bạn cảm thấy, chứ không phải những gì bạn tiếp xúc trong cuộc sống.

Vì thế, điều mà thiền nhắm đến chính là làm thay đổi sự cảm nhận của chúng ta đối với cuộc sống này, và chính qua đó mà ta mới có thể trực nhận được ý nghĩa sâu xa nơi chính những gì đơn sơ nhất trong cuộc sống. Nói một cách chính xác hơn, chúng ta đã quen bị dắt dẫn và khống chế bởi những thói quen và định kiến trong sự tiếp xúc với đời sống, và do đó không còn có được những cảm nhận thực sự của chính mình. Công năng của thiền - nếu có thể tạm gọi như thế - chính là cởi bỏ tất cả những trói buộc và trả tâm thức trở về với trạng thái tự do ban sơ.

Thói quen lâu đời của chúng ta khi tiếp cận với cuộc sống là luôn luôn phụ thuộc vào những phân tích chia chẻ lý luận, mặc dù những điều này vốn dĩ do chính chúng ta tạo ra. Thiền giúp chúng ta tiếp cận cuộc sống bằng một cách khác, loại trừ tất cả sự chi phối của công năng phân tích lý luận để trực nhận những gì đang diễn ra. Có thể tôi và bạn cùng đối mặt với những sự kiện giống nhau trong cuộc sống, nhưng sự thay đổi phương thức tiếp cận sẽ làm cho chúng ta cảm nhận được cuộc sống theo những cách hoàn toàn khác nhau. Ngay cả trong cuộc sống bình thường chưa có sự hiện diện của thiền, chỉ một áng mây trôi qua cũng được cảm nhận khác nhau bởi những người có tâm hồn khác nhau.

Khi sự trói buộc của thế giới đối đãi nhị nguyên hình thành từ những khái niệm và lý luận bị phá vỡ, chúng ta sẽ cảm nhận cuộc sống này theo một cách hoàn toàn mới mẻ - và đó là bước đầu tiên đến với thiền. Nhưng ngay cả một sự mô tả như là “mới mẻ” cũng chỉ là một cách nói cho thuận tiện, bởi vì thật ra nó không diễn tả được hết những gì mà người thực hành thiền có thể cảm nhận được.

Người thực hành thiền đạt đến sự chuyển hóa tâm thức và trực nhận cuộc sống dưới một góc nhìn hoàn toàn mới được xem như trải qua một kinh nghiệm gọi là sự chứng ngộ. Đây là mục tiêu nhắm đến của thiền, bởi vì sau kinh nghiệm chứng ngộ mỗi con người có thể xem như đã hoàn toàn lột xác để trở thành một con người mới, hoàn toàn thoát khỏi mọi sự ràng buộc của đời sống thế tục. Người đã chứng ngộ có thể sống ngay trong cuộc sống thế tục nhưng không bị chi phối ngay cả bởi những biến cố ghê gớm nhất, bởi vì họ hiểu rõ rằng ý nghĩa cốt lõi của đời sống không nằm ở đó.

Một trường hợp chứng ngộ có thể đến với người học thiền trong rất nhiều hoàn cảnh khác nhau, thường có thể là nhờ vào sự khai phá, gợi mở của một bậc thầy, hoặc một sự kiện tình cờ nào đó có hàm chứa những ý nghĩa sâu xa mà hành giả đang nghiền ngẫm trong tâm thức. Có những trường hợp rất đơn sơ, nhưng cũng có những trường hợp cam go và đầy kịch tính.

Một vị tăng đến xin ngài Triệu Châu (778-897) chỉ dạy. Ngài hỏi: “Ăn cháo xong chưa?” Đáp: “Ăn cháo xong rồi.” Ngài bảo: “Rửa bát đi.” Vị tăng nhân đó liền chứng ngộ.

Về trường hợp chứng ngộ này, về sau thiền sư Vân Môn Văn Yển (?-949) có nhận xét rằng: “Thử hỏi Triệu Châu có chỉ dạy hay không? Nếu có, là dạy cái gì? Nếu không, ông tăng lại ngộ cái gì?”

Thiền sư Đức Sơn trước khi đến với thiền vốn là một học giả uyên bác và nghiên cứu nhiều về kinh Kim Cang. Ngài không tin vào tông chỉ “giáo ngoại biệt truyền, kiến tánh thành Phật” của Thiền tông, nên mang theo mấy bộ sớ giải kinh Kim Cang lên đường đến phương Nam để bài xích. Giữa đường gặp một bà lão, ngài hỏi mua bánh ăn điểm tâm. Bà lão hỏi: “Đại đức mang theo gì thế?” Đức Sơn đáp: “Sớ giải kinh Kim Cang.” Bà lão liền hỏi: “Cứ như trong kinh nói thì tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được. Đại đức muốn điểm tâm nào?” (只如 經中道。過去心不可得。見在心不可得。未 來心不可得。大德要點那箇心。- Chỉ như kinh trung, quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc. Đại đức yếu điểm ná cá tâm?) Đức Sơn không biết đáp thế nào, quay sang hỏi: “Gần đây có vị thiền sư nào hay chăng?” Bà lão liền chỉ đường cho ngài đến hòa thượng Long Đàm.

Đến chỗ thiền sư Long Đàm, ngài bỗng có chỗ hiểu ra nên xin ở lại đây tu học. Một hôm, ngài đứng hầu cho đến tận khuya, Long Đàm liền bảo: “Đã khuya, sao không về đi?” Ngài cúi chào đi ra, giây lát trở vào thưa: “Bên ngoài tối quá.” Long Đàm thắp một cây nến đưa cho. Ngài vừa đưa tay sắp nhận lấy thì Long Đàm vụt thổi tắt. Ngài nhân đó liền chứng ngộ.

Ngài Bách Trượng (724-814) một hôm đang theo hầu Mã Tổ (709 - 788), có đàn ngỗng trời bay qua. Mã Tổ hỏi: “Chim gì thế?” Bách Trượng thưa: “Ngỗng trời.” Mã Tổ lại hỏi: “Bay đi đâu thế?” Đáp: “Bay qua mất rồi.” Mã Tổ liền nắm chặt lấy chóp mũi của Bách Trượng vặn mạnh. Đau quá, Bách Trượng kêu thét lên. Mã Tổ nói: “Sao nói là bay qua mất rồi?” Bách Trượng nhân đó liền chứng ngộ.

Có vẻ như thật khó tìm được bất cứ mối quan hệ nào giữa các trường hợp chứng ngộ, nhưng điểm chung không thể phủ nhận là trong những trường hợp này, rõ ràng người chứng ngộ đều đạt đến một chỗ thấy biết tương đồng nhất định để được vị thầy ấn khả.

Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn là đệ tử của ngài Bách Trượng. Tư chất thông minh, học một biết mười, hết thảy kinh luận đều thông hiểu, nhưng khi thầy đã viên tịch vẫn chưa chứng ngộ, liền tìm đến vị sư huynh - đệ tử lớn của Bách Trượng - là tổ Quy Sơn để theo học.

Một hôm, tổ Quy Sơn nói: “Nay ta không hỏi ngươi những kiến giải kinh sách từ trước đến nay đã học, chỉ hỏi việc của chính ngươi khi còn chưa ra khỏi bào thai, chưa phân phương hướng, thử nói một câu xem. Ta sẽ ghi nhận cho.” (吾不問汝平生學解及經卷冊子上記得者。汝未出胞胎未辨東西時, 本分事試道一句來。吾要記汝。- Ngô bất vấn nhữ bình sanh học giải cập kinh quyển sách tử thượng ký đắc giả. Nhữ vị xuất bào thai vị biện đông tây thời, bản phận sự thí đạo nhất cú lai. Ngô yếu ký nhữ.)

Hương Nghiêm nghe qua mù mịt không đáp được. Suy ngẫm rất lâu, vận dụng hết thảy những kiến giải đã có cũng không sao hiểu được. Liền nói: “Thỉnh hòa thượng vì tôi giảng thuyết.” (卻請和尚為說。- Khước thỉnh hòa thượng vị thuyết.)

Tổ Quy Sơn nói: “Chỗ ta nói được là kiến giải của ta, với chỗ hiểu của ngươi phỏng có ích gì?” (吾說得是吾之見解。於汝眼目何有益乎。- Ngô thuyết đắc thị ngô chi kiến giải, ư nhữ nhãn mục hà hữu ích hồ?)

Hương Nghiêm quay về lục tìm hết những điều giảng giải của các vị danh đức khắp nơi, cũng không có được lấy một lời nào khả dĩ ứng đáp được. (遍檢所集諸方語句無一言可將酬對。- Biến kiểm sở tập chư phương ngữ cú vô nhất ngôn khả tương thù đối.) Ngài liền than rằng: “Bánh vẽ không thể ăn đỡ đói!” (畫餅不可充飢。- Họa bính bất khả sung cơ.)

Ngài đốt sạch hết sách vở hiện có, tự nói rằng: “Đời này không học Phật pháp nữa. Hãy làm tăng thường lo việc cơm cháo, khỏi nhọc tâm thần.” (此生不學佛法也。且作箇長行粥飯僧免役心神。- Thử sanh bất học Phật pháp dã. Thả tác cá trường hành chúc phạn tăng, miễn dịch tâm thần.) Nói rồi khóc mà bái biệt tổ Quy Sơn ra đi.

Ngài đến Nam Dương, lưu lại nơi chỗ ở trước đây của Quốc sư Huệ Trung. Một hôm, nhân khi phát cây cỏ trong núi, có hòn sỏi nhỏ văng chạm cây trúc phát ra âm thanh, ngài vừa nghe tiếng bỗng nhiên chứng ngộ.

Trường hợp của thiền sư Hương Nghiêm là một thí dụ rõ nét về sự vô ích của tri thức lý luận trong việc đạt đến sự chứng ngộ. Còn có thể kể ra rất nhiều trường hợp khác nữa, mà được nhiều người biết đến nhất trong số ấy là trường hợp của thiền sư Đức Sơn. Sau khi chứng ngộ, ngài đã mang hết sớ giải kinh Kim Cang đến trước pháp đường nói rằng: “Hết thảy mọi biện giải sâu xa chỉ như lông tơ nơi thái hư. Trọn vẹn mọi yếu quyết là giọt nước rơi xuống vực thẳm.” (窮諸玄辨, 若一毫致於太虛。竭世樞機, 似一滴投於巨壑。- Cùng chư huyền biện, nhược nhất hào khổng ư thái hư. Kiệt thế xu cơ dĩ nhất trích đầu ư cự hác.) Nói rồi đốt sạch, lễ bái từ biệt thầy mà đi.

Đức Sơn và Trí Nhàn đều là hai vị học giả uyên bác, trí tuệ xuất chúng. Vì thế, về phương diện tri thức quả ít có ai vượt qua các ngài. Nhưng cả hai đều chỉ ôm mớ kiến giải ấy làm người đứng ngoài cửa thiền. Ngài Hương Nghiêm xem đó là “bánh vẽ”, nhìn thật xinh đẹp, hấp dẫn nhưng chẳng chút ích lợi gì trong cơn đói. Ngài Đức Sơn xem đó như “lông tơ nơi thái hư, giọt nước rơi xuống vực thẳm”, cũng là chẳng đủ để mang lại chút lợi ích thiết thực nào. Cả hai đều tỏ rõ nhận xét này bằng cách đốt sạch những gì mà từ trước đã từng khổ công cầu học.

Đến đây, chúng ta đã có thể hình dung được rằng sự chứng ngộ là điều mà người học thiền nhắm đến, là kết quả không gì thay thế được và mỗi người phải tự mình đạt đến, không thể dựa vào bất cứ ai, ngay cả vị thầy dẫn dắt mình. Và nỗ lực đạt đến chứng ngộ cần phải thông qua ánh sáng chiếu rọi từ tự tâm mà không thể nhờ vào những tri thức kiến giải có được qua việc nghiên tầm kinh luận, sách vở.

Nhưng dù chỉ mấy dòng ngắn ngủi này, mà việc ngộ nhận cũng có rất nhiều khả năng xảy ra. Nếu chỉ dựa vào sự phân tích lý luận để hiểu, chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào một vòng xoay luẩn quẩn không lối thoát.

Thứ nhất, việc chứng ngộ có thể xem là thời điểm chuyển hóa hoàn toàn cảm nhận của chúng ta về cuộc sống, về thế giới này. Các thiền sư luôn xem đây là việc “đại sự một đời”, quên ăn bỏ ngủ để quyết tâm đạt đến. Tuy nhiên, nếu cho rằng khi chưa chứng ngộ thì việc thực hành thiền không ích lợi gì sẽ là hoàn toàn sai lầm.

Thực ra, trước thời điểm chuyển hóa hoàn toàn, chúng ta cần phải trải qua giai đoạn “tiệm tiến” với những chuyển hóa phần nào trong cuộc sống. Nhiều người dựa vào thuyết “đốn ngộ” mà bác bỏ điều này. Thực ra họ không hiểu rằng khi nói “đốn ngộ” là muốn chỉ cho thời điểm “triệt ngộ” mà thôi. Với ý nghĩa này, con người nhất thời lột xác, cởi bỏ hoàn toàn mọi thiên kiến sai lệch vốn có để trực nhận chân lý rốt ráo nơi đời sống. Sự chuyển hóa mà chúng ta đang đề cập chưa phải là sự triệt ngộ, nhưng nó là bước tiến cần thiết mà không ai không trải qua. Vì thế, nói “đốn ngộ” không phải là phủ nhận giai đoạn hé mở dần cánh cửa giác ngộ, để đến thời điểm chín mùi mới có thể xảy ra sự triệt ngộ. Điều này có thể thấy rõ qua chính trường hợp của Lục Tổ Huệ Năng, người đã suốt đời hoằng hóa và xiển dương thuyết “đốn ngộ”.

Theo Kinh Pháp Bảo Đàn ghi lại thì ngài triệt ngộ vào lúc được Ngũ Tổ gọi vào phòng giảng kinh Kim Cang cho nghe. Phẩm Hành Do trong kinh chép rằng: “Vì (Huệ Năng) thuyết kinh Kim Cang, đến câu ‘nên sanh tâm ở nơi không có vướng mắc’ Huệ Năng vừa nghe liền đại ngộ.” (為說金剛經。至應無所住而生其心,惠能言下大悟。- Vị thuyết Kim Cang Kinh, chí ‘ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm’ Huệ Năng ngôn hạ đại ngộ.)

Nhưng cũng trong phẩm kinh này, trước đó có chép trường hợp Lục Tổ lần đầu tiên nghe một người khách tụng kinh Kim Cang liền có chỗ ngộ. Kinh chép: “Huệ Năng một lần nghe được lời kinh, tâm liền khai ngộ.” (惠能一聞經語,心即開悟。- Huệ Năng nhất văn kinh ngữ, tâm tức khai ngộ.)

Ở đây chúng ta thấy rõ trước thời điểm triệt ngộ khi đến với Ngũ Tổ, Lục Tổ cũng đã bắt đầu có sự chuyển hóa cách tiếp cận với thực tại ngay từ lần đầu tiên nghe kinh Kim Cang. Từ đó cho đến khi triệt ngộ, ngài nhất định đã trải qua một thời gian nuôi dưỡng sự chuyển hóa này trong tâm thức, cho đến thời điểm chín mùi và triệt ngộ mới được Ngũ Tổ ấn khả.

Đây là dẫn trường hợp của một bậc đại trí thượng căn ngàn năm có một. Ai đã từng đọc kinh Pháp Bảo Đàn đều thấy không thể đem những cách lý luận bình thường để giải thích về trường hợp của Lục Tổ Huệ Năng. Cho dù từ nhỏ không được học, một chữ cũng không đọc viết được, nhưng chỉ nghe tụng qua kinh Pháp Hoa một lần chưa trọn bộ liền có thể giảng giải được ý kinh, vì người khác mà khai ngộ. Nếu lấy chỗ học hiểu thông thường của chúng ta hẳn là khó tin nổi một trí tuệ siêu việt đến thế!

Bậc đại trí còn như thế, với những người bình thường lẽ tất nhiên không thể không trải qua một thời gian thực hành rất lâu trước khi có thể đạt đến sự triệt ngộ. Vì thế, mặc dù đích nhắm của thiền là sự chứng ngộ, nhưng những gì mà người thực hành thiền đạt được khi chưa chứng ngộ không thể nói là “không có gì”.

Trong thực tế, tất cả những ai thực hành thiền đều có thể tự cảm nhận được sự ích lợi ngay trong cuộc sống, cho dù những trường hợp thực sự chứng ngộ vẫn là chuyện không dễ thấy. Vào thời kỳ Thiền tông đang hưng thịnh, các vị đệ tử đắc pháp của Lục Tổ chia nhau hoằng hóa mỗi người một phương và đều có những đệ tử truyền thừa rất kiệt xuất, nhưng hãy nghe Thiền sư Hoàng Bá Hy Vận (黃蘗希運), một học trò xuất sắc của thiền sư Bách Trượng nói về những trường hợp chứng ngộ trong thiền môn: “Không nói không có thiền, chỉ nói không có sư. Xà-lê không thấy sao, theo học ở đạo trường Mã Tổ có đến 88 người, được pháp yếu của ngài chỉ có năm, sáu người thôi.” (不道無禪只道無師。闍梨不見。馬大師下有八十八人坐道場。得馬師正眼者。止三兩人。- Bất đạo vô thiền, chỉ đạo vô sư. Xà lê bất kiến Mã Đại sư hạ hữu bát thập bát nhân tọa đạo tràng, đắc Mã sư chánh nhãn giả chỉ tam lưỡng nhân.)

Sách Cảnh Đức Truyền Đăng Lục ghi nhận số người theo học với các thiền sư lỗi lạc rất đông. Chẳng hạn, thiền sư Đạo Ưng giáo hóa ở Vân Cư đồ chúng lúc nào cũng đến 1500 vị. Số học chúng theo ngài Linh Hựu vào lúc ngài trú trì ở Quy Sơn cũng không dưới số này... Qua đó chúng ta thấy được một thực tế là không phải ai đến với thiền cũng có thể may mắn đạt đến sự triệt ngộ.

Nhưng điều chắc chắn mà tất cả chúng ta đều có thể tin được là, ngay khi bước vào thiền thì mỗi người đều sẽ nhận được phần lợi ích nhất định nhờ vào những thay đổi trong cách nhìn nhận cuộc sống và sự giải phóng tâm thức. Kết quả thực hành thiền sẽ làm chuyển biến cách suy nghĩ cũng như hành động của chúng ta trong cuộc sống theo hướng ngày càng vươn lên. Chính những kết quả khiêm tốn này lại mới là phần lợi ích phổ cập cho bất cứ ai thực sự đến với thiền. Nhiều người khi đến với thiền lại chỉ muốn luận bàn về sự chứng ngộ mà không lưu tâm đến những thay đổi dần dần này, và điều đó thường không mang lại cho bản thân họ chút lợi ích thực tiễn nào ngoài việc thỏa mãn tính hiếu kỳ.

Điều thứ hai mà người mới đến với thiền có thể dễ dàng rơi vào ngộ nhận là sự phủ nhận mọi tri thức kiến giải. Như đã nói trên, sự chứng ngộ không thể trông mong đạt đến qua việc nghiên tầm kinh luận, sách vở. Tuy nhiên, nói như thế không phải là phủ nhận hoàn toàn vai trò của văn tự ngôn ngữ.

Sự phủ nhận ở đây mang ý nghĩa của một nỗ lực vùng vẫy nhằm thoát ra khỏi những trói buộc, giới hạn mà một bộ óc lý luận tri thức thường mắc phải. Trong ý nghĩa trực tiếp góp phần vào sự chứng ngộ, tri thức kiến giải hoàn toàn không có chút giá trị nào. Nhưng trong ý nghĩa gián tiếp, điều đó lại là chuyện khác. Và cách phủ nhận của thiền về vấn đề này chỉ nhằm đến giải phóng tâm thức ra khỏi tầm khống chế của ngôn ngữ chương cú, chứ hoàn toàn không phủ nhận những giá trị giới hạn nhất định của văn tự ngôn ngữ.

Hãy trở lại trường hợp của Lục Tổ Huệ Năng. Tuy là người không được học qua chữ viết, nhưng nguồn khơi mở sự chứng ngộ của ngài chính là kinh Kim Cang. Về sau, trong thời gian hoằng hóa của ngài, ngài còn tự thân giảng giải nhiều bộ kinh khác nữa, và chính những lời giảng của ngài cũng được ghi chép cẩn thận vào kinh Pháp Bảo Đàn. Ở đây, vai trò của văn tự qua kinh điển là không thể phủ nhận. Điểm khác biệt chỉ là ở chỗ, người học kinh hoàn toàn không bị trói buộc nơi nghĩa kinh mà chỉ xem đó như một phương tiện khơi mở cho tuệ giác của tự tâm. Nếu hiểu được ý nghĩa này thì rõ ràng là thiền không hề có sự phủ nhận ngôn ngữ văn tự nói chung, và kinh điển nói riêng. Và cũng chỉ trong cách hiểu này, chúng ta mới hiểu được vì sao kho tàng kinh luận vẫn mỗi ngày được bồi đắp thêm nhiều hơn trước, ngay cả những đóng góp của các thiền sư cũng vô cùng đáng kể, như các tác phẩm Bích Nham Lục, Vô Môn Quan... cùng rất nhiều bộ ngữ lục khác vẫn được trước tác và lưu hành qua nhiều thế kỷ nay.

Người mới đến với thiền, không hiểu rõ nghĩa này, chỉ dựa vào một câu “bất lập văn tự” mà xem thường kinh điển giáo nghĩa, rốt cuộc chẳng biết dựa vào đâu mà có thể khơi mở tự tâm?

Sự ngộ nhận thứ ba là ý nghĩa “bất khả thuyết” trong sự chứng ngộ. Chúng ta đều thấy qua các trường hợp chứng ngộ là vai trò của vị thầy dắt dẫn có vẻ như rất hạn chế trong việc giúp người học trò đạt đến mục đích. Vì sao như thế? Ngay cả bằng vào kinh nghiệm tự thân đã chứng ngộ, một bậc thầy cũng không thể mang những điều ấy truyền lại cho đệ tử. Bởi vì nếu “điều ấy” có thể đến được bằng sự truyền đạt qua ngôn ngữ, tất yếu lại phải rơi vào cái vòng luẩn quẩn của sự “hữu hạn” mà người học thiền đang vùng vẫy để thoát ra. Vì thế, sự chứng ngộ phải là một kinh nghiệm tự thân xuất phát từ tâm thức mỗi người, mà vai trò của một bậc thầy dù tận tâm đến đâu cũng chỉ là một sự gợi mở mà thôi.

Nhưng khi nói “bất khả thuyết” hoàn toàn không có nghĩa là phủ nhận sự chỉ dạy của những bậc thầy. Trong thực tế, xưa kia những người theo học thiền với các thiền sư đã chấp nhận phải trèo đèo lội suối, đến tận những nơi thâm sơn cùng cốc, cũng chỉ là để được nghe những lời chỉ dạy, chứ không mong gì việc được các ngài nắm tay dắt lên bậc thang chứng ngộ. Hơn thế nữa, lời dạy của các thiền sư cho đến nay vẫn còn lưu truyền và có ý nghĩa không nhỏ đối với người học thiền. Điều quan trọng là người học cần phải biết rằng tất cả mọi sự giảng dạy chỉ mang tính cách gợi mở, chỉ dẫn, không thực sự là những giá trị của tự thân. Nói theo ngôn ngữ của thiền thì đó là những “của báu nhà người”, và người học nếu chấp chặt vào đó, lầm tưởng là của mình thì tất yếu sẽ phải “nghèo khổ” trọn đời vì bản thân thực ra là chẳng có gì cả!

Một sự ngộ nhận khác nữa muốn đề cập ở đây - trong khuôn khổ của tập sách này, nhưng chưa phải là cuối cùng - là việc tiếp cận với những mô tả gượng ép về một trạng thái chứng ngộ - mà hoàn toàn không phải là kinh nghiệm tự thân - có thể dễ dàng dẫn đến một cách hiểu sai lệch, đơn giản hóa vấn đề. Không ít người đã rơi vào chỗ sai lầm khi hiểu về sự chứng ngộ chỉ đơn giản như một “cách nhìn mới về cuộc sống”. Ý nghĩa này có phần nào đó phù hợp, nhưng điều quan trọng nhất là bạn nhận thức như thế nào là một “cách nhìn mới”. Như đã nói, ánh sáng bừng lên của sự chứng ngộ sẽ mang lại một cách nhìn hoàn toàn mới, và về phương diện tinh thần có thể xem như một sự lột xác hoàn toàn để ra đời một “con người mới”. Nhưng nếu hiểu “cách nhìn mới” trong giới hạn của những phạm trù khái niệm, không có sự giải phóng hoàn toàn của tâm thức thì sẽ là một cách nhìn quá đơn giản về sự chứng ngộ.

Chúng ta hãy nghe thiền sư Vô Môn nói về những gì phải trải qua trước khi đạt đến sự chứng ngộ, để có thể tạm hình dung phần nào tính cách quan trọng của ý nghĩa này:

“Tham thiền phải vượt qua cửa tổ, chứng ngộ phải dứt sạch đường tâm. Cửa tổ không qua, đường tâm không dứt, chỉ như bóng ma nương cây dựa cỏ... ... Cả thảy ba trăm sáu mươi đốt xương, tám vạn bốn ngàn lỗ chân lông, toàn thân hợp nhất nêu lên một mối nghi... ... Như nuốt hòn sắt nóng, nhả mà nhả chẳng ra. Dẹp sạch đi những chỗ thấy biết tệ hại trước kia, lâu ngày được thuần thục, tự nhiên trong ngoài kết thành một khối, như người câm nằm mộng, chỉ một mình tự biết.” (參禪須透祖師關。妙悟要窮心路 絕。祖關不透。心路不絕。盡是依草附木精 靈。... ... 將三百六十骨節 八萬四千毫竅。通身起箇疑團。... ... 如吞了箇熱鐵丸相似吐又吐不出。蕩盡從前惡 知惡覺。久久純熟。自然內外打成一片, 如 啞子得夢只許自知。- Tham thiền tu thấu tổ sư quan, diệu ngộ yếu cùng tâm lộ tuyệt. Tổ quan bất thấu, tâm lộ bất tuyệt, tận thị y thảo phụ mộc tinh linh... ... Tương tam bách lục thập cốt tiết, bát vạn tứ thiên hào khiếu, thông thân khởi cá nghi đoàn... ... Như thôn liễu cá nhiệt thiết hoàn tương tự, thổ hựu thổ bất xuất. Đãng tận tùng tiền ố tri ố giác, cửu cửu thuần thục, tự nhiên nội ngoại đả thành nhất phiến, như á tử đắc mộng chỉ hứa tự tri.)

Quả thật, hoàn toàn không đơn giản chút nào để có thể đạt đến sự chứng ngộ, giải phóng hoàn toàn tâm thức ra khỏi sự ràng buộc của “những chỗ thấy biết tệ hại trước kia”. Nhưng mặt khác, điểm khởi đầu để bước vào thiền, để cảm nhận được những lợi ích thiết thực của thiền trong cuộc sống hằng ngày lại hầu như có thể dành cho bất cứ ai.

Vì thế, khi tiếp cận với thiền chúng ta thường dễ rơi vào một trong hai hướng cực đoan sai lệch. Một số người cho rằng thiền chỉ dành cho những bậc thượng căn đại trí, không phù hợp với đa số có năng lực bình thường. Một số khác lại xem thiền như một pháp môn tối thượng theo nghĩa là khi đã bước chân vào thì không cần phải kính Phật trọng Tổ, dẹp bỏ mọi hình thức lễ nghi tu tập mà chỉ cần thẳng một đường “kiến tánh thành Phật”. Những cách hiểu như thế đều xuất phát từ những nhận thức nông cạn từ bên ngoài, không có bất cứ một sự trải nghiệm thực sự nào. Vì thế, để thực sự hiểu được thiền, không có cách nào khác hơn là phải bước vào thiền và tự mình trải nghiệm một cuộc sống thiền.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 20 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Di giáo


Kinh Đại Bát Niết-bàn - Tập 2


Nguồn chân lẽ thật


Hương lúa chùa quê - Phần 2: Hồi ký của Hòa thượng Thích Như Điển

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 44.192.95.161 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành ... ...

Việt Nam (255 lượt xem) - Hoa Kỳ (14 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...