Nhưng vấn đề chưa thể xem là được giải quyết rốt ráo nếu như chúng ta vẫn chưa khám phá ra được bản chất thực sự của đời sống. Thật vậy, những gì vừa nói trên chỉ là một giải pháp mang tính đối phó với tình thế. Nó đã mang lại những lợi ích to lớn cho chúng ta xét từ góc độ có được nhiều niềm vui hơn trong cuộc sống, nhưng quả thật vẫn chưa hoàn toàn giải quyết được vấn đề.
Nếu không chấp nhận - đơn giản là vì không đủ cơ sở để chấp nhận - một đấng sáng tạo tối cao nào đó đã tạo ra con người, chúng ta sẽ không thể thoát ra khỏi tâm trạng hoài nghi về mục đích của đời sống. Vì sao chúng ta phải sinh ra và chết đi, sau khi đã trải qua bao nhiêu thăng trầm trong đời sống? Tất cả những điều đó liệu có ý nghĩa gì?
Nhưng việc chấp nhận một đấng sáng tạo tối cao lại là điều đi ngược lại với kinh nghiệm tri thức đã có trong đời sống. Tri thức lý luận của chúng ta luôn phủ nhận điều đó, vì không tìm được bất cứ bằng chứng nào cho sự hiện hữu của một đấng sáng tạo như thế. Hơn thế nữa, nó còn đẩy chúng ta đến một tầng bậc hoài nghi cao hơn. Bởi vì, xét cho cùng thì cũng phải có “ai đó” đã tạo ra một đấng sáng tạo như thế chứ? Tất nhiên, giải pháp cho tình huống bế tắc này đối với nhiều người vẫn là sự chấp nhận, bởi vì họ cho rằng không còn có sự lựa chọn nào khác.
Nhưng với một số người khác thì sự tìm kiếm, vùng vẫy trong thế bế tắc này vẫn không dừng lại. Và tri thức lý luận còn tiếp tục đẩy họ đến hàng loạt những bế tắc khác nữa khi đi sâu vào phân tích và tìm hiểu bản chất thực sự của đời sống.
Đứng từ góc độ chủ thể quan sát đối tượng khách thể bên ngoài, người ta thất bại khi nhận thức về sự hữu hạn hoặc vô hạn của thế giới quanh ta. Tri thức lý luận dẫn đến tình thế bế tắc khi không thể chấp nhận và cũng không thể phủ nhận thế giới hữu hạn hoặc vô hạn. Nếu thế giới quanh ta là hữu hạn, vậy bên kia giới hạn đó là gì? Nhưng nếu thế giới là vô hạn, chúng ta lại không sao hình dung ra được một thế giới như thế khi quanh ta mọi thứ đều hữu hạn. Những gì hữu hạn đều có thể đo đếm bằng số lượng, vậy làm sao có thể có một thế giới vô hạn hàm chứa một số lượng - cho dù số lượng ấy có lớn đến đâu đi chăng nữa - những vật thể hữu hạn? Hay nói cách khác, những gì hàm chứa trong thế giới này đã là hữu hạn - như ta nhận biết - thì ngay cả thế giới này cũng không thể là vô hạn!
Tạm gác lại đối tượng khách thể, chúng ta quay về để quan sát tự thân với tư cách là chủ thể của đời sống. Chúng ta lại thất bại khi không thể tìm được một “chủ thể” thực sự. Nhận thức cho rằng thân xác đang hiện hữu này là “chủ thể” sẽ sụp đổ khi chúng ta nhận ra nó thực sự chỉ là sự kết hợp của những yếu tố vật chất không bền chắc, mà khi tách riêng mỗi yếu tố đều không thể tạo thành một cái “ta”. Và chúng ta cũng không hề làm chủ được ngay cả những yếu tố vật chất đó.
Quay sang bám víu vào cái gọi là “tâm”, chúng ta càng mơ hồ hơn khi không thể định vị được nó ở bất cứ nơi nào. Tâm nằm trong thân thể, trong bộ não của ta chăng? Đó chẳng qua là một cấu trúc vật thể mà ngày nay khoa học đã phân tích khá rõ thành phần và phương thức hoạt động. Nếu tái hiện một cấu trúc vật thể tương tự - như trường hợp máy vi tính chẳng hạn - liệu chúng ta có thể tạo ra được một cái “tâm” chăng? Còn nếu nói tâm nằm ngoài bộ não, ngoài thân thể này, vậy do đâu ta có thể nhận thức được “thế giới bên ngoài”?
Không nắm bắt được bản chất thực sự của đời sống, chúng ta không thể vượt qua được những mâu thuẫn tất yếu nảy sinh trong nội tâm. Do đó chúng ta nhận lãnh những khổ đau trong cuộc sống mà không hiểu được vì sao điều đó xảy ra. Ngược lại, hạnh phúc trở thành một thứ quà tặng bất chợt mà đời sống chỉ mang đến cho ta vào những thời điểm không định trước.
Nhưng cũng chính từ những giới hạn cuối cùng của tri thức lý luận, khi mà những trăn trở của kiếp người đã lên đến đỉnh điểm tột cùng, chúng ta mới nảy sinh nhu cầu khẩn thiết phải bước vào thiền. Nói cách khác, với những ai có thể chấp nhận được đời sống như nó đang diễn ra, thì việc đến với thiền có thể là không cần thiết hoặc sẽ không mang lại kết quả gì cả. Những người không cần thiết phải đến với thiền là những người vốn đã sống một cuộc sống thiền, không cần phải tìm hiểu hay thay đổi gì thêm nữa. Những người đến với thiền sẽ không có được kết quả gì là những người không có những trăn trở, khắc khoải trong đời sống, và do đó không có đủ động lực để bước vào thiền, cũng như không xác định được mục đích khi đến với thiền.