Giảng rộng
Đất đai vì có sông ngòi nên phân cắt thành đôi bờ nam bắc, đông tây, khiến người đi đường chỉ biết nhìn ra trời nước mênh mông mà than thở, bỗng dưng có người giúp xây cầu vượt sông, khác nào như đang chỗ bế tắc bỗng mở ra được một con đường, dù không có thuyền bè vẫn qua được sông rộng. Công lao của người bắc cầu chẳng phải là lớn lắm sao?
Thật ra cũng không chỉ là ý nghĩa giúp cho muôn vạn người qua lại. Bắc cầu là giúp đưa người vượt qua sông suối. Bố thí tạo phúc là giúp đưa người vượt qua cảnh bần cùng. Bỏ ác làm thiện là giúp đưa người vượt qua hoạn nạn. Siêng năng học hỏi là giúp đưa người vượt qua sự ngu si. Tu hành học đạo là giúp đưa người vượt qua sinh tử. Trong kinh điển gọi sáu ba-la-mật là sáu độ, chính là mang ý nghĩa sáu phương pháp giúp đưa người vượt qua sinh tử.
Trưng dẫn sự tích
Thần biển hẹn ngày xây cầu
Sông Lạc Dương ở Tuyền Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến, khúc sông gần giáp biển trước đây có thuyền đưa người qua lại, mỗi khi gặp sóng gió, người chết chìm không biết bao nhiêu mà kể.
Trong khoảng niên hiệu Đại Trung đời Bắc Tống, có một chiếc thuyền khi sang sông gặp gió bão sắp lật thì bỗng nghe trên không trung có tiếng nói: “Đừng làm thương tổn Thái học sĩ.” Ngay khi ấy sóng gió tức thời lặng yên, cả thuyền không ai tổn hại gì. Mọi người hỏi nhau thì trên thuyền không có ai họ Thái cả, chỉ có một bà có chồng họ Thái, đang mang thai được mấy tháng. Bà này suy nghĩ tự lấy làm lạ, liền phát nguyện rằng: “Nếu đứa bé này về sau quả thật được là Học sĩ, nguyện xây một cây cầu nơi đây để giúp người qua sông.”
Quả nhiên bà sinh con trai, về sau chính là Trung định công Thái Tương. Khi ông thi đỗ Trạng nguyên, về nhậm chức ở Tuyền Châu, người mẹ liền thúc giục ông xây cầu. Thái Tương suy nghĩ thấy độ sâu của nước khó đo được, mà thủy triều về đêm thường dâng lên, không biết làm sao khởi công. Do vậy dần dà trải qua hơn một năm chưa làm được gì. Người mẹ lại hết sức thúc giục. Thái Tương liền thảo một bản văn nói về việc muốn làm cầu, cho vào phong thư gửi thần biển, sai một tên quân mang đi. Tên quân ấy uống một bữa rượu say túy lúy rồi mang phong thư ném xuống biển, sau đó say rượu nằm ngủ vùi bên bờ biển. Đến lúc tỉnh dậy, bỗng phát hiện có một phong thư lạ bên mình, liền lập tức mang về trình lên Thái Tương.
Thái Tương mở ra xem trong thư chỉ thấy duy nhất một chữ thố (醋), nét mực vẫn còn như mới viết chưa bao lâu. Ông ngạc nhiên nói: “Phải chăng thần bảo ta khởi công vào giờ dậu ngày hai mươi mốt sắp tới đây?”
Liền gấp rút chuẩn bị mọi việc. Đến ngày giờ ấy, quả nhiên thủy triều xuống rất thấp, bùn cát dưới sông nhô cao lên đến hơn một trượng, nước triều không chạm đến. Liên tiếp như vậy trong 8 ngày, liền khởi công xây dựng được cầu. Cầu dài 360 trượng, rộng 15 thước, chi phí hết 1.400 vạn quan tiền, nhân đó đặt tên là cầu Vạn An.
Lời bàn
Bấy giờ, đốc thúc việc xây cầu còn có các ông Lư Thật, Vương Tích, Hứa Trung, Tôn Thiện, Đại sư Nghĩa Ba... cả thảy 15 người. Chỉ nhắc đến một mình Thái Tương, vì ông là người chủ xướng.
Tăng thêm tuổi thọ
Trình Di Bá, vừa được 29 tuổi, một hôm nằm mộng thấy người cha đã chết hiện về nói rằng: “Mạng con sẽ dứt trong năm này, có thể nhờ Giác Hải cứu cho.” Di Bá tỉnh dậy hoang mang không hiểu.
Đến ngày kia bỗng gặp một vị tăng từ đất Thục đến, rất giỏi thuật xem tướng, liền thưa hỏi tên họ, vị ấy xưng là Giác Hải. Di Bá xin hỏi về tuổi thọ, vị ấy liền nói: “Mạng số ông ngắn lắm, e là không được đến năm sau.” Di Bá hết sức khẩn cầu cứu mạng, sư bèn lấy một chén nước, thổi vào đó một hơi rồi đưa cho Di Bá uống, dặn rằng: “Đêm nay nếu mộng thấy điềm lành hãy cho ta biết.”
Đêm ấy, Di Bá nằm mộng thấy mình đi đến một phủ quan, phía hành lang bên trái có một số nam nữ áo mão chỉnh tề cùng đứng, dáng vẻ vui mừng, lại thấy nơi hành lang bên phải cũng có một số người đang đứng, nhưng đều bị gông cùm xiềng xích, khóc lóc thảm thiết. Khi ấy, có người đứng bên cạnh Di Bá nói: “Bên hành lang trái là những người xây cầu sửa đường, bên hành lang phải là những kẻ phá đường hoại cầu. Muốn cầu sống lâu hưởng phúc, có thể tự chọn lấy.” Di Bá liền phát nguyện đem hết sức mình tu sửa cầu đường. Về sau gặp lại Giác Hải, sư nói: “Tuổi thọ đã tăng thêm.”
Di Bá sống thọ đến 92 tuổi, con cháu năm đời đều được phồn vinh thịnh vượng.
Lời bàn
Xây cầu với phá cầu là hai hạng người phân biệt rõ ràng, quả báo lành dữ cũng là hai đường khác biệt. Nếu cho rằng không có nhân quả, nhất định phải gặp tai họa nặng nề.
Xây cầu được phúc
Ở Côn Sơn có người tên Chu Quý Phu, nhà giàu có lại rất hoan hỷ ra sức làm việc thiện, đến tuổi trung niên vẫn chưa có con.
Về sau dời nhà đến quận Tô, gặp được một dị nhân bảo rằng: “Số ông không con. Nếu muốn có con, nên xây dựng 300 cây cầu thì có thể được.”
Quý Phu thưa: “Tôi thật không đủ sức, biết làm thế nào?” Người kia nói: “Việc xây cầu không kể lớn nhỏ, cũng không nhất thiết là xây mới, chỉ cần sửa sang chỗ hư hỏng cũng được tính vào số đó.”
Quý Phu vui mừng làm theo như vậy, chỗ nào cần xây mới thì xây, chỗ nào cần sửa sang thì sửa, không chút nề hà khó khăn. Đến khi được đủ số 300, Quý Phu đã 60 tuổi, nhưng vẫn liên tiếp sinh được ba đứa con trai, sau trưởng thành đều là những bậc danh nho. Trong số đó có một người là con rể của Thái tiên sinh.
Ông sống đến 84 tuổi, mất vào năm thứ 49 niên hiệu Khang Hy.
Lời bàn
Xây dựng hoặc sửa chữa một cây cầu có thể giúp cho việc đi lại của vô số người, huống chi nhiều đến số ba trăm? Thế nên tự nhiên mạng số được chuyển từ không con thành có con, nhưng như thế hẳn cũng còn chưa hết phước báo.
Phá cầu bị khiển trách
Ở phủ Giang Ninh thuộc tỉnh Giang Tô có hồ Tần Hoài nằm ngay phía trước trường thi của phủ, xưa nay chưa có cầu bắc ngang, người qua lại đều phải dùng thuyền. Năm Giáp Thìn thuộc niên hiệu Khang Hy, có một nhà buôn lớn đi qua đó, gặp lúc trong người không mang theo tiền lẻ, nên lúc lên bờ không có tiền trả cho chủ thuyền. Chủ thuyền đòi rất gắt, nhà buôn ấy vì tức giận mà nói rằng: “Ví như xây một cây cầu ở chỗ này, đối với tôi cũng là chuyện dễ dàng, lẽ nào lại tham tiếc với ông một đồng tiền lẻ. Quả thật là tôi quên mang theo đó thôi.” Nhưng người chủ thuyền vẫn không chịu bỏ qua, to tiếng la lối, khiến người trong phố tụ tập đến xem rất đông, ai nấy đều nghe được câu nói của nhà buôn về việc xây cầu.
Nhà buôn ấy nhân đó liền bỏ ra 2.000 lượng bạc để mua vật liệu đá, gỗ làm cầu. Về phần nhân công thì có một vị tăng đứng ra vận động mọi người góp sức. Vị tăng ấy còn đến ở luôn nơi công trường để coi sóc, đôn đốc công việc, hết sức khó nhọc. Qua năm sau thì cầu xây xong.
Đến khoa thi mùa thu năm Bính Ngọ, toàn phủ Giang Ninh không có ai thi đỗ, nhiều người quy lỗi do việc xây cầu. Nho sinh trong phủ kéo nhau trình việc này lên quan phủ, nhân đó liền ra lệnh phá dở cây cầu. Vị tăng đã lo việc xây cầu buồn giận lắm, nhảy xuống hồ mà chết. Không bao lâu sau, tên nho sinh đã đề xướng việc phá cầu bỗng nhìn thấy vị tăng ấy hiện đến trách mắng kể tội, ngay lập tức thổ huyết mà chết.
Lời bàn
Không có người thi đỗ trong khoa ấy, chẳng qua chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, chắc gì đã có liên hệ đến cây cầu?
Lại cứ cho là do việc xây cầu gây trở ngại đường khoa bảng, vậy thử hỏi những người thi đỗ trong khoa ấy lại có gì khác mà vẫn được thi đỗ?
Đối với những người đọc sách, học đạo thánh hiền, noi theo người xưa, mỗi một việc làm ắt đều phải vì muốn giúp người cứu vật. Việc hỏng thi quả nhiên đáng hận, nhưng thà vậy còn hơn là đỗ đạt vinh hiển rồi chỉ lo cung phụng vợ con, mở mang ruộng vườn nhà cửa cho riêng mình, kết giao quan lại, cậy thế hiếp người, khiến cho người hiền lương nhìn thấy phải sợ như cọp sói. Như vậy thì việc cầu có nên phá hay không hẳn vẫn có thể từ từ cân nhắc, đâu cần phải gấp rút đến như thế?