Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, các nhu cầu của bạn cũng được hoàn thiện như một hệ quả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Thành công không phải là chìa khóa của hạnh phúc. Hạnh phúc là chìa khóa của thành công. Nếu bạn yêu thích công việc đang làm, bạn sẽ thành công. (Success is not the key to happiness. Happiness is the key to success. If you love what you are doing, you will be successful.)Albert Schweitzer
Mục đích của đời sống là khám phá tài năng của bạn, công việc của một đời là phát triển tài năng, và ý nghĩa của cuộc đời là cống hiến tài năng ấy. (The purpose of life is to discover your gift. The work of life is to develop it. The meaning of life is to give your gift away.)David S. Viscott
Người khôn ngoan học được nhiều hơn từ một câu hỏi ngốc nghếch so với những gì kẻ ngốc nghếch học được từ một câu trả lời khôn ngoan. (A wise man can learn more from a foolish question than a fool can learn from a wise answer.)Bruce Lee
Càng giúp người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.Lão tử (Đạo đức kinh)
Hành động thiếu tri thức là nguy hiểm, tri thức mà không hành động là vô ích. (Action without knowledge is dangerous, knowledge without action is useless. )Walter Evert Myer
Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Đừng than khóc khi sự việc kết thúc, hãy mỉm cười vì sự việc đã xảy ra. (Don’t cry because it’s over, smile because it happened. )Dr. Seuss

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Bức Thành Biên Giới »» Chương Một. »»

Bức Thành Biên Giới
»» Chương Một.

(Lượt xem: 3.852)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Bức Thành Biên Giới - Chương Một.

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Tin Vinh vừa thi đỗ tú tài phần thứ nhì làm cho bà Hải mừng phát run người, bà đang pha trà cho chồng uống buổi chiều, tay cầm cái ấm nước sôi mà run rẩy làm đổ cả nước ra ngoài bàn.

- Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô A Di Đà Phật...

Bà Hải chỉ biết niệm Phật lúc nào cảm thấy mình quá vui cũng như quá buồn, hình như sau khi đã phải trải qua nhiều biến cố, con người đâm ra ngờ vực tất cả, chỉ có Trời Phật là nguyên vẹn trong sự tin tưởng mà thôi.

Nghe giọng Vinh reo hò từ ngoài cửa ngõ reo vào:

- “Ha-ri-cô” rồi mạ ơi, tưới mau tưới mau, trưa ni mạ có chi khao tụi con không mạ, phải khao liền cho nóng!

Sự dồn dập tíu tít của thằng con trai làm cho bà Hải không còn biết trả lời vào lúc nào được. Ông Hải điềm tĩnh hơn, chậm rãi cất tiếng khen đứa con, đôi mắt lim dim nhìn trần nhà qua làn khói nước trà chứ không nhìn thẳng mặt con:

- Thằng Vinh học như rứa là giỏi đó, chừ con muốn cậu thưởng cái chi?

- Xe bành bạch, cậu mạ hùn nhau mua cho con cái xe bành bạch, rồi khi mô cậu cần đi đây đi đó con sẽ làm “sốp phơ” cho cậu, khỏi lóc cóc cái xích lô có phải là tiện biết mấy không?

- Thôi con ơi, đi thứ xe nớ nguy hiểm, mạ sợ...

Vinh nhăn nhó quay sang mẹ với đôi mắt van vỉ:

- Mạ thì khi mô cũng sợ, tụi hắn đi cùng đường, có răng mô mà mạ sợ. Nếu con không lén mạ đi học cái ni cái khác, thì chắc tới chừ con cũng chưa dám ra đường một mình.

- E chưa biết đi nữa, mạ mi thì khi mô cũng rứa!

Ông Hải phụ họa với con, sau cuộc cách mạng, sau những ngày tản cư tù đày, ông trở nên trẻ lại, có lẽ vì thấy cuộc sống chớp nhoáng, cái gì rồi cũng qua nhanh, chẳng nên bo bíu đóng khung lấy con người làm chi cho khổ.

Được cha đồng ý, Vinh mừng rỡ nghĩ đến chiếc xe máy dầu rồi đây mình sẽ được cưỡi lên trên cho máy tha hồ phóng nhanh, tha hồ muốn đi đâu cũng tới, lên dốc xuống dốc không phải vất vả như với chiếc xe đạp cũ kỹ của Vinh từ mấy năm nay. Nhất là mỗi khi gặp một đoàn nữ sinh trường Đồng Khánh mà mình phóng rất nhanh thì các cô sẽ e lệ nép vào bên lề, kéo nón che mặt. Tuy che mặt nhưng cũng đưa mắt liếc một cái, rồi sau đấy thế nào cũng có mấy chữ trách ngầm “anh ni chi lạ rứa!” Chữ “chi lạ rứa” của con gái Huế thường vẫn mang nhiều ý nghĩa đậm đà, vừa trách móc giận dỗi, vừa nũng nịu đón mời, Vinh và các bạn đã ngồi với nhau bàn bạc phân tích kỹ như thế.

- Mừng anh Vinh thi đậu...

Giọng nói quen thuộc của Cửu Hà từ bếp vọng lên, Vinh vội vã rời cha mẹ đi thẳng xuống bếp để còn bắt cả nhà chia vui với mình.

Không vui sao được, người ta mới có mười tám tuổi mà đã đỗ xong cả hai phần tú tài, đấy là vì có một năm trễ nải để tản cư về làng, để nhà cho quân đội Nhật Bản đóng. Ông bà Hải nhất định thà bỏ học chứ không cho Vinh ở lại Huế học tiếp, chỉ sợ có chuyện gì bom rơi, đạn lạc rồi cha mẹ không gặp con.

Nếu không mất một năm oan uổng ấy thì Vinh đã là cậu tú từ năm ngoái. Nhưng không sao, sớm muộn một năm biết đâu chẳng là một sự hay, người mẹ vẫn tin như thế.

Một năm ở làng Vinh chẳng học hành gì cả, suốt ngày ra đồi hái sim, nhổ nấm, chặt măng về giúp mẹ để khỏi đi chợ, tốn thêm tiền. Thế mà trở lại trường, thằng bé đã đuổi kịp anh em ngay.

Đợi cho con trai đi khuất, hai vợ chồng ông Hải mới nhìn nhau hân hoan, ban nãy có mặt Vinh, tuy vui mừng mà chẳng ai dám nói lên, sợ thằng bé đắc chí rồi đâm ra kiêu hãnh tự phụ. Bà Hải vẫn theo đuổi dạy đứa con trai từng tí một. Theo ý của người mẹ ấy, nếu con có học mà thiếu phần đức hạnh thì những mảnh bằng cấp kia rồi cũng chẳng ra gì.

Nghe tiếng Vinh rộn ràng dưới bếp rồi, hai vợ chồng mới dám cho phép sự vui mừng được tràn ra khắp nụ cười, ánh mắt. Lâu lắm mới gặp lại những giây phút vui vàng ngọc hiếm có như thế.

- Mình định cho hắn học ngành chi chừ đây?

Người vợ thắc mắc hỏi chồng, đặt tất cả niềm tin vào sự hiểu biết của chồng, tuy rằng mình cũng có ý kiến riêng nhưng không dám đưa ra trước.

- Tui thấy nên cho hắn học Luật, học ngành nớ thì sau ni hắn có thể làm trạng sư, làm quan tòa hay về ngoại giao cũng được. Nước mình rồi răng cũng đi tới độc lập. Tụi Tây hắn sẽ phải nhượng bộ. Độc lập thì cần cán bộ ở nhiều ngành lắm. Nếu có phước có phần, hắn sẽ làm rạng rỡ cho gia đình mà khỏi xấu hổ với đồng bào, với dân tộc. Không phải lo thức đêm thức ngày giở sách ra học thêm, hoặc cuống quýt lên mà dựng đầu mấy ông cố vấn cố vít dậy nửa đêm mỗi khi có chuyện chi thắc mắc.

Nghe chồng giảng dạy một hồi, người vợ có vẻ hiểu rõ hơn: nhưng sau mấy chục năm kinh nghiệm sống bên chồng trong cuộc đời quan lại, bà Hải hầu như đã chán chường với những thứ danh vọng hão huyền bên ngoài. Người đàn bà nhận thấy rằng chính cái triết lý của cha mình ngày xưa thế mà có lẽ đúng nhất, tuy phục sự giảng giải của chồng nhưng bà vẫn đưa ý kiến của mình ra để góp thêm.

- Tùy mình, tui chỉ sợ mấy việc nớ thì rồi không tránh khỏi sự ganh đua, sự chà đạp lên nhau, kinh nghiệm của đời mình còn có đó...

- Rứa mình muốn cho hắn học nghề chi?

Ông Hải trầm ngâm hỏi lại vợ.

- Nghề bác sĩ, họ nhà mình chưa có ai làm thầy thuốc, nghề nớ phúc đức nhứt.

- Mình tưởng nghề nớ không có sự ganh đua à, hai lão bán thịt heo cũng ganh đua như thường, nghề chi mà tránh cho khỏi sự ganh đua kèn cựa, ra đời thì phải chịu như rứa. Mà mình đừng tưởng nghề nớ phúc đức, trong sách kinh của Hồi giáo có nói: mấy ông quan tòa, ông bác sĩ và ông thơ ký biên chép sổ sách, khi chết đều xuống thẳng địa ngục. Vì lúc sống mà làm việc quan tòa xét xử răng cũng có sự lầm lẫn oan ức, thầy thuốc răng cũng có sự lộn thuốc giết chết con người ta và mấy ông biên chép, răng cũng có ít nhứt là vài lần biên bậy cho người ta chịu sự lỗ lã thua thiệt.

Người vợ cúi đầu thở dài khuất phục, chồng đã lý luận thì mình không còn cãi vào đâu được nữa.

Dưới nhà bếp, giọng ba anh em thằng Vinh và thằng Minh, thằng Thi chí chóe cãi nhau.

- Anh Vinh thi đậu rồi, chừ anh Vinh phải khao cho Minh với Thi.

- Ơ hay anh thi đậu thì hai đứa phải xin mạ tiền khao anh, răng lại bắt anh khao?

- Không được, anh phải khao.

- Lý do tại răng nói nghe coi, đồ hai thằng gàn nhà bay.

Thằng Minh lớn hơn em, lên giọng giảng giải:

- Cả tháng ni anh Vinh học thi, khi mô mạ cũng không cho Minh với Thi cãi nhau, la hét ồn sợ làm anh Vinh học không vô, đó là một chuyện. Thứ hai là Minh với Thi đang tự nhiên không vui không buồn, rứa mà anh Vinh thi đậu, buộc Minh với Thi vui tức là hai đứa phải mệt rồi, anh Vinh không khao đền răng được.

- Lý luận chi của tụi bay mà lạ lùng dữ rứa, anh Vinh chưa hề nghe ai có những thứ lý luận nớ cả.

- Thì chừ anh Vinh nghe đó, thôi anh Vinh liệu khao cho rồi.

- Được, chiều ni anh chở cả hai đứa ra mụ Cai ăn cháo lòng. Mà hai đứa phải xin tiền mạ để trả chớ anh Vinh không có tiền mô mà trả, chịu chưa? Công trình anh Vinh thi đậu thì tụi bay mới có lý do mà đòi khao, nếu anh Vinh thi trượt vỏ chuối thì đời mô mà được ăn cháo lòng chiều ni, có phải không?

Hai đứa im lặng, ông bà Hải ở nhà trên nghe những lý luận của ba anh em, đoán chắc rằng hai thằng em đã thua đòn thằng anh. Bà Hải nhìn chồng lắc đầu mỉm cười:

- Đúng là kẻ cắp gặp bà già, tụi hắn anh em với nhau thiệt không còn chối ngõ mô được, chịu khao mà bắt điều kiện hai em phải xin tiền mạ thì cũng vô đó cả.

Nhưng tin Vinh thi đậu như một luồng nắng mới rực rỡ tuôn tràn trên khắp ánh mắt, nét mặt của mọi người, có gì đi nữa rồi cũng sẽ được chấp thuận, đồng ý cả.

Từ ngày hồi cư, quân đội Pháp trở về chiếm đóng lại các đô thị lớn, gia đình ông Hải như lập một nếp sống mới, từ bỏ hẳn cuộc đời quan liêu cũ. Nếp sống ngày nay thân mật hơn, giản dị hơn, và cũng trẻ trung hơn.

Ông Hải ra làm việc lại, mục đích chỉ để tránh khỏi sự dòm ngó của mấy chú mật thám và cho đỡ buồn. Tuy vậy thỉnh thoảng cũng nhận được những bức thư dọa nạt từ bên kia gửi về, bảo phải thôi ngay, nếu không thì sẽ bị chuyện này chuyện khác.

Biết thế nào bây giờ, cuộc sống của mọi người hầu hết như con cá nằm trên thớt, lúc nào sẽ bị chặt ra năm bảy khúc tùy sự bận hay rỗi của chú đầu bếp. Không ra làm thì bị dò la điều tra nghi kỵ, ra làm thì phải chịu mang tiếng Việt gian bán nước. Hoàn cảnh này là hoàn cảnh chung của tất cả những người không chịu đi tản cư, chẳng ai có cách gì khác hơn là dùng cái triết lý “tới đâu hay đó”. Nếu có bị cắt đầu cưa cổ thì chịu chết, đời ai chẳng phải một lần chết, ở đấy mà lo sợ làm chi cho mệt...

Số lương nhỏ của ông Hải mang về chỉ đủ cho ông mua sách báo, hút thuốc lá, thỉnh thoảng đưa các con đi ăn tiệm, đi xem chiếu bóng, còn dư đồng nào thì cất đấy, khi có cần sắm thêm sách vở gì cho các con, khỏi xin vợ.

Tất cả mọi sự ăn tiêu khác trong gia đình đều do một tay bà Hải lo liệu, vì bà đã học được một nghề buôn bán các thứ đồ cổ. Xứ Huế vẫn nổi tiếng là nơi có lắm đồ cổ từ bao nhiêu đời vua này chúa khác dồn dập lại. Nhờ ở sự hiểu biết truyền thống, bà có con mắt nhìn rất tài tình, ước lượng được ngay cái nào vào thời đại nào, sau đấy xem xét kỹ dấu vết không mấy khi lầm.

Những chiếc sập chạm cẩn bằng gỗ trắc, gỗ mun xưa dành cho các bà phi tần ngồi đánh bài với nhau, hoặc những chiếc ống nhổ của đời vua này vua nọ, khi nghe ai mách bán thì bà đến mua cất đấy. Gặp khách sang trọng ở Sài Gòn ra, hoặc những ông bà nhà giàu mới mọc, muốn tạo cho mình cái tác phong quý tộc, mục đích để tẩy xóa nhanh cái quá khứ khố rách áo ôm của mình, đấy là những vị khách sộp nhất, dễ mua bán nhất. Số tiền lời những món đồ đã từng mang dấu vết của bao nhiêu thế hệ ấy là số tiền nuôi sống cả gia đình, không đến nỗi chật vật lắm.

Cuộc cách mạng và tiếp đến cuộc nội chiến đã làm xáo trộn tất cả những nền nếp cũ, mấy năm qua rồi mà chưa có một dấu hiệu nào báo tin ngừng chiến tranh.

Có những đứa trẻ như tụi thằng Minh, thằng Thi con dì Ba, sinh ra từ trong lòng cuộc chiến tranh, đêm nào tai cũng nghe tiếng bom, tiếng súng, tiếng máy bay. Chúng nó hầu như đã quá quen thuộc nên không còn biết đến những lối chơi gì khác hơn là chơi chiến tranh với nhau. Nếu có ai dạy cho chúng một trò chơi thanh bình hơn thì có lẽ chúng sẽ ngạc nhiên bỡ ngỡ và không mấy khi chịu chấp thuận.

Người lớn, cỡ ông bà Hải đã từng biết thế nào là những năm tháng thanh bình, thế mà rồi cũng hầu như chai sạn. Con người, nhất là những dân tộc sinh ra trong một nước bé nhỏ, cũng như những con vật bé nhỏ, có một sức chịu đựng rất kiên nhẫn, rất dẻo dai. Như kẻ cúi đầu đi trong mưa bão, mưa gió quất từng hồi vào mặt, vào thân mình, mà vẫn đều chân bước, chỉ có mím môi và thỉnh thoảng đưa tay lên vuốt mặt cho nước chảy xuống mà thôi.

Người dân một nước bé nhỏ chỉ biết thở dài, cố rèn sức chịu đựng, mặc dầu cuộc sống khó khăn vẫn phải bám chặt lấy. Ở ngoài kia, mỗi lần máy bay đến dội bom cháy hết rồi nhưng chỉ độ một tháng sau, hàng quán lại mọc lên. Những chiếc quán lá do những chủ nhân còn sống sót, với chút tiền được dắt trong lưng, đã tìm đến mua ít thanh tre, dựng lại cái quán khác. Rồi cũng lại bán cháo, bán chè hoặc vài món ăn thanh đạm cho khách qua đường khi dừng chân nghỉ.

Ở trong này, mặc dầu có những lời dọa nạt, mặc dầu có những sự bố ráp hoặc lựu đạn ám sát, người dân cũng vẫn đi tìm cái sống cho mình.

Quân đội Pháp trở lại, nhưng uy tín đã mất đi khá nhiều. Quốc trưởng Bảo Đại được mời từ Hồng Kông về, miền Nam có Thủ Tướng nhưng hết ông này lên ông khác xuống, làm cho người dân cảm thấy mệt mỏi.

Ông Bảo Đại vẫn phàn nàn với các bạn của mình rằng: “Tôi có hai mươi lăm triệu dân, thế mà không lập được một cái chính phủ cho vững chắc chỉ vì trong số hai mươi lăm triệu người dân ấy, người nào cũng muốn làm Thủ Tướng chứ không chịu xuống chức Bộ Trưởng nữa. Như thế bảo làm sao tôi không gặp sự khó khăn.”

Lời nói tuy cốt để biện bạch cho sự bất lực của ngài, nhưng cũng chứng minh cái tính nhiều tham vọng và không chịu đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi cá nhân của một số đông người dân Việt.

Sự lựa chọn cho Vinh học luật đã định đoạt cả một tương lai của thằng con trai. Hai vợ chồng ngập ngừng không biết nên gửi Vinh vào Sài Gòn hay xin cho con sang Pháp; Vinh còn ít tuổi, xin đi không khó nhưng đi xa quá, những mấy năm trời, liệu gia đình có chịu nổi sự nhớ thương cách biệt đó không.

Trong nhà hiện tại chỉ còn mỗi Vinh là lớn nhất, các con khác đã lạc loài mỗi đứa một nơi cả rồi. Thiếu Vinh ai là người đàm đạo với cha mẹ, giúp cha trong các thứ mua bán sách vở, giúp mẹ lo làm các thứ giấy tờ hóa đơn khi có một món hàng bán ra.

Sau một tuần lễ cân nhắc, đêm nào cũng thức đến hai, ba giờ sáng để bàn bạc, cả ông Hải và vợ đều đồng ý phải để cho Vinh xuất dương. Xin xăm ra ngài cũng dạy như thế. Hiện tại còn có phong trào rủ thanh niên lên chiến khu, ông Hải và vợ không muốn mất đứa con quý nhất của mình. Đi ra ngoại quốc, ngoài sự học được nhiều điều mới lạ, còn tránh khỏi cái nạn bị lùa lên khu. Vinh dại dột có thể theo lời chúng bạn tuyên truyền mà quên cả cha mẹ đi chăng.

Nghe cha mẹ nhất định xin cho mình đi học ở Pháp, Vinh không đòi xe máy dầu nữa. Thằng con trai nào lại chẳng có cái mộng xuất ngoại, nhất là khi biết tin mấy thằng bạn vừa thi đỗ cùng khóa cũng được cha mẹ lo sợ gửi đi cả. Đứa định học thuốc, đứa học kỹ sư, học văn chương, đi như thế này không những khỏi bơ vơ mà còn vui. Vì vẫn được gần lũ quỷ sứ từ trước đến nay, nghĩa là từ năm thứ nhất ban trung học chúng nó đã không lìa nhau.

Chỉ còn có ba tháng nữa thì nhập học ở Pháp, thời gian vừa đủ cho các cậu chạy giấy tờ ở trường, giấy thông hành và mua sắm các thứ hành trang.

Nghe mọi người dọa Paris lạnh lắm, mỗi năm chỉ vẻn vẹn có ba tháng là được cởi áo khoác, còn thì lúc nào cũng ru rú trùm từ đầu xuống chân. Bà Hải cũng như các bà mẹ khác, tíu tít lo sắm những bộ áo trong, áo ngoài cho thằng con, bỏ bê cả công việc buôn bán.

Mấy tuần cuối, tha hồ Vinh được mời đi ăn, hết ông chú tiễn chân đến bà o mời về nhà. Sợ Vinh sang Pháp nhớ quà Huế nên không hẹn nhau mà mọi người cùng đãi Vinh ăn món Huế. Nào bún bò, giấm nuốc, nào cơm hến, bánh bèo tùy sức của mỗi người.

Những tô bún bò lừng lựng thơm mùi sả tươi, mùi ớt bột, mùi giò heo nấu lẫn với thịt bò quyện lấy nhau tỏa ra khắp xóm, bắt ai ngửi thấy cũng phải hít mũi và nuốt nước miếng. Nhìn màu nước bún đỏ sẫm ngả ánh vàng của những đốm mỡ hòa trong ớt, bật lên những sợi bún trắng nuột nà lấm tấm màu xanh của mấy lá hành ngò non tươi, Vinh vừa bưng tô bún lên ăn vừa xuýt xoa: “Chưa ăn đã ngon rồi, làng xóm ơi!”

Càng cay chảy nước mắt bao nhiêu lại càng quyến rũ bấy nhiêu, qua xứ người dẫu có bọc theo cả trăm nghìn quan trong túi cũng không mua được một tô bún ngon lành như thế. Chỉ có người Huế, mang nặng chất núi Ngự sông Hương trong tâm hồn mới có thể tạo nên những tác phẩm đặc biệt ấy. Dầu có lấy đủ thứ nguyên liệu đưa sang dạy cho một người dân miền Nam hay miền Bắc nấu là đã thấy đổi cái mùi vị khác biệt rồi, chứ đừng nói đến sự dạy cho một cô đầm hay cô người Đức biết nấu.

Ăn chán bún bò lại được đổi món bánh bèo, bà chị họ mua cả gánh, bảo quẩy vào nhà Vinh rồi mình với các con đi xe theo để đãi Vinh ăn cho nóng.

Những đĩa bánh bèo trắng mỏng manh nở hoa tôm vàng rực, từ bàn tay dịu dàng của cô hàng mang tới. Mùi nước mắm ngọt ngào hòa chung với mỡ rán và hành lá, cũng khiêu khích cái dạ dày không kém tô bún bò.

- Tiếc quá trời không sinh ra người có cái dạ dày của con lạc đà để ăn cho nhiều, ăn rồi cất một chỗ khi mô đói ăn nữa.

- Anh Vinh đừng thèm làm con lạc đà, đi mô cũng bị người ta bắt chở đầy một lưng, khổ chết!

Thằng Minh nghe anh than thở vội tiếp lời ngay, tỏ cho mọi người biết rằng nó đã từng thấy con lạc đà.

- Anh Vinh dại chi mà làm con lạc đà, làm con lạc đà mô có bánh bèo mà ăn?

- Con lạc đà không ăn bánh bèo, rứa hắn ăn chi anh Vinh hè?

Thằng Thi hỏi anh.

- Suốt đời ăn cỏ khô với uống nước lạnh, chưa khi mô hắn được ăn một miếng bánh bèo cả.

Thằng Minh dành phần anh để trả lời câu hỏi của thằng Thi, nó tỏ ra hiểu biết hơn em vì đã mấy lần được đi xem chiếu bóng ở trong trường. Sau đấy về nhà nó còn hỏi cha, bắt cha giảng giải rất tỉ mỉ về con vật to lớn có cái cục bướu ở trên lưng ấy.

- Cậu Vinh ăn thêm vài đĩa nữa đi, qua bên Tây rồi tha hồ nhớ món Huế đó!

Chị Thiện, người chị họ, cháu gọi ông Hải bằng chú, thấy Vinh mải nói chuyện lạc đà với các em nên giục Vinh ăn thêm. Bà làm chủ một hiệu tơ lụa lớn, lúc nào có hàng đẹp về cũng không quên xé mấy thước mang cho Vinh may sơ mi, trong gia đình, chỉ Vinh là người được bà thương nhất.

- Phải chi mình có được cái bụng như con lạc đà, thì mình nuốt cả gánh bánh bèo vô trong bụng Minh, Thi hè!

- Anh Vinh nhớ nuốt cả cô hàng, không thì vô trong bụng ai chấy hành mỡ cho anh Vinh ăn?

Cô hàng nghe nói, che nón e thẹn mỉm cười, đôi má hơi hồng, hẳn đang nghĩ đến sự bị cậu Vinh nuốt vô bụng.

Nghe tin Vinh đi Pháp, những người trong họ từ trước đến giờ vẫn thương Vinh đã tỏ vẻ rất vui mừng vì thấy giòng họ nhà mình cũng có bà con đi học bên tây như ai. Tuy biết rằng thiếu Vinh thì từ nay không có ai liên lạc, không còn ai để thỉnh thoảng kéo đi ăn, đi chơi.

Nhất là bà Hải, đêm nào người mẹ cũng không quên cầu nguyện ở trước bàn thờ Phật rất lâu, xong rồi bà ra nằm trên chiếc sập ngoài hiên, gọi Vinh đến dặn dò cách ăn cách ở.

- Con nhớ lo học mau thành tài để về mà giúp nhà giúp nước, cần nhứt là đừng lấy vợ đầm, về đây ngôn ngữ bất đồng khó sống cho mình mà cũng khó sống cho người ta nghe con!

Những ý kiến này, từ hôm mới quyết định gửi đơn xin cho Vinh đi Pháp, người mẹ đã lo nhồi vào đầu óc thằng con trai. Để làm vui lòng mẹ, lần nào Vinh cũng nhắc lại câu trả lời của mình.

- Con đã nói mạ đừng lo, con chờ học rồi trở về xứ mới cưới vợ, cho mạ tự ý lựa cô mô cũng được, miễn cô nớ biết bóp chân cho mạ, biết nấu cháo cho mạ ăn, biết tưới mấy cây bầu, cây bí của mạ và biết bỏ lư trầm cho mạ khi mạ lên tụng kinh, mà đừng có Chung Vô Diệm quá là con chịu liền.

Bà Hải cảm động ứa nước mắt khi nghe con mình chỉ nghĩ toàn những sự hiếu thuận, không hề đòi vợ đẹp, vợ giàu gì cả. Nếu quả thật quan niệm của Vinh giản dị như thế thì bà tin chắc rằng Vinh sẽ không bị khổ vì vợ. Bà vẫn khuyên con nên tránh những cô gái con nhà sống bằng nghề vay lãi cầm đồ, nghề ấy theo ý bà sợ kém sự phúc đức cho con cháu ngày sau chăng.

- “Hành thuyền kỵ mã tam phân mạng” đó nghe con, liệu mà đi đứng cho cẩn thận, đi tàu bay lại còn nguy hiểm biết mấy!

- Có chi mô mà mạ sợ, cả trăm người đi chớ mô phải một mình con, tụi thằng Hiệp, thằng Hùng cũng đi một chuyến nớ!

Và người mẹ ấy nguyện ăn chay nằm đất suốt một tháng để cầu cho thằng con trai đi tới nơi về tới chốn.

···

Vinh và lũ bạn tới Paris vào đầu mùa thu, thực ra thì cũng chưa hẳn đã phải là đầu mùa thu nhưng trời Paris chỉ được có hai tháng thật nóng, còn thì hắt hiu như mùa thu. Ba ngày ngủ gà ngủ gật trên máy bay với hai đêm ngủ lại ở Ấn Độ và Ai Cập để làm quen thêm cái khí nóng còn gay gắt hơn cả cái nóng của Sài Gòn, trông mặt mọi người xuống máy bay ai cũng phờ phạc, ngoài sự thiếu ăn, thiếu ngủ còn thêm vào sự lệch lạc của thời gian và không gian.

Chỉ có thể gọi là chớm thu nên ngày vẫn còn dài hơn đêm, cành lá đã chuyển hết sang màu vàng thắm, thắm như màu những chiếc lá vừa được bác thợ vàng gắp ở trong lò lửa ra. Cũng có những thứ cây không đổi lá vàng mà đổi sang màu nâu nhạt hoặc đỏ thẫm, thành phố Paris là một cô gái duyên dáng đang thay áo mới, thi sĩ bảo thế và sự thực là như thế.

Mùa thu ở Âu châu được gọi là mùa rực rỡ nhất, tươi đẹp nhất, trời hắt hiu không nóng không lạnh. Tiếng lá xào xạc rơi, gieo vào không gian một nhạc điệu êm dịu. Thỉnh thoảng nghe hơi gió, lá rơi nhiều hơn như những nhạc công khi nhận được lệnh của bàn tay nhạc trưởng bảo mình phải tấu mạnh hơn, mỗi gốc cây là một nhạc công và gió là nhạc trưởng.

Đường sá, nếu không được xe vệ sinh đi quét dọn mỗi ngày hai lần thì chắc sẽ bị ngập lụt vì lá vàng, cả đến không khí thở cũng ngập mùi lá chết.

May nhờ ông Hải có viết thư mượn người bạn đi thuê phòng từ hai tháng trước, nên Vinh khỏi cái nạn vất vả, vác va ly đi kiếm phòng trọ. Paris vẫn nổi tiếng là khan phòng trọ cho sinh viên và du khách ít tiền.

Gian phòng của Vinh chỉ bé vào quãng độ năm thước vuông, bằng cái phòng kho chứa đồ cũ ở quê nhà, nhưng ở đây phải trả giá những đến tám nghìn quan. Qua mùa đông lạnh có sưởi còn phải tăng thêm hơn hai nghìn quan nữa, tuy vậy vẫn được gọi là giá rẻ vì nó thuộc loại phòng thuê tháng, có thể nấu ăn và giặt ủi, mỗi sáng chủ nhật bà chủ nhà còn nấu nước nóng cho mà tắm giặt.

Chỉ mỗi một vấn đề cấm tiệt là không được mang đầm về phòng sau 9 giờ tối. Bà chủ có giọng nói nghiêm nghị, cái trán thấp lè tè mặc dầu cố chải tóc vênh vang để đánh lừa mọi người. Đôi môi mỏng dánh, đánh son đỏ như ai lấy bút lông chấm vào máu quẹt lên một đường. Đôi má tô hồng như được hai cái tát của ai vừa tặng cho. Cả khuôn mặt trát hết cũng phải cần nửa ký phấn. Tất cả những thứ ấy cắm trên một tấm thân phì nộn thừa mỡ, thừa thịt. Nhìn cái bố cục của con người bà ta, Vinh chỉ muốn phì cười, nó có gì lỏng bỏng như đang chực để chảy dài ra.

- Cậu còn trẻ, nên lo học đi đã.

Giá ở vào lúc khác thì Vinh sẽ tỏ ra cho bà biết rằng Vinh từ chối không nhận một câu luân lý của người đàn bà nào khác ngoài mẹ mình ra nhưng sợ mất thì giờ. Biết chắc là bà ta sẽ không hiểu, rồi sẽ nổi cơn tự ái lên thì lại thêm phiền nên Vinh ngừng, không nói gì, chỉ khẽ nhếch mép cười rồi quay gót đi lên sau khi nhận tấm giấy biên lai để còn mang ra khai với quận cảnh sát.

Công việc dọn phòng chẳng lấy gì làm khó nhọc vì chỉ được mang theo có 20 cân nên cả giang sơn thu gọn trong một chiếc va-li. Ngoài mấy bộ quần áo rét, mấy bộ áo ngủ với vài quyển sách để đọc mỗi khi nhớ nhà, Vinh còn một tập ảnh gia đình và ảnh các cô gái Huế mà Vinh đã lần hồi ăn cắp được trong mấy hiệu ảnh quen thuộc.

Mang theo để nhớ quê hương chứ thực ra Vinh không có ý định phá phách gì, chỉ trừ mỗi một tấm ảnh của Bội Ngọc là người lý tưởng của Vinh thì Vinh mới định đi mua cái khung đặt ở bàn học để giúp thêm ý chí.

Theo câu nói của thánh hiền “trong sách có cô gái đẹp” (thư trung hữu nữ nhan như ngọc), nên Vinh cũng muốn có một tấm ảnh kẹp vào sách hoặc để trên bàn cho đúng với ý của thánh hiền.

Bội Ngọc thì quả thật cả mấy thằng bạn, đứa nào cũng phải công nhận là đẹp, người đẹp của sông Hương, chẳng thế mà trong trường từ thầy đến trò đều thổn thức.

Bội Ngọc có mái tóc hơi quăn, buông dài quá lưng, cái mũi thẳng và đôi mắt to, mới trông như một cô gái lai. Đối với người dân Âu thì cái thứ nhan sắc ấy chẳng có gì quý hóa, nhưng với những chàng trai xứ Huế chất phác thì là một kỳ công đặc biệt của ông Phán, bà Phán, cha mẹ của người thiếu nữ.

Trước nhà người đẹp lúc nào cũng thấy hai, ba chiếc xe gắn máy đậu nghiêng ngửa ở bên này bên kia đường. Lắm khi còn có cả xe hơi, chỉ mình Vinh là dân cưỡi xe đạp mà dám sắp hàng vào đám ấy. Cố nhiên, con gái, những cô con gái trẻ tuổi bao giờ cũng chỉ tìm đến những người đàn ông đã đỗ đạt, đã có sự nghiệp chức tước chứ yêu cậu học trò dài lưng tốn vải thì lấy gì mà ăn.

Vinh không bao giờ dám vào tận nhà mà chỉ lượn qua lượn lại trước đường, nếu không may gặp ông hay bà Phán thì phải vội vàng dông thẳng.

Gia đình Vinh không giàu, có tiếng chẳng có miếng, những nhà đông con gái đã mở cuộc điều tra kỹ, “năm thằng con trai mà có chín mẫu ruộng với hai ngôi nhà thì chia được bao nhiêu”. Sau cuộc cách mạng và chiến tranh, sự giàu sang chỉ đến với những ai biết chụp thời cơ, biết dùng mưu trí, biết sang đoạt, tức là những kẻ gian hùng. Gia đình ông Hải trông cậy vào sự buôn bán lương thiện của một người đàn bà thì giàu làm sao được.

Có mỗi một lần cơ hội đến, Vinh gặp Bội Ngọc trên chuyến đò đi qua sông Hương, tiếc rằng gặp người đẹp vào một lúc mà Vinh đang cởi trần giúp cô lái chèo cho nhanh qua sông vì sắp trễ giờ học. Thấy Bội Ngọc đấy mà chẳng lẽ lại vứt mái chèo trả cho cô lái để theo gót người thiếu nữ. Đằng nào nàng cũng đã thấy cái thân hình trần trùng trục của mình rồi, và Vinh đành cúi chào Bội Ngọc rồi tiếp tục chèo nốt.

Sau buổi học, Vinh luôn luôn thắc mắc về cái nhìn và nụ cười của Ngọc, không biết cô gái nghĩ gì về mình, chỉ có một lần ấy.

Mối tình câm điếc và một chiều của Vinh vẫn tiếp tục một chiều, Bội Ngọc biết có nhiều chàng chạy theo mình nhưng nàng vẫn làm bộ không thèm để ý đến ai, càng ngày nàng càng đẹp thêm và càng xa với tầm tay của Vinh thêm.

Tấm ảnh Vinh đang nắm trong tay là vật ăn cắp, Vinh biết các cô nữ sinh Đồng Khánh hay chụp ảnh ở hiệu ấy nên cũng mang phim đến rửa rồi lân la làm quen với bà chủ. Đợi một hôm bà bận việc và người thợ rửa ảnh vắng mặt, Vinh xin vào rửa hộ và rửa luôn cho mình một tấm ảnh của Bội Ngọc vừa mang phim đến bảo rửa.

Bị gái chê là một yếu tố thúc đẩy những thằng con trai ra du học ngoại quốc chứ Sài Gòn cũng có đủ thứ trường Đại Học kém gì ai. Ngày về mà trong túi có xếp mảnh bằng cấp vỗ vào kêu nghe đôm đốp, tức thì người đẹp sẽ hiện đến cuộc đời mình như những nàng tiên trong mấy câu chuyện cổ tích xưa, khỏi cần mất công, mòn giày, đi kiếm từ làng trên đến xóm dưới.

Nhưng ngày về của Vinh thì chắc Bội Ngọc sẽ không còn nữa, nàng sẽ sang ngang mất rồi, ai thèm nghĩ đến thằng học trò nghèo khổ. Để an ủi Vinh, mấy đứa bạn vẫn có một câu triết lý:

- Tre già thì măng mọc, mi đừng lo chi cho mau bạc tóc, xứ Huế khi mô cũng còn sức để sản xuất ra những thứ Bội Ngọc như rứa cả.

Thằng Hiệp muốn tỏ ra mình hay chữ còn giảng thêm:

- Bội Ngọc là một thứ ngọc bội bạc, mi mà gặp thứ nớ thì rồi mi khổ cả đời, tau có con gái không khi mô tau đặt cái tên nớ.

************
 

Chiều xuống dần, thành phố Paris thẫm như vừa được ai quét lên một lớp sơn màu xám đậm. Vinh dọn xong cái tủ, ra đừng tì tay vào cửa sổ nhìn xuống đường, đèn hai bên đường đã bật lên từ lâu. Có từng đoàn người đứng nối đuôi nhau đợi mua hàng, đấy là những người đàn bà đi làm ở sở ra, ghé lại mấy hiệu bán thức ăn nấu sẵn mua về nhà ăn ngay, khỏi mất công nấu.

Hôm nay nhằm vào ngày thứ hai, tất cả mọi hàng quán, chợ búa đều nghỉ buôn bán, chỉ còn một số cửa hiệu đóng thuế riêng nên được phép mở cửa. Mấy ngày đầu chưa sắm đủ lọ cồn với xoong chảo, Vinh cũng đã phải đi làm đuôi mua thức ăn như thế. Vì chưa tựu trường nên chưa làm thẻ ăn, mà chắc có thẻ rồi Vinh cũng chỉ ăn những hôm nào quá bận chứ ăn cơm Tây, Vinh không bao giờ thấy đủ no.

Nhìn hoàng hôn đang chậm chạp phủ xuống mái nhà, xuống bóng cây, Vinh bắt đầu cảm thấy thấm thía thế nào là sự nhớ nước nhớ nhà. Ai cũng hiểu lầm Vinh khi thấy Vinh vừa bước lên máy bay vừa cười vui vẻ, tưởng rằng tuổi trẻ chưa biết nhớ thương.

Vinh nhớ gia đình, nhớ mẹ, nhớ hai thằng em nhỏ; cảm thấy hối hận, lúc ở nhà Vinh hay trêu thằng Thi, thằng bé rất nhiều tình cảm, không thích đùa, thế mà Vinh thì lại hay đùa. Ngay cả cái hôm sắp lên máy bay, thằng Thi đến ngồi bên cạnh Vinh nũng nịu hỏi:

- Anh Vinh đi tây có nhớ Thi không?

- Nhớ chớ răng không nhớ, rứa Thi ở nhà có nhớ anh không?

- Nhớ lắm, anh Vinh đi không ai chở xe đạp đi chơi phố.

- Thi nhớ anh to bằng chừng mô?

- To bằng cái phủ Thủ Hiến, anh chịu không, còn anh Vinh nhớ Thi to bằng chừng mô?

- To bằng cái cầu tiêu của phủ Thủ Hiến.

Thằng Thi không bằng lòng hét lên, nài nỉ mãi Vinh mới chịu sửa lại:

- Thì thôi, to bằng cái chuồng heo của phủ Thủ Hiến.

Bây giờ nghĩ lại Vinh cảm thấy hối hận, tối nay Vinh sẽ viết thư về thăm gia đình, viết riêng cho thằng em một bức thư. Vinh sẽ mở đầu bằng câu chữ thật to vì thằng bé mới tập đọc “Thi ơi, anh Vinh nhớ Thi to bằng ba trăm cái phủ Thủ Hiến cộng lại, Thi chịu không”, chắc thằng bé sẽ vui lòng lắm.

Vinh lẩm nhẩm tính giờ và thấy giờ này bên nhà đang ngủ say, nghĩ đến sự thần giao cách cảm, biết đâu giờ này có người đang ngủ và đang nằm mơ thấy Vinh. Vinh muốn người ấy sẽ là Bội Ngọc, nếu quả thật có sự thần giao cách cảm thì Vinh sẽ chờ đêm đến, Vinh sẽ nghĩ rất nhiều đến Bội Ngọc, gọi tên Bội Ngọc, bắt buộc Bội Ngọc phải ngủ mơ thấy mình.

Đấy cũng là một cách trả thù mấy thằng tình địch có chức vị và có xe hơi nhà lầu, biết chắc rằng là bà Phán, mẹ của Bội Ngọc chỉ nhắm có mấy điểm ấy.

Ai mới lìa quê hương lần thứ nhất hẳn cũng đã có những phút sợ buổi chiều, sợ hoàng hôn, sợ những đêm nằm thao thức vì ngược chiều thời gian, con mắt và trí óc chưa quen thuộc với nhịp đêm ngày của hai xứ như Vinh chăng?

Gia đình, nhất là mẹ Vinh với người chị họ rất sợ Vinh “na về một mụ đầm”, nhưng Vinh tin rằng mình sẽ không “na mụ đầm” về. Mắt còn quen nhìn những tấm thân tha thướt dài như mấy cây lau cây sậy, những đôi mắt đen ướt át, những mái tóc thề phủ chấm lưng, Vinh chưa thấy lòng mình rung cảm với một nét đẹp khác, mặc dầu có hai thằng bạn sang từ năm ngoái đã thách thức trước.

- Cuộc mi đó, mi mà không mê đầm thì chặt cái đầu tau đi, đầm hắn có cái tài quyến rũ lắm, con gái Việt mình thấm chi!

Vinh chưa biết nhưng cũng đành vòng tay chờ đợi vậy, chờ xem bao giờ thì sự hấp dẫn sẽ đến với mình.

Các bạn còn nói cho Vinh rõ lý do vì sao các cậu trai Việt sang đây mê đầm, chỉ vì chơi với các cô gái Việt mới bữa hôm bữa sáng là các cô nằng nặc bắt cưới. “Bao giờ anh cưới em”, hoặc là “em đã nói với ở nhà, má biểu anh cứ viết thư về xin ăn hỏi trước đi”.

- Các cô làm mình chưng hửng, mình chơi là chơi cho qua ngày tháng, chớ mình mô có ý định làm chồng làm cha chi cho gấp. Rứa mà các cô cứ gầm ghè giăng cái tròng ra bắt mình chui cổ vô, không trốn đi răng được.

Đấy là kinh nghiệm của thằng Sĩ sang Pháp trước anh em một năm, thằng Ích còn tưới thêm:

- Tụi bay đừng đứa mô dại mà chun vô tròng cho sớm, đầm hắn vừa đẹp vừa dễ thương, đi chơi chán khi mô về xứ thì kiếm một cô con gái thiệt trẻ, thiệt hiền, tha hồ mình uốn nắn ra răng thì uốn. Cưới mấy bà khoặm ở bên ni về cho mấy bà cưỡi lên đầu, bắt mình pha cà phê mỗi sáng, học theo cái lối văn minh Âu Tây thì chịu chi nổi.

Nhờ sự xúi dục khôn dại của các bạn nên mới có mấy tháng mà Vinh đã hoàn toàn lột xác. Hình ảnh cậu học trò ngây thơ lúng túng trong bộ quần áo cắt chật, mặc dầu mới may ở quê nhà, ngày nay không còn nữa.

Một cuộc sống khác hẳn, ngoài sự học hành ở nhà trường, Paris đã dạy thêm cho Vinh rất nhiều về cuộc đời, về tình cảm, về đàn bà.

Hình ảnh Bội Ngọc cũng không còn thắm thiết như ngày mới sang, nhất là sau tin Bội Ngọc đính hôn với một vị kỹ sư, Vinh buồn mất ba ngày, cứ ngâm nga mãi hai câu thơ của Xuân Diệu:

Và nàng Bội Ngọc lấy Tiêu Lang
Cưỡi hạc một đêm bay lên trời...

Đối với Vinh thì tuy Bội Ngọc vẫn còn đấy, chưa bay lên trời, ngày trở về sẽ có dịp gặp nhưng gặp để làm gì nữa. Mặc dầu khi ra đi, Vinh đã tự lý luận với mình là Bội Ngọc không bao giờ chờ đợi nhưng trong thâm tâm cũng hy vọng rằng những cô gái đẹp thường cao số. Biết đâu rồi với đám nào cũng sẽ trật ra cả cho tới ngày Vinh về, lắm khi Vinh còn muốn cho Bội Ngọc thật khổ, gặp bao nhiêu người tình nhân đày đọa, bao nhiêu lần đổ vỡ để rồi ngày Vinh về, Vinh sẽ ra tay tế độ, Vinh sẽ nói với Bội Ngọc rằng “Chúng ta xóa bỏ hết và xây lại cuộc đời”.

Nhưng Bội Ngọc đã có chồng, thế là hết, người mang tên Tiêu Lang không phải là Vinh.

Vinh ngồi nhìn từng giọt cà phê nhỏ xuống cốc. Vinh vẫn nghiện cà phê từ thuở bé nhưng bà Hải sợ nóng trong người, không mấy khi cho con trai được uống nhiều. Sang đây sống một mình không có sự kiềm chế của mẹ, tha hồ cho Vinh uống cà phê. Vinh phải mua thứ cà phê hạt vừa rang xong chưa xay, mỗi khi uống mới lấy ra mấy thìa xay riêng. Hộp đựng cà phê phải kín như hộp đựng nữ trang của bà chúa dưới thủy cung, có thế thì mùi thơm mới không tản mác đi. Cốc cà phê tự mình pha lấy, lọc lấy bao giờ cũng đậm đà gấp mấy lần cả những cốc “express” ở hiệu.

Vinh biết rất nhiều lối pha cà phê khác, của Thụy Điển, của Ý, của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng biết để đấy chứ bao giờ rồi cũng phải quay lại với cái lối pha cà phê cổ điển của mình. Tách cà phê phải vừa đen, vừa đậm đà, tỏa mùi thơm ngào ngạt, chỉ cần thêm một thìa cà phê vun đường bột, hoặc một viên rưỡi đường miếng là đủ, ngọt quá sẽ thành xi rô mà thiếu đường sẽ hóa ra thuốc bắc.

Các cô gái Pháp có dạy Vinh một công thức để áp dụng, cốc cà phê phải đen như quỷ sứ, nóng như hỏa ngục và ngọt ngào như tình yêu. Vinh chữa lại, đen như mắt cô gái Huế, nóng như nằm trong vòng tay người yêu, ngọt như câu tỏ tình lần thứ nhất. Một tách cà phê lý tưởng phải có đủ ba yếu tố ấy thì mới nên uống, không thì ra suối uống nước lạnh còn hơn.

Đang ngồi nghĩ vơ vẩn trong lúc đợi cà phê từ trên lọc nhỏ giọt xuống thì có tiếng rõ cửa rụt rè, ba tiếng rồi hai tiếng nhanh. Tiếng gõ cửa đã dặn dò từ trước, Vinh biết ngay là cô bé Jeannine đến tìm mình.

- Sao hôm nay không hẹn mà em đến, ngộ anh đi vắng thì sao?

Jeannine cởi áo khoác, cởi đôi bao tay bằng da để ở giường rồi đến bên Vinh nũng nịu đòi hôn trước khi trả lời.

- Em cứ đến, không có anh thì về, ở nhà buồn quá, biết chắc có anh thì em đến sớm một tý nữa để pha cà phê cho anh.

- Em đi ngang qua, con mẹ chủ nhà nó có trông thấy không?

- Phòng tắt đèn, em đi rất nhẹ, chẳng nghe tiếng ai cả, chắc là đi vắng hết rồi chăng?

- Hay quá, thế thì đêm nay em có thể ở lại đây với anh.

Jeannine mỉm cười, đến ngả đầu vào vai Vinh âu yếm và tin tưởng, tim Vinh đập mạnh hơn. Trong một lúc, chàng trai quên cả cốc cà phê đang đợi mình.

Jeannine là một cô gái bán bánh mì ở đầu phố, mới có 15 tuổi nhưng to xác không ai ngờ. Ngay cả Vinh lúc mới nhìn qua cũng tưởng cô bé ít nhất là phải gần hai mươi. Nếu biết tuổi thật của Jeannine chắc không bao giờ Vinh dám mở cuộc tấn công một cách dại dột như thế. Sợ mang tiếng dụ dỗ gái vị thành niên, nhưng ở vào thời đại này thì lắm khi chính các cô gái vị thành niên lại đi tìm các cậu trai để dụ dỗ.

- Em lên giường ngủ trước đi, anh còn phải học, sắp thi đến nơi rồi, nếu gia đình biết tin anh không lên lớp chắc sẽ khổ lắm. Nhất là mẹ anh, tha hồ cho bà cụ khóc với cầu nguyện.

- Em chờ anh.

Nói xong Jeannine lẳng lặng đến mở tủ lục tìm những quần áo của Vinh, nhặt ra cái nào thiếu khuy, thiếu cúc cần mạng vá lại.

- Quần áo trong của anh đã thủng rồi, mai em mua đồ mới mang đến cho anh, vứt bỏ những cái này bớt đi, chật cả tủ!

Nghe Jeannine nói, Vinh chỉ cúi đầu xuống sách hơi mỉm cười, có cảm tưởng cô bé đang xếp tủ áo cho búp bê, chắc giỏi lắm cô bé cũng chỉ mới lìa búp bê độ hai năm là cùng. Trong lòng chàng trai dâng lên một niềm vui nhẹ nhàng, Jeannine đã chinh phục được Vinh bằng những cử chỉ nhỏ nhặt ấy.

- Mấy thằng bạn nói cũng đúng...

- Nói gì mà đúng hả anh?

- Ngày anh mới đến, chúng nó bảo rằng con gái Pháp có cả một nghệ thuật chinh phục đàn ông rất đặc biệt. Anh gặp cô nào cũng đặc biệt cả.

Jeannine bĩu môi nũng nịu:

- Em không có nghệ thuật, em chỉ yêu anh thôi, yêu không cần ngày mai và không tính toán.

- Có lẽ đấy cũng là một nghệ thuật rồi chăng?

Đêm ấy Jeannine ngủ lại phòng Vinh và sáng hôm sau Vinh dậy đưa cô bé ra hiệu bán sớm, may bà chủ nhà chẳng biết gì cả. Nhưng không phải lần nào cũng được trót lọt như thế. Mối tình của Jeannine và Vinh không kéo dài được một năm, cha mẹ cô bé biết con gái mình hư hỏng, hay trốn nhà đi ngủ lang, đã vội vàng gọi anh chàng con ông chủ bán thịt bên cạnh gả ngay. Như thế là chắc ăn nhất, người Âu châu không cần bằng cấp, chức vị như người Á châu, họ cần cuộc sống đảm bảo nghề nghiệp trước hết. Nghề bán thịt bây giờ cũng phải có học ba năm mới được ra mở hàng thịt, đấy là chưa kể mấy năm tập sự. Khi đã nên cơ nghiệp rồi thì chàng bán thịt hay chàng luật sư cũng lái xe hơi bằng nhau, ở hai ngôi nhà giống nhau, có lẽ chàng bán thịt còn an nhàn hơn, không bị thúc đẩy cạnh tranh những những nghề khác.

Trước ngày cưới mấy hôm, Vinh đưa Jeannine vào rừng Fontainebleau ở lại một đêm. Cô bé nói với cha mẹ xin đi Paris sắm đồ cưới vì cha mẹ cô bé ở tỉnh. Lên Paris thì phải ở nhà bà dì nhưng trước khi đến nhà dì, Jeannine đã khôn ngoan gọi điện thoại báo tin cho Vinh.

Hai người sửa soạn mua thức ăn nguội, nước uống, rồi lấy vé xe lửa đi thẳng đến rừng Fontainebleau. Chọn khu rừng này vì trước kia, ngày lễ và chủ nhật hai người vẫn đi từ Paris ra đây chơi suốt ngày để thay đổi không khí. Tìm thấy những chỗ có cây, có đá rất kín đáo, Vinh nẩy ra ý định một đêm nào đó sẽ mang bị với thức ăn ra ngủ lại, đợi mùa hè đẹp trời. Nói thế mà rồi mãi chưa có dịp nào để thực hiện, hôm nay muốn đánh dấu cái đêm cuối cùng, đêm không ngủ để dành cho nhau, gọi là chút kỷ niệm đặc biệt.

- Em làm sao quên anh được?

- Rồi em sẽ có nhiều bổn phận, làm mẹ, làm vợ, em có thể quên chứ sao lại không?

- Anh nên nhớ đây là một cuộc tình duyên có tính toán.

Vinh thừa biết như thế, biết cả sự đồng ý của Jeannine vì anh chàng bán thịt rất giàu, có xe D-S thượng hạng, làm vợ anh chàng này thì mỗi năm Jeannine được đi nghỉ hè ở ngoại quốc hoặc ở vùng bể sang trọng ấm áp, Jeannine sẽ được mặc những chiếc áo ngủ, áo lót rất đắt tiền mua ở các hiệu lớn, mùa đông sẽ có áo lông của những con vật khó săn bắt. Nói chung lại, lấy chồng giàu là một sự chuột sa chĩnh gạo, cô gái nào không ước ao ngày đêm, dầu cho tính ông có gắt bẳn, có già nua, hoặc có cái bụng phệ to tướng.

- Anh cầu chúc cho em hưởng nhiều hạnh phúc.

- Trời không cho chúng mình được gần nhau mãi, có phải vì chúng ta trót sinh ra làm dân của hai xứ không anh? Giá em là người Việt...

Jeannine nũng nịu hỏi người yêu.

- Em là người Việt thì anh đã bảo mẹ anh mang các thứ lễ đến nhà em để cưới em.

Nói xong câu ấy Vinh cảm thấy hơi ngượng, biết mình nói những lời dối trá vì Vinh đã hứa với mẹ để mẹ trọn quyền chọn vợ cho mình.

Sương chiều xuống mỗi lúc một lạnh hơn, hai người nằm sát vào nhau, may mắn là cả hai đều khôn ngoan lo đủ các thứ áo ấm. Vinh còn đem theo một cái túi ngủ bằng lông tơ ngỗng rất nhẹ, mở ra nằm thì ấm mà lúc không cần dùng, cuộn lại chỉ còn bằng nắm tay. Thêm hơi thở của hai người dồn vào nên không thấy lạnh mấy, Vinh rất thích thú cái ý nghĩ ngông cuồng của mình hôm nay.

Tiếng thở đều đều của Jeannine kề sát bên má cho Vinh cái cảm giác nhột ngạt khó chịu như ai đùa dai lấy cái ống bơm, bơm hơi nóng vào mặt. Vinh khẽ trở mình tránh cái ống bơm ấy, nhưng Jeannine đã đưa tay giữ chặt lại. Vinh không thể nào ngủ được dễ dàng như thế, ở quê nhà thì ngủ ngoài trời nhìn sao là chuyện rất thường, nhưng ở một xứ lạnh là một sự ngông cuồng mà ai biết chắc sẽ ngạc nhiên không ít. Cái cảm giác trần truồng, thiếu sự che chở vì nằm lồng lộng giữa trời, không có mái nhà, không có tường vách bao quanh làm cho Vinh càng thêm khó ngủ. Độ còn ở Huế, mỗi mùa hè Vinh thường trốn mẹ ra ngoài sân nằm cho mát nhưng không thấy có những cảm giác ấy. Hẳn vì nơi đây lạnh lẽo, trời ít sao, nói cho đúng thì ngủ ở ngoài sân với ngủ ở trong một góc rừng như đêm nay cũng khác nhau rất nhiều.

Mặc dầu Vinh đã cố ý chọn một chỗ kín đáo nhất, thế mà cái cảm giác lồng lộng trống trải thiếu tường thiếu mái vẫn cứ ám ảnh chập chờn. Những tiếng kêu của lũ côn trùng từ trong lòng đất vọng ra, hợp thành một khúc hòa tấu hỗn độn.

Vinh không có tài phân biệt các loại côn trùng nhưng mỗi âm thanh lọc ra vẫn khác nhau. Có tiếng kéo dài rền rĩ, có giọng trầm, giọng thanh chát chúa, tuy hỗn độn mà vẫn không chói tai như thứ nhạc xoong chảo của loài người. Hình như tất cả lũ côn trùng đêm nay trong khắp khu rừng đều hẹn nhau ca hát để an ủi thằng con trai sắp mất người yêu.

Thỉnh thoảng Vinh lại giật mình, tưởng có người nào đến cạnh, thì ra chỉ là tiếng đập cánh của lũ chim đi tìm mồi ăn đêm.

Vinh chợt nghĩ đến câu chuyện “Những vì sao” của Alphone Daudet, so sánh mình với người chăn cừu và Jeannine với con gái chủ trại. Vinh hơi xấu hổ vì anh chàng chăn cừu ấy trong sạch quá, tình của anh ấy tinh khiết quá, có đâu như thứ tình của Vinh. Sự đưa nhau vào khu rừng không phải chỉ có mỗi mục đích nghe sao thầm thì trên trời hay nghe côn trùng tấu nhạc trong lòng đất, mà còn một mục đích khác... Dầu sao đêm nay đối với Vinh cũng là một trong những đêm đặc biệt khó quên, không phải tình cờ mà đến, cố nhiên. Nhưng ở đời có nhiều người chẳng bao giờ biết đánh dấu những cái gì đặc biệt, mặc dầu họ có đầy đủ hoàn cảnh để làm.

Trong tâm hồn Vinh như còn tiềm tàng ẩn giấu một nhân vật man rợ, chất phác của thời đại nào xa xôi lắm. Được hòa mình với thiên nhiên, với cây cỏ là một niềm thích thú nhất mỗi khi có dịp và thế nào Vinh cũng phải tìm đến. Lìa thành phố, lìa những nơi tụ họp đông đúc để được ngồi một mình hàng giờ nhìn ra bể cả, hoặc một ngọn núi sừng sững trước mặt, rồi sau đấy có làm gì thì làm. Như anh nghiện sau khi hút qua vài điếu mới đủ ý chí, Vinh nghiện núi, nghiện sông, nghiện bể, hoặc những quãng đồng bao la. Nơi nào tầm mắt có thể phóng được ra thật xa, không bị những mái nhà, những cánh cửa sổ làm vướng víu, thế là đủ làm cho Vinh sung sướng gợi hứng, không cần gì hơn nữa.

Jeannine ngủ khá ngoan, không ồn ào, nhờ thế Vinh tha hồ thả tâm tư chơi vơi nghĩ đến rất nhiều vấn đề mà không bị những tiếng ngáy, những cái đạp chân, cái đấm tay đến quấy rầy. Nhìn cô con gái mê mệt sau những phút thỏa mãn vật chất, giống hệt như con vật sau khi được ăn no tìm một góc nhà nằm ngủ cho tiêu thức ăn. Vinh cảm thấy mình hơi ác đối với Jeannine, như thế sao có thể gọi là tình yêu, hay là tình yêu đi từ lúc nào, nhẹ nhàng không báo cho ai biết.

Vinh không đồng ý với mấy thằng bạn đó nữa, các cô gái Pháp có một nghệ thuật chinh phục rất cao độ thật, nhưng còn bao nhiêu tình tiết khác tế nhị hơn, bé nhỏ hơn, mà phải là những kẻ chịu chung một nền giáo dục, một nền văn hóa mới cảm thông với nhau được chăng?

Jeannine đi lấy chồng thật đã hợp lý và đúng lúc, giúp cho Vinh khỏi phải thắc mắc mà vẫn không mang tiếng là phụ phàng. Chàng trai thầm cảm ơn sự tính toán của những bậc cha mẹ.

Suốt mấy tháng trời theo dõi tình hình biến chuyển của quê hương với mặt trận Điện Biên Phủ, với hội nghị Genève, người dân Việt Nam yêu nước không ai là không bị dằn vặt đau khổ. Một lần nữa đất nước bị cắt đôi, không phải là con sông Gianh mà là con sông Bến Hải, một quyết định to tát như thế mà người dân không được thăm dò ý kiến, chỉ có ngơ ngác và phục tùng vâng theo, dọn dẹp hành lý để lên đường rời nơi chôn nhau cắt rốn.

Ngoài sự an ủi rằng cuộc chiến tranh giữa anh em một nhà, một xứ sẽ nhờ đấy mà chấm dứt, có những kẻ phải bỏ hết cơ nghiệp tài sản để lên đường di cư vào Nam.

Người dân Việt Nam, những người vừa ghét Cộng Sản vừa không chịu nổi sự ngoan cố của chính phủ Pháp đã vui mừng có lẽ hơi vội vàng, tưởng tìm được ở đây một giải pháp hòa bình. Họ tin tưởng ở sự thanh bạch của ông Ngô Đình Diệm, vị Tổng thống tu hành và không có vợ con. Để bênh vực cái lập luận ấy, họ đưa ra những lời giảng dạy của đức Phật khi Ngài chấp nhận cho đàn bà được đi tu, Ngài đã chua xót mà báo trước rằng một tôn giáo nào có chen phái nữ vào thì sự tồn tại của tôn giáo ấy chỉ còn lại nửa phần mà thôi.

Những chính phủ trước, ông nào cũng đùm đề nào vợ cả, vợ lẽ, nào nhân tình, bạn gái, bà con bên vợ v.v... Khi các bà nhúng mũi vào công việc của chồng thì không bao giờ ngoài hai yếu tố, tình cảm hoặc lợi lộc. Nước Việt Nam do đấy mà điêu đứng hàng nghìn năm chưa cất được đầu lên.

Nhưng sự kiện này không phải lỗi ở người đàn bà Việt Nam tham lam mù quáng, mà lý do chính đáng là vì sự mù quáng của tổ tiên ông cha ngày trước. Người đàn bà Việt Nam vốn khôn ngoan, tháo vát, chăm chỉ và rất thông minh. Với những đức tính vàng ngọc ấy, nếu được rèn luyện, học hành đầy đủ như con trai thì sẽ là những yếu tố xây dựng xã hội rất vững chắc. Đáng tiếc người xưa không hiểu như thế, lại đưa cái giáo dục và luân lý của Trung quốc, cái luân lý trọng nam khinh nữ chỉ có thể áp dụng với người đàn bà Trung Hoa hoặc người đàn bà của những xứ khác, mà không thể mang áp dụng với người đàn bà Việt Nam. Đấy là một sự lầm lẫn rất lớn, có ảnh hưởng không ít cho vấn đề tiến triển của một dân tộc, một quốc gia.

Thử nhìn lại lịch sử Đông Tây, đã mấy nước có được những vị nữ tướng anh hùng đứng lên khởi nghĩa đánh giặc như bà Trưng, bà Triệu, mặc dầu xã hội ở thời đại ấy, cuộc sống của người đàn bà còn bị gò bó thắt chặt biết bao nhiêu.

Cái tiếng tu hành đạo đức lại không vợ của một vị lãnh tụ đã mang lại cho người dân Việt Nam nhiều tin tưởng mới. Cuộc tổng tuyển cử tuy có sự gian dối, nhưng ứng cử viên thứ hai chưa hề làm được một sự gì từ trước đến nay cho dân chúng nhận thấy ai xứng đáng hơn ai, nên mọi người cũng nhắm mắt chấp nhận luôn sự gian dối ấy. Không chấp nhận cũng chẳng được nào, những nhà tù trại giam sẽ sẵn sàng lên tiếng.

Mặc dầu trong nước còn một số những kẻ sống với quan niệm Khổng Mạnh cũ “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”, nhưng trong lúc nước nhà lao đao, “thần” ngồi nhà ngóng “quân”, thì “quân” sang bên Cannes cho khỏe tâm khỏe xác. Con ốm nặng mà mẹ bỏ đi khiêu vũ mỗi đêm thì con nào không buồn giận. Quốc trưởng Bảo Đại đã tỏ ra hờ hững với nước nhà, hờ hững hay là bất lực thì cũng thế.

Người dân Việt Nam không đòi hỏi gì ngoài sự được yên thân để làm ăn, cần một chính phủ lành mạnh, có uy tín để bảo vệ cho đất nước.

Chính phủ Ngô Đình Diệm hứa hẹn như thế, theo hiệp định Genève, quân đội Pháp và công chức Pháp phải lui dần. Mặc dầu có kẻ bảo ông Diệm là người của phái Thiên Chúa giáo Pháp nhưng không phải vì thế mà người Pháp được ở lại, được làm mưa làm gió như thời trước.

Tội nghiệp cho những người Pháp quen sống ở xứ thuộc địa, đang sung sướng với bao quyền hành trong tay mà bỗng dưng bị mời đi, bảo họ không tức giận sao được. Đường lối chính trị của chính phủ Pháp ra sao họ không cần biết, chỉ biết rằng phải dọn dẹp để trả chỗ cho người Việt trong một thời gian ngắn. Họ đành uất ức tính chuyện hồi hương, về lại nơi quê hương lạnh lẽo xa lạ và khó làm ăn vì dân tình quá khôn ngoan chứ không chất phác tình cảm như những chú nông phu Việt Nam mà họ đã từng quen sai khiến.

Để bớt tức giận, người Pháp thường kể cho nhau nghe câu chuyện đùa làm quà, được hoan nghênh nhất là câu chuyện “buổi tiệc của Thượng Đế”. Một hôm Thượng Đế có ý muốn gặp tất cả mấy vị quốc trưởng vua chúa ở hạ giới, ngài gởi giấy mời quý vị ấy lên trời xơi tiệc. Nhận được giấy mời cố nhiên là quý vị đều lục tục kéo nhau lên. Thượng Đế muốn tỏ lòng ưu ái đối với quý vị quốc trưởng quốc vương nên khi Nam Tào khai tên vị quốc trưởng nào đến cửa, ngài cũng đứng dậy chào. Đến lượt Nam Tào báo tin có ông Ngô Đình Diệm quốc trưởng nước Việt Nam, Thượng đế ngồi yên không hề nhấc chân. Nam Tào ngạc nhiên đến ghé sát tai trách thầm:

- Muôn tâu Thượng Đế, tại sao ông Ngô Đình Diệm cũng là quốc trưởng, mặc dầu nước Việt Nam tuy bé nhỏ chỉ có hai mươi lăm triệu dân, nhưng còn nhiều nước bé hơn. Tại sao ngài đứng dậy khi những vị quốc trưởng khác đến mà với vị quốc trưởng này ngài cứ ngồi lì, như thế hạ thần nghĩ rằng ngài sẽ làm buồn cho dân chúng Việt Nam chăng?

- Chú mày chẳng biết gì cả, ta mà đứng lên thì ông Diệm sẽ dành mất chỗ ngồi của ta.

Lúc bấy giờ Nam Tào mới vỡ lẽ ra...

Câu chuyện được kể đi kể lại, thêm bớt rất nhiều, chứng tỏ sự uất ức của mấy ông thực dân tiếc của.

Đối với dân chúng Việt Nam thì miễn ai mang lại sự no cơm ấm áo, sự yên tĩnh là được chấp nhận ngay. Người dân quê không đòi hỏi những gì cao xa mà chỉ cần những gì đơn giản cụ thể.

Những năm tháng này tạm gọi là bình yên hơn trước, người dân quê khi gieo mạ mà dám hy vọng đến ngày gặt được lúa, cũng như khi trồng ngô khoai mà không thắc mắc đặt câu hỏi, rồi liệu có thể được trông thấy củ khoai, liệu những củ khoai, những thúng lúa này có đổi mang lại thành những tấm áo, những quyển sách cho con đi học.

Như thế không phải là đã sung sướng rồi hay sao? Nhờ trời sẽ có một ngày con sông Bến Hải không còn là con sông căm hờn cách chia đôi lứa, mẹ con nữa. Ai sẽ được về xứ ấy, ai sẽ được về nhà nấy, vận nước không lẽ cứ còn xui xẻo mãi.

Gia đình ông Hải mặc dầu bao nhiêu đời làm quan, cuộc sống đóng khung trong mấy bộ tứ thư ngũ kinh của Khổng Mạnh, nhưng hiện tại cũng đã hoàn toàn đổi khác. Từ ngày quân đội Pháp chặt mất hai gốc cây ở Kỳ Ngộ Trang, cả hai vợ chồng đều nghĩ rằng giòng họ nhà mình thế là tan vỡ, không còn mong gì cất đầu lên nổi. Nhưng rồi dần dần cuộc sống cũng tạm yên ổn. Các con đã lớn, tuy mỗi đứa lạc loài một nơi nhưng tin về vẫn lành, vẫn còn đủ mặt trên cõi trần, không phải như những gia đình khác. Sơn đã có gia đình riêng với vợ con, Vinh, đứa con trai chờ đợi đã tỏ ra xứng đáng với sự chờ đợi của cha mẹ. Mỗi năm lên một lớp đều, sức khỏe và vấn đề học hành thi cử là hai điều mà người mẹ ấy luôn luôn cầu xin.

Hình như lời cầu xin đã đến tai Trời Phật, bà Hải không còn mong gì hơn là ngày hồi hương của thằng con trai.

- Mình ơi, có thơ thằng Vinh.

Mỗi lần nghe tiếng gọi của chồng từ ngoài cửa với ba chữ “thơ thằng Vinh” là dẫu tiên có xuống múa bà Hải cũng bỏ đấy để chạy ra đón bức thư của thằng con quý.

Lần này Vinh báo tin thi đỗ, xin phép cha mẹ cho đi chơi một vòng Âu Châu nữa rồi sẽ lên máy bay về xứ, bà Hải mừng quá, không biết nói gì, trong đầu óc bao nhiêu là hy vọng. Thư Vinh còn chua thêm mấy dòng riêng viết riêng gửi mẹ và câu cuối cùng là “Mạ đừng lo, con không na mụ đầm mô về xứ cả, mấy thằng bạn con hắn đã na về nhiều lắm rồi”.

Người đàn bà đưa vạt áo lên chấm hai giọt nước mắt khóc vì quá cảm động, nếu ví cuộc đời của vợ chồng ông Hải như hai gốc cây đã bị chặt đi thì Vinh là một hạt giống nhỏ được lũ chim tha vào rừng. Hạt rơi xuống đất và được bàn tay Thượng Đế trông nom cho mọc lên lại.

Công việc trước nhất của người mẹ sau khi nghe con thi đỗ và sắp trở về nước là đi thẳng lên bàn thờ Phật thắp mấy cây hương để cảm tạ và cầu xin cho chuyến trở về của thằng con trai cũng bình yên như chuyến đi cách mấy năm trước.



********************



Sau khi Jeannine lấy chồng, Vinh gặp thêm một số các cô gái ngoại quốc nữa, nhưng rồi cô nào cũng chỉ ở có vài tháng, lâu lắm là một năm. Cảm tình đến và đi nhẹ nhàng không mấy khi báo trước. Một vài câu nói giận hờn, một lần lỗi hẹn là đủ để cắt đứt.

Cuối cùng Vinh có dịp làm quen với một cô gái Việt. Không bao giờ thằng con trai làm quen với một cô gái mà có ý định ngay rằng sẽ cưới cô này về làm vợ, trái lại rất nhiều cô con gái mới gặp cậu con trai là đã có sự nhắm bắt làm chồng mình rồi.

Nam Trân, cô bạn mới của Vinh cũng ở vào hoàn cảnh ấy, mặc dầu mới có ngoài hai mươi tuổi mà cô gái đã lo lắng chỉ sợ nhỡ tàu. Gặp Vinh, thấy Vinh chưa mang nhẫn, học hành cũng sắp xong và mặt mày lịch sự, Nam Trân có ngay ý nghĩ bắt cho được thằng bé.

Nam Trân là người Nam nên cử chỉ bạo dạn, vóc người to lớn lại thêm sống mấy năm bên Pháp, thuở bé được cha mẹ cho đi học trường Pháp, nên nàng có đủ những nét bắt chước của những cô gái Âu. Níu được Vinh rồi Nam Trân nhất định không bao giờ chịu rời Vinh một bước.

Mỗi lần mấy thằng bạn trong nhóm Bún Bò gặp Vinh là chúng nó nhao nhao lên phản đối. Vinh và các bạn đã chia ra miền Nam là hủ tiếu, Bắc là phở tái và miền Trung là bún bò. Không phải có ý muốn chia rẽ ba miền nhưng nhận thấy dân mỗi miền có một sở thích riêng, quan niệm về cuộc đời cũng có nhiều điểm khác nhau. Dân miền Nam mà cho ăn bún bò thì xuýt xoa trợn lên trợn xuống, cũng như dân Trung đói mà cho ăn hủ tiếu cũng chỉ ăn cho qua bữa chứ không lấy gì làm thích thú. Có món phở tái là dễ tiêu nhất nhưng người Nam sẽ buồn nếu không được thêm vào đấy mấy cọng giá sống.

Không biết những người khác có chấp nhận sự phân chia ấy không, nhưng đối với Vinh và lũ bạn thì đứa nào cũng đồng ý rằng đấy là một sự kiện “bất khả kháng”.

- Chị Hai mi đi mô bữa ni mà không lẽo đẽo theo giữ mi, Vinh?

Một đứa khác tiếp lời:

- Răng bữa ni chị Hai mi can đảm rứa, dám thả cho mi đi một mình, không sợ đầm hắn tha đi hả?

- Thôi mi ơi, thà mi kiếm con đầm thiệt, tóc vàng mắt xanh coi còn dễ thương, chứ cái thứ mít không ra mít, tây không ra tây nớ, về nhà mạ mi ngửi răng cho nổi.

Thằng Sĩ ác mồm ác miệng nhất, nó đến bắt Vinh cúi cổ xuống chỉ cho các bạn xem:

- Coi cái kiềng tròng làm trầy cổ thằng Vinh hết đây tụi bây ơi!

Chúng nó ác như thế mà Vinh chỉ cười, vì biết rằng chẳng thằng nào ưa Nam Trân, thấy cô nàng cứ giữ riết lấy không chịu thả cho Vinh thỉnh thoảng được đi họp mặt riêng với bạn bè. Có những buổi đi chơi, đi ăn mà mấy thằng bạn trai chỉ muốn được riêng biệt với nhau chứ không thích có chen thêm vào một cô bạn gái. Thêm một cô bạn gái, nhất là loại bạn gái như Nam Trân thì câu chuyện sẽ bị xoay chiều, khác hẳn với khi chỉ có riêng tụi con trai. Đối với phái nữ chắc cũng như thế, nhưng Nam Trân nhất định không chịu hiểu.

Mặc những lời chế giễu của các bạn Vinh, Nam Trân nghe mà cứ lờ đi, không thèm để ý, chỉ cần đạt được mục đích là bắt Vinh phải cưới mình trước đã.

Sự tấn công ồ ạt của Nam Trân làm cho Vinh sợ, các cô gái Pháp cũng tấn công nhưng có nghệ thuật hơn, nghệ thuật ở chỗ không đề cập đến chuyện cưới xin một cách quá vội vàng. Có nhiều cô gái Pháp khi tìm đến các cậu cũng chỉ để cho có người bạn trai, khỏi cô đơn những chiều thứ bảy chủ nhật, lúc cần đi nhảy hoặc đi chơi đâu thì có người đưa đi mà thôi. Sự cưới xin lắm khi đối với các cô cũng là một cái vạ, vì cưới nhau rồi sẽ còn bao nhiêu vấn đề phức tạp khác ồ ạt kéo theo, nào nhà cửa, nào con cái v.v...

Các cô gái Pháp gặp người yêu thì âu yếm dịu dàng, ngả ngay vào lòng nói chuyện nhớ thương, yêu đương, đủ thứ để làm say mê con người, nhất là những chàng trai xa xứ. Các cô gái Việt không thế, gặp là phải mặc cả xong xuôi đã rồi muốn gì mới được sau, những phút đến sau ấy dầu có êm dịu đến bao nhiêu cũng mất đi rất nhiều thi vị.

Nam Trân gặp Vinh không hỏi thăm sức khỏe, sự học vấn gì cả, câu hỏi thứ nhất là:

- Anh đã viết thơ về nhà chưa?

- Anh chưa có thì giờ.

Vinh không biết nói dối nên lúc nào cũng thẳng thắn trả lời, hoặc có khi Vinh còn ngây thơ bảo viết rồi thì Nam Trân sẽ hỏi ngay câu tiếp theo:

- Anh nói thế nào?

- Chẳng thế nào cả, thư thì bao giờ cũng thăm viếng và hỏi chuyện học hành chứ còn gì nữa đâu.

Thế là cô nàng xìu xuống như cái bánh đa phải mưa, mãi sau Vinh mới tìm ra được lý do. Giá người con gái ấy khôn hơn, cứ để cho Vinh yêu mình mà không đòi hỏi, không mặc cả thì có lẽ sau đấy khi học hành xong, Vinh sẽ viết thư nói khó với mẹ, xin lại mẹ lời hứa cũ, rồi sẽ đưa Nam Trân về quê cùng một lần với mình.

Yếu tố ưu tiên của Nam Trân là không phải người ngoại quốc, mặc dầu những món thịt kho, cá kho lẫn với trứng vịt đối với Vinh là một sự hơi khó nuốt; hoặc những miếng thịt mỡ cắt bằng nửa bàn tay mà Nam Trân hay gắp bỏ vào bát cơm của Vinh làm cho Vinh cụt hứng hết muốn tiếp tục, dầu sao hai người cùng nói chung một thứ tiếng. Mẹ Vinh sẽ hiểu con dâu mình nói gì, thế là đủ lắm rồi. Nhưng Nam Trân nóng tính, cái gì cũng muốn nắm chắc, ăn ngay, do đó mà hay có sự giận hờn cãi cọ. Mỗi lần nhìn Nam Trân ngủ, đôi môi dày lúc ngủ không có sự kiểm soát và son phấn được cạo sạch nên trông đôi môi lại càng dày hơn, chứng tỏ sự vật chất của con người đang độ rất cao làm cho Vinh hơi lo ngại. Tầm mắt vẫn quen nhìn từ thuở bé những đường nét thanh thanh dịu dàng, Nam Trân cũng như một số cô gái khác ra ngoại quốc đã để cho mình bị ngoại hóa mà không biết.

Những chi tiết vụn vặt trong lúc ăn, lúc ngủ ấy đã dồn dập lại như những lớp vôi đóng dưới đáy cốc lâu ngày không được chùi, lớp vôi đã ngăn chắn nẻo đường của tình cảm. Vinh chưa khi nào nhận thấy mình yêu Nam Trân, cũng như Nam Trân yêu mình, hai người chỉ cần dùng nhau, đúng hơn nữa là chỉ có Nam Trân cần dùng Vinh.

So với Bội Ngọc, với cả Jeannine, Vinh cũng thấy tim mình còn có nhiều lần thổn thức hơn.

Nam Trân càng lo sợ lại càng xa cách người yêu, Vinh nhất định sẽ có một hôm nào nói dứt khoát với Nam Trân vì tuổi trẻ và nhan sắc của người con gái rất ngắn ngủi. Nam Trân cần ngay một tấm chồng, Vinh phải để cho nàng rỗi tay mà đi tìm nơi khác, sự có mặt của Vinh sẽ trở thành một thứ chướng ngại vật chăng?

Ý định như thế nhưng Vinh vẫn cứ khất lần, thằng con trai hay sợ cảnh khóc lóc của người yêu.

****************


Chiều nay trời lạnh hơn mọi hôm, mười hai độ dưới không, giữa mùa đông trời vẫn lạnh, cây cảnh khẳng khiu như những đốt xương ai mang từ tha ma về ghép lại để dọa nhau chơi. Những đốt xương cây vẽ từng nét thẫm lên nền trời tái xám, mỗi nét lại được viền thêm bên dưới một đường tuyết trắng tinh khiết, thứ tuyết chưa kịp tan khi rơi xuống thì gặp một làn gió buốt thổi về, tuyết bắt buộc phải ngủ đỗ lại với cây.

Trời nặng nề và hạ trĩu xuống thấp như được bàn tay nào đổ một lớp chì dày ở bên trên, người đi đường rảo bước, ai cũng trùm đầu trùm tai cho khí lạnh khỏi vào tai vào mũi. Từng lớp khói xám đậm nhạt từ những lò sưởi trên mái nhà bốc lên không ngừng, góp thêm màu xám nặng nề với không gian. Paris run rẩy cúi mình dưới màu xám của trời, của mái nhà, của khói bụi, không có gì khoác nên lại càng lạnh lẽo hơn.

Nếu không nhờ những lỗ thông hơi từ dưới mấy con đường hầm xe lửa thổi lên phì phà, chắc Paris còn lạnh lẽo hơn biết mấy.

Vinh đang cúi đầu bước từ miệng hầm xe lửa lên, ra khỏi hầm bao giờ cũng run vì dưới hầm ấm quá.

- Anh Vinh.

Nghe tiếng gọi, nhận ra được giọng Nam Trân, Vinh giật mình ngơ ngác nhìn ra chung quanh nhưng Nam Trân đã đứng gần sát bên cạnh.

- Sao Nam Trân làm gì mà đứng vậy?

- Chờ anh, em biết thế nào anh cũng lên lối này.

- Chờ sao không vào cà phê Clunny mà chờ, có phải khỏi bị lạnh không, đứng chi ngoài cho Ả-rập nó phá.

- Vào quán cà phê không nhìn thấy anh đi qua thì sao? Anh ăn cơm chưa? Xuống quán cụ Hồ ăn với em đi, em bao anh hôm nay đó!

- Anh vừa ở Foyer ra ăn gì được nữa, hôm nay có mấy đứa nó kêu mệt không ăn, dồn thịt qua phần anh, bắt anh phải chở hết, bây giờ thì chỉ có về làm cà phê uống rồi học và ngủ thôi.

Nam Trân phụng phịu nghe Vinh từ chối, nàng chỉ muốn đi cùng với Vinh đến những nơi nào có mặt nhiều người Việt, cho đó là một sự ràng buộc tinh thần gián tiếp. Trái lại Vinh muốn tránh những cái quán cụ Hồ, quán ông Diệm, vào những nơi ấy hay có sự dòm ngó của cả hai bên, Vinh cũng không thích quen với nhiều người, cho rằng đấy chỉ là một sự mất thì giờ vô ích. Vinh có thằng bạn thân, nó vẫn tuyên bố: “Tao chỉ chơi với những đứa nào có tài có đức, còn thì loại ra cả vì tao không có dư thì giờ để dành cho những đứa thiếu đức thiếu tài.” Câu nói mới nghe qua có vẻ tự phụ, nhưng nghĩ kỹ lại thì thằng bạn ấy không hẳn đã hoàn toàn vô lý.

Biết không thay đổi được ý định của Vinh, Nam Trân đành phải đi ăn một mình. Vinh chỉ tiễn đến trước cửa rồi từ giã nàng trở về phòng trọ, viện cớ cần học thi. Thực tình Vinh không thích những chàng sinh viên cộng sản, quan niệm tư tưởng chẳng giống nhau thì gò ép chào hỏi hoặc chuyện trò với nhau làm gì. Nam Trân không hiểu như thế, đã bảo rằng thương yêu nhau mà không hiểu nổi những tình tiết riêng của nhau thì cảm tình ấy đâu có thể gọi là thứ cảm tình có gốc rễ.

Thấy Nam Trân chỉ vào hiệu ăn có một mình, mọi người hơi ngạc nhiên. Hoa, bạn thân của Nam Trân, vội vàng chạy đến ngồi cùng bàn để nói chuyện:

- Bồ đâu, sao đi có một mình buồn quá vậy?

- Bồ gì mà tính lì như gấu, bảo vào đây ăn cũng không, bảo ngồi chơi chờ người ta ăn rồi đưa người ta về cũng không, ghét thả cho về mất rồi. Con trai Huế dễ ghét lắm.

- Vậy chứ đầm gọi bảo chạy đâu thì chạy đó, mình cũng phát tức với mấy thằng cha ấy.

Hoa kém nhan sắc thua Nam Trân, từ độ sang Pháp không hiểu vì khí hậu hay vì sự ăn uống mà Hoa lên mười cân. Thân hình vì thế mà đâm ra mất quân hình, con gái Việt đã thiếu bề cao mà nếu chỉ có ra bề ngang thì chẳng mấy lúc sẽ trở thành một bức tường. Để an ủi số 10 ký thịt thừa ấy, Hoa nhất định đi làm chính trị và trong số phụ nữ ở Paris, Hoa nổi tiếng là một thiếu nữ hoạt động mạnh nhất. Làm chính trị thì không cần lo đến nhan sắc, người ta quý cái thành tích hoạt động của mình chứ ai thèm để ý đến cái vật chất bên ngoài, những thứ ấy chỉ nên để dành cho các cô búp bê.

Hoa thấy Nam Trân sống ở Pháp đã mấy năm mà chẳng tìm ra được cậu nào, nên muốn tổ chức cho Nam Trân hoạt động như mình.

- Nói thật với Trân chứ mình thấy thằng cha đó gàn lắm, gặp mấy lần mà mình không thể nào chịu nổi, bỏ phứt nó đi cho rồi.

- Mình cũng đang định như thế, cho ăn cũng kêu nấu khó ăn, quan niệm tư tưởng cái gì cũng không hợp, đến đi xem chiếu bóng mà bao giờ cũng mỗi đứa thích một phim khác hẳn nhau.

- Thôi giãn đi, sinh viên ở đây thiếu gì, mình sẽ giới thiệu cho Trân hàng tá “cho xe cây chở không hết”.

Hoa nói mà không nghĩ đến mình.

***********
 


Chuyện trong bữa cơm giữa hai thiếu nữ bàn với nhau không ngờ lại thành sự thật, lý do bé nhỏ vì Nam Trân đọc lén được một bức thư của hai đứa em của Vinh ở nhà gửi cho Vinh. Đọc xong thư, Nam Trân hiểu rõ rằng không bao giờ Vinh chịu cưới mình nếu chưa đỗ đạt xong, mà đỗ đạt xong rồi thì gia đình chờ ở nhà, chờ để nhắm những thiếu nữ khác trẻ đẹp hơn, đâu có tới phần của Nam Trân. Mang hỏi ý kiến cô Hoa, cố nhiên là cô bạn đã phê bình gắt gao, giúp cho Nam Trân đủ can đảm để cắt đứt cái thứ tình dằng dai vô vọng ấy.

“ Anh Vinh,

“Nghe anh chưa có đầm mạ mừng lắm, mạ biểu Minh viết thư ni khen anh. Theo sự điều tra bí mật của hai nhà trinh thám đại tài Minh, Thi thì hình như mạ đang nhắm cho anh một cô. Một nói anh hẹn với mạ là khi mô anh về nước mới cưới vợ và anh cho mạ được toàn quyền định đoạt. Cô ni đẹp lắm, học trò Đồng Khánh, đẹp hơn Bội Ngọc của anh nhiều, so cô ni với Bội Ngọc thì cô tê chỉ đáng xách guốc cho cô ni. Anh liệu về mau kẻo mất, mạ đang định viết thơ hỏi anh rồi đi bỏ hàng rào thưa, nếu không thì nguy lắm. Anh đã phục tài của hai nhà trinh thám Minh, Thi chưa, phục thì phải liệu mua đồ thưởng đem về.”

Bức thư được Nam Trân mang ra nghiền ngẫm phân tích mất mấy hôm, cuối cùng nàng nhất định điện thoại mời Vinh đến quán “Les Assassin” ở sau phía Saint Germain des Prés để thảo luận một câu chuyện quan hệ.

Vinh vừa vào quán, thấy Nam Trân đã ngồi chờ sẵn, không đợi Vinh cởi áo khoác ngoài, Nam Trân mở ví ném bức thư ra giữa bàn, cử chỉ lạnh lùng tức giận:

- Anh khốn nạn lắm, lừa dối tôi từ bấy lâu nay, bây giờ tôi mới biết rõ cái thái độ sở khanh của những thằng như anh. Đây tôi trả lại bức thư của gia đình gửi cho anh và yêu cầu từ nay anh đừng tìm gặp mặt tôi nữa.

Vinh ngồi yên lặng nhận xét, trong lòng cảm thấy thích thú, giá có cái máy ghi âm và máy quay phim để chụp và ghi lại mang cho lũ bạn xem để chúng nó lấy đó làm bài học thì hay quá. Vinh nhận xét được một điểm đặc biệt nữa là con gái có rất nhiều tự ái, nhiều đến quên cả sự thật. Chính Nam Trân đến tìm Vinh mỗi ngày, chính Nam Trân một tay gầy dựng và nuôi nấng cái tình, nếu gọi đó là tình. Ngay từ hôm đầu cũng chính Nam Trân đã tìm đến làm quen rồi than thở, rồi kêu buồn, kêu khổ, kêu cô đơn, kêu thèm có một linh hồn bạn.

Dùng tất cả mọi khí giới để túm tóc người ta, thế mà bây giờ đổ ngược lại làm y như Vinh là tên sở khanh vào trong phòng riêng để dụ dỗ nàng Kiều rồi trốn đi không bằng...

Thấy Vinh vẫn yên lặng không nói gì, Nam Trân càng thêm bực tức. Người hầu bàn thấy khách vào nhưng quen thói thường những kẻ yêu nhau vẫn có cả thế kỷ để dành cho nhau nên không gấp, mải đến năm phút sau mới chậm rãi đến hỏi xem khách dùng gì.

- Một cà phê đen và một... cà rốt.

Vinh trả lời người hầu bàn, hơi mỉm cười vì thấy được nhìn mặt một cô gái lúc gắt gỏng. Từ trước đến giờ Vinh ít có dịp thấy, các cô gái, cô nào lúc đứng trước thằng con trai cũng hiền lành ngoan ngoãn, ngay cả với Nam Trân từ trước đến nay chỉ có phụng phịu hoặc khóc lóc chứ chưa có lần nào cho nàng cau có gắt gỏng như hôm nay.

- Sao lại cà rốt, trong hai người ai cần phải điều chỉnh tính nết cho dễ thương mà phải dùng đến cà rốt?

Vinh phì cười thấy người hầu bàn này quả đã nhanh trí và láu lỉnh, các bà mẹ Pháp thường vẫn dỗ các con ăn cà rốt vì đó là thứ làm cho con người dễ thương ra. Anh hầu bàn này khi nghe gọi cà rốt đã hiểu ngay nên mới đùa lại như thế. Nam Trân thấy cả Vinh và người hầu bàn đều muốn trêu mình, nàng giận dữ đứng dậy xô ghế nói ba tiếng ngắn ngủi “Vĩnh biệt anh”, rồi bước mau ra đóng mạnh cửa lại làm giật mình một đôi tình nhân khác đang ngồi hôn nhau trong góc.

- Cô này cần cả mấy tạ cà rốt phải không ông?

Vinh gật đầu đồng ý, chậm rãi nói:

- Bây giờ thì chỉ có một cà phê thật đậm...

Định chạy theo gọi Nam Trân nhưng không hiểu có một sức mạnh gì đã níu Vinh lại, Vinh chỉ ngồi nhìn theo và khẽ thở dài:

- Thôi thế cũng xong, biết đâu lại còn hay hơn...

Người hầu bàn mang cà phê đến, thấy Vinh buồn, biết hai người này giận dỗi nhau nên cố tìm lời an ủi:

- Đừng buồn, việc gì mà buồn, châm ngôn đã bảo rằng không bao giờ nên chạy theo một người đàn bà hay một chiếc xe buýt vì ba phút sau sẽ có một người đàn bà và một chiếc xe buýt khác đến ngay.

Vinh chỉ lắc đầu không nói gì cả, hình như trong mỗi người đều có hai người, Vinh vừa vui thích vì từ lâu vẫn có ý định dứt khoát với Nam Trân, nhưng tại sao lại có một nhân vật thứ hai đang cảm thấy buồn rầu trong lòng. Thật là phức tạp, chính Vinh cũng không hiểu nổi.

Nếu con tim mỗi người là một ngôi nhà rộng để chứa những hình ảnh thì trong tim của Vinh hôm nay có căn phòng đang trống vì một khách trọ vừa ra đi. Tất cả mọi sự đổ vỡ đều chẳng mấy khi vui, dầu cho sự đổ vỡ ấy có cần thiết, có được cả hai bên tính toán để cố tình gây ra.

Nam Trân khi ngoan thì ít cô nào theo kịp, mỗi ngày nàng tự tay làm một món chả giò hoặc gỏi cuốn, cơm bì đến bắt Vinh phải ăn, nàng ngồi nhìn Vinh ăn, săn sóc như mẹ già sinh được đứa con muộn. Gặp Vinh là con cưng nên những sự săn sóc ấy thật đã hợp tình hợp cảnh...

Thế mà hết, hết rất bất ngờ, hết một cách mau chóng, giá Nam Trân kiên nhẫn hơn, mới có hai mươi bốn tuổi sao nàng lại quá vội vàng. Tại sao người con gái chỉ nằng nặc đòi đổi cuộc đời, cho sự được đổi tên người khác là một điều đáng kiêu hãnh. Tại sao lại không kiêu hãnh tự tạo lấy cho mình một tên tuổi riêng, một cuộc sống tự lập không cần nhờ cậy đến ai, để dành cảnh núp bóng tùng quân cho những tâm hồn yếu đuối ỷ lại?

Cuộc sống của một người đàn bà mà thoát được những xiềng xích của lễ giáo phong tục thì dễ chịu biết mấy. Muốn làm một việc gì mà thấy lương tâm không thắc mắc, không cho sự ấy là bôi nhọ quê hương dân tộc, không bị tù tội vì trái luật pháp, tức thị mình có thể làm một cách đàng hoàng. Nam Trân đã sống ở ngoại quốc từ mấy năm nay, đã được tiêm nhiễm văn minh của người Pháp, có chút học thức để đọc các thứ sách triết lý đạo đức mà so sánh. Gia đình gửi đủ tiền cho xài mỗi tháng và thả cho sống tự do. Thế mà cũng không thoát khỏi những điểm thường tình, sợ già sợ ế của đàn bà từ trước nay.

Vinh chậm rãi uống cốc cà phê, không biết nên buồn hay vui, cốc cà phê cạn từ lâu, khách vào uống rượu khai vị mỗi lúc một đông hơn ban nãy nên người hầu bàn cũng bận rộn, không rỗi mà đến an ủi Vinh nữa. Vinh lặng lẽ để tiền trên bàn rồi đứng dậy ra về.

Trời đổ tuyết xuống từ nãy đến giờ nên bớt lạnh, thế mà ngồi trong quán Vinh không biết gì cả, những hoa tuyết trắng xóa nhẹ nhàng phất phới bay trước mặt, rụng xuống áo, xuống mũ, rụng cả xuống mặt vì Vinh hơi ngửa mặt lên để hứng tuyết. Vinh đưa lưỡi ra liếm tuyết, nhớ đến ngày còn bé ở Kontum, mỗi khi trời mưa đá, Vinh và mấy chị thường tranh nhau chạy ra sân nhặt vội vàng những viên đá mang cất vào bình thủy lạnh.

Nhớ nhất là bé Trúc, lớn hơn Vinh có một tuổi; Trúc là chị nhưng khờ khạo kém Vinh nhiều. Trúc vẫn hỏi sao trời không vắt chanh pha đường vào trước khi mưa xuống, có phải đá ấy sẽ ngon hơn biết bao nhiêu! Một hôm khác nghe mẹ bảo thứ nước mắm Nam Ô ngon và đắt tiền lắm. Trúc đặt ngay câu hỏi “Rứa thì nhà ai giàu họ sẽ mua thứ nước mắm ấy về để rửa chân phải không mạ?” Mạ phải kêu trời lên rằng con bé ăn chi mà đần độn lạ lùng.

Hình ảnh mấy chị em lon ton đi nhặt vội vàng những hạt mưa đá, nhặt được hạt nào thì nắm chặt trong tay, hình ảnh ấy hôm nay đang trở vể ẩn hiện trong màu tuyết trắng.

- Mười mấy năm qua rồi...

Vinh chép miệng thở dài tiếc thời gian quá khứ vô tư, trong một phút Vinh quên buồn vì mất Nam Trân, nhưng chỉ một phút thôi rồi cảm giác trống trải chua xót lại về rõ rệt hơn.

Thọc cả hai tay vô túi áo sau khi đã kéo chiếc khăn quàng cổ lên che kín tai, Vinh băn khoăn không biết nên quay về phòng trọ, hay nên đến nhà lũ bạn Bún Bò của mình báo cái tin không buồn không vui này cho chúng nó biết.

Về phòng trọ để nghiền ngẫm sự trống trải mênh mông trong tâm hồn đêm nay cũng không hẳn đã là một đểm đáng trách. Vinh vẫn thích nhìn vào bên trong của tâm tư mình những lúc vui cũng như buồn, nằm nhìn lên trần nhà nghiền ngẫm hay gặp nhiều ý nghĩ kỳ quái, nhưng lắm khi cũng khá đặc biệt.

Cuối cùng Vinh đi thẳng đến nhà mấy thằng bạn. Để đánh lừa sự cô đơn, Vinh cúi đầu đi bộ dưới trời tuyết, nhìn tuyết đang phủ khăn tang lên mối tình của mình với Nam Trân trên khắp ngọn cây.

Cửa vừa mở, thấy đầu Vinh ló vào trắng xóa cả tuyết lên chiếc mũ, cả bọn mừng hét lên:

- A thằng Vinh, sau ni chết mi thiêng lắm đó, tụi tao vừa mới mặc niệm tới mi, ma quỷ mô xui khiến đưa đường dẫn lối cho mi tới đây giờ ni?

- Tụi tao đang bàn nhau mai mua ốc với mắm về luộc ăn một trận cho đã đời, mi có hùn không, hai trăm quan mỗi đứa?

- Hùn thì hùn, nhưng tao báo cho tụi bay biết một tin rất đau đớn là tao với chị hai tao rã nhau rồi.

- Việt Nam muôn năm! Thôi rứa thì mi phải đưa tụi tao đi khao mì Lyon cho rồi, mừng mi thoát vòng nô lệ!

Thế là cả bốn đứa, Vinh với Sỹ, Thanh và Hiệp kéo nhau xuống lấy métro đi ăn mì ở ga Lyon.

Thấy Vinh hơi buồn, chúng nó tìm đủ mọi cách để an ủi:

- Mi không phải thi sĩ mà cũng đa cảm đa sầu, có chi nơi bà khoặm nớ mà mi mê được, hay vì mấy cái hột vịt kho chung với cá lóc thịt mỡ đó!

Tiếp lời Sỹ, Thanh cay cú hơn:

- Hủ tiếu với bún bò mà mi đem trộn chung thì làm răng nuốt cho trôi? Mi cũng từng phàn nàn với tụi tao là người chi mô mà ăn miếng mỡ “bự bằng ba ngón cẳng cái”, chừ mi còn buồn làm chi!

Hiệp cũng góp một lời giảng giải cho đủ bộ, chẳng bao giờ chúng nó chịu thua nhau một câu:

- Sang năm mi thi đậu rồi về quê hương xứ sở mà tay chân rảnh rang có phải gia đình mi với mạ mi mừng biết mấy không? Tao như mi thì đêm ni mua pháo bông đốt suốt sáng. Mừng còn hơn lễ phá ngục Bastille của cách mạng Pháp nữa!

Nghe các bạn đùa và khuyên dỗ, lại gợi đến cảnh về xứ làm Vinh bớt buồn, quả như thế, chỉ còn gần một năm nữa là Vinh học xong rồi, Vinh sẽ được gặp mẹ với cha với chị em, ý nghĩ làm Vinh trở lại lạc quan.

- Ăn đi mi, ăn rồi hùn nhau ra mua vé số, thằng Vinh thất tình kỳ ni chắc mua vé số răng cũng trúng to!

Vinh bật cười hỏi vặn:

- Ai dạy cho mi biết là thất tình thì trúng số, tao thấy có nhiều người bị vợ đá cho lông lốc như đá banh mà khi mua số có trúng đồng xu mô, tao không tin.

- Trúng số hay là đánh bạc ăn, đông tây chi cũng nói rứa cả, riêng tao thử mấy lần mà không lần mô trúng, mi thử lại lần ni nữa coi!

- Tụi bây muốn đem tao ra làm con thỏ thí nghiệm hả, tao không dại chi mà bỏ tiền ra mua số, để tiền mai ăn ốc hùn với tụi bây không ngon hơn à!

Câu chuyện đề cập đến nhiều vấn đề khác đã giúp cho Vinh quên hẳn Nam Trân trong đêm đầu tiên tan vỡ ấy.

Mì Lyon nổi tiếng là rẻ, chỉ cần ăn một tô thôi đã đủ no, tất cả sinh viên học sinh ai cũng đều biết. Các chú Tàu sang Pháp đã khôn ngoan chiếm độc quyền cái ý kiến mở hiệu bán độc một thứ mì này. Mì họ tự cán lấy, mua xương heo về nấu nước dùng với ít rau cải và thịt heo mặn như kho. Lúc ăn cho thêm một dĩa bắp cải với ớt thái nhỏ nên không ngấy, có thế thôi mà cửa hàng của các chú Tàu ấy chẳng mấy khi vơi khách.

Các sinh viên và cả những cựu chiến binh người Pháp lúc nào muốn đổi món ăn mà ngại phải nấu nướng vất vả, hôi phòng, ít tốn tiền thì chỉ việc ra lấy cái xe buýt số 63 hoặc xe lửa hầm đi xuống ga Lyon ăn mì, chưa đến một trăm quan mà cái dạ dày đã cho ngừng.

Cố nhiên là Vinh và các bạn lập trụ sở ở đấy, mỗi tháng thế nào cũng phải đến đây đóng thuế cho mấy chú Tàu vài trăm quan.

- Thằng Vinh đêm ni về phòng tao, tụi mình pha cà phê uống thức để thảo luận nghiên cứu và nghiền ngẫm cái tâm trạng của mấy thằng mới mất người yêu.

- Mi muốn lợi dụng tao để viết tiểu thuyết hả, mi có giỏi làm cho mối tình của tao trở thành bất diệt thì tao mới cung cấp tài liệu cho, chứ mà viết bậy bạ bêu diếu tao để sau ni tao ế vợ thì liệu hồn, tao giết mi chết!

Hiệp, Thành và Sỹ đã họp nhau lại giúp cho Vinh quên mối buồn trống trải hôm nay, vì đứa nào cũng hiểu tính Vinh rất nhiều tình cảm, tuy vẫn cười đùa nhưng trong lòng không thoát được những ý nghĩ bi quan.

Các bạn của Vinh không nhiều tình cảm như thế, chơi là chơi mà lúc nào bỏ thì cũng sẵn sàng bỏ ngay không dằng dai và nhất là không buồn. Hiệp còn nêu ra một ý nghĩ mới là phải cho trái tim đi nghỉ hè chứ bắt thổn thức làm việc luôn thì tim sẽ mệt mà chóng yếu sức. Hiệp học về y khoa, sau này anh chàng nhất định trình bày cái luận án “cho tim đi nghỉ hè” của mình và tin rằng sẽ có một tiếng vang thế giới.

Theo Hiệp thì tình cảm là một giống cây cỏ mà trái tim là một thửa đất, tại sao người ta tìm ra sự cho đất nghỉ, mỗi ba năm lại phải bỏ hoang một mùa? Vì muốn cho sau đó đất lấy lại sức và hoa màu năm tới sẽ đầy đủ hơn. Hiệp bảo trái tim người, nếu được nghỉ thì lần tình cảm sau cũng sẽ được dồi dào hơn. Từ vấn đề tình đi qua đến vấn đề vật chất thể xác không cách bao xa, và vạn vật đều có tương quan với nhau cả.

Cả bọn hẹn sẽ bảo vệ trái tim của Vinh từ giờ cho đến ngày Vinh về xứ, như thế thì cô thiếu nữ nào gặp sau này sẽ mang ơn bọn họ suốt đời.

Tất cả cùng đồng ý không có gì quý hơn tình bạn, vì chưa có luật nào đặt ra vấn đề bạn bè bỏ nhau, trái lại vợ chồng tưởng vĩnh viễn mà phải ly dị với ly thân đủ trò, như thế chứng tỏ rằng khi ta tìm được một người bạn thì ta có thể yên chí rằng suốt đời người ấy sẽ mãi mãi là bạn của ta.




« Sách này có 4 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.85.38.100 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (390 lượt xem) - Việt Nam (118 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - ... ...