Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm
Niềm vui cao cả nhất là niềm vui của sự học hỏi. (The noblest pleasure is the joy of understanding.)Leonardo da Vinci
Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Cuộc sống là một sự liên kết nhiệm mầu mà chúng ta không bao giờ có thể tìm được hạnh phúc thật sự khi chưa nhận ra mối liên kết ấy.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực sự là biểu hiện của sức mạnh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Kẻ ngốc nghếch truy tìm hạnh phúc ở xa xôi, người khôn ngoan gieo trồng hạnh phúc ngay dưới chân mình. (The foolish man seeks happiness in the distance, the wise grows it under his feet. )James Oppenheim
Hạnh phúc và sự thỏa mãn của con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi sự thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc máy điện toán.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Chúng ta thay đổi cuộc đời này từ việc thay đổi trái tim mình. (You change your life by changing your heart.)Max Lucado

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Sen búp dâng đời »» Những điều cần biết khi đọc văn này »»

Sen búp dâng đời
»» Những điều cần biết khi đọc văn này

(Lượt xem: 4.232)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Sen búp dâng đời - Những điều cần biết  khi đọc văn này

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
Ý nghĩa phát tâm Bồ-đề

Bồ-đề, dịch âm từ Phạn ngữ bodhi, có nghĩa là tỉnh giác, giác ngộ, chuyển mê khai ngộ, vượt thoát sinh tử, rốt ráo thành tựu quả Phật. Bồ-đề được hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là giác ngộ. Giác ngộ có nhiều tầng bậc, từ đơn giản nhất như khi ta hiểu ra được một câu kinh, bài kệ và chuyển đổi được một điều sai lầm, bất thiện nào đó nơi chính mình, cho đến như những hành giả đạt được thánh quả trên đường tu tập, đều là các tầng bậc khác nhau của giác ngộ.

Giác ngộ gắn liền với giải thoát. Khi tiến lên được một tầng bậc giác ngộ, người tu tập nhất định được giải thoát một phần trói buộc, khổ đau tương ứng. Tầng bậc giác ngộ càng cao thì sự giải thoát càng nhiều hơn, người tu tập được trải nghiệm sự tự do tự tại nhiều hơn trong đời sống. Do đó, giác ngộ viên mãn hay thành tựu quả Phật cũng đồng nghĩa với việc giải thoát rốt ráo, chấm dứt mọi khổ đau.

Theo giảng giải trong kinh luận thì phát tâm Bồ-đề có nghĩa là phát tâm cầu quả Phật vì mục đích cứu độ tất cả chúng sinh.

Điều quan trọng cần nhấn mạnh trong ý nghĩa này là người phát tâm không hướng đến quả Phật chỉ riêng vì giải thoát tự thân khỏi vòng sinh tử khổ đau, mà là vì để có đủ trí tuệ, năng lực nhằm cứu độ tất cả chúng sinh, đưa tất cả chúng sinh đến quả vị giác ngộ viên mãn, chấm dứt khổ đau.

Chúng ta sẽ không thể hiểu được ý nghĩa này nếu chưa thấy được mối quan hệ thực sự cũng như ý nghĩa hiện hữu của mọi chúng sinh trong thực tại. Việc nhận biết khổ đau trong sinh tử nên phát tâm cầu đạo giải thoát là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Nhưng nếu phát tâm cầu quả vị Phật mà không riêng vì sự giải thoát của chính bản thân mình, chỉ hướng đến mục đích trước tiên là cứu độ chúng sinh thì quả thật có vẻ như rất khó hiểu đối với nhiều người.

Tuy nhiên, nếu chúng ta nhớ lại lời Phật dạy căn bản nhất về ý nghĩa vô ngã, nghĩa là không hề có một bản ngã, một chủ thể tồn tại độc lập trong mối tương quan phân biệt với những chúng sinh khác, thì chúng ta sẽ nhận hiểu được ý nghĩa phát tâm Bồ-đề như trên một cách dễ dàng hơn.

Trên căn bản lời dạy này, liệu chúng ta có thể tu tập để giải thoát hoàn toàn mà không quan tâm đến những chúng sinh khác? Rõ ràng là điều đó không thể thực hiện được, bởi nếu ta tu tập khởi đầu với nền tảng bám chấp vào một bản ngã cần được giải thoát là chính ta, như một tự thể độc lập, thì tự thân sự chấp ngã ấy đã là một sợi dây trói buộc mà ta không tháo gỡ ra được, làm sao có được sự giải thoát rốt ráo?

Chính vì thế, tuy chúng ta vẫn có thể đạt đến những mức độ giải thoát nhất định, nhưng giới hạn cuối cùng là ta sẽ không bao giờ có thể đạt đến sự giải thoát rốt ráo hay thành tựu quả Phật. Điều này cũng tương tự như khi ta chọn khung giấy hẹp để vẽ một bức tranh. Cho dù ta có muốn vẽ ra một toàn cảnh lớn đến đâu, bức tranh cuối cùng cũng không thể vượt ra ngoài giới hạn của khung giấy hẹp. Cách duy nhất để vẽ nên một bức tranh lớn rộng là phải khởi đầu với khung giấy lớn rộng. Nói cách khác, nếu ta tu tập với một tâm thức chật hẹp thì sự giải thoát mà tâm ấy đạt đến cũng nhất định phải chật hẹp. Và vì thế, nếu ta phát tâm cầu sự giải thoát rốt ráo, thành tựu quả Phật, thì điều tất yếu là phải phát tâm trên căn bản vô ngã, xóa bỏ đi nhận thức phân biệt bám chấp vào một tự ngã tồn tại độc lập vốn là điều không thật có. Trên căn bản đó, sự tu tập của chúng ta nhất thiết phải hướng đến việc giải thoát cho tất cả chúng sinh thay vì là một tự ngã nhỏ hẹp và không thật có. Chính vì thế mà trong văn này phân biệt hai khuynh hướng phát tâm nhỏ hẹp và lớn lao như sau:

“Quán xét ba cõi như tù ngục, vòng sinh tử như kẻ oán thù, chỉ muốn mau mau tự độ, không dám nghĩ đến việc cứu độ muôn người. Phát tâm như thế gọi là nhỏ hẹp.”

Và:

“Pháp giới chúng sinh chưa cùng tận thì nguyện vẫn còn, đạo Bồ-đề chưa thành tựu thì nguyện chưa trọn. Phát tâm như thế gọi là lớn lao.”

Và như thế, phát tâm Bồ-đề không chỉ là cầu sự giải thoát, mà hơn thế nữa, ở đây đang nhắm đến một sự giải thoát rốt ráo, hoàn toàn, nghĩa là thành tựu quả Phật. Do đó, chúng ta cần phải tìm hiểu thêm về ý nghĩa rộng hơn của hai chữ Bồ-đề.

Thật ra, ở đây dùng từ ngữ Bồ-đề là cách nói vắn tắt, thông dụng, để chỉ đến một danh xưng đầy đủ hơn thường dùng trong kinh luận là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, dịch nghĩa là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Danh xưng này được dùng chỉ đến sự giác ngộ viên mãn của một vị Phật, nên sự giác ngộ, trí tuệ, năng lực của ngài khi ấy là vô thượng, nghĩa là không còn ai hơn được. Vì thế, chúng ta đã gặp trong rất nhiều kinh luận đề cập một cách đầy đủ là “phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề”. Chẳng hạn, trong kinh Duy-ma-cật, phẩm Cõi Phật, chúng ta đọc thấy lời của Bảo Tích thưa với Phật:

“Bạch Thế Tôn! Năm trăm chàng con nhà trưởng giả đây, thảy đều đã phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, nay muốn nghe việc được quốc độ thanh tịnh của Phật.”

Phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề chính là “phát tâm Bồ-đề” được nói trong bài văn này. Vì thế, phát tâm Bồ-đề là phát tâm cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cầu sự giải thoát rốt ráo, chấm dứt hoàn toàn mọi khổ đau, chứ không giới hạn ở sự giác ngộ thuộc bất kỳ tầng bậc nào khác.

Tuy nhiên, trên đường tu tập thì chúng ta nhất định sẽ phải trải qua từ thấp lên cao, từ xa đến gần, và những kinh nghiệm giác ngộ vì thế cũng phải trải qua tuần tự như từng nấc thang một. Vì thế, tuy nói rằng phát tâm Bồ-đề là cầu Phật quả, cầu sự giác ngộ tối thượng và không giới hạn ở các tầng bậc giác ngộ thấp hơn, nhưng điều đó cũng có nghĩa bao hàm trong đó tất cả mọi tầng bậc của sự giác ngộ, không thể bỏ qua.

Tầm quan trọng của việc phát tâm Bồ-đề

Ngay từ đoạn mở đầu bài văn, chúng ta đã thấy nêu lên tầm quan trọng của việc phát tâm Bồ-đề rằng: “cửa ngõ vào Chánh đạo, sự phát tâm quan trọng nhất.”

Chính từ ý nghĩa của sự phát tâm Bồ-đề như vừa tìm hiểu trên mà ta có thể hiểu được vì sao đây là điều quan trọng nhất trong “cửa ngõ vào Chánh đạo”. Bởi như đã nói, nếu không có sự phát tâm Bồ-đề chân chánh thì cho dù ta có khởi sự tu tập đúng hướng, kết quả của con đường tu tập đó cũng đã bị giới hạn ngay từ đầu do mục đích không được xác định đúng. Bởi vậy mới nói:

“Nguyện đã lập thành thì có thể cứu độ chúng sinh, tâm đã phát khởi thì quả Phật ắt thành tựu.”

Không nói việc thành tựu trong bao lâu, nhưng chắc chắn “tâm đã phát khởi” thì nhất định sẽ được thành tựu. Điều này cũng giống như khi ta cất bước trên con đường vạn dặm, tuy đích đến hãy còn xa vời, nhưng nếu đã thực sự có quyết tâm và cất bước lên đường, thì cho dù đường xa vẫn chắc chắn có ngày sẽ đến. Tương tự như thế, mục đích lên đường của chúng ta đã xác định là cứu độ tất cả chúng sinh, nên cho dù hiện nay tài sơ trí thiển, ta vẫn nhất định sẽ làm được một điều gì đó trong phạm vi khả năng của mình để hướng đến tất cả chúng sinh đang khổ đau.

Đó là lý do vì sao “nguyện đã lập thành thì có thể cứu độ chúng sinh”, bởi chúng sinh không phải là những đối tượng xa xôi trừu tượng chỉ để ta nhắc đến trong phần hồi hướng sau mỗi thời khóa tụng niệm, mà chúng sinh bao giờ cũng là những chúng sinh cụ thể quanh ta, từ những con vật bé nhỏ ta tiếp xúc mỗi ngày mà sinh mạng cũng như đời sống có thể dễ dàng nằm trong sự chi phối của ta, cho đến những người thân thiết trong gia đình, xóm giềng, hay rộng ra nữa là cả một cộng đồng, quốc gia, nhân loại...

Những chúng sinh như thế, nhất định sẽ được hưởng phần lợi lạc từ sự phát tâm lập nguyện của ta. Chỉ cần ta biết sống tỉnh giác hơn, quan tâm hơn đến những gì mình làm, là mỗi ngày đã có thể có vô số sinh vật bé nhỏ quanh ta có thể thoát khỏi những cái chết vì sự bất cẩn của ta. Người thân quanh ta cũng sẽ không còn phải chịu đựng những tổn hại do ta gây ra từ sự mê lầm, tham lam, sân hận của mình. Và do đó, ta càng tiến xa trên con đường tu tập theo đúng hướng thì sẽ càng có nhiều chúng sinh được cứu độ hơn, trong khi đích đến là quả Phật viên mãn cũng sẽ ngày càng gần hơn.

Chính trong ý nghĩa đó mà sự phát tâm lập nguyện được xem là quan trọng nhất, cấp thiết nhất. Một khi tâm Bồ-đề đã phát khởi, chí nguyện độ sinh đã lập thành, thì tất cả những việc còn lại chỉ còn là vấn đề thời gian tiệm tiến mà thôi.

Tuy nói đơn giản như vậy, nhưng mấu chốt quan trọng của vấn đề còn nằm ở chỗ sự phát tâm phải chân chánh đúng hướng, và chí nguyện phải được kiên trì không thối chuyển. Nếu phát tâm sai lầm thì cũng giống như người hăm hở lên đường nhưng lại lạc lối; lập nguyện mà không kiên trì thì sự thối chuyển là tất yếu, nên dù được một bước tiến e cũng sẽ có năm bảy bước lùi, việc làm lợi ích chúng sinh e rằng rất khó đạt được.

Chính vì thế, trước khi chính thức khuyến khích sự phát tâm Bồ-đề, bài văn này đã dành phần lớn nội dung để giải thích về khuynh hướng phát tâm cũng như động lực của việc phát tâm.

Khuynh hướng phát tâm chân chánh

Việc xác định các khuynh hướng phát tâm chân chánh thật ra cũng là dựa vào ý nghĩa của sự phát tâm Bồ-đề như ta đã tìm hiểu trên. Vì thế, hiểu được ý nghĩa của sự phát tâm thì có thể phát tâm chân chánh. Ngược lại, nếu không hiểu được, thì cho dù có nhiệt thành tu tập cũng rất dễ đi vào con đường sai lệch.

Trong văn này phân biệt bốn khuynh hướng phát tâm đúng đắn là chính đáng, chân thật, rộng lớn và viên mãn. Dẹp bỏ lòng tham muốn là chính đáng; kiên tâm cầu Phật đạo vì giáo hóa chúng sinh là chân thật; nguyện lực dài lâu không thối chuyển, hướng về tất cả chúng sinh là lớn lao; rõ biết hết thảy chúng sinh và tự tánh của mình vốn không hai, không khác, cũng chính là Phật quả vô thượng nên phát tâm thành tựu, nhưng rốt cùng vẫn không vướng mắc nơi hình tướng các pháp, đó là viên mãn.

Nếu chân chánh phát tâm được như thế thì không thể rơi vào các khuynh hướng sai lệch là tà vạy, dối trá, nhỏ hẹp và thiên lệch. Bởi vì tà vạy là tham cầu danh lợi, dục lạc; dối trá là che giấu tội lỗi, ngoài sạch trong dơ, trước chuyên cần, sau lười nhác; nhỏ hẹp là chỉ nghĩ đến mình, ích kỷ không vị tha; thiên lệch là nhận thức phân biệt nhân ngã, bám chấp vào tự ngã mà tu tập, không rõ biết tự tánh sáng suốt của chính mình.

Tóm lại, nếu thực sự phát tâm chân chánh như trên thì rõ ràng là hoàn toàn tương hợp với ý nghĩa vì cứu độ tất cả chúng sinh mà cầu quả Phật.

Nhân duyên phát tâm Bồ-đề

Nhân duyên phát tâm Bồ-đề cũng chính là những những động lực thôi thúc, làm khởi sinh tâm ấy nơi mỗi người. Những nhân duyên này có được là nhờ hiểu sâu ý nghĩa của việc phát tâm. Nếu xét kỹ, ta sẽ thấy trong mười nhân duyên phát tâm được nêu ra, không một nhân duyên nào đơn thuần xuất phát từ ý niệm vị kỷ, mong cầu sự giải thoát cho riêng mình. Vì thế, có thể nói rằng những nhân duyên phát tâm Bồ-đề được đề cập ở đây đều xuất phát từ sự nhận hiểu đúng thật về thực tại trên căn bản giáo lý vô ngã mà đức Phật đã dạy.

Nhân duyên trước hết là nghĩ nhớ ơn Phật. Những người chưa hiểu được lời Phật dạy, chưa vận dụng những lời dạy đó vào cuộc sống, thì chưa thể biết đến ơn Phật sâu nặng như thế nào. Vì sao vậy? Vì họ chưa thể nhận được những lợi lạc lớn lao từ lời dạy của Phật. Ví như có người thuộc lòng kinh điển hay giảng thuyết uyên bác, nhưng chưa vận dụng lời dạy của đức Phật vào cuộc sống của chính mình, thì người ấy vẫn chưa thể nhận được những lợi ích lớn lao thực sự.

Một khi đã có sự hành trì theo lời Phật dạy, dù ở bất kỳ mức độ nào, chúng ta đều sẽ nhận được những sự lợi lạc tương ứng từ sự tu tập của chính mình. Những lợi lạc đó giúp ta ngày càng nhận rõ sự khác biệt giữa một cuộc sống mê mờ không Phật pháp với một cuộc sống tỉnh thức, nhận biết mọi sự việc quanh mình một cách đúng thật như lời Phật dạy.

Khi nhận ra điều đó, ta sẽ thấy rằng không có bất kỳ giá trị nào ở cõi đời này có thể sánh được với những lời Phật dạy. Nhờ sống theo Phật pháp, chúng ta giảm nhẹ và chuyển hóa được khổ đau, thấy ra được những ý nghĩa chân thật của đời sống và thoát khỏi sự quay cuồng trong tham dục, sân hận và si mê.

Hơn thế nữa, ta có thể nhìn nhận những thực tại của đời sống như các nỗi khổ sinh lão bệnh tử, cho đến kiếp người ngắn ngủi nhanh chóng trôi qua, mà không còn có sự sợ hãi hay chán nản. Ta biết cách để vượt qua với tâm thái an nhiên tự tại, cảm nhận và trải nghiệm mọi nỗi khổ niềm đau trong cuộc đời để từ đó cảm thông sâu sắc hơn với mọi người quanh ta.

Tất cả những điều đó nâng tầm cuộc sống ta lên khỏi bùn lầy nhơ nhớp của sự trụy lạc tham muốn, giúp ta có một đời sống ý nghĩa hơn và cũng có được niềm vui chân thật trong từng giây phút sống.

Nói tóm lại, ta có được tất cả những lợi lạc vô giá đó đều là nhờ học hỏi và làm theo lời Phật dạy. Vì thế, không một ai trong cõi đời này có thể ban cho ta những ân huệ lớn lao như đức Phật. Công ơn cha mẹ dù mênh mông như trời biển vì đã sinh dưỡng, tạo thành thân ta, nhưng nếu không có Phật pháp thì tấm thân này, cuộc đời này rồi cũng sẽ chìm sâu trong khổ đau buồn chán cho đến lúc quay về cát bụi mà không thể tìm thấy một ý nghĩa sống chân thật nào.

Vì thế, để báo đáp ơn Phật, chúng ta không có cách nào khác hơn là phải phát tâm tu tập đúng theo lời Phật dạy, thực hiện tâm nguyện của đức Phật khi xuất thế là cứu độ tất cả chúng sinh. Và muốn làm được như vậy, ta nhất định phải phát tâm Bồ-đề. Đó là nhân duyên hay động lực thứ nhất. Nếu ta phát tâm với động lực này, thì rõ ràng một khi chưa đạt đến quả Phật, ta vẫn còn có sự thôi thúc phải vươn lên, nỗ lực hướng đến mục đích đã đề ra.

Nhân duyên hay động lực thứ hai là nghĩ nhớ đến công ơn cha mẹ. Nếu như đức Phật là người ban cho ta tuệ mạng để có được một đời sống chân chánh, sáng suốt, thì trước hết để tiếp nhận tuệ mạng đó, ta cần phải có thân mạng bằng xương thịt này, vốn có được là nhờ biết bao công khó, biết bao khổ nhọc từ cha mẹ. Cha mẹ là nhân duyên lớn lao tạo ra đời sống này của ta, nhờ đó ta mới có điều kiện biết đến và tu tập Phật pháp.

Hơn thế nữa, đức Phật còn dạy cho ta biết rằng, chúng ta không chỉ có cha mẹ trong đời này, mà trải qua vô số kiếp sống từ vô thủy đến nay, ta đã có không biết bao nhiêu là cha mẹ.

Vì thế, động lực thứ hai thôi thúc ta phát tâm Bồ-đề chính là nghĩ nhớ và mong muốn đền đáp công ơn trời biển của cha mẹ, không chỉ một đời này mà còn là trong vô số đời sống đã qua. Để làm được điều đó, ta chỉ có một cách duy nhất là phải tu tập hướng đến quả Phật, để có được năng lực toàn giác toàn tri và cứu độ được tất cả chúng sinh. Nếu không được vậy thì việc báo đáp công ơn cha mẹ sẽ là một điều hoàn toàn bất khả thi.

Nhân duyên thứ ba là nghĩ nhớ đến ơn thầy dạy dỗ. Ta sinh ra trong cuộc đời này không sẵn có bất kỳ tri thức nào. Những người truyền trao tri thức hữu ích cho ta chính là các bậc thầy dạy dỗ. Trong văn này phân rõ những người thầy dạy ta kiến thức thế tục và những người thầy dạy ta Phật pháp.

Thầy dạy kiến thức thế tục là tạo cho ta nền tảng tốt để tiếp nhận Phật pháp, vì nhờ đó ta có thể sống đúng theo đạo nghĩa làm người, có thể đọc hiểu kinh điển, hiểu được lời giảng dạy của các bậc pháp sư.

Thầy dạy Phật pháp là cầu nối giữa ta và đức Phật, vì các ngài đem những lời Phật dạy truyền lại cho ta cũng như dùng đời sống đạo hạnh của chính mình để nêu gương hành trì Phật pháp cho ta. Chính nhờ có các ngài mà Phật pháp mới trở nên sống động, gần gũi và chúng ta mới có thể khởi sự thực hành tu tập.

Để báo đáp ơn thầy dạy dỗ, ta không có cách nào khác hơn là phát tâm cầu Phật quả, tu tập theo giáo pháp Đại thừa, vì như vậy mới có thể rộng độ muôn người, trong đó có cả vô số các bậc thầy đã nhiều đời nhiều kiếp có ơn dạy dỗ ta.

Các nhân duyên, động lực phát tâm được phân tích trong văn này có đặc điểm chung là đều xuất phát từ một cách nhìn trí tuệ sâu sắc, đúng thật và một trái tim chân thành, nhạy cảm. Khi trôi lăn theo dòng thế tục, rất nhiều sự việc xảy đến với ta đều có vẻ như tầm thường, không đáng quan tâm, nhưng một khi khởi sinh trí tuệ tỉnh giác, đem ánh sáng Phật pháp mà soi rọi vào, ta mới bừng tỉnh nhận ra vô số những điều sâu xa tinh tế, trong đó có cả những lỗi lầm đáng sợ, những phước lực lớn lao, những duyên may khó được... Nếu không nhận chân được những điều như thế, thì ta sẽ không bao giờ có được động lực chân chánh để tu tập, để dấn bước trên con đường giải thoát.

Lấy ví dụ như việc thập phương tín thí cúng dường người xuất gia, không ít người trong chúng ta từ lâu vẫn xem như một chuyện đương nhiên phải vậy. Nhưng nếu cứu xét sâu xa theo văn này, thì đó lại là một món nợ hết sức lớn lao mà không thể nào đền trả theo cách thông thường được. Đại sư dạy:

“... cho dù hạt gạo sợi tơ, nhỏ nhặt đến thế cũng phải đền trả đủ, mà quả báo xấu ác cũng khó lòng tránh khỏi.”

Thật đáng sợ thay! Chẳng những về vật chất đã phải đền trả đủ đến từng hạt gạo, sợi tơ, mà người nhận cúng dường nếu không tu tập chân chánh còn phải gánh chịu thêm quả báo xấu ác! Xét như thế thì món nợ này quả thật đáng sợ hơn hết thảy những món nợ vay trả thông thường trong chốn thế gian. Và vì thế, người xuất gia chỉ có một con đường duy nhất để có thể làm lợi mình lợi người, vừa trả dứt món nợ đã vay, vừa thành tựu tâm nguyện đã phát khởi, đó là:

“... vận dụng đủ bi lẫn trí, ... tự trang nghiêm cả phúc lẫn tuệ, khiến cho tất cả đàn-na tín thí đều được nhờ ơn, hết thảy chúng sinh đều được lợi ích...”

Con đường duy nhất này cũng chính là nhân duyên, là động lực thứ tư thôi thúc chúng ta phát tâm Bồ-đề, thành tựu quả Phật.

Mặt khác, mối quan hệ giữa ta với những chúng sinh khác thường chỉ được nhìn nhận trong sợi dây liên hệ trước mắt, của một kiếp sống này. Thế nhưng, nếu chúng ta thực sự tin nhận những gì mà trí tuệ giác ngộ của đức Thế Tôn đã thực sự rõ biết, thì sự hiện hữu từ vô thủy đến nay của mỗi chúng ta đều đã từng trải qua vô số kiếp, nên cũng đã từng có mối quan hệ thân thiết với vô số chúng sinh khác, từng thay nhau làm cha mẹ, con cái của nhau, từng nuôi dưỡng lẫn nhau...

Hơn thế nữa, ngày nay ta may mắn được sinh làm người, được nghe biết nhận hiểu pháp Phật, trong khi vô số những chúng sinh đã từng là cha mẹ của ta, ngày nay hẳn không ít người đang phải chịu khổ não trong ba đường ác, từ những nỗi khổ kinh hoàng trong địa ngục, cho đến mang lông đội sừng trong loài súc sinh hoặc dế giun trùng kiến... Những thảm cảnh ấy, nếu như ta không quan tâm đến việc cứu giúp, độ thoát cho họ, thì quả thật không thể dựa vào đâu mà có thể viên thành đạo quả. Cho nên, đây cũng chính là nhân duyên, là động lực thứ năm thôi thúc ta phát tâm Bồ-đề.

Đến như nỗi khổ sinh tử trong cuộc đời này, đối với hầu hết chúng ta thì bất quá cũng chỉ là vì đời sống ngắn ngủi, không bao lâu đã phải dứt bỏ cuộc đời này, xa cách mọi người thân, từ bỏ mọi ham muốn... Nhưng nếu xét một cách sâu xa theo văn này, thì cái khổ ta thấy được trong một đời thật chẳng đáng vào đâu so với nỗi khổ lăn lộn nhiều đời trong vòng sinh tử, đã không tính đếm được ngày qua, lại càng không hẹn được ngày chấm dứt. Cho nên, đáng sợ nhất vẫn là khi chúng ta:

“... cứ tham luyến như xưa, si mê không khác trước, chỉ sợ trong muôn kiếp ngàn đời, một lần sai sẽ trăm lần sai tiếp.”

Và vì thế phải luôn xét nghĩ:

“Thân người này khó được dễ mất, tuổi đời trôi nhanh không thể níu kéo. Rồi đường trước mịt mờ, một lần biệt ly là thăm thẳm. Nghiệp báo xấu ác trong ba đường dữ, tự làm tự chịu. Đau đớn không sao nói hết, biết ai thay mình nhận lãnh?”

Cho nên, nếu muốn “dứt dòng sinh tử, thoát biển ái dục, cứu mình cứu người, cùng lên bờ giác” thì chỉ có một cách duy nhất là phát tâm Bồ-đề, cầu thành Phật quả. Đó chính là nhân duyên, là động lực thứ sáu thôi thúc ta phát tâm Bồ-đề.

Khi văn này bàn đến nhân duyên thứ bảy - tự tánh linh giác - thì hoàn toàn không còn nằm trong phạm vi nhận biết thông thường của chúng ta nữa, mà chỉ có thể dựa vào niềm tin sâu xa nơi Phật pháp. Người chưa đủ niềm tin vào Phật pháp thì sẽ thấy đây là điều hết sức trừu tượng, khó hiểu, khó tin. Mặc dù trong nhiều kinh điển, đức Phật luôn nhắc lại việc mỗi chúng sinh đều sẵn có tánh Phật, đều có khả năng thành tựu quả Phật, nhưng không phải ai cũng có thể tin nhận chắc chắn điều này. Tuy nhiên, xét kỹ lại thì người Phật tử nếu không tin nhận được lời dạy này, ắt hẳn sự tu tập chỉ có thể hướng về đức Phật như một vị thần cầu xin cứu rỗi, mà không thể quay về nơi chính tự tánh linh giác của mình để nuôi dưỡng quả giác ngộ. Và sự tu tập như thế thì chắc chắn sẽ không thể nào thành tựu quả Phật. Cho nên, tin chắc vào tự tánh sẵn có, vào năng lực thành Phật trong tương lai của chính mình, đó là nhân duyên, động lực thứ bảy thôi thúc ta phát tâm Bồ-đề.

Về ý nghĩa sám hối nghiệp chướng, văn này phân tích một thực trạng mà bình thường chúng ta ít khi nhận biết, đó là phần lớn thời gian trong cuộc đời ta, chỉ cần một chút sơ ý là đã phạm vào tội này nghiệp nọ, nhiều không kể xiết. Người thế tục đã vậy, đối với người xuất gia lại càng dễ phạm hơn, bởi biết bao nhiêu là luật nghi giới hạnh chi ly nghiêm mật, cho nên mới nói rằng:

“... mỗi hành vi, động tác thường phạm giới hạnh; mỗi miếng cơm, ngụm nước luôn trái luật nghi.”

Hơn thế nữa, nhìn nhận trong toàn cảnh luân hồi thì lại càng đáng sợ hơn nữa, bởi vì:

“Mỗi một ngày qua đã phạm vô số tội, huống chi trong suốt một đời, trải qua nhiều kiếp, tội lỗi sinh khởi chắc chắn là không thể nói hết!”

Đã vậy, thực trạng thường gặp lại là: “người bày tỏ phát lộ thì ít, kẻ che giấu lại nhiều”. Tội lỗi nếu không được phát lộ sám hối thì dựa vào đâu mà tiêu trừ? Dựa vào đâu mà sửa đổi? Do đó mà đường trước mênh mang không còn lối thoát, chỉ có thể ngày thêm sa đọa mà thôi.

Nhận biết thực trạng này không phải là một cách nhìn bi quan, mà là một bước khởi đầu nhất thiết phải có nếu chúng ta thực sự muốn thoát ra khỏi vòng sinh tử. Nếu không nhìn nhận đúng thật để nỗ lực hối cải, thì chắc chắn muôn đời ngàn kiếp cũng không bao giờ có thể thay đổi được thực trạng này. Đây chính là nhân duyên, động lực thứ tám thôi thúc ta phát tâm Bồ-đề.

Nhân duyên thứ chín được đề cập trong văn này là niềm tin sâu vững vào pháp môn Tịnh độ, niệm Phật cầu vãng sinh. Đây là một điều rất đáng lưu tâm, bởi ngài Thật Hiền chẳng những được biết là uyên thâm Tam tạng thánh điển, mà còn chứng ngộ thiền cơ sau khi tham cứu công án “ai là người niệm Phật”, tự bộc lộ rằng “ta tỉnh mộng rồi”. Ngài được Pháp sư Thiệu Đàm ấn chứng là thế hệ thứ tư của phái thiền Linh Phong thuộc tông Thiên Thai. Một thiền sư thực chứng thực ngộ như ngài lại hết lòng xiển dương pháp môn Tịnh độ, cho thấy cách nhìn nhận của nhiều người học thiền ngày nay đối với pháp môn Tịnh độ quả thật hết sức sai lệch, mà ý nghĩa “thiền tịnh song tu” có thể thấy rất rõ ở trường hợp của ngài.

Về việc vãng sinh Tịnh độ, Đại sư nêu rõ lý do phát nguyện thật đơn giản dễ hiểu mà hết sức thuyết phục: “Phát tâm là để tu hành, nếu không sinh về Tịnh độ thì dù phát tâm rồi cũng sẽ thối chuyển.” Ngũ trược ác thế là điều thật có, muôn ngàn chướng duyên nơi cõi Ta-bà là không thể phủ nhận. Vì thế, đối với những ai chưa đủ dũng lực và trí tuệ để dấn bước trên đường giải thoát thì việc thối tâm nản chí là hết sức dễ dàng. Ngược lại, vãng sinh về Tịnh độ là một thuận duyên lớn lao, nhân đó có thể giúp cho công phu tu tập của hành giả được ngày thêm sâu vững, đại nguyện độ sinh mới có cơ hội thành tựu mà không lo về sự thối chuyển. Tiến trình tu tập được Đại sư mô tả như sau:

“Ruộng tâm địa gieo hạt giống Bồ-đề, dùng lưỡi cày niệm Phật, thì đạo quả tự nhiên tăng trưởng. Nương con thuyền đại nguyện, vào biển lớn Tịnh độ, cõi Tây phương quyết định được vãng sinh.”

Và do đó, việc cầu sinh Tịnh độ cũng chính là nhân duyên, động lực thứ chín thúc đẩy ta phát tâm Bồ-đề.

Nhân duyên cuối cùng của việc phát tâm Bồ-đề là giữ cho Chánh pháp được trụ thế lâu dài. Trong văn này phân tích và nhìn nhận sự suy vi của đạo Phật trong thời mạt pháp, bởi “Giáo pháp không người tu tập, tà chánh chẳng thể phân, đúng sai không rõ biết; người người tranh đua chạy theo nhân ngã, thảy thảy đều mưu cầu lợi danh”. Trước thực trạng đó, người Phật tử chân chánh không thể không rơi lệ bi thương, khởi phát đại nguyện hoằng dương Chánh pháp. Vì thế, việc cầu sinh Tịnh độ như nói ở phần trên không chỉ là lợi ích cho sự tu tập của riêng mình, mà còn là để “tiến tu lên hàng cửu phẩm, quay lại cõi Ta-bà, làm cho mặt trời Phật đạo rực rỡ huy hoàng như trước, Phật pháp rộng mở khắp thế gian, chư Tăng như biển lớn thanh tịnh trong toàn cõi, người người được hóa độ ngay tại Ta-bà, đời thịnh đức nhờ đó tăng thêm, Chánh pháp trụ dài lâu cõi thế”.

Trong ý nghĩa đó, có thể nói nhân duyên hay động lực cuối cùng này cũng là bao hàm ý nghĩa trọn vẹn nhất của sự phát tâm Bồ-đề, bởi chính là hướng đến việc thành tựu quả Phật để hoằng dương Chánh pháp, cứu độ hết thảy chúng sinh.

Biện giải về sự cần thiết của việc phát tâm Bồ-đề

Nhận thức rõ được mười nhân duyên phát tâm Bồ-đề cũng chính là thấu triệt được ý nghĩa chân chánh của việc phát tâm. Vì thế, khi kết hợp phân biệt các khuynh hướng phát tâm với các nhân duyên thúc đẩy này, thì người tu tập đã có đủ nền tảng để phát tâm. Vấn đề còn lại chính là phải thấy được sự cần thiết của việc phát tâm ấy. Vì sao là cần thiết? Vì thân người là khó được, Phật pháp khó được nghe, cho đến các thuận duyên tu tập cũng đều không dễ có. Nay đường tu đã không chướng ngại, có thể khởi sự tu tập mà lại không quả quyết phát tâm, thì một khi cơ hội đã luống qua, e rằng muôn kiếp ngàn đời cũng không dễ tìm lại được. Vì thế, Đại sư mới tha thiết khuyên dạy khuyến khích:

“Người chưa phát tâm, hôm nay hãy phát tâm; đã phát tâm rồi xin hãy tăng trưởng; đã tăng trưởng rồi, xin hãy tiếp tục đừng gián đoạn.”

Dù vậy, do tập khí mê muội nhiều đời chưa dứt, nên cũng không khỏi gặp phải bao chướng ngại khi phát tâm, mà thường gặp nhất vẫn là những khiếm khuyết, yếu kém mà phần lớn chúng ta không ai tránh khỏi. Vì thế, trong phần này đề cập đến mọi điểm yếu thường gặp đối với một hành giả khi phát tâm như e ngại khó khăn, dể duôi xem thường, quá nhiệt tình nôn nóng, lười nhác biếng trễ, yếu ớt không quả quyết, do dự lần lữa, mặc cảm thua kém, tự ti... Đối với những điều ngăn ngại đó, hành giả cần có quyết tâm hướng thiện, thấy biết sự khiếm khuyết của hiện tại nhưng vững tin ở sự hoàn thiện trong tương lai. Có như vậy thì sự phát tâm mới có thể khả thi. Đại sư nhấn mạnh:

“Nên biết rằng tội nhân trong địa ngục, mà còn có kẻ phát tâm Bồ-đề từ kiếp trước, huống chi là Phật tử trong cõi người, lại không lập đại nguyện đời này?”

Hơn thế nữa, trên đường tiến tu thì sự thối tâm chuyển ý là mối nguy cơ luôn đe dọa, nên người tu tập cần phải luôn tỉnh giác ghi nhớ trong lòng:

“Đừng cho một niệm tưởng là nhỏ nhoi [mà khinh suất dể duôi], đừng nghĩ việc phát nguyện chỉ là [nói suông nên] hư dối không hữu ích. Tâm chân thành thì sự việc đúng thật, nguyện lớn rộng thì chỗ thực hành sâu. Hư không chưa phải lớn, vì tâm này mới là rộng lớn; kim cương chưa phải bền chắc, vì nguyện lực còn bền chắc không gì hơn.”

Nếu thực sự vững lòng tin được như vậy, thì con đường giải thoát dù xa diệu vợi nhưng Phật quả xem như đã ở trong tầm tay, chỉ đợi ngày thành tựu. Tuy nhiên, nếu muốn duy trì tín tâm và hạnh nguyện, người tu tập nhất thiết “phải dùng giới pháp của Phật mà làm đòn roi nhắc nhở thôi thúc; nhờ bạn lành cùng nâng đỡ, dắt dẫn nhau. [Đã phát tâm rồi], dù khi nguy cấp, gấp rút cũng chẳng lìa, dẫu suốt đời trọn kiếp, vẫn nương theo không bỏ, như vậy thì không còn lo gì sự thối thất”.

Kết luận

Trong một bài văn ngắn gọn mà đề cập đến những chủ đề hết sức quan trọng và bao quát, quả thật không dễ dàng chút nào. Để có thể đề cập, phân tích từng khía cạnh của vấn đề một cách chi ly, chính xác và gãy gọn như trên, người viết nhất định phải đã từng trải qua những kinh nghiệm tự thân và có sự nhận hiểu tinh tế, cũng như rõ biết được từng khó khăn, chướng ngại của giai đoạn phát tâm ban đầu. Chính vì thế, những lời chỉ dẫn, khuyên dạy trong bản văn này đã sớm trở thành khuôn vàng thước ngọc cho biết bao người trong suốt mấy trăm năm qua. Hòa thượng Thích Trí Quang chia sẻ kinh nghiệm tự thân của ngài và cảm nhận về bài văn này như sau:

“Phát bồ đề tâm văn là một bài văn rất ngắn, nhưng nội dung của bài văn này, bất cứ người học Phật nào cũng phải nằm lòng, không những vậy mà phải đời đời khắc cốt ghi tâm. Chúng tôi trong những ngày đầu tiên chập chững bước đi trên con đường đạo, may mắn đã đọc được bài văn này. Nếu không có bài văn này có lẽ chúng tôi đã bị dòng thác cuộc đời kéo phăng đi mất.”

Sự thật là không ít người tu tập đã từng bị “kéo phăng đi mất” chỉ vì không có sự kiên tâm lập nguyện ban đầu. Ở ngưỡng cửa bước vào đạo Phật, hầu hết chúng ta đều như nhau, mỗi người đều chất ngất mê lầm với vô vàn tập khí xấu ác. Cho nên, vấn đề không phải là hơn nhau nơi trí tuệ hay năng lực, mà điều quan trọng chính là ở sự kiên tâm lập nguyện. Và muốn có sự kiên tâm lập nguyện thì điều kiện trước tiên là phải thấu triệt được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát tâm Bồ-đề, cũng như những khuynh hướng và nhân duyên, động lực chân chánh của sự phát tâm.

Có thể nói, bài văn ngắn gọn này đã cung cấp cho chúng ta tất cả những yếu tố cần thiết đó. Những ai được đọc qua bài văn này, thật may mắn biết bao!

    « Xem chương trước «      « Sách này có 11 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Gió Bấc


Cẩm nang phóng sinh


Kinh Duy-ma-cật (Việt dịch)


Mục lục Đại Tạng Kinh Tiếng Việt

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.149.27.202 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Việt Nam (71 lượt xem) - Hoa Kỳ (55 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - ... ...