Đừng làm cho người khác những gì mà bạn sẽ tức giận nếu họ làm với bạn. (Do not do to others what angers you if done to you by others. )Socrates
Sự giúp đỡ tốt nhất bạn có thể mang đến cho người khác là nâng đỡ tinh thần của họ. (The best kind of help you can give another person is to uplift their spirit.)Rubyanne
Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi có thể điều chỉnh cánh buồm để luôn đi đến đích. (I can't change the direction of the wind, but I can adjust my sails to always reach my destination.)Jimmy Dean
Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Khi gặp phải thảm họa trong đời sống, ta có thể phản ứng theo hai cách. Hoặc là thất vọng và rơi vào thói xấu tự hủy hoại mình, hoặc vận dụng thách thức đó để tìm ra sức mạnh nội tại của mình. Nhờ vào những lời Phật dạy, tôi đã có thể chọn theo cách thứ hai. (When we meet real tragedy in life, we can react in two ways - either by losing hope and falling into self-destructive habits, or by using the challenge to find our inner strength. Thanks to the teachings of Buddha, I have been able to take this second way.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Những căng thẳng luôn có trong cuộc sống, nhưng chính bạn là người quyết định có để những điều ấy ảnh hưởng đến bạn hay không. (There's going to be stress in life, but it's your choice whether you let it affect you or not.)Valerie Bertinelli
Niềm vui cao cả nhất là niềm vui của sự học hỏi. (The noblest pleasure is the joy of understanding.)Leonardo da Vinci

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH Y HỌC THƯỜNG THỨC »» Viêm gan - Biết để sống tốt hơn »» CHƯƠNG IV: VIÊM GAN SIÊU VI C »»

Viêm gan - Biết để sống tốt hơn
»» CHƯƠNG IV: VIÊM GAN SIÊU VI C

(Lượt xem: 5.641)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Viêm gan - Biết để sống tốt hơn - CHƯƠNG IV: VIÊM GAN SIÊU VI C

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

I. Khái quát về bệnh viêm gan siêu vi C

Viêm gan siêu vi C là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất, vẫn được xem là một hiểm hoạ cho toàn nhân loại. Hiện nay có khoảng hơn 3% dân số trên thế giới mắc bệnh viêm gan siêu vi C... với chừng 170 triệu người đã “cho phép” siêu vi C “thường trú” trong cơ thể mình.

Siêu vi C có đặc tính khác hẳn với các siêu vi A và B. Hơn 85% người nhiễm siêu vi C sẽ có nguy cơ mang siêu vi lâu dài trong cơ thể, so với siêu vi B thì tỷ lệ này chỉ khoảng 10%. Trong số này có khoảng 60% bị viêm gan mạn tính. Và ngay cả viêm gan mạn tính siêu vi C cũng nguy hiểm hơn nhiều so với siêu vi B, bởi vì có 12% bệnh nhân có nguy cơ bị xơ gan và từ 1 đến 5% sẽ bị ung thư gan. Vì thế, mặc dù tỷ lệ mắc bệnh viêm gan siêu vi C hiện nay tại Việt Nam chỉ có khoảng từ 9 đến 10% dân số, bằng một nửa so với bệnh viêm gan siêu vi B, nhưng siêu vi C được xem là nguy hiểm và gây tác hại đáng sợ hơn. Hơn thế nữa, hiện nay chỉ có thuốc chủng ngừa viêm gan siêu vi B chứ chưa có thuốc chủng ngừa viêm gan siêu vi C.

Như vậy, rõ ràng là siêu vi C hung hãn và gây tác hại mạnh mẽ hơn nhiều so với các siêu vi A và B. Tại Hoa Kỳ hiện nay có hơn 4 triệu người đang bị viêm gan siêu vi C mạn tính, và ước tính sẽ có từ 8.000 đến 10.000 người tử vong mỗi năm vì căn bệnh này.

Điều quan trọng là tuy nguy hiểm như thế, nhưng bệnh viêm gan siêu vi C có một vẻ ngoài “hiền lành” thật đáng sợ. Hầu hết các trường hợp viêm gan cấp tính cũng như mạn tính đều không biểu hiện triệu chứng gì đáng kể. Một trong những triệu chứng thường gặp nhất là người mắc bệnh cảm thấy mệt mỏi – nhưng đây lại có thể là triệu chứng của quá nhiều bệnh khác và thậm chí còn là một trạng thái thường gặp ngay cả khi không có bệnh. Vì thế, số người mắc bệnh được phát hiện kịp thời rất ít. Vào năm 1995, người ta công bố một kết quả xét nghiệm khoảng hơn nửa triệu người được xác định là mang siêu vi C ở nước Pháp. Trong đó chỉ có hơn 15% là đã biết được mình bị nhiễm siêu vi C – số còn lại hoàn toàn không hay biết gì cả!

Sự nguy hiểm của căn bệnh quái ác này còn tăng cao hơn nữa khi mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa có thuốc chủng ngừa bệnh như đối với siêu vi A và siêu vi B. Vì thế, cách đối phó với bệnh là phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa khác và theo dõi phát hiện bệnh để điều trị kịp thời. Tất nhiên, như chúng ta đều biết, dù tích cực đến đâu thì cũng không có một biện pháp phòng ngừa nào có thể xem là hữu hiệu hơn việc dùng thuốc chủng ngừa.

Tùy theo phân loại gen (genotype) của siêu vi C gây bệnh, khả năng chữa lành bệnh của từng bệnh nhân có thể khác nhau. Hiện nay người ta ước tính là nếu phát hiện kịp thời, có thể điều trị khỏi cho đến khoảng 90% bệnh nhân viêm gan siêu vi C mạn tính. Tiếc thay, chỉ vì không phát hiện kịp thời nên siêu vi C vẫn tiếp tục gieo rắc thảm hoạ cho rất nhiều người.


II. Vài đặc điểm của siêu vi C

Một trong những “may mắn” mà tạo hoá đã dành cho chúng ta trong việc đối phó với siêu vi C là chúng chỉ lây lan chủ yếu bằng vào sự tiếp xúc trực tiếp qua đường máu. Siêu vi C không lây lan qua thức ăn, nước uống hoặc các yếu tố môi trường khác, cho dù trong nước bọt và mồ hôi của người bệnh có phát hiện thấy một ít siêu vi C.

Một số người cho rằng siêu vi C có lây lan qua hoạt động tình dục, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra là trong tinh dịch cũng như các dịch tiết từ âm đạo đều không có chứa siêu vi C. Một số trường hợp lây lan qua hoạt động tình dục, khoảng chưa đến 5%, được giải thích là do các bệnh nhân nữ đang trong thời kỳ có kinh nguyệt hoặc đang có viêm nhiễm ở bộ phận sinh dục. Các trường hợp bình thường mà bị lây lan qua hoạt động tình dục chưa được chứng minh.

Do lây lan chủ yếu qua việc tiếp xúc máu trực tiếp, nên hai con đường lan truyền chính của siêu vi C là qua truyền máu và qua việc sử dụng các dụng cụ tiêm chích không tiệt trùng.

Khoảng trước năm 1990, việc truyền và nhận máu là một con đường làm ăn khá “phát đạt” cho siêu vi C, với gần 60% người nhận máu bị lây nhiễm. Từ khi phát triển được các kỹ thuật mới trong việc xử lý máu và các chế phẩm từ máu, người ta đã giảm thấp tỷ lệ này đến mức không còn đáng kể nữa. Theo kết quả điều tra tại Pháp vào năm 1997 thì tỷ lệ nhiễm bệnh chỉ còn là một bệnh nhân trong số 204.000 người được truyền máu! Tỷ lệ chung trên toàn thế giới hiện được ước tính là khoảng một trên 100.000 – cũng có thể gọi là khá an toàn.

Và do đó, những bệnh nhân nhiễm siêu vi C ngày nay chủ yếu là do các sây sát ngoài da không được bảo vệ, chăm sóc một cách thích hợp. Có đến khoảng 30% bệnh nhân bị viêm gan C mạn tính không biết là mình đã bị lây lan từ đâu, chính là rơi vào trường hợp này. Một vết thương ngoài da không đáng kể, nhưng nếu kết hợp đủ hai yếu tố sẽ có thể trở thành nguyên nhân cho tai hoạ của cả một đời người: một là không được sát trùng, băng bó cẩn thận, và hai là tình cờ có sự hiện diện của siêu vi C trong môi trường chung quanh nạn nhân.

Các nguyên nhân cụ thể hơn có thể chỉ ra được là những trường hợp tiếp xúc trực tiếp với máu của bệnh nhân, như các nhân viên y tế, hoặc qua các dịch vụ công cộng không đảm bảo vô trùng như cạo mặt, xăm mình, châm cứu, cạo gió, cắt lể... Ngay trong các bệnh viện, sơ sót trong việc tiệt trùng các dụng cụ y khoa cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến lây nhiễm siêu vi C.

Bệnh cũng lây lan trực tiếp từ người mẹ khi sinh con ra, nhưng với một tỷ lệ tương đối thấp, khoảng hơn 5%. Một số người cho rằng nếu sinh con bằng cách mổ lấy sẽ giảm thấp tỷ lệ lây nhiễm hơn, nhưng điều này chưa được chứng minh. Trong thực tế quan sát thấy thì sinh bằng cách mổ lấy hoặc sinh tự nhiên đều có tỷ lệ lây nhiễm như nhau. Tuy nhiên, trong trường hợp số lượng siêu vi trong máu người mẹ quá cao, từ hơn 2 cho đến 3 triệu trong một phân khối (cc) máu, thì khả năng lây nhiễm sẽ cao hơn.

Bệnh không lây qua sữa mẹ, nên người mẹ không phải tránh né việc cho con bú.

Cho dù việc lây lan có phần hạn chế, khó khăn hơn so với siêu vi A và siêu vi B, nhưng do “hoạt động” có hiệu quả hơn, nên siêu vi C đã trở thành nguyên nhân quan trọng nhất gây ra bệnh viêm gan mạn tính trên toàn thế giới.

Siêu vi viêm gan C là một loại siêu vi RNA kỳ lạ có khả năng thay đổi đặc tính di truyền một cách hết sức nhanh chóng và dễ dàng. Tuy loại siêu vi này đã hiện diện khắp mọi nơi trên thế giới từ hơn hai ngàn năm qua, nhưng mãi đến thập niên 1990 người ta mới thực sự khám phá ra được sự hiện diện của nó.

Những cơn dịch “vàng da” do bệnh viêm gan gây ra lan rộng qua thức ăn và nước uống đã được ghi nhận từ nhiều năm trước Công nguyên, nhưng mãi đến cuối thế kỷ thứ 19, người ta mới bắt đầu nghi ngờ là bệnh viêm gan còn có thể lây qua đường máu. Và phải chờ đến hơn 70 năm trôi qua, với sự phát minh ra những phương thức xét nghiệm máu, người ta mới bắt đầu nhận diện được một loại siêu vi gây bệnh viêm gan mới. Qua sự khám phá này, người ta đã tin rằng có 2 loại siêu vi gây ra bệnh viêm gan. Một loại lây lan qua thức ăn, nước uống; đó là siêu vi gây bệnh viêm gan A. Một loại lây lan qua đường máu; đó là siêu vi gây bệnh viêm gan B.

Nhưng một thời gian sau đó, người ta nhận thấy điều này không hoàn toàn đúng, vì có đa số bệnh nhân viêm gan không do siêu vi A hoặc siêu vi B gây ra. Vì thế, vào khoảng đầu năm 1974 người ta đã gọi loại siêu vi đang trong vòng nghi ngờ này là siêu vi viêm gan “không A, không B” (non-A, non-B hepatitis). Cách gọi tên này thậm chí cho đến nay vẫn còn được sử dụng.

Cho đến khi phát triển được những kỹ thuật nghiên cứu các phân tử cực kỳ nhỏ bé (molecular biologic techniques), các khoa học gia mới khám phá thêm được loại siêu vi gây viêm gan thứ ba. Đó chính là siêu vi C.

Trong một thời gian ngắn, các khoa học gia đã phác họa được cơ cấu và hình thù của các siêu vi viêm gan này một cách chi tiết, với từng chất hóa học xếp dọc theo thứ tự trên chuỗi nhiễm thể RNA. Khám phá này là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử y khoa, mở đường cho hàng loạt những khám phá quan trọng kế tiếp trong việc chữa trị bệnh viêm gan C.

Song song với những công cuộc nghiên cứu về các bệnh nhiễm trùng khác, nhất là bệnh AIDS, sự hiểu biết về siêu vi viêm gan C và cách thức điều trị bệnh viêm gan do chúng gây ra đã tiếp tục được phát triển theo hướng rất khả quan.

Siêu vi viêm gan C cực kỳ nhỏ bé, với đường kính chỉ có 50 nm nên phải nhìn dưới kính hiển vi điện tử mới thấy được. Chúng được bảo vệ bởi một lớp vỏ kiên cố, nên phải nấu sôi trên 100 độ C trong vòng 5 phút mới có thể tiêu diệt được chúng. Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn viêm gan C có khuynh hướng tàn phá và tiêu hủy gan một cách tương đối chậm chạp nhưng chắc chắn, dẫn đến viêm gan (inflammation hepatitis), xơ gan (liver fibrosis), chai gan (liver cirrhosis) và ung thư gan (liver cancer).

Trong lúc tăng trưởng, siêu vi C có khả năng “biến hóa”, thay đổi đặc tính di truyền RNA, hóa trang và biến dạng thành nhiều hình thể khác nhau. Khả năng biến hóa này đã giúp chúng thoát khỏi vòng kiểm soát chặt chẽ của hệ thống miễn nhiễm (immune system) trong cơ thể. Vì thế, sau một thời gian ngắn, cơ thể chúng ta có thể chứa đựng hàng tỷ vi khuẩn viêm gan C với nhiều mã di truyền khác nhau, với những chiếc “áo giáp” khác nhau.

Sự biến đổi chất nhiễm thể của siêu vi trong hơn 2000 năm qua đã tạo ra nhiều kiểu loại gen khác nhau (genotype). Người ta phân biệt chúng bằng những tên gọi như siêu vi C số 1, số 2, số 3... Trong mỗi một kiểu loại gen, còn phân ra thành nhiều tiểu loại (subtype) nữa, như a, b, c, d, e... dựa theo những đặc điểm khác nhau của chúng. Ví dụ, chúng ta có thể xác định một loại siêu vi C chính xác hơn như là siêu vi C1a, C1b, C1c, C2a, C2b, C2c... Những khám phá này ban đầu chỉ dùng trong nghiên cứu, nhưng ngày nay đã trở thành những phương thức xét nghiệm máu vô cùng quan trọng trong quá trình xác định và điều trị bệnh viêm gan siêu vi C.

Trong các loại siêu vi viêm gan C, loại số 1 (siêu vi C1) chiếm tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Tại Hoa Kỳ, ước tính có 35% siêu vi thuộc loại C1a và 35% loại C1b. Siêu vi C1b cũng tìm thấy nhiều nhất ở châu Âu, Nhật Bản cũng như Đài Loan. Loại số 3 tìm thấy ở Pakistan, Austraulia, Scotland. Loại số 4 ở Trung Đông, châu Phi và Nam Phi. Loại số 6 tại Hồng Kông và Macao...

Nói chung thì tất cả các loại siêu vi C đều nguy hiểm như nhau, nhưng các tiểu loại C2 và C3 tương đối “dễ chịu” hơn hết. Các loại số 1, nhất là C1b là “khó chịu” hơn cả.

III. Xác định bệnh viêm gan siêu vi C

Thật may mắn cho tất cả chúng ta là gần đây những phương pháp xác định và điều trị bệnh viêm gan siêu vi C đã tiến bộ một cách nhanh chóng và vẫn tiếp tục ngày càng hoàn thiện hơn nữa. Chỉ vài năm trước đây, người ta phải hoàn toàn bó tay trước căn bệnh này và xếp vào loại “vô phương cứu chữa”. Nhưng ngày nay bệnh viêm gan siêu vi C đã có thể chữa trị được, và mặt khó khăn của vấn đề đang nghiêng sang việc phát hiện bệnh.

Không phải người ta không có khả năng phát hiện và xác định chính xác căn bệnh này, nhưng vấn đề là ở chỗ hầu hết các bệnh nhân đều không hề hay biết. Trừ một số ít người tuân thủ chế độ kiểm tra sức khỏe và thử máu định kỳ, còn hầu hết những người khác sẽ không biết gì cả cho dù siêu vi C đang âm thầm chuẩn bị cho việc tàn phá cơ thể họ.

Vì thế, cho đến nay thì việc thử máu định kỳ mỗi năm vẫn là phương pháp thực tiễn nhất trong việc phát hiện bệnh viêm gan C. Mặc dù các xét nghiệm thông thường chưa thể giúp xác định chính xác căn bệnh, nhưng chỉ cần thử máu tổng quát và phát hiện phân hóa tố ALT (men gan) tăng cao bất thường, khả năng viêm gan sẽ được nghĩ đến. Từ đó, bác sĩ chuyên môn sẽ tiếp tục tiến hành việc xác định thêm các yếu tố khác trước khi kết luận.

Để xác định bệnh viêm gan siêu vi C, hiện nay người ta thường áp dụng một số các phương pháp xét nghiệm như sau đây.

1. Thử máu

a. Phân hóa tố ALT

Đây là một chất được tìm thấy khắp nơi trong cơ thể. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc chất ALT tăng cao một cách bất thường. Nhưng trong đó viêm gan (hepatitis) là nguyên nhân chính và cần thiết phải được nghĩ đến trước tiên.

Trong bước suy đoán đầu tiên, nồng độ tăng cao của chất ALT có thể là dấu hiệu tỷ lệ thuận với mức độ viêm nhiễm của gan. Tuy nhiên, đó chỉ là suy đoán theo các trường hợp chung nhất, thông thường nhất, vì thế chỉ có giá trị gợi ý mà hoàn toàn chưa thể xác định. Bởi vì trong thực tế vẫn có một số trường hợp gan bị viêm rất nặng nhưng nồng độ ALT trong máu tăng rất ít. Một số trường hợp khác, nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng nồng độ ALT trong máu lại không liên quan gì đến gan. Và trường hợp tệ hại hơn cả là chất ALT hoàn toàn không thay đổi nhưng lá gan đã bị chai đi.

Tuy nhiên, trong giai đoạn tìm kiếm đầu tiên thì sự thay đổi của chất ALT trong máu cho đến nay vẫn được xem là yếu tố mang lại nhiều thông tin hữu ích nhất cho việc chẩn đoán.

Nói một cách tổng quát, nếu chất ALT tăng cao hơn mức trung bình trong một thời gian ngắn, cần phải nghĩ ngay đến khả năng bị viêm gan.

b. Bilirubin

Đây là chất cặn bã từ những hồng huyết cầu già nua bị phế thải trong chu kỳ tuần hoàn của máu. Chất mật này màu vàng, thông thường được các tế bào gan xử lý trước khi thải ra bên ngoài theo phân và nước tiểu. Màu vàng của phân và nước tiểu là do chất bilirubin tạo ra. Trong một số bệnh liên quan đến gan, chất bilirubin tăng cao hơn mức thông thường. Khi tăng cao đến hơn 0,35 đến 0,40 mg trong một lít thì da và mắt có thể có màu vàng.

c. HCV-Ab

Đây là từ viết tắt của cụm từ Heppatitis C Virus-Antibody. Nếu kết quả xét nghiệm này dương tính, có nghĩa là đang bị bệnh viêm gan C. Chất kháng thể này được chế tạo từ những bạch huyết cầu của hệ thống miễn nhiễm để chống lại siêu vi C, nhưng không đủ khả năng tiêu diệt chúng.

d. Quantative HCV-RNA

Xét nghiệm loại này rất quan trọng, được sử dụng trong lúc theo dõi sự tiến triển của bệnh khi đang điều trị. Với phương pháp đặc biệt này, người ta sẽ đếm được tổng số siêu vi viêm gan C trong một phân khối (cc) máu của bệnh nhân vào từng thời điểm khác nhau. Bệnh được xác định là không thuyên giảm nếu như số lượng siêu vi không giảm bớt đi sau 6 tháng chữa bệnh.

e. Genotype

Tức là kiểu loại di truyền của siêu vi. Xét nghiệm này giúp cho bác sĩ điều trị xác định được là mình đang “đối mặt với ai” để có thể quyết định các phương thức điều trị. Thời gian điều trị bệnh viêm gan C sẽ tùy thuộc vào kết quả của cuộc thử máu này. Nếu genotype được xác định là loại số 1, bệnh nhân cần điều trị khoảng một năm. Nếu là loại số 2 hoặc 3, thời gian sẽ là khoảng 6 tháng. Những loại khác có thể phải điều trị từ 6 đến 12 tháng, tùy theo từng trường hợp.

f. Alfa-Feto-Protein

Đây là một chất đạm có thể tăng cao trong trường hợp gan bị ung thư. Nhưng trong một số điều kiện khác, chất này cũng có thể tăng cao hơn bình thường. Người bị viêm gan mạn tính vì bất cứ một lý do nào đều cần phải theo dõi chất này một cách thường xuyên như một dấu hiệu cảnh báo.

g. PT và aPTT

Các từ này viết tắt từ những cụm từ Prothrombin Time (PT) và activated Partial Thoromboplastin Time (aPTT).. Hai loại xét nghiệm này đo thời gian cần thiết để máu đông đặc lại. Khi chức năng của gan bị giảm dần, thời gian đông máu trở nên dài hơn và bệnh nhân dễ bị chảy máu.

2. Siêu âm gan (Ultrasonography)

Phương pháp siêu âm gan cho chúng ta một khái niệm về hình thù và kích thước của gan. Nếu bị chai, gan có thể sẽ nhỏ hơn bình thường. Mặt ngoài của gan có thể bị lồi lõm. Phương pháp thử nghiệm này cũng có thể nhận diện được một số bệnh tật khác như bướu (tumor) hoặc ung thư (cancer), sạn trong túi mật (gallstone), gan đóng mỡ (fatty liver).

Với ứng dụng nguyên lý hiệu ứng Doppler, sự di chuyển của máu qua lá gan cũng có thể được xác định một cách chính xác. Ngoài ra, siêu âm bụng cũng là phương pháp rất tốt để xem bệnh nhân có bị cổ trướng (ascites) hay không.

3. Sinh thiết gan (liver biopsy)

Trong phương pháp này, một số tế bào gan sẽ được lấy ra bằng một kim rất nhỏ, đâm qua giữa xương sườn vào thẳng nơi lá gan. Nhờ dùng đến thuốc gây tê nên bệnh nhân chỉ cảm thấy hơi khó chịu chứ không đau đớn lắm. Để giảm thiểu tối đa những biến chứng không may, kim chích sẽ được kết hợp hướng dẫn bằng máy siêu âm.

Việc sinh thiết gan được thực hiện rất nhanh, không đầy mười phút từ lúc siêu âm, tiêm thuốc gây tê cho đến lúc sinh thiết. Sau đó, bệnh nhân thường sẽ được theo dõi tại bệnh viện trong vòng 6 đến 8 giờ đồng hồ. Phương pháp này tương đối an toàn. Thỉnh thoảng cũng có một vài biến chứng như chảy máu, lủng phổi, ruột..., nhưng rất hiếm hoi và có thể can thiệp ngay được. Xét nghiệm này tuy tốn kém nhưng có thể mang lại nhiều dữ kiện quan trọng trong việc xác định và điều trị bệnh viêm gan.

Tùy theo mức độ viêm gan được xác định qua kết quả sinh thiết gan, có thể xác định một cách tương đối nguy cơ chuyển sang chai gan của người bệnh. Thường thì người ta phân ra làm bốn cấp độ với mức tiên liệu qua khảo sát từ nhẹ đến nặng như sau:

– Viêm nhẹ: 7% bệnh nhân có nguy cơ chai gan sau 5 năm, 7% bệnh nhân có nguy cơ chai gan sau 10 năm, 7% bệnh nhân có nguy cơ chai gan sau 20 năm.

– Viêm khá nặng: 25% bệnh nhân có nguy cơ chai gan sau 5 năm, 44% bệnh nhân có nguy cơ chai gan sau 10 năm, 95% bệnh nhân có nguy cơ chai gan sau 20 năm.

– Viêm rất nặng: 68% bệnh nhân có nguy cơ chai gan sau 5 năm, 100% bệnh nhân có nguy cơ chai gan sau 10 năm, 100% bệnh nhân có nguy cơ chai gan sau 20 năm.

– Xơ gan: 58% bệnh nhân có nguy cơ chai gan sau 5 năm, 100% bệnh nhân có nguy cơ chai gan sau 10 năm, 100% bệnh nhân có nguy cơ chai gan sau 20 năm.

Một cách tổng quát, kết quả phát hiện mức độ viêm của gan càng cao thì tiên liệu bệnh càng xấu. Vì thế, việc phát hiện bệnh sớm đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong điều trị bệnh viêm gan siêu vi C.

IV. Diễn tiến của bệnh viêm gan siêu vi C

Tương tự như viêm gan siêu vi A và B, và thậm chí còn “thầm lặng” hơn nữa, bệnh viêm gan C thường không có bất cứ một triệu chứng đặc trưng nào. Phần lớn các biểu hiện của người bệnh đều rất chung chung, mờ nhạt.

Nói chung, sau giai đoạn viêm cấp tính sẽ có khoảng 10 đến 15% số bệnh nhân may mắn được hoàn toàn khỏi bệnh, không cần điều trị gì cả.

Từ 20 đến 25% bệnh nhân sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính âm thầm. Siêu vi C ở các bệnh nhân này “không hoạt động”, do đó họ không có triệu chứng gì và cũng không bị thương tổn ở gan. Những người may mắn này rất hiếm khi hoặc thậm chí có thể nói là không bao giờ chuyển sang xơ gan.

Như vậy, có từ 30 đến 40% số người nhiễm siêu vi viêm gan C sẽ thuộc vào loại “thử qua cho biết”, và sau đó không để lại hậu quả xấu nào.

Đa số các trường hợp kém may mắn hơn chiếm tỷ lệ từ 60 đến 70% sẽ chuyển sang viêm gan mạn tính thể phát triển. Trong số này, phần lớn được tiên liệu cũng không tử vong vì bệnh, vì các thương tổn của gan nhẹ và phát triển chậm. Nhưng có khoảng 20% sẽ gặp nguy hiểm sau 10 đến 20 năm vì phát triển thành xơ gan và thậm chí có thể chuyển sang ung thư gan. Tỷ lệ ung thư gan hàng năm do bệnh này có thể là từ 1 đến 5%.

1. Viêm gan siêu vi C cấp tính

Thời gian ủ bệnh thông thường từ 7 đến 8 tuần lễ sau khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Khoảng 30% số người bị nhiễm siêu vi C có thể sẽ bỗng nhiên cảm thấy hơi khó chịu như những cơn cảm cúm nhẹ. Bệnh không tấn công gan một cách mạnh mẽ hoặc tàn phá dữ dội, nên gần như sẽ không có nguy cơ tử vong trong giai đoạn này.

Một số người khác có thể có triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, đau nhức khớp xương và bắp thịt. Nhiều khi cũng có thể cảm thấy buồn nôn, khó chịu, đau bụng, tiêu chảy, ăn kém ngon, giảm trọng lượng cơ thể... Đôi khi bị sốt hoặc nổi ngứa ngoài da. Khoảng 30% số người nhiễm siêu vi C có thể sẽ có các dấu hiệu vàng da, vàng mắt...

Các triệu chứng nói trên thường kéo dài từ 6 đến 8 tuần và từ từ thuyên giảm, rồi hoàn toàn biến mất sau một thời gian ngắn. Sau đó bệnh chuyển sang một trong các tiên liệu sau:

– Tiềm ẩn, không hoạt động (dormant)

– Tiếp tục phát triển (chronic active)

Thật đáng tiếc là cho đến nay chúng ta vẫn chưa xác định được những yếu tố nào sẽ quyết định việc tiến triển của bệnh viêm gan siêu vi C trong giai đoạn này. Một số người may mắn rơi vào trường hợp siêu vi “không hoạt động”, và một số khác lại tiếp tục bị bệnh viêm gan tàn phá cơ thể. Chưa có một biện pháp tích cực nào để ngăn chặn hoặc định hướng cho sự phát triển của bệnh vào lúc này. Nhưng có một điều chắc chắn được nhận thấy là có từ khoảng 80 đến 90% số người bị nhiễm siêu vi C, mặc dầu sống rất khỏe mạnh, sẽ từ từ chuyển sang giai đoạn nguy hiểm hơn: viêm gan siêu vi C mạn tính.

2. Viêm gan siêu vi C mạn tính

Mặc dầu gan thực sự mỗi ngày một suy yếu đi, nhưng đa số các bệnh nhân trong thời kỳ này vẫn chưa có bất cứ một triệu chứng nào đáng kể. Chỉ khoảng 6% bệnh nhân viêm gan siêu vi C mạn tính có một vài triệu chứng, nhưng cũng rất mơ hồ và rất nhẹ, nên thường không được lưu ý đến. Triệu chứng thường gặp nhất là mệt mỏi, thường vào xế chiều. Khả năng tập trung tư tưởng có thể giảm dần một cách tương đối nhanh chóng.

Một số ít người cảm thấy hơi đau, có khi đau nhói, ở phần bụng trên dưới xương sườn bên phải (vị trí của gan) hoặc buồn nôn, khó chịu, da nổi ngứa, đau khớp xương và bắp thịt... Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển mỗi ngày một nặng hơn. Mức độ sưng viêm của gan mỗi ngày một nặng hơn, dẫn đến xơ gan, rồi chai gan.

Thông thường, sau một thời gian trung bình là 20 năm, lá gan của người mang bệnh siêu vi C mạn tính bắt đầu bị xơ, và từ từ chuyển sang chai gan. Trong một số trường hợp hiếm hoi hơn, thời gian tiến triển từ viêm gan đến chai gan có thể kéo dài hơn 50 năm. Tiến trình chai gan của mỗi bệnh nhân nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và điều kiện khác nhau. Quan trọng nhất là trạng thái sưng đỏ của tế bào gan, khi bệnh mới được phát hiện. Khi xét nghiệm tế bào gan dưới kính hiển vi, người ta có thể ước đoán một cách tương đối thời gian mà tế bào gan sẽ chuyển từ viêm sang chai.

Tuy nhiên, nhiều yếu tố khác nhau có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự tiến triển của bệnh viêm gan C. Vì thế bệnh cũng có thể sẽ phát triển nhanh chóng hơn dự tính rất nhiều. Những người bị viêm gan siêu vi C vì nhận máu nhiễm khuẩn sẽ bị chai gan nhanh hơn, thường là từ 8 đến 14 năm sau khi nhiễm siêu vi. Có lẽ do số lượng siêu vi lây nhiễm theo cách này là quá nhiều, nên gan có thể bị tấn công quá mạnh và do đó có mức độ sưng viêm nặng nề hơn.

Việc uống nhiều rượu bia cũng sẽ gây thương tổn cho các tế bào gan, và gan sẽ bị chai nhanh hơn – tất nhiên nếu uống ít cũng không phải là ... vô hại! Người mắc bệnh viêm gan siêu vi C mạn tính mà uống rượu bia chẳng khác gì “châm dầu vào lửa”.

Đây cũng là một thành tựu đáng kể trong sự hiểu biết của chúng ta về bệnh viêm gan mạn tính. Chỉ mới vào những năm 1980, nhiều người vẫn cho rằng rượu có thể “chữa trị” được bệnh viêm gan – mà lúc bấy giờ bị nhầm cho là “ngộ độc”. Ngày nay thì rượu đã được ghi vào “sổ đen” như một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần gây ra viêm gan mạn tính.

Các loại thuốc trị bệnh đôi khi cũng có thể làm cho lá gan bị chai đi nhanh hơn. Vì thế, người bị viêm gan siêu vi C mạn tính nên hết sức thận trọng khi dùng bất cứ loại thuốc nào. Ngay cả các loại thuốc Nam, thuốc Bắc cũng chưa chắc là đã không có ảnh hưởng đến gan. Tốt nhất là nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Nhiều người nôn nóng trong điều trị hoặc thiếu niềm tin vào phương pháp trị liệu đang theo đuổi nên quay sang dùng kèm những loại thuốc khác. Trong đa số trường hợp, điều này chỉ càng làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn mà thôi.

Gan cũng sẽ bị tàn phá nhanh chóng hơn nếu bệnh nhân đồng thời còn bị nhiễm trùng bởi nhiều loại siêu vi viêm gan hoặc các bệnh khác. Chẳng hạn như cùng lúc bị viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C, viêm gan siêu vi D hoặc bệnh AIDS.

Không phải tất cả những người bị bệnh viêm gan siêu vi C đều sẽ bị chai gan. Trên lý thuyết, chỉ có khoảng 5% bệnh nhân đi đến tử vong bởi căn bệnh này. Vì thế, phát hiện bệnh sớm có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc tránh được các thảm họa như xơ gan, chai gan hoặc ung thư.

3. Biến chứng của bệnh viêm gan siêu vi C

Ngoài những đặc tính cơ bản của một bệnh truyền nhiễm (infectious disease), bệnh viêm gan siêu vi C còn có thể gây ra một số những triệu chứng điển hình của các bệnh liên quan đến hệ thống miễn nhiễm (auto-immune disease).

Cơ thể của người bị viêm gan siêu vi C có thể tích lũy một số các chất đạm (protein) và kháng thể khác nhau nhiều hơn mức bình thường. Khi những chất này trở nên quá nhiều đến mức độ nào đó, chúng sẽ gây ra một số bệnh tật như đau nhức khớp xương, mệt mỏi, mất sức, nổi mề đay, suy thận cũng như chứng u bạch huyết (lymphoma).

Bệnh viêm gan siêu vi C cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến một số bệnh về nội tiết (endocrinology). Trong đó có các bệnh của tuyến giáp (thyroid disease), bệnh tiểu đường (diabete mellitus), hội chứng Sjogren (làm khô miệng, khô môi...).

V. Điều trị bệnh viêm gan siêu vi C

1. Thuốc Interferon và Ribavirin

Vào khoảng năm 1986, nghĩa là trước khi siêu vi viêm gan C được nhận dạng, người ta đã biết đến việc ứng dụng một loại thuốc trong việc chữa trị căn bệnh viêm gan này, lúc bấy giờ được gọi là bệnh viêm gan do siêu vi “không A, không B” (non-A, non-B). Đó là thuốc Interferon, một trong số các loại thuốc cũng được dùng để chữa các bệnh nhiễm trùng và ung thư.

Mặc dù vậy, khả năng điều trị bệnh viêm gan siêu vi C cho đến cách đây chừng một thập niên thôi vẫn còn là rất khó khăn và được xem như rất ít hy vọng.

Ngày nay, khả năng chữa lành bệnh đã tăng lên nhiều hơn, và những hiểu biết mới cho phép người ta chủ động hơn trong tiến trình điều trị.

Interferon là một trong những chất quan trọng được tìm thấy trong hệ thống miễn nhiễm của chúng ta. Khi bị cảm cúm hoặc nhiễm trùng, các bạch huyết cầu của cơ thể sẽ tạo ra rất nhiều chất này và phân phối đi khắp nơi trong cơ thể. Nhờ vào chất Interferon, hệ thống miễn nhiễm sẽ nhanh chóng nhận diện được các siêu vi hoặc vi trùng vừa xâm nhập vào cơ thể và tiêu diệt chúng một cách dễ dàng.

Tuy nhiên, với siêu vi C thì vấn đề không đơn giản như vậy. Với khả năng biến hóa tài tình, siêu vi viêm gan C nhiều khi có thể tàn phá cơ thể mà hệ thống miễn nhiễm vẫn không thể nhận ra. Trong những trường hợp đó, dù có tiếp thêm Interferon vào cơ thể người bệnh cũng không mang lại hiệu quả gì đáng kể.

Vì thế, trong liệu trình điều trị trước đây, khi Interferon được dùng kéo dài trong một năm với liều dùng mỗi tuần 3 mũi tiêm dưới da, chỉ có tác động tốt với chừng 30% bệnh nhân. Hơn thế nữa, thuốc còn gây ra khá nhiều phản ứng phụ.

Cho đến nay đã có khá nhiều loại Interferon khác nhau, như Interferon alfa-2b (Intron-A của hãng Schering), Interferon alfacon-I (Infergen của hãng Amgen), Interferon alfa-2a (Roferol của hãng Roche)... được dùng trong việc điều trị bệnh viêm gan siêu vi C.

Bệnh nhân có thể tự mình tiêm thuốc vào dưới da (subcutaneous injection) bằng một kim rất nhỏ, giống như kim chích người bị tiểu đường, mỗi tuần 3 lần trong suốt quá trình điều trị. Thuốc thường được chích vào buổi tối trước khi đi ngủ. Nếu sử dụng đúng liều lượng, các loại thuốc kể trên đều đạt hiệu quả tương tự như nhau. Rất tiếc là kết quả điều trị đơn độc (monotherapy) loại thuốc này không cao lắm. Chỉ có khoảng từ 15 đến 35% tổng số bệnh nhân có khả năng được dứt bệnh. Một số khá nhiều bệnh nhân lại có nguy cơ tái phát sau một thời gian nghỉ thuốc. Điều này đã mang lại nhiều thất vọng cho cả bác sĩ lẫn bệnh nhân.

Trong những năm gần đây, nhờ vào những khám phá và kinh nghiệm có được từ phương thức trị liệu bệnh AIDS, cách điều trị bệnh viêm gan siêu vi C cũng có thay đổi, trở nên tinh vi hơn với khuynh hướng kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau (combination therapy). Hiệu quả điều trị đã tăng cao hơn trước rất nhiều.

Điều trị kết hợp điển hình nhất hiện nay đối với bệnh viêm gan siêu vi C là sử dụng cùng lúc 2 loại thuốc Interferon và Ribavirin.

Ribavirin là một loại thuốc viên, tên thương phẩm Rebetol do hãng Schering độc quyền. Cấu trúc của thuốc có hình dáng tương tự như những đơn vị của nhiễm thể RNA. Người ta tin rằng nếu dùng đúng liều ribavirin có thể ngăn cản được sự tăng trưởng của siêu vi. Tuy nhiên, nếu dùng đơn độc thì thuốc không đủ sức tiêu diệt siêu vi viêm gan C.

Việc sử dụng kết hợp Ribavirin với thuốc chích Interferon (combination therapy) đã mang lại một kết quả rất bất ngờ. Trong phương pháp này, siêu vi viêm gan C sẽ bị tấn công trên nhiều mặt trận khác nhau. Trong lúc Interferon tăng cường hệ thống miễn nhiễm và ngăn cản vi khuẩn viêm gan tấn công các tế bào gan còn lành mạnh, chất Ribavirin sẽ ngăn cản không cho các vi khuẩn đã có trong cơ thể tiếp tục tăng trưởng. Phương pháp điều trị kết hợp này đã được phổ biến đến mức ở Hoa Kỳ người ta thường bán chung cả hai loại trong một hộp thuốc với tên là Rebetron.

Gần đây nhất, người ta lại khám phá thêm một loại Interferon mới, hiệu quả tốt hơn, với tên gọi là PEG-Interferon. Thuốc này có nhiều ưu điểm hơn so với các loại Interferon cũ. Thời gian hiệu lực cũng dài hơn, nên PEG-Interferon chỉ cần chích mỗi tuần một lần thay vì 3 lần như các loại thuốc cũ.

Ngoài việc dễ sử dụng hơn, công hiệu của thuốc cũng khả quan hơn nhiều. Khi điều trị kết hợp với Ribavirin trong vòng 6 tháng, tỷ lệ bệnh nhân hoàn toàn khỏi bệnh lên đến 88% đối với bệnh nhân viêm gan siêu vi C loại số 2 và số 3. Đối với các bệnh nhân thuộc loại “khó chịu” như các loại viêm gan siêu vi C1a, C1b... tỷ lệ khỏi bệnh cũng lên đến khoảng 50% với thời gian dùng thuốc là một năm.

2. Các phản ứng phụ của thuốc

Khi sử dụng Ribavirin, có ba vấn đề mà người điều trị cần lưu ý:

1. Thuốc chỉ dùng cho bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên, không dùng cho trẻ em. Vì thuốc có nhiều phản ứng phụ, một số bác sĩ khuyên bệnh nhân trên 65 tuổi không nên dùng. Bệnh nhân phải có khả năng tự chích hoặc liên lạc được ngay với bác sĩ điều trị trong trường hợp bị quá nhiều phản ứng phụ của thuốc.

2. Thuốc Ribavirin có thể tác động xấu đến sự phát triển của bào thai, có nguy cơ dẫn đến quái thai hoặc dị dạng, nên việc có thai trong thời gian chữa trị phải được ngăn ngừa một cách tuyệt đối. Chỉ cần một trong hai người, vợ hoặc chồng, đang dùng thuốc Ribavirin thì việc có thai cũng đều nguy hiểm. Bệnh nhân chỉ có thể có con an toàn sau khi đã ngưng dùng thuốc ít nhất là 6 tháng. Nếu người bệnh hoặc vợ của người bệnh là phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ, việc khám thử thai (pregnancy test) hàng tháng là cần thiết để có thể xử lý kịp thời.

3. Những kim chích sau khi đã dùng xong không được vất bừa bãi, cần phải được cất giữ cẩn thận trong những hộp đựng kim đặc biệt để tránh tình trạng lây bệnh cho người khác. Thông thường thì các nơi xét nghiệm máu có thể giúp chúng ta tiêu hủy những hộp đựng kim này theo tiêu chuẩn an toàn đã được quy định. Ngoài ra, thuốc chích phải được giữ trong tủ lạnh theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Đối với Interferon cũng có nhiều phản ứng phụ khác nhau. Thường thì những phản ứng phụ này khá mạnh mẽ sau mũi thuốc đầu tiên hoặc gây khó chịu trong một vài tuần lễ đầu, nhưng sẽ giảm dần khi cơ thể bắt đầu làm quen với thuốc.

Một số người may mắn không gặp phản ứng phụ nào đáng kể trong khi dùng thuốc. Nhưng ngược lại cũng có những bệnh nhân gặp phải các phản ứng phụ mạnh mẽ đến nỗi tưởng như không sao chịu được, thậm chí có thể phải từ bỏ việc điều trị. Trong trường hợp này, nếu hiểu biết đầy đủ về các phản ứng phụ của thuốc có thể sẽ giúp người bệnh kiên nhẫn hơn và chịu đựng tốt hơn.

Một số hiểu biết và các biện pháp cụ thể sau đây có thể giúp làm giảm nhẹ phần nào khó khăn trong khi dùng thuốc:

1. Interteron có những phản ứng phụ tương tự như những cơn cảm cúm. Bệnh nhân thường cảm thấy hâm hấp nóng, mệt mỏi, đau nhức mình mẩy, tay chân sau khi chích thuốc. Người mệt mỏi, rét lạnh, miệng khô đắng, khó chịu hoặc cảm thấy buồn nôn. Biếng ăn vì mất vị giác, mọi thứ đều trở nên nhạt nhẽo trong miệng, dẫn đến giảm sút rất nhanh trọng lượng cơ thể. Tóc có thể mỏng dần, thưa thớt... Những triệu chứng vừa nói thường nặng nhất trong 2 tuần lễ đầu, nên người bệnh có thể chủ động trước bằng cách xin nghỉ việc hoàn toàn trong thời gian này. Các triệu chứng đều sẽ từ từ giảm dần nếu việc điều trị được tiếp tục.

2. Các triệu chứng kể trên thường bắt đầu xuất hiện từ 4 đến 6 giờ đồng hồ sau khi dùng thuốc. Vì thế, nên chích trước khi đi ngủ. Giấc ngủ say có thể giúp chúng ta giảm nhẹ các phản ứng của thuốc. Nếu quá khó chịu, có thể dùng từ một đến hai viên Advil 400 mg (ibuprofen) hoặc 2 viên Tylenol 500 mg (acetaminophen) trước hoặc sau khi chích. Tuy nhiên, không được dùng quá liều, nhất là nếu uống chung với rượu hoặc bia có thể làm cho gan bị hủy hoại một cách nhanh chóng hơn.

3. Vì thuốc được sử dụng 3 ngày trong tuần, nên nếu có thể chủ động thì nên sắp xếp công việc trong tuần sao cho phù hợp. Thông thường nhất thì dùng thuốc vào thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy. Như vậy chỉ có hai ngày làm việc trong trạng thái khó chịu sau khi dùng thuốc. Ngày Chủ nhật sẽ giúp người dùng thuốc dễ chịu hơn. Nếu dùng loại thuốc mới DEG-Interferon thì mỗi tuần chỉ dùng một lần, nên chích vào tối thứ Sáu.

4. Nên uống thật nhiều nước, tránh dùng cà phê và rượu. Nếu quá mệt cần phải được nghỉ ngơi thường xuyên. Nếu có triệu chứng buồn nôn thì nên chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa hơn, tránh ăn các chất béo như dầu, mỡ. Nên ăn thật nhiều rau luộc và các loại trái cây ngọt, cũng như dùng thêm các thức ăn vặt để bổ sung dinh dưỡng, tránh tình trạng sút giảm thể trạng do ăn ít. Khi miệng khô hoặc đắng chát, nên đánh răng nhiều lần, hoặc súc miệng thường xuyên. Một số bệnh nhân bị lở miệng và lưỡi trong khi chích thuốc, có thể súc miệng bằng peroxide (H2O2) pha với nước ấm (pha nửa nước, nửa thuốc).

5. Nên tập thể dục thường xuyên. Tránh những động tác quá nặng nề nhưng nhất thiết phải duy trì hàng ngày các bài thể dục thích hợp vào buổi sáng. Tập thêm một số động tác nhẹ nhàng buổi chiều trước bữa ăn tối càng tốt. Tập thể dục thường xuyên không những làm cơ thể chúng ta được thoải mái, mà còn có thể giảm đi sự đau đớn khớp xương và bắp thịt do thuốc gây ra.

6. Interferon có thể làm thay đổi tính khí hoặc gây ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần của bệnh nhân. Người bệnh có thể trở nên bực bội, cáu gắt, dễ nổi nóng, mất tự chủ... Việc tập trung tư tưởng trở nên khó khăn. Nguy hiểm nhất là tâm trạng buồn phiền, chán đời, không muốn sống và nhiều khi có ý định tự tử... Trong lúc chữa trị, cần biết trước để có thể thích nghi kịp thời với những thay đổi này. Nhất là những người thân trong gia đình cũng cần biết hoặc cần được chính người bệnh chia sẻ sự thất thường đó để nâng đỡ tinh thần khi cần thiết.

7. Nếu đau đầu có thể dùng nhiều phương pháp khác nhau để giúp thư giãn đầu óc. Nghe nhạc nhẹ cũng là một cách khá hiệu quả. Tránh xem ti-vi quá lâu trong giai đoạn này. Đơn giản như việc dùng tay tự xoa bóp nhẹ hai bên thái dương và cổ đôi khi cũng rất có hiệu quả.

8. Interferon cũng có thể ngăn cản hoạt động của tủy xương, gây ra thiếu máu. Thiếu hồng huyết cầu làm cho bệnh nhân dễ thấy mệt. Thiếu bạch huyết cầu làm cho cơ thể dễ bị nhiễm trùng. Và thiếu tiểu cầu làm cho cơ thể dễ bị chảy máu. Phản ứng phụ loại này cần được can thiệp kịp thời, vì thế trong thời gian dùng thuốc cần phải xét nghiệm máu ít nhất là mỗi tháng một lần để phát hiện.

9. Một trong những phản ứng phụ nguy hiểm nhất của thuốc Interferon là gây nhồi máu cơ tim (heart attack). Trường hợp này có thể xảy ra cho bất cứ ai trong lúc chích thuốc. Tuy nhiên, nguy cơ này cao hơn ở các đối tượng đang bị cao áp huyết máu, đang bị tiểu đường, đang có hàm lượng cholesterol quá cao trong máu, hoặc những người nghiện thuốc lá và người già trên 65 tuổi. Vì thế, các đối tượng này cần biết để có sự phòng ngừa trước hầu có thể can thiệp kịp thời.

Tóm lại, với những hiểu biết hiện nay và việc ứng dụng các loại thuốc mới, đa số bệnh nhân viêm gan siêu vi C ngày nay đều có hy vọng có thể hoàn toàn hết bệnh nếu kiên trì điều trị trong một thời gian lâu dài.

Tuy nhiên, những hiểu biết về căn bệnh quái ác này cũng cho chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của việc phát hiện và điều trị sớm. Bệnh càng được phát hiện sớm thì khả năng điều trị hết bệnh càng cao hơn, trong khi ngược lại những phát hiện muộn màng thường dẫn đến khó khăn hoặc thất vọng hoàn toàn.

VI. Phòng ngừa bệnh viêm gan siêu vi C

Cho đến nay vẫn chưa có thuốc chủng ngừa siêu vi viêm gan C. Ngay cả những hy vọng về một loại thuốc chủng ngừa cho căn bệnh này trong tương lai cũng chưa thấy hé mở. Điều này có những lý do đặc biệt của nó:

1. Như đã nói trước đây, siêu vi C có khả năng biến hóa, thay đổi các đặc tính di truyền bằng cách thay thế những chất hóa học trên nhiễm thể của mình. Điều này chẳng những gây khó khăn cho hệ thống miễn nhiễm trong việc phát hiện và đối phó với chúng, mà còn là nguyên nhân khiến cho việc tìm ra thuốc chủng ngừa bệnh này trở nên cực kỳ khó khăn.

2. Siêu vi C không “hoạt động” với bất cứ loài động vật nào khác ngoài con người và một loài tinh tinh (chimpanzé). Vì thế, việc nghiên cứu thử nghiệm rất khó khăn.

3. Khả năng sao chép của siêu vi C trong điều kiện phòng thí nghiệm rất yếu ớt.

Vì thế, việc phòng ngừa bệnh viêm gan siêu vi C hiện nay chủ yếu là tập trung vào các biện pháp ngăn chặn từ đầu.

Như đã biết, siêu vi viêm gan C lây lan chủ yếu qua sự tiếp xúc trực tiếp với máu của người có bệnh, nên các biện pháp tiệt trùng và chăm sóc thích hợp đối với các vết thương ngoài da sẽ giảm thiểu đáng kể nguy cơ nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, việc phát hiện được những người mang siêu vi C cũng góp phần quan trọng để có thể tập trung sự quan tâm đúng mức vào các biện pháp phòng ngừa. Không có gì nguy hiểm hơn là tiếp xúc thường xuyên với một người mang siêu vi C mà không hề hay biết để đề phòng.

Cũng cần chú ý rằng sự lây lan của siêu vi C chủ yếu là qua đường máu, nên sẽ là một thái độ sai lầm nếu xa lánh những người có bệnh. Mọi sự tiếp xúc bình thường đều không có nguy cơ dẫn đến nhiễm bệnh, chỉ cần quan tâm đến những điều kiện nào có thể dẫn đến việc tiếp xúc với máu của bệnh nhân mà thôi.

Việc phát hiện sớm sự hiện diện của siêu vi viêm gan C vì thế không những là có lợi cho sức khỏe của mỗi người, mà còn là yếu tố quan trọng góp phần vào việc phòng ngừa căn bệnh này cho toàn xã hội. Nếu có thể giảm thiểu được số người “âm thầm” mang siêu vi C trong cơ thể và vô tình gieo rắc khắp nơi, chắc chắn số người nhiễm phải loại siêu vi này cũng sẽ giảm đi đáng kể.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 10 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.89.116.152 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (400 lượt xem) - Việt Nam (119 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - ... ...