Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Thật không dễ dàng để tìm được hạnh phúc trong chính bản thân ta, nhưng truy tìm hạnh phúc ở bất kỳ nơi nào khác lại là điều không thể. (It is not easy to find happiness in ourselves, and it is not possible to find it elsewhere.)Agnes Repplier
Cách tốt nhất để tiêu diệt một kẻ thù là làm cho kẻ ấy trở thành một người bạn. (The best way to destroy an enemy is to make him a friend.)Abraham Lincoln
Khi ý thức được rằng giá trị của cuộc sống nằm ở chỗ là chúng ta đang sống, ta sẽ thấy tất cả những điều khác đều trở nên nhỏ nhặt, vụn vặt không đáng kể.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Mục đích cuộc đời ta là sống hạnh phúc. (The purpose of our lives is to be happy.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Bạn nhận biết được tình yêu khi tất cả những gì bạn muốn là mang đến niềm vui cho người mình yêu, ngay cả khi bạn không hiện diện trong niềm vui ấy. (You know it's love when all you want is that person to be happy, even if you're not part of their happiness.)Julia Roberts
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Trí tuệ hoan hỷ »» 9. Sự cảm thông »»

Trí tuệ hoan hỷ
»» 9. Sự cảm thông

(Lượt xem: 8.450)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Trí tuệ hoan hỷ - 9. Sự cảm thông

Font chữ:


Mỗi con người là một phần của cái toàn thể mà ta gọi là vũ trụ.

Albert Einstein
Trong một đoạn thư trích dẫn bởi Howard Eves, Mathematical Circles Adieu

Những người xung quanh ta, những hoàn cảnh ta phải đối mặt và những thông tin từ chính các giác quan của ta - chỉ rõ rằng ta là ai và như thế nào - không những là những điều phải chịu sự biến đổi, mà còn có thể được xác định bằng nhiều vai trò khác nhau, và chính những vai trò này cũng phải chịu sự thay đổi. Tôi là một người cha (hay người mẹ). Tôi là một người chồng (hay người vợ). Tôi là người làm công phải làm một số việc nào đó theo sự đòi hỏi của ông chủ và những người làm việc chung với tôi.

Tuy nhiên, nằm sâu trong cách chúng ta quen liên hệ với chính mình, với người khác, với sự vật và hoàn cảnh, là một kiểu cô đơn cách biệt - cảm giác thấy mình là một thực thể tồn tại cách biệt - đã ngăn cản sự kết nối giữa ta với người khác. Chính cái cảm giác vi tế về sự khác nhau hay cách biệt [với người khác] luôn có mặt ở trọng tâm của rất nhiều bất ổn cá nhân hay giữa các cá nhân. Trong việc tu tập sự cảm thông, chúng ta xem bất kỳ khó khăn khủng hoảng nào đến với ta đều như điểm khởi đầu giúp ta nhận hiểu sự tương đồng giữa ta và người khác. Điều đó sẽ giúp tâm thức ta dần dần mở rộng để đón nhận một kinh nghiệm sâu sắc của sự vô úy và tự tin đồng thời chuyển hóa những bất ổn cá nhân thành tâm nguyện vị tha mạnh mẽ.

Có một câu chuyện rất xưa được kể lại trong nhiều bản kinh, về một người đàn bà rất đau khổ vì cái chết của đứa con trai nhỏ. Bà không thể chấp nhận rằng con mình đã chết, nên chạy khắp từ nhà này sang nhà khác trong làng, van xin một loại thuốc để cứu sống đứa con. Dĩ nhiên là không ai có thể giúp bà được. Mọi người vạch rõ cho bà hiểu là cậu bé đã chết và cố giúp bà chấp nhận hoàn cảnh. Tuy nhiên, có một người hiểu rằng tâm thức bà bị khổ đau làm cho xáo trộn, nên khuyên bà đi tìm gặp đức Phật - vị y sĩ tài ba nhất - đang trú ngụ trong một tu viện gần đấy.

Ôm chặt xác con trong lòng, bà chạy đến chỗ đức Phật và cầu xin Ngài ban thuốc cứu sống con mình. Lúc ấy, đức Phật đang thuyết giảng trước một số rất đông người, nhưng người đàn bà cố chen qua đám đông để đi vào. Thấy được nỗi khổ đau của bà, đức Phật đáp lại lời thỉnh cầu bằng cách nói với bà: “Bà hãy trở về làng và mang đến đây cho ta một ít hạt mù tạt, nhưng phải xin từ một nhà nào mà ở đó chưa từng có người chết.”

Bà chạy trở về làng và đi đến từng nhà láng giềng để xin hạt mù tạt. Ai cũng vui lòng đưa cho bà, nhưng rồi bà phải hỏi: “Trong nhà này đã từng có ai chết hay chưa?”

Mọi người đều nhìn bà một cách kỳ quặc. Một số người chỉ gật đầu, một số người khác đáp là có, và có những người kể cho bà nghe người thân của họ đã chết vào lúc nào, trong hoàn cảnh nào.

Cho đến khi bà đi hết một vòng khắp làng, bà chợt hiểu ra bằng một thể nghiệm sâu sắc hơn cả ngôn từ, rằng bà không phải là người duy nhất trên thế gian này phải khổ đau vì mất mát người thân yêu. Sự thay đổi, mất mát và khổ đau là vấn đề chung của tất cả mọi người.

Tuy vẫn còn đau đớn vì cái chết của đứa con trai, nhưng bà đã nhận ra rằng bà không phải là người duy nhất khổ đau. [Lớp vỏ bao bọc hạn chế] con tim bà vỡ ra và lòng bà rộng mở. Lo việc mai táng đứa con xong, bà xuất gia theo đức Phật và tăng chúng. Bà dành trọn cuộc đời để giúp đỡ người khác đạt đến sự nhận biết [về khổ đau] giống như mình.

Cẩm nang hạnh phúc

Khi tâm bi mẫn được phát triển, ta thấy tất cả mọi sinh linh đều bình đẳng, và mỗi một sinh linh đều mong cầu hạnh phúc.


Ngài Kalu Rinpoche
The Dharma That Illuminates All Beings Impartially Like the Light of the Sun and the Moon (Phật pháp soi sáng mọi hữu tình như mặt trời và mặt trăng)
Janet Gyatso dịch sang Anh ngữ

Chúng ta rất dễ cho rằng mình là người duy nhất phải chịu đau khổ, trong khi người khác lại sinh ra với một cuốn “cẩm nang hạnh phúc” - như đã nói ở trước - mà vì một sai sót ngẫu nhiên nào đó nên ta chẳng bao giờ có được. Tôi cũng từng rơi vào niềm tin sai lầm ấy như bất kỳ ai khác. Lúc còn trẻ, nỗi bất an phải thường xuyên chịu đựng đã khiến tôi luôn cảm thấy cô đơn, yếu đuối và ngu ngốc. Tuy nhiên, khi bắt đầu tu tập hạnh từ bi, tôi thấy cảm giác cách biệt của mình bắt đầu tan biến dần. Đồng thời tôi cũng dần dần cảm thấy tự tin, thậm chí thấy mình có ích nữa. Tôi bắt đầu nhận ra rằng tôi không phải người duy nhất có cảm giác sợ sệt và yếu đuối. Trải qua thời gian, tôi bắt đầu thấy rằng việc quan tâm đến sự an vui của người khác là điều thiết yếu trong tiến trình khám phá sự bình an của chính tâm thức mình.

Khi đã phần nào ổn định được tâm thức thông qua sự đơn thuần chú ý vào kinh nghiệm bản thân, ta có thể bắt đầu mở rộng hơn sự chú ý của mình một chút. Chúng ta có thể làm tan rã vọng tưởng về sự tồn tại độc lập của “cái ta” và người khác nhờ vào sự tu tập pháp tu được gọi là hạnh từ bi theo Phật giáo truyền thống, và nếu theo ngôn ngữ hiện đại thì pháp tu này có thể được nhận hiểu dễ dàng hơn như là “sự cảm thông”: tức là khả năng tự đặt mình vào hoàn cảnh của người khác hay thấu hiểu được những gì họ đang trải qua.

Nhiều người đã hỏi tại sao sự tu tập cảm thông với người khác lại được gọi là tâm từ và tâm bi? Tại sao không phải là một trong hai tâm ấy?

Theo kiến giải Phật giáo, sự cảm thông với người khác có hai khía cạnh. Từ là tâm nguyện mong muốn sao cho mọi người đều đạt được hạnh phúc trong đời này cũng như những nỗ lực của ta để thành tựu tâm nguyện ấy. Bi là tâm nguyện muốn cứu mọi người thoát khỏi những khổ đau căn bản do vô minh: không nhận biết bản tánh chân thật của chính mình - và những nỗ lực của ta nhằm giúp họ thoát khỏi nỗi khổ đau căn bản ấy.

Sự khao khát hạnh phúc và ước nguyện thoát khỏi khổ đau là hai điểm quan tâm chung của tất cả mọi chúng sinh hữu tình, tuy không nhất thiết phải được nói ra hay nhận biết, và không phải lúc nào cũng nằm trong phạm trù ngôn ngữ phức tạp của ý thức nhân loại. Khổ đau và những nhân duyên của khổ đau đã được bàn luận rất chi tiết ở phần trước. Hạnh phúc là một từ ngữ mang nghĩa phổ quát hơn nhiều, và trong chừng mực đơn giản nhất có thể được hiểu như là “sự nhiêu ích”. Điều này nghĩa là có được một nơi ăn chốn ở, sống no đủ và không có mối đe dọa gây tổn hại. Đến như loài kiến, mà theo tôi biết là không có cấu trúc sinh lý nào để ghi nhận khổ đau, thì công việc hằng ngày của chúng vẫn là thu nhặt thức ăn mang về tổ và thực hiện đầy đủ những chức năng khác để góp phần vào sự sinh tồn của bản thân cũng như của cả đàn.

Theo như tôi đã được học, đối với hầu hết chúng ta, tâm từ bi được phát triển qua từng giai đoạn. Tiến trình này bắt đầu - như thí dụ người phụ nữ mất con kể trên - với sự nhận biết những khổ đau cũng như ước nguyện được thoát khổ của chính bản thân mình. Dần dần, chúng ta mở rộng sự mong cầu được hạnh phúc cũng như thoát khỏi khổ đau từ bản thân ta đến với tất cả mọi người. Con đường đi lên chầm chậm và kiên định này đưa chúng ta từ sự nhận biết những khó khăn của chính mình đến sự bừng tỉnh về một tiềm năng sâu xa thâm diệu hơn so với những gì ta có thể hình dung được khi ngồi trong xe hơi giữa dòng giao thông tắt nghẽn và nguyền rủa những nguyên nhân gây tắt đường, hoặc những lúc đứng xếp hàng ở ngân hàng và tuyệt vọng mong mỏi cho dòng người nhích tới trước nhanh hơn.

Giai đoạn đầu tiên thường gọi là “tâm từ bi bình thường”, được bắt đầu bằng sự tu tập phát triển tâm từ bi đối với chính mình và mở rộng đến những người ta quen biết.

Giai đoạn thứ hai, thường gọi là “tâm từ bi vô lượng”, là sự mở rộng tâm nguyện mong cầu hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau đến với tất cả những người ta không quen biết.

Giai đoạn thứ ba được gọi là “tâm Bồ-đề”, là tâm thức tỉnh giác được sự khổ đau của tất cả chúng sinh và tự nhiên hành động để giúp giảm nhẹ những khổ đau ấy.

Tâm từ bi bình thường: Chú tâm đến chính mình

Tâm từ bi bình thường bao gồm nhiều giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là học cách phát triển một cảm giác trìu mến đối với chính mình và trân trọng những phẩm tính tốt đẹp mà mình đang có. Điều này không có nghĩa là ta phải cảm thấy tự thương hại, cũng không có nghĩa là ta phải diễn đi diễn lại trong đầu những tình huống khổ đau hoặc tiếc nuối và mãi nghĩ đến việc phải chi hoàn cảnh này hay hoàn cảnh kia khác đi thì mọi sự sẽ thay đổi như thế nào! Thay vì vậy, hãy quán sát kinh nghiệm của chính mình ngay lúc này như một đối tượng của sự tập trung suy nghiệm. Ta không tìm kiếm cái khái niệm về “cái tôi” mà là kinh nghiệm đang được sống ngay trong giây phút hiện tại này. Bạn tự nghĩ: “Nếu như tôi đạt được hạnh phúc và nhân duyên của hạnh phúc, điều đó sẽ vô cùng tuyệt diệu!” Có lẽ phương pháp đơn giản nhất để làm được điều này là một kiểu cải biến của “phương pháp máy quét” đã mô tả ở phần thiền shamata, tu tập chú tâm vào các cảm thọ của thân thể.

Hãy bắt đầu bằng việc “thuần phục con ngựa”. Nếu hành trì chính thức theo thời khóa, hãy cố hết sức để áp dụng thế ngồi 7 điểm. Nếu không được như vậy, hãy giữ lưng thật thẳng và thư giãn, quân bình toàn thân. Hãy “điều phục người cưỡi ngựa” bằng cách để tâm buông thư trong trạng thái chuyên chú không đối tượng.

Sau một lúc, bắt đầu thực hiện nhanh một “bài tập rà quét”. Lần này thay vì chú tâm đến chính cảm thọ, hãy nhẹ nhàng để cho mình nhận biết rằng ta có một thân thể cũng như một tâm thức có khả năng nhận biết từng phần của nó. Hãy để mình nhận biết rằng những sự thật hết sức cơ bản về sự hiện hữu của mình tự nó đã là điều tuyệt vời biết bao, và việc có được thân người cùng một tâm thức có khả năng nhận biết về thân ấy là điều quý giá biết bao! Sự trân quý giá trị của những món quà này sẽ gieo trồng hạt nhân hạnh phúc và giảm nhẹ khổ đau. Trong sự đơn thuần nhận biết rằng bạn đang còn được sống và tỉnh giác vốn đã sẵn có một sự giảm nhẹ khổ đau như thế.

Hãy trụ yên trong trạng thái đơn thuần biết trân quý như thế một lúc, rồi nhẹ nhàng khởi lên ý nghĩ: “Giá như lúc nào tôi cũng có thể được tận hưởng cảm nhận như thế này về sự sống cơ bản thì tuyệt vời biết bao! Giá như lúc nào tôi cũng có thể được tận hưởng cảm giác khoan khoái và tất cả những nhân duyên giúp tôi được hài lòng, rộng mở đón nhận tất cả mọi điều có thể xảy ra.” Tất nhiên, từ ngữ bạn chọn có thể thay đổi tùy theo tính khí riêng của bạn. Trong cách diễn đạt truyền thống của Phật giáo, những ý tưởng trên được bày tỏ như một lời cầu khấn hay phát nguyện:

“Nguyện cho con đạt được hạnh phúc và gieo nhân hạnh phúc. Nguyện cho con được giải thoát khổ đau và không còn tạo nhân khổ đau.”

Nhưng ý nghĩa về cơ bản vẫn là như nhau. Bạn hãy chọn những cách diễn đạt nào có hiệu quả đối với bạn.

Thế rồi hãy để tâm an trụ, rộng mở và thư giãn.

Khi tu tập theo thời khóa, đừng cố hành trì phép tu tập này kéo dài hơn một vài phút, hoặc không lâu hơn một vài giây nếu bạn thực tập ngoài thời khóa. Bạn có thể kinh ngạc trước sức sống của mình và tâm tỉnh giác ngay vào những lúc ở trong tiệm tạp hóa, lúc đang bị kẹt xe hoặc lúc đang rửa chén... Điều rất quan trọng là phải thực tập với những quãng thời gian ngắn và để tâm buông thư sau đó. Nếu không, sự quý giá [mà bạn vừa nhận biết] có khả năng trở thành một khái niệm hơn là một kinh nghiệm. Trải qua thời gian, khi bạn tuần tự thực hành pháp tu tập này lặp lại nhiều lần, một phạm trù của những điều có thể xảy ra sẽ mở rộng.

Tâm từ bi bình thường: Chú tâm đến người thân

Một khi bạn trở nên phần nào quen thuộc với kinh nghiệm an lạc của chính mình, bạn có thể mở rộng khả năng ấy đến những người khác. Thật ra, việc nhận biết khổ đau của người khác có thể giúp chuyển hóa kinh nghiệm của chính bạn. Tôi có người bạn ở Nepal đã đến New York City với hy vọng tìm được một công việc khá hơn, thu nhập cao hơn. Ở Nepal, anh giữ địa vị cao trong một xưởng dệt thảm. Nhưng đến New York, công việc tốt nhất mà anh tìm được là làm công cho một tiệm sửa xe - thật là một tình huống “xuống chó” nhục nhã so với công việc trước đây ở Nepal. Đôi lúc anh quá phiền muộn đến nỗi bật khóc, cho đến khi có một người quản lý nhìn thấy và bảo: “Tại sao anh khóc? Anh không được khóc. Khách hàng của chúng ta sẽ nghĩ thế nào [khi thấy anh khóc]?”

Một hôm, anh để ý thấy có một người mới đến nhận việc ở tiệm sửa xe, đội chiếc nón thật rộng vành. Nhìn kỹ lại, anh nhận ra người đội chiếc nón to ấy chính là ông chủ của xưởng dệt thảm ở Nepal. Ông đã đóng cửa xưởng dệt và đến New York cũng với hy vọng kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng rồi cuối cùng cũng rơi vào hoàn cảnh phải làm việc như một người lao động không chuyên môn với đồng lương ít ỏi hơn so với số tiền ông từng kiếm được ở Nepal.

Ngay lập tức, bạn tôi nhận ra rằng anh không phải là người duy nhất gặp nghịch cảnh. Anh không còn cô đơn.

Đây là giai đoạn thứ hai của tâm từ bi bình thường: chúng ta thừa nhận rằng bất kỳ điều gì đang diễn ra trong tâm trí người khác đều có thể là rất tương đồng với những gì đang diễn ra trong tâm trí của chính ta. Khi ghi nhớ việc này, dần dần ta nhận biết được là không có lý do gì để ta phải sợ sệt bất kỳ ai hay điều gì. Trong hầu hết các trường hợp, chúng ta sợ hãi vì không nhận biết được rằng bất cứ người hay vật nào mà ta đang đối phó đều cũng chỉ giống như ta: một sinh vật chỉ mong muốn được hạnh phúc.

Kinh điển Phật giáo dạy rằng, trước hết ta nên chọn mẹ mình làm đối tượng thiền quán, vì mẹ là người đã đối xử tốt nhất với ta, đã cưu mang và đưa ta vào đời. Hầu hết các nền văn hóa Á Đông và cũng như Âu Tây, theo truyền thống thường khuyến khích sự tôn kính, nếu không phải là yêu mến, đối với cả cha lẫn mẹ để đền đáp lại những hy sinh mà hai vị đã dành cho ta. Nhưng pháp quán truyền thống này đã thay đổi rất nhiều trong khoảng vài thế hệ gần đây. Trong những năm vừa qua, rất nhiều người đã trao đổi với tôi cho thấy họ không phải bao giờ cũng có được những liên hệ yêu thương trìu mến với cha mẹ, nhất là trong những trường hợp bị cha mẹ ngược đãi qua lời nói hay hành vi. Trong những trường hợp như thế, việc chọn cha hay mẹ làm đối tượng cho sự tu tập tâm từ bi hẳn sẽ không lợi ích lắm. Chúng ta hoàn toàn có thể chọn một đối tượng khác, như một người họ hàng tốt bụng, một người thầy đã nâng đỡ bạn, một người bạn thân, vợ hay chồng, hoặc một đứa con. Một số người chọn quán từ bi với mèo, chó hay một con vật khác được nuôi trong nhà. Đối tượng thiền quán thật ra không quan trọng. Điều quan trọng là nhẹ nhàng chú tâm đến người hay vật mà bạn cảm thấy có một mối tương quan ấm áp hay trìu mến.

Việc tu tập tâm từ bi bình thường đối với người khác khá giống với việc tu tập tâm từ bi đối với chính mình. Hãy bắt đầu bằng tư thế ngồi 7 điểm hay ít nhất là ngồi thẳng lưng và buông thư toàn thân một cách tự nhiên.

Bây giờ, hãy an trụ một lúc trong sự chú tâm không đối tượng. Hãy thư giãn trong tư thế ngồi của mình như thể bạn vừa hoàn tất một công việc thật lớn lao và chỉ quán sát tâm thức cùng tất cả những tư tưởng, cảm giác và cảm thọ đang đi ngang qua đó.

Sau khi tâm an trụ một lúc, hãy nhẹ nhàng hướng tâm đến một người hay vật mà bạn thương yêu, trìu mến hay quan tâm. Đừng ngạc nhiên nếu hình ảnh của một người hay vật mà bạn không cố ý chọn lựa lại hiện ra mạnh mẽ hơn là đối tượng mà bạn đã chọn để quán niệm. Điều này không có gì lạ, và thường xảy ra một cách hoàn toàn tự nhiên. Một đệ tử của tôi đã bắt đầu thời khóa tu tập thiền với ý định quán niệm bà cô của mình, vốn rất tốt với anh ta lúc còn nhỏ, nhưng hình ảnh liên tục hiện ra trong đầu anh lại là một con chó nhỏ anh ta nuôi lúc còn bé thơ. Đây chỉ là một điển hình về cách thức mà trí tuệ tự nhiên của tâm tự hiển lộ. Anh ta quả thật đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp với con chó nhỏ, và khi cuối cùng anh ta chịu đầu hàng để thuận theo những kỷ niệm này thay vì cố cưỡng lại để tập trung quán niệm về bà cô, thì sự tu tập trở nên rất dễ dàng.

Hãy để cái cảm giác đầm ấm hay trìu mến ấy lắng sâu vào tâm, và xen kẽ vào đó là để tâm buông thư khoảng vài ba phút trong trạng thái chú tâm không đối tượng. Khi xen kẽ hai trạng thái này với nhau, hãy mong ước rằng đối tượng mà bạn đang quán chiếu sẽ trải nghiệm được cùng một cảm giác rộng mở và đầm ấm mà bạn cảm thấy đối với họ. Sau một thời gian thực hành luân phiên thay đổi giữa sự chú tâm không đối tượng và chuyên chú vào đối tượng thiền quán, có một vài phương cách khác để bạn có thể tiến xa hơn nữa.

Cách thứ nhất là quán tưởng đối tượng mình chọn đang ở trong một trạng thái bi thảm và đau đớn. Dĩ nhiên, nếu đối tượng ấy vốn đang chịu đau đớn, buồn khổ thì bạn chỉ cần chú tâm đến hoàn cảnh hiện tại của họ. Trong cả hai trường hợp, hình ảnh [của đối tượng mà] bạn khởi lên trong tâm sẽ làm phát sinh một cách tự nhiên tình yêu thương, đồng cảm sâu sắc, và một tâm nguyện mãnh liệt mong muốn xoa dịu nỗi đau đớn ấy.

Cách thứ hai là nhẹ nhàng hướng tâm đến người hay vật đã chọn và đồng thời tự hỏi: “Ta muốn được hạnh phúc đến mức nào? Và ta muốn né tránh khổ đau đến mức nào?” Hãy nghĩ đến hai vấn đề này càng cụ thể càng tốt. Thí dụ, nếu bạn bị buộc phải ở trong một chỗ rất nóng nực, bạn có muốn đến một chỗ mát mẻ, thoáng khí hơn không? Nếu bạn cảm giác đau đớn trong người, bạn có muốn hết đau không? Khi bạn nghĩ đến câu trả lời của mình, hãy dần dần chuyển sự chú ý đến đối tượng đã chọn và quán tưởng việc họ sẽ cảm thấy thế nào trong trường hợp ấy.

Thực tập như thế không những sẽ mở rộng tâm hồn bạn đối với những chúng sinh khác, mà đồng thời cũng sẽ làm tan biến đi sự đồng nhất của bạn với bất kỳ nỗi khổ niềm đau nào mà bạn đang chịu đựng vào lúc đó. Cũng giống như người bạn từ Nepal của tôi khi thấy ông chủ cũ của mình làm công trong cùng một tiệm sửa xe ở New York và giấu mặt dưới một vành nón rộng, tất cả chúng ta đều không hề đơn độc. Loài người, loài chó cho đến tất cả mọi loài chúng sinh khác đều mong cầu hạnh phúc và né tránh khổ đau theo những cách riêng, nhưng động cơ ước nguyện căn bản thì lại rất giống nhau.

Tâm từ bi bình thường: Chú tâm đến người hay vật mà ta không ưa thích

Nuôi dưỡng tâm từ bi đối với những người bạn đã từng quen biết và quan tâm đến không phải là một điều quá khó, vì thậm chí cả khi bạn có muốn bóp cổ họ vì quá ngu xuẩn hay cứng đầu, thì căn bản là bạn vẫn yêu thương họ. Nhưng sẽ khó khăn hơn đôi chút nếu bạn phải mở rộng cùng một cảm giác đầm ấm và thân thuộc ấy đến với những người mà bạn có xích mích trên phương diện cá nhân hay nghề nghiệp, hoặc đối với những người mà vì lý do nào đó bạn thật lòng không ưa thích.

Thí dụ tôi có một người đệ tử rất sợ nhện. Anh sẽ chết khiếp khi thấy một con nhện trong góc phòng hay trên ngưỡng cửa sổ, hay tệ hơn thế nữa, như anh nói, ở bên trên bồn tắm. Con nhện không làm gì khác hơn những việc nó thường làm, tức là dệt một tấm lưới và hy vọng lôi cuốn được một con ruồi hay côn trùng nào khác (hẳn cũng có đôi chút sợ nhện), nhưng người đệ tử tôi sẽ cố tìm cách trừ khử nó một cách căng thẳng, đập nát nó với cái chổi hoặc hút nó vào máy hút bụi.

Sau một vài tháng quán sát tâm nguyện mong cầu hạnh phúc và sợ hãi đau đớn, khổ đau của chính mình, anh ta bắt đầu phát triển một quan hệ hơi khác đi đối với loài nhện. Anh phân vân tìm những cách ứng xử khác hơn mỗi lần gặp nhện. Thay vì đập chết hoặc hút nó vào máy hút bụi, anh thu hết can đảm để bắt con nhện vào một cái lọ rồi mang thả ra bên ngoài nhà. Cuối cùng, thậm chí anh còn bắt đầu nói: “Tạm biệt nhé, chú bạn nhỏ ! Hãy đi tìm thức ăn, đi tìm hạnh phúc của chú mày... nhưng đừng tìm trong nhà tao, chịu không?”

Tất nhiên điều này cũng không cản được nhện xuất hiện ở cửa sổ hay trong bồn tắm nhà anh, nhưng thay vì nhìn chúng như những kẻ thù, anh bắt đầu nhận ra rằng chúng cũng là những sinh vật rất giống với chính mình.

Hãy nhớ, việc bắt nhện bỏ vô lọ rồi mang thả ra bên ngoài nhà không phải là phương cách điển hình để phát triển cấp độ thứ hai của tâm từ bi bình thường, nhưng đó là một sự khởi đầu.

Để luyện tập, hãy tưởng tượng bạn đâm vào mỗi bên má một mũi kim nhọn, một bên má trái và một bên má phải. Sự đau đớn bên má phải có khác chút nào với sự đau đớn bên má trái không? Sự đau đớn bên má phải tượng trưng cho những đau đớn, buồn khổ mà bạn đang thể nghiệm. Sự đau đớn bên má trái tượng trưng cho nỗi khổ niềm đau trải nghiệm bởi một người hay vật mà bạn không ưa thích. Liệu có bên nào ít đau hơn chăng? Có thể là có, cũng có thể là không. Có thể bạn đã quá quen với mũi kim cắm vào má phải từ lâu rồi nên không còn để ý đến nữa: đó chỉ là một sự đau đớn âm ỉ. Nhưng nỗi đau gây ra bởi mũi kim cắm vào má trái mới mẻ hơn, và bạn nhận biết nó một cách thấm thía. Bạn có thể rút mũi kim bên má phải ra bằng cách thiền quán từ bi đối với chính mình hay đối với những người mà bạn yêu mến. Nhưng mũi kim bên má trái vẫn còn đó, cho đến khi nào bạn thật sự bắt đầu mở rộng ước nguyện mong cầu hạnh phúc và né tránh khổ đau đến với những người bạn không ưa thích. [Do sự không ưa thích, có thể] bạn muốn họ phải đau đớn, khổ sở. Có thể bạn ganh ghét, đố kỵ, hoặc hiềm thù họ. Thế nhưng, ai đang nhận chịu nỗi đau đớn của sự hiềm thù, đố kỵ, hằn học ấy?

Chính là bạn!

Khi tiếp cận với những người bạn không ưa thích bằng tâm từ bi, bạn còn có thêm một lợi lạc khác nữa. Giả sử người ấy đối xử với bạn hay người khác một cách độc ác. Bạn có thể ứng phó với họ một cách giận dữ, tự phòng vệ, hay thậm chí - nếu tính bạn rất trầm tĩnh - chỉ bằng lý trí khô khan. Nhưng tâm từ bi sẽ soi chiếu ánh sáng tuệ giác vào nguyên nhân đã khiến cho người ấy nói ra hay hành động gây tổn thương đến người khác. Người ấy đang khổ đau, rối rắm và mong cầu trong tuyệt vọng một cảm giác thoải mái, an ổn.

Lấy ví dụ như người đệ tử của tôi, vừa mới vào làm trong phòng tiếp thị của một công ty chế tạo lớn. Một hôm, anh bị gọi đi họp với một người phụ nữ, bà Trưởng phòng kế toán. Buổi họp bắt đầu một cách tồi tệ. Bà này tranh cãi gay gắt, miệng nói không ngừng, và nếu có ai ngắt lời hoặc đưa ra một quan điểm khác thì bà giận đỏ mặt tía tai, áp đặt quan điểm của mình một cách hùng hổ hơn.

Ngồi tựa vào lưng ghế và quan sát cảnh ấy, người đệ tử ấy bắt đầu khởi tâm từ bi đối với người phụ nữ này, và anh thấy ra được phía sau bức tường giận dữ kia là một cô bé chưa từng được ai lắng nghe. Thế là anh bắt đầu bày tỏ sự đồng ý với bà, nói rằng những nhận định của bà thật thông minh biết bao, ý kiến của bà thật hay quá. Dần dần, người phụ nữ bắt đầu thư giãn. Cơn giận dữ của bà tan biến, bà bắt đầu lắng nghe ý kiến của người khác và thực sự cân nhắc chúng. Người đệ tử của tôi và người phụ nữ ấy không trở nên đôi bạn thân thiết, nhưng sau buổi họp khởi đầu ấy, hầu như anh luôn được mời đến những buổi họp với bà và dường như luôn có khả năng làm cho bà bình tĩnh lại. Và mỗi lần anh có việc phải đến phòng kế toán, luôn có tiếng thở ra nhẹ nhõm của tất cả những nhân viên khác trong phòng này. Sự hòa hoãn của anh có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nỗi người phụ nữ kia thường đối xử với những người khác trong phòng một cách ôn hòa hơn.

Thế là cuối cùng mọi người đều có lợi. Khi được người khác lắng nghe và trí thông minh của mình được thừa nhận, người phụ nữ đã trải nghiệm một chút giảm nhẹ sự khổ đau của chính bà. Những người làm việc dưới quyền bà không còn bị bà chỉ trích liên miên nữa nên ác cảm của họ đối với bà cũng vơi dần đi.

Và người đệ tử của tôi bắt đầu cảm thấy tự tin hơn khi thấy mình có khả năng ứng xử với những tình huống khó khăn một cách khôn ngoan sáng suốt nhờ vào tâm từ bi.

Tâm từ bi vô lượng

Tất nhiên là sinh khởi tâm từ bi đối với những người bạn đã từng quen biết không phải là một điều quá khó sau một thời gian thực tập. Nhưng mở rộng cùng một cảm giác đầm ấm và thân thuộc như thế đến với những người ta không quen biết - và trong nhiều trường hợp là không thể nào quen biết - thì cần nhiều nỗ lực hơn. Khi ta nghe kể về những thảm cảnh trên thế giới hay thậm chí ở các nhà hàng xóm, một cảm giác bất lực và vô vọng có thể sinh khởi. Chỉ vì có quá nhiều tình huống ta có thể tham gia giúp đỡ, nhưng đôi khi vì công việc và cuộc sống của gia đình cản trở nên ta không thể giúp được một cách trực tiếp.

Việc tu tập tâm từ bi vô lượng giúp ta giảm nhẹ cảm giác vô vọng ấy. Pháp tu này cũng nuôi dưỡng một cảm giác tự tin rằng bất luận rơi vào hoàn cảnh nào, hoặc phải ứng phó với bất kỳ người nào, ta cũng luôn có một nền tảng căn bản để thiết lập mối tương quan theo cách không quá sợ sệt hay tuyệt vọng. Chúng ta có thể thấy được những tiềm năng mà nếu thiếu tâm từ bi ta không thể thấy được, và bắt đầu biết trân quý những tiềm năng sẵn có trong ta.

Có một pháp tu rất hữu ích để phát khởi tâm từ bi vô lượng, ở Tây Tạng được gọi là tonglen, có thể tạm dịch là “cho và nhận”. Tonglen thực sự là một phép tu khá đơn giản, chỉ cần có sự kết hợp đơn giản giữa quán tưởng và hơi thở.

Vẫn như thường lệ, bước đầu tiên là tìm một tư thế thư giãn cho thân và sau đó an trụ tâm trong sự chuyên chú không đối tượng. Tiếp theo, nhẹ nhàng hướng tâm vào ý nghĩ: “Tôi luôn mong cầu hạnh phúc và né tránh khổ đau, tất cả chúng sinh cũng như tôi không khác.”

Bạn không cần quán tưởng đến những chúng sinh cụ thể nào cả, mặc dù bạn cũng có thể bắt đầu bằng một hình dung cụ thể nếu thấy là hữu ích. Tuy nhiên, cuối cùng thì pháp tu “cho và nhận” này sẽ mở rộng vượt qua những gì bạn có thể hình dung để bao trùm tất cả chúng sinh, gồm cả thú vật, côn trùng và các sinh linh đã khổ đau hoặc sẽ khổ đau dưới bất kỳ hình thái nào.

Điểm cốt yếu của pháp tu này, theo như tôi đã học, chỉ đơn giản là luôn ghi nhớ đến việc trong vũ trụ có vô số chúng sinh và khởi tâm suy nghĩ rằng: “Cũng như tôi muốn được hạnh phúc, mọi chúng sinh đều muốn được hạnh phúc. Cũng như tôi muốn né tránh khổ đau, mọi chúng sinh đều muốn né tránh khổ đau.”

Cũng giống như lúc tu tập tâm từ bi bình thường, khi bạn để cho những niệm tưởng này liên tục khởi lên trong tâm, bạn sẽ thực sự bắt đầu cảm thấy tự mình khởi tâm mong muốn mãnh liệt, cầu sao cho mọi người đều được an vui hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau.

Bước tiếp theo là chú tâm vào hơi thở như một phương tiện để gửi đến tất cả chúng sinh bất kỳ hạnh phúc nào bạn đã và đang cảm nhận, đồng thời nhận lấy về mình những khổ đau của họ.

Khi bạn thở ra, hãy quán tưởng rằng tất cả hạnh phúc và lợi lạc mà bạn đạt được trong suốt cuộc đời mình đang tuôn tràn ra khỏi người dưới dạng một luồng ánh sáng tinh khiết. Ánh sáng này sẽ tỏa chiếu đến tất cả chúng sinh và tan hòa vào họ, thành tựu trọn vẹn tất cả các nhu cầu và xua tan mọi khổ đau.

Khi bạn thở vào, hãy hình dung những nỗi khổ niềm đau của tất cả chúng sinh hữu tình dưới dạng một luồng ánh sáng có màu khói đen nhớt nhát, trôi chảy đến và bị hút vào qua đường mũi để rồi tan loãng trong tim bạn. Khi tiếp tục pháp tu này, hãy quán tưởng tất cả chúng sinh đều được thoát khỏi khổ đau và tràn ngập niềm hỷ lạc, hạnh phúc.

Sau khi thực hành như thế được một lúc, hãy để tâm buông thư. Sau đó lặp lại tiến trình như cũ, luân phiên xen kẽ việc thực hành tonglen và an tĩnh tâm.

Bạn có thể ngồi thật thẳng lưng và đặt hai bàn tay nắm nhẹ lại trên đùi, nếu thấy tư thế này giúp bạn dễ quán tưởng hơn. Khi thở ra, mở các ngón tay và trượt nhẹ hai bàn tay xuống về phía đầu gối đồng thời quán tưởng luồng ánh sáng đang tỏa chiếu ra hướng đến tất cả chúng sinh. Khi thở vào, trượt nhẹ hai bàn tay về chỗ cũ, bàn tay nhẹ nắm trở lại như thể đang kéo về ánh sáng có màu khói đen là những khổ đau của người khác rồi hòa tan tất cả vào chính bạn.

Trong vũ trụ có quá nhiều loài chúng sinh khác nhau, chúng ta thậm chí không thể hình dung ra được hết, và càng không thể cứu giúp từng sinh linh một cách trực tiếp và tức thời. Nhưng thông qua phép tu tonglen, bạn rộng mở tâm hồn đến với vô lượng chúng sinh và mong muốn mọi điều tốt đẹp cho họ. Kết quả cuối cùng là tâm bạn sẽ trong sáng hơn, an tĩnh hơn, tập trung, tỉnh giác hơn và bạn phát triển được khả năng giúp đỡ người khác bằng vô số phương tiện, trực tiếp cũng như gián tiếp.

Tâm Bồ-đề

Giai đoạn cuối cùng là phát tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề là một từ ngữ Sanskrit thường được dịch là “tâm giác ngộ” hay “tâm tỉnh giác”. Đó là một từ được ghép bởi từ bodhi (xuất phát từ động từ gốc là budh trong tiếng Sanskrit, được dịch là “trở nên giác ngộ, trở nên tỉnh giác, nhận biết hay thấu hiểu”) và từ citta (thường được dịch là “tâm thức” và đôi khi là “tâm” trong ý nghĩa “tâm nguyện”).

Trong truyền thống Phật giáo, chúng ta nhận biết có hai loại tâm Bồ-đề: tuyệt đối và tương đối. Tâm Bồ-đề tuyệt đối chỉ cho một tâm thức trở nên hoàn toàn thanh tịnh nhờ đã thực hiện tất cả các cấp độ của sự tu tập và kết quả là thấy được bản chất của thực tại một cách trực tiếp, không còn nghi ngờ hay dao động nữa. Hạt giống tánh Phật, vốn sẵn có trong tâm thức của tất cả chúng sinh, đã mọc lên thành một thân cây nhiệm mầu vĩ đại. Với khả năng nhìn thấy và hiểu biết tất cả, tâm Bồ-đề tuyệt đối bao hàm một nhận thức nhạy bén về sự khổ đau mà tất cả chúng sinh đều phải chịu đựng khi vẫn còn vô minh không nhận biết về bản tánh chân thật của chính mình. Nó cũng bao hàm một ý nguyện cứu độ tất cả chúng sinh thoát khỏi cấp độ khổ đau sâu sắc nhất ấy. Đây là trạng thái mà đức Phật đã chứng đắc, cũng như tất cả những vị đã theo đúng con đường của Ngài và chứng đắc giác ngộ viên mãn.

Tuy nhiên, rất ít người trong chúng ta có khả năng tức thời thể nghiệm tâm Bồ-đề tuyệt đối. Khi còn tại thế, đức Phật Thích-ca đã tu tập trải qua 6 năm trước khi đạt đến sự giác ngộ viên mãn này. Theo truyền thuyết, Ngài đã thành tựu giác ngộ trong một thời gian tương đối ngắn như thế vì Ngài đã từng trải qua nhiều đời nhiều kiếp tu tập hướng đến quả Phật.

Hầu hết chúng ta cần đi theo con đường tuần tự hơn là tu tập tâm Bồ-đề tương đối. Pháp tu này mở rộng hơn nữa các dạng khác nhau của việc tu tập tâm từ bi theo hướng nuôi dưỡng tâm nguyện mong muốn cho tất cả chúng sinh hữu tình đều nhận biết được - không phải bằng suy luận qua lý trí, mà bằng sự tu tập thực nghiệm - sự viên mãn của tánh Phật nơi họ, và nỗ lực hành động để thành tựu tâm nguyện ấy.

Sự phát triển tâm Bồ-đề tương đối luôn bao hàm hai khía cạnh: tâm nguyện và tâm hành. Bồ-đề tâm nguyện là nuôi dưỡng tâm nguyện chân thành mong muốn cứu độ tất cả chúng sinh đến bờ giác ngộ, nghĩa là nhận biết được trọn vẹn về bản tánh chân thật của họ. Chúng ta bắt đầu bằng ý nguyện: “Tôi muốn đạt đến giác ngộ viên mãn để có thể cứu giúp tất cả chúng sinh hữu tình cũng đạt được giác ngộ viên mãn như vậy.” Hầu hết các khóa hành trì trong Phật giáo đều bắt đầu bằng một lời nguyện cầu nào đó bày tỏ tâm nguyện này. Chỉ riêng việc tụng đọc lời nguyện cầu này, bằng bất cứ ngôn ngữ nào hay bất kỳ ngôn từ nào quen thuộc với bạn, tất nhiên đã là rất hữu ích, vì nó giúp ta mở rộng mục đích của việc tu tập. Nhưng những lời cầu nguyện như thế cũng như tâm nguyện của ta vẫn chỉ đơn thuần là những ngôn từ, cho đến khi nào ta thực sự dành thời gian để tu tập các tâm từ bi bình thường và tâm từ bi vô lượng. Như chúng ta đã thấy trong phần trước, không có cách nào để ta đạt được hạnh phúc trọn vẹn hay chấm dứt khổ đau của chính mình mà không trực tiếp thể nghiệm nguyện vọng thoát khổ được vui của chính mình và của người khác. Nỗ lực giải thoát cho riêng mình cũng giống như chỉ nhổ một cây kim ra khỏi má. Khi vẫn còn một cây kim cắm sâu trong má bên kia, chúng ta sẽ vẫn luôn cảm thấy khổ sở, đau đớn hay sợ sệt.

Nghe như thể là một nhiệm vụ lớn lao quá, phải không? Tự mình giác ngộ đã khó khăn lắm rồi, nói gì đến việc đưa người khác cùng lên bờ giác ngộ? Nhưng nhìn lại câu chuyện của người phụ nữ mất con, ta có thể cảm nhận được rằng, với sự hiện hữu của một bậc giác ngộ thì sự giác ngộ của mọi người khác là điều hoàn toàn có thể. Đôi khi sự giác ngộ này được thể hiện dưới hình thức vâng theo một lời khuyên, lắng nghe một bài pháp hoặc noi gương một vị thầy.

Bồ-đề tâm hành chú trọng vào con đường tu tập dẫn đến sự giác ngộ của mọi chúng sinh khác. Bồ-đề tâm nguyện là mong muốn đưa tất cả chúng sinh từ “bến mê” sang “bờ giác”. Bồ-đề tâm hành là phương tiện để thực hiện tâm nguyện đó.

Có nhiều phương cách để tu tập Bồ-đề tâm hành. Chẳng hạn như tự chế để không làm những việc như trộm cắp, nói dối, nói lời vô nghĩa, hoặc cố ý gây khổ đau [cho bản thân và người khác] bằng hành động hay lời nói. Thêm vào đó là mở rộng tâm bố thí, hòa giải mọi bất hòa, nói năng từ hòa, điềm đạm thay vì “đùng đùng nổi giận”, và tùy hỷ với những điều tốt đẹp xảy đến cho người khác thay vì buông thả hoàn toàn theo tâm ganh ghét, đố kỵ.

Tu tập như thế sẽ mở rộng kinh nghiệm từ bi trong thiền quán đến mọi khía cạnh của đời sống hằng ngày. Điều này tạo ra một tình huống lợi lạc cho tất cả mọi người.

Chúng ta được lợi lạc vì nhận biết rằng không chỉ riêng mình ta phải chịu đựng những xúc cảm đau đớn hay những tình huống khó khăn. Và khi nhận rõ được như thế, ta bắt đầu có một sự tự tin sâu sắc hơn nơi chính mình và có khả năng ứng xử một cách chín chắn hơn, từ mẫn hơn đối với người khác.

Những người quanh ta cũng được lợi lạc vì khi ta đã phát triển một trực giác về những khổ đau của họ, ta sẽ ứng xử với họ một cách ân cần tử tế hơn, quan tâm chu đáo hơn. Và những người này, đến lượt họ, cũng sẽ ứng xử một cách từ mẫn hơn đối với bao người khác nữa.

Không một tâm nguyện nào lớn lao hơn và dũng mãnh hơn tâm nguyện đưa tất cả chúng sinh đến bờ giải thoát viên mãn, được an vui trọn vẹn nhờ nhận biết được bản tánh chân thật của chính mình. Cho dù bạn có thành tựu được tâm nguyện này hay không, điều đó không quan trọng. Chỉ riêng tâm nguyện này thôi đã có một năng lực lớn đến mức, càng nuôi dưỡng tâm nguyện ấy, tâm thức bạn sẽ càng mạnh mẽ hơn, những tập quán tinh thần và cảm xúc [không tốt] sẽ giảm thiểu, và bạn trở nên thiện xảo hơn trong việc cứu giúp người khác. Khi làm như thế, bạn tạo ra những nhân duyên cho sự an vui hạnh phúc của chính mình.

Sự hiểu biết về khổ đau và nguyên nhân của khổ đau, tiềm năng sẵn có trong ta, và phương tiện để chuyển hóa sự hiểu biết ấy thành kinh nghiệm thực tế, có thể được xem là quyển Cẩm nang hạnh phúc mà ta nghĩ rằng mình đã bị thiếu sót lúc sinh ra.

Thế nhưng, như nhiều người đã hỏi, làm sao có thể ứng dụng những bài học về sự hiểu biết và kinh nghiệm này vào những tình huống của riêng mình? Chúng ta phải làm gì để đối phó với những nỗi lo sợ, buồn đau, đố kỵ, giận dữ hay tuyệt vọng?

Để trả lời những câu hỏi này, ta phải nghiên cứu sâu hơn một chút nữa, sử dụng chính đời sống của ta làm môi trường thực nghiệm.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 14 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.236.111.234 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (410 lượt xem) - Việt Nam (128 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - ... ...