Mục đích của đời sống là khám phá tài năng của bạn, công việc của một đời là phát triển tài năng, và ý nghĩa của cuộc đời là cống hiến tài năng ấy. (The purpose of life is to discover your gift. The work of life is to develop it. The meaning of life is to give your gift away.)David S. Viscott
Người vấp ngã mà không cố đứng lên thì chỉ có thể chờ đợi một kết quả duy nhất là bị giẫm đạp.Sưu tầm
Yêu thương và từ bi là thiết yếu chứ không phải những điều xa xỉ. Không có những phẩm tính này thì nhân loại không thể nào tồn tại. (Love and compassion are necessities, not luxuries. Without them humanity cannot survive.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Cơ hội thành công thực sự nằm ở con người chứ không ở công việc. (The real opportunity for success lies within the person and not in the job. )Zig Ziglar
Mất tiền không đáng gọi là mất; mất danh dự là mất một phần đời; chỉ có mất niềm tin là mất hết tất cả.Ngạn ngữ Nga
Chúng ta không thể đạt được sự bình an nơi thế giới bên ngoài khi chưa có sự bình an với chính bản thân mình. (We can never obtain peace in the outer world until we make peace with ourselves.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Một người sáng tạo được thôi thúc bởi khát khao đạt đến thành công, không phải bởi mong muốn đánh bại người khác. (A creative man is motivated by the desire to achieve, not by the desire to beat others.)Ayn Rand
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn »» 2. NHƯ LAI THƯỜNG TRỤ »»

Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn
»» 2. NHƯ LAI THƯỜNG TRỤ

Donate

(Lượt xem: 8.833)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn - 2. NHƯ LAI THƯỜNG TRỤ

Font chữ:


Nội dung thứ hai chúng tôi muốn đề cập đến ở đây là sự thường trụ không thay đổi của thể tánh Như Lai. Từ trước, đức Phật đã dạy rằng tất cả các pháp đều vô thường, không có gì là thường tồn bất biến. Trong kinh này, lần đầu tiên đức Phật khai thị những ý nghĩa rốt ráo khác biệt hơn:

“... Này chư tỳ-kheo! Chớ nên tu tập những phép quán tưởng vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh theo cách như vậy mà cho là nghĩa chân thật, khác nào những người kia hốt lấy gạch, đá, cỏ, cây, cát, sỏi... mà cho là bảo châu!

“Các ông nên khéo học phương tiện. Bất kỳ lúc nào và ở đâu cũng thường tu những pháp quán tưởng thường, lạc, ngã, tịnh. Lại nên biết rằng, bốn phép quán tưởng vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh mà các ông đã tu tập trước kia đều là điên đảo cả. Muốn tu các pháp quán tưởng cho đúng lẽ chân thật, phải như người có trí kia, biết dùng phép khéo léo để lấy hạt bảo châu ra khỏi nước. Ấy là các pháp quán tưởng thường, lạc, ngã, tịnh...”

(trang 254-255, Tập I)

Sự thật đây không phải là sự phủ nhận giáo pháp vô thường, khổ... mà Phật đã dạy trước đó, nhưng là mở bày một phần giáo pháp siêu việt hơn, rốt ráo hơn. Đó là cảnh giới giải thoát cùng tột của Như Lai. Cảnh giới giải thoát này siêu việt mọi sự biến hoại vô thường, dứt sạch mọi nguyên nhân sanh khởi của khổ đau, là đại ngã chân thật, không có bất cứ sự nhiễm ô nào. Vì thế, cảnh giới giải thoát rốt ráo này là thường tồn bất biến, vượt ngoài giới hạn của không gian và thời gian, không còn nằm trong phạm trù của các khái niệm thường hay vô thường... nhưng chỉ vì đối đãi với pháp thế gian nên phải nói rằng cảnh giới ấy là thường, lạc, ngã, tịnh.

Dùng khái niệm ngôn ngữ để mô tả về một cảnh giới vượt ngoài mọi khái niệm ngôn ngữ là điều hoàn toàn không dễ dàng đối với cả người thuyết giảng lẫn người tiếp nhận. Vì thế, trong kinh này sẽ còn tiếp tục lặp lại các phần thuyết giảng về nội dung này với rất nhiều ví dụ được đưa ra để so sánh làm rõ, cùng với những cách giảng giải khác nhau, nhưng tựu trung đều nhằm dẫn dắt người đọc đến với một nhận thức tương đối và đặt niềm tin cũng như nhận hiểu được về một cảnh giới giải thoát rốt ráo, về thể tánh Như Lai thường trụ.

Sở dĩ chúng tôi cho rằng đây là một “nhận thức tương đối” vì thật ra tất cả chúng ta đều không thể nhận thức được đầy đủ về cảnh giới giải thoát của Như Lai. Cảnh giới đó thuộc về sự nhận biết của chư Phật, cho đến hàng thánh quả Thanh văn, Bồ Tát Thập địa còn không thể nhận biết rõ, huống hồ người tu tập còn nằm ở địa vị phàm phu? Tuy nhiên, nếu không có một nhận thức tương đối và tin nhận rằng thật có một cảnh giới giải thoát như thế thì dựa vào đâu để phát tâm Bồ-đề? Do đó mà đức Phật mới nhọc công thuyết giảng bằng mọi cách để giúp chúng ta sanh khởi đức tin, rồi từ chỗ sanh khởi đức tin mới có thể phát tâm tu tập hành trì, hướng đến giải thoát. Vì vậy, đối với chư Phật đã đạt được giải thoát rốt ráo thì cảnh giới Như Lai là không cần mô tả, còn đối với chúng sanh phàm phu thì sự mô tả thuyết giảng đó chỉ là phương tiện gợi mở, giúp người tu tập có được một nhận thức tương đối để sanh khởi đức tin mà thôi.

Trong bối cảnh đức Phật sắp thị hiện nhập Niết-bàn hoại diệt sắc thân và đại chúng thảy đều buồn đau than khóc, nếu Phật không khai thị những ý nghĩa rốt ráo chân thật về thể tánh Như Lai thường trụ thì trong đại chúng ắt không tránh khỏi có những người khởi sanh nghi tình: “Đức Phật đã thành tựu quả vị Chánh đẳng Chánh giác mà còn không tránh khỏi sự vô thường hoại diệt, huống chi chúng ta đây thì tu tập để làm gì?” Vì thế mà ngay sau nội dung khởi tín kinh văn đã đề cập ngay đến nội dung này.

Chúng ta đều biết, đức Phật ra đời trong một hoàn cảnh xã hội vô cùng phức tạp với rất nhiều các luận thuyết khác nhau, dẫn dắt con người đi theo đủ mọi hướng nhưng không có hướng đi nào là thực sự dẫn đến sự giải thoát. Con người đắm chìm trong năm món dục lạc, si mê tạo đủ mọi nghiệp ác, chịu đựng tất cả những nỗi khổ đau và phiền não trong đời sống mà không hề biết đến nguyên nhân sanh khởi của đau khổ. Sau khi thành tựu Chánh giác đức Phật đã chứng đắc Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh. Nhờ đó, ngài nhớ lại tất cả những kiếp sống trước đây của chính mình cho đến của tất cả chúng sanh. Ngài thấu rõ được nhân quả và nghiệp báo của chúng sanh, biết được những hành vi như thế nào sẽ dẫn đến những kết quả như thế nào... Do chánh kiến đó, ngài thấy rõ được rằng mỗi chúng sanh đều có thể tự quyết định tương lai của chính mình bằng sự kiểm soát tâm ý và những hành vi tạo nghiệp. Trong Trung bộ kinh, kinh số 71 Tevijjavacchagotta Sutta, đức Phật nói về Túc mạng minh như sau:

“Ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, hai mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp... Ta nhớ rằng: Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây... Như vậy Ta sẽ nhớ đến những đời sống quá khứ, cùng với các nét đại cương và các chi tiết.”

(Bản dịch từ Kinh tạng Pāli của Hòa thượng Thích Minh Châu.)

Và cũng trong bản kinh nói trên, đức Phật nói về Thiên nhãn minh như sau:

“Ta thấy sự sống chết của chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Ta nghĩ rằng: Thật sự những chúng sanh này thành tựu những ác hạnh về thân, thành tựu những ác hạnh về lời nói, thành tựu những ác hạnh về ý, phỉ báng các bậc thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh này thành tựu những thiện hạnh về thân, thành tựu những thiện hạnh về lời nói, thành tựu những thiện hạnh về ý, không phỉ báng các bậc thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, thiên giới, trên đời này.”

(Bản dịch từ Kinh tạng Pāli của Hòa thượng Thích Minh Châu.)

Ngoài ra, sau khi giác ngộ đức Phật cũng nhận thấy rằng tất cả chúng sanh đều sẵn có khả năng tu tập thành tựu Chánh giác, đạt đến sự giác ngộ như ngài không khác. Tuy nhiên, đức Phật thấy rằng những nghiệp lực sâu dày của chúng sanh luôn ngăn che khiến họ thật khó lòng nhận ra được tánh Phật của mình, thật khó lòng tiếp nhận được Chánh pháp sâu xa uyên áo. Vì thế, ngài đã có ý định sẽ nhập Niết-bàn mà không thuyết pháp. Kinh Tương ưng bộ, tập 1, chương 6, phẩm thứ nhất ghi lại những suy nghĩ của đức Phật ngay khi vừa thành đạo:

“Pháp này do Ta chứng được thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người có trí mới cảm nhận! Còn quần chúng này ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó thấy định lý này, tức là y duyên tánh duyên khởi pháp. Thật khó thấy định lý này, tức là tất cả hành là tịch tịnh, tất cả sanh y được từ bỏ, ái tận, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn...”

(Bản dịch từ Kinh tạng Pāli của Hòa thượng Thích Minh Châu.)

Khi ấy, vị Phạm thiên Sahampati biết được ý định của đức Phật, liền hiện xuống khuyến thỉnh, khẩn cầu đức Phật hãy vì tất cả chúng sanh mà lưu lại thế gian để thuyết giảng Chánh pháp. Cũng trong phẩm kinh vừa dẫn ghi lại sự kiện này:

“Rồi Phạm thiên Sahampati đắp thượng y trên một bên vai, quỳ đầu gối bên phải trên mặt đất, chắp tay hướng về Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, hãy thuyết pháp! Bạch Thiện Thệ, hãy thuyết pháp! Có những chúng sanh ít nhiễm bụi trần sẽ bị nguy hại nếu không được nghe Chánh pháp. [Nếu được nghe] những vị này có thể thâm hiểu Chánh pháp.”

(Bản dịch từ Kinh tạng Pāli của Hòa thượng Thích Minh Châu.)

Do nhân duyên như vậy, đức Phật đã quyết định giáo hóa bằng cách dùng mọi phương tiện để dẫn dắt chúng sanh dần dần đi theo đúng con đường giải thoát. Vì thế, trước tiên ngài đã thuyết giảng giáo pháp Tứ diệu đế tại Lộc Uyển. Nội dung lần thuyết pháp này được ghi lại trong phẩm Chuyển pháp luân thuộc chương 12 của Tương ưng bộ kinh.

Đối với những chúng sanh đang đắm chìm trong năm dục lạc và chưa hề biết gì về những nguyên nhân làm sanh khởi khổ đau thì sự thuyết giảng của đức Phật khác nào như cơn mưa mùa hạ, như ly nước trong mát cho người đang khát cháy! Vì thế mà mọi người được nghe pháp đều tức thời tin nhận và tu tập, nên sự hoằng hóa của ngài không bao lâu đã lan rộng khắp nơi. Giáo pháp này đã ngay lập tức làm vơi đi những khổ não vô biên trong đời sống, mang đến sự an lạc thanh thản cho người tu tập, vì thế được tôn xưng là Thánh đế. Và từ đó về sau trong suốt nhiều năm đức Phật đã đi khắp mọi nơi để tiếp tục thuyết giảng Chánh pháp, khiến cho tất cả mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội thời đó đều được thấm nhuần hương vị giải thoát.

Mặc dù vậy, sự chứng đắc rốt ráo của đức Phật không chỉ dừng lại ở chỗ giảm nhẹ khổ đau, mà là đoạn trừ đến tận gốc rễ của vòng sanh tử luân hồi mà tất cả chúng sanh đã phải lưu chuyển trong đó từ vô thủy đến nay. Ngài đã quán chiếu thấu suốt Mười hai nhân duyên sanh khởi của luân hồi và biết rằng có thể tu tập để chấm dứt vòng xoay duyên khởi đó. Ngài cũng nhận ra được rằng chỉ có sự giải thoát rốt ráo đạt đến cảnh giới Như Lai mới thực sự chấm dứt được sanh tử, thoát ra khỏi mọi khổ đau và không còn có sự sanh khởi trở lại.

Giáo pháp vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh tuy đã giúp chúng sanh vượt thoát đời sống khổ đau nhưng thực sự là chưa thể giúp người tu tập đạt đến cảnh giới giải thoát rốt ráo. Vì chúng sanh không nhận biết các pháp hữu vi đều là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh nên mới không ngừng tạo tác các nghiệp ác, dẫn đến những nghiệp báo nặng nề luân chuyển trong Ba cõi. Do đó, đức Phật dạy các pháp này để chúng sanh xa lìa các nghiệp ác mà hướng đến nghiệp lành. Mặc dù vậy, các khái niệm thường và vô thường đều chưa thoát khỏi phạm trù của tư duy chấp thủ, nên người tu tập sau khi buông bỏ sự đắm chấp nơi các pháp thường tồn giả tạm cũng không khỏi vướng mắc vào cái vô thường trong phạm trù đối đãi. Như vậy chẳng khác nào buông bên này lại nắm lấy bên kia, vẫn không thoát ra khỏi được cái vòng xoay muôn kiếp. Phật dạy:

“...Tất cả chúng sanh cũng giống như vậy, vì không thấy tánh Phật nên tự tạo nghiệp trói buộc, luân chuyển mãi trong sanh tử, khác nào như trái cầu [bị người chơi đánh qua lại mãi]!”

(trang 272, tập V)

Vì thế, trước khi kết thúc sự giáo hóa ở cõi Ta-bà, đức Phật đã đưa ra những thuyết giảng rốt ráo cuối cùng trong kinh này, không phải là phủ nhận những điều đã thuyết giảng trước kia, mà là mở rộng và dẫn dắt chúng sanh đạt đến cảnh giới mà chư Phật đã đạt được. Để so sánh làm rõ ý nghĩa sự khác biệt giữa giáo pháp rốt ráo về thường, lạc, ngã tịnh với vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh đã giảng dạy trước kia, đức Phật đưa ra ví dụ bằng câu chuyện dài về vị thầy thuốc ngăn cấm mọi người dùng sữa nhưng sau đó chính ông lại đưa ra quyết định dùng sữa để trị bệnh. (trang 255 – 261, tập I) Và để kết luận, đức Phật dạy:

“Các pháp là vô ngã, nhưng thật chẳng phải vô ngã. Thế nào là thật? Nếu như có pháp là chân thật, là thường tồn, là chủ tể, là chỗ nương theo, bản tánh không thay đổi, đó gọi là ngã.”

(trang 261, tập I)

Pháp chân thật thường tồn được nói đến ở đây chính là tánh Như Lai, và vì thế Phật dạy rằng Như Lai là thường trụ không biến đổi. Khi Bồ Tát Ca-diếp hỏi về thọ mạng của Như Lai, đức Phật dạy:

“Những sông lớn là thọ mạng của tất cả chúng sanh trong khắp cõi trời, người, trên mặt đất, giữa hư không, thảy đều nhập vào biển cả là thọ mạng của Như Lai. Vì vậy, thọ mạng của Như Lai là vô lượng.”

(trang 344, tập I)

Và để xác quyết với tất cả đại chúng về ý nghĩa Như Lai là thường trụ, Phật dạy:

“...Không nên phát sinh tư tưởng [cho rằng Như Lai là] diệt tận... ...phải biết rằng Như Lai là pháp thường trụ, pháp không biến đổi. Thân này của Như Lai là thân biến hóa, chẳng phải thân do sự ăn uống mà thành, chẳng qua vì hóa độ chúng sanh nên thị hiện giống như loài cây độc. Vì vậy ta mới hiện cách bỏ thân là nhập Niết-bàn... ...Nên biết rằng Phật là pháp thường tồn, pháp không biến đổi. Các ông nên ra sức tinh tấn, một lòng tu tập nghĩa đệ nhất ấy.”

(trang 344-345, tập I)

Sự nhận biết và tin tưởng vào ý nghĩa Như Lai thường trụ là vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong sự tiếp nhận giáo pháp Đại thừa. Vì thế, đức Phật đã ân cần căn dặn:

“Như có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào muốn do nơi kinh Đại Bát Niết-bàn này mà đạt được Niết-bàn, thì nên học lẽ này: Như Lai là thường trụ, Pháp và Tăng cũng là thường trụ.”

(trang 368-369, tập I)

Do đó, nhìn từ nhãn quan của bậc giác ngộ thì thật ra không hề có sự kiện Phật nhập Niết-bàn, vì đó chỉ là một sự thị hiện trong việc giáo hóa chúng sanh mà thôi. Phật dạy:

“Tuy ta ở tại cõi Diêm-phù-đề này đã biết bao lần thị hiện nhập Niết-bàn, nhưng thật rốt ráo chẳng nhập Niết-bàn. Chúng sanh đều bảo rằng Như Lai thật đã diệt mất, nhưng tánh Như Lai thật vĩnh viễn không diệt mất. Vì vậy, nên biết rằng đó là pháp thường trụ, pháp không biến đổi.”

(trang 443, tập I)

“Tánh Như Lai thật vĩnh viễn không diệt mất” nên Như Lai là thường trụ. Nội dung ý nghĩa Như Lai thường trụ này sẽ còn tiếp tục được lặp lại rất nhiều lần trong các phẩm kinh về sau, vì ý nghĩa này có sự liên quan gắn kết và là một phần không thể tách rời với nội dung tánh Phật là nội dung được đức Phật thuyết giảng nhiều nhất trong kinh này.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 14 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở


Phật giáo và Con người


Pháp bảo Đàn kinh


Kinh nghiệm tu tập trong đời thường

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.235.226.14 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách ... ...

Việt Nam (259 lượt xem) - Hoa Kỳ (36 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - ... ...