Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Thành Duy Thức Luận [成唯識論] »» Bản Việt dịch quyển số 3 »»

Thành Duy Thức Luận [成唯識論] »» Bản Việt dịch quyển số 3


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.6 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.77 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luận Thành Duy Thức

Kinh này có 10 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Việt dịch: Thích Tuệ Sỹ

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Tiết 4. Tâm sở tương ưng
1. Năm tâm sở
Thức này tương ưng với bao nhiêu tâm sở?
Nó thường xuyên tương ưng với xúc, tác ý, thọ, tưởng và tư.
Kể từ vô thủy cho đến trước khi được chuyển y, trong tất cả mọi giai đoạn, thức này thường xuyên tương ưng với năm tâm sở này. Vì chúng thuộc các tâm sở biến hành.
a. Xúc
Xúc, đó là sự phân biệt biến dị trong tổ hợp ba, mà tự tính là làm cho tâm và tâm sở tiếp xúc với cảnh; chức năng là làm sở y cho thọ, tưởng các thứ.[601]
Tổ hợp ba là sự hỗ tương tùy thuận của căn, cảnh và thức.[602] Xúc y trên chúng nó mà phát sinh, làm cho chúng hòa hiệp, do đó nói “chúng nó”.[603] Trong trạng thái hòa hiệp, ba sự đều có công năng dẫn đến sự sinh khởi của tâm sở; đó gọi là “biến dị”.[604] Xúc sinh khởi tương tự với sự biến dị ấy được gọi là “phân biệt”.[605] Khi xúc được dẫn khởi, hiệu lực biến dị của căn hơn hẳn thức và cảnh của nó, do đó, các luận như Tập luận[606] chỉ nói đến phân biệt về sự biến dị của căn.[607] Tự tính của xúc là sự hòa hiệp tất cả tâm và tâm sở khiến cho chúng đồng tiếp xúc cảnh.[608]
Bởi vì nó tương tự công năng dẫn đến phát khởi tâm và tâm sở, nên chức năng (nghiệp) của nó là làm sở y cho thọ, v.v. Kinh Khởi tận nói, Các uẩn thọ, tưởng, hành, tất cả đều lấy xúc làm duyên.[609] Do ý nghĩa đó mà nói, thức, xúc, thọ các thứ phát sinh nhân bởi sự hòa hiệp của hai, ba và bốn.[610]
Du-già[611] chỉ nói nó làm sở y cho thọ, tưởng và tư; ấy là vì trong hành uẩn tư là chủ đạo,[612] là ưu thắng.[613] Chỉ nêu nó mà bao hàm luôn các cái khác.
Các luận như Tập luận nói nó làm sở y cho thọ, vì xúc sinh thọ là sự kiện gần và ưu thắng. Nghĩa là các hình thái khả ý v.v. được tiếp nhận bởi xúc cùng với các hình thái thuận ích được tiếp nhận bởi thọ rất là gần gũi nhau, bởi vì sự dẫn phát[614] của nó ưu thắng.
Nhưng tự tính của xúc là thật chứ không phải giả.[615] Vì nó là tâm sở tính trong sáu pháp sáu.[616] Vì nó được kể trong thực phẩm.[617] Vì nó làm duyên.[618] Không phải như thọ tính v.v. mà đồng nhất với tổ hợp ba.[619]
b. Tác ý
Tác ý, có bản chất là cảnh giác tâm; chức năng là dẫn tâm hướng đến đối tượng.[620] Nghĩa là, nó cảnh giác chủng tử của tâm cần được phát khởi,[621] hướng dẫn nó nhắm đến cảnh; đó gọi là tác ý. Mặc dù nó cũng dẫn khởi tâm sở, nhưng vì tâm là chủ nên chỉ nói đến sự dẫn khởi tâm.
Cũng có quan điểm cho rằng nó khiến cho tâm quay hướng đến đối tượng khác.[622] Hoặc cho rằng, trong một đối tượng, nó duy trì tâm an trụ; đó gọi là tác ý.[623] Các giải thích này đều phi lý. Vì như vậy, nó không phải là biến hành;[624] và vì không có gì khác với định.[625]
c. Thọ
Thọ, tự tính của nó là lãnh nạp[626] các hình thái đối tượng thuận, nghịch, hay phi cả hai;[627] chức năng của nó là làm trổi dậy ái; vì nó khơi dậy sự ham muốn hiệp, ly[628] hay phi cả hai.
(a) Có giải thích nói rằng, thọ có hai:[629] thọ (lãnh nạp) cảnh giới, tức lãnh nạp sở duyên; và thọ (lãnh nạp) tự tính tức sự lãnh thọ câu hữu với xúc. Chỉ có tự tính thọ là đặc tính riêng của thọ, vì cảnh giới thọ có chung các đặc tính khác.[630]
Giải thích này phi lý. Một cách xác định, thọ không duyên đến đối tượng là xúc câu sinh.
(b) Nếu vì nó sinh khởi tương tợ xúc mà nói là lãnh nạp xúc, thế thì quả tương tợ nhân đều có tự tính là thọ.
(c) Lại nữa, xúc đã là nguyên nhân của thọ, thì nên nói thọ là thọ của nhân,[631] sao lại nói là tự tính?
(d) Nếu nói, cũng như nói “nhà vua ăn (hưởng thụ) các quốc ấp,”[632] cũng vậy, thọ lãnh nạp xúc, do đó thể của thọ được sản sinh ấy được nói là thọ thuộc tự tính. Nói như vậy cũng không hợp lý; vì tự mâu thuẫn với tông phái mình, theo đó, không có tự chứng.[633]
(e) Nếu không xả tự tính mà nói đến thọ (lãnh nạp) tự tính; nói thế thì hết thảy pháp đều là có tự tính là thọ. Cho nên, thí dụ được nêu chỉ có thể gạt trẻ nhỏ thôi.
Tuy nhiên, cảnh giới thọ không cùng với các tâm sở khác có chung đặc tính. Sự lãnh nạp các đặc tính, thuận nghịch v.v. được xác định thuộc bản thân, sự lãnh nạp ấy được gọi là cảnh giới thọ, vì không chung với các tâm sở khác.[634]
d. Tưởng
Tưởng, tự tính là tiếp thu ảnh tượng nơi đối tượng.[635] Chức năng của nó là quy ước[636] các loại danh ngôn khác nhau. Nghĩa là, cần phải ấn định hình thái giới hạn của đối tượng mới có thể tùy theo đó phát khởi các thứ danh ngôn khác nhau.
e. Tư
Tư, tự tính là khiến tâm tạo tác.[637] Chức năng là sử dịch tâm nơi các phẩm chất thiện, v.v...[638] Tức là, nó tiếp nhận các hình thái chính nhân[639] nơi đối tượng rồi thúc đẩy tâm tạo các thứ thiện, bất thiện, v.v…
Năm tâm sở này thuộc biến hành, do đó một cách xác định chúng tương ưng với tàng thức. Đặc tính của biến hành sẽ giải thích sau.
Xúc, v.v., năm tâm sở này tuy có đặc tính khác nhau với dị thục thức, nhưng thời và y tương đồng, sở duyên và sự tương đẳng,[640] do đó nói là tương ưng.[641]
2. Duy xả thọ
Hành tướng của thức này cực kỳ không rõ ràng, không thể phân biệt các hình thái đối tượng nghịch hay thuận; nó vi tế, đồng nhất loại, tiếp nối nhau chuyển; do đó, nó chỉ tương ưng với xả thọ.
Lại nữa, thọ tương ưng này duy chỉ là dị thục; nó hoạt động tùy theo nghiệp dẫn độ, không cần hội đủ duyên, vì vận chuyển theo thế lực của nghiệp thiện ác một cách tự nhiên. Vì vậy, duy chỉ là xả thọ.
Hai thọ khổ và lạc là dị thục sinh,[642] không phải là dị thục thực thụ, vì chúng cần đủ duyên cho nên không tương ưng với thức này.
Lại nữa, do sự kiện thức này thường không chuyển biến nên hữu tình chấp nó xem như ngã tự nội.[643] Nếu tương ưng với hai thọ khổ và lạc, nó hẳn có chuyển biến, vậy là sao chấp làm tự ngã? Do đó, nó chỉ tương ưng với xả thọ.
Nếu vậy, làm sao thức này cũng là dị thục của nghiệp ác?[644] Đã cho rằng nghiệp thiện cũng chiêu cảm xả thọ; ở đây (nghiệp bất thiện) sao lại không? Vì xả thọ không trái nghịch với các phẩm chất khổ lạc. Như pháp vô ký dẫn đến cả hai thiện và ác.
3. Các tâm sở khác
Vì sao thức này không tương ưng các tâm sở biệt cảnh, và v.v.? Vì hỗ tương mâu thuẫn.
Nghĩa là, dục hoạt động với hy vọng về sự thể được ưa thích. Thức này vận chuyển tùy tiện,[645] không có hy vọng điều gì.
Thắng giải hoạt động nhằm ghi dấu ấn[646] và quyết định sự thể. Thức này thì mông muội, không ghi dấu ấn cái gì.
Niệm hoạt động chỉ để ghi nhận rõ ràng những sự thể đã từng trải nghiệm. Thức này muội lược không thể ghi nhớ sáng suốt.
Định là tập trung tâm chuyên chú trên một đối tượng. Thức này vận chuyển tùy tiện, duyên đối tượng từng sát-na riêng biệt.[647]
Huệ duy chỉ hoạt động với sự giản trạch các sự thể như đức, v.v...[648] Thức này vi tế, muội lược, không thể giản trạch.
Do vậy, thức này không tương ưng các biệt cảnh.
Thức này vì duy chỉ là tự thể dị thục cho nên cũng không tương ưng với thiện hay nhiễm ô.
Bốn vô ký tính, ác tác, v.v.,[649] vì có tính gián đoạn, đương nhiên không phải là dị thục.[650]
Tiết 5. Bản chất
1. Bản chất của thức thứ tám
Có bốn loại pháp: Thiện, bất thiện, vô ký hữu phú, vô ký vô phú. Thức a-lại-da thuộc về pháp gì?
Thức này chỉ có tính vô ký hữu phú, vì tự tính là dị thuc.[651] Nếu dị thục mà thiện hay nhiễm ô thì không thể có sự lưu chuyển và hoàn diệt.[652] Vả lại, thức này là sở y cho thiện và nhiễm ô. Nếu nó là thiện hay nhiễm ô thì không thể là sở y cho cả hai, vì chúng trái nghịch nhau. Mặt khác, thức này có tự tính là cái được huân tập; nếu nó thiện hoặc nhiễm, như mùi cực thơm hay cực thối, không thể tiếp nhận sự huân tập. Nếu không có sự huân tập,[653] không thể thành lập nhân quả nhiễm, tịnh.
Vậy, thức này duy chỉ là vô ký vô phú.
Phú[654] chỉ cho pháp ô nhiễm, vì nó ngăn che Thánh đạo.[655] Lại nữa, nó che kín tâm khiến trở thành bất tịnh.
Thức này không mang tính ô nhiễm nên là vô phú.[656]
Ký[657] là tính có thể xác định rõ kết quả là khả ái hay không khả ái của thiện và bất thiện, và tự thể đặc sắc của chúng. Thức này không mang tính chất thiện hay ác nên nó là vô ký.
2. Bản chất tâm sở tương ưng
Tụng nói, “Xúc v.v., cũng vậy”: cũng như thức a-lại-da chỉ mang tính chất vô phú vô ký; xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư, cũng vậy.
a. Vì các pháp tương ưng đương nhiên là đồng tính chất với nó.[658]
b. Năm tâm sở, xúc v.v., như a-lại-da, (1) cũng đều là dị thục; (2) sở duyên và hành tướng cũng đều không thể biết được; (3) cùng duyên đến ba loại cảnh, (4) cùng tương ưng với năm pháp,[659] (5) cũng vô phú vô ký. Do đó nói, “Xúc v.v. cũng vậy.”
c. Hoặc giải thích,[660] xúc v.v., cũng như a-lại-da, cũng đều là dị thục và nhất thiết chủng. Chi tiết cho đến vô phú vô ký[661] cũng được diễn dịch như vậy, vì không có sự tách biệt.
d. Giải thích đó phi lý.[662] Vì sao? (1) Xúc v.v., y chỉ thức nên không tự tại.[663] Như tham v.v., tín v.v., không thể tiếp nhận huân tập, làm sao đồng với thức duy trì chủng tử? (2) Vả lại, nếu xúc v.v. mà cũng có thể tiếp nhận huân tập, một hữu tình hẳn có đến sáu tự thể của chủng tử. Thế thì, khi quả xuất hiện, nó được sản sinh từ chủng tử nào? Hợp lý mà nói, không thể cho rằng nó xuất hiện (cùng lúc) từ sáu chủng tử. Vì chưa hề thấy từ nhiều hạt giống mà nảy sinh một mầm.[664] Nếu nói, quả được sản sinh từ một hạt giống duy nhất, như vậy năm hạt giống kia là vô dụng. Cũng không thể nói chúng lần lượt sản sinh quả, vì sự huân tập của chúng đồng thời và thế lực của chúng bằng nhau. Lại nữa, cũng không thể nói sáu quả đồng loạt được sản sinh. Đâu có thể nói rằng nơi một hữu tình trong khoảng một sát na cả sáu thức, mắt v.v., đồng thời sinh khởi.
Ai nói, xúc v.v. cũng có thể tiếp nhận huân tập, duy trì các chủng tử?[665]
Nếu không như thế, làm sao xúc v.v., cũng như thức, là nhất thiết chủng?[666]
Đáp:[667] Năm pháp, xúc v.v., có hình thái tương tợ chủng tử nên được gọi là chủng tử.[668] Vì xúc v.v. tương đẳng với thức về sở duyên. Vì xúc vô sắc cũng có sở duyên.[669] Vì nhất định phải có sở duyên trực tiếp.[670] Hình thái tương tợ chủng tử này không trở thành nhân duyên để sản sinh các hiện thức. Cũng như trên xúc v.v., các tương tợ căn như mắt v.v., không phải là sở y của thức. Cũng như cái tương tợ lửa không có tác dụng đốt cháy.
Biện minh này phi lý.[671] Sở duyên của xúc v.v., có hình thái tương tợ chủng tử, tiếp theo sau[672] chấp thọ và xứ mới có thể được diễn dịch từ đó. Do đó, từ nhất thiết chủng được đề cập trước đó nhất định phải chỉ cho ý nghĩa tiếp nhận huân tập và duy trì chủng tử.[673] Nếu không vậy, bản tụng phạm lỗi trùng lặp.[674]
Vả lại, tụng văn nói “cũng vậy” vì không có sự giản biệt nên hàm ngụ sự diễn dịch; giải thích như vậy không vững. Không thể nói xúc v.v., cũng là liễu biệt (nhận thức). Cũng không thể nói xúc v.v., tương ưng với xúc v.v…
Do vậy, nên biết, từ “cũng vậy”[675] có nghĩa là tùy theo chỗ thích hợp, chứ không có nghĩa là tất cả.
Tiết 6. Thức hằng chuyển [676]
1. Ý nghĩa duyên khởi
Thức a-lại-da đoạn diệt hay thường tồn? Nó không phải đoạn diệt, cũng không phải thường tồn. Vì nó hằng chuyển.[677]
Hằng, vì kể từ vô thủy nó thuần nhất[678] liên tục tiếp nối thường hằng không gián đoạn. Vì nó là căn bản để thiết lập[679] (ba) giới hệ, (sáu) thú hướng, (bốn) sinh loại. Và vì tính chất của nó bền vững,[680] duy trì chủng tử không để cho tiêu thất.
Chuyển, thức này, kể từ vô thủy, sinh diệt trong từng sát na, liên tục biến dị; vì nhân diệt thì quả sinh, nó không thường trực nhất tính; và vì nó có thể được các chuyển thức huân tập thành chủng tử.
Hằng, loại bỏ tính gián đoạn. Chuyển, biểu hiện tính không thường, giống như dòng lũ. Pháp nhĩ của nhân quả là vậy. Như nước trong dòng thác lũ, không phải đoạn cũng không phải thường, liên tục tiếp nối chìm nổi. Thức này cũng vậy, từ vô thủy, sinh diệt tiếp nối nhau, không phải thường cũng không phải đoạn; hữu tình chìm nổi trong đó không thể thoát ly.
Và cũng như dòng thác lũ tuy bị gió kích động khiến nổi sóng nhưng vẫn trôi chảy không gián đoạn. Thức này cũng vậy, mặc dù theo các duyên mà khởi lên các thức con mắt v.v. nhưng vẫn hằng tiếp nối.
Cũng như dòng lũ, mà trong con nước của nó bên dưới là cá, bên trên là cỏ các thứ, mọi vật tùy theo dòng trôi chảy không dứt. Thức này cũng vậy, cùng với tập khí nội tại và xúc các thứ ngoại tại hằng tiếp nối nhau vận chuyển.[681]
Những thí dụ cụ thể này nêu rõ ý nghĩa theo đó thức này do nhân quả vô thủy không phải đoạn cũng không phải thường. Nghĩa là, tính thể của thức này là sự xuất sinh của quả và sự tàn diệt của nhân trong từng sát na kể từ thời vô thủy. Quả sinh, cho nên nó không phải đoạn; nhân diệt, cho nên nó không phải thường. Phi đoạn phi thường là lý duyên khởi. Do đó, tụng nói, thức này hằng chuyển như dòng chảy.
2. Phê bình các bộ
a. Hữu bộ và Chính lượng bộ
Hữu bộ: Quá khứ, vị lai, vốn đã không phải thực hữu, do đó có thể cho là không phải thường, chứ sao lại có thể không phải đoạn? Gián đoạn, làm sao phù hợp với chính lý duyên khởi?[682]
Duy thức: Quá khứ, vị lai nếu là thực hữu, nên có thể nói là không phải đoạn; nhưng làm sao nói là không phải thường? Thường cũng không phù hợp với chính lý duyên khởi.[683]
Hữu bộ: Đâu phải chỉ trích sai lầm của người khác là chứng minh được quan điểm của mình.
Duy thức: Nếu không phá tà, khó có thể hiển chính. Trạng thái đi trước là nhân vừa tàn diệt thì tiếp theo sau là quả tức thì sản sinh. Như hai đầu của đòn cân; đầu lên và đầu xuống cùng thời. Sự tiếp nối liên tục của nhân và quả cũng vậy, như dòng chảy. Sao lại phải giả thiết có quá khứ, vị lai mới chứng minh được là không gián đoạn?
Hữu bộ: Nhân trong trạng thái hiện đang tồn tại, quả theo sau thì chưa sinh,[684] vậy, nhân là nhân của cái gì? Khi quả hiện đang tồn tại thì nhân đi trước đã diệt, vậy quả là quả của cái gì? Nhân quả đã không, cái gì vượt ngoài đoạn thường?
Duy thức: Nếu, khi nhân tồn tại (trong nó) đã tồn tại quả sẽ sinh; quả đã có sẵn thì cần gì đến nhân đi trước? Ý nghĩa nhân đã không tồn tại, ý nghĩa quả há lại có? Không nhân, không quả, há có chuyện vượt ngoài đoạn, thường?
Hữu bộ: Ý nghĩa nhân quả được thiết lập y trên tác dụng (chứ không y trên tự thể) của pháp;[685] do đó, điều được chất vấn không quan hệ gì đến tông nghĩa của chúng tôi.
Duy thức: Thể vốn dĩ đã tồn tại, thì dụng cũng phải vậy.[686] Vì những gì là nhân duyên cần hội đủ[687] cũng vốn dĩ đã tồn tại. Do lẽ này mà nhân quả trong quan điểm của ngài không xác định có ý nghĩa gì. Vậy, ngài nên tin nơi chính lý duyên khởi của Đại thừa. Chính lý ấy sâu xa, vi diệu, vượt mgoài ngôn ngữ. Những gì nói về nhân quả chỉ là giả thi thiết. Quan sát thấy pháp hiện tại có khả năng dẫn sinh tác dụng về sau, theo đó giả lập quả đương lai, đối chiếu với cái hiện tại được nói là nhân. Khi quán sát thấy pháp hiện tại có sự đáp ứng với dấu hiệu đi trước, theo đó giả lập cái đã từng hiện hữu là nhân, đối chiếu với cái được nói là quả hiện tại. Giả, nghĩa là hiện thức xuất hiện tương tợ tướng của cái ấy. Lý thú nhân quả như vậy rất hiển nhiên, vượt ngoài hai cực đoan, khế hợp trung đạo. Những bậc có trí nên thuận theo đó mà tu học.
b. Các bộ phái khác.
Các bộ phái khác[688] nói, mặc dù quá khứ và vị lai không tồn tại, nhưng vẫn có ý nghĩa hằng tương tục của nhân quả.[689] Theo đó, pháp hiện tại tuy cực kỳ nhanh chóng, nhưng vẫn có hai thời sinh và diệt trước và sau. Khi sinh, nó đáp ứng nhân. Khi diệt, nó dẫn sinh quả. Thời tuy có hai, nhưng thể chỉ là một.[690] Ngay khi nhân đi trước vừa diệt, quả theo sau lập tức sinh. Thể và tướng tuy sai khác nhưng thảy đều cùng tồn tại. Nhân quả như vậy không phải là giả thi thiết, tuy vậy, vẫn vượt ngoài đoạn, thường. Ý nghĩa này cũng không thể bị chất vấn như trên. Vậy, bậc có trí há bỏ đây mà tin theo chỗ khác?
Duy thức: Giải thích ấy chỉ là hư ngôn, hoàn toàn không có ý nghĩa chân thật. Làm sao có thể thừa nhận trong một niệm tồn tại cả hai thời?[691] Sinh và diệt mâu thuẫn nhau, há cũng đồng hiện tại? Diệt nếu ở hiện tại, sinh tất thuộc vị lai. Cái hữu được nói là sinh; cái đó tất thuộc hiện tại. Cái vô được nói là diệt; nó há không phải là quá khứ? Nếu diệt không phải là vô, thì sinh cũng không phải là hữu. Sinh là cái hiện tại đang tồn tại. Diệt tất phải là cái hiện tại không tồn tại. Vả lại, cả hai mâu thuẫn nhau, làm sao thể của chúng đồng nhất? Như khổ và lạc, không thể tìm thấy có sự kiện (đồng nhất) như vậy. Nếu sinh diệt là một, thời tất không có hai. Nếu sinh diệt dị biệt, làm sao nói thể của chúng đồng? Do đó, nói rằng sinh và diệt cùng tồn tại đồng thời trong hiện tại, đồng y một thể tính; điều ấy không được chứng minh hợp lý.
c. Kinh bộ
Sự tương tục của nhân quả theo các nhà Kinh bộ cũng không được chứng minh hợp lý. Vì bộ phái này không thừa nhận có thức A-lại-da vốn là cái duy trì các chủng tử. Do vậy, nên tin tưởng những điều mà Đại thừa nói về sự tương tục của nhân quả là chính lý duyên khởi.
Tiết 7.
Xả A-lại-da[692]

1. Cứu cánh xả
Thức này, từ vô thủy, hằng chuyển như dòng thác, cho đến giai vị nào thì hoàn toàn được xả? Cho đến địa vị A-la-hán nó mới hoàn toàn bị xả. A-la-hán là các Thánh giả khi đã đoạn tận một cách rốt ráo các phiền não chướng.[693] Lúc bấy giờ các phiền não thô trọng của thức này vĩnh viễn bị diệt trừ, đó gọi là xả.
1. Trong đây,[694] nói là A-la-hán, là chỉ chung cho quả vị vô học của cả ba Thừa. Vì giặc phiền não đã vĩnh viễn bị sát hại.[695] Vì xứng đáng nhận sự cúng dường tuyệt diệu của thế gian.[696] Vì vĩnh viễn không còn thọ nhận sự sinh phần đoạn nữa.[697]
Làm sao biết được như vậy?
Vì “Quyết trạch phần”[698] nói, các A-la-hán, Độc giác, Như lai, thảy đều không thành tựu A-lại-da. Tập luận[699] cũng nói, các Bồ-tát khi chứng đắc bồ-đề, đồng loạt các phiền não và sở tri chướng đều bị đoạn trừ, thành A-la-hán và Như lai.
Nạn vấn: Nếu vậy, Bồ-tát mà chưa vĩnh viễn đoạn tận các chủng tử phiền não, không phải là A-la-hán; Bồ-tát ấy hẳn đều thành tựu thức A-lại-da; vì sao chính trong Quyết trạch phần đó nói Bồ-tát bất thối[700] cũng không thành tựu thức A-lại-da?
Đáp: Theo “Quyết trạch phần”, ở quả vị vô học của Nhị thừa mà xoay chuyển hướng đến đại bồ-đề, lẽ tất nhiên không thối lui để khởi phiền não, và vì thú hướng bồ-đề, do đó tức thì chuyển đổi tên được gọi là Bồ-tát bất thối.[701] Vị ấy không thành tựu thức A-lại-da, tức được kể trong hàng A-la-hán. Như vậy, văn của Luận không mâu thuẫn với ý nghĩa này.
2. Lại nữa,[702] Bồ-tát từ Bất động địa trở lên mới được gọi là Bồ-tát bất thối, vì ở đó hết thảy phiền não vĩnh viễn không còn hiện hành; vì vận chuyển một cách tự nhiên trong dòng chảy của pháp; vì có thể khởi lên các hành trong các hành;[703] và vì càng lúc càng tăng tiến trong từng sát na sát na.
Bồ-tát này tuy chưa đoạn tận các chủng tử của phiền não trong thức dị thục, nhưng khi duyên đến thức này, các thứ ngã ái v.v., không còn chấp tàng nó như là tự ngã nội tại; do đó tên gọi a-lại-da vĩnh viễn được loại bỏ. Theo đó mà nói là không thành tựu thức a-lại-da. Bồ-tát ấy vì vậy cũng được gọi là A-la-hán.
3. Giải thích khác[704] nói, vì rằng Bồ-tát từ Sơ địa trở lên đã chứng chân lý hiển hiện bởi hai Không; và vì đã đạt được hai loại trí thù thắng;[705] và vì đã đoạn hai trọng chướng của phân biệt; và vì có thể phát khởi các hành trong hết thảy hành; Bồ-tát ấy, tuy vì lợi ích mà hiện khởi các phiền não, nhưng không gây những tai hại do bởi phiền não,[706] do đó cũng được gọi là Bồ-tát bất thối.
Hạng Bồ-tát bày tuy chưa đoạn tận loại phiền não câu sinh, nhưng duyên đến thức này mà các thứ ngã kiến, ngã ái v.v. của phân biệt không chấp tàng nó như là tự ngã nội tại; do bởi đó tên gọi A-lại-da vĩnh viễn bị loại bỏ, nên nói là không thành tựu thức A-lại-da. Ở đây Bồ-tát này cũng được gọi là A-la-hán. Đó cũng là điều được nói trong Tập luận,[707] theo đó, Bồ-tát thập địa tuy chưa đoạn tận hết thảy phiền não, nhưng phiền não này, cũng như độc tố bị áp chế bởi thuốc, chú thuật, không gây ra những tác hại của phiền não. Vì vậy, Bồ-tát trong tất cả các địa, như A-la-hán đã đoạn tận phiền não, cũng được gọi là A-la-hán.
4. Nạn vấn:[708] Giải thích này phi lý. Bồ-tát thất địa về trước vẫn còn ngã kiến, ngã ái các thứ thuộc loại câu sinh chấp tàng thức này làm tự ngã nội tại, làm sao có thể nói là xả tên gọi A-lại-da?
Đáp:[709] Nếu do bởi ngã kiến, ngã ái các thứ thuộc loại phân biệt không còn chấp tàng nữa mà gọi là xả, thì các hàng hữu học như Dự lưu lẽ ra cũng xả tên gọi A-lại-da. Như vậy là trái nghịch với những điều được nói bởi các Luận. Phiền não được dấy khởi nơi Bồ-tát trên các địa là do bởi chính tri nên không gay tác hại. Hàng Dự lưu v.v. không thể có được trường hợp như vậy, đâu có thể lấy đó mà điển hình cho Bồ-tát.
Phiền não khởi lên trong thức thứ sáu của Bồ-tát ấy do bởi chính tri nên không gây tác hại, nhưng thức thứ bảy trong trạng thái của tâm hữu lậu hiện hành một cách tự nhiên chấp tàng thức này, há không thể điển hình với hàng Dự lưu?[710] Do vậy, nên biết, nạn vấn ấy không hợp lý.
Song,[711] A-la-hán đoạn trừ các phiền não thuộc loại thô trọng trong thức này dứt sạch một cách rốt ráo, không còn chấp tàng thức A-lại-da như là tự ngã nội tại nữa; do A-lại-da vĩnh viễn tiêu thất như vậy nên gọi là xả, chứ không phải xả toàn bộ thể của thức thứ tám. Không nên nói rằng A-la-hán không có thức duy trì chủng tử,[712] lúc bấy giờ liền nhập Niết-bàn vô dư.
2. Các biệt danh
Tuy các hữu tình thảy đều thành tựu thức thứ tám, nhưng tùy theo ý nghĩa mà lập nhiều tên gọi khác nhau.[713]
Hoặc gọi là tâm, vì nó là nơi tích lũy chủng tử được huân tập của các pháp vạn thù sai biệt.[714]
Hoặc gọi là a-đà-na,[715] vì nó nắm giữ chủng tử và các sắc căn không để hủy hoại.
Hoặc gọi là sở tri y,[716] vì nó làm nơi y chỉ cho các pháp sở tri hoặc nhiễm hoặc tịnh.
Hoặc gọi là chủng tử thức, vì nó nhiệm trì toàn bộ các chủng tử của thế gian và xuất thế gian.
Các tên gọi như vậy thông cho tất cả các trình độ.
Hoặc gọi là a-lại-da, vì nó nhiếp tàng tất cả pháp thuộc phẩm loại tạp nhiễm không để thất tán, và vì bị ngã kiến, ngã ái các thứ chấp tàng như là tự ngã nội tại. Tên gọi này chỉ áp dụng cho hàng dị sinh và hữu học, vì hàng vô học và Bồ-tát bất thối[717] không có pháp tạp nhiễm để chấp tàng.
Hoặc gọi là dị thục thức, vì nó là quả dị thục của nghiệp thiện và bất thiện dẫn đến sinh tử. Tên gọi này chỉ áp dụng cho hàng dị sinh, Nhị thừa, các Bồ-tát;[718] vì ở Như lai địa không tồn tại pháp vô ký thuộc loại dị thục.
Hoặc gọi là vô cấu thức,[719] vì là nơi sở y của các pháp vô lậu cực kỳ thanh tịnh. Tên gọi này chỉ áp dụng cho Như lai địa, vì Bồ-tát, Nhị thừa và dị sinh vị có sự huân tập khả ái của chủng tử hữu lậu, chưa đạt được thức thứ tám thiện tịnh. Như Khế kinh nói, “Thức vô cấu của Như lai, là giới tịnh vô lậu, giải thoát hết mọi chướng, tương ưng trí viên kính.”[720]
Tên gọi A-lại-da nặng phần tác hại, và vì được xả trước hết, cho nên đặc biệt được nói riêng trong đây.
Thể của thức dị thục được xả khi Bồ-tát sắp chứng đắc bồ-đề. Thanh văn, Độc giác khi nhập Niết-bàn vô dư y cũng xả.
Thể của thức vô cấu không khi nào bị xả, vì sự lợi lạc cho hữu tình không bao giờ cùng tận.
Các tên khác như tâm v.v., vì cộng thông, cho nên tùy theo nghĩa mà nói.
3. Giai vị
Thức thứ tám có hai trạng thái. Một, trạng thái hữu lậu, thuộc bản tính vô ký, duy chỉ tương ưng với năm pháp như xúc v.v., và chỉ duyên đến đối tượng như chấp thọ và xứ cảnh như đã nói trên. Hai, trạng thái vô lậu,[721] duy chỉ thuộc bản tính thiện; nó tương ưng với 21 tâm sở, tức 5 biến hành, 5 biệt cảnh và 11 thiện. Vì nó hằng tương ưng với tất cả tâm;[722] vì thường ưa thích[723] chứng tri đối tượng quán chiếu; vì hằng in dấu quyết định[724] trên đối tượng quán chiếu; vì ghi nhớ rõ ràng [725] cảnh đã từng trải nghiệm; vì không hề có trường hợp Thế Tôn không có định tâm[726]; vì thường quyết trạch đối với hết thảy pháp;[727] Và vì thường tương ưng với tịnh tín v.v.;[728] vì không nhiễm ô;[729] vì không tán động;[730] Nó cũng duy chỉ tương ưng với xả thọ, vì hằng thời vận chuyển một cách tự nhiên và bình đẳng. Nó lấy hết thảy pháp[731] làm cảnh sở duyên, vì trí như gương soi[732] duyên khắp đến hết thảy pháp.
Tiết 8. Chứng minh sự tồn tại của căn bản thức
Làm thế nào để có thể biết tồn tại thức thứ tám này với tự thể riêng biệt ngoài sáu thức như thức con mắt v.v...?[733]
A. Giáo chứng
Do y nơi chính lý của Thánh giáo như là nguồn nhận thức có thẩm quyền.[734]
1. Đại thừa giáo
Dẫn chứng 1
Nó được nói đến trong kinh Đại thừa A-tì-đạt-ma như sau: “Giới, từ vô thủy đến nay, là sở y của hết thảy pháp; do tồn tại cái này mà có các cõi thú hướng và có sự chứng đắc Niết-bàn.”[735]
Giải thích 1
Tự tính[736] của thức thứ tám cực kỳ vi tế, do đó phải được hiển thị bằng tác dụng của nó. Nửa trên bài tụng nêu rõ tác dụng của thức thứ tám như là nhân và duyên. Nửa bài tụng sau nêu rõ tác dụng của nó như là sở y và duy trì cho dòng lưu chuyển và hoàn diệt.
Trong đó, giới có nghĩa là nguyên nhân.[737] Thức chủng tử[738] kể từ vô thủy diễn tiến tiếp nối liên tục trực tiếp làm xuất sinh các pháp; do đó nó được nói là nhân.
Y, có nghĩa là duyên. Kể từ vô thủy, thức chấp trì[739] là y chỉ của hết thảy các pháp, nên nó được nói là duyên. Vì nó nắm gữ, duy trì các chủng tử; vì nó là sở y cho cho hết thảy pháp hiện hành; nó biến thái thành chúng và làm sở y cho chúng. Biến thái thành chúng tức biến thành thế giới khí cụ và thân hữu căn. Làm sở y cho chúng, là làm sở y cho các chuyển thức. Vì nó chấp thọ năm sắc căn; thức con mắt v.v. y trên đó mà hoạt động. Vả nó cũng là chỗ y chỉ cho mạt-na; thức thứ sáu y trên đó mà hoạt động. Vì mạt-na và ý thức đều là các chuyển thức nên đều y chỉ trên căn câu hữu,[740] như thức con mắt các thứ.[741] Thức thứ tám, về lý tính, mà tự tính là thức, cũng phải lấy thức thứ bảy làm sở y câu hữu.
Điều đó nói rằng thức này có tác dụng như là nhân duyên.
“Do tồn tại cái này”[742], tức do tồn tại thức này.
“Có các cõi thu hướng”: có các định hướng thiện hay ác. Nghĩa là, do tồn tại thức thứ tám này để nắm giữ, duy trì, hết thảy pháp thuận dòng lưu chuyển,[743] khiến cho các hữu tình lưu chuyển sinh tử.
Tuy hoặc, nghiệp, sinh thảy đều là lưu chuyển, nhưng thú (hướng) nổi bật về phương diện quả nên đặc biệt được nói đến.[744] Hoặc từ “thú” chỉ chung cả năng thú và sở thú.[745] Tư cụ cho sự thú hướng cũng được gọi là “thú.”[746]
Các hoặc, nghiệp, sinh đều y chỉ nơi thưc này; đó là tác dụng sở y và duy trì cho dòng lưu chuyển.[747]
“Và sự chứng đắc Niết-bàn”: do có thức này nên có sự chứng đắc Niết-bàn. Nghĩa là, do do có thức thứ tám để duy trì các pháp thuận chiều hoàn diệt khiến cho người tu hành chứng đắc niết-bàn.[748] (a) Trong đó chỉ đề cập con đường (đạo) dẫn đến chứng đắc. Vì niết-bàn không y trên thức này mà tồn tại. (b) Hoặc đây chỉ nói đến niết-bàn như là đối tượng chứng đắc; vì đó là mục đích nhắm đến của người tu hành. (c) Hoặc đây đề cập cả hai, niết-bàn và đạo; vì cả hai đều thuộc phẩm loại hoàn diệt. Theo đó, từ “niết-bàn” chỉ cho diệt được chứng; và từ “chứng đắc” sau đó chỉ rõ con đường (đạo) dẫn đến chứng đắc. Do con đường dẫn đến đoạn trừ mà đoạn trừ các hoặc (phiền não) cần được đoạn trừ; cho đến giai đoạn rốt ráo tận trừ, tổng hợp lại là đắc Niết-bàn. Cái đoạn trừ và cái bị đoạn trừ, cái chứng đắc và cái được chứng đắc, thảy đềy y trên thức này; đó chính là tác dụng y chỉ và duy trì cho hoàn diệt.
Giải thích 2
Mặt khác, câu đầu của bài tụng nêu rõ tự tính của thức này vốn hằng hữu từ vô thủy. Ba câu sau nêu rõ nó làm chỗ y chỉ cho tổng thể hay cá biệt[749] của hai loại pháp tạp nhiễm và thanh tịnh.
Pháp tạp nhiễm, đó là khổ và tập đế, tức đích thú hướng là sinh, cái dẫn đến các cõi thú là hoặc và nghiệp.
Pháp thanh tịnh, đó là diệt và đạo đế; tức Niết-bàn được chứng và Đạo là con đường dẫn đến chứng đắc.
Cả hai loại pháp đều y thức này mà tồn tại, vì theo lý mà nói thì không thể y các chuyển thức.
Giải thích 3
Hoặc, câu đầu nêu rõ tự thể của thức này tiếp nối liên tục từ vô thủy. Ba câu sau, nêu rõ nó làm sở y chỉ cho ba loại tự tính, theo thứ tự, là y tha khởi, biến kế sở chấp và viên thành thật tính.
Ở đây, các ý nghĩa được nói trong bài tụng này đều nói là tách rời thức thứ tám, thảy đều không tồn tại.
Dẫn chứng 2
Cũng trong kinh đó, được nói như vầy: “Thức này là hạt giống của hết thảy; nó tàng trữ các pháp; do đó được gọi là A-lại-da. Ta chỉ nói cho bậc Thắng giả.”[750]
Do bản thức này có đầy các chủng tử nên nó là cái tàng trữ[751] các pháp tạp nhiễm. Căn cứ theo đó mà thiết lập tên gọi A-lại-da. Nó không phải như thắng tính chuyển thành đại các thứ.[752] Vì tự thể của chủng tử và quả của nó không phải đồng nhất; vì năng y và sở cùng sinh cùng diệt.
Nó cùng với các pháp tạp nhiễm tàng trữ lẫn nhau, và nó cũng bị hữu tình chấp làm tự ngã; do đó thức này được gọi là A-lại-da.
Các chúng Bồ-tát sau khi chứng đắc chân kiến đạo,[753] bấy giờ được gọi là bậc Thắng giả. Vì các vị ấy có thể chứng và hiểu rõ A-lại-da thức nên được đức Thế Tôn của chúng ta trực tiếp khai thị cho. Hoặc các Bồ-tát đều được gọi là Thắng giả. Tuy trước khi vào kiến đạo các ngài chưa thể chứng và hiểu thức A-lại-da nhưng có thể tín giải để hướng đến sự chuyển y của thức này; do đó cũng được Phật dạy cho.
Các chuyển thức không có được ý nghĩa này.
Dẫn chứng 3
Kinh Giải thâm mật [754] cũng nói như vầy: “Thức A-đà-na cực kỳ sâu thẳm, vi tế; tất cả chủng tử như dòng thác lũ. Ta không vén mở cho phàm ngu, vì chúng sẽ chấp nó là tự ngã.”
Nó là cái nắm giữ[755] các chủng tử, và chấp thọ[756] y xứ của sắc căn, và cũng là cái chấp thủ[757] chuỗi tương tục của kết sinh;[758] do đó, thức này được gọi là A-đà-na.
Hữu tình thuộc hạng vô tính[759] không thể tận cùng đáy sâu của nó nên nói là “cực kỳ sâu thẳm.” Hạng chủng tính xu hướng tịch diệt không thể thông suốt được nó, nên nói là “cực kỳ vi tế.”
Nó là chủng tử chân thật của hết thảy pháp. Khi bị kích động bởi duyên, nó dấy lên sóng chuyển thức, hằng chảy xiết không gián đoạn nên nói là “dòng thác lũ”.
“Phàm (phu)” chỉ hạng vô tính. “Ngu” chỉ hạng xu hướng tịch diệt.
Vì ngại rằng các hạng ấy sẽ y trên thức này mà khởi phân biệt chấp, rơi xuống các cõi xấu, chướng không cho Thánh đạo sinh khởi; vì vậy, đức Thế Tôn của chúng ta không vén mở cho thấy.
Duy chỉ thức thứ tám mới có những đặc tính này.
Dẫn chứng 4
Kinh Nhập Lăng-già cũng nói như vầy: “Như biển gặp điều kiện gió dấy lên vô vàn sóng, hiện tiền tác dụng chuyển, không bao giờ gián đoạn. Tàng thức cũng như vậy, bị kích bởi gió cảnh, hằng dấy các sóng thức, hiện tiền tác dụng chuyển.”[760]
Các thức như con mắt v.v., không thường xuyên liên tục chuyển khởi các thức như sóng trên biển cả, do đó biệt chỉ riêng biệt có thức thứ tám tồn tại.
Trong vô số kinh điển Đại thừa như thế, sự tồn tại của thức thứ tám được đặc biệt nói đến. Các kinh Đại thừa đều dẫn đến vô ngã, đối nghịch số thủ thú,[761] quay lưng lại với dòng lưu chuyển mà xu hướng đến hoàn diệt, tán thán Phật, Pháp, Tăng, chỉ trích các Ngoại đạo, biểu dương các pháp như uẩn v.v., bác bỏ thắng tính các thứ. Những ai hâm mộ Đại thừa đều thừa nhận các kinh đó được liệt vào các Khế kinh hiển thị chân lý không điên đảo, vì chúng được bao hàm Chí giáo lượng,[762] như kinh Tăng nhất, v.v…[763]
Lại nữa, Thánh Từ Thị bằng bảy nguyên nhân chứng minh Đại thừa chân chính do Phật thuyết.[764]
1. Không được dự báo.[765] Nếu kinh điển Đại thừa do một số người nói ra sau khi Phật diệt độ với mục đích phá hoại Chính pháp, tại sao trước đó Thế Tôn đã không dự báo xem đây như là sự kiện đáng kinh sợ sẽ xảy ra?
2. Song hành với căn bản giáo. Đại và Tiểu thừa từ trước vốn song hành,[766] sao lại nhận độc nhất Đại thừa là không phải Phật thuyết?
3. Không phải là cảnh giới của các hạng khác.[767] Những điều được thuyết bởi Đại thừa vốn cực kỳ sâu thẳm, rộng lớn, không phải là cảnh giới mà Ngoại đạo[768] có rthể tư duy đến. Trong các kinh luận của họ cũng chưa từng đề cập. Giả sử chúng có đề cập cũng không được tin tưởng. Do đó, kinh điển Đại thừa không phải phi Phật thuyết.
4. Cần được thừa nhận phổ quát.[769] Nếu nói Đại thừa do các Phật khác thuyết chứ không phải lời của đức Phật hiện tại, vậy Đại thừa giáo vẫn là những điều được Phật thuyết. Chân lý này như vậy được thừa nhận phổ quát.
5. Tồn tại và không tồn tại.[770] Nếu có Đại thừa,[771] cần phải tin rằng Đại thừa giáo chính là những điều được Phật thuyết. Vì không thể biết được gì ngoài Đại thừa giáo này.
Nếu không có Đại thừa, giáo nghĩa của Thanh văn thừa hẳn cũng không tồn tại. Bởi vì, nhất định không thể có ý nghĩa thành Phật nếu không có Đại thừa. Ai xuất hiện thế gian để thuyết giảng Thanh văn thừa? Cho nên, không thể hợp lý để nói rằng Thanh văn thừa là những điều được Phật thuyết, còn Đại thừa thì không phải.[772]
6. Đối trị. Những ai y theo kinh điển Đại thừa, siêng năng tu hành, thảy đều có thể dẫn đến chứng đắc trí vô phân biệt, chân chính đối trị hết thay các phiền não. Cho nên, cần phải tin rằng Đại thừa do chính Phật thuyết.
7. Nghĩa khác văn. Những điều được thuyết trong Đại thừa có ý thú sâu thẳm, không thể dựa theo văn để nắm bắt ý nghĩa, rồi sinh phỉ báng cho rằng đó không phải là lời Phật.
Như vậy, Đại thừa chân chính do Phật thuyết. Như bài tụng trong luận Trang nghiêm tóm tắt ý nghĩa này: Không dự báo trước, song hành; phi cảnh giới Ngoại đạo; cực thánh, có, không có; đối trị, văn dị biệt.[773]
2. Tiểu thừa giáo
Kinh điển của các bộ phái khác cũng mật ý nói đến A-lại-da, tồn tại với tự tính riêng biệt.
1. Trong A-cấp-ma của Đại chúng bộ mật ý nói đến thức này với tên gọi là căn bản thức.[774] Vì chính nó là sở y chỉ của thức con mắt v.v... Như rễ cây là căn bản của thân cây. Các thức như con mắt v.v., không có được ý nghĩa này.
2. Kinh điển của Thượng bộ, các nhà Phân biệt luận,[775] cũng đều mật ý nói đến thức này như là hữu phần thức. Hữu chỉ tam hữu. Phần có nghĩa là nhân. Chỉ có thức này mới phổ biến làm nhân cho ba cõi hữu.[776]
3. Hóa địa bộ nói đến thức này với tên gọi cùng sinh tử uẩn.[777] Ngoài thức thứ tám, không có pháp nào khác như là uẩn đặc biệt để tận cùng biên tế của sinh tử, không bao giờ gián đoạn. Tức là, trong vô sắc giới các sắc gián đoạn; trong vô tưởng thiên, v.v., các tâm khác diệt; vì lìa sắc tâm các thứ thì không có tự thể riêng biệt nào của bất tương ưng hành; điều này được thừa nhận phổ quát. Duy chỉ thức này mới được gọi là cùng sinh tử uẩn.
Trong kinh Tăng nhất của Thuyết nhất hữu bộ cũng mật ý nói đến thức này với tên gọi là a-lại-da. Kinh nói: “yêu a-lại-da, vui a-lại-da, mừng a-lại-da, thích a-lại-da.”[778] Vì a-lại-da là cảnh trong ba đời cho tổng tham và biệt tham nên đặt ra bốn tên gọi này.[779] Hữu tình chấp nó như là tự ngã nội tại chân thật, cho đến trước khi nó bị đoạn trừ thì sự ái trước thường xuyên phát sinh. Cho nên, a-lại-da thực sự là môi trường cho tham ái dính mắc. Chứ không thể chấp vào các đối tượng khác, như năm thủ uẩn. v.v…
Bởi vì:
(1) Sinh vào những nơi chỉ một mực cảm thọ khổ tất không sinh khởi ái trước nơi năm thủ uẩn, mà trái lại hằng khởi tâm chán ghét năm thủ uẩn, suy nghĩ rằng “Bao giờ ta xả bỏ được mạng này, chúng đồng phần này, thân tâm khổ này, để ta được tự tại cảm thọ khoái lạc?”
(2) Ngũ dục cũng không phải thật sự là chỗ đáng ái trước. Bậc ly dục[780] tuy không còn tham đắm ngũ dục nhưng vẫn còn ái trước ngã.
(3) Cảm thọ lạc cũng không phải là chỗ thật sự đáng ái trước. Vị đã vượt qua tĩnh lự thứ ba[781] tuy đã nhàm tởm cảm thọ lạc những vẫn còn ái trước ngã.
(4) Thân kiến cũng không phải thật sự là chỗ ái trước.[782] Bậc chưa phải là vô học, tin vô ngã, tuy không sinh tham trước nơi thân kiến, nhưng vẫn còn ái trước nơi tự ngã nội tại.
(5) Các chuyển thức cũng không phải thật sự là chỗ ái trước. Hạng chưa phải là vô học, với tâm cầu tịch diệt,[783] tuy đã nhàm tởm các chuyển thức nhưng vẫn còn ái trước ngã.
(6) Sắc thân cũng không phải thực sự là chỗ để ái trước. Bậc đã ly nhiễm đối với sắc[784] tuy đã nhàm tởm sắc thân nhưng vẫn còn ái trước ngã.
(7) Các hành bất tương ưng lìa sắc tâm các thứ không có tự thể riêng biêt do đó cũng không phải là chỗ thật sự ái trước.
Hạng dị sinh hữu học khi khởi ngã ái tuy có ái hay phi ái đối với các uẩn khác nhưng đối với thức này thì ngã ái nhất định sinh. Do đó, duy chỉ đây là nơi ái trước thật sự.
Vì những lẽ đó, kinh ấy nói đến từ a-lại-da nhất nhất định chỉ nêu rõ thức a-lại-da này mà thôi.
B. Lý chứng[785]
1. Trì chủng
Đã dẫn chứng Thánh giáo, nay sẽ trình bày chính lý. Kinh nói, “Nơi tích tập và sinh khởi chủng tử của các pháp tạp nhiễm và thanh tịnh được gọi là tâm.”[786] Nếu không tồn tại thức này, không thể có tâm duy trì chủng tử kia.[787]
Bởi vì:
(1) Năm uẩn thọ huân, trì chủng[788]
a. Các chuyển thức đều bị gián đoạn[789] trong các định như diệt thọ tưởng, v.v.[790] Căn, cảnh, tác ý,[791] thiện các thứ, nhóm loại khác nhau;[792] chúng dễ biến mất, dễ xuất hiện. Như ánh chớp không bền lâu. Vì vậy, chúng không thể bị huân tập, không thể duy trì chủng tử, không phải là tâm tập khởi của chủng tử nhiễm và tịnh.
Nhưng, thức (a-lại-da) này đồng nhất loại, hằng không gián đoạn, như vừng mè vốn có tính bền lâu nên có thể được xông ướp, phù hợp với ý nghĩa về tâm như được nói trong Kinh đó.
Nếu không thừa nhận có tâm duy trì chủng tử, không những trái với Kinh mà còn mâu thuẫn với chính lý. Vì các pháp có tính chất nhiễm, tịnh được sinh khởi mà không được huân tập thì không thành chủng tử; thế thì cái được sinh khởi chỉ là vô ích, không có công dụng gì. Vả lại, khi nhiễm hay tịnh sinh khởi mà không chủng tử làm nhân, thì cũng đồng với ngoại đạo chủ trương tự nhiên sinh.
b. Sắc, bất tương ưng, mà tự tính không phải là tâm, như âm thanh, như ánh sáng, theo lý không phải là cái được huân tập bởi pháp nội tại nhiễm hay tịnh, làm sao có thể duy trì chủng tử?
Lại nữa, những pháp này không thực sự có tự tính tồn tại ngoài thức, đâu có thể được xem như là y chỉ của chủng tử nội tại.
c. Các tâm sở pháp tương ưng với các chuyển thức, chúng gián đoạn như thức, dễ dàng biến mất và xuất hiện, không được tự tại, không có tự tính như là tâm, không thể duy trì chủng tử; chúng không tiếp nhận sự huân tập.
Do vậy, cần có pháp riêng biệt để duy trì chủng tử.
(2) Thức loại thọ huân[793]
Quan điểm khác nói, kể từ vô thỉ tuy bản thân[794] của sáu thức y trên căn, cảnh mà chuyển biến theo các phần vị trước sau nhưng loại của chúng không thay đổi khác; chúng có thể được huân tập, có thể duy trì chủng tử. Do điều này, nhân quả của nhiễm tịnh đều được chứng minh, cần gì phải chủ trương tồn tại thức thứ tám?
Quan điểm ấy vô nghĩa. Vì sao?
a. Nếu cho rằng loại là thật, tất đồng với ngoại đạo.[795] Cho rằng loại là giả, vậy nó không có tác dụng gì đặc biệt nên không thể duy trì chủng tử chân thật của pháp nội tại.
b. Vả lại, thức loại được quan niệm đó thuộc tính chất gì? Nếu là thiện hay ác, nó không thể tiếp nhận huân tập, vì cho rằng nó thuộc loại hữu ký; như trạch diệt. Nếu là vô ký, khi tâm là thiện hay ác bấy giờ không có tâm vô ký; thức loại ấy như vậy phải bị gián đoạn. Không thể rằng sự là thiện hay ác mà loại có thể là vô ký; bởi vì biệt loại tất phải đồng tính chất với biệt sự.
c. Lại nữa, thức loại này được xác định là không tồn tại trong trạng thái vô tâm; nó đã bị gián đoạn, tính chất lại không bền vững, làm sao có thể nắm giữ chủng tử, tiếp nhận huân tập?
d. Lại nữa, tâm của A-la-hán hay của dị sinh, vì là đồng loại thức, hẳn cũng được huân tập bởi các pháp tạp nhiễm, hay vô lậu. Thừa nhận điều này là sai lầm.
e. Lại nữa, căn con mắt các thứ, hoặc các pháp khác, mà loại đồng nhất với căn pháp như thức con mắt v.v.,[796] hẳn có thể huân tập lẫn nhau. Nhưng điều đó Ngài không thừa nhận.
Vậy, không nên cho rằng loại của thức tiếp nhận huân tập.
(3) Sự loại song huân[797]
Lại nữa, sáu thức thân, mà sự (tự thể) hay loại của chúng không cùng tồn tại trong hai sát-na tiếp nối, như hai sát-na cách xa nhau, không hỗ tương huân tập. Vì cái huân tập và cái được huân tập phải đồng thời tồn tại.
(4) Sáu thức đồng chuyển[798]
Cho rằng duy chỉ sáu thức đồng thời hoạt động; mà ý nghĩa như đã nói trên, vốn cũng không phải là cái được huân tập; vậy, chúng cũng không có nghĩa là cái duy trì chủng tử.
(5) Sắc tâm tự loại[799]
Quan điểm khác cho rằng tự loại của sắc tâm tiếp nối không gián đoạn, cái trước là chủng tử cho cái sau; ý nghĩa nhân quả được thiết lập.[800] Do đó, những điều được nói trên không đủ để chứng minh.
Quan điểm này phi lý. Vì không có sự huân tập.[801] Bởi vì, tự loại của chúng đã không có huân tập, là sao có thể quan niệm cái trước là chủng tử của cái sau? Vả lại, cái gián đoạn hẳn không thể sinh trở lại.[802] Bậc vô học của Nhị thừa hẳn cũng không có uẩn tối hậu; vì sắc tâm trong trạng thái cận tử trở thành chủng tử của sắc tâm sau.[803]
Cũng không thể cho rằng sắc tâm lần lượt làm chủng tử cho nhau mà sinh khởi;[804] vì chuyển thức, sắc, không phải là những cái chịu huân tập, như đã nói trên.
(6) Tam thế thực hữu
Có thuyết[805] nói rằng, các pháp đều tồn tại trong cả ba thời, sự chiêu cảm của nhân quả không có gì là không thành, cần gì nhọc công quan niệm có thức duy trì chủng tử? Tuy nhiên, Kinh nói tâm là chủng tử,[806] đó là vì tác dụng của thế lực sinh khởi các pháp nhiễm tịnh của nó rất mạnh.
Thuyết này phi lý. Quá khứ và vị lai không phải thường hằng, không phải hiện hữu, như hoa giữa trời các thứ, không phải là thật hữu.
Lại nữa, cái không có tác dụng không thể cho rằng nó là uyên tính của nhân. Cho nên, nếu không tồn tại thức như là cái duy trì chủng tử nhiễm tịnh, hết thảy nhân quả đều bất thành.
(7) Nhất thiết giai không[807]
Một số nhà Đại thừa quan niệm lý Không loại trừ các tướng là cứu cánh, căn cứ tỷ lượng sai lầm, bác bỏ sự tồn tại của thức này và hết thảy pháp.
Các vị này đặc biệt hiểu sai Kinh đã dẫn trên một cách tai hại. Chủ trương tri khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo, nhân quả của nhiễm tịnh, tất cả đều không thật hữu, như vậy thành đại tà kiến.
Nói rằng, đây không hoàn toàn huỷ báng nhân quả của nhiễm tịnh như Ngoại đạo, mà chỉ cho rằng chúng không thật.[808]
Nếu tất cả đều không phải thật hữu, Bồ-tát hẳn không thể vì mục đích xả sinh tử mà tinh cần tu tập các tư lương của Bồ-đề. Ai là bậc có trí lại đi tìm những con trai của thạch nữ lập thành đạo quân để diệt trừ kể địch là huyễn?
Vì vậy, hãy tin có tâm là cái duy trì chủng tử, y trên đó mà thiết lập nhân quả của nhiễm tịnh. Tâm ấy chính là thức thứ tám này.
2. Tâm dị thục
Lại nữa, Khế kinh nói có tâm dị thục là cảm ứng của nghiệp thiện ác. Nếu không có thức này, tâm dị thục kia hẳn không tồn tại.
a. Bởi vì, thức con mắt các thứ có gián đoạn, và không phải trong tất cả mọi thời đều là quả của nghiệp;[809] như ánh chớp, v.v., nên chúng không phải là tâm dị thục.
Dị thục,[810] khi đã bị cắt đứt, không thể được nối lại. Như mạng căn của bộ phái ấy chẳng hạn,[811] không có sự kiện được nối lại.
Sáu thức, con mắt v.v., những cái được chiêu cảm bởi nghiệp, như thanh các thứ,[812] vì không thường xuyên liên tục, vốn là dị thục sinh[813] chứ không phải là chân dị thục.[814]
b. Một cách xác định, nên thừa nhận có tâm vốn là chân dị thục; nó đáp ứng và dẫn dắt nghiệp đi khắp[815] không hề gián đoạn, biến thái thành thân và khí (thế gian), làm sở y cho hữu tình. Bởi vì, thân và khí không tồn tại ngoài tâm; vì pháp không tương ưng vốn không có thật thể;[816] và vì các chuyển thức, v.v., không hằng hữu. Nếu không tồn tại tâm này, cái gì biến thành thân và khí (thế gian)? Và lại y trên pháp gì để thường xuyên có khái niệm về hữu tình?
c. Lại nữa, khi ở trong định hay không ở trong định, khi riêng biệt có tư lự hay không tư lự, thời lý, thảy đều có khá nhiều cảm thọ của thân sinh khởi.[817] Nếu không tồn tại thức này, thời gian sau đó[818] thân hẳn không còn có cảm giác thoải mái hay mệt nhọc. Nếu không hằng tồn tại tâm vốn là chân dị thục thì trong các trạng thái ấy làm sao có các cảm thọ như vậy của thân? Các hạng không phải Phật[819] khởi các trạng thái khác[820] như thiện tâm v.v., bấy giờ hẳn cũng hiện khởi tâm vốn là chân dị thục. Như cho rằng khi khởi tâm ấy.[821] Vì không phải là Phật, mà là hữu tình.
Do vậy, hằng tồn tại tâm vốn là chân dị thục. Tâm ấy chính là thức thứ tám.
3. Thú và sinh[822]
Lại nữa, Khế kinh nói, “Hữu tình luân chuyển trong năm cõi thú hướng, bốn sinh loại.” Nếu không tồn tại thức này, thể của thú và sinh ấy không thể có được.
Pháp phải là thật hữu, hằng hữu, phổ biến, không tạp, pháp ấy mới có thể được thiết lập như là thú, sinh chân thật và chính xác.[823]
Bởi vì:
a. Pháp phi dị thục[824] thì thú và sinh tạp loạn; tồn tại cõi này lại khởi pháp thuộc thú và sinh các cõi khác.
b. Các sắc dị thục[825] và những thứ chiêu cảm bởi nghiệp trong năm thức đều không phổ biến trong các thú và sinh; trong vô sắc giới hoàn toàn không có chúng.
c. Các thiện bẩm sinh[826] và những thứ được chiêu cảm bởi nghiệp trong ý thức[827] tuy phổ biến các thú và sinh, và không tạp loạn khi khởi, nhưng không hằng hữu.
d. Các hành không tương ưng không có tự thể chân thật thảy đều không thể được quan niệm như là thú và sinh chính thật.
Vậy, duy chỉ tâm dị thục cùng với tâm sở của nó là thật hữu, hằng hữu, phổ biến, không tạp loạn; đó mới chính là thú và sinh chính thật. Nếu không tồn tại tâm này, khi sinh sinh vô sắc giới mà khởi thiện các thứ, các trạng thái đó hẳn không phải là thú và sinh.
Giả sử cho rằng các thú và sinh bao gồm các hữu lậu; thế thì, khi sinh vô sắc giới mà khởi tâm vô lậu, bấy giờ hẳn không tồn tại thú và sinh.[828] Như vậy là mâu thuẫn với chính lý.
Để tránh các sai lầm nói trên và khuyết điểm này, vì vậy, duy chỉ pháp dị thục mới chính là thú sinh chính thật.
Do ý nghĩa này, Như Lai không được kể trong thú và sinh; vì nơi Phật không tồn tại pháp vô ký dị thục.[829] Cũng không được kể trong giới,[830] vì Ngài không phải là pháp hữu lậu; vì Thế Tôn đã xả Khổ và Tập đế, và đã vĩnh viễn đoạn trừ mọi thứ hý luận.[831]
Chính thật thú sinh vốn duy chỉ là tâm và tâm sở dị thục; lìa thức thứ tám, tâm và tâm sở ấy không được chứng minh. Cho nên biết rằng tồn tại thức thứ tám này.
4. Chấp thọ
Lại nữa, Khế kinh nói, thân là căn có sắc,[832] đó là hữu chấp thọ.[833] Nếu không có thức này hẳn không thể tồn tại cái chấp thọ kia. Tức là, năm sắc căn và y xứ của chúng là hữu chấp thọ chỉ khi chúng thuộc hiện tại.[834] Duy chỉ dị thục tâm vốn được dẫn bởi nghiệp quá khứ, không phải thiện hay nhiễm các thứ,[835] thuần nhất loại, phổ biến, tiếp nối liên tục chấp thọ căn thân hữu sắc. Các chuyển thức, con mắt v.v., không có ý nghĩa này.
Điều này muốn nói rằng các chuyển thức như mắt v.v. đều không là thuần nhất loại, không phổ biến và tiếp nối liên tục để chấp thọ thân căn hữu sắc ở tự nội; chứ không có ý nói duy chỉ dị thục tâm mới là chấp thọ. Không thể nói sắc thân của chư Phật không có chấp thọ. Thế nhưng, cái chấp thọ sắc thân hữu lậu duy chỉ là dị thục tâm. Đó là điều đây muốn nói. Nghĩa là, các chuyển thức hoạt động theo các duyên hiện hữu, như âm thanh, như gió các thứ. Tính thiện hay nhiễm của chúng không phải được dẫn khởi bởi nghiệp, như phi trạch diệt.
Vì những gì là dị thục sinh thì không phải là (chân) dị thục, và vì không phổ biến, và vì không liên tục, như ánh chớp, không thể chấp thọ thân căn hữu sắc.
Từ “các tâm thức” cũng bao hàm các tâm sở, và nhất định chúng tương ưng nhau, như từ “Duy thức.”
Các sắc căn[836] và các hành không tương ưng[837] không thể chấp thọ thân căn hữu sắc, vì không có sở duyên, như hư không. Do đó, cần phải đặc biệt có tâm là cái chấp thọ. Tâm ấy chính là thức thứ tám.
5. Thọ - Noãn - Thức
Lại nữa, Khế kinh nói, “Thọ, noãn và thức,[838] ba cái này y trì lẫn nhau để có thể tồn tại một cách liên tục tiếp nối.”[839] Nhưng nếu không tồn tại thức (thứ tám) này để duy trì sự tồn tại lâu dài của thọ và noãn, thức cũng không thể hiện hữu.
1. Bởi vì, các chuyển thức có gián đoạn, có chuyển biến, như gió các thứ, không thường xuyên duy trì hoạt dụng nên không thể được xác lập như là cái duy trì thọ, noãn và thức. Duy chỉ dị thục thức, vốn không gián đoạn, không chuyển biến, cũng như thọ và noãn,[840] và thường xuyên duy trì hoạt dụng, do đó, được xác lập là cái duy trì thọ, noãn và thức.
2. Kinh nói, ba pháp này hỗ tương duy trì. Nhưng cho rằng thọ và noãn là đồng nhất loại và tương tục, còn thức thì không như vậy; điều này khá phù hợp chính lý?[841]
Tuy nói ba pháp hỗ tương duy trì, nhưng lại chỉ thừa nhận noãn không phổ biến khắp ba giới. Vậy tại sao lại không thể thừa nhận duy chỉ thức là gián đoạn?[842]
Nạn vấn này không thể phi bác lý đã được nêu trên. Theo đó, nơi nào có đủ ba pháp này mà không gián đoạn và chuyển biến, nơi đó[843] chúng có thể thường xuyên duy trì lẫn nhau. Nếu không như vậy,[844] chúng không thường xuyên hỗ tương duy trì hoạt dụng.
Như lý đã nêu trên,[845] thức được kể trong ba pháp không chỉ cho các chuyển thức. Nêu lý do noãn không phổ biến đâu đủ để bác bỏ lý trên. Như vậy, lý của điều khẳng định trên là cực thành.
3. Vả lại, thọ và noãn trong ba pháp duy chỉ thuộc hữu lậu, do đó biết rằng thức kia được xác định là phi vô lậu. Sinh Vô sắc giới, bấy giờ thức nào duy trì thọ kia? Do đó mà biết rằng có thức dị thục vốn đồng nhất loại, hằng phổ biến, là cái duy trì thọ và noãn. Thức đó chính là thức thứ tám.
6. Sinh tử tâm
Lại nữa, Khế kinh nói, các loại hữu tình khi thọ sinh, khi mạng chung, đều ở trong trạng thái tán tâm, không phải là vô tâm định.[846] Nếu không tồn tại thức này, khi sinh, khi chết, tâm không hiện hữu.
1. Nghĩa là, khi sinh hay khi chết thân tâm mờ mịt như giấc ngủ không chiêm bao, hay như khi bị ngất, các chuyển thức sáng suốt không hiện khởi.
Vả lại, trong trạng thái này, sáu chuyển thức đều không hiện hành, vì sở duyên và hành tướng của chúng không thể được nhận biết, như trạng thái vô tâm.[847]
Nếu khi ấy sáu chuyển thức hiện hành,[848] thì sở duyên và hành tướng của chúng phải được nhận biết, như trong các thời khác.
Chân dị thục thức vì là cực kỳ vi tế nên sở duyên và hành tướng của nó không thể được nhận biết. Thức đó tiếp dẫn sự tương tục của kết quả của nghiệp trong một hạn kỳ, thường xuyên không chuyển biến. Nó ở trong trạng thái tán tâm, hữu tâm; được gọi là sinh tử tâm. Điều này không trái với chính lý.
2. Có quan điểm[849] cho rằng, trong trạng thái này năm thức được xác định là không có mặt, nhưng thức thứ sáu cần được phân biệt. Thức thứ sáu tiếp nhận đối tượng hoặc do bởi năm thức, hoặc do bởi giáo nghĩa của người khác, hoặc do bởi định. Trong giai đoạn thọ sinh, các nguyên nhân này hoàn toàn không có, cho nên khi đó ý thức không hiện hữu.[850]
a. Nếu vậy, hữu tình khi sinh Vô sắc giới, thời gian tiếp theo[851] ý thức vĩnh viễn không sinh. Định tâm tất nhiên phải được dẫn khởi bởi tán ý thức. Nhưng, trong giới này không tồn tại năm thức, không có giáo nghĩa gì, cho nên tán tâm dẫn khởi định không có nguyên do để sinh khởi.
b. Nếu biện minh rằng do ảnh hưởng của tập quán, thời gian sau, định hiện khởi tự nhiên; nếu vậy, vì sao nó không hiện khởi vào sát-na tối sơ khi thọ sinh? Vã lại, nếu thế, vào sát-na tối sơ khi thọ sinh Dục giới và Sắc giới, ý thức do tập quán[852] cũng có thể hiện khởi?
c. Nếu do trạng thái mờ mịt nên nó không xuất hiện trong sát-na đầu tiên, vậy thì cũng như nguyên nhân đã được nêu trước đó rồi, cần gì biện luận thêm?
3. Bộ phái khác chủ trương rằng,[853] trong hai giai đoạn chết và tái sinh đặc biệt có một loại ý thức vi tế, mà hành tướng và sở duyên đều không thể được biết. Nên biết, đó cũng chính là thức thứ tám này. Vì ý thức được công nhận chung thì không như vậy.
4. Lại nữa, khi sắp chết, do nghiệp thiện ác, cảm xúc lạnh khởi lên dần dần từ thân phần dưới đi lên.[854] Nếu không tồn tại thức này, sự kiện đó không thể xảy ra. Vì chuyển thức không chấp thọ thân. Vì các thức con mắt v.v. đều có sở riêng biệt. Hoặc vì không hiện hành.[855]
Thức thứ sáu, ý thức, vì không trụ nơi thân, vì cảnh bất định, và vì nó gá khắp trong thân để thường xuyên tương tục[856]; cho nên cảm xúc lạnh phát sinh dần không do nó.
Duy chỉ dị thục tâm, do nghiệp lực từ trước, thường xuyên phổ biến và liên tục chấp thọ thân phần. Chỗ nào mà nó xả chấp thọ, nơi đó cảm xúc lạnh phát sinh, vì thọ, noãn và thức, ba cái này không tách rời nhau. Chỗ nào cảm xúc lạnh khởi lên, chỗ đó trở thành phi tình. Chỗ đó tuy vẫn là (thức) biến và duyên, nhưng không chấp thọ.
Do đó biết rằng, một cách xác định, thức thứ tám tồn tại.
7. Danh sắc
Khế kinh nói, “Do duyên là thức mà có danh sắc. Do duyên là danh sắc mà có thức.” Hai pháp ấy lần lượt y tựa lẫn nhau để đồng thời cùng vận hành, như bó lau. Nếu không tồn tại thức (thứ tám) này, thì tự thể thức (duyên danh sắc) kia không tồn tại.
Kinh đã dẫn tự giải thích như vầy: danh là bốn uẩn phi sắc. Sắc là kiết-la-lam các thứ.[857] Hai thứ này cùng với thức y tựa lẫn nhau mà tồn tại, như hai bó lau dựa vào nhau. Chúng làm duyên cho nhau, thường xuyên cùng lúc vận hành, không tách rời nhau. Các thức con mắt v.v. được bao hàm trong danh. Nếu không có thức này, không có cái gì để gọi là thức. Cũng không thể nói thức uẩn trong danh là năm thức; và thức là thức thứ sáu. Vì trong giai đoạn kiết-la-lam, năm thức chưa xuất hiện. Lại nữa, hoạt động của các chuyển thức có tính cánh gián đoạn; chúng không đủ năng lực để thường xuyên duy trì danh-sắc, làm sao có thể nói chúng thường xuyên làm duyên cho danh sắc?
Cho nên, thức được nói đó chính là thức thứ tám.


Chú thích:
[601] Sthiramati: “Trong đây, xúc, đó là sự phán đoán về biến đổi của căn y trên tổ hợp ba (trikasaṃnipāte indriyavikāraparicchedaḥ); chức năng của nó là sở y của thọ (vedanāsaṃniśrayakarmakaḥ).” Hiển dương Thánh giáo 1 (T31n1602, tr.481a21): “Xúc, tự thể là phân biệt hòa hiệp của ba sự.” Cf. Tạp 3 (18a11): “Do bởi duyên là mắt và sắc, thức con mắt phát sinh. Sự hòa hiệp của ba sự làm phát sinh xúc. Do duyên là xúc, thọ phát sinh.” Cf. Pali, S. iv. 68: cakkhuñca paṭicca rūpe ca uppajjati cakkhuviññāṇaṃ… imesaṃ tiṇṇaṃ dhammānaṃ saṅgati sannipāto samavāyo, ayaṃ vuccati cakkhusamphasso. Duyên nơi mắt và sắc, thức con mắt phát sinh… Sự hòa hiệp, tập hợp, kết hợp của ba pháp này được gọi là xúc.
[602] Sthiramati: indriyaviṣayavijñānāni trīṇy eva trikaṃ tasya kāryakāraṇabhāvena samavasthānaṃ trikasaṃnipātaḥ: trong trạng thái là nhân cũng như trong trạng thái là quả, sự cộng đồng tồn tại của căn, cảnh và thức là tổ hợp ba.
[603] Hán: bỉ 彼, không có trong văn trên.
[604] Biến dị 變異, Skt. vikāra, chỉ sự biến thái hay biến dạng. Sthiramati: “Khi tổ hợp ba đang tồn tại, đồng thời với nó là sự biến dạng của căn tùy theo các cảm thọ khổ lạc v.v...”
[605] Phân biệt 分別. Skt. pariccheda: phân tích, phán đoán, phán định. Sthiramati: “Tương tợ với sự biến dạng ấy là sự phán đoán về hình thái (ākāra: hành tướng) cảm thọ khổ, lạc v.v., của đối tượng; sự phán đoán ấy chính là xúc.” Thuật ký: phân biệt là từ đồng nghĩa với “lãnh tợ 領似 (nhận thức bằng tương tợ).” Như con tương tợ cha, gọi là “phân biệt phụ 分別父.”
[606] Tạp tập luận 1 (T31n1606, tr.697b1): “Xúc, tự thể là sự phân biệt về biến dị của căn y trên hòa hiệp của ba sự.”
[607] Căn biến dị 根變異: sự biến dạng của căn. Sthiramati: “Sự kiện mà do bởi đó căn xuất hiện như là nguyên nhân của khổ lạc các thứ; sự kiện đó là sự biến dạng của căn (indriyaṃ punar yena viśeṣeṇa sukhaduḥkhādihetutvaṃ pratipadyate sa tasya vikāraḥ).”
[608] Thuật ký: Khiến cho chúng không phân tán thành các hành tướng cá biệt, mà tập trung nhắm đến một đối tượng chung.
[609] Sthiramati: evaṃ hy uktam sūtre sukhavedanīyaṃ sparśaṃ pratītyotpadyate sukhaṃ veditam iti vistaraḥ, như Kinh nói, cảm thọ lạc phát sinh do duyên xúc với cảm thọ lạc. Cf. Tạp A-hàm 17 (tr.117c27): “Sự hòa hiệp của ba sự làm phát sinh xúc. Duyên bởi hỷ xúc mà lạc thọ phát sinh.” Cf. Pali, Phassamūlaka-suttaṃ, S. iv. 215: Tisso imā, bhikkhave, vedanā phassajā phassamūlakā phassanidānā phassapaccayā. ba thọ này phát sinh từ xúc, có gốc rễ là xúc, nhân duyên bởi xúc, lấy xúc làm điều kiện.
[610] Thức phát sinh bởi hai duyên: mắt và sắc. Xúc phát sinh bởi ba: sắc, mắt và thức con mắt. Thọ, bởi bốn: căn, cảnh, thức và xúc.
[611] Quyển 55 (tr.601c28): “Chức năng (nghiệp) của xúc là gì? Làm sở y cho thọ, tưởng, tư.”
[612] Tạp tập luận 1 (T31n1606, tr.697a5): “Hành uẩn được thiết lập như thế nào? Đó là sáu tư thân (ṣaṭ cetanā-kāyaāḥ): tư sản sinh bởi xúc của mắt, v.v.”
[613] Vì tư là động lực tạo nghiệp.
[614] Thuật ký: xúc dẫn khởi phát sinh thọ ưu thắng hơn các tâm sở khác.
[615] Thuật ký: Đại thừa và Hữu bộ đều nói tự thể của xúc là thật. Kinh bộ nói xúc là tổ hợp của ba, thể của nó là giả hữu.
[616] Câu-xá 10 (tr.52b16): “Kinh nói, thế nào là pháp môn sáu sáu (ṣaṭṣaṭika dharmaparyāya)? 1. Sáu nội xứ, 2. sáu ngoại xứ, 3. sáu thức thân, 4. sáu xúc thân, 5. sáu thọ thân, 6. sáu ái thân. Cf. Pali, Chachakkasuttaṃ, M. iii. 281: Cha ajjhattikāni āyatanāni veditabbāni, cha bāhirāni āyatanāni veditabbāni, cha viññāṇakāyā veditabbā, cha phassakāyā veditabbā, cha vedanākāyā veditabbā, cha taṇhākāyā veditabbā. Giới thân túc luận 1 (T26n1540, tr.614b13, 614b27): sáu sáu thân: 6 thức thân, 6 xúc thân, 6 thọ thân, 6 tưởng thân, 6 tư thân, 6 ái thân.
[617] Xúc là một trong 4 loại thức ăn.
[618] Xúc là một trong 12 chi duyên khởi.
[619] Kinh bộ: tổ hợp ba (tam hòa) tạo thành xúc. Xúc chính là (đồng nhất) tổ hợp ba. Do đó, tự thể của xúc là giả chứ không phải thật.
[620] Sthiramati: tác ý (manaskāra) là vận dụng (ābhoga) của tâm. Vận dụng tức chuyển hướng (ābhujanaṃ ābhogaḥ). Vì nó hướng tâm trên đối tượng (ālambane yena cittam abhimukhīkriyate). Câu-xá 4 (19a21): Tác ý, khiến cho tâm cảnh giác (manaskāraś cetasa ābhogaḥ).
[621] Ưng khởi tâm chủng 應起心種. Diên bí (tr.872a17): “Ưng, không phải là tố từ chỉ tương lai. Tác ý hiện tại cảnh giác chủng tử của tâm tương ứng khiến nó hiện khởi.” Nghĩa đăng (tr.727a03): Đại thừa có hai giải thích. 1. Y Hiển dương, hiện tại tác ý cảnh giác tâm tương ứng đồng thời. 2. Y Thành duy thức, nó kích phát chủng tử của tâm đang hiện khởi, và dẫn tâm đang hiện khởi ấy hướng đến cảnh sở duyên.”
[622] Du-già 3 (tr.291b27): “Tác ý là gì? Đó là sự hồi chuyển của tâm.” Chính lý 11 (tr.389c25): “Lực của tác ý này có thể khiến cho thức chuyển hướng đến các đối tượng khác.”
[623] Tạp tập luận 1 (tr.697a28): “Tác ý, thể của nó là tâm đã được phát động; chức năng là duy trì tâm trên cảnh sở duyên. tức là, thường xuyên dẫn tâm ở trên cảnh này, do đó mà tâm được định. Đó gọi là tác ý.” Sthiramati: cittadhāraṇaṃ punas tatraivālambane punaḥ punaś cittasyāvarjanaṃ, tác ý còn có chức năng là duy trì tâm trên đối tượng tức thường xuyên dẫn tâm trên đối tượng. Chức năng đó quyết định đối tượng cho dòng tương tục của tâm.
[624] Bác bỏ Chính lý.
[625] Phê bình Tạp tập luận: tác ý và định như vây không khác nhau.
[626] Sthiramati: vedanā anubhavasvabhāvā, thọ, có tự thể là cảm nghiệm (lãnh nạp).
[627] Tức lạc thọ, khổ thọ và phi cả hai.
[628] Với lạc thọ thì muốn hiệp; với khổ thọ thì muốn ly.
[629] Thuận chính lý 2 (tr.338c26): Thọ có hai, 1. chấp thủ thọ, tất cả tâm và tâm sở đều lãnh nạp (cảm nghiệm) cảnh sở duyên riêng biệt của nó; 2. tự tính thọ, lãnh nạp tùy theo xúc, là đặc tính riêng biệt của thọ.
[630] Đặc tính chung mà các tâm sở khác đồng tiếp nhận được.
[631] Thuật ký: Xúc sinh thọ; nó là nhân của thọ. Vậy, nếu lãnh nạp nơi nhân, nên nói là thọ bởi nhân.
[632] Thuật ký: thể của quốc là đất đai. Xúc như đất đai; thọ như lúa thóc. Xúc là nhân, thọ là quả. Thọ lãnh nạp xúc là lãnh nạp tự thân, nên nói là thọ (lãnh nạp) tự tính.
[633] Quan điểm Hữu bộ: tâm thức không tự cảm thọ (tự chứng). Thuật ký: tự lãnh nạp tức tự duyên bản thân. Tự duyên tức tự chứng.
[634] Thuật ký thí dụ: giữa đám đông, có người nói, “Mặt mày là tôi tớ”. Trong đám đông ấy, kẻ nào là tôi tớ thì nhận đó là mắng mình. Ai không phải là tôi tớ, không nhận lời mắng ấy về mình.
[635] Sthiramati: saṃjñā viṣayanimittidgrahaṇam.
[636] Hán: thi thiết; Skt. prajñapti. Thuật ký: “Thi thiết 施設 là dị danh của an lập 安立. Kiến lập phát khởi cũng nói là thi thiết.”
[637] Sthiramati: cetanā cittābhisaṃskāro manaścteṣtā; tư, cái tác động tâm và phát động ý.
[638] Sthirramati: như chỗ nào có từ thạch thì các loại sắt bị hút về đó.
[639] Thuật ký: chính, chỉ chính hành và tà hành, các hành thiện hay bất thiện của thân và ngữ. Nhân, chỉ nguyên nhân.
[640] Thuật ký: đẳng tức tương tợ. Ảnh tượng tướng phần là sở duyên. Thể của thọ là sự. Thời là sát-na. Y là y căn.
[641] Du-già 55 (tr.602a24): “Do tương đẳng về sự, về xứ, về thời và sở tác nên nói là tương ưng (samprayukta).”
[642] Thuật ký: Trong sáu thức, thọ thuộc dị thục sinh (vipākaja) cần phải đủ duyên mới khởi.
[643] Giải thích ý nghĩa tương tục (liên tục chuyển) ở trên.
[644] Thuật ký: Nạn vấn của Hữu bộ. Xả thọ vốn tịch tĩnh. Nghiệp thiện điều hòa, dễ tương thuận nên có thể chiêu cảm. Nhưng nghiệp ác vốn bức bách làm sao dẫn đến quả tịch tĩnh như xả thọ?
[645] Nhậm vận 任運: vận hành một cách tự nhiên, ngẫu nhiên.
[646] Ấn trì 印持. Thuật ký: Thắng giải ghi giữ dấu ấn của sự thể trước đó còn mơ hồ để đưa đến chỗ xác định.
[647] Thuật ký: thức thứ tám thường trực duyên đối tượng là ảnh tượng hiện tại; ảnh tượng này đổi mới trong từng sát na. Ở đây, nói nhậm vận, là nói vận chuyển theo nghiệp.
[648] Bản Hán, Khuy Cơ, đều đọc: Đức, thất. Tức đắc (được), mất, v.v…
[649] Ác tác, tức hối. Bốn tâm sở bất định, xem đoạn sau, về sáu thức.
[650] Phi dị thục, Thuật ký, đây nói không phải chân dị thục, chứ không loại trừ dị thục sinh.
[651] Sthiramati: rāgadveṣānuśayitvāc ca/ anivṛtāvyakṛtaṃ ca tat, “do vì tham sân tiềm phục (tùy miên) nên nó là vô phú vô ký.”
[652] Nhiếp luận bản (Huyền Trang) 1 (T31n1594, tr.137c14): “Vì nguyên nhân gì pháp thiện và bất thiện có thể cảm ứng dị thục? Quả dị thục ấy là vô phú vô ký. Do quả dị thục có tính vô phú vô ký nên nó không kháng cự lại thiện và bất thiện. Nếu quả dị thục có tính thiện hay bất thiện, không thể có sự lưu chuyển và hoàn diệt.” Thuật ký: Nếu là bản chất thiện, nó luôn luôn sinh thiện nên không thể có sự lưu chuyển sinh tử. Nếu là bản chất ác, nó hằng sinh ác, nên không thể có sự hoàn diệt.
[653] Thuật ký: Trả lời nạn vấn giả thiết của Hữu bộ: không có sự huân tập thì sai làm gì?
[654] Skt. nivṛta, bị bao trùm, bị ngăn che.
[655] Tì-bà-sa 161 (tr.815c13): “Vì nó chướng ngại Thánh đạo và chướng ngại gia hành của Thánh đạo nên nói là hữu phú”.
[656] Sthiramati: manobhūmikair āgantukair upakleśair anāvṛtatvād anivṛtaṃ, “do vì không bị trùm kín bởi khách trần phiền não ý địa nên nó là vô phú.”
[657] Hán: ký, tức ký biệt 記別. Skt. vyākṛta, (cái) được xác định. Sthiramati: vipākaṃ prati kuśalākuśalatvenāvyākaraṇād avyākṛtam, “do không có sự xác định là thiện hay bất thiện đối với dị thục, nên nói là vô ký.”
[658] Thuật ký: có 4 giải thích; đây là giải thích thứ nhất.
[659] Thuật ký: bản thức (a-lại-da) cùng tương ưng với năm pháp; xúc v.v., năm tâm sở này cũng vậy. Mặc dù xúc không tự nó tương ưng với xúc, nhưng năm pháp này cũng tùy theo sự thích hợp mà phỏng theo bản thức. Hành tướng của bản thức là liễu biệt; thích ứng theo đó, xúc v.v. cũng có hành tướng là liễu biệt. Các chi tiết khác cũng được diễn dịch như vậy.
[660] Giải thích của Nan-đà và nhiều luận sư khác.
[661] Năm điểm như đoạn b trên.
[662] Thuyết thứ tư dẫn đầu bởi Hộ Pháp, phê bình thuyết thứ ba.
[663] Thuật ký: Thế Thân, Nhiếp luận 4, cái có thể tiếp nhận huân tập phải là cái tự tại. Không tìm thấy đoạn văn tương đương.
[664] Thuật ký: dẫn Thành nghiệp luận, nhiều duyên sản sinh tự thể của một quả, nhưng không hề có trường hợp nhiều nhân sản sinh một quả.
[665] Phản vấn của Nan-đà.
[666] Phê bình của Hộ Pháp.
[667] Giải thích của Nan-đà.
[668] Thuật ký: bản thức biến thái thành chủng tử để sản sinh quả nên được gọi là chủng tử chân thật.
[669] Thuật ký: sinh vô sắc giới không có đối tượng là sắc do đó duyên chủng tử làm đối tượng.
[670] Thân sở duyên. Phải có tướng phần riêng biệt của nó như là thân sở duyên.
[671] Phê bình của Hộ Pháp.
[672] Hán: hậu 後; tức tiếp theo sau nhất thiết chủng.Thế Thân lập ba phương diện của thức thứ tám: a-lại-da, dị thục, nhất thiết chủng. Ở đây hậu chỉ phương diện thứ tư là (xúc) tương tợ chủng tử.
[673] Thuật ký: chứ không phải chỉ cho việc duyên chủng tử (lấy chủng tử làm đối tượng), tương tợ chủng tử.
[674] Trùng ngôn 重言. Thuật ký: đoạn trên, tụng đã nói đến chấp thọ và xứ là duyên chủng tử. Ở đây cũng nói duyên chủng tử tức văn phạm lỗi trùng lặp.
[675] Hán: diệc như thị 亦如是. Skt. tathā.
[676] Giải thích câu tụng “hằng chuyển như bộc lưu 恒轉如暴流.” Skt. tac ca vartate srotasaughavat. Sthiramati: tatra sroto hetuphalayor nairantaryeṇa pravṛttiḥ/ udakasamūhasya pūrvāparabhāgāvicche-dena pravāha ogha ity ucyate/ sự vận hành liên tục của nhân và quả gọi là dòng chảy. Sự tuôn chảy của khối nước liên tục từ trước đến sau được gọi là là thác lũ.
[677] Cf. Sthiramati: nairantarryeṇa pravṛttiḥ, vận hành không dứt, không gián đoạn.
[678] Hán: nhất loại 一類, duy nhất một loại tính, bản chất vô ký không thay đổi.
[679] Hán: thi thiết bản 施設本; Skt. prajñapti-mūla. Cũng được hiểu là căn bản của khái niệm (danh ngôn).
[680] Hán: tính kiên 性堅; Thuật ký: điều kiện thứ nhất trong 4 điều kiện để được huân tập (kiên trụ).
[681] Sthiramati: “Cũng như dòng nước cuốn trôi theo nó những cỏ, cây, phân bò các thứ; thức a-lại-da, cũng vậy, mang theo nó xúc, tác ý, v.v., cùng với tập khí của các nghiệp phước, phi phước và bất động.”
[682] Nạn vấn của Hữu bộ. Cần phải thừa nhận tính thực hữu như Hữu bộ (tam thế thực hữu) mới có thể giải thích tính chất không gián đoạn.
[683] Phản vấn của Duy thức.
[684] Ý nghĩa nạn vấn của Hữu bộ: nếu quá vị vô thể, quả vị lai chưa sinh thức vô thể. Cái vô thể thì không có tác dụng.
[685] Cf. Câu-xá 20 (tr.104c26), quan điểm của Thế Hữu: ý nghĩa tam thế y trên vị thế của tác dụng (kāritra). Pháp chưa có tác dụng được nói là vị lai, Khi có tác dụng, được nói là hiện tại.
[686] Lập trường Duy thức: thể dụng vốn đồng nhất chứ không thể dị biệt.
[687] Hữu bộ: thể tuy hằng hữu nhưng phải hội đủ duyên thì dụng mới sinh.
[688] Chủ yếu là Thượng tọa bộ. Cũng kể luôn Thăng Quân, theo đó sắc và tâm đủ có đủ ba tướng sinh, trụ, dị. Tướng sai biệt nhưng thể đồng nhất. Diệt chỉ cho cái đã diệt. Cf. Diễn bí, tr.874c12.
[689] Chủ trương quả trước nhân sau để tránh lỗi đoạn diệt.
[690] Thượng tọa bộ: tâm và tâm sở sinh diệt diễn ra 2 thời trong một sát na hiện tại. Thời hai nhưng thể là một. Diệt là cái sắp diệt. Diễn bí, tr.874c15.
[691] Hai thời, chỉ hai trạng thái sinh và diệt. Sát na là chu kỳ thời gian cực ngắn diễn thành hai đoạn trước và sau, tức hai pha sinh và diệt.
[692] Giải thích câu tụng “A-la-hán vị xả 阿羅漢位捨.” Skt. tasya vyāvṛttỉ arhatve/
[693] Sthiramati: nói là A-la-hán, do đạt được tận trí, vô sinh trí (kṣayajñānānutpādajñānalābhāt).
[694] Giải thích của nhóm Luận sư thứ nhất, về nghĩa A-la-hán.
[695] A-la-hán (Skt. arhant), theo nghĩa là “sát tặc.” Tức theo ngữ nguyên: ari (kể thù) + han (sát hại).
[696] A-la-hán hiểu theo nghĩa “ứng cúng.” Tức theo ngữ nguyên arh (arhati): xứng đáng, có khả năng.
[697] A-la-hán hiểu theo nghĩa “vô sinh.” Tức theo ngữ nguyên aruhat: không sinh trưởng, do động từ ruh: sinh trưởng. Phần đoạn sinh: bậc vô học của Nhị thừa và Bồ-tát địa thứ tám trở lên đã dứt sinh tử phần đoạn nhưng vẫn còn chịu sinh tử biến dịch.
[698] Du-già 51, Nhiếp quyết trạch phần, tr.582a8, nêu bốn trường hợp: 1. Thành tựu a-lại-da chứ không chuyển thức: các trường hợp của trạng thái vô tâm vị. 2. Thành tựu chuyển thức, không a-lại-da: A-la-hán, Độc giác, Bồ-tát hàng bất thối, và các Như lai trụ hữu tâm vị. 3. Thành tựu cả hai: các hạng hữu tình còn lại trụ hữu tâm vị. 4. Không cả hai: A-la-hán, Độc giác, Bồ-tát bất thối và các Như lai nhập diệt tận định, trụ vô dư y niết bàn giới.
[699] A-tì-đạt-ma tập luận 7 (T31n1605, tr.692c5), Tạp tập luận 14 (T31n1606, tr.763c26): “các Bồ-tát, sau khi đã đắc hiện quán Thánh đế, trong giai đoạn tu đạo của mười địa, chỉ tu tập phần đối trị sở tri chướng mà không cần tu tập đối trị phần của phiền não chướng. Khi chứng đắc bồ đề, phiền não chướng và sở tri chướng nhất loạt bị đoạn trừ, đốn chứng thành A-la-hán và Như lai.”
[700] Thuật ký (tr.341c28): bốn hạng bất thối: 1. bất thối đối với tín, tức tâm thứ sáu trong thập tín; 2. bất thối đối với chứng, Bồ-tát thập địa trở đi; 3. bất thối đối với hành, Bồ-tát địa thứ tám trở lên; 4. bất thối đối với phiền não, ở vô lậu đạo, các phiền não bị đoạn trừ. Ý nạn vấn: Bồ-tát bát địa xả a-lại-da được gọi là bất thối. Sơ địa chưa xả a-lại-da, vậy không được gọi là bất thối?
[701] Trường hợp thứ tư trong bốn bất thối, cht. 8.
[702] Giải thích của nhóm Luận sư thứ hai, bởi Hộ Pháp.
[703] Thuật ký: Sơ địa cho đến Lục địa, thiểu hành (hành nhỏ). Thất địa, đại hành. Bát địa trở lên, quảng hành, vì tu tất cả hành trong tất cả hành.
[704] Giải thích của Nan-đà.
[705] Vô phân biệt trí (nirvikalpakajñāna) và Hậu đắc trí (pṛṣṭhlabdhajñāna).
[706] Du-già 78 (tr.733b14): Bồ-tát có thể khởi ba thứ phiền não: 1. Phiền não không đặc tình nhiễm ô, vì khổ do nhận thức; 2. Không gây tai hại, vì không không khiến Bồ-tát cảm nghiệm đau khổ nơi tự thân; 3. Đoạn nhân của khổ, Bồ-tát hiện khởi phiền não để trừ khổ cho hữu tình.
[707] Đã dẫn, T31n1605, tr.692c08; T31n1606, tr.763c29.
[708] Nhóm Luận sư thứ tư.
[709] Giả định trả lời của Nan-đà.
[710] Thuật ký: Phản vấn của Luận chủ (Hộ Pháp).
[711] Thuật ký: Giải thích của nhóm Luận sư thứ hai (Hộ Pháp).
[712] Không có tự thể của thức thứ tám, không có thức duy trì chủng tử
[713] Nghĩa đăng 4 (tr.729b25): Có 18 tên gọi. Tụng nói: 無沒, 本, 宅, 藏 / 種, 無垢, 持, 緣/ 顯, 現, 轉, 心, 依/異, 識, 根, 生, 有: 1. Vô một, không chìm, không tan biến. Có lẽ do Skt. đọc là alaya (gốc động từ lī: layati, chìm mất, biến mất), thay vì đọc là ālaya. Dẫn luận Vô tướng: vì các chủng tử không chìm ẩn mất nên gọi là vô một. 2. Bản, hay căn bản thức, Skr. mūla-vijñāna. 3. Trạch, cái nhà, một nghĩa khác của từ ālaya. 4. Tàng, nghĩa phổ biến của từ ālaya. 5. Chủng, tức chủng tử thức. 6. Vô cấu, xem giải thích của Luận. 7. Trì, hay chấp trì thức, nghĩa của từ a-đà-na thức (ādāna-vijñāna). 8. Duyên, Skt. pratyaya. Biện trung biên (Madhyānta, k. 10) A-lại-da là điều kiện cho các thức khác xuất hiện (ālayavijjñānam anyeṣāṃ vijñānānāṃ pratyâytvāt pratyaya-vijñānam). 9. Hiển, dẫn luận Vô tướng: vì nó làm hiển lộ năm căn, bốn đại (Skt. vijñapti-vijñāna?). 10. Hiện, vì các pháp hiển hiện trên đó; Skt. khyāti-vijñāna (Laṅkā, N. 37). 11. Chuyển, dẫn Vô tướng: các pháp y trên nó mà sinh khởi (Skt. pravṛtti-vijñāna). 12. Tâm, xem giải thích trong Luận. 13. y, vì nó là y chỉ của sở tri, xem giải thích của Luận; Skt. āśraya-vijñāna. 14.Dị, tức dị thục; Skt. vipāka. 15. Thức, dẫn Vô tướng: tức thức phân biệt sự; Skt. vastuprativikalpa-vijñāna (Laṅkā, N.37). 16. Căn, chỉ cho căn bản thức của Hữu bộ. sinh, hữu. 17. Sinh, tức cùng sinh tử uẩn của Hóa địa bộ. 18. Hữu, tức hữu phần thức của Thượng tọa bộ; Skt. bhavānga.
[714] Thuật ký: Phạn nói chất-đa 質多; phiên âm Skt. citta. Hiểu theo ngữ nguyên, động từ căn ci: tích lũy. Nhiếp luận bản 1 (tr.134a9): nói là tâm (citta), vì nó là nơi tích luỹ (ācita) chủng tử được huân tập của các chủng loại pháp sai biệt.
[715] Skt. ādāna. Nhiếp luận bản 1 (tr.133b29): Vì nó chấp thọ tất cả căn có sắc, và là sở y của thủ (upādāna).
[716] Skt. vijñeyāśraya. Nhiếp luận thích (Thế Thân) 1 (tr.322b29): Cái có thể được nhận thức, gọi là sở tri. Đó là các pháp tạp nhiễm và thanh tịnh, tức ba tự tính.
[717] Bồ-tát từ bát địa trở lên.
[718] Bồ-tát địa thứ mười trở xuống.
[719] Skt. amala-vijñāna; cũng phiên âm là a-mạt-la thức 阿末羅識, a-ma-la thức 阿摩羅識.
[720] Thuật ký, tụng của kinh Như lai công đức trang nghiêm.
[721] Duy chỉ ở Như lai.
[722] Chỉ hoạt động của năm tâm sở biến hành.
[723] Hán: lạc; chỉ hoạt động của tâm sở dục (chanda) trong năm biệt cảnh.
[724] Hán: ức trì; chỉ hoạt động của thắng giải (adhimukti) trong năm tâm sở biệt cảnh.
[725] Hán: minh ký, chỉ niệm (smṛti) trong năm biệt cảnh.
[726] Tức tâm sở định (samādhi) trong năm biệt cảnh.
[727] Hoạt động của tâm sở huệ (prajñā) trong năm biệt cảnh.
[728] Chỉ 11 tâm sở thiện.
[729] Nhiễm ô, chỉ 6 căn bản phiền não và 22 tùy phiền não.
[730] Tán động, chỉ 4 tâm sở bất định.
[731] Hết thảy pháp: toàn bộ 18 giới, bao gồm hết thảy hữu vi, vô vi.
[732] Kính trí, tức đai viên kính trí.
[733] Kinh điển A-hàm nguyên thủy, và A-tì-đàm chỉ đề cập sáu thức.
[734] Hán: định lượng; chỉ Thánh giáo lượng (āgama-pramāṇa).
[735] Cf. dẫn bởi Nhiếp luận bản 1 (133b15); Nhiếp luận thích 1 (Thế Thân, T31n1597, tr.324a19); Nhiếp luận thích 1 (Vô Tính, T31n1598, tr.383a3): 無始時來界/一切法等依/由此有諸趣/及涅槃證得 vô thủy thời lai giới, nhất thiết pháp đẳng y, do thử hữu chư thú, cập niết-bàn chứng đắc. Cf. Bảo tính luận 4 (T31n1611, tr.839a18): 無始世來性/作諸法依止/依性有諸道/及證涅槃果; trong đó, “tính” chỉ cho Như lai tạng.
[736] Thuật ký: tự tính, tức tự thể.
[737] Thế Thân, ibid. (tr.324a24): Như mõ vàng các thứ, trong thế gian, cũng được gọi là giới (dhātu). Vô Tính, ibid. (tr.383a06): “Giới, là nguyên nhân; tức chủng tử. Duy chỉ là các pháp ô nhiễm chứ không phải thanh tịnh”
[738] Chủng tử thức, hay nhất thiết chủng thức; xem đoạn trên.
[739] Chấp trì thức 執持識, hay a-đà-na thức 阿陀那識, xem đoạn sau.
[740] Câu hữu căn (sahabhūtam indriyam), hay câu hữu y (sahabhūta-āśraya): cùng tồn tại với cái mà nó là sở y. Xem giải thích đoạn sau, bản Hán, quyển 4, tr.20c12
[741] Nhãn căn là câu hữu y của nhãn thức; mạt-na là câu hữu y của thức thứ sáu.
[742] Hán: 由此有 do thử hữu; trong tụng văn Hán dịch, từ “hữu” này lược bỏ vì ly do niêm luật. Chân Đế: “nhược hữu…” Bảo Tính: “y tính.” Từ đó dịch ngược trở lại Skt. nó sẽ là: (t)asmiṃ sati (do có cái này). Đây là một phát biểu y trên định cú duyên khởi: satīdam asimiṃ bhavati, “do có (tồn tại) cái này, cái này (=cái kia) có (tồn tại).”
[743] Thuật ký: pháp nhiễm ô hiện hành được nói là lưu chuyển. Pháp nhiễm ô trong dạng chủng tử được nói là thuận lưu chuyển 順流轉法.
[744] Hoặc, nghiệp, sinh: phiền não, nghiệp, khổ; ba bộ phận chính trong 12 chi duyên khởi. Hoặc (phiền não) và nghiệp thuộc về nhân; sinh hay khổ thuộc về quả. Thú (gati) tức 5 cõi thú, quả khổ của sinh tử.
[745] Gati: danh từ năng động; khi chỉ hành vi đang xảy ra, nó được thay thế bởi gata, phân từ thụ động. Xem Paṇiṇi, Adhyāya 3.2.188: matibuddhipūjārthebhyaś ca: matiḥ icchā, buddhiḥ jñānam, pūjā satkāraḥ’ ity etad arthebhyaś ca dhātubhyo varttamane’ rthe kta pratyayo bhavati.
[746] Thú; Skt. gati: hành vi/cử chỉ đi, thú hướng; cũng có nghĩa: phương pháp/thủ đoạn đạt kết quả. Thuật ký: khí thế gian (thế giới tự nhiên) là công cụ mà mà sự thú hướng cần có.
[747] Tì-bà-sa 100 (tr.515b12): Lưu chuyển (pravṛtti) là sự thọ sinh tái diễn. Hoàn diệt (nivṛtti) là sự thú hướng đến Niết-bàn.” Du-già. 51 (tr.579c26): bốn hình thái lưu chuyển và một hình thái hoàn diệt của a-lại-da: 1. Sở duyên chuyển tướng, vin vào đối tượng nội giới là chấp thọ và ngoại giới là khí thế gian mà vận chuyển. 2. Tương ưng chuyển tướng, hằng tương ưng với 5 biến hành. 3. Duyên tính chuyển tướng, vận chuyển theo điều kiện tương tác. 4. Câu chuyển chuyển tướng, tồn tại đồng thời với các chuyển thức và cùng vận chuyển. Một hình thái hoàn diệt: nó duy trì chủng tử thiện của thuận giải thoát phần và thuận quyết trạch phần. Thuật ký dẫn: “Du-già 51 nói, hoàn tức Đạo đế; diệt tức Diệt đế.” Không tìm thấy đoạn văn này trong Luận được dẫn.
[748] Xem cht. 15 trên.
[749] Nhất thiết pháp, chỉ tổng thể. Chư thú và Niết-bàn, chỉ cá biệt.
[750] Dẫn bởi, Nhiếp luận bản 1 (tr.133b18); Nhiếp luận thích (Thế Thân, Chân Đế) 1 (T31n1595, tr.157a18): 諸法依藏住/ 一切種子識/ 故名阿黎耶/ 我為勝人說, chư pháp y tàng trụ, nhất thiêt chủng tử thức; cố danh a-lê-da; ngã vị Thắng nhân thuyết.
[751] Chấp tàng; Skt. ālīyante, động từ chỉ dùng theo nghĩa thụ động. Xem cht. 2 tiết i.
[752] Dẫn Số luận (Samkhyā): thăng tính (pradhāna tức prakṛti) chuyển biến thành đại (mahat) v.v… gồm 23 yếu tố. Xem Chương I, cht. 81 và tiếp theo.
[753] Xem đoạn sau, Hán quyển 9 (tr.50a6).
[754] Giải thâm mật 1 (T16n0676, tr.692c22); Cf. Thâm mật giải thoát 1 (T16n0675, tr.669b26): 諸種阿陀那/ 能生於諸法/ 我說水鏡喻/不為愚人說 chư chủng a-đà-na, năng sinh ư chư pháp; ngã thuyết thủy kính dụ, bất vị ngu nhân thuyết. Cf. Dẫn bởi Du-già 51 (tr.579a15); Nhiếp luận bản 1 (tr.133b27); Nhiếp luận thích (Thế Thân, Chân Đế) 1 (T31n1595, tr.157b10): 執持識深細/ 法種子恒流/ 於凡我不說/彼勿執為我, chấp trì thức thâm tế, pháp chủng tử hằng lưu; ư phàm ngã bất thuyêt; bỉ vật chấp vi ngã.
[755] Chấp trì 執持; ādāna, do bởi động từ ā-dā (ādadāti, ādatte): bắt nắm, nắm giữ, tiếp nhận.
[756] Chấp thọ 執受, xem tiết iii, cht. 6.
[757] Chấp thủ 執取, Skt. upa-āda (upādadāti, upādatte), nắm giữ, chiếm hữu; từ đó: upādāna: thủ, trong năm thủ uẩn.
[758] Kết sinh tương tục 結生; Skt. pratisandhibandha, yếu tố nối kết hai đời sống.
[759] Vô tính 無性, hay vô chủng tính; Skt. agotra, không thuộc dòng họ Thánh, không thể chứng Niết-bàn.
[760] Lăng-già bảo 1 (Cầu-na-bạt-đà-la, T16n0670, tr.484b9); Nhập lăng già 2 (Bồ-đề-lưu-chi, T16n671, tr.523b19); Đại thừa Nhập Lăng già 2 (T16n0672, tr.594c11). Laṅkā ii, kā 99 tt (N. 46): taraṅgā hy udadher yadvat pavanapratyayeritāḥ/ nṛtyamānāḥ pravartante vyucchedaś ca vidyate//99/ ālayaughas tathā nityaṃ viṣayapavaneritaḥ/ citrais taraṅgavijñānair nṛtyamānaḥ pravartate//100/ Như những con sóng trên đại dương bị kích động bởi gió, người ta thấy chúng hoạt động nhảy múa không ngừng. Dòng lũ A-lại-da cũng vậy, thường xuyên bị kích động bởi gió ngoại cảnh, các con sóng thức muôn vẻ hoạt đọng như nhảy múa.
[761] Số thủ thú 數取趣, dịch nghĩa của từ Skt. pudgala (phiên âm: bổ-đặc-già-la), tự ngã như là nhân xưng hay nhân cách; chủ thể của nhận thức, và luân hồi.
[762] Chí giáo lượng 至教量, hay Thánh giáo lượng; Skt. āgama-pramāṇa, nguồn nhận thức chân chính, hay thẩm quyền nhận thức, có từ Thánh giáo hay Thánh điển.
[763] Đoạn này lập luận chứng minh các kinh Đại thừa đều do Phật thuyết. Cf. Hiển dương Thánh giáo 20 (T31n1602, tr.581b5): nêu 10 điểm chứng minh Đại thừa do chính Phật thuyết. Trang nghiêm kinh 1 (T31n1604, tr.591a8): nêu 8 điểm chứng minh.
[764] Đoạn chứng minh dẫn Đại thừa trang nhiêm kinh luận, được nói là do Di-lặc (Maitreya: Từ Thị) thuyết bằng kệ, sau đó Vô Trước giải thích bằng văn trường hàng. Bản Hán dịch của Ba-la-phả-mật-đa-la, 13 quyển, T31n1604, nói là Vô Trước Bồ-tát tạo. Nội dung tương đồng, nhưng số liệt kê khác nhau: “hữu vô hữu (= thể, phi thể)” trong luận Trang Nghiêm kể là hai; trong văn đây hiệp làm một.
[765] Ký biệt 記別; Skt. vyākarāṇa, tiên tri hay dự báo.
[766] Quan điểm này nói kinh điển Đại thừa lưu hành đồng thời với Tiểu thừa ngay sau khi Phật diệt độ.
[767] Trang nghiêm, ibid. tr.591a15: bất hành 不行, Skt. agocara: phi cảnh giới sở hành (của Tiểu thừa và Ngoại đạo).
[768] Ngoại đạo; Trang nghiêm, ibid. thổn độ nhân 忖度人 (Skt, tirthika): các triết gia tư biện, suy lý.
[769] Cực thành 極成: được thừa nhận bởi cả hai phía đối biện.
[770] Hữu vô hữu; Trang nghiêm: thể, phi thể. Skt. bhāvābhāve’ bhāvāt.
[771] Skt. yadi mahāyānaṃ kiṃcid asti, nếu tồn tại một Đại thừa nào đó. Trang nghiêm: “Nếu Phật khác có Đại thừa thể, Phật này (Thích-ca) không có Đại thừa thể…(nhưng) các Đại thừa không khác nhau, vì thể đồng nhất.”
[772] Trang nghiêm: Nếu không có Phật thừa mà có Phật xuất thế để thuyết Thanh văn thừa, điều đó không hợp lý.
[773] Cf.. ibid. (tr.591a06): 不記亦同行/ 不行亦成就/ 體非體能治/ 文異八因成. Cf. Sūtrālaṅkāra, I.7: ādāvavyākaraṇāt samapravṛtter agocarāt siddheḥ/ bhāvābhāve’ bhāvāt pratipakṣatvād rutānyatvāt/
[774] Cf. Nhiếp luận bản 1 (tr.134a23); Nhiếp luận thích 2 (Thế Thân, tr.326c29); ibid. (Vô Tính, tr.386a20). Căn bản thức, Skt. mūla-vijñāna.
[775] Thuật ký: Phân biệt luận giả (Vibhajyavādin), cựu gọi là Phân biệt thuyết bộ, nay gọi là Thuyết giả bộ (Prajñaptivāda). Hữu phần thức, Skt. bhavāṅga; Pali: bhavaṅga.
[776] Nhiếp luận thích 2 (Vô Tính, tr.386b7): Từ hữu phần (bhavāṅga) trong Thượng tọa bộ (Sthavira/ Theravāda) cũng chỉ cho thức này. Vì a-lại-da là nhân (anga: phần=nhân) của hữu (bhava: tồn tại). Hiển thức luận (T31n1618, tr.880c15): Chính lượng bộ (Sammītiya) gọi là cái vô thất (avipraṇāśa); Ma-ha-tăng-kỳ-kha (Mahāsaṅghika: Đại chúng bộ) gọi là nhiếp thức (saṅgraha-vijñāna?);… Tha-tì-lê-bộ (Sthavira) gọi là hữu phần thức… Thành nghiệp luận (T31n1609, tr.785a14): “Trong kinh của Xích đồng diệp bộ (Tāmraśātīya), y nơi thức này mà lập tên gọi hữu phần thức.”
[777] Nhiếp luận thích 2 (Vô Tính): “Luận: Trong Hóa địa bộ (Mahīśāsaka), bằng dị môn mật ý, thức này được đề cập với tên gọi là cùng sinh tử uẩn (āsaṃsārikaskandha)… Thích: …Trong bộ này có ba loại uẩn. Một, sát-na uẩn (kṣanikaskandha), sinh diệt trong từng sát-na. Hai, nhất kỳ sinh uẩn (ekajātiskandha), hằng tùy chuyển từ sinh cho đến chết. Ba, cùng sinh tử uẩn, hằng tùy chuyển cho đến khi đắc định kim cang dụ.”
[778] Đoạn văn Pali tương đương, Dīgha ii. 35, Majjhima i. 167; Saṃyutta 1. 136: adhigato kho myāyaṃ dhammo gambhīro duddaso duranubodho santo paṇīto atakkāvacaro nipuṇo paṇḍitavedanīyo. ālayarāmā kho panāyaṃ pajā ālayaratā ālayasammuditā. ālayarāmā kho panāyaṃ pajā ālayaratāya ālayasammuditāya duddasaṃ idaṃ ṭhānaṃ yadidaṃ– idappaccayatā paṭiccasamuppādo, “Pháp mà Ta đã chứng đắc này thật sâu thẳm, khó thấy, khó biết, là pháp tịch tĩnh, vi diệu, siêu việt tư duy tư biện, thâm áo, duy chỉ bậc trí mới cảm nghiệm được. Còn chúng sinh này yêu thích sở tàng, ham muốn sở tàng, vui đắm sở tàng, hoan hỷ sở tàng. Vì vậy, pháp này thật sự khó thấy đối với chúng: đó là, y tha duyên tính duyên khởi pháp. Trong đây, từ ālaya, theo định nghĩa Từ điển Pali-Anh của PTS: chỗ (chim) đậu; chỗ cư trú, cái nhà; nghĩa rộng; sự chấp trước, sự ham muốn, dục vọng. Các cụm từ ālayarāmā ālayaratā ālayasammuditā, Huyền Trang dịch: ái a-lại-da, lạc a-lại-da, hỷ a-lại-da. Hân a-lại-da trong bản Hán không có trong Pali. Các đoạn kinh liên hệ tương đương Pali không có các cụm từ này: Trường A-hàm 1 (tr.8b15), Trung A-hàm 56 (tr.777a19) Tăng nhất 10 (tr.593a24), ibid. 14 (tr.618a27). Cf. Tứ phần luật 31 (T22n1428, tr.786c2): 眾生異見異忍異欲異命 依於異見樂於樔窟眾生 以是樂於樔窟故 於緣起法甚深難. Chúng sinh này do kiến chấp dị biệt, tín nhẫn dị biệt, xu hướng dị biệt; do kiến chấp dị biệt nên ham thích nơi hang ổ. Chúng sinh vì ham thích nơi hang ổ nên khó có thể hiểu nổi pháp duyên khởi sâu xa này. Trong Hán dịch này, từ ālaya được dịch là sào quật 樔窟, hang ổ.
[779] Nhiếp luận thích 2 (Vô Tính, tr.386a05): Ái a-lại-da, đây chỉ cho tham nói một cách tổng quát đối với a-lại-da. Lạc a-lại-da, tham đắm a-lại-da hiện tại. Hân a-lại-da, tham tưởng a-lại-da quá khứ. Hỷ a-lại-da, tham cầu a-lại-da đời vị lai.
[780] Chỉ các hạng siêu việt Dục giới; từ sơ thiền trở lên.
[781] Thiền thứ ba được gọi là ly hỷ diệu lạc địa, vì đặc trưng bởi cảm thọ lạc.
[782] Chứng đắc Tu-đà-hoàn, thân kiến bị đoạn trừ.
[783] Hạng phàm phu nhập vô tưởng định, Thánh giả Bất nhập diệt tận định; khi ấy sáu chuyển thức không hoạt động.
[784] Các bậc Vô sắc giới.
[785] Du-già 51 (tr.579a18): 8 lý chứng, tóm tắt trong bài kệ: 執受初明了/ 種子業身受/ 無心定命終/ 無皆不應理 chấp thọ, sơ (tối sơ thọ sinh), minh liễu, chủng tử, nghiệp (dụng), thân thọ, vô tâm định, mạng chung; nếu không tồn tại a-lại-da, các vấn đề này không thể được chứng minh.
[786] Thuật ký: Không dẫn tên kinh; đoạn dẫn có tinh tổng hợp ý nghĩa từ các Kinh.
[787] Nghĩa đăng 4 (733a14): Bác bỏ Kinh bộ cho rằng tuy sắc và tâm huân tập lẫn nhau, cả hai đều có thể duy trì chủng tử; nhưng trong đó ưu thắng là thức mà sự duy trì chủng tử của chúng thông suốt cả ba giới. Hữu bộ nói, tâm phân biệt được sắc nhưng sắc không phân biệt được tâm, do đó nói tâm chính là chủng tử. Theo đó, chính tâm pháp hiện tại là chủng tử. Đại chúng bộ nói, tác dụng cường thịnh của tâm được gọi là chủng tử. Với Thượng tọa bộ, sắc tâm đi trước tuy đều là chủng tử cho những cái đi theo sau, nhưng chỉ riêng tâm cường thịnh được gọi là chủng tử.
[788] Kinh bộ chủ trương chính 6 chuyển thức duy trì chủng tử; không tồn tại thức thứ tám.
[789] Kinh bộ, năm trạng thái vô tâm, bấy giờ hoạt động của thức bị gián đoạn: ngủ say, bất tỉnh, vô tượng định, diệt tận định, vô tưởng dị thục.
[790] Du-già 51 (tr.579b23), lý chứng thứ 4.
[791] Cf. Nhiếp luận thích 2 (Thế Thân, tr.330a7): các chuyển thức có sở y (āśraya), sở duyên (ālambana), tác ý (manasikāra) riêng biệt; hành tướng (ākāra) của chúng cũng hoạt động cá biệt. Điều này bác bỏ các Thí dụ luận sư (Darṣṭāntika), theo đó, niệm trước huân niệm sau. Ibid. (Vô Tính, tr.389c2): Nếu 6 chuyển thức đồng thời tồn tại, chúng không thể có sở y, sở duyên, tác ý riêng biệt. Do ba sự cá biệt này mà 6 thức không đồng thời sinh khởi. Không đồng thời sinh nên không tương ưng, và do đó không thể có tính chất năng huân và sở huân.
[792] Du-già 51 (tr.579b24): các chuyển thức thay đổi nhau biến mất, xuất hiện không gián đoạn trong bốn trạng thái: 1. ba tính: bất thiện, thiện, vô ký; 2. ba giới: hạ liệt, trung, thượng; 3. hữu lậu và vô lậu; 4. thế gian và xuất thế gian.
[793] Chủ trương khác của Kinh bộ. Thuật ký: Kinh bộ dị sự. Quan điểm này nói, thức chuyển biến, từng sát-na diệt. Do đó, y trên thức giả lập loại tính đồng nhất của thức, sát-na trước với sát-na sau không khác nhau. Thức như vậy có thể được huân tập, duy trì chủng tử. Cf. Nhiếp luận thích 2 (Thế Thân, tr.330a12): Cho rằng thức đồng loại (vijñāna-samajātīya) cũng huân tập lẫn nhau… là sai lầm. (Vô Tính, T31n1598, tr.389c9): Hoặc y trên chủng loại của thức mà có sự huân tập. Sáu chuyển thức trong 2 sát-na vẫn đồng một chủng loại thức. Tức không có sự sai biệt về chủng loại trong các sát-na. Nhưng phẩm vị của chúng khác nhau nên có thể huân tập lẫn nhau.
[794] Hán: sự, skt. vastu.
[795] Tự thể của chủng loại thật hữu, tức đồng với cú nghĩa đồng-dị của Thắng luận (Vaiśeṣika). Xem Ch. I, đoạn phê bình pháp chấp, Thắng luận. Thuật ký: Kinh bộ cho rằng loại tính là giả. Đây giả thiết nó là thật để phê bình.
[796] Hữu bộ: Sáu thức thân vô gián diệt là ý căn. Như vậy, căn và thức có thể xem là đồng loại. Các căn cũng là pháp. Các cảnh cũng là pháp: căn và cảnh cũng đồng loại. tín v.v. cũng là căn; vậy tín cũng đồng loại với mắt v.v… Điều này không được chấp nhận. Cf. Nhiếp luận thích 2 (Thế Thân, tr.330a14): “Con mắt v.v. cũng đồng một loại là tịnh sắc, vậy chúng cũng có thể huân tập lẫn nhau?” Ibid. (Vô Tính, tr.?): “Căn con mắt, mà tự tính là thanh tịnh sắc, đều thuộc chủng loại của căn. Như vậy tự tính của ý căn cũng có thể được tác thành bởi tạo sắc, vì cũng đồng nghĩa là căn?”
[797] Thuật ký: Giả định bác bỏ Kinh bộ (Sautrāntika), kiêm bác bỏ Thí dụ sư (Dārṣṭāntika), tức Kinh bộ dị sư.
[798] Thuật ký: Đại chúng bộ quan niệm sáu thức đồng thời hoạt động (câu chuyển). Nhưng bộ phái này không chủ trương sáu thức thọ huân.
[799] Thuật ký: Phê bình Thượng tọa bộ (Sthavira).
[800] Nhiếp luận thích 3 (Vô Tính, tr.396b23): Kinh bộ sư cho rằng sắc tâm liên tục không gián đoạn, cái trước tiếp nối cái sau sinh khởi, đó là chủng tử của các pháp; và đó cũng là nguyên nhân sản sinh (janaka-hetu: sinh nhân) của các pháp hữu vi.
[801] Vô Tính, ibid. (tr.389c7): Hai sát-na không cùng tồn tại nên không tương ưng. Do không tương ứng nhau nên không có tính chất huân tập và bị huân tập.
[802] Vô Tính, ibid. (tr.396c2): Khi từ vô sắc chết, tái sinh sắc giới; bấy giờ, do sắc bị đoạn diệt đã từ lâu, không thể có sắc trước kia sản sinh sắc hiện tại.
[803] Vô Tính, ibid, (tr.396c6): Nếu cho rằn duy chỉ tâm sát-na đi trước là chủng tử dẫn sinh tâm sát-na theo sau không gián cách; thế thì không có tâm tối hậu của A-la-hán, và do đó ngài không thể nhập Niết bàn giới vô dư y.
[804] Thuật ký: giả thiết Kinh bộ cứu nguy, theo đó, khi nhập trạng thái vô tâm, khi ấy tâm bị cắt đứt nhưng chủng tử của tâm tồn tại trong sắc. Khi sinh vô sắc, sắc bị gián đoạn, chủng tử của sắc tồn tại trong tâm.
[805] Đây chỉ Thuyết nhất thiêt hữu bộ (Sarvāstivāda).
[806] Thuật ký: Kinh nói duy tâm không nhất thiết có nghĩa tâm là cái chịu huân tập và duy trì chủng tử.
[807] Phê bình thuyết tính Không của Thanh Biện (Bhavaviveka) và các nhà Vô tướng Đại thừa.
[808] Lập trường của Thanh Biện: Y thế tục đế (saṃvṛti-satya) tất cả đều có. Y thắng nghĩa đế (paramārtha-satya) tất cả đều không. Các nhà Duy thức dẫn bài tụng của Thanh Biện trong Chưởng trân luận (T30n1578, tr.268b21): 真性有為空/如幻緣生故/無為無有實/不起似空華, chân tính, hữu vi không/ Như huyễn. Duyên sinh cố/ Vô vi vô hữu thật/ Bất khởi. Tợ không hoa; và chỉ trích những sai lầm luận lý (tợ tỷ lượng) trong bài tụng này.
[809] Câu-xá 5 (tr.26b07): Quan điểm của Hữu bộ, không phải rằng tất cả thức từ thủy chí chung thường xuyên là dị thục.
[810] Sáu thức thuộc dị thục. Cf. Câu-xá 2 (tr.9a19): 內五有熟養/聲無異熟生 nội ngũ hữu thục dưỡng, thanh vô dị thục sinh: 5 nội giới, trừ ý giới, vừa là dị thục sinh (vipākaja), vừa là sở trưỡng dưỡng (aupacayika). Thanh không phải dị thục sinh. Chống lại Hữu bộ, các nhà Độc tử bộ, Phân biệt thuyết nói thanh cũng là dị thục: âm thanh của Phật như là Phạm âm (Brahmasvaratā) là kết quả của nghiêp không ác ngữ. Các nhà Đại thừa cũng nói, âm thanh nhu nhuyến của Bồ-tát là kết quả của nghiệp ái ngữ, pháp ngữ.
[811] Kinh bộ, Hữu bộ, cho rằng mạng căn (jīvitendriya), năm căn, đều là dị thục.
[812] Xem cht. 79 trên.
[813] Câu-xá 2 (tr.9a24): Cái được sản sinh bởi nhân dị thục (vipākahetu) gọi là dị thục sinh (vipākaja). Hoặc nghiệp khi đi đến kết quả thì biến đổi thành chín muồi được gọi là dị thục. Quả sinh từ đó được gọi là dị thục sinh. Xu yếu (tr.629c11): Chân dị thục đủ 3 nghĩa: kết quả của nghiệp, không gián đoạn, biến hành ba cõi. Duy thức: duy chỉ thức thứ tám là chân dị thục.
[814] Thuật ký: vì không hằng liên tục nên không phải là chân dị thục.
[815] Biến hành cả ba cõi. Sáu thức không có mặt khắp trong vô sắc giới, trong vô tâm định.
[816] Hữu bộ: Các hành không tương ưng tâm đều thực hữu.
[817] Du-già 51 (tr.579c8): Thân thọ (kāyikī vedanā), trong tám chứng lý.
[818] Sau khi xuất định.
[819] “Phi Phật 非佛”; Thuật ký: Gồm chư Bồ-tát, Nhị thừa và các hữu tình.
[820] Các trạng thái tâm vô lậu thiện, và vô tâm. Các trạng thái này không phải là dị thục tâm.
[821] Thuật ký, viết lại theo quy thức nhân minh: [Tông] Hạng không phải Phật khi khởi các trạng thái khác, như thiện tâm v.v., hẳn cũng khởi luôn chân dị thục tâm. [Nhân] Vì không phải Phật mà là hữu tình. [Dụ] Như cho rằng khi khởi tâm ấy. Giải thích: Hữu tình mà không phải là Phật thị hiện, khi khởi thiện tâm hay các trạng thái vô tâm, bấy giờ không khởi tâm dị thục. Đối phương quan niệm tâm chiêu cảm bởi nghiệp trong sáu thức là chân dị thục; nay lấy đó lập dụ.
[822] Tức năm thú 趣 (pañcagati), chỉ 5 định hướng tái sinh; và bốn sinh 生 (catvāro yonayaḥ), 4 chủng loại hay hình thức thọ sinh.
[823] Thuật ký: “Phiền não mà trong các kinh luận nói là thú, sinh, đó chỉ là giả thú, sinh, tương tợ thú, sinh; không phải thú, sinh chính thật.”
[824] Quan điểm của Duy thức: Trừ thức thứ tám vốn được nhận là chân dị thục, còn lại các pháp được nói là phi dị thục.
[825] Trong 10 xứ thuộc sắc, trừ thanh (phi dị thục sinh), còn lại sắc dị thục.
[826] Nghĩa đăng (tr.734a23): Thiện được phân làm hai, sinh đắc thiện 生得善(upapattipratilabdhakusala) và gia hành/phương tiện thiện (prayogakusala). Cf. Tì-bà-sa 87 (tr.450b20).
[827] Xu yếu (tr.636a2): Đoạn văn này tổng hợp. Quả của nghiệp ở trong ý là văn của Hộ Pháp. Sinh đắc thiện là ý nghĩa theo các luận sư khác (Nan-đà).
[828] Nhiếp luận thích 3 (Vô Tính, tr.393c17): Khi sinh Phi tưởng phi phi tưởng xứ, cần đoạn trừ phiền não của xứ địa này nhưng vì tưởng quá yếu nên phải ngang qua vô sở hữu xứ là xứ địa nhạy bén để khởi tâm vô lậu của xứ địa ấy hiện tiền. Khi ấy nếu không có dị thục tầm làm sở y, cả hai xứ địa này đều diệt ly, và do đó hữu tình cũng trở thành diệt ly nghĩa là chết hẳn.
[829] Cf. Thuận chính lý 36 (tr.547c07): Một số Luận sư nói rằng chư Phật Thế Tôn thường an trú trong định nên tâm duy chỉ thiện mà không có vô ký.
[830] Thuật ký: Bốn trí (của Phật) thảy đều là thiện, và cũng không hệ thuộc giới. Giới thuộc hữu hậu, và đây có nghĩa là hệ phược.
[831] Thuật ký: Pháp hữu lậu được gọi là hý luận (prapañca).
[832] Hữu sắc căn thân, Skt. rūpīndriya-kāya.
[833] Tạp tập 5 (T31n1606, tr.716a6): Sắc làm sở y cho thọ phát sinh được gọi là chấp thọ. Câu-xá 2 (tr.8b24): Cái mà tâm, tâm sở pháp chấp trì làm y xứ được gọi là hữu chấp thọ (upātta); vì chúng liên hệ nhau gây nên sự tổn hại hay hữu ích. Tức cái mà thế gian gọi là có giác xúc.
[834] Kinh bộ: Năm căn thuộc quá khứ, vị lai, không có chấp thọ. Câu-xá, ibid.: 5 căn, trừ hiện tại, và trong thân, những thứ tóc, lông, móng, răng v.v. trừ phần tiếp hợp với gốc, còn lại thảy không có chấp thọ.
[835] Thuật ký: đẳng, chỉ các pháp mang tính vô ký.
[836] Bác bỏ Kinh bộ. Bộ này quan niệm sắc căn có khả năng duy trì chủng tử và tiếp thọ huân tập.
[837] Bác bỏ Hữu bộ. Bất tương hành nói đây là mạng căn và đồng phần.
[838] Xem Câu-xá 5 (T29n1558, tr.26a25): Có một pháp đặc biệt duy trì hơi ấm và thức; pháp đó là thọ (āyus).
[839] Cf. Tạp 21, kinh 568 (T2n99, tr.150b6): “Thọ, hơi ấm và thức khi rời bỏ thân; thân này bị vất bỏ ngoài gò hoang như gỗ đá.” Dẫn bởi Câu-xá 5 (T29n1558, tr.26a28). Cf. Samyutta, iii. 143: āyu usmā ca viññāṇaṃ, yadā kāyaṃ jahantimaṃ; apaviddho tadā seti, parabhattaṃ acetanaṃ, khi thọ, hơi ấm và thức rời bỏ thân; khi thân bị vất bỏ, nó nằm trơ không tư niệm, không nghĩ đến thức ăn gì khác.”
[840] Thuật ký: Dụ này có thể phạm lỗi nhân minh. Diễn bí: phạm lỗi sở lập bất thành.
[841] Nạn vấn của Luận chủ.
[842] Phản vấn của đối phương.
[843] Đây chỉ Dục và Sắc giới. Noãn không tồn tại trong Vô sắc giới. Vì noãn, hơi ấm, thuộc sắc pháp. Câu-xá 5 (tr.26b09); Tỳ-bà-sa 83 (tr.431c21).
[844] Tức không phải là vô gián chuyển.
[845] Lý đã được nêu là thường xuyên duy trì tác dụng.
[846] Du-già 80 (T30n1579, tr.748a14): A-la-hán nhập diệt tận định trước khi nhập vô dư niết-bàn. Nghĩa là mạng chung trong trạng thái vô tâm định.
[847] Năm trạng thái vô tâm, ý thức không hoạt động: 1. vô tưởng thiên, 2. vô tưởng định, 3. diệt tận định, 4. ngủ say không chiêm bao, 5. hôn mê cực điểm.
[848] Quan điểm của Hữu bộ, cf. Câu-xá 10 (tr.56b): trạng thái khi chết và tái sinh thuộc tán tâm, cho nên không thể là vô tâm. Trạng thái vô tâm không dẫn đến tái sinh.
[849] Quan điểm của một số nhà Đại thừa.
[850] Quan điểm này được nói là của Nan-đà.
[851] Kể từ sát-na thứ hai. Vì giả thiết ý thức hiện hữu trong khi thọ sinh, nên trừ sát-na tối sơ.
[852] Sinh đắc thiện, hoặc các kỹ thuật công xảo.
[853] Tế ý thức, quan điểm của Thượng tọa bộ.
[854] Du-già 1 (tr.282a7): Với người đã có nghiệp ác, thức xả từ phần trên của sở y (thân). Tức cảm xúc lạnh khởi lên từ phần trên rồi xuống đến tim. Người tạo nghiệp thiện thì ngược lại. Cf. Nhiếp luận thích 2 (Thế Thân, tr.333a6); ibid. (Vô Tính, tr.394a1). Câu-xá 10 (tr.56b13): Nếu đọa ác thú, thức cuối cũng diệt nơi bàn chân. Nếu tái sinh cõi người, thức diệt nơi rốn. Nếu tái sinh cõi trời, thức diệt nơi tim.
[855] Thuật ký: Thân thức phổ biến toàn thân nhưng không thể chấp thọ thân căn, vì có khi bó không hiên hành, hoăc khi chết từ từ thì cả năm thức thân biến mất trước.
[856] Phổ biến khắp thân, thường xuyên, tương tục, đây là các tính chất của thức thứ tám. Thuật ký: “thức thứ sáu khi xuất hiện thường xuyên (tức có lúc không thường xuyên), gặp đối tượng nào thì nó duyên đối tượng đó; sở y nào thích hợp thì nó dừng lại trên đó.” Tất cả sở y này đều có vị trí trên thân.
[857] Kiết-la-lam 羯邏藍. Các giai đoạn thành hình trong thai. Câu-xá 9 (tr.47c23): tối sơ kiết-lặc-lam 羯[*]剌藍, thứ đến át-bộ-đàm 頞部曇, bế-thi 閉尸, kiền-nam 鍵南, bát-la-xa-khư 鉢羅奢佉, sau đó lông, móng các thứ. Cf. Tạp A-hàm 49 (tr.357c28): ca-la-la 迦羅邏, bào 胞, nhục đoạn 肉段 (cục thịt), kiên hậu 堅厚 (cứng dày), chi tiết 肢節 (tứ chi), lông tóc các thứ. Pali, S. i. 206: kalalaṃ, abbudaṃ; pesi; ghano; pasākhā, kesā lomā nakhāpi ca. Du-già 1 (tr.283a01): “Khi tham ái của cha mẹ đến cực điểm, mỗi bên phóng xuất một giọt tinh huyết. Cả hai hợp thành một, như giọt sữa đặc. Dị thục của tất cả chủng tử được chứa trong đó… Giai đoạn này được gọi là kiết-la-lam.”

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 10 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




An Sĩ toàn thư - Khuyên người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ


Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng


Truyện cổ Phật giáo


Phật Giáo Yếu Lược

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.105.215 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập