Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» A Tì Đạt Ma Câu Xá Luận [阿毘達磨俱舍論] »» Bản Việt dịch quyển số 18 »»

A Tì Đạt Ma Câu Xá Luận [阿毘達磨俱舍論] »» Bản Việt dịch quyển số 18


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.51 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.58 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luận Câu Xá

Kinh này có 30 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 |
Việt dịch: Đạo Sinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phần 18
Trong phần trình bày ba trọng chướng ở trước đã giải thích năm tội vô gián chính là thể của nghiệp chướng; sau đây là phần giải thích về thể của năm nghiệp vô gián này.
[Trong năm tội vô gián
Có bốn thân nghiệp, một ngữ nghiệp
Ba nghiệp giết hại, một nghiệp nói dối,
Một gia hành của nghiệp giết hại.]
Luận: Bốn nghiệp thuộc về thân; một nghiệp thuộc về ngữ; ba nghiệp giết hại; một nghiệp nói dối; và một gia hành của nghiệp giết hại (sát sinh nghiệp đạo gia hành, prāṇātipāprayoga) bởi vì chư Như Lai không thể chết do kẻ khác làm hại.
Ly gián chúng tăng (phá tăng, saṃghabheda) là tội nói dối, và tội nói dối này chính là tội vô gián thứ tư. Tại sao như vậy? Tội nói dối chính là nguyên nhân của sự ly gián chúng tăng cho nên khi gọi sự ly gián chúng tăng là tội vô gián tức đã lấy tên của nhân để đặt cho quả (nhân thọ quả danh, hetuphalopacāra); hoặc từ ngữ “phá tăng” còn có nghĩa là “pháp có khả năng ly gián chúng tăng” (năng phá, kāraṇasādhana).
(Hỏi) Nếu vậy, pháp nào được thành tựu? Sự phá tăng (năng phá) hay chúng tăng (sở phá)?
Tụng đáp:
[Phá tăng là bất hòa hợp,
Là hành pháp không tương ưng với tâm,
Có tánh vô phú vô ký.
Chính chúng tăng thành tựu pháp phá tăng.]
Luận: Sự phá tăng, tức sự không hòa hợp, là một hành pháp (saṃskāra) không tương ưng với tâm, có tánh vô phú vô ký (anivṛtāvyākṛta).
(Hỏi) Nếu vậy làm sao pháp này có thể trở thành tội vô gián?
(Đáp) Bởi vì người ly gián chúng tăng (năng phá giả, bhettar) không thành tựu sự phá tăng; trái lại chính chúng tăng bị ly gián mới thành tựu loại hành pháp có tên là “phá tăng” này.
(Hỏi) Như vậy người ly gián chúng tăng thành tựu cái gì? Quả báo của sự phá tăng được chiêu cảm ở chỗ nào, vào lúc nào?
Tụng đáp:
[Người ly gián chúng tăng chỉ thành tựu
Tội nói dối,
Chịu quả báo địa ngục vô gián trong suốt một kiếp;
Và khổ tăng là do tội tăng.]
Luận: Người ly gián chúng tăng thành tựu tội (avadya) “phá tăng” và tội phá tăng này chính là tội nói dối. Tội nói dối sinh khởi cùng thời với sự ly gián chúng tăng (saṃghabhedasahaja) và là loại ngữ nghiệp hữu biểu và vô biểu. Với tội nói dối này, kẻ phá tăng phải đọa vào đại địa ngục vô gián (avīci) trong suốt một trung kiếp (antarakalpa); trong khi người phạm các tội vô gián khác không nhất định bị đọa vào địa ngục này.
(Hỏi) Nếu tất cả các tội vô gián đều có quả báo ở đời sống kế tiếp thì một người phạm phải nhiều tội vô gián khác nhau sẽ thọ nhận như thế nào?
(Đáp) Ở địa ngục vô gián, người phạm nhiều tội vô gián phải thọ nhận một thân hình to lớn nhưng da thịt lại rất mềm nhảo khiến cho người này cảm thấy khổ sở gấp hai, gấp bốn, gấp năm lần bình thường; và các thứ dùng để tra tấn thì rất nhiều và rất khó chịu đựng.
(Hỏi) Người nào có thể phá hoại chúng tăng? Phá hoại ở chỗ nào? Vào thời điểm nào? Và trong bao lâu?
Tụng đáp:
[Là Bí-sô thuộc kiến hành, có tịnh hạnh;
Ở những nơi không có Như Lai và chỉ phá được người ngu.
Khi nhận một đạo sư và một thánh đạo khác
Thì gọi là phá tăng; và (sự phá tăng) không trải qua đêm.]
Luận: Người ly gián chúng tăng chính là một Bí-sô chứ không phải người tu tại gia, v.v.; và người này phải là người thuộc loại kiến hành chứ không phải là ái hành, và phải là người có tịnh hạnh chứ không phải là người phá giới bởi vì lời nói của một Bí-sô phá giới không còn có uy lực.
(Hỏi) Sự phá tăng xảy ra ở chỗ nào?
(Đáp) Ở những chỗ khác; có nghĩa là không phải ở chỗ có Như Lai. Sự ly gián chúng tăng không thể có ở chỗ của bậc Đại sư bởi vì không ai có thể chiến thắng (duḥprasaha) Như Lai và lời nói của ngài thì đầy uy lực.
(Hỏi) Như vậy, kẻ phá tăng ly gián được những gì?
(Đáp) Chỉ ly gián được người ngu (bāla) chứ không phải A-la-hán bởi vì hàng thánh giả này đã thấy được pháp một cách đúng đắn (chứng pháp tánh). Có thuyết nói rằng kẻ phá tăng cũng không thể ly gián những ai đã đắc nhẫn (kṣānti).
(Hỏi) Chúng tăng bị phá trong trường hợp nào?
(Đáp) Khi những người ngu thừa nhận một đạo sư khác không phải là Như Lai và đi theo một con đường khác không phải là con đường là Như Lai đã dạy thì lúc đó gọi là chúng tăng bị phá.
(Hỏi) Một khi đã bị phá, tình trạng này sẽ kéo dài trong bao lâu?
(Đáp) Không trải dài qua đêm của cùng ngày đó; tức vào ngày (pratyūṣe) mà chúng tăng bị ly gián thì chúng tăng sẽ được hòa hợp trở lại.
Sự ly gián chúng tăng - hay còn gọi là tội vô gián - được nói đến ở trên chính là sự hủy hoại bánh xe chánh pháp (phá pháp luân, cakrabheda). Bánh xe chánh pháp của Như Lai bị hủy hoại bởi vì sự vận hành của thánh đạo đã bị cản trở (chướng thánh đạo luân, mārga-pravṛttiviṣṭhāpanār). Như vậy vừa có sự hủy hoại phá luân vừa có sự ly gián chúng tăng (phá pháp luân tăng).
(Hỏi) Sự hủy hoại pháp luân xảy ra ở đâu? Và do bao nhiêu Bí-sô?
Tụng đáp:
[Ở thiệm bộ châu; và phải có chín vị, v.v. mới gọi là phá pháp luân tăng.
Chỉ phá yết ma tăng mới có ở ba châu; và phải có tám vị, v.v..]
Luận: Chỉ có ở châu Jambudvīpa chứ không phải ở các châu khác bởi vì chư phật không thị hiện ở các châu này.
(Hỏi) Trong sự hủy hoại pháp luân có bao nhiêu Bí-sô?
(Đáp) Có chín Bí-sô hoặc nhiều hơn. Con số tối đa không định nghĩa trước được. Số lượng chúng tăng bị phá ít nhất phải có tám vị; và người thứ chín chính là kẻ phá tăng. Để có thể gọi là “tình trạng ly gián của chúng tăng” thì chúng tăng phải bị chia làm hai nhóm - nhóm thứ nhất đi theo đức phật, nhóm thứ hai đi theo kẻ phá tăng - và như vậy là đã lập thành hai nhóm chúng tăng (saṃgha); mỗi nhóm có bốn Bí-sô, tức là con số tối thiểu phải có để có thể được gọi là một chúng tăng (Vibhāṣā, 116, 4).
Một loại phá tăng khác - khác với trường hợp hủy hoại pháp luân và không mang tội vô gián - xuất phát từ sự ly gián có liên quan đến các loại công việc ở một trú xứ đã được kiết giới (karmabhedād bhavati; phá yết-ma); tức là khi mà các vị tăng ở trong cùng một trú xứ này (nhất giới trung) tự tách rời nhau để tổ chức các hoạt động thuộc về trú xứ như Bố-sái-tha (poṣadha), v.v.. Phá yết-ma tăng có ở ba châu; tức chỉ ở những nơi có các hoạt động thuộc về tôn giáo. Loại này có tám Bí-sô hoặc nhiều hơn và phải phân thành hai nhóm, mỗi nhóm gồm bốn Bí-sô; tuy nhiên ở đây không có người phá tăng tự xưng đạo sư.
(Hỏi) Những thời điểm nào không có sự hủy hoại pháp luân?
Tụng đáp:
[Lúc đầu, lúc cuối, trước khi có mụt, có hai đệ tử,
Lúc phật nhập diệt, lúc chưa kiết giới;
ở sáu thời kỳ trên không có phá pháp luân tăng.]
Luận: Có sáu thời kỳ không thể xảy ra sự hủy hoại pháp luân.
Thời kỳ đầu tiên, tức thời gian vừa mới chuyển pháp luân, thời kỳ cuối cùng, tức khi Thế Tôn nhập Niết-bàn. Trong hai thời kỳ này, chúng tăng đều có chung một tình cảm (nhất vị, ekarasa = avyagra = ekamati). Giữa hai thời kỳ này, sự hủy hoại pháp luân cũng không thể xảy ra trước khi có các mụt nhọt (arbuda, pháo) xuất hiện; tức là khi chưa xuất hiện mụt nhọt về giới hạnh (giới pháo, śīlarbuda) và mụt nhọt về giáo pháp (kiến pháo, dṛṣṭyarbuda) trong chúng tăng (śāsana). Pháp luân cũng không thể bị hoại trước khi có sự xuất hiện của một cặp (ekayuga); tức là khi chưa có sự xuất hiện của hai vị đệ tử xuất sắc bởi vì chúng tăng không phải trải qua đêm (parivasati) trong tình trạng phân ly và vì hai đệ tử này có nhiệm vụ tái lập sự hòa hợp của chúng tăng. Pháp luân cũng không thể bị hoại khi Mâu-ni (Muni) đã nhập diệt bởi vì đạo sư một khi đã nhập Niết-bàn thì kẻ phá tăng sẽ không còn người đối nghịch (pratidvandvāddhāvāt). Và cuối cùng là khi trú xứ của chúng tăng chưa được hạn định (vị kết giới, sīmāyam abaddhāyam) bởi vì chúng tăng chỉ bị phân ly khi có hai nhóm trong cùng một trú xứ đã kiết giới.
Cũng giống như đức phật Thích-ca, nhờ vào túc nghiệp mà chư phật đều không có sự hủy hoại của pháp luân.
(Hỏi) Tại sao các tội giết mẹ, v.v., kể trên đều là tội vô gián mà các tội khác thì không?
Tụng đáp:
[Vì hủy hoại ân điền và đức điền.
Dù đổi giới tính cũng thành nghịch tội
Vì người mẹ là máu của người giết;
Nếu lầm lẫn thì có khi phạm khi không.
Chỉ có ý đánh phật chảy máu, hại bậc vô học khi chết đều không phạm.]
Luận: Tội giết mẹ giết cha là tội vô gián bởi vì đều hủy hoại người có ân đối với mình. Cha mẹ là những người có ân vì họ đã sinh ra mình. Sự giết hại đã làm hủy hoại họ như thế nào? - Do đã giết họ.
Tội giết hại A-la-hán và hai tội vô gián cuối cùng đều là tội vô gián bởi vì A-la-hán, chúng tăng và phật là ruộng công đức. Người ta không hủy hoại được chúng tăng và đức phật mà chỉ làm cho họ tổn thương (vipādana = vikopa).
(Hỏi) Nếu giới tính của mẹ và cha đã thay đổi, nếu các phẩm tính làm mẹ, làm cha không còn ở cha mẹ mình nữa thì có thành tội vô gián không?
(Đáp) Ngay cả khi giới tính đã thay đổi thì vẫn thành tội vô gián khi giết chết người đã là mẹ, là cha của mình.
Tỳ-bà-sa (Vibhāṣā, 119, 7) nói: “Có phạm tội vô gián khi giết chết một người đàn ông không phải là cha mình, không phải là A-la-hán không? - Vẫn phạm, nếu mình giết chết người mẹ đã thay đổi giới tính. - Có phạm tội vô gián khi giết chết một phụ nữ không phải là mẹ mình, không phải là A-la-hán không? - Vẫn phạm, nếu mình giết chết người cha đã thay đổi giới tính.”
(Hỏi) Nếu bào thai (kalala) của một phụ nữ bị rơi ra (cyu?) và một phụ nữ khác lấy đặt vào tử cung của mình thì trong hai người ai sẽ là người mẹ để khi giết chết người đó ta sẽ phạm tội vô gián?
(Đáp) Người làm mẹ chính là người phụ nữ mà ta đã sinh ra từ máu của người đó; người phụ nữ thứ hai chỉ làm tròn chức năng của một người mẹ; tức người nuôi ta khôn lớn (āpyāvikā), cho ta bú (poṣikā), cho ta ăn (saṃvardhikā).
Không phải tội vô gián nếu vì muốn giết mẹ mình nhưng lại giết lầm một người khác; cũng không phải tội vô gián nếu vì muốn giết người khác nhưng lại giết lầm mẹ mình; như trong trường hợp một người đã giết phải mẹ mình đang nằm trên giường (mañcatalāvalīna) khi nghĩ rằng có một người khác đang ngủ ở đó, hoặc con trai của người thợ giặt đã giết phải cha mình khi đang muốn giết chết một con muỗi.
Nếu giết mẹ mình và một người khác trong cùng một lúc thì sẽ có hai nghiệp vô biểu (avijñaptis), một nghiệp vô biểu của tội giết hại và một nghiệp vô biểu của tội vô gián; nhưng biểu nghiệp (vijñapti) thì chỉ có một là tội vô gián vì tội này có lực rất mạnh. Tuy nhiên, theo tôn giả Diệu âm (Ghoṣaka) (Vibhāṣā, 18, 18), vẫn có hai biểu nghiệp bởi vì biểu nghiệp vốn do cực vi tạo thành.
Nếu giết chết một A-la-hán mặc dù không biết đó là A-la-hán thì vẫn phạm tội vô gián bởi vì đã xác định mục tiêu của sự giết hại; tức đã nghĩ rằng “ta phải giết người này”.
Một người giết chết cha mình khi cha mình đã thành một A-la-hán thì chỉ phạm một tội vô gián là giết chết A-la-hán vì lúc đó cha mình và A-la-hán chỉ là một người.
(Vấn nạn) [A-la-hán Rudrāyaṇa, khi bị giết hại do lệnh của con trai mình là Śikhaṇdin (Thủy khiếm trì), đã nói với người đến giết mình:] “Hãy về nói với Śikhaṇdin rằng hắn đã phạm phải hai tội vô gián là giết cha và giết A-la-hán”; như vậy làm thế nào giải thích câu nói này?
(Giải thích) Rudrāyaṇa Chỉ muốn nói rằng con trai mình đã phạm tội vô gián được tạo thành từ hai nhân (do nhị duyên thành; dvābhyāṃ kāraṇābhyām); hoặc khi nói “hai tội vô gián” là Rudrāyaṇa có ý muốn quở trách hai lần việc làm của con trai mình.
(Hỏi) Một người vì ác tâm mà làm cho Như Lai bị chảy máu có nhất định phạm tội vô gián không?
(Đáp) Nếu có ý định giết hại Như Lai thì vẫn phạm tội vô gián; nhưng nếu chỉ có ý đánh đập đức phật thì không phạm tội vô gián.
(Hỏi) Nếu giết hại một người mà người này khi sắp chết lại chứng được quả A-la-hán thì có phạm tội vô gián không?
(Đáp) Không phạm. Bởi vì gia hành của nghiệp giết hại này chỉ nhắm đến một người lúc đó chưa phải là A-la-hán (vô học thân).
(Hỏi) Một người đã tạo gia hành của nghiệp vô gián nhưng sau đó đã dừng lại thì họ có đắc được sự xả ly và thánh quả không?
Tụng đáp:
[Đã tạo gia hành của nghiệp vô gián
Thì không thể xả ly và đắc quả.]
Luận: Tại sao như vậy? - Bởi vì giữa ý định phạm tội vô gián và sự hoạch đắc xả ly hoặc thánh quả có sự đối nghịch hoàn toàn.
Một người bước vào thánh đạo sau khi đã tạo gia hành của một nghiệp đạo khác với nghiệp đạo vô gián thì nghiệp đạo này sẽ không thể sinh khởi bởi vì có sự khác biệt nhau hoàn toàn giữa những phẩm tánh mới được hoạch đắc và nghiệp đạo này.
(Hỏi) Trong các tội vô gián, tội nào nặng nhất? Và trong các diệu hạnh, hạnh nào cho quả lớn nhất?
Tụng đáp:
[Tội nói dối để ly gián chúng tăng là tội nặng nhất.
Hữu tư chiêu cảm quả lớn nhất,
Là đại quả của các thiện pháp thế gian.]
Luận: Một người, mặc dù biết được cái gì là pháp hoặc cái gì là phi pháp, nhưng vẫn nói dối để ly gián chúng tăng và vẫn chỉ bày một cách sai lạc thì sẽ phạm phải tội lớn nhất (sāvadya) trong tất cả các việc ác (duścarita); bởi vì người này đã làm tổn thương pháp thân của Như Lai, ngăn ngại hạnh phúc của người đời và sự giải thoát của chúng sinh. Chừng nào sự hòa hợp của chúng tăng vẫn chưa tái lập được thì vẫn còn chướng ngại cho việc bước vào thánh đạo (niyāmāvakrānti), việc hoạch đắc các quả, hoạch đắc sự xả ly (vairāgya), việc đoạn trừ phiền não (lậu tận, āsravakṣaya); tất cả các nghiệp liên quan đến việc tập định (dhyāna), ôn tụng, suy nghĩ (cintā) đều bị ngừng lại; thế giới của chư thiên, của rồng, của người, đều bị nhiễu loạn, buồn rầu (durmanas), không thể tự chủ (asvatantra), lầm lạc (muṣitasmṛti). Đó là lý do tại sao quả báo của loại tội này phải kéo dài đến một kiếp ở địa ngục.
Trong các tội vô gián thì tội thứ năm, thứ ba và thứ nhất là những tội ít nặng dần; và tội giết cha là tội nhẹ nhất.
(Vấn nạn) Nếu vậy tại sao Thế Tôn nói rằng loại nghiệp (phạt, daṇda) thuộc về ý là lớn nhất (mahā-sāvadyatara) trong ba loại nghiệp; và tà kiến (mithyādṛṣṭi) là tội nặng nhất trong tất cả các tội.
(Giải thích) Cần phải hiểu rằng phá tăng là tội lớn nhất trong các tội vô gián; loại nghiệp thuộc về ý là nghiệp nghiêm trọng nhất trong ba nghiệp và tà kiến là loại nặng nhất trong các ác kiến. Hoặc phá tăng là tội lớn nhất nếu xét về sự kéo dài của quả báo (vipākavistara); nghiệp thuộc về ý (ý phạt, manodaṇda) là nặng nhất nếu xét về số người bị hại; và tà kiến là loại lớn nhất nếu xét về các thiện căn bị đứt đoạn.
Trong sô các thiện pháp thế gian thì loại tư về hữu (hữu tư, bhavāgracetanā) mang lại quả lớn nhất. Hữu tư cũng chính là loại ý nghiệp khiến cho người ta có thể tái sinh vào tầng cao nhất của Vô sắc giới; và là loại nghiệp mang lại quả lớn nhất trong các thiện nghiệp của thế gian vì quả báo của nó là sự tịch tĩnh hoàn toàn trong tám mươi ngàn đại kiếp.
Nói như trên là xét về quả dị thục. Nếu xét về quả ly hệ thì nghiệp có quả lớn nhất là loại tư tương ưng với Kim cang dụ định (Vajropamasamādhi) vì loại tư này có quả là sự chặt đứt tất cả sự trói buộc (chư kiết vĩnh đoạn). Chính vì thế mà tụng văn nói: “Trong các thiện pháp thế gian…”.
(Hỏi) Có phải chỉ vì các tội vô gián mà con người nhất định phải tái sinh vào địa ngục?
(Đáp) Các tội tương tợ với tội vô gián (vô gián đồng loại, ānantaryasabhāga) cũng khiến cho con người phải đọa địa ngục. Có luận sư nói thêm rằng “không phải đọa ngay (anantaram) vào địa ngục” (phi vô gián sinh).
(Hỏi) Các tôi tương tợ là gì?
Tụng đáp:
[Làm ô uế mẹ, vô học ni;
Giết Bồ-tát trụ định,
Và thánh giả hữu học;
Cướp đoạt của cải của chúng tăng;
Phá hoại bảo tháp,
Đều là tội cùng loại với tội vô gián.]
Luận: Năm tội này, theo thứ tự trên, đều tương tợ với các tội vô gián: Làm ô nhục mẹ mình, làm ô nhục một nữ A-la-hán (= tội giết mẹ); giết chết một Bồ-tát sẽ thành (trụ định) (= tội giết cha); giết chết thánh giả không phải là A-la-hán (= giết A-la-hán); cướp đoạt các phương tiện sinh sống của chúng tăng (= Tội phá tăng); hủy hoại một bảo tháp (tốt-đổ-ba; stūpa) (= làm tổn thương Như Lai).
Các nghiệp có quả dị thục khác bị ngăn ngại trong ba trường hợp:
[Khi đắc được nhẫn, quả Bất hoàn,
Quả A-la-hán thì đều ngăn trở hoàn toàn các nghiệp này.]
Luận: Khi ra khỏi giai đoạn có tên là Đảnh (mūdhānas) và đắc được giai đoạn của Nhẫn (kṣānti) thì các nghiệp vốn có khả năng chiêu cảm dị thục ở các ác thú nhưng bị ngăn ngại nên vẫn còn nằm ở tầng dưới (ñebargnas = upatiṣṭhanti), bởi vì thánh giả đã bỏ qua tầng địa thuộc về dị thục của các nghiệp này. Cũng giống như các chủ nợ đều vùng dậy (uttiṣṭhante) khi con nợ bỏ đi khỏi xứ (deśatyāgaṃ kurvataḥ).
Khi đắc được quả Bất hoàn thì các nghiệp vốn có khả năng chiêu cảm dị thục ở Dục giới nhưng bị ngăn ngại nên vẫn còn nằm ở tầng dưới - ngoài các nghiệp có khả năng chiêu cảm dị thục ở đời hiện tại (thuận hiện).
Trong trường hợp đắc quả A-la-hán cũng vậy: Các nghiệp có khả năng chiêu cảm dị thục ở Sắc giới và Vô sắc giới nhưng bị ngăn ngại nên vẫn còn nằm ở tầng dưới.
(Hỏi) Trên đây có nói về trường hợp giết hại một Bồ-tát trụ định cũng là một tội cùng loại với tội vô gián; như vậy bắt đầu từ thời điểm nào mới được gọi tên là Bồ-tát trụ định và tại sao lại gọi như vậy?
Tụng đáp:
[Kể từ khi tu các nghiệp sinh khởi diệu tướng,
Bồ-tát bắt đầu được gọi là “định”,
Sinh vào thiện thú, thuộc gia đình cao quý,
Đủ các căn, thuộc nam giới, nhớ được túc kiếp, không thối chuyển.]
Luận: Kể từ khi bắt đầu tạo các nghiệp chiêu cảm quả dị thục là ba mươi hai tướng thì Bồ-tát được gọi là “sẽ thành” (trụ định danh). Tại sao lại như vậy? - Vì bắt đầu từ thời điểm này, Bồ-tát luôn luôn sinh vào thiện thú, vào gia đình cao quý, v.v..
Nói sinh vào thiện thú là vì các thú của Bồ-tát đều tuyệt hảo, vì chỉ sinh vào cõi trời và cõi người.
Bồ-tát sinh vào các gia đình phú quý thuộc Sát-đế-lợi (Kṣatriyas), Bà-la-môn (Brāhmanes), trưởng giả (Gṛhapatis) rất giàu có, chứ không phải trong các gia đình bần cùng.
Những người mà các căn của họ không được đầy đủ là những người thuộc loại “khuyết căn” (vikalendriya); nhưng Bồ-tát thì có đủ các căn nên gọi là “cụ thắng căn’ (pūrṇākṣa?), tức đồng nghĩa với từ avikalendriya (không khuyết căn).
Bồ-tát luôn luôn thuộc về nam giới; và cũng không bao giờ thuộc nữ thân huống hồ là thân vô tính (saṇḍha, v.v).
Tất cả các đời sống, Bồ-tát đều nhớ lại tất cả các đời sống trước đó.
Khi bị khuất phục thì người ta thường bỏ cuộc; nhưng Bồ-tát thì không chịu khuất phục cho nên rất cương quyết (aviṛt?) mà không chịu bỏ cuộc; vì mục đích làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh, Bồ-tát không bao giờ khuất phục trước khổ đau, trước tất cả các ác hạnh của người khác. Người mà chúng ta thường gọi là người nô lệ không phải trả tiền của thế gian cũng chính là vị Bồ-tát này: Đó là một con người độ lượng, tuy đã thành tựu các công đức viên mãn thù thắng nhất (saṃpad), nhưng nhờ huân tập được lòng từ bi thanh tịnh đã tự xem mình như con chó, không chút tự kỷ, trước mặt tất cả chúng sinh, Bồ-tát gánh chịu tất cả sự lăng nhục, những sự đối xử tàn bạo từ phía chúng sinh; chấp nhận mọi việc làm vất vả và khó nhọc nhất.
(Hỏi) Loại nghiệp chiêu cảm các diệu tướng là gì?
Tụng đáp:
[Ở Thiệm bộ châu, nam giới, đối phật,
Nghĩ đến phật, thành tựu từ bi,
Tu tập trong một trăm kiếp;
Mỗi diệu tướng đều được trăm phước trang nghiêm.]
Luận: Bồ-tát phát khởi các nghiệp dẫn đến các diệu tướng (tạo tu dẫn diệu tướng nghiệp) ở tại châu Jambudvīpa chứ không phải ở bất cứ châu nào khác, vì chúng sinh ở châu này có tinh thần lanh lợi (paṭubuddhi); Bồ-tát chỉ làm nam giới chứ không phải nữ giới vì đã vượt qua giai đoạn làm nữ nhân; chỉ đối diện với các bậc đại sư vì tư của Bồ-tát chỉ duyên chư phật. Các nghiệp này xuất phát từ sự suy nghĩ (tư, cintā) chứ không do thính pháp (văn, śruta) hoặc tập định (tu, bhāvanāmaya). Bồ-tát thành tựu tất cả các nghiệp này chỉ trong một trăm kiếp chứ không phải chỉ trong một thời gian nào dài hơn.
Tuy nhiên Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni (Bhagavat Śākyamuni), nhờ sự thanh lọc các năng lực đã vượt qua chín kiếp trong số một trăm kiếp này và đã phát khởi các nghiệp dẫn đến các diệu tướng trong số chín mươi mốt kiếp (ekanavatyāṃ kalpeṣu), tức số kiếp còn lại của một trăm kiếp. Chín vì thế mà ngài nói với Aśibandhaka: “Này trưởng làng, khi nhớ lại thời gian từ chín mươi mốt kiếp trước cho đến nay, ta không thấy có nhà nào bị làm cho nghèo túng (mibdeba) hay bị làm cho khốn đốn (upahata) vì bố thí các thức ăn đã nấu chín.” Thế Tôn đã giải thích như vậy bởi vì đây chính là số lượng các đại kiếp mà trí nhớ tự nhiên của ngài biết được.
Các luận sư đời trước (túc cựu sư, pūrvācāryas) nói rằng sau khi hoàn tất kiếp đầu tiên thì Bồ-tát đã xả bỏ được bốn khuyết điểm và đắc được hai loại công đức.
Mỗi một diệu tướng đều sinh khởi từ một trăm công đức.
(Hỏi) Mỗi một trong số một trăm công đức này có hạn lượng như thế nào?
(Đáp) Có thuyết nói rằng mỗi một công đức bằng với công đức có khả năng mang lại phước lạc của tất cả chúng sinh, tức chỉ trừ những Bồ-tát đang tiến gần đến giác ngộ (bodhi) (cận phật Bồ-tát) - có nghĩa là đang thành tựu các nghiệp chiêu cảm các diệu tướng. Có thuyết cho rằng bằng với cộng nghiệp của tất cả chúng sinh, loại cộng nghiệp đã tạo ra thế giới nhờ vào lực tăng thượng của chính nghiệp này. Có thuyết lại cho rằng chỉ có chư phật mới biết được hạn lượng của loại công đức này.
(Hỏi) Thế Tôn khi còn là Bồ-tát đã cúng dường (paryupāsayāmāsa) bao nhiêu vị phật?
Tụng đáp:
[Trong ba vô số kiếp
Đều cúng dường bảy mươi ngàn vị phật;
Theo thứ tự này lại cúng dường thêm
Năm ngàn, sáu ngàn, bảy ngàn vị phật.]
Luận: Trong vô số kiếp (asaṃkhyeya) đầu tiên, ngài đã cúng dường bảy mươi lăm ngàn đức phật; trong vô số kiếp thứ hai cúng dường bảy mươi sáu ngàn đức phật; trong vô số kiếp thức ba cúng dường bảy mươi bảy ngàn đức phật.
(Hỏi) Vào cuối mỗi vô số kiếp có những vị phật nào?
Tụng đáp:
[Ba vô số kiếp kết thúc
Theo thứ tự ngược lại, gặp phật Thắng quán,
Nhiên đăng, Bảo kế;
Cúng dường phật thích-ca trước tiên.]
Luận: Vô số kiếp thứ nhất chấm dứt vào thời kỳ của đấng toàn giác Bảo kế (Ratnaśikhin); vô số kiếp thứ hai chấm dứt vào thời kỳ của Thế Tôn Nhiên đăng (Dīpaṃkara); vô số kiếp thứ ba chấm dứt vào thời kỳ của Như Lai Thắng quán (Vipaśyin).
Trong số chư phật mà Thế Tôn đã cúng dường thì vị phật đầu tiên là Thích-ca Mâu-bi.
Xưa kia có một vị phật tên là Thích-ca Mâu-ni (Śākyamuni), là một bậc toàn giác; và đây chính là vị phật mà Thế Tôn, lúc đó đang còn là một Bồ-tát đã nương theo ngài để phát lời nguyện Bồ-đề đầu tiên: “Ta nguyện sẽ trở thành một vị phật giống như vị phật này!”. Đức phật Thích-ca Mâu-ni này cũng giống như đức phật Thích-ca của chúng ta, đã xuất hiện trong thời mạt kiếp và giáo pháp của ngài cũng chỉ kéo dài một ngàn năm.
(Hỏi) Bồ-tát Thích-ca đã tu tập viên mãn ba-la-mật-đa như thế nào?
Tụng đáp:
[Chỉ nhờ từ bi bố thí tất cả,
Bị chặt đứt tay chân nhưng không oán hận,
Tán thán phật Để-sa,
Kế tiếp là Bồ-đề vô thượng;
Sáu ba-la-mật-đa,
ở bốn giai đoạn trên,
tu thí tu giới, lại tu thí tu giới,
Theo thứ tự đó mà tu tập đến viên mãn.]
Luận: Khi thương xót bố thí tất cả cho tất cả chúng sinh, cho dù đó là mặt của mình hay tủy ở trong mình, và không hề mong cầu phước lạc nào, thì Bồ-tát đã tu tập viên mãn ba-la-mật-đa bố thí.
Mặc dù chưa xả ly tham dục (vītarāga) nhưng Bồ-tát vẫn không oán hận khi chân tay bị chặt đứt; và vì thế ngài đã tu tập viên mãn hai ba-la-mật-đa là giới và nhẫn.
Thế Tôn, khi còn là Bồ-tát, đã nhìn thấy Như Lai Để-sa (Tathāgata Puṣya) lúc đó đang ở bên trong một hang núi, tự thân cháy sáng. Bồ-tát chiêm ngưỡng Như Lai trong suốt bảy ngày bảy đêm đến độ quên mất là mình đang đứng một chân. Ngài đã làm một bài kệ tán thán Như Lai: “Ồ, Thế Tôn! Dù ở trên trời, ở dưới đất, ở thế giới này, ở của Tỳ-sa-môn (Vaiśravaṇa) (Đa văn thất), ở cung điện của Marus (Thệ cung), ở các thiên xứ khác, ở cả các phương, các hướng, cũng không thể tìm ra một ẩn sĩ ngang bằng với ngài; cho dù người ta có đi khắp toàn bộ trái đất đông đảo này với núi với rừng, nếu muốn.” Theo truyền thuyết, như vậy là Bồ-tát đã tu tập viên mãn ba-la-mật-đa tinh tấn và chín kiếp đã được vượt qua (pratyudāvartita).
Vào thời điểm nhập Kim cang định (vajrasamādhi), ngay trước khi chứng đắc Bồ-đề, thì Bồ-tát đã tu tập viên mãn hai ba-la-mật-đa là định (dhyāna) và tuệ (prjñā).
Sáu ba-la-mật-đa được gọi tên như vậy là vì chúng đã đạt đến bờ bên kia của toàn bộ các sự viên mãn (saṃpad) thuộc về mỗi một ba-la-mật-đa này.
(Hỏi) Kinh dạy rằng có ba loại phước - nghiệp - sự (puṇyakriyāvastus) là bố thí, giới hạnh và tu tập; như vậy, làm thế nào ba loại này lại được gọi là phước - nghiệp - sự?
Tụng đáp:
[Ba loại thí giới tu
Tùy điều kiện tương ưng,
Có tên là phước - nghiệp - sự;
Khác nhau như nghiệp đạo.]
Luận: Ba loại bố thí, trì giới và tu tập, tùy theo thể tánh của mỗi loại, có khi đều là phước (puṇya), nghiệp (kriyā) - tức hành động - và sự (vastu) - tức là nơi hành động được thực hiện - có khi chỉ là phước, nghiệp hoặc sự; cũng giống như trường hợp của nghiệp đạo có khi vừa là nghiệp vừa là nghiệp đạo, có khi chỉ là nghiệp đạo.
Trước tiên hãy xét đến loại phước - nghiệp - sự thuộc về bố thí: (1) Thân nghiệp và ngữ nghiệp đều là phước, nghiệp và sự: Chúng là phước vì là có quả dị thục đáng ưa; chúng là nghiệp (puṇyakriyā), vì thể của chúng vốn là nghiệp; chúng là sự, tức là nơi hành động hoặc là cảnh sở duyên (vastu, adhiṣṭhāna) của loại tư bố thí có khả năng dẫn khởi chúng; (2) tư (cetanā) bố thí chỉ là phước (puṇya) và nghiệp (puṇyakriyā, phước nghiệp); (3) các pháp (thọ, v.v.) đi kèm theo thân và ngữ nghiệp chỉ là phước.
Loại phước - nghiệp - sự thuộc về giới chỉ có thân nghiệp, ngữ nghiệp nhưng lại có đủ cả phước, nghiệp và sự.
Đối với loại phước - nghiệp - sự thuộc về tu tập, hãy xét đến sự tu tập tâm từ (maitrī): (1) Sự tu tập này là phước và cũng là sự vì đó là nơi thực hiện hành động phước đức (puṇyakriyāyāś ca vastu), tức là loại tư tương ưng với tâm từ bởi vì trong thế gian thì loại tư này mang hình thái của tâm từ; (2) loại tư này vừa là phước vừa là nghiệp; cũng giống như loại giới tạo thành luật nghi tĩnh lự (dhyānasaṃvara) được thành tựu bởi người tu tập tâm từ; (3) các pháp khác (tín, v.v.) đi kèm theo tu chỉ là phước.
Hoặc nhóm từ phước nghiệp (puṇyakriyā) còn có nghĩa là tác phước (puṇyakāraṇa) hay phước gia hành (puṇyaprayoga); và thí, giới cũng như tu đều là sự của phước nghiệp, bởi vì việc thực hiện chúng cũng có ý nghĩa là sự chuẩn bị cho phước đức (khởi phước gia hành).
Có thuyết khác cho rằng nếu nói thật chính xác thì phước nghiệp chính là thiện tư; và thí, giới cũng như tu đều là sự, tức là nền tảng để thực hiện loại tư này.
(Hỏi) Bố thí (dāna) có nghĩa là gì và chiêu cảm loại quả gì?
Tụng đáp:
[Do xả nên gọi là thí,
Vì để cúng dường, để làm lợi ích.
Thân ngữ nghiệp và người phát nghiệp
Chiêu cảm quả đại phú.]
Luận: Hiển nhiên bố thí có nghĩa là tất cả những gì được cho (xả, deya); tuy nhiên ở đây bố thí còn chỉ cho người cho. Người cho có thể là vì sợ, vì muốn được đáp lại, vì tham (rāga), v.v.; vì thế ở đây không bàn đến các nguyên nhân khác nhau của bố thí mà tác giả chỉ muốn trình bày một cách vắn tắt rằng bố thí chính là người bố thí vì người này muốn tỏ lòng cung kính hay phụng sự (thuyết vi cúng ích ngôn).
(Hỏi) Như vậy thì ai bố thí?
(Đáp) Chính là thân ngữ nghiệp và người phát khởi các nghiệp này. Một tập hợp (kalāpa) các tâm và tâm sở (cittacaita) tạo thành nguồn gốc của một nghiệp thuộc về thân hoặc ngữ: Chính tập hợp này và loại nghiệp này bố thí. Giống như một bài tụng đã nói: “Khi một người vì tâm thiện (manas) mà bố thí những gì thuộc về mình thì người ta nói rằng chính các uẩn (skandhas) thiện đã bố thí.
Loại phước - nghiệp - sự thuộc về bố thí (dānamaya) mang lại quả đại phú quý.
Khi nói “phước - nghiệp - sự thuộc về (bao hàm, maya) bố thí” (thí loại phước) tức hàm ý bố thí là thể của phước - nghiệp - sự (thí loại phước); cũng giống như nói: “Nhà bằng cỏ” (tṛṇmayagṛha), “bình bằng lá” (diệp loại khí).
(Hỏi) Vì lợi ích gì mà phải bố thí?
Tụng đáp:
[Vì lợi cho mình, cho người, cho cả hai,
Và không chỉ lợi cho cả hai mà bố thí.]
Luận: Bố thí cho một tháp miếu (chế-đa, caitya) thì không có lợi cho người khác nhưng lại có lợi cho người bố thí khi người này là một thánh giả (Ārya) chưa ly dục (avitarāga, avirakta, sarāga) hoặc một dị sinh ly dục hoặc chưa ly dục.
Bố thí của một thánh giả ly dục cho người khác - ngoại trừ trường hợp sự bố thí này cảm quả ngay trong đời sống hiện tại - thì không có lợi cho thánh giả này bởi vì thánh giả ly dục này đã vượt qua giới địa (Kāmadhātu) nơi mà quả dị thục của sự bố thí này có thể xảy ra trong đời sống kế tiếp. Sự bố thí này chỉ có lợi cho người khác.
Bố thí của một thánh giả chưa ly dục, của một dị sinh đã ly dục hoặc chưa ly dục, cho người khác thì vừa lợi mình vừa lợi người.
Bố thí của một thánh giả ly dục cho một tháp miếu - ngoại trừ trường hợp sự bố thí này cảm quả ngay trong đời sống hiện tại - thì không có lợi cho bản thân thánh giả cũng như người khác. Sự bố thí này chỉ nhằm bày tỏ sự cung kính và biết ơn.
Trước đây có nói một cách tổng quát về sự bố thí chiêu cảm quả đại phú quý; nay sẽ trình bày nguyên nhân sự khác nhau của quả bố thí.
[Do sự khác nhau về người bố thí, của bố thí và điền
Mà quả của bố thí khác nhau.]
Luận: Sự bố thí khác nhau là do ba loại nhân: Người bố thí, của bố thí và điền; và vì sự bố thí khác nhau nên quả cũng khác nhau.
(Hỏi) Người bố thí khác nhau như thế nào?
Tụng đáp:
[Thí chủ khác nhau là do tín, v.v.;
Nếu bố thí với sự cung kính, v.v.
Sẽ được tôn trọng, vui sướng thọ dụng,
Thọ dụng đúng lúc, khó bị mất quả.]
Luận: Người bố thí (thí chủ, dānapati) là người thật tốt khi người này có lòng tin, giới hạnh, sự hiểu biết (śruta), sự rộng lượng (tyāga), trí tuệ (prajñā), có tiết độ (alpecchatā), v.v..
Khi thí chủ tốt thì sự bố thí cũng tốt; và khi sự bố thí tốt thì quả của nó cũng tốt.
Một thí chủ như thế luôn luôn bố thí với sự kính trọng (satkṛtya), từ chính bàn tay của mình (svahastena), đúng lúc cần thiết (kāle), và không làm tổn hại đến ai (parān anupahatya).
Một người nếu bố thí với sự kính trọng sẽ được người khác tôn trọng; nếu tự tay mình bố thí sẽ cảm thấy vui sướng khi thọ dụng sự phú quý; nếu bố thí đúng lúc cần thiết sẽ đắc được các thứ thọ dụng vào lúc thích hợp chứ không phải vào lúc không thể thọ dụng; nếu bố thí mà không làm tổn hại người khác thì các thứ thọ dụng sẽ không bị tổn hoại, không bị cướp đoạt, không bị lửa cháy, v.v..
Trên đây đã nó về trường hợp tối ưu của người bố thí và tại sao sự bố thí lại trở thành tối ưu nhờ hạng thí chủ này; tiếp theo là phần nói về vật được bố thí.
[Của bố thí khác nhau là do sắc, v.v.;
Và sẽ có được sắc đẹp, tiếng tốt,
Người khác yêu mến, thân thể mềm mại,
Lạc xúc tùy thời.]
Luận: Của bố thí thuộc loại tối ưu khi nó có đủ sắc, hương, vị, xúc.
(Hỏi) Với của bố thí như thế thì người bố thí sẽ đắc được gì?
(Đáp) Người bố thí một vật có đủ màu sắc sẽ được xinh đẹp; bố thí một vật có đủ mùi hương sẽ được tiếng tốt khắp nơi, cũng giống như sự lan tỏa của một mùi hương; bố thí một vật có đủ các vị sẽ được vui vẻ, cũng giống như một vị ngọt; bố thí một vật có đủ sự xúc chạm sẽ có thân hình mềm mại, giống như vật quý giá là nữ nhân của Luân vương (Cakravartin) và tay chân chỉ có các loại xúc khả ái, tức nóng hay lạnh là tùy theo mùa (ṛtusukhasparśāni cāsyāngāni).
(Hỏi) Tính chất tối ưu của điền là gì?
Tụng đáp:
[Điền khác nhau là do thú, khổ,
Ân, đức có khác nhau.]
Luận: Điền tối ưu là do thú. Thế Tôn đã nói: “Nếu bố thí bàng sinh thì thọ quả lớn gấp trăm lần; nếu bố thí cho người phạm giới thì thọ quả lớn gấp ngàn lần.”
Điền tối ưu là do khổ. Trong bảy loại phước - nghiệp - sự hữu y (aupadhika puṇyakriyāvastus) Thế Tôn đã kể đến sự bố thí cho người bệnh, cho người trông nom người bệnh, bố thí vào lúc giá rét, v.v.; và ngài còn nói: “Đối với người con trai hay con gái của gia đình có bảy loại phước - nghiệp - sự hữu y này thì người ta không thể nói được hạn lượng của các phước đức của họ.”
Điền tối ưu là do ân huệ. Đó là sự bố thí cho cha, cho mẹ, cho thầy, và những người có ơn khác; trong kinh Bổn Sinh (Jātaka) kể về câu chuyện của con gấu, con nai, v.v..
Điền tối ưu là do đức. Đức Thế Tôn nói: “Bố thí cho người có đức hạnh thì thọ quả lớn gấp một trăm ngàn lần…”.
(Hỏi) Trong tất cả các sự bố thí, sự bố thí nào lớn nhất?
Tụng đáp:
[Bố thí giữa các bậc giải thoát, của Bồ-tát,
Loại bố thí thứ tám là lớn nhất.]
Luận: Thế Tôn nói rằng sự bố thí của một người ly nhiễm (vitarāga, virakta) cho một người ly nhiễm khác chính là sự bố thí lớn nhất.
Hoặc đó là sự bố thí của một vị Bồ-tát vì lợi lạc của tất cả chúng sinh; sự bố thí này mặc dù được thực hiện bởi một người chưa ly nhiễm đối với những người chưa ly nhiễm nhưng vẫn là một sự bố thí tối thắng.
Ngoài sự bố thí của Bồ-tát ra, còn có sự bố thí thứ tám trong tám loại bố thí mà Thế Tôn đã dạy.
(Hỏi) Tám loại này là gì?
(Đáp) Đó là (1) bố thí tùy chí (āsadya); (2) bố thí do sợ hãi (bố úy thí); (3) bố thí “vì người khác đã bố thí cho mình” (adān me dānam iti dānam) (Báo ân thí); (4) bố thí “để người khác bố thí cho mình” (dāsyati, cầu báo thí); (5) bố thí “vì cha mình và ông nội mình đã bố thí” (tập tiên thí, dattapūrraṃ me pitṛnhiś ca pitāmahaiś ceti dānam); (6) bố thí để đắc được cõi thiên (svargārtham, hy thiên thí); (7) bố thí để có tiếng (kīrtyartham, yêu danh thí); (8) bố thí để trang nghiêm tâm (cittālaṃkārārtham), để tư trợ tâm (cittaoariṣkārārtham), để trang bị cho Du-già (yogasaṃbhārārtham = yodanidānārtham), để đạt được mục đích tối thượng (uttamārthasya prāptate) (tức để đắc quả A-la-hán hay Niết-bàn).
(Hỏi) Bố thí tùy chí có nghĩa là gì?
(Đáp) Các luận sư đời trước giải thích: Đó là sự bố thí ngay tức khắc cho những ai ở gần đang đến với mình.
Bố thí do sợ hãi là sự bố thí của một người khi thấy rằng vật được bố thí sắp bị hư hoại; người ta nghĩ “tốt hơn là nên bố thí vật này”.
Kinh (Madhyama, 47, 3) nói: “Có một quả báo không thể đo lường được của sự bố thí cho một người đang hướng đến quả Dự lưu (Dự lưu hướng, srotāpannaphalapratipannaka); và nếu bố thí cho một người đã đắc quả Dự lưu thì quả báo càng khó đo lường hơn nữa.”
(Hỏi) Quả của sự bố thí cho những người không phải là thánh cũng không thể đo lường như vậy sao?
Tụng đáp:
[Cha, mẹ, người bệnh, pháp sư,
Bồ-tát ở lần sinh cuối cùng,
Mặc dù chưa chứng thánh quả
Nhưng quả bố thí vẫn không đo lường được.]
Luận: Năm hạng người trên mặc dù chỉ là dị sinh nhưng nếu cung phụng họ thì vẫn có quả báo vô lượng.
Khi nói “Bồ-tát ở lần sinh cuối cùng” (antyajanman) là hàm ý “Bồ-tát trong đời sống cuối cùng” (caramabhavika).
(Hỏi) Pháp sư (dharmabhāṇaka) thuộc về hạng người nào? Và được kể vào loại điền nào?
(Đáp) Thuộc về ân điền; bởi vì đây là người bố thí tuệ nhãn (prajñācakṣus) cho rất nhiều người bị vô minh che ám, là người khai thị (prakāśayitar) cho người khác điều gì là tốt (sama = dharma) và điều gì là xấu (viṣama = adharma), là người gây dựng pháp thân vô lậu. Nói tóm lại, đây là người thực hiện tất cả việc làm của một vị phật; và vì thế là một người bạn lớn về mặt tinh thần (đại thiện hữu, mahākalyāṇamitra).
Muốn đánh giá sự nặng nhẹ của các nghiệp chúng ta cần phải bàn đến sáu nguyên nhân:
[Hậu khởi, điền, căn bổn
Gia hành, tư, ý lạc;
Do chúng nhỏ hay lớn,
Mà nghiệp thành nhỏ, lớn.]
Luận: Hậu khởi có nghĩa là sau khi đã tạo nghiệp thì cứ theo đó mà làm.
Điền là những gì ta làm cho tổn hại hoặc lợi ích.
Căn bổn (adhiṣṭhāna) là nghiệp đạo căn bổn.
Gia hành là thân nghiệp và ngữ nghiệp trước đó.
Tư (cetanā) là cái mà nhờ nó nghiệp đạo mới được thành tựu (niṣṭhā).
Ý lạc (āśaya) là các ý định như: “Ta nên làm cho họ điều này hoặc điều kia; ta sẽ làm điều này hoặc điều kia”.
Có khi nghiệp thuộc loại nặng chỉ vì hậu khởi (pṛṣṭhaparigrahād eva), tức là khi nghiệp này tạo cho quả dị thục tính chất “nhất định sẽ xảy ra” (vipākanaiyamyāvasthānāt). Có khi nghiệp thuộc loại nặng chỉ vì điền, như tội giết cha thì nặng hơn tội giết hại. Có khi có điền như nhau nhưng một căn bổn nào đó (adhiṣṭhāna) làm cho nghiệp này nặng trong khi một căn bổn khác lại làm cho nghiệp này nhẹ; chẳng hạn như giết cha và mẹ là một tội nặng, nhưng nếu so sánh với tội này thì tội trộm cắp của cha mẹ, nói dối với cha mẹ, v.v. lại trở thành không nặng. Về các trường hợp nghiệp nặng của gia hành, v.v., cũng được giải thích như vậy.
Khi tất cả các nhân đều lớn thì nghiệp trở thành rất nặng; và khi các nhân đều nhỏ thì nghiệp trở thành rất nhẹ. Trừ hai loại nặng và nhẹ này ra, các nghiệp trung gian đều không quá nặng và không quá nhẹ.
(Hỏi) Kinh nói nghiệp có hai loại là tạo tác nghiệp và tăng trưởng nghiệp; như vậy do nguyên nhân nào nghiệp được gọi là tăng trưởng?
Do năm loại nhân:
[Do thẩm tư, viên mãn,
Không ố tác đối trị,
Có bạn và dị thục
Mà nghiệp được gọi là tăng trưởng.]
Luận: Do thẩm tư là khi một nghiệp được tạo tác thì không phải trước đó hoàn toàn không có tư, và cũng không phải tới lúc cuối cùng tư mới tạo tác.
Do viên mãn có nghĩa là tất cả chúng sinh vì tạo một ác hạnh hoặc ba ác hạnh mà bị đọa ác thú; và tạo một nghiệp đạo hoặc mười nghiệp đạo mà bị đọa ác thú. Nếu tạo tác đủ các số lượng như thế tức phải đọa vào ác thú; nếu chưa đủ thì chỉ gọi là tạo tác chứ không phải tăng trưởng; nếu đã đủ thì cũng được gọi là tăng trưởng.
Do không có ố tác và đối trị tức không có truy hối và không đối trị ác nghiệp.
Do có bạn là khi một nghiệp vốn đã bất thiện lại có thêm một pháp bất thiện đi kèm theo (akuśalam akuśalaparivāraṃ ca), như sự vui mừng sau khi đã tạo ác nghiệp.
Do dị thục là khi một nghiệp nhất định cho quả dị thục (vipākadāne niyatam).
Đối với thiện nghiệp cũng như vậy.
Các nghiệp không có tính chất trên chỉ là loại được tạo tác chứ không phải loại tăng trưởng.
(Hỏi) Ở phần trước có nói sự bố thí của một người chưa ly dục đối với tháp miếu (caitya) chỉ có lợi cho chính bản thân người này. Tuy nhiên, nếu không có ai thọ hưởng vật bố thí này thì làm sao có được phước đức?
Tụng đáp:
[Bố thí chế đa là loại phước do xả,
Giống như tu từ, v.v., không có người thọ dụng.]
Luận: Phước đức của sự bố thí có hai loại: (1) Phước đức do xả (tyāgānvaya) là loại phước đức có được từ hành động xả bỏ; (2) phước đức do thọ (paribhogāvaya) là loại phước đức có được từ việc người nhận bố thí thọ dụng vật bố thí.
Phước đức của việc bố thí tháp miếu là loại phước đức do xả.
(Hỏi) Nếu không có người nhận, làm thế nào sự bố thí này có thể sinh khởi phước đức?
(Đáp) Với vấn nạn trên, chúng tôi sẽ trả lời bằng cách hỏi lại rằng tại sao sự bố thí có thể sinh khởi phước đức khi có người nhận, và tại sao sự bố thí không thể sinh khởi phước đức khi không có người nhận.
(Giải thích) Bởi vì trong trường hợp sau không có người nào được thỏa mãn, được lợi ích từ sự bố thí này (kasya cid anugrahābhāvāt).
(Hỏi) Nếu sự thỏa mãn của người nhận là điều kiện sinh khởi phước đức thì sự tu tập các tâm vô lượng (tâm từ, v.v.) và sự tu tập chánh kiến (samyagdṛṣṭibhāvanā) không có phước đức sao.
Vì thế biết rằng sự bố thí tháp miếu vẫn có phước đức.
Trong sự tu tập tâm từ, mặc dù không có người nhận, không có người được thỏa mãn nhưng đối với người tu tập tâm này thì phước đức vẫn sinh khởi nhờ vào sức mạnh của chính loại tâm này. Như vậy, mặc dù một bậc hữu đức đã qua đời (abhyatīta) nhưng sự hiến cúng cho tháp miếu tự nó vẫn có phước đức nhờ vào sự thành tâm của người cúng dường (svacittād eva puṇyam).
(Hỏi) Có thể nói rằng các sắc nghiệp thuộc về sự cúng dường vì kính lễ (dānamānakriyā) là không cần thiết không?
(Đáp) Không thể như vậy được. Bởi vì sự thành tâm phát khởi các nghiệp này cường thắng hơn sự thành tâm của người chỉ trang nghiêm và bố thí về mặt tinh thân. Cũng giống như khi một người có ý định giết chết kẻ thù của mình và mặc dù kẻ thù đã bị giết chết nhưng người này vẫn tiếp tục tạo tác các nghiệp thân, ngữ do ý định trên dẫn khởi khi nghĩ rằng: “Đây là kẻ thù của ta” - tức nghĩ rằng: “Kẻ thù này vẫn chưa chết” - và điều này vẫn mang lại nhiều điều không phải phước đức (phi phước) chứ không phải chỉ do khởi tâm. Như vậy, mặc dù bậc Đại sư không còn tồn tại nhưng phải khởi thân ngữ nghiệp kính lễ cúng dường thì mới có được nhiều phước đức, chứ không phải chỉ khởi tâm là đủ.
(Hỏi) Gieo hạt giống của nghiệp bố thí vào ruộng tốt (thiện điền) thì sẽ thu hoạch được loại quả đáng ưa; như vậy, nếu gieo vào một ruộng xấu (ác điền) thì sẽ có quả không đáng ưa không?
Tụng đáp:
[Ác điền vẫn có quả đáng ưa
Vì không có sự trái ngược giữa giống và quả.]
Luận: Nay thấy trên thế gian, hạt giống và quả ở ruộng không hề trái ngược nhau. Từ hạt giống nho (mạt-độ-ca, mṛdvīkā) sinh ra quả nho có vị ngọt; từ hạt giống cây Nimba (nhẫm-bà) sinh ra quả có vị đắng; chứ không phải do ảnh hưởng của đất ruộng mà giống và quả khác nhau. Như vậy, người bố thí dù gặp ác điền nhưng vì phát tâm làm lợi ích cho người mà gieo giống bố thí thì vẫn hoạch đắc loại quả đáng ưa chứ không phải loại không đáng ưa. Tuy nhiên, cũng do những khuyết điểm của đất ruộng mà có khi thu hoạch ít quả (như trường hợp bố thí phàm nhân, v.v.) hoặc có khi hoàn toàn không thu hoạch quả (như trường hợp bố thí hời hợt cho ngoại đạo, v.v.).
Trên đây đã nói về loại phước - nghiệp - sự thuộc về bố thí; tiếp theo là phần giải thích về loại phước - nghiệp - sự thuộc về giới.
[Xa lìa phạm giới và già tội
Gọi là giới; giới có hai loại.
Không bị hủy hoại vì phạm giới và các nhân,
Dựa vào các pháp đối trị và tịch diệt.]
Luận: Các sắc pháp bất thiện được gọi là phạm giới; trong đó những tội tự nhiên (tánh tội) chính là những tội mà nếu phạm phải thì gọi là phạm giới. Các tội thuộc loại “không vâng lời” (già tội) như ăn không đúng lúc (phi thời thực), v.v., tuy không phải thuộc loại tánh tội nhưng vì chư phật khi đặt ra là có ý hỗ trợ chánh pháp và chúng sinh cho nên nếu phạm phải thì vẫn gọi là phạm giới.
Xa lìa cả tánh tội và già tội thì gọi là giới. Giới có hai loại là biểu và vô biểu vì đều có tự tánh là thân ngữ nghiệp; phần này đã được trình bày sơ lược ở trước.
Nếu có đủ bốn đức thì gọi là thanh tịnh; nếu trái lại thì gọi là bất tịnh.
Bốn đức là (1) không bị hủy hoại vì phạm giới - ở đây khi nói “phạm giới” là chỉ cho các sắc pháp bất thiện ở trên; (2) không bị hủy hoại vì nhân của sự phạm giới - ở đây khi nói “nhân” là chỉ cho các phiền não tham, v.v., và các tùy phiền não (upakleśas); (3) dựa vào các pháp đối trị, như tứ niệm trụ (smṛtyupasthānas) bởi vì các pháp này có khả năng đối trị sự phạm giới và các nhân; (4) nương vào pháp tịch diệt chứ không phải các đời sống ở cõi thiên (thắng sinh), tức là chỉ nương vào Niết-bàn, hướng đến Niết-bàn.
Có thuyết cho rằng có năm nhân làm cho giới được thanh tịnh: (1) Sự thanh tịnh của nghiệp đạo căn bổn (maulakarmapatha) [tức xa lìa các ác đạo]; (2) sự thanh tịnh của các pháp đi kèm theo (quyến thuộc, sāmantaka) nghiệp đạo căn bổn [tức xa lìa gia hành và các phương tiện giết hại, v.v.]; (3) không bị các loại tầm làm nhiễu loạn (vitarkānupaghāta); (4) sự giám sát nhờ vào niệm (smṛtyanuparigṛhītatva) [tức các niệm về phật, pháp, tăng có khả năng làm xa lìa các nghiệp vô ký]; (5) sự chuyển hướng Niết-bàn (nirvāṇapariṇāmitatva).
Có thuyết nói rằng giới có bốn loại: (1) Bố úy giới, tức loại giới được thọ trì vì sợ không có đủ các thứ cần thiết cho cuộc sống (bất hoạt úy), vì sợ mang tiếng xấu (ác danh úy), vì sợ bị trừng phạt (trị phạt úy), vì sợ các ác thú (ác thú úy); (2) hy vọng giới (āśaṃsāśīla), tức loại giới được thọ trì vì tham muốn các đời sống đáng ưa, các vật thọ dụng, tiếng khen; (3) thuận giác chi giới, tức loại giới được người có chánh kiến (samyagdṛṣṭi) thọ trì để được giải thoát; (4) thanh tịnh giới (pariśuddha), tức là loại giới vì xa lìa các nhiễm ô (nirmala) nên không còn các lậu hoặc (anāsrava, vô lậu).
Trên đây đã nói về giới; tiếp theo là nói về tu.
[Thiện đẳng dẫn gọi là tu
Vì có khả năng huân tập tâm.]
Luận: (Hỏi) Khi nói thiền định (đẳng dẫn, samāhita) là để chỉ cho cái gì?
(Đáp) Đó là các pháp có tự tánh là định (samādhi, tam-ma-địa), là các pháp cùng hiện hữu với các pháp có tự tánh là định.
(Hỏi) Tại sao các pháp này có tên là tu (bhāvanā)?
(Đáp) Vì chúng huân tập tâm. Thiện pháp thuộc về định ảnh hưởng rất mạnh đến tâm bởi vì chính tâm thâu nạp các phẩm tánh của loại thiện này; cũng giống như các hạt mè chịu ảnh hưởng của các bông hoa khi hấp thụ mùi hương của hoa (puṣpagandhamayīkaraṇāt).
(Hỏi) Ở trên có nói quả của sự bố thí bao gồm các sự thọ dụng lớn (mahābhoga); như vậy đối với giới và tu sẽ có những loại quả nào được chiêu cảm?
Tụng đáp:
[Về căn bản giới và tu, theo thứ tự này
Chiêu cảm quả sinh thiên và giải thoát.]
Luận: Nếu xét tự nền tảng (thắng) thì giới có quả là sự sinh vào cõi thiên và tu có quả là sự giải thoát. Bố thí là có quả là cõi thiên nhưng giới mới là nguyên nhân căn bản của sự sinh thiên này. Sự giải thoát hay Niết-bàn có nhân của nó là sự tu tập; sự tu tập này, trên con đường đoạn trừ phiền não (đoạn đạo, prahāṇamārga), có khả năng sinh khởi tức khắc sự xả ly các phiền não; tuy nhiên giới cũng có góp phần vào việc này bởi vì giới cũng có nghĩa là sự tịch tĩnh (śamatha) và sự nhìn thấy (vipaśyanā).
Kinh nói rằng có bốn hạng người có khả năng đắc được phước đức Phạm thiên (Phạm phước) là (1) những người cúng dường Như Lai tánh (Như Lai đà-đồ), xây dựng tháp miếu; (2) những người cúng dường chúng tăng bốn phương, kiến lập tự viện, bố thí vườn, y phục, đồ ăn, dụng cụ nằm ngồi, thuốc men; (3) những người có khả năng hòa hợp chúng tăng bị ly gián; (4) tu tập tâm từ v.v. đối với tất cả chúng sinh.
(Hỏi) Loại Phạm phước này có hạn lượng như thế nào?
Tụng đáp:
[Chiêu cảm quả sinh thiên trong một kiếp, v.v.;
Đó là hạn lượng của một Phạm phước.]
Luận: Các luận sư đời trước nói rằng nhờ vào loại phước này mà có thể chiêu cảm đời sống ở cõi thiên trong một kiếp để thọ dụng phước lạc; và do quả được chiêu cảm này mà thọ hưởng phước lạc ngang với thọ lượng một kiếp của Phạm phụ thiên.
Các bộ phái khác có bài kệ rằng: “Người tin vào chánh kiến mà tu tập mười thắng hạnh thì sinh khởi được Phạm phước vì chiêu cảm lạc quả của cõi thiên trong một kiếp”.
Tỳ-bà-sa nói: “Phạm phước có hạn lượng ngang với loại phước đức đã được nói đến trong phần phân biệt các nghiệp chiêu cảm diệu tướng ở trên”. Chữ “đẳng” trong tụng văn nhằm để chỉ cho các chủ thuyết khác.
Trên đây đã nói về tài thí; tiếp theo là pháp thí:
[Pháp thí là biện giải đúng kinh điển, v.v.
Với một tâm không bị nhiễm ô.]
Luận: Nếu có khả năng biện giải đúng đắn kinh điển với tâm không bị nhiễm ô khiến cho tất cả chúng sinh khi nghe được đều có thể hiểu rõ thì gọi là pháp thí. Vì thế, nếu biện giải một cách sai lạc hoặc với một tâm nhiễm ô mong cầu lợi lạc (lābha), sự tôn kính (satkāra), danh tiếng (kīrti) tức đã hủy hoại phước đức to lớn đến với mình.
Trên đây đã giải thích riêng về ba loại thiện pháp dựa vào sự phân tích ba phước - nghiệp - sự; ngoài ra thiện pháp còn được chia làm ba loại:
[Ba loại thuận phước, thuận giải thoát, và thuận quyết trạch,
Là các thiện pháp có thể chiêu cảm ái quả, Niết-bàn,
Thánh đạo theo thứ tự nói trên.]
Luận: Thuận phước phần (puṇyabhāgīya) là loại thiện pháp có khả năng chiêu cảm quả dị thục đáng ưa.
Thuận giải thoát phần (mokṣabhāgīya) là loại thiện pháp, sau khi sinh khởi, đã trở thành pháp nhập diệt (parinirvāṇa). Bất kỳ người nào, khi nghe giảng về những khuyết điểm của luân hồi (saṃsāra), về vô ngã, về các phẩm tính của Niết-bàn, mà lông trên người dựng đứng và chảy nước mắt thì nên biết rằng người này đã thành tựu thiện căn thuận giải thoát phần; cũng giống như khi trông thấy mầm mộng sinh trưởng vào lúc có mưa tức biết rằng đã có gieo hạt trong các lỗ đất (khalabila) ở đó.
Thuận quyết trạch phần (nirvedhabhāgīya) là bốn pháp noãn (uṣmagatas), v.v.; phần này sau này sẽ được trình bày chi tiết hơn.
(Hỏi) Người đời có nói đến sự viết chữ (thư), sự vẽ hoặc điêu khắc (ấn), sự tính toán (toán), sự làm văn (văn), sự đếm (sổ); như vậy tự thể của các loại này là gì?
[Tất cả đều được sinh khởi đúng pháp
Bởi ba nghiệp và “năng phát”.
Tuần tự làm tự thể của thư pháp, ấn pháp,
Toán pháp, văn pháp và sổ pháp.]
Luận: Nói “khởi đúng pháp” có nghĩa là do chính gia hành mà sinh khởi; “ba nghiệp” là thân, ngữ và ý; “năng phát” là khả năng phát khởi ba loại nghiệp này. Các pháp trên, tùy theo từng điều kiện riêng, chính là các pháp thọ, tưởng, v.v..
Trong số năm pháp này, thư pháp và ấn pháp lấy thân nghiệp và năm uẩn có khả năng phát khởi thân nghiệp làm tự thể.
Toán pháp và văn pháp lấy ngữ nghiệp và năm uẩn có khả năng phát khởi ngữ nghiệp làm tự thể.
Sổ pháp lấy ý nghiệp và bốn uẩn có khả năng phát khởi ý nghiệp làm tự thể bởi vì chỉ có ý tư mới có khả năng tính đếm.
Sau đây là phần trình bày sơ lược về các tên gọi khác nhau của các pháp:
[Pháp thiện vô lậu gọi là diệu;
Pháp nhiễm ô gọi là hữu tội,
Hữu phú hoặc liệt;
Pháp thiện hữu vi gọi là ưng tập;
Pháp giải thoát gọi là vô thượng.]
Luận: Các thiện pháp vô lậu được gọi là diệu; các pháp nhiễm ô còn có tên là “có tội”, “ngăn che” (hữu phú), “yếu liệt”. Căn cứ vào hai loại diệu pháp và liệt pháp thì có thể biết được các pháp thuộc loại trung bình vì thế tụng văn không nói đến.
Các thiện pháp hữu vi còn gọi là “nên tu” (ưng tập); trái với các pháp này thì gọi là “không nên tu”.
(Hỏi) Tại sao các pháp vô vi không được gọi là “nên tu”?
(Đáp) Vì các pháp này không thể được tu tập thường xuyên để tăng trưởng; hơn nữa sự tu tập sẽ tạo ra quả trong lúc pháp vô vi không có quả.
Giải thoát Niết-bàn còn được gọi là vô thượng vì không có một pháp nào khác có thể vượt trội hơn Niết-bàn vốn là một pháp thuần thiện, thường hằng và vượt lên trên tất cả các pháp khác. Tất cả các pháp còn lại đều có thể bị pháp khác vượt qua.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 30 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 18.116.90.141 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập