Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» A Tì Đạt Ma Câu Xá Luận [阿毘達磨俱舍論] »» Bản Việt dịch quyển số 11 »»

A Tì Đạt Ma Câu Xá Luận [阿毘達磨俱舍論] »» Bản Việt dịch quyển số 11


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.47 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.57 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luận Câu Xá

Kinh này có 30 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 |
Việt dịch: Đạo Sinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phần 11
Phần trước đã giải thích xong thế giới hữu tình; phần này sẽ giải thích về thế giới hội tập (khí thế gian, bhājanaloka).
[Thành lập khí thế gian:
Phong luân ở dưới cùng,
Bề rộng không đo được,
Bề cao mười sáu ức.
Bề trên là thủy luân.
Cao mười một ức hai vạn;
Phần nước ở dưới sâu tám ức,
Phần còn lại ngưng kết thành vàng.
Thủy luân và kim luân
Có đường kính mười hai ức
Ba ngàn bốn trăm năm mươi;
Chu vi gấp ba lần.]
Luận: Người ta cho rằng tam thiên đại thiên thế giới đã được lập thành như thế và có hình dạng kích cỡ không giống nhau. Trước tiên do nghiệp lực tăng thượng của chúng sinh mà phong luân đã nương vào hư không để sinh khởi ở tầng thấp nhất. Bề dày của phong luân là mười sáu trăm ngàn (lạc-xoa, lakṣa), tức một triệu sáu trăm ngàn Du-thiện-na (yojanas); bề rộng của nó không thể đo lường được. Thể của nó thuộc chất rắn. Giả sử như có một đại Nặc-kiện-na (mahānagna) dùng kim cương ném vào nó thì kim cương sẽ bị vỡ tan mà phong luân vẫn không tổn hoại gì. Cũng chính vì nghiệp lực tăng thượng của hữu tình mà từng khối tuyết và một trận mưa với những hạt lớn như gọng xe đã rơi xuống bề mặt của phong luân. Lượng nước này tạo thành thủy luân sâu một triệu một trăm hai mươi ngàn yojanas.
(Hỏi) Tại sao lượng nước này không bị tràn ra ngoài?
(Đáp) Có luận sư nói răng nước đã được giữ lại nhờ có nghiệp lực của chúng sinh; cũng giống như các thứ ăn uống không chảy ngay xuống ruột (pakvāśaya) trước khi được tiêu hóa. Có luận sư khác cho rằng nước được giữ lại nhờ gió, cũng giống như lúa ở trong giỏ (kusūlanyāyena, koṣṭhanyāyena).
Sau đó, vì được tác động bởi một loại gió do nghiệp kích khởi nên phần trên của nước kết tinh thành vàng, cũng giống như sữa khi được đun nóng đã đặc lại thành kem. Do đó thủy luân chỉ còn cao tám trăm ngàn yojanas. Phần đất bằng vàng (kāñcabamayī bhūmi) ở trên dày ba trăm hai mươi ngàn yojanas.
Thủy luân và kim luân có bề rộng bằng nhau, đường kính dài một triệu hai trăm lẻ ba ngàn bốn trăm năm mươi yojanas; và chu vi rộng gấp ba lần số này, tức ba triệu sáu trăm mười ngàn ba trăm năm mươi yojanas.
[Trong đó các núi Meru,
Yugandhara,
Īṣādhara,
Khadikara,
Sudarśaṇa,
Aśavakarṇa,
Vinataka,
Nimindhara;
Bên ngoài các đại châu
Có núi Cakravāda.
Núi Meru có bốn mặt bằng châu báu.
Phần nằm dưới nước của ngọn núi là tám vạn,
Phần nổi của núi Meru cũng chừng đó.
Tám dãy kia cứ thấp dần một nửa;
Và có chiều rộng giống như chiều cao.]
Luận: Ở kim luân có chín ngọn núi lớn. Ở giữa là núi Meru (Tô-mê-lư = Diệu cao), vây quanh là bảy ngọn núi khác đồng tâm với núi Meru; dãy Nimindhara (Ni-dân-đạt-la) tạo thành một vòng bánh xe bao bọc núi Meru và sáu ngọn núi ở bên trong, và vì thế mới có tên như vậy. Bên ngoài dãy Nimindhara là các đại châu. Bao bọc tất cả các dãy núi và đại châu này là dãy Cakravāda (Thiết luân vi); sở dĩ có tên như vậy là vì nó vây quanh các đại châu và tạo cho thế giới hình dạng của một bánh xe. Dãy Yugandhara (Du-kiện-đạt-la = Trì song) và sáu dãy bao quanh nó đều bằng vàng; dãy Cakravāda bằng sắt. Mặt phía bắc của ngọn Meru bằng vàng, phía đông bằng bạc, phía nam bằng lưu ly, phía tây bằng pha lê; vì thế khoảng không gian đối xứng với các mặt đều có màu sắc riêng tùy theo thành phần cấu tạo riêng của bốn mặt núi. Mặt trước của ngọn Meru hướng về châu Jambudvīpa (Thiện bộ châu) và được ngọn lưu ly cấu thành cho nên khi nhìn lên trời chúng ta thấy có màu sắc của ngọc lưu ly.
(Hỏi) Do đâu mà có các chất cấu tạo khác nhau của núi Meru?
(Đáp) Lượng nước rơi xuống Kim luân có nhiều tiềm lực khác nhau (chủng chủng uy đức); dưới ảnh hưởng của những loại gió có nhiều hiệu năng khác nhau, lượng nước này đã biến dạng và chuyển thành các chất báu. Chính vì sự biến dạng như thế nên nước là nhân mà các thứ châu báu là quả của nhân này chứ không phải là một hành động xảy ra cùng thời; và hoàn toàn khác với chủ trương chuyển biến (pariṇāma) của Số luận (Sāṃakhyas).
(Hỏi) Chủ trương chuyển biến của Số luận là gì?
(Đáp) Số luận chủ trương ở trong một hữu pháp thường tồn (dharmin, dravya) có các pháp sinh khởi và biến mất. Tại sao chủ trương như thế là phi lý? - Bởi vì không thể thừa nhận một mặt là hữu pháp trường tồn, một mặt lại là các pháp sinh diệt. Tuy nhiên Số luận không cho rằng có một hữu pháp nằm ngoài các pháp; họ nói rằng một pháp khi chuyển biến sẽ trở thành sở y của các tính chất khác nhau vì thế pháp này mới có tên là hữu pháp; nói cách khác, sự chuyển biến này (pariṇāma) chỉ là sự biến dạng của hữu pháp (dravya). Nhưng nói như vậy thì không thể nào chấp nhận được; bởi vì ở đây có sự mâu thuẫn về cách dùng từ: Họ thừa nhận cái kia (nhân) là cái này (quả) nhưng lại nói rằng cái này không giống như cái kia.
Vàng, bạc, các chất báu và đất được cấu tạo như vậy đã kết tụ lại nhờ các thứ gió do nghiệp lực tạo ra; và chúng đã tạo thành núi cũng như các đại châu.
Như vậy tất cả các ngọn núi ở Kim luân đều có phần dưới nằm chìm dưới nước tám mươi ngàn yojanas. Phần trồi lên của núi Meru cũng cao bằng số đó; như vậy toàn bộ núi Meru cao một trăm sáu mươi ngàn yojanas. Phần trồi lên của núi Yugandhara là bốn mươi ngàn yojanas; của núi Īṣādhara là hai mươi ngàn và tiếp tục như vậy cho đến núi Cakravāda là ba trăm mười hai phẩy năm yojanas. Càng nổi cao trên mặt nước bao nhiêu thì chúng càng rộng lớn bấy nhiêu. [Từ ghana ở trong tụng văn có nghĩa là rộng lớn.]
[Giữa các dãy núi có tám biển
Bảy biển đầu gọi là “bên trong”
Biển thứ nhất rộng tám vạn,
Ở ngoại vi rộng gấp ba lần;
Sáu biển còn lại cứ hẹp dần một nửa
Biển thứ tám gọi là “bên ngoài”
Rộng ba ức hai vạn
Hai ngàn du thiện na.]
Luận: Nằm giữa các dãy núi, từ Meru cho đến Nimindhara, có bảy biển chứa đầy loại nước có tám tính chất (bát công đức thủy): Ngọt, mát, ngon, nhẹ, trong, không có mùi hôi, không khao cổ, không đau bụng.
Biển thứ nhất, nằm giữa núi Meru và Yugandhara, rộng tám mươi ngàn yojanas; ở vùng ngoại biên, tức tiếp giáp với núi Yugandhara, lại rộng gấp ba lần, tức là hai trăm bốn mươi ngàn yojanas.
Bề rộng của các biển còn lại cứ giảm dần một nửa. Biển thứ nhì, nằm giữa núi Yugandhara và Īṣādhara, rộng bốn mươi ngàn yojanas và cứ như vậy cho đến biển thứ bảy nằm giữa núi Vinataka và Nimidhara, rộng một ngàn hai trăm năm mươi yojanas. Ở đây không tinh đến vùng ngoại biên vì quá phiền phức. Bảy biển này là các biển bên trong. Biển còn lại, nằm giữa núi Nimidhara và Cakravāda, được gọi là biển lớn bên ngoài. Biển này toàn nước mặn và rộng ba trăm hai hai ngàn yojanas.
[Trong đó có các đại châu:
Jambudvīpa giống như chiếc xe,
Ba mặt rộng hai ngàn,
mặt nam rộng ba phẩy năm
Pūrvavideha
Có hình bán nguyệt,
Ba mặt rộng như Jambudvīpa,
Mặt đông rộng ba trăm năm mươi;
Godānīya có hình tròn,
Đường kính hai ngàn năm trăm,
Chu vi gấp ba lần;
Uttarakuru hình vuông,
Mỗi mặt đều rộng hai ngàn yojanas.
Lại có tám châu ở giữa;
mỗi hai châu nằm kề bốn châu trên.]
Luận: Nằm ở biển ngoài, đối xứng với bốn mặt của núi Meru, là bốn đại châu (dvīpas): (1) Jambudvīpa (Nam thiệm bộ châu) có ba mặt đều rộng hai ngàn yojanas và một mặt rộng ba phẩy năm yojanas vì thế có hình như chiếc xe. Ở giữa có tòa kim cang nằm trên kim luân, là nơi Bồ-tát tọa khởi Kim cang dụ định để trở thành a-la-hán và phật; bởi vì không có chỗ nào khác, không có người nào khác đủ năng lực trì giữ loại định này của Bồ-tát.
(2) Pūrvavideha (Đông thắng thân châu) Có hình bán nguyệt; ba mặt rộng hai ngàn yojanas, giống như kích cỡ của Nam thiệm bộ châu; mặt còn lại rộng ba trăm năm mươi yojanas.
(3) Godānīya (Tây ngưu hóa châu), hướng về mặt phía đông của ngọn Meru, có hình tròn như mặt trăng; chu vi rộng bảy ngàn năm trăm yojanas, đường kính dài hai ngàn năm trăm yojanas.
(4) Uttarakuru (Bắc câu lư châu), đối diện mặt phía bắc của ngọn Meru, có hình vuông giống như chỗ ngồi; mỗi mặt đều rộng hai ngàn yojanas tạo thành một chu vi dài tám ngàn yojanas. Khi nói “đẳng” (đều) là chỉ cho bốn mặt của châu này đều như nhau.
Hình dạng của các đại châu như thế nào thì khuôn mặt của chúng sinh cư ngụ ở đó cũng giống như vậy.
Ngoài ra còn có thêm tám châu lục có kích cỡ trung bình (trung châu). Các châu này mang tên của các chúng sinh cư ngụ ở đó. Hai châu Cāmaras (Già-mặt-la) và Avaracāmaras (Phiệt-la-già-mặt-la) nằm cạnh Jambudvīpa; Dehas (đề-ha) và Videhas (Tỳ-đề-ha) nằm cạnh Pūrvavideha; Śāṭahas (Xá-suy) và Uttarakuru (Ôt-đát-la-mạn-đốt-lý-nổ) nằm cạnh Godānīya; Kurus (cự-lạp-bà) và Kauravas (kiêu-thập-bà) nằm cạnh Uttarakuru.
Tất cả các châu này đều là nơi cư ngụ của loài người. Tuy nhiên có thuyết nói rằng một trong số các châu này (tức, Cāmara) là nơi ở của loài La-sát-bà (Rākṣasas).
[Phía bắc chín ngọn hắc sơn
Là Hương túy sơn, ở đó có
Hồ Vô nhiệt, rộng
Năm mươi yojanas.]
Luận: Ở châu Jambudvīpa, khi đi về phía bắ sẽ gặp ba ngọn núi Kiến, [sở dĩ có tên như vậy vì chúng có hình giống như con kiến] (Hắc sơn); tiếp theo là ba ngọn núi Kiến khác; rồi đến ba ngọn núi Kiến khác nữa; và cuối cùng là ngọn Đại tuyết sơn (Himavat).
Xa hơn nữa về phía bắc là ngọn Hương túy sơn (Gandhamādana), có hồ Vô nhiệt não (Anavatapta) là nơi phát xuất bốn con sông lớn: Sông Gangā (Khắc-già), sông Sindhu (Tín-độ), sông Sītā (Đồ-đa), sông Vakṣu (Phược-sô).
Hồ này rộng và sâu năm mươi yojanas, chứa đầy nước có tám tính chất (giống như đã nói ở trên). Chỉ những người có thần thông mới đến được nơi này. Cành hồ là cây Jambu (Thiệm bộ lâm thọ). Đại châu của chúng ta mang tên Jambudvīpa chính là lấy tên của cây hoặc quả của loại cây này.
(Hỏi) Địa ngục nằm ở đâu? Có kích cỡ như thế nào?
Tụng đáp:
[Biên giới châu này hai vạn (du-thiện-na)
Là địa ngục Vô gián, sâu và rộng bằng nhau;
Bên trên là bảy địa ngục khác.
Tám địa ngục này đều có mười sáu điểm “gia tăng”
Là tro nóng, phân bùn,
Dao nhọn, sông sôi
ở cả bốn mặt.
số còn lại là tám địa ngục cực lạnh.]
Luận: Cách hai mươi ngàn yojanas bên dưới châu Jambudvīpa là đại địa ngục Vô gián (A-tỳ-chỉ-đại-nại-lạc-ca, Avīci). Địa ngục này đều có chiều cao và chiều rộng là hai mươi ngàn yojanas; như vậy đáy của nó cách bề mặt của châu Jambudvīpa là bốn mươi ngàn yojanas.
(Hỏi) Tại sao địa ngục này có tên là vô gián?
(Đáp) Có hai giải thích: (1) Ở địa ngục này không có sự gián đoạn (vīci) của khổ; trong khi ở các địa ngục khác, khổ có thể bị gián đoạn. Như ở địa ngục Đẳng hoạt (Saṃjīva), thân thể chúng sinh tuy bị làm cho nát tan thành bụi nhưng sau đó khi gặp luồng gió lạnh thổi tới thì lại hồi sinh, từ đó mới có tên là Đẳng hoạt. (2) Ở địa ngục này không hề có lạc thọ làm gián đoạn khổ. Ở các địa ngục khác tuy không có lạc thọ thuộc dị thục sinh nhưng người ta cho rằng vẫn có loại lạc thọ đẳng lưu.
Phía trên địa ngục vô gián là bảy địa ngục khác chồng chất lên nhau. Tính từ dưới lên là địa ngục Cực nhiệt (Pratāpana), Viêm nhiệt (Tapana), Đại khiếu (Mahāraurava), Hào khiếu (Raurava), Chúng hợp (Saṃghāta), Hắc thằng (Kālasūtra), và Đẳng hoạt. Có thuyết cho rằng bảy địa ngục này nằm ngang với địa ngục Vô gián.
Mỗi một trong tám địa ngục đều có mười sáu loại “gia tăng” (utsadas). Điều này xuất phát từ một lời dạy của Thế tôn: “Tám loại địa ngục mà ta đã trình bày thì rất khó ra khỏi, chứa đầy các chúng sinh làm ác, và mỗi loại đều có mười sáu thứ “gia tăng”; chúng có bốn bức tường; bốn cửa ra vào; chúng có bề rộng cũng giống như bề dài; chúng có các bức tường sắt bao quanh; nền của chúng cũng bằng sắt; đất cũng bằng sắt cháy sáng; ngập đầy lửa ngọn dài đến hàng trăm yojanas.” (Dīgha, 19, 19; Ekottara, 36, 4; Saṃyukta, 47, 4).
(Hỏi) Mười sáu loại “gia tăng” là gì?
(Đáp) Ở mỗi cửa ra vào của các địa ngục này đều có:
(1) Một lò tro nóng (đường ổi, kukūla) sâu đến đầu gối. Khi chúng sinh đặt chân vào đó thì da, thịt và máu đều bị cháy tiêu; cho đến khi nào thoát ra mới được phục hồi như cũ.
(2) Một đống phân bùn (thỉ phẩn, kuṇapa) trong đó có một loại trùng nước tên là “Mõm nhọn”, thân trắng đầu đen, khi có chúng sinh nào sa vào đó thì chúng đâm vào thấu xương.
(3) Một con đường lớn cắm đầy lưỡi dao nhọn (đao nhẫn lộ, kṣuramārga, kṣuradhrārāmārga); khi bước vào đó, chúng sinh đều bị chảy máu, da thịt tan nát.
Một khu rừng có lá như cây kiếm (kiếm diệp lâm, asipattravana); những ngọn lá kiếm này khi rơi xuống sẽ cắt đứt tay chân của những người bị đọa vào đó; và sau đó sẽ có loài chó Śyāmaśabalas (Ô-bác cẩu) tranh nhau ăn hết số tay chân này.
Một khu rừng gai (thiết thích lâm, ayaḥaśalmalīvana), trong đó gai nhọn mọc dài đến mười sáu ngón tay; khi chúng sinh leo lên cây thì gai sẽ quay mũi nhọn xuống; khi chúng sinh rơi từ trên xuống thì gai lại quay mũi nhọn lên. Ngoài ra còn có một loại chim mỏ sắt (ayastuṇḍa) tranh nhau mổ mắt chúng sinh bị đọa vào đó.
Ba nơi khốn khổ này cùng tạo thành một loại “gia tăng” bởi vì chúng có chung một loại hình phạt gây ra thương tích.
(4) Một con sông nước sôi (liệt hà, vaitaraṇī) có tro nóng đun cháy. Hai bên bờ có người (puruṣa) (ngục tốt, narakapāla) cầm kiếm, giáo và lao để đẩy lui những chúng sinh nào muốn ra khỏi dòng sông này. Ở trong dòng sông, dù chúng sinh có lặn xuống nước hoặc trồi người lên, bơi ngược hay bơi xuôi theo dòng nước, bơi ngang hay vùng vẫy, cũng đều bị nước sôi đun chín; giống như những hạt mè, hạt lúa được trút vào trong một cái chảo lớn đặt trên lửa.
Dòng sông này chảy quanh đại địa ngục giống như một cái hào sâu.
Bốn thứ “gia tăng” này tạo thành mười sáu loại do sự khác nhau ở các nơi; bởi vì ở bốn cửa ra vào của đại địa ngục đều có bốn loại “gia tăng” này.
(Hỏi) Tại sao gọi là “gia tăng” (utsada)?
Nói “gia tăng” là để chỉ cho những nơi làm tăng thêm sự khổ sở. Ở bên trong địa ngục tất cả chúng sinh vốn đã phải chịu nhiều cực hình, nhưng còn phải chịu nhiều cực hình hơn nữa ở những nơi được gọi là “gia tăng” này. Có thuyết (Manoratha) cho rằng sau khi bị giam giữ trong địa ngục thì chúng sinh lại phải rơi vào những nơi này để chịu khổ thêm nữa nên gọi là “gia tăng”.
Từ vấn đề này lại nảy sinh một vấn đề khác:
(Hỏi) Ở trên có nói đến các “ngục tốt” canh giữ hai bên bờ sông Liệt hà. Vậy thì các “ngục tốt” này có phải là chúng sinh hữu tình không?
(Đáp) Không phải chúng sinh hữu tình.
(Hỏi) Nếu vậy tại sao cử động được?
(Đáp) Là do nghiệp lực của chúng sinh, cũng giống như loại gió tạo ra khí thế gian (kiếp phong).
(Hỏi) Nếu vậy, làm thế nào để giải thích lời nói sau đây của đại đức Pháp thiện hiện (Dhārmika Subhūti): “Những người tâm hoài phẩn hận thích gây ra nghiệp ác và tội lỗi, vui mừng trước đau khổ của người khác, sẽ tái sinh làm ngục tốt cho Diệm vương (Diệm ma tốt Yamarākṣasas)”?
(Đáp) Những chúng sinh này có tên là Diễm ma tốt bởi vì đều là thuộc hạ của Diệm vương có nhiệm vụ ném chúng sinh bị đọa địa ngục theo lệnh của Diệm vương chứ không có nghĩa là những “người canh gác địa ngục” có nhiệm vụ tra tấn các chúng sinh bị đọa vào đó.
Tuy nhiên có thuyết lại cho rằng ngục tốt là chúng sinh hữu tình.
(Hỏi) Nếu vậy các ác nghiệp mà ngục tốt đã tạo sẽ chiêu cảm quả dị thục ở chỗ nào?
(Đáp) Chính ở địa ngục. Bởi vì quả dị thục của các tội vô gián đều khởi ở địa ngục, vậy thì tại sao dị thục của ngục tốt lại không thể khởi ở đó?
(Hỏi) Nhưng tại sao ngục tốt ở ngay trong lửa mà không bị thiêu cháy?
(Đáp) Bởi vì nghiệp lực dẫn khởi sự tái sinh trong lửa và ngăn không cho lửa chạm vào các ngục tốt này; hoặc vì chính loại nghiệp lực này khiến cho thân của ngục tốt được các đại chủng dị loại tạo thành.
Trên đây là tám loại địa ngục cực nóng. Ngoài ra lại có tám địa ngục khác cực lạnh là Ách-bộ-đà (arbuda), Ni-thích-bộ-đà (nirarbuda), Ách-tích-tra (aṭaṭa), Hốc-hốc-bà (hahava), Hỗ-hỗ-bà (huhuva), Ốt-bát-la (utpala), Bát-đặc-ma (padma), Ma-ha-bát-đặc-ma (mahāpadma). Trong số các địa ngục này có địa ngục được đặt tên dựa theo hình trạng của chúng sinh bị đọa vào đó; tức những chúng sinh có hình dạng giống như một arbuda, một bông sen, v.v.; có địa ngục được đặt tên theo tiếng kêu rên của chúng sinh bị thống khổ vì lạnh như Ách-tích-tra.
Các địa ngục này đều nằm dưới châu Jambudvīpa và ngang với các địa ngục lớn.
(Hỏi) Làm thế nào chỉ ở dưới một châu Jambudvīpa này lại có đủ chỗ các địa ngục có kích cỡ lớn hơn cả châu này?
(Đáp) Các đại lục đều có hình giống như đống lúa, càng hướng về phía đáy bao nhiêu càng rộng lớn bấy nhiêu. Đại dương cũng không xuyên thẳng quanh các châu lục được. (Vibhāṣā, 172, 7; Cullavagga, 9, 1.3).
Mười sáu địa ngục này đều do nghiệp lực của chúng sinh tạo thành; có các địa ngục khác như Cô địa ngục (prādeśika) lại do nghiệp lực của một người, hai người hoặc nhiều người tạo thành. Chúng có rất nhiều loại và không có chỗ nhất định: Có thể ở sông, núi, sa mạc, v.v..
Địa điểm chính (bổn xứ) của các địa ngục đều nằm ở phía dưới. Đối với bàng sinh thì có ba chỗ là đất, nước và trên không; chỗ chính của chúng là ở đại dương và những con nào đến sau thì đi đến những chỗ khác.
Vua của loại quỷ có tên là Diệm ma (Yama); chỗ ở của Diễm ma vương, và dây cũng là chỗ chính của loài quỷ, nằm ở độ sâu năm trăm yojanas bên dưới châu Jambudvīpa, và có chiều sâu và rộng cũng giống như vậy. Loài quỷ ở các nơi khác chính là số thặng dư của quỷ ở nơi này và chúng rất khác nhau. Có loại cũng có thần thông và oai đức giống như chúng thiên. Kinh có nói rất rõ về các điểm khác nhau của loài này.
(Hỏi) Mặt trời và mặt trăng có kích cỡ, v.v., như thế nào?
Tụng đáp:
[Mặt trời, mặt trăng cao bằng nửa núi Meru
(Rộng) năm mươi mốt, năm mươi yojanas
Nửa đêm ở châu này là lúc mặt trời lặn
Hoặc mọc (ở chỗ kia) ;
Cả bốn châu đều như vậy
Từ ngày thứ chín thuộc nửa sau
Của tháng mưa thứ hai, ban đêm dài dần;
Cũng từ ngày đó của tháng lạnh thứ tư
Ban đêm ngắn dần, ban ngày ngược lại với ban đêm.
Ngày và đêm đều tăng một lạp phược
Khi mặt trời di chuyển về phía nam hoặc bắc.
Khi gần mặt trời thì bị bóng che nên thấy mặt trăng khuyết.]
Luận: Mặt trời và mặt trăng dựa vào gió. Vì nghiệp lực chung của chúng sinh mà có gió sinh khởi để tạo ra (nirmā) giữa không trung (antarikṣe) mặt trăng, mặt trời và các ngôi sao. Tất cả các thiên thể này đều quay quanh núi Meru giống như bị cuốn theo một dòng nước xoáy.
(Hỏi) Mặt trời và mặt trăng cách đây bao xa?
(Đáp) Bằng một nửa chiều cao của núi Meru và chuyển dịch ngang tầm với đỉnh núi Yugaṃdhara.
(Hỏi) Chúng có kích cỡ như thế nào?
(Đáp) Mặt tròn của mặt trời là năm mươi mốt yojanas và của mặt trăng là năm mươi yojanas.
“Cung điện” (vimāna) nhỏ nhất trong các cung điện của các ngôi sao bằng một krośa (câu-lư-xá); [cung điện lớn nhất là mười sáu yojanas].
Vì nghiệp lực của chúng sinh mà bên ngoài phía dưới của cung điện mặt trời đã hình thành một mặt tròn bằng đá lửa phát nhiệt và ánh sáng; và bên ngoài phía dưới của mặt trăng cũng hình thành một mặt tròn bằng đá nước phát ra hơi lạnh và ánh sáng. Tùy theo từng trường hợp chức năng của chúng là làm sinh trưởng, tồn tại hoặc hủy diệt mắt, thân, hoa quả, mùa màng, cây cỏ.
Trong thế giới của bốn đại châu chỉ có một mặt trăng và một mặt trời; tuy nhiên mặt trời không thể tác động đến cả bốn đại châu trong cùng một lúc.
Khi ở châu Uttarakuru là nửa đêm thì ở châu Pūrvavideha mặt trời vừa lặn; và khi ở châu Jambudvīpa là nửa đêm thì ở châu Godānīya mặt trời vừa mọc. Và cứ tiếp tục như vậy.
Vì có sự thay đổi về sự vận hành của mặt trời mà ngày và đêm có dài và ngắn khác nhau.
Ban đêm trở nên dài hơn kể từ ngày thứ chín thuộc về nửa sau của tháng mưa thứ hai (bhādrapada), và trở nên ngắn dần bắt đầu từ ngày thứ chín thuộc về nửa sau của tháng lạnh thứ tư (phālguna). Đối với ngày thì ngược lại: Khi ban đêm dài ra thì ban ngay ngắn lại và khi ban đêm ngắn lại thì ban ngày lại dài ra. Sự kiện ban ngày và ban đêm dần dần trở nên dài hơn tùy thuộc vào mặt trời chuyển dịch nghiêng về phía nam hay phía băc của châu Jambudvīpa.
(Hỏi) Tại sao bề mặt của mặt trăng bị khuyết vào thời kỳ đầu của nửa tháng sáng?
(Đáp) Luận Thi thiết viết: “Khi cung điện mặt trăng vận hành sát với cung điện mặt trời thì bóng của mặt trời in lên cung điện của mặt trăng. Vì thế khi bóng che khuất mặt đối diện thì mặt sáng sẽ bị khuyết.” Nhưng các luận sư đời trước (Du-già sư Yogācāras) lại cho rằng tùy theo các vận hành của mặt trăng mà xuất hiện khi tròn khi khuyết.
(Hỏi) Chúng sinh cư ngụ ở các cung điện mặt trời, mặt trăng thuộc về loại nào?
(Đáp) Đó là chúng thiên thuộc hạ của tứ đại vương (Cāturmabhārājakāyikas) và chỉ có loại chúng thiên này độc cư ở các cung điện này; tuy nhiên cũng có một số lớn thuộc hạ của tứ đại vương cư ngụ trên đất liền, ở các tầng cấp (pariṣaṇḍās) của núi Meru và các núi khác.
(hỏi) Có bao nhiêu tầng như thế; chúng có kích cỡ như thế nào? Và chúng thiên nào cư ngụ ở đó?
Tụng đáp:
[Núi Meru có bốn tầng,
Cách nhau mười ngàn yojanas
Nhô ra mười sáu ngàn,
Tám ngàn, bốn ngàn, hai ngàn yojanas.
Kiên thủ, Trì mạn,
Hằng kiêu, và đại vương chúng thiên
Lần lượt cư ngụ ở bốn cấp;
Và cũng có ở bảy núi kia]
Luận: Núi Meru có bốn tầng. Tầng thứ nhất nằm cao hơn mặt nước mười ngàn yojanas; tầng thứ hai cao hơn tầng thứ nhất mười ngàn yojanas; và cứ như thế cho đến tầng thứ tư. Các tầng này cao tới lưng chừng núi Meru. Tầng thứ nhất nhô ra (xuất, nirgata, ḥphags) từ núi Meru mười sáu ngàn yojanas, các tầng còn lại theo thứ tự trên là tám ngàn, bốn ngàn và hai ngàn yojanas. Tầng thứ nhất là nơi cư ngụ của loài Dược xoa (yakṣas) có tên là Kiên thủ (ardham ākṣiptam = ardham avastabdham), loài ở tầng thứ hai có tên Trì mạn, tầng thứ ba có tên Hằng kiêu (Sadāmatta [tụng văn viết là sadāmada]); tất cả chúng thiên này đều là thuộc hạ của bốn đại vương. Ở tầng thiền thứ tư là bốn đại vương và quyến thuộc; tất cả đều được gọi là tứ đại vương chúng thiên.
Giống như thuộc hạ và quyến thuộc của tứ đại vương cư ngụ ở núi Meru, các thuộc hạ khác cư ngụ ở bảy ngọn Kim sơn cũng có các kinh thành, thị trấn và đây là loại chúng sinh thuộc cõi thiên có số lượng đông nhất.
(Hỏi) Tam thập tam thiên cư ngụ ở chỗ nào?
Tụng đáp:
[Đỉnh Meru rộng tám mươi ngàn yojanas
Là nơi cư ngụ của tam thập tam thiên;
Bốn góc có bốn chỏm núi
Là chỗ ở của Kim cang thủ.
Ở giữa là kinh thành Thiện kiến
Chu vi mười ngàn yojanas,
Cao một phẩy năm yojanas làm bằng vàng,
Có nhiều màu sắc, mặt đất mềm mại
Bên trong là điện thù thắng
Chu vi một ngàn yojanas.
Bên ngoài thành có bốn khu vườn tô điểm
Là Chúng xa, Thô ác, Tạp lâm, và Hỷ lâm;
Bốn phía là các Diệu trì
Cách nhau hai mươi yojanas.
Phía đông bắc co Viêm sinh thọ
Phía tây nam có Thiện pháp đường.]
Luận: Tam thập tam thiên (Trāyastriṃśas) cư ngụ trên đỉnh núi Meru. Các mặt của đỉnh núi này dài tám mươi ngàn yojanas. Có luận sư nói rằng mỗi mặt chỉ dài hơn mười ngàn và chu vi là tám mươi ngàn yojanas.
Ở bốn góc có bốn chỏm núi (kuṭa); cao và rộng năm trăm yojanas, là nơi ở của loài Dược xoa có tên là Kim cang thủ (Vajrapāṇīs).
Ở giữa núi Meru là kinh thành bằng vàng của thiên Đế thích (Śakra) đứng đầu cõi thiên, có tên là Thiện kiến (sudarśana). Các cạnh của thành này dài hai ngàn năm trăm yojanas, chu vi là mười ngàn yojanas; cao một phẩy năm yojanas. Kinh thành cũng như mặt đất đều được trang sức bằng một trăm lẻ một loại màu sắc. Mặt đất mềm mại giống như lá của một loại cây bông và có thể co giản theo bước chân đi.
Ở giữa kinh thành là cung điện của Thiên đế thích. Cung điện này có tên là Thù thắng (Vaijayanta) bởi vì sự lộng lẫy và các thứ châu báu ở đó tỏa sáng đến cả các chỗ ở khác của chúng thiên. Cung điện có các cạnh dài hai trăm năm mươi yojanas, tức chu vi là một ngàn yojanas. Trên đây là tất cả các vẻ khả ái của kinh thành.
Điểm tô bên ngoài kinh thành có bốn khu vườn làm nơi du hý của chúng thiên là Chúng xa (Caitraratha), Thô ác (Pāruṣyaka), Tạp lâm (Miśraka) và Hỷ lâm (Nandana). Ở bốn phía cách xa các khu vườn này hai mươi yojanas cũng là bốn nơi du hý (krīḍāsthānāni) khác của chu thiên. Đất đai ở nơi này mỹ diệu, làm say đắm chúng thiên và khiến cho họ tranh giành nhau.
Một loại cây mộc lan có tên là Viêm sinh thọ (Pārijātaka) là nơi thọ hưởng dục lạc của Tam thập tam thiên. Rễ loại cây này lan ra đến năm mươi yojanas, thân cao một trăm yojanas, cành, lá và cánh hoa (śakhāpattrapalāśa) bao phủ năm mươi yojanas. Cây có mùi hương tỏa theo chiều gió xa đến một trăm yojanas; nếu ngược chiều gió thì xa đến năm mươi yojanas.
(Hỏi) Mùi hương có thể tỏa theo chiều gió một trăm yojanas, nhưng làm thế nào có thể tỏa ngược chiều gió?
(Đáp) Có luận sư cho rằng khi nó tỏa theo chiều gió năm mươi yojanas là hàm ý mùi hương này không vượt quá giới hạn của tàng cây (vốn rộng đến năm mươi yojanas). [Tuy nhiên giải thích trên không hợp lý bởi vì] kinh văn đã nói mùi hương tỏa ngược theo chiều gió. Do đó chúng ta có thể nói rằng mùi hương không “bay” ngược lại làn gió bởi vì nó bị diệt ngay nơi nó bị sinh, mà chỉ vì mùi hương này có đặc điểm là có thể sinh khởi một chuỗi tương tục các mùi hương giống nhau mặc dù bị làn gió nhẹ của cõi thiên cản trở. Tuy nhiên sau đó mùi hương dần dần trở nên yếu đi cho đến khi dứt hẳn mà không bay xa được như khi thuận theo chiều gió.
(Hỏi) Có phải chuỗi tương tục các mùi hương này có sở y là các đại chủng tạo thành mùi hương? Hay đó là gió chuyển thành mùi hương? [Tức gió đã sinh ra một mùi hương mới và mùi hương này không còn là mùi hương của hoa, cũng giống như những hạt mè thấm nhiễm mùi hương của hoa].
(Đáp) Điều này chưa thể xác định được. Tuy nhiên Thế tôn có nói: “Mùi hương của hoa không thể đi ngược lại chiều gió, mùi hương của cây chiên đàn, cây Tagara, cây lài cũng vậy; nhưng mùi hương của công đức có thể bay ngược lại chiều gió; (của) bậc thiện sĩ (satpuruṣa) bay khắp các phương.” (Saṃyukta, 28, 31; Ekottara, 13, 17; Udānavarga, vi. 14)
(Hỏi) Như vậy chủ trương mùi hương “bay ngược lại chiều gió” làm sao có thể phù hợp với lời dạy trên?
(Đáp) Thế tôn dạy như vậy là có ý chỉ cho mùi hương của thế gian bởi vì ai cũng biết rằng mùi hương không thể bay ngược lại chiều gió.
Hóa địa bộ (Mahīśāsakas) nói rằng mùi hương [của hoa Viêm sinh thọ] nếu thuận theo chiều gió có thể tỏa xa được một trăm yojanas, và nếu không có gió thì tỏa xa năm mươi yojanas.
Ở phía tây nam có Thiện pháp đường (Sudharmā) là nơi chúng thiên tụ hội (devasabhā) để xét xem các việc tốt cũng như xấu mà chúng sinh đã làm.
Trên đây là sự bài trí thế giới cư ngụ của Tam thập tam thiên; tiếp theo là phần nói về thế giới cư trú của chúng thiên hữu sắc khác.
[Ở phía trên là chúng thiên hữu sắc
Sống trong các cung điện ở không trung]
Luận: Chúng thiên cao hơn Tam thập tam thiên cư trú ở các “cung điện giữa không trung” (vimānas). Chúng thiên này là Dạ ma thiên (Yāmas), Đổ sứ đã thiên (Tuṣitas), Lạc biến hóa thiên (Nirmāṇaratis), Tha hóa tự tại thiên (Paranirmitavaśavartins), cộng thêm chúng thiên thuộc Sắc giới; tức mười sáu bộ chúng thiên bắt đầu từ Phạm chúng thiên (Brahmakāyikas). Như vậy có tất cả hai mươi hai loại chúng thiên ở khí thế gian (bhājanaloka) và cư trú ở các nơi nhất định nói trên. [Ngoài ra còn nhiều chúng thiên khác như Krīḍāpramoṣakas, Prahāsakas, v.v., nhưng luận này đã lược qua không nói đến.]
[Sáu loại chúng thiên hưởng dục, giao hợp, ôm nhau
Nắm tay, cười, và nhìn nhau mà thành dâm]
Luận: Chúng thiên thuộc tứ đại vương, Tam thập tam thiên, Dạ ma thiên, Đỗ sứ đa thiên, Lạc biến hóa thiên và Tha hóa tự tại đều thuộc Dục giới. Chúng thiên cao hơn không thuộc về Dục giới.
Chúng thiên thuộc tứ đại vương và Tam thập tam thiên cư ngụ ở trên đất cứng vì thế cũng có giao hợp giống như người thường; tuy nhiên họ chỉ làm dịu lửa dục bằng cách tiết ra phong khí chứ không phải tinh khí. Dạ ma thiên làm dịu lửa dục bằng cách ôm nhau, Đỗ sử đa thiên thì nắm tay nhau, Lạc biến hóa thiên thì cười với nhau và Tha hóa tự tại thiên thì chỉ nhìn nhau. Trên đây là giải thích của Thế thi thiết luận (Lokaprajñāpti, chương VI).
Theo Tỳ-bà-sa (Vibhāṣā, 113, 9) những giải thích trên của Thi thiết luận về các trường hợp ôm nhau, nắm tay nhau, v.v., không phải để chỉ cho các cách thế giao hợp bởi vì loại chúng thiên này vốn chỉ giao hợp giống như người thường, mà là để chỉ cho khoảng thời gian kéo dài của hành động. Dục lạc càng nhiều bao nhiêu vì có các cảnh đáng ưa thì thời gian giao hợp càng dài bấy nhiêu.
Nếu có đồng nam, đồng nữ nào ngồi trên đầu gối của một chúng sinh ở cõi thiên thì đó chính là con cái của chúng sinh này: Tất cả chúng sinh đều thuộc loại hóa sinh.
[Chúng thiên sơ sinh giống như trẻ em từ năm đến mười tuổi;
ở Sắc giới thì đã phát triển đầy đủ và có quần áo.]
Luận: Chư thiên thuộc sáu cõi trời Dục giới khi mới sinh ra trông giống như một đứa bé lên năm, sáu, bảy, tám, chín hoặc mười tuổi tùy theo thứ tự của sáu cõi này, nhưng sau đó thì phát triển rất nhanh.
Chư thiên thuộc Sắc giới khi mới sinh ra, thân hình đã phát triển đầy đủ và đã có sẵn áo quần. Tất cả chúng thiên đều sử dụng ngôn ngữ của thánh giả (thánh ngôn, ārya).
(Hỏi) Làm thế nào biết được sự khác nhau giữa dục sinh và lạc sinh?
Tụng đáp:
[Ba loại dục sinh gồm người và trời.
Ba loại lạc sinh gồm chín địa của ba tầng thiền.]
Luận: Ở Dục giới có những chúng sinh sử dụng tùy thích các cảnh dục lạc đang hiện khởi đối với họ. Đó là những chúng sinh thuộc về cõi người và chúng thiên thuộc bốn cõi đầu trong sáu cõi trời Dục giới.
Có những chúng sinh sử dụng tùy thích các cảnh dục lạc do chính bàn thân họ tạo ra. Đó là chúng sinh ở cõi Lạc biến hóa thiên.
Lại có những chúng sinh sử dụng tùy thích các cảnh dục lạc do người khác tạo ra. Đó là chúng sinh ở cõi Tha hóa tự tại thiên.
Loại thứ nhất thọ hưởng các cảnh dục lạc xuất hiện trước mắt họ; loại thứ hai thọ hưởng các cảnh dục lạc mà họ đã mong muốn tạo ra; loại thứ ba thọ hưởng các cảnh dục lạc do kẻ khác mong muốn tạo ra. Đây là ba loại “sinh khởi” hay “tồn tại của dục” (dục sinh, kāmopapattis) ở Dục giới.
Ở Sắc giới có chín địa thuộc ba tầng thiền đầu tiên là ba loại “sinh khởi của lạc” (lạc sinh, sukkhopapattis). Chư thiên ở ba tầng này, trong những thời gian dài, đã trải qua thời gian của mình trong hoan lạc nhờ vào sự an lạc phát sinh từ sự xả ly phiền não (kleśa) (ly sinh lạc, vivekaja sukkha), nhờ sự an lạc có bao hàm niềm vui phát sinh từ thiền định (định sinh, samādhija) và nhờ sự an lạc đã xả bỏ niềm vui (ly hỷ lạc, niḥprītikasukkha). Các sự sinh khởi này nhờ không có khổ và nhờ sự kéo dài của chúng nên đã trở thành ba loại “lạc sinh”.
Ở tĩnh lự trung gian (dhyānāntara) không có hỷ lạc nhưng tại sao vẫn gọi là Lạc sinh thiên? Đây là điểm cần phải bàn đến.
(Hỏi) Hai mươi hai cõi trời nói đến ở trên, từ cõi trời của Tứ đại thiên vương cho đến cõi cao nhất của Sắc giới nằm ở những độ cao nào?
Tụng đáp:
[Từ một cõi khi đi xuống phải mất bao nhiêu
Thì khi đi lên (một cõi ở trển) cũng như vậy.]
Luận: Thật không dễ dàng tính được độ cao bằng yojanas của các cõi này. Tuy nhiên có thể đơn cử trường hợp phải trải qua một khoảng cách bao nhiêu khi từ một cõi trời nào đó đi xuống bên dưới để suy ra khoảng cảnh khi từ cõi đó đi lên một cõi khác ở trên. Nói cách khác, một cõi trời nằm ở bên trên châu Jambudvīpa chừng nào thì nó nằm ở bên dưới cõi trên nó chừng đó. Chẳng hạn như tầng thứ tư của tứ đại vương, tức chỗ ở của bốn vị thiên vương này, nằm ở bên trên mặt biển bốn mươi ngàn yojanas; như vậy từ cõi trời này đi xuống đây bao xa thì khi đi lên đến cõi Tam thập tam thiên cũng như vậy [bởi vì đỉnh núi Meru cách xa mặt biển tám mươi ngàn yojanas]. Từ cõi tam thập tam thiên đi xuống mặt biển phải trải qua bao nhiêu yojanas thì từ đó đi lên cõi Dạ ma thiên cũng như vậy. Và cứ tiếp tục như thế: Sắc cứu cánh thiên nằm ở phía bên trên Thiện kiến thiên bao nhiêu yojanas thì Thiện kiến thiên nằm ở phía trên châu Jambudvīpa cũng bấy nhiêu yojanas.
Bên trên Sắc cứu cánh thiên (Akaniṣṭhas) không còn một nơi cư ngụ nào nữa. Chính vì lý do chỗ này cao hơn tất cả các chỗ còn lại và không có chỗ nào khác cao hơn chỗ này nên mới có tên là Sắc cứu cánh thiên. Có luận sư cho rằng cõi này có tên là Ngại cứu cánh thiên (agha-niṣṭha) bởi vì chữ agha có nghĩa là “sắc được tích tụ” (tích tập sắc) và cõi này là giới hạn cuối cùng của loại sắc này.
(Hỏi) Chúng sinh sinh ở một cõi thấp hơn có thể đi lên một cung điện cao hơn và nhìn thấy các chúng sinh ở đó không?
Tụng đáp:
[Nếu không có thần thông hoặc sự giúp đỡ của kẻ khác,
Chúng sinh cõi dưới không thể nhìn thấy cõi trên]
Luận: Khi có được thần thông hoặc khi được hỗ trợ bởi một chúng sinh có thần thông hoặc bởi một chúng sinh ở cõi Dạ ma thiên thì chúng sinh cõi Tam thập tam thiên có thể đi đến cõi Dạ ma thiên.
Một chúng sinh sinh ra ở một chỗ ở thấp hơn có thể nhìn thấy chúng sinh ở một chỗ ở cao hơn và có thể đi đến chỗ ở cao hơn này; tuy nhiên trường hợp này không thể xảy ra nếu chúng sinh này thuộc về một giới (dhātu) hoặc một địa (bhūmi) cao hơn. Cũng giống như trường hợp không thể cảm nhận các xúc chạm (thuộc một giới hoặc một địa cao hơn) bởi vì loại xúc chạm này không ở cùng cảnh giới (của một căn thấp hơn). Chính vì lý do này mà các chúng sinh thuộc một giới hoặc một địa cao hơn không thể tự thân đi xuống các giới, các địa thấp hơn mà phải dùng đến loại hóa thân của các giới, các địa nơi chúng sinh này muốn đến. (Dīgha, ii. 210)
Có bộ phái khác (Mahāsaṃghikas) cho rằng chúng sinh ở một địa thấp hơn vẫn có thể nhìn thấy một chúng sinh ở địa cao hơn giống như nhìn thấy các chúng sinh khác cùng địa nếu như chúng sinh ở địa cao hơn có ý muốn để cho các chúng sinh này nhìn thấy.
(Hỏi) Cung điện của Dạ ma thiên và các cõi thiên khác có kích cỡ như thế nào?
(Đáp) Có luận sư cho rằng cung điện của bốn cõi trời phía trên trong số sáu cõi trời thuộc Dục giới có kích cỡ bằng đỉnh núi Meru. Có luận sư cho rằng các cung điện cao hơn thì lớn gấp đôi các cung điện thấp hơn. Có luận sư lại cho rằng kích cỡ của tầng thiền thứ nhất bằng bốn đại châu; tầng thiền thứ hai bằng một tiểu thiên thế giới; tầng thiền thứ ba bằng một trung thiên thế giới và tầng thiền thứ tư bằng một đại thiên thế giới. Có luận sư lại nói rằng ba tầng thiền đầu tiên, theo thứ tự này, tương ưng với một tiểu thiên, một trung thiên và một đại thiên thế giới; trong khi tầng thiền thứ tư thì không thể đo lường được.
(Hỏi) Tiểu thiên, trung thiên và đại thiên thế giới là gì?
Tụng đáp:
[Bốn đại châu, mặt trời, mặt trăng,
Núi Meru, các cõi trời Dục giới,
Phạm thế; một ngàn lần của mỗi loại trên
Hợp thành một tiểu thiên thế giới.
Một ngàn lần tiểu thiên thế giới
Làm thành một trung thế giới
Một ngàn lần trung thiên là một đại thiên thế giới.
Thời gian hủy diệt và tạo thành đều bằng nhau.]
Luận: Một tiểu thiên thế giới (sāhasra cūḍika lokadhātu) gồm một ngàn châu Jambudvīpa, một ngàn châu Pūrvavidehas, một ngàn châu Avaragodānīyas, một ngàn châu Uttarakuru, một ngàn mặt trăng, một ngàn mặt trời, một ngàn núi Meru, một ngàn mỗi cõi thiên Dục giới, và một ngàn mỗi thế giới của Phạm thiên. Một ngàn tiểu thiên thế giới tạo thành một trung thiên thế giới (dvisāhasro madhyamo lokadhātu). Một ngàn trung thiên thế giới tạo thành một đại thiên thế giới (trisāhasramahāsāhasro lokadhātu).
Thời gian bị hoại diệt và thời gian tạo thành đều bằng nhau. Ở đây tụng văn dùng từ saṃbhava (khởi) theo nghĩa vivarta (thành).
(Hỏi) Các thế giới này khác nhau nhưng chúng sinh ở thế giới này có khác nhau không?
Tụng đáp:
[Người ở châu Jambudvīpa
Cao bốn hoặc ba khuỷu tay rưỡi;
Người ở các châu đông, tây, bắc
Gấp đôi dần lên.
Chúng thiên Dục giới
Cao một phần tư cho đến một phẩy năm krośa.
Chúng thiên Sắc giới, bốn cõi đầu tăng dần một nửa,
Sau đó tăng gấp đôi.
Vô vân thiên giảm ba yojanas.]
Luận: Người ở châu Jambudvīpa phần lớn đều cao khoảng ba khuỷu tay rưỡi (trửu: từ khuỷu tay đến đầu ngón tay giữa) có khi bốn khuỷu tay. Người châu Pūrvavidehas, Avaragodānīyas và Uttarakuru theo thứ tự này, cao khoảng tám, mười sáu, và ba mươi hai khuỷu tay. Chúng thiên tứ đại vương cao một phần tư krośa; chúng thiên ở các cõi khác của Dục giới lần lượt tăng thêm một phần tư, tức Tam thập tam thiên cao một nửa krośa, Dạ ma thiên cao ba phần tư krośa, Đỗ sứ đa thiên cao một krośa, Lạc biến hóa thiên cao một krośa và một phần tư, Tha hóa tự tại thiên cao một phẩy năm krośa.
Phạm chúng thiên, tức chúng thiên đầu tiên của Sắc giới, cao một nửa yojanas, Phạm phụ thiên cao một yojanas, Đại phạm thiên cao một phẩy năm yojanas, Thiểu quang thiên cao hai yojanas. Bên trên Thiểu quang thiên đều lần lượt tăng gấp đôi: Vô lượng quang thiên cao bốn yojanas, Cực quang tịnh thiên cao tám yojanas; và cứ như vậy cho đến Biến tịnh thiên cao sáu mươi bốn yojanas. Vô vân thiên cũng gấp đôi số này nhưng lại giảm bớt ba tức chỉ còn một trăm hai mươi lăm yojanas; và cứ tiếp tục nhân đôi như thế, từ Phước sinh thiên là hai trăm năm mươi yojanas, cho đến Sắc cứu cánh thiên là mười sáu ngàn yojanas.
Thọ lượng của các chúng sinh ở các cõi này cũng khác nhau.

[Bắc châu một ngàn năm
Tây, đông, giảm dần một nửa;
Châu này không nhất định,
Về cuối là mười năm, ở đầu khó biết được.
Năm mươi năm nhân gian
Bằng một ngày đêm ở cõi thiên thấp nhất của Dục giới;
Cõi này sống năm trăm năm
Năm cõi trên ngày và thọ lượng gấp đôi
Sắc giới không có ngày đêm,
Kiếp số bằng thân lượng.
Vô sắc giới cõi đầu là hai vạn
Sau đó cứ tăng dần với số này.
Trên dưới Thiểu quang thiên
Là một, một nửa đại kiếp.]
Luận: Thọ lượng ở châu Uttarakuru là một ngàn năm; ở châu Godānīyas là năm trăm năm; ở châu Pūrvavidehas là hai trăm năm mươi năm.
Thọ lượng ở châu Jambudvīpa không nhất định, khi dài khi ngắn. Ở cuối kiếp (kalpa) thọ lượng ngắn nhất là mười năm; nhưng ở đầu kiếp (prāthamakalpika) thì không tính được: Không thể đếm bằng các số trăm, ngàn, v.v..
Về chư thiên Dục giới, thọ lượng của họ được tính bằng cách dựa vào thời lượng của ngày.
Năm mươi năm ở nhân gian tạo thành một ngày ở cõi tứ đại vương; thọ lượng ở cõi này là năm trăm năm - một năm gồm mười hai tháng, một tháng có ba mươi ngày. Ở Tam thập tam thiên, một ngày bằng một trăm năm nhân gian; thọ lượng của họ là một ngàn năm. Ở Dạ ma thiên một ngày bằng hai trăm năm nhân gian; thọ lượng của họ là hai ngàn năm; và cứ tiếp tục như vậy.
(Hỏi) Từ núi Yugandhara trở lên không có mặt trời mặt trăng thì làm thế nào định được ngày đêm của các cõi này và làm thế nào chư thiên có được ánh sáng?
(Đáp) Dựa vào hoa nở và khép để định ngày đêm, cũng giống như chúng ta dựa vào hoa sen trắng (kumuda, câu-vật-đà) và hoa sen đỏ (padma, bát-đặc-ma); hoặc có nơi lại dựa vào chim hót hay lặng thinh, hoặc khi ngủ hay thức. Về ánh sáng thì tự thân chư thiên có thể phát ra ánh sáng.
Ở Sắc giới chư thiên nào có thân cao một nửa yojana - như Phạm chúng thiên - thì thọ lượng là một nửa kiếp (kalpa); và cứ tiếp tục như vậy cho đến chúng thiên ở Vô vân thiên, có thân cao mười sáu ngàn yojana cho nên cũng có thọ lượng mười sáu ngàn kiếp.
Ở Không vô biên xứ thọ lượng là hai mươi ngàn kiếp; ở Thức vô biên xứ là bốn mươi ngàn kiếp; ở Vô sở hữu xứ là sáu mươi ngàn kiếp; và ở Phi tưởng phi phi tưởng xứ hoặc Hữu đảnh là tám mươi ngàn kiếp.
(Hỏi) Ở đây “kiếp” có nghĩa là gì? Đó là nội kiếp (antarakalpas), hoại kiếp (saṃvartakalpas), thành kiếp (vivartakalpas) hay đại kiếp (mahākalpas)?
(Đáp) Từ Thiểu quang thiên (tức chúng thiên cõi dưới của tầng thiền thứ hai) trở lên là đại kiếp, trở xuống (tức Phạm chúng thiên, Phạm phụ thiên và Đại phạm thiên) là nửa đại kiếp. Bởi vì phải mất hai mươi trung kiếp để lập thành thế giới [trong đó Đại phạm thiên xuất hiện ngay từ đầu], hai mươi trung kiếp để thế giới tồn tại và hai mươi trung kiếp để thế giới hủy hoại [trong đó Đại phạm thiên cũng là cõi bị hoại cuối cùng]. Như vậy thọ lượng của Đại phạm thiên là sáu mươi trung kiếp ở giữa; sáu mươi trung kiếp tạo thành một kiếp rưỡi bởi vì một nửa đại kiếp (tức bốn mươi kiếp ở giữa) được xem như là một kiếp).
(Hỏi) Thọ lượng ở các thú ác như thế nào?
Tụng đáp:
[Sáu địa ngục đẳng hoạt, v.v. ở trên,
Lần lượt lấy thọ lượng của Lục dục thiên
Làm một ngày đêm
Về thọ lượng cũng như vậy.
Ở Cực nhiên là một nửa trung kiếp
Ở vô gián là một trung kiếp
Bàng sinh nhiều nhất là một trung kiếp
Quỷ là năm trăm năm
Có ngày dài bằng một tháng.
Thọ lượng ở Ách-bộ-đà
Như mè ở trong thúng,
Cứ một trăm năm lại lấy đi một hạt cho đến khi hết;
Các địa ngục còn lại gấp hai mươi lần.]
Luận: Một ngày ở sáu địa ngục Đẳng hoạt (Saṃjīva), Hắc thằng (Kālasūtra), Chúng hợp (Saṃghāta), Hào khiếu (Raurava), Đại khiếu (Mahāraurava), Viêm nhiệt (Tapana), theo thứ tự này tương ưng với thọ lượng của chúng thiên ở sáu cõi trời Dục giới là tứ đại vương, v.v..
Chúng sinh bị đọa vào địa ngục Đẳng hoạt có thọ lượng giống như chúng thiên tứ đại vương là năm trăm năm - một năm có mười hai tháng, một tháng có ba mươi ngày; tuy nhiên mỗi ngày ở đây đều dài bằng thọ lượng của chúng thiên tứ đại vương. Sự so sánh giữa địa ngục Hắc thằng với Tam thập tam thiên, giữa địa ngục Viêm nhiệt và Tha hóa tự tại thiên cũng theo cách như vậy.
Ở địa ngục Đại nhiệt (Pratāpana) thọ lượng là một nửa trung kiếp; ở Vô gián là một trung kiếp. Bàng sinh sống lâu nhất là một trung kiếp; đây là trường hợp của các Đại long vương như Nanda (Nan-đà), Upnanda (Bạt-nan-đà), Aśvatara (Sa-già-la), v.v.. Thế tôn nói: “Này các bí-sô, có tám đại long vương sống lâu đến một kiếp và trì giữ đại địa…”. (Mahāvyutpatti, 167, 14, 51, 66, 58, 44)
Một ngày của quỷ bằng một tháng nhân gian và chúng sống được năm trăm năm, với mỗi ngày trong năm đều dài bằng một tháng nhân gian.
Về thọ lượng ở các địa ngục cực lạnh, Thế tôn chỉ đưa ra tỷ dụ để so sánh: “Này các bí-sô, nếu một cái thúng (vāha, bà-ha) của nước Ma-yết-đà (Magadha) dùng để đựng mè có dung lượng tám mươi hộc (khāris, khu-lê) có đổ đầy mè trong đó và cứ một trăm năm lại lấy ra bớt một hạt thì đến khi lấy hết số mè này ra khỏi chúng mà thọ lượng của chúng sinh bị đọa vào địa ngục Arbuda (Ách-bộ-đà) vẫn chưa tận; đây là điều chính ta nói ra. Và này các bí-sô, thọ lượng ở địa ngục Nirarbuda (Ni-ách-bộ-đà) lại tăng gấp hai mươi lần thọ lượng ở địa ngục Arbuda;…”. (Saṃyutta, i. 152; Mahāvyutpatti, 215, 1-8)
(Hỏi) Tất cả các có số thọ lượng vừa được nói đến ở trên có sống hết thọ lượng này không?
Tụng đáp:
[Các xứ đều có trung yểu
Ngoại trừ bắc câu lư châu.]

Luận: thọ lượng của loài người ở châu Uttarakuru rất ổn định; họ sống đến một ngàn tuổi và đều sống hết thọ lượng của mình. Trong khi đó ở những nơi khác vẫn có trường hợp bị chết nửa chừng (antarāmṛtyu, trung yểu). Tuy nhiên vẫn có hữu tình không bị trung yểu, đó là trường hợp của Bồ-tát ở Đỗ sử đa thiên, chỉ còn trải qua một lần sinh; những người ở vào lần sinh cuối cùng, (tức họ sẽ không chết trước khi đắc được quả vị a-la-hán); những người được phật thọ ký; những người được phật cử làm sứ giả; tùy tín hành giả (Śraddhānusārin); tùy pháp hành giả (Dharmānusārin); người mẹ đang mang thai một vị Bồ-tát hoặc Luân vương, v.v.. Đó là các trường hợp không thể chết yểu được.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 30 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 18.216.190.167 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập