Nếu bạn nghĩ mình làm được, bạn sẽ làm được. Nhưng nếu bạn nghĩ mình không làm được thì điều đó cũng sẽ trở thành sự thật. (If you think you can, you can. And if you think you can't, you're right.)Mary Kay Ash
Hầu hết mọi người đều cho rằng sự thông minh tạo nên một nhà khoa học lớn. Nhưng họ đã lầm, chính nhân cách mới làm nên điều đó. (Most people say that it is the intellect which makes a great scientist. They are wrong: it is character.)Albert Einstein
Một người sáng tạo được thôi thúc bởi khát khao đạt đến thành công, không phải bởi mong muốn đánh bại người khác. (A creative man is motivated by the desire to achieve, not by the desire to beat others.)Ayn Rand
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Chúng ta thay đổi cuộc đời này từ việc thay đổi trái tim mình. (You change your life by changing your heart.)Max Lucado
Khi thời gian qua đi, bạn sẽ hối tiếc về những gì chưa làm hơn là những gì đã làm.Sưu tầm
Nếu muốn có những điều chưa từng có, bạn phải làm những việc chưa từng làm.Sưu tầm
Hạnh phúc không tạo thành bởi số lượng những gì ta có, mà từ mức độ vui hưởng cuộc sống của chúng ta. (It is not how much we have, but how much we enjoy, that makes happiness.)Charles Spurgeon

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH ANH NGỮ HOẶC SONG NGỮ ANH-VIỆT »» Sống một đời vui »» 4. Tánh không: Thực tại vượt ngoài thực tại »»

Sống một đời vui
»» 4. Tánh không: Thực tại vượt ngoài thực tại

(Lượt xem: 14.661)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Sống một đời vui - 4. Tánh không: Thực tại vượt ngoài thực tại

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

“Tánh Không được mô tả như là nền tảng để mọi sự việc đều là có thể.”

Ngài Tai Situ Rinpoche Đời thứ 12
Đánh thức vị Phật đang ngủ (Awakening the Sleeping Buddha)

Cảm giác rộng mở có được khi buông xả hoàn toàn tâm thức được thuật ngữ Phật giáo gọi là “tánh Không”, có lẽ là một trong những từ ngữ bị hiểu sai nhiều nhất trong triết lý nhà Phật. Đối với Phật tử, từ ngữ này khó hiểu đã đành, nhưng những độc giả phương Tây còn gặp khó khăn nhiều hơn nữa, bởi vì những dịch giả ban đầu khi dịch kinh sách Phật giáo từ Phạn ngữ và Tạng ngữ [sang Anh ngữ] đã diễn dịch tánh Không như là “sự trống rỗng” hay “hư không”, nhầm lẫn so sánh tánh Không với ý niệm không có gì tồn tại cả. Không gì có thể sai lệch hơn khi so sánh [cách hiểu này] với chân lý mà đức Phật đã tìm cách mô tả.

Trong khi đức Phật quả thật có dạy rằng bản chất của tâm thức - thật ra cũng là bản chất của mọi hiện tượng - là tánh Không, thì Ngài lại không hề muốn nói rằng bản chất đó thực sự trống rỗng, như một khoảng không. Ngài nói đó là “tánh Không”, và trong tiếng Tây Tạng [từ ngữ này] gồm hai chữ là tongpa-nyi. Chữ tongpa có nghĩa là “trống không”, nhưng chỉ trong ý nghĩa là một cái gì vượt ngoài khả năng nhận biết bằng giác quan hay mô tả bằng khái niệm của chúng ta. Có lẽ chuyển dịch đúng hơn là “không thể nhận biết” hay “không thể gọi tên”. Trong khi đó, chữ nyi không có nghĩa gì đặc biệt trong ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày, nhưng khi được dùng sau một chữ khác, nó lại mang ý nghĩa “khả năng tính” - có nghĩa là chuyện gì cũng có thể phát sinh, chuyện gì cũng có khả năng xảy ra. Vì vậy, khi nói về tánh Không, người Phật tử không muốn nói là “không có gì hết”, mà đúng hơn là [chỉ đến] một tiềm năng vô hạn khiến cho bất kỳ sự việc gì cũng có thể xuất hiện, biến chuyển hay diệt mất.

Có lẽ ở đây chúng ta có thể tìm được sự tương đồng với những hiện tượng lạ lùng và kỳ diệu mà các nhà vật lý học đã thấy được khi khảo sát sự vận hành nội tại của một nguyên tử. Theo các nhà vật lý học mà tôi đã được tiếp chuyện, tất cả các hiện tượng hạ nguyên tử xuất phát từ một nền tảng thường được gọi là “trạng thái chân không”, trạng thái có năng lượng thấp nhất trong vũ trụ hạ nguyên tử. Trong “trạng thái chân không” đó, các hạt không ngừng xuất hiện và biến mất. Vì vậy, tuy có vẻ như trống không, nhưng thật ra trạng thái này lại rất năng động, tràn ngập tiềm năng sản sinh bất kỳ sự vật nào. Trong nghĩa này, “trạng thái chân không” ấy có chung một vài đặc tính với “tánh Không của tâm thức”. Cũng như chân không được xem như trống không mà vẫn là cội nguồn cho đủ các dạng hạt sản sinh, tâm thức cũng có bản chất là “Không” ở chỗ nó thách thức mọi sự mô tả xác thực. Thế mà, từ cái nền tảng không thể định nghĩa và không thể nhận biết trọn vẹn này, tất cả các tư tưởng, cảm xúc và cảm thọ đều sinh khởi không ngừng.

Bởi vì bản chất của tâm bạn là Không, bạn có khả năng thể nghiệm một sự đa dạng tiềm tàng vô hạn những niệm tưởng, cảm xúc và cảm thọ. Ngay cả những nhận hiểu sai lầm về tánh Không cũng chỉ là những hiện tượng từ tánh Không mà sinh khởi!

Một thí dụ đơn giản có thể giúp bạn nhận hiểu phần nào về tánh Không trên bình diện kinh nghiệm.

Cách đây vài năm, một người học Phật đến xin tôi một bài pháp về tánh Không. Tôi giảng cho anh ta nghe những điểm cơ bản, và anh ta có vẻ rất vui, có thể nói là rất mừng rỡ.

“Quá hay!” Anh ta phát biểu khi cuộc trò chuyện kết thúc.

Theo kinh nghiệm, tôi biết rằng tánh Không không dễ hiểu thấu chỉ sau một bài học, vì thế tôi bảo anh ta hãy quán chiếu những điều mới học trong nhiều ngày sau đó.

Một vài ngày sau, người này đột ngột đến bên ngoài phòng tôi với vẻ mặt kinh hoàng. Mặt tái mét, lưng còng xuống, toàn thân run rẩy, anh ta cẩn thận bước ngang qua căn phòng, hệt như một người đang thăm dò mặt đất phía trước để tìm chỗ cát lún.

Cuối cùng, khi đã ngừng trước ghế tôi ngồi, anh ta nói:

- Rinpoche, thầy bảo con phải quán tánh Không. Nhưng đêm qua con chợt nghĩ rằng nếu tất cả là không, thì nguyên ngôi nhà này là không, sàn nhà là không, mặt đất ở dưới nữa cũng là không. Nếu đúng là như thế thì tại sao tất cả chúng ta lại không rơi xuyên qua sàn nhà rồi rơi xuống cả bên dưới mặt đất?

Tôi chờ anh nói xong rồi hỏi lại: “Ai là người sẽ rơi?”

Anh ta suy nghĩ câu hỏi một lúc rồi vẻ mặt thay đổi hoàn toàn. Anh kêu lên:

- Ồ, con hiểu rồi, nếu ngôi nhà là không và người cũng là không, thì không ai rơi xuống mà cũng không có gì để rơi xuyên qua.

Anh ta thở ra một hơi dài, cả người thư giãn và khuôn mặt tươi tắn trở lại. Tôi bảo anh ta hãy về quán chiếu tánh Không với kiến giải mới này.

Khoảng hai, ba ngày sau đó, anh ta lại đột ngột đến phòng tôi, mặt mày tái mét và toàn thân run rẩy như lần trước. Anh ta bước ngang phòng và rõ ràng là anh đang cố hết sức để nín thở, hãi hùng không dám thở ra.

Ngồi xuống trước mặt tôi, anh ta nói:

- Rinpoché, con quán chiếu về tánh Không như thầy đã dạy, và con hiểu rằng cũng như ngôi nhà và mặt đất bên dưới, con cũng là không! Nhưng khi con tiếp tục quán chiếu như thế, càng lúc con càng đi sâu hơn vào phép quán này, cho tới lúc con không còn có thể nhìn thấy hay cảm giác gì nữa. Con quá sợ là nếu con chẳng là gì khác hơn sự trống không, hẳn con sẽ chết mất. Vì thế sáng nay con vội chạy đến đây gặp thầy. Nếu con chỉ là sự trống không, vậy căn bản con không là gì cả, và sẽ không có gì để giữ cho con khỏi tan loãng mất đi vào hư vô.

Khi chắc chắn anh đã dứt lời, tôi hỏi: “Ai là người sẽ tan loãng?”

Tôi chờ một lúc để anh thấm thía câu hỏi rồi thúc tiếp:

- Anh đã nhầm lẫn giữa tánh Không với hư vô. Gần như ai cũng nhầm lẫn như vậy lúc ban đầu, luôn cố nhận hiểu tánh Không như một ý tưởng hay một khái niệm. Chính tôi cũng đã từng nhầm lẫn như vậy. Nhưng thực sự không có cách nào để nhận hiểu tánh Không bằng khái niệm. Anh chỉ có thể thực sự nhận ra được nó bằng kinh nghiệm trực tiếp. Tôi không đòi hỏi anh phải tin tôi. Tôi chỉ muốn nói rằng, những lần sau khi ngồi xuống tọa thiền, anh hãy tự hỏi: “Nếu bản chất của mọi sự là Không, thì ai hay cái gì có thể tan loãng? Ai hay cái gì được sinh ra và ai hay cái gì có thể chết đi?” Hãy thử làm như thế, và câu trả lời đạt được có thể sẽ làm anh ngạc nhiên.

Sau một tiếng thở dài, anh ta chấp nhận nỗ lực lần nữa.

Nhiều ngày sau đó, anh trở lại phòng tôi, mỉm cười một cách an tĩnh và báo tin:
- Con nghĩ là con đã bắt đầu hiểu được tánh Không.

Tôi mời anh giải thích.

- Con đã làm theo lời Thầy dạy, và sau một thời gian dài quán chiếu đề tài đó, con nhận ra rằng “tánh Không” không phải là hư vô, bởi vì nhất định phải có cái gì đó trước khi có thể là không có gì. Tánh Không là tất cả - tất cả các khả năng tồn tại và không tồn tại mà ta có thể tưởng tượng, đồng thời xảy ra. Vì vậy, nếu chân tánh của chúng ta là Không, thì không thể nói rằng bất kỳ ai đó là thực sự chết đi, và cũng không thể nói rằng bất kỳ ai đó là thực sự sinh ra, vì khả năng hiện hữu theo cách như thế này hay không hiện hữu theo cách như thế kia luôn thường xuyên tồn tại trong mỗi chúng ta.

Tôi bảo anh ta: “Tốt lắm! Bây giờ hãy quên đi tất cả những gì anh vừa nói, vì nếu anh tìm cách nhớ lại một cách chính xác, anh sẽ biến tất cả những điều anh đã học được thành một khái niệm, và chúng ta sẽ phải làm lại từ đầu.”

HAI CHÂN LÝ: TUYỆT ĐỐI VÀ TƯƠNG ĐỐI

Không thể dạy về chân lý tuyệt đối mà không dựa trên chân lý tương đối…

Bồ Tát Long Thụ Trung quán luận tụng (Madhyamakarika)
Maria Montenegro dịch sang Anh ngữ

Hầu hết chúng ta đều cần thời gian quán chiếu để hiểu được tánh Không. Khi tôi dạy về đề tài này, một trong những câu đầu tiên mà người ta thường hỏi là:

- Được rồi, nếu nền tảng của thực tại là tánh Không, thì vạn pháp sinh khởi từ đâu?

Đó là một câu hỏi rất hay, rất sâu sắc nữa là khác. Nhưng sự tương quan giữa tánh Không và kinh nghiệm không đơn giản đến thế - hay đúng hơn là nó quá đơn giản đến nỗi dễ bị hiểu sai. Thật ra, chính từ tiềm năng vô hạn của tánh Không mà vạn pháp - một thuật ngữ “tổng quát” bao hàm cả tư tưởng, cảm xúc, cảm giác và thậm chí cả các đối tượng vật thể - có thể hiện khởi, chuyển động, thay đổi và cuối cùng là hoại diệt.

Thay vì đi vào thảo luận về cơ học lượng tử - chuyên ngành hiện đại của vật lý học khảo sát vật chất ở các cấp độ nguyên tử và hạ nguyên tử, mà tôi xin thú thật là không thuộc chuyên môn của tôi, tôi thấy rằng cách thức hay nhất để miêu tả khía cạnh này của tánh Không là trở lại với sự so sánh nó với hư không như đã được hiểu vào thời đức Phật: sự rộng mở bao la vốn tự nó không phải một sự vật, mà đúng hơn là một phông nền vô hạn, không thuộc tính, để dựa vào đó và thông qua đó mà các thiên hà, tinh tú, tinh cầu, thú vật, loài người, sông ngòi, cây cỏ v.v... có thể hiện lên và chuyển động. Nếu không có hư không thì không có gì trong những vật thể kể trên có thể trình hiện cá biệt hay với thuộc tính riêng. Sẽ không có khoảng không để chúng hiện ra, không có phông nền để chúng được nhìn thấy trên đó. Các tinh tú, tinh cầu chỉ có thể hình thành, chuyển động và tan biến trên phông nền là hư không. Bản thân chúng ta có thể đứng, ngồi và đi lại vào ra một căn phòng là nhờ có khoảng không quanh ta. Thân thể ta cũng chứa đầy những khoảng không, những lỗ thông ra bên ngoài cho phép ta hít thở, nuốt vào, nói năng v.v... và cả những khoảng không bên trong các cơ quan nội tạng, như các lá phổi mở ra khép vào mỗi khi ta hít vào thở ra.

Có một mối quan hệ cũng tương tự như trên giữa tánh Không và vạn pháp. Không có tánh Không thì không gì có thể trình hiện; không có các hiện tượng thì ta không thể thể nghiệm nền tảng tánh Không mà từ trong đó vạn pháp hiện khởi. Vì thế, trong một ý nghĩa nào đó, ta phải nói là có một sự tương quan giữa tánh Không và các hiện tượng. Nhưng cũng có một khác biệt quan trọng. Tánh Không, hay khả năng tính vô hạn, là bản chất tuyệt đối của thực tại. Tất cả những gì hiển lộ từ tánh Không - tinh tú, thiên hà, con người [và các vật thể như] bàn ghế, bóng đèn, đồng hồ... và ngay cả nhận thức của chúng ta về thời gian và không gian - đều là sự hiển lộ tương đối của khả năng tính vô hạn, một sự trình hiện nhất thời trong bối cảnh vô hạn của không gian và thời gian.

Bây giờ, tôi muốn chỉ ra một khác biệt cực kỳ quan trọng nữa giữa thực tại tuyệt đối và tương đối. Theo cách hiểu của Phật giáo, và dường như cũng là của một số trường phái tư tưởng khoa học phương Tây hiện đại, chỉ có những gì không thay đổi, không thể chịu ảnh hưởng bởi thời gian và hoàn cảnh, hay không thể chia chẻ thành những phần nhỏ hơn được kết nối với nhau, mới có thể được gọi là thực thể tuyệt đối. Trên căn bản của định nghĩa này, tôi học được rằng tánh Không là thực thể tuyệt đối - vì nó là tiềm năng không thể đo lường và xác định, là bối cảnh của tất cả các hiện tượng, không do tạo tác mà thành và không bị tác động bởi sự thay đổi của các nhân duyên. Và vì tâm bản nhiên là không tịch, hoàn toàn rộng mở và không bị giới hạn bởi bất kỳ loại thuộc tính nào có thể gọi tên hay định nghĩa, nên không một tư tưởng hay lời nói nào của bất kỳ ai về các hiện tượng, ngay cả của chính tôi, có thể thực sự được xem như định nghĩa được chân tánh của tâm.

Nói cách khác, thực tại tuyệt đối không thể diễn bày được bằng ngôn từ, hình ảnh hay thậm chí là sự biểu trưng của các công thức toán học. Tôi từng nghe rằng một số tôn giáo khác cũng hiểu được bản tánh của tuyệt đối là không thể diễn bày bằng những phương pháp nói trên và phủ nhận việc mô tả tính tuyệt đối bằng tên gọi hay hình ảnh. Ít nhất thì về điểm này Phật giáo đồng ý: Tính tuyệt đối chỉ có thể được nhận biết qua sự thể nghiệm.

Trong khi đó thì việc phủ nhận rằng ta đang sống trong một thế giới có sự vật trình hiện, thay đổi và hoại diệt trong không gian và thời gian cũng là điều vô lý. [Mọi việc diễn ra quanh ta, như] con người đi lại, bàn ghế gãy vỡ, ai đó uống một ly nước và nước trong ly không còn nữa... Trong thuật ngữ Phật học, sự thể nghiệm ở cấp độ thay đổi không ngừng này được gọi là thực tại tương đối - tương đối, có nghĩa là so với trạng thái bất biến và không thể xác định của thực tại tuyệt đối.

Vì thế, trong khi việc làm ra vẻ không nhận biết những sự vật như bàn ghế, nước, tư tưởng, các tinh cầu... là điều điên rồ, nhưng đồng thời ta cũng không thể cho rằng bất kỳ sự vật nào trong số đó là tồn tại nhờ vào tự tính sẵn có theo một cách hoàn toàn không phụ thuộc và tự chúng hoàn mãn. Theo định nghĩa, bất kỳ sự vật nào tồn tại nhờ vào tự tính sẵn có thì nhất định là phải thường hằng và bất biến. Sự vật ấy không thể bị chia chẻ thành những phần nhỏ hơn hay bị tác động bởi những chuyển biến của nhân duyên.

Đó là một cách miêu tả đúng đắn về mặt tri thức mối quan hệ giữa thực tại tuyệt đối và tương đối. Nhưng nó không thực sự đem lại một sự trực nhận, hay theo cách chúng ta ngày nay thường nói là một sự nhận hiểu thấu tâm can, cần thiết để có thể thực sự nắm bắt mối quan hệ đó. Khi các vị đệ tử thỉnh cầu đức Phật giải thích về mối quan hệ giữa thực tại tuyệt đối và thực tại tương đối, ngài thường dùng thí dụ các giấc mơ và chỉ ra rằng những kinh nghiệm lúc thức tỉnh của ta cũng tương tự như những kinh nghiệm trong giấc mơ. Tất nhiên là những thí dụ trong giấc mơ mà ngài dùng liên quan đến những sự vật gần gũi với các vị đệ tử của ngài vào thời ấy, như trâu bò, lúa thóc, những mái nhà tranh, vách đất...

Tôi không nghĩ là những thí dụ ấy lại có cùng tác dụng đối với những người sống ở thế kỷ 21 này. Vì vậy, khi thuyết giảng tôi thường dùng những thí dụ gần gũi với những người đang nghe. Giả sử, bạn là người rất thích xe hơi. Chắc hẳn bạn rất vui mừng khi nằm mộng thấy có người tặng bạn một chiếc xe mới tinh mà bạn không phải tốn một đồng xu nào. “Con người trong mộng” của bạn sẽ rất hạnh phúc khi nhận được “chiếc xe trong mộng”, hạnh phúc lái chiếc xe ấy và hạnh phúc mang khoe với tất cả những người quen biết.

Nhưng giả sử trong giấc mơ ấy, bạn đang lái xe và thình lình có một chiếc xe khác đâm vào bạn. Đầu xe của bạn hoàn toàn bị hư nát và bạn bị gãy một chân. Trong mộng, hẳn là bạn lập tức chuyển từ hạnh phúc sang tuyệt vọng. Xe bạn hư hỏng, bạn không có “bảo hiểm trong mộng”, và cái chân gãy đang làm cho bạn đau đớn khủng khiếp. Thậm chí bạn có thể bật khóc trong mơ, và khi tỉnh dậy thì gối bạn ướt đẫm nước mắt.

Bây giờ, tôi sẽ đặt một câu hỏi, nhưng không khó lắm đâu. Chiếc xe trong mộng có thật hay không?

Dĩ nhiên câu trả lời là không. Không có kỹ sư nào thiết kế chiếc xe ấy, không có hãng xưởng nào lắp ráp nó. Nó không được cấu tạo bởi những thành phần làm nên một chiếc xe thật, hoặc bởi các phân tử, nguyên tử đã hợp thành mỗi phần khác nhau của chiếc xe. Dù vậy, trong khi đang nằm mộng bạn đã trải nghiệm một chiếc xe rất thật. Thật ra, bạn cảm nhận tất cả những gì trong mộng đều là thật, và bạn phản ứng với những trải nghiệm [trong mộng] bằng những tư tưởng và cảm xúc cũng rất thật. Thế nhưng, cho dù những kinh nghiệm trong giấc mơ có vẻ như thật đến đâu đi chăng nữa, cũng không thể nói rằng chúng được hiện hữu theo một tự tính sẵn có, phải không? Khi thức dậy, giấc mơ chấm dứt và tất cả những gì bạn thấy trong mơ đều tan biến vào tánh Không: khả năng tính vô hạn để cho bất kỳ việc gì cũng có thể xảy ra.

Đức Phật dạy rằng, cũng giống như thế, mọi dạng thức của kinh nghiệm đều là sự biểu hiện sinh khởi từ tiềm năng vô hạn của tánh Không. Như đã nói trong Tâm kinh [Bát-nhã], một trong những giáo pháp nổi tiếng nhất của Đức Phật:

Sắc chính là không,
Không chính là sắc.
Sắc chẳng khác không,
Không chẳng khác sắc.
(Sắc tức thị không, Không tức thị sắc. Sắc bất dị không, Không bất dị sắc.)

Theo cách diễn đạt thời hiện đại, bạn có thể nói: “Chiếc xe trong mộng chính là chiếc xe không hiện hữu theo tự tánh sẵn có. Chiếc xe không hiện hữu theo tự tánh sẵn có chính là chiếc xe trong mộng. Chiếc xe trong mộng không khác với chiếc xe không hiện hữu theo tự tánh sẵn có. Chiếc xe không hiện hữu theo tự tánh sẵn có không khác với chiếc xe trong mộng.”

Dĩ nhiên, có thể phản biện rằng, theo lý mà xét thì những gì bạn trải nghiệm trong đời sống thật không thể so sánh với những sự kiện bạn cảm nhận trong lúc nằm mơ. Rốt cuộc thì khi tỉnh dậy bạn không thực sự bị gãy chân và không có chiếc xe hỏng nào trên lối vào trước cửa nhà. Thế nhưng, nếu bạn gặp tai nạn trong đời sống thật, có lẽ bạn đã phải nằm bệnh viện và đối mặt với chiếc xe hư hỏng thiệt hại đến hàng ngàn đô-la.

Dù vậy, nền tảng kinh nghiệm của bạn vẫn là như nhau trong những giấc mơ cũng như trong đời sống thật: những tư tưởng, cảm giác, cảm thọ vốn luôn thay đổi tùy theo hoàn cảnh. Nếu bạn luôn nhớ đến sự so sánh này thì bất kể điều gì xảy đến cho bạn trong đời sống thật cũng sẽ không còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến bạn nữa. Tư tưởng chỉ là tư tưởng. Cảm giác chỉ là cảm giác. Cảm thọ chỉ là cảm thọ. Chúng đến và đi trong đời sống thật cũng nhanh chóng và dễ dàng như trong những giấc mơ.

Tất cả những gì bạn trải nghiệm đều thay đổi tùy theo sự thay đổi của các điều kiện liên quan. Dầu chỉ có một điều kiện duy nhất thay đổi, dạng thức kinh nghiệm của bạn cũng sẽ thay đổi. Không có người nằm mơ sẽ không có giấc mơ. Không có tâm thức của người nằm mơ cũng không có giấc mơ. Nếu người nằm mơ [trước đó] không đi ngủ, cũng không có giấc mơ. Tất cả những điều kiện ấy phải hội đủ mới có giấc mơ.

MỘT BÀI TẬP VỀ TÁNH KHÔNG

Bản chất của tâm thức là Không. Tuy là Không, nhưng mọi thứ không ngừng hiện khởi trong ấy.

Ngài Gyalwang Karmapa Đời thứ 3

Karmapa Chứng đạo ca: Liễu nghĩa Đại thủ ấn kỳ nguyện văn (Song of Karmapa: The Aspiration of the Mahamudra of True Meaning )
Erik Pema Kunsang dịch sang Anh ngữ

Hiểu được tánh Không qua tri thức là một việc, nhưng trực nghiệm tánh Không lại là một việc khác. Vậy chúng ta hãy thử một bài tập nữa, hơi khác với bài tập miêu tả trong những chương trước. Lần này bạn sẽ chú ý thật kỹ vào những tư tưởng, cảm xúc và cảm thọ của mình, lúc chúng từ tánh Không hiện khởi, tạm thời biểu hiện như là tánh Không và tan biến trở về trong tánh Không. Nếu không có tư tưởng, cảm giác và cảm thọ nào sinh khởi trong bạn thì hãy khơi dậy chúng, bằng tất cả khả năng của bạn, thật nhanh chóng, cái này nối tiếp cái khác. Điểm chính yếu của bài tập là cố hết sức để quan sát thật nhiều các thể dạng kinh nghiệm. Nếu bạn không quan sát chúng, chúng sẽ trôi vào quên lãng. Đừng bỏ sót không quan sát bất kỳ tư tưởng, cảm xúc và cảm giác nào.

Hãy bắt đầu bằng cách ngồi thẳng lưng, trong một tư thế thư giãn và hít thở bình thường. Sau khi đã ngồi yên ổn, hãy bắt đầu quan sát thật rõ ràng các tư tưởng, cảm xúc và cảm giác của mình. Xin nhớ, nếu không có gì hiện khởi, hãy bắt đầu suy nghĩ vẩn vơ trong tâm trí. Hãy quan sát thật rõ ràng bất kỳ điều gì bạn cảm nhận được như sự đau đớn, sức ép, tiếng động v.v... Ngay cả những ý nghĩ như “tư tưởng này tốt”, “tư tưởng này xấu”, “tôi thích bài tập này” hay “tôi ghét bài tập này”, đều là những tư tưởng mà bạn có thể quan sát. Thậm chí bạn cũng có thể quan sát một điều đơn giản như cảm giác ngứa ngáy. Để có hiệu quả tốt nhất, bạn cần tiếp tục tiến trình này trong ít nhất là một phút.

Bạn đã sẵn sàng chưa? Nào, hãy bắt đầu!

Hãy quan sát những động chuyển của tâm…

Hãy quan sát những động chuyển của tâm…

Hãy quan sát những động chuyển của tâm…

Nào, bây giờ hãy dừng lại!

Điểm chính của bài tập này là chỉ đơn giản quan sát tất cả những gì đi qua sự nhận biết của bạn, khi chúng hiện khởi từ tánh Không, tạm thời trình hiện và rồi tan biến trở về tánh Không, một tiến trình giống như những con sóng nổi lên rồi chìm xuống trong một đại dương mênh mông. Bạn đừng ngăn chặn các tư tưởng, cảm xúc v.v... và cũng đừng chạy theo chúng. Nếu bạn theo đuổi chúng, để cho chúng dẫn dắt, chúng sẽ bắt đầu chi phối bạn và bạn mất đi khả năng đáp ứng một cách cởi mở và tức thời trong thời khắc hiện tại. Ngược lại, nếu bạn cố ngăn chặn các tư tưởng, tâm thức bạn sẽ trở nên căng thẳng và hạn hẹp.

Điều này rất quan trọng, vì có nhiều người nhầm lẫn cho rằng thiền là phải dụng công ngăn chặn sự chuyển động tự nhiên của tư tưởng và cảm xúc. Sự chuyển động này có thể bị ngăn lại trong một khoảng thời gian ngắn, và thậm chí có thể mang lại một thoáng an ổn, nhưng đó là sự an ổn không có sự sống. Một trạng thái hoàn toàn không có tư tưởng, không có cảm xúc là một trạng thái không có sự nhận thức hay sự trong sáng.

Tuy nhiên, nếu bạn thực tập để yên cho tâm thức ở trong trạng thái tự nhiên vốn có của nó, thì cuối cùng tự nó sẽ tĩnh lặng dần. Bạn sẽ phát triển một cảm giác rộng mở thênh thang, đồng thời gia tăng khả năng thể nghiệm mọi sự một cách sáng suốt, không thiên lệch. Một khi bạn bắt đầu quan sát các tư tưởng, cảm xúc... đến và đi một cách tỉnh giác, bạn sẽ nhận ra tất cả chỉ là những hiện tượng tương đối. Chúng chỉ có thể được xác định trong mối tương quan với các kinh nghiệm khác. Một ý nghĩ vui được nhận biết nhờ sự khác biệt với một ý nghĩ không vui, giống như một người được xem là “cao” chỉ trong tương quan với một người nào đó thấp hơn. Tự thân người ấy chẳng phải cao, chẳng phải thấp. Tương tự, một tư tưởng hoặc một cảm giác tự nó không thể được mô tả như là thiện hay ác, xấu hay tốt, trừ phi được so sánh với những tư tưởng khác. Không có sự so sánh như thế, một tư tưởng, một cảm giác hay một nhận thức chỉ là chính nó. Chúng không tự có những phẩm chất hay đặc điểm nào, và tự bản thân chúng không thể được xác lập trừ phi có sự so sánh.

VẬT LÝ THỰC NGHIỆM

Các vật thể không nằm trong không gian, mà chúng được nới rộng từ khoảng không. Theo đó, khái niệm “không gian trống không” không còn ý nghĩa.

Albert Einstein
Tương đối luận - bản in lần thứ 15 (Relativity)

Khi nói chuyện với các nhà khoa học hiện đại, tôi đã kinh ngạc trước một số điểm tương đồng giữa những nguyên tắc của cơ học lượng tử và kiến giải của Phật giáo về sự tương quan giữa tánh Không và hiện thể. Vì sự khác biệt ngôn ngữ, tôi phải mất một thời gian mới nhận ra rằng chúng tôi đang nói những điều giống nhau: mọi hiện tượng hiển lộ qua từng thời khắc tiếp nối, chịu sự chi phối của các tác nhân và điều kiện được tạo ra bởi gần như là vô số sự kiện khác nhau.

Để hiểu rõ giá trị của những sự tương đồng ấy, tôi thấy cần thiết phải có một số kiến thức về các nguyên lý của vật lý học cổ điển, vì đó là nền tảng cho sự phát triển của cơ học lượng tử. “Vật lý học cổ điển” là một thuật ngữ chung để miêu tả một loạt các lý thuyết về sự vận hành của thế giới tự nhiên dựa trên những phát kiến của Issac Newton, một thiên tài của thế kỷ 17, cùng với các nhà khoa học đã đóng góp vào những khám phá của ông và đi theo định hướng của ông. Theo cách nhìn của vật lý học cổ điển thì vũ trụ được quan niệm như là một cỗ máy khổng lồ và có trật tự. Dựa theo “mô thức cỗ máy” ấy, nếu biết được vị trí và dự chuyển - tức là tốc độ và phương hướng di chuyển - của tất cả các hạt vật chất trong vũ trụ và lực tác động lẫn nhau giữa các hạt vào một thời điểm nhất định nào đó, thì ta có thể dự đoán được vị trí và dự chuyển của tất cả các hạt trong vũ trụ vào bất kỳ thời điểm nào trong tương lai. Tương tự, ta có thể biết được toàn bộ lịch sử quá khứ của vũ trụ qua một sự mô tả trọn vẹn về thực trạng hiện nay của nó. Lịch sử của vũ trụ có thể được hiểu như là một mạng lưới khổng lồ hình thành bởi những quá trình lịch sử của từng hạt vật chất riêng lẻ, được nối kết với nhau bởi những định luật nhân quả tuyệt đối và có thể nhận hiểu được.

Tuy nhiên, các định luật và lý thuyết của vật lý học cổ điển phần lớn đều dựa trên sự quan sát những hiện tượng vĩ mô, như sự di chuyển của các ngôi sao và tinh cầu, và sự tương tác giữa các vật thể trên quả đất. Nhưng những tiến bộ kỹ thuật của thế kỷ 19 và 20 đã cho phép các nhà khoa học nghiên cứu ứng xử của các hiện tượng ở những mức độ ngày càng nhỏ hơn, và những thí nghiệm của họ - vốn là nền tảng của cơ học lượng tử (cấu trúc cơ bản của vật lý học hiện đại) - đã bắt đầu cho thấy rằng ở mức độ cực kỳ vi tế, các hiện tượng vật lý không còn ứng xử theo một cung cách ngoan ngoãn, có trật tự và có thể dự đoán như sự miêu tả của vật lý học cổ điển.

Một trong những điểm gây hoang mang nhiều nhất của những thí nghiệm ấy là sự phát hiện rằng những gì mà chúng ta thường xem như “vật chất” đó có thể là không cứng chắc và có thể xác định như chúng ta vẫn tưởng. Khi được quan sát ở cấp độ hạ nguyên tử, “vật chất” đã ứng xử một cách khá lạ lùng, có khi thì bộc lộ những đặc tính chung của các hạt vật chất, và có khi lại hiện ra như những “sóng” năng lượng phi vật chất. Theo sự hiểu biết của tôi, những hạt hay sóng ấy không thể đồng thời được xác định về mặt vị trí và dự chuyển. Vì thế quan điểm cổ điển về việc miêu tả trạng thái vũ trụ theo vị trí và dự chuyển của các hạt vật chất đã sụp đổ.

Giống như cơ học lượng tử đã phát triển qua thời gian từ các định luật của vật lý học cổ điển, cũng thế, đức Phật đã miêu tả bản chất của kinh nghiệm theo một tiến trình phát triển dần dần, tùy theo khả năng lãnh hội của người nghe, với mỗi một tri kiến đều được hình thành từ tri kiến trước đó. Về mặt lịch sử, những Giáo pháp này được phân chia thành ba thời, gọi là “Tam chuyển pháp luân”. Chữ dharma trong tiếng Sanskrit, được dịch là pháp, ở đây có nghĩa là “chân lý”, hay nói đơn giản hơn là “cách thức tồn tại của sự vật”.

Đức Phật thuyết giảng bài pháp đầu tiên ở vườn Lộc Uyển, một khu đất rộng gần Varanasi, ngày nay là vùng Benares thuộc Ấn Độ. Những bài pháp đầu tiên miêu tả bản chất tương đối của thực tại dựa trên những kinh nghiệm vật lý có thể quan sát được. Giáo pháp của lần chuyển pháp luân thứ nhất thường được tóm tắt trong một loạt phát biểu được gọi là “Tứ Diệu Đế”, nhưng có thể được miêu tả một cách chính xác hơn là “Bốn tuệ giác thanh tịnh về cách thức tồn tại của sự vật”. Bốn tuệ giác thanh tịnh này có thể được tóm lược như sau:

1. Đời sống thế tục chịu ảnh hưởng bởi khổ đau.

2. Khổ đau có nguyên nhân của nó.

3. Nguyên nhân của khổ đau có thể dứt trừ.

4. Có một con đường đơn giản đưa đến sự dứt trừ các nguyên nhân của khổ đau.

Trong thời chuyển pháp luân thứ hai và thứ ba, đức Phật bắt đầu miêu tả những đặc tính của thực tại tuyệt đối. Thời chuyển pháp luân thứ hai, - giảng ở núi Linh Thứu, một ngọn núi thuộc tiểu bang Bihar vùng đông bắc Ấn Độ - đặt trọng tâm vào bản chất của tánh Không, tâm từ, tâm bi và tâm Bồ-đề (Tâm Bồ-đề hay Boddhicitta là một từ ngữ Sanskrit, thường được dịch là “giác tâm” hay “giác trí”). Lần chuyển pháp luân thứ ba, đức Phật dạy về những tính chất nền tảng của tánh Phật, được thuyết giảng ở nhiều địa điểm khác nhau khắp nước Ấn Độ.

Tự thân ba thời chuyển pháp luân này là rất lôi cuốn, xét theo những gì ta học được về bản chất của tâm thức, vũ trụ và cách thức mà tâm thức nhận biết kinh nghiệm. Nhưng đồng thời cách phân chia ba thời này cũng giúp làm sáng tỏ những quan điểm đã khởi sinh trong các vị đệ tử đầu tiên của đức Phật.

Sau khi đức Phật nhập diệt, các vị đệ tử không phải bao giờ cũng đồng ý với nhau về cách nhận hiểu chính xác những gì Ngài đã dạy; một số trong các vị có thể đã không được nghe đủ cả ba thời chuyển pháp luân. Sự bất đồng ý kiến giữa các vị cũng chỉ là điều tự nhiên, vì như đức Phật đã nhiều lần nhấn mạnh, điểm tinh yếu trong giáo pháp của Ngài không thể nắm hiểu đơn thuần bằng tri thức, mà chỉ có thể thực chứng qua kinh nghiệm trực tiếp.

Những người chỉ được học giáo pháp qua lần chuyển pháp luân thứ nhất đã phát triển thành hai trường phái tư tưởng, đó là phái Hữu Bộ (Vaibhasika) và phái Kinh Bộ (Sautantrika), vốn quan niệm rằng các cực vi trần - tạng ngữ gọi là dul-tren hoặc dul-tren-cha-may, tạm dịch là những “hạt vật chất nhỏ nhất” hay “hạt vật chất không thể chia chẻ” - là tuyệt đối “có thật”, trong ý nghĩa là tự chúng đã trọn vẹn, không thể phân chia thành những phần nhỏ hơn. Những cực vi trần căn bản này được xem là phần thiết yếu hình thành tất cả các hiện tượng. Những cực vi trần này không bao giờ có thể tan rã hay mất đi, mà chỉ chuyển hóa thành các dạng thức khác. Thí dụ, những dul-tren-cha-may của gỗ không hề bị mất đi khi một khúc củi bị đốt, mà chỉ đơn thuần là chuyển biến thành khói hay lửa - một quan niệm không khác với định luật “bảo toàn năng lượng”, một nguyên lý căn bản của vật lý học cho rằng năng lượng không thể được tạo ra hay mất đi, mà chỉ có thể chuyển biến thành những dạng thức khác. Thí dụ, năng lượng hóa học trong xăng dầu có thể chuyển hóa thành năng lượng cơ học làm cho xe chạy.

Tới đây bạn có thể tự hỏi, sự phát triển của vật lý học hiện đại thì liên quan gì đến việc đạt được hạnh phúc cá nhân? Nhưng nếu bạn chịu khó nghe tôi thêm một lát nữa, sự liên quan đó sẽ trở nên rõ ràng.

Những giáo pháp thuyết giảng về sau của đức Phật đã chứng minh rằng chỉ riêng việc các cực vi trần có thể chuyển hóa - như Albert Einstein sẽ chứng minh trong nhiều thế kỷ sau này qua phương trình nổi tiếng E = mc², bằng một ngôn ngữ rất cơ bản đã miêu tả các hạt vật chất như là những gói năng lượng nhỏ - cũng cho thấy rằng một dul-tren hay dul-tren-cha-may thật ra chỉ là một hiện tượng nhất thời và vì vậy không thể được xem là một thực thể căn bản hay tuyệt đối.

Hãy lấy một thí dụ trong đời sống thường ngày là nước. Dưới điều kiện rất lạnh, nước đóng thành băng. Dưới nhiệt độ bình thường, nước là chất lỏng. Khi đun sôi, nước bốc thành hơi. Trong các thí nghiệm khoa học, các phân tử của nước có thể được tách ra thành những nguyên tử hydrogen và oxygen, và khi những nguyên tử này được khảo sát kỹ hơn, chúng bao gồm những hạt hạ nguyên tử càng lúc càng nhỏ hơn.

Có một điểm tương đồng thú vị giữa quan điểm của 2 phái Hữu bộ và Kinh bộ với vật lý học cổ điển. Theo vật lý học cổ điển - có thể là tôi đang đơn giản hóa tối đa vấn đề để khái niệm này dễ hiểu hơn - các yếu tố cơ bản của vật chất cũng như những thực thể lớn như các ngôi sao, tinh cầu và thân người, có thể được miêu tả xét về những đặc tính có thể đo lường được một cách chính xác, chẳng hạn như vị trí hay dự chuyển, và ngoan ngoãn di chuyển trong không gian, thời gian theo những phương thức có thể dự đoán trong sự phối hợp hoàn hảo với những lực nhất định, chẳng hạn như trọng lực và điện lực. Cách suy diễn cổ điển này vẫn còn rất hiệu nghiệm trong việc dự đoán sự vận hành của các hiện tượng vĩ mô, như sự di chuyển của các hành tinh.

Tuy nhiên, theo như tôi đã được giải thích, những tiến bộ kỹ thuật trong thế kỷ 19 đã bắt đầu mang lại cho các nhà vật lý học những phương tiện để quan sát các hiện tượng vật lý với chi tiết cực nhỏ. Đầu thế kỷ 20, nhà vật lý học người Anh J. J. Thomson đã theo đuổi một loạt thí nghiệm đưa đến sự phát hiện rằng nguyên tử không phải là một thực thể rắn chắc, mà thật ra là được cấu tạo bởi nhiều hạt nhỏ hơn - đáng kể nhất là các hạt tích điện được gọi là electron. Dựa trên những thí nghiệm của Thomson, nhà vật lý học Edward Rutheford đã sáng chế một mô hình nguyên tử - rất quen thuộc với hầu hết những người phương Tây đã học qua các lớp hóa học hay vật lý học thời trung học - như một kiểu thái dương hệ thu nhỏ bao gồm các electron xoay quanh một hạt nguyên tử trung tâm được gọi là hạt nhân.

Điều bất ổn của mô hình “thái dương hệ” nguyên tử Rutheford là nó không tính đến một sự thật đã quan sát được, đó là khi được làm nóng lên thì các nguyên tử luôn luôn phát ra những tia sáng năng lượng mang các đặc tính nào đó. Một loạt cấp độ năng lượng, vốn là khác nhau tùy theo mỗi loại nguyên tử, thường được gọi là “quang phổ nguyên tử”. Vào năm 1914, Niels Bohr nhận thấy rằng nếu các electron trong một nguyên tử được xử lý như dạng sóng thì quang phổ năng lượng nguyên tử có thể được giải thích một cách chính xác. Đây là một trong những thành công vĩ đại ban đầu của cơ học lượng tử, đã bắt buộc giới khoa học phải bắt đầu xem xét nghiêm túc lý thuyết lạ lùng mới mẻ này.

Tuy nhiên, trong khoảng cùng thời gian ấy, Albert Einstein đã chứng minh rằng cũng có thể miêu tả các tia năng lượng không phải như dạng sóng, mà như các hạt được ông gọi là “quang tử” (photon). Khi các quang tử được hướng vào một đĩa kim loại, chúng sẽ tăng nhanh hoạt động của các electron và tạo ra dòng điện. Tiếp theo sau khám phá của Einstein, một số các nhà vật lý học bắt đầu những thí nghiệm cho thấy rằng tất cả các dạng năng lượng đều có thể được miêu tả như là các hạt, một quan điểm rất giống với kiến giải của trường phái Hữu Bộ.

Khi các nhà vật lý học hiện đại tiếp tục nghiên cứu thế giới của các hiện tượng hạ nguyên tử, họ vẫn phải đương đầu với vấn đề là các hiện tượng hạ nguyên tử này - cái mà chúng ta có thể gọi là yếu tố căn bản hình thành “thực tại” hay “kinh nghiệm” - đôi khi ứng xử như dạng hạt và đôi khi lại ứng xử như dạng sóng. Vì vậy họ chỉ có thể đưa ra một khả năng, rằng một hạ nguyên tử có thể bộc lộ một số đặc tính nào đó hay ứng xử theo một cách nào đó. Trong khi lý thuyết lượng tử có vẻ như chắc chắn là chính xác trong ứng dụng thực tiễn - như đã chứng minh trong việc phát triển tia laser, đèn bán dẫn, máy quét dùng trong siêu thị, hay các con chip trong máy tính... - nhưng sự giải thích của thuyết lượng tử về vũ trụ vẫn chỉ là một sự miêu tả hiện tượng theo kiểu toán học khá trừu tượng. Nhưng điều quan trọng là đừng quên rằng toán học là một ngôn ngữ biểu trưng - một kiểu thi ca sử dụng những con số và ký hiệu thay vì ngôn từ để truyền đạt một ý nghĩa của thực tại tiềm ẩn sau kinh nghiệm quy ước của chúng ta.

SỰ TỰ DO CỦA KHẢ TÍNH

Chỉ cần tỉnh táo nhận biết bất kỳ điều gì đang sinh khởi.

Gyalwang Karmapa đời thứ 9

Đại thủ ấn: Liễu nghĩa hải (Mahamudra: The Ocean of Definitive Meaning)
Elizabeth M. Callahan dịch sang Anh ngữ

Trong những giáo pháp được đưa ra ban đầu, đức Phật đã đề cập đến vấn đề khổ đau do bám chấp vào sự tồn tại trên cơ sở tự tính hoặc sự thật có tuyệt đối của kinh nghiệm (bao gồm cả niềm tin vào sự tồn tại trên cơ sở tự tính của một bản ngã cũng như các hiện tượng vật chất). Về sau, khi thính chúng trở nên thông tuệ hơn, ngài bắt đầu giảng về tánh Không và tánh Phật một cách trực tiếp hơn. Tương tự, những khái niệm của các nhà vật lý học cổ điển về bản chất và phản ứng của các vật thể đã dần dần được định nghĩa lại và cập nhật qua nỗ lực của các nhà khoa học cuối thế kỷ 19.

Như đã đề cập ở phần trước, khi quan sát vật chất ở cấp độ hạ nguyên tử, các nhà khoa học hiện đại đã nhận thấy rằng, khi được quan sát dưới một vài điều kiện thực nghiệm nhất định, các nguyên tố của thế giới hạ nguyên tử cũng ứng xử đàng hoàng như những hạt kiểu “vật chất”, nhưng khi được quan sát dưới những điều kiện khác, chúng lại ứng xử giống với dạng sóng hơn. Những quan sát về “lưỡng tính sóng-hạt” ấy, trên nhiều phương diện, đã đánh dấu sự ra đời của một nền vật lý học mới: cơ học lượng tử.

Tôi hình dung rằng những ứng xử kỳ lạ ấy hẳn đã làm cho các nhà khoa học đầu tiên quan sát chúng không được thoải mái lắm. Lấy một thí dụ đơn giản, hãy tưởng tượng một người nào đó mà bạn nghĩ là mình biết rất rõ, nhưng có lúc cư xử với bạn như một người bạn thân, rồi nửa giờ sau lại nhìn bạn như thể một người không quen biết. Có thể bạn sẽ gọi kiểu ứng xử như vậy là “tráo trở”.

Mặt khác, điều này hẳn cũng đã vô cùng hứng thú, vì sự quan sát trực tiếp cung cách ứng xử của vật chất đã mở ra cả một chân trời nghiên cứu mới - rất tương tự với cái thế giới được mở rộng trước chúng ta khi bắt đầu tích cực quan sát hoạt động của chính tâm thức mình. Có quá nhiều điều để quan sát, quá nhiều điều để học hỏi!

Với bản tính cần cù cố hữu, các nhà vật lý của đầu thế kỷ thứ 20 đã chấp nhận xóa bỏ tất cả và quay lại từ đầu để có thể giải thích cung cách ứng xử của những hạt vật chất mang tính chất như dạng sóng. Dựa trên mô hình của Niels Bohr về tính chất dạng sóng của các electron bên trong nguyên tử, cuối cùng họ đã đạt đến một cách miêu tả mới về thế giới hạ nguyên tử. Với những thuật ngữ toán học rất tinh tế, họ đã giải thích được bằng cách nào mà mỗi một hạt trong vũ trụ đã được nhận biết này lại có thể được hiểu như là một tia sóng, và mỗi một tia sóng có thể hiểu như một hạt vật chất. Nói cách khác, những hạt vật chất đã cấu tạo nên vũ trụ vật chất lớn hơn nó, nhìn từ một góc độ thì có thể xem như là những “vật thể” và nhìn từ một góc độ khác lại như là những tiến trình diễn ra trong không gian và thời gian.

Vậy thì vật lý học và cuộc sống hạnh phúc có liên quan gì đến nhau? Chúng ta thích nghĩ về chính mình như là một cá thể chắc thật, cá biệt, với những mục đích và cá tính được xác định rõ rệt. Nhưng nếu thành thật nhìn vào những khám phá mới của khoa học hiện đại, ta phải thừa nhận rằng cách nhìn về chính mình như vậy dẫu sao cũng là chưa đầy đủ.

Giáo pháp của đức Phật thường được chia làm hai nhóm, một là các giáo pháp về trí tuệ, hay phần lý thuyết, và hai là các giáo pháp về phương tiện, hay phần thực hành. Chính đức Phật đã thường so sánh hai nhóm giáo pháp này như đôi cánh của con chim. Để bay được, chim cần đủ hai cánh. “Chiếc cánh” trí tuệ là cần thiết, vì nếu không có ít nhất là một ý niệm nào đó về chí hướng của mình thì “chiếc cánh” thực hành sẽ vung vẩy một cách hết sức vô ích. Lấy ví dụ như những người đến phòng tập thể dục, ít nhất phải có một ý niệm khái quát về những gì mình muốn đạt được khi đổ mồ hôi trên chiếc thảm chạy bộ hay cử tạ. Nguyên tắc này cũng đúng với nỗ lực trực nhận tiềm năng vốn có của chúng ta trong việc đạt đến hạnh phúc. Chúng ta cần biết mình sẽ đi đâu để có thể đến được nơi ấy.

Khoa học hiện đại - đặc biệt là vật lý học lượng tử và thần kinh học - đã cống hiến một phương thức tiếp cận với trí tuệ bằng những cách diễn đạt vừa có thể được chứng minh một cách cụ thể, vừa dễ được chấp nhận đối với những người của thế kỷ 21 hơn là tuệ giác của Phật giáo về bản chất thực tại được đạt đến bằng vào những phân tích chủ quan. Phương thức hiện đại này không những giúp ta giải thích được vì sao các pháp môn của đạo Phật mang lại kết quả, xét từ những phân tích khoa học rất khắt khe, mà còn soi sáng một cách tuyệt vời những kiến giải của Phật giáo về dul-tren-cha-may, tức là những hiện tượng nhất thời sinh khởi và hoại diệt trong khoảnh khắc tùy thuộc vào sự thay đổi của nhân và duyên. Tuy nhiên, chúng ta cần phải quan sát sâu hơn vào lãnh vực khoa học mới có thể khám phá được một số trong những điểm tương đồng này.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 21 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 44.201.99.133 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (395 lượt xem) - Việt Nam (123 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - ... ...