Cho dù không ai có thể quay lại quá khứ để khởi sự khác hơn, nhưng bất cứ ai cũng có thể bắt đầu từ hôm nay để tạo ra một kết cuộc hoàn toàn mới. (Though no one can go back and make a brand new start, anyone can start from now and make a brand new ending. )Carl Bard
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin
Sống trong đời cũng giống như việc đi xe đạp. Để giữ được thăng bằng bạn phải luôn đi tới. (Life is like riding a bicycle. To keep your balance you must keep moving. )Albert Einstein
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin
Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì đó chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều phục tâm. Khi tâm được điều phục, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cuộc đời là một tiến trình học hỏi từ lúc ta sinh ra cho đến chết đi. (The whole of life, from the moment you are born to the moment you die, is a process of learning. )Jiddu Krishnamurti
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Chúng ta không có khả năng giúp đỡ tất cả mọi người, nhưng mỗi người trong chúng ta đều có thể giúp đỡ một ai đó. (We can't help everyone, but everyone can help someone.)Ronald Reagan

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Vua Là Phật, Phật Là Vua »» Phụ Lục: Đôi điều cảm nhận về tác phẩm »»

Vua Là Phật, Phật Là Vua
»» Phụ Lục: Đôi điều cảm nhận về tác phẩm

Donate

(Lượt xem: 3.297)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Vua Là Phật, Phật Là Vua - Phụ Lục: Đôi điều cảm nhận về tác phẩm

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in


THƠ TÙY ANH

Nhiệm mầu hai chữ Sắc Không

“Vua là Phật, Phật là Vua”
Đọc xong tác phẩm ngỡ vừa chiêm bao!
*
Chiêm bao diễn tiến làm sao
Sao em không biết thời nào hả anh?
Việt Nam quốc sử rành rành
Cả ngàn năm đã lập thành nước Nam
Vào thời cuối Lý đầu Trần
Huệ Tông nhà Lý chẳng cần ngôi cao.
Bởi thêm Thủ Độ mưu sâu,
Chiêu Hoàng nhà Lý biết đâu mà lường
Đem Trần Cảnh vào phủ vương
Tuổi thơ con trẻ thế thường vui chơi
Dần dà cơ hội đến nơi
Thái Sư tuyên bố thành đôi vợ chồng
Thế là mưu sự đã xong
Ngai vàng truyền lại cho chồng… như chơi!
*
Nhà Trần dựng nghiệp tức thời
Huệ Tông vua Lý bỏ ngôi lên ngàn
Xuất gia Pháp hiệu Huệ Quang
Hằng ngày nhổ cỏ ngỡ ngàng thứ dân
Thái Sư tìm đến hỏi thăm:
- “Nhổ cỏ tận gốc”- khỏi cần lo xa!
Không là câu nói qua loa
Nay mai tai họa nhà ta đến rồi.
Muốn tu mà cũng chịu thôi!
Thương thay họ Lý mấy đời diệt vong.
Chiêu Hoàng mười năm bên chồng
Không con, Thủ Độ “buộc lòng” phế ngay
Để đem chị vợ vào thay
Có bầu ba tháng chờ ngày khai hoa.
Ngọc Oanh tủi phận đàn bà
Chiêu Hoàng em hỡi đâu là phúc duyên!
Thái Tông chua xót niềm riêng
Chị dâu, em rể kết duyên bẽ bàng.
Thời gian ơi hỡi thời gian
Quân Vương, Hoàng Hậu chỉ toàn bể dâu!
Còn đâu Khanh, Tướng, Công, Hầu
Nào ai hiểu thấu nỗi sầu Vương tôn?
Cải trang vào lúc đêm hôm
Vua tôi lặng lẽ vượt hơn dặm trường
Hoàng cung chẳng chút luyến thương
Ngai vàng như chiếc dép mòn đứt quai!
Thế rồi Thủ Độ đến đây
Tùy tùng xa giá rước Ngài về cung
Nhà Vua một mực không ưng,
Thủ Độ truyền lệnh lập cung nơi này.
Nơi này Yên Tử am mây’,’
Rừng yên, núi tịnh tháng ngày thanh an
Thiền Sư Phù Vân thành tâm
Khuyên Vua “trị quốc an dân“ nên về.
Dù bao tâm sự não nề
Lên xe nhìn lại sơn khê mỏi mòn.
Chờ ngày Thái tử lớn khôn
Thái Tông chuẩn bị trao con ngai vàng.
Thánh Tông niên hiệu rõ ràng,
Giã từ ngôi báu Phụ Hoàng đi tu.
Tìm nơi thanh vắng hoang vu
Đông Xuân an lạc, Hè Thu an nhàn
Tiêu dao dưới ánh thiều quang
Đêm trì kinh kệ, ngày bàn thơ văn.
Thánh Tông trị quốc an dân
Thông minh tài trí quần thần yêu thương
Nơi nơi xưng tụng minh vương
Luyện quân thủy, bộ biên cương giữ gìn.
Đến khi đã vững niềm tin
Lại truyền ngôi báu đi tìm thiền môn.
Nhân Tông tài trí tinh khôn
Điều quân luyện võ sớm hôm dưới cờ.
Quần thần một dạ tôn thờ
Nhân dân trăm họ quyết chờ báo ân.
Đến khi biết rõ chân tâm,
Gọi Anh Tông đến ân cần truyền ngôi.
Nhân Tông tìm đến một nơi,
Núi cao Yên Tử thảnh thơi tham thiền…
*
Nhà Trần đâu phải được yên,
Nguyên Mông nhiều đợt đem thuyền xâm lăng
Binh hùng tướng mạnh hung hăng
Tưởng là sớm muộn san bằng Thăng Long
Nào ngờ máu nhuộm sông Hồng
Hỡi ôi mấy vạn quân Mông tan tành.
Diên Hồng trống trận trường thành
Tuệ Trung, Hưng Đạo lừng danh muôn đời…
*
Nhà Trần Vua Chúa tuyệt vời,
Chiến chinh cùng với mọi người điều binh
Đến khi đất nước thanh bình
Nhường ngôi quyết chí tu hành báo thân
Lập nên Thiền phái Trúc Lâm
Chính Vua hóa Phật là Trần Nhân Tông
Nhiệm mầu hai chữ Sắc Không
Cư trần lạc đạo phiêu bồng tiêu dao
Phù vân kết tụ phương nào
Khi ra vô thỉ, khi vào vô chung
Mới hay thiền vị ung dung
Vua hay là Phật cũng cùng trái tim…

 Tùy Anh (Hamburg, 15.01.2020)

Cảm tác từ tác phẩm “Vua là Phật, Phật là Vua” của Hòa Thượng Thích Như Điển.


-------------------------------------

Nét Thiền vị trong tác phẩm “Vua Là Phật - Phật Là Vua” của Hòa Thượng Thích Như Điển
 
NGUYÊN TRÍ

Nhóm anh em Tứ Nguyên gồm Nguyên Trí Phù Vân, Nguyên Tánh Nguyễn Hiền Đức, Nguyên Đạo Văn Công Tuấn và Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến, được Hòa Thượng Thích Như Điển giao trọng trách chăm sóc tác phẩm “Vua Là Phật - Phật Là Vua” của Thầy trước khi ấn hành. Và theo đề nghị của Nguyên Tánh, mỗi anh em trong Nhóm Tứ Nguyên nên viết một bài cảm nhận về tác phẩm này.

Riêng tôi, ngay trong “Lời vào sách”, tôi cảm nhận được tính an nhiên tự tại của tác giả và sự bình thản chấp nhận ra đi khi vô thường đến. Đó có phải là sự liễu ngộ của một người xuất gia “dám chấp nhận, dám dứt bỏ những gì cần bỏ để đầy đủ tư lương bước vào con đường của các bậc Thánh, học hạnh của các bậc Trượng Phu. Tuy cư trần nhưng không bị trần gian làm ô nhiễm tâm và thân”.

Điều gây cho tôi thật nhiều xúc cảm và thật sự ngưỡng mộ khi đọc được ước vọng của tác giả. Ước vọng rất tầm thường nhỏ nhoi là được làm những cánh hoa không tên, không hương sắc nép mình bên vệ đường, nhưng cũng góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp cho cảnh sắc thiên nhiên, thêm vui mắt cho những khách nhàn du.

Nhìn lại trong quá trình hơn 70 năm thị hiện vào đời và hơn 55 năm hoằng pháp lợi sanh của tác giả, từ giáo dưỡng đệ tử xuất gia, cấp học bổng đào tạo Tăng tài… đến công tác phiên dịch kinh điển, viết sách v.v… Với khối lượng thành quả đó chỉ nhằm xây dựng mạng mạch của Giáo Hội, và góp phần phát triển cho nền văn học nghệ thuật Phật Giáo và văn hóa Việt Nam. Tác giả đã từng phát đại nguyện: “Tôi nguyện mình là một dòng sông để chuyên chở những trong đục của cuộc đời và nguyện mình là mặt đất để hứng chịu những sạch nhơ của nhân thế.” Thế mà tác giả lại chỉ ước mong mình “… sẽ góp cho đời được một cái gì đó thật nhỏ nhoi như cỏ cây bên vệ đường hay những giọt sương mai vào những buổi sáng tinh sương khi khí trời mùa hè oi ả. Hoặc một dòng nước nhỏ chảy qua khe rạch để nuôi sống cỏ cây, chuồn chuồn, muỗi mòng hay những loại côn trùng nhỏ nhoi nhất. Được như thế thì tôi cũng đã mãn nguyện lắm rồi.” Tại sao? Tại vì tác giả nghĩ rằng chúng ta sống vì đã nương nhờ và thụ hưởng quá nhiều của đất trời, thiên nhiên và vạn hữu, nên chúng ta cần phải cảm ơn và cần bảo vệ. Đó là “… đức tính khiêm cung và từ ái của con người đối với muôn loài và muôn vật”.

Có lẽ đây là ý niệm dẫn dắt tôi viết bài cảm nhận này. Tôi đã cố giữ kín trong lòng tiếng thổn thức về thân phận hẩm hiu, hầu như bị hất hủi ra khỏi hoàng cung của Công Chúa Thuận Thiên Lý Ngọc Oanh, sau là vợ của Tướng Quân Trần Liễu là anh của Trần Cảnh, và cuối cùng chịu cảnh “chị dâu em rể“ kết duyên bẽ bàng với Trần Cảnh tức là Trần Thái Tông. Tội nghiệp cho em mình là Lý Chiêu Hoàng, từ một Hoàng Hậu bị phế xuống thành công chúa…

Xuyên xuốt tác phẩm này qua ba đời vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông với 3 cuộc chiến thắng chống Nguyên Mông vào các năm 1257, 1285 và 1288 hầu như bên tai tôi còn thoáng nghe tiếng vang lời thề “Quyết chiến” từ Hội Nghị Diên Hồng và tiếng thét “Sát Thát“ của quân dân Đại Việt. Tôi cũng chỉ mường tượng thấy máu của quân ngoại xâm nhuộm đỏ sông Hồng, xác địch chất đầy trên chiến địa Tây Kết, Vạn Kiếp, Chương Dương, Hàm Tử, Bạch Đằng… Nhưng thực sự tôi nghe được tiếng vọng từ Chiêu Lăng - lăng của Vua Trần Thái Tông, khi Vua Trần Nhân Tông cùng quần thần tổ chức lễ hiến tiệp dâng tù binh lên tổ tiên mừng chiến thắng. Vua Trần Nhân Tông thấy chân ngựa đá có dính bùn, mới ứng khẩu cảm hoài:

“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.”

“Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng.”

(Lê Mạnh Thát dịch)

Chỉ bằng hai câu thơ thật dung dị nhẹ nhàng nhà vua đã nói lên được kiếp nạn của dân tộc qua hai cuộc chiến chống Nguyên Mông, không những người mà ngay cả ngựa đá cũng phải chịu chung khổ nạn. Chúng ta cũng thấy được tấm lòng từ bi, độ lượng và nhân hậu của Vua Trần Nhân Tông khi nhà vua tha tội chết cho Ô Mã Nhi và số tù binh Mông Cổ - là những người đã phá nát Chiêu Lăng của Trần Thánh Tông. Lễ hiến tiệp đối với nhà vua cũng chỉ để ấn chứng về chiến thắng với Trời Đất Tổ Tiên mà thôi. Nhà vua quan niệm cuộc chiến giống như cơn bão đã gây đổ nát cho quê hương rồi cũng đi qua, thanh bình rồi cũng trở lại. Trên đời thật khó tìm được một bậc chính nhân quân tử có tâm thái bình yên, tĩnh lặng như vua Trần Nhân Tông- một bậc Thiền Sư!

Tấm lòng từ bi độ lượng và lòng trung hiếu đối với tổ quốc và với vua cha là hai cánh thiên thần mang tâm hồn tôi đến một nơi tiêu dao tĩnh lặng, đến hành cung Thiên Trường - cung điện của Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông tức Vô Nhị Thượng Nhân khi thoái vị. Nơi đó có:

Cảnh thanh u vật diệc thanh u,
Thập nhất tiên châu thử nhất châu.
Bách bộ sanh ca, cầm bách thiệt,
Thiên hàng nô bộc, quất thiên đầu.
Nguyệt vô sự chiếu nhơn vô sự,
Thủy hữu thu hàm thiên hữu thu.
Tứ hải dĩ thanh trần dĩ tĩnh,
Kim niên du thắng tích niên du.

(Hạnh Thiên Trường hành cung

- Trần Thánh Tông)

Nhà Vua đã cảm hứng sáng tác bài thơ này vào năm 1289 sau 2 cuộc chiến thắng Nguyên Mông vào các năm 1285 và 1288. Bài thơ đầy thiền vị, chỉ có người xuất gia liễu đạo như vua Trần Thánh Tông mới thấy lẽ vô thường của tạo hóa và mọi trần cấu không còn dính mắc mới sáng tác được.

Cảnh đâu thanh vắng lạ thường,
Vật kia lại cũng am tường như nhau.
Cớ sao mười một tiên châu,
Lại đem so với một châu mượt mà?
Còn đây trăm giọng chim ca,
Và trăm bộ sáo chỉ là góp vui.
Hàng ngàn cây quít ngọt bùi,
Do người chăm bón vun bồi mà nên.
Ánh trăng sáng tỏ êm đềm,
Con người ở giữa hai miền có không.
Thu này nước đã xanh trong,
Trời kia quang tạnh tấm lòng trung kiên.
Giờ đây bốn biển lặng yên,
Tấm lòng thanh bạch, lời nguyền thanh cao.
Bây giờ năm ấy thế nào?
Khác xưa muôn vạn bước vào năm nay.

(Dạo chơi hành cung Thiên Trường - Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bản tính thanh cao đúng phong thái của một vì vua; tâm cũng thanh cao đúng là tâm thanh tịnh - không đến không đi - không còn không mất. Mọi phiền não sẽ biến mất khi tâm tự tại, trí huệ sáng suốt...

Vâng, khi tâm đã tịnh, trí trống không thì hai cánh thiên thần lại đưa tôi đến vùng Đông Triều Quảng Ninh, núi rừng cao tột, mây phủ quanh năm; đây là “vùng đất Phật”, là cái nôi của Thiền phái Trúc Lâm, nơi anh linh của Điều Ngự Giác Hoàng hay còn gọi là Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Nơi này từ trong tâm khảm tôi lại được nghe rất nhiều tiếng thơ xa xưa đầy thiền vị của Phật Hoàng.

Cầm một cành hoa hân hoan đem tặng bạn, đâu ngờ chỉ là cơn mộng. Ngẩn ngơ tỉnh giấc, mường tượng còn nghe tiếng ngâm khúc ca Thúy vũ với tiếng tiếng sáo Họa long hồ mị đã nâng tâm hồn tôi lên tận hư không ướt đẫm sương trăng trên ải Ngọc Quan thuở nào.

Ngũ nhật kinh hàn lãn xuất môn
Đông phong tiên dĩ đáo cô côn (căn).
Ảnh hoành thủy diện băng sơ bạn,
Hoa áp chi đầu noãn vị phân.
Thúy vũ ca trầm sơn điếm nguyệt,
Họa long xuy thấp Ngọc Quan vân.
Nhất chi mê nhập cố nhân mộng,
Giác hậu bất kham trì tặng quân.

(Tảo Mai Kỳ Nhị - Trần Nhân Tông)

Năm ngày trốn lạnh chẳng ra,
Cửa kia khép kín rời nhà chẳng mong.
Gió xuân vừa ghé bên lòng,
Cây già gốc ấy không trong chẳng ngoài.
Mặt ai rọi dưới nước kia,
Bóng lung linh nhảy, băng lìa xa khơi.
Cành hoa trĩu nặng kia rồi,
Mùa xuân chưa đến như ngồi đó trông.
Chim vờn báo hiệu hoàng hôn,
Trăng kia ló dạng trên hòn núi cao.
Cành mai lạc đến nơi nao,
Giấc mơ của bạn chìm vào thuở xưa.
Tỉnh ra mới biết là thừa,
Làm sao trao bạn như vừa chiêm bao.

(Mai sớm (Bài 2) - Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Mây trên núi, núi như xa như gần. Hoa trước ngõ, ngõ thương người đợi người. Nơi Bảo đài cổ kính, mùa xuân hoang liêu mới về trong ngõ hoa rợp nắng. Chiều. Tiếng sáo buông lơi, dòng nước trôi mãi, trôi mãi theo dòng thời gian. Tâm lại nhủ tâm, lòng lại nhủ lòng, trăm năm vẫn mãi thủy chung...

Địa tịch đài du cổ,
Thời lai xuân vị thâm.
Vân sơn tương viễn cận,
Hoa kính bán tình âm.
Vạn sự thủy lưu thủy,
Bách niên tâm ngứ tâm.
Ỷ lan hoành ngọc địch,
Minh nguyệt mãn hung khâm.

(Đăng Bảo Đài Sơn - Trần Nhân Tông)

Đài xưa đất vắng hoang vu,
Phải chăng chốn cũ sa mù là đây.
Xuân qua xuân lại chốn này,
Rượu xuân chuốc lấy hơi cay chửa nồng.
Gần xa xưa vẫn còn mong,
Mây bay nước biếc mà lòng vấn vương.
Nắng đầu xuân đượm hơi hương,
Hoa kia trước ngõ còn thương nhớ người.
Nước non muôn việc cho đời,
Nước kia theo mãi sáng ngời trong ta.
Trăm năm giấc mộng vèo qua,
Dặn lòng hai chữ mặn mà thủy chung.
Tựa bên hiên đứng ngại ngùng,
Nâng ngang sáo ngọc tiếng lòng chơi vơi.
Ngoài kia trăng sáng ngập trời,
Trăng đầy trước ngực, trăng rơi quanh thềm.

(Lên núi Bảo Đài - Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Đêm về trong thôn vắng, mây tan mưa tạnh. Trăng đã hiện ra trên bến sông, trăng treo đầu cầu. Mùa xuân tĩnh lặng, thấp thoáng bóng triều dâng lung linh hình bóng của những ngọn tháp chùa Phổ Minh. Phải chăng là giấc chiêm bao, mà sao hình bóng của vua cha thường lung linh trong bát canh hay thấp thoáng trên vách tường trong mỗi lần ngự thiện. Thơ tỏ bày lòng truy niệm. Thơ ngưỡng mộ những bậc tiên hiền. Thơ thiền của vua Trần Nhân Tông vẫn luôn như thế.

Lục ám hồng hi bội tịch liêu
Tễ vân thôn vũ thổ hoa tiêu.
Trai đường giảng hậu tăng quy viện,
Giang quán canh sơ nguyệt thượng kiều.
Tam thập tiên cung hoành dạ tháp,
Bát thiên hương sát động xuân triều.
Phổ Minh phong cảnh hồn như tạc,
Phảng phất canh tường nhập mộng nhiêu.

(Phủ Thiên Trường - Trần Nhân Tông)

Màu xanh màu đỏ quanh đây,
Phủ đầy đêm trắng canh chầy vắng tanh.
Mây không còn sắc thiên thanh,
Cơn mưa vừa tạnh nhìn quanh sạch bùn.
Trai đường ngọc nhả châu phun,
Sư về dứt tiếng, tịch không trong ngoài.
Bên sông hàng quán sơ sài,
Trăng lên trời rộng bóng phai dưới cầu.
Giường ai xếp đặt từ lâu,
Ba mươi tiên nữ vào chầu thiên cung.
Tám nghìn tháp báu ung dung,
Như khua động nước triều dâng xuân về.
Phổ Minh chốn cũ sơn khê,
Trước sau như một chẳng hề đổi thay.
Trong mơ như tỉnh như say,
Bóng cha ẩn hiện những ngày ấu thơ.

(Phủ Thiên Trường - Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Là người xuất gia, là một thiền sư nhưng Phật Hoàng Trần Nhân Tông cũng không giấu được cảm hoài khi nghe tin chị gái - Công Chúa Thiên Thụy ốm nặng, đã lặn lội từ núi Yên Tử về thăm. Sau đó trên đường về nhà vua ngủ lại trong một ngôi chùa cổ ở thôn Cổ Châu. Hôm sau, trước khi từ giã Ngài đề bài thơ trên vách khuyên người nên tinh tấn tu tập để thoát ma vương, tìm về cõi Phật an lạc.

Thế số nhất tức mặc,
Thời tình lưỡng hải ngân.
Ma cung hồn quản thậm,
Phật quốc bất thắng xuân.

(Đề Cổ Châu Hương Thôn tự - Trần Nhân Tông)

Cuộc đời thoáng chốc ai hay,
Kéo qua kéo lại như ngày và đêm.
Tình đời cũng thế chênh vênh,
Mắt kia ngấn lệ gập ghềnh sơn khê.
Cung ma vây chặt tứ bề,
Làm sao giải nổi tỉ tê cõi lòng.
Xưa nay cõi Phật thong dong,
Chi bằng đến đó hưởng ròng mùa xuân.

(Đề Chùa thôn làng Cổ Châu - Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Tôi chỉ trích một số bài Thơ theo cảm quan của tôi trong hơn 40 bài Thơ Thiền của hai vị vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông trong tác phẩm “Vua là Phật - Phật là Vua” của Hòa Thương Thích Như Điển và chính tác giả đã chuyển thành thơ lục bát. Người thưởng ngoạn sẽ có cảm nhận khác nhau tùy theo sự đồng cảm và đồng điệu với các vị thiền sư.

*

Riêng tôi, viết bài cảm nhận này do một số tứ thơ lãng mạn tiềm ẩn đâu đó trong tác phẩm đã khơi dậy trong tiềm thức tôi những tháng ngày an bình của tuổi thanh xuân. Những tháng hè ở Huế rủ nhau đi cắm trại ở các lăng tẩm của các triều vua. Nằm dưới gốc thông già ở khiêm lăng Thiệu Trị, nhìn những vạt nắng loang lổ trên vách tường vôi, lòng chợt bâng khuâng nghĩ đến vua Tự Đức có tiếng là hiếu đạo, nhưng khi còn tại vị chỉ lo xây lăng của mình thật hùng vĩ tráng lệ, còn lăng của vua cha Thiệu Trị thì lại khiêm nhường chưa hoàn chỉnh. Phải chăng cuộc đời chẳng có gì là toàn bích, con người chẳng mấy ai là toàn thiện cả. Cũng nhiều khi vào ngắm sen hồng ở hồ Tịnh Tâm trong Đại Nội. Hương thơm, gió nhẹ, cảnh sắc u nhã, bình an. Cuộc đời thật bình dị thanh nhàn, nhưng cũng tự nhủ lòng đừng nghĩ đến cuộc đời của những phi tần cung nữ bị giam hãm tuổi thanh xuân trong vòng thành hào nhoáng hoàng cung… Những ảo vọng sắc phong, những bề dày sĩ diện của lớp hoàng tộc nay chỉ còn là những ấn tượng mờ phai. Lứa tuổi chúng tôi lại đam mê những chuyện phiêu lưu, thích khám phá những mới lạ trên các vùng rừng núi Thiên An, Bạch Mã, Hải Vân. Cũng có khi lang thang ở đồi Vọng Cảnh ngắm những dãy núi xanh mơ màng quấn những dải mây trắng liêu trai. Có khi muốn đáp chuyến đò Bến Than sang Điện Hòn Chén bên kia sông Hương trong những ngày lễ hội tưng bừng của Thiên tiên Thánh giáo. Hoặc có những đêm cùng anh em Hướng Đạo xuôi thuyền từ thượng nguồn Bãng Lãng, nằm nghe sóng vỗ mạn thuyền êm ả, và khi ngang qua chùa Thiên Mụ nghe tiếng chuông thu không để quên đời hay chìm trong cơn tĩnh lặng…

Cảm ơn tác giả đã cho tôi nỗi nhớ về tuổi thơ của những năm tháng bình yên ở quê nhà. Bây giờ, sau cuộc đổi đời mấy mươi năm xa lìa quê hương, chắc hẳn cảnh sắc, tình người cũng đã thay đổi hay biến dạng nhiều lắm. Nhớ về dĩ vãng chập chờn như một cơn huyễn mộng mà thôi…

40 năm xa quê hương, Tháng 02 năm 2020
Nguyên Trí Phù Vân
 
_____________________


Tâm truyền tâm

Từ trái tim đến… trái tim

(Nhân đọc tác phẩm Vua là Phật, Phật là Vua của Hòa thượng Thích Như Điển)
 
NGUYÊN TÁNH

Đối với chúng tôi, tác phẩm thứ 67 của Thầy Như Điển - Vua Là Phật, Phật Là Vua, là một “sự kiện” giàu ý nghĩa và đáng nhớ nghĩ. Đó là sự hội ngộ hiếm quý của tình huynh-đệ, tình thầy-trò. Bào huynh Thầy Như Điển là Thầy Bảo Lạc viết Lời Giới Thiệu, còn nhóm Tứ Nguyên được Thầy Như Điển khuyến khích, mỗi người từ một khía cạnh, một góc nhìn nào đó thì viết đôi lời cảm nhận về tác phẩm đưa vào cuối sách. Đặc biệt Thầy Như Điển còn dặn dò anh em chúng tôi “không được tương nhượng” với những sai sót (nếu có) của Thầy trong tác phẩm này. Với chúng tôi, lời dặn dò này là một bài học sinh động, quý giá của một người Thầy, một bậc danh Tăng, Qua đó, chúng tôi tự hào khẳng định rằng Phật Giáo là một tôn giáo coi trọng sự tự do tư tưởng và đề cao việc “mỗi người hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”.

Chúng tôi vừa đọc lại Tâm Kinh, rồi Nghĩ Từ Trái Tim (viết về Tâm Kinh) của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Chúng tôi cảm nhận nôm na, cạn cợt rằng: Cốt lõi của Tâm Kinh chính là sự kỳ diệu của “từ trái tim đến trái tim”, của “nói và viết từ trái tim”. Trái tim của yêu thương; trái tim của chia sẻ; trái tim của trao và nhận.

Đôi điều cảm nhận về Lời Giới Thiệu tác phẩm của Hòa thượng Bảo Lạc

Cảm nhận đậm nét của chúng tôi là sự bất ngờ, ngạc nhiên của bài viết này, vì sự mới, sự lạ về nhiều mặt khi đối chiếu với hồi ký Hương Lúa Chiều Quê và một số bài viết của Thầy Bảo Lạc. Vì sao? Và từ đâu?

+ Một Lời Giới Thiệu ngắn gọn, chưa đầy 2 trang để giới thiệu một tác phẩm độc sáng hơn 400 trang thì quả là điều ít thấy. Ở đây, không phải là độ ngắn, độ dài của bài viết mà chính là ở sự tổng hợp, phân tích rồi chắt lọc những điều chính yếu, cốt lõi của tác giả và tác phẩm để “dẫn dắt” và “mời gọi” người đọc, để gợi mở những góc nhìn, tầm nhìn, làm cho người đọc thấy thích thú và như bị lôi cuốn cần phải đọc Vua Là Phật, Phật Là Vua.

+ Đoạn mở Lời Giới Thiệu vỏn vẹn chỉ 6 dòng nhưng lại dung chứa những vấn đề cốt lõi của Đạo và Đời. Đoạn văn mang tính khái quát cao của một tổng luận sắc gọn mà giàu cảm xúc, giàu đạo vị, nhiều ý vị và cả thi vị nữa. Xin kính mời chư vị đọc đoạn này:

“Ở đời có những cuộc từ giã hùng tráng gây ấn tượng như tạo nguồn cảm hứng sâu đậm trong lòng người qua lịch sử đương thời và mai sau. Điều đó đủ chứng minh tiền nhân có lý do xác đáng để khước từ quá khứ tù hãm, nhắm hướng tương lai không chỉ cho riêng mình mà còn nghĩ tới đồng loại và chúng sanh. Những cuộc từ giã hay nói chính xác hơn là những cuộc vượt thoát can trường mới diễn tả đúng ngữ nghĩa và ngữ cảnh của mỗi sự kiện mà tôi cho rằng ở trong ba thời kỳ: cổ đại, trung hưng và hiện đại.

Thầy Bảo Lạc với lòng chân thành, niềm hãnh diện chính đáng đã xác quyết rằng: “Thái Tử Tất Đạt Đa (Siddhattha), vua A Dục, Pháp sư Huyền Trang; vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông và Đức Đạt Lai Lạt Ma 14… và còn nhiều nữa… những bậc Đạo sư, Bồ Tát, Thánh nhân làm bật lên sức sống hào hùng bằng tâm từ bi và tuệ giác của họ, làm nơi nương tựa vững chắc cho chúng ta.”

Thú thật, chúng tôi rất hồi hộp và lo lắng khi đọc những cụm từ “những cuộc từ giã hùng tráng”, “những cuộc vượt thoát can trường”… mà chúng tôi tạm gọi là “những cụm-tính-từ”. Những cụm-tính-từ này chỉ tính chất của một sự kiện lịch sử quan trọng, một hoặc nhiều nhân vật lịch sử kiệt xuất mà hậu thế bao đời dù trong đạo hay ngoài đời đều công tâm ghi nhận, tôn kính, ngưỡng mộ. Vì vậy, việc dùng những cụm từ này phải hết sức thận trọng và cân nhắc vì nếu không nó rất dễ rơi vào sự sáo rỗng, thậm chí dẫn đến sự lộng ngôn!

Hòa thượng Bảo Lạc, hơn ai hết đã “thấy”, đã “biết” tường tận về điều này ngay từ đầu bài viết. Hòa thượng đã theo đúng chủ đích mà Ngài đã nêu lên là “diễn tả đúng ngữ nghĩa và ngữ cảnh của mỗi sự kiện”. Và đúng là Hòa thượng đã “diễn tả đúng ngữ nghĩa và ngữ cảnh của mỗi sự kiện”, và nhờ sự tôn trọng lịch sử trên cơ sở khách quan, khoa học nên Hòa thượng Bảo Lạc đã đúc kết điều tuyệt vời, trọn vẹn và đủ đầy này: “… Nhưng rất may mắn, nước Đại Việt của chúng ta có những vị anh hùng kiệt xuất vừa làm Tướng, làm Tăng và làm Phật như các vua đời nhà Trần, quả thật trong lịch sử chưa thấy tái hiện lại lần thứ hai.”

Đến đây chúng ta có thể an tâm và phấn chấn với Lời Giới Thiệu… của Hòa thượng Bảo Lạc về điều mà văn giới gọi là sự chắc tay, sự trên tài và bản lĩnh của một ngòi bút, một trí tuệ, một tâm hồn của một danh tăng.

Tiếp đến Hòa thượng nói đến duyên khởi tác phẩm của Hòa thượng Như Điển, rằng “...Sách chuyển tải qua 4 chương: về công chúa Thuận Thiên, 3 vua nhà Trần: Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông mà cả 3 ông đều có nhân duyên sâu dày với Phật pháp lâu đời...”

Giới thiệu về tác giả cuốn sách, Hòa thượng Bảo Lạc viết vỏn vẹn chỉ có mấy dòng như thế này: “Tác giả, Hòa Thượng Thích Như Điển là nhà tu Phật Giáo đồng chơn xuất gia từ năm 15 tuổi (1964), đã đầu tư năng khiếu và tuệ giác của mình để xây dựng và phát triển Phật Giáo Việt Nam tại Đức và Hải Ngoại nói chung.”

Chúng tôi thầm nghĩ, nhiều người kính trọng, ngưỡng mộ và noi gương sáng của nhị vị huynh đệ Hòa thượng Bảo Lạc - Hòa thượng Như Điển trong con đường tu học của mình sẽ không khỏi băn khoăn, thắc mắc về việc viết quá ít, quá ngắn gọn, quá kiệm lời khi giới thiệu tác giả và tác phẩm lớn của một danh tăng như Hòa thượng Như Điển.

Trong lúc đang tìm lời giải đáp thắc mắc này thì bỗng nhiên - như có một sự nhắc nhở vô hình nào đó, khiến chúng tôi nhớ và ghi ra đây 2 bài thơ của nhà nghiên cứu Phật học, nhà thơ, nhà thư pháp Trụ Vũ trong tập thơ Bút Hoa Đàm:

Mẹ Quan Âm
Mẹ trong tâm
Thơ hương trầm

Bụt là quê hương
Mẹ
Là quê hương

Qua 2 bài thơ đã dẫn, từ ngữ đơn sơ, mộc mạc, đời thường, thế nhưng lời thơ, ý thơ ẩn ẩn hiện hiện “ở đây” và “bây giờ”. Thơ quá ngắn gọn nhưng lại mở ra những chân trời mênh mang, diệu vợi mang đến cho người đọc nhiều xúc cảm trong sáng và lắng đọng. Viết rất ngắn mà hay đến thế thì thật là quá tài tình, tinh tế. Và, đên đây chúng tôi hiểu ra, đúng hơn là đã “ngộ” ra được được điều này, đó là nụ cười của Tôn giả Ca Diếp, trong sát-na Ngài phá nhãn mỉm cười khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đưa cành hoa lên khai thị. Đó là pháp môn Tâm Truyền Tâm. Sở dĩ chúng tôi dẫn lại pháp thoại này chỉ vì chúng tôi, qua liên hệ rồi cảm nhận nhị vị huynh đệ Hòa thượng Bảo Lạc, Hòa thượng Như Điển đã “Tâm Truyền Tâm” suốt mấy chục năm nay trong sự nghiệp “hoằng pháp vì lợi sanh”. Và, bây giờ, thêm một lần nữa được thể hiện rất rõ, rất sáng trong Vua Là Phật…

Chúng tôi thưa tiếp: Theo đề nghị, chúng tôi gửi cho người bạn thân mấy Tựa sách ngắn mà tôi yêu thích, đó là: Tựa cuốn Cổ Văn Trung Quốc và Thế Hệ Ngày Mai của Nguyễn Hiến Lê, Tựa của nhà thơ, dịch giả Bùi Giáng, gồm: Hoàng Tử Bé, Khung Cửa Hẹp và Ngộ Nhận, Tựa Thắng Man Giảng Luận và Vô Môn Quan của Thầy Tuệ Sỹ, Lời ngỏ Nghĩ Từ Trái Tim và Gươm Báu Trao Tay của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Và đến nay chúng tôi tiến cử Lời Giới Thiệu (Tựa) cuốn Vua Là Phật, Phật Là Vua của Hòa thượng Bảo Lạc.

Cho phép chúng tôi được thưa với nhị vị huynh đệ Hòa thượng Bảo Lạc, Hòa thượng Như Điển và chia sẻ như kỷ niệm đáng nhớ ở quê nhà với bác sĩ Văn Công Trâm, kỹ sư Văn Công Tuấn (Đức quốc) rằng ở quê nhà chúng tôi là xã Xuyên Mỹ, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ngày đó các cụ bô lão, thân hào nhân sĩ ở quê chúng tôi khi nghe một câu chuyện hay, khi chứng kiến một việc làm tốt, khi đọc được một bài thơ, bài văn hay thì các cụ thường gật gù mà rằng: “Đáng đồng tiền bát “gộ”(gạo)!” Điều ngược lại thì các cụ “phán” ngay: “Cái đồ, cái thứ tồ lô (tào lao) xịt bợp.” Chính vì thế, bây giờ chúng tôi chân thành ghi nhận rằng, Lời Giới Thiệu này của Hòa thượng Bảo Lạc thật “đáng đồng tiền bát gạo” vậy.

Chúng tôi đã gửi lời cảm nhận ngắn này để cung kính xin Thầy Bảo Lạc và Thầy Như Điển cho ý kiến sửa chữa, bổ sung. Chúng tôi rất vui mừng và thật không ngờ rằng Thầy Bảo Lạc đã đọc rất kỹ, đã chỉ ra cho chúng tôi vài sơ sót trong cách dùng từ và dùng thiếu chính xác về tên tác giả bài viết cuối sách...

Và, điều làm chúng tôi thấy vui, thấy nhớ Quê Nhà qua những đặc ngữ Quảng Nam khi Thầy Bảo Lạc viết: “Nơi trang 4 anh có nhắc lời các cụ xưa ở quê mình qua câu ‘‘đáng đồng tiền bát gạo’‘ làm cho tôi liên tưởng thêm từ ‘‘quê rẹt (rặt)’‘ mà tôi còn khịa thành ‘‘quê một cục’‘ nghe mới đã lỗ nhĩ!”

Một vài cảm nhận về Vua Là Phật, Phật Là Vua

Vua Là Phật, Phật Là Vua, là sự tiếp nối tất yếu và logique của Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa. Một sự tiếp nối rất mới lạ và đầy sáng tạo không những bổ sung cho Mối Tơ Vương… mà còn mở ra những chân trời rực rỡ về Triều Trần đòi hỏi chúng ta cần đầu tư nghiên cứu và tu học.

Cái “duyên” của sách Vua Là Phật, Phật Là Vua

Nhà văn, học giả Nguyễn Hiến Lê từ kinh nghiệm bản thân đã đúc kết: “Thêm một lần nữa người xưa nói rất đúng rằng phải có duyên mới viết được một cuốn sách.” Vâng, phải có duyên mới viết được một cuốn sách. Vua Là Phật, Phật Là Vua, cũng có cái “duyên” của nó, xuất phát từ việc Thầy Như Điển được GS Lê Mạnh Thát đồng thuận để Thầy sử dụng 2 cuốn sách giá trị là Tuyển tập Trần Thái Tông, Tuyển tập Trần Nhân Tông. Đọc được sách quý của người tri âm, Hòa thượng Như Điển hỷ lạc lắm, phấn chấn lắm nên Thầy đã viết “ào ào”, viết “một mạch” chỉ trong 100 ngày đã xong cuốn này. Còn những người đọc chúng tôi thì sao? Rất đơn giản, chúng tôi vui mừng ghi nhận rằng, Thầy Như Điển và Giáo sư Lê Mạnh Thát đã góp phần mình vào và vì “lợi mình, lợi người, lợi cả hai”, và “lợi cho đời này và lợi cho đời sau” từ Vua Là Phật, Phật Là Vua.

Trong sách này, Hòa thượng Như Điển đã hết lời tán thán công đức vô lượng vô biên của Giáo sư Lê Mạnh Thát (ít nhất trong 6 đoạn). Và Hòa thượng khiêm cung biết bao khi khẳng định: “Nhờ vậy mà người viết tác phẩm này mới có cơ hội đọc cũng như tham khảo được những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của vị Vua đầu nhà Trần nầy…” Và “Nhờ vậy mà Phật Giáo chúng ta mới có được những sử sách về Phật học đáng tin cậy hơn.”

Mong quý độc giả cho phép chúng tôi được thưa trình thêm điều làm chúng tôi vô cùng vui mừng và cảm động mà đã hơn 55 năm rồi, chúng tôi vẫn nhớ rõ. Đó là sự tương kính nhau, đồng lòng phụng sự cho sự nghiệp hoằng pháp của Thượng tọa Thích Trí Quang và Thượng tọa Thích Minh Châu khi xuất bản bản dịch Trường Bộ Kinh, Theo đó:

Trong Lời Giới thiệu Trường Bộ Kinh tập I (1965), Thượng tọa Thích Trí Quang, Tổng Thư ký Viện Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất viết: “… Viện lại thấy công tác phiên dịch Tam Tạng Pali không thể trì hoãn nên thà tạm làm bởi một người, huống chi người ấy là Thượng tọa Minh Châu, bác sĩ văn học Pali xuất xứ từ Nalanda, nơi xưa kia đào tạo ra ngài Huyền Trang. Về nhuận sắc, Viện Tăng Thống có ý kiến hãy để nguyên dụng ngữ và văn khí của Thượng tọa Minh Châu, vì lẽ ai đã từng đọc dịch văn của ngài La Thập và ngài Huyền Trang thì thấy rõ là có những văn khí và từ ngữ mà nhìn vào tức khắc biết của người nào, chứa đựng ý nghĩa gì.”

Trong Lời Tựa Trường Bộ Kinh tập I, Thượng tọa Minh Châu, viết: “… Ở đây chúng tôi xin ghi ân Viện Tăng Thống và Thượng tọa Thích Trí Quang đã khuyến khích, giúp đỡ tôi dịch và xuất bản tập này. Cử chỉ cao đẹp hiếm có ấy chỉ có thể đến với những vị chân thành yêu quý văn hóa và tha thiết phụng sự hiểu biết.”

Chúng tôi tâm đắc câu này: “Cử chỉ cao đẹp hiếm có ấy chỉ có thể đến với những vị chân thành yêu quý văn hóa và tha thiết phụng sự hiểu biết.” Chúng tôi không dám so sánh mà cảm nhận điều rất thực rằng sự gặp gỡ, sự chia sẻ vì lợi lạc chung giữa Giáo sư Lê Mạnh Thát và Hòa thượng Như Điển là kết quả tất yếu của “cử chỉ cao đẹp hiếm có của những vị chân thành yêu quý văn hóa và tha thiết phụng sự sự hiểu biết” vậy. Đáng kính và đáng quý biết bao!

Khái quát đôi điều về tác phẩm này:

+ “Tác phẩm này mang tên “Vua là Phật, Phật là Vua”, ghi lại chuyện những vị vua đã từ giã ngôi vị đế vương quyền quý để xuất gia học làm Phật. Điều này không chỉ có ở Việt Nam, mà từ xa xưa ở Ấn Độ, Thái tử Tất Đạt Đa cũng đã làm như vậy, nên đề tài này quý độc giả có thể hiểu theo nghĩa rộng hơn. Bởi lẽ, đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng đã từng là Thái tử và Thái tử ấy đã bỏ ngôi vua để đi làm Phật. Điều này chứng minh rằng quả vị Phật cao hơn và giải thoát hơn là địa vị của một nhà vua đứng đầu thiên hạ...”

+ Hòa thượng Như Điển đã khéo léo dẫn chứng tài liệu lịch sử Việt Nam và lịch sử Phật Giáo Việt Nam để khẳng định điều riêng có và độc đáo “Phật trong Vua và Vua trong Phật” của các vua triều Trần như Hòa thượng Bảo Lạc đã xiển dương: “… nước Đại Việt của chúng ta có những vị anh hùng kiệt xuất vừa làm Tướng, làm Tăng và làm Phật như các vua đời nhà Trần, quả thật trong lịch sử chưa thấy tái hiện lại lần thứ hai.” Qua đó, người đọc rất đồng thuận về nhan đề và nội dung của tác phẩm này.

+ Ai trong chúng ta mà không cảm động, không tâm đắc và không kính phục Hòa thượng Như Điển khi đọc lời tự bạch chân thành và tâm huyết này: (Trích)

“… Do vậy, việc viết lách, phiên dịch, diễn giảng của tôi là một trong những niềm an vui khi có được những ngày an lạc trú ngụ tại tu viện này. Tôi sẽ cố gắng làm một cái gì đó thật ý nghĩa cho cuộc đời.

Đôi khi, tôi vẫn thường so sánh với những bông hoa dại ven đường. Chúng nép mình vào những thảm cỏ xanh, tuy không tên gọi, nhưng mỗi khi hoa nở vẫn mang đến cho người những hương sắc đậm đà, khiến người qua đường cũng mát lòng khi cơn nắng hạ đang thiêu đốt. Vậy chúng ta là con người, phải làm sao cho xứng đáng với những gì ta đã tiêu thụ hằng ngày như: năng lượng mặt trời, đất, nước, gió, lửa, cơm gạo, tiền bạc, thuốc men, dầu, muối v.v…” (Hết trích)

Thầy Như Điển chân thành và khiêm cung nhắc nhở mình, và qua đó chia sẻ, gửi gắm đến chúng ta “…Cảm ân là một đức tính của con người cũng như khiêm cung và từ ái đối với muôn loài và muôn vật, nên tôi nguyện sẽ góp cho đời được một cái gì đó, dù thật nhỏ nhoi như cỏ cây ven đường hay những giọt sương mai vào buổi sáng tinh sương khi tiết trời mùa hè oi ả. Hoặc như một dòng nước nhỏ chảy qua khe rạch để nuôi sống cỏ cây, chuồn chuồn, muỗi mòng hay những loài côn trùng nhỏ nhoi nhất. Được như thế tôi cũng đã mãn nguyện lắm rồi.”

+ Đọc sách nhiều khi chỉ cần một câu, một đoạn ngắn làm cho người đọc thích thú, thấm thía, tâm đắc. Ở đây, với chúng tôi là câu ngắn gọn này của Thầy Như Điển: “Viết về Trần Thái Tông lâu nay đã có nhiều người viết; nhưng đa phần dưới cái nhìn của Nho giáo; còn Phật Giáo chỉ có thể tìm rải rác ở các văn kiện đơn lẻ rời rạc.” Phải chi chúng tôi có được sự hướng dẫn, chỉ đường sáng suốt này thì chúng tôi đỡ lệch đường vì những hiểu nhầm đáng tiếc đã có,

+ Là người làm việc nhiều năm ở Viện Đại học Vạn Hạnh, được học hỏi, được giúp việc cho nhiều “nhân vật lịch sử” của Viện Đại học danh giá này, trong đó có cố Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải, Thầy Tuệ Sỹ, Thầy Lê Mạnh Thát nên chúng tôi, từ đáy lòng mình rất vui mừng, trân quý và kính phục lời tán thán công đức vô lượng vô biên mà Thầy Như Điển dành cho những vị mà Cố Hòa thượng Thích Trí Thủ gọi là những viên Kim Cương quý giá của Phật Giáo Việt Nam, (xin phép được trích dẫn tóm tắt như sau):

* Về cố Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải: “… dầu Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải bị tai nạn xe hơi đã ra đi vĩnh viễn ở cõi trần nầy; nhưng những tác phẩm và những dịch phẩm của Ni Trưởng từ tiếng Anh sang tiếng Việt như: Ghandi Tự Truyện, Thanh Tịnh Đạo Luận v.v… vẫn còn sáng ngời với văn học Phật Giáo và văn học Việt Nam.”

* Về Thầy Tuệ Sỹ: “… Còn Thầy Tuệ Sỹ với mình hạc xương mai; nhưng tư tưởng của Thầy thì cao hơn núi Thái và vững hơn bàn thạch, sáng giá hơn kim cương, dầu cho Thầy có sống ở dưới bất cứ hoàn cảnh nào. Những bộ kinh như: Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhất A Hàm, Duy Ma Cật Sở Thuyết v.v… là những tài liệu, dịch phẩm có giá trị muôn đời về sau này cho Phật Giáo cũng như cho Dân Tộc.”

* Về Thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát: “… Riêng Giáo sư học giả Trí Siêu Lê Mạnh Thát trí tuệ như là một ngọn hải đăng cháy mãi không bao giờ tắt lịm, dầu cho có phong ba bão tố bao nhiêu đi chăng nữa thì viên Kim Cương ấy vẫn tỏa rạng hào quang soi sáng cho bao nhiêu thế hệ Tăng Ni cũng như Phật Tử ở đời sau này, nếu ai đó muốn nghiên cứu về sử học.”

+ Trong Tựa Toàn tập Trần Nhân Tông, Giáo sư Lê Mạnh Thát viết: “… Nền văn hóa Việt Nam thời đại Trần Nhân Tông đã xuất hiện hai sự kiện có ý nghĩa hết sức trọng đại. Thứ nhất là việc dùng tiếng Việt như một ngôn ngữ hành chánh chính thức của triều đình cùng với tiếng Hán. Đây là lần đầu tiên việc sử dụng tiếng Việt đã được ghi lại bằng minh văn… Sự kiện thứ hai là việc vua Trần Nhân Tông đã thành lập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử thuần túy Việt Nam với chủ trương Cư trần lạc đạo.”

Vua Trần Nhân Tông cho “dùng tiếng Việt như một ngôn ngữ hành chánh chính thức của triều đình cùng với tiếng Hán” là một sự kiện hết sức trọng đại nhờ đó mà nền văn hóa Việt Nam mà cốt lõi là nền văn hóa/ văn học Phật Giáo Việt Nam có điều kiện để tồn tại và phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi kính mong chư vị nào có tài liệu về việc dùng tiếng Việt… này xin vui lòng cho chúng tôi được đọc. Địa chỉ: 5hien0110@gmail.com. Chúng tôi chân thành cám ơn và biết ơn.

Lời thỉnh cầu và mong ước…

Tuy mới phát hành một thời gian ngắn nhưng Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa đã được nhiều độc giả tìm đọc. Chỉ riêng chúng tôi đã phải đặt mua 30 cuốn để gửi tặng bạn bè. Từ đó, chúng tôi tin rằng cuốn Vua Là Phật, Phật Là Vua sẽ được đón chào nồng nhiệt hơn nữa. Vì vậy, chúng tôi thỉnh cầu và mong ước rằng, Thầy Như Điển, sau tác phẩm này sẽ viết tiếp mấy tác phẩm về triều Trần. Chúng tôi xin đề nghị 2 tác phẩm này:

Một là: Văn Học Phật Giáo Triều Trần.

Hòa thượng Như Điển đã khẳng định: “Về phương diện văn học, thơ văn, Phật học v.v… Vua Trần Thái Tông xứng danh là một đại thi hào, một Phật học gia; một thiền sư liễu ngộ theo đạo thiền.”

Chúng tôi xin đưa thêm vài thông tin đáng chú ý. Tác giả Hoài Nam trên trang Văn Hóa Sài Gòn trong bài Người Mở Hướng Nghiên Cứu Văn Học Phật Giáo Việt Nam dẫn nhận xét của Giáo sư Nguyễn Đình Chú về công trình “Văn Học Phật Giáo Thời Lý - Trần”, rằng: “Theo thời gian, nhiều người Việt càng ngày càng nhận thức thấu đáo hơn giá trị về vị trí của văn hóa Phật Giáo trong nền văn hóa chung của dân tộc. Muốn hiểu sâu nền văn hóa dân tộc, không thể không hiểu sâu văn hóa Phật Giáo, nhất là ở thời trung đại với văn hóa Phật Giáo - mà cốt lõi là văn học Phật Giáo.”

Công trình khoa học giá trị này đã góp phần quan trọng vào việc khôi phục diện mạo văn học Phật Giáo thời Lý - Trần và trở thành Giáo trình giảng dạy của nhiều trường đại học, là giáo trình chính tại 3 học viện Phật Giáo Việt Nam tại TPHCM, Hà Nội, Huế khi học môn văn học Phật Giáo Việt Nam thời Lý - Trần.

Đọc bài này chúng tôi vui mừng và trân trọng đối với những vị giáo sư khả kính đã “mở hướng nghiên cứu văn học Phật Giáo Việt Nam”, nhưng bên cạnh đó chúng tôi cũng thấy lòng nặng trĩu những băn khoăn… Và, sau đó chúng tôi được đọc bài “Văn Học Phật Giáo Việt Nam Một Hướng Tiếp Cận” của TT. TS Thích Hạnh Tuệ. Thầy Hạnh Tuệ cho biết:

“… hai triều đại Lý (1009-1225), và Trần (1225-1400 tồn tại dài lâu, viết nên những trang sử vàng của dân tộc Việt Nam. Thời này có nhiều tác gia và tác phẩm lớn, tiêu biểu như tác phẩm Quốc tộ của Pháp Thuận, Cáo tật thị chúng của Mãn Giác, Thị tịch của Vạn Hạnh, Tham đồ hiển quyết của Viên Chiếu, Khóa hư lục của Trần Thái Tông, Thượng Sĩ ngữ lục của Tuệ Trung Thượng Sĩ, Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của Trần Nhân Tông, Thị tịch của Pháp Loa, Vịnh Vân Yên tự phú, Diên hựu tự của Huyền Quang, Đề Gia Lâm tự của Trần Quang Triều…”

Với trí tuệ và tâm huyết của một tăng sĩ trẻ, Thầy Hạnh Tuệ mong muốn được chia sẻ cùng chúng ta: “Các tác phẩm văn học Phật Giáo đều lưu xuất từ thể tâm vi diệu, biểu hiện thành muôn hình vạn trạng hình tượng, khơi nguồn diệu dụng của tuệ giác, hóa thân thành ngôn ngữ, hình tượng, tạo nên một thế giới văn chương muôn màu muôn vẻ, vô cùng, vô tận, vi diệu và kỳ bí đầy sức tươi mới và hấp dẫn của thế giới văn học Phật giáo.” “Và như thế, cánh cửa “không cửa” của thế giới văn học Phật Giáo luôn chào đón tất cả mọi người bước vào khám phá.”

Hai là: Phật Hoàng Trần Nhân Tông - Sáng Tổ Một Dòng Thiền Việt Nam.

Giáo sư Cao Huy Thuần trong bài “Thiền Đời Trần, Thiền Việt Nam” viết: “… Còn thiền của ta thì sao? Thiền ở Nhật phát triển thành văn hóa thiền, còn ở ta đâu rồi cái chất trí tuệ vạm vỡ của dòng thiền Yên Tử? Trong tình trạng Phật giáo phát triển bề rộng mà thiếu chiều sâu, những cố gắng để làm sống lại tinh túy Yên Tử của Hòa thượng Thích Thanh Từ phải được mọi Phật tử xem như cố gắng của chính mình. Và không chỉ riêng Phật tử! Bất cứ người Việt Nam nào hãnh diện về lịch sử của nước mình đều muốn nước mình có một triều đại rực rỡ như thế, nhất là tình trạng xâm lấn hiện nay. Triều đại rực rỡ đó đã được xây dựng trên một nền văn hóa rực rỡ. Rực rỡ và độc lập.”

Chúng tôi mời quý độc giả đọc thêm các tác phẩm rất có giá trị của cố Giáo sư Nguyễn Đăng Thục xuất bản trước năm 1975: Thiền Vạn Hạnh, Thiền Học Việt Nam, Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam… và nhiều tác giả khác.

Chúng tôi cung kính thỉnh cầu và mong ước Hòa thượng Thích Như Điển viết thêm hai tác phẩm mà chúng tôi vừa đề xuất, và chắc chắn còn nhiều vị thiện tri thức, Phật tử cũng rất mong chờ điều này sớm thành hiện thực, để tương đối hoàn chỉnh vế Triều Trần như Thầy đã hằng ấp ủ.

*

Để kết thúc bài này, chúng tôi hết lòng kính mong quý độc giả thông cảm và lượng thứ về điều rất riêng tư này của chúng tôi. Đó là việc mấy tháng qua chúng tôi bị rơi vào tình trạng “khi tựa gối, khi cúi đầu...” đến nỗi Văn Công Tuấn từ Đức quốc xa xôi đã nhắc khéo rất tế nhị rằng chúng tôi nên tham khảo kinh nghiệm chữa trị bệnh trầm cảm của người bạn - bác sĩ Nguyễn Ngọc Giỏi đồng hương với bác sĩ Văn Công Trâm và Văn Công Tuấn. Văn Công Tuấn cũng báo rằng: Thầy Như Điển đang viết một cuốn sách theo lời đề nghị của anh đấy. Anh vui lên nhé! Sau khi nhận được bản thảo Thầy gửi, chúng tôi hăm hở đọc và đã vui, đã khỏe trở lại! Chúng tôi nghĩ đây cũng là cái “duyên“ của tình thầy-trò.

Chúng tôi mượn 2 câu thơ rất dung dị mà sâu sắc, rất nhẹ nhàng mà giàu ấn tượng của nhà thơ Tùy Anh, trong bài Nhiệm mầu hai chữ Sắc Không:

“Vua là Phật, Phật là Vua”
Đọc xong tác phẩm ngỡ vừa chiêm bao!

Chúng tôi cung kính niệm ân Thầy Như Điển và hân hoan đón chào tác phẩm Vua Là Phật, Phật Là Vua - một tác phẩm hiếm quý, rất đáng đọc và cần phải đọc.

Santa Ana, CA ngày 04 - 09 tháng 04 năm 2020
Nguyên Tánh Nguyễn Hiền-Đức
 
 
 
___________________
 


Tìm Ngọc


 
NGUYÊN ĐẠO
 
Không biết tôi có dại dột chăng khi viết những dòng này; viết về một tác phẩm đã quá tuyệt vời về cả hình thức lẫn nội dung? Dại dột hơn khi biết tác phẩm còn chở bao nhiêu điều kỳ bí về cuộc đời của những vị Vua công hạnh như Phật, những vị Phật từng là Vua. Các Ngài ấy lại là những thiền sư mà cũng là những thi sĩ. Thêm vào đó, tác phẩm lại có sự góp mặt của những vị đạo hạnh, những bậc tài danh hiện nay như Hòa Thượng Bảo Lạc, Hòa Thượng Như Điển và cả ba ông: Nguyên Trí, Nguyên Tánh, Nguyên Minh. Nhưng, như một lệnh đã truyền ra, Nguyên Đạo tôi phải xin vâng, phải vung tay múa mấy đường rìu vụng, gọi là vài điều tâm sự nỗi niềm trước tác phẩm lớn: Vua là Phật, Phật là Vua.

Điều trước tiên tôi muốn nói ở đây là lòng cảm phục.

Tôi học lịch sử biết rằng, hai thời đại Lý, Trần là hai thời đại cực thịnh về nền độc lập của sơn hà xã tắc, về đạo lý và cả về văn học… trong lịch sử Việt Nam. Biết là biết thế nhưng nổi trôi cuộc đời nên cũng gác nỗi niềm sang bên để lo cơm áo. Năm 20 tuổi tôi còn dùi mài kinh sử ở đại học Việt Nam, lo cắm đầu thi để có được tấm giấy “Hoãn dịch vì lý do học vấn“. Năm 35 tuổi, đang ở hải ngoại, lại một lần nữa lo học đại học lần hai để thích nghi với môi trường mới ở Đức, để kiếm ngày hai bữa cho mình và gia đình.

Vậy mà ngày xưa có người mới 20 tuổi đã làm hoàng đế, lại là bậc anh quân đã lãnh đạo đất nước đánh thắng giặc ngoại xâm, đã xây dựng một đất nước thanh bình thịnh trị. Vị hoàng đế anh minh ấy, ở tuổi 35 đã nhường ngôi vua cho con và đi lên núi làm một ông thầy tu. Chuyện thật hiếm có trong lịch sử. Trong khi đó, theo thói thường, có rất nhiều ông vua lại lo đi tìm thuốc trường sinh bất tử, muốn cả đời ngồi chễm chệ trên ngai vàng.

Lý do thật dễ hiểu khi đọc được ý nguyện của Ngài trong sách này: Làm vua chăn dân trăm họ, làm Phật cứu độ muôn loài. Vì vậy Ngài không những là Vua mà còn là Phật: Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Nhưng sách này không chỉ nói về những khung cảnh thiền vị như Trúc Lâm Yên Tử. Sách cũng không chỉ nói về Phật Hoàng Trần Nhân Tông, mà còn viết rất rõ ngọn ngành các đời vua tiên đế là Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông. Sách cũng đề cập chi tiết những chuyện đau từng khúc ruột trong chốn hoàng cung ở cuối triều Lý. Tác giả còn kể cả những chi tiết, những cảnh nồi da xáo thịt nhắc lại thật đau lòng. Cái hay là những sự kiện ấy được kể ra nhưng không khô khan như những dữ kiện, những con số, những niên đại mà người đọc cảm thấy như được ngồi nghe kể chuyện, như đang xem kịch nghệ trên sân khấu, nên rất dễ theo dõi và rất hồi hộp. Cái màn bí mật sau hậu trường sân khấu nhiễu nhương của những vị vua cả hai triều Lý-Trần, hai thời đại cực thịnh của lịch sử Việt Nam, được kể lại thật chi tiết nhưng cũng thật khách quan. Xem thế mới biết cuộc đời luôn có hai mặt, như đất trời luôn có đủ âm dương.

Điều thứ hai là cuộc hội ngộ này.

Chính anh Nguyên Tánh là người khởi xướng trước. Đó là một cuộc hội ngộ bằng chữ nghĩa giữa bào huynh bào đệ, giữa thầy và trò, giữa những thân hữu mang tên có chữ Nguyên. Được ngồi họp mặt trên chiếc chiếu hoa này, dù chỉ ngồi ở mép chiếu cũng thật là một vinh dự. Những tên tuổi như Hòa Thượng Bảo Lạc, Hòa Thượng Như Điển, các anh Nguyên Trí, Nguyên Tánh, Nguyên Minh là những người tôi rất kính mến và khâm phục.

Lúc nhỏ đi sinh hoạt Oanh Vũ tại Gia đình Phật tử Hà Linh, tôi từng bị hút hồn bởi hình ảnh một vị tu sĩ dong dỏng cao, người mảnh khảnh hay cười và cũng hay đùa khi Thầy đến lễ Phật ở Chùa làng và hỏi thăm chúng tôi. Thầy đội trên đầu một chiếc nón lá, đi trên bờ mương nước cao. Tôi mê hình ảnh người đàn ông mặc áo dài (áo nhật bình) đội nón lá, bước đi thong thả ung dung như những tiên ông trong hòn non bộ của ông nội. Cũng có khi Thầy dừng lại ngó trời mây trông thật oai phong như hiệp khách hành (tài tử Vương Vũ) trong phim kiếm hiệp. Đó là hình ảnh nổi bật giữa những người nông dân áo vải đơn giản giữa cảnh đồng ruộng làng quê Xuyên Mỹ. Người ấy chính là Hòa Thượng Bảo Lạc. Rồi sau này khi tôi vào học đại học ngành giáo dục ở đại học Vạn Hạnh thì biết Thầy đang làm giáo sư Việt Văn ở Trung học lại càng nể hơn.

Còn về Hòa Thượng Như Điển, tác giả tác phẩm này thì tôi rất kính ngưỡng, đã viết nhiều về Thầy rồi, xin phép miễn lặp lại. Duy chỉ mỗi một việc cần nhắc. Trong những tháng ngày gần gũi tôi cảm nhận rằng chung quanh Thầy như luôn có một vòng an toàn bao bọc, bảo hộ bởi nhiều Thiện Thần, Hộ Pháp. Việc ấy cũng chẳng lạ gì, khi một người hơn 55 năm qua, mỗi ngày đều siêng năng trì tụng Lăng Nghiêm Thần Chú, cạnh những nghi thức lễ lạy bái sám khác. Lạy cả vạn lạy trong các mùa an cư, nhất bái nhất bộ giữa trời trưa nóng bức Linh Thứu Sơn Ấn Độ v.v… Hơn 55 năm không hề xao nhãng một ngày dù mưa hay nắng, công phu như thế thì chư Hộ Pháp không theo hộ trì Thầy sao được? Có thể vì vậy mà những Phật sự thầy làm đều thuận lợi, thành công.

Anh Nguyên Trí Phù Vân là người anh ở ngay tại địa phương Hamburg. Hai anh em chúng tôi đã cùng sát cánh qua bao nhiêu Phật sự cho Chi Hội Phật Tử Hamburg từ mấy mươi năm nay. Rất nhiều việc “không tên“ đứng ở phông phía sau như tổ chức văn nghệ Vu Lan (nhưng không lên sân khấu), vận động thành lập Gia Đình Phật Tử (nhưng không là huynh trưởng, gia trưởng…). Vân vân và vân vân, kể không hết. Hai anh em khi làm việc rất hiểu ý nhau. Kể cả sau này những công việc sách báo cũng vậy.

Anh Nguyên Tánh Nguyễn Hiền-Đức chính là người đã “mang sách vở đến với tôi và mang tôi về với sách vở”. Thuở còn nhỏ ở làng quê, chính anh đã mang từng cuốn sách về quê nghèo cho thằng bé nhà quê là tôi được đọc. Vào đại học Vạn Hạnh cũng được anh hướng dẫn nhiều việc lớn nhỏ. Lớn như lo chấm sửa morase cho Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh của Hòa Thượng Viện trưởng Thích Minh Châu. Nhỏ như chỉ cách đi ăn phở Pasteur, nhâm nhi cà phê Nắng Mới trước cổng Viện... Có thời gian dài hai anh em ít gặp nhau, do vì thằng bé nhà quê phải lưu lạc khắp nơi. Khi đã ổn định ở hải ngoại lại cắm cúi lo chuyện cơm áo gạo tiền, chúi đầu vào sách vở của Đức nên quên luôn chuyện văn chương Việt Nam thì anh lại xuất hiện và hối thúc viết văn. Anh nhắc rất khéo, chỉ cần gởi cho một tập sách và hỏi ý, hối thúc viết cái gì đó làm thằng bé ngứa tay. Lâu quá mà không thấy bài vở gì mới thì anh giả bộ hỏi thăm. Thú thực, không có anh Nguyên Tánh chắc tôi ít có hứng thú viết lách, do hoàn cảnh nên thời gian bị chia nhỏ cho quá nhiều thứ (cả đến bây giờ cũng cứ như vậy).

Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến thì khỏi nói. Anh là một dịch giả, nhà văn, một học giả uyên thâm tôi từng kính phục. Năm kia chúng tôi hẹn gặp nhau cùng tu tập tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ. Ngay lúc đó anh được nhận giấy cho vào định cư tại Mỹ nên không đến được. Lúc một mình đến nơi, quý Thầy vẫn dành cho tôi phòng đôi có hai giường nằm. Buổi chiều đầu tiên, khi ngồi ở hiên trước, cũng là khách đường tôi thấy mấy thùng sách mới từ Việt Nam gởi sang. Tôi tò mò đến nhìn thì thấy cả mấy thùng sách Kinh Bi Hoa do anh dịch. Tôi vội mượn Chùa một cuốn và thỉnh về phòng, trải tấm khăn màu vàng trang trọng trên đầu giường kế bên và đặt quyển kinh trên đó, như có ông bạn dịch giả của tôi cũng có mặt cùng lễ bái. Thành ra suốt gần bốn tuần Nguyên Minh và tôi cùng ngồi thiền, cùng “tu tập virtual” ở đất Phật. Lần gặp nhau ở California suốt bốn ngày mùa hè năm 2019, chúng tôi có nhiều thì giờ trao đổi một số chuyện và phát hiện rằng chúng tôi có nhiều tâm nguyện, chí hướng giống nhau. Nhìn Nguyên Minh tôi cứ nghĩ đến Thầy Tuệ Sỹ. Cũng tạng người “ốm teo”, cũng viết sách dịch kinh, cũng thông thái và cũng cũng rất… nghệ sĩ. Có việc ít người biết, Nguyên Minh còn là nhạc sĩ sáng tác nhiều bản nhạc rất đặc sắc.

Nói chung toàn là những thiện tri thức. Tôi thật quá may mắn, mấy ai trên đời này có được cái diễm phúc ấy.

Nhưng chưa hết, trong tác phẩm này tôi còn gặp được một người quen cũ là Giáo sư Lê Mạnh Thát. Thời ở Vạn Hạnh, đường Trương Minh Giảng, phòng tôi ở và phòng của giáo sư cùng ở tầng 4 khu nội xá, đối diện nhau. Lúc đó tôi vẫn gọi giáo sư bằng anh - anh Thát - như tôi gọi nhiều vị khác. Tình cảm ở Vạn Hạnh lúc đó quá ư là đậm đà và thiết thân. Ngay khi Viện dời về đường Võ Di Nguy, chúng tôi thỉnh thoảng cũng gặp nhau, khi tôi đến thăm Viện và Thầy Chơn Nguyên. Giáo sư Thát đúng là một thiên tài đặc biệt và xuất chúng của Phật giáo Việt Nam. Giáo sư đã bỏ công tham khảo, tra cứu hàng khối tài liệu từ các nguồn tư liệu bác học qua nhiều sinh ngữ, cổ ngữ khác nhau, dùng sở học uyên bác của mình để viết ra những tác phẩm vô cùng giá trị. Không những vậy, giáo sư cũng đã bỏ công lặn lội trong nhiều năm tháng đến tận những ngôi chùa xưa ở các làng quê hẻo lánh khắp mọi ngã đường Trung Nam Bắc, gõ cửa từng vị trụ trì để xin sưu tập, sao chép những tài liệu quý còn rơi rớt tại các ngôi chùa, tự viện xưa. Cũng nhờ tiếng tăm của giáo sư, nhờ cả công hạnh hoằng pháp lợi sinh mà tự viện nào cũng đón tiếp, đồng thuận và hỗ trợ các công trình, không nơi nào từ chối hoặc gây khó khăn. Năm 2007 giáo sư đến thăm chùa Viên Giác Hannover nhân lần đi thuyết trình tại Đại học Hamburg, tôi hay tin lái xe vượt gần 300 cây số chạy ngay đến. Gõ cửa phòng khách vào và chắp tay vái chào. Dù đã hơn hai mươi năm không gặp và không liên lạc, lại bất ngờ nhưng giáo sư đã nhận ra ngay, đưa tay gõ nhẹ vào đầu tôi và cười nói: “Biệt rồi, cại ni là thằng Tuận.” (Giọng Quảng Trị: Biết rồi, đây là thằng Tuấn.)

Được “hội ngộ” với những tao nhân mặc khách trong quần hội anh hùng như thế, ai mà không mong muốn, dù tự lượng biết công lực mình còn yếu lắm. Tôi thật như anh chàng khờ Đoàn Dự trong Lục Mạch Thần Kiếm của Kim Dung, chỉ mang mấy đường học lóm “lăng ba vi bộ” này ra góp mặt vào đây.



Trước tác phẩm “Vua là Phật, Phật là Vua” giá trị này tôi không thể viết gì thêm mà không vấp phải những bước chân chắc nịch của các bậc trưởng thượng đã viết ra ở trước. Vì được giao trọng trách tổng hợp những dòng chữ câu văn đẹp cho tác phẩm này trước khi đưa xuất bản, nên đã tôi thật sự ngẩn ngơ khi đọc, khi bước vào vườn hoa ấy. Lại nữa, tôi cũng không muốn kể lể dài dòng, để dành sự ngạc nhiên cho độc giả khi tự mình bước chân khám phá hoa viên xinh đẹp này.

Khi tôi ngồi gõ những dòng này thì tiết trời đã vào xuân, giữa tháng 4 năm 2020. Chỉ còn chừng mười ngày nữa là ngày mà UNESCO đã quyết định chọn làm “Ngày sách và bản quyền thế giới” (World Book and Copyright Day) là ngày 23/4 hằng năm. Người xưa nói rằng: “Thư trung hữu ngọc”, trong sách có ngọc quý. Sách nằm đó, biết cách lấy ngọc ra, rồi giũa, rồi mài, rồi đánh bóng… cho ngọc thành hữu dụng cho chính mình là tài năng của mỗi độc giả.

Cũng trong ý nghĩa “hội ngộ” ấy, nhân mùa xuân vừa đến trong lúc đại dịch Corona bao trùm thế giới, tôi lại xin chép từ tác phẩm “Phật là Vua, Vua là Phật” ra đây một cuộc hội ngộ kỳ thú của ba hồn thơ. Điểm đặc biệt thật thú vị: Cả ba, vừa là thiền sư vừa là thi sĩ.

春 曉

睡 起 啟 窗 扉,
不 知 春 已 歸。
一 雙 白 蝴 蝶,
拍 拍 趁 花 飛。

Xuân hiểu

Thụy khởi khải song phi,
Bất tri xuân dĩ quy.
Nhất song bạch hồ điệp,
Phách phách sấn hoa phi.

(Vua Trần Nhân Tông)

Bản dịch của Giáo sư Lê Mạnh Thát:

Buổi sớm mùa xuân

Ngủ dậy mở cánh cửa,
Xuân về đã chẳng hay.
Bươm bướm một đôi trắng,
Phơi phới nhắm hoa bay.

Hòa thượng Thích Như Điển dịch sang thể thơ lục bát:

Buổi sớm mùa xuân

Sáng mai thức giấc ngỡ ngàng,
Mở toang cánh cửa sáng toan lọt vào.
Xuân đà đến đấy hay sao,
Mà ta chẳng biết ra vào chẳng hay.
Bướm kia bay lượn suốt ngày,
Báo cho ta biết xuân này vui chung.
Hoa kia là chốn trùng phùng,
Để ta theo với như cùng cánh tiên.

(Thích Như Điển)

Và còn có 35 bài thơ như thế, như 35 viên ngọc quý trong sách. Thú vị thay: “Hoa kia là chốn trùng phùng, để ta theo với như cùng cánh tiên.”

Chỉ mỗi 35 bài thơ tuyệt tác này cũng đủ làm độc giả nghe lòng ngập tràn hạnh phúc, cảm phục và thích thú khi đọc tác phẩm “Phật là Vua Vua là Phật”. Cá nhân tôi đã phải nhấn con chuột chạy qua chạy lại nhiều lần suốt mấy ngày như thế vào cuối tuần này để so chữ sánh câu, để chiêm nghiệm, rồi gật đầu thán phục.

Cuối cùng, tôi phải mượn câu nói của nhà thơ người Bồ Đào Nha, thi sĩ Fernando Pessoa (1888-1935) mới có thể nói lên được tâm trạng của mình lúc đọc tác phẩm “Phật Vua-Vua Phật” này: “Nếu con tim có thể tư duy, chắc nó sẽ ngừng đập ngay.” (Wenn das Herz denken könnte, würde es sofort stehen bleiben.)

Cũng may, cái đầu tôi còn đang suy nghĩ và con tim vẫn đập đều đều, chở máu đi toàn thân.

Đức Quốc, tháng 4 năm 2020
Lập Xuân

Nguyên Đạo Văn Công Tuấn


    « Xem chương trước «      « Sách này có 9 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Gọi nắng xuân về


Phóng sinh - Chuyện nhỏ khó làm


Báo đáp công ơn cha mẹ


Kinh Đại Bát Niết bàn Tập 1

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 44.192.95.161 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành ... ...

Việt Nam (255 lượt xem) - Hoa Kỳ (14 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...