Niềm vui cao cả nhất là niềm vui của sự học hỏi. (The noblest pleasure is the joy of understanding.)Leonardo da Vinci
Người tốt không cần đến luật pháp để buộc họ làm điều tốt, nhưng kẻ xấu thì luôn muốn tìm cách né tránh pháp luật. (Good people do not need laws to tell them to act responsibly, while bad people will find a way around the laws.)Plato
Để chế ngự bản thân, ta sử dụng khối óc; để chế ngự người khác, hãy sử dụng trái tim. (To handle yourself, use your head; to handle others, use your heart. )Donald A. Laird
Người khôn ngoan chỉ nói khi có điều cần nói, kẻ ngu ngốc thì nói ra vì họ buộc phải nói. (Wise men speak because they have something to say; fools because they have to say something. )Plato
Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi có thể điều chỉnh cánh buồm để luôn đi đến đích. (I can't change the direction of the wind, but I can adjust my sails to always reach my destination.)Jimmy Dean
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Để đạt được thành công, trước hết chúng ta phải tin chắc là mình làm được. (In order to succeed, we must first believe that we can.)Nikos Kazantzakis

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Dưới cội Bồ-đề »» PHẦN NĂM »»

Dưới cội Bồ-đề
»» PHẦN NĂM

(Lượt xem: 2.679)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Dưới cội Bồ-đề - PHẦN NĂM

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Họ đang ngồi đó cả ba người trên tầng lầu của Đại Tháp Giác Ngộ. Nơi có bóng mát cây bồ-đề tỏa rộng. Tuy tháp cao đến hơn 50 mét, nhưng tán cây bồ-đề che rộng ra đến 30 mét cũng không chừng, nơi ấy cũng là nơi cho chim chóc reo mừng, chuyền từ cành này qua cành nọ vào mỗi buổi sáng tinh sương, khi mặt trời chưa xuất hiện và nơi đó cũng là nơi của những người đang lễ bái nguyện cầu.

Họ là ai vậy? Đó là ba người tăng sĩ Việt Nam. Một đang học tại Đại học New Delhi, một đến từ Đức và một đến từ Đan Mạch. Cả ba đều giơ cao ba ngón tay đang đốt cháy lên và miệng mỗi người đang trì tụng chú Đại Bi. Có người đốt tay lần thứ nhất, có người lần thứ hai có người lần thứ ba.

Thời điểm là vào năm 1999.

Mục đích của họ là gì?

Nếu ai đó trong quý vị có đọc quyển “Con Đường Vô Định” của Vô Thức Thích Hạnh Tấn viết và qua lời giới thiệu của tôi thì chắc quý vị đã rõ ngọn ngành. Tuy nhiên xin điểm qua đây một vài nét của việc làm đầy ý nghĩa này của hai đệ tử và một thầy là bạn của đệ tử.

Năm 2000 là năm mà Hạnh Tấn phải về lại Đức để lo cho những công việc chùa Viên Giác và việc triển lãm thế giới tại thành phố Hannover. Trước đó Thầy ấy có phát nguyện nhập thất mấy năm, nhưng nay duyên chưa tới, nên đã phát nguyện đi tam bộ nhất bái (ba bước lạy một lạy) bắt đầu từ Varanasi, nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên cho năm anh em Kiều-trần-như bên dòng sông Hằng và điểm đến là Bồ-đề Đạo Tràng. Chiều dài của đoạn đường ấy là 240 km. Họ ngày đi đêm nghỉ. Có lúc thì lạy có lúc đi bộ. Chỗ nào đi không lạy thì họ tính vào, để khi đến Bồ-đề Đạo Tràng thì họ lạy cho đủ số. Suốt đoạn đường đi đó, Thầy Đồng Văn và Hạnh Tấn phải trải qua tất cả là bốn mươi ngày. Hành lý mang theo người là một bình bát để đi khất thực vào buổi trưa, một cái khăn, một y, một áo và một ít đồ vặt vãnh khác để tùy thân. Nghĩa là trên mình họ không quá 10 kg để dễ lạy và như thế mới là một hành giả đầu đà.

Trên đường đi họ gặp rất nhiều thuận duyên, nhưng chướng nạn cũng không phải ít. Dọc đường lễ bái và khất thực. Tuy người Ấn Độ ở miền quê rất nghèo, nhưng họ cũng tỏ ra rất rộng lượng để bố thí cho hai Thầy cơm, khoai và nước uống. Nhiều đêm còn cho ở khách sạn ở dọc đường mà không lấy tiền nữa. Nhưng cũng có nhiều ngày đi khất thực chẳng có cơm. Vì gặp những chỗ nhà dân quá nghèo, trong nhà chẳng có gì cả. Thế là cả hai Thầy cùng đói. Trong cơn đói như thế, họ cảm thông Đức Phật và họ nhớ lại để tư duy về thân phận của mình.

Thầy Đồng Văn chẳng phải phát nguyện chí thành lúc ra đi, mà chỉ có ý nghĩ đi theo Thầy Hạnh Tấn để hộ trì. Nhưng khi bắt đầu đi thì Thầy ấy đổi ý. Nghĩa là Thầy làm sao tôi làm vậy. Trên đường đi Thầy ấy cũng gặp nhiều thuận duyên, nhưng nghịch cảnh cũng không phải là không theo sát Thầy ấy, như bị xe tông, chân đau v.v... Cả hai đều ở tuổi thanh niên, còn đang sức sống dồi dào, nên trở ngại nào họ cũng cố gắng vượt qua cả.

Cuối cùng rồi Bồ-đề Đạo Tràng cũng đã hiện ra trước mắt họ. Cả hai Thầy đều nghĩ rằng: “Mình sắp về đến nhà rồi, còn gì để lo âu nữa.” Thế là bảo sở đã đến và lời nguyện sắp thành rồi. Cả hai rất lạc quan và sung sướng. Thế rồi một buổi sáng tinh sương cả ba người đều thực hành nghi lễ đốt ngón tay để cúng dường Chư Phật như vừa nói trên.

Thầy Hạnh Nguyện không đi cùng với hai thầy kia, nhưng khi đến đây rồi thì cả ba đều phát nguyện như thế để cúng dường Chư Phật và cầu nguyện cho việc xây dựng Trung Tâm Tu Học Viên Giác tại bồ-đề Đạo Tràng sớm thành tựu viên mãn. Việc ấy chắc đã có Long thần Hộ pháp và Chư Phật chứng minh.

Riêng về Thầy Hạnh Nguyện thì nếu ai đó đã đọc sách “Tự Truyện Một Người Tu” (2 tập) mà Thầy ấy đã viết vào năm 1997 để kỷ niệm sau mười năm xuất gia, thì rõ biết nhiều ngọn ngành hơn. Trong đây tôi chỉ nói một vài nhận xét về việc làm của quý Thầy đệ tử của mình khi tôi còn sống, nhận thấy hay hơn là khi tôi mất rồi thì đệ tử của mình viết về mình cũng là chuyện bình thường, và lúc ấy tôi còn đâu nữa để đọc về mình. Tôi hay làm những việc mà thông thường ít có người làm. Chẳng phải đó là sự mạo hiểm, mà một cái gì ít tuân theo quy tắc như xưa nay là trò hay viết về Thầy, chứ Thầy ít viết về trò, mà viết trong lúc còn sống như thế này thì hóa ra “con hát mẹ khen hay” cũng là chuyện thường tình. Nhưng tôi thì cố vượt lên mọi thị phi, tốt xấu ấy để viết về việc này.

Tôi vẫn thường hay dạy cho học trò, đệ tử của mình rằng: Hãy đừng vui khi người khác khen mình, tán dương mình, lễ bái mình, mà cũng đừng buồn khi người khác chê mình, mắng mình, mạ lỵ mình, rượt đuổi mình v.v... Vì sự khen chê đó nó chẳng có thật tướng. Dưới mắt người này họ cho là đẹp, nhưng dưới mắt người khác thì ngược lại. Hãy nên chẳng trụ vào chỗ này mà tồn tại.

Thuở ấy vào năm 1986 tôi được một lá thư từ Đan Mạch gởi sang và tự giới thiệu với tôi, người ấy tên là Nguyễn Hữu Tuấn, Pháp danh là Lệ Tấn, đang học chương trình trung học và đang định cư ở Đan Mạch, nhưng nay thì muốn đi xuất gia và kèm theo thư ấy có gởi cho tôi một tấm hình nữa. Lúc ấy chừng khoảng hai mươi ba hai mươi bốn tuổi. Tôi liền viết hồi âm và bảo hãy qua chùa Viên Giác để trình bày tâm nguyện của mình. Vả lại gặp được thì nói chuyện nhiều hơn và cuối cùng nhân mùa nghỉ Giáng Sinh năm 1986 thì người ấy qua chùa Viên Giác.

Trước đó vào năm 1984, 1985 tôi đã nhận mấy chú xuất gia rồi, như Thiện Phước đến từ Phần Lan, Thiện Thành từ Guterloh (Đức), Thiện Nam người Đức nói tiếng Việt rất rành. Nhưng rồi cả ba đều hoàn tục vì nhiều lẽ khác nhau. Mỗi người đều có lý do riêng của họ. Vả lại, lúc ấy tôi cũng còn trẻ và hay nóng giận mỗi khi không vừa ý với đệ tử. Không phải để chứng tỏ một uy quyền trong đó, mà vì mong đệ tử tiến bộ mau hơn, nên cái gì cũng mong cho nhanh và được kết quả tốt, kết quả lại trái ngược.

Sau khi Lệ Tấn đến trình bày với tôi thì tôi đã đồng ý cho xuất gia và khuyên rằng sau khi xuất gia vào mùa an cư hè năm 1987 thì hãy về lại Đan Mạch học xong trung học, mà nếu được nên học xong Đại học tại đó, rồi qua đây sau để cùng chúng tu tập thì hay hơn. Rồi những mùa nghỉ hè, nghỉ đông hãy về đây cũng không sao cả.

Sau khi cho Lệ Tấn xuất gia xong thì tôi nhận được mấy lá thư của người anh ruột Lệ Tấn tên là Dũng viết thư cho tôi phiền hà đủ cách, là tại sao dụ dỗ em Nguyễn Hữu Tuấn như thế. Lúc ấy tôi từ tốn trả lời rằng: Vì lẽ Lệ Tấn đã trên 18 tuổi. Sự quyết định ấy không nhất thiết phải hoàn toàn lệ thuộc bởi gia đình, mà sự quyết định ấy là do Lệ Tấn chọn lựa chớ tôi không biết gì về Lệ Tấn trước đó thì làm sao tôi dụ dỗ được và sau đó còn phân tích cho Dũng biết về cuộc đời vô thường, về khổ, về không v.v... nhưng chẳng biết rằng lúc ấy Dũng có để tâm gì thì không biết. Bẵng đi một thời gian dài cũng hơn 15 năm. Vào một buổi sáng (năm 2003 tại Tịnh Thất Pháp Hoa ở San Jose Mỹ Quốc) có một người thanh niên đi cùng vợ và con, sau thời tụng kinh Lăng Nghiêm thì xin vào đảnh lễ và sám hối về những bức thư đường đột mà theo anh ấy đã diễn tả và viết cho tôi từ năm 1986, 1987 từ Đan Mạch. Lúc đó tôi mới biết là Dũng, anh ruột của Lệ Tấn.

Bây giờ anh ta là một kỹ sư, có người vợ rất thuần thành với Tam Bảo và có người con trai rất dễ thương. Riêng anh là một người rất hiểu biết và đã trở thành một người Phật tử rất thuần thành, nghe anh nói là cũng nhờ vợ hướng dẫn không ít. Đều ấy cũng thật đáng mừng và cũng mừng thầm là được biết vợ anh và anh đã đi Ấn Độ năm 2001, đã thấy tận mắt công trình xây dựng Trung Tâm Tu Học Viên Giác của Thầy Hạnh Nguyện tại Bồ-đề Đạo Tràng nên anh chị ấy quá cảm phục và cảm động, nên sự phát tâm học Phật và tu theo Phật lại còn dũng mãnh hơn nữa.

Đến tháng 9 năm 1987 tại chùa Pháp Hoa ở Marseille do cố Hòa Thượng Thích Thiền Định trụ trì có tổ chức Đại Giới Đàn, tôi cho Lệ Tấn và Thiện Tín sang đây thọ giới sa-di. Lệ Tấn tôi cho Pháp Tự là Hạnh Nguyện, còn Thiện Tín tôi cho Pháp Tự là Hạnh Tấn. Năm 1987 cũng là năm tôi được tấn phong lên Thượng Tọa cùng với Thượng Tọa Thích Tánh Thiệt trụ trì chùa Thiện Minh ở Lyon (Pháp), Thượng Tọa Thích Bửu Thanh ở Marseille và Thượng Tọa Thích Phước Toàn ở Paris.

Sau khi thọ giới sa-di thì Hạnh Nguyện có ý xin tôi đi tu học theo Phật Giáo Tây Tạng. Điều ấy tôi chẳng bằng lòng, nên đã về lại Đan Mạch để vừa học, vừa tụng kinh Pháp Hoa và để được đi học theo Tây Tạng ở Ấn Độ. Hạnh Nguyện đã phát nguyện tự đốt một ngón tay của mình để lời nguyện được thành công và sau đó đem vào bệnh viện để băng bó lại. Sau khi lành, có trở lại Đức xin tôi một lần nữa, nhưng lúc ấy qua nhiều lần phân tích thì tôi đã yên lặng và Hạnh Nguyện đến Ấn Độ vào năm 1989 thì phải. Từ đó về sau mỗi lần về thăm tôi, đều có mang theo y áo của Tây Tạng. Điều ấy tôi đã chẳng đồng ý và nêu lên lý do là: “Có biết bao nhiêu Thầy đi học ở ngoại quốc, nhưng có Thầy nào lấy Phật giáo của xứ ấy về làm Phật Giáo của xứ mình đâu, mà hãy lấy tinh hoa của xứ đó cho xứ mình thì được. Ngay cả bản thân của Thầy, Thầy đã học ở Nhật và chỉ ứng dụng tinh thần tu học, sự tiến bộ của Phật Giáo Nhật Bản trong sinh hoạt của Thầy tại đây, chứ có bao giờ Thầy đem Phật Giáo Nhật Bản vào Phật Giáo Việt Nam đâu.”

Đến năm 1993, khi chùa Viên Giác tại Hannover tổ chức lễ Hoàn Nguyện cũng đã tổ chức Đại Giới Đàn Vĩnh Gia thì Hạnh Nguyện và Hạnh Tấn cùng thọ giới tỳ-kheo năm ấy. Nghĩa là sau khi xuất gia và thọ giới sa-di là bảy năm mới đăng đàn thọ Cụ Túc giới.

Để là một vị Thầy vững vàng và đúng luật, đúng pháp, tôi cho phép quý Thầy đệ tử của tôi sau mười lăm năm xuất gia thọ giới thì có quyền nhận đệ tử để tiếp tục giềng mối của đạo và việc ấy đang tiến hành rất tốt đẹp.

Riêng Hạnh Nguyện thì đã đủ 15 năm xuất gia thọ giới rồi nhưng vẫn chưa có ý nhận đệ tử xuất gia lẫn tại gia. Thôi thì tùy nguyện vậy. Việc Thầy trò đệ tử là chuyện nhân duyên, không phải ai muốn cũng được. Ngay như các vị Tôn Túc của chúng ta ở Việt Nam như cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh, Hòa Thượng Thích Trí Quang, Hòa Thượng Thích Huyền Quang đã chẳng nhận một trưởng tử xuất gia nào cả. Trong khi đó thì cố Hòa Thượng Thích Bửu Huệ, cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ v.v... đã có rất nhiều đệ tử xuất gia và nhiều người muốn nương nơi quý Ngài ấy để y chỉ học đạo.

Sau khi những đệ tử xuất gia của tôi thọ tỳ-kheo hay tỳ-kheo ni xong, tôi cho họ Pháp Hiệu bắt đầu bằng chữ Giác. Như thế một người đi xuất gia có ba tên trong đạo. Ngoài tên đời của cha mẹ đã đặt cho. Đó là một Pháp danh khi thọ năm giới, một Pháp Tự khi thọ 10 giới và một Pháp Hiệu khi thọ 250 giới hoặc 348 giới.

Sau này tôi được biết là Hạnh Nguyện đã cùng Hạnh Tấn tham dự một lễ điểm đạo nào đó do Đức Đạt-lai Lạt-ma chủ trì trong khoảng năm 1996-1997, nên cả hai đều phát nguyện đốt một ngón tay để cúng dường. Hạnh Tấn đốt ngón tay thứ nhất và Hạnh Nguyện đốt ngón tay thứ hai.

Khoảng năm 1998, tôi có dịp dẫn đoàn hành hương sang chiêm bái Phật tích, có làm lễ đặt viên đá đầu tiên ở một khu đất khác, không phải khu đất bây giờ, gần bên Maitreya Project của Tây Tạng thuở ấy, bên cạnh Đại Học Ma-kiệt-đà. Lúc ấy có Giáo sư Harata người Nhật đi theo và ông ta đã nói bằng tiếng Nhật với tôi là: “Thưa Thầy! Nơi đây dựng chùa không được và dự án không thành.” Lúc ấy tôi không trả lời, chỉ nói: “Vậy sao!”

Tôi không biết ông ta căn cứ vào đâu để nói, nhưng những điều ông ta nói, cho đến bây giờ hầu như chuyện gì cũng đúng cả.

Tiếp tục sau đó dự án kia bị thất bại, vì chủ đất không thành thật và đã gạt tiền đặt cọc v.v... quả thật ở Ấn Độ chuyện gì cũng có thể xảy ra được.

Đến đó thì tấn thối lưỡng nan. Hạnh Nguyện có hỏi ý Hạnh Tấn là nên tiếp tục như thế nào và cuối cùng thì tháng 3 năm 1999 đã mua đất khác và làm lễ đặt viên đá đầu tiên để xây dựng Trung Tâm Tu Học Viên Giác trên mảnh đất bây giờ, 1.000 mét vuông.

Thời gian sau đó là vận động tài chánh để xây cất. Đầu tiên Hạnh Nguyện thưa hỏi, dò ý tôi ra sao. Thì tôi bảo: “Thầy sẽ cho 10% trên tổng số chi phí xây dựng. Chùa Viên Giác tại Hannover sẽ đảm bảo việc ấy. Xây tới đâu thì sẽ chi đến đó cho đến khi hoàn thành.” Hạnh Nguyện nghe như thế thì vui và bắt đầu chương trình kêu gọi.

Vì là xây chùa nơi xứ Phật, cho nên đi đến đâu cũng được trên từ chư vị Tôn Túc Hòa Thượng, dưới đến các Phật tử đều hết lòng. Vả lại Hạnh Nguyện cũng đã tổ chức một số chuyến hành hương nên đã quen một số Phật Tử bên Hoa Kỳ, Canada. Phần Âu Châu thì đã có tôi và Hạnh Tấn lo. Phần Úc Châu, Hạnh Nguyện đích thân đến để vận động.

Hạnh Nguyện vừa đi vận động tiền bạc vừa lo xây cất. Cùng lúc đó Diệu Huệ, em ruột Hạnh Nguyện mới vừa học xong Đại Học ở Đan Mạch ngành kiến trúc, chưa có việc làm, nên qua Ấn Độ trông coi giúp việc xây cất cho Hạnh Nguyện.

Phải thành thật mà nói công trình kiến trúc đó quả thật tuyệt vời. Cho đến nay (2004) tại bồ-đề Đạo Tràng có chừng 40 ngôi chùa của gần 30 quốc gia Phật Giáo trên thế giới, nhưng không có chùa nào có lối kiến trúc nội thất bên trong đẹp và bền như là Trung Tâm Tu Học Viên Giác này. Một phần nhờ Hạnh Nguyện đi nhiều nơi và biết nhiều trang trí, nên đã nhờ Darasing một người Ấn Độ giỏi tiếng Nhật và tiếng Anh giúp liên lạc với các nhà thầu từ Kalcutta lên xây dựng.

Thỉnh thoảng thì tôi và Hạnh Tấn có điện thoại thăm dò công trình đã tiến triển đến đâu. Cho đến cuối năm 2001 thì Hạnh Nguyện về lại Đức và thưa với tôi là việc kiến trúc gần xong, dự định tháng 3 năm 2002 thì tổ chức lễ Khánh Thành cũng như những lễ khác, sẵn tổ chức hành hương Ấn Độ và Nhật Bản. Đồng thời Hạnh Nguyện cũng thưa rằng: Nhân lễ khánh thành Hạnh Nguyện sẽ đứng ra xin cúng cơ sở ấy cho Giáo Hội và tôi sẽ là người điều động nhân sự để thay thế cho Hạnh Nguyện.

Nghe xong tôi có trả lời rằng: “Thầy chỉ lo cho thế hệ con mà thôi, chứ đến thế hệ cháu thì các anh em phải tự đảm đang lấy, chứ Thầy cũng sắp nhập thất rồi, làm sao có thể cáng đáng được.”

Ngoài ra tôi còn đề nghị nên tổ chức Giới Đàn Minh Hải để các giới tử có cơ hội về đất Phật thọ giới cũng như thỉnh Thượng Tọa Thích Mỹ Quang từ Việt Nam qua phụ trách đàn chẩn tế. Đồng thời nhân dịp này làm lễ đại bố thí cho những người nghèo luôn.

Trung Tâm Tu Học Viên Giác gồm bốn tầng. Mỗi tầng độ 600 mét vuông. Tổng cộng diện tích sử dụng độ 2400 mét vuông. Tầng dưới cùng có phòng ăn tập thể có thể chứa 300 người, phòng phát hành kinh sách và phòng thu băng. Tầng hai có lobby, một số phòng ngủ, văn phòng và nhà bếp. Tầng ba qua hành lang có chùa Một Cột và toàn là phòng ngủ. Tầng trên cùng có bốn phòng cho chư Tăng Ni và thư viện cũng như chánh điện. Sân thượng dùng làm nơi chứa nước và phơi đồ. Tổng cộng số phòng đôi là 27 phòng. Cùng lúc có thể đón 54 khách hành hương ở lại tại Trung Tâm với đầy đủ phương tiện như phòng tắm riêng, phòng vệ sinh riêng và có máy lạnh cũng như giường ngủ riêng biệt.

Tất cả nền nhà đều lót bằng đá cẩm thạch Ý rất sang trọng. Chư Tăng Ni Việt Nam và khách hành hương Việt Nam đến từ khắp nơi trên thế giới được đón mời, không có giá cả, chỉ ủng hộ cúng dường tùy hỷ để chùa trang trải tiền điện, gas, nước và nhân công hằng tháng mà thôi. Vì đây là cơ sở do Phật Tử Việt Nam khắp nơi đóng góp, nên bây giờ được dùng để phụng sự người Việt Nam.

Ngày lễ khánh thành Trung Tâm Tu Học Viên Giác cũng đã đến. Bên chư Tôn Đức thì có Hòa Thượng Thích Hộ Giác, Trưởng Lão Thích Chơn Điền, Thượng Tọa Thích Chơn Trí, Thượng Tọa Thích Giác Đẳng hướng dẫn phái đoàn từ Hoa Kỳ đến. Từ Úc Châu có Hòa Thượng Thích Như Huệ và một số quý Phật Tử khác. Từ Âu Châu sang có Thượng Tọa Thích Tánh Thiệt, tôi và phái đoàn. Từ Việt Nam sang có Thượng Tọa Thích Mỹ Quang và một số Thầy, Cô, Phật Tử. Ngoài ra còn có khoảng 50 tăng ni sinh đang du học tại Đại học New Delhi cũng đã đến tham dự. Cộng thêm với chư Tăng ngoại quốc tại Bồ-đề Đạo Tràng nữa, số người tham dự hôm đó độ 300 Tăng Ni và 200 Phật Tử. Đây là con số lớn nhất từ trước đến nay đối với một ngôi chùa Việt Nam trên đất Ấn Độ như thế.

Cuối cùng rồi tôi cũng đề nghị được một Ban Điều Hành cho Trung Tâm gồm: Hạnh Nguyện Giám Đốc Trung Tâm, Hạnh Tấn Phó Giám Đốc Ngoại Vụ, Hạnh Hảo Tri Sự Nội Vụ, Tuệ Đàm Hương Thủ Quỹ và Hạnh Định thư ký.

Sau lễ khánh thành thì Hạnh Nguyện đi học tại Trung Quốc, nên Hạnh Hảo (người Đức) thay thế trông coi Trung Tâm này trong thời gian một năm và từ năm 2003 đến nay (2004) do Hạnh Định trông coi. Ở đây có lẽ hai năm phải đổi một lần người Quản lý hay Tri sự, vì lẽ khí hậu khắc nghiệt về mùa hè. Có khi nóng lên đến 45°C. Mùa đông thì sương mù và còn bao nhiêu vấn nạn khác nữa. Nếu một người mà ở luôn đây suốt đời thì chắc có nhiều vấn đề lắm.

Chương trình tiếp theo là Hạnh Nguyện sẽ nhập thất tại Thái Lan, trong hai năm tới trong vòng 3 năm và sau đó là gì nữa thì tôi chưa rõ. Tuy nhiên, vấn đề tài chánh của Trung Tâm Tu Học Viên Giác ở Ấn Độ vẫn do Hạnh Nguyện cáng đáng.

Trung Tâm này xây dựng tốn độ 1 triệu đô-la Mỹ và chùa Viên Giác tại Hannover đã phụ vào đó 10% như tôi đã hứa. Số nợ còn không bao nhiêu, từ từ sẽ trả xong trong một vài năm là hết. Ngôi chùa này nếu xây tại Âu Mỹ sẽ tốn gấp 3 lần như thế.

Khi nhìn công trình như thế, tôi đứng ở địa vị là Thầy của các vị này, tôi cũng đã khâm phục. Vì nếu thiếu phước, thiếu nhơn duyên, thiếu hạnh tu thì không thể nào có thể thành tựu được một công trình to lớn như thế. Vả lại nhìn 3 ngón tay trên hai bàn tay của Thầy ấy thì ai cũng phải phục sát đất là đời này những thanh niên như thế, ai có được cái ý chí kiên cường như vậy. Dầu ai nói gì đi nữa thì giá trị vật chất này cũng để lại hằng trăm năm sau, chứ Thầy Hạnh Nguyện khi ra đi đâu có mang theo Trung Tâm Tu Học Viên Giác này làm gì cho nó khổ công nhọc sức, dầu cho ở thế giới bên này hay ở thế giới bên kia đi nữa cũng vậy thôi.

Bởi thế phải luôn luôn nhớ câu rằng:

“Nam-mô hai chữ từ bi,
Phật còn mắc nạn huống gì chúng sanh.”

Cuộc đời của Đức Phật tổng cộng cũng bị mười hai nạn phải trả trong kiếp này, thì chúng ta đâu có thấm thía gì. Vì nghiệp chướng và vô minh còn đầy dẫy, nên phải chịu nhận quả để rồi nhân không còn có cơ hội tiếp tục sanh nữa.

Trong thời gian năm 2002 đến 2004 tại Trung Tâm có bốn người xuất gia ở đây đang phụ giúp công việc chùa. Đó là chú Đồng Thuận (Thông Trị), chú Hạnh Giải, chú Đồng Tác (người Ấn Độ) và cô Thiện Liên. Ngoài ra còn có chín người Ấn Độ làm hằng ngày cho Trung Tâm như gác cổng, dọn dẹp lau chùi, làm nhà bếp v.v...

Qua một lời nguyện và cũng đúng là Hạnh Nguyện, Thầy ấy đã cùng với Thầy Đồng Văn và Thầy Hạnh Tấn đốt mỗi người một lóng tay để cúng Phật vào năm 1999 ấy mà nay đã trở thành sự thật như trong kinh Pháp Hoa phẩm thứ hai mươi hai về Dược Vương và Dược Thượng Bồ Tát đã tự đốt mình để cúng dường chư Phật, thì đây là tinh thần Đại Thừa cầu quả vị Bồ-đề từ xa xưa kia đã có chứ không phải chỉ có ngày nay và chỉ có những Tăng sĩ Việt Nam mới thực hiện.

Một lời khen, một lời chúc tụng, một lời cầu nguyện của Thầy Bổn Sư đối với quý Thầy đệ tử cũng là một việc xứng đáng thôi. Vì việc ấy Thầy đã không làm được. Dĩ nhiên việc ấy Thầy không khuyến khích, tuy nhiên lời nguyện của các anh em Thầy phải tôn trọng là vậy.

Vào những năm 1985, 1986 gì đó khi mà chùa Viên Giác vẫn còn thuê nơi đường Eichelkampstrasse số 35A tại Hannover thì có một cậu sinh viên trạc tuổi hai mươi mốt, hai mươi hai gì đó hay đến chùa để mượn sách đọc và thường hay mặc quần ngắn vào chùa. Hỏi ra mới biết cậu ta là Lữ Thành Nghĩa sinh năm 1964 đang học đại học năm thứ hai chứng chỉ Sinh Hóa (Biochemie) tại Đại Học Hannover. Thời gian sau thì cậu ta đến chùa đều hơn. Tuy nhiên tôi cũng cảm thấy bình thường, vì có rất nhiều sinh viên vẫn hay tới chùa như thế.

Lúc ấy ở chùa chỉ có cô Diệu Niên (Hạnh Niệm) lớn tuổi và một vài anh em làm công quả, còn các chú hầu như không có ai. Thời gian sau cậu sinh viên ấy xin vào chùa ở. Tôi đồng ý. Vì lúc ấy cũng đã thuê thêm được một nơi bên cạnh chùa nữa, nên có chỗ rộng hơn. Do vậy tôi đón nhận cậu ta.

Một hôm trong năm 1987 tôi đi Mỹ về thì Thiện Tín (lúc trước đó đã quy y với tôi) ra nhà gare Hannover đón và thưa với tôi một cách rụt rè là: “Con muốn xin đi xuất gia.” Trên xe tôi có hỏi lý do vì sao đang học mà xin đi tu? Thiện Tín trả lời rằng: “Nằm đêm con nghe mưa rơi và cảm nhận những giọt nước vô thường mà con có ý hướng ấy.” Đó là câu trả lời lúc ấy, tôi còn nhớ vậy. Tôi bảo học Lăng Nghiêm cho thuộc và chờ Lễ Tự Tứ rằm tháng bảy năm 1987 thì sẽ làm lễ xuống tóc, nhưng tôi nhớ không lầm thì làm lễ xuống tóc sớm hơn và ngày đó có thân mẫu của Thiện Tín cũng về chùa, không phải để dự lễ, mà để yêu cầu tôi đừng có cho Thiện Tín xuất gia.

Tôi quay sang bà nói: “Thật ra việc này Thiện Tín tự quyết định sau khi đã ở chùa một năm, chứ tôi không có dụ dỗ gì đâu.”

- Không biết! Thầy làm sao trả con tôi về, tôi một là chết ở đây, hai là đưa tôi về lại Việt Nam, chứ tôi không muốn cho con tôi đi tu.

- Bà dụ được chú ấy về lại sống cuộc đời bình thường thì cứ dụ, chứ tôi thì sẽ làm theo ý chú đã muốn. Dĩ nhiên là con trai một thì chẳng ai muốn con mình đi tu, nhưng chú ấy chọn con đường đúng chứ đâu có chọn con đường sai mà bảo chú ấy phải về?

Có người giữ bà lại, chứ nếu không lúc ấy trong cơn giận bà ta có thể cào hết ngói trên mái chùa xuống cũng nên. Thế rồi bác Diệu Anh dỗ ngọt và khuyên răn bà ta nguội lại từ từ. Cuối cùng rồi lễ cũng đã diễn ra như dự định. Có người mẹ nào không thương con đâu. Vì biết rằng cho con đi tu là cắt núm ruột của mình dâng lên Tam Bảo nên không muốn đấy thôi. Mặc dầu ai cũng thấy rằng con đường đi xuất gia là con đường tốt chứ không phải con đường xấu.

Ngay từ thuở Đức Phật, rồi chư Tổ cũng như chư Tăng ngày nay khi đi xuất gia cũng phải thực hiện bao nhiêu bước mới có thể cắt đứt được sự ràng buộc của gia đình. Chứ đâu phải đơn giản muốn đi là được. Cho nên đó cũng là chuyện thường tình vậy.

Về sau này thì cô Diệu Thanh, mẹ chú Thiện Tín, năng lui tới chùa hơn và nỗi buồn cũ cũng nguôi ngoai dần. Năm 1994 khi Thiện Tín sang Ấn Độ du học thì đó cũng là lần cuối không còn gặp lại mặt mẹ mình nữa. Bà đã ra đi tại bệnh viện Hannover rất an nhiên tự tại trong khi tôi hộ niệm bằng kinh Cầu An và nửa chừng thấy tai, mắt, hai tay chuyển sang màu xám xanh nên tôi đã tụng qua cầu siêu vãng sanh. Hết chú vãng sanh thì Đạo Hữu Diệu Thanh đã trút hơi thở cuối cùng. Đời người chỉ có thế.

Sau đó tôi điện thoại qua cho Hạnh Tấn ở Ấn Độ nhờ Thầy Chơn Thiện nhắn giùm và khi chú ấy về có thỉnh Thượng Tọa Thích Tánh Thiệt sang chủ lễ, còn tôi vì có chương trình đi Mỹ để hoằng pháp đã định trước nên phải đi, không có mặt ở nhà để đưa tang Thân Mẫu của Hạnh Tấn.

Pháp Tự Hạnh Tấn tôi đặt cho chú sau khi thọ giới sa-di cùng với Hạnh Nguyện tại giới đàn chùa Pháp Hoa ở Marseille năm 1987 và pháp tự này vẫn gọi cho đến ngày nay.

Khi xuất gia chú đang học năm thứ 2 chứng chỉ Sinh Hóa (Biochemie) tại Đại Học Hannover, tôi thấy không thích hợp lắm nên khuyên đổi lại môn triết học và khoa học tôn giáo. Đến năm 1992 thì Thầy ấy đã xong Cao Học tại Đại Học Hannover. Thời gian ấy cũng là thời gian cực khổ nhất của một đời tu. Vì chùa Viên Giác tại Hannover đang xây dựng từ 1989 đến 1991 là đợt 1, để làm lễ Khánh thành và từ 1991 đến 1993 hoàn thành, tổ chức lễ Hoàn nguyện và Đại Giới Đàn Vĩnh Gia tại chùa Viên Giác, Hạnh Tấn thọ giới tỳ-kheo với Thầy Từ Trí, Minh Tánh và Hạnh Nguyện.

Thời ấy, làm xong ngôi chùa hết 9 triệu Đức mã, tương đương với 5 triệu rưỡi Mỹ kim, nhưng nhiều lúc không đủ 8 Đức mã để mua một bao xi-măng. Những lúc như thế Hạnh Tấn và Hạnh Bảo đều có bên cạnh tôi. Dĩ nhiên quý Thầy, quý chú ấy không chia sẻ được gì trực tiếp với tôi trong lúc ấy, nhưng cũng đã chia công việc làm với Sư Phụ của mình bằng cách lái xe chở gạch, đất, đá hay phụ sơn phết với anh em công quả v.v... Thời gian ấy quý Thầy, quý chú vào tu với tôi thiệt thòi rất nhiều. Vì lẽ tôi dạy trực tiếp không được nhiều, kể cả chữ Hán lẫn tiếng Việt, chỉ có tự học mà thôi. Vả lại ban ngày còn đi học ở trường, khi về chùa phải lo giúp đỡ nhiều việc nên cũng ít thì giờ lắm.

Sau khi thọ giới tỳ-kheo năm 1993 thì Hạnh Tấn xin tôi đi Ấn Độ học, tôi hy vọng Hạnh Tấn làm xong Tiến Sĩ tại đó. Năm 1994 Hạnh Tấn chính thức đến Ấn Độ, lúc ấy có gặp Thầy Đồng Văn và Hạnh Chánh từ Việt Nam sang du học ở đây và Hạnh Tấn vừa ghi danh học Mphil tại Đại Học New Delhi, mặt khác về Tu Viện Sera ở làng Bylakuppe gần thành phố lớn Mysore, Nam Ấn Độ để học chung với Hạnh Nguyện. Từ năm 1994 đến năm 2000 Hạnh Tấn học được rất nhiều ở Ấn Độ, mặc dầu chương trình Tiến Sĩ đã học xong, nhưng không chịu trình luận án mà thôi, cũng là thời điểm tôi gọi về để lo cho ngôi chùa Viên Giác mà tôi đã sắp đặt trước cho năm 2000 cũng như những năm sau đó.

Hạnh Nguyện viết thư cho tôi đề nghị là: “Chỉ có Hạnh Tấn mới có thể kế thế trụ trì chùa Viên Giác tại Hannover và Sư Phụ có giao cho con thì con cũng giao cho Thầy Hạnh Tấn. Mặc dầu con là sư huynh của Thầy Hạnh Tấn, nhưng qua những hạnh tu của Thầy ấy, con có thể đảnh lễ để Thầy ấy làm Thầy của mình.”

Điều ấy cũng đúng thôi! Vì tôi cũng đã có ý giao Trụ trì chùa Viên Giác cho Hạnh Tấn từ lâu rồi, nhưng chờ học cho xong. Hơn nữa, thời còn trẻ thì sự học rất cần và thời gian rất ngắn, chứ khi già rồi thì không còn sức học nữa. Vả lại con đường tu cần cả một cuộc đời người chứ đâu phải chỉ một hai ngày, nên chẳng vội tấn phong là vậy.

Đến năm 2003 thì việc ấy đã chính thức. Nhân lễ sinh nhật lần thứ 55 của tôi (28.06.2003) dưới sự chứng minh của chư Tôn Đức từ khắp năm châu, tôi chính thức bàn giao nhiệm vụ Trụ trì ngôi chùa Viên Giác cho Thầy Hạnh Tấn và tôi đã lui về ngôi vị Phương Trượng của mình như đã dự định từ lâu. Ngoài ra, nhiệm vụ Chi Bộ Trưởng Chi Bộ Đức Quốc trong suốt 25 năm qua tôi nắm giữ, bây giờ cũng giao qua cho Thầy Hạnh Tấn và kể cả tài chánh của chùa. Còn tôi chỉ đứng phía sau để hỗ trợ những công việc của Thầy ấy và chúng lý Viên Giác mà thôi. Vì tôi quan niệm rằng: Mỗi thế hệ chỉ bắc được một nhịp cầu. Không thể cứ bắc tiếp mãi như thế, mà nhịp cầu thứ hai sẽ do thế hệ thứ hai bắc tiếp qua thế hệ thứ ba, chứ thế hệ thứ nhất không thể bắc thẳng qua nhịp cầu thứ ba được. Nếu bắc sẽ lỡ một nhịp cầu. Đành rằng nếu không có nhịp cầu thứ nhất thì sẽ khó có nhịp cầu thứ hai và thứ ba, nhưng chúng ta không nên ôm đồm quá, là điều tối kỵ trong vấn đề giáo dục và việc truyền thừa. Vì mỗi thời điểm mỗi khác nhau, không có thời nào giống thời nào cả.

Hồi ấy năm 1984, 1985 tôi có ra một giải thưởng. Nếu ai học thuộc lòng kinh Lăng Nghiêm trong vòng từ 1 tuần đến 1 tháng và sau đó tôi khảo ngược, khảo xuôi mà không bị vấp quá 3 lần thì tôi sẽ thưởng một cái bằng lái xe. Lúc ấy học một cái bằng lái xe tại Đức nếu thi một lần đậu phải tốn chừng 1000 Euro, tương đương với 2000 Đức Mã. Thuở ấy có Ngô Ngọc Hiếu pháp danh Thị Nhơn, con của Bác Thị Tâm Ngô Văn Phát cựu Hội Trưởng Hội Phật Tử Việt Nam tỵ nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức và Hiếu là em ruột của Phật Tử Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp, đệ tử tại gia đầu tiên của tôi quy y với tôi từ năm 1978 tại Niệm Phật Đường Viên Giác Kestnerstr. 37 Hannover. Hiếu chỉ học trong 1 tuần là thuộc và sau đó là Thiện Pháp Nguyễn Văn Luận học trong 3 tuần thì xong. Cả hai sau khi khảo hạch đều nhận được phong bì của tôi trao và bây giờ suốt đời họ, mỗi khi leo lên chiếc xe lái đi là họ biết cái bằng lái ấy do tôi đại diện cho chùa Viên Giác đã cấp cho họ. Họ sẽ hãnh diện với vợ con và bạn bè họ về việc này.

Thiện Pháp Nguyễn Văn Luận đã lập gia đình, thỉnh thoảng có về chùa, đã ra Kỹ sư. Còn Thị Nhơn Ngô Ngọc Hiếu đã ra Nha sĩ và có phòng mạch tại Berlin.

Một hôm sau khi vào phòng mạch của Hiếu làm răng xong thì Hiếu tâm sự:

“Bạch Thầy, ngày xưa hai mươi năm về trước, khi con thuộc lòng Lăng Nghiêm thì chú Thiện Tín (tức Hạnh Tấn bây giờ) còn đứng phía ngoài cửa sổ chùa nhìn vào. Còn bây giờ mới gần hai mươi năm mà Thầy Hạnh Tấn đã là như thế, có đệ tử và tiếp nối ngôi vị Trụ trì của Thầy. Còn con sau chừng ấy năm dong ruổi với cuộc đời, địa vị, tiền tài, phòng mạch đã có, nhưng xem ra đâu có cái gì có ý nghĩa đâu. Học xong ra làm việc kiếm tiền, lo cho bản thân, đôi khi giúp cho ba mẹ chút đỉnh để trả hiếu, nhưng đâu có thấm vào đâu. Chỉ có con đường tu hành mới là con đường rộng mở phải không thưa Thầy? Tình yêu, danh vọng là gì nhỉ? Nhưng mấy ai dám thoát ra khỏi chốn này!”

Hiếu đã tâm sự với tôi như thế, khi mà đường công danh của Hiếu đang rộng mở, nhưng để làm gì nữa thì mỗi người phải tự chọn một lối đi cho mình mà thôi. Tôi quay lại bảo Hiếu. Cuộc đời của quý Thầy là:

“Nhất bát thiên gia phạn,
Cô thân vạn lý du.
Kỳ vi sanh tử sự,
Thuyết pháp độ xuân thu.”

Nghĩa là:

Một bát, cơm nghìn nhà,
Một thân, muôn dặm xa.
Chỉ vì sự sanh tử,
Thuyết pháp độ người qua.

Cuộc đời của người tu cũng là một chuyến lữ hành, thong thả ra đi, nhưng thong thả đến. Vì họ đã có mục đích rõ ràng. Dầu cho trên đoạn đường phát tâm bồ-đề ấy có nhiều chướng duyên đi chẳng nữa nhưng họ sẽ nhẫn nhục và tinh tấn như đi khất thực hết ngày này qua ngày khác và cuối cùng thì sẽ đến nơi mình muốn đến. Đó là ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Kế đến là Thầy Đồng Văn, một trong ba Thầy ngồi đốt ngón tay trên Đại Tháp, dưới cây bồ-đề, để cầu nguyện cho việc xây dựng Trung Tâm Tu Học Viên Giác được thành tựu, có nguyên nhân như sau:

Năm 1994 tôi đi hành hương tại Ấn Độ, Hạnh Tấn lúc ấy đã có mặt nơi đó và giới thiệu Thầy Đồng Văn với tôi và Thầy Hạnh Chánh từ Việt Nam sang đây du học, nhưng thiếu phương tiện tài chánh, nên nhờ tôi hỗ trợ. Dĩ nhiên là tôi đồng ý ngay. Vì lẽ thân phận mình ngày trước 1975 cũng đi du học cho nên dễ thông cảm với trường hợp này. Tôi có hỏi mỗi vị, mỗi tháng đóng tiền ăn ở và tiền học tốn bao nhiêu, thì quý Thầy cho tôi biết rằng: Vừa tiền học phí thuê chỗ ở và ăn uống độ 100 đô-la Mỹ. Như vậy mỗi năm, mỗi người cần 1200 đô-la. Tôi hứa giúp và sẽ chuyển làm hai lần, một lần vào tháng hai và một lần khác vào tháng chín mỗi năm, và chùa Viên Giác tại Hannover sẽ nuôi quý vị học cho đến khi nào không học nữa thì thôi.

Quý Thầy ấy nghe thế thì vui lắm. Vì ở ngoại quốc mà có được một sự giúp đỡ như thế, chẳng vui sao được. Lần ấy hình như tôi bắt đầu giúp chừng mười Thầy Cô và khi phát học bổng tôi không phân biệt Bắc Trung Nam hay Nguyên Thủy, Đại Thừa hay Du Tăng Khất Sĩ. Số lượng ấy cứ tăng dần. Cho đến nay (2004) sau mười năm phát học bổng như thế, khâu phát hành bánh trái của chùa Viên Giác phải cung cấp riêng cho 100 xuất học bổng tại Ấn Độ là 75.000 USD, đó là chưa kể những nơi khác trên thế giới. Tổng cộng có 350 vị nhận và số tiền giúp đỡ mỗi năm là 150.000 US. Trong đó cũng có một số ít tiền từ quý Phật Tử và quý Thầy Cô các nơi ở ngoại quốc ủng hộ, nhưng đa phần là do quý Cô, quý Bác trong khâu phát hành bánh của chùa Viên Giác ở Hannover Đức Quốc cung cấp.

Đến nay thì đã có 25 vị ra Tiến sĩ Phật Học tại Đại Học New Delhi và các Đại Học khác ở Ấn Độ. Có người thì về nước phục vụ, có vị thì đi ra ngoại quốc để giúp đỡ các chùa, các hội. Trong đó có Đại Đức Thích Đồng Văn. Thầy ấy xuất thân từ Bình Định, thuộc hệ phái Lâm Tế Chúc Thánh, sinh năm 1964, bằng tuổi Hạnh Tấn, xuất gia năm 1974, thọ tỳ-kheo năm 1984 và năm ấy cũng là năm Thầy được nhập học khóa I của cao cấp Đại Học Vạn Hạnh. Cứ bốn năm Đại Học Vạn Hạnh mở một khóa. Cho đến bây giờ sau hai mươi năm đã gần xong khóa thứ V rồi. Những khóa đầu độ chừng năm mươi Tăng Ni sinh học. Khóa thứ V niên khóa 2001-2005 có độ khoảng 600 vị đang học tại Sài Gòn.

Năm 1988, Thầy Đồng Văn tốt nghiệp và đến 1994 thì du học qua Ấn Độ để học MA và đến năm 2001 thì đã xong Tiến Sĩ tại đó. Sau khi xong, tôi hỏi Thầy có muốn đi qua Đức hay không, thì Giáo Hội ở đây bảo trợ. Thầy đồng ý. Thế là giấy tờ bảo lãnh tiến hành và chỉ trong vòng một tháng là Thầy ấy có mặt tại Đức. Mới đó mà cũng đã gần bốn năm rồi. Trong hơn hai năm đầu Thầy ở chùa Viên Giác lo giúp đỡ dạy chữ Hán và Luật cho quý Cô, quý Chú tại chùa. Đến giữa năm 2003, Thầy Từ Trí muốn tịnh tu nên đã yêu cầu Chi Bộ cử người về chùa Tâm Giác ở Munchen để chăm lo Phật sự. Thế là tôi đã cử Thầy Đồng Văn đi và hiện bây giờ có Giác Đức đang phụ Thầy với vai trò là Tri Sự chùa.

Sau mùa An Cư Kiết Hạ năm 2003, tôi dự định sang Úc để nhập thất ba tháng và nhờ Thầy Đồng Văn đi cùng để đánh máy và hỗ trợ việc dịch thuật cho tôi. Đây cũng là lần đầu tiên tôi làm theo cách này. Nghĩa là tôi xem văn bản trong Đại Tạng Kinh bằng chữ Hán, đọc ra tiếng Việt và Thầy Đồng Văn đánh máy liền vào computer. Nếu chữ nào tôi không rõ thì hỏi Thầy ấy. Nếu cả hai cùng không biết thì tra tự điển. Sau đó nhờ Hòa Thượng Bảo Lạc, Bào huynh của tôi giảo chính lại một lần nữa. Như vậy là tạm xong, để khi về Đức chỉ cần layout rồi đem đi in, chứ không cần phải đánh máy lại nữa.

Đây là do tôi sáng tạo, chứ đa phần quý Thầy, quý Cô dịch bằng lối viết tay từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác và sau đó giao cho người khác đánh máy. Điều này có cái lợi là còn bản gốc. Lỡ có bị mất trang trên máy điện toán cũng không sao, nhưng bất tiện là tốn nhiều thời giờ và nếu người đánh máy rành danh từ Phật Học thì đỡ sửa lại, nếu không rành thì lỗi chính tả cũng là một vấn đề nan giải, phải tốn nhiều thì giờ hơn nữa để hoàn thành một dịch phẩm như thế.

Năm 2003, chúng tôi đã dịch quyển Đại Đường Tây Vức Ký từ chữ Hán sang tiếng Việt, đã ấn hành tại Hoa Kỳ 4.000 bản, Âu Châu 1.000 bản và Úc Châu cũng 1.000 bản và được biết ở Việt Nam cũng đã được in lại nhiều ngàn bản nữa. Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn mà việc lưu hành quyển sách này nhanh như thế. Ngoài ra chúng tôi cũng có dịch truyện Giám Chân Hòa Thượng đăng trên báo Pháp Bảo và một số kinh ngắn khác đăng trên báo Viên Giác, Tâm Giác v.v...

Cứ mỗi cuối tuần, quý Thầy quý chú xuống chùa Pháp Bảo ở Sydney để phụ lễ và nghe Hòa Thượng Bảo Lạc giảng về Quy Sơn Cảnh Sách cũng như Duy Thức học, thì ở trên núi tôi cố gắng viết thêm một tác phẩm nữa.

Tác phẩm đó có tính cách giáo dục mang tựa đề là “Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt”. Sách này chỉ xuất bản ở Đức 1.000 cuốn và vào tháng 10 năm 2004 Đạo Hữu Tâm Kiến Chánh ở Oklahoma USA đã đọc vào băng Cassette cũng như chuyển thành định dạng MP3 đưa lên mạng Internet. Đạo Hữu Tâm Kiến Chánh cho biết trong vòng 14 tiếng đồng hồ đã có 172 vị vào mạng để download xuống, trong đó có cả Việt Nam và một số quốc gia Đông Âu. Nhiều nhất là Hoa Kỳ và Canada. Kết quả như thế làm cho tôi rất hoan hỷ. Vì có nhiều người vào nghe và tham khảo cũng như đọc về giáo lý của Phật Giáo. (Đầu tháng 5 năm 2005, đã có 5.000 người vào mạng xem sách này.)

Năm 2004 tôi đến Úc trễ hơn năm trước, vì lẽ phải tham dự khóa Lễ Hội Hành Hương của Gia Đình Phật Tử Việt Nam Hải Ngoại tại Trung Tâm Tu Học Viên Giác ở Bồ-đề Đạo Tràng, Ấn Độ, nên ngày 10 tháng 11 năm 2004 mới đến Sydney.

Bắt đầu làm việc từ ngày 16 tháng 11 năm 2004 và Thầy Đồng Văn vẫn chưa có visa vào Úc, nên tôi đã bắt đầu dịch và Thiện Tánh đánh máy vào computer. Luận lần này mang tựa đề là “Đại Thừa Bồ Tát Học Luận” (Siksasamuccaya) do Ngài Pháp Xứng Bồ Tát (Santideva- Tịch Thiên) soạn, gồm 25 quyển. Độ 70 trang trong Đại Tạng. Sau khi dịch và in thành sách chắc cũng gần bằng quyển Đại Đường Tây Vức Ký vừa qua. Nghĩa là cũng hơn 400 trang A5 như thế.

Từ quyển 1 đến quyển thứ 12 Thiện Tánh đánh máy. Từ quyển 13 đến quyển thứ 25 thì Thầy Đồng Văn đảm nhận. Thầy ấy bắt đầu làm việc chung từ 30 tháng 11 năm 2004 đến 15 tháng 1 năm 2005. Năm nay tôi có viết thêm một tác phẩm khác mang tựa đề là “Dưới cội Bồ-đề”. Sách này gồm những tản văn liên quan đến cuộc đời Đức Phật, Hoàng Đế Asoka, Hoàng Tử Mahinda và những chuyện liên quan đến việc tu học.

Ngày xưa chư Tổ dạy: “Tạo tự dị, tạo tăng nan.” Nghĩa là làm chùa thì dễ mà đào tạo một vị tăng sĩ thì rất khó. Do đó ngày nay tôi quan niệm xây dựng con người là vấn đề tối quan trọng, hơn là việc xây chùa. Mặc dầu xây chùa cũng là vấn đề cần thiết, nhưng vấn đề nào cần thiết hơn thì phải làm trước vậy. Trong khi chùa viện có nhiều mà thiếu chư tăng ni thực tu, thực học cũng là điều thiếu sót to lớn.

Ngày nay, trong cũng như ngoài nước, việc phiên dịch Đại Tạng Kinh đã bắt đầu rầm rộ. Hy vọng là chừng mười năm nữa Phật Giáo Việt Nam sẽ dịch hết Đại Tạng Kinh chữ Hán ra tiếng Việt. Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh gồm 100 bộ. Mỗi bộ độ 1.000 đến 2.000 trang chữ li ti. Như quý vị thấy đó, chỉ 70 hay 80 trang trong Đại Tạng khi dịch ra tiếng Việt đã phải lên tới 400 trang A5 rồi. Do vậy mà một Đại Tạng Kinh Việt Nam nếu thật sự hoàn chỉnh phải cần gấp bốn hay năm lần số trang và số quyển như vậy. Đó không phải là công việc của một người, mà là công việc của tập thể.

Một con én không làm nên mùa xuân, nhưng nếu mùa xuân có nhiều cánh én thì bầu trời sẽ rạng rỡ hơn. Vì quan niệm như vậy nên tôi đã bắt tay vào việc sáng tác từ năm 1974 cũng như dịch thuật vào những năm sau này. Hiện tại (2004) tôi đã viết và dịch độ bốn mươi tác phẩm, nhưng chừng ấy cũng chưa đủ vào đâu. Vì nhu cầu ngày nay càng ngày càng nhiều lắm, mà món ăn tinh thần thì không tăng, như thế sẽ có một số thiệt thòi cho những người đi sau.

Thị trường sinh hoạt trên thế giới ngày nay người ta dựa trên cung và cầu, nếu cung nhiều mà cầu ít sẽ tạo nên dư thừa hàng hóa và ngược lại nếu cầu nhiều mà cung ít thì sẽ bị khan hiếm hàng hóa. Đó là vấn đề vật chất mà các xí nghiệp phải biết tính toán thì cơ sở mình mới có thể tồn tại và phát triển được. Còn vấn đề tư tưởng, vấn đề tinh thần cũng giống vậy thôi. Không thể chỉ có cái đầu tiến bộ, cởi mở mà cái chân không chạy theo kịp, thì cả hai cách này đều mâu thuẫn và níu kéo nhau, làm sao con người có thể tiến bộ được. Nếu không đi tới, ắt phải lùi, mà một nhịp đập như thế của tôn giáo phải cần một cung cách sáng tạo hơn mới có thể tạo thành một động lực cho mọi giới được, nhất là cho những thế hệ về sau này, khi mà khoa học càng ngày càng phát triển hơn.

Khoảng cuối năm 1989 hoặc đầu năm 1990, có một cậu thanh niên tuổi độ chừng 26, 27 có mái tóc quăn từ địa phương Regensburg về Hannover để thăm chùa Viên Giác và có ý muốn cúng để tang cho Mẹ. Từ đó về chùa đi xe lửa độ sáu tiếng đồng hồ, vì khoảng cách gần 500 km. Ngày ấy chưa có xe lửa chạy nhanh. Nếu bây giờ thì chỉ cần ba tiếng rưỡi là đến.

Cậu ta tên là Nguyễn Phước Bảo Tần, con của một nữ sĩ, bút hiệu Chim Hoàng, có làm thơ, bạn của nữ sĩ Hỷ Khương ở Việt Nam. Chẳng may mẹ cậu bị mất tích và bây giờ về chùa nhờ tôi cúng cầu siêu, nhưng chẳng biết còn sống hay chết, nên lấy ngày ra đi khỏi nhà làm ngày giỗ và để tang.

Cũng như bao nhiêu người khác thôi, ngày sau tôi có làm lễ và có tụng bài “Cuộc Hồng Trần”. Thế là cậu ta khóc tha thiết, khóc nức nở khi nhớ về người mẹ sinh ra mình. Rồi từ đó cậu ta trở lại chốn cũ của mình và vẫn thư từ liên lạc đều với tôi. Sau đó định về chùa ở một thời gian dài để làm công quả. Tôi đồng ý. Vì lúc đó chùa Viên Giác đang xây cất. Cũng trong mùa Phật Đản năm 1990 cậu ta quy y, tôi cho pháp danh là Thiện Quang và sau đó xuất gia. Nhân duyên đã chín muồi cho nên đến năm 1991 thì thọ giới sa-di tôi cho Pháp Tự là Hạnh Bảo và năm 1994 thì thọ giới tỳ-kheo. Lúc đó tuổi đời của Hạnh Bảo vừa đúng ba mươi mốt tuổi. Cái tuổi thanh niên đang trưởng thành và biết bao nhiêu chuyện thế gian đã gác lại và cố nhìn phía trước để tu học cũng như báo ân cho mẹ. Đây là một trong những người đệ tử xuất gia của tôi, vì chữ hiếu với mẹ mà đi tu. Dĩ nhiên mỗi người đi xuất gia có mỗi một hoàn cảnh và mỗi một mục đích khác nhau, không ai giống ai cả.

Từ năm 1996 đến năm 1999 tôi cho Hạnh Bảo đi Đài Loan học thêm sinh ngữ và sau ba năm thì về lại Viên Giác. Trước đó có ở Singapore mấy tháng. Lẽ ra Hạnh Bảo đã học ở Trung Quốc, nhưng vì thuở đó giao thương giữa Đức và Trung Quốc còn khó khăn, nên cuối cùng phải chọn Đài Loan.

Vì có khiếu tiếng Hoa cho nên chẳng mấy chốc Hạnh Bảo đã thành thạo ngôn ngữ này và khi về lại Đức, tôi có dẫn đi một số nơi để tham gia các buổi lễ Thọ Bát Quan Trai cũng như Lễ Vu Lan hay Phật Đản. Khi đến chùa Vạn Hạnh tại Odense Đan Mạch và Niệm Phật Đường Viên Ý tại Ý thì Hạnh Bảo được hai nơi này mời về trụ trì. Cuối cùng thì tôi và Giáo Hội đã thuận cho Hạnh Bảo chính thức trụ trì chùa Viên Ý từ năm 2003 và tại chùa Vạn Hạnh Đan Mạch chưa chính thức là trụ trì. Tuy nhiên trong hiện tại ngoài Hạnh Bảo tại đó ra, chùa này không có Thầy nào khác nữa cả.

Năm 2004 vừa qua Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu giao cho địa phương nước Ý tổ chức khóa tu học Phật pháp kỳ thứ 16 đã thành công viên mãn. Có hơn 100 Tăng Ni tham gia chứng minh giảng dạy và đến để học tập. Ngoài ra có 100 trẻ em và 800 học viên đến từ khắp Âu Châu cũng như Hoa Kỳ, Canada cũng như Úc Châu. Sau 16 năm tổ chức, đây là lần đầu tiên có số học viên và chư Tăng Ni đông nhất, gồm 1.000 người, và cũng là lần đầu tiên thành công nhất về tất cả mọi phương diện, dưới sự điều động của Hạnh Bảo và Bác sĩ Bảo Chí cũng như Ban Chấp Hành Hội Phật Tử Việt Nam tại Ý.

Cây bồ-đề ở Âu Châu khó phát triển như Á Châu hay Úc Châu hoặc Mỹ Châu, vì nơi đây khí hậu rất lạnh. Mùa Đông có khi âm 30°C, chẳng có cây nào có thể mọc được ngoài trời, mà phải trồng ở trong nhà. Do đó tôi vẫn thường hay nói: Trồng cây Bồ-đề - cũng có nghĩa là cây giác ngộ - ở xứ Đức này phải cố gắng lắm mới giữ gìn và phát triển được. Điều đó hẳn đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Bây giờ, sau nhiều năm tu học, Phật Tử tại Âu Châu đã có chừng hơn 1.000 vị thọ Bồ Tát Giới tại gia, ăn chay trường và kinh kệ, giáo lý rất rành. Quý Thầy lãnh đạo tại Âu Châu rất hãnh diện về điều đó và đặc biệt trong 1.000 người tham dự khóa học đó có đến 700 người là thanh niên rồi, lão niên chỉ chừng 200 vị. Như thế ta có quyền hy vọng Đạo Phật Việt Nam tại Âu Châu sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, vì đã có thế hệ trẻ ấy đứng ra cáng đáng Phật sự.

Riêng tôi chẳng biết có duyên gì mà từ năm 1981 đến nay đã độ cho bốn mươi bốn vị xuất gia. Bên tăng hầu như 95% là thanh niên chưa lập gia đình. Có trình độ thế học trước khi đi xuất gia được chia ra làm ba loại: Loại một có Tú tài rồi mới đi tu được 40%. Số từ lớp 10 đến Tú tài độ chừng 35%. Số dưới lớp 10 là 25%. Cũng chính là nhờ kén chọn ngay từ đầu vào như thế, cho nên đầu ra có nhiều kết quả cao. Nếu không rõ ràng ngay từ đầu thì lượng sẽ có nhưng phẩm lại không. Vì vậy cho nên nhiều người cho rằng tôi khó, đi xuất gia rồi mà còn trọng bằng cấp. Thật sự ra tôi muốn dưỡng nuôi cây bồ-đề ấy tươi tốt, cành lá vươn cao, chứ không thể bỏ nhiều công sức và phân bón để chỉ chăm lo cho những cây bị sâu ăn, bị cụt đầu hay bị quằn lá v.v... Nhờ vậy mà riêng đội ngũ Viên Giác bây giờ giới xuất gia bên tăng đã có hơn 10 vị có học vị từ Cử nhân, lên Cao học và Tiến sĩ.

Quý Cô thì đa phần trung niên xuất gia, nghĩa là có gia đình rồi mới đi tu. Tuy nhiên, họ đã nỗ lực rất nhiều. Cô Hạnh Thông, cô Hạnh Bình học và tu rất siêng, cô Hạnh Ngộ thì làm kinh tế cho chùa rất giỏi. Các cô lớn tuổi như cô Hạnh Châu, cô Hạnh Ân, cô Hạnh Ngọc, cô Hạnh Niệm, cô Hạnh Tịnh cũng vậy. Họ đã dùng thì giờ tu phước, làm bánh trái để giúp quý Thầy Cô Việt Nam đi du học ở ngoại quốc và nhờ vậy mà Phật Giáo Việt Nam mới có chỗ đứng sau này trong lòng dân tộc cũng như trên diễn đàn của Phật Giáo thế giới.

Những người có bằng cấp từ Cử nhân trở lên thì có: Hạnh Tấn, Hạnh Hảo, Hạnh Giới, Hạnh Giả, Hạnh Nhẫn, Thiện Tánh, Đồng Tâm (Thông Trụ, đệ tử Hạnh Tấn) và có từ Tú Tài trở lên thì có Hạnh Bảo, Hạnh Hòa, Hạnh Sa, Hạnh Thức, Hạnh Giải, Đồng Thuận (Thông Trị, đệ tử Hạnh Tấn). Ngoài ra những vị y chỉ có trình độ Tiến Sĩ như Sư cô Minh Huệ, Thầy Đồng Văn, Cao học như Thầy Tông Nghiêm và rất nhiều vị khác có trình độ như thế.

Những người có trình độ từ lớp 10 trở lên có Hạnh Vân, Hạnh Từ, Hạnh An, Hạnh Luận, Hạnh Lý, Hạnh Tuệ, Hạnh Định, Hạnh Nhân, Hạnh Đức v.v... Ngoài ra là trình độ dưới lớp 10.

Trong 44 vị xuất gia ấy có 5 người ra đời và 3 vị đã ra đi. Như vậy, 36 vị còn lại là những vị đang vun xới tưới tẩm tinh thần tu học của mình của chùa Viên Giác sẽ càng ngày càng rạng rỡ hơn xưa nữa. Dĩ nhiên ở đây mỗi Thầy, mỗi Cô, mỗi Chú đều có mỗi biệt tài riêng. Ví dụ như Hạnh Vân rất giỏi nghi lễ, Hạnh Từ rất giỏi thuyết pháp...

Người làm thầy cũng giống như làm cha mẹ, nếu bênh vực cho ai đó thì cũng chỉ bênh vực lẽ phải và khiển trách ai đó thì cũng là khiển trách những điều không đúng, chứ không thể thiên vị người nào. Dĩ nhiên, người học giỏi bao giờ cũng được thưởng và người học dở thì được khuyến khích và sửa đổi nhiều lần để tiến thêm.

Trong quý thầy, nhiều người có cả bốn hay năm anh em ruột đi xuất gia, có người thì ba hoặc hai cũng là chuyện rất bình thường. Vì người anh hay người chị đi rồi, về thăm nhà thì những người em thấy thế nên cũng muốn nối bước theo. Đa phần thành công, vì lẽ có tấm gương của anh hay chị mình đi trước làm nền móng rồi.

Cá nhân tôi cũng thế, năm 1958, khi Hòa Thượng Bảo Lạc đi xuất gia thì cả nhà hầu như không đồng ý. Đến năm 1964 khi tôi đi xuất gia cũng không phải là trong gia đình ai cũng hài lòng. Vì tôi là con út trong gia đình. Người xưa thường nói “giàu út ăn, khó út chịu”, nhưng phần hương hỏa của gia đình chúng tôi sau khi xuất gia chẳng còn lo được mà phải cậy vào ông anh thứ tư và các cháu của chúng tôi ngày nay cáng đáng.

Ở ngoại quốc ngày nay có nhiều anh chị em ruột cũng đi tu như Hòa Thượng Thanh An, Thượng Tọa Thiện Tường, Thầy Trí Dung, Thầy Trí Dũng, Thượng Tọa Nhất Chơn, Thượng Tọa Thiện Huệ, Hạnh Giới, Hạnh Giả v.v... Hôm nay trong tác phẩm này tôi sẽ đề cập đến hai người đệ tử xuất gia có tính cách đặc biệt một chút, không phải để khoe khoang mà để khích lệ cho những ai đang có ý hướng đó thì con đường xuất gia cũng đang đón chờ.

Có nhiều người quan niệm rằng đi xuất gia là vì bị bạc đãi, bị thất sủng, hay vì thất tình v.v... nên mới tìm vào cửa chùa, nhưng những đệ tử xuất gia của tôi không rơi vào những trường hợp đó, mà với bằng cấp, học lực như thế, nếu họ ở đời có thể kiếm ra nhiều tiền, cuộc sống sung túc. Nhưng tại sao họ lại đi xuất gia để chôn chặt đời mình vào trong một khuôn khổ nhất định, mà chắc chắn ở đời họ không phải bị chi phối điều này?

Gia đình và tôn giáo đóng góp một vai trò rất quan trọng. Nếu trong gia đình ông bà, cha mẹ, chú bác không có nhân duyên với đạo Phật thì phải nói rằng con cháu ít ai có nhân duyên với cửa chùa. Như vậy, gia đình là một nhân tố nội tại và là nguyên nhân xa để người xuất gia có thể nương vào đó mà thực hiện ý chí xuất trần.

Gia đình anh chị Quảng Ngộ và Diệu Hiền, Đức Hương và Diệu Tịnh ở Đức là những gia đình tiêu biểu như thế, là những “Gia đình Phật Hóa Phổ”. Trên từ ông bà cha mẹ, dưới đến rể con, dâu cháu nội ngoại hầu như đều đã quy y Tam Bảo và rành rẽ về giáo lý của nhà Phật. Phải nói rằng, đây là những gia đình lý tưởng khi sống ở ngoại quốc ngày nay. Không ai là không muốn như thế, nhưng nhiều khi nhân duyên đưa đẩy không thuận thì lúc ấy chỉ biết quy trách về nghiệp duyên mà thôi.

Hạnh Giới và Hạnh Giả là thế hệ thứ hai lớn lên và thành công tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, nhưng cả hai đều đi xuất gia và đã được gia đình đồng ý lẫn trợ duyên, khuyến khích cho việc này. Thông thường thì cha mẹ ít khi hoan hỷ, mặc dầu biết rằng xuất gia là việc tốt và chỉ có những bậc cha mẹ hoặc gia đình hiểu đạo mới có thể biểu tỏ được sự đồng tình ấy.

Hạnh Giới tên thật là Hồ Lộc, pháp danh Đức Thụ, quy y với Hòa Thượng Thích Quảng Thạc, Trụ trì chùa An Lạc tại Sài Gòn. Hòa Thượng là một danh Tăng lẫn danh Nho của đất Việt. Tại chùa Viên Giác Hannover có treo câu đối của Ngài là:

慧炬高標光越地
慈鐘長叩震西洋

“Tuệ cự cao tiêu quang Việt địa,
Từ chung trường khấu chấn Tây dương.”

Dịch nghĩa:

“Đuốc Tuệ giương cao (sáng) soi đất Việt,
Chuông từ gióng tiếng (chấn) động trời Tây.”

Bây giờ thì Ngài đã viên tịch rồi, những đệ tử tại gia và xuất gia của Ngài có nhiều người giỏi ở trong cũng như ngoài nước.

Quy y với Ngài Quảng Thạc, Hồ Lộc có pháp danh là Đức Thụ, sinh năm 1970 theo giấy khai sinh, nhưng tuổi thật là sinh năm 1967. Ra đi tỵ nạn với gia đình đạo hữu Đức Hương Hồ Thanh và đến trại tỵ nạn Hồng Kông cách đây hơn hai mươi năm về trước. Lúc đó Đức Thụ cùng Đức Hinh, hai anh em ruột, đã theo chú đi tỵ nạn khi tuổi đời mới trên dưới mười tuổi.

Đến Đức phải học tiểu học tại Furth và sau đó mới bảo lãnh cho cha mẹ qua. Khi qua thì gia đình đạo hữu Quảng Ngộ dẫn thêm Từ Vũ và Đức Lập qua và tất cả bốn cô cậu đi học tiểu học ở trường Đức. Những năm đầu theo học phải nói là thiên nan vạn nan vì ngôn ngữ không rành, phong tục tập quán khác biệt v.v... Nhưng về sau nhờ Phật độ và có sự kiên nhẫn nên đã vượt qua và sau đó thì gia đình dọn về Laatzen ở gần chùa. Đạo hữu Quảng Ngộ và Diệu Hiền thì sinh hoạt trong Chi Hội Phật Tử Hannover, còn bốn cô cậu thì học trung học tại trường Trung Học Albert Eintein tại Laatzen và sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử Tâm Minh thuộc chùa Viên Giác.

Bắt đầu vào học Đại Học Hannover ngành Tôn Giáo và Ngôn Ngữ học là Đức Thụ đã xin vào ở chùa, từ năm 1991 và ở được hai năm thì dọn ra, nêu lý do ở chùa ít có thì giờ cho việc học và làm bài ở Đại Học. Bẵng đi một thời gian, sau khi làm nghĩa vụ công dân tại Malterserhilfsdienst lo cho các em người Đức khuyết tật và đậu Magister (Cao Học) về ngành trên thì cậu ta mới vào chùa cùng ba mẹ và xin tôi đi xuất gia, nghĩa là giữ lại chí nguyện cũ. Tôi nghĩ chắc có lẽ bị rớt rồi, vì khi không còn ở trong chùa nữa, sống với cuộc sống đầy quyến rũ ở bên ngoài đời, không phải là chuyện đơn giản. Nhưng sau tôi được biết thời gian ở ngoài cư xá sinh viên Đại Học Hannover cậu vẫn ăn chay và lui tới chùa đều vào những ngày cuối tuần.

Khi vào chùa lần thứ hai để đi xuất gia, tôi bắt buộc phải đi học tiếp tục lên Tiến Sĩ. Đức Thụ đồng ý và từ đó vừa học vừa tu. Kể từ năm 1999 thì xuất gia chính thức, năm 2000 thì thọ giới sa-di, tôi cho pháp tự là Hạnh Giới và năm 2002 thì thọ tỳ-kheo tại Trung Tâm Tu Học Viên Giác ở Bồ-đề Đạo Tràng, Ấn Độ.

Năm 2001-2002, nghiên cứu một năm ở Đại Học Santa Cruz, California Hoa Kỳ. Sau khi về thì hoàn thành luận án tiến sĩ về sinh hoạt Phật Giáo của người Việt Nam tại Hoa Kỳ với hạng tối ưu. Đồng thời Hạnh Giới cũng là thông dịch viên hữu thệ của Tòa Án Hannover từ Đức sang Việt và ngược lại. Ngoài ra Hạnh Giới cũng thông thạo Anh, Pháp ngữ và bây giờ thì thêm tiếng Phổ Thông Trung quốc. Những sách của tôi viết sau này đều do Hạnh Tấn và Hạnh Giới chuyển ngữ.

Sau khi lấy văn bằng tiến sĩ vào cuối năm 2003, lúc ấy mới 33 tuổi theo giấy tờ, Hạnh Giới còn muốn học thêm nữa và đã xin tôi đi học ở Đài Loan trong vòng một đến hai năm, nghĩa là từ 2004 đến 2005. Sau đó thì về lại làm việc ở Đức với danh nghĩa là Tri Sự của chùa Viên Giác, Phó Chi Bộ đặc trách ngoại vụ và thành viên của tổ chức DBU (Deutsche Buddhistische Union) là một tổ chức Phật Tử Đức.

Con đường đã đi tuy có gay go, nhưng đã thông suốt về học vị. Bây giờ chỉ còn hạ thủ công phu, nghiên tầm kinh điển để cống hiến đời mình cho đời và cho đạo. Ấy là tất cả nguyện vọng của một người xuất gia. Nếu với bằng cấp ấy và gia đình giàu có như thế mà ở đời cũng đâu có thiếu công danh sự nghiệp, tiếng tăm và lợi dưỡng, nhưng đã quyết chí xuất gia thì quả là điều đáng tán dương. Dĩ nhiên cuộc đời từ đây trở về sau vẫn còn nhiêu khê lắm, những thử thách không dừng tại đó và khi nào “nắp quan tài đậy lại” rồi thì mới biết mình đã trọn vẹn đời tu hay không? Đó là câu nói của Hòa Thượng Thích Hộ Giác mà tôi hay thường đem ra để khuyên dạy đại chúng.

Nhiều người bảo rằng đi tu là phải khổ hạnh, chịu cực chịu khổ, không nên dùng những phương tiện hiện đại. Như vậy ta có thể nhìn lại cuộc đời Đức Phật để chiêm nghiệm. Về vật chất, với đời sống vương giả của một Đông Cung Thái Tử, Ngài đã có dư thừa, nhưng Ngài đã đi tìm lối sống khổ hạnh và nếu lý luận như người ngoài đời là hạnh phúc nằm nơi tiền tài vật chất, vợ đẹp con ngoan thì Ngài đã bỏ hạnh phúc và đi tìm khổ đau trong cuộc sống khổ hạnh hay sao? Nhưng sau đó thì Ngài đã sống lại con đường Trung Đạo và từ đó mang lại hạnh phúc an lạc cho nhơn sinh qua trí tuệ tuyệt vời ấy. Chứ nhứt quyết hạnh phúc không nằm nơi tiền, tài, tình, địa vị. Nếu nói là thật có thì không ai dại gì mà bỏ nó để đi tìm cái viễn ảnh xa vời.

Đi xuất gia như thế để người đời tự hỏi là: Tại sao mình không đi tu, để thấy giá trị của người tu là gì? Đi tu không phải để cho người ta thương hại, mà phải làm cho người ta ngưỡng vọng cái giá trị tinh thần cao thượng đó, vì ít có người làm được. Chứ không phải đi tu là chôn chặt đời mình nơi sâu thẳm của tâm thức khổ đau, như cô Lan đã chôn xác bướm Điệp để quên đi một mối tình oan trái. Việc ấy quá tầm thường và đấy không phải là mục đích của người xuất gia để “trên cầu Phật Đạo, dưới hóa độ chúng sanh”.

Nhiều người bảo tôi là đi tu rồi sao vẫn trọng bằng cấp. Thật ra thì không phải trọng, mà là tôi quý những người ham tu và ham học. Nhiều người nói khoác rằng: “Ôi! Cái bằng tiến sĩ ấy đâu có ý nghĩa gì!” Nói vậy cũng được, nhưng xin đưa ra cho xem một cái bằng tiến sĩ mà anh, chị hay ông bà đã có rồi thì lúc ấy phủ nhận cái bằng tiến sĩ kia cũng không muộn. Nếu Thánh Ghandhi tranh đấu với thực dân Anh vào những năm 1940-1948 mà không có bằng cấp của Anh cấp và bảo mọi người Ấn Độ khi tranh đấu giành lại chủ quyền cho đất nước thì hãy đốt cháy đi và vứt vào thùng rác những gì của người Anh cấp. Người làm đầu tiên là Thánh Ghandhi. Sau đó những người Ấn Độ mới tiếp tục làm theo. Nếu ông ta không có, khi bảo có ai làm theo đâu.

Tôi vẫn thường nói: “Sự học nó không làm cho người ta giải thoát được, nhưng nếu muốn mở cánh cửa giải thoát kia, không thể thiếu sự tu và sự học được.” Đó là điều căn bản mà người xuất gia nào trong hiện tại ở thế kỷ 21 này cũng phải suy nghĩ kỹ trước khi đi xuất gia. Nếu không, khi vào chùa sẽ gặp khó khăn. Vì mỗi ngày chùa nhận được hàng trăm lá thư, điện thoại đến từ mọi nơi khác nhau và bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, thì vị Trụ Trì ấy phải làm sao đây? Nếu không có trình độ ngoại ngữ thì việc ngoại giao của chùa đó xem như thất bại. Ngoài ra còn không biết bao nhiêu là sự trở ngại khác đang chờ đợi mình ở phía trước nữa. Không học, chẳng tu thì ở chùa có ích lợi gì?

Vì thế phải học, mà còn phải học cho thật giỏi để người ta khỏi khinh chê là người tu dốt nát và phải tu cho chín chắn, chứ không phải chỉ tu có từng mùa. Mình là nhà sư phạm, nhà giáo dục, nhà lãnh đạo quần chúng, không thể là kẻ mê mờ được, mà lúc nào cũng dùng ánh sáng trí tuệ để soi đường cho chính mình và cho mọi người, đó mới là điều quan trọng.

Xuất gia không phải là để củng cố cho bản ngã mà xuất gia theo cái nhìn của kinh Kim Cương mà Đức Phật đã khuyên Ngài Tu Bồ-đề là tu theo tinh thần Vô Ngã, không chấp về mình, không chấp về người, không chấp về chúng sanh, không chấp vào những loại hình khác. Nghĩa là, tất cả mọi thứ, mọi loài trên đời này cái gì cũng chẳng có chủ thể cả.

“Như Lai thường thuyết, nhữ đẳng tỳ-kheo tri ngã thuyết pháp như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả hà huống phi pháp.” Nghĩa là: “Như Lai thường nói: Này các tỳ-kheo, nên biết giáo pháp mà ta thuyết dạy cũng giống như chiếc bè, [qua sông rồi phải bỏ đi], pháp ấy còn nên xả bỏ, huống chi là những gì chẳng phải pháp.”

Vậy thì đúng hay sai cũng đều là giả danh, đâu có gì là thật tướng? Chỉ có người nào vượt lên được trên tất cả thì mới có giá trị tất cả. Còn kẻ nào còn chìm đắm trong sự chấp trước, đối đãi thì pháp ấy là pháp thế gian chứ không phải là pháp xuất thế gian.

Nói như thế để phủ nhận tất cả mọi sự hiện hữu trên đời này, đều chỉ là do duyên sanh thôi, không có gì để phải buồn khi nó bỏ ta đi và cũng chẳng có gì vui khi nó vẫn còn hiện hữu bên mình. Vì lẽ buồn hay vui, tốt hay xấu, giàu hay nghèo, có hay không v.v... cũng chỉ là những đối đãi của cuộc sống tương đối này mà thôi. Vì chúng ta chưa phải là Phật, cũng chẳng là Bồ Tát hiện thân, nên chúng ta phải làm những gì thuộc về “thế gian trụ trì Tăng bảo” chứ cũng chưa lên được việc “xuất thế gian trụ trì Tăng bảo”. Còn “Đồng thể Tăng Bảo” lại còn xa xôi diệu vợi lắm, vượt khỏi tầm tay của chúng ta đang sinh sống trong đời mạt pháp này.

Một chú khác đi tu thì làm cho nhiều người buồn. Hỏi ra mới biết là vì chú đẹp trai quá, học giỏi quá, nhưng tại sao lại đi xuất gia? Họ buồn là trong đời thiếu đi một người như thế. Nhưng nếu đặt câu hỏi lại cho những người buồn kia là: Như thế ở trong chùa toàn là những người xấu, dở mới đi xuất gia chăng? Có nhiều người khóc vì cảm động. Vì lẽ trẻ trung như thế, học giỏi như thế, làm ăn đàng hoàng, tiền bạc đầy đủ như thế mà bỏ hết để đi xuất gia thì quả là điều khó ai có thể nghĩ đến được.

Đó là chú Hạnh Giả, thế danh là Hồ Thanh, pháp danh Đức Lập, xuất gia hồi đầu năm 2002, sau ba tháng tôi cho thọ giới sa-di giới tại Bồ-đề Đạo Tràng với pháp tự là Hạnh Giả. Chú này là em ruột của Hạnh Giới. Sau khi dời về Hannover học trường trung học Albert Einstein tại Laatzen, ra trường Tú Tài 2, lớp 13 đỗ thủ khoa toàn trường, đứng trên hết cả mấy trăm người Đức và báo chí Đức lúc bấy giờ cũng ca ngợi người Việt Nam hết lời, mang vinh dự cho thế hệ thứ hai của người Việt Nam khi đến tỵ nạn tại xứ này. Đến khi tốt nghiệp Diplom Ingenieur (Kỹ Sư) về Informatik (Điện toán) cũng được xếp vào loại ưu tú. Sau khi đi làm một năm, giá lương chưa trừ thuế gần 50.000 Euro, đó là số tiền không nhỏ cho một sinh viên Cao Học mới ra trường. Nhưng chú đã từ bỏ tất cả. Lý do vì sao?

Một hôm tôi đang ở trong thư phòng thì anh Quảng Ngộ dẫn Đức Lập vào, cậu ta ăn mặc như ở sở, tôi cứ ngỡ là đi coi ngày đám cưới cho Đức Lập. Không ngờ anh ta mặc áo lễ vào xin đảnh lễ và nói lý do là muốn đi xuất gia. Dĩ nhiên là tôi rất vui, nhưng cũng gạn hỏi kỹ lại những lý do chính và nêu ra một số điều kiện. Nếu đồng ý thì dọn vào chùa ở và tiếp tục con đường tu học. Chú ấy có xin mấy điều trong đó có một điều là vẫn tiếp tục ghi danh ở Đại Học ngành Anh ngữ và Tôn Giáo Học, đồng thời xin tiếp tục đi dạy tiếng Anh cho người Đức vào mỗi tối thứ tư tại trường Bình Dân (Volkshochschule) ở Laatzen. Dĩ nhiên là tôi đồng ý, vì đó cũng là cách để chú ấy rèn luyện khả năng Anh ngữ của mình.

Ngày xưa ở Việt Nam và ngày nay ở ngoại quốc cũng thế, những ai học cùng lúc chương trình nội điển lẫn ngoại điển thì rất cực. Vì phải lo học bài cho cả trường Đạo lẫn trường Đời. Tuy nhiên khi ra trường xong thì có cơ hội dùng sở học của mình để đi làm việc. Nếu vị nào chỉ học nội điển không, vẫn tốt thôi, nhưng giao tế bên ngoài không có khả năng nhiều. Ngược lại một vị Tăng Sĩ hay Ni Cô chỉ có học ngoại điển mà không trau giồi nội điển thì quả là một thiếu sót lớn.

Ở chùa Viên Giác tại Hannover mỗi năm an cư kiết hạ ba tháng, từ sau lễ Phật Đản đến lễ Vu Lan. Chương trình mỗi ngày rất khít khao. Sáng thức dậy từ 5 giờ 30 phút. Sau đó tất cả Tăng Ni lên chánh điện, tọa thiền từ 5 giờ 45 phút đến 6 giờ. Sau đó là trì tụng thần chú Thủ Lăng Nghiêm và kinh hành nhiễu Phật đến khoảng 7 giờ 20 phút. Tiếp theo là chấp tác. 8 giờ dùng điểm tâm.

Từ 9 giờ đến 11 giờ sáng đọc sách, ôn bài hay đi học ở ngoài. 11 giờ là giờ ngọ trai và kinh hành nhiễu Phật đến 12 giờ. Từ 12 giờ 30 phút đến 14 giờ 30 phút là giờ nghỉ trưa. Chiều từ 14 giờ 30 phút đến 16 giờ Tăng chúng học nội điển. Ví dụ ngày thứ hai trong tuần tôi hướng dẫn Đại Trí Độ Luận, ngày thứ ba huân tu Tịnh Độ. Ngày thứ tư học Thanh Tịnh Đạo Luận với Hạnh Tấn. Ngày thứ năm và thứ sáu học nghi lễ và chữ Hán thuộc về luật với Thầy Đồng Văn, hoặc một vị khách Tăng nào đó trong mùa an cư kiết hạ được mời dạy.

17 giờ là giờ công phu chiều. 18 giờ 30 phút vãn thực. Từ 20 giờ đến 21 giờ 45 phút là giờ lạy kinh Đại Bát Niết-bàn mỗi chữ mỗi lạy. Cho đến năm 2004, chư Tăng Ni và Phật Tử đã lạy gần xong quyển I. Còn quyển II sẽ lạy trong những năm tới. Nếu lạy hết hai quyển này chắc cũng hơn 500.000 lạy. Mỗi đêm như thế lạy chừng 300 đến 350 lạy, tùy theo đánh khánh nhanh hay chậm. Cách lạy này cũng là cách sám hối cho thân tâm thanh tịnh và làm cho sự tu học càng ngày càng tinh tấn hơn. Mới lạy mấy ngày đầu hơi đau chân, nhưng những ngày sau quen dần, sẽ trở nên bình thường. Chỉ trừ tối Chủ Nhật là không lạy thôi. Ngoài ra trong ba tháng an cư ngày nào cũng lạy cả.

Kể từ năm 1984 đến 2004 là hai mươi năm. Mỗi năm tôi và Tăng Ni chúng chùa Viên Giác tại Hannover đều đã thể hiện sự tu học của mình như thế. Đầu tiên tôi lạy Ngũ Bách Danh. Đó là 500 danh hiệu của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Sau đó lạy Tam Thiên Phật Danh gồm 3.000 lạy. Quá khứ Trang Nghiêm Kiếp có 1.000 vị Phật. Hiện tại Hiền Kiếp có 1.000 vị Phật và Vị lai Tinh Tú Kiếp có 1.000 vị Phật. Sau đó thì tôi phát nguyện lạy kinh Vạn Phật. Cũng là danh hiệu Phật và 11.100 lạy chứ không phải chỉ 10.000 lạy mà thôi. Tiếp đến sau kinh Vạn Phật chúng tôi phát nguyện lạy kinh Pháp Hoa mỗi chữ mỗi lạy. Phần mở đầu của kinh Pháp Hoa nói có hơn 60.000 lời, nhưng khi dịch ra tiếng Việt đã có 77.000 chữ. Chúng tôi lạy trong vòng 5 năm như thế mới xong bộ kinh này và tiếp tục là Bộ Kinh Đại Bát Niết-bàn cũng mỗi chữ mỗi lạy. Chắc cũng trên 200.000 lạy rồi.

Mỗi vị tu có mỗi hạnh khác nhau, như sám hối, lễ bái, trì kinh, tọa thiền, niệm Phật, trì chú v.v... tất cả cũng là những pháp môn của Đức Phật dạy cho chúng ta mà thôi. Nếu chúng ta thâm tín và siêng năng hạ thủ công phu thì cách nào cũng tốt hết, không nhất thiết chỉ có một cách duy nhất.

Sau khi lạy kinh buổi tối, toàn chúng tọa thiền một lần nữa. Khi về lại phòng riêng chắc cũng đã gần 10 giờ đêm. Ai siêng năng thì học bài tiếp, hoặc làm công việc riêng của mình và 11 giờ lên giường ngủ, để chuẩn bị cho ngày hôm sau. Nếu không có sức khỏe thì chắc chắn không kham nổi. Có người bảo: “Để già, rảnh việc hãy vào chùa tu.” Nếu chờ cho rảnh việc và chờ cho già đến thì chẳng làm được việc gì cả. Dĩ nhiên cũng tốt hơn là đã chẳng thể hiện ý chí của mình cho một việc gì nhất định cả thì uổng phí cho một đời người làm Phật Tử đi chùa.

Do vậy, đi tu ở tuổi thanh niên, thanh nữ vẫn tốt hơn. Thứ nhất là có nhiều thời giờ để học hỏi. Thứ hai là có thể lạy tròn một lạy với cách ngũ thể đầu địa hay cách lạy như của Việt Nam mình là đứng lên ngồi xuống. Ngày xưa Thái Tử Tất Đạt Đa phát tâm xuất gia lúc 19 tuổi, độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời và thành đạo lúc 30 tuổi cũng là độ tuổi quá đẹp để còn thì giờ đi hoằng hóa độ sanh trong 49 năm nữa mới thị tịch Niết-bàn. Chứ nếu chờ 60 hay 70 tuổi mới đi xuất gia thì quả thật khó học và tu theo chúng được.

Còn chín tháng khác trong năm, Tăng Ni chùa Viên Giác vẫn công phu ngày hai buổi như thế. Ai muốn nhập thất trong 1 tuần hay 2 tuần cũng sẽ dễ dàng thực hiện, vì ở chùa có nhiều phòng ốc. Chỉ sợ mình không đủ ý chí mà thôi. Trong mùa không an cư thì cuối tuần đi Phật sự đến các nước khác, các chùa khác hoặc các Chi Hội để dự lễ như Phật Đản, Vu Lan, Thọ Bát Quan Trai, khóa giáo lý v.v...

Ngoài ra là những khóa tu từ ngày 1 tháng 7 đến 14 tháng 7 mỗi năm cũng như từ 25 đến 30 tháng 12 mỗi năm đều có những khóa tu học, niệm Phật, trì chú và khóa tu gieo duyên để kết duyên với Tam Bảo cho chúng Phật Tử tại gia.

Dĩ nhiên là tôi không thể kể hết về những đệ tử xuất gia, vì mỗi vị có một hạnh như những vị đã đề cập bên trên. Tuy nhiên, những đệ tử không đề cập ấy vẫn nằm trong tâm tôi. Ví dụ khi Hạnh Bảo ở Đài Loan về thì giở cái đầu cho tôi xem là đã phát tâm đốt 9 liều một lúc để cúng dường ở một giới đàn tại Đài Bắc. Dĩ nhiên đệ tử mình mà có được nhiều người chuyên tu hơn, hạ thủ công phu hơn mình thì mình càng quý hơn cũng như sẽ hỗ trợ cho họ nhiều mặt khác nhau để vị ấy thành tựu sở tu của họ. Riêng tôi, tôi rất hãnh diện về những đệ tử xuất gia và những đệ tử y chỉ của mình. Vì họ đã nương tựa vững chãi tâm linh của họ và từ đó đã phát đi những lời đại nguyện để vào đời độ sanh và tự chiến thắng chính mình.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 8 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 44.204.34.64 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (401 lượt xem) - Việt Nam (119 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - ... ...