Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi. (I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu bạn nghĩ mình làm được, bạn sẽ làm được. Nhưng nếu bạn nghĩ mình không làm được thì điều đó cũng sẽ trở thành sự thật. (If you think you can, you can. And if you think you can't, you're right.)Mary Kay Ash
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Yêu thương và từ bi là thiết yếu chứ không phải những điều xa xỉ. Không có những phẩm tính này thì nhân loại không thể nào tồn tại. (Love and compassion are necessities, not luxuries. Without them humanity cannot survive.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Hành động thiếu tri thức là nguy hiểm, tri thức mà không hành động là vô ích. (Action without knowledge is dangerous, knowledge without action is useless. )Walter Evert Myer
Chỉ có hai thời điểm mà ta không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Đó là lúc ta sinh ra đời và lúc ta nhắm mắt xuôi tay.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Ngủ dậy muộn là hoang phí một ngày;tuổi trẻ không nỗ lực học tập là hoang phí một đời.Sưu tầm

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH Y HỌC THƯỜNG THỨC »» Làm thế nào để giảm cholesterol »» NHỮNG PHƯƠNG THỨC TRỊ LIỆU BỔ SUNG »»

Làm thế nào để giảm cholesterol
»» NHỮNG PHƯƠNG THỨC TRỊ LIỆU BỔ SUNG

Donate

(Lượt xem: 5.638)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Làm thế nào để giảm cholesterol - NHỮNG PHƯƠNG THỨC TRỊ LIỆU BỔ SUNG

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

1.

Những phương thức trị liệu bổ sung

Đôi khi, bất chấp mọi nỗ lực tích cực trong việc điều trị, mức cholesterol của một người nào đó vẫn ngoan cố duy trì ở mức cao. Nhiều người đã hỏi tôi rằng, liệu phương thức dinh dưỡng trị liệu bổ sung có thể giữ một vai trò trong việc làm giảm mức cholesterol của họ hay không. Câu trả lời là có. Những thức ăn và các loại thuốc thảo mộc có tính chất trị liệu bổ sung có thể thích hợp hơn với tên gọi “dinh dưỡng trị liệu”. Với gần 20% số người lớn ở Hoa Kỳ đã chi ra ước chừng 4 tỷ đô la cho mục đích dinh dưỡng trị liệu, thị trường các chất bổ sung này quả thật là rất lớn. Điều rất cần thiết đối với bạn là phải biết được những chất bổ sung trong trị liệu có tác dụng như thế nào và có thể tác dụng tích cực được đến đâu.

Hầu hết các phương thức trị liệu bổ sung chỉ có một tác động rất khiêm tốn đối với mức cholesterol. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể thường xuyên giảm được việc dùng thuốc điều trị nếu như có nhiều phương thức trị liệu bổ sung được áp dụng kết hợp với một chế độ ăn ít chất béo và (nếu cần thiết) có lượng đường thấp, cùng với một chương trình rèn luyện thể lực hợp lý. Điểm quan trọng chính yếu cần nhớ là, cũng giống như một chế độ ăn hợp lý chỉ có tác dụng khi bệnh nhân tuân thủ thật nghiêm ngặt, các phương thức trị liệu bổ sung chỉ có tác dụng khi nào được thực hiện một cách thích hợp và kiên trì.


2.

Sử dụng Cholestin

Thành thật mà nói, tôi không thật sự nghĩ là Cholestin thích hợp khi được đề cập đến ở đây, trong mục nói về các phương thức trị liệu bổ sung, cho dù nó quả thật được xếp vào các loại thuốc bán tự do trên thị trường. Theo ý tôi, Cholestin quả thật là một loại thuốc điều trị chính. Nếu bạn chọn dùng nó, nhất thiết phải cho bác sĩ của bạn được biết, và mức cholesterol cũng như chức năng gan của bạn cần phải được kiểm tra định kỳ.

Cholestin là một loại men đỏ (Monascus Purpureus) được lên men trên cơm gạo. Đây chính là chất “phụ gia” làm cho món vịt Bắc Kinh có màu đỏ đặc biệt. Nó cũng là một thành phần chính trong loại rượu gạo đỏ của Trung Hoa. Loại men đỏ lên men trên cơm gạo này đã được sử dụng từ nhiều thế kỷ ở Trung Hoa, như một nguyên liệu để nấu ăn cũng như một loại dược phẩm.

Điều đáng quan tâm là, một trong các thành phần chính của Cholestin là mevinolin, một hợp chất gần như là tương tự với lovastatin, được dùng để điều chế Mevacor. Như chúng ta đều biết, Mevacor là một loại thuốc làm giảm mức cholesterol rất mạnh, được xếp vào nhóm thuốc statin. Các thuốc khác trong nhóm này còn có atorvastatin (Lipitor), simvastatin (Zocor), fluvastatin (Lescol) và pravastatin (Pravachol). Tất cả các thuốc này đều sẽ được đề cập ở một phần sau của sách.

Cholestin được đưa ra thị trường vào năm 1997 với một vụ xôn xao rất lớn trong công chúng. Công ty Pharmanex, nhà sản xuất Cholestin, đưa ra rất nhiều quảng cáo trên các tờ báo lớn. Sự quảng cáo rầm rộ này làm cho Cơ quan quản lý Thực Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phải chú ý đến. Bởi vì Cholestin được quảng cáo là có thể làm giảm mức cholesterol từ 25 đến 40 điểm, và có cấu trúc hóa học tương tự với thuốc làm giảm cholesterol là Mevacor, cơ quan FDA đã can thiệp vào, quyết định rằng Cholestin là một loại thuốc và cần phải đưa vào quản lý như các loại thuốc khác. Khi FDA sắp sửa cấm bán Cholestin trên thị trường tự do thì công ty Pharmanex đưa đơn kiện cơ quan này ra tòa. Trước sự ngạc nhiên của rất nhiều người, vào tháng 2 năm 1999, một tòa án liên bang tại Salt Lake City, Utah đã phán quyết nghiêng về phía công ty Pharmanex. Sau đó, Pharmanex đã được mua lại bởi công ty Nu Skin International.

Bây giờ thì hẳn bạn không còn nghi ngờ gì về tác dụng của Cholestin, bởi vì nó tương tự như Mevacor. Nhưng có lẽ bạn sẽ băn khoăn về việc nó gây tác dụng như thế nào? Bạn cũng có thể không biết rằng nó tác dụng tích cực đến mức nào, và liệu nó có tác dụng phụ nào hay không.

Cũng giống như Mevacor, Cholestin gây tác dụng bằng cách ức chế một loại enzym chính liên quan đến việc sản xuất ra cholesterol ở gan. Loại enzym này có tên là HMG CoA Reductase. Cả Mevacor và Cholestin đều ngăn chặn một phần loại enzym này, và kết quả cuối cùng là có ít cholesterol được gan sản xuất ra.

Cholestin, Mevacor và tất cả các loại thuốc khác trong nhóm thuốc statin đều làm gia tăng số lượng thụ thể LDL trong các tế bào gan. Các thụ thể LDL có chức năng lấy đi LDL cholesterol trong máu. Khi tăng liều của bất cứ loại thuốc nào thuộc nhóm statin, mức cholesterol trong máu sẽ càng được giảm thấp hiệu quả hơn.

Cholestin được dùng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất là 2 viên nang, mỗi viên 600 mg, 2 lần mỗi ngày, tổng lượng như vậy là 2.400 mg, sẽ có thể giảm mức LDL cholesterol đến 21%, gần như tương đương với liều thấp Mevacor.

Khi Cholestin được dùng lần đầu tiên vào năm 1997, tất cả các cuộc nghiên cứu về loại thuốc này đều được thực hiện ở Trung Hoa. Bởi vì người Trung Hoa nói chung có chế độ ăn rất khác biệt, nên điều hết sức quan trọng là phải biết được xem liệu Cholestin có tác dụng tốt ở Hoa Kỳ giống như khi ở Trung Hoa hay không. Câu trả lời là, nó tỏ ra cũng hiệu quả không kém.

Vào tháng 2 năm 1999, tiến sĩ David Heber thuộc trường đại học California cho công bố một báo cáo kết quả nghiên cứu trên tạp chí Clinical Nutrition của Hoa Kỳ.

Cuộc nghiên cứu của ông có 83 người tình nguyện tham gia. Sau 8 tuần lễ điều trị bằng Cholestin, mức giảm cholesterol trung bình là 17% trong tổng số cholesterol.

Tháng 3 năm 1999, một cuộc nghiên cứu thứ hai tại Hoa Kỳ được báo cáo kết quả tại một cuộc họp của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ ở Orlando, Florida.

Bác sĩ James Rippe, một chuyên gia tim mạch thuộc trường đại học Y khoa Tufts, Boston, đã tiến hành cuộc nghiên cứu này trên 233 bệnh nhân được điều trị ở 12 trung tâm y khoa khác nhau. Các bệnh nhân có mức cholesterol tổng số trung bình ban đầu là 242 mg/dl, mức LDL cholesterol là 158 mg/dl.

Sau 8 tuần lễ điều trị bằng Cholestin, mức cholesterol tổng số trung bình của các bệnh nhân đã giảm xuống 16,4%, còn 206 mg/dl. Mức LDL cholesterol trung bình giảm rất mạnh, đến 21%, chỉ còn là 125 mg/dl.

Mức HDL cholesterol của các bệnh nhân cũng có ảnh hưởng tích cực, gia tăng 14,6% trong suốt 8 tuần lễ nghiên cứu. Mức HDL cholesterol ban đầu là 50 mg/dl, vào khi kết thúc cuộc nghiên cứu đã tăng lên là 57 mg/dl.

Một trong các bệnh nhân tiêu biểu của tôi đã được điều trị bằng Cholestin tên là George, là một nhân viên kế toán về hưu. Ông không muốn dùng bất cứ loại thuốc điều trị cholesterol nào, trong ý nghĩa các loại thuốc chỉ bán theo toa bác sĩ. Lần đầu tiên đến với tôi, mức cholesterol của George là như sau: (Đơn vị tính là mg/dl)



Mức kiểm tra Mức mong muốn

Cholesterol tổng số 255 < 200

Triglyceride 160 < 150

LDL cholesterol 189 < 130

HDL cholesterol 34 > 45

Theo hướng dẫn của tôi, George đã nỗ lực rất tích cực để cải thiện cả chế độ ăn uống và rèn luyện thể lực. Ông giới hạn được mức chất béo ăn vào mỗi ngày không quá 30 gram – thường là ít hơn. Và ông tuân thủ đều đặn một chương trình rèn luyện bằng cách đi bộ mỗi ngày – thường là mỗi ngày đi bộ một giờ. Không có gì để phàn nàn về những cố gắng của ông, và kết quả tốt nhất mà ông đạt được là như sau:

Mức kiểm tra Mức mong muốn

Cholesterol tổng số 213 < 200

Triglyceride 108 < 150

LDL cholesterol 153 < 130

HDL cholesterol 38 > 45

Kết quả rõ ràng là “tốt hơn” rất nhiều, nhưng nó không làm hài lòng cả tôi và George – nên nhớ rằng ông là một kế toán.

George chủ động đề nghị tôi xem xét việc dùng Cholestin. Tôi đã khuyến khích ông sử dụng và cho ông xem những kết quả nghiên cứu gần đây nhất. Cuối cùng, tôi đề nghị sẽ gặp lại ông sau 3 tháng dùng thuốc để kiểm tra mức cholesterol và cả chức năng của gan. Kết quả của lần kiểm tra sau đó là như sau:

Mức kiểm tra Mức mong muốn

Cholesterol tổng số 184 < 200

Triglyceride 86 < 150

LDL cholesterol 121 < 130

HDL cholesterol 45 > 45

Công bằng mà nói, phải tính đến việc George đã tăng cường thêm mức rèn luyện thể lực tích cực hơn song song với việc bắt đầu dùng thuốc Cholestin, nhưng tôi tin chắc là Cholestin có giúp cải thiện mức HDL cholesterol của ông.

Cũng giống như các thuốc nhóm statin nói chung rất an toàn, Cholestin cũng rất hiếm khi gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạn vẫn phải cảnh giác là các thuốc nhóm này có khả năng làm nhiễm độc gan, cho dù là rất hiếm khi. Càng hiếm gặp hơn nữa là triệu chứng gây viêm cơ hay làm hoại cơ. Trong hầu hết các trường hợp, sự nhiễm độc gan hay viêm cơ có thể hoàn toàn chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên, chứng hoại cơ có thể gây tử vong.

Trong cả hai cuộc nghiên cứu ở Hoa Kỳ, Cholestin tỏ ra rất dễ dung nạp và rất hiếm gây tác dụng phụ. Những tác dụng phụ được ghi nhận chỉ là một số trường hợp hơi khó chịu trong đường tiêu hóa, như đầy hơi, sình bụng... và chứng chuột rút. Một ít người thấy đau đầu nhẹ. Cả hai cuộc nghiên cứu đều không có trường hợp nào gây tác hại đáng kể cho gan hay cơ bắp.

Điều cần nhấn mạnh là, mặc dù Cholestin vẫn được bán tự do không cần toa bác sĩ, nó cần được xem giống như các loại thuốc giảm cholesterol khác. Công ty chủ sở hữu của Cholestin hiện nay, Nu Skin International thật ra đã rút Cholestin ra khỏi dây chuyền các hiệu thuốc bán tự do của họ. Hiện nay thuốc này chỉ có thể mua được bằng cách đặt hàng qua e-mail hoặc ở một số hiệu thuốc độc lập.

Nếu bạn quyết định dùng Cholestin, bạn cần nhớ:

1. Báo ngay cho bác sĩ điều trị biết.

2. Không dùng kèm một thuốc khác trong nhóm thuốc statin.

3. Yêu cầu kiểm tra chức năng gan (chỉ là một xét nghiệm máu đơn giản) sau 3 tháng dùng Cholestin. và ít nhất là 2 lần trong năm tiếp theo đó.

4. Tuân thủ chế độ ăn ít chất béo.

5. Dùng đúng liều hướng dẫn (viên nang 600 mg, ngày 2 lần, mỗi lần 2 viên, tổng liều 2.400 mg)

Nếu có nghi ngờ về bất cứ một tác dụng phụ nào liên quan đến Cholestin, phải ngưng thuốc ngay và hỏi ý kiến bác sĩ.


3.

Benecol và Take Control

Hai trong số các chất dinh dưỡng trị liệu có tác dụng mạnh nhất là stanol và sterol lấy từ thực vật. Hiện nay chúng được bán trên thị trường ở dạng các margarine với tên thương hiệu là Benecol (stanol) và Take Control (sterol).

Stanol và sterol là các sản phẩm được trích ly từ thực vật, có tác dụng làm giảm mức cholesterol bằng cách ức chế sự hấp thụ cholesterol của ruột non.

Các chất này đã được dưa vào nghiên cứu trong khoảng 40 năm qua. Trong những năm của thập niên 1950, những nghiên cứu đầu tiên trên cơ thể người được thực hiện. Vấn đề là các nhà khoa học lúc bấy giờ cảm thấy rằng phải cần đến việc tiêu hóa một lượng sterol thực vật rất lớn. Những cuộc nghiên cứu ban đầu sử dụng đến 18 gram sterol thực vật mỗi ngày, so với liều dùng đề nghị hiện nay chỉ có 2 đến 3 gram.

Tuy nhiên, những cuộc nghiên cứu ban đầu đã chứng tỏ là sterol thực vật có khả năng làm giảm cholesterol. Chỉ có điều là với một liều lượng quá lớn được sử dụng với các dạng thuốc bột, thuốc nước hay thuốc hạt làm cho chúng có vẻ không hấp dẫn lắm.

Đến năm 1977, các bác sĩ Ann Lee và Bob Lee công bố kết quả nghiên cứu rất quan trọng của họ trên tờ tạp chí nhiều uy tín Atherosclerosis. Các bác sĩ này đã nhận thấy một liều dùng rất thấp – chỉ từ 2 gram đến 3 gram – sterol thực vật cũng có hiệu quả tương đương như liều cao đã dùng trước đây.

Thật không may là chẳng có mấy cuộc nghiên cứu thêm nữa về stanol và sterol thực vật được thực hiện, cho đến khoảng giữa thập niên 1980 và đầu thập niên 1990. Lý do khả dĩ có thể đưa ra về việc stanol và sterol không được theo đuổi nghiên cứu như những chất để làm giảm cholesterol có lẽ là vì các dạng thuốc ban đầu của chúng không được mấy người ưa chuộng. Điều này hoàn toàn thay đổi khi Mattson và các đồng nghiệp của mình đề xuất rằng cách tốt nhất để cung cấp stanol và sterol thực vật cho cơ thể là thông qua chất béo trong thức ăn. Vào đầu những năm 1990, một nhóm nghiên cứu người Phần Lan đã phát triển hai sản phẩm thức ăn có chứa stanol thực vật – một loại nước sốt mayonnaise và một loại margarine đặc biệt. Gần như là đồng thời, công ty Lipton cũng phát triển một loại margarine có chứa sterol. Cuối cùng, các sản phẩm margarine đã thành công lớn.

Stanol và sterol thực vật có cấu trúc gần như tương tự với cholesterol. Khi được đưa vào cơ thể, chúng tranh nhau với cholesterol để tạo thành các micelle. Để có thể được hấp thụ vào máu từ ruột non, các cholesterol buộc phải kết hợp thành một dạng thức gọi là micelle. Nếu lượng cholesterol được ăn vào cơ thể không thể hợp thành các micelle, chúng không thể được hấp thụ qua ruột non vào máu, và sẽ bị thải ra theo phân. Stanol và sterol thực vật đã làm rất tốt việc ngăn cản sự hấp thụ cholesterol có trong thức ăn. Còn bản thân những chất này lại rất ít được hấp thụ. Và kết quả là sau khi hoàn tất công việc của mình, hầu hết chúng cũng được thải ra khỏi cơ thể theo với phân.

Mỗi ngày chúng ta đều có ăn stanol và sterol. Chúng là những chất tự nhiên hiện diện trong gỗ, rau cải, dầu thực vật, gạo, đậu, bắp và các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, để có thể tạo ra ảnh hưởng làm giảm mức cholesterol, chúng phải được tiêu thụ với một lượng lớn hơn là mức mà chúng ta vẫn thường ăn. Tính trung bình mỗi người Mỹ chỉ tiêu thụ trong một ngày chừng 160 mg đến 360 mg sterol thực vật, so với liều điều trị được đề nghị từ 2000 mg đến 3000 mg.

Những vùng có truyền thống ăn chay sống dựa vào các loại bắp, đậu, tiêu thụ một lượng sterol thực vật cao hơn nhiều. Chẳng hạn, những người da đỏ Tarahumara trung bình ăn vào đến 500 mg sterol thực vật mỗi ngày, chủ yếu là ở trong bắp, đậu. Để có thể làm giảm mức cholesterol đáng kể – khoảng 10% đến 14% mức LDL cholesterol – lượng tiêu thụ mỗi ngày phải từ 2 gram đến 3 gram sterol hay stanol. Hàm lượng này có trong khoảng 2 đến 3 muỗng canh loại margarine đặc biệt.

Như đã nói trên, các loại margarine đặc biệt được bán trên thị trường với thương hiệu là Benecol (có chứa stanol) và Take Control (có chứa sterol). Khi được đề nghị sử dụng các loại thực phẩm mới này để thay thế cho bơ và loại margarine thông thường, các bệnh nhân của tôi thường có hai phản ứng khác nhau.

Với những người ngần ngại chỉ vì thói quen ăn các loại bơ và margarine thông thường, tôi đề nghị họ chỉ cần cố gắng tạm thời dùng các thực phẩm mới này cho đến lần khám bệnh tiếp theo mà thôi. Vì hương vị của chúng đều thơm ngon có thể chấp nhận được, nên khi bệnh nhân quay trở lại lần sau đó và thấy được tác dụng của chúng đối với mức cholesterol của họ, việc tiếp tục sử dụng các thức ăn mới không còn là vấn đề nữa.

Có những người khác là những bệnh nhân đã “quen mặt” từ nhiều năm rồi. Những người này thường đã bỏ hẳn không ăn các loại bơ và margarine nữa. Khi đề nghị họ quay lại dùng Benecol và Take Control – cả hai loại thực phẩm này đều có chứa chất béo và ca-lo-ri –, họ sẽ vô cùng lo ngại. Với những người này, tôi thường đề nghị họ dùng những sản phẩm đặc biệt cùng loại nhưng có lượng chất béo thấp hơn là Benecol Light và Take Control Light. Hai muỗng canh Benecol Light chứa khoảng 10 gram chất béo và cung cấp khoảng 90 ca-lo-ri, so với Benecol thông thường chứa khoảng 18 gram chất béo. Cũng với 2 muỗng canh, Take Control Light chứa khoảng 9 gram chất béo và 80 ca-lo-ri. Đối với hầu hết mọi người, lượng ca-lo-ri này có thể đưa vào chế độ ăn thường ngày mà không sợ tăng cân. Thực tế là, ngay cả với lượng chất béo được thêm vào từ các sản phẩm này, mức LDL cholesterol vẫn sẽ được giảm đi.

Nếu so sánh giữa hai loại margarine này, Benecol có phần tác dụng mạnh hơn trong việc làm giảm mức LDL cholesterol. Benecol thường làm giảm được khoảng 14%, trong khi Take Control chỉ làm giảm được 10%.

Các chất dinh dưỡng trị liệu bổ sung chỉ có tác dụng khi được dùng một cách thận trọng và kiên trì. Đôi khi có những trường hợp người bệnh không thấy được tác dụng tích cực của Benecol hay Take Control. Hầu hết các trường hợp này đều là do họ đã không sử dụng đủ liều lượng. Để có được tác dụng tích cực, một ngày phải dùng từ hai đến ba muỗng canh, và phải dùng đều đặn mỗi ngày.


4.

Basikol và các thuốc phytosterol khác

Đối với những ai thường xuyên đi xa không thể mang theo Benecol hay Take Control, hoặc chỉ đơn giản là không thích ăn mỗi ngày hai đến ba muỗng canh các loại margarine này, có thể sử dụng các dạng chế phẩm khác của phytosterol – tức là sterol thực vật.

Một trong các chế phẩm phytosterol có tên thương hiệu là Basikol. Basikol có khả năng làm giảm mức cholesterol tương đương như Benecol. Hiện nó được bán dưới dạng bột có hương va-ni thơm, có thể dùng rắc lên các loại thức ăn, trộn vào món sữa chua, hoặc dùng muỗng ăn cùng với bữa ăn. Một ưu điểm của Basikol là mỗi một muỗng canh chỉ có 5 ca-lo-ri, nhưng chứa đến 800 mg phytosterol. Mỗi ngày nên dùng từ 2 đến 3 muỗng canh cùng với thức ăn. Liều lượng này sẽ giúp bạn giảm được từ 10% đến 14% mức LDL cholesterol.

Basikol được phân phối bởi Health from the Sun, một chi nhánh của công ty Pháp Arkopharma. Nếu bạn dùng mỗi ngày 2 muỗng canh Basikol, lượng dùng trong một tháng sẽ mất khoảng 29,99 đô-la Mỹ, hiện có thể đặt mua tại địa chỉ healthfromthesun.com. Trong thời gian sắp tới, dạng viên nang của loại thuốc này, thay vì dạng bột như hiện nay, có thể sẽ được sản xuất.

Hiện có một số loại thuốc viên khác có chứa sterol thực vật. Trong đó có Kholesterol Blocker, mỗi viên chứa 400 mg sterol, có thể đặt mua ở cholesterol.homepage.com; Source Naturals Phytosterol Complex, mỗi viên chứa 625 mg sterol, có thể đặt mua ở vitaminshoppe.com.

Nếu bạn muốn sử dụng stanol hay sterol thực vật, điều hết sức quan trọng là phải nghĩ về chúng như những loại thuốc điều trị, và dùng đúng liều như được hướng dẫn.


5.

Thử dùng hạt cây lanh

Hạt cây lanh, để nguyên hay xay thành bột, đã tỏ ra có khả năng như một loại dinh dưỡng trị liệu. Trái với dầu hạt lanh đã được chứng tỏ là có rất ít khả năng làm giảm mức cholesterol, hạt lanh để nguyên hoặc xay bột đã được chứng tỏ trong một số cuộc nghiên cứu quy mô nhỏ là có thể làm giảm mức LDL cholesterol đến gần 15% khi được đưa vào trong chế độ ăn của bệnh nhân.

Mặc dù toàn bộ cơ chế hoạt động của hạt lanh khi đưa vào cơ thể để có thể dẫn đến làm giảm mức cholesterol vẫn chưa được hoàn toàn làm rõ, nhưng người ta cũng đã biết được đôi điều. Hạt lanh là một nguồn có chứa rất nhiều lignan. Lignan là một chất có trong thức ăn với rất nhiều chức năng sinh học, trong đó có chức năng làm giảm cholesterol. Thêm vào đó, hạt lanh là một trong những nguồn thực phẩm giàu acid alpha-linolenic nhất. Loại acid này cũng được biết là làm giảm mức cholesterol. Các nhà khoa học cho rằng sở dĩ hạt lanh để nguyên hoặc xay bột dùng tốt hơn dầu hạt lanh là bởi vì chúng có chứa rất nhiều chất xơ tan trong nước.

Vấn đề tiếp theo cần đặt ra là cần phải dùng bao nhiêu hạt lanh để có thể làm giảm mức cholesterol của bạn. Thật không may là câu trả lời vẫn chưa được rõ ràng. Những cuộc nghiên cứu về vấn đề này đã sử dụng đủ các liều lượng khác nhau từ 25 gram cho đến 38 gram hạt lanh để nguyên hay xay bột. Cũng giống như các loại margarine chứa stanol và sterol thực vật, hạt lanh cung cấp cả chất béo và ca-lo-ri. Một muỗng canh ngang mặt (khoảng 8 gram) cung cấp 39 ca-lo-ri, 2,7 gram chất béo, 2,2 gram chất xơ và 1,5 gram protein. Tôi thường đề nghị bệnh nhân dùng từ 3 đến 4 muỗng canh mỗi ngày. Điều này có nghĩa là đã có đến 160 ca-lo-ri trong ngày chỉ riêng từ nguồn hạt lanh.

Đối với các trường hợp muốn thử điều trị bằng hạt lanh, tôi thường gợi ý dùng từ 3 đến 4 muỗng canh mỗi ngày liên tục trong 3 tháng. Vào cuối giai đoạn này, tôi kiểm tra lại mức cholesterol của bệnh nhân để xác định hiệu quả của việc sử dụng hạt lanh. Sau đó, tùy theo cảm nhận của bệnh nhân về nó, thích hay không thích, dễ hay khó chấp nhận... để quyết định việc có nên khuyến khích người bệnh tiếp tục dùng lâu dài hay không. Cũng giống như bất cứ loại thuốc hay phương thức trị liệu bổ sung nào khác, việc dùng hạt lanh chỉ có hiệu quả nếu bạn tiếp tục sử dụng nó một cách đều đặn và kiên trì.

Điều quan trọng cần biết là, mặc dù rất hiếm hoi nhưng khả năng dị ứng với hạt lanh có thể xảy ra. Cũng giống như trường hợp dị ứng với đậu phộng, không thể biết trước được những người nào là sẽ bị dị ứng với hạt lanh. Nếu bạn chưa từng dùng hạt lanh bao giờ, tốt nhất là nên bắt đầu với một lượng rất nhỏ và phải đảm bảo là có ai đó ở bên cạnh trong những lần đầu tiên dùng hạt lanh. Điều này nghe có vẻ như cẩn thận quá đáng, nhưng dù sao đi nữa thì tốt nhất vẫn là “cẩn tắc vô ưu”. Nếu bạn có tiền sử dị ứng với nhiều thứ, bạn nên thảo luận trước với bác sĩ của mình trước khi bắt đầu dùng hạt lanh.

Hiện nay, những siêu thị lớn đều có bán rất nhiều hạt lanh. Bạn cũng có thể tìm mua ở các hiệu bán thức ăn dinh dưỡng. Hạt lanh để nguyên có thể được bảo quản tốt trong tủ bếp, chỉ cần đựng trong lọ thủy tinh hay nhựa. Tuy nhiên, hạt lanh đã xay thành bột phải được bảo quản trong tủ lạnh, vì nó có thể bị trở mùi. Tốt nhất là nên dùng ngay trong vòng một hoặc hai ngày sau khi được xay ra. Nên mua loại nguyên hạt để dễ bảo quản, vì bạn có thể tự xay lấy dễ dàng ở nhà bằng cối xay cà phê.

Một cuộc nghiên cứu của Arjmandi và các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng, ngoài việc làm giảm mức LDL cholesterol, hạt lanh để nguyên cón có tác dụng làm giảm một loại lipid khác trong máu có tên là lipoprotein(a), thường gọi tắt là lp(a).

Mức lipoprotein(a) lên cao được biết là một yếu tố nguy cơ phát triển bệnh tim. Mức LDL cholesterol của một người có thể là gây ra bởi chế độ ăn không thích hợp, do gen di truyền hoặc do sự kết hợp của cả hai nguyên nhân, nhưng mức lipoprotein(a) lên cao chỉ có thể có một nguyên nhân duy nhất là do gen di truyền. Lipoprotein(a) là một dạng phân tử giống như LDL, với một protein gắn liền theo gọi là apoprotein(a). Cũng giống như LDL, lp(a) có thể làm tắt nghẽn các động mạch. Trong thực tế, lp(a) còn tồi tệ hơn LDL bởi vì apoprotein(a) mang theo một tính chất tiêu cực – làm đông máu lại. Apoprotein(a) rất giống với các protein làm đông máu, và nó làm cho cơ thể bị nhầm lẫn, cho rằng đó là một trong các protein làm đông máu bình thường của chúng ta.

Những người có mức lp(a) cao sẽ gia tăng nguy cơ phát triển cơn đau tim, bởi vì lp(a) có thể làm nghẽn các động mạch của họ giống như là LDL. Trong thực tế, lp(a) đã được tìm thấy đóng thành mảng trong các động mạch của tim. Có mức lp(a) cao cũng làm tăng nguy cơ đông máu.

Hầu hết những cơn đau tim đều gây ra bởi một sự kết hợp giữa sự tích tụ cholesterol và một cục máu đông. Khi một mảng cholesterol tích tụ trong động mạch của tim bị vỡ ra, phía bên trong của mảng vỡ đó tiếp xúc với dòng máu đang chảy trong động mạch. Máu phản ứng với chỗ tiếp xúc này như là một phần “bên ngoài”, không thuộc về cơ thể. Vì thế, phản ứng tự nhiên của nó là cố hình thành những cục máu đông để lấp kín phần “bên ngoài” này. Điều này cũng giống như khi bạn bị trầy một mảng da và chảy máu nơi đầu gối vậy. Vấn đề đối với sự “nhầm lẫn” này là những cục máu đông đóng lên bên trên mảng cholesterol làm tăng thể tích đến mức có thể làm bít kín một động mạch tim.

Nếu máu không còn được chảy tự do trong động mạch, một phần của cơ tim sẽ không nhận được chất dinh dưỡng và ô-xy được cung cấp từ máu. Phần cơ tim đó sẽ chết đi. Quá trình này tạo ra một cơn đau tim. Do đó, bạn có thể thấy rằng mức lp(a) lên cao hoàn toàn có thể dẫn đến tử vong.

Điều may mắn là hầu hết mọi người đều không có mức lp(a) đủ cao để có thể gây ra rắc rối. Mức lp(a) trong máu trung bình của người Mỹ da trắng là khoảng từ 2 mg/dl đến 4 mg/dl. Người Mỹ gốc Phi thường có khuynh hướng cao hơn, khoảng 15 mg/dl. Những nguy cơ có thể đến cho tim mạch chỉ xảy ra khi mức lp(a) trong máu lên cao từ 20 mg/dl đến 30 mg/dl.

Hiếm có loại thuốc nào đã được biết có khả năng làm giảm mức lp(a). Cho đến nay, niacin (một loại vitamin B), estrogen và raloxifine (Evista) là những thuốc thông dụng nhất có thể ảnh hưởng tích cực đến mức lp(a). Arjmandi và các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng liều dùng 38 gram hạt lanh để nguyên hoặc xay thành bột (khoảng chưa đến 5 muỗng canh) có thể làm giảm mức lp(a) đến 7,4%. Trước đó, chưa có một biện pháp dinh dưỡng nào được chứng tỏ là có thể làm giảm được mức lp(a). Các lý thuyết gia cho rằng hạt lanh có chứa một số hợp chất estrogen làm giảm mức lp(a).

Các loại thuốc vừa nói trên và hạt lanh đều không đủ tác dụng để làm bình thường hóa hoàn toàn mức lp(a). Tuy nhiên, những thông tin từ cuộc nghiên cứu điều trị Familial Atherosclerosis cho biết rằng nếu mức LDL được giảm mạnh, lp(a) sẽ rất ít có khả năng gây nguy hiểm cho tim. Nói cách khác, với người có mức lp(a) rất cao, cách điều trị tốt nhất là cố gắng làm giảm mạnh mức LDL. Một khi mức LDL được giảm thấp, lp(a) ít có nguy cơ gây nguy hiểm cho tim hơn.


6.

Dầu cá

Các loại dầu cá có trong cá và một số sinh vật biển, chẳng hạn như tôm, tôm hùm... Dầu cá là một kiểu các acid béo không bão hòa dạng lỏng (polyun¬saturated fatty acids), được biết như là omega-3 fatty acid hay n-3 fatty acid. Có 3 biến dạng khác nhau của omega-3 fatty acid. Eicosapentenoic acid (EPA) và docosahexenoic acid (DHA) đều thấy hiện diện trong cá. Dạng thứ ba là alpha-linolenic acid (ALA) không thấy ở các loài cá, nhưng có trong đậu nành, hạt óc chó và hạt lanh.

Vào tháng 11 năm 2000, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association – AHA) công bố một bản điều chỉnh các hướng dẫn về chế độ ăn uống của họ. Một trong các lý do của sự điều chỉnh này là sự phát triển những thông tin cho thấy việc ăn cá có lợi cho tim mạch. Hiệp hội này khuyên tất cả người Mỹ nên ăn ít nhất mỗi tuần 2 lần, mỗi lần khoảng 85 gram các loại cá béo.

Các loại cá béo như cá mòi, cá thu, cá trích, cá hồi, cá ngừ... được ưa chuộng hơn so với các loại cá nhiều thịt như cá mũi kiếm, cá bơn... bởi vì chúng có chứa nhiều hơn các omega-3 fatty acid, được tin là những dinh dưỡng có lợi cho tim mạch.

Một cuộc nghiên cứu có tên là Diet and Reinfarction Trial (DART) được thực hiện nhằm kiểm tra giả thuyết cho rằng việc ăn cá có những tác động đến tim mạch. DART được công bố kết quả vào năm 1989 trên tờ Lancet, một tạp chí y khoa có uy tín của nước Anh. Cuộc nghiên cứu này có sự tham gia của 2.033 người đàn ông, đều là những người đã sống sót sau một cơn đau tim. Sau 2 năm, nhóm những người được ăn cá béo ít nhất 2 lần một tuần đã có tỷ lệ tử vong thấp hơn 29% so với nhóm không ăn cá.

Một cuộc nghiên cứu thứ hai gần đây hơn được công bố kết quả cũng trên tờ Lancet. Đây là một cuộc nghiên cứu của người Ý, có tên là GISSI-Prevenzione, gồm một tổng số 11.324 bệnh nhân, từ 172 trung tâm tim mạch ở nước Ý. Vào lúc bắt đầu cuộc nghiên cứu, tất cả bệnh nhân đều đã từng trải qua một cơn đau tim. Họ được chia ra thành 4 nhóm điều trị. Nhóm thứ nhất dùng một viên dầu cá mỗi ngày. Nhóm thứ hai dùng một viên vitamin E. Nhóm thứ ba dùng cả hai loại, một viên dầu cá và một viên vitamin E. Nhóm thứ tư không dùng dầu cá, cũng không dùng vitamin E.

Sau ba năm rưỡi điều trị, các nhóm được bổ sung dầu cá có mức giảm đáng kể (từ 15% đến 20%) các tỷ lệ tử vong, tỷ lệ lên cơn đau tim cũng tỷ lệ xảy ra các cơn đột quỵ. Đáng chú ý nhất là tỷ lệ các trường hợp tử vong đột ngột giảm đến 45%. Trong cuộc nghiên cứu này, vitamin E không thấy tạo ra bất cứ ảnh hưởng nào trong việc bảo vệ tim mạch.

Thông tin này đủ để có thể làm cho bất cứ ai – trừ những người ăn chay – cũng muốn bắt đầu chú ý đến việc ăn cá hoặc bổ sung dầu cá. Vấn đề đặt ra là, bằng cách nào mà dầu cá có thể giúp bảo vệ chống lại bệnh tim và các cơn đột quỵ? Câu trả lời hoàn toàn không đơn giản. Dầu cá dường như đã tạo ra một ảnh hưởng đáng kể đối với hệ thống đông máu và một ảnh hưởng khiêm tốn hơn đối với cholesterol. Đáng chú ý nhất là dầu cá có khả năng làm giảm mức triglyceride. Dầu cá cũng có vẻ như hơi làm giảm huyết áp một chút.

Mặc dù sách này được viết ra về cholesterol, nhưng theo một ý nghĩa rộng hơn là nhằm duy trì được một quả tim khỏe mạnh. Vì lý do này mà tôi đã ra ngoài lề một chút khi đề cập đến ảnh hưởng của dầu cá trong việc làm đông máu, và về việc điều này có thể ảnh hưởng như thế nào đến tim. Đưa ra những thông tin khoa học chi tiết là vượt quá phạm vi của sách này, nhưng điều quan trọng phải chỉ ra là dầu cá tỏ ra ảnh hưởng đến khả năng đông máu của cơ thể chúng ta bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm cả việc tác động đến các tiểu cầu và những yếu tố làm đông máu.

Những dân tộc ăn rất nhiều cá, chẳng hạn như người Eskimo ở Greenland, được biết là có các tiểu cầu ít có khả năng tụ lại với nhau hơn là các tiểu cầu của một người Mỹ có chế độ ăn thông thường. Các nhà khoa học suy đoán rằng, đây là một trong các lý do khiến người Eskimo có nguy cơ phát triển bệnh tim thấp. Chúng ta nhớ rằng, hầu hết các cơn đau tim đều gây ra do sự kết hợp của một mảng cholesterol tích tụ và một khối máu đông. Các tiểu cầu là những tế bào làm đông máu, bởi vậy khi làm cho chúng ít có khả năng tụ lại với nhau hơn có nghĩa là làm giảm bớt nguy cơ xảy ra một cơn đau tim.

Dầu cá cũng đã được chỉ ra là làm gia tăng mức TPA (tissue plasminogen activator) trong máu. Đây chính là chất được dùng cho những bệnh nhân khi phải đến phòng cấp cứu vì một cơn đau tim. Đây là một chất tự nhiên có tác dụng làm tan rã các cục máu đông lại. Tất cả chúng ta đều có một lượng TPA trong máu. Tuy nhiên, có vẻ như những người ăn cá nhiều có một lượng TPA lớn hơn so với những người không ăn cá.

Còn có những cuộc nghiên cứu khác nữa cho thấy rằng những người ăn cá thường xuyên có một hàm lượng các chất fibrinogen và Factor VIII thấp hơn trong máu. Hai chất này thúc đẩy quá trình đông máu.

Còn đối với cholesterol thì sao? Mặc dù dầu cá có vẻ như có một ảnh hưởng nhẹ đến mức cholesterol tổng số, và cũng có thể làm gia tăng đôi chút mức HDL cholesterol, nhưng vai trò chính của nó có lẽ là nhờ vào việc làm giảm mức triglyceride.

Mặc dù có thể đưa ra một ước tính về tác dụng của một lượng dầu cá nhất định đối với mức triglyceride của mọi người, nhưng tác dụng của một lượng dầu cá nhất định khi dùng cho bất cứ một người bệnh nào cũng đều không thể dự đoán trước. Trong một cuộc nghiên cứu có 50 người tham gia, tất cả đều có mức cholesterol cao, Adler và Holub ghi nhận rằng 3,6 gram omega-3 fattty acid dẫn đến làm giảm mức triglyceride là 37,3%. Những người tham gia cuộc nghiên cứu này cũng được thấy là gia tăng 9% mức HDL cholesterol và tăng 8,5% mức LDL cholesterol. Tác động làm tăng LDL cholesterol chỉ thấy ở một số cuộc nghiên cứu. Ở nhiều cuộc nghiên cứu khác không thấy có kết quả này.

Một trong những khó khăn để xác định kết quả của các cuộc nghiên cứu về dầu cá là, khi dầu cá được dùng để thay thế cho lượng chất béo bão hòa (saturated fat) trong chế độ ăn, mức LDL cholesterol dường như được giảm xuống. Nhưng khi dầu cá được thêm vào trong chế độ ăn và lượng chất béo bão hòa vẫn giữ nguyên, mức LDL cholesterol vẫn giữ nguyên hoặc là hơi tăng nhẹ.

Nhìn chung, viên dầu cá có thể là hữu ích trong việc làm giảm mức triglyceride. Nó càng đặc biệt hữu ích hơn với những người có mức triglyceride cao đáng kể – khoảng hơn 500 mg/dl. Cũng cần chỉ ra rằng không phải các loại viên dầu cá đều chế tạo như nhau. Viên 1000 mg có thể chứa từ 300 mg đến 500 mg omega-3 fatty acid. Còn có loại viên 2.000 mg chứa đến khoảng 900 mg omega-3 fatty acid. Một điều quan trọng cần nhắc nữa là dầu cá có cung cấp ca-lo-ri. Nếu bạn quyết định dùng dầu cá, bạn có thể sẽ thấy sự thay đổi tích cực trong mức triglyceride của mình trong vòng 4 tuần.

Chúng tôi đề nghị bệnh nhân gia tăng dần dần liều lượng, lên đến mức tối đa là từ 5 đến 10 viên mỗi ngày. Sự gia tăng dần dần liều lượng sẽ giúp giảm bớt tác dụng phụ – ợ lên hoặc thở hơi ra nồng nặc mùi dầu cá. Uống thuốc cùng với bữa ăn cũng làm giảm bớt tác dụng phụ khó chịu này. Mức gia tăng thông thường có thể là một viên trong tuần lễ đầu tiên và sau đó mỗi tuần tăng thêm một viên cho đến khi đạt liều tối đa.

Một số bệnh nhân khi tăng đến liều 5 viên một ngày thì giữ nguyên liều trong khoảng 4 đến 6 tuần. Sau đó, mức cholesterol được kiểm tra. Liều dùng tiếp theo sẽ được điều chỉnh tùy thuộc vào mức độ tác dụng của viên dầu cá đã tạo ra đối với mức triglyceride, hoặc tùy thuộc vào các tác dụng phụ của bệnh nhân.

Một trong các bệnh nhân nữ của tôi tên là Rose, được giới thiệu đến với chúng tôi bởi vì cô ta gặp tác dụng phụ với tất cả những loại thuốc giảm cholesterol mà bác sĩ điều trị đã thử qua. Rose có mức triglyceride cao cực kỳ. Trong lần kiểm tra đầu tiên, mức cholesterol của Rose được thể hiện như sau: (Đơn vị tính là mg/dl)

Mức kiểm tra Mức mong muốn

Cholesterol tổng số 264 < 200

Triglyceride 501 < 150

LDL cholesterol không xác định được < 130

HDL cholesterol 48 > 45

Rose là một y tá, và cô đã làm tất cả những gì hợp lý nhất có thể được: không rượu bia, rất ít đường, không dùng nước trái cây hoặc soda. Mỗi ngày cô đi bộ khoảng 4 kilomet để rèn luyện thể lực. Chính những gì cô làm được đã giảm thấp mức triglyceride trước đây là 950 mg/dl xuống đến mức hiện nay. Tuy nhiên, rõ ràng là còn cần phải tiếp tục giảm nhiều hơn nữa. Chúng tôi đã quyết định thử dùng viên dầu cá. Rose đã tăng dần liều dùng lên đến 7 viên một ngày, với kết quả sau đó là:

Mức kiểm tra Mức mong muốn

Cholesterol tổng số 230 < 200

Triglyceride 205 < 150

LDL cholesterol 143 < 130

HDL cholesterol 46 > 45

Vào lúc này, chúng tôi rất vui mừng nhưng chưa hoàn toàn thỏa mãn. Trong lần kiểm tra đầu tiên, mức LDL cholesterol không thể xác định được, bởi vì khi mức triglyceride vượt hơn 400 mg/dl thì mức LDL rất khó xác định. Giờ đây, khi đã xác định được mức LDL cholesterol của Rose, chúng tôi thấy là nó cũng cần giảm xuống. Tôi đề nghị với Rose dùng thêm 2 muỗng canh Benecol Light mỗi ngày. Và mặc dù hơi ngần ngại, tôi cũng hỏi xem cô ta có thể tăng liều dầu cá lên 9 viên một ngày hay không. Rose đồng ý với cả hai đề nghị. Cô nói, mặc dù cô không thích dùng số viên dầu cá quá nhiều, nhưng ít ra cô cũng mừng khi cuối cùng đã tìm được một món để uống vào không bị tác dụng phụ.

Sau 8 tuần lễ, mức cholesterol của Rose đo được như sau:

Mức kiểm tra Mức mong muốn

Cholesterol tổng số 192 < 200

Triglyceride 175 < 150

LDL cholesterol 106 < 130

HDL cholesterol 51 > 45

Chúng tôi đều thỏa mãn với kết quả này. Trong một năm qua, Rose vẫn tiếp tục duy trì liều lượng thuốc không thay đổi. Mức triglyceride của cô biến động trong khoảng từ mức thấp nhất là 145 mg/dl cho đến mức cao nhất là 200 mg/dl. Mức cao nhất được kiểm tra thấy vào tháng 12, trong mùa Giáng sinh và đón mừng năm mới. Tôi sẽ để cho các bạn tự đoán lấy nguyên nhân.

Một lưu ý cuối cùng về trường hợp của Rose là, khi chúng tôi gặp nhau lần đầu, huyết áp của cô ta là 144/92 mmHg. Với việc dùng viên dầu cá – đã được biết là có tác dụng giảm nhẹ huyết áp –, huyết áp trung bình của Rose giờ đây là 132/80 mmHg.

Nếu bạn quyết định dùng viên dầu cá, điều quan trọng là phải thảo luận vấn đề với bác sĩ của bạn trước khi tiến hành. Như đã nói trước đây, một trong các tác dụng của dầu cá là ngăn cản sự đông máu. Điều có thể là có lợi trong một số trường hợp, nhưng đồng thời trong một số trường hợp khác nó có thể làm cho cơ thể dễ bị các vết bầm hoặc chảy máu cam, hoặc thậm chí là các biến chứng chảy máu nghiêm trọng hơn.

Việc dùng bổ sung viên dầu cá không được áp dụng cho phụ nữ đang mang thai. Tôi cũng không dùng loại thuốc này cho trẻ em.


7.

Guggulipid

Guggulipid là một loại nhựa cây, lấy từ một loại cây có tên là commiphora mukul, hay còn gọi là cây trầm mukul. Loại trầm này mọc ở Ấn Độ, thực ra là giống với một loại cây bụi hơn. Từ năm 1971, những ảnh hưởng tích cực của guggulipid – cũng gọi là gugulipid, guggul, hay guggulu – đối với mức cholesterol đã được tường thuật bởi Kapoor và các đồng nghiệp, trong các biên bản ghi lại cuộc hội thảo về những rối loạn trong chuyển hóa lipid (the Seminar on Disorders of Lipid Metabolism), được tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ.

Các thành phần hoạt tính trong guggulipid có vẻ như là 2 loại steroit thực vật, có tên là Z-guggulsterol và E-guggulsterol. Trong một cuộc nghiên cứu lớn được tiến hành bởi Singh và các đồng nghiệp, hai loại steroit này đã cho thấy là làm gia tăng mức hấp thụ LDL cholesterol của gan. Điều này làm hạ thấp đáng kể mức LDL cholesterol trong máu. Guggulipid đã tỏ ra làm giảm được cả mức LDL cholesterol (khoảng 12%) và mức triglyceride (khoảng 15%). Một số cuộc nghiên cứu còn cho thấy guggulipid làm cải thiện được mức HDL cholesterol.

Guggulipid được sử dụng rất rộng rãi trong y thuật Ayurvedic. Y thuật Ayurvedic sử dụng các loại thuốc lấy từ thảo mộc cũng như vận dụng chế độ ăn uống, xoa bóp, tĩnh tọa và rèn luyện thể lực để trị bệnh. Ở Ấn Độ, guggulipid được bán như một loại thuốc trị bệnh, trong khi ở Hoa Kỳ nó có thể tìm mua trong các cửa hiệu bán thực phẩm dinh dưỡng. Liều dùng thông thường là 25 mg, mỗi ngày 3 lần cùng với các bữa ăn.

Hầu hết mọi người đều không gặp tác dụng phụ nào với guggulipid. Tuy nhiên, cũng có một số người cảm thấy hơi buồn nôn, tiêu chảy, và nhức đầu. Nói chung, các tác dụng phụ này sẽ qua đi khi tiếp tục dùng thuốc.

Tuy nhiên, nếu bạn quyết định dùng guggulipid, tốt nhất là nên báo cho bác sĩ điều trị biết. Cho dù những thông tin về guggulipid là rất khoa học và chắc chắn, các cuộc nghiên cứu nói chung chỉ ở quy mô nhỏ. Vẫn có khả năng guggulipid có những tác dụng phụ nào đó chưa được xác định.

Một số bệnh nhân của tôi cũng đã sử dụng guggulipid với kết quả rất tốt đẹp. Trong thực tế, một bệnh nhân của tôi là tiến sĩ Edna Katz, một nhà tâm lý học, đã giới thiệu với tôi loại thuốc này. Bản thân bà ta đã dùng nó trong gần mười năm qua mà không có tác dụng phụ nào.

Một trong các bệnh nhân của tôi là Suzanne đã được điều trị thử nghiệm bằng guggulipid. Chúng tôi đã theo dõi mức cholesterol của cô ta trong những giai đoạn có và không có sử dụng guggulipid, tổng cộng là 4 lần.

Trước hết, chúng tôi đo mức cholesterol lần thứ nhất. Sau đó, Suzanne bắt đầu dùng guggulipid trong 3 tháng, và được kiểm tra lại mức cholesterol. Tiếp theo, Suzanne ngưng không dùng guggulipid cũng trong 3 tháng, và được kiểm tra mức cholesterol. Sau đó, cô ta trở lại dùng guggulipid sau đó được kiểm tra mức cholesterol lần nữa.

Các kết quả được ghi nhận như sau: (Đơn vị tính là mg/dl)

Không dùng guggulipid

Mức kiểm tra Mức mong muốn

Cholesterol tổng số 280 < 200

Triglyceride 78 < 150

LDL cholesterol 182 < 130

HDL cholesterol 83 > 45

Dùng guggulipid (25 mg - 3 lần/ngày)

Mức kiểm tra Mức mong muốn

Cholesterol tổng số 244 < 200

Triglyceride 65 < 150

LDL cholesterol 137 < 130

HDL cholesterol 94 > 45

Ngưng dùng guggulipid

Mức kiểm tra Mức mong muốn

Cholesterol tổng số 275 < 200

Triglyceride 70 < 150

LDL cholesterol 181 < 130

HDL cholesterol 80 > 45

Dùng guggulipid (25 mg - 3 lần/ngày)

và hạt lanh xay bột (2 muỗng canh/ngày)

Mức kiểm tra Mức mong muốn

Cholesterol tổng số 208 < 200

Triglyceride 54 < 150

LDL cholesterol 117 < 130

HDL cholesterol 80 > 45

Mặc dù việc bổ sung hạt lanh trong chu kỳ điều trị cuối cùng làm cho hơi khó khăn trong việc xác định thật chính xác tác động của guggulipid, nhưng tác động của nó rõ ràng là có thật. Ngoài ra, kiểm tra chức năng gan của Suzanne vẫn ổn định trong suốt giai đoạn thử nghiệm.

Chúng tôi đã có cả thảy 12 bệnh nhân thử nghiệm dùng guggulipid. Trong số này, có một số dùng kèm theo các chất trị liệu bổ sung khác nữa. Vì thế, tác động chính xác của guggulipid rất khó mà đo lường được. Nếu bạn quyết định dùng thử guggulipid, bạn có thể mong đợi một mức giảm LDL cholesterol ít nhất là từ 10% đến 15%, đồng thời cũng có giảm mức triglyceride nữa. Tuy nhiên, vẫn phải nhớ tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu dùng bất cứ một loại thuốc thảo mộc nào.


8.

Xét lại việc dùng tỏi và lecithin

Các báo cáo trong một số tài liệu y khoa từ 25 năm qua đã cho rằng việc ăn củ tỏi có thể có ảnh hưởng làm giảm cholesterol. Những cuộc nghiên cứu này thường thấy rằng có một mức giảm cholesterol nhiều đến 15% với các dạng và liều dùng khác nhau của tỏi. Dựa vào những cuộc nghiên cứu này – mà tôi phải nói là thường có quy mô nhỏ cũng như không được tổ chức tốt – tôi vẫn thường đề nghị bệnh nhân của mình dùng tỏi. Tôi nghĩ rằng tỏi có lẽ cũng có lợi và chắc chắn là không có các tác dụng phụ – trừ ra việc hơi thở có mùi hôi.

Năm 1998, hai cuộc nghiên cứu được công bố nối tiếp nhau chỉ trong một tuần đã làm tôi thay đổi quan điểm. Bác sĩ Jonathan Isaacsohn, bác sĩ Marvin Moser và bác sĩ Evan Stein tường thuật lại cuộc nghiên cứu thứ nhất trên tờ Archives of Internal Medicine. Cuộc nghiên cứu này được tổ chức rất tốt. Có 50 người tham gia, tất cả đều có mức cholesterol cao. Hai mươi tám người được cho dùng một chế phẩm của tỏi có tên là Kwai, với liều dùng 300 mg, mỗi ngày 3 lần. Hai mươi hai người còn lại được uống một loại thuốc giả có dạng tương tự như Kwai nhưng thật ra không có chứa hoạt chất nào trong đó cả. Mức cholesterol được kiểm tra vào đầu cuộc nghiên cứu, và được xác định lại sau 12 tuần lễ điều trị. Trong cả hai nhóm, không có sự thay đổi nào về mức cholesterol cả.

Một tuần sau đó, Berthod và các đồng nghiệp công bố những kết quả nghiên cứu tương tự trên tờ Journal of the American Medical Association (JAMA). Cuộc thử nghiệm này có quy mô nhỏ hơn – với 25 người tham gia, và dùng một dạng chế phẩm khác hơn – dầu tỏi. Liều dùng là 5 mg, mỗi ngày 2 lần, trong 12 tuần lễ. Tất cả những người tham gia cũng đều có mức cholesterol cao.

Các bệnh nhân được chia làm 2 nhóm, một nhóm được dùng dầu tỏi trong 12 tuần, và nhóm kia uống một loại thuốc giả có dạng tương tự – nghĩa là xem như không uống gì cả. Sau đó, tất cả bệnh nhân được ngưng thuốc trong 4 tuần, rồi thay đổi vị trí cho nhau – nhóm dùng thuốc giả giờ đây dùng thuốc thật, và ngược lại, trong 12 tuần lễ. Mức cholesterol được kiểm tra vào đầu cuộc nghiên cứu và sau mỗi giai đoạn thay đổi. Không có bất cứ sự thay đổi nào được ghi nhận do dùng tỏi.

Những cuộc nghiên cứu được tổ chức tốt này chắc chắn là đã tạo ra một sự ngờ vực về giả thuyết tỏi làm giảm cholesterol. Một số người đã chỉ trích những cuộc nghiên cứu này, nói rằng chỉ có tỏi tươi mới có tác dụng làm giảm cholesterol.

Rất gần đây, vào tháng 9 năm 2000, Clare Stevinson công bố một kết quả phân tích tổng hợp tất cả những cuộc nghiên cứu về tỏi trên tờ Annals of Internal Medicine. Sự phân tích này đi đến kết luận là dùng tỏi có thể có một phần tác dụng làm giảm cholesterol khi so với không dùng gì cả, nhưng hiệu quả chênh lệch này là rất nhỏ.

Chắc hẳn là tỏi có thể mang lại những ích lợi khác cho sức khỏe, nhưng theo tôi thì chỉ nên ăn tỏi nếu bạn thích mùi vị của nó, đừng xem như đó là một phương thức để làm giảm cholesterol.

Khi các bệnh nhân đến với tôi lần đầu tiên, thường thì họ đã sử dụng qua rất nhiều các phương thức dinh dưỡng trị liệu bổ sung. Một trong những món được sử dụng nhiều là lecithin.

Hầu hết các bệnh nhân của tôi nói rằng họ dùng lecithin vì nghe nói nó có tác dụng chuyển hóa chất béo, và do đó mà sẽ làm giảm mức cholesterol. Họ giải thích rằng, lecithin sẽ làm tan mỡ và cholesterol trong máu của họ, khiến cho những chất này trở nên vô hại.

Có lẽ, nếu như lecithin có thể vào được trong máu thì điều này có khả năng xảy ra. Nhưng thực tế là lượng lecithin được đưa vào qua đường miệng sẽ bị phân hủy hoàn toàn trong dạ dày và không bao giờ vào được trong máu.

Cho dù lecithin cũng không đắt tiền lắm, nhưng hẳn đó không phải là cách hợp lý để bạn tiêu tiền. Chắc chắn là tôi không bao giờ đề nghị dùng lecithin như một chất để làm giảm cholesterol.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 9 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Hạnh phúc khắp quanh ta


Chuyện Vãng Sanh - Tập 2


Quy nguyên trực chỉ


Tổng quan về Nghiệp

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.239.87.20 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (239 lượt xem) - Hoa Kỳ (14 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...