Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Sự vắng mặt của yêu thương chính là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của những tính xấu như giận hờn, ganh tỵ, tham lam, ích kỷ...Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì đó chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều phục tâm. Khi tâm được điều phục, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Có những người không nói ra phù hợp với những gì họ nghĩ và không làm theo như những gì họ nói. Vì thế, họ khiến cho người khác phải nói những lời không nên nói và phải làm những điều không nên làm với họ. (There are people who don't say according to what they thought and don't do according to what they say. Beccause of that, they make others have to say what should not be said and do what should not be done to them.)Rộng Mở Tâm Hồn
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm. (Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown
Hãy làm một người biết chăm sóc tốt hạt giống yêu thương trong tâm hồn mình, và những hoa trái của lòng yêu thương sẽ mang lại cho bạn vô vàn niềm vui và hạnh phúc.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tư tưởng Phật giáo trong thi ca Nguyễn Du »» Lời nói đầu »»

Tư tưởng Phật giáo trong thi ca Nguyễn Du
»» Lời nói đầu

(Lượt xem: 6.078)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tư tưởng Phật giáo trong thi ca Nguyễn Du - Lời nói đầu

Font chữ:

Hôm nay là ngày 1 tháng 8 năm 2020, nhằm ngày 12 tháng 6 âm lịch năm Canh Tý, Phật lịch 2564, Phật Đản lần thứ 2644, tại thư phòng Tổ Đình Viên Giác, Hannover, Đức Quốc, tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 68.

Hôm nay cũng là ngày có nhiệt độ cao nhất, 32 độ C, trong mùa dịch Covid-19 đang lan truyền khắp nơi trên thế giới. Sau hơn 5 tháng ròng rã, tôi đã đọc qua 8 tập kinh Việt dịch trong Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, từ tập 195 đến tập 202, thuộc Bộ Sự Vị, được dịch từ 2 tập 53 và 54 của Đại Chánh Tạng. Nguyên văn chữ Hán 2 tập này gồm 2.260 trang. Bản dịch sang tiếng Việt của 2 tập này là 15.781 trang, chia thành 8 tập như đã nói trên. Như vậy, trung bình cứ mỗi trang chữ Hán dịch ra tiếng Việt khoảng 7 trang.

Cũng nhờ - hay bị thì đúng hơn - việc phải sống cách ly do dịch bệnh, tôi đã không đi đâu trong suốt thời gian từ tháng 3 đến tháng 7 năm 2020, nên tất cả thời gian đều dồn vào việc đọc phần cuối này của Đại Tạng Kinh, kể cả sửa lại một số lỗi chính tả và những nơi không rõ ý. Tuy chưa hoàn hảo lắm, nhưng ít ra đây cũng là chút thiện chí đóng góp vào cho việc hoàn thiện Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng kinh.

Như vậy, nếu chia ra cho 5 tháng đọc Đại Tạng Kinh và mỗi tháng đọc 26 ngày, trừ những ngày Chủ nhật, trung bình mỗi ngày tôi đã đọc khoảng hơn 100 trang, vì trong thời gian 130 ngày của 5 tháng đó, tôi đã đọc được 15.781 trang. Tính đúng ra là mỗi ngày trung bình đọc được 121 trang. Dĩ nhiên là đã có những ngày đọc nhiều hơn và cũng có những ngày đọc ít hơn. Trong thời gian tới, ban xuất bản Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh sẽ xuất bản tiếp từ tập 188 đến tập 202 gồm 15 tập tất cả, mỗi tập khoảng 1.000 trang, để hoàn thành tâm nguyện của cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh, người đã chủ trương cho dịch bộ Đại Tạng Kinh chữ Hán ra Việt ngữ hoàn toàn.

Tuy nạn dịch Corona đang xảy ra khắp nơi trên thế giới, nhưng việc tu học, An Cư Kiết Hạ của chư Tăng Ni chùa Viên Giác vẫn như những năm trước, bắt đầu từ sau lễ Phật Đản, kéo dài 3 tháng cho đến lễ Vu Lan vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 năm 2020. Như vậy, năm nay tôi có đến 6 tháng không ra ngoài. Nhờ vậy mà việc đọc Đại Tạng Kinh cũng như viết tác phẩm này được thành tựu như ý. Xin niệm ân tất cả mọi việc đã xảy ra, dù là như ý hay bất như ý.

Năm 2019 và năm nay 2020, chư Tăng Ni và Phật Tử chùa Viên Giác đã và đang trì tụng bộ Kinh Đại Bảo Tích gồm 9 quyển, mỗi quyển độ 700 trang. Mỗi tối trong mùa An Cư, chúng tôi trì tụng 50 trang. Như vậy, đến khoảng trung tuần tháng 8 thì chúng tôi trì tụng xong Bộ Đại Bảo Tích. Kế tiếp, chúng tôi sẽ bắt đầu trì tụng mỗi tối 40 trang Kinh Đại Bát-nhã và sẽ tiếp tục trong mỗi mùa An Cư Kiết Hạ tiếp theo.

Kinh Đại Bát-nhã do cố Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch ra Việt ngữ gồm 24 tập. Nếu đọc tụng hết 24 tập này là khoảng hơn năm triệu chữ. Bởi lẽ Kinh Đại Bát-nhã in chữ nhỏ hơn Kinh Đại Bảo Tích nên chúng tôi trì tụng số trang ít hơn. Tuy nhiên, thời gian vẫn trên dưới 1 tiếng đồng hồ và kể cả ngồi thiền mỗi đêm nữa, khoảng 1 tiếng 30 phút cả thảy. Đây là pháp môn tu học, hành trì của môn phong pháp phái Viên Giác tại hải ngoại.

Trong những mùa An Cư Kiết Hạ hay nhập thất như vậy, tôi có được nhiều thời gian và sự an tĩnh nội tâm, nên có thể chấp bút viết hay dịch những tác phẩm như thế này.

Năm nay tôi chọn đề tài “Tư tưởng Phật giáo trong thi ca Nguyễn Du”, bởi lẽ tuy đã có nhiều người viết về Truyện Kiều và Nguyễn Du, khen có, chê có..., nhưng đối với một tăng sĩ như tôi thì sự quan tâm đến chủ đề này là cần thiết. Có nhiều học giả, văn nhân, thi nhân và cả tu sĩ, đã viết và giới thiệu Nguyễn Du với Truyện Kiều hay những bài thơ chữ Hán của ông. Chẳng hạn như Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết về Truyện Kiều qua tác phẩm “Thả một bè lau”, lấy ý từ 2 câu Kiều:

“Giác Duyên dầu nhớ nghĩa nhau,
Tiền Đường thả một bè lau rước người.”

Gần đây thì có tác giả Đại Lãn, tức Hòa thượng Thích Đức Thắng, viết về Nguyễn Du và Phân Kinh Thạch Đài rất đặc biệt. Đặc biệt hơn nữa, Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh, người đã phát hiện ra nhiều điểm mới trong tiểu sử của Nguyễn Du mà lâu nay đã bị bỏ sót trong những giai đoạn quan trọng của cuộc đời Nguyễn Du.

Tôi không dám “múa rìu qua mắt thợ” trước các bậc thức giả, nên chỉ xin viết tác phẩm này qua cái nhìn của một tăng sĩ Phật Giáo, và chỉ đề cập đến giai đoạn từ năm 1786 đến năm 1820 mà thôi. Trong giai đoạn này, tôi sẽ chia ra làm 5 chương, nói về 5 giai đoạn: từ 1786 đến 1788, từ 1788 đến 1790, từ 1790 đến 1794, từ 1794 đến 1802 và từ 1802 đến 1820.

Tôi sẽ chú trọng đi sâu vào những vấn đề mà lâu nay vì những lý do nào đó, lịch sử đã không hay ít đề cập đến. Chẳng hạn như:

- Có phải Nguyễn Du đã sang Trung Hoa tỵ nạn chính trị không?

- Và nếu có, Nguyễn Du đã dùng ngôn ngữ gì để giao tiếp khi ở Trung Hoa?

- Tại sao Nguyễn Du xuất gia và lấy Pháp hiệu là Chí Hiên?

- Nguyễn Du đã trì tụng kinh Kim Cang hơn 1.000 biến vào thời điểm nào?

- Truyện Kiều được viết từ năm nào và ở đâu?

- Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh được viết khi nào?

- Tại sao Nguyễn Du chọn theo Gia Long Nguyễn Ánh mà không là Quang Trung Nguyễn Huệ? v.v...

Tuy nhiên, vấn đề bao quát nhất mà tôi muốn tìm hiểu qua tác phẩm này chính là thông qua tất cả những chi tiết nêu trên để làm rõ ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo đối với những sáng tác của Nguyễn Du, cho dù đó là một bài thơ đơn lẻ ông đã làm ở Thạch Đài Phân Kinh hay cả quyển Truyện Kiều đồ sộ với 3.254 câu lục bát, cho đến bài Văn Tế Thập Loại Cô Hồn mà hầu hết từ ngữ cũng như hình tượng trong bài đều thấm đẫm tinh thần Phật giáo... Tất nhiên, tư tưởng là một khái niệm hoàn toàn trừu tượng mà chúng ta không thể dễ dàng nhận ra như những vật thể hữu hình. Nhưng mặt khác chính nhờ tính chất trừu tượng này mà khi đã nhận ra, ta sẽ thấy nó hiện hữu không chỉ ở một nơi duy nhất. Do vậy, khi nhìn các tác phẩm của Nguyễn Du dưới góc độ này, tôi hy vọng chúng ta sẽ có thể nhận ra được ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo đối với ông không chỉ là ở một vài sáng tác cá biệt, mà chắc chắn nó sẽ có mặt bàng bạc trong mọi tác phẩm, mọi câu chữ và ý tưởng mà ông đã viết ra.

Chẳng hạn như khi Nguyễn Du viết: “Đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”, thì chúng ta cần phải hiểu rằng “nghiệp” mà ông đề cập ở đây chính là hành nghiệp của mỗi con người, do chính con người ấy đã tạo ra. Và như vậy, đó là cả một hệ thống giáo lý sâu xa của đạo Phật, chứ không phải là kiểu định nghiệp theo thuyết định mệnh như một số người trước đây đã hiểu lầm khi đọc Truyện Kiều.

Đó là những gì mà tôi muốn bổ sung cho một cái nhìn đa dạng hơn về Nguyễn Du. Những gì trình bày ở đây có thể chưa được hoàn toàn chính xác và đầy đủ, vì chỉ là nhận xét chủ quan của một người xuất gia ở vào đầu thế kỷ 21, sau khi Đại Thi Hào Nguyễn Du đã vắng bóng trên trần thế này đúng 200 năm rồi (1820-2020).

Tôi không chủ trương viết lại lịch sử, vì không đủ cứ liệu cũng như thời gian để làm điều đó. Tôi chỉ đơn giản là ghi lại những điểm đặc biệt đã xảy ra trong lịch sử, vẫn còn được ghi chép ở nơi này nơi khác, nhưng đa số người đọc bình thường ít có điều kiện tiếp cận thì không biết được, và những người viết sử hay dạy sử cho học sinh, sinh viên thì không biết do vô tình hay cố ý đã bỏ qua. Ngoài ra, tôi cũng muốn làm sống dậy tinh thần Phật Giáo qua chính các nhân vật lịch sử được đề cập đến.

Chẳng hạn, nhiều người trong chúng ta đều biết rằng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã làm tướng và làm cố vấn cho cả 4 đời vua: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông vào thế kỷ 13, nhưng khi hỏi về mối quan hệ giữa ông với Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung thì hầu như có đến chín trong số mười người được hỏi không hề biết. Như vậy cũng vẫn có một người biết, nhưng tôi muốn nhiều người biết hơn nữa, nên đã viết tác phẩm thứ 67 nhan đề “Vua là Phật, Phật là Vua”, để giải đáp những điều cần hiểu.

Hoặc như việc vua Trần Thánh Tông xuất gia năm 1288 lấy Pháp hiệu là Vô Nhị Thượng Nhân cũng ít người quan tâm đến. Lại như việc Huyền Trân Công Chúa sau khi về lại quê hương Đại Việt vào năm 1308 đã lên núi Yên Tử thọ Bồ Tát giới với Phật Hoàng Trần Nhân Tông, hay còn gọi là Điều Ngự Giác Hoàng, trước khi Phật Hoàng viên tịch. Với Pháp danh Hương Tràng, bà là một sư cô tu hành cho đến năm 1340 mới viên tịch. Nhưng ngày nay nếu hỏi đến Sư cô Hương Tràng là ai thì rất ít người biết.

Khi xem tác phẩm “Thả Một Bè Lau” của Thiền Sư Nhất Hạnh, tôi mới biết được rằng pháp danh Trạc Tuyền của nàng Kiều là do Thúc Sinh đặt cho nàng, khi nàng đến ở Quan Âm Các trong vườn nhà của Hoạn Thư. Thúc Sinh đã lấy chữ đầu của hai câu đối trong Quan Âm Các để đặt thành pháp danh này. Nguyễn Du đã viết:

Áo xanh đổi lấy cà-sa,
Pháp danh lại đổi tên ra Trạc Tuyền.

Trước khi viết sách này, tôi đã tìm tòi nhiều tài liệu để biết thêm về “nhà sư Chí Hiên” và pháp danh này của Nguyễn Du. Ông tự đặt pháp danh cho mình hay từng quy y với vị thầy nào? Nhiều câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời chính xác, cần được khảo cứu nhiều hơn. Hơn nữa, việc tìm hiểu về Nguyễn Du cũng có nhiều khác biệt tùy theo cách nhìn đối với ông như là một nhà thơ, như một ông quan của hai triều vua hay như một nhà sư. Do cách nhìn khác nhau, dĩ nhiên câu trả lời cũng sẽ có nhiều cách khác nhau, và cũng còn tùy thuộc cách suy nghĩ, phán đoán riêng của mỗi người. Ở đây tôi chỉ muốn nêu lên một vài suy nghĩ nhằm làm rõ vấn đề hơn chứ không phải để tạo ra một mối hoài nghi nào.

Những tài liệu sử dụng trong sách này được trích dẫn từ các nguồn đáng tin cậy như những tài liệu trong “Từ nhà sư Chí Hiên tới nhà thơ Nguyễn Du” của Nguyên Giác. Kế tiếp là tài liệu nghiên cứu về Nguyễn Du: “Nhà sư Chí Hiên - Giang Bắc Giang Nam cái túi không” (1788-1790) của Tiến Sĩ Phạm Trọng Chánh. Ngoài ra còn có 2 bài viết của Đoàn Lê Giang: “Những bản dịch Truyện Kiều ở Nhật Bản” và “Bước đầu so sánh Kim Ngư Truyện của K. Bakin và Truyện Kiều của Nguyễn Du”.

Tất cả những tài liệu trên đều do anh Nguyên Tánh Nguyễn Hiền Đức ở Hoa Kỳ cung cấp. Xin chân thành cảm ơn anh Nguyên Tánh về việc này.

Hôm nay, ngày đầu của tháng 8 năm 2020, tôi đặt bút viết Lời Nói Đầu để trình bày lý do vì sao tôi viết tác phẩm này. Mục đích chính của tôi không phải đi sâu vào văn chương chữ nghĩa của truyện Kiều, mà chỉ là những điểm đã được trình bày trên.

Các chương của sách này sẽ dẫn người đọc đi qua từng giai đoạn lịch sử, đi qua cuộc đời mấy mươi năm của Nguyễn Du, từ năm 1788 lúc ông 21, 22 tuổi đến khi ông ra làm quan lúc 36 tuổi (1802), và tuần tự từng giai đoạn tiếp theo sau đó cho đến khi ông qua đời vào năm 1820. Riêng quãng thời gian trước đó tôi sẽ không đề cập đến.

Xin nguyện cầu cho thế giới bớt hận thù, chiến tranh và nhất là dịch bịnh Covid-19 sớm chấm dứt, để người người lại được sống tự do thoải mái, hít thở khí trời như những tháng ngày trước đây, không còn nữa nỗi lo mất mạng bất cứ lúc nào, không còn phải chập chờn hốt hoảng trong giấc ngủ.

Xin mời quý vị lật qua từng trang sách để chiêm nghiệm những điều mà tác giả muốn gởi đến độc giả khắp nơi. Đồng thời cũng xin quý vị đóng góp ý kiến thêm những gì cần phải có để tác phẩm được hoàn thiện hơn.

Viết tại Thư phòng Tổ Đình Viên Giác
Hannover, Đức Quốc ngày 1 tháng 8 năm 2020.


« Sách này có 9 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Hoa nhẫn nhục


Quy Sơn cảnh sách văn


Nguồn chân lẽ thật


Thắp ngọn đuốc hồng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 44.221.43.208 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (410 lượt xem) - Việt Nam (128 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - ... ...