Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm. (Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown
Một số người mang lại niềm vui cho bất cứ nơi nào họ đến, một số người khác tạo ra niềm vui khi họ rời đi. (Some cause happiness wherever they go; others whenever they go.)Oscar Wilde
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải bạn đang ở hoàn cảnh nào mà là bạn đang hướng đến mục đích gì. (The great thing in this world is not so much where you stand as in what direction you are moving. )Oliver Wendell Holmes
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Sự hiểu biết là chưa đủ, chúng ta cần phải biết ứng dụng. Sự nhiệt tình là chưa đủ, chúng ta cần phải bắt tay vào việc. (Knowing is not enough; we must apply. Willing is not enough; we must do.)Johann Wolfgang von Goethe
Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc. (Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Bất lương không phải là tin hay không tin, mà bất lương là khi một người xác nhận rằng họ tin vào một điều mà thực sự họ không hề tin. (Infidelity does not consist in believing, or in disbelieving, it consists in professing to believe what he does not believe.)Thomas Paine

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Giải thích Kinh Địa Tạng »» PHẨM THỨ NHẤT »»

Giải thích Kinh Địa Tạng
»» PHẨM THỨ NHẤT

(Lượt xem: 1.607)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Giải thích Kinh Địa Tạng - PHẨM THỨ NHẤT

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Kinh văn

忉利天宫神通品第一

● Đao-lợi thiên cung thần thông phẩm đệ nhất

Việt dịch

Phẩm thứ nhất: Thần thông tại Thiên cung ở cõi trời Đao-lợi

Giảng giải

Khi ấy đức Phật ở tại Thiên cung nơi cõi trời Đao-lợi, hiện khởi thần thông triệu tập hội chúng. Đây là phẩm thứ nhất của bộ kinh này. Phẩm là tên gọi được dùng khi phân chia các phần trong kinh văn.

Thích nghĩa

Về hướng trên đầu chúng ta, tầng thứ nhất là cõi trời Tứ thiên vương, nằm ở lưng chừng núi Tu-di. Tầng thứ hai là cõi trời Đao-lợi, nằm trên đỉnh núi Tu-di, thường gọi là cõi trời Ba Mươi Ba. Vị Thiên vương của cõi trời Đao-lợi tên là Thích-đề-hoàn-nhân, cũng gọi là Đế thích. Vị này trước đây là một phụ nữ bình thường. Thuở ấy sau khi đức Phật Ca-diếp nhập diệt, người phụ nữ này phát khởi tâm nguyện xây dựng một tòa tháp cúng dường đức Phật Ca-diếp. Khi ấy lại có 32 người phụ nữ khác cũng phát khởi tâm nguyện như vậy, cùng đến góp sức xây dựng thành tựu tháp Phật. Nhờ căn lành đó, người phụ nữ [phát tâm đầu tiên] được sinh là Thiên vương cõi trời Đao-lợi. Về bốn hướng quanh cõi trời này, mỗi hướng đều có 8 cõi trời, tổng cộng là 32 cõi trời vây quanh. Các vị Thiên vương của những cõi trời ấy chính là 32 người phụ nữ đã giúp việc xây dựng tháp Phật. Do đó có thể biết rằng việc xây dựng chùa tháp, tự viện được công đức hết sức lớn lao, có thể nhận được những báo ứng tốt đẹp như vậy.

Thiên cung là nơi cư ngụ của Đế thích, nằm trong thành Thiện Kiến. Thành này chu vi bốn mặt là 10.000 do-tuần (mỗi do-tuần là 40 dặm), được xây toàn bằng vàng ròng. Bốn mặt thành đều có lầu ngàn cửa. Giữa thành lại có một thành nhỏ hơn cũng xây bằng vàng, có 500 lối vào, cửa thành đều được trang nghiêm bằng các loại bảo bối. Các loại bảo bối đó chủng loại nhiều vô kể, tất cả đều xinh đẹp lộng lẫy, không thể nói hết. Thành nhỏ bằng vàng ở giữa lại cũng có lầu báu gác ngọc, chiều dài [của thành] là 500 do-tuần, rộng 250 do-tuần. Trên tòa lầu cao nhất lại có một nhà tròn rộng 30 do-tuần, chu vi 90 do-tuần, cao 40 do-tuần, là nơi Đế thích cư ngụ. Tòa lầu này được làm bằng ngọc lưu ly và các loại châu báu, là nơi đức Phật dùng thần thông hiện đến vì Thánh mẫu mà thuyết pháp.

Trong kinh Phật dạy rằng, thần là thiên tâm (tấm lòng hiền thiện như chư thiên), thông là tuệ tính (tánh trí sáng suốt). Đức Phật có đủ thiên tâm và tuệ tính, phóng tỏa hào quang chiếu sáng khắp nơi không ngăn ngại, đó gọi là thần thông.

Kinh văn

如是我聞。一時佛在忉利天,為母說法。

● Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại Đao-lợi thiên, vị mẫu thuyết pháp.

Việt dịch

Tôi nghe như thế này, có một lúc đức Phật ở tại cõi trời Đao-lợi, vì mẹ thuyết pháp.

Giảng giải

[Ngài A-nan nói:] Những lời sau đây chính tôi được nghe thấy đức Phật nói ra. Có một lúc, đức Phật ở tại cõi trời Đao-lợi, vì mẹ thuyết pháp.

Thích nghĩa

Phật ở đây là đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Bốn chữ “Thích-ca Mâu-ni” dịch sang Hán ngữ là “năng nhân tịch mặc”, có nghĩa là Phật có năng lực thực hiện, có tâm từ bi, lại cũng có thể tịch tĩnh bất động, hết sức trầm mặc, phù hợp với bản tánh. Vào thời đức Phật (từ đây về sau dùng chữ Phật là chỉ đức Phật Thích-ca Mâu-ni) thuyết pháp, không có ai ghi chép lại. Về sau người em họ của Phật là ngài A-nan vì sợ trải qua thời gian lâu xa người ta không thể nhớ được, nên đem tất cả những lời Phật giảng dạy về Phật pháp, mỗi câu mỗi chữ đều ghi chép lại. Cho đến khi Phật sắp nhập Niết-bàn (xem chú giải ở sau), ngài A-nan thưa hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Trong tương lai lưu lại kinh điển do Phật thuyết nên mở đầu như thế nào?” Phật dạy A-nan: “Câu mở đầu nên dùng bốn chữ ‘‘như thị ngã văn’‘ (chính tôi nghe như thế này). Như vậy có thể chứng minh được rằng những kinh điển ấy đều do chính ông tự thân được nghe Phật thuyết dạy, không phải nghe đi nghe lại từ người khác.” Cho nên, ngài A-nan khi ghi lại kinh này mở đầu bằng bốn chữ như vậy.

“Như thị” là chỉ kinh điển do Phật thuyết, “ngã” là ngài A-nan tự xưng, “văn” là nghe thấy. “Nhất thời” là chỉ thời gian nói chung, vì thời gian ở mỗi địa phương, mỗi thời đại đều khác nhau. Như người các nước khác dùng Dương lịch, người Trung quốc trước đây dùng âm lịch; vào đời nhà Hạ dùng Hạ lịch, đời nhà Chu dùng Chu lịch. Vì thế không thể xác định rõ ràng năm nào tháng nào.

Vì sao đức Phật riêng vì mẫu thân của ngài mà thuyết pháp? Đó là nói căn bản của kinh này, cùng với các bộ kinh khác ở nơi khác. Nhân vì đức Phật Thích-ca Mâu-ni vốn đã thành Phật từ lâu, nhưng muốn giáo hóa nhân loại chúng ta ở thế giới này nên mới đặc biệt thị hiện sinh làm người. Vào thời ấy, tại Trung Ấn Độ có vị quốc vương là Tịnh Phạn vương, hoàng hậu là phu nhân Ma-da. Phật thị hiện làm con phu nhân Ma-da. Khi ấy, tại Trung quốc là đời Chu Chiêu Vương năm thứ 26, năm Giáp Dần, ngày mồng 8 tháng 4, thái tử từ nơi sườn bên phải của hoàng hậu Ma-da sinh ra. Khi trưởng thành, ngài nhìn thấy con người trong thế giới này chịu đủ mọi khổ não, liền nhận hiểu được tất cả. Ngài không muốn làm thái tử nữa, muốn xuất gia tu hành. Từ năm 19 tuổi ngài bắt đầu đi tu, đến năm 30 tuổi thì thành Phật, sau đó đi khắp nơi thuyết giảng Phật pháp, giáo hóa người đời. Đến năm 79 tuổi ngài nhập Niết-bàn.

Niết-bàn (Nirvāṇa) là Phạn ngữ (tức ngôn ngữ của Ấn Độ). Niết nghĩa là không sinh, bàn nghĩa là không diệt. Không sinh không diệt, đó là chân như thật tướng mà đức Phật chứng đắc. Chứng, nghĩa là đạt được. Chân như thật tướng, chính là nói tướng chân thật mà đức Phật đã đạt được, không phải tướng hư giả, có thể vĩnh cửu không biến đổi, không tiêu diệt, nhưng người phàm không thể thấy đến được. Tại thế giới của chúng ta nhìn thấy được, đó gọi là ứng hóa thân. Quý vị xem như mặt trời, mặt trăng trên bầu trời, bất kể là đang ở nơi nào, chỉ cần có nước, bất kể nước đó nhiều hay ít, mặt nước lớn hay nhỏ, người ta đều có thể nhìn thấy hình chiếu [của mặt trời, mặt trăng] trong đó. Chúng sinh có căn cơ, duyên phần khác biệt, chỉ cần cảm ứng được với Phật, Phật cũng giống như mặt trời mặt trăng hiện ra trong nước, liền hiện thân ra cứu độ chúng ta, đó gọi là ứng hóa thân.

Lại nói về việc phu nhân Ma-da từ sau khi sinh thái tử, đến ngày thứ bảy thì mạng chung. Nhân vì bà là thánh mẫu hạ sinh thái tử nên sau khi mất được tái sinh về cõi trời Đao-lợi làm một vị thiên tử. Đến lúc đức Phật sắp nhập Niết-bàn, nhớ ơn sinh thành vẫn chưa báo đáp, ngài phát khởi tâm báo hiếu, đặc biệt hiện lên cõi trời Đao-lợi, riêng vì mẫu thân thuyết pháp để báo đáp đại ân sinh thành. Vì thế, ngài mới thuyết giảng bộ kinh về bổn nguyện Bồ Tát Địa Tạng nói về hiếu đạo và những điều liên quan. Đây là lý do trong bộ kinh này lấy hiếu làm căn bản, mỗi câu kinh đều có thể thấy được những ý nghĩa liên quan đến hiếu đạo. Hiện nay có một hạng tăng sĩ thiếu tri thức, một khi vừa bước vào cửa chùa liền nói rằng người xuất gia theo Phật không can dự việc thế tục, nên không kính trọng cha mẹ. Như thế chẳng những là bất hiếu mà còn rõ ràng là đệ tử ngỗ nghịch của Phật. Xưa nay chư Phật, Bồ Tát cùng chư vị tổ sư chưa từng có vị nào bất hiếu với cha mẹ, không hiếu kính với Tam bảo. Vì thế, hiếu thảo là việc lớn căn bản tối thiết yếu đối với cả Tam giáo: Nho, Lão, Phật.

Kinh văn

爾時十方無量世界,不可說不可說一切諸佛及大菩薩摩訶薩,皆來集會

● Nhĩ thời thập phương vô lượng thế giới, bất khả thuyết bất khả thuyết nhất thiết chư Phật cập Đại Bồ Tát Ma-ha-tát, giai lai tập hội.

Việt dịch

Bấy giờ, hết thảy chư Phật và chư vị Đại Bồ Tát số nhiều đến mức không thể nói hết, thực sự không thể nói hết, trong khắp mười phương đều đến Pháp hội.

Giảng giải

Vào lúc đó, trong khắp mười phương, không thể biết được số lượng chính xác, nhiều đến mức không thể nói hết, thực sự không thể nói hết, tất cả chư Phật, chư Đại Bồ Tát có đủ ba phẩm tính là lớn lao, biết nhiều và thù thắng, đều đến nơi Pháp hội để nghe Phật giảng kinh.

Thích nghĩa

Vào thời điểm đó, chư Phật và chư vị Bồ Tát số lượng rất, rất nhiều, cho nên không thể phân biệt được các ngài từ nơi đâu, từ cõi nước nào đến. Chỉ có thể nói chung chung là vô số thế giới trong mười phương. Bởi vì về phương đông, phương nam, phương tây, phương bắc, các phương đông nam, đông bắc, tây nam, tây bắc, phương trên, phương dưới, mỗi phương như vậy đều có vô số thế giới. (Vì không thể đo lường tính đếm được số lượng ấy nên gọi là vô số.) Số thế giới đã nhiều đến mức ấy, chư Phật, Bồ Tát trong các thế giới ấy lại càng nhiều hơn nữa, cho nên mới nói là không thể nói hết, thực sự không thể nói hết. Nói “hết thảy” là muốn bao gồm tất cả số lượng ấy.

Chữ “ma-ha” có 3 ý nghĩa là lớn lao (đại), biết nhiều (đa) và thù thắng (thắng). Các vị Bồ Tát này tâm lượng lớn lao, hành vi lớn lao, lòng khoan dung cũng lớn lao, được các bậc thiên vương tôn kính, cho nên xưng là lớn lao. Các ngài đời đời thường xuất hiện ở thế gian. Ngoài đức Phật ra thì không một ai có thể so sánh được với các ngài. Các ngài vượt hơn 95 hạng ngoại đạo ở thế gian, cho nên xưng là thù thắng. Các ngài rõ biết bên trong, bên ngoài các thế giới nhiều như cát bụi, lại thông suốt hết thảy kinh sách tà đạo, chánh đạo, cho nên xưng là biết nhiều. Có đủ ba phẩm tính lớn lao, biết nhiều và thù thắng thì mới được tôn xưng là Đại Bồ Tát Ma-ha-tát. Vì chư Phật và Bồ Tát ở các phương biết được đức Phật Thích-ca Mâu-ni sắp giảng kinh nên cùng tụ hội về Thiên cung nơi cõi trời Đao-lợi để lắng nghe.

Kinh văn

讚歎釋迦牟尼佛,能於五濁惡世,現不可思議大智慧神通之力,調伏剛強眾生,知苦樂法。各遣侍者,問訊世尊。

● Tán thán Thích-ca Mâu-ni Phật, năng ư ngũ trược ác thế, hiện bất khả tư nghị đại trí tuệ thần thông chi lực, điều phục cương cường chúng sinh, tri khổ lạc pháp. Các khiển thị giả, vấn tấn Thế Tôn.

Việt dịch

[Các ngài] xưng tán ngợi khen đức Phật Thích-ca Mâu-ni, có thể ở trong đời xấu ác có năm sự uế trược, hiện sức thần thông trí tuệ lớn lao không thể nghĩ bàn, điều phục những chúng sinh ương ngạnh cứng đầu, rõ biết các pháp khổ não hay an vui. Mỗi vị [trong các ngài] đều sai thị giả đến thưa hỏi vấn an đức Thế Tôn.

Giảng giải

Mười phương chư Phật trước hết xưng tán con đường giáo hóa tốt đẹp: “Đức Phật Thích-ca Mâu-ni có thể ở nơi thế giới có năm sự uế trược: kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược, mạng trược, kiếp trược, hiện ra pháp lực đại thần thông, đại trí tuệ không thể nói hết, vượt ngoài sức tưởng tượng, điều phục những chúng sinh có tập tính lâu đời ương ngạnh, cứng đầu khó dạy, dùng giúp những chúng sinh ấy phân biệt được, rõ biết được những phương pháp dẫn đến an vui hay khổ não, thật khó nhọc biết bao nhiêu!” Vì thế, các ngài đều bảo các Bồ Tát đi theo mình đến thưa hỏi vấn an đức Thế Tôn, bày tỏ sự tán trợ quan tâm. (Thế Tôn ở đây chỉ đức Phật Thích-ca Mâu-ni.)

Thích nghĩa

Trước hết tôi sẽ nói sơ qua cho rõ ràng về năm sự uế trược, sáu thần thông, mười thần lực.

Năm sự uế trược (ngũ trược), trước hết là kiến trược. Kiến trược có năm loại. Trong đó, nguy hại nhất là ngã kiến. Vì mỗi người đều cố chấp rằng nhất định mình có một bản ngã, có thân thể của riêng mình, nên từ đó mới sản sinh ra quan điểm chấp ngã. Đã có quan điểm chấp ngã, từ đó liền có sự phân biệt giữa mình và người khác. Do nơi sự phân biệt giữa mình và người khác, liền khởi sinh đủ mọi ý niệm bất hợp lý, bất bình đẳng. Từ đó mới tạo thành các nghiệp như giết hại, trộm cướp, dâm dục, dối trá... đủ mọi thứ nghiệp xấu ác.

Thứ hai là phiền não trược, cũng có năm loại. Loại thứ nhất là tham lam. Đã có lòng tham thì bao nhiêu thứ này vật nọ trong đời đều không buông xả được. Không buông xả được thì không chỉ là vĩnh viễn không thể thoát ly khỏi thế giới này, mà do lòng tham ấy còn sẽ tạo ra đủ mọi nghiệp xấu ác.

Loại phiền não thứ hai là sân hận, gặp việc va chạm không vừa ý một chút liền nổi nóng, một chút cũng không nhẫn chịu được. Do phát khởi lòng sân hận như thế liền tạo ra đủ mọi nghiệp xấu ác.

Loại phiền não thứ ba là ngu si, không hiểu biết rõ ràng đạo lý, ý nghĩa, giả dối nhận là chân thật, chân thật cho là giả dối, đường chánh đường tà cũng không phân biệt được. Người như vậy tự mình không có khả năng giác ngộ, làm sao có thể tu hành theo đạo pháp?

Loại phiền não thứ tư là kiêu mạn, bất kể gặp hạng người nào cũng luôn kiêu ngạo, tự cho mình là quan trọng, hay giỏi, không có lòng khiêm cung kính trọng người khác. Người như thế dù học hỏi bất cứ điều gì cũng không thể tiến bộ, huống chi là học Phật pháp?

Loại phiền não thứ năm là nghi ngờ. Bất kể quý vị làm việc gì, một khi đã có lòng nghi, tức là không có chủ kiến nhất định, lúc muốn làm rồi lại không muốn làm, lúc không muốn làm rồi lại muốn làm, trong lòng rối loạn không yên, từ đó khởi sinh nhiều phiền não, không được thanh tịnh. Do đó mà gọi là uế trược.

Loại uế trược thứ ba là chúng sinh trược. Đó là nói chúng sinh vĩnh viễn ở trong sáu đường (cõi trời, cõi người, cõi a-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh), lưu chuyển sinh tử không có ngày chấm dứt, may mắn được sinh làm người thì cũng không khỏi các thứ khổ não sanh, già, bệnh, chết. Nếu phải đọa vào ba đường ác lại càng phải chịu vô số những khổ não không cùng tận, không có ngày ra khỏi, cho nên gọi là uế trược.

Loại uế trược thứ tư là mạng trược. Mỗi người sinh sống trên đời, giàu nghèo sang hèn đều có số phận an bài, lại thêm mỗi năm bốn mùa sương gió nóng lạnh, không ngừng đẩy người tiến nhanh đến chỗ già chết, đến phút lâm chung chỉ một hơi thở ra đã là xong kiếp. Quán xét kỹ đời người chẳng khác gì hạt sương trong nắng sớm, chỉ trong nháy mắt đã qua rồi, quả thật hết sức đáng sợ, cho nên gọi là uế trược.

Như trên vừa nói qua bốn loại uế trược, kết hợp tạo thành loại cuối cùng là kiếp trược. Nói về thời đại, bề ngoài có thành, trụ, hoại không bốn loại trung kiếp, trong mỗi trung kiếp có 20 tiểu kiếp, lại có các nạn nước, lửa, đao binh, ôn dịch... đủ loại, cho đến hoại kiếp lại sinh ra các tai kiếp lớn. Tuổi thọ con người lúc thì tăng thêm, khi lại giảm thiểu, dường như thế giới đang hủy hoại, cho nên gọi là uế trược. Chúng sinh sinh ra trong thế giới này hết thảy đều không tránh khỏi phải chịu đựng những khổ sở vì năm sự uế trược.

Lại nói về sáu loại thần thông của Phật. Thứ nhất là thiên nhãn thông, bất kể ngày hay đêm, bất kể là cách xa đến mấy ngàn vạn ức dặm đường, mấy ngàn vạn ức thế giới, bất kể là ngăn cách bao nhiêu núi lớn, không một điều gì Phật không nhìn thấy rõ. Dù ở nơi tối tăm nhất Phật cũng nhìn thấy rất rõ ràng, không giống như phàm phu chúng ta chỉ cần che phủ một tờ giấy, cách một bức tường, hoặc đến nơi tối tăm không ánh sáng thì đều không thể nhìn thấy.

Thứ hai là thiên nhĩ thông, bất kể là cách xa đến mấy ngàn vạn ức dặm đường, bất kể là cách xa đến mấy ngàn vạn ức thế giới, đối với những âm thanh nhỏ nhất cũng không một âm thanh nào là Phật không nghe biết được. Không giống như phàm phu chúng ta chỉ có thể nghe được những âm thanh ở gần và đủ lớn, chỉ cần xa một chút hoặc nhỏ một chút là đều không nghe được.

Thứ ba là tha tâm thông, bất kể trong tâm người có ý niệm gì, đức Phật đều biết được. Bất kể là kinh sách gì, không cần phải đọc qua, Phật cũng hiểu rõ được kinh sách ấy nói lên ý nghĩa gì. Không giống như phàm phu chúng ta, đừng nói là ý niệm trong tâm người lạ, ngay cả đối với cha con, chồng vợ, những người thân thiết nhất, gần gũi nhất, dù họ có suy nghĩ gì ta cũng không thể biết được mảy may.

Thứ tư là túc mạng thông, bất kể là chuyện của mình hay của người khác, bất kể là chuyện trong một đời, trước đó một đời hoặc trước đó mười đời, cho đến trước đó ngàn vạn ức đời, Phật đều biết rõ. Không giống như phàm phu chúng ta, những chuyện của chính mình lúc còn nhỏ cũng đã không nhớ được, nói gì đến việc biết được chuyện đời trước?

Thứ năm là thần túc thông, cũng gọi là như ý thông. Chỉ cần khởi niệm thì khắp các thế giới vô cùng tận trong mười phương đều có thể đi đến mà không cần nhọc sức, không khó khăn, dù núi cao biển rộng đều không thể ngăn trở được. Không giống như phàm phu chúng ta, dù dùng hết sức lực mạnh mẽ thì mỗi ngày bất quá cũng chỉ đi được chừng trăm dặm đường, nếu gặp núi cao biển rộng thì không qua được, nếu gặp gió lớn mưa to cũng không đi được.

Thứ sáu là lậu tận thông. Chữ “lậu” có nghĩa là gì? Ví như có một cái bình thủng đáy, mang nước chứa vào trong đó, bao nhiêu nước đều chảy ra hết. Phàm phu có đủ các phiền não tham lam, sân hận, si mê, mỗi một ý niệm đều dẫn khởi biết bao phiền não, tạo tác đủ mọi nghiệp xấu ác, không giữ gìn được tự tâm của chính mình, cũng giống như cái bình bị rỉ chảy. Lậu tận nghĩa là sự rỉ chảy đó đã chấm dứt, không còn nữa, hết thảy các phiền não tham lam, sân hận, si mê đều nhất thời làm cho thanh tịnh, không còn phiền não nữa, nhờ đó đạt được đại thần thông.

Có được sáu loại thần thông như vừa nói trên thì tự nhiên cũng có được mười thần lực. Thứ nhất là tri thị xứ phi xứ trí lực, thứ hai là tri quá khứ vị lai nghiệp báo trí lực, thứ ba là tri chư thiền giải thoát tam muội trí lực, thứ tư là tri chư căn thắng liệt trí lực, thứ năm là tri chủng chủng lãnh giải trí lực, thứ sáu là tri thế giới trí lực, thứ bảy là tri nhất thiết chí xứ đạo trí lực, thứ tám là tri thiên nhãn vô ngại trí lực, thứ chín là tri túc mệnh vô lậu trí lực, thứ mười là tri vĩnh đoạn tập khí trí lực.

Nên biết rằng cõi đời uế trược không dễ trụ vững, thần lực không dễ hiển hiện, chúng sinh cứng đầu ngang ngạnh không dễ giáo hóa, các pháp an vui hay khổ não không dễ biết được, vậy mà đức Phật Thích-ca Mâu-ni có thể trụ trong đời, có thể hiện thần lực, có thể giáo hóa chúng sinh, có thể biết các pháp an vui hay khổ não, thật vô cùng hy hữu, thật hết sức khó làm. Cho nên mười phương chư Phật đã xưng tán ngợi khen rồi, lại sai thị giả đến thưa hỏi vấn an đức Thế Tôn.

Đoạn văn này chính là mở đầu cho toàn bộ bản kinh.

Kinh văn

是時如來含笑,放百千萬億大光明雲,所謂:大圓滿光明雲、大慈悲光明雲、大智慧光明雲、大般若光明雲、大三昧光明雲、大吉祥光明雲、大福德光明雲、大功德光明雲、大歸依光明雲、大讚歎光明雲,放如是等不可說光明雲已。

● Thị thời Như Lai hàm tiếu, phóng bá thiên vạn ức đại quang minh vân, sở vị: đại viên mãn quang minh vân, đại từ bi quang minh vân, đại trí tuệ quang minh vân, đại bát-nhã quang minh vân, đại tam-muội quang minh vân, đại cát tường quang minh vân, đại phúc đức quang minh vân, đại công đức quang minh vân, đại quy y quang minh vân, đại tán thán quang minh vân, phóng như thị đẳng bất khả thuyết quang minh vân dĩ.

Việt dịch

Bấy giờ, đức Như Lai mỉm cười, phóng chiếu ra trăm ngàn vạn ức vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ, như là: vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ đại viên mãn, vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ đại từ bi, vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ đại trí tuệ, vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ đại bát nhã, vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ đại tam muội, vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ đại cát tường, vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ đại phúc đức, vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ đại công đức, vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ đại qui y, vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ đại tán thán... Phóng chiếu ra những vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ không thể nói hết như vậy rồi...

Giảng giải

Vào lúc ấy, đức Phật nở nụ cười hàm tiếu, phóng chiếu ra trăm ngàn vạn ức vầng mây lành hết sức rực rỡ lớn lao. Những vầng mây ấy, gọi là vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ đại viên mãn... v.v... đủ các loại mây lành như thế không thể nói hết. [Đức Phật] đã phóng chiếu ra hết thảy những vầng mây lành rực rỡ tốt đẹp như thế rồi...

Thích nghĩa

Hai tiểu đoạn trước đều nói đến chư Phật Bồ Tát trong mười phương cùng hội tụ về để nghe kinh. Tuy vẫn chưa được nghe Phật thuyết kinh, nhưng các vị trước tiên đều ngợi khen xưng tán công đức hi hữu của Phật Thích-ca Mâu-ni, lại phái các vị Bồ Tát thị giả đến thưa hỏi vấn an Phật.

Vào lúc ấy, đức Như Lai một mặt hoan hỷ chào mừng chư Phật hội tụ, một mặt triệu tập hội chúng vì biết rằng cơ duyên đã đến, trong tâm Phật hết sức mừng vui hoan hỷ nên biểu hiện ra trên khuôn mặt là nụ cười hàm tiếu. Hơn nữa, điểm thiết yếu là đức Phật muốn nhân cơ hội tuyên dương nguyện lực của Bồ Tát Địa Tạng. Sự nghiệp hóa độ chúng sinh của đức Phật trong hiện tại đã sắp hoàn mãn, nay cơ duyên trong tương lai lại có người gánh vác [việc độ sinh], cho nên trong lòng Phật vô cùng hoan hỷ sảng khoái. Trong lòng hoan hỷ sảng khoái nên tự nhiên mỉm cười, phóng chiếu ra đủ các loại ánh sáng rực rỡ.

Trong kinh này, cả ba phẩm: Thần thông tại Thiên cung ở cung trời Đao-lợi, Đức Như Lai xưng tán ngợi khen và Lợi ích của sự thấy nghe, đều là sự phóng chiếu hào quang của Phật. Sự phóng chiếu hào quang trong phẩm này cũng giống như trong phẩm Như Lai xưng tán ngợi khen, đều là hào quang phóng chiếu từ toàn thân đức Như Lai.

Như Lai cũng là một trong các đức hiệu của Phật. Do y theo thể của pháp thân không biến đổi mà khởi thành ứng hóa thân tùy duyên vận dụng. Không biến đổi là như, tùy duyên là lai, do đó xưng tán là Như Lai.

Hàm tiếu là nụ cười không hở môi phô răng, miệng ngậm kín nhưng nét vui mừng lộ trên khuôn mặt, vẻ hoan hỷ bao quanh đôi mày. Miệng vừa nhoẻn cười thì hết thảy các lỗ chân lông đều mở ra, cho nên toàn thân cùng phóng chiếu hào quang rực rỡ.

Trăm ngàn vạn ức [là cách nói biểu trưng], muốn nói rằng [các đạo] hào quang của Phật số lượng rất nhiều. Từ thân Phật có thể phóng chiếu mười đạo hào quang, cho đến trăm, ngàn, cũng có thể hiện xuất đến vô cùng vô tận hào quang, tất cả đều tương ứng với thời cơ mà biểu đạt, diễn bày Phật pháp.

Chữ “đại” (lớn lao) trong “đại quang minh vân” (vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ) là muốn nói tâm Phật rất lớn lao. Sự lớn lao này bao trùm hết thảy mọi sự lớn lao khác. Vì hào quang của Phật sáng hơn ánh sáng mặt trời, mặt trăng đến vạn vạn lần, có thể soi chiếu phá trừ u ám, soi chiếu đến tận những nơi mà ánh sáng mặt trời mặt trăng không thể chiếu đến.

Mây là sự hội tụ [các khí] âm dương mà thành, có thể bay lên tự nhiên thành hình dáng đẹp, dáng vẻ hình sắc có đậm nhạt khác nhau, còn có thể biến hóa ra rất nhiều hình dáng, còn có thể thành mưa rơi xuống, nên hình dung biểu đạt Như Lai giống như mây lành, ngài thuyết pháp giống như mưa xuống, giúp cho những chồi non Bồ-đề của chúng sinh được gặp mây mưa Phật pháp thấm nhuần liền tự nhiên được sinh trưởng lớn dần lên.

Nói vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ đại viên mãn, đó là ngợi khen xưng tán công năng của quả vị Phật. Hào quang của Phật không nơi nào không soi chiếu đến, cho nên gọi là viên (tròn đầy). Bất kể là ở thế giới nào, chúng sinh hữu duyên có thể thực hành hiếu đạo đều giúp cho đạt được quả vị, cho nên gọi là mãn (trọn đủ).

Từ bi là bản ý của Phật, nên ngài phóng ra vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ đại từ bi soi chiếu đến chúng sinh. Chúng sinh được ánh sáng này chiếu đến, thân tâm liền tức thời thanh tịnh, cực kỳ khoái lạc. Một khi được khoái lạc rồi liền có thể xa lìa hết thảy mọi khổ não.

Trí tuệ là phẩm tính mà Phật và chúng sinh đều có như nhau. Nhưng vì chúng sinh bị năm thứ uế trược phủ che, đến nỗi mê mờ tối tăm không thể hiển lộ trí tuệ. Cho nên đức Phật phóng ra vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ đại trí tuệ, khiến cho chúng sinh được tiếp nhận rồi thì tâm địa bỗng dưng được khai mở rộng thoáng, phát khởi được trí tuệ bản lai vốn tương đồng như Phật.

Bát-nhã là một loại trí tuệ quan trọng thiết yếu nhất đối với người học Phật. Trí bát-nhã này có thể giúp người học phá trừ hết thảy vọng niệm si mê, cho nên đức Phật phóng ra vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ đại trí tuệ để khiến cho chúng sinh tiếp nhận được rồi thì có thể đạt được trí tuệ bát-nhã.

Tam-muội là công phu chánh kiến, chánh định của Phật, không giống như phàm phu chúng ta học đạo, thường không phân biệt được chánh kiến nên tiếp cận với ngoại đạo, không phân biệt được chánh định nên tiếp cận với tà định. Vì thế, đức Phật Phật phóng ra vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ đại tam-muội khiến cho phàm phu tiếp nhận rồi thì đạt được công phu chánh kiến, chánh định.

Phải có duyên sự tốt đẹp lớn lao mới hiện điềm lành này. Theo lời Phật nói ra, bản ý của ngài là muốn chúng ta nghe được bộ kinh Địa Tạng nói về hiếu đạo này rồi, tương lai nhất định đều có thể đạt đến quả Phật. Cho nên trước hết phóng chiếu ra hết thảy những vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ như thế, báo cho chúng ta biết trước một duyên lành tốt đẹp lớn lao.

Phước là những báo ứng tốt đẹp từ những việc thiện mà chúng sinh đã làm, do [những việc thiện] đó mà quý vị được hưởng phước. Đức là điều chúng sinh có được từ sự khoan dung độ lượng tha thứ cho người khác, giữ tâm nhân nghĩa. Đức Phật [đã từng] tu tập lục độ, vạn hạnh, cho nên có được phước đức [lớn lao] như vậy. Chứng đắc quả vị vô thượng, hiện tại phóng chiếu ra những vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ như vậy, khiến chúng sinh được nhìn thấy mây lành rực rỡ cũng trở nên ham học hỏi, khởi sinh những hành vi tích tạo phước đức.

Công đức là do Phật [trong quá khứ] đã tu tập vô số công hạnh mới thành tựu được đức lớn lao như vậy. Hiện tại Phật phóng chiếu những vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ, khiến chúng sinh có thể dễ dàng noi theo công hạnh tu hành, tự nhiên có thể đạt được những công đức như thế.

Quy là quy thuận, quay về nương theo, y là nương tựa, dựa vào. Do vì chúng sinh nhiều đời điên đảo trong sáu đường chịu khổ, thật ra đều là vì tâm thức không có chỗ nào để quay về nương theo nên mới tạo thành [tội nghiệp] như vậy. Do đó, Phật phóng chiếu những vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ đại quy y khiến cho chúng sinh giữ tâm an định, một lòng không tán loạn cùng đến quy y Phật, lại noi theo kinh Địa Tạng tu hành học tập hạnh hiếu, trong một đời có thể đạt đến Phật quả, không còn phải rơi trở lại trong sáu đường luân hồi chịu khổ.

Trong những vầng mây lành lại phát xuất âm thanh tán thán ngợi khen. Phật phóng chiếu những vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ như thế có nhiều ý nghĩa [tán thán].

Một là tán thán chư Phật, Bồ Tát mười phương cùng đến tham dự Pháp hội.

Hai là tán thán Bồ Tát Địa Tạng có thể phát khởi hạnh nguyện như vậy,có lời thệ nguyện hiếu hạnh lớn lao như vậy. (Bồ Tát Địa Tạng từng nói rằng: “Chúng sinh trong sáu đường luân hồi, hết thảy nam giới đều là cha ta, hết thảy nữ giới đều là mẹ ta. Nếu không cứu độ hết chúng sinh trong địa ngục, ta quyết không thành Phật.” Cho nên, Bồ Tát Địa Tạng đã tu hành qua số kiếp vô cùng vô tận nhưng vẫn còn nguyên ở địa vị [Bồ Tát], vì thực hành lời nguyện hiếu hạnh lớn lao như thế, tự nhiên đức Phật phải ngợi khen tán thán. Nên biết, mỗi một kiếp là thời gian 34.400 năm.)

Ba là tán thán chư Phật [mười phương] đã sai phái các vị thị giả đến thăm hỏi vấn an Phật.

Bốn là tán thán ngợi khen từ khi có bộ kinh Địa Tạng này ra đời, về sau chắc chắn trong thiên hạ sẽ xuất hiện nhiều chúng sinh hiếu thuận cha mẹ, hiếu thuận kính trọng các bậc sư trưởng, chư tăng, Tam Bảo.

Kinh văn

又出種種微妙之音,所謂:檀波羅蜜音、尸波羅蜜音、羼提波羅蜜音、毗離耶波羅蜜音、禪波羅蜜音、般若波羅蜜音、慈悲音、喜捨音、解脫音、無漏音、智慧音、大智慧音、師子吼音、大師子吼音、雲雷音、大雲雷音,出如是等不可說不可說音已。

● Hựu xuất chủng chủng vi diệu chi âm, sở vị: đàn ba-la-mật âm, thi ba-la-mật âm, sằn-đề ba-la-mật âm, tì-lê-da ba-la-mật âm, thiền ba-la-mật âm, bát-nhã ba-la-mật âm, từ bi âm, hỷ xả âm, giải thoát âm, vô lậu âm, trí tuệ âm, đại trí tuệ âm, sư tử hống âm, đại sư tử hống âm, vân lôi âm, đại vân lôi âm, xuất như thị đẳng bất khả thuyết bất khả thuyết âm dĩ.

Việt dịch

Đức Phật lại tiếp tục phát ra đủ mọi âm thanh vi diệu nhiệm mầu, như âm thanh của Đàn ba-la-mật, âm thanh của Thi ba-la-mật, âm thanh của Sằn-đề ba-la-mật, âm thanh của Tỳ-lê-da ba-la-mật, âm thanh của Thiền ba-la-mật, âm thanh của Bát-nhã ba-la-mật, âm thanh của từ bi, âm thanh của hỷ xả, âm thanh của giải thoát, âm thanh của không lậu hoặc, âm thanh của trí tuệ, âm thanh của đại trí tuệ, âm thanh của sư tử hống, âm thanh của đại sư tử hống, âm thanh tiếng sấm từ mây phát ra, âm thanh tiếng sấm lớn từ mây phát ra. Đức Phật phát ra hết thảy đủ mọi âm thanh không thể nói hết như vậy rồi...

Giảng giải

Đức Phật từ trên khuôn mặt phóng ra đủ các vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ, sau đó lại phát ra đủ các loại âm thanh hết sức tinh tế, hết sức tốt đẹp hài hòa. Những âm thanh đó là âm thanh của Bố thí ba-la-mật cùng các loại âm thanh khác được kể ra là mười sáu loại âm thanh. Đức Phật phát ra những âm thanh không thể nói hết như vậy rồi.

Thích nghĩa

Đức Phật phóng chiếu những vầng mây lành có ánh sáng rực rỡ rồi vẫn chưa thuyết kinh này, lại tiếp tục phát ra đủ mọi loại âm thanh nhiệm mầu tốt đẹp hài hòa. Âm thanh ở đây là các loại âm thanh nhu hòa tốt đẹp, nhờ hòa hợp mà đạt đến thành công. Huống chi âm thanh của Phật còn nhu hòa, thanh nhã hơn gấp bội, bất kể là người thích nghe các loại nhạc cụ nào cũng đều không thể giống như sự ưa thích đối với các âm thanh của Phật.

Đàn hay đàn-na là Phạn ngữ, chúng ta dịch là “bố thí”. Bố thí nghĩa là đem tiền bạc, các món tài vật quý giá của mình hiện có ra biếu tặng cho những người thiếu thốn. Cho nên, bố thí là pháp tu hành đứng đầu trong muôn pháp, cũng chính là pháp sám hối của người nhiều tham dục.

Phạn ngữ ba-la-mật, dịch là “đến bờ kia”, có ý nghĩa là làm một việc gì đó được thành công, thành tựu.

Phạn ngữ thi-la, dịch là “dừng lại, làm được”, chỉ việc dừng lại các việc xấu ác không làm nữa và đối với các việc thiện thì cung kính làm được, không một chút biếng nhác trễ nãi.

Đức Phật phát ra những âm thanh mầu nhiệm như thế là để giúp chúng ta nhanh chóng thực hành các việc lành như bố thí, hiếu thuận, nhờ đó tương lai có thể thành Phật, cứu độ hết thảy cha mẹ nhiều đời, thực hành được hạnh hiếu cao quý, lớn lao nhất.

Phạn ngữ sằn-đề, dịch nghĩa là nhẫn nhục. Có hai loại là sinh nhẫn và pháp nhẫn.

Sinh nhẫn tức là không sát sinh, không giết hại sinh mạng, cho đến loài muỗi mòng cũng không nỡ ra tay đập chết. Có người cố ý đến gây sự với quý vị, dù đánh đập, chửi mắng vẫn nhẫn chịu được, như vậy có thể được phước báo rất lớn lao.

Pháp nhẫn là khổ nhọc tu luyện hành trì, dứt trừ hết thảy phiền não, như vậy được quả báo là tăng trưởng trí tuệ.

Có thể tu cả hai pháp nhẫn như trên là tốt đẹp nhất. Đức Phật phát ra những âm thanh mầu nhiệm của Sằn-đề ba-la-mật là có ý muốn khuyến khích chúng ta tu tập hai pháp nhẫn này.

Phạn ngữ tỳ-lê-da, dịch nghĩa là “tinh tấn”, đó là bảo chúng sinh phải một lòng tiến tới, không chịu thối lui, phải hết sức nỗ lực làm việc thiện, niệm Phật, lễ Phật. Như thế gọi là ngoại tinh tấn. Trong tâm không có vọng niệm, không khởi niệm xấu ác, đó gọi là nội tinh tấn.

Chúng sinh nghe được những âm thanh mầu nhiệm của Tinh tấn ba-la-mật do đức Phật phát ra, tự nhiên không còn dám thối lui hay chán nản, mỏi mệt.

Phạn ngữ thiền hay thiền-na, dịch nghĩa là “tĩnh lự, lắng đọng mọi suy nghĩ”. Do vì tâm ý chúng ta hầu hết đều như khỉ, như ngựa, lăng xăng vọng động không một giây phút nào dừng nghỉ. Cho nên, đức Phật phát ra âm thanh mầu nhiệm của Thiền ba-la-mật là để giúp chúng ta học pháp thiền định, dừng tâm an định, không buông thả tán loạn, tự nhiên được an tĩnh không còn suy tư lo nghĩ, tu tập thành tựu một trong các pháp căn bản xuất thế.

Phạn ngữ bát-nhã, dịch nghĩa là trí tuệ. Trí tuệ của kẻ phàm phu bị che lấp mê muội trong năm sự uế trược. Đức Phật phát ra âm thanh nhiệm mầu của Bát-nhã ba-la-mật là để giúp chúng ta tỉnh cơn mê mộng, hiển lộ trí tuệ vốn có của mình mà phát sinh tâm đạo.

Từ, bi, hỷ, xả là nói bốn loại âm thanh vô lượng. Có thể giúp người khác vui vẻ khoan khoái, đó gọi là từ. Cứu giúp người khác thoát khỏi khổ nạn, đó gọi là bi. Người khác được vui thích, ta cũng vui theo, đó gọi là hỷ. Hết sức bình đẳng, không khởi tâm yêu ghét, bám chấp, đó gọi là xả.

Bốn trạng thái tâm thức này có ý nghĩa rất rộng lớn, quý vị nếu có thể thực hiện được thì tự nhiên có thể đạt được phương tiện giải thoát. Khi ấy dù ở bất cứ nơi đâu cũng được giải thoát, hết thảy vọng niệm uế trược, xấu ác đều tự nhiên rất khó trói buộc được tâm đạo của quý vị, rốt cùng sẽ đạt đến chỗ không còn lậu hoặc. Tâm thức không còn lậu hoặc cũng có nghĩa như đạt đến Lậu tận thông. Đó là hiện khởi được trí tuệ vốn có xưa nay của tự thân. Khi tu hành chứng đắc quả Phật viên mãn sẽ đạt được đại trí tuệ. Đức Phật phát ra những âm thanh nhiệm mầu này không gì khác hơn là muốn giúp chúng sinh phát khởi tâm đạo, tu tập các pháp ba-la-mật như thế.

Sư tử là loài thú sinh trưởng ở châu Phi, trong những vùng rừng sâu núi thẳm. Khi nó biểu hiện hình tướng uy dũng rồi gầm rống, muôn thú nghe tiếng rống đều sợ hãi chạy trốn mất dấu. Tiếng gầm của tiểu sư tử là ví dụ như khi Phật thuyết pháp, hết thảy tà đạo nghe qua rồi đều sợ hãi trốn chạy mất dấu. Tiếng gầm của đại sư tử là ví dụ khi Phật thuyết pháp Đại thừa Viên giáo, người nghe được rồi có thể đạt đến chỗ kiến giải và công hạnh đều không còn sợ hãi.

Âm thanh tiếng sấm từ mây phát ra hoặc tiếng sấm lớn từ mây phát ra, đó là tỷ dụ thân Phật như mây, Phật thuyết pháp như mưa, âm thanh thuyết pháp rền vang như tiếng sấm, có thể vang dội chấn động nơi xa, khiến cho chúng sinh nghe được tiếng sấm pháp ấy rồi thì bừng tỉnh giác ngộ, sinh tâm hoan hỷ.

Đức Phật phát ra mười sáu loại âm thanh nhiệm mầu như vậy, nói tổng quát là vì cảm ứng với hết thảy chúng sinh, nên cần phải dùng phương tiện gì để hóa độ được liền phát ra loại âm thanh [tương ứng] như vậy. Cho nên hết thảy những âm thanh không thể nói hết như vậy đều được đức Phật phát ra hoàn tất.

Kinh văn

娑婆世界,及他方國土,有無量億天龍鬼神,亦集到忉利天宮。所謂:四天王天、忉利天、須焰摩天、兜率陀天、化樂天、他化自在天、梵眾天、梵輔天、大梵天、少光天、無量光天、光音天、少淨天、無量淨天、遍淨天、福生天、福愛天、廣果天、無想天、無煩天、無熱天、善見天、善現天、色究竟天、摩醯首羅天,乃至非想非非想處天,一切天眾、龍眾、鬼神等眾,悉來集會。

● Ta-bà thế giới, cập tha phương quốc độ, hữu vô lượng ức thiên long quỷ thần, diệc tập đáo Đao-lợi thiên cung. Sở vị: Tứ thiên vương thiên, Đao-lợi thiên, Tu-diệm-ma thiên, Đâu-suất-đà thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa tự tại thiên, Phạm chúng thiên, Phạm phụ thiên, Đại phạm thiên, Thiểu quang thiên, Vô lượng quang thiên, Quang âm thiên, Thiểu tịnh thiên, Vô lượng tịnh thiên, Biến tịnh thiên, Phúc sinh thiên, Phúc ái thiên, Quảng quả thiên, Vô tưởng thiên, Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên, Thiện kiến thiên, Thiện hiện thiên, Sắc cứu cánh thiên, Ma-hê-thủ-la thiên, nãi chí Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên, nhất thiết thiên chúng, long chúng, quỷ thần đẳng chúng, tất lai tập hội.

Việt dịch

Trong thế giới Ta-bà cùng các cõi nước phương khác có vô số các vị trời, rồng, quỷ, thần, cũng đều tụ họp đến Thiên cung của cung trời Đao-lợi. Đó là hết thảy các vị thiên chúng ở các cõi trời Tứ thiên vương, cõi trời Đao-lợi, cõi trời Tu-diệm-ma, cõi trời Đâu-suất-đà, cõi trời Hóa Lạc, cõi trời Tha hóa Tự tại, cõi trời Phạm chúng, cõi trời Phạm phụ, cõi trời Đại phạm, cõi trời Thiểu quang, cõi trời Vô Lượng Quang, cõi trời Quang Âm, cõi trời Thiểu Tịnh, cõi trời Vô Lượng Tịnh, cõi trời Biến Tịnh, cõi trời Phúc Sinh, cõi trời Phúc Ái, cõi trời Quảng Quả, cõi trời Vô Tưởng, cõi trời Vô Phiền, cõi trời Vô Nhiệt, cõi trời Thiện Kiến, cõi trời Thiện Hiện, cõi trời Sắc Cứu Cánh, cõi trời Ma-hê-thủ-la, cho đến cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ, hết thảy các vị trời, rồng, quỷ thần đều tụ hội đến.

Giảng giải

Trong thế giới Ta-bà của chúng ta cùng với các thế giới trong mười phương, các cõi nước lớn, nhỏ, có vô số chư thiên các cõi trời, cùng với các loài rồng, quỷ thần, hết thảy đều tập trung về Thiên cung của cung trời Đao-lợi.

Những cõi trời được kể ra đó là cõi trời Tứ thiên vương, cõi trời Đao-lợi, cõi trời Tu-diệm-ma, cõi trời Đâu-suất-đà, cõi trời Hóa Lạc, cõi trời Tha hóa Tự tại, đó là sáu cõi trời thuộc Dục giới.

Cõi trời Phạm chúng, cõi trời Phạm Phụ, cõi trời Đại Phạm, đó là ba cõi trời thuộc Sơ thiền.

Cõi trời Thiểu Quang, cõi trời Vô Lượng Quang, cõi trời Quang Âm, đó là ba cõi trời thuộc Nhị thiền.

Cõi trời Thiểu Tịnh, cõi trời Vô Lượng Tịnh, cõi trời Biến Tịnh, đó là ba cõi trời thuộc Tam thiền.

Cõi trời Phúc Sinh, cõi trời Phúc Ái, cõi trời Quảng Quả, cõi trời Vô Tưởng, cõi trời Vô Phiền, cõi trời Vô Nhiệt, cõi trời Thiện Kiến, cõi trời Thiện Hiện, cõi trời Sắc Cứu Cánh, đó là chín cõi trời thuộc Tứ thiền, cộng với các cõi trời thuộc Sơ thiền, Nhị thiền và Tam thiền vừa kể trên, cả thảy là 18 tầng trời, đều là các cõi trời thuộc Sắc giới.

Bên trên các cõi trời thuộc Sắc giới còn có các cõi trời Ma-hê-thủ-la, cho đến cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ, cả thảy bốn tầng trời, đều gọi chung là các cõi trời Vô sắc giới.

Hết thảy chư thiên trên các cõi trời như vậy, cùng với hết thảy các loài rồng, quỷ thần, đều tụ họp về tham dự Pháp hội.

Thích nghĩa

Phần trên đã nói qua việc đức Phật phóng chiếu ra đủ loại mây lành có ánh sáng rực rỡ, lại phát ra đủ loại âm thanh mầu nhiệm vi diệu, do đó làm chấn động cả thế giới này cho đến cả các thế giới trong mười phương, các cõi nước lớn, nhỏ, có vô lượng vô số chư thiên cùng các loài rồng, quỷ thần, tất cả đều nương nhờ ánh sáng và âm thanh của Phật phát ra, đến tụ họp tại Thiên cung của cung trời Đao-lợi, để nghe Phật thuyết giảng bộ kinh Địa tạng vĩ đại và trọng yếu này.

Nói về cõi trời Tứ thiên vương là ở lưng chừng sườn núi Tu-di, hết thảy mọi sinh hoạt đời sống đều giống như chúng ta ở cõi người.

Về phía đông núi Tu-di có gò đất bằng vàng, là nơi ở của vị Trì Quốc Thiên vương. Về phía nam có gò đất bằng lưu ly, là nơi ở của vị Tăng Trưởng Thiên vương. Về phía tây có gò đất bằng bạc, là nơi ở của vị Quảng Mục Thiên vương. Về phía bắc có gò đất bằng thủy tinh, là nơi ở của vị Đa Văn Thiên vương. Mỗi vùng đất của các vị này đều rộng đến mười ngàn do-tuần.

Chúng sinh cõi người nếu siêng tu bố thí, trì giới không giết hại, hoan hỷ lắng nghe pháp Phật, hiếu thuận với cha mẹ, cúng dường người hiền thiện, thì sau khi chết có thể tái sinh lên những cõi trời này. Tuổi thọ của chư thiên nơi đây là 500 năm, nhưng 50 năm ở cõi người chỉ bằng một ngày đêm ở cõi trời này. Đối với các cõi trời sẽ được nói đến sau đây, càng lên cao hơn thì tuổi thọ càng tăng thêm gấp bội.

Cõi trời Đao-lợi trong phần trước đã có nói đến.

Phạn ngữ Tu-diệm-ma hay Tu-dạ-ma, Hán dịch là “thiện thời phần”. Chúng sinh sinh đến cõi trời này có thể nói là lúc nào cũng được vui sướng khoái lạc, hơn nữa ở cõi trời này còn dùng hoa sen nở để phân chia ngày đêm. Khi hoa sen đỏ nở ra là thời gian ban ngày, hoa sen trẳng nở là ban đêm. Vì nơi đây ánh sáng mặt trời mặt trăng đều không soi đến được, do trên thân hình chư thiên đều phóng chiếu hào quang rực sáng [hơn cả ánh sáng mặt trời]. Do đó nên gọi tên cõi trời này là Thiện Thời Phần.

Người đời thường bố thí, không giết hại, không trộm cắp, tâm ý nhu hòa, kính trọng hiếu thuận cha mẹ, giữ giới không dâm dục, sau khi chết có thể được tái sinh về cõi trời này.

Phạn ngữ Đâu-suất-đà, dịch nghĩa là “biết đủ”. Người sinh ra trong cõi có năm món dục, có thể tự biết đủ, không phạm lỗi khẩu nghiệp, giữ tâm hiếu đễ, lại thêm biết giữ lòng thanh tịnh làm việc công ích, tu phúc đức, sau khi chết có thể được tái sinh về cõi trời này.

Cõi trời Hóa Lạc là vì chư thiên ở cõi trời này thường chuyển biến hóa hiện, chợt có chợt không. Nhờ vào thần lực, phúc lực của bản thân nên có thể biến hiện đủ các thứ tùy theo sự mong muốn trong lòng. Làm người hiếu thuận với cha mẹ, kính trọng muôn vật, thường rộng nghe pháp Phật, nhận hiểu được ý nghĩa học Phật, sau khi mạng chung có thể được tái sinh về cõi trời này.

Cõi trời Tha hóa Tự tại là [nơi ở của vị] Thiên chủ sáu cõi trời Dục giới. Chư thiên cõi trời này có thể dùng sự vui thích khoái lạc của các cõi trời khác làm sự vui thích khoái lạc của bản thân mình. Nếu trong lòng họ muốn đạt được một cảnh giới nào thì chư thiên cõi trời khác đều có thể biến hóa ra cho họ. Tuổi thọ của chư thiên ở đây là 16.000 năm và thời gian ở cõi người 1.600 năm chỉ bằng một ngày đêm ở cõi trời này.

Về cõi trời Phạm chúng, chữ “phạm” là hàm nghĩa thanh tịnh, không dâm dục, chữ “chúng” chỉ chung chư thiên ở đây. Như vậy, tên gọi này hàm nghĩa là chư thiên ở cõi trời này tất cả đều thanh tịnh, không hề có vọng niệm dâm dục.

Cõi trời Phạm phụ, chư thiên ở đây đều là các vị phụ trợ, giúp việc cho vị trời Đại phạm.

Cõi trời Đại phạm chỉ vị Thiên vương [chủ thế giới]. Vị Thiên vương này có tên gọi là Thi-khí, sinh ra trước thời Kiếp sơ, chỉ mất đi sau thời Kiếp tận. Từ tầng trời Sơ thiền trở lên đều không còn sử dụng ngôn ngữ, chỉ riêng ở cõi trời Sơ thiền thì trong tâm còn có sự quán xét, nhận biết, suy niệm, bên ngoài còn dùng đến một phần ngôn ngữ hiệu lệnh. Vị Thiên vương này giữ quyền thống lãnh các cõi trời, các thế giới. Vì thế mới có ba tầng trời phân biệt là dân (trời Phạm chúng), quan (trời Phạm phụ) và vua (trời Đại phạm).

Cõi trời Thiểu quang, cư trú nơi đây là chư vị Bồ Tát, tất cả đều thường tu thiền định, khi nhập định có thể phóng tỏa hào quang, cũng có thể cưỡi mây đạp gió. Hào quang của các vị Bồ Tát này có thể từ thân hình phát ra, cũng có thể từ miệng phóng ra. Trong hào quang ấy có các loại âm thanh. Trong tâm các vị không còn vọng niệm, miệng cũng không còn dùng đến ngôn ngữ tiếng nói, chỉ dùng âm thanh [phát xuất từ trong hào quang] để thay thế tiếng nói, cho nên cả ba tầng trời [Nhị thiền] đều mang danh xưng tương đồng [có chữ Quang].

Cõi trời Vô Lượng Quang, đó là nói hào quang tăng thêm đến mức số lượng vô hạn. Nhưng hào quang tăng thêm đó cũng có ba cấp độ phân biệt là thượng, trung, hạ. Trước đây có lòng thương yêu thanh tịnh, lại vui thích bố thí, trì giới, nên được tái sinh nơi tốt đẹp. Nếu như lại có thể thắp đèn ở những nơi tối tăm, hoặc ở trước Phật, tháp thờ Phật, hoặc nơi chùa chiền thắp đèn cúng dường chư Phật, Bồ Tát, thì càng có thêm khả năng đạt được quả báo tốt là hào quang tăng thêm đến vô lượng.

Cõi trời Quang Âm là nói hào quang thanh tịnh có thể chiếu sáng chung quanh, lại dùng ánh sáng trí tuệ để giáo hóa các chúng sinh ngu si, tà kiến. Các vị Bồ Tát ở cõi trời này trên thân hình đều phát ra hào quang màu đỏ, lại có đủ năm loại thần thông, hình tướng không có sự chướng ngại, trong tâm cũng không còn khởi lên sự nhận biết quan sát, cho nên cũng gọi là [đạt đến] Định tâm hỷ lạc địa.

Cõi trời Thiểu Tịnh, chư thiên ở đây đã ra khỏi tâm hỷ của Sơ thiền, đạt được sự khoái lạc của mức định an tĩnh, chỉ có điều sự khoái lạc đó không từ nơi ngoại cảnh mà có, chính là từ trong sự an tĩnh điềm đạm của thể tánh mà có được. Hơn nữa, tất cả đều từ nơi nội tâm mà được, không liên can gì đến ngoại cảnh, cho nên gọi là “thiểu”.

Cõi trời Vô Lượng Tịnh, chư thiên cõi trời này đều là chư vị Bồ Tát thân tâm khinh an, đã thành tựu sự khoái lạc tịch diệt, tâm an tịnh cũng hơn hẳn so với các vị ở tầng trời vừa nói trước. Cho nên cảnh bên ngoài thân cũng thanh tịnh hơn hẳn, vô lượng thanh tịnh. Ý nghĩa tên gọi là như thế.

Cói trời Biến Tịnh là ý nói phổ biến khắp cả, muôn vật cùng mình hòa thành một thể không phân chia khác biệt. Hai tầng trời vừa kể trước tuy được sự khoái lạc thanh tịnh nhưng vẫn chưa được phổ biến rộng khắp, cho nên vẫn còn chưa đạt đến niềm vui thanh tịnh trải khắp (biến tịnh lạc). Ở cõi trời này, chư thiên không chỉ đã đạt được niềm vui thanh tịnh biến trải khắp, hơn nữa còn tiêu trừ hết thảy các tâm hoan hỷ, chỉ còn lại thuần khiết một niềm vui thanh tịnh. Vì thế, [chư Bồ Tát cõi này] cũng được gọi là [đạt đến] Ly hỷ diệu lạc địa.

Cõi trời Phúc Sinh, gồm toàn các vị Bồ Tát tu tập phúc lực thù thắng mới sinh được về cõi này. Do đó mà có tên gọi như vậy. Từ cõi trời này trở lên chư thiên đều cư trú trong những tầng mây mỏng, như các vì sao sáng rải rác.

Cõi trời Phúc Ái, chư thiên ở đây đều đã buông bỏ được mọi sự hỷ lạc. Những chỗ mong cầu hết thảy đều do tu tích phúc đức mà đạt được, thành tựu được quả lớn lao ít có.

Cõi trời Quảng Quả, là nói những quả báo của phàm phu không thể sánh được với sự tốt đẹp của chư thiên ở cõi này. Công đức mà các vị tu tập cũng như quả báo mà họ đạt được thảy đều vượt trội hơn chư thiên ở các tầng trời bên dưới.

Cõi trời Vô Tưởng, các vị tu pháp định Vô tưởng đều tái sinh về cõi trời này. Tuổi thọ chư thiên ở đây là 500 kiếp. Trong thời gian nửa kiếp khi vừa sinh ra vẫn còn tâm tưởng, và thời gian nửa kiếp trước khi diệt mất thì tâm tưởng lại khởi lên. Còn lại 499 kiếp trong cuộc đời của vị chư thiên ở cõi trời này thì tâm tưởng hoàn toàn không hiện hành.

Cõi trời Vô Phiền, chư thiên ở đây không còn những tạp loạn do phiền não kiến hoặc, tư hoặc của cõi người.

Cõi trời Vô Nhiệt, chư thiên ở cõi trời này trong tâm ý luôn khoái lạc, điều hòa, nhu thuận, có thể lìa xa hết thảy mọi sự bám chấp phiền não kiến hoặc, tư hoặc của cõi người.

Cõi trời Thiện Kiến, chư thiên ở đây đã trừ dứt mọi chướng ngại trong thiền định. Vì thế, chỗ thấy biết nhận hiểu vô cùng sáng tỏ, thấu triệt.

Cõi trời Thiện Hiện, là nói hình sắc nơi cõi trời này so với những cõi trời khác tốt đẹp hơn nhiều, hơn nữa còn rất khéo biến hiện.

Cõi trời Sắc Cứu Cánh, là nơi cao nhất của sắc pháp. Năm tầng trời [từ đây trở lên] đều là các vị La-hán đạt ba thành quả. Ba thành quả ở đây có nghĩa là ban sơ khởi niệm không lậu hoặc, lần thứ hai khởi niệm không lậu hoặc, đến lần thứ ba khởi niệm cũng hoàn toàn không có lậu hoặc. Do sức tu tập các niệm không lậu hoặc như thế nên cảm ứng được tái sinh về những cõi trời thanh tịnh này.

Ma-hê-thủ-la là Phạn ngữ, Hán dịch là Đại tự tại thiên. Nằm giữa cõi trời Sắc Cứu Cánh có vị Bồ Tát ở địa vị Thập trụ trụ tại đây. Vị Bồ Tát này cũng gọi là Đại Tự Tại Thiên vương, hình tướng có tám tay, ba mắt, cưỡi trên lưng trâu trắng, tay cầm phất trần màu trắng, chỉ cần động niệm liền có thể rõ biết tường tận cho đến số giọt nước mưa trong khắp đại thiên thế giới. Cõi trời này cũng là cao nhất trong các cõi trời thuộc Sắc giới.

[Kinh văn nói] “cho đến cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ”, hai chữ “cho đến” hàm ý bao gồm các cõi trời Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, là ba cõi trời [không được kể tên ra], cùng với cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ được gọi chung cả thảy là bốn tầng trời Vô Sắc giới. Vị Bồ Tát tái sinh ở các cõi trời này sắc thân không nhìn thấy được, do đó gọi là Vô Sắc giới.

Rồng là loại lớn nhất, dài nhất trong các loài trùng có vảy, cũng được xem là một loài linh vật, thần vật. Loài rồng có khả năng biến hóa tùy ý khi lớn khi nhỏ, khi dài khi ngắn, khi ẩn khi hiện. Quỷ là hồn phách con người kết thành sau khi chết thân xác đã chôn sâu vào lòng đất. Thần là một loài chúng sinh khi ẩn khi hiện, có sức thần dời non lấp biển.

Kinh văn

復有他方國土及娑婆世界,海神、江神、河神、樹神、山神、地神、川澤神、苗稼神、晝神、夜神、空神、天神、飲食神、草木神、如是等神,皆來集會。

● Phục hữu tha phương quốc độ cập Ta-bà thế giới, hải thần, giang thần, hà thần, thụ thần, sơn thần, địa thần, xuyên dịch thần, miêu giá thần, trú thần, dạ thần, không thần, thiên thần, ẩm thực thần, thảo mộc thần, như thị đẳng thần, giai lai tập hội.

Việt dịch

Lại có các vị thần biển, thần sông, thần kênh mương, thần cây, thần núi, thần đất, thần suối ao, thần lúa mạ, thần ngày, thần đêm, thần không gian, thiên thần, thần ẩm thực, thần thảo mộc, các vị thần như thế ở các cõi nước mười phương cũng như trong phạm vi thế giới Ta-bà đều tụ hội đến.

Giảng giải

Ngoài ra còn có các vị thần biển, thần sông, thần kênh mương, thần cây, thần núi, thần đất, thần suối ao, thần lúa mạ, thần ngày, thần đêm, thần không gian, thiên thần, thần ẩm thực, thần thảo mộc, ở các cõi nước, các cõi Phật khác trong mười phương cũng như thuộc phạm vi thế giới Ta-bà của chúng ta, rất nhiều các vị thần như vậy đều tụ hội đến.

Thích nghĩa

Trong phần trước tuy có đề cập đến các vị quỷ thần nhưng không nói rõ chi tiết. Ở đây vì muốn chúng ta được biết qua đại cương danh mục các vị thần nên cũng không ngại lặp lại.

Thần biển hay Hải thần, là thần chuyên quản lý những việc xảy ra trong phạm vi biển cả. Thần này còn có tên là Hải nhược thần.

Thần sông hay Giang thần, là thần chuyên quản lý những việc trong sông nước, còn có tên là Giang bá thần.

Thần kênh mương hay hà thần, chuyên quản lý những việc trong kênh mương, sông rạch, còn có tên là Mật phi.

Cả ba vị thần trên được gọi chung là Thủy thần.

Thần cây hay Thụ thần, chuyên quản lý các việc thuộc về thực vật. Cho nên những cây đại thụ lâu năm thường có thần trú ngụ, người đời không dám đốn chặt.

Thần núi hay Sơn thần, chuyên quản lý các việc trong núi non. Cho nên, mỗi vùng danh sơn, những ngọn núi nổi tiếng, đều có một vị thần chủ quản. Tên gọi của các vị không nhất định, thường là được gọi theo tên núi.

Thần đất hay Địa thần, chuyên quản những việc trên mặt đất, còn có tên là Kỳ thần.

Thần suối ao, hay Xuyên dịch thần. Chữ xuyên có nghĩa xuyên qua, ở đây chỉ các dòng nước nhỏ chảy xuyên qua lòng đất mà hình thành dòng suối, đều có thần chủ quản. Chữ dịch có nghĩa là các vùng nước đọng, như ao hồ, cũng đều có thần chủ quản.

Thần lúa mạ, hay Miêu giá thần, chuyên quản lý các loại ngũ cốc. Miêu là lúa mạ, tức cây lúa non chưa lớn. Thuở xưa có người tên Hậu Tắc chuyên dạy cho dân cày ruộng trồng lúa. Sau khi vị này chết được làm Miêu giá thần.

Thần ngày hay Trú thần, chuyên giám quản những việc thiện ác con người làm lúc ban ngày.

Thần đêm hay Dạ thần, chuyên giám quản những việc thiện ác con người làm lúc ban đêm.

Thần không gian hay Không thần, chuyên quản những việc trong không gian, còn có tên là Thuấn-nhã-đa thần.

Thiên thần, cũng là đại thiên thần, thân hình lớn dài, có bốn tay vốc nước bốn biển để tự gội đầu. Thần này thường hóa hiện hết thảy các loại trân bảo quý giá mang đến cúng dường Phật.

Thần ẩm thực, chuyên giám quản những việc liên quan đến ẩm thực trong thiên hạ, giống như thần Đông trù Tư mệnh, tức Thần bếp. Trong các đền miếu thờ Bồ Tát Già Lam chính là vị này.

Thần thảo mộc quản lý hết thảy các loại cây cỏ, cây thuốc. Vị thần này chính là Thích-đề-hoàn nhân hay Thiên Đế Thích hóa hiện, trong phần trước đã có nói qua.

Kinh văn

復有他方國土及娑婆世界,諸大鬼王,所謂:惡目鬼王、噉血鬼王、噉精氣鬼王、噉胎卵鬼王、行病鬼王、攝毒鬼王、慈心鬼王、福利鬼王、大愛敬鬼王,如是等鬼王,皆來集會。

● Phục hữu tha phương quốc độ cập Ta-bà thế giới chư đại quỷ vương, sở vị: Ác mục quỷ vương, Đạm huyết quỷ vương, Đạm tinh khí quỷ vương, Đạm thai noãn quỷ vương, Hành bệnh quỷ vương, Nhiếp độc quỷ vương, Từ tâm quỷ vương, Phúc lợi quỷ vương, Đại ái kính quỷ vương, như thị đẳng quỷ vương, giai lai tập hội.

Việt dịch

Lại có các vị quỷ vương như Ác Mục Quỷ Vương, Đạm Huyết Quỷ Vương, Đạm Tinh Khí Quỷ Vương, Đạm Thai Noãn Quỷ Vương, Hành Bịnh Quỷ Vương, Nhiếp Độc Quỷ Vương, Từ Tâm Quỷ Vương, Phước Lợi Quỷ Vương, Đại Ái Kính Quỷ Vương, các quỷ vương như thế ở các cõi nước mười phương cũng như trong phạm vi thế giới Ta-bà đều tụ hội đến.

Giảng giải

Hai câu mở đầu cũng giống như đoạn trước.

Ác Mục Quỷ Vương là nói vị quỷ vương này có đôi mắt cực kỳ hung ác.

Đạm Huyết Quỷ Vương là quỷ vương chuyên uống máu tươi của người còn sống.

Đạm Tinh Khí Quỷ Vương là quỷ vương chuyên uống tinh dịch của người.

Đạm Thai Noãn Quỷ Vương là quỷ vương chuyên ăn bào thai người.

Hành Bệnh Quỷ Vương là quỷ vương chuyên quản những chuyện đau bệnh của người đời.

Nhiếp Độc Quỷ Vương là quỷ vương chuyên quản những loại độc, không để chúng làm hại con người.

Từ Tâm Quỷ Vương là quỷ vương thường khiến người được vui mừng sảng khoái.

Phúc Lợi Quỷ Vương là quỷ vương thường giúp người tránh khỏi tội ác, tăng thêm phúc đức.

Đại Ái Kính Quỷ Vương là quỷ vương hết sức thương yêu người đời, kính trọng người hiền thiện.

Hết thảy các loại quỷ vương như kể trên, tất cả đều tụ hội đến.

Thích nghĩa

Phần trước tuy có đề cập chung đến các vị quỷ thần, nhưng vì không nêu rõ danh xưng các loại quỷ nên ở đây lặp lại để nói qua đại lược.

Quỷ là hồn phách của con người sau khi chết, khắp nơi đều có. Khi còn sống làm người, nếu thường làm việc thiện, lại tu tích phúc đức, sau khi chết sẽ được Diêm vương phong làm các vị thần ở các địa phương như núi rừng, nghĩa trang, đền miếu, hưởng sự cúng tế của người đời. Nếu lúc sống làm người không tu tích phúc đức, lại phạm vào năm tội nghịch: giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, gây chia rẽ Tăng đoàn, làm thân Phật chảy máu hoặc làm ô uế nơi thờ Phật, mười nghiệp ác. Mười nghiệp ác bao gồm:

Một là giết hại, tức cướp đi mạng sống muôn loài, cho đến mạng sống của ruồi muỗi cũng không được đập chết.

Hai là trộm cắp, nói chung những thứ thuộc sở hữu của người khác, dù là một cọng rơm ngọn cỏ, nếu người ta không thuận cho mình thì nhất định không được lấy.

Ba là tà dâm, trừ ra người vợ [hoặc chồng] chính thức của mình ra thì việc quan hệ tình dục với bất cứ ai cũng đều là phạm vào nghiệp ác này.

Bốn là nói dối, nói không đúng sự thật.

Năm là nói thêu dệt, cũng là nói những chuyện tốt xấu hay dở của người khác.

Sáu là nói lời độc ác, cũng là nói những điều xúc phạm, mắng chửi người khác.

Bảy là nói hai lưỡi, nói đâm thọc, cũng là nói nghĩa điều đảo lộn đúng sai, phải trái.

Tám là tham dục, cũng là nói việc tham muốn vô độ, không tự biết đủ.

Chín là sân hận, không biết nhẫn nại, chịu đựng.

Mười là ngu si, không biết tin tưởng nơi pháp Phật chân chánh, lại tin theo tà đạo sai trái mê muội.

Phạm vào mười điều kể trên là tạo mười nghiệp xấu ác, sau khi chết phải chịu khổ sở vô cùng. Không phạm vào mười điều này tức là tu tập mười nghiệp lành, sau khi chết được sinh lên các cảnh trời.

Phạm vào các nghiệp ác trên, sau khi chết có thể bị đọa vào những nơi ô uế nhất, chẳng những không được ăn uống mà còn thường xuyên bị đánh đạp bằng roi gậy, đánh đập cho đến chết rồi bị mang vất ở những nơi xa như đồng ruộng, sông ngòi hoặc biển sâu. Những nỗi khổ sở phải chịu đựng không sao kể hết. Những người không biết tu tích phúc đức, đến lúc phải chịu khổ, dù ăn năn hối hận cũng không còn kịp nữa.

Quỷ có rất nhiều loại, dù nói cũng không thể nói hết. Cho nên, ở đây chỉ nêu một số các vị quỷ vương trọng yếu nhất để nói qua mà thôi.

Ác Mục Quỷ Vương là hung ác nhất. Hình tướng hung ác của vị quỷ vương này là từ đôi mắt có ánh sáng chói lọi chiếu ra.

Đạm Huyết Quỷ Vương, tiếng Phạn là Ha-lợi-kỳ-nam, là quỷ vương thích uống máu tươi của người. Quỷ vương này ở nơi các pháp trường xử tội tử hình [để uống máu] nhưng cũng ăn các loại thịt sống.

Đạm Tinh Khí Quỷ Vương, tiếng Phạn là Tỳ-xá-xà. Quỷ vương này thích uống, hút tinh dịch của người, cũng ăn tinh khí của các loại ngũ cốc.

Đạm Thai Noãn Quỷ Vương là quỷ vương chuyên ăn bào thai. Chữ “noãn” (trứng) được dùng để ví như bào thai. Cho nên, vào lúc người sản phụ sinh con, có rất nhiều quỷ tụ tập đến tranh nhau ăn bọc ngoài của thai, uống máu bẩn.

Hành Bệnh Quỷ Vương là nói những lúc trời sắp làm ra tai họa ôn dịch [để trừng phạt người] thì Đông Nhạc Phủ Quân sẽ sai những quỷ vương loại này xuống làm việc gây bệnh.

Nhiếp Độc Quỷ Vương là quỷ vương hết lòng làm những việc nhân hậu, khoan thứ. Cho nên, các vị này thường nghĩ đến việc cứu giúp người đời. Vì ở thế gian có rất nhiều các loài độc vật hại người như rắn độc, rồng độc, đủ các loại vật độc, bất kể là người nào khi gặp phải những thứ độc này thì đều tổn hại đến tính mạng. Quỷ vương này chuyên quản thâu nhiếp hết những loại độc ấy, không để chúng làm hại người đời.

Từ Tâm Quỷ Vương là quỷ vương thường khiền người được vui mừng sảng khoái, niệm niệm đều thương yêu bảo vệ chúng sinh. Vì trong lòng nhân từ nên vẻ mặt cũng nhân từ. Tuy gọi tên là quỷ nhưng các vị này thực sự là Bồ Tát hóa thân.

Phúc Lợi Quỷ Vương, cũng chính là những vị Thành hoàng ở các phủ, huyện. Họ thường làm những việc tha thứ tội ác cho người, giúp người tăng thêm phúc đức, nên mới có danh xưng tốt đẹp như vậy.

Đại Ái Kính Quỷ Vương là quỷ vương hết sức thương yêu người đời, nhớ nghĩ đến hết thảy chúng sinh như mẹ hiền nhớ nghĩ đến con. Khi gặp những người làm việc hiền thiện, các vị này cũng bày tỏ sự kính trọng như kính trọng Phật.

Kinh văn

爾時,釋迦牟尼佛告文殊師利法王子菩薩摩訶薩:汝觀是一切諸佛菩薩及天龍鬼神,此世界他世界,此國土他國土,如是今來集會到忉利天者,汝知數否?

● Nhĩ thời, Thích-ca Mâu-ni Phật cáo Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử Bồ Tát Ma-ha-tát: Nhữ quan thị nhất thiết chư Phật, Bồ Tát cập thiên long quỷ thần, thử thế giới, tha thế giới, thử quốc độ, tha quốc độ, như thị kim lai tập hội đáo Đao-lợi thiên giả, nhữ tri số phủ?

Việt dịch

Bấy giờ, đức Phật Thích-ca Mâu-ni bảo ngài Đại Bồ Tát Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi: “Ông đã thấy hết thảy chư Phật, Bồ Tát cùng các hàng trời, rồng, quỷ, thần ở thế giới này cũng như các thế giới khác, ở cõi nước này cũng như các cõi nước khác, ngày hôm nay đều hội tụ về cung trời Đao-lợi như thế này, ông có biết được số lượng hay không?”

Giảng giải

Vào lúc ấy, đức Phật Thích-ca Mâu-ni bảo ngài Đại Bồ Tát Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi: Ông hãy xem kìa, hết thảy rất nhiều các vị Phật, Bồ Tát cùng các hàng trời, rồng, quỷ, thần, ở nơi thế giới này, ở nơi thế giới khác, ở cõi nước này, ở cõi nước khác, ngày hôm nay đều hội tụ về cung trời Đao-lợi này, ông có biết được số lượng là bao nhiêu hay không?

Thích nghĩa

Nói “bấy giờ” tức là chỉ thời điểm mà các vị trời, rồng, quỷ, thần ở khắp các thế giới, khắp các quốc độ đều đã tề tựu về. Lại cũng có chư Phật, Bồ Tát trong mười phương cùng hội chúng đều hiện đến, chư thiên chúng ở các cõi trời cũng hiện đến, cùng các loài chúng sinh, các chủng tộc khác nhau, đều cùng với rất nhiều đồng tộc tụ hội đến.

Thính chúng tụ hội về đông như thế, ai ai cũng muốn nhanh chóng tìm về phía trước, khác nào như bầy chim đáp xuống rừng, lại giống như trăm dòng sông cùng đổ vào biển lớn, chỉ trong khoảnh khắc tất cả thánh phàm đều cùng nhau hòa hợp.

Vì thính chúng kéo đến tràn ngập chen chúc như thế nên hết thảy đều phát khởi lòng nghi muốn thưa hỏi, đại chúng tụ hội đông đảo thế này, là muốn nghe diệu pháp mà đến chăng? Hay vì muốn nhận thọ ký [của đức Như Lai] mà đến? Lúc ấy, đức Phật vận khởi trí tuệ, biết được lòng nghi của đại chúng, liền đem mối nghi của đại chúng mà hỏi ngài Văn-thù. Đức Phật vì sao không hỏi Bồ Tát nào khác, chỉ thường hỏi Bồ Tát Văn-thù? Bởi vì ngài Văn-thù là bậc đứng đầu dẫn dắt trong đại chúng Bồ Tát, hơn nữa lại là người thông minh nhất. Ở đây nêu câu hỏi dẫn dụ của đức Phật, cũng là để báo trước phần thưa thỉnh chánh tông theo sau.

Đức Phật là bậc Pháp vương, các vị Bồ Tát [về sau] có thể tiếp nối thay vào quả vị Phật nên gọi là Bổ xứ tử. Do đó cũng gọi là Pháp vương tử.

Văn-thù-sư-lợi là tiếng Phạn, Hán dịch là Diệu Đức. Ngài vốn là một vị Cổ Phật, có đủ Tam đức của tánh Phật.

Bộ kinh này chủ yếu [Phật] muốn làm rõ hạnh hiếu là căn bản của hết thảy mọi điều thiện, nên không phải bậc trí tuệ như ngài Văn-thù thì không có khả năng cùng Phật hỏi đáp [để nêu rõ vấn đề].

Kinh văn

文殊師利白佛言:世尊,若以我神力千劫測度,不能得知。

● Văn-thù-sư-lợi bạch Phật ngôn: Thế Tôn, nhược dĩ ngã thần lực thiên kiếp trắc độ, bất năng đắc tri.

Việt dịch

Ngài Văn-thù-sư-lợi bạch Phật: “Thế Tôn, nếu dùng thần lực của con để đo lường trong ngàn kiếp cũng không thể biết.”

Giảng giải

Ngài Văn-thù-sư-lợi đáp lời Phật, nói rằng: “Bạch Thế Tôn! Ví như sử dụng hết thần thông pháp lực của con, trải qua thời gian kéo dài ngàn kiếp suy tính đo lường cũng không thể biết được số lượng này.”

Thích nghĩa

Ngài Văn-thù vốn đã thành Phật từ quá khứ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp trước đây, trong quá khứ có danh hiệu là Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật, hiện tại là Tạng Ma-ni Bảo Tích Phật, tương lai là Phổ Hiện Phật. Đã là Cổ Phật ba đời, sao có thể nói là không suy lường được con số thính chúng về dự pháp hội này? Trong việc này có hai ý nghĩa sâu mầu. Thứ nhất là tự bản thân ngài khiêm nhường, không giống như kẻ phàm phu luôn ưa thích phô bày sự thông minh của bản thân mình, ngay cả những việc không hiểu biết được cũng vẫn cứ nói ra. Đây là [ngài Văn-thù] bày tỏ sự khiêm nhường, tỏ rõ sự tôn trọng Phật. Thứ hai là thính chúng đông đảo kia, hết thảy đều là do Bồ Tát Địa Tạng trong nhiều kiếp lâu xa hóa hiện thành, cũng đều là đến từ nhân địa của Bồ Tát Địa Tạng, từ hạnh nguyện tư tưởng hiếu thuận của ngài. Nếu như ngài Văn-thù thực sự nói ra số lượng [chính xác], như vậy thì sau đó khi nghe đến việc Bồ Tát Địa Tạng [tu hành] từ nhiều kiếp lâu xa đến nay sẽ không thể tìm được căn cứ. Lúc này Bồ Tát Văn-thù khước từ nói rằng không biết được số lượng đại chúng đến dự pháp hội, như vậy thuận tiện cho sự bộc lộ ý văn sau đó, Phật dùng năm thứ mắt [lần lượt] quan sát cũng không thể nói ra hết được, hơn nữa [ở đây còn] hàm ý thôi thúc Phật nói ra bản nguyện thực hành hiếu hạnh của ngài Địa Tạng. [Như vậy là] một bên xướng một bên hòa, thành ra một khúc nhạc nhiệm mầu [là bản kinh này], cũng là kết tập thành một bộ kinh điển lớn về sự thực hành hiếu đạo của Bồ Tát Địa Tạng từ xưa đến nay.

Kinh văn

佛告文殊師利:吾以佛眼觀故,猶不盡數,此皆是地藏菩薩久遠劫來,已度、當度、未度,已成就、當成就、未成就。

● Phật cáo Văn-thù-sư-lợi: Ngô dĩ Phật nhãn quan cố, do bất tận số, thử giai thị Địa Tạng Bồ Tát cửu viễn kiếp lai, dĩ độ, đương độ, vị độ, dĩ thành tựu, đương thành tựu, vị thành tựu.

Việt dịch

Đức Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lợi: “Ta dùng Phật nhãn để xem vẫn không biết hết được số lượng. Hết thảy những vị đó đều do Bồ Tát Địa Tạng từ nhiều kiếp lâu xa đến nay đã hóa độ, đang hóa độ hoặc sẽ hóa độ, đã thành tựu, đang thành tựu hoặc sẽ thành tựu.”

Giảng giải

Đức Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lợi: “Ta dùng Phật nhãn (Phật có đủ năm loại mắt, cũng gọi là ngũ nhãn, gồm: nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn) để xem xét nhân duyên ấy mà cũng không thấy hết được số lượng [trong pháp hội này]. Hết thảy đều là những người do Bồ Tát Địa Tạng từ nhiều kiếp lâu xa đến nay đã từng dẫn dắt hóa độ, hoặc sẽ được dẫn dắt hóa độ nhưng vẫn chưa dẫn dắt hóa độ, đã tu tập thành tựu, hoặc sẽ tu tập thành tựu nhưng hiện vẫn chưa tu tập thành tựu. Cho nên mới có nhiều người như vậy.”

Thích nghĩa

Đoạn văn trước nhân ngài Văn-thù-sư-lợi đáp lời Phật rằng không biết được số lượng, cho nên Phật mới dùng đến Phật nhãn, khắp nơi đều nhìn qua, lại dùng chính ý tưởng của ngài Văn-thù-sư-lợi để nói lại với ngài: “Ta dùng Phật nhãn để xem mà vẫn không thấy hết được số lượng.”

Đức Phật có đủ năm loại mắt (ngũ nhãn), có thật là ngài nhìn không thấy hết được sao? Đó là vì số lượng đại chúng rất đông, hết thảy đều là do Bồ Tát Địa Tạng từ nhiều kiếp lâu xa đến nay giáo hóa thành tựu, trải qua thời gian đã rất lâu nên đại chúng được ngài giáo hóa nhiều đến mức không thể nhìn thấy hết. Những người đã được hóa độ, đã thành tựu, nay đều hóa hiện ở các cõi nước trong mười phương, ngồi tại đạo tràng hóa độ chúng sinh. Những người đang được hóa độ thành tựu là chư Bồ Tát ở các cõi Phật, đang quá trình tu tập trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sinh. Những người chưa được hóa độ, chưa thành tựu, cũng tham dự trong đại hội ở thiên cung này, đều là những người chưa học đạo.

Thế nhưng những người được hóa độ với những người được thành tựu cũng không thể không phân chia nói rõ. Hóa độ là dùng pháp hóa độ, cũng tức là chọn đúng phương pháp. Trước tiên phải lượng xét căn khí chúng sinh lớn nhỏ khác nhau. Với người căn khí lớn lao, phải dạy cho họ phương pháp lớn lao. Với người căn khí nhỏ hẹp, phải dạy phương pháp nhỏ hẹp. Phương pháp được chọn thích hợp thì người được giáo hóa mới có thể y theo để tu tập hành trì, đó gọi là dẫn dụ giáo hóa.

Thành tựu, đó là dựa vào phương pháp [được truyền dạy] để tu tập, tu tập đã lâu, nhân trọn quả đầy, gọi là thành; từ đó về sau sự nghiệp hóa độ chúng sinh có thể trọn vẹn, hết thảy cơ duyên đều hội đủ, gọi là tựu.

Xem đến đoạn này nhất định sẽ có nhiều người khởi tâm nghi ngờ, cho rằng Phật ở trên tòa lầu nhiều tầng ấy, chu vi chỉ có chín mươi do-tuần, sao có thể dung chứa được số lượng đại chúng đông đến mức ấy? Nhân vì Phật pháp không thể nghĩ bàn, nơi ấy bao nhiêu cũng có thể dung chứa, lớn nhỏ dung nhiếp lẫn nhau, không phải chỗ tâm phàm phu có thể rối rắm đo lường mà biết được.

Kinh văn

文殊師利白佛言:世尊,我已過去久修善根,證無礙智,聞佛所言,即當信受。小果聲聞、天龍八部及未來世諸眾生等,雖聞如來誠實之語,必懷疑惑,設使頂受,未免興謗。唯願世尊,廣說地藏菩薩摩訶薩因地作何行,立何願,而能成就不思議事?

● Văn-thù-sư-lợi bạch Phật ngôn: Thế Tôn, ngã dĩ quá khứ cửu tu thiện căn, chứng vô ngại trí, văn Phật sở ngôn, tức đương tín thụ. Tiểu quả Thanh văn, thiên long bát bộ cập vị lai thế chư chúng sinh đẳng, tuy văn Như Lai thành thật chi ngữ, tất hoài nghi hoặc, thiết sử đỉnh thụ, vị miễn hưng báng. Duy nguyện Thế Tôn, quảng thuyết Địa Tạng Bồ Tát Ma-ha-tát nhân địa tác hà hạnh, lập hà nguyện, nhi năng thành tựu bất tư nghị sự.

Việt dịch

Ngài Văn-thù-sư-lợi bạch Phật: “Thế Tôn! Con từ lâu xa trong quá khứ đã tu các căn lành, chứng đắc trí tuệ vô ngại, nên nghe qua lời Phật dạy liền tin nhận ngay. Nhưng các vị Thanh văn quả vị còn thấp, tám bộ trời rồng cùng những chúng sinh trong tương lai, tuy nghe lời thành thật của Như Lai cũng sẽ ôm lòng nghi hoặc. Ví như họ có cung kính tiếp nhận, chưa hẳn rồi sẽ không khởi tâm báng bổ. Kính mong đức Thế Tôn rộng thuyết về nền tảng nguyên nhân ban đầu, Đại Bồ Tát Địa Tạng đã tu những công hạnh gì, lập những nguyện gì mà có thể thành tựu được điều không thể nghĩ bàn như vậy?”

Giảng giải

Ngài Văn-thù-sư-lợi đối trước Phật thưa rằng: “Bạch Thế Tôn, từ trong quá khứ rất lâu xa cho đến ngày nay con đã tu tập các căn lành, do đó có thể đạt được trí tuệ lớn lao không gì ngăn ngại được. Vì thế, một khi nghe được lời Phật dạy thì đương nhiên con hết sức tin tưởng. Nhưng đối với trong đại chúng những người tu tập quả vị còn thấp, chỉ nghe pháp cạn cợt, chưa từng nghe giáo pháp sâu xa, lớn lao, cũng như tám bộ trời rồng và hết thảy chúng sinh trong đời vị lai, dù họ có được nghe những lời thành thật của đức Như Lai, nhất định sẽ ôm lòng nghi hoặc, không thể tin chắc. Ví như ngoài mặt họ có cung kính lắng nghe tiếp nhận, trong lòng hẳn vẫn chưa thể nhận hiểu đúng thật, khó tránh khỏi việc nói ra những lời không tin nhận, cuối cùng phải thành tạo tội hủy báng. Nay con hết lòng cung thỉnh đức Thế Tôn, ngay lúc này xin giảng rộng về Bồ Tát Địa Tạng, trong lúc tu tập các nhân lành căn bản, rốt cuộc đã làm được những việc gì, lập những thệ nguyện gì, mà có thể thành tựu những điều không thể nghĩ bàn, không thể nói hết như vậy?

Thích nghĩa

Phần trên đức Phật đã nói qua rằng đại chúng hội tập đông đảo này hết thảy đều là những người được Bồ Tát Địa Tạng giáo hóa thành tựu. Bồ Tát Văn Thù có đầy đủ trí tuệ lớn lao nên nói rõ rằng bản thân ngài hết sức tin nhận, nhưng trong đại chúng vẫn còn nhiều người căn cơ thấp, tu tập còn thấp, không khỏi sinh tâm nghi ngờ rồi sẽ hủy báng [lời Phật]. Cho nên, Bồ Tát Văn Thù chính thức mở lời khải thỉnh, mong Phật nói ra tường tận những nền tảng nguyên nhân tu tập ban đầu cùng những hạnh nguyện của Bồ Tát Địa Tạng.

Ngài đại diện cho đại chúng nêu câu hỏi này, là cơ hội tốt đẹp, thuận tiện để làm lợi ích thích nghi, giúp cho các vị Thanh văn quả vị thấp, hàng căn cơ thấp trong tám bộ trời rồng đều không còn tâm nghi hoặc hủy báng, đều thành tựu niềm tin chân chánh, cung kính thọ nhận [lời dạy của Như Lai], như vậy chẳng phải là một phương thức lợi mình lợi người vô cùng tốt đẹp đó sao? Điều này cũng phù hợp với hàm ý đã nêu trong đoạn văn trước.

Hàng Thanh văn quả vị thấp xưa nay chỉ tu tập những pháp nhỏ hẹp, chỉ nghe những giáo pháp ở mức độ thấp, chưa từng được nghe qua các giáo pháp sâu xa, lớn lao, họ làm sao có thể nhận hiểu được sự việc không thể nghĩ bàn này?

Về tám bộ trời rồng (thiên long bát bộ), trời rồng là tên riêng [chỉ chư thiên và loài rồng], tám bộ là tên chung [chỉ tám loài], bao gồm như sau:

- Thứ nhất là chư thiên các cõi trời (thiên);

- Thứ hai là loài rồng (long);

- Thứ ba là loài dạ-xoa, tức loài quỷ có thể bay trong không trung;

- Thứ tư là loài càn-thát-bà, là các vị thần lo về âm nhạc nơi cung Ngọc Đế;

- Thứ năm là loài a-tu-la;

- Thứ sáu là loài ca-lầu-la, tức là loài chim cánh vàng (kim sí điểu) rất lớn, hai cánh dang rộng ra đến ba trăm ba mươi sáu vạn dặm, chuyên ăn thịt loài rồng;

- Thứ bảy là loài khẩn-na-la, rất giống loài người, chỉ khác là trên đầu có sừng, cũng lo việc âm nhạc ở cung Ngọc Đế;

- Thứ tám là loài ma-hầu-la-già, tức là loài rắn lớn, cũng gọi là rồng đất (địa long).

Kinh văn

佛告文殊師利:譬如三千大千世界,所有草木叢林,稻麻竹葦,山石微塵,一物一數,作一恒河,一恒河沙,一沙一界,一界之內,一塵一劫,一劫之內,所積塵數,盡充為劫,地藏菩薩證十地果位已來,千倍多於上喻。

● Phật cáo Văn-thù-sư-lợi, thí như tam thiên đại thiên thế giới, sở hữu thảo mộc tùng lâm, đạo ma trúc vi, sơn thạch vi trần, nhất vật nhất số, tác nhất hằng hà, nhất hằng hà sa, nhất sa nhất giới, nhất giới chi nội, nhất trần nhất kiếp, nhất kiếp chi nội, sở tích trần số, tận sung vi kiếp, Địa Tạng bồ tát chứng Thập địa quả vị dĩ lai, thiên bội đa ư thượng dụ.

Việt dịch

Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lợi: “Ví như trong cõi tam thiên đại thiên thế giới có bao nhiêu cây cỏ rừng rậm, các loại lúa, mè, tre trúc, lau lách, núi, đá, bụi bặm... mỗi một đơn vị tính đếm được của những thứ này đều tính là một con sông Hằng, mỗi một hạt cát trong những sông Hằng đó lại tính là một thế giới, trong mỗi một thế giới đó có bao nhiêu hạt bụi, lại tính mỗi hạt bụi là một kiếp, trong tất cả số kiếp đó tính đếm được hết thảy bao nhiêu hạt bụi đều xem mỗi hạt bụi là một kiếp. Từ khi Bồ Tát Địa Tạng chứng đắc quả vị Thập địa đến nay, thời gian còn lâu xa hơn gấp ngàn lần số kiếp tính được trong ví dụ trên.”

Giảng giải

Đức Phật lại nói với ngài Văn-thù-sư-lợi: “Ví như trong cõi tam thiên đại thiên thế giới có bao nhiêu cây cỏ, rừng rậm, lúa, mè, tre trúc, lau lách, núi, đá, bụi nhỏ... mỗi một đơn vị tính đếm được của tất cả những thứ ấy, đều xem như là một con sông Hằng. Trong những con sông Hằng ấy, mỗi một hạt cát lại xem là một đại thiên thế giới. Trong tất cả các đại thiên thế giới ấy có bao nhiêu hạt bụi nhỏ đều tính mỗi hạt bụi là một kiếp. Trong tất cả số kiếp ấy, tính đếm được bao nhiêu hạt bụi lại cũng tính mỗi hạt bụi ấy là thời gian một kiếp. Từ khi Bồ Tát Địa Tạng chứng đắc quả vị Thập địa đến nay, thời gian còn lâu xa hơn gấp ngàn lần số kiếp vừa tính được theo cách như trên.

Thích nghĩa

Đức Phật muốn nói rõ về nguyên do nền tảng tu hành căn bản từ ban đầu của Bồ Tát Địa Tạng, để đáp lại lời thưa thỉnh của Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi, cũng là để tiêu trừ những mối nghi hoặc, hủy báng của đại chúng trong tương lai [vì không hiểu được vấn đề], cho nên mới nói ra một cách tường tận với đại chúng.

Thế nào gọi là tam thiên đại thiên thế giới? Một ngàn thế giới bao gồm trong đó có núi Tu-di, mặt trời, mặt trăng... họp lại gọi là một tiểu thiên thế giới. Một ngàn tiểu thiên thế giới gọi là một trung thiên thế giới. Một ngàn trung thiên thế giới gọi là một đại thiên thế giới. Vì trong đó có ba lần số một ngàn, nên gọi là tam thiên đại thiên thế giới.

Mặt đất của tam thiên đại thiên thế giới đó rộng lớn không thể đo lường, trên mặt đất ấy có bao nhiêu chủng loại, vật thể, cũng là số nhiều đến mức không thể tính đếm số lượng, sao có thể nói hết được? Ở đây chỉ hết sức đơn giản nêu ra một số chủng loại. Chẳng hạn như lấy hai loại “cây cỏ” mà nói, quý vị nhìn xem trên mặt đất khắp nơi đều là hai loại này, đã là không thể nói hết rồi, không cần phải nói đến những nơi cây lớn mọc thành rừng rậm. Ngoài ra còn nói đến lúa, mè, tre trúc, lau lách, núi, đá, bụi bặm, tất cả đều có số lượng nhiều như vậy.

Hiện tại đem tất cả những chủng loại, sự vật ấy, mỗi một đơn vị tính đếm được đều xem như một con sông Hằng. Số sông Hằng như vậy đã là nhiều đến mức không đếm hết. Lại trong tất cả những con sông Hằng đó có bao nhiêu hạt cát, mỗi một hạt cát đều tính là một đại thiên thế giới. Trong mỗi một đại thiên thế giới ấy có bao nhiêu hạt bụi, lại tính mỗi một hạt bụi là thời gian một kiếp. Lại trong thời gian của tất cả số kiếp ấy, tích tụ tính đếm được bao nhiêu hạt bụi, lại đem mỗi một hạt bụi tính là thời gian một kiếp. Thời gian từ khi Bồ Tát Địa Tạng chứng đắc quả vị Thập địa đến nay trải qua số kiếp so với số kiếp vừa tính được như trên nhiều hơn gấp ngàn lần. Vì đức Như Lai có sức quan sát của trí tuệ, nhìn thấy được sự việc trong quá khứ rất lâu xa cũng giống như những việc đang xảy ra trước mắt, nên mới có thể đưa ra ví dụ rõ ràng như vậy.

Kinh văn

● Hà huống Địa Tạng Bồ Tát tại Thanh văn, Bích chi Phật địa. Văn-thù-sư-lợi, thử Bồ Tát uy thần thệ nguyện bất khả tư nghị. Nhược vị lai thế, hữu thiện nam tử thiện nữ nhân văn thị Bồ Tát danh tự, hoặc tán thán, hoặc chiêm lễ, hoặc xưng danh, hoặc cúng dường, nãi chí thể họa khắc lũ tố tất hình tượng, thị nhân đương đắc bách phản sinh ư Tam thập tam thiên, vĩnh bất đọa ác đạo.

Việt dịch

“Huống chi là [thời gian] Bồ Tát Địa Tạng tu tập các địa vị Thanh văn, Bích Chi Phật [còn lâu xa hơn nữa]? Văn-thù-sư-lợi, vị Bồ Tát này oai thần, thệ nguyện không thể nghĩ bàn. Nếu trong tương lai có những kẻ nam, người nữ lòng lành, nghe được danh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng, hoặc ngợi khen xưng tán, hoặc lễ bái chiêm ngưỡng, hoặc xưng tụng danh hiệu, hoặc cúng dường, cho đến thêu, vẽ, chạm khắc, tô đắp, sơn phết hình tượng [của Bồ Tát], những người ấy đều sẽ được sinh lên cõi trời Ba Mươi Ba một trăm lần, rất lâu sau đó không đọa vào các đường ác.

Giảng giải

“Huống chi là thời gian mà Bồ Tát Địa Tạng bắt đầu [tu tập] ở các địa vị Thanh văn, Bách Chi Phật. Cho nên trải qua thời gian ấy còn lâu xa hơn gấp nhiều lần.”

Đức Phật lại bảo ngài Văn-thù-sư-lợi: “Oai thần đức độ của vị Bồ Tát này, cùng với nguyện lực mà ngài đã phát khởi là vượt ngoài sức tưởng tượng, không thể nói hết sự lớn lao, vĩ đại. Ví như trong tương lai có những kẻ nam, người nữ lòng lành, một khi vừa nghe được danh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng, hoặc là ngợi khen xưng tán ngài, hoặc là chiêm ngưỡng lễ bái, hoặc là xưng niệm danh hiệu, hoặc dùng hương, dầu, đèn, phướn... đủ mọi thứ để cúng dường Bồ Tát, thậm chí dùng màu sắc để vẽ, dùng chỉ màu để thêu thành hình tượng ngài, hoặc nhờ thợ chạm khắc hình tượng ngài, hoặc nhờ thợ tô đắp, tạc, đúc hình tượng ngài, hết thảy những người như vậy đều sẽ được sinh lên cõi trời Ba Mươi Ba thọ hưởng phước báo, hơn nữa còn được sinh lên cõi trời này đến một trăm lần, rất lâu sau đó không đọa vào địa ngục cũng như ba đường ác.

Thích nghĩa

Đoạn trước đó đức Phật nói với ngài Văn-thù-sư-lợi cùng đại chúng vẫn chưa hết ý, cho nên ngài còn tiếp tục nói thêm một câu về thời gian trước khi Bồ Tát Địa Tạng chứng đắc quả vị Thập địa, từ lúc ở trong hai cõi trời người bắt đầu tu tập đến chứng đắc quả vị tiểu thừa, để chúng ta biết được nền tảng căn bản tu tập ban đầu của ngài, thời gian còn lâu xa hơn gấp nhiều lần.

Thanh văn là những vị nhờ nghe âm thanh thuyết pháp của Phật mà chứng đạo, là quả vị của Tiểu thừa. Thời gian tu tập để đạt quả vị này, đối với người thông minh sáng suốt nhất thì cũng phải trải qua ba đời, người ngu si đần độn phải tu đến sáu mươi kiếp.

Bích Chi Phật, phiên âm tiếng Phạn là Bích-chi-ca-la, chúng ta gọi là Duyên giác. Các vị này thường tu tập ở những nơi bờ nước, ven rừng, hoặc trên đỉnh núi cao vắng vẻ. Mùa xuân họ quan sát thấy trăm hoa đua nở, mùa thu thấy lá vàng úa rụng, từ nhân duyên cảnh giới bên ngoài như vậy quay về quán sát tự thân, hiểu ra được [lý nhân duyên], cho nên gọi là Duyên giác.

Thời gian tu tập để đạt quả vị Duyên giác này, người thông minh sáng suốt cũng phải trải qua bốn đời, người ngu si đần độn phải tu tập qua một trăm kiếp.

Bồ Tát Địa Tạng có đủ oai đức, thần thông, nên có thể khiến cho hết thảy ngoại đạo đều run sợ khuất phục, lại còn phát khởi thệ nguyện lớn lao cứu vớt hết chúng sinh khổ não trong sáu đường luân hồi, nguyện hóa độ cho hết thảy chúng sinh đều thành Phật trước mình. Đó đều là những công đức ngài đã tích lũy từ nhiều kiếp lâu xa trước đây, có oai lực lớn như vậy, có thể làm tấm gương tiêu biểu cho người đời noi theo. Do vậy có thể làm ruộng phước cho hết thảy chúng sinh trong tương lai, chỉ cần gieo một hạt giống lành [trong ruộng phước này] liền thu hoạch được phước báo lớn lao vĩ đại.

Kinh văn

文殊師利,是地藏菩薩摩訶薩於過去久遠不可說不可說劫前,身為大長者子。時世有佛,號曰師子奮迅具足萬行如來。時長者子見佛相好,千福莊嚴。因問彼佛,作何行願,而得此相。

● Văn-thù-sư-lợi, thị Địa Tạng Bồ Tát Ma-ha-tát ư quá khứ cửu viễn bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp tiền, thân vi đại trưởng giả tử. Thời thế hữu Phật, hiệu viết Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai. Thời trưởng giả tử kiến Phật tướng hảo, thiên phúc trang nghiêm. Nhân vấn bỉ Phật, tác hà hạnh nguyện, nhi đắc thử tướng.

Việt dịch

Này Văn-thù-sư-lợi, Đại Bồ Tát Địa Tạng từ trong quá khứ rất lâu xa với khoảng thời gian không thể tính đếm nói được, từng sinh làm một vị đại trưởng giả. Thuở ấy có Phật ra đời hiệu là Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai. Bấy giờ, vị trưởng giả nhìn thấy đức Phật thân tướng tốt đẹp, có ngàn phước lành trang nghiêm, liền thưa hỏi xem đức Phật ấy đã tu những công hạnh gì, lập những thệ nguyện gì mà nay có được thân tướng [tốt đẹp] như vậy.

Giảng giải

Đức Phật lại bảo ngài Văn-thù-sư-lợi: “Vị Đại Bồ Tát Địa Tạng này, trước đây từ trong quá khứ lâu xa không thể tính đếm nói hết, đã từng tự thân sinh làm một vị đại trưởng giả. Vào thời ấy, trong thế gian có một vị Phật ra đời, danh hiệu là Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai. Thuở ấy, vị trưởng giả nhìn thấy thân tướng trang nghiêm tốt đẹp của Phật có ngàn phúc lành trang nghiêm, liền thưa hỏi Phật đã từng thực hành những công hạnh gì, đã lập những đại nguyện gì mà nay có được thân tướng tốt đẹp như vậy?”

Thích nghĩa

Phần trước đức Phật đã nói, Bồ Tát Địa Tạng bắt đầu tu tập từ giáo pháp Tiểu thừa, thế nhưng vì sao [Bồ Tát] phát khởi tâm nguyện tu hành như vậy? Cho nên, [bây giờ] lại nói với ngài Văn-thù-sư-lợi về thời gian lúc Bồ Tát Địa Tạng còn là một người phàm tục và nguyên do phát tâm tu hành. Đây không chỉ là trả lời cặn kẽ ý nghĩa thưa hỏi rất sâu mầu của ngài Văn-thù-sư-lợi, hơn nữa còn giúp cho đại chúng tiêu trừ hết thảy những sự nghi hoặc báng bổ [nếu có].

[Về danh xưng đại trưởng giả,] một vị đại trưởng giả phải có đủ mười loại phước đức.

- Thứ nhất, phải sinh trong dòng tộc cao quý: như dòng họ của vua chúa, quan lớn...

- Thứ hai, phải có địa vị cao: giống như quan tể tướng hoặc các quan lớn...

- Thứ ba, phải hết sức giàu có: phải có gia tài đáng giá đến hàng ngàn, hàng trăm vạn.

- Thứ tư phải có uy lực, dũng mãnh: sinh ra đã tự có hình thể uy nghi, nghiêm cẩn.

- Thứ năm phải sâu sắc: sinh ra đã sẵn có sự thông minh, lại có học thức uyên thâm.

- Thứ sáu phải đứng tuổi: tuổi đời đã khá cao thì người khác mới chịu nể phục.

- Thứ bảy, phải có đức hạnh trong sạch: phẩm hạnh thanh cao tinh khiết, chưa từng có việc làm gì xấu xa dơ bẩn.

- Thứ tám, phải đủ lễ: phải hoàn thiện về lễ nghi dung mạo, có thể làm mẫu mực cho người khác noi theo.

- Thứ chín, phải được người trên khen ngợi: chẳng hạn như được hoàng đế ngợi khen, xưng tán.

- Thứ mười, phải được kẻ dưới quy thuận: được những người thường dân khắp nơi vui vẻ quy thuận, nghe theo.

Có đủ mười loại phúc đức như vậy thì mới tương hợp với danh xưng [đại trưởng giả]. [Nếu chỉ dùng] trưởng giả thì là tên gọi chung chỉ những vị cao niên có đức độ. [Kinh văn dùng] chữ “tử” trong “trưởng giả tử” [không phải “con trai” mà] hàm ý tôn xưng là người quân tử, người đáng kính trọng, cũng giống như được dùng trong Khổng tử, Lão tử.

[Về Phật hiệu] Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai, đó là dùng “sư tử” làm biểu tượng.

Sư tử là vua của trăm loài thú, để ví như Phật pháp là vua trong muôn pháp tu hành.

Phấn là bộc khởi mạnh mẽ. Tấn là tiến tới rất nhanh.

Đây là ví như người tu hành đủ muôn công hạnh, chỉ cần có sức trí tuệ phấn chấn mạnh mẽ thì bao nhiêu hôn ám chướng ngại đều tự nhiên tiêu trừ, chỉ cần có sức an định tiến bộ rất nhanh thì chân lý tột cùng tự nhiên không còn xa cách.

Như Lai là tôn hiệu chung [của chư Phật].

Nhìn qua vẻ ngoài rồi có sự phân biệt [đánh giá], đó gọi là tướng. Càng xem càng ưa thích ngắm nhìn, đó gọi là thân tướng tốt đẹp. Thân tướng của Phật tùy nơi cơ duyên mà ứng hiện, hoặc có lúc hiện ra ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Hoặc có lúc hiện ra vô lượng trang nghiêm, vô biên tướng hảo, đều là từ nơi ngoại cảnh phản ánh vào trong tâm thức rồi biểu hiện ra, cho nên lớn hoặc nhỏ, tốt hoặc xấu đều không nhất định.

Hiện tại khi ấy vị đại trưởng giả nhìn thấy thân tướng Phật. Vị Phật ấy tu hành đạt được thân tướng tốt đẹp. Do nhân khi còn là Bồ Tát tu mười nghiệp lành, mỗi một nghiệp lành có mười loại tâm lành, hợp lại thành một trăm loại phúc lành. Do trăm loại phúc lành này lại hỗ tương phản chiếu qua lại với nhau, biến thành một ngàn loại phúc lành [trang nghiêm thân Phật]. Cho nên, không một tướng nào [của Phật] là không tốt đẹp, không một tướng nào không khiến cho người khác ưa thích ngắm nhìn.

Vị đại trưởng giả biết rằng những tướng tốt ấy đều do Phật tu hành mà thành tựu, nên liền thưa thỉnh Phật: “Ngài đã thực hành những công hạnh gì, đã phát khởi những thệ nguyện gì [trong quá khứ] mà nay đạt được những tướng tốt trang nghiêm nhiệm mầu như thế?”

Kinh văn

時師子奮迅具足萬行如來告長者子:欲證此身,當須久遠度脫一切受苦眾生。

● Thời Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai cáo trưởng giả tử: Dục chứng thử thân, đương tu cửu viễn độ thoát nhất thiết thụ khổ chúng sinh.

Việt dịch

Bấy giờ, đức Như Lai Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh bảo ông trưởng giả: Muốn chứng đắc được thân tướng như thế này, phải tu trong nhiều kiếp lâu xa, độ thoát hết thảy chúng sinh chịu khổ.

Giảng giải

Vào lúc đó, đức Như Lai Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh nói với ông trưởng giả: “Nếu ông muốn được thân tướng như thế này, cần phải độ thoát cho hết thảy chúng sinh chịu khổ não trong thời gian thật lâu dài.”

Thích nghĩa

Ông trưởng giả đã thưa thỉnh đức Như Lai Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh, tất nhiên ngài giải đáp rõ ràng. Ngài nói rằng: “Ông mong muốn được thân thể nhiều tướng tốt giống như ta đây sao? Vậy ông cần phải trong thời gian thật lâu xa tu hành đạo Bồ Tát, độ thoát cho hết thảy chúng sinh đang chịu khổ trong sáu đường luân hồi, như thế mới có thể đạt được thân thể giống như ta, vừa sinh ra đã sẵn có ngàn phúc lành của các tướng hảo trang nghiêm.”

Nhân vì không một chúng sinh nào không chịu khổ não, đáng thương nhất là họ mãi chịu nhiều khổ não như vậy giống như người nằm mộng không chịu tỉnh dậy. Cho nên, đức Như Lai bảo ông trưởng giả phải dẫn dắt, hóa độ cho siêu thoát hết thảy chúng sinh.

Kinh văn

文殊師利,時長者子因發願言:我今盡未來際,不可計劫,為是罪苦六道眾生,廣設方便,盡令解脫,而我自身方成佛道。

● Văn-thù-sư-lợi, thời trưởng giả tử nhân phát nguyện ngôn: Ngã kim tận vị lai tế, bất khả kế kiếp, vi thị tội khổ lục đạo chúng sinh, quảng thiết phương tiện, tận linh giải thoát, nhi ngã tự thân phương thành phật đạo.

Việt dịch

Văn-thù-sư-lợi, khi ấy vị trưởng giả nhân đó liền phát nguyện: “Từ nay cho đến vô số kiếp tương lai không thể tính đếm, con sẽ vì những chúng sinh chịu tội khổ trong sáu đường luân hồi, rộng bày nhiều phương tiện, khiến cho họ đều được giải thoát hết, rồi tự thân con sau đó mới thành quả Phật.”

Giảng giải

Đức Phật lại bảo ngài Văn-thù-sư-lợi: “Vào lúc đó ông trưởng giả sau khi nghe đức Như Lai nói những lời trên liền lập tức phát nguyện rằng: ‘Kể từ hôm nay trở đi cho đến mãi mãi trong tương lai kéo dài vô số kiếp không thể tính đếm, tôi sẽ vì những chúng sinh trong sáu đường luân hồi phạm tội đang chịu khổ não mà rộng bày đủ mọi phương tiện, cách thức, tất cả đều nhằm giúp họ giải thoát khỏi tội nghiệp, khổ não, sau đó bản thân tôi mới thành Phật.’”

Thích nghĩa

Ông trưởng giả sau khi nghe đức Như Lai Sư Tử Phấn Tấn nói lời như trên liền lập tức phát khởi thệ nguyện. Nhân vì việc phát khởi thệ nguyện là con đường trước tiên trong việc tu hành, bất kể là quý vị tu tập theo pháp môn nào, nếu không phát khởi thệ nguyện thì việc tu hành không thể thành công, cho nên ông trưởng giả liền phát khởi thệ nguyện, trước hết là thực hành đạo Bồ Tát, cứu độ hết thảy chúng sinh tội khổ trong sáu đường luân hồi. (Về sáu đường luân hồi thì ở một phần trước đây đã có giải thích.) Chúng ta hiện nay đang ở trong cõi người, chỉ thử nói qua về những khổ não trong cõi người mà thôi. Ta sinh làm người trong thế giới Ta-bà này, có đủ mọi nỗi khổ thật không thể kể hết. Nay trước hết chỉ đem tám nỗi khổ mà nói qua một lượt, vì tám nỗi khổ này rất bình đẳng phổ biến đối với tất cả mọi người, bất kể quý vị giàu sang hay nghèo hèn cũng đều không thể tránh được, đều phải nhận chịu.

Nỗi khổ thứ nhất là khổ khi sinh ra. Một người khi còn trong thai mẹ, ngột ngạt khó chịu khôn xiết tả, mỗi khi người mẹ ăn uống nuốt xuống món gì thì thai nhi giống như bị ngọn núi lớn ép xuống nặng nề không chịu nổi. Đợi đến lúc sinh ra thì lại như bị hai ngọn núi cùng ép lại, đứa con bị ép chặt từ trong khe hở giữa hai ngọn núi ấy mà chui ra, nỗi đau đớn khổ sở còn dữ dội hơn nữa. Cho nên, đứa bé vừa lọt lòng đã khóc ré lên cũng là do nhân duyên này.

Nỗi khổ thứ hai là khổ vì già, muốn nhìn đó đây thì mắt đã mờ, muốn nghe lời nói thì tai đã điếc, muốn ăn bánh trái thì răng đã rụng, đi nhiều thì chân đau, ngồi nhiều thì lưng mỏi, thời tiết đổi thay thì sợ lạnh, lại cũng sợ nóng, quý vị nghĩ xem có khổ hay không?

Nỗi khổ thứ ba là khổ vì bệnh tật. Mỗi người trong đời khi bị bệnh thì càng khốn khổ hơn. Muốn ăn chẳng được, muốn ngủ không xong, khốn khổ dở sống dở chết, đau đớn kêu trời chẳng đáp, gọi đất không nghe, dù người khác muốn chịu thay cho ta cũng không thể được. Những thống khổ đớn đau như vậy thật đáng sợ khó hình dung nổi.

Nỗi khổ thứ tư là khổ vì sự chết. Nỗi khổ khi đến giờ chết còn ghê gớm hơn. Muốn nói ra thì lưỡi đã cứng đờ, đàm dãi lên nghẹt đường thở, muốn thở thì khí quản nghẽn rồi. Toàn thân từ trên xuống dưới, tứ chi xương cốt trăm đốt rã rời, như từng đốt từng đốt muốn nứt rớt cả ra. Lời tục thường nói, khi chết như bị trâu vàng dày xéo, quý vị nghĩ xem đau đớn làm sao nói hết?

Nỗi khổ thứ năm là phải xa cách người thương yêu. Những người hết sức thương yêu thân thiết như cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, thân thích bằng hữu, hoặc vì mưu sinh trong cuộc sống, hoặc vì các nạn chiến tranh, lũ lụt, hỏa hoạn... đủ loại hoàn cảnh khắc nghiệt bức bách, không thể không phân tán mỗi người một đường. Cũng chẳng khác nào như lúc sắp chết, mắt mở trừng trừng nhìn những người thân, bao nhiêu kẻ thương yêu đều phân biệt rõ. Cho nên con người lúc chết đều ứa lệ, có thể biết được là trong lòng họ lúc ấy đau đớn bi thương biết ngần nào.

Nỗi khổ thứ sáu là những người ghét giận phải gặp gỡ, đối mặt nhau. Nói chung là mỗi người đều có những kẻ không ưa mình, hoặc những người có thù oán với nhau, không muốn gặp gỡ, người ấy lại đặc biệt cứ thường gặp gỡ. Lại ví như bọn cướp bóc, người người ai cũng oán ghét, nhưng rồi cũng có lúc gặp phải, nếu không bị cướp mất tiền bạc ắt cũng phải tổn thương tính mạng. Những việc như thế rất thường xảy ra,

Nỗi khổ thứ bảy là mong cầu không được, ví như mong muốn việc này chẳng được, ưa thích việc kia cũng chẳng thành. Chẳng hạn, quý vị muốn có món đồ tốt, hoặc mong muốn sự việc thành công, muốn kết mối giao tình với mấy người bạn tốt, nhưng cứ như là chẳng lúc nào được vậy, chẳng việc nào làm được, khiến cho sinh khởi đủ loại phiền não vì không vừa ý.

Nỗi khổ thứ tám là khổ vì năm uẩn phát triển mạnh mẽ. Năm uẩn đó, thứ nhất là sắc uẩn, hết thảy những hình sắc nhìn thấy được đều bao gồm trong đó. Thứ hai là thọ uẩn, là sự thọ nhận đủ mọi cảnh giới khổ, vui. Thứ ba là tưởng uẩn, là những tạp niệm tư tưởng tốt xấu loạn khởi trong tâm. Thứ tư là hành uẩn, là những ý niệm hỗn loạn tiếp nối sinh diệt trong tâm không lúc nào dừng nghỉ. Thứ năm là thức uẩn, là tâm ý phân biệt sự việc này khác, những cảnh giới tốt xấu.

Năm uẩn này che lấp đi tánh linh sẵn có xưa nay của con người, khiến người trở nên mê muội mơ hồ, không hay không biết lại khởi sinh ra ba loại tâm xấu ác: tham lam, sân hận, si mê. Năm uẩn phát triển mạnh mẽ là nói năm uẩn như lửa bốc lên, thiêu đốt mãnh liệt, hiện tại lại thêm ba tâm xấu ác là tham lam, sân hận, si mê khiến cho lửa năm uẩn càng bốc cao, giống như mang củi khô chất thêm vào đống lửa dữ, tất nhiên lửa càng bốc cao, thiêu đốt càng mãnh liệt, từ đó lại tạo thêm đủ mọi loại ác nghiệp.

Nên biết rằng, bảy nỗi khổ đã kể trước đều từ nơi nỗi khổ cuối cùng này tạo ra. Nếu nỗi khổ thứ tám này không dứt trừ thì đời sau phải chịu khổ báo là bảy nỗi khổ trước đó, lại một đời sau nữa cũng là như vậy. Cho nên, tám nỗi khổ này là một chuỗi báo ứng xoay vòng.

Chúng ta ở cõi người, xếp thứ hai [trong sáu đường] mà đã khổ sở cực kỳ như vậy, nên xuống đến các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, tất nhiên là khổ đau không thể nói hết. Phật vì thế hiện thân Bồ Tát đến để độ thoát những chúng sinh đang chịu khổ đau như vậy. Hiện tại chúng ta muốn giải thoát khỏi những nỗi khổ này, cũng phải từ trong một bộ kinh này tìm kiếm một con đường thuận tiện nhất để thoát ra, như vậy mới có thể mãi mãi về sau không phải chịu đủ mọi loại khổ não như thế này.

Kinh văn

以是於彼佛前立斯大願,於今百千萬億那由他不可說劫尚為菩薩。

● Dĩ thị ư bỉ Phật tiền lập tư đại nguyện, ư kim bá thiên vạn ức na do tha bất khả thuyết kiếp thượng vi Bồ Tát.

Việt dịch

Vì đã đối trước đức Phật [Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh] lập nguyện lớn lao như thế, nên cho đến nay trải qua trăm ngàn muôn ức na-do-tha kiếp không thể nói hết [ngài Địa Tạng] vẫn còn làm Bồ Tát.

Giảng giải

Do đã đối trước đức Phật [Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh] lập đại nguyện lớn lao ấy, nên đến ngày nay đã trải qua trăm ngàn muôn ức na-do-tha kiếp không thể nói hết mà Bồ Tát vẫn chưa muốn thành Phật, vẫn làm một vị Bồ Tát rộng độ chúng sinh. Chữ na-do-tha là chỉ số nhiều đến mấy ngàn muôn.

Thích nghĩa

Đoạn văn này, hai câu trước là kết thúc phần lập nguyện đã nêu ở trước, hai câu sau là nói sự thực hành thệ nguyện đó.

Bồ Tát Địa Tạng từ vô số kiếp nhiều như cát bụi trước đây, đối trước đức Phật Sư Tử [Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh] đã lập đại nguyện cứu độ chúng sinh, rồi từ đó suốt cho đến nay, tâm đạo của ngài không hề thối chuyển một chút nào, vẫn giữ nguyên vẹn như thuở mới vừa phát tâm. Ngài không phát nguyện tự mình thành Phật, mà chỉ hết sức thực hành hạnh Bồ Tát, đó cũng chính là vâng theo lời giáo huấn của đức Phật. Vâng theo như vậy là không trái nghịch, cũng có nghĩa là hiếu thuận. Bồ Tát [Địa Tạng] từ những kiếp tu hành thuở trước cho đến hiện tại, đối với những bậc cha mẹ của ngài trong nhiều đời đều giúp cho được siêu thăng giải thoát. Cho nên, Bồ Tát Địa Tạng quả thật là người con đại hiếu không ai sánh được.

Kinh văn

又於過去不可思議阿僧祇劫,時世有佛,號曰覺華定自在王如來。彼佛壽命四百千萬億阿僧祇劫.

● Hựu ư quá khứ bất khả tư nghị a tăng kì kiếp, thời thế hữu Phật, hiệu viết Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Bỉ Phật thọ mệnh tứ bá thiên vạn ức a tăng kì kiếp.

Việt dịch

Lại trong quá khứ a-tăng-kỳ kiếp không thể nghĩ bàn, thuở ấy có Phật, hiệu là Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Đức Phật ấy tuổi thọ đến bốn trăm ngàn muôn ức a-tăng-kỳ kiếp.

Giảng giải

Lại nữa, trong quá khứ vô lượng vô số kiếp trước đây, thuở ấy có một vị Phật ra đời, danh hiệu là Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Tuổi thọ của vị Phật này rất lâu dài, đến bốn trăm muôn ức vô lượng vô số kiếp.

Thích nghĩa

Tiếng Phạn nói a-tăng-kỳ, chúng ta gọi là vô lượng số. Con số này rất lớn, người phàm phu chúng ta không nghĩ tưởng đến nổi, không tính toán đến nổi, nên gọi là không thể nghĩ bàn.

Khi giác ngộ rồi thì cảnh giới của tâm thức rộng mở, như đóa hoa bừng nở, nên gọi là Giác Hoa.

Định có thể sinh trí tuệ, trí tuệ là quả giác ngộ, nên Định có tên Giác Hoa. Đã chứng đắc quả giác ngộ, tự tại đối với các pháp, tự tại là vua, nên gọi là Tự Tại Vương. Như Lai là danh hiệu tôn xưng chung của các vị Phật, cũng giống như ta dùng danh hiệu tiên sinh [với những người đáng tôn trọng].

Tuổi thọ của đức Phật này vì sao dài lâu đến thế? Đó là vì Phật có ba thân. Một là Pháp thân, lấy tánh chân thật bình đẳng làm bản thể. Hai là Báo thân, thân thể trang nghiêm với các tướng tốt do tu hành dài lâu, tích lũy đủ mọi công đức mà có được. Ba là Ứng [hóa] thân, do người phàm tu đạo cảm ứng Phật hiện đến giáo hóa, cũng giống như mặt trăng sáng giữa bầu trời phản chiếu hình dạng trong hồ nước, chỉ cần dưới mặt đất có nước liền có bóng trăng hiện vào.

Hiện tại đem tuổi thọ của cả ba thân Phật hợp lại, quý vị nghĩ xem, tuổi thọ lâu dài ấy có thể tính toán được sao? Thế nhưng chúng ta cũng không được sai lầm cho rằng Phật thật có ba thân ấy. Kỳ thật xưa nay Phật chỉ có một Pháp thân, hai thân còn lại là sự tu tích công đức, báo ứng tự tại mà có.

Kinh văn

像法之中,有一婆羅門女,宿福深厚,眾所欽敬,行住坐臥,諸天衛護。其母信邪,常輕三寶。是時聖女廣設方便,勸誘其母,令生正見。而此女母,未全生信。不久命終。魂神墮在無間地獄。

● Tượng pháp chi trung, hữu nhất bà la môn nữ, túc phúc thâm hậu, chúng sở khâm kính, hành trụ tọa ngọa, chư thiên vệ hộ. Kì mẫu tín tà, thường khinh Tam bảo. Thị thời thánh nữ quảng thiết phương tiện, khuyến dụ kì mẫu, linh sinh chính kiến. Nhi thử nữ mẫu, vị toàn sinh tín. Bất cửu mệnh chung. Hồn thần đọa tại vô gián địa ngục.

Việt dịch

[Sau khi Phật nhập diệt,] đến thời Tượng pháp, có một người con gái dòng bà-la-môn, phúc đức đời trước sâu dày, mọi người đều kính phục, trong lúc nàng đi đứng nằm ngồi đều có chư thiên theo bảo vệ. Mẹ nàng tin theo tà đạo, khinh thường Tam bảo. Khi ấy, vị thánh nữ này bày ra nhiều phương tiện khuyên nhủ mẹ mình, mong bà khởi sinh chánh kiến. Thế nhưng mẹ nàng hoàn toàn không khởi lòng tin. Không bao lâu bà qua đời, thần thức đọa vào địa ngục Vô Gián.

Giảng giải

Trong thời Tượng pháp của đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương, có người con gái sinh trong dòng tộc bà-la-môn, do đời trước tu tích nhiều phúc đức rất sâu dày, nên được mọi người khâm phục, hết sức kính trọng. Những lúc nàng đi đứng nằm ngồi luôn có chư thiên theo hộ vệ. Thế nhưng mẹ nàng lại tin theo tà đạo, khinh thường Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng-già. Khi ấy, vị thánh nữ vì mẹ nói ra pháp môn phương tiện rộng lớn, khuyên bảo mẹ mình, mong bà khởi sinh nhận thức chân thật mà tin nhận Phật pháp. Nhưng mẹ nàng vẫn hoàn toàn không sinh khởi được lòng tin. Thế rồi không bao lâu sau, bà qua đời, thần thức đọa vào địa ngục Vô Gián.

Thích nghĩa

Tượng pháp là thời đại pháp Phật còn lưu hành nhưng không còn hoàn toàn chân xác như Chánh pháp, bất quá chỉ là tương tợ, giống với Chánh pháp mà thôi. Thời gian ấy là lúc Phật đã nhập Niết-bàn, chỉ còn hình tượng của Phật trụ thế, nên gọi là Tượng pháp.

Bà-la-môn là chủng tộc từ xưa thờ kính Phạm thiên, giống như Đạo giáo ở Trung quốc. Người con gái này tinh tấn tu hành, còn sống ở nhà với cha mẹ. Đời trước nàng ưa thích làm nhiều việc thiện, tích đức sâu dày, cho nên đời nay tính tình khoan hậu, người đều khâm phục, kính trọng. Hơn nữa trong lòng nàng cực kỳ đoan chính, cho nên mỗi khi đi đứng nằm ngồi, không một cử chỉ nào là không đoan chính, uy nghiêm. Nàng lại là người hiếu thuận với cha mẹ, kính trọng Tam bảo, tự nhiên cảm ứng chư thiên, quỷ thần đến bảo vệ, che chở, hộ trì. Do có hành vi cử chỉ đoan chính trang nghiêm như thế nên tự nhiên có thể tôn xưng là thánh nữ. Người đời có ai là không cung kính với người như vậy? Vì nàng có lòng hiếu kính nên nhìn thấy mẹ tin theo tà giáo, khinh thường Tam bảo, tội nghiệp rất nặng nề, nàng liền suy nghĩ đủ mọi phương tiện, cách thức nhẹ nhàng hòa thuận để dần dần khuyên nhủ mẹ, quay về Chánh đạo tin nhận Phật pháp. Thế nhưng mẹ nàng bề ngoài thì giống như tin nhận, trong lòng thật vẫn như cũ không hề tin nhận. Do trong lòng hoàn toàn không tin nhận Phật pháp nên sau khi chết phải đọa vào địa ngục.

Địa ngục là nơi chịu khổ, cũng giống như lao tù. Tội nhân chịu khổ trong địa ngục này thường kéo dài không lúc nào gián đoạn dừng nghỉ, nên gọi tên là Vô Gián.

Kinh văn

時婆羅門女,知母在世,不信因果,計當隨業,必生惡趣。遂賣家宅,廣求香華,及諸供具。於先佛塔寺,大興供養。見覺華定自在王如來,其形像在一寺中,塑畫威容,端嚴畢備。時婆羅門女瞻禮尊容,倍生敬仰。私自念言:佛名大覺,具一切智,若在世時,我母死後,儻來問佛,必知處所。

● Thời bà la môn nữ, tri mẫu tại thế, bất tín nhân quả, kế đương tùy nghiệp, tất sinh ác thú. Toại mại gia trạch, quảng cầu hương hoa, cập chư cúng cụ. Ư tiên phật tháp tự, đại hưng cúng dường. Kiến Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, kì hình tượng tại nhất tự trung, tố hoạ uy dung, đoan nghiêm tất bị. Thời bà la môn nữ chiêm lễ tôn dung, bội sinh kính ngưỡng. Tư tự niệm ngôn: Phật danh Đại giác, cụ Nhất thiết trí, nhược tại thế thời, ngã mẫu tử hậu, thảng lai vấn phật, tất tri xứ sở.

Việt dịch

Khi ấy, người con gái bà-la-môn biết rằng mẹ mình lúc còn sống không tin nhân quả, theo suy tính ắt phải do nghiệp xấu ấy sinh vào đường ác. Cô liền bán hết nhà cửa, dùng tiền mua sắm hương hoa và các phẩm vật cúng dường, tìm đến chùa tháp thờ vị Phật trước đây, làm lễ cúng dường rất lớn. Cô nhìn thấy hình tượng đức Như Lai Giác Hoa Định Tự Tại Vương trong chùa, phác họa ngài dung mạo uy nghi, đoan nghiêm đủ vẻ, liền chiêm ngưỡng lễ bái, càng thêm hết lòng kính ngưỡng. Rồi cô tự nghĩ: “Đức Phật là bậc Đại giác, có đủ trí tuệ rõ biết tất cả. Nếu ngài tại thế, sau khi mẹ ta chết có thể đến thưa hỏi ngài, ắt sẽ biết được mẹ đang ở đâu.”

Giảng giải

Từ sau khi mẹ qua đời, cô gái bà-la-môn này biết rằng mẹ cô khi còn sống không tin nhân quả, nếu dựa theo những tội nghiệp bà đã tạo ra mà suy tính thì mẹ cô nhất định phải sinh vào ba đường ác, chịu đựng khổ não trong đó. Nhưng cô gái bà-la-môn này là một người con hiếu, biết mẹ mình bị đọa vào đường ác thì có lý nào không đến cứu ra? Cho nên, cô suy nghĩ tìm phương thức hay để cứu mẹ ra khỏi đường ác. Cô liền đem bán hết nhà cửa ruộng vườn, gia sản đang sở hữu, dùng tiền đó tìm mua khắp nhiều nơi những hương hoa hảo hạng, cùng đủ mọi phẩm vật cúng dường, rồi tự mình mang những thứ ấy tìm đến hết thảy những nơi người xưa đã khởi tạo tượng Phật, chùa tháp... đều làm lễ cúng dường thật lớn. Một hôm, cô nhìn thấy hình tượng đức Như Lai Giác Hoa Định Tự Tại Vương trong một ngôi chùa, bất luận là tượng đắp, tranh vẽ, đều thể hiện rõ dung mạo ngài đầy uy đức, đoan chính trang nghiêm, không có bất kỳ một điểm thiếu sót nào. Khi ấy, cô gái bà-la-môn nhìn thấy rồi, liền đến chiêm ngưỡng, lễ bái tôn tượng Phật, càng tăng thêm lòng cung kính, tín ngưỡng. Cô tự mình lặng lẽ suy tư, trong lòng thầm nghĩ: “Đức Phật có danh hiệu là Đại Giác, đầy đủ hết thảy trí tuệ. Giá như Phật còn tại thế, mẹ ta qua đời, ngài nhất định biết được mẹ ta nay đang ở nơi nào.”

Thích nghĩa

Nói chung khi một người chết đi, thần thức vào cõi mịt mờ thì mọi việc thiện ác đều căn cứ vào những gì đã làm khi còn sống để quyết định. Hủy báng Tam bảo, không tin nhân quả là tội rất lớn, hết sức nặng nề, cho nên người con gái hiếu thảo này suy tính rằng mẹ cô nhất định phải đọa vào ba đường ác. Nhà cửa gia sản các thứ đều là của cha mẹ cô để lại, thế nhưng việc gầy dựng sản nghiệp ấy chính là nguồn gốc tạo tác bao tội nghiệp, vì nếu tâm tham lam bỏn xẻn không mạnh mẽ thì đã không gầy dựng được sản nghiệp, tà kiến cũng không sinh khởi. Hiện tại người con hiếu đem toàn bộ sản nghiệp bán hết đi, đó là dứt trừ nguồn gốc gây tội nghiệp của cha mẹ, lại dùng tiền bán được đó mua đủ các thứ phẩm vật cúng dường, đó chính là phương pháp rất tốt để thay cha mẹ lập công chuộc tội. Hương [cúng dường] có năng lực ngầm thông pháp giới, hoa [cúng dường] biểu thị ý nghĩa dùng nhân khắc phục quả. Cho nên, hai món hương hoa là cần thiết nhất trong việc cúng dường Phật.

Kinh văn

時婆羅門女垂泣良久,瞻戀如來。忽聞空中聲曰:泣者聖女,勿至悲哀,我今示汝母之去處。

● Thời bà la môn nữ thùy khấp lương cửu, chiêm luyến Như Lai. Hốt văn không trung thanh viết: Khấp giả thánh nữ, vật chí bi ai, ngã kim thị nhữ mẫu chi khứ xứ.

Việt dịch

Bấy giờ, cô gái bà-la-môn phủ phục buồn khóc hồi lâu, chiêm ngưỡng mến mộ đức Như Lai. Bỗng dưng nghe giữa không trung có tiếng nói: “Thánh nữ đang khóc kia, đừng quá bi ai, nay ta sẽ chỉ nơi mẹ con sinh về.”

Giảng giải

Vào lúc ấy, cô gái bà-la-môn rủ người xuống than khóc rất lâu, trong lòng không ngừng cầu khẩn, chiêm ngưỡng mến mộ đức Như Lai, mong ngài nhất định sẽ chỉ giúp cho biết mẹ cô đang ở nơi nào. Bỗng dưng nghe giữa không trung phát ra tiếng nói: “Này thánh nữ đang than khóc, đừng quá bi ai. Nay ta sẽ chỉ cho con biết nơi mẹ con đang ở.”

Thích nghĩa

Đối với một người con gái hiếu thảo đã có tâm trạng khẩn thiết lâu dài đến như vậy, tự nhiên có sự cảm ứng giao hòa trong đạo thể, cảm động lòng từ bi của Phật, nên ngài hiện đến chỉ bày cho cô. Nguyên bản dùng chữ “khấp” nghĩa là khóc không thành tiếng. Nhân vì mắt chiêm ngưỡng dung nhan Phật, trong lòng mến mộ Như Lai, trong trạng thái trầm tĩnh kéo dài như vậy, cho nên nghe được tiếng Phật vọng đến an ủi, chỉ bày. Đây cũng là từ nơi việc làm bán cả gia sản để cúng dường, thực hành hiếu đạo nên chiêu cảm được sự báo ứng này.

Gọi “thánh nữ” là ngợi khen sự hiền đức chính trực của cô gái này.

Kinh văn

婆羅門女合掌向空,而白空曰:是何神德,寬我憂慮。我自失母已來,晝夜憶戀,無處可問知母生界。時空中有聲,再報女曰:我是汝所瞻禮者,過去覺華定自在王如來,見汝憶母倍於常情眾生之分,故來告示。婆羅門女聞此聲已,舉身自撲,支節皆損,左右扶侍,良久方蘇。而白空曰:願佛慈愍,速說我母生界。我今身心將死不久。時覺華定自在王如來告聖女曰:汝供養畢,但早返舍,端坐思惟吾之名號,即當知母所生去處。

● Bà la môn nữ hợp chưởng hướng không, nhi bạch không viết: Thị hà thần đức, khoan ngã ưu lự. Ngã tự thất mẫu dĩ lai, trú dạ ức luyến, vô xứ khả vấn tri mẫu sinh giới. Thời không trung hữu thanh, tái báo nữ viết: Ngã thị nhữ sở chiêm lễ giả, quá khứ Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, kiến nhữ ức mẫu bội ư thường tình chúng sinh chi phần, cố lai cáo thị. Bà la môn nữ văn thử thanh dĩ, cử thân tự phốc, chi tiết giai tổn, tả hữu phù thị, lương cửu phương tô. Nhi bạch không viết: Nguyện phật từ mẫn, tốc thuyết ngã mẫu sinh giới. Ngã kim thân tâm tương tử bất cửu. Thời Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai cáo thánh nữ viết: Nhữ cung dưỡng tất, đãn tảo phản xá, đoan tọa tư duy ngô chi danh hiệu, tức đương tri mẫu sở sinh khứ xứ.

Việt dịch

Cô gái bà-la-môn chắp tay hướng lên không trung bạch rằng: “Ngài là vị thần nào muốn giảm nhẹ lo buồn cho con? Từ ngày con mất mẹ đến nay, ngày đêm mong nhớ, không có nơi nào để có thể hỏi biết mẹ sinh về đâu.”

Lúc ấy, trong không trung có tiếng đáp lời cô gái: “Ta là Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai trong quá khứ mà con đang chiêm ngưỡng lễ bái. Ta thấy lòng con nhớ mẹ có phần nhiều hơn thường tình chúng sinh nên đến đây chỉ bày.”

Cô gái bà-la-môn nghe qua âm thanh ấy rồi thì toàn thân rũ xuống, khắp người rã rời, người chung quanh đỡ dậy săn sóc hồi lâu mới tỉnh, liền hướng về không trung bạch rằng: “Nguyện Phật từ bi thương xót, mau nói cho con biết nơi mẹ con sinh về. Con nay cảm thấy thân tâm mình như sắp chết rồi.”

Khi ấy, đức Như Lai Giác Hoa Định Tự Tại Vương bảo thánh nữ rằng: “Con cúng dường xong, chỉ cần sớm quay về nhà, ngồi ngay ngắn nghĩ đến danh hiệu của ta, tự nhiên sẽ biết được nơi mẹ con sinh về.”

Giảng giải

Cô gái bà-la-môn vừa nghe qua câu nói, tức thời chắp tay hướng về giữa không trung thưa rằng: “Ngài là thần linh từ nơi nào đến, có ân đức lớn đến đây an ủi làm giảm nhẹ nỗi lo buồn của con. Con từ ngày mất mẹ đến nay, bất kể ngày đêm luôn nhớ mong quyến luyến, nhưng không có một nơi nào để có thể hỏi biết được mẹ con hiện nay sinh về cảnh giới nào.”

Vào lúc đó, lại nghe trong không trung có tiếng nói trả lời thánh nữ: “Ta là đức Như Lai Giác Hoa Định Tự Tại Vương từ thời quá khứ mà con đang chiêm ngưỡng lễ bái, thấy con nhớ mẹ quá mức nhiều hơn so với những chúng sinh bình thường, cho nên đến đây bảo cho con biết.” Cô gái bà-la-môn nghe được âm thanh của Phật thì toàn thân đổ gục xuống quá mạnh đến nỗi thương tổn tất cả chân tay, xương cốt. Nhờ có người chung quanh đỡ dậy chăm sóc, qua được cơn hôn mê, một lúc lâu mới tỉnh lại, liền hướng về không trung cầu khẩn: “Nguyện Phật đem lòng từ bi thương xót, xin mau mau nói cho con biết cảnh giới mà mẹ con đã tái sinh vào, bởi vì hiện nay cả thân tâm con đều cảm thấy như không bao lâu nữa sẽ phải chết rồi.”

Bấy giờ, đức Như Lai Giác Hoa Định Tự Tại Vương bảo thánh nữ rằng: “Khi việc cúng dường của con đã hoàn tất, chỉ cần sớm trở về nhà, ngồi yên tĩnh ngay ngắn nghĩ đến danh hiệu của ta, như vậy thì tự nhiên sẽ biết được mẹ con hiện nay sinh về chốn nào.”

Thích nghĩa

Người con gái hiếu thảo này từ trước đến nay luôn hết sức nhớ mong người mẹ đã khuất, lại rất muốn biết mẹ cô sinh về nơi nào, trong cảnh giới nào. Tâm nguyện ấy vô cùng khẩn thiết. Ngay lúc đó vừa nghe qua lời Phật thì tự nhiên không còn nghĩ gì đến thân thể mình, buông xuôi ngã lăn ra đất. Huống chi thân thể này cũng là di thể của mẹ, nay mẹ đã mất rồi thì có tiếc gì thân này? Thân thể bên ngoài đã thương tổn như vậy, trong lòng lại cũng buồn lo đau khổ, nên tự biết mình không bao lâu nữa sẽ chết. Thế nhưng chuyện sắp chết đó cũng không cần quan tâm, chỉ cần phải biết được mẹ mình hiện nay rốt cuộc đã sinh về nơi nào? Đó là điều cô nhất định phải biết được, cho nên cố dằn chịu nỗi đau đớn, vẫn tiếp tục hướng về không trung cầu khẩn, mong Phật thương xót, mau mau nói cho cô biết mẹ cô hiện nay sinh về nơi nào. Do nơi tâm hiếu thuận chí thành của cô như vậy, đức Phật tự nhiên khởi lòng thương xót, chuẩn bị nói ra với cô.

Kinh văn

時婆羅門女尋禮佛已,即歸其舍。以憶母故,端坐念覺華定自在王如來。經一日一夜。

● Thời bà-la-môn nữ tầm lễ Phật dĩ, tức quy kỳ xá. Dĩ ức mẫu cố, đoan tọa niệm Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Kinh nhất nhật nhất dạ.

Việt dịch

Bấy giờ, cô gái bà-la-môn lễ Phật xong liền quay về nhà, vì lòng nhớ tưởng mẹ, nên ngồi ngay ngắn niệm tưởng đức Như Lai Giác Hoa Định Tự Tại Vương. Trải qua một ngày một đêm như vậy.

Giảng giải

Vào lúc đó, cô gái bà-la-môn nghe lời Phật dạy xong, nhanh chóng đến những chỗ có [hình tượng] Phật đều chiêm ngưỡng lễ bái cúng dường. Vừa xong, cô tức khắc quay về nhà mình. Do nhân duyên nhớ mẹ, cô ngồi xuống hết sức ngay ngắn, chuyên tâm niệm tưởng đức Như Lai Giác Hoa Định Tự Tại Vương. Cô niệm tưởng như vậy trải qua đến một ngày một đêm.

Thích nghĩa

Người con gái hiếu thảo hết lòng nhớ tưởng mẹ mình, tất nhiên phải y theo lời Phật dạy, cũng hết lòng hết ý niệm Phật. Do việc cô có đầy đủ sự chuyên tâm chí thành như vậy, nên mới có thể khế hợp tương ưng với tâm Phật. Sở dĩ phải đợi qua đủ một ngày một đêm, các bản chú giải xưa giải thích ý nghĩa này là, ngày tượng trưng cho tâm giác ngộ sáng tỏ của cô gái, đêm tượng trưng cho tâm thức si mê tối tăm mù mịt không tin nhân quả của mẹ cô.

Kinh văn

忽見自身到一海邊,其水涌沸,多諸惡獸,盡復鐵身,飛走海上,東西馳逐。見諸男子女人百千萬數,出沒海中。被諸惡獸爭取食噉。又見夜叉,其形各異,或多手多眼,多足多頭,口牙外出,利刃如劍。驅諸罪人,使近惡獸。復自搏攫,頭足相就,其形萬類,不敢久視。時婆羅門女以念佛力故,自然無懼。

● Hốt kiến tự thân đáo nhất hải biên, kì thủy dũng phí, đa chư ác thú, tận phục thiết thân, phi tẩu hải thượng, đông tây trì trục. Kiến chư nam tử nữ nhân bá thiên vạn số, xuất một hải trung. Bị chư ác thú tranh thủ thực đạm. Hựu kiến dạ-xoa, kỳ hình các dị, hoặc đa thủ đa nhãn, đa túc đa đầu, khẩu nha ngoại xuất, lợi nhận như kiếm, khu chư tội nhân, sử cận ác thú. Phục tự bác quặc, đầu túc tương tựu, kì hình vạn loại, bất cảm cửu thị. Thời bà-la-môn nữ dĩ niệm Phật lực cố, tự nhiên vô cụ.

Việt dịch

Bỗng dưng cô tự thấy mình đến bên một bờ biển. Nước biển ở đó sôi lên sùng sục, có nhiều thú dữ toàn thân đều bằng sắt, bay nhảy trên mặt biển, rượt đuổi qua lại. Lại thấy kẻ nam người nữ nhiều đến số trăm ngàn muôn người, trồi lên hụp xuống trong nước biển, bị những thú dữ kia tranh nhau ăn nuốt. Lại thấy những dạ-xoa hình thù khác biệt nhau, hoặc nhiều tay nhiều mắt, hoặc nhiều chân nhiều đầu, răng nanh nhe ra sắc nhọn như gươm, xua đuổi tội nhân đến gần chỗ đám thú dữ. Các dạ-xoa này cũng tự mình chộp bắt các tội nhân, bẻ gập đầu xuống chân, muôn hình vạn trạng thật chẳng dám nhìn lâu. Khi ấy, cô gái bà-la-môn nhờ sức niệm Phật nên không hề thấy sợ.

Giảng giải

Ngay trong lúc niệm Phật, cô gái bỗng nhiên tự thấy mình hiện đến một vùng bờ biển. Chỉ thấy nước trong biển ấy hệt như nước đang sôi sùng sục, lại có rất nhiều con thú hung dữ, thân hình đều bằng sắt, bay trên mặt biển từ đây sang kia, rồi lại từ kia lại đây, rượt đuổi như vậy rất nhanh. Lại nhìn thấy kẻ nam người nữ rất nhiều, lên đến số trăm ngàn muôn người, có lúc nổi lên mặt biển, lại có lúc chìm xuống dưới biển. Những người ấy lại bị rất nhiều những con thú hung dữ kia tranh giành nhau bắt lấy mà ăn nuốt. Lại cũng nhìn thấy rất nhiều dạ-xoa, hình dạng đều khác biệt nhau, có những dạ xoa nhiều tay nhiều mắt, lại có những dạ-xoa nhiều đầu nhiều chân, răng nanh từ trong miệng nhe ra sắc nhọn như gươm đao, xua đuổi những người chịu tội kia đến gần chỗ đám thú dữ để chúng dễ bề vồ lấy ăn nuốt, rồi chính những dạ-xoa ấy cũng chộp bắt những tội nhân, nắm lấy họ mà đùa cợt, hoặc bẻ gập đầu họ xuống chạm vào chân, hoặc kéo người họ dài ra, hoặc xé nát thành từng mảnh vất đi. Những kiểu đùa cợt như vậy thật muôn hình vạn trạng, cô gái hiếu thảo kia thật không dám nhìn lâu.

Thế nhưng lúc ấy cô nhờ niệm Phật, được nhân duyên có Phật lực bảo vệ hộ trì, nên dù nhìn thấy những hình trạng ghê gớm như thế nhưng không hề sợ hãi.

Thích nghĩa

Do người con gái hiếu thảo này nhất tâm niệm Phật, niệm đến mức nhập vào trạng thái định, tự nhiên khiến cho tâm địa sáng suốt, lại được nhờ thêm Phật lực gia trì mới thấy được cảnh giới như vậy.

Dạ-xoa là [chỉ chung] loài quỷ di chuyển rất nhanh, cử động cũng rất nhanh nhẹn, lại có thể bay trong không trung, nhưng dạ-xoa có rất nhiều chủng loại khác nhau.

[Trong kinh nói “bác quặc”], bác là dùng tay đánh, quặc là dùng các móng vuốt ở tay bấu vào, nắm chặt lấy.

Kinh văn

有一鬼王,名曰無毒,稽首來迎,白聖女曰:善哉菩薩!何緣來此?

● Hữu nhất quỷ vương, danh viết Vô Độc, khể thủ lai nghênh, bạch thánh nữ viết: Thiện tai Bồ Tát! Hà duyên lai thử?

Việt dịch

Có một quỷ vương tên là Vô Độc, đến cúi đầu chào đón, bạch thánh nữ rằng: “Lành thay, Bồ Tát! Do nhân duyên gì mà ngài đến đây?”

Giảng giải

Có một quỷ vương tên gọi là Vô Độc, nhìn thấy thánh nữ liền đến trước nàng cúi đầu thi lễ nghênh tiếp, nói với thánh nữ: “Lành thay, Bồ Tát! Vì nhân duyên gì mà ngài đến chốn này?”

Thích nghĩa

Nói chung phải là người có phúc đức mới được xưng là vương. Vậy quỷ vương này có phúc đức gì? Nhân vì quỷ này vẫn giữ lòng thương xót người, không nỡ hại người nên xưng là vương, cũng gọi vị này là Vô Độc. Thế nhưng vị quỷ vương Vô Độc này cũng là Bồ Tát hóa thân, nếu không sao có được lòng từ thương xót người như thế?

Khấu đầu tức là cúi đầu sát đất trong một lúc. Lành thay là lời xưng tán vui mừng.

Kinh văn

時婆羅門女問鬼王曰:此是何處?無毒答曰:此是大鐵圍山西面第一重海。

● Thời bà-la-môn nữ vấn quỷ vương viết: Thử thị hà xứ? Vô Độc đáp viết: Thử thị Đại Thiết Vi sơn tây diện đệ nhất trùng hải.

Việt dịch

Bấy giờ, cô gái bà-la-môn hỏi quỷ vương: “Đây là nơi nào?” Vô Độc trả lời: “Đây là vùng biển thứ nhất ở phía tây núi Đại Thiết Vi.”

Giảng giải

Vào lúc ấy, cô gái dòng bà-la-môn lại hỏi quỷ vương: “Đây là nơi chốn nào?” Vô Độc trả lời rằng: “Đây là vùng biển thứ nhất ở phía tây núi Đại Thiết Vi.”

Thích nghĩa

Bên ngoài vùng biển nước mặn của [thế giới] chúng ta có một ngọn núi, chính là núi Đại Thiết Vi. Núi này phần chìm trong nước đến 312 do-tuần, phần trên mặt nước cũng 312 do-tuần. Bốn phía núi toàn là nước, vùng nước bao quanh này rộng đến 3.608.475 do-tuần. Vùng biển thứ nhất cũng là nằm trong đó.

Kinh văn

聖女問曰:我聞鐵圍之內,地獄在中,是事實不?無毒答曰:實有地獄。

● Thánh nữ vấn viết: Ngã văn Thiết Vi chi nội, địa ngục tại trung, thị sự thật phủ? Vô Độc đáp viết: Thật hữu địa ngục.

Việt dịch

Thánh nữ hỏi: “Tôi nghe rằng bên trong núi Thiết Vi có địa ngục, chuyện ấy có thật không?” Vô Độc đáp: “Thật có địa ngục.”

Giảng giải

Thánh nữ lại hỏi quỷ vương: “Tôi nghe nói bên trong núi Thiết Vi có địa ngục trong đó, chuyện ấy có thật hay không?” Vô Độc đáp rằng: “[Trong đó] quả thật có địa ngục.”

Thích nghĩa

Nói “thật có địa ngục”, ý nghĩa là địa ngục vốn không có, nhân vì chúng sinh trên thế gian thân làm việc ác, miệng nói lời ác, ý khởi niệm ác, lại ưa thích giết hại cúng tế quỷ thần, do đó tích lũy đủ mọi việc ác, tạo thành địa ngục có thật.

Kinh văn

聖女問鬼王曰:我今云何得到獄所?無毒答曰:若非威神,即須業力,非此二事,終不能到。

● Thánh nữ vấn quỷ vương viết: Ngã kim vân hà đắc đáo ngục sở? Vô Độc đáp viết: Nhược phi uy thần, tức tu nghiệp lực, phi thử nhị sự, chung bất năng đáo.

Việt dịch

Thánh nữ lại hỏi quỷ vương: “Vì sao tôi đến được nơi này?” Quỷ vương Vô Độc trả lời: “Nếu không do oai thần thì phải do nghiệp lực. Ngoài hai việc ấy thì không bao giờ đến được nơi này.”

Giảng giải

Thánh nữ lại hỏi quỷ vương: “Hiện nay vì sao tôi lại đến được nơi địa ngục này?” Quỷ vương Vô Độc trả lời: “Nếu như không phải người có oai đức thần thông thì phải là người do nghiệp lực mà đến. Ngoài hai hạng người ấy ra thì không bao giờ có thể đến được nơi này.”

Thích nghĩa

Thánh nữ tự mình suy ngẫm, mình là người kính tin Phật pháp, cả đời không gây tội nghiệp, vì sao lại đến chốn địa ngục này? Cho nên mới khởi tâm nghi ngờ mà hỏi quỷ vương.

Người có oai đức thần thông mới có thể đến được trong địa ngục, hoặc là đến để cứu độ người, hoặc là muốn dạo chơi quán sát.

Người phạm vào các nghiệp ác của thân, khẩu ý, nhân lúc vừa lâm chung liền bị nghiệp lực dẫn dắt lôi kéo, đến địa ngục này để chịu khổ báo.

Kinh văn

聖女又問:此水何緣,而乃涌沸,多諸罪人及以惡獸?無毒答曰:此是閻浮提造惡眾生新死之者,經四十九日後,無人繼嗣,為作功德,救拔苦難。生時又無善因。當據本業所感地獄,自然先渡此海。海東十萬由旬,又有一海,其苦倍此。彼海之東,又有一海,其苦復倍。三業惡因之所招感,共號業海,其處是也。

● Thánh nữ hựu vấn: Thử thuỷ hà duyên, nhi nãi dũng phí, đa chư tội nhân cập dĩ ác thú? Vô Độc đáp viết: Thử thị Diêm-phù-đề tạo ác chúng sinh tân tử chi giả, kinh tứ thập cửu nhật hậu, vô nhân kế tự, vi tác công đức, cứu bạt khổ nạn. Sinh thời hựu vô thiện nhân, đương cứ bản nghiệp sở cảm địa ngục, tự nhiên tiên độ thử hải. Hải đông thập vạn do tuần, hựu hữu nhất hải, kì khổ bội thử. Bỉ hải chi đông, hựu hữu nhất hải, kì khổ phục bội. Tam nghiệp ác nhân chi sở chiêu cảm, cộng hiệu nghiệp hải, kỳ xứ thị dã.

Việt dịch

Thánh nữ lại hỏi: “Nước ở đây do đâu mà sôi sùng sục, lại có tội nhân và thú dữ?” Vô Độc đáp rằng: “Đây là những chúng sinh tạo ác ở cõi Diêm-phù-đề vừa mới chết, đã qua 49 ngày mà không có người kế thừa vì họ làm việc công đức, cứu thoát khổ nạn. Lúc còn sống họ lại cũng không tạo nhân lành, nên cứ theo nghiệp đã tạo mà chiêu cảm vào địa ngục, tự nhiên trước hết phải qua biển này. Phía đông biển này cách mười muôn do-tuần cũng có một vùng biển, khổ não gấp bội phần. Phía đông của biển đó, lại có một vùng biển nữa, khổ não nhiều lần hơn nữa. Do nhân là ba nghiệp ác chiêu cảm mà thành nên gọi chung là biển nghiệp, chính là nơi này.”

Giảng giải

Thánh nữ lại hỏi quỷ vương: “Nước ở biển này vì sao sôi sùng sục? Vì sao có nhiều tội nhân cùng các loài thú dữ?”

Quỷ vương Vô Độc đáp: “Đó đều là những chúng sinh tạo nghiệp ác ở thế giới Diêm-phù-đề. Họ là những người mới chết, sau khi trải qua 49 ngày mà không có người kế thừa vì họ làm việc tạo công đức, thay họ làm việc có thể cứu thoát khổ nạn đáng phải nhận chịu. Lúc còn sống họ lại không ưa thích làm việc hiền thiện, không bố thí, nên căn cứ theo những nghiệp ác họ đã làm từ trước đến nay, một khi chính họ đã chiêu cảm đến địa ngục thì tự nhiên nhất định phải qua vùng biển này. Phía đông của biển này, cách mười vạn do-tuần lại có một vùng biển khác, sự khổ sở nơi đó so với đây còn tăng hơn gấp bội. Về phía đông của vùng biển đó, lại có thêm một vùng biển nữa, sự khổ sở lại tăng nhiều hơn nữa. Ba vùng biển này, đều do nhân là ba nghiệp ác [thân, khẩu, ý] của chúng sinh chiêu cảm mà thành, do đó có tên gọi chung là biển nghiệp, chính là nơi đây.

Thích nghĩa

Diêm-phù-đề là tên một cây chúa đại thụ, chu vi bảy do-tuần, cao một trăm do-tuần, cành lá bốn phía rộng năm mươi do-tuần. Thế giới của chúng ta gọi là Nam Diêm-phù-đề hay Nam Thiệm-bộ châu, đó là dựa theo cây chúa đại thụ này mà đặt tên.

Nói chung con người sau khi chết thì cứ bảy ngày có một lần biến hóa, Diêm vương định tội. Tuy là chiếu theo những nghiệp ác đã làm khi còn sống, nhưng cũng phải qua bảy lần bảy là 49 ngày mới thực sự phán quyết. Nếu trong vòng 49 ngày đó, có người kế thừa như con cháu hiếu thuận, mỗi tuần thất đều thay người chết niệm Phật, lễ bái, sám hối, đem công bù tội, tự nhiên những khổ nạn đáng phải nhận chịu đều được cứu thoát. Nếu trong 49 ngày đó không có người kế thừa thay cho người chết làm việc cứu vớt, thì tự nhiên phải nhận chịu khổ nạn.

Nhưng việc nhận chịu khổ nạn này cũng đều do nhân ba nghiệp ác [thân, khẩu, ý] chính mình đã tạo, chiêu cảm mà thành. Nay xin đem ba nghiệp ác đó nói qua một lần, hy vọng có thể giúp cho mọi người đều bỏ ác hướng thiện.

Thứ nhất là thân nghiệp. Những việc ác do thân làm ra có ba loại. Một là giết hại, bất kể là những con vật nhỏ nhoi nhất như ruồi muỗi, sâu bọ... cũng không được giết hại chúng. Hai là trộm cướp, dù một cọng rơm ngọn cỏ của người khác, quý vị chưa hỏi xin, cũng không được tự ý lấy. Ba là tà dâm, trừ ra người là vợ, chồng chính thức, còn với bất kỳ ai khác cũng không phạm vào.

Thứ hai là khẩu nghiệp. Các nghiệp ác thuộc khẩu nghiệp có bốn loại. Một là nói dối, nói sai sự thật. Hai là nói thêu dệt, thường là đàm luận về nết xấu của người phụ nữ. Ba là nói hai lưỡi, thường là cố ý nói ra nói vào, nói chuyện thị phi. Bốn là nói lời độc ác, thường là chửi mắng, nguyền rủa.

Thứ ba là ý nghiệp. Nghiệp ác của ý phạm vào có ba loại. Một là tham dục, tức là tham muốn dục vọng không biết đủ. Hai là sân khuể, là giận dữ nóng nảy. Ba là ngu si, thường là không tin Phật pháp, tin theo tà thuyết.

Do ba nghiệp thân, khẩu, ý này, tạo ra mười loại nghiệp ác như trên, lại do nhân là ba nghiệp ác này chiêu cảm thành ba vùng biển nghiệp, mỗi vùng về sau lại càng khổ não nhiều hơn gấp bội, cho đến đủ các loại địa ngục, khiến người làm việc ác phải tự làm tự chịu.

Kinh văn

聖女又問鬼王無毒曰:地獄何在?無毒答曰:三海之內,是大地獄,其數百千,各各差別。所謂大者具有十八,次有五百,苦毒無量。次有千百,亦無量苦。

● Thánh nữ hựu vấn quỷ vương Vô Độc viết: Địa ngục hà tại? Vô Độc đáp viết: Tam hải chi nội, thị đại địa ngục, kỳ số bá thiên, các các sai biệt. Sở vị đại giả cụ hữu thập bát, thứ hữu ngũ bá, khổ độc vô lượng. Thứ hữu thiên bá, diệc vô lượng khổ.

Việt dịch

Thánh nữ lại hỏi quỷ vương Vô Độc: “Địa ngục ở đâu?” Vô Độc đáp: “Trong ba vùng biển là đại địa ngục, số lượng đến trăm ngàn, mỗi nơi đều khác biệt. Kể ra địa ngục lớn thì có 18 ngục, nhỏ hơn một chút có 500 ngục, khổ não tàn độc vô lượng. Nhỏ hơn nữa thì có đến trăm ngàn địa ngục, cũng khổ não vô lượng.”

Giảng giải

Thánh nữ lại hỏi quỷ vương Vô Độc: “Ông nói trong núi Thiết Vi thật có địa ngục, vậy hiện nay địa ngục ấy ở chỗ nào?”

Vô Độc trả lời: “Trong ba vùng biển này đều là đại địa ngục, số lượng nhiều đến mấy trăm mấy ngàn. Trong số mấy trăm mấy ngàn địa ngục đó, hết thảy đều không giống nhau, mỗi một địa ngục đều có cách thức hình dạng khác biệt. Nói về các địa ngục lớn nhất thì có 18 tầng, nhỏ hơn một chút có 500 tầng, trong đó [tội nhân] phải chịu những khổ nạn đau đớn tàn độc cùng với hình phạt cực độc, không thể nói hết. Lại nhỏ hơn một chút nữa thì có đến hàng trăm ngàn địa ngục, cũng có những sự đau đớn khổ sở không thể nói hết.

Thích nghĩa

Theo trong kinh luận thì địa ngục có thể phân chia tổng quát thành ba loại bao gồm tất cả. Một là địa ngục nóng (nhiệt ngục), hai là địa ngục lạnh (hàn ngục), ba là địa ngục ở các vùng ven biên (biên ngục).

Nhiệt ngục có tám tầng ngục, xếp thành nhiều tầng ở bên dưới đáy biển của cõi Diêm-phù-đề. Hàn ngục cũng có tám tầng, nằm trên vùng dưới chân núi Thiết Vi. Biên ngục phân chia thành ba nơi là ở trong vùng núi, trong vùng nước và trong vùng đồng trống.

Mười tám đại địa ngục thì có 8 địa ngục nóng, 8 địa ngục lạnh, một địa ngục chính và một địa ngục ven biên. Theo kinh Thập bát nê-lê thì tầng địa ngục thứ nhất là Quang Tựu Cư (光就居), trong đó tội nhân vừa gặp nhau liền xông vào đánh nhau kịch liệt. Tội nhân tuy bị sát thương nhưng không thể chết, đời sống lại kéo dài hết sức, một ngày ở đây dài bằng 3.750 năm ở cõi người. (Ba mươi ngày là một tháng, 12 tháng là một năm. Trải qua 10.000 năm chịu tội thì bằng ở cõi người là 13.500.000.000 năm.) Mười bảy tầng địa ngục bên dưới, cứ xuống mỗi một tầng thì sự khổ não cùng với thời gian chịu tội lại tăng lên gấp 20 lần so với tầng trước đó.

Tầng địa ngục thứ hai tên là Cư Hư Thối Lược (居虛倅略), trong ngục mỗi một loại khổ não đều tương đương với 20 loại khổ não ở tầng thứ nhất. Tầng địa ngục thứ ba tên là Tang Cư Đô (桑居都), tầng địa ngục thứ tư tên là Lâu (樓), tầng địa ngục thứ năm tên là Phòng Tốt (房卒), tầng địa ngục thứ sáu tên là Thảo Ô Ti Thứ (草烏卑次), tầng địa ngục thứ bảy tên là Đô Lô Nan Đán (都盧難旦), tầng địa ngục thứ tám tên là Bất Lô Bán Hô (不盧半呼), tầng địa ngục thứ chín tên là Ô Cánh Đô (烏竟都), tầng địa ngục thứ mười tên là Nê Lô Đô (泥盧都), tầng địa ngục thứ mười một tên là Ô Lược (烏略), tầng địa ngục thứ mười hai tên là Ô Mãn (烏滿), tầng địa ngục thứ mười ba tên là Ô Tạ (烏藉), tầng địa ngục thứ mười bốn tên là Ô Hô (烏呼), tầng địa ngục thứ mười lăm tên là Tu Kiện Cư (須健居), tầng địa ngục thứ mười sáu tên là Mạt Đô Can Trực Hô (末都干直呼), tầng địa ngục thứ mười bảy tên là Khu Bô Đồ (區逋塗), tầng địa ngục thứ mười tám tên là Trầm Mạc (沈莫).

Trong 18 tầng địa ngục này, mỗi tầng lại phân biệt thành 18 cách thức [hành hình] khác nhau, từ địa ngục lạnh lẽo như băng giá cho đến địa ngục uống nước đồng sôi, tổng cộng có 324 cách thức hành hình. Quỷ vương nói có trăm ngàn cách là nói ước lượng tổng quát.

Nói chung, địa ngục đều do nghiệp ác của người chiêu cảm mà thành. Con người có vô cùng vô tận những cách thức phạm tội ác khác nhau, do đó tự nhiên chiêu cảm cũng tạo thành vô cùng vô tận các dạng thức địa ngục khác nhau.

Việc chịu khổ trong địa ngục lớn hay nhỏ, nặng hay nhẹ, cũng y theo khi còn sống đã tạo những nghiệp ác lớn hay nhỏ, nặng hay nhẹ mà phân định.

Kinh văn

聖女又問大鬼王曰:我母死來未久,不知魂神當至何趣?鬼王問聖女曰:菩薩之母在生習何行業?聖女答曰:我母邪見,譏毀三寶,設或暫信,旋又不敬。死雖日淺,未知生處。

● Thánh nữ hựu vấn đại quỷ vương viết: Ngã mẫu tử lai vị cửu, bất tri hồn thần đương chí hà thú? Quỷ vương vấn thánh nữ viết: Bồ Tát chi mẫu tại sinh tập hà hành nghiệp? Thánh nữ đáp viết: Ngã mẫu tà kiến, ki hủy Tam bảo, thiết hoặc tạm tín, toàn hựu bất kính. Tử tuy nhật tiên, vị tri sinh xứ.

Việt dịch

Thánh nữ lại hỏi quỷ vương: “Mẹ tôi chết chưa lâu, không biết thần thức hiện nay đã đến nơi nào?” Quỷ vương hỏi lại: “Không biết mẹ của Bồ Tát khi còn sống quen tạo những nghiệp gì?” Thánh nữ đáp: “Mẹ tôi tà kiến, khinh chê hủy báng Tam bảo. Ví như có lúc tạm tin nhận cũng hoàn toàn không kính trọng. Mẹ tôi chỉ vừa mới mất, chưa biết sinh về đâu.”

Giảng giải

Thánh nữ lại hỏi quỷ vương: “Mẹ tôi từ lúc chết đến nay chưa bao lâu, không biết thần thức của bà phải đến chốn nào chịu khổ?” Quỷ vương liền hỏi lại thánh nữ: “Mẹ của Bồ Tát lúc còn sống ở đời thường quen tạo tác những nghiệp như thế nào?” Thánh nữ trả lời: “Mẹ tôi tin theo tà kiến, lại thường cười nhạo, hủy báng Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng-già. Ví như có lúc tạm thời tin nhận Tam bảo cũng không hoàn toàn đặt trọn niềm tin. Hiện tại bà chết đi chưa bao nhiêu ngày, tôi không biết được hiện giờ bà ở đâu.”

Thích nghĩa

Thánh nữ đã biết được địa ngục là chốn này, thế nhưng vẫn còn chưa nhìn thấy mẹ mình, cho nên mới phải hỏi quỷ vương.

Thần thức con người sau khi chết không mất đi, tiếp tục lưu chuyển theo nghiệp lực.

“Hành nghiệp” của một người là nói khuynh hướng hành động, tạo nghiệp thiện hay ác của người đó. Làm việc lành như thế nào thì được quả lành như thế ấy, tạo nghiệp ác như thế nào thì phải chịu quả báo ác như thế ấy. Báo ứng rõ ràng sáng tỏ, không mảy may sai lệch. Cho nên quỷ vương trước tiên phải hỏi rõ ràng về “hành nghiệp” của người mẹ thánh nữ, như vậy mới dễ tìm kiếm.

Tam bảo chỉ Phật, Pháp và Tăng-già. Hình tướng trang nghiêm của Phật đều là Phật bảo. Giáo pháp của cả ba thừa đều là Pháp bảo. Các vị xuất gia tu hành là Tăng bảo.

Kinh văn

無毒問曰:菩薩之母,姓氏何等?聖女答曰:我父我母俱婆羅門種。父號尸羅善現,母號悅帝利。

● Vô Độc vấn viết: Bồ Tát chi mẫu, tính thị hà đẳng? Thánh nữ đáp viết: Ngã phụ ngã mẫu câu bà-la-môn chủng. Phụ hiệu Thi-la Thiện Hiện, mẫu hiệu Duyệt-đế-lợi.

Việt dịch

Vô Độc liền hỏi: “Mẹ của Bồ Tát tên họ là gì?” Thánh nữ đáp: “Cha mẹ tôi đều thuộc dòng tộc bà-la-môn. Cha tôi tên là Thi-la Thiện Hiện, mẹ tôi tên Duyệt-đế-lợi.”

Giảng giải

Vô Độc lại hỏi thánh nữ: “Mẹ của Bồ Tát tên họ gì, thuộc chủng tộc, đẳng cấp nào?” Thánh nữ trả lời: “Cha tôi và mẹ tôi đều thuộc chủng tộc bà-la-môn, cha tôi tên là Thi-la Thiện Hiện, mẹ tôi tên Duyệt-đế-lợi.”

Thích nghĩa

Thời cổ đại, dòng họ được phân chia rõ rệt. Dùng họ [người chồng] để gọi người phụ nữ là biểu thị người ấy đã kết hôn. Dùng dòng tộc để phân biệt sang quý với nghèo hèn. Kẻ sang quý mới nói đến dòng tộc, người nghèo hèn chỉ dùng tên để gọi, không nhắc đến dòng tộc.

Ấn Độ có bốn chủng tộc là sát-đế-lợi, bà-la-môn, phệ-xá và thủ-đà-la.

Tên Thi-la là phiên âm Phạn ngữ, dịch nghĩa là “tính thiện”, ý nói ưa làm theo đường lành. Thiện Hiện là tiếng Trung Hoa. Tên gọi này tuy tốt đẹp, nhưng người lại có tâm không tốt, luôn bám chấp tà kiến hủy báng chánh đạo.

Quỷ vương hỏi rõ ràng về hành nghiệp, lại hỏi thêm về tên họ, chủng tộc, như vậy tất nhiên việc tìm kiếm càng thêm dễ dàng.

Kinh văn

無毒合掌啟菩薩曰:願聖者卻返本處,無至憂憶悲戀。悅帝利罪女生天以來,經今三日。云承孝順之子,為母設供修福,布施覺華定自在王如來塔寺。非唯菩薩之母得脫地獄,應是無間罪人,此日悉得受樂,俱同生訖。鬼王言畢,合掌而退。

● Vô Độc hợp chưởng khải Bồ Tát viết: Nguyện thánh giả khước phản bản xứ, vô chí ưu ức bi luyến. Duyệt-đế-lợi tội nữ sinh thiên dĩ lai, kinh kim tam nhật. Vân thừa hiếu thuận chi tử, vi mẫu thiết cung tu phúc, bố thí Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai tháp tự. Phi duy Bồ Tát chi mẫu đắc thoát địa ngục, ưng thị Vô Gián tội nhân, thử nhật tất đắc thụ lạc, câu đồng sinh ngật. Quỷ vương ngôn tất, hợp chưởng nhi thối.

Việt dịch

Vô Độc chắp tay thưa với Bồ Tát: “Xin thánh nữ quay về, không cần lo nghĩ, thương nhớ. Nữ tội nhân Duyệt-đế-lợi được sinh về cõi trời trước đây ba ngày rồi, là nhờ có người con hiếu thảo, vì mẹ lễ cúng tu phước, cúng dường nơi chùa tháp thờ đức Như Lai Giác Hoa Định Tự Tại Vương. Không chỉ riêng mẹ của Bồ Tát được thoát khỏi địa ngục, mà tội nhân trong địa ngục Vô Gián ngày hôm đó cũng được mừng vui, tất cả cùng được sinh về cõi trời.” Quỷ vương nói rồi chắp tay cáo từ.

Giảng giải

Quỷ vương Vô Độc chắp tay báo với Bồ Tát rằng: “Xin thánh nữ quay về, không cần phải quá lo âu sầu khổ mong nhớ mẫu thân, cũng không cần phải buồn thương lưu luyến. Mẹ ngài là nữ tội nhân Duyệt-đế-lợi đã được thoát khỏi địa ngục, sinh về cõi trời cách đây ba hôm rồi. Cõi trời có tin xuống rằng, nhờ công đức của người con gái hiếu thuận đã vì mẹ lễ cúng tu phước, cúng dường của tháp thờ đức Như Lai Giác Hoa Định Tự Tại Vương. Không chỉ mẹ của Bồ Tát được thoát địa ngục, mà những tội nhân đang chịu khổ trong địa ngục Vô Gián vào ngày hôm đó cũng đều được vui sướng khoái lạc, được sinh về cõi trời cùng với mẹ ngài.” Quỷ vương nói rồi thì chắp tay cáo từ.

Thích nghĩa

Quỷ vương ban đầu không biết người này là ai, đến khi vừa nghe tên nữ tội nhân Duyệt-đế-lợi thì biết ngay đây là người con gái đại hiếu, cho nên mới chắp tay cung kính. Vì người con gái hiếu thuận có lòng đại hiếu nên tự nhiên cảm động đến Phật, cảm động đến cõi trời, cho nên cõi trời mới có tin xuống, bảo rằng mẹ của thánh nữ được sinh về cõi trời, cùng với những tội nhân trong địa ngục ấy cũng được sinh về cõi trời.

Quý vị nghĩ xem như vậy thì công đức hiếu thuận có phải rất to lớn hay không? Do đây mà người xưa có nói: “Hạnh hiếu đứng đầu trăm hạnh.”

Nói chung là người con hiếu trước hết phải tùy thuận tâm ý cha mẹ, lại phải phụng dưỡng cha mẹ thật tốt, khiến cho cha mẹ trong lòng luôn được vui vẻ, khoan khoái.

Người con gái hiếu thuận này, trước hết khuyên mẹ tin theo Chánh đạo, sau đó nhớ tưởng mẹ, vì mẹ làm việc cúng dường bố thí, cuối cùng cứu mẹ thoát khổ sinh về cõi trời. Tấm lòng hiếu thuận lớn lao như vậy, từ xưa đến nay thật chưa từng có.

Kinh văn

婆羅門女尋如夢歸。悟此事已,便於覺華定自在王如來塔像之前,立弘誓願:願我盡未來劫,應有罪苦眾生廣設方便,使令解脫。

● Bà-la-môn nữ tầm như mộng quy. Ngộ thử sự dĩ, tiện ư Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai tháp tượng chi tiền, lập hoằng thệ nguyện: Nguyện ngã tận vị lai kiếp, ưng hữu tội khổ chúng sinh quảng thiết phương tiện, sử linh giải thoát.

Việt dịch

Cô gái bà-la-môn bỗng như trong mộng chợt tỉnh. Biết rõ sự việc rồi, liền đến trước tượng đức Như Lai Giác Hoa Định Tự Tại Vương trong tháp, lập thệ nguyện lớn lao rằng: “Nguyện con từ nay đến vô số kiếp trong tương lai, có bao nhiêu chúng sinh đang chịu tội khổ đều rộng bày phương tiện khiến cho được giải thoát.”

Giảng giải

Cô gái ba-la-môn hốt nhiên như người nằm mộng chợt tỉnh lại. Cô biết được sự việc rồi liền đến trước tượng đức Như Lai Giác Hoa Định Tự Tại Vương trong tháp, lập thệ nguyện lớn lao rằng: “Con nguyện từ nay đến vô số kiếp trong tương lai, vì những chúng sinh đáng phải chịu quả báo tội khổ mà rộng bày nhiều phương pháp thuận tiện, giúp họ được giải thoát khỏi những cảnh khổ mà họ lẽ ra phải nhận chịu.”

Thích nghĩa

Nguyên bản dùng chữ “tầm” (尋) nghĩa là trong chốc lát ngắn ngủi. Nhân vì người con gái hiếu thảo này đang ngồi ngay ngắn trong nhà mình, niệm Phật đi vào định. Trong thoáng chốc ngắn ngủi liền giống như người nằm mộng tỉnh dậy, nhận biết được lẽ nhân quả báo ứng, biết được về biển nghiệp, về địa ngục... đủ mọi chuyện như vậy. Cho nên cô lập tức phát khởi tâm đạo.

Cô trở lại nơi tháp Phật, đối trước hình tượng đức Như Lai Giác Hoa Định Tự Tại Vương, lập thệ nguyện lớn lao, tự nguyện trong vô số kiếp tương lai sẽ bày ra những pháp môn phương tiện, cứu vớt hết tất cả những chúng sinh đang chịu khổ, sau đó tự mình mới thành Phật. Đó là để báo đáp ân đức lớn lao của đức Như Lai Giác Hoa Định Tự Tại Vương đã cứu mẹ cô thoát khổ sinh về cõi trời.

Kinh văn

佛告文殊師利:時鬼王無毒者,當今財首菩薩是。婆羅門女者,即地藏菩薩是。

● Phật cáo Văn-thù-sư-lợi: Thời quỷ vương Vô Độc giả, đương kim Tài Thủ Bồ Tát thị. Bà-la-môn nữ giả, tức Địa Tạng Bồ Tát thị.

Việt dịch

Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lợi: “Quỷ vương Vô Độc thuở ấy nay là Bồ Tát Tài Thủ. Cô gái bà-la-môn kia chính là Bồ Tát Địa Tạng.”

Giảng giải

Đức Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lợi: “Quỷ vương Vô Độc vào thuở ấy, hiện nay là Bồ Tát Tài Thủ. Cô gái bà-la-môn kia, hiện nay chính là Bồ Tát Địa Tạng.”

Thích nghĩa

Trước đây nhân việc ngài Văn-thù-sư-lợi thưa thỉnh về nhân duyên tu tập của Bồ Tát Địa Tạng, cho nên đức Phật Thích-ca Mâu-ni mới nói ra đoạn kinh này về Bồ Tát Địa Tạng lúc chưa thành đạo, thực sự thực hành hiếu hạnh, để giúp cho tất cả chúng sinh biết rộng tu công đức hiếu hạnh, cùng với đủ mọi phương pháp thực hành hiếu đạo.

“Địa” (đất) là chỗ nương dựa của muôn vật, “hiếu” là điều giúp muôn người được lợi ích, bất kể giàu sang hay nghèo hèn, có thể thực hành đạo hiếu cũng giống như có thể tích chứa tiền tài trân bảo, phúc đức của người hiếu hạnh không bao giờ dùng hết. Có thể biết được rằng, hai chữ “địa tạng” cũng là dựa theo hiếu thuận mà đặt tên.

Về danh hiệu Tài Thủ, tài được mọi người trân quý, thủ là nói trong muôn hạnh lấy bố thí làm đầu. Tự mình có sở hữu tiền tài thì mới có thể mang ra bố thí, nên so sánh việc rộng làm hiếu đạo cũng giống như người tích chứa tiền tài trân bảo, còn việc rộng độ chúng sinh cũng giống như mang ra bố thí rộng khắp.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 8 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Đại Bát Niết-bàn


Báo đáp công ơn cha mẹ


Nguyên lý duyên khởi


Mục lục Đại Tạng Kinh Tiếng Việt

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.219.233.54 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (390 lượt xem) - Việt Nam (123 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - ... ...