Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực sự là biểu hiện của sức mạnh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Những căng thẳng luôn có trong cuộc sống, nhưng chính bạn là người quyết định có để những điều ấy ảnh hưởng đến bạn hay không. (There's going to be stress in life, but it's your choice whether you let it affect you or not.)Valerie Bertinelli
Mục đích cuộc đời ta là sống hạnh phúc. (The purpose of our lives is to be happy.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Đừng làm một tù nhân của quá khứ, hãy trở thành người kiến tạo tương lai. (Stop being a prisoner of your past. Become the architect of your future. )Robin Sharma
Tôi không hóa giải các bất ổn mà hóa giải cách suy nghĩ của mình. Sau đó, các bất ổn sẽ tự chúng được hóa giải. (I do not fix problems. I fix my thinking. Then problems fix themselves.)Louise Hay
Hoàn cảnh không quyết định nơi bạn đi đến mà chỉ xác định nơi bạn khởi đầu. (Your present circumstances don't determine where you can go; they merely determine where you start.)Nido Qubein
Sự thành công thật đơn giản. Hãy thực hiện những điều đúng đắn theo phương cách đúng đắn và vào đúng thời điểm thích hợp. (Success is simple. Do what's right, the right way, at the right time.)Arnold H. Glasow
Thành công là tìm được sự hài lòng trong việc cho đi nhiều hơn những gì bạn nhận được. (Success is finding satisfaction in giving a little more than you take.)Christopher Reeve

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Hợp tuyển lời Phật dạy trong Kinh tạng Pali »» Lời Mở Đầu Của Bhikkhu Bodhi »»

Hợp tuyển lời Phật dạy trong Kinh tạng Pali
»» Lời Mở Đầu Của Bhikkhu Bodhi

(Lượt xem: 4.109)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Hợp tuyển lời Phật dạy trong Kinh tạng Pali - Lời Mở Đầu Của Bhikkhu Bodhi

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
Những bài thuyết giảng của Đức Phật được bảo tồn trong kinh tạng Pāli, gọi là Sutta (Kinh), theo tiếng Pāli (Nam Phạn) tương đương với từ Sūtra theo tiếng Sanskrit (Bắc Phạn). Mặc dù kinh tạng Pāli thuộc về một trường phái Phật giáo đặc thù - đó là truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, hay còn gọi là Thượng Tọa Bộ - điều này hoàn toàn không có nghĩa là những văn bản kinh điển này chỉ thuộc về Phật giáo Nguyên thủy. Những văn bản kinh điển này xuất phát từ thời kỳ đầu tiên của lịch sử văn học Phật giáo, một thời kỳ kéo dài khoảng 100 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, trước khi cộng đồng Phật giáo Nguyên thủy phân chia thành nhiều bộ phái khác nhau. Kinh tạng Pāli có nhiều phần tương đương với những trường phái Phật giáo cổ sơ nay đã bị xóa sổ, có những văn bản đôi khi cực kỳ giống với văn bản tiếng Pāli, chỉ khác phần lớn ở bối cảnh và sự sắp xếp, chứ không khác về những điểm giáo lý. Như vậy, những bài kinh, cùng với các văn bản tương đương, tạo thành những công trình ghi chép xưa cổ nhất về lời Phật dạy còn để lại cho chúng ta; đó là những văn bản kinh điển gần sát với sự thật nhất về những gì Đức Phật lịch sử đã thực sự giảng dạy mà chúng ta có thể tìm thấy. Những bài giảng được tìm thấy trong các văn bản đó đã phục vụ như là điểm xuất phát, là nguồn gốc đầu tiên, cho tất cả những dòng suối giáo lý và phương pháp hành trì của Đức Phật luân chuyển qua nhiều thế kỷ. Vì lý do đó, những kinh điển này đã tạo thành di sản chung của toàn bộ truyền thống Phật giáo, và Phật tử thuộc mọi truyền thống muốn tìm hiểu nguồn gốc giáo lý Phật giáo cần phải ưu tiên nghiên cứu học hỏi kinh tạng này thật sâu sát và cẩn trọng.

Trong kinh tạng Pāli, những bài thuyết pháp của Đức Phật được gìn giữ theo từng tuyển tập gọi là Nikāya. Hơn 20 năm qua, những bản dịch mới của bốn bộ kinh Nikāya đã được in và phát hành bằng những ấn bản đẹp, hấp dẫn với giá phải chăng. Nhà xuất bản Wisdom Publications đã đi tiên phong trong bước phát triển này từ năm 1987 khi họ xuất bản bản dịch “Trường Bộ Kinh” (Dīgha Nikāya) của Maurice Walshe. Theo sau bước khởi đầu này, năm 1995, nhà xuất bản Wisdom cho ra đời bản dịch do tôi duyệt lại và ấn hành bản dịch viết tay “Trung Bộ Kinh” (Majjhima Nikāya) của Tỷ-kheo Ñāṇamoli. Sau đó, vào năm 2000 lại cho ra đời tiếp bản dịch mới của tôi về toàn bộ Tương Ưng Bộ Kinh (Saṃyutta Nikāya). Vào năm 1999, dưới dấu ấn của Quỹ Tín Thác Văn Học Cao Quý, AltaMira Press đã xuất bản một hợp tuyển kinh từ Tăng Chi Bộ Kinh (Aṅguttara Nikāya) do cố Đại đức Nyanaponika và tôi phiên dịch. Hiện nay tôi đang tiến hành một bản dịch mới về toàn bộ Tăng Chi Bộ Kinh, dự định dành cho Wisdom Publications xuất bản trong loạt sách về Những Lời Phật Dạy.

Nhiều độc giả đọc những dịch phẩm đồ sộ ấy đã nói với tôi rằng đối với họ các bản dịch mới đã mang lại sức sống cho kinh tạng, điều này làm tôi hài lòng. Tuy nhiên, những độc giả nhiệt tâm muốn tìm hiểu sâu vào đại dương của các bộ kinh Nikāya lại có vài ý kiến khác nữa. Họ nói rằng trong lúc ngôn ngữ của các bản dịch mới giúp họ đọc hiểu kinh tạng dễ dàng hơn nhiều so với các bản dịch cũ, họ vẫn còn phải vất vả tìm kiếm một quan điểm để từ đó có thể thấy được cấu trúc tổng quát của các bài kinh, một bố cục trong đó tất cả bài kinh có thể xếp đặt ăn khớp với nhau. Các bộ kinh Nikāya tự thân không giúp ích gì nhiều về phương diện này, vì sự sắp xếp của kinh hầu như là không theo một trật tự nào, với ngoại lệ đáng ghi nhận là Tương Ưng Bộ Kinh, vì tập kinh này có cấu trúc sắp xếp theo chủ đề.

Trong một loạt bài giảng tôi bắt đầu thực hiện liên tục tại Tu Viện Bodhi, thuộc tiểu bang New Jersey từ năm 2003, tôi soạn thảo một kế hoạch của riêng tôi để sắp xếp lại nội dung của Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya). Kế hoạch này khai mở thông điệp của Đức Phật theo một trình tự tiệm tiến, từ dễ đến khó, từ bước sơ đẳng đến trình độ thâm sâu. Suy nghĩ lại, tôi thấy kế hoạch này có thể áp dụng không những cho Trung Bộ Kinh, mà còn cho bốn bộ kinh Nikāya nói chung. Vì vậy, tập sách này sắp xếp lại các bài kinh được tuyển chọn từ bốn bộ kinh Nikāya, trình bày bố cục theo chủ đề và thứ tự tiệm tiến.

Tập sách này nhắm đến hai đối tượng độc giả. Đối tượng thứ nhất là những người chưa quen thuộc với những bài thuyết pháp của Đức Phật và cảm thấy cần một sự giới thiệu có hệ thống. Đối với những độc giả ấy, bất cứ bộ kinh Nikāya nào cũng có vẻ không rõ ràng và khó hiểu. Cả bốn bộ kinh, thoạt nhìn có vẻ giống như một khu rừng rậm - rối rắm và gây hoang mang, đầy cả những thú hoang chưa hề biết - hay giống như một đại dương mênh mông, đầy sóng gió và cản trở. Tôi hy vọng quyển sách này sẽ phục vụ như một bản đồ, giúp những độc giả ấy dò dẫm đường để ra khỏi khu rừng rậm của kinh điển, hay giống như một chiếc tàu vững chắc đưa họ vượt qua đại dương Phật pháp.

Hạng độc giả thứ hai mà cuốn sách này nhắm đến là những người đã quen thuộc với kinh tạng, mà vẫn chưa biết làm thế nào để các bài kinh này có thể ăn khớp với nhau trong một tổng thể có thể hiểu được. Đối với những độc giả này, họ có thể hiểu được tự thân mỗi bài kinh, nhưng toàn tập kinh giống như những mảnh hình ghép của câu đố trải trên bàn. Một khi độc giả hiểu được bố cục của sách này, họ sẽ có một ý niệm rõ ràng về cấu trúc của lời Phật dạy. Rồi, chỉ cần suy nghĩ một chút, độc giả sẽ có thể xác định được vị trí của bất cứ bài kinh nào trong tòa nhà Phật pháp đồ sộ, dù bài kinh đó có được đưa vào hợp tuyển này hay không.

Hợp tuyển này, hay bất cứ hợp tuyển kinh điển nào khác, tự nó không thể thay thế cho các bộ kinh Nikāya. Hy vọng của tôi có hai hướng, tương ứng với hai hạng độc giả mà tập sách này nhắm đến: Một là những người mới làm quen với văn học Phật giáo Nguyên thủy sẽ tìm thấy tập sách này giúp họ tăng thêm thích thú và khuyến khích họ tìm hiểu sâu hơn về các bộ kinh Nikāya; hai là những độc giả đã có kinh nghiệm về các bộ kinh Nikāya khi đọc xong tập sách này sẽ có một hiểu biết tốt hơn về những bài kinh mà họ đã quen thuộc.

Nếu hợp tuyển này còn nhắm đến một điểm nào khác, thì đó chỉ là chuyển tải tầm vóc rộng lớn của trí tuệ Đức Phật. Trong lúc Phật giáo Nguyên thủy đôi lúc được mô tả như là một phương pháp tu tập để từ bỏ thế tục, trước hết dành riêng cho những nhà tu hành khổ hạnh và những thiền giả; thật ra, những bài kinh xưa cổ của kinh tạng Pāli rõ ràng cho chúng ta thấy trí tuệ và lòng từ bi của Đức Phật đã vươn tới những khía cạnh sâu thẳm của đời sống thế gian, cung cấp cho những người bình thường kim chỉ nam để hành xử đúng đắn và có tri kiến chơn chánh. Không phải chỉ là đức tin tôn giáo dành cho giới xuất gia cao thượng, Phật giáo cổ đại liên quan đến sự hợp tác giữa các gia chủ và tăng chúng trong những nhiệm vụ song hành là duy trì giáo pháp của Đức Phật và hỗ trợ lẫn nhau trong nỗ lực tiến lên trên con đường chấm dứt khổ đau. Để hoàn thành những nhiệm vụ ấy một cách đầy đủ ý nghĩa, Phật Pháp phải cung cấp cho đại chúng sự hướng dẫn, nguồn cảm hứng, niềm vui và nguồn an ủi sâu sắc và vô tận. Phật giáo sẽ không thể thực hiện điều này nếu không trực tiếp đáp ứng những nỗ lực rất nghiêm túc của đại chúng muốn kết hợp nhiệm vụ gia đình và xã hội với nguyện vọng giác ngộ tối thượng.

Hầu hết những bài kinh trong tập sách này được chọn lọc từ các ấn bản của bốn bộ kinh Nikāya như đã nêu trên. Hầu hết các bài kinh đều được duyệt lại, thường thì chỉ có vài thay đổi nhỏ, nhưng đôi lúc cũng có thay đổi lớn, cho phù hợp với sự thay đổi trong hiểu biết của chính tôi về các văn bản kinh và về ngôn ngữ Pāli. Tôi vừa mới phiên dịch một ít bài kinh từ Tăng Chi Bộ Kinh vốn đã không được đưa vào hợp tuyển nêu trên. Tôi cũng đưa thêm một ít bài từ Kinh Udāna (Phật Tự Thuyết) và Itivuttaka (Phật Thuyết Như Vậy). Hai tập kinh nhỏ thuộc về bộ kinh Nikāya thứ năm, tức là Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikāya). Tôi đã dựa trên bản dịch của John D. Ireland, do Hội Xuất Bản Kinh Tạng Phật Giáo Sri Lanka ấn hành, nhưng tôi lại cũng tự ý thay đổi đôi chút cho hợp với ngôn từ và thuật ngữ ưa thích của tôi. Tôi thích chọn những bài kinh bằng văn xuôi hơn là văn vần, vì mang ý nghĩa trực tiếp và cụ thể hơn. Khi một bài kinh kết thúc bằng một thi kệ, nếu bài kệ chỉ nói lại ý nghĩa của đoạn văn xuôi trước đó, thì tôi bỏ qua để khỏi chiếm nhiều trang giấy.

Mỗi chương được mở đầu với lời giới thiệu, trong đó, tôi giải thích những khái niệm quan trọng nhất liên quan đến chủ đề của chương và cố gắng trình bày bằng cách nào những bài kinh tôi chọn đã minh họa cho chủ đề đó. Để làm sáng tỏ những điểm phát sinh từ lời giới thiệu và từ bài kinh, tôi cũng đã đưa vào những chú thích cuối trang. Những điểm này thường được rút từ các bài luận giải cổ điển được cho là của vị luận sư danh tiếng miền Nam Ấn Độ là Acariya Buddhaghosa (Phật Âm), người đã sinh hoạt ở Sri Lanka trong thế kỷ thứ 5 sau Tây lịch. Để cho rõ ràng, chính xác, tôi không đưa vào nhiều chú thích trong tập sách này như đã làm trong những bản dịch khác của tôi về các bộ kinh Nikāya. Những chú thích này cũng không mang tính kỹ thuật như những chú thích trong các bản dịch đầy đủ.

Sau mỗi bài tuyển chọn đều có bảng mục lục sách tham khảo. Phần tham khảo từ văn bản Kinh Trường Bộ và Trung Bộ có ghi tên và số thứ tự của kinh (bằng tiếng Pāli), các trích đoạn từ hai bộ kinh này vẫn giữ nguyên số thứ tự của từng đoạn đã được sử dụng trong Trường Bộ Kinh và Trung Bộ Kinh, vì vậy độc giả nào muốn xác định vị trí của trích đoạn kinh ấy trong toàn bộ bài kinh sẽ có thể tìm thấy dễ dàng. Những mục lục tham khảo của các bài từ Tương Ưng Bộ Kinh được ghi là Saṃyutta và số thứ tự kinh; các bài từ kinh Tăng Chi Bộ Kinh được ghi là Nipāta và số thứ tự kinh (những bài kinh số Một và số Hai cũng ghi các chương trong Kinh Nipāta theo sau là số thứ tự kinh). Bảng mục lục tham khảo các bài từ Kinh Phật Tự Thuyết (Udāna) được ghi là Nipāta và số thứ tự kinh; các bài từ Kinh Phật Thuyết Như Vậy (Itivuttaka) thì chỉ ghi số thứ tự kinh. Tất cả phần mục lục tham khảo đều có phần ghi kinh thuộc tập nào và số trang theo các ấn bản kinh tiêu chuẩn do Hội Kinh Tạng Pāli xuất bản.

Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến Timothy McNeil và David Kittelstrom của nhà xuất bản Wisdom Publications, những người bạn đã động viên tôi tiếp tục công trình này trong khi tôi phải đương đầu với sức khỏe yếu kém trong nhiều khoảng thời gian dài. Sa-di Anālayo và Tỷ-kheo Nyanasobhano đã đọc và nhận xét về những phần giới thiệu của tôi, và John Kelly đã duyệt lại bản thảo của toàn bộ tập sách. Tôi rất biết ơn cả ba bạn đã cho tôi nhiều đề nghị hữu ích. John Kelly cũng đã soạn “bản tham khảo nguồn gốc” xếp vào phần cuối tập sách. Cuối cùng, tôi rất biết ơn các bạn học viên của tôi ở các khóa học tiếng Pāli và Phật Pháp tại Tu viện Bodhi, sự quan tâm nhiệt tình của các bạn đối với giáo lý thuộc bộ kinh Nikāya đã khơi nguồn cảm hứng để tôi thực hiện hợp tuyển này. Tôi đặc biệt tri ân vị Viện chủ tài năng đã sáng lập Tu viện này là Hòa thượng Jen-Chun, người đã vui lòng đón nhận một tu sĩ thuộc một truyền thống Phật giáo khác đến cư trú tại Tu viện của ngài, và là người quan tâm làm chiếc cầu nối giữa hai dòng truyền thừa Bắc tông và Nam tông thuộc Phật giáo Nguyên thủy.

Bhikkhu Bodhi

______________

Lời giới thiệu của người Việt dịch

Với tâm nguyện góp phần nhỏ bé của mình trong việc truyền bá Chánh pháp, tôi vẫn ngày đêm trăn trở với vấn đề: “Làm thế nào để giúp người học Phật tiếp thu giáo pháp từ kinh tạng Pāli dễ dàng hơn?” Đến khi đọc cuốn “In the Buddha’s Words” của Bhikkhu Bodhi, tôi rất mừng vì đã gặp được một cuốn sách quý đáp ứng đúng nguyện vọng của mình.

Đây là cuốn sách đã được các học giả Phật học trên thế giới đánh giá là một trong mười cuốn sách Phật học giá trị nhất hiện nay, với số ấn bản phát hành kỷ lục. Bởi vậy, tôi đã phát nguyện phiên dịch cuốn sách này để giới thiệu với Phật tử Việt Nam một cuốn sách quý, giúp độc giả nắm vững Giáo pháp căn bản của Đức Phật một cách mạch lạc và khoa học.

Trong sách này, Bhikkhu Bodhi đã tuyển chọn những bài kinh tiêu biểu từ Kinh tạng Pāli, sắp xếp lại theo từng chủ đề, với lời giới thiệu và nhận định sâu sắc của ngài trước mỗi chương, nhằm hệ thống hóa giáo lý của Đức Phật một cách rõ ràng, mạch lạc, giúp người học Phật thấy rõ con đường tu tập và kết quả tu tập theo lộ trình từ thấp đến cao, cho đến mục đích tối thượng là giác ngộ giải thoát.

Trong lúc phiên dịch, tôi đã nghĩ đến các bạn trẻ nên đã cố gắng diễn đạt bằng thứ tiếng Việt trong sáng dễ hiểu. Tôi cũng cố gắng Việt hóa một số thuật ngữ Phật học Hán Việt khó hiểu, hoặc chú thích thêm từ ngữ thuần Việt bên cạnh thuật ngữ Hán Việt hoặc ngược lại, để độc giả có thể nhận biết và học hỏi thêm. Tuy nhiên, có một số thuật ngữ Phật học Hán Việt vốn đã rất phổ biến trong giới Phật tử thì tôi vẫn tiếp tục sử dụng.

Trong phần kinh trích giảng, tôi dịch theo bản tiếng Anh của Tỷ-kheo Bodhi, trong đó ngài Bodhi đã lược bớt các phần lặp lại để giúp độc giả khỏi chán nản khi phải đọc phần lặp lại nhiều lần. Dưới mỗi phần kinh trích dẫn, tôi có ghi chú thêm nguồn gốc bài kinh ấy theo bản dịch của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu để độc giả có thể tham khảo thêm.

Mặc dù đã cố gắng hết sức để diễn dịch kinh văn bằng một văn phong dễ hiểu, chắc chắn tôi cũng không tránh khỏi vụng về sai sót do kiến thức còn giới hạn, kính mong các bậc thầy cùng quý vị thiện tri thức vui lòng chỉ giáo để lần sau in lại, cuốn sách sẽ hoàn hảo hơn. Tôi xin chân thành cảm tạ.

Để cuốn sách này có thể đến tay người đọc, trước tiên, tôi xin thành kính tri ân và đảnh lễ giác linh cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, vị thầy đầu tiên của tôi, người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giáo dục Tăng Ni và Phật tử; người đã phiên dịch bộ kinh Nikāya từ Pāli sang tiếng Việt, để lại cho hậu thế một kho tàng Phật học đồ sộ. Nhờ công đức của ngài mà tôi đã được soi sáng trí tuệ, và có một kho tài liệu tham khảo vô giá giúp tôi có đủ duyên lành để phiên dịch cuốn sách này, trong nỗ lực noi gương Hòa thượng Bổn sư, góp phần truyền bá Chánh pháp.

Tiếp đến, tôi xin thành kính tri ân Bhikkhu Bodhi, vị thầy đã dày công phiên dịch các bộ kinh Nikāya từ Pāli sang tiếng Anh và giảng dạy thông qua mạng Internet, để Phật tử khắp thế giới có thể lắng nghe và học tập rất thuận tiện. Những bài giảng của ngài đã giúp tôi mở rộng kiến thức và học được rất nhiều thuật ngữ Phật học tiếng Anh để so sánh tương đương với thuật ngữ Phật học Hán Việt trong lúc phiên dịch sách này. Ngoài ra, ngài Bodhi còn sẵn sàng giải thích những thắc mắc của tôi về các bài giảng của ngài. Ngài cũng đã cấp giấy chứng nhận cho phép tôi được phiên dịch sách này sang tiếng Việt, và rất quan tâm đến việc phát hành bản dịch tiếng Việt này trong cộng đồng Phật tử Việt Nam tại Hoa kỳ.

Tôi cũng xin chân thành cảm tạ Thượng tọa Thích Tâm Hạnh, Tiến sĩ Phật học, giảng sư tại Học Viện Phật Giáo Việt Nam ở Sài gòn và Huế, người đã vui lòng bỏ nhiều thì giờ quý báu để đọc lại bản dịch của tôi và đề nghị một số chỉnh sửa thích hợp.

Cuối cùng, nếu độc giả Việt Nam nào sau khi đọc sách này, cảm thấy kiến thức Phật học của mình được sáng tỏ thêm, tăng trưởng niềm tin vào những lời Phật dạy và tinh tấn thực hành, đạt được nhiều lợi lạc và tiến bộ trên bước đường tu học, thì xin hồi hướng chút công đức này đến tất cả pháp giới chúng sanh. Nguyện cầu tất cả chúng sanh đều được thấm nhuần Chánh pháp và vững vàng tiến bước trên con đường đi đến giác ngộ, giải thoát.

Melbourne, mùa Xuân, tháng 10 năm 2015
Nguyên Nhật Trần Như Mai


    « Xem chương trước «      « Sách này có 14 chương »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phúc trình A/5630


Học Phật Đúng Pháp


Kinh Duy-ma-cật (Hán-Việt)


Nghệ thuật chết

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.142.196.27 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Việt Nam (86 lượt xem) - Hoa Kỳ (62 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - ... ...