Có những người không nói ra phù hợp với những gì họ nghĩ và không làm theo như những gì họ nói. Vì thế, họ khiến cho người khác phải nói những lời không nên nói và phải làm những điều không nên làm với họ. (There are people who don't say according to what they thought and don't do according to what they say. Beccause of that, they make others have to say what should not be said and do what should not be done to them.)Rộng Mở Tâm Hồn
Thành công không được quyết định bởi sự thông minh tài giỏi, mà chính là ở khả năng vượt qua chướng ngại.Sưu tầm
Hoàn cảnh không quyết định nơi bạn đi đến mà chỉ xác định nơi bạn khởi đầu. (Your present circumstances don't determine where you can go; they merely determine where you start.)Nido Qubein
Tôi không hóa giải các bất ổn mà hóa giải cách suy nghĩ của mình. Sau đó, các bất ổn sẽ tự chúng được hóa giải. (I do not fix problems. I fix my thinking. Then problems fix themselves.)Louise Hay
Thiên tài là khả năng hiện thực hóa những điều bạn nghĩ. (Genius is the ability to put into effect what is on your mind. )F. Scott Fitzgerald
Sự giúp đỡ tốt nhất bạn có thể mang đến cho người khác là nâng đỡ tinh thần của họ. (The best kind of help you can give another person is to uplift their spirit.)Rubyanne
Cách tốt nhất để tiêu diệt một kẻ thù là làm cho kẻ ấy trở thành một người bạn. (The best way to destroy an enemy is to make him a friend.)Abraham Lincoln
Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Khi mọi con đường đều bế tắc, đừng từ bỏ. Hãy tự vạch ra con đường của chính mình. (When all the ways stop, do not give up. Draw a way on your own.)Sưu tầm

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» An Sĩ toàn thư - Khuyên người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ »» Chuyện vãng sinh của các vị cao tăng »»

An Sĩ toàn thư - Khuyên người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ
»» Chuyện vãng sinh của các vị cao tăng

Donate

(Lượt xem: 6.346)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


An Sĩ toàn thư - Khuyên người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ - Chuyện vãng sinh của các vị cao tăng

Font chữ:


Ðại sư Tuệ Viễn

Vào đời Tấn có đại sư Tuệ Viễn là người xứ Lâu Phiền, Nhạn Môn, nay thuộc tỉnh Sơn Tây. Ngài học rộng biết nhiều, tuổi trẻ đã thông suốt sách vở thế gian, hiểu sâu Lục kinh của Nho gia.

Khi được nghe Pháp sư Đạo An giảng kinh Bát-nhã, ngài bỗng nhiên bừng tỉnh ngộ, nhân đó liền dứt sạch việc đời, theo hầu ngài Đạo An, chuyên tâm tu học.

Vào niên hiệu Thái Nguyên năm thứ sáu, ngài đến Tầm Dương, thấy phong cảnh Lô sơn yên tĩnh, rộng rãi, có thể là nơi tĩnh tâm dứt duyên trần, ý muốn lưu lại đó, liền cảm ứng thấy thần núi Lô sơn hiện ra trong mộng, trong một đêm nổi lên sấm sét mưa gió, sáng ra bao nhiêu cây gỗ cần để dựng chùa đều tự nhiên có đủ ở vị trí ngài chọn. Quan Thứ sử Hoàn Y phát tâm lo việc xây dựng chùa, nhân việc ấy nên đặt tên là Thần Vận. Lại nhân vì ngài Tuệ Viễn khi mới đến ở về hướng tây, nên chùa mới xây gọi là Đông Lâm, gộp chung lại lấy hiệu là chùa Đông Lâm Thần Vận.

Đại sư thành lập hội niệm Phật là Bạch Liên Xã, từ đó chuyên tâm tu hành, trong ba mươi năm không hề rời núi, không vướng chuyện trần tục, chỉ một lòng hướng về Tây phương Cực Lạc.

Ngài chế ra khí cụ gọi là “liên hoa lậu” để phân chia thời khắc trong ngày, theo đó mà hành trì lễ bái, niệm Phật không sai sót. Những người tham gia Bạch Liên Xã [có đến hơn ba ngàn, trong đó riêng] các vị cao tăng, danh nho là một trăm hai mươi ba người. Tất cả đều chuyên tâm niệm Phật hết sức tinh tấn.

Đại sư đã ba lần được nhìn thấy thánh tướng Tây phương Cực Lạc nhưng lặng lẽ không nói cho ai biết. Mãi đến mười chín năm sau, vào một đêm cuối tháng bảy, ngài nhập định ở đài Bát-nhã, vừa xuất định liền nhìn thấy đức Phật A-di-đà hiện thân giữa vầng hào quang tròn sáng bao trùm khắp cả hư không, có vô số các vị hóa Phật, mỗi vị đều có các Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đứng hầu hai bên. Lại thấy có dòng nước chảy tỏa ra ánh sáng rực rỡ, phân thành mười bốn nhánh, uốn lượn lên xuống, phát ra âm thanh diễn thuyết pháp mầu. Đức Phật A-di-đà dạy rằng: “Ta dùng nguyện lực đến đây để giúp ông thêm tín tâm. Trong bảy ngày nữa, ông sẽ vãng sinh về Cực Lạc.”

Khi ấy, ngài nhìn thấy các vị Phật-đà-da-xá, Tuệ Trì, Tuệ Vĩnh, Lưu Di Dân... đều đứng hầu bên Phật, mới biết họ đã vãng sinh từ trước.

Đại sư hoan hỷ, hôm sau nói với đồ chúng rằng: “Ta từ khi đến tu tập ở đất này, đã ba lần nhìn thấy thánh tướng. Hôm nay lại nhìn thấy, nhất định sẽ sinh về Tịnh độ.”

Đúng bảy ngày sau, Đại sư an nhiên viên tịch trong tư thế tĩnh tọa. Hôm ấy là ngày mồng sáu tháng tám, niên hiệu Nghĩa Hy năm thứ 12.

Ðại sư Tuệ Vĩnh

Đại sư Tuệ Vĩnh sinh vào đời Tấn, quê ở đất Hà Nội. Ngài xuất gia từ năm mười hai tuổi, từng cùng với đại sư Tuệ Viễn theo học Pháp sư Đạo An. Vào năm đầu niên hiệu Thái Nguyên, ngài dừng chân an trụ ở Lô sơn. Quan thứ sử Đào Phạm phát tâm sửa sang ngôi nhà ở của mình thành chùa Tây Lâm, dâng cúng cho ngài làm nơi tu tập. Từ đó ngài dứt sạch mọi trần duyên, chuyên tâm hướng về Cực Lạc.

Niên hiệu Nghĩa Hy năm thứ mười, ngài có bệnh, đang nằm bỗng dưng sửa áo ngay ngắn muốn đứng dậy, tăng chúng đều kinh sợ thưa hỏi, Đại sư nói: “Phật đến đón ta.” Nói xong thì an nhiên thị tịch, có mùi hương lạ tỏa lan, lưu lại đến bảy ngày mới tan hết. Vua Đường Huyền Tông truy phong thụy hiệu cho ngài là Giác Tịch Đại Sư.

Ðại sư Tăng Duệ

Đại sư Tăng Duệ sinh vào đời Tấn, quê ở Ký Châu. Ngài từng đi tham học khắp nơi, đi xa đến tận Ấn Độ, rồi quay về đất Quan Trung, theo ngài La-thập học hỏi nghĩa lý Kinh điển.

Về sau, ngài tham gia vào Bạch Liên Xã do ngài Tuệ Viễn sáng lập ở Lô Sơn, chuyên tâm niệm Phật. Niên hiệu Nguyên Gia đời Lưu Tống, năm thứ 16, ngài đang khỏe mạnh bỗng nói với tăng chúng rằng: “Ta sắp đi rồi.” Nói xong, quay mặt về phương tây, chắp tay cung kính rồi thị tịch. Tăng chúng đều nhìn thấy một đóa sen vàng hiện ra phía trước giường nằm của đại sư, trong chốc lát rồi biến mất, có cụm mây thơm đủ năm màu từ trong phòng ngài bay ra.

Ðại sư Ðạo Kính

Đại sư sinh vào đời Tấn, họ Vương, người xứ Lang Gia. Ông nội ngài là Vương Ngưng Chi, làm quan Thứ sử Giang Châu. Ngài xuất gia với Đại sư Tuệ Viễn, năm mười bảy tuổi đã học thông kinh luận, mỗi ngày có thể ghi nhớ đến hàng vạn câu.

Đại sư tin sâu pháp môn niệm Phật, sớm tối chuyên cần không thời khóa nào bỏ sót. Vào năm đầu niên hiệu Vĩnh Sơ, ngài không bệnh, bỗng nói với tăng chúng: “Thầy ta có lời dạy, đến lúc ta đi rồi.” Nói xong, ngồi đoan nghiêm niệm Phật rồi thị tịch. Tăng chúng đều thấy hào quang sáng rực cả phòng, hồi lâu mới hết.

Ðại sư Tăng Hiển

Đại sư Trúc Tăng Hiển sống vào đời nhà Tấn, đến vùng Giang Đông thì mắc bệnh. Ngài chuyên tâm niệm Phật hướng về Tây phương Cực Lạc, kiên trì giữ đúng thời khóa công phu, không ngại khó khổ. Một hôm bỗng nhìn thấy đức Phật A-di-đà, phóng hào quang chiếu sáng thân mình, bệnh tật trong người liền lập tức dứt hết.

Ngài liền tắm rửa sạch sẽ, kể lại với những người chung quanh những điều đã thấy và khuyên răn việc tin sâu nhân quả, lời lẽ hết sức tha thiết. Sáng sớm hôm sau, ngài tĩnh tọa niệm Phật rồi thị tịch.

Ðại sư Tuệ Quang

Đại sư Tuệ Quang sống vào đời Tề, cư trú ở Lạc Dương, từng soạn các bộ sớ giải kinh Hoa Nghiêm, kinh Niết-bàn, kinh Thập Địa.

Một hôm ngài có bệnh, bỗng nhìn thấy chư thiên nghênh đón. Ngài từ chối, nói: “Tôi chỉ nguyện sinh về một nơi duy nhất là Cực Lạc mà thôi.”

Nói rồi liền chuyên tâm niệm Phật, sau đó liền nhìn thấy hóa Phật hiện ra trên không trung tiếp đón. Ngài quỳ lạy nói: “Nguyện Phật tiếp dẫn.”

Ngài khấn lễ vừa xong thì viên tịch.

Ðại sư Ðạo Trân

Ngài Đạo Trân sống vào đời Lương, tu theo pháp môn Tịnh độ tại Lô Sơn. Có lần, ngài nằm mộng thấy một chiếc thuyền giữa biển đi về hướng tây, liền hỏi thuyền đi đâu. Trên thuyền trả lời là sang nước Cực Lạc. Ngài xin được cùng đi, người trên thuyền nói: “Ông còn chưa gột rửa thân tâm, chưa tụng kinh A-di-đà, nên chưa đến nơi ấy được.”

Đại sư tỉnh dậy từ đó liền chuyên cần gột rửa thân tâm, kiên trì tụng kinh A-di-đà, trải qua nhiều năm không biếng trễ. Về sau, có lần ngài nhìn thấy một cái đài bằng bạch ngân sáng lóa từ trên không trung hạ xuống mặt hồ. Đại sư lặng lẽ ghi nhớ điềm lành ấy nhưng không nói cho ai biết.

Vào một đêm nọ, người trong thôn xóm gần đó bỗng nhìn thấy ở khoảng lưng chừng núi tự nhiên rực sáng như có cả ngàn bó đuốc, ánh sáng phản chiếu qua lại với nhau càng thêm rực rỡ, ai nấy đều cho là có các vua lên núi lễ bái. Sáng hôm sau có người vào núi xem, mới biết Đại sư Đạo Trân đã viên tịch trong đêm.

Ðại sư Ðàm Loan

Đời Hậu Ngụy có Đại sư Đàm Loan, thuở nhỏ từng đến núi Ngũ Đài, cảm sự linh dị mà xuất gia nhưng trong lòng lại ưa thích thuật trường sinh của Đạo giáo, nên có nhận 10 quyển Tiên kinh của Đào Ẩn Cư.

Về sau, ngài được gặp Đại sư Bồ-đề-lưu-chi, thưa hỏi: “Đạo Phật có thuật trường sinh bất tử không?” Ngài Bồ-đề-lưu-chi cười nói: “Trường sinh bất tử chính là của đạo Phật.” Liền truyền cho một quyển kinh Thập Lục Quán, dạy rằng: “Con học được kinh này thì không còn tái sinh trong ba cõi, không còn rơi vào sáu đường luân hồi nữa, còn nói về tuổi thọ thì dù tính số kiếp thạch nhiều như cát sông cũng không bằng được.”

Ngài Đàm Loan hết sức vui mừng, liền đốt sạch Tiên kinh, từ đó chuyên tâm tu theo pháp môn Tịnh độ. Ngài hành trì tinh tấn, quanh năm dù thời tiết mưa nắng, nóng lạnh cũng chưa từng giải đãi chút nào. Vua Ngụy cung kính gọi ngài là Thần Loan.

Một hôm, ngài gặp một vị tăng Ấn Độ đến bảo: “Tôi là Long Thụ, vì cùng chí hướng tu tập với ông nên đến đây gặp mặt.” Ngài Đàm Loan nhân đó tự biết đã đến lúc ra đi, liền tập hợp tăng chúng rồi răn nhắc rằng: “Những nỗi khổ ở địa ngục, các ông không thể không sợ sệt; chín phẩm tòa sen nơi Tịnh độ, các ông không thể không gắng tu.”

Ngài răn nhắc rồi liền dạy đệ tử cùng nhau lớn tiếng niệm Phật. Ngài quay về hướng tây cung kính lễ lạy xong rồi viên tịch. Tăng chúng đều nghe có tiếng nhạc trời vọng từ phương tây dần tới, hồi lâu mới dứt.

Ðại sư Trí Khải

Đại sư Trí Khải sống vào đời Tùy, hiệu là Trí Giả. Từ thuở ấu thơ ngài đã biết lễ bái tượng Phật, gặp chư tăng liền chắp tay cung kính vái chào. Năm lên 18 tuổi, ngài xuất gia tại chùa Quả Nguyện. Về sau lễ bái theo học với thiền sư Nam Nhạc Tuệ Tư.

Ngài từng soạn sớ giải kinh Thập lục quán (Quán kinh), Thập nghi luận và nhiều sách khác để xưng tán, xiển dương pháp môn Tịnh độ.

Vào lúc sắp viên tịch, ngài nói với đệ tử: “Trần duyên đến đây đã dứt.” Nói rồi xướng đề kinh Thập lục quán. Sau đó lại dạy rằng: “Cõi Tây phương Tịnh độ, [nương theo nguyện lực của Phật A-di-đà nên] rất dễ vãng sinh, [chỉ tiếc cho chúng sinh đối với pháp môn này khó tin khó nhận, nên hóa ra vãng sinh] không được mấy người. Ngay khi tướng bánh xe lửa [cõi địa ngục] đã hiện ra, nếu biết khởi tâm cải hối còn được vãng sinh, huống chi người từ lâu tu tập giới định?”

Đệ tử là Trí Lãng thưa hỏi: “Chưa biết đại sư được địa vị thế nào?” Đại sư đáp: “Chỉ được vào hàng ngũ phẩm thôi.” Trong chốc lát lại nói: “Đại sĩ Quán Âm đã đến đón ta.” Nói xong, ngài xưng niệm Tam bảo rồi ngồi an nhiên thị tịch, như người nhập vào thiền định.

Pháp sư Ðăng

Pháp sư Đăng sống vào đời Tùy, khi giảng kinh Niết-bàn ở chùa Hưng Quốc, Tịnh Châu thường khuyên những người đến nghe kinh niệm Phật cầu vãng sinh.

Vào niên hiệu Khai Hoàng năm thứ 12, ngài lâm chung, có mùi hương lạ tỏa lan khắp phòng. Đến lúc nhập quan lại có mây lành và hương thơm ở khắp quanh vùng.

Hòa thượng Thiện Ðạo

Hòa thượng Thiện Đạo sống vào đời Đường. Trong khoảng niên hiệu Trinh Quán, gặp được đạo tràng Cửu Phẩm của thiền sư Đạo Xước ở Tây Hà, hết sức vui mừng ngợi khen rằng: “Đây mới quả thật là pháp môn tiếp dẫn trọng yếu để được về nước Phật.”

Từ đó ngài nỗ lực tu tập, ngày đêm hành trì lễ bái tụng kinh. Mỗi khi ngài nhập thất, quỳ gối niệm Phật đến kiệt sức mới thôi, bất kể thời tiết rét buốt hoặc nóng bức. Lúc đi ra ngoài thì ngài luôn vì người khác giảng pháp Tịnh độ. Ngài tinh tấn như vậy, trong hơn ba mươi năm chưa một lần nào rơi vào trạng thái hôn trầm. Mỗi khi gặp món ăn ngon, ngài mang trả lại nhà bếp để dành cho người khác, còn tự mình chỉ dùng những món ăn đơn sơ, thô kém. Có người cúng dường tịnh tài, ngài sử dụng tất cả vào việc chép kinh A-di-đà, được mười vạn quyển, lại thực hiện các bức vẽ hình tướng Phật và các tích truyện được ghi chép trong Kinh điển, trước sau được ba trăm bức. Những người được Hòa thượng giáo hóa theo về pháp môn Tịnh độ rất đông. Trong số đó có những người tụng kinh A-di-đà lên đến mười vạn lần, hoặc đến năm mươi vạn lần; có người hành trì niệm Phật mỗi ngày đến một vạn Phật hiệu, có người niệm đến mười vạn Phật hiệu. Lại có những người chứng đắc Niệm Phật Tam-muội, có những người được vãng sinh Cực Lạc... số lượng rất nhiều, không thể ghi chép hết.

Hòa thượng có bài kệ khuyên người đời như sau:

Ngày qua ngày da nhăn tóc bạc,
Tháng năm tàn gối mỏi chân run.
Ví như được đầy nhà vàng ngọc,
Cũng làm sao tránh được bệnh suy?
Cứ xem như hưởng muôn khoái lạc,
Cuối cùng rồi chẳng khỏi vô thường.
Chỉ một đường tu hành thẳng tắt,
A-di-đà một niệm thoát trần.

Một ngày nọ, ngài không bệnh, bỗng nhiên nói với mọi người: “Thân xác này thật đáng chán lìa. Nay ta về Tây phương Cực Lạc.” Nói rồi trèo lên cây liễu cao mà thị tịch.

Vua Đường Cao Tông nghe biết sự việc, ban tặng cho ngôi chùa nơi ngài tu tập một tấm biển ngạch lớn đề hai chữ “Quang Minh”.

Pháp sư Thiếu Khang

Pháp sư Thiếu Khang sống vào đời Đường, người xứ Tấn Vân, năm mười lăm tuổi đã học thông các kinh Pháp Hoa, Lăng Nghiêm...

Vào khoảng niên hiệu Trinh Nguyên, ngài nhìn thấy bức văn tự bên trong chùa Bạch Mã phóng tỏa hào quang, liền đến xem mới biết đó là bài văn Hóa đạo Tây phương của Cố hòa thượng Thiện Đạo.

Khi ấy, ngài liền nguyện rằng: “Nếu tôi có duyên cùng pháp môn Tịnh độ, xin phóng quang lần nữa.” Lời nguyện vừa dứt, hào quang liền phóng chiếu chói sáng hơn trước. Ngài liền đến Trường An, chiêm ngưỡng lễ bái nơi thờ di ảnh của Hòa thượng Thiện Đạo, bỗng nhiên nhìn thấy di ảnh bay lên không trung.

Về sau, ngài đến Tân Định khuyên dạy người niệm Phật. Trước tiên chỉ dạy trẻ con, em nào niệm một Phật hiệu thì cho một xu tiền. Thời gian sau thì tăng số lần lên, niệm đủ mười Phật hiệu sẽ cho một xu. [Dần dần mở rộng ra khuyên dạy hết thảy mọi người.] Được hơn một năm thì ở xứ ấy từ trẻ đến già, kẻ giàu người nghèo đều biết niệm Phật.

Ngài lại đến núi Ô Long xây dựng đạo tràng Tịnh độ, khuyến khích mọi người cùng nhau tu học.

Vào niên hiệu Trinh Nguyên năm thứ 21, ngày mồng ba tháng mười, ngài dặn dò lại với đại chúng kẻ tăng người tục, rằng: “Đối với cõi Tịnh độ, nên khởi tâm hâm mộ ưa thích, đối với cõi Ta-bà, nên khởi tâm chán lìa.” Nói xong, ngài phóng hào quang lạ cho mọi người đều nhìn thấy rồi thị tịch.

Ðại sư Hoài Ngọc

Đại sư Hoài Ngọc sống vào đời Đường, quê ở Đài Châu. Ngài thường mặc áo vải thô, mỗi ngày chỉ ăn một bữa, lại thường ngồi không nằm. Ngài tụng kinh A-di-đà đến ba mươi vạn lần, thời khóa niệm Phật mỗi ngày đến năm vạn Phật hiệu.

Vào niên hiệu Thiên Bảo năm đầu tiên, ngài nhìn thấy hình tượng Phật A-di-đà và thánh chúng biến hiện khắp cả hư không, lại thấy một người mang đài sen bạc đến. Đại sư nói: “Ta một đời tinh tấn, nguyện được sinh đài sen vàng, vì sao lại không được?” Ngay khi ấy liền thấy đài sen bạc không còn nữa.

Trải qua hai mươi mốt ngày sau, Đại sư lại nhìn thấy người mang đài hôm trước đến bảo rằng: “Ông đã có sự tinh tấn, được lên hàng Thượng phẩm, nên chuẩn bị tòa ngồi mà đợi.”

Qua ba ngày sau nữa, có hào quang lạ bỗng dưng tỏa chiếu sáng rực trong phòng đại sư, ngài liền nói với đệ tử: “Ta sinh về Tịnh độ.” Nói rồi mỉm cười an nhiên thị tịch.

Quận Thái Thú khi ấy là Đoàn Công có làm bài kệ xưng tán rằng:

Thầy ta một niệm lên sơ địa,
Hai lần nhạc trỗi đón về Tây.
Chỉ riêng một cây hòe trước cửa,
Oằn cành trĩu nặng bởi đài vàng.

Ðại sư Ðạo Ngang

Đại sư Đạo Ngang sống vào đời Đường, quê ở quận Ngụy, thường giảng các kinh Hoa Nghiêm, Địa Luận... lại khuyên người cầu vãng sinh Tây phương Cực Lạc.

Về sau, ngài biết thời điểm vãng sinh, nói trước là vào tháng tám sắp tới, nhưng không ai tin. Đến ngày mồng một tháng tám, ngài không bệnh, bỗng dưng hỏi người chung quanh đã đến giờ ngọ trai hay chưa, rồi lên tòa cao ngồi. Khi ấy, lò hương trầm không người đốt bỗng tự nhiên cháy lên, ngài tụ họp bốn chúng giảng giải Bồ Tát giới. Thuyết pháp vừa xong, bỗng thấy rất nhiều chư thiên hiện ra trên không trung, đàn sáo réo rắt, ngài liền bảo tăng chúng: “Chư thiên cõi trời Đâu-suất đến đón ta, nhưng cõi trời vẫn là gốc sinh tử, không phải tâm nguyện của ta. Ta vốn cầu vãng sinh Tây phương Cực Lạc, không biết vì sao không được toại nguyện.” Trong chốc lát, nhạc trời liền im tiếng, lại thấy có hương thơm, hoa đẹp cùng âm nhạc từ phương tây dần hiện đến, đầy cả hư không, rồi đến xoay quanh trên đỉnh đầu đại sư. Đại chúng nhìn lên chiêm ngưỡng, hết thảy mọi người đều kinh ngạc tán thán. Đại sư nói: “Thánh tướng Tịnh độ đã xuất hiện, ta đi đây.” Vừa nói xong, lư hương bỗng rơi khỏi tay, liền ở ngay trên tòa cao thị tịch.

Ðại sư Tăng Huyễn, Ðại sư Khải Phương, Ðại sư Viên Quả

Đại sư Tăng Huyễn sống vào đời Đường, quê ở Tịnh Châu. Đại sư buổi đầu tu học luôn niệm tưởng đến Bồ Tát Di-lặc, nguyện sinh lên cung trời Đâu-suất. Đến năm chín mươi tuổi mới gặp ngài Đạo Xước, được nghe pháp môn Tịnh độ, liền chuyển tâm niệm Phật A-di-đà, mỗi ngày lễ lạy cả ngàn lượt, chuyên tâm không hề giải đãi.

Sau đó, ngài có bệnh, liền bảo chúng đệ tử rằng: “Ta được đức Phật A-di-đà trao cho tấm y thơm, hai vị Bồ Tát Quán Âm, Thế Chí đều đưa tay báu ra đón. Nay ta đi đây.” Nói xong liền thị tịch, có mùi hương lạ lan tỏa chung quanh, trải qua bảy ngày vẫn chưa tan hết.

Lúc bấy giờ có hai vị pháp sư là Khải Phương và Viên Quả đều chính mắt nhìn thấy Đại sư Tăng Huyễn vãng sinh, liền phát tâm dũng mãnh, nguyện vãng sinh Tây phương.

Cả hai vị đều chuyên tâm niệm Phật suốt cả ngày đêm, không hề bỏ sót. Một hôm bỗng nhìn thấy cảnh hồ bảy báu, ven bờ hồ có Phật A-di-đà và các vị đại sĩ cùng ngồi trên tòa báu. Hai vị cùng đảnh lễ. Đức Phật A-di-đà dạy rằng: “Bất kỳ ai niệm danh hiệu ta, đều được vãng sinh về cõi nước ta.” Lại nhìn thấy có ba bậc thềm báu, trên đó thấy một bậc chỉ toàn những người cư sĩ, một bậc gồm nửa tăng, nửa tục, còn một bậc chỉ thuần các vị tăng, tất cả đều là những người đã chí tâm niệm Phật được vãng sinh.

Năm ngày sau đó, bỗng nghe có tiếng chuông, cả hai vị pháp sư đều cùng lúc thị tịch.

Ðại sư Thọ Hồng

Đại sư Thọ Hồng sống vào đời Đường, quê ở Phần Dương. Ngài chuyên tâm niệm Phật, cầu vãng sinh Tây phương Cực Lạc. Đến lúc lâm chung nhìn thấy đồng tử từ cõi trời Đâu-suất đến nghênh tiếp. Đại sư nói: “Ta nguyện vãng sinh Tây phương, không muốn sinh lên cõi trời.” Liền bảo đại chúng cùng niệm Phật. Không lâu sau, Đại sư bỗng nói: “Phật từ Tây phương đến.” Nói xong liền viên tịch.

Ðại sư Ðại Hạnh

Đại sư Đại Hạnh sống vào đời Đường, cư trú ở Thái Sơn, tu tập sám pháp Phổ Hiền trong suốt ba năm, cảm ứng Bồ Tát Phổ Hiền hiện thân.

Lúc tuổi già, Đại sư đứng trước Tạng kinh phát nguyện rồi đưa tay rút ngẫu nhiên một quyển, nhằm quyển kinh A-di-đà. Từ đó, Đại sư ngày đêm chuyên tâm trì tụng, được hai mươi mốt ngày thì nhìn thấy mặt đất bằng lưu ly, bên trên có đức Phật A-di-đà và các vị Bồ Tát hiện thân.

Vua Đường Hy Tông nghe biết chuyện ấy, ban chiếu thỉnh Đại sư vào cung, tôn xưng hiệu là Thường Tinh Tấn Bồ Tát.

Một năm sau đó, Đại sư lại nhìn thấy đất bằng lưu ly hiện ra, ngay trong ngày hôm ấy liền thị tịch, có mùi hương lạ tỏa lan quanh đó suốt tuần, nhục thân để lại không hư hoại.

Ðại sư Minh Chiêm

Đại sư Minh Chiêm sống vào đời Đường, đến tuổi già mới lập nguyện vãng sinh Cực Lạc, chuyên tâm niệm Phật không thôi. Có người ngờ rằng Đại sư đã quá già, việc tu niệm Phật e rằng đã trễ. Đại sư nói: “Người niệm mười niệm thành công còn được gặp Phật, huống chi ta có gì phải lo?”

Về sau, Đại sư có bệnh, bày tiệc chay ở chùa Hưng Thiện để từ biệt hết kẻ tăng người tục. Lúc bấy giờ, quan Bộc xạ Phòng Huyền Linh cùng Đỗ Như Hối đều có mặt.

Đến lúc vừa quá ngọ, Đại sư chỉnh trang y phục, tư thế nghiêm trang, bắt đầu niệm Phật. Trong chốc lát đã vội nói: “Đức Phật đến rồi, cả hai vị đại sĩ cũng đến.” Liền đứng thẳng người chắp tay cung kính rồi thị tịch.

Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ

Đại sư Vĩnh Minh sống vào thời Ngô Việt, người ở huyện Dư Hàng. Ban đầu, ngài làm quan giữ kho của huyện, nhân đó thường tự ý xuất tiền bạc trong kho đến Tây Hồ mua tôm cá... các loại vật mạng để phóng sinh. Sự việc bị phát hiện, y theo luật pháp phải chịu tử hình. Ngài nghe báo tin, vui mừng nói: “Lần này tuy phải chết nhưng tôi nhất định được sinh về Tây phương Cực Lạc, bởi số lượng vật mạng tôi đã phóng sinh nhiều đến nỗi không thể biết đã đến bao nhiêu ngàn vạn...”

Tiền Mục Vương [nghe biết rõ sự việc liền] đặc biệt ban lệnh đặc xá cho ngài, thuận cho phép xuất gia theo ý nguyện, lại ban cho tên hiệu là Diên Thọ.

Ngài xuất gia theo học với thiền sư Tứ Minh Thúy Nham, tham học thêm với Thiều Quốc sư ở núi Thiên Thai, nhận biết được ý chỉ tâm yếu của Thiền tông.

Về sau, ngài về trụ trì chùa Vĩnh Minh, chuyên tu theo pháp môn Tịnh độ, thực hành nhiều phước nghiệp. Mỗi buổi tối ngài một mình vào núi đi kinh hành niệm Phật, người quanh đó đều nghe có tiếng nhạc trời giữa không trung. Vua Ngô Việt là Trung Ý Vương [Tiền Hoằng Thục] xưng tán rằng: “Từ xưa, những người cầu vãng sinh Tây phương chưa có ai được chuyên tâm tha thiết đến như vậy.” Vua liền cho xây điện Tây Phương Hương Nghiêm để thành tựu chí nguyện của ngài.

Vào niên hiệu Khai Bảo năm thứ 8, ngày 26 tháng 2, sáng sớm ngài đốt hương cáo chúng, xong ngồi kiết già mà tịch.

Về sau, có một vị tăng đến từ Lâm Xuyên, ở lại đó và hằng ngày đều cung kính đi nhiễu quanh tháp của Đại sư, trải qua nhiều năm như vậy. Có người thấy lạ hỏi nguyên do, vị tăng ấy đáp: “Tôi có lần bị bệnh suýt chết, thần thức đã xuống đến âm ty, nhìn thấy điện bên trái có tượng một vị tăng, Diêm vương mỗi ngày hai buổi đều cung kính lễ bái. Tôi hỏi thầm một người về pho tượng, người ấy nói: “Đó là thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ ở Hàng Châu. Ngài đã vãng sinh Tây phương Cực Lạc vào hàng thượng phẩm, Diêm vương kính trọng đức hạnh của ngài nên lễ kính.”

Ðại sư Chí Thông

Đại sư Chí Thông, họ Thạch, sống vào đời Tấn, người huyện Phụng Tường. Nhân gặp được nghi thức tu tập Tịnh độ của Đại sư Trí Giả, ngài hết sức vui mừng thích thú. [Để tỏ lòng tôn kính nên] từ đó không bao giờ quay mặt về hướng tây khạc nhổ, không bao giờ ngồi quay lưng về hướng tây. Đại sư hết lòng chuyên tâm niệm Phật.

Về sau, ngài nhìn thấy tướng bạch hạc, khổng tước hiện thành hàng, bay quanh đến hướng tây thì hạ xuống, lại thấy có hoa sen nở ra khép lại ngay trước mặt mình. Đại sư liền nói: “Bạch hạc với khổng tước, đều là cảnh ở Tịnh độ. Hoa sen tỏa sáng, đó là nơi ta được sinh về. Tịnh độ đã hiển hiện tại đây rồi.” Ngay khi ấy ngài liền lễ Phật rồi thị tịch.

Vào lúc trà-tỳ nhục thân, có mây lành năm sắc hiện ra che phủ bên trên thân ngài. Trà-tỳ xong, nhìn thấy xá lợi xếp thành hàng rất nhiều.

Pháp sư Viên Tịnh Thường

Pháp sư Viên Tịnh Thường sống vào đời Tống, quê ở Tiền Đường, xuất gia từ năm bảy tuổi.

Vào khoảng niên hiệu Thuần Hóa, Đại sư ở chùa Nam Chiêu Khánh, rất mến mộ đạo phong của Đại sư Tuệ Viễn nơi Lô Sơn trước đây, phát tâm trích huyết chép một phẩm Tịnh Hạnh trong kinh Hoa Nghiêm để tỏ lòng thành, hồi hướng vãng sinh Tây phương Cực Lạc.

Ngài lập Hội niệm Phật [giống như Đại sư Tuệ Viễn trước đây,] các quan đại phu tham gia vào Hội đều tự xưng là đệ tử Tịnh Hạnh. Trong số đó, Văn Chính Công Vương Đán là người đứng đầu. Có lúc, các vị công khanh quan chức tham gia Hội lên đến 120 người, các vị tỳ-kheo nhiều đến cả ngàn người.

Quan Hàn lâm là Tô Dị Giản viết bài tựa cho phẩm kinh Tịnh Hạnh, có đoạn rằng: “Tôi sẵn lòng trải tóc lót dưới chân người, khoét thịt trong thân để cầu được nghe pháp, quyết không từ nan, huống gì chút học thức thô lậu cạn cợt này, lẽ nào lại tiếc giữ.”

Vào niên hiệu Thiên Hy năm thứ tư, ngày 12 tháng giêng, ngài đoan nghiêm ngồi niệm Phật. Không lâu, bỗng nói rằng: “Đức Phật đến rồi.” Liền an nhiên thị tịch.

Ðại sư Tịnh Quán

Đại sư Tịnh Quán sống vào đời Tống, tu tập nơi am Tịch Quang ở Gia Hòa. Ngài tu tập hành trì sám pháp Tịnh Độ trải qua hơn mười năm. Một hôm, ngài gọi đệ tử bảo rằng: “Qua hai mươi bảy ngày nữa, ta sẽ đi.”

Hai ngày trước kỳ hạn ấy, Đại sư bỗng nhìn thấy hoa sen hồng hiện ra. Qua hôm sau lại thấy hoa sen vàng, hiện đầy khắp quanh phòng, mỗi đóa sen đều có một đồng tử hóa thân ngồi trên, có dải lụa đẹp thắt quanh lưng. Sang ngày tiếp theo vừa đúng kỳ hẹn, ngài đến trước bàn thờ Phật ngồi nghiêm trang, bảo đại chúng niệm Phật, trong giây lát liền thị tịch.

Sám chủ Từ Vân

Đại sư Tuân Thức được người đương thời tôn xưng là Từ Vân Sám chủ, sống vào đời Tống, quê ở Đài Châu, huyện Lâm Hải. Ngài học theo công hạnh người xưa, nổi danh khắp cả hai vùng Chiết Đông và Chiết Tây.

Đại sư chuyên tu pháp môn Tịnh độ, thường hành trì pháp Tam-muội Bát-chu, trải qua chín mươi ngày đêm không ngủ nghỉ, da dưới hai bàn chân rách cả, lại liên tục nôn ra máu. Đến đêm, Đại sư nằm mộng thấy Bồ Tát Quán Thế Âm đưa tay chỉ vào miệng, lại dùng nước cam lộ rảy lên thân, liền cảm thấy thân tâm mát mẻ, bệnh tật đều tiêu mất.

Đại sư có soạn các sách Tịnh độ quyết nghi hạnh nguyện và Tịnh độ sám pháp, lưu hành khắp nơi.

Vào ngày Đại sư viên tịch, ngài dâng hương lễ Phật, phát nguyện vãng sinh Tây phương Cực Lạc, đến tối thì viên tịch. Nhiều người đều nhìn thấy một ngôi sao lớn rơi xuống ngọn núi Linh Thứu.

Thiền sư Viên Chiếu Tông Bản

Thiền sư Tông Bản sống vào đời Tống, quê ở huyện Vô Tích, Thường Châu. Buổi đầu ngài tham học với thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài, khi niệm Phật có phần nhận hiểu tỉnh ngộ. Sau dời đến Tịnh Từ, rồi lại phụng chiếu đến Đông kinh, vào cung vua để giảng về yếu chỉ thiền học. Tuy vậy, thường ngày ngài vẫn âm thầm tu theo Tịnh độ.

Pháp sư Lôi Phong có lần xuất thần đến được cõi Cực Lạc, nhìn thấy một đóa sen rất đẹp liền hỏi, có người đáp: “Hoa ấy đợi thiền sư Tông Bản sinh về.”

Lại có lần Tư Phúc Hy Công tìm đến lễ bái ngài rồi dâng cúng vàng, có người hỏi nguyên do, ông nói: “Tôi nhập định nhìn thấy một đóa hoa sen vàng, có người nói là đợi ngài Tông Bản vãng sinh. Lại thấy vô số những hoa sen khác, trong đó có những hoa bị héo úa, có người nói: Đó là những người đã thối tâm sa đọa. Nhân đó tôi liền hỏi: Ngài Tông Bản vốn tu theo Thiền tông, vì sao được nêu tên nơi Tịnh độ? Có người đáp rằng: Tuy ở trong Thiền tông nhưng ngài vẫn kiêm tu Tịnh độ.”

Về sau, đến thời điểm lâm chung, ngài an nhiên ngồi ngay ngắn thị tịch. Vua ban tên thụy là Viên Chiếu Thiền sư.

Ðại sư Cửu Pháp Hoa

Đại sư Khả Cửu sống vào đời Tống, cư trú ở Minh Châu. Ngài thường tụng kinh Pháp Hoa, phát nguyện vãng sinh về Tịnh độ, nên người đời gọi ngài là Đại sư Cửu Pháp Hoa.

Vào niên hiệu Nguyên Hữu thứ 8, Đại sư đã 81 tuổi, một hôm ngồi ngay ngắn thị tịch. Qua ba hôm sau bỗng sống lại, bảo mọi người rằng: “Ta đã thấy cảnh Tịnh độ, so với trong kinh mô tả đều phù hợp, trên mỗi đài sen đều có nêu tên người sẽ được sinh về. Ta có thấy một đài sen vàng ghi tên Huân Công ở viện Quảng Giáo, phủ Thành Đô, lại có một đài ghi tên Tôn Thập Nhị Lang ở Minh Châu, một đài nữa ghi tên Khả Cửu. Ngoài ra còn thấy một đài bạc ghi tên Từ Đạo Cô ở Minh Châu.” Nói xong liền thị tịch.

Năm năm sau, Từ Đạo Cô viên tịch, có hương thơm lạ lan tỏa khắp phòng.

Mười hai năm sau, Tôn Thập Nhị Lang qua đời, người ta nghe có tiếng nhạc trời nghênh đón, đều đúng như Đại sư đã báo trước.

Việc hoa sen nơi Cực Lạc sẵn đề tên, có người nghi hoặc cho là khó tin. Nhưng xét đến việc Đại sư ngồi mà thị tịch, rồi sống lại mà nói trước việc của nhiều năm sau đều đúng thật, như thế lẽ nào chưa đủ để tin sao?

Ðại sư Tiệt Lưu

Đại sư họ Tưởng, tên Hạnh Sách, là con thứ tám của quan Tư Nông ở Nghi Hưng vào cuối đời Minh.

Cha ngài được tôn xưng là Tiên sinh Lộc Trường, một hôm nằm mộng thấy Đại sư Hám Sơn đi thẳng vào phòng ngủ, bỗng dưng có người đến báo tin vợ ông là Dương phu nhân đã sinh con trai, sau này chính là Đại sư.

Năm ngài được 18 tuổi thì mất cha. Tang lễ vừa xong, ngài xin theo Hòa thượng Nhược Am xuất gia. Về sau, ngài nhận lời thỉnh của viện Phổ Nhân ở Ngu Sơn, đến đó xiển dương pháp môn Tịnh độ. Ngài đặt ra thời khóa sáu thời niệm Phật mỗi ngày, đều đặn một vạn Phật hiệu, dù bận rộn đến đâu cũng không bỏ sót.

Đại sư có soạn một tập Liên Tạng, nội dung khuyên răn những người xuất gia.

Vào niên hiệu Khang Hy năm thứ 19, ngày mồng 9 tháng 7, Đại sư không bệnh, an nhiên ngồi ngay ngắn thị tịch.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 18 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Thượng


Tổng quan về các pháp môn trong Phật giáo Tây Tạng


Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở


Chuyện Phật đời xưa

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 44.222.131.239 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước ... ...

Việt Nam (310 lượt xem) - Hoa Kỳ (40 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - ... ...