Hãy cống hiến cho cuộc đời những gì tốt nhất bạn có và điều tốt nhất sẽ đến với bạn. (Give the world the best you have, and the best will come to you. )Madeline Bridge
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Chấm dứt sự giết hại chúng sinh chính là chấm dứt chuỗi khổ đau trong tương lai cho chính mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Bất lương không phải là tin hay không tin, mà bất lương là khi một người xác nhận rằng họ tin vào một điều mà thực sự họ không hề tin. (Infidelity does not consist in believing, or in disbelieving, it consists in professing to believe what he does not believe.)Thomas Paine
Không có sự việc nào tự thân nó được xem là tốt hay xấu, nhưng chính tâm ý ta quyết định điều đó. (There is nothing either good or bad but thinking makes it so.)William Shakespeare
Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc. (Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou
Hãy học cách vui thích với những gì bạn có trong khi theo đuổi tất cả những gì bạn muốn. (Learn how to be happy with what you have while you pursue all that you want. )Jim Rohn
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Chánh niệm (Giảng bằng ngôn ngữ thông thường) »» Chương 13: Chánh Niệm- (Sati) »»

Chánh niệm (Giảng bằng ngôn ngữ thông thường)
»» Chương 13: Chánh Niệm- (Sati)

(Lượt xem: 8.123)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Chánh niệm  (Giảng bằng ngôn ngữ thông thường) - Chương 13: Chánh Niệm- (Sati)

Font chữ:

Tiếng Pali là "Sati". Tiếng Anh dịch là “Mindfulness”, có nghĩa là sự chú ý, sự chú tâm. Tiếng Việt cũng dịch là sự chú tâm hay sự chánh niệm .
Sati hay chánh niệm là một hành vi. Chính xác nó là gì? Dường như không có câu trả lời chính xác, ít nhất là về mặt ngôn từ. Ngôn từ được chế ra theo những mức độ biểu tượng của tâm thức, và chúng mô tả những thực tại theo cách xử lý của tư duy biểu tượng. Chánh niệm thì có trước biểu tượng.
Chánh niệm không bị dính vào lý lẽ hay lô-gíc. Tuy nhiên, chánh niệm có thể được trải nghiệm - đúng hơn là dễ dàng được trải nghiệm - và nó có thể được miêu tả, mặc dù bạn đã biết ngôn từ miêu tả chỉ giống như những ngón tay chỉ mặt trăng, chứ không phải là mặt trăng. Ngôn từ là phương tiện để chỉ dẫn, để mô tả về hiện thực, nhưng bản thân chủng không phải hiện thực. Sự trải nghiệm đích thực vượt qua ngôn từ và vượt trên những biểu tượng. Sự chánh niệm có thể được mô tả bằng những thuật ngữ hoàn toàn khác so với cách diễn đạt trong quyển sách này. Tuy nhiên, mỗi cách mô tả (tùy theo mỗi người) có thể vẫn là đúng.

Chánh niệm là một tiến trình tinh tế mà bạn đang sử dụng ngay giây khắc hiện tại. Khi chúng ta nói rằng “chánh niệm là vượt qua và vượt trên ngôn từ” thì không có nghĩa là nó không có thật - mà là ngược lại. Chánh niệm là một thực tại làm khởi sinh ra ngôn từ - Và ngôn từ theo sau đó chỉ là cái bóng mờ xám xịt của thực tại mà thôi. Vì vậy, bạn cần nhớ rõ rằng những điều diễn đạt sau đây chỉ tương tự như những hình bóng của thực tại của chánh niệm. Không bao giờ chúng ta (có thể) định nghĩa hay hiểu được chánh niệm một cách hoàn hảo. Nó luôn luôn vượt trên ngoài lô-gíc của ngôn ngữ. Nhưng bạn có thể trải nghiệm nó!. Kỹ thuật thiền được gọi là Thiền Tuệ Minh Sát (vipassana) đã được chính Đức Phật chỉ dạy cách đây hơn 25 thế kỷ. Đó là một hệ thống những cách thức tu tập các hành vi của tâm nhằm mục đích trải nghiệm được [đạt được] sự Chánh Niệm liên tục và không gián đoạn.

Ban đầu khi bạn ý thức về cái gì, thì có một sự tỉnh giác thuần khiết lướt qua rất nhanh, ngay trước khi bạn khái niệm hóa nó, trước khi bạn nhận định nó (bằng khái niệm). Đó là giai đoạn Chánh Niệm. Thông thường, giai đoạn này rất ngắn ngủi. Khoảng khắc đó như một cái chớp trong giây ngay khi bạn chú mắt nhìn vào sự vật, ngay khi bạn chú tâm mình vào sự vật, ngay trước khi bạn “đối tượng” nó, kiểm duyệt nó và tách nó ra khỏi thực tại. Điều đó xảy ra ngay trước khi bạn bắt đầu nghĩ về nó - trước khi tâm bạn nói rằng: "Àh, đó là con chó". Cái giây khắc tập-trung- nhẹ-nhàng trôi qua của sự tỉnh giác thuần khiết đó chính là sự Chánh Niệm.

Ngay lúc cái sát-na-tâm ngắn ngủi chớp qua, bạn trải nghiệm một sự vật như một thứ không-là-sự- vật vậy. Bạn trải nghiệm một giây khắc trôi qua nhẹ nhàng của sự trải nghiệm thuần khiết gắn chặt với phần còn lại của thực tại, không tách rời khỏi thực tại. Chánh Niệm giông giống như cái nhìn bao quát, ngược lại với cái nhìn tập trung vào một tiêu điểm hay mục tiêu như những sự nhìn thông thường. Mặc dù như vậy, cái giây khắc của sự tỉnh giác nhẹ nhàng và bao quát đó hàm chứa một sự “biết” rất sâu sắc mà nó sẽ mất đi ngay khi bạn ‘nhắm’ tâm vào đối tượng và biến [đối tượng hóa] đối tượng đó thành một sự vật. Trong tiến trình nhận thức bình thường, bước Chánh Niệm xảy ra rất nhanh, không thể nào nhìn thấy được. Thói quen lâu ngày của chúng ta chỉ lãng phí sự chú tâm vào những bước còn lại, đó là: tập trung vào sự nhận thức, nhận biết sự nhận thức [tưởng], và hơn hết là dính mắc lâu dài vào cái quá trình ý nghĩ dùng biểu tượng để nghĩ về cái sự vật đó. Vì vậy, cái giây khắc nguyên sơ ban đầu của sự Chánh Niệm đã bị trôi qua mất một cách nhanh chóng. Mục đích của Thiền Minh Sát là huấn luyện cho chúng ta khả năng kéo dài những giây phút tỉnh giác và chánh niệm đó. (Giúp chúng ta phát triển năng lực tỉnh giác và chánh niệm liên tục, không gián đoạn).

Khi sự Chánh Niệm được kéo dài bằng cách áp dụng những kỹ thuật thiền đúng đắn, bạn sẽ thấy được sự trải nghiệm này là rất sâu sắc và nó có thể thay đổi toàn bộ cách nhìn của bạn về thế giới. Nhưng sự trải nghiệm này cần phải được học tập và thực hành một cách đều đặn và chuyên chú. Mỗi khi bạn học tập kỹ thuật thiền này, bạn sẽ thấy được sự Chánh Niệm có nhiều đặc tính rất hay và thú vị.

• Những Đặc Tính Của Sự Chánh Niệm

(1) Chánh niệm là tư duy-phản chiếu (như tấm gương vậy). Nó phản chiếu trung thực cái gì đang diễn ra ngay giây khắc hiện tại, và phản chiếu một cách chính xác cách nó đang diễn ra. Một cách khác quan, không thiên kiến.

(2) Chánh niệm là sự quan sát không phán xét. Đó là khả năng của tâm quan sát hiện tượng mà không phê bình. Với khả năng đó, chúng ta nhìn mọi sự vật mà không phê phán hay xét xử gì cả. Nhìn một cách khác quan. Ta không ngạc nhiên gì cả. Ta chỉ đơn giản chú ý vào những sự việc hiện tượng một cách chính xác như nó là, đúng như những trạng thái tự nhiên của nó. Ta không quyết định và không phán xét. Ta chỉ quan sát. Bạn nên lưu ý rằng khi chúng tôi nói, "Ta không quyết định và không phán xét", thì có nghĩa là các thiền sinh cần quan sát những trải nghiệm giống y như cách những nhà khoa học quan sát một đối tượng dưới kính hiển vi mà không hề có một nhận biết trước, hay khái niệm trước, hay sự phỏng đoán nào trước. Chỉ nhìn thấy nó đích thực như-nó-là. Thiền sinh cũng nhận biết lẽ thật của “vô thường, khổ và vô ngã" trong mọi sự sống theo cách nhìn giống như vậy.

Về mặt tâm lý học, chúng ta không thể nào quan sát (được) một cách khách quan sự việc đang diễn ra trong tâm nếu chúng ta không đồng thời chấp nhận những trạng thái tâm đồng khởi sinh. Điều này đặc biệt đúng đối với những trạng thái tâm không dễ chịu và tiêu cực. Ví dụ, để quan sát sự sợ sệt của chúng ta thì chúng ta phải chấp nhận sự thật là chúng ta đang sợ sệt. Chúng ta không thể nào xem xét sự phiền não của mình nếu không chấp nhận là mình đang bị phiền não, đè nén. Lý này cũng đúng đối với những trạng thái kích động và bất an, thất vọng và bực tức, và tất cả những trạng thái xúc cảm khó chịu [khổ thọ] của tâm. Chúng ta không thể nào quan sát một sự vật một cách trọn vẹn nếu chúng ta bận rộn xem xét hay chỉ lo xem nó có mặt hay không. Dù bạn có được sự trải nghiệm thế nào đi nữa, thì sự Chánh Niệm cũng đơn giản chấp nhận nó. Sự trải nghiệm đó dù là thế nào thì nó cũng chỉ là một sự việc khác trong chuỗi những sự việc diễn ra trong sự sống, chỉ là một sự việc khác để chúng ta tỉnh giác và chánh niệm. Không vinh, không nhục, không có vấn đề cá nhân nào ở đây. Không tự hào, không xấu hổ--cái gì ở đó, thì là đó. (Có sao thấy vậy).

(3) Chánh niệm là sự quan sát vô tư. Nó không thiên vị về phía nào. Nó không dính mắc vào cái được nhận thức [tưởng]. Nó tự nhận thức. Chánh niệm không ngã theo những trạng thái tâm tốt, sướng. Nó cũng không cố tránh né những trạng thái tâm xấu, khổ. Không chấp thủ cái dễ chịu, cũng không trốn tránh cái khó chịu. Chánh niệm nhìn tất cả các trạng thái tâm một cách bình đẳng như nhau, đối với mọi ý nghĩ [hành] đều bình đẳng, đối với mọi cảm giác [thọ] đều bình đẳng. Không thứ nào được nhấn mạnh. Không thứ nào bị bỏ qua. Chánh niệm không chơi trò chọn lựa, ưu ái, thiên vị.

(3) Chánh niệm là sự tỉnh giác không khái niệm. Một cách dịch khác của từ "Sati" là sự "chú tâm thuần khiết' hay sự "chú tâm hoàn toàn"24, sự "thuần chú tâm, không pha tạp...” Nó không phải là sự nghĩ. Nó không liên quan đến ý nghĩ hay những khái niệm. Nó cũng không dính líu gì đến những ý tưởng hay ý kiến hay ký ức. Nó chỉ là sự nhìn. Chánh niệm ghi nhận những trải nghiệm, nhưng nó không đối đãi so sánh chúng. Chánh niệm không đặt tên dán nhãn hay phân loại chúng. Chánh niệm chỉ quan sát mọi sự như nó mới đang xảy ra lần đầu tiên. Chánh niệm không phải là sự phân tích dựa vào phản ảnh hay bằng bộ nhớ ý ức. Mà nó là sự trải nghiệm trực tiếp và tức thì về bất kỳ cái gì đang diễn ra, mà không qua trung gian ý nghĩ. Chánh niệm có mặt trước ý nghĩ trong tiến trình nhận thức.

(4) Chánh niệm là sự tỉnh giác ngay trong giây khắc hiện tại. Nó xảy ra ngay tại đây và ngay bây giờ. Nó là sự quan sát vào cái đang diễn ra ngay bây giờ, ngay trong giây phút hiện tại. Chánh niệm có mặt mãi mãi trong giây phút hiện tại, nó luôn luôn và luôn luôn hiện diện ngay trên đầu ngọn sóng của thời gian đang-đi-qua. (Chỉ một sát-na trước nó là quá khứ, một sát-na sau nó thì vẫn là tương lai).

Nếu bạn đang nhớ về một cô giáo dạy tiểu học của mình, thì đó là ký ức, là sự nhớ. Nhưng khi bạn tỉnh giác (biết) rằng mình đang nhớ về cô giáo dạy tiểu học, thì đó là chánh niệm. (Sự nhớ của mình đang xảy ra trong giây phút hiện tại, và mình đang chánh niệm về cái sự nhớ đó đang diễn ra, chứ không phải đang niệm nhớ về cô giáo trong quá khứ). Còn nếu sau đó bạn hình thành khái niệm về tiến trình tâm đó và nói với mình rằng, "À, tôi đang nhớ", thì đó là sự nghĩ.

(5) Chánh niệm là sự tỉnh giác vô ngã. (Không có cái ‘tôi’ là tác nhân hay tha nhân trong nó). Nó xảy ra không liên quan gì đến cái ‘tôi’ hay cái ‘ngã’ nào cả. Với sự Chánh Niệm, ta nhìn mọi hiện tượng mà không dính dấp gì với cái 'tôi', cái 'của tôi' hay 'cái của tôi'. Lấy ví dụ trước đây về sự đau ở chân trái. Tâm thức bình thường có lẽ nói: "Tôi bị đau." Dùng Chánh niệm thì ta có thể thấy rằng cảm nhận đó chỉ đơn giản là một sự cảm nhận. Ta không nên gắn thêm cái khái niệm 'Tôi' vào nó. Chánh niệm ngăn ta không thêm vào hay bớt đi bất cứ thứ gì khỏi sự nhận thức. Ta không đề cao bất cứ điều gì. Không nhấn mạnh bất cứ điều gì. Ta chỉ quan sát một cách chính xác cái gì đang ở đó—không xuyên tạc, không làm méo mó, không làm sai khác.

(6) Chánh niệm là sự tỉnh thức không mục tiêu, không cầu vọng. Trong chánh niệm, chúng ta không cố mong cầu kết quả. Ta không cố gắng thành tựu hay chứng đắc một cái gì cả. Khi một người có chánh niệm, thì người ấy trải nghiệm thực tại ngay trong giây phút hiện tại với trạng thái trung thực của nó. Thực tại thế nào, trải nhiệm thế đó. Không có gì để hoàn thành hay đắc đạt cả. (Vô sở cầu, vô sở đắc). Chỉ có sự quan sát mà thôi.

(7) Chánh niệm là sự tỉnh giác [ý thức, thấy biết] về sự thay đổi. Vì nó luôn đang quan sát những dòng trải nghiệm đang trôi qua. Nó đang quan sát mọi hiện tượng ngay lúc chúng đang biến đổi. Chánh niệm nhìn xem sự sinh, sự phát triển, và tan biến vủa mọi hiện tượng. Nó quan sát sự “sinh, trưởng, lão, hoại, diệt” của mọi sự sống. Nó nhìn xem mọi sự vật hiện tượng tàn hoại và chết đi. Chánh niệm quan sát mọi sự thể trong từng khoảng khắc, một cách liên tục. (Mà mọi sự thể trên thế giới thì luôn luôn biến đổi liên tục trong từng sát-na thời gian. Vì vậy, chánh niệm luôn thấy-biết rõ rệt về từng sự biến đổi đang xảy ra trong từng giây-khắc-hiện-tại). Nó quan sát tất cả mọi hiện tượng— thân, tâm, xúc cảm—bất cứ điều gì đang diễn ra trong tâm chúng ta. Ta chỉ cần ngồi lại và nhìn xem màn diễn đang diễn ra. Chánh niệm là sự quan sát bản chất căn bản của mỗi hiện tượng đang diễn qua. Nó quan sát hiện tượng đó đang khởi sinh và đang biến mất. (Nó chứng kiến mọi sự đang sinh và đang diệt). Chánh niệm là sự nhìn xem hiện tượng đó làm cho ta cảm giác như thế nào và chúng ta phản ứng lại như thế nào. Đó là sự quan sát hiện tượng đó tác động đến người khác như thế nào. Trong sự Chánh Niệm, ta là người quan sát khách quan, không thiên kiến; công việc duy nhất của ta là theo dõi một cách liên tục những gì đang diễn ra trong thế giới bên-trong của mình.

Xin để ý mấy chữ cuối. Trong Chánh niệm, ta chỉ quan sát thế giới bên-trong chính mình. Người tu thiền đang phát triển sự Chánh niệm thì không quan tâm đến thế giới bên ngoài. Thật ra thế giới bên ngoài cũng đang có mặt ở đó, nhưng trong thiền thì lĩnh vực của thiền sinh là sự trải nghiệm về chính mình, về ý nghĩ của chính mình, về cảm giác của chính mình, và về sự nhận thức của chính mình. (Quan sát thọ, tưởng, hành của chính tâm mình). Trong thiền tập, thiền sinh là phòng thí nghiệm của chính mình. Thế giới bên-trong có một kho dữ liệu thông tin chứa đựng sự phản ảnh của thế giới bên ngoài và nhiều hơn nữa. Việc xem xét nhận biết những chất liệu này sẽ giúp dẫn đến sự tự do giải thoát hoàn toàn.

(8) Chánh niệm là sự quan sát mang tính tham dự. Người tham dự cũng cùng lúc là người quan sát. Nếu một người đang quan sát những xúc cảm hay những cảm nhận về thân của mình, thì người đó cũng đang cảm thụ chúng cùng một lúc. (Việc quan sát và cảm thụ diễn ra cùng một lúc về mặt thời gian). Chánh niệm không phải là một sự tỉnh giác thuộc về trí thức. Nó chỉ đơn thuần là sự thấy biết thuần túy. Cái ẩn dụ so sánh sự chánh niệm như là một ‘tư duy-phản chiếu’ (kiểu tấm gương) vừa được nói ở đoạn (1) trên thì lại không đúng ở đây. Chánh niệm là khách quan, nhưng nó không phải là lạnh lùng, vô cảm, vô giác. Nó chính là sự trải nghiệm đầy tỉnh thức về sự sống, là sự tham gia một cách thức tỉnh vào tiến trình tiếp diễn không ngừng của sự sống.

(9) Chánh niệm là một khái niệm cực kỳ khó định nghĩa được bằng ngôn từ. (Vì nó là một dạng “thấy-và-biết”, mà cái thấy-biết thì không thể diễn đạt bằng lời. Chỉ có cách là phải “tự trải nghiệm”, như đã giảng giải nhiều lần). Sự chánh niệm là khó định nghĩa không phải vì nó phức tạp, mà bởi vì nó thật quá đơn giản và trần trụi!. Vấn đề này cũng thường thấy trong mọi lĩnh vực sống của con người. Những khái niệm cơ bản nhất thì thường rất khó định nghĩa được. Hãy thử nhìn vào tự điển và bạn sẽ thấy ngay tình cảnh này. Những từ dài thì thường có những định nghĩa rất ngắn gọn. Nhưng những từ ngắn, những từ cơ bản giống như 'đi' hay 'chạy', trong tiếng Việt , thì phải được định nghĩa bằng cả trang hay nhiều trang. Trong vật lý học, những hàm số khó hiểu nhất lại là những hàm số được viết một cách rất giản đơn và cơ bản nhất. Ví dụ như công thức về năng lượng theo học huyết Tương Đối của nhà bác học số một thế giới Einstein thì rất đơn giản: E=mc2. Nhưng để định nghĩa và giảng giải về sự thật này thì phải tốn rất nhiều giấy mực, và bản thân ông đã phải giảng giải và định nghĩa bằng rất nhiều cách khác nhau thì một số người mới hiểu được . Chánh Niệm là một chức năng tiền-biểu tượng: tức là nó có mặt trước hơn biểu tượng. Bạn có thể mất cả ngày với những biểu tượng ngôn từ, nhưng bạn vẫn không thể nào diễn tả được sự chánh niệm một cách trọn vẹn. Tuy nhiên, chúng ta có thể nói ra được nó hoạt động như thế nào.

• Ba Hoạt Động Của Chánh Niệm

Chánh niệm có ba chức năng hoạt động căn bản. Chúng ta có thể dùng ba hoạt động này để định nghĩa chức năng của nó:
1. Chánh niệm nhắc chúng ta nhớ cái việc chúng ta đang làm.
2. Chánh niệm nhìn thấy tất cả mọi sự vật hiện tượng đúng như chúng đích thực là.
3. Chánh niệm nhìn thấy bản chất sâu xa của mọi hiện tượng.

Bây giờ chúng ta hãy xem xét một cách chi tiết từng chức nang hoạt động của nó:

(1) Chánh niệm nhắc chúng ta nhớ cái việc chúng ta đang làm
Trong thiền, bạn đặt sự chú tâm của mình vào một đối tượng. Khi tâm của bạn xao lãng khỏi đối tượng đó, thì chính Chánh Niệm sẽ nhắc cho bạn biết là tâm của bạn đang xao lãng và việc của bạn đang làm là gì. Chính Chánh Niệm kéo tâm bạn về lại với đối tượng thiền. Tất cả việc này xảy ra ngay lập tức và không có sự đối thoại nào bên trong. Chánh niệm không có suy nghĩ. Việc thực tập thiền chuyên cần liên tục sẽ tạo cho “chức năng” này thành như một thói quen của tâm [như thói tâm, tập khí], chức năng này có thể được sử dụng một cách hữu ích trong suốt quãng đời còn lại của thiền sinh. Một thiền sinh nghiêm túc luôn đặt sự chú tâm thuần khiết vào tất cả những gì đang xảy một cách miên mật và liên tục trong suốt thời gian, dù là ban ngày hay ban đêm, trong giờ ngồi thiền hay lúc không ngồi thiền. Đây là một thói tâm lý tưởng và đáng quý mà một thiền sinh muốn tạo lập được thì phải bỏ nhiều công sức tập luyện trong nhiều năm hay thậm chí vài chục năm. Bởi vì thói quen bị kẹt vào ý nghĩ chủ quan của chúng ta đã hình thành qua nhiều năm tháng, và thói quen này vẫn còn đeo bám một cách dai dẳng và cố hữu nhất. Chỉ còn cách duy nhất để dẹp bỏ được nó là chúng ta cũng phải dai dẳng kiên trì trong việc tu tập phát triển sự chánh niệm miên mật và vững vàng. Khi sự Chánh Niệm có mặt, thì bạn sẽ nhận biết được khi nào bạn bị dính kẹt vào những lối mòn ý nghĩ đó. Chính cái sự nhận biết đó sẽ giúp bạn rút lui khỏi tiến trình ý nghĩ đó và thoát ra khỏi nó. Rồi chánh niệm sẽ mang sự chú tâm của bạn về lại đúng với mục tiêu chính. Khi bạn đang thiền tập, thì “mục tiêu chính” chính là đối tượng thiền chính yếu của bạn [chẳng hạn: hơi thở]. Còn nếu khi bạn không đang thiền tập, tức không phải trong giờ ngồi thiền chính thức, thì mục tiêu đó chỉ đơn thuần là sự chú tâm thuần khiết, chỉ là sự ghi nhận bất cứ cái gì khởi sinh mà không can thiệp gì hết, chẳng hạn như: “Àh, cái này xuất hiện...và bây giờ cái này xuất hiện, và bây giờ cái này...và cái này”.

Trong một lúc và cùng một lúc, Chánh Niệm vừa là sự chú tâm thuần túy và vừa là chức năng nhắc nhở chúng ta trở lại sự chú tâm thuần túy, ngay khi sự chú tâm của ta bị xao lãng. Sự chú tâm thuần túy cũng chính là sự nhận biết. Nó tái lập lại nó chỉ bằng cách nhận biết rằng nó không còn có mặt. Ngay khi bạn đang nhận biết rằng bạn đã không còn nhận biết, thì có nghĩa là ngay lúc đó bạn đang nhận biết trở lại, và rồi bạn quay lại với sự chú tâm thuần túy đó. (Nói cách khác: khi ta chú tâm hoàn toàn thì ta luôn nhận biết, và ta có thể nhận biết luôn cả khi nào ta không còn chú tâm. Và ngay khi ta nhận biết rằng ta không còn chú tâm, thì chính lúc đó ta đang chú tâm trở lại, hướng sự chú tâm về lại đối tượng thiền. Toàn bộ quá trình này chính là tiến trình Chánh Niệm).

Chánh niệm tạo cảm giác riêng biệt của nó trong phần tâm thức. Nó có hương vị đặc trưng của nó—một hương vị nhẹ nhàng, sáng tỏ, đầy sức sống. So với nó, ý nghĩ ý thức bình thường của chúng ta thì nặng nề, trì trệ và cầu kỳ. Nhưng nói như vậy thì chúng ta lại dính vào cái bẫy ngôn từ nữa rồi!. Chỉ cố tả vậy thôi, nhưng chỉ có sự thực hành của chính bạn mới cho bạn thấy được đích thực sự khác nhau đó ra sao. Lúc đó thì bạn có thể diễn tả theo ngôn từ của chính bạn thì sẽ đúng hơn (vì bạn là người trải nghiệm điều đó), còn những ngôn từ dùng để diễn tả như trên chỉ là bằng thừa và vô ích. Hãy nhớ rằng, thực hành là tất cả. Chỉ thực hành mới thấy biết được.

(2) Chánh niệm nhìn xem mọi sự vật và hiện tượng đúng thực như-chúng-là.
Chánh niệm không thêm không bớt gì vào sự nhận thức. Nó không xuyên tạc, không làm méo mó hay làm sai lệch một mảy may nào. Nó chỉ là sự chú tâm thuần túy và chỉ nhìn xem bất cứ hiện tượng nào khởi sinh. Còn ý nghĩ ý thức bình thường của chúng ta thì lại gắn dán nhiều thứ lên sự trải nghiệm của chúng ta, chôn chúng ta dưới một đống khái niệm và ý tưởng, dìm chúng ta dưới dòng lốc xoáy đầy những toan tính và bất an, sợ hãi và vọng tưởng. Khi bạn chánh niệm, thì trò này không diễn ra nữa. Bạn không còn trong mê cung hỗn loạn đó nữa. Bạn chỉ đơn giản nhận biết một cách chính xác cái gì đang khởi sinh trong tâm, rồi tiếp tục quan sát cái tiếp theo: “Àh, cái này..., và cái này..., và bây giờ cái này". Điều đó thật sự rất đơn giản và dễ hiểu phải không.

(3) Chánh niệm nhìn thấy được bản chất đích thực của tất cả mọi hiện tượng.
Chánh niệm và chỉ có Chánh niệm mới có thể nhận biết được ba bản chất chính của sự sống. Đó là ba lẽ thật sâu sắc nhất về sự sống mà Đức Phật đã nhìn ra. Trong tiếng Pali, những bản chất này được gọi là Anicca [vô thường], Dukkha [khổ, bất toại nguyện], và Anatta [vô ngã, tức không có một thực thể cố định, có tự tính riêng mà chúng ta thường gọi là cái ‘ta’, hay ‘bản ngã’, hay một ‘chủ thể có thực’]. Những lẽ thật này được giảng trong giáo lý Phật không phải như là một giáo điều để bắt mọi người phải tin theo ngay. Những người theo đạo Phật nhận thức được rằng những lẽ thật này là tất yếu phổ quát. Và ai cũng có thể tự chứng được nếu tự mình điều tra nghiên cứu một cách đúng đắn. Chánh niệm là phương pháp để điều nghiên về những lẽ thực đó. Chánh niệm có một sức mạnh làm lộ ra cái lớp bên trong sâu xa nhất của thực tại để cho mọi người có thể nhìn thấy được. Với mức độ tầm soát này của Chánh Niệm, người tu có thể nhìn thấy những lẽ thật sau đây:
• Tất cả những gì tồn tại nhờ có các điều kiện [các pháp hữu vi] đều luôn luôn biến đổi (vô thường).
• Tất cả mọi thứ trên thế gian này, xét cho cùng, đều là bất toại nguyện (khổ).
• Không có một gì tồn tại như là một thực thể cố định, thường hằng, hay một chủ thể bất biến (vô ngã). Mọi sự chỉ là tiến trình. Chẳng hạn, sự sống nào cũng là một tiến trình sinh, trưởng, lão, diệt.

Chánh niệm làm việc giống như một kính hiển vi điện tử. Đó là, nó vận hành một cách tinh vi đến mức có thể giúp chúng ta nhận thức trực tiếp những thực tại, mà thông thường chúng ta chỉ có thể hiểu biết sơ sơ bằng lý thuyết bề ngoài bằng tiến trình ý nghĩ thông thường. (Ví dụ khi nói về phân tử, bạn chỉ có thể hình dung sơ sơ bằng lý thuyết thông qua tiến trình tư duy bình thường. Nhưng nếu bạn nhìn vào kính hiển vi điện tử, bạn sẽ thấy ngay, thấy rõ, thấy trực tiếp những hạt phân tử đó đích thực là gì và chúng hoạt động như thế nào). Chánh niệm thực sự thấy được bản tính vô thường của mọi sự nhận thức. Nó cũng thấy rõ bản chất luôn biến đổi và trôi biến qua, tức vô thường, của mọi hiện tượng được nhận thức. Nó cũng thấy được tính chất bất toại nguyện bên trong tất cả những sự vật tồn tại có điều kiện (những pháp hữu vi). Nó cũng nhận ra rằng chẳng có ích lợi gì chúng ta phải cố nắm giữ mọi thứ vô thường, mọi thứ sinh rồi mất, như một trong những màn diễn thoáng qua. (Đó chỉ là những thứ đến rồi đi, nay có mai không, thoáng hiện thoáng mất, tạm bợ, giả tạm, phù du, như bọt nước, như sương trong nắng sáng). Những thứ đó không phải mang lại hạnh phúc và bình an. Không phải. Những tính chất vô thường và bất toại nguyện đó sao có thể gọi là hạnh phúc và bình an được. Và cuối cùng, Chánh niệm cũng nhìn thấy tính chất vô ngã trong mọi hiện tượng. Nó nhận ra cách mà chúng ta đã tùy tiện tự chọn ra một ‘bó’ những nhận thức, cắt bỏ phần còn lại của của dòng trải nghiệm, và rồi hình thành khái niệm đặt tên cho chúng thành những thực thể riêng biệt, cứ ‘như là có tự tánh riêng’, trường tồn, bất biến...Chánh niệm thực sự thấy được những điều này. Chánh niệm không suy nghĩ gì về những điều đó, mà chỉ nhìn chúng một cách trực tiếp mà thôi.

Khi được phát triển và tu dưỡng một cách đầy đủ, Chánh niệm thấy được ba bản chất này của sự sống một cách trực tiếp, ngay tức thì, và không có sự can thiệp của những ý nghĩ ý thức bình thường của chúng ta. Thực tế, ngay cả ba thuộc tính này của sự sống về bản chất chúng cũng liên hợp với nhau như là một. (Một cách hữu cơ). Chúng không thực sự tồn tại như những quy luật riêng lẻ. Sở dĩ ta phân thành ba thuộc tính như vậy là do chúng ta cố gắng phân tách, là do chúng ta cố gắng hiểu được cái tiến trình căn bản và giản đơn được gọi là Chánh Niệm và diễn đạt nó lại thành những biểu tượng rắc rối và không thích hợp của trình độ nhận thức ý thức bình thường. (Tức là chúng ta cố diễn đạt ba bản chất đó một cách riêng lẻ bằng những khái niệm và ý nghĩ thông thường. Mục đích là để người học có thể hiểu được những ‘khái niệm’ hay ‘định nghĩa’ về mỗi ba bản chất đó. Lại là ‘khái niệm’).

Chánh niệm là một tiến trình, chứ nó không diễn ra theo từng bước một. Nó là một tiến trình trọn vẹn như một đơn vị (ví dụ như một ‘cú’, một ‘cái’, một ‘phát’, một ‘chuỗi’): ta nhận biết sự thiếu Chánh niệm của mình; và bản thân sự nhận biết đó là một kết quả của Chánh niệm; và Chánh niệm là sự chú tâm thuần kiết; và sự chú tâm thuần khiết là sự nhận biết mọi hiện tượng đúng thực như-chúng-là, không xuyên tạc thêm bớt; Và đường lối của mọi hiện tượng là Anicca, Dukkha, và Anatta [vô thường, khổ và vô ngã]. Tất cả những sự nhận biết này diễn ra trong phạm vi vài sát-na tâm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng bạn sẽ lập tức giác ngộ và giải thoát (khỏi tất cả những khuyết điểm và ô trược của kiếp người) hay sẽ lập ‘chứng quả’ gì gì đó ngay từ khoảng khắc Chánh niệm đầu tiên đó. Việc học tập cách để giúp mang cái chất liệu Chánh niệm này vào trong đời sống ý thức của bạn là một tiến trình khác. Và việc học cách kéo dài và phát huy trạng thái Chánh niệm liên tục lại là một tiến trình khác nữa. Nhưng kỳ thực đó là những tiến trình đầy thú vị, và chúng đáng quý để chúng ta nỗ lực tinh tấn.

• Chánh Niệm (Sati) & Thiền Minh Sát (Vipassana)

Chánh niệm là trọng tâm của Thiền Minh Sát và là chìa khóa của toàn bộ tiến trình thiền tập. Chánh niệm vừa là mục tiêu và vừa là phương tiện để đạt đến mục tiêu đó. Bạn đạt đến sự Chánh niệm bằng cách luôn luôn chánh niệm hơn. Một thuật ngữ Pali khác của Chánh niệm là "Appamada", có nghĩa là không bở lơ, không lơ đãng, không có sự mất trí. Một người hằng chú tâm liên tục vào cái đang đích thực xảy ra trong tâm mình thì sẽ đạt được trạng thái tâm vô cùng minh mẫn và thông tuệ.

Từ Chánh niệm trong tiếng Pali là "Sati" cũng bao hàm ý nghĩa là “nhớ” hay “niệm”. Nhớ hay niệm không có nghĩa là nhớ về những ý tưởng hay hình ảnh trong quá khứ, mà ở đây có nghĩa là sự “hằng nhớ”, sự “hằng biết” một cách rõ ràng, trực tiếp và không ngôn từ về ‘cái gì là vậy và cái gì không phải là vậy\ về ‘cái gì là đúng và cái gì là không đúng’, về ‘cái chúng ta đang làm và chúng ta sẽ làm gì với nó\ Chánh niệm nhắc nhớ thiền sinh cần áp dụng sự chú tâm vào đối tượng thích hợp vào lúc thích hợp và sự nỗ lực đúng mức cần thiết để thực hiện việc chú tâm đó. Khi sự nỗ lực hay năng lượng được áp dụng đúng mức, thiền sinh sẽ an trú liên tục trong trạng thái tĩnh lặng và tỉnh thức. Cho đến khi nào điều kiện này vẫn được duy trì, thì những trạng thái tâm bất thiện được gọi là những “chướng ngại” hay những “kích động tâm linh” không thể nào khởi sinh được - không có tham, sân, ái dục hay sự lười biếng.

Nhưng chúng ta là con người, và nhân vô thập toàn. Chúng ta đều sai sót ít nhiều. Hầu hết chúng ta đều làm lỗi và tái phạm những sai sót. Cho dù đã nỗ lực tinh tấn rất nhiệt thành, một thiền sinh cũng dễ dàng trượt mất sự Chánh niệm, và rồi, sau đó thiền sinh thấy mình bị mắc kẹt vào những khuyết điểm hạn chế đáng tiếc, nhưng thường tình, của con người. (Tức là vẫn bị những ‘chướng ngại’ hay ‘kích động’ cố hữu làm xao lãng sự chú tâm). Vai trò Chánh niệm và chỉ có Chánh niệm mới nhận biết sự thay đổi đó. Và chính sự Chánh niệm nhắc nhớ thiền sinh áp dụng sự nỗ lực tinh tấn đúng mức để kéo mình ra khỏi sự xao lãng. Sự trượt mất chánh niệm [thất niệm] xảy ra và tái diễn liên tục, nhưng càng thực tập đúng đắn thì tần số tái diễn sẽ càng ngày càng ít đi.

Một khi Chánh niệm đã dọn những chướng ngại ô nhiễm đó qua một bên, thì những trạng thái tâm lành mạnh sẽ chiếm chỗ của chúng. Sân giận nhường chỗ cho tình yêu thương, tham ái dục ái được thay bằng tâm buông bỏ. Lại chính sự Chánh niệm nhận biết được những thay đổi này và nó nhắc nhớ người hành Thiền Minh Sát phải duy trì được sự sắc bén của tâm cần có để duy trì thêm những trạng thái tốt đẹp đáng quý này của tâm. Chánh niệm giúp làm tăng trưởng trí tuệ và lòng bi mẫn. Nếu không có Chánh niệm, những phẩm hạnh này không thể phát triển một cách trọn vẹn đến mức độ thành thục.

Nằm sâu trong tâm thức của chúng ta có một cơ chế tâm linh; nó luôn chấp nhận những gì tâm nhận là tốt đẹp và dễ chịu, và chối từ những gì mà tâm nhận là xấu xí và khổ đau. Chính cái cơ chế này làm khởi sinh lên những trạng thái tâm mà chúng ta luyện tập để tránh bỏ - đó là những thứ như tham dục, ham muốn, sân hận, ác ý, và ganh ghét. Chúng ta quyết tâm tránh bỏ những chướng ngại này, không phải chỉ vì chúng là bất thiện xấu ác theo nghĩa thông thường của thế gian, nhưng bởi vì chúng lấn lướt, áp đảo; bởi vì chúng xâm chiếm tâm ta và thu hút hết sự chú tâm của ta; bởi vì cứ quẩn đi quẩn lại trong cái vòng ý nghĩ nhỏ bé chật chội; và bởi vì chúng ngăn che không cho chúng ta nhìn thấy được thực tại sống động.

Những chướng ngại này không thể nào khởi sinh khi Chánh niệm có mặt. Chánh niệm là sự chú tâm vào cái thực tại ngay trong hiện tại, và vì vậy Chánh niệm trái ngược lại với trạng thái ngu mờ của tâm vốn là biểu hiện khi có những chướng ngại. Đối với những thiền sinh, chỉ khi nào chúng ta để trượt mất Chánh niệm thì cái cơ chế nằm sâu trong tâm thức đó mới trỗi lên và chế ngự - đó là cơ chế: nắm giữ, dính chấp và chối bỏ. Rồi sự kháng cự sẽ nổi lên và che mờ sự tỉnh giác của chúng ta. Chúng ta không còn nhận biết được sự thay đổi đang xảy ra: chúng ta đang quá bận rộn với một ý nghĩ nào đó, ví dụ trả thù hay tham lam..., bất kỳ ý nghĩ nào. Những người không tu tập thì sẽ tiếp tục trong trạng thái này đến không biết bao giờ mới thôi. Nhưng những thiền sinh có học và hành bài bản thì nhanh chóng nhận biết được điều gì đang xảy ra. Đó chính là Chánh niệm nhận biết sự thay đổi. Chính là Chánh niệm nhớ lại những tập luyện trước đó và nó sẽ hướng sự chú tâm của ta trở lại với đối tượng mục tiêu, và do vậy những tình trạng mờ mịt rối loạn trong tâm cũng phai biến đi. Và cũng chính sự Chánh niệm sau đó cố gắng duy trì “sự có mặt của chính nó” trong liên tục thời gian, vì vậy những sự kháng cự cũng không khởi sinh trở lại được nữa. Vì thế, Chánh niệm là một liều thuốc đặc biệt để giải độc những “chướng ngại" của tâm trong tiến trình tu tập. Nó vừa là thuốc chữa trị, vừa là thuốc phòng ngừa không cho “chướng ngại" tái diễn.

Sự Chánh niệm nếu được phát triển một cách trọn vẹn thì nó là một trạng thái hoàn toàn không-dính-chấp và không hề có sự dính mắc với bất kỳ thứ gì trên đời. Nếu ta duy trì được trạng thái này, chúng ta không cần có những phương tiện hay công cụ nào nữa để giúp chúng ta thoát khỏi những chướng ngại, và đạt đến sự tự do giải thoát khỏi những hạn chế và ô trược của kiếp người. Chánh niệm là sự tỉnh giác không hời hợt ở bên ngoài. Nó nhìn thấy mọi hiện tượng một cách sâu sắc, sâu bên dưới lớp những khái niệm và quan niệm của tâm thức. Cách quan sát sâu sắc đặc biệt này mang lại sự chắc chắn trọn vẹn, và sự vắng mặt hoàn toàn các rối loạn và biến đổi trong tâm [chướng ngại], như đã nói trên. Chánh niệm ngay từ đầu thể hiện chính nó là một sự chú tâm miên mật, không gián đoạn, vững vàng và không lay chuyển.

Sự tỉnh giác thuần khiết và thanh tịnh mang tính chất điều nghiên và khám phá không những giúp ngăn phòng những chướng ngại, mà nó còn vạch trần chính cái cơ chế của chúng và tiêu diệt chúng. Sự Chánh Niệm hóa giải những ô nhiễm và bất tịnh trong tâm. Kết quả là tâm sẽ không còn bị ô nhiễm và không dễ bị kích động, hoàn toàn không còn bị tác động bởi những thăng trầm của cuộc sống.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 23 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chuyện Vãng Sanh - Tập 3


Chắp tay lạy người


Phù trợ người lâm chung


Tôi đọc Đại Tạng Kinh

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.235.196 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (74 lượt xem) - Việt Nam (71 lượt xem) - French Southern Territories (14 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - ... ...