Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Hãy sống tốt bất cứ khi nào có thể, và điều đó ai cũng làm được cả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta không có khả năng giúp đỡ tất cả mọi người, nhưng mỗi người trong chúng ta đều có thể giúp đỡ một ai đó. (We can't help everyone, but everyone can help someone.)Ronald Reagan
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson
Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là đáng sống. (Only a life lived for others is a life worthwhile. )Albert Einstein

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Phi lễ »» Chương 2. »»

Phi lễ
»» Chương 2.

Donate

(Lượt xem: 1.906)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Phi lễ - Chương 2.

Font chữ:

Những suy tư của VĂN

Có khách từ Sài gòn lên, mang quà của Sung cho Thu và tôi, cô ta tên là Mai, toàn người cũng gầy guộc hơi giống cành Mai. Vừa xuống máy bay mà đến ngay nhà chúng tôi để quà khỏi hỏng thì cái tình bạn cũng phải đậm đà lắm chứ chẳng chơi.

Nhưng bạn là thế nào? Chỉ bạn thôi ư? Hay còn gì nữa? Trong bức thư Sung viết "Em xin giới thiệu với anh chị, Mai là họa sĩ, bạn của em, nếu Mai có cần gì xin anh chị giúp Mai…" Đại khái như thế. Cô bạn cắt tóc hệt như con trai, không diêm dúa, không tô trét, làm giàu cho mấy gian hàng bán son phấn ở chợ Bến Thành, nhưng không có vẻ nam giới như những kẻ có bệnh thừa hormones đực. Cũng may, nếu không thì ra đường sẽ bị cảnh sát thổi còi bắt ngừng để xét giấy xem có hợp lệ quân dịch.

Sung cũng lạ đấy chứ. Cô bạn vừa ra khỏi nhà là bà vợ tôi đánh một tiếng thở dài nghe não nuột đến đứt ruột gan.

- Bộ trong xứ Việt Nam này chết hết đàn bà con gái rồi sao mà đi rơi vào cô này?

Thu bảo thế. Đúng là giọng ác ôn ghen tị của đàn bà. Người ta đẹp hơn mình thì ghen cũng phải đi, người ta xấu thua mà cũng chẳng tiếc lời. Tôi không đồng ý với Thu nhưng có bao giờ chúng tôi đồng ý với nhau ở một điểm nào đâu. Mai có hai bàn tay rất nghệ sĩ, nhưng Thu lại cho đó là bàn tay của người lười không chịu làm việc nhà. Lâu lắm, vợ chồng tôi mới tìm ra được một đề tài để cãi, ngấy nhau đến nỗi không buồn cãi. Thu chê Mai lập dị, lẳng ngầm, người như thế sau này ai cưới về thì mạt.

Tự nhiên tôi cho sự bênh vực Mai là vui, Thu có nói gì tôi cũng cãi lại, tôi hỏi chỗ nào mà Thu cho là lẳng đâu.

- Cái miệng này, và con mắt mở thao láo, đấy mà không lẳng thì cho anh cứa đầu tôi đi!

Mình chẳng nhận thấy gì cả, đôi mắt hơi lạ, Thu nói tôi mới nhận thấy hôm sau lúc cô ta đến lấy quà về, Thu gửi cho Sung. Cô ta không nhắc đến Sung một cách bồng bột, Thu cũng cho là làm cao.

- Con gái thời buổi này thiếu đàn ông nên gặp đám nào tử tế là bố bảo cũng không nhả ra lại còn làm bộ không cần thiết, thấy mà gai mắt! Thứ con gái gì mà quá hơn đàn ông, chẳng thùy mị tí nào!

Kể ra thì Mai bạo dạn thật, tôi chưa gặp cô nào tự nhiên và bạo dạn hơn, nhưng có phải cuộc sống ngày nay nên như thế chăng? Tôi nhận thấy đó là một lối sống mới, cần nghiên cứu. Giản dị và giúp người đối thoại khỏi ngỡ ngàng. Không còn cái lối khách sáo giả dối của hồi trước.

Mình vừa chìa bao thuốc ra Mai đã đưa tay đón nhận, cử chỉ tự nhiên như khi đứa trẻ con thấy người lớn cầm chiếc kẹo. Không một lời nói thừa, hút thuốc cũng như trẻ con ăn kẹo. Lúc vào bàn ăn cơm cũng thế, tự nhiên giản dị mà không suồng sã, tuy biết rằng bên cạnh mình có con hổ cái đang ngồi rình để chỉ trích. Làm như Mai không cần chú ý đến những sự vặt vãnh.

Tôi hỏi sao Mai không chọn nghề nào khác mà lại chọn gì cái nghề ốm đói này. Nói rồi mới nhận thấy mình hớ hênh nhưng Mai không hề giận, còn giải thích một cách rất bình tĩnh:

- Không đến nỗi ốm đói đâu, bây giờ báo chí ra nhiều, nếu chịu khó vẽ mấy cái bìa hoặc chuyện ngắn nhăng nhít cũng đủ sống. Ngoài ra để dành thì giờ cho nghệ thuật.

Rồi Mai giảng cho tôi nghe cuộc sống cuồng nhiệt của nghệ sĩ khi đứng trước một tác phẩm của mình. Mai còn bảo rằng đây cũng là một thứ gia tài của bố để lại. Người con gái này nếu chỉ gặp đi ngoài đường thì chẳng ai chú ý - "chẳng ma nào thèm ngó tới", nói theo lời nhận xét của Thu. Nhưng khi nói chuyện với Mai rồi thì tất cả ma nào cũng muốn gặp lại. Tôi bắt đầu nhận thấy sự khôn ngoan của Sung.

Bên cạnh bà vợ tôi kiều diễm như cô tượng đứng chưng áo bày ở các tủ kính, cái đẹp của Thu nó hệt như tất cả các cô gái tên thế giới ngày nay, ai muốn tưởng tượng chỉ cần mở bất cứ một tờ báo thời trang hoặc báo phụ nữ ở bất cứ một nước nào… Cái môi em dày, con mắt em cong, cái mũi em thẳng, cái thân hình em tròn, mái tóc em dài… chỉ vài nét kỷ hà học là tả xong cái tấm nhan sắc ấy. Dầu cho nhà văn nhà thơ có tài hoa đến mấy cũng không đẻ ra thêm được một giòng nào. Hồi mới cưới nhau mỗi lúc ra đường được những cái nhìn chiêm ngưỡng đần độn của những kẻ kém thông minh tôi cũng thấy thơm lây mới dơ chứ! Bây giờ thì hết rồi, con người mỗi ngày một tiến bộ hơn.

Giá Sung yêu Mai nhỉ, rồi hai người cưới nhau, tôi sẽ có một cô em gái độc đáo, ngày trước bố mẹ tôi sinh ra Sung mà chẳng hỏi ý kiến tôi, nếu hỏi thì tôi sẽ "còm măng" một đứa em gái. Sung thế mà coi bộ khôn hơn anh. Rút kinh nghiệm của anh, không thèm chạy theo nhan sắc.

Tôi hỏi Mai có tham vọng ra triển lãm ở ngoại quốc không? Mai chỉ cười trả lời đùa lại:

- Nếu Mai đi ngoại quốc triển lãm thì sẽ cho anh đi theo làm nghề đóng đinh lên tường để treo tranh!

Chúng tôi cùng cười, Thu nguýt một cái, ý muốn nói sao mày dám láo với chồng bà. Thế đấy, thương yêu nhau thì không thương chứ ai động đến là có át xít vào mặt ngay. Đàn bà gì mà ghê!

Tôi hỏi thăm cô họa sĩ thích hoa gì ở Đà Lạt của chúng tôi, Mai bảo hoa phong lan, cô bé còn nói thêm rằng không phải vì bắt chước bố con ông Chamberlain của Anh Quốc đâu nhé, coi bộ Mai chịu khó sưu tầm. Theo Thu thì tại nhờ trời bắt xấu nên mới có thì giờ ngồi nhà đọc sách. Tôi không nghĩ thế, yêu hoa mà tìm biết cả những người đồng chí với mình. Tự dưng tôi cũng đâm ra cảm thứ hoa ấy và nhận thấy mình quả là đần, sống ở Đà Lạt mà không yêu phong lan, phí của. Dân Sài gòn mua về chờ đợi cả năm không được nhìn thấy hoa nở một lần. Nhưng đàn ông khôn hay đần đều tại vợ, Thu không bao giờ mua phong lan về, kêu là hoa dại, hoa rừng. Từ nay tôi cố sưu tầm thật nhiều giống phong lan mới được, Mai sẽ hoan nghênh cái ý kiến này cho mà xem. Có những người mình giao thiệp hằng năm trời mà rồi chẳng mang lại một chất gì bổ ích cho cơ thể, cho tinh thần, trái lại…

Mai hẹn hè này sẽ lên Đà Lạt ở vài tháng để sửa soạn cuộc triển lãm, nghe mà vui. Sung cũng hẹn hè này lên với chúng tôi, nhà sẽ nhộn nhịp và cuộc sống bớt tẻ nhạt. Đời như được mở đèn, tôi không bi quan nữa. Đối với Thu tôi cũng bớt bực tức, hình như Thu cũng nhận thấy. Thu là đàn bà một nghìn phần trăm, tầm thường, chỉ được cái nhậy cảm, đánh hơi như chó săn. Nhõng nhẽo, lúc nào cũng tưởng là mình mang cái nhan sắc vào là như một vị thiên sứ xuống trần để ban phước lành và tất cả mọi người đều phải biết ơn. Thảo nào trong chữ Hán bất cứ cái tĩnh từ gì xấu như: hiềm nghi, gian xảo, mưu mô, nịnh hót, lười biếng, ganh ghét đều có mang bộ nữ. Tôi muốn thêm, nữ này là thứ nữ có tí nhan sắc mới đúng… Cái hạnh phúc lành mạnh của Sung đã giúp tôi trở nên lành mạnh theo rồi chăng? Tôi có cảm giác như thế, cuộc sống rồi sẽ thay đổi…

Tội lỗi là gì? Người ta nói nhiều đến hai chữ ấy, nhưng thế nào là tội lỗi? Theo tôi giải thích với tôi, thì tội lỗi là khi ta làm một việc gì trái với luân lý, trái với luật pháp… Nếu vậy thì tôi chưa bao giờ sa chân vào tội lỗi, tự hào như thế, nhưng phải ráng giữ gìn… Sinh trưởng trong một gia đình trung lưu, theo phái cổ, ông nội tôi là người vác cái nghiên cái bút chạy sau cùng trong cuộc rút binh của phái cổ. Hình ảnh ông đồ già mang búi tó trên đầu lom khom cúi xuống mảnh giấy hồng viết lên những giòng câu đối, ngày nay chỉ còn ở trong tưởng tượng của một số người mà thôi. Nhưng có phải tôi là kẻ còn lại được trông thấy cái hình ảnh ấy, cái giáng dấp ấy nên con người mới đâm ra lừng khừng đó chăng? Mỗi ngày nghe mãi một câu "Hoàng kim mãnh doanh bất như giáo tử nhất kinh", đấy là một trong những câu mà ông nội tôi vẫn gào vào tai mẹ tôi. Theo thôi thì sách Hán thư viết cho cái thời buổi ấy chứ thời buổi này mà có hoàng kim mãn doanh thì người ta đi một vòng thế giới về học được bao nhiêu là thứ. Trái lại giáo tử nhất kinh thì đời bây giờ sẽ trở nên vô dụng. Ngày xưa chỉ có tứ thư với ngũ kinh, ngày nay có bao nhiêu là sách phải đọc, phải hiểu biết… Điên đầu lên mất vì những phát kiến mới không theo kịp ấy chứ…

Những suy tư của THU

Nhưng từ một năm nay, từ hồi Sung về nghỉ kỳ hè trước tôi nhận thấy có một sự thay đổi rõ rệt. Những cuộc nói chuyện, những buổi đi chợ chung, Sung xách hộ giỏ cho tôi, cũng hành động ấy sao trước kia chẳng thấy gì lạ, gia đình nào chẳng thế, vì người làm không nuôi được thì chú em chồng đi chợ, giúp bà chị dâu mang giỏ thức ăn sáng là thường, nhất là đối với một đôi vợ chồng trẻ, có gì đâu. Vợ chồng trẻ, sao nghĩ đến chữ ấy tôi lạ nghe một cảm giác hồi hộp khó tả, tôi hơi xấu hổ, mà tôi bừng nóng… Có gì đâu, Sung vẫn là Sung… Nhưng trong cử chỉ của Sung chứa chất một niềm xót xa. Chỉ một cái nhìn nhau, một nụ cười hoặc một cái cau mặt rất nhẹ là tôi hiểu ngay, mỗi khi anh Văn gắt gỏng. Nhìn Sung là tôi không cần bực tức nữa, tôi có Sung chia sẻ với tôi rồi.

Mỗi lần ba chúng tôi đi chơi, bao giờ tôi cũng được Sung săn sóc như người anh lớn săn sóc cô em gái bé, không còn gì êm dịu hơn. Trong khi đó thì Văn lầm lì đi trước một mình, không thèm nhìn ngoái lại một lần xem tôi có theo kịp, chân có dẫm phải gai hoặc vấp ngã vào bụi vào bờ nào không.

May có Sung đi cạnh, chúng tôi không cần và cũng không thấy đường dài hay ngắn, tôi biết vì lần nào Sung cũng bảo "đến nơi rồi sao"? Chỉ có mấy chữ ấy đủ nói lên sự hòa âm của hai tâm hồn. Rừng thông thỉnh thoảng lại vang lên giọng cười của hai chúng tôi, Văn quay lại nhìn bằng đôi mắt ngạc nhiên lạnh lẽo.

Có lắm khi đi hơi xa thành thị, tôi chỉ mong được lạc đường, được rơi vào tay Việt Cộng, được họ bắt giữ vài hôm để nếm cái cuộc sống mới lạ. Nhưng liệu họ bắt chúng tôi rồi họ có cho chúng tôi ở chung một chỗ không? Hay là mang Sung ra mà tra khảo. Cả hai bên đều bô bô lên rằng ta đây nhân đạo, ta đây vì dân, ta làm theo ý dân, sự thực hỏi họ xem mấy khi thằng dân nó được bàn góp ý vào. Tôi không muốn nói đến chính trị nhưng cứ ở đâu mà cuộc sống được đi lại tự do, đừng có canh gác, hầm, mìn, chó săn, giây kẽm gai, ở đâu cho con người được thấy mình là người thì tôi theo, đừng ngăn cấm sự yêu thương và sự suy tư, đó là tiến bộ.

Liều, người ta sao mình vậy, có những mười sáu, mười bảy triệu người dân chứ đâu phải mình tôi mà lo. Tôi nhắm mắt để khỏi nghĩ thêm.

Giọng nói của hai anh em thật là khác hẳn nhau. Giọng Văn bao giờ cũng gay gắt, lạnh lùng, làm như tôi không xứng đáng được nghe một lời nào cho êm dịu. Mà tôi có lỗi gì? Lắm khi Sung đã phê bình ngay Văn ở trước mặt tôi, để bênh vực tôi. Những lúc ấy tôi chỉ muốn chạy đến ôm lấy Sung, gục vào lòng Sung mà khóc như thuở bé chạy đến ôm chân mẹ mỗi khi bị bố mắng. Nhưng Văn ngồi ngay đấy, sừng sững như ông thần giữ của, thứ thần bằng đồng đen nặng nề, lúc nào cũng chỉ chực nhảy bổ vào kẻ có tội để ăn tươi nuốt sống... Nhưng tôi đâu phải là kẻ có tội? Văn nén sự bực tức, ngồi trơ ra một lúc rồi đi vào phòng đóng cửa lại như bước qua một thế giới riêng biệt khác. Trái lại, giọng nói của Sung là thứ giọng dỗ dành ngọt ngào, thảo nào mà dạy học hay. Giá tôi được trẻ lại để mỗi ngày cắp sách đến trường, tôi sẽ chọn trường nào hoặc giờ học nào mà giáo sư có giọng nói thật ngọt như Sung.

Nghĩ mà giận, ngày bé học xong cái tú tài là mẹ tôi bắt về lấy chồng, giá mẹ tôi để cho tôi học tiếp thì có phải bây giờ tôi được một cuộc sống khác hơn không? Mẹ tôi cho rằng không nấu chữ lên mà ăn được. Quan niệm lỗi thời, hai thế hệ mà xa nhau như hai thế kỷ, mẹ tôi cho rằng đàn bà phải kém chồng thì mới bảo toàn được hạnh phúc. Bà già lại còn đưa ra những thí dụ của bà này bà nọ có học hành gì bao nhiêu mà cũng theo chồng nay đi xứ này, mai đi xứ khác, lên voi xuống ngựa tiền hô hậu ủng. Đi ôm ví lẽo đẽo như thế tôi không ham đâu, cái thời ngựa anh đi trước võng nàng đi sau ấy đã chết, bây giờ là thời mà cả anh lẫn nàng đều phải cưỡi ngựa.

Sung vẫn phàn nàn rằng nước Việt Nam đổ vỡ vì bỏ mất căn bản cũ mà chưa có cái gì mới để thay thế vào, chưa tạo ra, chưa tìm thấy. Có phải tôi là thứ người điển hình cho sự đổ vỡ đó chăng, trong tôi luôn luôn có hai mối giây giằng co nhau.

Giá Văn là người chồng biết thương yêu vợ, biết dậy dỗ huấn luyện cho vợ thì chắc tôi có thể tiến bộ rất nhiều. Sau này cô nào may mắn được làm vợ Sung chắc chắn sẽ tránh được những giây phút bị dằn vặt ray rứt như tôi, dẫu cho cô ta có không sinh đẻ được như tôi.

Mà đã chắc gì tôi không thể sinh đẻ, ông bác sĩ hôm nọ bảo thế. Nghĩ đến ngày Sung cưới vợ tôi nghe như có ai nhen lửa trong tim gan. Tôi hay hình dung ra những buổi tiệc trà có các giáo sư với các cô học trò tinh quái đi học với mục đích để bẫy thầy giáo, bắt giáo sư phải chú ý đến cái nhan sắc của mình.

Loạn. Thời buổi loạn sinh ra cái gì cũng loạn. Mà tôi đang tự mâu thuẫn với tôi đây chăng. Thật quả là phi lễ, phi luân lý. Thôi, tôi chẳng dám nghĩ thêm nữa đâu. May quá, độ ấy tìm cho Sung đám nào Sung cũng chê, bây giờ thì thôi không tìm nữa, tôi muốn chân thành với tôi.

Kỳ hè này Sung hẹn sẽ lên Đà Lạt sống trọn cả ba tháng, chỉ làm khổ tôi khi mãn hè, khi tiễn Sung lên sân bay. Đà Lạt sẽ mưa, chắc thế, mưa để nhấn mạnh thêm chút nữa sự não nề trong tâm tư của ai đi tiễn nhau. Những rừng thông sẽ tiếp tục sũng nước, từ đọt xuống gốc cây.

Nước mưa sẽ theo từng khe nhỏ chảy dài xuống chân đồi, gieo thanh âm thê lương vào không gian. Tiếng gió thổi qua lá ướt lại còn nghẹn ngào hơn khi rừng cây khô khan. Rồi sao nữa nhỉ? Mầu trời đè lên tâm tư, không một bông hoa nào muốn nở, không một giọng chim nào muốn ca.

Từ Liên Khàng về, ngồi trên xe ca mà chỉ nhìn thấy có mỗi một hình ảnh, một nụ cười, cái vẫy tay chào lần cuối. Người đi bao giờ cũng tưng bừng mà người ở lại chỉ có gian phòng trống trải để làm bạn. Kỷ niệm, kỷ niệm bao giờ cũng mang màu tím… tại sao?

Ngày ấy thế nào cũng đến thì hôm nay nó đến, cô ta bấm chuông mang thư và quà của Sung, tự giới thiệu là bạn. Tôi nhìn cô ta từ đầu tới chân, một cái nhìn rất vô tư, nói ra chắc không ai tin nhưng tôi là chị, tôi có quyền lo lắng đến cái hạnh phúc của Sung. Nếu người đàn bà ấy nuôi tham vọng làm vợ của Sung, tức là em dâu của tôi, thì tôi cần phải xét đoán hộ cho Sung. Đàn ông bao giờ cũng mù quáng, dễ bị mắc bẫy, mà đàn bà thời buổi này thì có hơn một nghìn lẻ một thứ khí giới.

Tên cô ta là Mai, cô ta làm thợ vẽ. Văn mời cô ta ở lại ăn cơm, không hỏi ý kiến tôi. Thôi cũng được, như thế cho tôi dễ nhận xét. Cô ta xấu một cách tội nghiệp, tóc cắt ngắn cũn như đàn ông, như thứ đồ đau thương hàn mới khỏi, gầy còm xương xẩu, chẳng có gì lôi cuốn trong con người ấy cả. Ngực lép kẹp, tay chân thòng lọng, mắt ốc, trán vồ. Loại đàn bà này sinh ra để ăn hiếp chồng con, chứ không phải thứ đàn bà hiền lành tần tảo. Tôi đọc bức thư giới thiệu nồng nàn của Sung mà nghẹn họng, nuốt cơm không muốn xuống.

Thời đại bây giờ chẳng biết tại sao mà lại sinh ra cái thứ đàn bà quái thai nửa trai nửa gái đó. Đàn bà gì mà không có lấy một nét nào dịu dàng thùy mỵ coi cho được con mắt.

Nhưng chưa bao giờ Sung giới thiệu ai với chúng tôi bằng cái giọng tin tưởng đanh thép như vậy. Tôi hỏi cô ta:

- Tại sao cô quen với Sung?

Cô ta đanh đá trả lời lại:

- Tại sao lại không quen?

Ông Văn phá lên cười một cách vô duyên trơ trẽn, tôi chỉ muốn xô ghế đứng dậy vào phòng không thèm tiếp nữa, nhưng chợt nghĩ đến Sung nên tôi phải dằn xuống.

Cô ta cũng chẳng có vẻ gì là say mê tha thiết đến Sung lắm, hay là cô ta giả bộ vậy chăng? Tại sao Sung không để cho tôi cái quyền chọn vợ cho Sung, nhưng để cho tôi thì chắc suốt đời Sung sẽ không bao giờ có bạn, có vợ. Mà Sung cần gì phải có vợ, người đàn ông lấy vợ là để được yêu chiều, để có người săn sóc. Mình tôi săn sóc chưa đủ hay sao? Kim đâu như đang đâm vào gan phổi, cảm giác quái dị, mầu sắc đang nhẩy múa trong đầu óc. Tôi ghen chăng, sao lại ghen, quyền gì mà ghen?

Những suy tư của SUNG

Bảo rằng Mai đẹp thì không đúng, mà bảo xấu cũng không hẳn là đúng. Ở con người ấy có cái gì ngạo mạn nhưng lôi cuốn. Sau một hồi nói chuyện tôi nghe trong tâm tư êm ả dễ chịu. Có những lúc Mai làm cho tôi lạc hướng, những phản ứng của Mai rất lạ, không đàn bà tí nào. Tôi hỏi Mai sao không làm quảng cáo, Mai trả lời chẳng thấy tác phong nào đáng… Nói nghe mà ghét.

Tôi chỉ muốn đưa tay tát cho cô ta một cái rồi quay lưng đi, nhưng tôi đã cắn môi đứng im, thì ra đàn ông vốn yếu hèn, hành động của tôi hoàn toàn trái hẳn. Một cảm giác nhột nhạt như ai cù vào lưng, như tôi là đứa học trò không làm bài mà bị gọi lên bảng. Đây là loại đàn bà mà ta nên lảng tránh, loại đàn bà này không bao giờ đem hạnh phúc lại cho ai cả. Nghệ sĩ là thứ ích kỷ nhất trong đám nhân loại. Tôi tự biện bạch với tôi như thế… nhưng… tôi hỏi Mai sao lấy tên là Trúc Lâu?

- Trúc Lâu là một thanh kiếm phản bội nhất trong lịch sử Kiếm.

Mình chẳng hiểu gì cả, mãi đến khi cô ấy giảng cho một hồi, sau đó, tôi nghe như có một sự thay đổi đang đến trong tâm hồn và trong cả cơ thể. Tôi muốn người con gái này sẽ phải là của tôi, là bạn, là vợ, là em gái, là tất cả.

Từ trước đến nay người ta chỉ bị kích thích bởi một tấm thân đẹp đẽ, một bộ đùi, một bộ ngực, tôi lại bị kích thích vì một trí óc. Lập dị, hay là ở dưới ánh mặt trời cái gì cũng có thể xảy ra.

Tại sao? Nhưng có gì đâu mà hỏi tại sao. Lắm kẻ chỉ nghe rạo rực với những cái xác chết, có người chỉ tìm đến những thằng con trai bé nhỏ. Hay là mình cũng mắc cái chứng bệnh đó mà không biết chăng? Mai không có những đường cong, đường vòng của những cô gái khác. Hay là không muốn lẩn quẩn trong cái vòng nhan sắc, hay là mặc cảm vì biết mình không đẹp bằng người… Cần gì nói nhiều lời, chỉ biết rằng cô gái không nhan sắc ấy có thể làm cho tôi rạo rực và thay đổi ý kiến. Tôi không bao giờ nghe những cảm giác này với một người đàn bà khác. Các nhà phân tâm nên xem lại sách vở của mình.

Tôi quyết định bỏ tiền ra mua một tấm tranh. Sự thực thì tranh đã làm tôi quen với tác giả, mua là phải, trước khi đi dự buổi triển lãm tôi đã có ý định tìm mua một bức tranh mang về treo lên tường cho nhà bớt lạnh lẽo. So sánh mãi tôi chấm được tấm Trúc Lâu, đến hỏi cô gái ngồi trong góc, tưởng là người trông nom việc mua bán, không ngờ lại gặp chính tác giả.

Người ta bán được tranh thì hí hửng, trái lại mặt cô nàng nhăn như khỉ ăn ớt, làm bộ chăng? Tôi hẹn sẽ cho cô ta mượn nếu hôm nào Mai có mở cuộc triển lãm, cô bé mới bớt phụng phịu.

Muốn mời Mai đi ăn nhưng cô nàng từ chối kêu bận, lại là một nước cờ chơi cao đấy chứ gì. Tôi có cảm tưởng như mình đang cố tranh đấu để khỏi mắc vào tròng. Con thú vùng vẫy trước khi bị sa lưới chăng? Không, tôi chưa bị sa lưới, tôi chưa vào tròng.

Tôi treo ngay bức tranh ở dưới chân giường để có thể ngắm nghía mỗi khi vào giường. Giá tôi là họa sĩ, tôi sẽ tổ chức một cuộc triển lãm mà khách đến xem phải nằm dài như thế mới thoải mái và dễ thấu triệt cái "message" của nghệ sĩ. Quả như thế, từ khi mang bức tranh về, tôi đã cảm thông với nghệ sĩ hơn.

Những vệt sáng xẹt qua xẹt lại đó là những ánh hào quang khi Hạp Lư tung kiếm đến cho Ngũ Tử Tư, bắt vị trung thần phải tự sát… Có thật không? Hay tôi đang bị mù quáng vì chính tác giả, và đây chỉ là một ông vua trần truồng của Andersen.

Mỗi khi đi dự một buổi triển lãm lập thể, tôi hay bị ám ảnh vì câu chuyện ông vua trần truồng ấy. Ai cũng muốn tỏ ra mình là thức thời, là thông minh, đầu óc mở rộng sẵn sàng thâu nhận mọi thứ nghệ thuật, tư tưởng. Sự thật thì chẳng hiểu khỉ mốc gì cả…

Tôi chẳng thấy trong bức tranh này có gì là phản bội. Bao giờ quen thân với Mai hơn tôi sẽ bảo cô ta giảng giải một lần xem. Mai có bảo kỹ rằng thanh Trúc Lâu, sau khi giết Ngũ Tử Tư lại bị Hạp Lư đưa ra dọa Bá Hy bắt đi cầu hòa với Câu Tiễn, vua Việt. Cũng thanh kiếm đó, Câu Tiễn đã ném cho Văn Chủng bắt tự xử lấy, mà quên hết cái ơn sâu mà Văn Chủng đã góp giữ nước trong khi Câu Tiễn bị bắt làm tù binh ở nước Ngô.

Cô bé ăn xong chắc không có việc gì làm nữa nên mới đi sưu tầm những tài liệu cũ kỹ như thế để lấy làm đề tài chăng. Làm nghệ sĩ kể ra cũng sung sướng, có quyền tưởng tượng và bắt mọi người phải thông minh hoặc ngoan ngoãn theo mình.

Có phải đó là một thứ tháp ngà chăng, nhất là khi cô nàng lại thiếu nhan sắc. Trời cũng khá công bình, bắt xấu thì cho cái tài vẽ để nuôi thân, tôi không muốn tìm đến Mai vì thương hại… Sao lại thương hại, Mai còn đầy đủ hơn tôi.

Đi ăn cơm tối với Mai. Cô bé biết hút thuốc, biết uống rượu, và nói đến cuộc đời một cách dung dị, từ tình cảm đến sự phối hợp của thể xác, sự phân chia chủng tộc, đến cái chết, đến chiến tranh. Hầu như vấn đề gì Mai cũng đã bỏ rất nhiều thì giờ để suy nghĩ đến, không đề cập đến một cách hồ đồ, hời hợt như phần đông những cô gái khác.

Có phải khi người con gái tự thấy mình không có nhiều nhan sắc nên không bỏ thì giờ để chạy theo nhan sắc nữa mà lo đi tìm kiếm những vấn đề khác để học hỏi chăng?

Nhờ Mai mang quà lên cho cho anh Văn và chị Thu, nhân dịp Mai có việc lên Đà Lạt. Còn nhiều thì giờ để có dịp quen nhau hơn.

Những suy tư của MAI

Bán tranh rồi, mỗi một lần có triển lãm là một dịp cho nghệ sĩ đo lường cái tầm xúc cảm và túi tiền của người chung quanh. Bức Trúc Lâu đã ra đi, mười hai bến nước, cũng buồn như khi người mẹ gả con đi lấy chồng. Nó không vào tay một nhân viên ngoại giao ngoại quốc, cũng không vào tay một chú G.I., mà vào tay một giáo sư Việt Nam.

Một sự lạ, người Việt mà dám bỏ tiền ra mua tranh, anh chàng còn hứa là hôm nào nếu tôi có mở cuộc triển lãm, anh chàng sẽ cho mượn. Nghe cũng yên lòng, không đến nỗi tục tử.

Nếu tôi mang câu chuyện bán tranh ra kể lại chắc anh chàng sẽ được nhiều người đến xem mặt lắm. Cuộc đối thoại giữa Sung và tôi:

- Xin cô cho biết giá tiền của bức Trúc Lâu…

- Chúng tôi không để giá hẳn, tùy theo túi tiền của khách, nhưng tối thiểu là mười nghìn…

- Tác giả có đây không, tôi muốn được gặp.

- Để làm gì kia?

- Để hỏi thăm, tại sao lại là Trúc Lâu…

- Tôi có thể trả lời thay tác giả được không?

- Thế tác giả không đến sao?

- Có chứ.

- Đâu?

- Tôi.

Anh chàng biết là tôi muốn phá nhưng không khỏi vẻ ngạc nhiên, mắt mở tròn ra, nhìn tôi như người nhìn quái tượng, anh chàng móc ví lấy ra một tấm phiếu xé sẵn, ký tên vào rồi trao cho tôi, cử chỉ rất tự nhiên, không cố gò ép.

- Tùy ý tác giả muốn để giá bao nhiêu xin cứ tự tiện.

- Một trăm triệu để xây lại quê hương, đê điều, đập nước, cho bớt những cơn mưa lụt hằng năm…

- Tùy cô, nêu không đủ tiền ở ngân hàng thì người ta cho tôi vào tù là cùng. Một dịp để biết thế nào là thiên thu tại ngoại.

- Mấy chục cái thiên thu ấy chứ, ngân phiếu không tiền đâu phải là chuyện đùa.

- Thì mấy chục cái thiên thu cũng chẳng sao.

Anh chàng thản nhiên nhìn tôi viết vào con số bốn chục nghìn, cười reo lên là chưa đến nỗi phải vào nằm tù.

Chấm dứt cuộc mua bán, tôi không nỡ viết một số tiền quá lớn vì thấy anh chàng không có vẻ trọc phú. Mừng cho Trúc Lâu.

Nghĩ cũng buồn cười, hai người cùng thở chung một làn khí, uống nước chung của một con sông Đồng Nai. Thế mà nếu không có sự mua bán rất tình cờ nầy thì không bao giờ chúng tôi gặp nhau.

Tôi hỏi Sung hiểu gì không mà mua, anh chàng thành thật trả lời rằng chẳng hiểu gì cả, thấy thích thì mua, sẽ tìm hiểu sau. Nguy hại cho sự bán tranh vì phước thiện là thế, mọi người tưởng có bổn phận phải mua. Nếu không có câu hỏi thăm tác giả để xin giải thích thì tôi ngờ rằng Sung cũng chỉ là kẻ mua tranh vì muốn giúp nạn lụt chứ không có một ý niệm gì về nghệ thuật.

Sung tưởng rằng tôi là cô hàng mà các anh em họa sĩ nhờ đến trông nom hộ việc mua bán sổ sách, một hình thức làm việc thiện… Càng hay, như thế tức là bức tranh có cái duyên dáng riêng của nó.

Lắm người gán cho sự thành công của người đàn bà là do ở cái hình hài giống cái của họ. Tôi cho đó là một ý nghĩ phỉ báng. Cố nhiên, người đàn bà phải làm thế nào để minh định lại cái vị trí của mình trong xã hội.

Người ta kể chuyện có những bà cho người ta vẽ rồi mình ký tên, viết hai ba câu vè bên dưới để rồi cũng có "danh gì với núi sông". Trên các lĩnh vực nghệ thuật khác cũng bị gặp cái nạn ấy. Bao giờ cho thái bình để con người chịu bằng lòng với cuộc sống tầm thường, xứ tôi ngày nay đang trải qua một cơn kinh phong, không biết đâu là giả đâu là thật. Phải thái bình mới có thể thanh lọc lại được.

Sau một hồi nói chuyện, coi bộ Sung có vẻ đổi khác.Tôi không muốn thế, tôi vẫn cầu xin được yên thân. Mỗi khi có ai chạm đến cuộc đời là như người ta cầm gươm nhọn đâm vào gan, tôi bị khổ sở dằn vặt mất mấy hôm. Khổ vì phải từ chối, không biết mình hành động thế có đúng, co hợp với sự xếp đặt của định mệnh chăng.

Kiếp sau xin trả lại cho bố mẹ cái hình hài này. Có người cho là dại, không biết khai thác cái nhan sắc nghèo nàn của mình, che dấu những khuyết điểm bằng son phấn, bằng phương pháp mổ xẻ hoặc lụa là. Khoa học đang tìm đủ cách để phụng sự người đàn bà, giúp cho họ nói dối một cách trọn vẹn. Không phải tôi là kẻ trời bắt xấu nên đóng cái vai đạo đức giả đâu. Trái lại tôi bằng lòng với các xác của tôi cũng như khối đá bên đường chấp nhận cái hình thù của mình, không than vãn, không đòi thay đổi.

Các bạn cho tôi là lập dị, ngày tôi còn bé, để che cái lỗi sinh ra con gái thiếu nhan sắc của mình, mẹ tôi thường mang cái tích Chung Vô Diệm, xấu mà rồi được làm vợ vua Tề ra để an ủi. Tôi không cần an ủi, cuộc sống của tôi như thế này không Đế Vương lắm rồi sao.

Gặp anh Văn và chị Thu của Sung ở Đà Lạt. Chị Thu đẹp như người trong tranh, với anh Văn thì ngay phút đầu chưa quen mà chúng tôi như có biết nhau trước. Hợp chuyện ngay và có thể kết làm anh em ngay. Hỏi chị Thu có bằng lòng làm mẫu hộ, chị Thu gật đầu. Như thế là hôm nào nghỉ hè tôi có thể lên Đà Lạt vẽ, trong bức tranh Bàn Dĩnh tôi sẽ cho mang toàn mầu xanh tái, mầu da người chết. Cái chết của cô Thắng Ngọc được ông anh chôn theo bao nhiêu là người hầu kẻ hạ cho cô đỡ buồn cùng với thanh kiếm Bàn Dĩnh. Nếu dùng khoa phân tâm của Freud để nghiên cứu cái sự kiện lịch sử này thì hai anh em Thắng Ngọc và Hạp Lư, ngoài cái tình anh em ruột thịt ra phải còn một thứ tình gì khác nữa. Một thứ tình cảm phi luân lý mà các sử gia thời ấy chẳng dám ghi lại.

Có như vậy thì cô em gái mới nhõng nhẽo mà tự tử một cách rất vô lý, hoặc là cô ta dọa rồi nói đâm ra sự thật. Có ai lại đi tự tử vì cho rằng anh khinh, ăn thừa cá rồi mới mang cho mình. Tội nghiệp ông anh hối hận và thương tiếc một cách điên cuồng. Bàn Dĩnh là thanh kiếm đánh dấu cho mối tình ấy, một xác chết, một lưỡi kiếm với rất nhiều ma quái.

Ngoài ra còn bức tranh Mạc Gia cũng phải nhờ đến chị Thu, Mạc Gia phải nhảy vào lửa nhưng không phải chỉ vì yêu chồng, vì muốn cho chồng thành công trong việc đúc lên bảo kiếm mà thôi đâu…

Mới nghĩ đến sự bố cục của hai bức tranh thôi mà trong lòng đã nghe náo nức chỉ mong chóng đến hè để lên Đà Lạt làm việc.

Bảo là bạn của Sung, hai anh chị đều nhìn bằng đôi mắt ngờ vực, mà ngờ vực là phải, loài người đã hầu như quên hết cái căn bản thật thà rồi. Ai nói dối người ta còn tin, tin rằng kẻ ấy nói dối, nhưng đến kẻ nói thật thì chẳng ai muốn bị mang tiếng là khờ nên chẳng ai muốn tin.

Có thể rằng sự thật hôm nay nó chỉ thật ở hôm nay, ngày nào đó chúng tôi sẽ có thể hợp tính nhau, có thể yêu nhau. Người ta bảo nghệ sĩ cần phải yêu mới làm việc hay, và lắm kẻ còn tiên đoán rằng ngày nào tôi yêu thì con người tôi sẽ hoàn toàn đổi khác.

Thật không, người đàn ông có uy lực đến thế kia sao? Còn đợi xem, Chung Vô Diệm thì phải chờ Tề Tuyên Vương chứ, gặp ai cũng lụy được sao.

Chị Thu đã đẹp lại còn khéo léo, việc nhà cửa bếp nước, đàn ông lấy vợ như thế tha hồ được chiều chuộng. Nhưng hình như có một điểm nào u tối ở trong khung cảnh gia đình ấy, một cái gì không trọn vẹn.

Trời bắt đẹp thì phải trả thuế cái nhan sắc, tuy rằng mới nhìn bề ngoài tưởng anh chị ấy rất hạnh phúc. Mỗi người đàn bà đẹp đều mang cái tâm trạng của Faust, anh chàng này ký kết với Méphistophèles để được hưởng tận những sự sung sướng vật chất ở đời. Người đàn bà ký kết cũng với một loại ác quỷ như Méphistophèles để được đẹp. Cố nhiên là bản hợp đồng nào cũng phải có lợi cho đôi bên, hoặc là bên bỏ vốn phải được lợi hơn. Ác quỷ bỏ vốn, và người đàn bà chỉ là con nợ nên phải trả lại khá nhiều, cuối cùng lúc về già, hết nhan sắc cũng như mãn hạn bản hợp đồng. May quá, tôi không có ký hợp đồng với ác quỷ. Thế mà lại hay, đỡ mất thì giờ, quãng thì giờ tô điểm, ngồi hằng nửa buổi ở trước gương. Cái quãng thì giờ buồn bã lo sợ khi thấy những nếp nhăn bắt đầu vạch lên trán, lên mép. Nhưng coi chừng. Có phải vì không được cái may mắn xinh đẹp mà tôi đã tự tạo cho tôi cái lập luận này không? Tôi đáng thương vậy sao?

Hẹn sẽ vẽ biếu chị Thu với anh Văn một bức tranh, nhưng hẹn là một chuyện, còn hứng lại là một chuyện khác. Càng ngày tôi càng theo người đời, dối trá, tham lam, mơ danh hão…. Còn gì nữa, chừa đi con ạ, nếu muốn tâm trí được thảnh thơi. Cỏ xấu thật dễ mọc, trời chỉ cần mưa xuống có một hôm và bác làm vườn chỉ cần bị vợ bắt ở nhà quạt than có một buổi…

Lắm khi tôi muốn từ bỏ tất cả, ly dị với khung, với mầu, với sơn dầu, với bút lông để đi theo những người Việt ở trên mấy cái cốc vùng Căm Bốt. Sống cuộc sống ẩn dật của họ, không thèm muốn, không đòi hỏi.

Nếu trước mặt chỉ có núi, sau lưng chỉ có núi thì con người không thấy gì khác nữa để thèm muốn, để ước mơ, và để tranh dành nhau. Ngay đến một giòng sông rộng họ cũng không nhìn thấy vì nước là động, nước hay giục người quẩy gánh lên vai. Trai lại núi cô đọng, cứng rắn, con người miền núi cũng mang cái tâm trạng của núi…

Những suy tư của VĂN

Còn mấy ngày nữa là Sung và Mai lên nghỉ hè, hẹn sẽ ở trọn ba tháng, nghe mà vui. Cuộc đời sẽ bớt tẻ nhạt, cái tuồng hai vợ chồng ăn xong bữa cơm chiều, quẹt mỏ đứng lên đi ra hiên xỉa răng. Chẳng biết làm gì, nói gì với nhau, còn gì nữa đâu mà nói, cuộc đời như thế mà chưa cạo đầu đi tu cũng là một loại can đảm. Sự có mặt của người thứ ba là cứu tinh, là giải thoát.

Nhưng tôi có hơi tự dối mình không? Tôi mừng vì gặp Sung hay vì biết rằng Mai sẽ cùng lên? Mai sẽ lên để vẽ, để sửa soạn cuộc triển lãm vào mùa xuân sang năm. Niềm vui rất nhẹ nhưng mà kỳ lạ, từ ngày lấy vợ tôi chưa bao giờ được lắng nghe cái cảm giác ấy. Không phải tôi có ý định làm gì để buồn cho ai, cả Sung lẫn Mai, và ngay cả Thu cũng đều không đáng bị làm buồn. Tôi cũng không muốn có một hành động gì để người đời phải phê bình rằng phi lễ, rằng đạp đổ, phá hoại. Nhưng tôi muốn thành thật, tôi thành thật mà thú nhận rằng hình ảnh Mai đã gợi trong tâm tư tôi rất nhiều ý nghĩ tươi trẻ. Tôi thừa can đảm để kéo nốt cuộc sống từ nay…

Nếu loài người có trách tôi thì trách ở điểm nào thôi chứ không thể trách ở cái điểm chân thành. Tôi sẽ hỏi Mai có nhận tôi, cho tôi được mãi mãi là một người bạn lớn, chắc Mai sẽ không từ chối. Người ta hay nghi ngờ tình bạn… nhưng tôi tin rằng mỗi người, ngay cả một tên đao phủ, một tên tướng cướp, cũng vẫn giữ trong lòng một một cái góc để đặt bàn thờ. Kẻ đáng xấu hổ là kẻ có tội mà dấu kỹ không dám khai ra.

Mai không đẹp, như thế tránh được cái nạn bị Thu ghen, vì người đàn bà đẹp lúc nào cũng chỉ nơm nớp lo sợ người khác dành mất cái chức hoa khôi của mình. Nhưng theo tôi thì "cái thân hình lép kẹp như con mắm phơi khô" ấy, nói theo lời phê bình của Thu, Mai có một sức thu hút rất kỳ lạ. Nhưng chẳng phải ai cũng có cái đặc ân nhận thấy đâu. Nghe Mai nói chuyện về hội họa, về các đề tài thì tôi đố đấy, bụt ngồi tòa sen cũng từ bỏ tòa sen để xuống xin góp chuyện vối cô bé. Một thứ quả đắng, một thứ nấm tràm, nhiều người không biết ăn, nhất là những ai chuyên môn ngậm kẹo. Hiểu làm sao nổi cái thú vị của nấm tràm…

Họ lên. Hai người như hai chiến sĩ xung phong đi vào đời, những cái nhìn trao nhau, những nụ cười đồng ý, sao mà dễ thương thế. Tôi thèm cái hạnh phúc của họ, một thứ hạnh phúc chưa thành hình, như hộp kẹo còn nằm trong gói giấy bóng. Mai xưng bằng tên, gọi Sung cũng bằng tên, gọi tôi bằng anh Văn, nghe dễ thương như có một thứ tình cảm gì rất thiêng liêng đã buộc vào chúng tôi. Thu nhìn Mai với cái nhìn của bà mẹ chồng, soi mói kiểm soát tuy cố làm ra vẻ kẻ cả, ta đây là vai chị. Tôi không dám tỏ ra một thái độ gì vì sợ dầu đổ thêm vào lửa. Thượng Đế khi tạo ra người đàn bà, ông đã vô tình tạo ra một thứ khí giới rất nguy hiểm, nếu biết xử dụng thì nó là thứ khí giới có thể mang lợi ích lại cho nhân loại, nhưng liệu chừng, không khéo xử dụng là nó nổ tung ra thì hại cả nước.

Mai đưa theo rất nhiều khung, lụa, mầu, với giá vẽ. Mai lên đây không phải để hưởng thụ như hầu hết mọi người lúc lên Đà Lạt, mà chỉ để sáng tác. Trời cũng khá công bằng, bắt xấu, không cho nhan sắc thì cho có tài và chịu khó. Tuy vậy tôi không cho là Mai xấu, có một tấm màn hồng che ngang qua mắt tôi rồi chăng? Hai người tíu tít với nhau, có mấy tiếng đồng hồ mà nghe gọi Mai ơi Mai hỡi đến cả chục tiếng. Lần đầu tiên tôi thấy Sung tíu tít như thế trước một người đàn bà, nhưng Sung khôn và có lý.

Tôi chưa bao giờ quan sát những người yêu nhau, bây giờ tôi mới thấy, Sung có vẻ cuống quýt mỗi khi Mai gọi, Mai bình tĩnh hơn. Một là cô nàng chưa yêu Sung, hai là cô ta giữ ý, dầu sao tôi vẫn thấy như thế dễ chịu hơn. Tôi ghét những sự bộc lộ, nhất là với một người đàn bà. Vì thế mà tôi không lấy vợ Âu… một trong những lý do. Nếu Mai cũng có cái thái độ nồng nhiệt của những cô thiếu nữ mới biết yêu, mới bắt đầu yêu và bắt tất cả mọi người phải nghe tiếng gào thét của mình thì tôi chịu sao nổi. Nghệ thuật yêu cao độ là thế chăng. Mai sợ nhà chật, đòi đi thuê nhà nhưng cả tôi lẫn Thu đều phản đối. Lần đầu tiên hai vợ chồng tôi có một điểm đồng ý với nhau. Trong nhà đâm ra tưng bừng như một ngày đại hội, nhắc tôi nhớ đến những buổi giỗ tết ngày xưa. Mẹ tôi lo dọn dẹp sắm sửa từ mấy tháng trước, chùi nhà cửa, đánh bóng các thứ đồ thờ tự bằng đồng, làm các thứ mắm, thứ dưa cần để dọn khách, may mặc cho các con… Cuộc cách mạng và chiến tranh đã đạp đổ hết tất cả những thứ ấy rồi, tôi nói vậy không phải tôi phủ nhận cái ích lợi trong mỗi cuộc cách mạng đâu. Nhưng cách mạng mà không mang lại được một cái gì thay thế thì cũng chỉ là sự nối tiếp trong công cuộc người hành hạ người.

Gian phòng khách rộng rãi để dành cho Mai làm xưởng họa, cái tên xưởng hỏa dịch chữ atelier của Pháp. Không biết người Pháp có nghe rung cảm khi đọc lên chữ "atelier", có hình dung ra ngay được nơi làm việc của họa sĩ như tiếng Việt nhà tôi không? Quyến rũ và gợi hứng, bày ra trước mắt những hình ảnh cùa mầu sắc, của khung lụa, khung vải và tác phẩm đang vẽ dở ở trên giá hay là đã hoàn thành, la liệt đầy tường, đợi ngày triển lãm. Thế giới của nghệ sĩ. Nếu thế giới chỉ có toàn nghệ sĩ, nếu một quốc gia mà tất cả dân chúng đều là nghệ sĩ thì sao nhỉ? Có còn chiến tranh? Mình sẽ đưa điểm này ra thảo luận với Mai hôm nào có dịp, xem ý kiến cô bé ra sao. Nếu tôi có hoàn cảnh xây nhà, tôi sẽ bắt kiến trúc sư biến ngôi nhà thành một cái xưởng họa, có ánh sáng tuôn tràn từ trên mái bằng kính xuống, có màn che ánh sáng… Dầu cho tôi có không là họa sĩ tôi cũng sẽ tìm thấy những cảm hứng mà kẻ sống trong một ngôi nhà bình thường không bao giờ tìm thấy. Trong lúc dọn dẹp nhà cửa, hùng hục khiêng bàn ghế, mỗi người chúng tôi theo đuổi một ý nghĩ riêng biệt nhưng hình như ai cũng hân hoan.

Tôi không đi làm việc một cách mừng rỡ như trước. Sự lìa bỏ ngôi nhà mỗi ngày mấy tiếng đồng hồ, bây giờ không mang lại cho tôi một thứ dưỡng khí cần thiết cho buồng phổi và tinh thần để kéo nốt cái cày thường lệ nữa. Tôi mang ơn Sung, mang ơn Mai và mang ơn luôn cả Thu, tại sao, khó giải thích. Tôi cũng không muốn đòi hỏi gì thêm, không muốn có sự gì thay đổi. Như một bản nhạc hoàn hảo, đừng ai thêm bớt vào một thanh âm nào, dẫu thanh âm đó có hứa hẹn rằng sẽ đẹp tai hơn. Phải tự tìm lấy cho mình một lối thoát, không được trông cậy vào ai cả.

Bữa cơm chung đầu tiên, chưa bao giờ đời tôi có một buổi yến tiệc tưng bừng như thế, sự tưng bừng trong tâm tư. Tôi thầm cảm ơn Thu vì Thu đã cố gắng trổ hết cái tài cái khéo léo để giúp cho bữa cơm được thêm phần ngon lành. Vui thì mầm đá cũng ngon, nhưng đây không phải là mầm đá, Thu đã làm lại những thức ăn mà ngày xưa mẹ tôi thường nấu mỗi khi nhà có khách. Hai anh em tôi tha hồ chia nhau. Nhất là món cá hấp với tương gừng, ngày bé Sung mê nó nhất, món thịt nướng và cả món canh tần ô. Mai ăn và khen rối rít:

- Em chưa mấy khi được ăn ngon như thế này, chị Thu nuôi em đi!

Câu nói nghe chân thành và dễ thương lạ, Sung nhìn Thu bằng cái nhìn biết ơn. Tôi muốn hét lên "hạnh phúc quá đi mất trời ơi!". Tại sao người ta chỉ than khóc gào thét mỗi khi người ta có chuyện buồn mà không mấy ai gào thét khi có chuyện vui. Một sự bất công của loài người đối với Thượng Đế. Hôm nay được tôi khen chắc ông sẽ mừng lắm, ông sẽ gật gù, cũng như nhà đạo diễn sau khi hoàn thành tác phẩm ngồi đọc báo để nhận những lời phê bình ngợi khen.

Người Á Đông ăn bằng đũa và gắp chung vào một đĩa thức ăn, khác dân Âu Mỹ chỗ ấy và các anh Âu Mỹ không hiểu được cái nên thơ trong lúc hai đôi đũa gặp nhau trong một món ăn. Hai cái nhìn bẽn lẽn nhưng vui mừng vì tìm thấy một điểm hòa âm nhỏ. Cái đũa đưa thức ăn lên môi, một sự gặp gỡ gián tiếp của đôi môi…

Những suy tư của THU

Họ đã đến. Từ mấy tuần trước Sung viết thư lên hỏi ý kiến có nên thuê nhà riêng cho Mai hay là mời Mai ở chung với chúng tôi. Chỉ có thế mà tôi phải suy nghĩ mất mấy đêm. Ở chung ư, hai người sẽ có dịp gặp nhau, có dịp hiểu nhau, cố nhiên là sẽ có dịp để yêu nhau hoặc ghét nhau. Năm chục phần trăm của mỗi cái có thể. Sự sống cạnh nhau sẽ vạch rõ cho thằng đàn ông thấy cái tính xấu của người đàn bà, lúc bực bội, lúc cau có. Cái nét mặt nhầy mỡ lúc mới ngủ dậy, cô bé nhờ trời vắng nhan sắc và sự gò gẫm, hóa trang, đạo diễn cho mặt mày, cho thân thể lại càng thêm cần thiết. Để họ sống xa nhau, một là tôi sẽ ít được gặp mặt Sung, nhất định thế, hai là cô bé sẽ có thì giờ để đóng nốt vai trò; Còn năm chục phần trăm kia thì sao? Họ có thể càng ngày càng thêm hợp ý… Nhưng có tôi bên cạnh, ngọn đèn điện và ngọn đèn dầu leo lét, có lý nào ngọn đèn dầu dám vượt sáng hơn.

Thế là tôi đề nghị họ ở chung với chúng tôi, mọi người đều hoan hỉ, nhất là ông Văn. Nhìn cái mặt ông ấy hí hửng mà phát ghét. Có người đàn bà nào nhìn mặt chồng mà buồn nôn không? Chắc có chứ, tôi đâu phải là quái thai. Nếu tôi có như thế cũng không phải là lỗi ở tôi, xem người ta như đôi dép rách, đến một độ chịu đựng nào thôi, sau đó thì con chó mà đạp nó thì nó cắn cho là đáng đời. Mất vợ ráng chịu, thời đại này mà con xem người đàn bà là một vật, một món đồ nữa sao. Thảo nào mấy cô gái Việt có ăn học cũng đi tìm bạn ở các phương trời xa. Nhưng tôi không đổ thùng nước bẩn trong chậu tắm mà hắt luôn cả đứa bé đâu, trai Việt Nam còn có những người như Sung để cột chân gái Việt Nam…

Sung với Mai có vẻ rất tương đắc, tôi cố nén một tiếng thở dài mỗi khi nghĩ đến, hoặc bắt gặp một nụ cười, một cái nhìn họ dành cho nhau. Không sao, tôi sẽ cố gắng, tôi sẽ xem Mai như em gái, luân lý bảo thế, xã hội bảo thế, ông Khổng Tử bảo thế. Hừ, luân lý, đạo đức, toàn một thứ gỗ mục, còn chờ gì mà chưa sa thải đi. Tôi tưởng tượng đến cái nhìn nghiêm khắc của Sung sẽ đặt vào tôi, sẽ phê bình sao dám phi lễ, sao không đoan trang. Ông Khổng Tử ơi, nếu ông có sống dậy thì ông nên che mặt lại mỗi khi ra đường, hoặc là bỏ tiền ra mua hết tất cả các sách vở để viết lại, sửa đổi cho hợp với thời đại này… Sung sướng thay những con chim, con bướm, con hươu, con nai, chúng nó muốn làm gì thì làm, có phi lễ với nhau đến thế nào chăng nữa cũng chẳng sợ ai phê bình dè bỉu, khiển trách.

Mai ăn mặc thế nào trông cũng xấu, khách quan mà nhận xét là thế, hình như cô nàng biết mình xấu nên vờ tạo thêm cho mình cái tác phong bất cần đời. Trái lại Văn của mấy hôm nay không còn là Văn của ngày trước, chẳng biết ông ta học đâu cái vẻ cuồng nhiệt yêu đời như vậy, ban đêm anh chàng lại còn đam mê hơn. Tôi chịu không thể nào hiểu nổi, không lẽ cái thân hình "cá khô sặc" ấy mà lại gợi hứng cho ông ta đến thế sao? Thế thì chẳng hóa ra bao nhiêu sự tìm tòi trong nghệ thuật yêu đương từ cổ chí kim đều sai lệch cả? Không cần, miễn Sung không thay đổi với tôi là đủ, lúc nào cũng dễ thương, âu yếm, đón ý chiều chuộng. Sự yêu chiều của Sung dẫn người đàn bà đến một cái mức độ ngà ngà say mà không dám nghĩ đến sự đòi hỏi xa xôi hơn. Uống rưọu đi rồi biết, sao tôi táo bạo quá vậy, chết thật!

Hai người ở hai gian phòng cạnh nhau nhưng không có cửa đi thông qua phòng nhau, muốn qua phòng nhau phải đi qua phòng tôi, như thế là tôi có thể kiểm soát được tất cả những hành động của họ. Nhưng sao lại kiểm soát, họ là người lớn, họ có quyền định đoạt cuộc đời của họ, can hệ gì đến tôi… Mà sao lại không can hệ, sao lại phải tự dối mình ngay cả trong những ý nghĩ riêng biệt… Nếu tôi là mẹ chồng, tôi không bao giờ chấp nhận cái thứ con dâu ấy, chưa gì đã thấy bừa bãi, đời bây giờ đâu có dễ nuôi người làm. Lấy cái thứ vợ đó về chắc phải nấu cơm cho bà ăn, giặt quần áo cho bà mặc, và nếu cần, chắc phải sinh con hộ cho bà nữa là khác. Cô ta bừa bãi một cách ghê sợ, góc nào cũng thấy quần áo, góc nào cũng thấy các thứ giẻ chùi tay, khung màu… Nói đến thì ông Văn bênh chầm chập bảo nghệ sĩ, chẳng hóa ra nghệ sĩ đồng nghĩa với chữ dơ dáy bẩn thỉu sao. Tôi chịu, không thể nào hiểu nổi.

Sáng hôm nay Sung gõ cửa sang phòng tôi nhờ giặt mớ quần áo, tôi sung sướng giang tay đón nhận những cái quần áo bẩn ấy, phải nói đó là một thứ bẩn thơm tho mà chỉ có người yêu nhau chấp nhận hoặc là người mẹ chấp nhận ở đứa con do mình tạo ra. Như thế tức là Sung vẫn còn cần đến tôi, không hắt bỏ tôi ra ngoài như hắt cốc nước uống thừa. Đây là một điểm may mắn, nếu Sung gặp cái loại đàn bà đảm đang, chỉ lo ôm lấy cái công việc hầu hạ chồng, cho đó là lẽ sống của cuộc đời thì Sung đâu có cần nhờ vả gì đến tôi nữa, và con chị dâu này, rồi đành phải chấp nhận cái mà xã hội ép buộc phải chấp nhận.

Vừa ăn xong buông đũa là cô ta sang phòng vẽ, không hề ngó ngàng đến chén bát, cái chăn ngủ dậy cũng không thèm gấp lại cho ngay ngắn. Tôi phải lấy giấy ny lông bọc lại bộ ghế xa lông chứ với chiếc áo bẩn của cô ta mà ngồi thì chẳng mấy chốc là phải vứt đi. Người đàn bà chỉ sung sướng ở cái địa vị đàn bà của mình, có một khoảng thời gian trong mỗi ngày, khác biệt với đàn ông có điểm ấy, thế mà cô ta không biết tận hưởng. Đàn ông sáng ngày dậy phải lo sửa soạn đi làm. Đàn bà đợi chồng ra khỏi nhà để được vào phòng tắm trang điểm, trau chuốc cái thân thể, cái nhan sắc. Để rồi lúc ra phòng ngoài còn nghe vang mùi thơm toát ra từ trong thân thể, trong da thịt của mình. Chọn một mầu áo hợp với mầu trời, với mầu hoa trong lọ. Sống như thế sao gọi là biết sống, cô này số vất vả, cái tướng hấp tấp vội vàng còn gian nan nhiều đấy con ạ.

Mấy ngày qua rồi nhỉ, một tuần chăng, sao thời gian qua nhanh đến thế. Ban đầu tôi tưởng khó thở, nhưng bây giờ thấy cũng không đến nỗi nào. Cô ta chỉ chúi đầu vào mấy bức tranh, sau những buổi ăn thì ngồi nói chuyện chung, ông Văn nhất định đánh đeo theo mà hỏi han, làm cho Sung và cô ta chẳng mấy khi có dịp đi riêng. Càng hay chứ sao, con người ấy mà cũng có khi được việc. Những bức tranh mà mọi người lùi ra lùi vào nheo mắt nheo mũi để ngắm, tôi chẳng thấy nó nghĩa lý gì cả. Nghe đâu trong số tranh có bức Trúc Lâu là của Sung, chú em tôi dám bỏ ra một lần bốn chục nghìn để mua. Đàn ông thật dại, thời buổi nầy đồng tiền phải đi dạy học đến ho đến thổ huyết ra mới kiếm được bốn chục nghìn, thế mà dám bỏ tiền ra mua một bức tranh. Biết ngày mai ra sao, Cộng Sản nó mà kéo vào thì đến cái thân xác chạy cũng không kịp chứ lại tranh với chẳng tranh. Tôi vẫn cho Sung là khôn ngoan nhất, nhưng đàn ông, thì ra có khôn mấy cũng chẳng lại đàn bà.

Mai ở nhà làm việc, Sung đi chợ với tôi, hệt như ngày xưa, chúng tôi đi cạnh nhau. Thỉnh thoảng Sung đi sát vào tôi, không biết vô tình hay cố ý, qua đường Sung nắm tay tôi. Giá con đường từ nhà tới chợ có rất nhiểu chặng đèn đỏ đèn xanh để chúng tôi phải băng qua một cách vội vàng như thế mãi. Để Sung phải giữ lấy tay tôi, khi người ta nắm tay nhau tức là người ta muốn bảo vệ cho nhau, tức là người ta có thương yêu nhau. Sung theo tôi đi len lỏi vào tận chợ, nhìn tôi mua bán bằng đôi mắt âu yếm, tôi dùng chữ âu yếm này không biết có chủ quan chăng? Nhưng tôi cứ dùng thì đã sao? Sung thích ăn bún chả, tôi phải mua về làm lấy mới ngon, gọi mấy gánh hàng rong thì họ làm với những thứ thịt rẻ tiền, ướp bằng thứ nước mắm thường, không bao giờ ngon bằng nhà làm. Nhất là khi người ta yêu, làm với hình ảnh người yêu hào quang trong tâm tư. Nghĩ đến lúc dọn lên, lúc người yêu đưa lên miệng… Chỉ thế thôi là đủ an ủi cho cả một ngày.

Tôi muốn mua hoa về chưng nhà nhưng Sung dành đi mua lấy, nhà độ này đầy cả phong lan, không biết hai anh em dở chứng thế nào mà mạnh anh nào anh nấy đi khiêng phong lan về. Hoa phong lan là thứ hoa người xưa treo trong phòng đẻ của các bà để giục cho cái thai chóng ra. Như thế tức là ô uế phàm tục. Tôi chỉ thích hoa hồng hay hoa huệ, những thứ hoa trang trọng người ta dâng Chúa dâng Phật. Hoa Phong Lan là thứ hoa gửi, hoa man rợ, chỉ hợp với tâm hồn các cô gái núi. Tôi là con đẻ của đô thị, của phấn son lụa là, tôi không thể nào trốn bỏ cái tính chất đô thị của tôi, mà sao lại phải trốn. Sung đón ý tôi nên đã mua cho tôi một bó hồng thật lớn, thứ hồng dài cuống, cánh hoa hệt như hoa nhung:

- Biết chị Thu thích hồng nên mua luôn cả bó cho chị Thu vui.

Người đàn bà nào được tặng hoa mà không run rẩy, không muốn ghì sát vào ngực cho cánh hoa chà xát lên da thịt mình. Mùi thơm của hoa làm tôi nghe rạo rực, cơ thể muốn đòi hỏi một sự gì khác nữa. Một sự gì cụ thể hơn, thiết thực hơn. Xác thịt ơi, bộ mi muốn phi lễ chăng? Đâu có được. Còn cái hàng rào luân lý đó bỏ cho ai. Làm sao mà đốt nó đi, xé nó ra, băm nghiền nát nó đi cho mi được thỏa mãn… Chúng tôi đi cạnh nhau hệt như một đôi tình nhân chưa vượt vòng lễ giáo. Tôi thầm cám ơn khoa học và tất cả các thứ mỹ phẩm son phấn, các vị kỹ sư chuyên môn nghiên cứu các thứ dụng cụ để giúp người đàn bà giữ gìn nhan sắc. Ra đường đố ai biết tôi hơn Sung mấy tuổi. Trông Sung đạo mạo như một người anh lớn và tôi như một cô em gái bé bỏng cần được sự che chở. Trời không cho tôi được hưởng những gì tôi mơ ước, thì tôi phải tự tạo lấy cho tôi một lâu đài hạnh phúc riêng biệt. Tôi sung sướng khi được cầm chiếc áo sơ mi hoặc bộ áo ngủ của Sung nhúng dần vào chậu nước ấm. Cũng là một công việc mà sao không bao giờ tôi có cái cảm giác mơn man như thế khi tôi nhúng quần áo của Văn. Văn là một thứ mây đen, mỗi đêm tôi phải sang phòng Văn, làm cái bổn phận bẩn thỉu. Tình yêu, nhất là sự phối hợp thể xác mà không có sự hào hứng thì quả thật là bẩn thỉu. Tôi có cảm tưởng rằng tôi đang phản bội những lúc ấy, mà không biết phản bội ai?

Thì ra vì cô họa sĩ thích phong lan mà cả hai thằng đàn ông đều vác giò lên vai chạy cuống chạy cuồng để đi kiếm cho đủ thứ. Tiền làm đổ mồ hôi mà cứ y như là tiền ốc tiền sò ngày trước. Sung vừa vác về một gốc phong lan hoa dài buông rũ xuống, làm như Sung sợ Mai ghen vì Sung mua hoa hồng hôm qua cho tôi. Sung không cho tôi sung sướng được trọn vẹn. Có những tình ý mà người đàn ông dầu thông minh mấy cũng không bằng người đàn bà. Sung có biết là Sung làm cho tôi buồn không? Tôi cũng chẳng muốn đè nén, mặc cho cơn buồn dâng lên tự do. Sao Mai lại may mắn thế, không đẹp, xấu như mán như mọi, không có lấy một nét nào đáng gọi là dịu dàng hấp dẫn, thế mà bắt được cả hai anh em làm mọi cho mình. Hay là kiếp trước hai anh em nhà này có nợ nần gì với cô ta chăng, chỉ có một lời giải ấy là nghe xuôi thuận. Đã vậy mà họ lại còn như kiêu hãnh sung sướng được cô ta chấp nhận cho phép được phục dịch hầu hạ. Ngay cả đến nô lệ thật thụ, người ta bỏ tiền ra mua, nó cũng còn đòi đập phá, đòi tự do. Đằng này không, cả anh cả em đều như ăn phải bùa phải bả. Hay là cô ta có bùa chăng? Chắc thế, để hôm nào chờ cô ta đi vắng tôi vào thử lục lọi trong phòng một buổi xem sao. Cô bé thế mà đáo để, nuôi ngải nuôi bùa mà khi nó bỏ nó đi là chết đấy con ạ.

Nhưng nói vậy chứ tôi không chắc, tôi buồn đâm ra nghĩ quẩn nghĩ quanh. Thương cho tôi, mang tiếng là hoa khôi, là trẻ, là xinh, mà trong tâm hồn không bao giờ dứt bỏ được những ý nghĩa quạnh hiu. Ngày chồng tôi mang trầu cau đến hỏi, ai cũng khen là tốt phúc. Mẹ tôi mừng rỡ đi Lăng Ông, đi đền đi chùa cúng tạ, hình như mẹ tôi có vái cầu cho con gái kiếm được tấm chồng cho rạng rỡ, thì đấy, bà luật sư, thứ luật sư ở bên Pháp về chứ không phải thứ luật sư nội hóa, "lô-can". Mẹ tôi cứ sợ cái nhan sắc làm cho nhiều người chạy theo để rồi chẳng ai dám rước Thật là thủ cựu, tội nghiệp. Không bằng một cô gái xấu xí khoác cái danh nghệ sĩ hão, nếu mẹ tôi biết….

Những suy tư của MAI

Nếu Đà Lạt không mưa thì Đà Lạt không ma quái và không đáng sợ, người Đà Lạt khỏi bị cái điệu nhạc thê thiết của mưa gieo vào tâm tư. Trời Đà Lạt sẽ trong và cao vút lên, nắng không chát chúa gắt gao như nắng Sài Gòn, nắng châu Phi. Vũ trụ ơi, sao mà đâu đâu cũng chỉ thấy có một mầu xanh không thôi vậy, nếu bây giờ có ai đùa mang mầu đỏ tô lên khắp vũ trụ thì sao nhỉ, chắc tôi sẽ là đứa la lối trước nhất. Các bạn đi chơi vùng sa mạc về kêu rằng sa mạc có nhiều mầu tím, vì đá sa mạc hơi hồng ngã sang nâu, gặp ánh nắng chiếu vào, thêm mầu trời xanh, tất cả những mầu sắc ấy hoà hợp lại nó biến thành mầu tim tím…

Tôi đang bố cục cho bức tranh Ngư Trường, thanh kiếm mà ngày Hạp Lư chưa lên ngôi đã dấu nó dưới gối ngày đêm để chờ dịp chiếm lại cái ngôi của thằng cháu tham lam không chịu trả. Sử chép thanh Ngư Trường tuy nhỏ nhưng chém sắt như bùn. Sau đó, đợi Chuyên Chư học xong nghề nướng cá, Công tử Quang mới trao kiếm cho Chuyên Chư. Anh chàng dấu nó vào bụng cá nên mang lên không ai khám phá ra và tội nghiệp ông vua tham ăn cá nướng, mặc dầu đã phòng thân với mấy lớp sắt cũng không thoát chết. Sử còn chép rằng sau khi giết được Vương Liêu rồi thì công tử Quang tức là Hạp Lư đạt được ý nguyện và mang dấu kỹ thanh bảo kiếm, cho là vật bất tường. Khi ông chết, được Phù Sai chôn theo với ông. Tất cả lịch sử điên đảo của thanh Ngư Trường là như thế, mình phải dàn xếp thế nào cho đẹp đây? Tôi ngập ngừng không biết có nên theo vết những danh họa Trung Hoa thời xưa, họ vẽ những đề tài như "Hồ đình du kỵ, Quan sơn hành lữ", trong ấy chỉ có phong cảnh là được chú trọng, còn cái nhân vật du kỵ và hành lữ đó thì bé tí ti. Có phải họ cho con người là một yếu tố kém quan hệ so với thiên nhiên chăng. Tôi muốn vẽ những bức tranh với rất nhiều thời gian, như Đường Dần nhà Minh, năm chục năm sau trong lúc ốm đau, tay chân run rẩy, mà vẫn còn muốn sửa chữa, tô điểm thêm cho bức tranh. Con người sẽ được thấy mình già qua bức tranh, hay là không già qua bức tranh.

Ghê sợ nhất là cái gì cũng đã có người làm rồi, Franz Kafka lúc nói rằng con người bị định tội trước khi làm tội, vì sinh ra làm người tức là bị định tội rồi. Sách nhà Phật cũng nói cái lý thuyết đó rất rộng, rất dài vậy, tại các ông Tây Âu không thạo sách Phật nên mới nhắc mãi cái ý kiến ấy, cho là mới lắm. Thì nhà văn cũng vậy, họa sĩ cũng vậy. Trong sách Tấn Thư và ngay cả họa sĩ Triệu Nham cũng vẽ và nói đến Bát Đạt Xuân Du. Tranh vẽ tám ông sống dưới thời ấy mà biết ở trần truồng, để tóc dài và uống rượu đến chết thôi, thì so với cái phong trào híp-pi ngày nay có thua gì… Suy nghĩ nhiều đâm ra chỉ muốn chui vào chăn nằm ngủ một giấc dài không để đồng hồ báo thức… Nhưng thôi, không được quyền yếm thế….

May quá cả nhà để cho tôi yên ổn mà làm việc, chỉ những lúc nào tôi tự cho phép được nghỉ ngơi mới dám nghĩ đến chuyện họp nhau lại ngồi tán dóc. Chị Thu với Sung rất quý nhau, ở Sung thì tự nhiên, con người ấy sinh ra để làm vui lòng tất cả, từ một con chim con gà, nhưng ở chị Thu thì hình như có một thứ âm thanh nào quằn quại, rất đáng thương. Thi vị là ở chỗ đó.

Chiều hôm qua đi rừng với anh Văn, không có chị Thu và Sung. Vì vẽ không thấy hứng, tôi bỏ ra vuờn tưới hoa, anh Văn thấy không làm việc nên rủ ra rừng. Sung đi thăm trường Đại Học và chị Thu đi thăm một cô bạn ở nhà hộ sinh. Tội nghiệp chị Thu, tự giam mình trong cái lao tù giống cái của mình. Bắt mình phải đẹp, phải diêm dúa, bắt người khác giống phải dành cho mình một chỗ đứng riêng, phải biết nấu ăn ngon và phải biết sinh đẻ. Nghe Sung bảo chị ấy còn đòi đi ngoại quốc để sửa tử cung, nhất định đòi có một tác phẩm.

Anh Văn rủ đi rừng, một phút ngập ngừng, nhưng sao lại ngập ngừng? Tôi không đủ sức điều khiển tôi và chế ngự cả người chung quanh sao? Tôi đâu phải thứ đàn bà khuôn khổ sợ mình yếu đuối, sợ dư luận, sợ lời dị nghị khen chê. Thế là hai anh em đi vào rừng, đến đấy tôi mới thấy là cái phút ngập ngừng của tôi không phải là không có lý do. Ngay từ hôm đầu tôi đã linh cảm thấy một sự nợ nần gì nhau giữa tôi và hai anh em nhà này. Người Á Đông sướng hơn người Âu châu ở chỗ ấy, bài toán nào không giải được thì cứ đổ lỗi cho tiền kiếp với kiếp sau là xong. Tôi chẳng có gì cả, nhan sắc không, tiền của không, cả đến gia đình với ông bố làm tổng trưởng hoặc "sao" lớn "sao" bé cũng không, thế mà cả hai anh em đều quyến luyến, báo hại bắt chị Thu phải vất vả theo. Nhưng tôi rất tin ở tôi, con người quê ở xứ đá cuội, không bao giờ có quyền để cho mình được yếu đuối và chịu sự điều khiển của ngoại giới. Ngày nào tôi có làm gì tội lỗi là ngày ấy quan toà có thể cho tôi vào tù không cần mất thì giờ xét xử, biện hộ. Đó là vì tôi muốn làm tội lỗi. Với anh Văn, tôi cũng không tin rằng anh Văn dám làm một cử chỉ gì để lương tâm phải lên tiếng khiển trách. Không phải tại anh Văn còn đứng trong cái hàng ngũ ông đồ xưa, ngày nào cũng lo sợ mắt phải nhìn "phi lễ chi sắc", tai phải nghe "phi lễ chi thanh". Anh Văn đang bị kẹp vào trong cái xã hội tiểu tư sản, con người muốn vùng ra mà xã hội thì kẹp vào, suốt đời chỉ có vùng vẫy và chẳng bao giờ ra thoát.

Trời bỗng dưng trở gió, rồi mưa rất nhanh. Vô lý một cách cùng cực. Anh Văn đưa tôi vào đứng nép sát dưới một gốc cây, có lá dày rậm. Khu rừng dưới trời mưa nặng hạt như ngôi nhà bị đóng cửa, hết lối ra vào. May cho tôi có đưa theo cái áo mưa, lần thứ nhất tôi đã tiên đoán đúng như một nhà thiên văn chuyên nghiệp. Anh Văn đứng sát bên tôi nhưng anh ấy không biết lo xa, chỉ mặc có mỗi một tấm áo len xanh cũ. Mưa mỗi lúc một nặng, từ thứ mưa trích lịch lác đác để dần dần đổi sang thứ mưa khuynh bàn, xối xả, anh Văn cũng theo hạt mưa mỗi lúc một đứng sát gần tôi hơn. Tôi không dám đẩy anh ấy ra, chỉ cần một cử động rất nhỏ là tâm trạng của con người cũng như hạt mưa. Làm như có một động cơ nào đang chực nổ máy, xúi dục bàn tay, đôi môi, dấn thân vào làm một hành động gì. Tôi chỉ cần ngước lên là hai cái nhìn sẽ gặp nhau, đôi môi sẽ gặp nhau. Trong những giờ phút ấy tôi vẫn thường đặt câu hỏi: Rồi sẽ đi đến đâu, và câu trả lời bao giờ cũng vỏn vẹn có bốn chữ "không đến đâu cả". Một sự đổ vỡ bẽ bàng. .. Cũng trong những giờ phút ấy tôi mới nhận thấy sự hùn vốn của người đàn bà vào cuộc thương mãi tội lỗi không phải là ít ỏi gì. Tôi nhất định không hùn vốn, tức là không có một cử chỉ gì để giúp anh Văn mà anh ấy thì bao giờ cũng chờ đợi… Mắt tôi nhìn thẳng vào quãng trống. Không phải vì tôi sợ mang tiếng phản bội Sung. Ở giữa hai chúng tôi chưa có một câu nói hoặc một cử chỉ nào để mỗi người có thể ghi âm làm bằng chứng. Nhưng sự thoải mái của hai tâm hồn lúc đi cạnh nhau có thể đã là một sợi giây thừng để ràng buộc lấy nhau, đấy cũng là một lý do để cho tôi không nên hùn vốn rồi.

Tôi muốn mắt tôi vẫn nhìn thẳng vào mắt mọi người, cả chị Thu lẫn với Sung. Tôi không muốn tự khinh mình vì đã tự lừa dối mình, tôi sợ hãi nhất là cái cảm giác ấy và cũng nhờ sự sợ hãi ấy mà con người đã tránh được bao nhiêu lần đổ vỡ. Cái mà mọi người cho là của cấm, đối với tôi chỉ có giá trị ngang với một quả bóng cao su. Nhìn những quả bong bóng đó, có đứa trẻ con nào không say mê, không muốn dành lấy mang về nhà. Nhưng rồi ngày mai đến nếu nó không nổ tung ra làm giật mình đứa trẻ thì nó cũng xìu xuống, nhăn nheo như đôi vú bà lão đói. Tôi thầm thì, giá lên được cái mầu mưa này chắc bức tranh sẽ mang lại một sắc thái rất gợi hứng. Một bộ xương khô trơ vơ dưới mưa. Không đẹp sao, nếu thấy cô đơn quá thì cài thêm vào đấy một cành hoa…

- Mai nói gì thế em?

- Không, Mai đâu có nói với anh.

Lạ nhỉ, sao hôm nay anh Văn lại gọi tôi bằng em. Ngôn ngữ của xứ Việt Nam phức tạp ăn đứt tất cả các ngôn ngữ khác trên thế giới, nhất là trong lối xưng hô. Cũng hai tiếng anh với em mà sáng sủa, nhưng cũng hai tiếng ấy mà sóng gió nổi lên ầm ầm. Những lời đối thoại trong giây phút gay cấn nhất chỉ gồm lại có thế. Thú thật là tôi nghĩ nhiều đến mầu và tránh để cho tâm trí khỏi rơi vào trong những điều mà sách Minh Tâm gọi là "phi lễ chi ý", có thế thôi.

- Cảm ơn em. Cảm ơn…

Giọng anh Văn thì thầm hai ba lời cảm ơn nóng hổi bên tai. Sao lại cảm ơn, tôi có làm gì đâu mà cảm ơn, nhưng tôi cũng không hỏi.

- Mai, em…

Lần gọi tên này nghe cấp bách hơn, như lời kêu cứu của một phi công gọi các bạn để báo tin lâm nạn, tôi giả vờ không nghe. Mà có nghe cũng chịu thôi, chẳng biết phải trả lời thế nào. Trời mưa là lỗi ở trời một phần đấy nhé, nếu chúng tôi có rơi vào cạm bẫy, nhưng ai lại đi bắt tội trời.

Mưa mỗi lúc một dày và đậm màu hơn, có mấy khi tôi được chứng kiến một cảnh đẹp như thế. Lá cây rậm đã kết nhau thành một thứ lọng che hầu chúng tôi, nếu không thì cả hai sẽ ướt như con cá bơi trong nước. Biết đâu thế mà lại hay, có lắm người phải nhào xuống sông tắm cho thể xác khỏi bị dằn vặt. Một tiếng sét nhỏ, tôi rùng mình. Giọng anh Văn lại vang lên:

- Em lạnh sao? Hay em sợ?

Tôi vẫn không muốn trả lời, cái rùng mình của tôi đã được đáp ứng bằng vòng tay khóa chặt hơn một nấc nữa của anh Văn. Tôi chợt nghĩ đến Sung, từ nãy đến giờ sao hình ảnh của Sung không đến với tôi, Sung sẽ buồn hay là sẽ xem như chẳng có gì quan hệ. Tôi nhận thấy vai trò của tôi trở nên khó khăn, đóng thế nào cho khỏi bị khán giả ném cà chua. Khán giả là ai, là tôi, là Sung, là anh Văn và chị Thu. Cả bốn chúng tôi đang từ những người xa lạ bỗng tập họp lại để cùng nhau đóng chung một vở kịch. Tôi không tin rằng anh Văn thương yêu gì tôi, mà chỉ là một sự đi tìm của đắng, của chua, ăn thử chơi vì ăn bánh ngọt mãi cũng hơi ngán. Một người đàn bà xấu, thật xấu, biết đâu chẳng mang đến nhiều cảm giác kỳ dị hơn. Tôi nghe tâm tư giá buốt như ai mang mấy tạ nước đá ủ lên toàn thân. Tôi không phải là người đàn bà của thời đại, vì thời đại rất hài lòng khi được thèm khát. Người ta không tìm nhau qua tâm hồn mà chỉ tìm nhau qua thể xác, trời đã từ chối không cho tôi được như ai.

- Tạnh rồi, chúng ta về thôi chứ.

- Hoài của!

Sao lại hoài của, tôi muốn hỏi lại nhưng một giọng quan tòa bảo đừng hỏi, và tôi cúi đầu im lặng dẫm bước lên lá ướt.

Những suy tư của SUNG

Không có gì sung sướng bằng những ngày nghỉ hè. Cái xã hội nào mà biết cho dân đi nghỉ hè là xã hội ấy văn minh. Từ trước chỉ có cái nghề giáo sư mới được cái may mắn ấy. Nhưng có lắm anh vì hoàn cảnh hoặc vì tham tiền, hoặc bị vợ khủng bố bắt làm việc cho bà mang tiền bỏ băng… những anh ấy không bao giờ hiểu nổi cái tâm trạng của tôi mấy tuần nay. Tôi thù cái đồng hồ báo thức như nàng dâu thù mẹ chồng, thù đến nỗi bà chết rồi mà nhất định ngày giỗ không bao giờ thèm lạy bàn thờ. Tôi biết có một nàng dâu như thế, và tôi cũng thù cái đồng hồ báo thức như nàng dâu ấy. Thế mà trong một năm thì suốt chín tháng ròng rã tôi phải lên giây bà mẹ chồng của tôi mỗi đêm để sáng ngày bà ré cho đúng lúc.

Sung sướng hơn nữa là đi nghỉ hè mà bên cạnh có một người bạn gái, chỉ mới là bạn thôi chứ chưa là người yêu, chưa là vợ, bao nhiêu nét đẹp và xấu còn ẩn dấu. Còn phải mất nhiều công phu tìm kiếm, như nhà thám hiểm đang lên đường đi đến một nơi xa xôi. Vợ chồng như anh Văn với chị Thu thì chán chết, không còn gì để tìm tòi, để đón ý chiều chuộng nhau nữa. Đằng này sáng ngủ dậy là phải ăn mặc tử tế, không dám để nguyên bộ áo ngủ sợ phi lễ… Một cảm giác êm dịu, như tiếng võng đưa trong những buổi trưa hè. Cả hai còn phải chinh phục nhau, làm cho nhau đừng ngấy, sợ người khác đến dành mất. Nhưng phải cao tay lắm mới dành nổi cô họa sĩ của tôi. Một phần nhờ ở sự không đẹp của Mai, không đẹp không phải là xấu đến bắt mọi người phải ôm mặt bỏ chạy trốn, nhưng Mai không có những nét đẹp của mọi người, của các cô gái thời đại. Ít ai biết tìm đến cái đẹp tiềm tàng ẩn dấu trong tâm hồn, nhờ thế tôi bớt một mối lo. Nhưng Mai dễ thương, trời bù cho Mai, ngay cả đến chị Thu là đàn bà mà cũng mến chứ đừng nói đến anh Văn. Ở mấy mặt trận này mình khỏi lo ngại gì cả. Mai muốn gì anh Văn và chị Thu cũng chiều, tội nghiệp hai người ấy sống trong một thứ hạnh phúc giả tạo. Trước mặt mọi người thì họ mang hai cái mặt nạ hạnh phúc vào, hình như họ cố ý đùa với xã hội. Chúng bây muốn chúng tao hạnh phúc thì chúng tao đóng cái trò hạnh phúc cho chúng bây xem. Hầu như cặp vợ chồng nào trong xã hội cũng đều đùa với nhau như thế cả chăng. Về đến nhà cởi cái mặt nạ ra thì ông bà nào cũng lạnh lùng như hai khối nước đá, nếu không là hai kẻ thù, hai người xa lạ.

Sự có mặt của Mai và tôi có làm cho họ gần lại chút nào, ít nhất họ cũng thành thật hơn. Bên cạnh sự kiện ấy tôi có nên nói ra một nỗi thắc mắc riêng không? Ban đầu tôi cứ ngỡ rằng mình chủ quan, nhưng bây giờ thì tôi biết chắc là tôi đã đoán đúng, và sự đoán đúng này có thể đưa đến một sự nguy hiểm khác. Nguy hiểm cho cái hạnh phúc của cả bốn chúng tôi. Sự kiện đó là Thu, người đàn bà không được cái may mắn làm mẹ, hạnh phúc vì vậy mà nhạt mầu. Thu mang hết tình cảm trút vào tôi, ban đầu có thể chỉ là một thứ tình cảm của người chị, của người mẹ, nhưng thời gian đã làm cho thay đổi.

Từ năm ngoái tôi đã cảm thấy những triệu chứng bất tường, năm nay tôi mới cố ý đưa Mai lên, để Thu thấy rằng tôi không còn lềnh bềnh như một con thuyền chưa tìm ra bến đỗ. Tôi cũng có ý định lập gia đình và người bạn gái tôi chọn, người vợ tương lai của tôi phải là cái loại đàn bà như Mai. Nhưng bài toán mà tôi ngờ rằng vừa tìm ra lời giải đó đã sai mất. Hình như thấy có Mai, chị Thu lại càng buông thả hơn, không còn tự kiềm chế như năm ngoái nữa.

Mỗi lần có dịp đi riêng, trông Thu như người uống quá một cốc rượu, má đỏ hồng và mắt sáng ngời lên, môi cũng ướt át, choáng váng cần có sự nâng đỡ mới bước vững. Thu có những cái nhìn, những nụ cười mà dẫu trước mặt đứa bé lên bảy cũng hiểu rằng đấy chỉ là món quà tặng riêng tôi. Anh Văn không bao giờ được hưởng, lỗi tại anh Văn rất nhiều. Có những phút Thu bắt tôi phải lúng túng, không biết nên làm gì, nói câu gì. Một cái nắm tay? Một cái vuốt tóc, hay hơn thế nữa… Nhưng tôi đâu có quyền sa lầy một cách dễ dàng như thế, tôi là đàn ông, cần phải mạnh dạn và có lúc phải mạnh dạn cho cả hai, cả ba là khác. Anh Văn tin tôi cũng như Mai đặt hết tin tưởng vào sự chân thành của tôi, làm sao có thể phụ lòng những người thân của mình.

Có những khúc quanh, xe mặc dầu cố lái chậm, nhưng khúc quanh vẫn đẩy người Thu vào sát cạnh tôi, hay lúc ấy Thu chỉ là một giải lụa mềm mại sẵn sàng lay chuyển trước một hơi thở nhẹ nào. Tôi như hóa thành đá. Nếu tôi phải cho xe chạy chậm hơn không phải là để kéo dài cái phút kinh hoàng ấy mà vì biết trước rằng đấy là những giây phút xếp đặt để đưa đến tai nạn. Những phút ấy, tôi có cảm tưởng rằng Thu như một tín đồ đứng hằng đêm, hằng ngày dưới mưa bão, để chờ một ánh sáng ân huệ. Hình ảnh Mai đang hì hục vẽ, lùi xa rồi bước lại gần bức tranh, cái thân hình gầy guộc tụng thụng trong tấm áo khoác dơ bẩn những dầu với sơn, nhưng rất dễ thương. Thêm vào nụ cười chân thành của anh Văn, làm sao tôi có thể phản bội. Tình cảm Thu là thứ men rượu bị đóng nút quá chặt, chỉ chực một cơ hội là nổ tung, một quả mìn nổ chậm nhưng sẽ hủy hoại tất cả. Tôi là một anh công binh, phải cố sức làm sao để dập tắt trái mìn đó không cho nó nổ, liệu anh công binh có đủ tài, có đủ khôn ngoan? Nói lên bao giờ cũng dễ, những lời khuyên can, luân lý đạo đức bao giờ cũng rẻ tiền. Hành động và lý thuyết xa cách nhau hằng nghìn dặm. Ai được yêu mà không kiêu hãnh, dầu cho đó là một thứ tình nguy hiểm cần phải trốn chạy, nhưng càng nguy hiểm lại càng thú vị.

Mỗi ngày trong nhà có một sự đổi khác, một bình hoa mới, một món ăn mới, một lối trang trí mới. Bàn tay tài tình của Thu đã biến ngôi nhà thành một chốn thiên thai bé nhỏ. Giá Thu mang sự chiều chuộng này để riêng cho anh Văn thì cuộc sống sẽ êm đềm biết mấy, nhưng đổ hết lỗi cho Thu cũng vô lý. Ngày mới cưới nhau Thu cũng đã tận tình, anh Văn không hề ban cho một tiếng khen. Mai rất vô tâm, hôm qua Mai hỏi ngay chị Thu đan áo hồi nào mà nhanh thế, em mới thấy mua len có hai hôm mà áo Sung gần có mặc rồi.

- Hai anh em mình phải ghen mới được anh Văn ơi…

Câu nói đùa không có ác ý đã làm cho Thu và tôi đỏ mặt, may mà dưới ánh đèn mờ không ai nhìn thấy. Anh Văn cười to lên vui vẻ phụ họa:

- Ừ Mai nói phải, hai anh em mình ghen đi.

Chúng tôi như đứa đang vừa ăn vụng nhai chưa kịp nuốt mà bị bắt gặp. Mai tiếp theo với những lời ca ngợi cái tài khéo của Thu, khen anh Văn sao tu mấy kiếp mà có phúc thế.

- Chín kiếp, còn một kiếp nữa là thành Phật.

Anh Văn trả lời Mai, nhưng cô nàng nhanh nhẩu chặn ngay:

- Vậy thì kiếp này anh Văn phải liệu hồn chứ cái kiếp cuối cùng là kiếp vấn đáp lúc vào thi, có nhiều cạm bẫy, nhiều thử thách lắm đó!

Hai người chỉ có đối thoại với nhau, còn Thu và tôi thì ngồi im, Thu tiếp tục đan áo, thỉnh thoảng ngước nhìn tôi với cái nhìn âm u. Cũng âm u như mỗi khi Thu bắt gặp thấy tôi ngồi nói chuyện với Mai hoặc mua quà cho Mai. Làm sao mà qua được con mắt quan sát của Mai Mỗi khi Thu buồn là Mai thấy ngay, đặt câu hỏi tại sao ngay. Hệt như một đứa trẻ mà cái gì cũng tò mò muốn biết.

Buổi sáng giúp Thu cắt hoa hoặc tưới cỏ, bao giờ tôi cũng phải dè dặt để tránh những sự va chạm mà đối với mọi người thì đó là những sự tự nhiên. Chỉ có mấy trái dâu tây mà cũng là cả một vấn đề, mỗi khi chúng tôi cùng tìm thấy, cùng vạch một khóm lá. Không hẹn hò mà sao cứ y như là có sắp đặt. Bảo rằng cuộc sống không có thi vị là nói dối, sự lôi cuốn của cái gọi là phi đạo đức như một thứ quả ngon lành. Như người trèo núi, núi có cao, có gay cấn mới thích.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 10 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 98.82.120.188 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước ... ...

Việt Nam (342 lượt xem) - Hoa Kỳ (41 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - ... ...