Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Tài năng là do bẩm sinh, hãy khiêm tốn. Danh vọng là do xã hội ban cho, hãy biết ơn. Kiêu căng là do ta tự tạo, hãy cẩn thận. (Talent is God-given. Be humble. Fame is man-given. Be grateful. Conceit is self-given. Be careful.)John Wooden
Mạng sống quý giá này có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào, nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều đó!Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Không có ai là vô dụng trong thế giới này khi làm nhẹ bớt đi gánh nặng của người khác. (No one is useless in this world who lightens the burdens of another. )Charles Dickens
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Chưa từng có ai trở nên nghèo khó vì cho đi những gì mình có. (No-one has ever become poor by giving.)Anne Frank
Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc. (Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou
Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Bản đồ tu Phật - Tập 2 »» Tịnh độ tông »»

Bản đồ tu Phật - Tập 2
»» Tịnh độ tông

(Lượt xem: 2.066)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Bản đồ tu Phật - Tập 2 - Tịnh độ tông

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

CON ĐƯỜNG TU THỨ HAI TRONG 10 TÔNG

Tịnh độ tông

Con đường tu thứ hai trong 10 tông là Tịnh độ tông. Tông này thuộc về Đại thừa, chủ trương dạy người chuyên tâm niệm Phật để cầu vãng sanh về cảnh Tịnh độ của Phật A-di-đà. Do đó, tông này mới có tên là Tịnh độ tông.

Đây là một trong nhiều pháp môn của Phật, mà đặc điểm là dễ tu, dễ chứng, rất thích hợp với đa số quần chúng. Với pháp môn này, bất luận hạng người nào, trong thời gian nào, hoàn cảnh nào, cũng có thể tu chứng được cả. Nếu đem so sánh với con đường đi, thì tông này là một đại lộ bằng phẳng, rộng rãi mát mẻ, hành giả dễ đi mà mau đến, không sợ gặp nguy hiểm chướng ngại giữa đường.

Bởi những lẽ ấy, từ xưa đến nay, đã có không biết bao nhiêu người chọn lựa pháp môn này để tu hành. Riêng ở Việt Nam chúng ta, ngày xưa cũng như hiện nay, có biết bao nhiêu người là môn đồ của tông này. Đó là lý do thúc đẩy chúng tôi gấp rút biên soạn tập sách nhỏ này để giới thiệu “con đường tu hành thứ hai” trong mười tông phái của Phật giáo.

1. Duyên khởi lập tông

Tịnh độ tông căn cứ vào những kinh điển gì để thànhlập? – Kinh điển mà Tịnh độ tông đã y cứ thì rất nhiều. Ở đây chúng tôi chỉ xin nêu đến thôi. Đó là các bộ:

Kinh Vô Lượng Thọ: Kinh này chép lại 48 lời thệ nguyện của Phật A-di-đà, ấy là: Sau khi thành Phật, Ngài sẽ lập ra một quốc độ hết sức trang nghiêm thanh tịnh để tiếp dẫn chúng sanh trong mười phương thế giới về đó, nếu những chúng sanh ấy thường niệm đến danh hiệu Ngài và thường cầu được vãng sanh về cõi Tịnh độ của Ngài.

Kinh Quán Vô Lượng Thọ: Kinh này chép rõ 16 phép quán và chín phẩm, để được vãng sanh về cõi Tịnh độ.

Kinh Tiểu bổn A-di-đà: Kinh này lược tả cảnh giới cõi Cực Lạc (Tịnh độ) khiến người sinh lòng hâm mộ, phát nguyện tu theo pháp môn “trì danh niệm Phật” cho đến “nhất tâm bất loạn” để được vãng sanh về cõi ấy.

Ba kinh trên này là ba kinh chính; cổ nhân thường gọi là “Ba kinh Tịnh độ”. Ngoài ra còn các kinh khác như:

Kinh Bửu Tích, chép việc đức Phật vì vua Tịnh Phạn và bảy vạn người trong thân tộc, nói pháp môn “trì danh niệm Phật” để dạy cầu vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Kinh Đại bổn A-di-đà, kinh Thập lục quán, kinh Ban Châu niệm Phật, kinh Bi Hoa, kinh Phương Đẳng, kinh Hoa Nghiêm, v.v...

Giáo điển về Tịnh độ truyền qua Trung Hoa rất sớm, nhưng đến đời Đông Tấn nhờ ngài Huệ Viễn đại sư ra công hoằng dương, tông này mới bắt đầu thịnh hành. Ngài là vị tổ đầu tiên ở Trung hoa. Sau đó, các vị đạo sư danh tiếng như ngài Đàm Loan, ngài Đạo Xước, ngài Thiện Đạo, v.v..., đều dùng pháp môn này mà tu chứng và hóa độ rất nhiều người và mãi lưu truyền cho đến ngày nay.

2. Bốn loại tịnh độ

Tịnh độ không phải chỉ có một cõi, mà rất nhiều cõi. Đứng về phương diện tính chất, từ tế đến thô, có thể chia làm bốn loại Tịnh độ sau đây:

Thường tịch quang Tịnh độ: Đây là cảnh giới mà pháp thân Phật an trụ. “Thường” là không thay đổi, không sanh diệt tức là Pháp thân Phật; “Tịch” là xa lìa các phiền não vọng nhiễm, tức là đức Giải thoát của Phật; “Quang” là chiếu sáng khắp cả mười phương, tức là đức Bát-nhã của Phật. Như thế là cõi Tịnh độ này đủ cả ba đức quí báu của Phật là thường, tịch và quang, cho nên gọi là “Thường tịch quang Tịnh độ”. Cảnh tịnh độ này không hình sắc mà chỉ là chơn tâm. Vì bản thể chơn tâm, hay tánh “thường vắng lặng, chiếu soi và thanh tịnh”, nên gọi là “thường tịch quang Tịnh độ”. Chư Phật khi đã chứng được cảnh giới này rồi, thì thân và độ không hai, song vì căn cứ theo ba loại Tịnh độ sau đây mà tạm gọi là có thân có độ. Chứng đến chỗ này, nếu đứng về thân thì gọi là “Pháp thân”, còn đứng về độ, thì gọi là “Thường tịch quang Tịnh độ”.

Kinh Tịnh Danh, về lời sớ, có chép: “Tu nhơn hạnh về viên giáo, khi nhơn viên quả mãn, thành bực Diệu giác (Phật) sẽ ở cõi “Thường tịch quang Tịnh độ”.

Thật báo trang nghiêm Tịnh độ: Hành giả phải trải qua ba vô sô kiếp tích công lũy đức, do phước báo tu hành nhiều đời dồn chứa lại, làm trang nghiêm cảnh giới chơn thật, nên gọi là “Thật báo trang nghiêm Tịnh độ”. Cảnh giới Tịnh độ này, là chỗ ở của Báo thân Phật.

Kinh Quán Vô Lượng Thọ về lời sớ có chép: “tu tập chơn thật, cảm đặng quả báo tốt đẹp, cho nên gọi là “Thật báo trang nghiêm”. Bên Đại thừa Viên giáo thì cõi này là của các bậc Tam hiền (Trụ, Hạnh, Hướng); còn bên Đại thừa Biệt giáo, thì đây là cõi của các bậc từ Thập địa cho đến Đẳng giác Bồ Tát.

Phương tiện hữu dư Tịnh độ: Cảnh tịnh độ này không phải là cứu cánh rốt ráo, mà chỉ là phương tiện. Đây là cõi Tịnh độ của hàng Nhị thừa. Các vị này tuy đã dứt được kiến hoặc và tư hoặc trong ba cõi (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới), nhưng còn dư lại hai hoặc là vô minh hoặc là trần sa hoặc chưa trừ được, nên gọi là “hữu dư”. Đã là “hữu dư” tức chưa phải hoàn toàn cứu cánh, nên gọi cõi Tịnh độ này là “Phương tiện hữu dư Tịnh độ”.

Phàm thánh đồng cư Tịnh độ: Đây tức là cõi Tịnh độ của đức Phật A-di-đà ở Tây phương. Đã gọi là Tịnh độ, hay Cực Lạc, tất nhiên có đủ các đức thanh tịnh, trang nghiêm, không có bốn ác thú. Nhưng đây vì Phật, Bồ Tát và các vị thượng thiên nhơn (thánh) cùng sống chung với các chúng sanh mới vãng sanh, chưa chứng được quả thánh (còn phàm) nên gọi là “phàm thánh đồng cư Tịnh độ”.

Vì phần đông tín đồ Phật giáo Việt Nam và Trung Hoa trong khi tu về pháp môn Tịnh độ, đều nguyện sanh về cõi Tịnh độ này, tức là cõi Cực Lạc của Phật A-di-đà, nên ở đây chúng tôi xin căn cứ theo kinh “Tiểu bổn A-di-đà”, thuật lại lời đức Phật Thích-ca đã tả về cảnh giới của cõi Tịnh độ này: “Từ cõi Ta-bà này, cứ về hướng Tây, cách đây hơn mười muôn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc. Vị giáo chủ ở thế giới ấy là Phật A-di-đà, thường hay nói pháp. Cõi ấy có bảy lớp câu lơn (tường hoa) bảy lớp lưới giăng, bảy hàng cây xinh đẹp, có “hồ thất bảo” đầy “nước tám công đức”. Đáy hồ toàn là cát vàng. Bốn phía bờ hồ đều cẩn vàng ngọc, châu báu. Trong hồ có hoa sen bốn màu lớn bằng bánh xe, hương thơm ngào ngạt, màu nào cũng có hào quang chiếu sáng. Quanh hồ, vươn lên những tòa lâu đài nguy nga, xinh đẹp làm bằng thất bảo.Trên không trung, hòa lẫn trong những bản nhạc thiêng, có những tiếng chim báu do Phật hóa hiện ra, để thuyết pháp luôn trong sáu thời cho dân chúng nghe. Người nghe rồi liền phát tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Không những chỉ tiếng chim, mà cho đến tiếng nước chảy, gió thổi, cây reo, cũng đều phát ra tiếng pháp nhiệm màu.Cảnh giới Cực Lạc tốt đẹp, trang nghiêm như thế là do công đức của Phật A-di-đà là vị giáo chủ của cõi ấy và các vị Bồ Tát, thánh chúng chung nhau tạo thành”.

Chữ A-di-đà, người Trung Hoa dịch là “Vô lượng thọ”, hay “Vô lượng quang”, nghĩa là đức Phật này sống lâu không lường và hàoquang sáng chói không lường.

3. Ba yếu tố để cầu sanh về tịnh độ

Muốn được vãng sanh về cõi Tịnh độ nói trên, hành giả phải chuẩn bị đủ ba yếu tố sau đây là: Tín, Hành và Nguyện. Ba yếu tố này thường được gọi ba món tư lương; nếu thiếu một món nào cũng không thể tu hành có kết quả.

Thế nào là Tín? Tín là đức tin vững chắc, không gì lay chuyển được. Đức tin rất quan trọng và cần thiết cho người tu hành. Kinh Hoa Nghiêm có dạy: “Tin là mẹ sanh ra các công đức”. Nhờ đức tin mà quả Bồ-đề có thể thành tựu được.

Tin có ba phần:

Tin Phật: Tin rằng Phật là đấng hoàn toàn sáng suốt, biết các việc quá khứ, hiện tại và vị lai, thấy hết thảy Hằng sa thế giới, hiểu biết các pháp một cách rõ ràng. Tin rằng do lòng từ bi muốn cứu khổ sanh tử luân hồi cho chúng sanh mà Phật Thích-ca nói pháp môn niệm Phật để chúng sanh thực hành theo mà được vãng sanh về Tịnh độ. Tin rằng lời dạy của đức Phật Thích-ca không hư dối, đức Phật A-di-đà và cảnh Tịnh độ đều có thật.

Tin pháp: Tin rằng pháp môn niệm Phật là pháp môn dễ tu, dễ chứng, có bảo đảm chắc chắn. Tin rằng 48 lời thệ nguyện của Phật A-di-đà có đầy đủ hiệu lực để cứu độ chúng sanh, và nếu ta thực hành đúng theo pháp môn này, chắc chắn sẽ được vãng sanh về cõi Tịnh độ của Phật A-di-đà.

Tin mình: Tin rằng mình có đầy đủ khả năng và nghị lực để tu theo pháp môn này. Tin rằng nếu mình thật hành đúng như lời Phật Thích-ca đã chỉ dạy trong kinh A-di-đà, chuyên trì danh hiệu Phật A-di-đà cho đến “nhất tâm bất loạn” thì khi lâm chung chắc chắn thế nào mình cũng sẽ được sanh về cõi Tịnh độ.

Thế nào là “nguyện”? Nguyện là lời hứa hẹn, sự ao ước, là chí nguyện, mong muốn thực hiện những điều chân chính. Nguyện là như sức hút của đá nam châm, là như cánh buồm căng gió của chiếc thuyền, là như cái chong chóng của chiếc máy bay. Nguyện là như động cơ thúc đẩy cho người tu hành mau đến mục đích.Nguyện quan trọng như thế, nên hành giả phải lập nguyện cho vững bền, luôn luôn kiên tâm, trì chí tu theo pháp môn niệm Phật này, ngày đêm chuyên niệm Phật không ngớt, thiết tha mong cầu được sanh về cõi Tịnh độ của Phật A-di-đà.

Để có một ý niệm về chữ nguyện, chúng tôi xin trích ra sau đây ba lời nguyện trong 48 lời nguyện của Phật A-di-đà khi Ngài còn làm PhápTạng Tỳ-kheo:

“Sau khi ta thành Phật, chúng sanh ở mười phương, một lòng tin ưa, muốn về cõi ta, từ một niệm cho đến mười niệm nếu không đặng vãng sanh, thời ta thề không thành bậc Chánh giác, chỉ trừ những người phạm tội ngũ nghịch và chê bai Chánh pháp”.

“Nếu ta đặng thành Phật, chúng sanh ở mười phương pháp giới phát tâm Bồ-đề, tu các công đức, một lòng phát nguyện, muốn sanh về cõi nước ta, nếu như ta không cùng với đại chúng vây quanh hiện ra ở trước mắt, thời ta thề không thành bậc Chánh giác”.

“Nếu ta đặng thành Phật, chúng sanh ở mười phương nghe danh hiệu ta, chuyên niệm cõi nước ta, mà nếu không được thỏa nguyện, thời ta thề không thành bậc Chánh giác”.

Thế nào là “Hành”? Hành là thực hành, làm theo. Nếu tin (tín) mà không ước ao (nguyện) thì chỉ là tin suông, vô bổ. Nhưng nếu ước ao, mong muốn (nguyện) mà không làm (hành) thì chỉ là ước ao mong muốn hảo huyền, không đi đến kết quả gì. Bởi thế, tín, nguyện, hành ba yếu tố căn bản này bao giờ cũng phải có đủ, mới đủ điều kiện vãng sanh Tịnh độ. Cũng như cái đảnh, phải có đủ ba chân mới đứng vững được, thiếu một chân, tất phải ngã.

4. Phương pháp tu về tịnh độ

Sau khi đã chuẩn bị đủ ba yếu tố hay ba món tư lương Tịnh độ nói trên, chúng ta phải hạ thủ công phu ngay. Nhưng muốn cho có hiệu quả, chúng ta cần hiểu rõ phương pháp tu hành. Vẫn biết rằng pháp môn niệm Phật là một pháp môn rất giản dị, chỉ cần niệm Phật là đủ. Nhưng niệm Phật cũng có nhiều cách, nhiều loại, mà chúng tôi xin dẫn một ít phương pháp ra sau đây:

Trì danh niệm Phật: Trong lối niệm Phật này, hành giả chỉ chuyên tâm trì niệm danh hiệu của Phật A-di-đà. Mỗi ngày từ khi mới thức dậy cho đến lúc đi ngủ, hành giả phải nhớ niệm luôn, không cho xen hở. khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ngồi, khi ăn, trước khi đi ngủ, hành giả cần phải theo phương pháp “kinh hành niệm Phật” (xem nghi thức kinh hành niệm Phật có phụ sau đây) hay “tọa thiền niệm Phật” (xem nghi thức tọa thiền có phụ sau đây). Mỗi khi niệm xong, hành giả đều hồi hướng cầu sanh về Tịnh độ.

Tham cứu niệm Phật: Trong lối tu này, hành giả phải tham khảo cứu xét, suy nghiệm câu niệm Phật, như khi niệm “Nam-mô A-di-đà Phật”, hành giả phải quán sát câu niệm Phật này, từ đâu mà đến, đến rồi sẽ đi về đâu? Niệm đây là ai niệm, v.v... Nhờ sự chuyên tâm chú ý tham khảo một câu niệm Phật như thế, sóng vọng tưởng dần dần chìm lặng, nước định tâm hiện bày, hành giả được “nhất tâm bất loạn”, đến khi lâm chung, sẽ được sanh về cảnh giới của Phật. Phép niệm Phật này giống phép tham cứu câu “thoại đầu” bên Thiền tông, nên gọi là tham cứu niệm Phật.

Quán tượng niệm Phật: Trong lối tu này, hành giả chăm chú quán sát hình tượng của Phật. Hành giả ngồi trước tượng Phật, chú tâm chiêm ngưỡng, quán sát các tướng tốt mà liên tưởng đến các đức tánh của Phật. Như khi chiêm ngưỡng đôi mắt Phật thì liên tưởng đến trí huệ, khi chiêm ngưỡng nụ cười hiền hòa của Phật thì liên tưởng đến đức tánh từ bi, hỷ xả của Phật. Nhờ quán trí huệ của Phật mà tánh Si của hành giả phai dần, nhờ quán từ bi của Phật mà tánh Sân của hành giả bớt dần... Hễ quán thêm một đức tánh của Phật, thì một tánh xấu của hành giả được bớt đi. Tánh xấu của hành giả như vết mực, tia sáng mặt trời càng chiếu nhiều và càng chiếu rọi lâu ngày, thì vết mực càng phai nhanh. Tóm lại, nhờ sự chú tâm quán các tướng tốt trên hình tượng Phật, mà các đức tánh như từ bi, hỷ xả sẽ thanh tịnh lọc sạch những niệm ác độc và sẽ giống tâm Phật, được vãng sanh về cõi Phật.

Quán tưởng niệm Phật: Trong lối tu này, hành giả ngồi yên một chỗ, mặc dù không có hình tượng Phật trước mặt, mà hành giả vẫn quán tưởng như có đức Phật A-di-đà, cao lớn đứng trên hoa sen, phóng tỏa hào quang như tấm lụa vàng, bao phủ cả thân hình mình. Hành giả ngồi ngay thẳng, hai tay chắp lại, cũng tưởng mình ngồi trên tòa sen, được Phật tiếp dẫn. Hành giả chuyên chú quán tưởng mãi mãi như thế; đi, đứng, nằm, ngồi cũng không dừng nghỉ, cho đến khi nào mở mắt hay nhắm mắt cũng đều thấy được Phật, tức là phép quán đã thuần thục. Khi lâm chung, hành giả chắc chắn sẽ được vãng sanh Tịnh độ. Kinh Quán Phật tam-muội chép rằng: “Phật vì phụ vương, nói pháp quán tưởng bạch hào...”. Quán tưởng bạch hào nghĩa là quán tưởng lông trắng có hào quang sáng chiếu giữa hai chân mày của Phật như trăng thu tròn đầy, trong suốt như ngọc lưu-ly. Đây là một phương pháp quán tưởng niệm Phật.

Thật tướng niệm Phật: Thật tướng niệm Phật là pháp niệm Phật đã đạt đến bản thể chơn tâm. Chơn tâm không sanh diệt, không khứ lai, bình đẳng như không hư giả, cho nên gọi là “thật tướng”.

Trong năm phép niệm Phật trên này, bốn phép trước đều thuộc về Sự, có niệm, có tu; còn phép thứ năm (thật tướng niệm Phật) thuộc về Lý, không còn niệm, còn tu, không còn năng sở, cao siêu hơn cả. Niệm Phật đến chỗ này mới hoàn toàn rốt ráo. Nhưng, hành giả luôn luôn nhớ rằng: nhờ có Sự, Lý mới hiển. Trước hết phải tu bốn phép niệm Phật trên, cho đến khi thuần thục, không còn thấy có mình là người niệm, Phật là vị bị niệm, chỉ có một tâm yên lặng chiếu soi, không năng sở, bỉ thử, không hữu, không vô. Đến chỗ này, kinh A-di-đà gọi là “được nhất tâm bất loạn”. Kinh Tứ thập nhị chương cũng chép: “niệm đến chỗ vô niệm, mới là chơn niệm”.

Trong năm phép niệm Phật trên này, từ xưa đến nay, người tu Tịnh độ thường lựa pháp môn Trì danh, là một pháp môn dễ hạ thủ công phu, hành giả ở trình độ nào cũng tu được. Thật là một pháp môn rất thù thắng.

5. Lợi ích của phép niệm phật

Lợi ích của phép niệm Phật thật vô lượng vô biên, tựu trung có thể chia làm hai phần: lợi ích về Sự và lợi ích về Lý.

Lợi ích về sự:

a/ Niệm Phật sẽ trừ được các phiền não: Những người gặp các cảnh khổ như tử biệt sanh ly, nhà tan của mất, tai nạn bất thường, v.v., sanh các phiền não; nếu biết chí tâm niệm Phật, thì các phiền não khổ đau sẽ dần dần tiêu tan hết. Vì sao lại có kết quả tốt đẹp như thế? Vì tâm ta cũng như dòng nước luôn luôn chảy, nếu chúng ta pha vào những chất cáu bẩn, thì nước trở thành đục bẩn, nếu chúng ta pha vào những chất thơm tho, thì nước sẽ trở thành thơm mát. Tâm ta nếu chỉ nhớ nghĩ đến những tai nạn, khổ đau, thì luôn luôn sẽ bị phiền não khuấy đục. Khi ta niệm Phật thì cố nhiên ta sẽ nhớ Phật, quên đau khổ. Đem sự nhớ Phật này thế cho cái nhớ sự khổ đau, một giờ niệm Phật thì đổi được một giờ sầu khổ, một ngày niệm Phật thì đổi được một ngày khổ đau. Cứ như thế, buồn phiền đau khổ sẽ giảm đi chừng ấy. Cho nên cổ nhân có câu: “một câu niệm Phật giải oan khiên”.

Trong thời kỳ chiến tranh Việt-Pháp vừa qua, tôi đã đem phương pháp niệm Phật này chỉ cho một số đồng bào bị lảng trí vì thất tình hay mất của, và kết quả thu lượm rất tốt đẹp.

b/ Niệm Phật sẽ trú được niệm chúng sanh: Chúng sanh hằng ngày nhớ nghĩ đến những điều tội lỗi như tham, sân, si, v.v., miệng thốt ra những lời ác độc, thân thực hành những ý niệm xấu xa. Đó là những ác nghiệp trên nữa. Như thế niệm Phật sẽ trừ được niệm chúng sanh. Niệm Phật càng nhiều thì niệm chúng sanh càng ít. Niệm Phật hoàn toàn thì niệm chúng sanh dứt sạch.

c/ Niệm Phật sẽ làm cho thân thể được nhẹ nhàng an ổn: Bệnh tật của chúng ta một phần do thể xác, nhưng một phần cũng do ảnh hưởng của tinh thần. Nhiều người mất ăn, bỏ ngủ vì uất hận, nhục nhã, v.v. Do đó, uất khí tích tụ lâu ngày trong người, mà sinh bịnh, mất ăn bỏ ngủ. Gặp những trường hợp như vậy, nếu chúng ta niệm Phật cho ra tiếng, thì những nỗi uất hận đè nặng tâm can chúng ta, sẽ như được trút ra cùng hơi thở, cùng tiếng niệm, và thân tâm ta sẽ được nhẹ nhàng, dễ chịu. Những người yếu tim nếu biết niệm Phật sẽ mau bình phục. Vì bệnh yếu tim, thường làm cho người bệnh hồi hộp, lo sợ, may nhờ niệm Phật nên tâm định, tâm định thì những sự hồi hộp lo nghĩ sẽ giảm đi. Do đó mà ăn được, ngủ yên, và bệnh mau bình phục.

d/ Niệm Phật, tâm trí sẽ sáng suốt, học hành mau nhớ: Những người tâm trí loạn động thì tối tăm, như ngọn đèn bốn phía bị gió tạt, không sáng được. Nhờ niệm Phật, tâm trí sẽ định tĩnh, như ngọn đèn có ống khói, không lay động. Do đó tâm trí sẽ chiếu sáng, như ngọn đèn tỏa ánh sáng vậy.

đ/ Niệm Phật khi lâm chung sẽ được sanh về Tịnh độ: Như chúng ta đã thấy ở trên, niệm Phật đem lại cho chúng ta đã thấy nhiều lợi ích thiết thực trong đời sống hiện tiền, về phương diện thể chất lẫn tinh thần, về tính tình lẫn trí huệ. Nhưng cái lợi ích lớn nhất là ở đời sau. Nếu chúng ta thực hành pháp niệm Phật này, đúng như lời Phật dạy, cho đến “nhất tâm bất loạn” thì sau khi lâm chung, sẽ sanh về Tịnh độ, được luôn luôn thấy Phật, nghe pháp, làm bạn với thánh hiền Tăng, và có nhiều thiện duyên, để tiếp tục tu hành cho đến quả Phật.

Lợi ích về lý:

Khi hành giả niệm Phật được “nhất tâm bất loạn”, thì các vọng tưởng hết, chơn tâm thanh tịnh hiện ra. Chơn tâm không sanh diệt hư hoại là Thường, thanh tịnh vắng lặng là Tịch, sáng suốt vô cùng là Quang. Cảnh “Thường tịch quang Tịnh độ” là đây, chứ không đâu khác. Lại nữa chơn tâm không hoại diệt là “Phật Vô Lượng Quang” và đó cũng tức là “Thanh tịnh diệu pháp thân của Phật A-di-đà”.

Tóm lại, người niệm Phật đến khi hết vọng, ngộ nhập được chơn tâm rồi, thì Phật A-di-đà hay cảnh Tịnh độ cũng chỉ ở nơi tâm mình hiện ra, chứ không phải đâu xa. Bởi thế nên kinh chép: “Tự tánh A-di-đà, duy tâm Tịnh độ” là vậy.

6. Sự quy ngưỡng và cầu sanh về tịnh độ của các vị Bồ Tát và tổ sư

Chúng ta đừng tưởng rằng pháp môn Tịnh độ là một pháp môn dễ dàng, giản dị chỉ để cho những người căn trí thấp thỏi, hẹp hòi tu hành mà thôi. Thật ra, mặc dù pháp môn này không đòi hỏi hành giả có một sự hiểu biết thâm sâu, một trí óc thông minh xuất chúng; nhưng vì nó dễ tu dễ chứng, hiệu quả chắc chắn, nên từ xưa đến nay, rất nhiều vị Bồ Tát và tổ sư đã thực hành pháp môn này để cầu sanh về Tịnh độ. Ngài Văn-thù-sư-lợi là một vị Bồ Tát có một trí huệ tối thắng, không ai sánh kịp, thế mà cũng phátnguyện sanh về nước Cực Lạc của Phật A-di-đà. Như ngài nguyện:

“Nguyện ngã lâm dục mạng chung thời,
Tận trừ nhất thiết chư chướng ngại,
Diện kiến bỉ Phật A-di-đà
Tức đắc vãng sanh An Lạc sát”.

(Tôi nguyện đến khi lâm chung, diệt trừ hết cả chướng ngại, trước mắt thấy được Phật A-di-đà, liền được vãng sanh về cõi An Lạc).

Các vị Bồ Tát như ngài Phổ Hiền, Quán Âm, Đại Thế Chí cũng đều nguyện sanh về cõi Tịnh độ. Sau nữa, các vị đại sư danh tiếng ở Trung Hoa, như ngài Đàm Loan, ngài Đạo Xước, ngài Thiện Đạo, ngài Thừa Viễn, ngài Pháp Chiếu, ngài Thiếu Khương, ngài Tĩnh Am, v.v., đều dùng pháp môn này để tự độ và độ tha, và mãi mãi lưu truyền cho đến ngày nay.

7. Kết luận

Chúng ta đã biết qua tông chỉ, đặc điểm của phương pháp tu hành và giá trị của Tịnh độ tông. Đến đây, chúng ta cần phải lắng tâm suy xét kỹ lưỡng, xem con đường tu về Tịnh độ tông này, có thiết thực lợi ích và có thích hợp với mình hay không. Trong giây phút quan trọng này, chúng ta hãy hết sức thành thực: nếu nhận thấy con đường này rõ ràng không thích hợp với mình, thì chúng ta có quyền chờ đợi và lựa chọn một tông khác. Nhưng nếu nhận thấy nó có một giá trị thiết thực, lợi ích chắc chắn cho đời ta trong hiện tại và mai sau, thì ta đừng chần chờ gì nữa, hãy hạ thủ công phu ngay. Thời gian vùn vụt trôi qua, chẳng chờ ai cả. Hãy chuẩn bị ngay ba món tư lương là Tín, Nguyện, Hành và tinh tấn thực hành các phương pháp niệm Phật.

Với một thái độ thiết tha chân thành, một quyết tâm không thối chuyển, chúng ta chắc chắn sẽ niệm Phật đến chỗ “nhất tâm bất loạn”.



HẾT PHẦN TỊNH ĐỘ TÔNG




    « Xem chương trước «      « Sách này có 10 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 54.166.223.204 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (400 lượt xem) - Việt Nam (119 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - ... ...