Ngủ dậy muộn là hoang phí một ngày;tuổi trẻ không nỗ lực học tập là hoang phí một đời.Sưu tầm
Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill
Chúng ta có lỗi về những điều tốt mà ta đã không làm. (Every man is guilty of all the good he did not do.)Voltaire
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Một người sáng tạo được thôi thúc bởi khát khao đạt đến thành công, không phải bởi mong muốn đánh bại người khác. (A creative man is motivated by the desire to achieve, not by the desire to beat others.)Ayn Rand
Khi ý thức được rằng giá trị của cuộc sống nằm ở chỗ là chúng ta đang sống, ta sẽ thấy tất cả những điều khác đều trở nên nhỏ nhặt, vụn vặt không đáng kể.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Đừng chờ đợi những hoàn cảnh thật tốt đẹp để làm điều tốt đẹp; hãy nỗ lực ngay trong những tình huống thông thường. (Do not wait for extraordinary circumstances to do good action; try to use ordinary situations. )Jean Paul
Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì đó chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều phục tâm. Khi tâm được điều phục, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Càng giúp người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.Lão tử (Đạo đức kinh)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Chớ quên mình là nước »» Khô khan chuyện Nước »»

Chớ quên mình là nước
»» Khô khan chuyện Nước

(Lượt xem: 2.857)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Chớ quên mình là nước - Khô khan chuyện Nước

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

(Thoát hạn 1)

Thế giới có đủ cho nhu cầu của tất cả mọi người
nhưng không đủ cho lòng tham của ai cả
(Mahatma Gandhi)

Bạn trách tôi sao nói chuyện nước mà khô khan quá. Tại vì, nước đã khô cạn từ lâu ở tận cội nguồn.

Không ai chối cãi được, thiếu nước đang là vấn nạn lớn nhất của chúng ta hiện nay.

Trái đất nơi chúng ta sinh sống được mệnh danh là hành tinh xanh. Xanh vì 2/3 bề mặt của trái đất bao phủ bởi nước. Nhưng khoan, đừng mừng vội. Trong số ấy thì 97,5% là nước mặn, vậy chỉ còn 2,5 % là nước ngọt, tương đương số lượng 35 triệu ki-lô-mét khối nước. Lại nữa, trong số này thì 30,8 % là ở mạch nước; 0,3% ở các sông suối, ao hồ và 68,9% băng đá hay vùng bị tuyết phủ vĩnh viễn. Nghĩa là con số mà chúng ta nhắm tới chỉ còn là con số 30,8 % của tổng số 2,5% của toàn khối nước đó. Sao mà rắc rối quá!

[ 1 ]
Ta đang bơi chỗ nào đây?
Dựa theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc thì trong vòng 100 năm vừa qua, việc sử dụng nước đã tăng lên gấp 10 lần. Trong khi dân số thế giới chỉ tăng gấp bốn lần thôi – từ 1,5 tỷ lên đến 6,5 tỷ người. Sao mâu thuẫn vậy? Lượng nước chứa trên hành tinh này không thể nào tăng hơn được (nếu không nói là mất dần do địa cầu bị hâm nóng) trong khi loài người lại tăng nhanh. Nhưng vấn đề khó khăn khác là số lượng nước ngọt sử dụng được phân bố không đều trên hành tinh. Các số liệu báo chí nói, hiện có hàng khối người ở các nước kém phát triển chỉ có một số lượng nhỏ nước để dùng cho ăn, uống và tắm rửa; số lượng này ít hơn số nước ở những nước tân tiến giựt nước xối sau khi đi vệ sinh. Nghĩ thương quá.

Xin nêu lên sau đây vài con số đáng tin cậy của Bộ Bảo Vệ Môi Trường trong chính phủ Đức, năm 2009 (tuy không có Việt Nam nhưng ta cứ tạm lấy con số của người Nam Dương và người Trung Quốc để so sánh)

Gần 7 tỷ người chia nhau nguồn nước ngọt để dùng trong đời sống hằng ngày. Như đã nói số lượng này không phân chia đồng đều trên thế giới. Có những khu vực như Bắc và Tây Âu hay Nam Mỹ có nhiều nước. Trong khi ở Bắc Phi và Trung Đông thì lượng nước rất ít. Thêm vào đó, có nhiều khu vực nước bị ô nhiễm do chất thải của kỹ nghệ hay cả từ nông nghiệp.

Vấn đề của chúng ta như đã nêu, dân số đang tăng nhanh mà nguồn nước thì hao hụt dần. Cộng thêm vào đó, tình trạng kinh tế càng ngày càng khá hơn, đời sống con người thoải mái hơn, khiến họ có nhu cầu xài nước nhiều hơn. Một điều đáng mừng nhưng cũng đáng lo. Khi đi du lịch thì ta dùng nước trong khách sạn nhiều hơn là ở nhà. Chủ khách sạn, do những quy định vệ sinh cũng có những phục vụ tốn kém nước hơn, ví dụ giặt khăn tắm, lau chùi nhà vệ sinh mỗi ngày, thay mền gối khi khách đi. Con người ngày xưa sống quây quần cả gia đình trong cùng một ngôi nhà, ăn uống tắm giặt chung nên lượng nước sử dụng ít hơn. Bây giờ gia đình 5 người là ở 4, 5 căn nhà. Mỗi căn nhà không những đầy đủ các phương tiện cầu tiêu, nhà tắm mà còn có vườn hoa, sân cỏ cũng cần nước để tưới. Từ đó nhu cầu tăng lên, không những gấp 5 mà là 9, 10 lần. Rồi dân số trên thế giới lại tăng nhanh do dân ở các nước nghèo có mức sinh sản cao, dân các nước giàu sống lâu hơn thời xưa.

Các nghiên cứu khí tượng cho biết, ngay từ bây giờ, chúng ta cần phải có số lượng nước gấp năm lần thì mới tạm đủ cung ứng cho nhu cầu bình thường của chúng ta. Chỉ là tạm thôi nhé. Và con số ấy ta không thể nào có được. Các nhà kinh tế đánh giá là trong một tương lai rất gần, vàng sẽ được mệnh danh là vàng xanh (Đức: Blaues Gold), tức là nước. Nước sẽ đóng vai trò quan trọng nhất và sẽ là lý do đưa đến tranh chấp trên thế giới. Thời đại của nguồn năng lượng khác như dầu hỏa, điện lực… sẽ qua, do con người ta có thể thay thế nó bằng những phương tiện khác, ví dụ điện lực lấy từ sức gió, xe chạy từ khinh khí (Wasserstoff - hydrogen) v.v. Duy chỉ nước uống thì rất khó chế tạo ra được.

Trên góc nhìn khác, ta biết rất rõ rằng thiếu nước thì không thể sống được. Người ta có thể nhịn đói nhiều ngày nhưng không thể nhịn khát lâu như vậy. Không có dưỡng khí thì ta không thở được, nhưng nếu có nước (H2O) thì ta sẽ chế tạo ra được dưỡng khí (O2).

Trước tiên ta cần tìm hiểu thêm rằng, ở chỗ nào, mức độ nào là phí phạm nước và chỗ nào ta có thể tiết kiệm được.

Tài liệu nghiên cứu cho ta biết dung lượng nước cần dùng để sản xuất ra các vật dụng, thực phẩm ta dùng hằng ngày. Biểu đồ sau đây ghi ra những con số ví dụ.


Loại hàng hóa / Đơn vị / Số lít nước sử dụng
Giấy in khổ A4 (loại tái chế- Recycling) / 1 tờ / 0,1(100ml)
Giấy in khổ A4 (loại 80g/1m2) / 1 tờ / 10
Cà chua / 1 trái / 13
Trà / 1 tách / 35
Chanh / 1 trái 100g / 100
Khoai tây / 500 g / 106
Cà phê / 1 tách / 140
Giấy văn phòng / 1 kg / 750
Bắp / 1 kg / 900
Sữa / 1 lít / 1.000
Bột mì / 1 kg / 1.100
Chocolate / 500 g / 1.125
Đậu nành / 1 kg / 1.400
Chuối / 1 kg / 2.000
Áo thun (vải bông gòn) / 1 cái / 2.000
Gà nướng / 1 con / 3.500
Trứng gà / 1 kg / 4.500
Gạo / 1 kg / 5.000
Quần Jean / 1 cái / 8.000
Giày da / 1 đôi / 8.000
Thịt heo / 1 kg / 9.700
Thịt bò / 1 kg / 15.500
Máy Computer / 1 cái / 30.000
Xe hơi / 1 chiếc / 380.000
(Theo: arche noVa - Initiative-für Menschen in Not e.V. / 2017. Tài liệu giảng dạy cho trường học)

Xem biểu đồ trên ta có thể nhận xét sơ khởi như sau:

Có nhiều loại sản phẩm cùng một mục đích sử dụng mà lại tốn số lượng nước nhiều hơn khi sản xuất. Ví dụ:

- Một tờ giấy trắng loại thường (80 g/m2) cần 10 lít nước trong khi một tờ giấy như vậy loại tái chế (recycling) chỉ cần 100 ml (gấp 100 lần).
- Một tách trà cần 35 lít, một tách cà phê cần 140 lít (gấp 4 lần)
- Một ký khoai tây cần 212 lít trong khi một ký gạo cần 5000 lít (gấp 23,5 lần)

(Xin hiểu các so sánh này chỉ mang tính cách tương đối, do tính chất vật lý của những sản phẩm, do công cụ và phương thức đo đạt, kể cả do những thói quen tiêu thụ, ăn uống của từng người, từng nền văn hóa cũng có nhiều khác biệt. Chúng tôi chỉ xin nêu ra các so sánh như một tiền đề để cùng suy ngẫm.)

Xin phép rút ra 3 thí dụ trong biểu đồ trên để thử đề nghị một kiểu “khéo co thì ấm” theo thực trạng hiện có. Xin nhấn mạnh: chỉ là một ĐỀ NGHỊ.

* Hằng ngày ai cũng xài giấy cho máy in các loại giấy tờ văn kiện. Giá như mình xài giấy tái chế, hay chỉ xài một nửa số lượng sử dụng là giấy tái chế thôi. Phải thành thực mà nói, có rất nhiều bản in chỉ đọc sơ qua rồi cho vào sọt rác, sao mình không in ở hai mặt giấy.

* Hằng ngày ai cũng cần vài chầu cà phê cho tỉnh người hay để tán gẫu cùng bè bạn. Giá như ta thử chỉ có một chầu cà phê sáng thôi, mấy cữ khác đổi thành vài bình trà. Cũng tỉnh táo đầu óc, lại thấy tao nhã như người xưa.

* Còn một chuyện rất quan trọng: Chuyện nồi cơm của mình. Chuyện này xin được phép nói sau cho có đầu có đuôi ở bài kế tiếp. Đó là chuyện: dân mình mỗi ngày ăn cơm, người Đức mỗi ngày ăn khoai tây (xin xem bài tiếp theo: Thoát hạn 2 – Củ khoai và hạt lúa).

[ 2 ]
Bài học Thoát Hạn của Israel
Đất nước và con người xứ Israel là một trường hợp đáng kinh ngạc và thán phục. Đất nước này không những đã đẻ ra bao nhiêu nhân tài mà chính cái lịch sử đau thương, tinh thần đoàn kết và nỗ lực đi tìm “đất cắm dùi” rồi xây dựng nên hùng mạnh… xứng đáng là những bài học quý báu cho nhân loại.
Trong tác phẩm “Bài học Do Thái” học giả Nguyễn Hiến Lê đã nhắc đến:
“Người mình hồi trẻ học tinh thần của Do Thái, hồi già nên học tinh thần của Ấn Độ. Phải lắm. Về già nên có tinh thần Ấn Độ, tức tinh thần Phật giáo (…) Còn tuổi trẻ thì nên học tinh thần Israël, chứ không phải tinh thần Âu Mĩ, cũng không phải tinh thần Nhật Bản. Nhật Bản bắt đầu canh tân cách đây đã một thế kỷ nên tôi không biết hiện tình nước ta ở vào cái giai đoạn đã qua nào của họ, nhưng chắc là họ bỏ xa ta ít nhất sáu chục năm, mà tinh thần của họ lúc này chẳng khác tinh thần Âu, Mĩ là mấy, sản xuất cho mạnh để vượt Pháp, Anh, đuổi kịp Mĩ, Canada. Bấy nhiêu cũng đáng quý đấy, nhưng chưa đủ và không hợp với hiện tình của ta, cho nên học Israël có lợi hơn là học Nhật Bản. Tôi dùng tiếng học ở đây theo cái nghĩa của Khổng Tử: trạch kỳ thiện giả, kỳ bất thiện giả. Vì Israël không phải luôn luôn làm cho thế giới cảm phục. (…)
“Từ khi quốc gia Israël thành lập, dân số tăng lên rất mau mà đất đai thì chật hẹp, nên chính phủ phải tìm cách khai phá miền sa mạc đó - một là để đủ nuôi dân - hai là để củng cố quốc phòng, không để một khoảnh đất rộng nào không có người ở mà kẻ thù luôn luôn rình ở chung quanh, có thể len lỏi vào được.”

[Ghi chú: Câu chữ Hán ở trên cụ Nguyễn nhắc lời Khổng Tử, ghi đầy đủ là: “Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên: Trạch kì thiện giả nhi tòng chi, kì bất thiện giả nhi cải chi. - 三人行,必有我師焉。擇其善者而從之;其不善者而改之。” (Luận ngữ). Nguyễn Hiến Lê đã dịch là: “Ba người cùng đi (ta với hai người nữa) tất có người làm thầy ta: lựa cái hay của người này mà học, xét cái quấy của người kia mà tự sửa mình.” ]

Đúng vậy, từng chịu những thảm nhục tàn sát, vậy mà trong sáu bảy chục thế hệ, bất kỳ ở đâu cũng vẫn giữ được truyền thống tôn giáo, vẫn hướng về quê hương. Sau cùng lập lại được một quốc gia trên mảnh đất của tổ tiên và mấy chục năm sau, quốc gia đó chẳng những hai lần củng cố được nền độc lập, mà còn thêm hùng cường, tân tiến, làm cho khắp thế giới phải ngạc nhiên, các nước Á Phi phải noi gương, muốn rút kinh nghiệm của họ trong sự chiến đấu với ngoại bang, nhất là với thiên nhiên.

Do Thái có 60% diện tích là sa mạc, chỉ có 2% là diện tích mặt nước. Vậy mà Do Thái không những không thiếu nước, họ còn là nguồn cung cấp nước cho các nước láng giềng. Sao có thể thực hiện điều đó? Tôi đã tìm đọc cuốn sách của tác giả Seth M. Siegel, ngay Phần I của sách đã đập mạnh không những vào mắt tôi, mà còn ở cả tâm trí là: Kiến tạo một quốc gia chú trọng nước.

Rồi chương 1 của phần này ông đề cập đến: Một nền văn hóa tôn trọng nước. Ông kể rằng: Chị Aya Mironi, đã 30 tuổi nhớ lại ngày còn nhỏ, sau khi tắm xong mẹ chị luôn mang những xô nước đã tắm xong đó đi tưới hoa và cây cối quanh nhà. Đừng tưởng nhà họ nghèo. Không, người phụ nữ ấy trong một gia đình trung lưu. Chị Aya cũng kể rằng, ở trường học họ cũng được giáo dục rất kỹ lưỡng về việc “không lãng phí dù chỉ một giọt nước”. Tác giả Siegel gọi đó là một “nền văn hóa tôn trọng nước”, không xem nước là hiển nhiên có.

Trong bối cảnh phải làm một cái gì đó để tự sinh tồn, người Do Thái đã thử rất nhiều phương cách. Một trong những phương cách thành công của Do Thái là “khử mặn”, nghĩa là biến nước mặn thành nước ngọt, để ăn uống, để sử dụng trong sinh hoạt vệ sinh hằng ngày và để phục vụ trong nông nghiệp. Nông nghiệp là lãnh vực tiêu xài phần lớn số lượng nước, bởi thế người ta hay nói: Các nước tân tiến nhập cảng nông sản từ các nước nghèo đồng nghĩa với nhập cảng nước từ các quốc gia đó.

Do Thái đã bắt đầu nghiên cứu việc khử mặn từ những năm 1960. Phó Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là Johnson, sau đó làm Tổng Thống thay thế Tổng Thống Kennedy bị sám sát, đã hỗ trợ chương trình đắc lực này của Do Thái. Tuy nhiên, do tình hình chính trị phức tạp, do chiến tranh trên thế giới trong đó có cuộc chiến tranh ở Việt Nam, chương trình này nhiều lần bị đình hoãn. Tuy Hoa Kỳ đình hoãn nhưng Do Thái trong khả năng của mình vẫn tiếp tục. Vấn đề khó khăn là chương trình đã quá tốn kém công quỹ trong nhiều năm mà chưa mang lại hiệu quả đáng kể.

Thật ra cái ý tưởng khử mặn nước biển để sử dụng cho nhu cầu ăn uống cũng không phải là hoàn toàn mới. Từ thời cổ đại, người La Mã đã cố thử lọc nước biển cho quân đội của họ nhưng không thành công. Bây giờ Do Thái lập nhiều chương trình thử nghiệm nhưng kết quả cũng không được như ý, cho đến lúc Sidney Loeb áp dụng thành công hệ thống lọc gọi tên là màng RO - Reverse osmosis (thẩm thấu ngược). Màng lọc RO được sản xuất từ chất liệu polyamit, ban đầu tạo ra loại nước lợ, sau đó cải tiến thành công.

Lúc đọc đến các công trình của Do Thái biến nước mặn thành nước lợ, rồi biến nước lợ thành nước ngọt tôi nhớ đến Trung Niên Thi Sĩ Bùi Giáng hết sức. Nhớ vào khoảng cuối năm 1973, đầu 1974, lúc chúng tôi ở chung tại Nội Xá Đại Học Vạn Hạnh, có lần trong giờ ngủ trưa anh đã dựng đầu tôi dậy và giảng cho tôi nghe về đủ thứ chuyện văn chương, triết học đông tây. Anh hỏi tôi: “Chú thanh niên có biết tao viết ‘‘Trăng Tỳ Hải’‘ nghĩa là gì không?” Trời ạ, làm sao tôi - một thanh niên mới chừng 18 tuổi đầu - biết chuyện cao siêu, ý nghĩa một tác phẩm tổng hợp của Albert Camus, Andre Gide, Martin Heidegger mà anh lại đặt nhan đề là “Trăng Tỳ Hải”? Thấy tôi ngồi yên lặng anh bèn giải thích tiếp: “Trăm sông - sông con sông cái đều dồn ra biển; chỗ nước sông đổ về rồi gặp biển lớn ta gọi là Tỳ Hải. Nơi ấy có ông trăng chiếu sáng thì gọi là Trăng Tỳ Hải. Có vậy mà không biết!” Vậy thì chỗ “tỳ hải” ấy phải là chỗ nước lợ, đã hết vị ngọt của sông nhưng chưa thấm cái mặn của biển.

Nói sa đà, xin quay lại chuyện ông Loeb. Sidney Loeb là kỹ sư hóa chất người Mỹ gốc Do Thái, đã tạo được tấm màng có các lỗ kích thước nhỏ bằng các hạt nano. Những lỗ này chỉ để nước tinh khiết chảy qua và chặn các hạt muối cũng như những khoáng chất hoà tan trong nước biển lại. Ngay tại Hoa Kỳ, trong năm 1965 màng RO này của Loeb đã được ứng dụng tại Coalinga, California. Nhưng cũng trong năm đó vợ chồng Loeb muốn ly dị nhau. Luật tòa án California quy định, nếu muốn ly dị mà tránh tranh tụng phiền phức thì hai vợ chồng phải ly thân một năm. Bản thân Loeb cũng cần có việc làm để sống nên năm 1966 nhân cơ hội này Sidney Loeb bỏ về ở Do Thái. Tại Do Thái thì những công trình khử mặn của Loeb đã được để ý đến và bây giờ họ hoan nghênh chào đón ông. Ông được trọng dụng ngay và lập tức các công trình lọc nước khử mặn bằng màng RO đã thành hình. Nhiều nhà máy với kinh phí cao của chính phủ đã được xây dựng lên để thí nghiệm. Khi đã có những thành quả đáng kể bước đầu thì tư nhân đầu tư vào với kinh phí cao hơn. Các bước tiến này khiến Do Thái ngày nay nổi tiếng trên thế giới về việc lọc nước khử mặn.

Ông Ilan Cobe, Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Chính phủ thời Thủ tướng Ariel Sharon và Ehud Olmert nói: “Khử mặn cho phép chúng ta kiểm soát vận mệnh của chúng ta – một điều quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào – song đặc biệt là đối với chúng ta trong địa thế bị kẹt giữa xung quanh toàn là đối thủ thù nghịch.”

Hiệp Hội Global Voice ngày 06.10.2016 trích nguồn tài liệu của Đại học Yale Hoa Kỳ nêu con số lạc quan như sau: Trong năm 2016 có 55% số nước sử dụng ở Do Thái xuất phát từ nguồn khử mặn nước biển.

Nói tóm lại, cái viễn cảnh thiếu nước ngọt để sử dụng của chúng ta trên địa cầu này là tất yếu, chắc chắn sẽ xảy ra. Nhưng qua kinh nghiệm của Do Thái, ta thấy cũng có thể có một sinh lộ. Vậy bài học ta học được ở đây là gì? Tác giả cuốn sách bán chạy nhất - bestseller - đã nói ở trước, tổng kết tất cả các công việc mà chính quyền và dân Do Thái đã và đang thực hiện trong việc đeo đuổi nước sạch thành những điểm chính yếu liệt kê như sau:

- Bơm và lọc nước tự nhiên từ các tầng ngậm nước, giếng, sông và Biển Hồ Galilee.

- Khử mặn nước biển.

- Khoan giếng sâu để lấy nước lợ.

- Phát triển các giống cây ưa nước mặn.

- Xử lý gần như tất cả nước thải sinh hoạt tới mức tinh khiết nhất và tái sử dụng cho cây trồng.

- Tích trữ và sử dụng lại nước mưa.

- Không khuyến khích cảnh quan công viên và nhà ở tiêu tốn nước ngọt.

- Gieo mây để tăng cường lượng mưa (tức tung chất hóa học lên trời tạo độ ẩm trên không gây mưa).

- Yêu cầu tất cả các thiết bị (đặc biệt bồn cầu) phải có hiệu suất tiết kiệm nước cao.

- Thay thế cơ sở hạ tầng trước khi xuất hiện rò rỉ và sửa chữa tức thì khi rò rỉ xuất hiện.

- Giáo dục trẻ em về giá trị của việc tiết kiệm nước.

- Thu phí sử dụng nước để khuyến khích hiệu quả sử dụng.

- Khích lệ tài chánh cho các công nghệ tiết kiệm nước.

- Thử nghiệm các ý tưởng giảm sự bay hơi.

- Chuyển dịch nông nghiệp sang việc trồng các cây tiết kiệm nước.

- Sử dụng tưới nhỏ giọt triệt để trong nông nghiệp.

Ghi chú: Từ thời xưa trong nông nghiệp thường có lối tưới ngập (flood irrigation). Vì vậy người ta cho rằng nước là yếu tố quyết định sống còn trong nông nghiệp, như câu thành ngữ ở Việt Nam: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Cách tưới này cây cối chỉ tiếp nhận được nhiều nhất là 50% lượng nước, số còn lại thất thoát hoàn toàn vào đất. Sau đó, nhờ biết ứng dụng kỹ thuật vào nông nghiệp, nông dân áp dụng cách tưới phun (sprinkler irrigation). Cách này tuy khá hơn nhưng cũng có lượng nước thất thoát khoảng 30%, do máy phun nước tưới cả khu vực chung quanh và khi nước phun lên trời cũng bị thất thoát nhiều qua hơi nước. Phương cách có hiệu quả cao là tưới nhỏ giọt (drip irrigation). Áp dụng phương cách này, nông dân tưới thẳng vào gốc, để nước thấm ngay vào rễ. Đồng thời điều chỉnh cho một lượng nước vừa đủ. Cách này chỉ thất thoát chừng 4% thôi, do nước bốc hơi hay thấm ở chỗ không cần thiết vào lòng đất. Tuy nhiên, trong các nông trại lớn với hệ thống tưới tự động, để có thể áp dụng phương cách tưới nhỏ giọt, chủ nông trại phải mua sắm hệ thống nước đưa đến tận từng gốc cây. Hệ thống này không phải ai cũng kham nổi. Vậy mà hầu hết các nông trại ở Do Thái đã thực hiện điều này, đáng khâm phục.

Đến đây mình có thể thống nhất với nhau rằng, nước là một nguồn tài nguyên vô giá mà thiên nhiên đã tặng cho chúng ta. Là vô giá nhưng lượng nước không phải là vô hạn – cũng không phải vô tận. Ta phải trân quý nó như trân quý chính mình (70% vật thể trong con người ta là nước).

Nước đã thực sự bắt đầu cạn nguồn rồi. Hãy làm ngay một cái gì đó.




    « Xem chương trước «      « Sách này có 19 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Bát-nhã Tâm kinh Khảo luận


Sống đẹp giữa dòng đời


Quy Sơn cảnh sách văn


Những tâm tình cô đơn

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.238.161.165 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (395 lượt xem) - Việt Nam (119 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - ... ...