Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận [大乘集菩薩學論] »» Bản Việt dịch quyển số 1 »»

Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận [大乘集菩薩學論] »» Bản Việt dịch quyển số 1


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.37 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.39 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luận Đại Thừa Tập Bồ Tát Học

Kinh này có 25 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 |
Việt dịch: Thích Như Điển

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Tập Bố Thí Học
(Danaparita Prathamah Paricchrdah)
Phẩm Thứ Nhất, phần một


Con nghe địa ngục quá đau thương
Lửa dữ vây quanh khổ nan lường
Tâm xưa chưa hề được tịch tĩnh
Nay thích nghe nhiều , gần Pháp Vương
Nghe rồi, tội ác được lìa xa
Ăn năn tội lỗi đã tạo ra
Bao nhiêu phước thiện con chưa nhận
Trong ấy ít nhiều bị xóa nhòa
Niềm vui Bồ Tát thật cao vời
Pháp Bình đẳng, chỉ Phật rõ thôi
Pháp báu khó lường, hiếm có ấy
Ai nghe con nói xin vui cười
Chủ Thành Tựu , Ba cõi đều đến
Thiên Long Bát Bộ cùng quyến thuộc
Hoặc sanh khát ngưỡng khởi tâm từ
Hoan hỷ nhận ghi lời an lạc
Như Lai, Chánh pháp và Phật Tử
Khéo vào cõi Phật mà sanh thân
Nay con chú giải lời Phật dạy
Hân hoan, kính lễ dạ chí thành
Xưa nay con chưa chú giải nhiều
Giảng, nói biện tài chẳng bao nhiêu
Cũng chưa lợi lạc cho ai cả
Chỉ chọn tâm mình, làm bạn yêu!!
Nhưng lòng luôn vui pháp Như Lai
Nuôi lớn căn lành ngày qua ngày
Tỉ như con thấy trong văn pháp
Nghĩa chưa rốt ráo, xin tỏ bày.
Luận rằng:
Muốn biết rõ ý nghĩa bậc Đại Sĩ Trượng Phu (Như Lai), chỉ trong khoảng một sát na, mà có đầy đủ những điều khó được, nếu không đặt tư duy vào cảnh giới an lạc, thì Chánh Hạnh Đẳng Giác không sao hiện hữu. Như Kinh Hoa Nghiêm (Gandavyuha-Sutra) có chép:
“Khi Đồng Tử Thiện Tài gặp Bà La Môn Thắng Nhiệt, liền nghĩ rằng: “Được thân người là khó; Thoát hiểm nạn là khó; Khỏi bị nạn là khó; Trong khoảng một sát na mà đầy đủ thanh tịnh là khó; Gặp thời Phật xuất thế là khó; Các căn đầy đủ là khó; Được nghe Phật pháp là khó; Được gặp người lành là khó; Được gặp Thiện Tri Thức chân thật là khó; Thọ trì giáo lý chân chánh như thật nghĩa là khó; Được chánh mệnh là khó”.
Luận rằng:
Nếu ai có Chánh Hạnh Chánh Biến Tri và nếu Đại Sĩ (hành giả) nào thường quán chiếu như vậy, với họ, ta nghĩ rằng, đã thoát ra khỏi sự sợ hãi khổ đau, chẳng đắm nhiễm thân này, xem thân nầy chẳng có gì là thù diệu!!. Với loài hữu tình, phải giữ gìn giới hạnh trọn vẹn, mới trừ được tận gốc rễ thống khổ. Ngoài ra, còn phải gieo trồng hạt nhân Bồ Đề, thực hành hạnh Diệu Lạc hy hữu, phát tâm kiên cố, đừng hủy hoại tín căn.
Kinh Bảo Quang Minh Đà La Ni (Ratnolka-Dhalani) có kệ rằng:
Tin thuận chư Phật và Phật pháp.
Cũng tin Hành đạo của Phật Tử.
Tin vào Vô Thượng Đại Bồ Đề
Từ đó, Bồ Tát bèn phát tâm
Tin là mẹ của công đức đầu
Nuôi lớn hầu hết các căn lành
Dẹp bỏ lưới nghi, khô suối ái.
Tin hay hiển lộ hạnh an nhẫn.
Tin chẳng nhiễm ô tâm thanh tịnh .
Trừ tâm ngã mạn sanh cung kính.
Tin như tay sạch giữ Nhân lành.
Bảy Thánh tài, chẳng gì hơn được.
Tin tạo tất cả niềm hỷ xả.
Nhờ Tin hoan hỷ vào Phật pháp.
Tin thường sanh ra công đức, trí.
Thông hiểu tất cả lời Phật dạy
Ánh sáng niềm tin thật tuyệt vời
Như gốc phiền não, nước tẩy trừ
Lực Tín kiên cố chẳng thể hoại.
Tín công đức Phật chỉ một thôi
Tín vẫn tương ưng, phi tương ưng
Lìa xa nhiễm trước , trong thoáng dừng
Tín giúp vượt qua bao ma cảnh
Đường đạo trang nghiêm hiện rõ ràng
Tín chẳng hủy hoại giống công đức.
Thường xuyên tăng trưởng mầm Bồ Đề.
Từ Tín mở ra cửa trí tuệ,
Bậc Giác hiện thân khắp mười phương.
Ai thường kính tín ngôi Phật Bảo
Những kẻ không học, thiếu giới...xa
Khi đã cách ly kẻ ấy rồi
Công đức của Phật mãi ngợi ca
Ai thường kính tín ngôi Pháp Bảo,
Được nghe Phật Pháp chẳng chán lìa.
Khi đã nghe Pháp không chán lìa,
Với Pháp, tin hiểu khó nghĩ bàn
Ai thường kính tín ngôi Tăng Bảo.
Trong chúng thanh tịnh, không thối lui
Không thối lui trước chúng thanh tịnh
Lực Tín vững vàng không lay động.
Ai có tín lực không lay động,
Được các căn lành lợi sáng trong
Liền được xa lìa các bạn ác.
Ai đã xa lìa các bạn ác,
Được thiện hữu đem Pháp nhiếp thọ.
Thiện hữu đem Pháp nhiếp thọ rồi,
Thường siêng tu tập những điều lành.
Siêng năng tu tập điều lành rồi,
Tất nhiên thành tựu nhân lực lớn
Tín giải của họ thật tuyệt vời.
Tín giải của họ đã tuyệt vời,
Liền được chư Phật thường hộ niệm.
Đã được chư Phật thường hộ niệm,
Tức liền phát khởi tâm Bồ Đề,
Khi đã phát khởi tâm Bồ Đề,
Nương công đức Phật mà tu tập.
Nương công đức Phật tu tập rồi
Liền được sanh vào nhà Như Lai.
Đã được sanh vào nhà Như Lai,
Không còn : chấp trước, không chấp trước
Với trước, vô trước giải thoát rồi
Niềm tin thanh tịnh, tâm sâu rộng
Được tín thanh tịnh, tâm sâu rộng,
Đạt đến cao thượng, không gì hơn.
Đạt đến cao thượng, thù thắng rồi,
Ba La Mật diệu vợi thường thực hiện
Ba La Mật diệu vợi thực hiện rồi
Liền được liễu ngộ Pháp Đại Thừa.
Khi đã liễu ngộ Pháp Đại Thừa.
Liền biết như pháp cúng dường Phật.
Nếu biết như pháp cúng dường Phật,
Liền được Niệm Phật tâm chẳng động.
Được Niệm Phật tâm chẳng động rồi,
Thường hay quán Phật chẳng thể bàn.
Thường quán Phật chẳng thể bàn rồi,
Với Phật vô sanh, vô sở trụ.
Phật vô sanh vô sở trụ rồi,
Tức biết pháp này chẳng thể diệt.
Luận rằng:
Công đức của kẻ sơ phát tín căn đó nhiều vô lượng . Chỉ xin lược mà thôi. Lại nữa, với các đời sống (sanh thân) của những loại hữu tình khác v.v...thật khó tin hiểu Pháp như thế. Ai tâm đã thuần thanh tịnh gieo trồng hạt giống phước đức, thì năng lực niềm tin đó là tư lương để chúng sanh thọ nhận phước báo, an lạc, vi diệu, cao vời, trong mười cõi Phật với thời gian kiếp nhiều như số vi trần. Đối với Pháp như thế mà sanh tin, hiểu. Như Thập Pháp Kinh (Dasadharma-Sutra) có kệ rằng:
Tin là xe tối thắng
Vận chuyển về Chánh giác.
Cho nên các niềm tin
Bậc trí phải thân cận
Ai không có tín căn
Chẳng gặp được Chánh pháp.
Ví như hạt giống lép,
Không sao sanh mầm nụ.
Lại nữa Kinh Đại Thiện Dụ nói rằng: “Lúc bấy giờ, Đức Như Lai bảo Ngài A Nan rằng: - Với Pháp Tín, ông liễu tri như thế và nên phụng hành”.
Luận rằng :
Ai có Tín trong khoảng sát na, sẽ được tín căn kiên cố, liền được tâm Bồ Đề kiên cố, có thể thọ hưởng tất cả phước báu. Như Kinh Sư Tử Vương Sở Vấn (Simha-Pariprccha) nói rằng: “Lúc bấy gìờ Thái Tử Hạ Nu (Simsima Rajakaumarema Phagavan Prstah) bạch Phật rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn! Làm sao có thể làm cho chúng sanh ở nơi nơi xứ xứ thường được vui thích lãnh thọ các pháp?
Phật bảo:
- Muốn giải thoát cho chúng sanh, thường khiêm tốn, cung kính , phát tâm Bồ Đề. Ấy gọi là thường được vui thích lãmh thọ các pháp”.
Lại nữa Kinh Hoa Nghiêm chép rằng: “Thiện nam tử (Kulaputra) tâm Bồ Đề giống như hạt mầm, có thể sanh tất cả Phật pháp. Tâm Bồ Đề giống như ruộng tốt có thể làm cho chúng sanh trưởng dưỡng trong pháp thanh tịnh. Giống như đại địa, tất cả thế gian nương nhờ trú ở. Tâm Bồ Đề như cha lành dạy dỗ hướng dẫn các Bồ Tát ; Như Tỳ Sa Môn (Vaisravara) có thể xoá hết các bần cùng khổ cực ; Như Ngọc Ma Ni thành tựu các điều lợi lạc. Bồ Đề Tâm giống như Hiền Nhạc (Bhadraghata) làm cho đầy đủ tất cả việc lành khó cầu được vậy;Như cái chày Độc Cổ, có thể phá vỡ tận cùng phiền não oan trái; Giống như chánh pháp có thể đoạn trừ tận những tác ý của tâm; Giống kiếm bén có thể chặt đứt tất cả ngọn ngành phiền não vậy. Bồ Đề tâm giống như búa bén, có thể chặt bỏ tất cả những thân cây khổ não; Giống như bình trượng (cây trượng của lính) có thể đề phòng các nạn dữ ; Giống như cây móc có thể kéo chúng sanh ra khỏi biển khổ luân hồi; Giống như bánh xe gió có thể xua tan những đám mây đen, những sương mù trên cỏ. Bồ Đề tâm giống như Tòng Lâm (Uddana) chứa nhóm tất cả những hạnh nguyện của Bồ Tát; Như Tháp Miếu của Phật , là nơi mà tất cả thế gian Trời, người , Atula v.v... đều tôn kính . Nầy Thiện nam tử ! Bồ Đề tâm thành tựu vô lượng công đức thù thắng như thế!”
Luận rằng:
Vì sao lại biết các loài chúng sanh khác cũng phát tâm Bồ Đề? Trên đây chỉ mới trích dẫn những lời Phật thôi, chưa có một Kinh nào minh chứng. Như Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh (Vimalakirti-Nirdesa) chép rằng: “Thân kiến (cái nhìn về thân nầy) khởi lên tuy lớn như núi Tu Di , cũng có thể phát khởi tâm đại Bồ Đề sanh trong Phật pháp”. Như Bảo Hiệp Kinh (Ratnakaranda-Sutra) chép rằng: Bồ Tát của các loài khác nghĩ như vầy: Phật bảo ngài Văn Thù Sư Lợi rằng giống như trứng chim Ca Lăng Tần Già, dù chưa nở nhưng có thể tạo ra âm thanh vi diệu. Nầy Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát cũng như thế! Tuy chưa đoạn trừ ngã kiến , ra khỏi ba cõi , khỏi vô minh hoặc, mà có thể nói lên những lời nói vi diệu của chư Phật , nên gọi là âm thanh : không, vô tướng, vô nguyện, giải thoát v.v...”
Lại nữa Tùy Thuyết Chư Pháp Kinh (Sarvadharma Pravrtti Nirdesa) chép rằng: “Lúc bấy giờ Bồ Tát Thắng Huệ (Jamati) tại thành Địa Kham nhập Niết Bàn, liền được tái sanh ngay trong thành ấp ấy. Người ở đó lấy sự tín, giải tánh Không mà đối trị vậy”. Lại nữa Nhập Định Bất Nhập Định Án Kinh (Niyatawara Mudra Sutra) nói rằng: Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Vì sao gọi hành Bồ Tát như xe dê? Như có người muốn qua khỏi các thế giới nhiều như số bụi trần trong năm cõi Phật, người nầy cỡi xe dê lên đường đi tới. Đi được khá xa, khoảng trăm Do Thiện Na (Do Tuần) gặp một trận cuồng phong. Vì thế mà thối lui đến tám vạn Do Thiện Na . Sau đó người nầy ở thế giới đó, lại lên xe dê hỏi rằng cho đến bất khả thuyết, bất khả thuyết kiếp có thể vượt qua được một thế giới chăng?
Văn Thù Sư Lợi đáp rằng:
- Không thể Bạch Thế Tôn!
Phật bảo:
- Nếu bậc Đại Thừa, phát Bồ đề tâm rồi, chẳng nên thọ trì, đọc tụng giáo pháp của Thanh Văn Thừa, ở chung với các bậc Thanh Văn, tu tập Pháp Thanh Văn Thừa, tự trong thâm tâm không giảng dạy Thừa ấy cho người khác, thậm chí đã ngộ giải được trí tuệ rồi, nhưng vì duyên này đối với đạo Vô Thượng , tức liền bị thối thất. Bồ Tát này, với những gì tâm Bồ Đề đã được, huệ căn, huệ nhãn; những thứ đó đều bị phá hoại. Này Văn Thù Sư Lợi! Ta nói đây là hành Bồ Tát như xe dê.”
Luận rằng:
Nếu Bồ Tát vui thích Pháp Đại Thừa, tin hiểu và giải rõ về tánh Không, thành tựu viên mãn về Tín, Giải và Hạnh, thì dung lượng lời dạy không ra ngoài các việc của Bồ Tát thấy như thế về Tín, Giải và Hạnh. Như Kinh Bảo Vân (Ratnamegha) chép rằng:
Nhờ tích chứa vô số pháp môn tổng trì Tam Ma Địa: thần thông , du hí, giải thoát, trí tuệ và minh giải, nên được bình đẳng vượt lên tất cả quả báo ác hạnh phàm phu ngu muội, thậm chí những quả báo không có lợi dưỡng sau nầy. Ở trong cõi đời khoảng thời gian một Câu Ti Kiếp (một trăm vạn) được thọ dụng những đồ vật mà tâm chẳng hề tham đắm, chẳng phân biệt, như hoa sen hiển lộ đầy đủ vẻ trang nghiêm. Lại ở trong khoảng thời gian vô lượng trăm ngàn Câu Ti Na Du Đa kiếp, được an trú nơi Pháp Đại Thừa, thấu đạt thắng nghĩa, không bị tổn giảm tư lương Phước Đức và Trí Tuệ. Với họ, xa lìa những gì tu tập trăm ngàn tương ưng trước, để Pháp Môn Công Hạnh tất cả đều được đầy đủ”.
Luận rằng:
Thế nào là liễu nghĩa? Nghĩa là bậc sơ phát tâm Bồ Đề nói trụ ở địa nầy. Kẻ bất liễu nghĩa chỉ có chút phần tiêu tướng (tướng rõ ràng), không còn nghi hoặc. Lời Phật dạy sánh theo Pháp môn: Tín, Giải và Hạnh, tạo thành ngôn ngữ và ý nghĩa. Trong đây, chỉ sơ lược về Tín, Giải và Hạnh vậy. Lại nữa Như Lai Bí Mật Kinh (Taghagaguhya-Sutra) chép rằng: Lúc bấy giờ vua A Xà Thế bạch Phật rằng:
-Kính bạch Đức Thế Tôn! Làm sao để phát Tâm Bồ Đề?
Phật bảo:
-Nầy Đại Vương! Chẳng thối thâm tâm.
Vua hỏi:
-Bạch Thế Tôn! Làm sao chẳng thối thâm tâm?
Phật bảo:
-Này Đại Vương! Thường phát khởi Đại Bi.
Vua hỏi:
-Bạch Thế Tôn! Làm sao phát khởi Đại Bi?
Phật bảo:
-Nầy Đại Vương! Đối với chúng sanh chẳng khởi tâm xa lìa.
Vua hỏi:
-Bạch Thế Tôn! Làm sao với chúng sanh chẳng khởi tâm xa lìa?
Phật bảo:
-Nầy Đại Vương! Nếu chẳng đắm trước, có niềm vui sẽ chẳng xa lìa.
Luận rằng:
Ở đây, Bồ Đề Tâm là khuyến phát Đại Bi; nghĩa là hoan hỷ, kính ái vậy. Nếu chẳng tương ưng với giáo pháp của Như Lai là kẻ chưa được xuất ly. Ai với tâm Bồ Đề thấy (chúng sanh) mà còn quở chán, người ấy chưa gọi là phát tâm Bồ Đề. Như Kinh Thập Pháp nói:
Nầy Thiện nam tử! Khi các vị Bồ Tát tự thể tánh phát tâm Bồ Đề liền được gặp Như Lai và các bậc Thanh Văn giáo hóa, khuyến phát A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề Tâm (Tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác). Đây gọi là tướng trạng hỷ lạc đầu tiên về phát tâm Bồ Đề.
Nếu nghe Bồ Đề và phát tâm Bồ Đề, liền phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Đây gọi là tướng trạng thứ hai về hỷ lạc phát tâm Bồ Đề.
Nếu chẳng quay lại, chẳng cầu thấy được tâm đại bi của hai loại trụ nầy, tiếp tục phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Đây gọi là tướng trạng thứ ba về hỷ lạc phát tâm Bồ Đề.
Nếu thấy các tướng của Như Lai viên mãn, liền sanh ái kính. Đây gọi là tướng thứ tư phát tâm Bồ Đề.
Luận rằng:
Bồ Đề Tâm có hai loại. Một là nguyện Bồ Đề Tâm, hai là trụ Bồ Đề Tâm. Như trong kinh Hoa Nghiêm nói: Nầy Thiện nam tử! có chúng sanh ở trong cõi chúng sanh mà nguyện chứng đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tâm khó được; Có chúng sanh trụ vào A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tâm khó được.
Luận rằng:
Một là nguyện chứng quả Phật; Hai là nguyện trụ tái sanh. Lại như Kinh Thủ Lăng Nghiêm (Surangama-Sutra) chép rằng: Nhân vì một Đức Phật nào đó mà phát tâm Bồ Đề; sao lại chỉ cần làm chút ít thiện căn? Như Kinh Hiền Kiếp (Bhadrakalpika-Sutra) chép rằng: Xưa kia khi Đức Tinh Túc Vương Như Lai đối trrước Thí Âm Như Lai, phát tâm Bồ Đề lần đầu, chỉ là một người chăn cừu dâng lá Đam Bộ La cúng dường Phật. Đức Vô Lượng Danh Xưng Như Lai đối trước Điện Quang Như Lai , phát tâm Bồ Đề lần đầu, chỉ là người dệt áo dâng lên cúng dường Phật tấm y tốt đẹp. Diệm Quang Như Lai đối trước Vô Lượng Quang Như Lai, phát tâm Bồ Đề lần đầu, trong thành ấp nọ, chỉ lấy cỏ cây làm đuốc cúng dường Phật . Năng Thắng Như Lai đối với Kiên Cố Bộ Như Lai, phát tâm Bồ Đề lần đầu, lúc ấy chỉ dâng cây tăm xỉa răng lên cúng dường Phật. Công Đức tràng Như Lai đối trước Diệu Cát Tường Xưng Như Lai, phát tâm Bồ Đề lần đầu , lúc ấy chỉ là người thầy thuốc dâng cúng cho Phật một trái Ambala (trái xoài).
Luận rằng:
Người sơ phát tâm Bồ Đề chưa thể viên mãn muôn hạnh, nhưng điều nhàm chán và yểm ly nầy có thể (giúp họ) ra khỏi luân hồi, đạt được vô lượng an lạc. Như Kinh Từ Thị Giải Thoát (Maitreyavimoksa) chép rằng: Nầy Thiện nam tử! Giống như có một vật báu gọi là Kim Cang có thể đoạn trừ bần cùng khổ sở. Nầy Thiện nam tử! cũng giống như thế, tâm và trí nhứt thiết có thể đoạn trừ tất cả sự khổ não trong luân hồi.
Luận rằng:
Điều cần nên biết là chỉ có phát tâm Bồ Đề mới gần quả vị giải thoát. Như Thiện Gián Kinh (Rayavavadaka-Sutra) chép rằng: Phật bảo:
-Nầy Đại Vương! Nếu Ngài cho rằng trong vô số việc làm, không sao làm hết . Còn ta trong tất cả pháp hành, ta thực hành tất cả. Trong mọi nơi, mang lợi đến tất cả mọi nơi . Nghĩa là học bố thí Ba La Mật Đa v.v... cho đến học Bát Nhã Ba La Mật Đa. Nầy Đại Vương! Cho nên , đối với Tam Miệu Tam Bồ Đề, Ngài cũng phải như thế; ưa thích phát khởi niềm tin thanh tịnh, tâm nguyện tạo lợi lạc cho người, trong từng cử chỉ đi, đứng, nằm , ngồi. Lúc thức giấc, khi uống ăn, luôn luôn tùy niệm mà phát tâm một cách trọn vẹn ; quán tưởng chư Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác cùng các loài chúng sanh khác v.v... tích chứa bao nhiêu căn lành trong quá khứ, hiện tại và tương lai...vừa đầy lượng vừa hoà hợp, cho nên được tùy hỷ, mà sự tùy hỷ đó hiện tiền nơi mình; cho đến khắp cả hư không giới, khắp cả cảnh giới Niết bàn cũng tràn đầy tùy hỷ. Ngay cả, tùy hỷ khắp tất cả chư Phật, chư Bồ Tát, Duyên Giác, Chúng Thanh Văn để cúng dường . Rồi bình đẳng hồi hướng đến khắp tất cả chúng sanh, cho đến làm cho tất cả chúng sanh được tất cả trí biết. Tất cả đều viên mãn trong thiện pháp của chư Phật. Mỗi ngày ba lần hhướng đến A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.
Nầy Đại Vương! Với chánh hạnh như thế. Ngài được gọi là Vua; chẳng tốn giảm đến ngôi vị cao quý, mà cầu hạnh Bồ Đề cũng được viên mãn. Nên gọi là phước báo.
Nầy Đại Vương! khi ấy, Ngài nhờ phát tâm Bồ Đề, nhờ căn lành nghiệp báo qua vô lượng vô số kiếp, có thể sanh lên cõi trời. Ở cõi Trời, có thể làm Thiên Đế Thích . Hoặc sanh về cõi người, có thể làm vua trong đời.
Nầy Đại Vương! Chỉ một lần phát tâm Bồ Đề năng lực thiện căn còn không có biệt nghiệp, biết đã viên mãn hoặc chưa viên mãn .
Phật bảo: Đặc biệt, nầy Đại Vương! chỉ một lần phát tâm Bồ Đề mà cứu độ tất cả chúng sanh, giải thoát tất cả chúng sanh, mang lại sự an ổn cho tất cả chúng sanh. Cuối cùng, khiến tất cả chúng sanh đến Niết Bàn vậy, được vô lượng vô số căn lành.
Nầy Đại Vương! Sao nói là trong nhiều loại công việc có thể làm hết mọi việc ư!!?
Luận rằng:
Hành tướng của Tâm Bồ Đề, như các Kinh đã nói, là sự duyên khởi trong quá khứ và trong hiện tại. Như thế, với Bồ Đề tâm nguyện, phải nhập vào địa nào Bồ Tát mới đắc giới?
Hữu bộ cho rằng: Địa thứ chín. Hư Không Tạng Kinh (Akasagarbha-Sutra) chép rằng: “Tiếng khen và lợi dưỡng là gốc tội lỗi”. Thập Địa Kinh (Dasabhumika-Sutra) chép: “ Gọi là chứng Sơ Địa thì đối với lợi dưỡng không còn chút gì luyến lưu và mong đợi. Nếu có chúng sanh nào đến gặp mình còn phại cấp thí cho gấp bội nữa”.
Luận rằng:
Như đã nói, Bồ Tát vào địa vị Cực Hỷ (Hoan Hỷ Địa) chứng được Thiện Trụ và Bất Động tương ưng, cũng nói rằng, sanh vào nhà Như Lai, nhất định hướng đến thành tựu Chánh Đẳng Chánh Giác. Hư Không Tạng Kinh nói: “Thanh Văn Thừa thì không được như vậy, chỉ trừ khi vui thích Đại Thừa thôi”. Như Kinh Tối Thượng Thọ Sở Vấn (Ugrapariprccha) chép rằng: Những Xan Tật (Phiền Não) gọi đúng là Phược (sự trói buộc), khi tu học rốt ráo biểu hiện đã thoát khỏi “Phược” nầy gọi là đạt đến Cực Hỷ Địa, lìa xa ngã tướng; Ngã chấp chẳng sanh khởi nữa.
Thế nhưng, tại sao lại chấp vào tất cả các pháp tu, như cho rằng bố thí đầu , mắt v.v...?
Luận rằng:
Cứ như thế lần lượt kinh qua, khi vào Địa nầy rồi thì xả bỏ những biển hiện của học xứ trước. Bồ Tát Biến Luận trong khi để tương ứng với sự tu tập; hoặc dừng lại không cho thối lui, hoặc không nhảy vượt. Các vị Bồ Tát chưa có thể hành trì phải biết có hai loại nầy biến hiện khắp học xứ. Một loại học xứ, mà không thể học cho đến thành tựu tác dụng. Dù chẳng thể tu tập nhưng cũng không tội lỗi.
Kinh Vô Tận Ý (Akasayamati-Sutra) chép rằng: Khi thực hành sự bố thí rộng rãi, dẫu xa rời giới luật thanh tịnh mà chẳng phải là lười biếng. Bởi vì trước đây chưa từng nói, cũng chẳng tích tập việc làm, như dùng thế lực để thân cận vậy. Lại nữa Kinh Thập Địa nói rằng: Phạm giới tà hạnh mà bị ô nhiễm hoặc nặng hoặc nhẹ bởi do niềm vui của tâm Bồ Đề vậy. Nầy Xá Lợi Tử! Bồ Tát nào giảng về Biệt Giải Thoát Giới (Budhisattva-Prapimoksa), thành tựu bốn pháp, Bồ Tát âý đối với sự tu tập chứng được chơn thật ngữ. Nầy Xá Lợi Tử! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nào phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, vui thích, tinh tấn, cần cầu pháp lành, tham dự nghị luận, kiên trì cấm giới, tu tập vẹn toàn pháp học của Bồ Tát. Nhờ được gần gũi với người ấy, có học giới như thế, nếu lỡ trái phạm, qua mặt, hủy báng Thầy Tổ, liền bị xấu hổ, tâm sợ hãi khởi lên, tức thì được tôn trọng thương mến và thành tựu trọn vẹn giới pháp bình đẳng như thế.
Đối với giới học của chư Phật, Như Lai hiện tiền , Bồ Tát nầy ưa thích Chánh Hạnh, nên được truyền trao riêng biệt. Người ấy chẳng cần thiện hữu tri thức giúp, có thể hướng trước chư Phật, Bồ Tát trong hiện tại, chuyên tâm niệm Phật hay quán tưởng, tùy theo năng lực mà xưng dương tán thán và kiên trì giữ gìn giới hạnh. Không bao giờ khinh chê tất cả chư Phật, Bồ Tát , các cõi trời, người v.v... trong mười phương.”
Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ (Saddharma-Smartyupasthana-Sutra) chép rằng: “Do kém suy tư, lại hay ganh tị, không biết bố thí, chết đọa vào loài ngạ quỷ. Dạy người nhưng chính mình không chịu bố thí, chết đọa vào địa ngục; huống gì vì viên mãn vô thượng Bồ Đề mà hứa bố thí, khỏi phải đọa vào bất cứ loài nào trên thế gian”.
Như Kinh Pháp Tập (Dharmasangiti-Sutra) chép rằng: Nầy Thiện nam tử! Bồ Tát phải nên trọng Thật Đế. Vì sao vậy? Nầy Thiện nam tử! Vì tích tập Thật Đế gọi là Pháp Tập. Thiện nam tử! Vì sao gọi là Thật Đế? Vì Bồ Tát phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tâm Bồ Đề, có thể xả bỏ thân mệnh nhưng chẳng bỏ tâm nầy và chẳng lìa bỏ chúng sanh; nên gọi là Bồ Tát Thật Đế. Nếu Bồ Tát nào phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề rồi, sau đó xả bỏ tâm này, lìa bỏ chúng sanh, thì Bồ Tát ấy đại vọng ngữ. Xấu hổ vô cùng!
Lại nữa trong Kinh Hải Ý Bồ Tát Sở Vấn Tịnh Án Pháp Môn (Sagaramati-Sutra) Phật dạy rằng: Nầy Hải Ý! Như trong thế gian, Vua, và các quan muốn đến tất cả các thành ấp nơi nhân dân tụ tập để bố thí hoặc thức uống, hoặc đồ ăn, nhưng không bày ra. Họ đã dối gạt dân chúng ở đó chẳng cho một chút thức ăn uống nào cả! Những lời phẫn nộ mắng chửi to tiếng từ đó phát ra. Phật bảo: Nầy Hải Ý! Bồ Tát ấy cũng giống như thế. Với chúng sanh chưa độ thì phải độ, mà chẳng dùng lời nói mẫn tiệp lợi lạc để khiến họ tu; thậm chí chẳng khuyến tu đa văn, tích chứa các pháp Thiện Bồ Đề Phần. Bồ Tát ấy là kẻ đang dối gạt trời, người, như Phật đã nói ở trước, bị chư Thánh quở trách. Với bậc Trí, Đại Trí, Vô Thượng Thắng Trí, thật khó có thể đạt được . Cho nên cần phải biết. Bồ Tát chẳng nên dùng lời dối trá với tất cả trời , người trong thế gian. Lại nữa Hải Ý! Hoặc có người đến khuyến thỉnh thuyết pháp, giải nghĩa để được lợi ích, thì Bồ Tát ấy tùy thuận mà thuyết , thậm chí xả bỏ thân này tu Bồ Tát hạnh, chẳng dối gạt tất cả chúng sanh. Phải nên biết như vậy!
Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận hết quyển thứ nhất.

« Kinh này có tổng cộng 25 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phật giáo và Con người


Tự lực và tha lực trong Phật giáo


Sống đẹp giữa dòng đời


Kinh Đại Bát Niết bàn Tập 1

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.215.77.88 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập