Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Trung A Hàm Kinh [中阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 30 »»

Trung A Hàm Kinh [中阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 30


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.7 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.89 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Trung A Hàm

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 |
Việt dịch: Thích Tuệ Sỹ

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

11. PHẨM ÐẠI
(Phần Ðầu)
126. KINH HÀNH DỤC[1]

Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Cư sĩ Cấp Cô Độc[02] đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi xuống một bên, thưa rằng:
"Bạch Thế Tôn, ở đời có bao nhiêu hạng người hành dục[03]?"
Đức Thế Tôn dạy:
"Này Cư sĩ, ở đời gồm có mười hạng người hành dục. Những gì là mười?
"Cư sĩ, có hạng người hành dục tìm cầu của cải một cách phi pháp vô đạo. Sau khi tìm cầu của cải một cách phi pháp vô đạo, kẻ ấy không tự nuôi thân đầy đủ, cùng nuôi cha mẹ, vợ con, đầy tớ, người giúp việc, cũng không cúng dường Sa-môn, Phạm chí để được lên cảnh giới an vui, thọ hưởng lạc báo, sanh vào cõi trời sống lâu. Đó là một hạng người hành dục.
"Lại nữa, này Cư sĩ, có hạng người hành dục tìm cầu của cải một cách phi pháp vô đạo. Sau khi tìm cầu của cải một cách phi pháp vô đạo, kẻ ấy có thể tự nuôi thân đầy đủ, cùng nuôi cha mẹ, vợ con, đầy tớ, người giúp việc, nhưng không cúng dường Sa-môn, Phạm chí để được lên cảnh giới an vui, thọ hưởng lạc báo, sanh vào cõi trời, sống lâu. Đó là một hạng người hành dục.
"Lại nữa, Cư sĩ, có hạng người hành dục tìm cầu của cải một cách phi pháp vô đạo. Sau khi tìm cầu của cải một cách phi pháp vô đạo, kẻ ấy có thể tự nuôi thân đầy đủ, nuôi cha mẹ, vợ con, đầy tớ, người giúp việc, cũng cúng dường Sa-môn, Phạm chí để được lên cảnh giới an vui, thọ hưởng lạc báo, sanh vào cõi trời, sống lâu. Đó là một hạng người hành dục.
"Lại nữa, Cư sĩ, có hạng người hành dục tìm cầu của cải một cách vừa hợp pháp vừa phi pháp. Sau khi tìm cầu của cải một cách vừa hợp pháp vừa phi pháp, kẻ ấy không tự nuôi thân đầy đủ, cùng nuôi cha mẹ, vợ con, đầy tớ, người giúp việc, cũng không cúng dường Sa-môn, Phạm chí để được lên cảnh giới an vui, thọ hưởng lạc báo, sanh vào cõi trời, sống lâu. Đó là một hạng người hành dục.
"Lại nữa, Cư sĩ, có hạng người hành dục tìm cầu của cải một cách vừa hợp pháp vừa phi pháp. Sau khi tìm cầu của cải một cách vừa hợp pháp vừa phi pháp, kẻ ấy có thể tự nuôi thân đầy đủ, cùng nuôi cha mẹ, vợ con, đầy tớ, người giúp việc, nhưng không cúng dường Sa-môn, Phạm chí để được lên cõi an vui, thọ hưởng lạc báo, sanh vào cõi trời, sống lâu. Đó là một hạng người hành dục.
"Lại nữa, Cư sĩ, có hạng người hành dục tìm cầu của cải một cách hợp pháp, phải lẽ. Sau khi tìm cầu của cải một cách hợp pháp, phải lẽ, kẻ ấy không tự nuôi thân đầy đủ, cùng nuôi cha mẹ, vợ con, đầy tớ, người giúp việc, cũng không cúng dường Sa-môn, Phạm chí để được lên cõi an vui, thọ hưởng lạc báo, sanh vào cõi trời, sống lâu. Đó là một hạng người hành dục.
"Lại nữa, Cư sĩ, có hạng người hành dục tìm cầu của cải một cách hợp pháp, phải lẽ. Sau khi tìm cầu của cải một cách hợp pháp, phải lẽ, kẻ ấy có thể tự nuôi thân đầy đủ cùng nuôi cha mẹ, vợï con, dầy tớ, người giúp việc, nhưng không cúng dường Sa-môn, Phạm chí để được lên cõi an vui, thọ hưởng lạc báo, sanh vào cõi trời, sống lâu. Đó là một hạng người hành dục.
"Lại nữa, Cư sĩ, có hạng người hành dục tìm cầu của cải một cách hợp pháp, phải lẽ. Sau khi tìm cầu của cải một cách hợp pháp, phải lẽ, kẻ ấy có thể tự nuôi thân đầy đủ, cùng nuôi cha mẹ, vợ con, đầy tớ, người giúp việc, cũng cúng dường Sa-môn, Phạm chí để được lên cõi an vui, thọ hưởng lạc báo, sanh vào cõi trời, sống lâu. Nhưng khi có của cải rồi lại bị đắm nhiễm, hệ lụy. Khi đã bị hệ lụy, đắm nhiễm, không thấy được tai hoạn, không biết đến sự xuất yếu mà tiêu dùng. Đó là một hạng người hành dục.
"Lại nữa, Cư sĩ, có hạng người hành dục tìm cầu của cải một cách hợp pháp, phải lẽ. Sau khi tìm cầu của cải một cách hợp pháp, phải lẽ, kẻ ấy có thể tự nuôi thân đầy đủ, cùng nuôi cha mẹ, vợ con, đầy tớ, người giúp việc, cũng cúng dường Sa-môn, Phạm chí để được lên cõi an vui, thọ hưởng lạc báo, sanh vào cõi trời, sống lâu. Khi có của cải rồi, không đắm nhiễm, không hệ lụy. Đã không hệ lụy, không đắm nhiễm, thấy được tai hoạn, biết được sự xuất yếu mà tiêu dùng. Đó là một hạng người hành dục.
"Này Cư sĩ, nếu có người hành dục tìm cầu của cải một cách phi pháp vô đạo. Sau khi tìm cầu của cải một cách phi pháp vô đạo, kẻ ấy không tự nuôi thân đầy đủ, cùng nuôi cha mẹ, vợ con, đầy tớ, người giúp việc, cũng không cúng dường Sa-môn, Phạm chí để được lên cõi an vui, hưởng thọ lạc báo, sanh vào cõi trời, sống lâu, thì kẻ hành dục này so với các người hành dục khác là thấp hèn nhất.
"Này Cư sĩ, nếu có người hành dục tìm cầu của cải một cách vừa hợp pháp vừa phi pháp. Sau khi tìm cầu của cải một cách vừa hợp pháp vừa phi pháp, kẻ ấy tự nuôi thân đầy đủ cùng nuôi cha mẹ, vợ con, đầy tớ, người giúp việc, cũng cúng dường Sa-môn, Phạm chí để được lên cõi an vui, hưởng thọ lạc báo, sanh vào cõi trời, sống lâu, thì kẻ hành dục này so với các người hành dục khác là tối thượng.
"Này Cư sĩ, nếu có người hành dục tìm cầu của cải một cách hợp pháp, phải lẽ. Sau khi tìm cầu của cải một cách hợp pháp, phải lẽ, kẻ ấy không tự nuôi thân đầy đủ cùng nuôi cha mẹ, vợ con, đầy tớ, người giúp việc, cũng cúng dường Sa-môn, Phạm chí để được lên cõi an vui, hưởng thọ lạc báo, sanh vào cõi trời, sống lâu. Khi có của cải rồi, không đắm nhiễm, không hệ lụy. Đã không hệ lụy, không đắm nhiễm, thấy được tai hoạn, biết sự xuất yếu khi tiêu dùng, thì kẻ hành dục này so với các người hành dục khác là tối đệ nhất, tối đại, tối thượng, tối thắng, tối tôn, tối diệu.
"Cũng như con bò có sữa, do sữa có lạc, do lạc có sanh tô, do sanh tô có thục tô, do thục tô có tô tinh. Tô tinh là tối đệ nhất, tối đại, tối thượng, tối thắng, tối tôn, tối diệu. Này Cư sĩ, cũng như vậy, so với các người hành dục khác, kẻ hành dục này là tối đệ nhất, tối đại, tối thượng, tối thắng, tối tôn, tối diệu."
Khi ấy, Đức Thế Tôn nói tụng rằng[04]:
Nếu phi pháp kiếm của;
Vừa pháp vừa phi pháp;
Không cúng, không tự dùng,
Không bố thí, tạo phước;
Cả hai đều mang họa,
Kẻ hành dục thấp nhất.
Nếu kiếm của hợp pháp,
Đã lo được tự thân,
Cung cấp và tự dùng,
Bố thí và tạo phước,
Cả hai đều có đức;
Kẻ hành dục tối thượng.
Nếu được tuệ xuất yếu,
Hưởng lạc sống tại gia,
Thấy tai hoạn, tri túc,
Tiết kiệm dùng tài vật,
Kẻ được tuệ xuất dục,
Là hành dục trên hết.
Phật thuyết như vậy. Cư sĩ Cấp Cô Độc và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Bản Hán, quyển 30. Tương đương Pāli, A. 10. 91 Kāmabhogī.
[02] Cấp Cô Độc Cư sĩ 給 孤 獨 居 士. Pāli: Anāthapiiḍṇko gahapati.
[03] Hành dục (nhân) 行 欲 人. Pāli: kāmabhogī, người hưởng thụ dục lạc.
[04] Bản Pāli không có kệ tụng.
127. KINH PHƯỚC ĐIỀN[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Cư sĩ Cấp Cô Độc đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi xuống một bên, thưa rằng:
"Bạch Thế Tôn, ở đời có bao nhiêu hạng người phước điền[02]?"
Đức Thế Tôn dạy:
"Này Cư sĩ, ở đời có hai hạng người phước điền. Những hạng người nào là hai? Một là hạng học nhân[03], hai là hạng vô học nhân[04].
"Hạng hữu học có mười tám, hạng vô học có chín.
"Này Cư sĩ, mười tám hạng người hữu học là những ai? Là tín hành, pháp hành, tín giải thoát, kiến đảo, thân chứng[05], gia gia[06], nhất chủng, hướng Tu-đà-hoàn, đắc Tu-đà-hoàn; hướng Tư-đà-hàm, đắc Tư-đà-hàm; hướng A-na-hàm, đắc A-na-hàm, trung Bát-niết-bàn, sanh Bát-niết-bàn, hành Bát-niết-bàn, vô hành Bát-niết-bàn, thượng lưu sắc cứu cánh[07]. Đó là mười tám hạng hữu học.
"Này Cư sĩ, chín hạng người vô học là những ai? Tư pháp, thăng tấn pháp, bất động pháp, thối pháp, bất thối pháp, hộ pháp, hộ tắc bất thối bất hộ tắc thối[08], thật trụ pháp, tuệ giải thoát, câu giải thoát. Đó là chín hạng vô học[09]."
Khi ấy Đức Thế Tôn nói tụng:
Học, vô học trong đời,
Đáng tôn, đáng phụng kính;
Các ngài tu chánh thân,
Miệng, ý cũng chánh hạnh.
Ruộng tốt cho tại gia,
Cúng dường được phước lớn.
Phật thuyết như vậy. Cư sĩ Cấp Cô Độc và các Tỳ-kheo, sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli A.2.4.4 Dakkhiṇeyya (Samacittavaggo). Hán, biệt dịch, No.99 (992).
[02] Phước điền nhân 福 田 人. Pāli: dakkhiṇeyya, người xứng đáng được cúng dường.
[03] Học nhân 學 人, chỉ các bậc Thánh dưới A-la-hán quả, vì còn phải học. Pāli: sekha.
[04] Vô học nhân 無 學 人, chỉ vị đắc quả A-la-hán, không cần phải học nữa. Pāli: asekha.
[05] Tín hành, hay Tùy tín hành; Pháp hành hay Tùy pháp hành; Tín giải thoát hay Tín thắng giải; Kiến đáo hay Kiến chí và Thân chứng. Xem Kinh số 195.
[06] Gia gia 家 家 (Pāli: Kolaṅkola), những vị chứng quả Dự lưu (Sotāpanna) phải thọ sanh từ nhân gian lên thiên thượng hay từ thiên thượng xuống nhân gian, trước khi chứng đắc Niết-bàn. Nhất chủng 一 種 (Pāli: Ekabīja), những vị chứng quả Dự lưu chỉ tái sanh một lần trước khi đắc Niết-bàn. Cả hai hạng này thuộc Nhất lai hướng hay Tư đà hàm hướng (Sakadāgāmimagga), tức từ Dự lưu quả hướng đến Nhất lai quả.
[07] Năm hạng A-na-hàm (Ngũ bất hoàn 五 不 還) xem Tập Dị 14 (Đại 26, trang 425 c-26 c): 1. Trung Bát-niết-bàn (Pāli: antaraparinibbāyi), nhập Niết-bàn ngay sau khi vừa thác sanh lên Tịnh cư thiên (Niết-bàn với thân trung hữu, theo Hữu bộ); 2. Sanh bát Niết-bàn (Pāli: upahacca-parinibhāyi): thác sanh Tịnh cư thiên một thời gian mới nhập Niết-bàn; 3. Hữu hành Bát-niết-bàn (Pāli: sasaṅkhāra-parinibbāyī): thác sanh thượng giới, tinh tấn tu tập mới nhập Niết-bàn; 4. Vô hành Bát-niết-bàn (Pāli: asaṅkhāra-parinibhāyī): không cần tinh tấn tu tập nữa; 5. Thượng lưu sắc cứu caùnh (Pāli: uddhaṃsota-akanittha-gāmī), lần lượt tái sinh qua các cõi từ sơ thiền, cho đến tầng cao nhất của Sắc giới, nhập Niết-bàn tại đó.
[08] Đối chiếu với sáu hạng A-la-hán trong luận Câu-xá 25 (No.1558, Đại 26, trang 129a, tt.): 1. Thối pháp (thối bất thối), gặp nghịch duyên bị sụt xuống các bậc Thánh thấp hơn; 2. Tư pháp, mong cầu Vô dư Niết-bàn cấp thời vì sợ thối thất; 3. Hộ pháp (hộ tắc bất thối, bất hộ tắc thối), do thủ hộ mà không bị thối thất; 4. An trụ pháp (thật trụ), không bị chi phối nghịch duyêân để thối thất, nhưng không tiến tới; 5. Kham đạt pháp (thăng tiến), có khả năng tiến tới bất động tánh. 6. Bất động tánh căn cơ mãnh lợi, không bị chi phối bởi bất cứ duyên gì.
[09] Bản Pāli và No.99 (992) không đề cập đến các chi tiết, chỉ nói đại cương hai hạng phước điền và bài tụng.
128. KINH ƯU-BÀ-TẮC[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Cư sĩ Cấp Cô Độc cùng chúng Ưu-bà-tắc gồm có năm trăm người đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử. Cư sĩ Cấp Cô Độc cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên. Năm trăm Ưu-bà-tắc cũng làm lễ rồi ngồi xuống một bên. Cư sĩ Cấp Cô Độc và năm trăm Ưu-bà-tắc sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Xá-lê Tử thuyết pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu sự hoan hỷ. Ngài dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu sự hoan hỷ rồi, liền rời chỗ ngồi đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật và ngồi xuống một bên.
Sau khi Tôn giả Xá-lê Tử đi chẳng bao lâu, Cư sĩ Cấp Cô Độc và năm trăm Ưu-bà-tắc cũng đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi xuống một bên. Sau khi Tôn giả Xá-lê Tử và mọi người đã an tọa, Đức Thế Tôn dạy:
"Này Xá-lê Tử, nếu thầy biết rằng bạch y Thánh đệ tử[02] gìn giữ, thực hành năm pháp một cách hoàn hảo và được bốn tăng thượng tâm[03], hiện pháp lạc trú, dễ được chứ không phải khó được. Xá-lê Tử, thầy nên xác nhậän rằng Thánh đệ tử này không còn đọa địa ngục, cũng không còn sanh vào loài súc sanh, ngạ quỷ và các chỗ ác, được quả Tu-đà-hoàn, không đọa ác pháp, nhất định thẳng tiến tới quả vị Chánh giác, tối đa chịu bảy lần sanh tử nữa. Sau bảy lần qua lại cõi trời, nhân gian, liền được chấm dứt khổ đau.
"Xá-lê Tử, thế nào là bạch y Thánh đệ tử khéo giữ gìn và thực hành năm pháp[04]? Đó là bạch y Thánh đệ tử xa lìa sát sanh, vứt bỏ dao gậy, có tâm tàm quý, tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả, cho đến loài côn trùng, người ấy đối với sự sát sanh, tâm đã tịnh trừ. Đó là pháp thứ nhất mà bạch y Thánh đệ tử đã giữ gìn và thực hành một cách hoàn hảo.
"Lại nữa, này Xá-lê Tử, bạch y Thánh đệ tử xa lìa việc lấy của không cho, dứt trừ việc lấy của không cho. Khi nào cho mới lấy, vui với việc cho mới lấy, thường ưa bố thí, hoan hỷ không keo kiết, không mong đền trả, không tham lam, thấy tài vật của kẻ khác không lấy về mình[05]. Người ấy đối với việc không cho mà lấy tâm đã tịnh trừ. Đó là pháp thứ hai mà bạch y Thánh đệ tử đã giữ gìn và thực hành một cách hoàn hảo.
"Lại nữa, Xá-lê Tử, bạch y Thánh đệ tử xa lìa tà dâm, dứt trừ tà dâm. Người nữ kia hoặc có cha giữ gìn, hoặc có mẹ giữ, hoặc cả cha cả mẹ cùng giữ, hoặc anh em giữ, hoặc chị em giữ, hoặc gia nương giữ, hoặc thân tộc giữ, hoặc người cùng họ giữ, hoặc là vợ của người khác, hoặc có phạt gậy[06], khủng bố, hoặc đã có ước hẹn bằng tài hóa, cho đến bằng một tràng hoa[07]; đối với tất cả những người nữ ấy, không xâm phạm đến. Người ấy đối với tà dâm, tâm đã tịnh trừ. Đó là pháp thứ ba mà bạch y Thánh đệ tử đã giữ gìn và thực hành một cách hoàn hảo.
"Lại nữa, Xá-lê Tử, bạch y Thánh đệ tử xa lìa nói dối, dứt trừ nói dối; nói lời chân thật, ưa sự chân thật, an trụ nơi sự chân thật, không dời đổi sai chạy. Tất cả những lời nói đều đáng tin, không lừa dối thế gian. Người ấy đối với sự nói dối, tâm đã tịnh trừ. Đó là pháp thứ tư mà bạch y Thánh đệ tử giữ gìn và thực hành một cách hoàn hảo.
"Lại nữa, Xá-lê Tử, bạch y Thánh đệ tử lìa rượu, bỏ rượu. Người ấy đối với việc uống rượu, tâm đã tịnh trừ. Đó là pháp thứ năm mà bạch y Thánh đệ tử giữ gìn và thực hành một cách hoàn hảo.
"Này Xá-lê Tử, thế nào là bạch y Thánh đệ tử được bốn tâm tăng thượng, hiện pháp lạc trú, dễ chứ không phải khó được[08]? Đó là bạch y Thánh đệ tử niệm tưởng Như Lai[09], Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Chúng Hựu. Nhớ nghĩ Như Lai như vậy rồi, nếu có những ác dục liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện, nhớp nhơ, sầu khổ, âu lo cũng được tiêu diệt. Bạch y Thánh đệ tử nương vào Như Lai, tâm tịnh được hỷ, nếu có những điều ác dục liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện nhớp nhơ, sầu khổ, âu lo cũng được tiêu diệt. Như vậy, bạch y Thánh đệ tử được tâm tăng thượng thứ nhất, hiện pháp lạc trú, dễ được chứ không phải khó được.
"Lại nữa, Xá-lê Tử, bạch y Thánh đệ tử niệm tưởng Pháp[10] được Thế Tôn khéo giảng, pháp chắc chắn đưa đến cứu cánh, không phiền, không nhiệt, hằng hữu, không di động. Quán pháp như vậy, biết pháp như vậy, nhớ nghĩ pháp như vậy rồi nếu có những điều ác dục liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện nhớp nhơ, sầu khổ, âu lo, cũng được tiêu diệt. Bạch y Thánh đệ tử duyên vào pháp, tâm tịnh được hỷ. Nếu có những điều ác dục, liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện nhớp nhơ, sầu khổ, âu lo, cũng được tiêu diệt. Như vậy, bạch y Thánh đệ tử được tâm tăng thượng thứ hai.
"Lại nữa, Xá-lê Tử, bạch y Thánh đệ tử niệm chúng Tăng[11], Thánh chúng của Như Lai là những bậc thiện thú hướng, chánh thú hướng, như lý hành, pháp tùy pháp hành, chúng ấy thật có A-la-hán hướng, A-la-hán quả, có A-na-hàm hướng, A-na-hàm quả, có Tư-đà-hàm hướng, Tư-đà-hàm quả, có Tu-đà-hoàn hướng, Tu-đà-hoàn quả. Đó là bốn cặp tám bậc, là chúng của Như Lai thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến, đáng kính, đáng trọng, đáng phụng, đáng cúng, là ruộng phước an lành của thế gian. Người ấy nhớ nghĩ chúng của Như Lai như vậy, nếu có những điều ác dục liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện, nhớp nhơ, âu lo, cũng được tiêu diệt. Bạch y Thánh đệ tử duyên vào chúng của Như Lai, tâm được hoan hỷ, nếu có những điều ác dục liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện, nhớp nhơ, sầu khổ, âu lo cũng được tiêu diệt. Như vậy, bạch y Thánh đệ tử được tâm tăng thượng thứ ba, hiện pháp lạc trú dễ được chứ không phải khó được.
"Lại nữa, Xá-lê Tử, bạch y Thánh đệ tử tự niệm tưởng giới[12], giới này không sứt mẻ, không rách nát, không ô uế, không cấu bẩn, vững như mặt đất, không hư vọng, đó là điều mà Đức Phật ngợi khen, thọ trì đầy đủ tốt đẹp. Người ấy tự nhớ nghĩ giới như vậy, nếu có những điều ác dục, liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện, sầu khổ, nhớp nhơ, âu lo cũng được tiêu diệt. Bạch y Thánh đệ tử duyên vào giới, tâm định được hỷ. Nếu có những điều ác dục liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện, nhớp nhơ, sầu khổ, âu lo cũng được tiêu diệt. Như vậy, bach y Thánh đệ tử được tâm tăng thượng thứ tư, đối với hiện pháp lạc trú dễ được chứ không phải khó được.
"Này Xá-lê Tử, nếu thầy biết rằng bạch y Thánh đệ tử giữ gìn và thực hành năm pháp một cách hoàn hảo và được bốn tâm tăng thượng, hiện pháp lạc trú, dễ được chứ không phải khó được, thì này Xá-lê Tử, thầy nên ghi nhận rằng 'Thánh đệ tử này không còn đọa địa ngục, cũng không sanh vào loài súc sanh, ngạ quỷ và các chỗ ác, được quả Tu-đà-hoàn, không đọa ác pháp, nhất định thẳng tiến đến quả vị Chánh giác, tối đa chịu bảy lần sanh tử nữa, sau bảy lần qua lại cõi trời và nhân gian, liền được chấm dứt khổ đau'."
Khi ấy Đức Thế Tôn nói tụng rằng:
Kẻ trí sống tại gia,
Thấy địa ngục, sợ hãi;
Do thọ trì Thánh pháp,
Trừ bỏ tất cả ác.
Không sát hại chúng sanh,
Biết rồi hay lìa bỏ,
Chân thật không nói dối,
Không trộm của kẻ khác;
Tri túc với gia phụ,
Không ái lạc vợ người;
Dứt bỏ việc uống rượu,
Gốc tâm loạn cuồng si.
Thường nên niệm chánh giác,
Suy nghĩ các pháp lành.
Niệm Tăng, quán cấm giới,
Do đó được hoan hỷ.
Muốn hành hạnh bố thí,
Mà cầu mong hưởng phước,
Trước thí bậc tịch tịnh[13],
Như vậy thành quả báo.
Ta nói, bậc tịch tịnh,
Xá-lợi nên nghe kỹ.
Nếu có đen và trắng,
Dù sắc đỏ hay vàng
Tạp sắc, sắc đang yêu[14],
Bò và các chim câu,
Tùy loại chúng sanh ra.
Bò thuần, đi phía trước,
Thân sức thành đầy đủ;
Đi nhanh lại về nhanh,
Dùng theo khả năng chúng,
Kẻ gì sắc tốt xấu.
Nhân gian này cũng vậy,
Tùy theo chỗ thọ sanh,
Sát-đế-lị, Phạm chí,
Cư sĩ hay thợ thuyền,
Tùy thọ sanh của họ,
Trưởng thượng do tịnh giới.
Bậc Vô Trước, Thiện Thệ,
Cúng thí ấy, quả lớn.
Phàm phu, vô sở trí,
Không tuệ, không học hỏi,
Thí nơi ấy, quả nhỏ.
Không quang minh rọi đến,
Nơi nào rọi quang minh,
Phật đệ tử trí tuệ,
Tín tâm nơi Thiện Thệ,
Thiện căn được vững bền,
Người ấy sanh thiện xứ,
Như ý chứng Gia gia,
Tối hậu đắc Niết-bàn,
Như vậy có duyên cả.
Phật thuyết như vậy. Tôn giả Xá-lê Tử, chư Tỳ-kheo, Cư sĩ Cấp Cô Độc và năm trăm Ưu-bà-tắc sau khi nghe lời Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli A.5.179: Gihi-sutta.
[02] Bạch y Thánh đệ tử 白 衣 聖 弟 子. Pāli: gihi odātavasana, tại gia áo trắng.
[03] Bốn tăng thượng tâm 增 上 心, ở đây chỉ bốn chứng tịnh hay bốn bất hoại tín, (xem Pháp Uẩn 2, No.1537, trang 460a). Pāli: cataro ābhicetasikā dhammā; xem đoạn dưới.
[04] Thiện hộ hành ngũ pháp 善 護 行 五 法. Pāli: pañcasu sikkhāpadesu saṃvutta- kammanto, hoạt động được phòng hộ trong năm điều học, tức hộ trì năm giới.
[05] Bất dĩ thâu sở phú thường tự hộ dĩ 不 以 偷 所 覆 常 自 護 以, không bị ám ảnh bởi việc ăn trộm. Sau khi thường tự giữ gìn... Câu này bất thường so với các nơi khác cũng trong bản Hán này. Ở đây dịch theo thông lệ của các trường hợp kia.
[06] Hữu tiên phạt, khủng bố 有 鞭 罰 恐 布, roi vọt và đe dọa; hai hạng nữ không là vợ hay con của ai, nhưng một hạng được pháp luật vua gìn giữ; và một hạng vốn là nô tì được chủ gìn giữ.
[07] Người nữ đã hứa hôn.
[08] Nghĩa là, do có bốn tăng thượng tâm (catunnaṃ ābhicetasikānaṃ) mà sống an lạc ngay trong hiện tại (diṭṭhadhammavihārānaṃ).
[09] Hán: niệm Như Lai 念 如 來; Pāli: buddhe aveccappasādena samannāgato, thành tựu niềm tin không dao động đối với Phật. Có bốn niềm tin bất động, gọi là bốn chứng tịnh hay bất hoại tín; xem đoạn tiếp của kinh.
[10] Hán: niệm Pháp. Pāli: dhamme aveccappasādena samannāgato, thành tựu niềm tin bất động nơi Pháp.
[11] Niệm Tăng. Pāli: saṅhge aveccappasdēna samannāgato.
[12] Tự niệm thi-lại 自 念 尸 賴. Pāli: ariyakantehi sīlehi aveccappasādena samannāgato, thành tựu các học giới mà Thánh ái mộ.
[13] Hán: tiên thí ư tức tâm 先 施 於 息 心, bố thí cho người có tâm tịch tĩnh trước hết. Pāli: santesu paṭhamaṃ dinnā.
[14] Mang sắc ái lạc sắc 尨 色 愛 樂 色. Pāli: kammasāsu sarūpāsu, (những con bò) có đốm hay cùng màu. Hình như bản Hán đọc là surūpa thay vì sarūpa.
129. KINH OÁN GIA[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
"Có bảy pháp oán gia[02] để gây thành oán gia; tức là khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế.
"Những gì là bảy?
"Oán gia thì không muốn oán gia có sắc đẹp. Vì sao oán gia không muốn oán gia có sắc đẹp? Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không xả bỏ sân nhuế, thì người ấy tuy luôn tắm gội, dùng danh hương thoa mình, nhưng sắc thân[03] vẫn xấu. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế. Đó là pháp oán gia thứ nhất gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế.
"Lại nữa, oán gia thì không muốn oán gia ngủ nghỉ an lành. Vì sao oán gia không muốn oán gia ngủ nghỉ an lành? Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế, thì người ấy tuy nằm trên giường vua, trải bằng thảm lông chim, phủ bằng gấm vóc lụa là, có nệm mềm, hai đầu kê gối, được phủ bằng thảm quý, bằng da sơn dương[04], nhưng giấc ngủ vẫn âu lo, đau khổ. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế. Đó là pháp oán gia thứ hai để gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế.
"Lại nữa, oán gia thì không muốn oán gia có lợi lớn. Vì sao oán gia không muốn oán gia có lợi lớn? Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế, thì người ấy đáng lẽ được lợi, hai điều ấy không trái nhau, thật là bất lợi lớn. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế. Đó là pháp oán gia thứ ba để gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế.
"Lại nữa, oán gia thì không muốn oán gia có bằng hữu. Vì sao oán gia không muốn oán gia có bằng hữu? Người hay sân nhuế bị tác động bởi tâm sân nhuế, bị chi phối bởi tâm sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế, thì người ấy nếu có bằng hữu thân thiết, họ cũng tìm cách lánh mặt bỏ đi. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế. Đó là pháp oán gia thứ tư để gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế.
"Lại nữa, oán gia thì không muốn oán gia có sự khen ngợi. Vì sao oán gia không muốn oán gia có sự khen ngợi? Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế, người ấy danh ô tiếng xấu đồn khắp. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế. Đó là pháp oán gia thứ năm để gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế.
"Lại nữa, oán gia thì không muốn oán gia quá giàu sang. Vì sao oán gia không muốn oán gia quá giàu sang? Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế, người ấy tạo nghiệp thân, khẩu, ý như vậy khiến mất nhiều tài vật. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế. Đó là pháp oán gia thứ sáu để gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế.
"Lại nữa, oán gia thì không muốn để oán gia khi thân hoại mạng chung được đến chỗ an lành, sanh ở cõi trời. Vì sao oán gia không muốn oán gia đến chỗ an lành? Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế, thân khẩu ý tạo ác nghiệp. Người ấy sau khi thân, khẩu, ý tạo ác nghiệp, thân hoại mạng chung chắc chắn đến chỗ ác, sanh trong địa ngục. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế. Đó là pháp oán gia thứ bảy để gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế.
"Đó là cả bảy pháp oán gia gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế."
Khi ấy Đức Thế Tôn nói tụng rằng:
Người sân, sắc da xấu;
Nằm ngủ, khổ không yên.
Đáng lẽ được của nhiều,
Trở lại bị bất lợi.
Kẻ bằng hữu thân thiết,
Xa lìa người sân nhuế.
Luôn luôn tập sân nhuế,
Tiếng xấu đồn khắp nơi.
Sân gây nghiệp thân khẩu,
Nhuế buộc ràng nghiệp ý.
Người bị nhuế chế ngự,
Mất tất cả tài vật.
Sân nhuế sanh bất lợi,
Sân nhuế sanh tâm nhơ.
Sợ sệt sanh bên trong,
Người không thể biết được.
Người sân không biết nghĩa,
Người sân không hiểu pháp,
Không mắt, mù mịt tối,
Là người ưa sân nhuế.
Nhuế dậy, sắc da ghê,
Như lửa mới bốc khói,
Từ đó sanh ghét ghen,
Duyên sân lại do đó.
Việc làm của người sân,
Dù thiện và bất thiện,
Sau khi cơn sân qua,
Nóng lòng như lửa đốt.
Gọi là nghiệp phiền nhiệt,
Và các pháp buộc ràng.
Tất cả Ta đã nói,
Các ngươi hãy nghe kỹ.
Người sân nghịch hại cha,
Và với cả anh em,
Cũng giết hại chị em,
Người sân nhiều tàn khốc.
Sanh ra và lớn lên,
Được thấy thế gian này,
Nhờ mẹ được sống còn,
Khi sân cũng sát hại.
Không xấu, không hổ thẹn,
Sân triền, không nói năng,
Người bị sân chế ngự,
Miệng nói không chừa gì.
Tạo tác tội nghịch si,
Để mình tự yểu mạng,
Khi làm không tự biết,
Do sân sanh sợ hãi.
Tự buộc trói thân mình,
Ái lạc không cùng cực,
Dù ái niệm tự thân,
Người sân cũng tự hại.
Hoặc tự đâm bằng dao,
Hoặc nhảy xuống hang sâu,
Hay dùng dây thắt cổ,
Uống các loại thuốc độc,
Đó là tượng sân nhuế.
Là chết bởi vì sân,
Tất cả đều dứt hết,
Dùng tuệ mới biết được.
Nghiệp bất thiện dù nhỏ,
Người trí biết liền trừ.
Nên nhẫn nại hạnh này,
Màu da không dữ dằn,
Không nhuế, cũng không ưu,
Khói tắt không lay động,
Chế ngự đoạn sân nhuế,
Tịch diệt, không còn lậu.
Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli A.7.60. Kodhana-sutta.
[02] Thất oán gia pháp 七 怨 家 法. Pāli: sattime dhammā sapattakantā sapattakaraṇā, bảy pháp được kẻ thù yêu thích, tạo thành kẻ thù.
[03] Sắc, đây chỉ màu da. Pāli: vanna.
[04] Ca-lăng-già-ba-hòa-la-ba-già-tất-đa-la-na, phiên âm. Ca-lăng-già: tên xứ. Ba- hòa-la: dịch là ác. Ba-già-tất-đa-la-na: dịch là áo gối (phiên Phạn ngữ 10, No.2130, trang 1051b). Pāli: kadalimigapavara-paccattharaṇa.
130. KINH GIÁO[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc[02].
Bấy giờ, Tôn giả Đàm-di[03], vị tôn trưởng địa phương[04] làm chủ Phật-đồ[05], được mọi người tôn sùng, tánh tình hung bạo, nóng nảy, rất cộc cằn thô lỗ, hay mắng nhiếc các vị Tỳ-kheo. Vì vậy, các vị Tỳ-kheo địa phương[06] đều bỏ đi, không muốn sống ở đó. Các Ưu-bà-tắc địa phương thấy các vị Tỳ-kheo địa phương đều bỏ đi, không muốn ở đó, liền nghĩ rằng: "Các vị Tỳ-kheo địa phương này vì sao lại bỏ đi, không muốn sống ở đây?" Rồi các vị Ưu-bà-tắc địa phương nghe được rằng: "Tôn giả Đàm-di, vị tôn trưởng địa phương, làm chủ Phật-đồ, được mọi người tôn sùng, tánh tình hung bạo, nóng nảy, rất cộc cằn thô lỗ, hay mắng nhiếc các Tỳ-kheo. Vì vậy các Tỳ-kheo địa phương đều bỏ đi, không muốn sống ở đó."
Các vị Ưu-bà-tắc nghe việc ấy rồi, liền cùng nhau kéo đến Tôn giả Đàm-di, xua đuổi ông ra khỏi các chùa địa phương[07]. Bấy giờ Tôn giả Đàm-di bị các vị Ưu-bà-tắc địa phương xua đuổi ra khỏi các tinh xá địa phương, liền vấn y, mang bát du hành đến nước Xá-vệ, dần dà đến vườn Cấp cô độc, rừng Thắng, nước Xá-vệ. Rồi Tôn giả Đàm-di đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Ngài, ngồi sang một bên mà bạch rằng:
"Bạch Thế Tôn, con đối với Ưu-bà-tắc địa phương không có điều gì xấu xa, chẳng nói việc chi, không xúc phạm đến ai, nhưng các Ưu-bà-tắc địa phương xua đuổi con ra khỏi các chùa địa phương."
Khi đó, Đức Thế Tôn bảo rằng:
"Thôi đủ rồi, này Đàm-di, cần chi phải nói việc đó."
Tôn giả Đàm-di chắp tay hướng Phật, bạch lại một lần nữa rằng:
"Bạch Thế Tôn, con đối với Ưu-bà-tắc địa phương không có điều gì xấu xa, chẳng nói việc chi, không xúc phạm đến ai, nhưng các Ưu-bà-tắc địa phương xua đuổi con ra khỏi các tinh xá địa phương."
Đức Thế Tôn cũng lần thứ hai bảo rằng:
"Đàm-di, thuở xưa, ở châu Diêm-phù này có các thương nhâân đi thuyền ra biển, mang theo con ó tìm bờ. Bọn người ấy ra biển chưa bao xa, họ thả con ó tìm bờ. Nếu con ó tìm bờ đến được bờ của biển cả, nó sẽ vĩnh viễn không trở lại thuyền. Nếu con ó tìm bờ không đến được bờø của biển cả, nó sẽ trở lại thuyền. Ngươi cũng vậy, này Đàm-di, bởi vì ngươi bị các Ưu-bà-tắc địa phương xua đuổi ra khỏi các chùa địa phương nên ngươi mới trở về chỗ Ta. Thôi, đủ rồi Đàm-di, còn cần gì phải nói điều đó nữa."
Tôn giả Đàm-di bạch lại lần thứ ba:
"Bạch Thế Tôn, con đối với Ưu-bà-tắc địa phương không có điều gì xấu xa, chẳng nói việc chi, không xúc phạm đến ai, nhưng các Ưu-bà-tắc địa phương xua đuổi con ra khỏi các tinh xá địa phương."
Đức Thế Tôn cũng lại lần thứ ba bảo rằng:
"Đàm-di, ngươi trụ trong Sa-môn pháp mà vị các Ưu-bà-tắc địa phương xua đuổi ra khỏi các tinh xá địa phương sao?"
Lúc đó Tôn giả Đàm-di liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay hướng Phật, bạch rằng:
"Bạch Thế Tôn, thế nào gọi là Sa-môn trụ trong pháp Sa-môn?"
Đức Thế Tôn dạy:
"Này Đàm-di, thuở xưa, khi con người sống đến tám vạn tuổi. Đàm-di, khi con người sống đến tám vạn tuổi, châu Diêm-phù này cực kỳ giàu sang hạnh phúc, dân cư đông đúc, thôn ấp gần nhau bằng khoảng một con gà bay.
"Khi con người sống đến tám vạn tuổi, con gái đến năm trăm tuổi mới lấy chồng. Đàm-di, khi con người sống đến tám vạn tuổi, chỉ có các bệnh như vầy: đại tiện, tiểu tiện, lòng dục, ăn uống và già.
"Đàm-di, khi con người sống đến tám vạn tuổi, có một vị vua tên là Cao-la-bà[08], thông minh trí tuệ, làm Chuyển luân vương, có bốn loại binh chủng chỉnh trị thiên hạ; là Pháp vương hành theo chánh pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu là bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu; đó là bảy báu. Có đủ một ngàn người con, tướng mạo đoan chánh, dũng mãnh vô úy, có thể khuất phục mọi kẻ địch. Vua ấy thống lãnh tất cả cõi đất đai cho đến biển cả, không cai trị bằng dao gậy mà chỉ bằng chánh pháp trị hóa, khiến được an ổn.
"Đàm-di, vua Cao-la-bà có một gốc cây tên là Thiện trụ ni-câu-loại thọ[09] vương[10]. Đàm-di, Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương có năm cành. Cành thứ nhất dành cho vua và hoàng hậu ăn. Cành thứ nhì dành cho thái tử và các quan ăn. Cành thứ ba dành cho nhân dân trong nước ăn. Cành thứ tư dành cho Sa-môn, Phạm chí ăn. Cành thứ năm dành cho cầm thú ăn. Đàm-di, quả của cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương lớn bằng cái hủ hai thăng, mùi vị như mật nguyên chất. Đàm-di, quả Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương không ai canh giữ mà cũng chẳng ai trộm cắp. Về sau có một người đói khát gầy còm, nhan sắc tiều tụy, muốn được ăn quả, nó đến cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương ăn quả rồi bẻ gãy cành cây hái quả đem về. Trên cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương có một vị trời nương ở đó. Ông ấy nghĩ rằng: 'Lạ thay, người ở châu Diêm-phù vô ân, không biết báo đáp. Vì sao? Vì nó ăn quả nơi cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương rồi bẻ gãy cành cây, hái quả đem về. Mong cho cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương không có quả, không sanh quả nữa!' Tức thì cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương không có quả, cũng không sanh quả.
"Rồi lại có một người đói khát, gầy còm, nhan sắc tiều tụy, muốn được ăn quả, đi đến cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương không có quả, cũng không sanh quả, tức thì đến vua Cao-la-bà tâu rằng: 'Tâu Thiên vương, nên biết, cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương không có quả, cũng không sanh quả nữa'.
"Vua Cao-la-bà nghe xong, trong khoảnh khắc như người lực sĩ co duỗi cánh tay biến khỏi Câu-lâu-sấu, đến cõi Tam thập tam thiên, đứng trước Thiên Đế Thích[11] mà tâu rằng: 'Tâu Câu-dực[12] nên biết, cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương không có quả, cũng không sanh quả nữa. Khi đó, Thiên Đế Thích và vua Cao-la-bà trong khoảnh khắc như người lực sĩ co duỗi cánh tay biến khỏi cõi Tam thập tam thiên, đến nước Câu-lâu-sấu, cách cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương đứng lại. Thiên Đế Thích thực hiện Như ý túc như vậy[13], bằng Như ý túc như kỳ tượng, hóa làm nước lớn, gió bão và mưa to. Do nước lớn, gió bão và mưa to, cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương bị tróc gốc ngã đổ.
"Lúc đó có vị trời sống trên cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương nhận thấy như vậy mới buồn khổ, sầu thương, khóc lóc chảy nước mắt, đứng trước mặt Thiên Đế Thích, Thiên Đế Thích hỏi, 'Thiên, vì lẽ gì mà ông buồn khổ, sầu thương, khóc lóc rơi lệ, đứng trước mặt ta?' Vị trời kia thưa rằng: 'Tâu Câu-dực, nên biết, nước lớn, gió bão, mưa to, cây Thiện trụ ni câu loại thọ vương bị tróc gốc ngã đổ'. Khi ấy, Thiên Đế Thích bảo Thọ thiên kia rằng: 'Thiên, ông là Thọ thiên, trụ Thọ thiên pháp[14] mà để nước lớn, gió mạnh, mưa to làm cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương bị tróc gốc ngã đổ sao?' Thọ thiên thưa rằng: 'Tâu Câu-dực, thế nào gọi là Thọ thiên trụ Thọ thiên pháp?' Thiên Đế Thích bảo, 'Thiên, giả sử có người muốn được rễ cây, cứ lấy rễ cây đi; muốn được cành cây, nhánh cây, lá cây, hoa quả, cứ đem đi, Thọ thiên không nên giận dữ, không nên ghen ghét, tâm không nên thù hận, Thọ thiên vẫn an trụ trên thọ thiên với ý niệm buông xả. Như vậy gọi là Thọ thiên trụ Thọ thiên pháp'. Vị trời kia lại tâu rằng: 'Tâu Câu-dực, tôi là Thọ thiên mà không trụ Thọ thiên pháp. Từ nay về sau tôi sẽ trụ Thọ thiên pháp. Ước mong cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương trở lại như cũ'. Rồi thì Thiên Đế Thích thực hiện Như ý túc như vậy. Thực hiện Như ý túc như vậy xong, lại hóa làm nước lớn, gió bão, mưa to. Hóa làm nước lớn, gió bão, mưa to xong, cây Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương liền trở lại như cũ.
"Này Đàm-di, cũng vậy, nếu có Tỳ-kheo bị người mắng nhiếc, không mắng nhiếc lại; bị người sân giận không sân giận lại; bị người quấy phá, không quấy phá lại; bị đánh đập không đánh đập lại. Này Đàm-di, như vậy gọi là Sa-môn trụ Sa-môn pháp."
Lúc đó, Tôn giả Đàm-di liền từ chỗ ngồi, trịch vai áo đang mặc, chắp tay hướng Phật khóc lóc rơi lệ, bạch rằng:
"Bạch Thế Tôn, con không phải là Sa-môn trụ Sa-môn pháp. Từ nay về sau con sẽ là Sa-môn trụ Sa-môn pháp."
Đức Thế Tôn dạy:
"Xưa có một Đại sư tên là Thiện Nhãn[15], được các ngoại đạo tiên nhân tôn làm tôn sư, lìa bỏ ái dục, được như ý túc. Đàm-di, Thiện Nhãn đại sư có vô lượng trăm ngàn đệ tử. Đàm-di, Thiện Nhãn đại sư nói Phạm thế pháp[16] cho các đệ tử nghe. Đàm-di, khi Thiện Nhãn đại sư nói Phạm thế pháp cho các đệ tử, trong các đệ tử có người không phụng hành trọn vẹn, thì người ấy sau khi mạng chung, hoặc sanh lên cõi trời Tứ thiên vương, hoặc sanh cõi trời Tam thập tam thiên, hoặc sanh cõi trời Diệm-ma, hoặc sanh cõi trời Đâu-suất-đà, hoặc sanh cõi trời Hóa lạc, hoặc sanh cõi trời Tha hóa lạc. Đàm-di, khi Thiện Nhãn đại sư nói Phạm thế pháp cho đệ tử nghe, trong các đệ tử có người phụng hành trọn vẹn, người ấy tu bốn phạm thất[17], lìa bỏ dục. Khi mạng chung rồi được sanh lên cõi trời Phạm thiên. Đàm-di, khi ấy Thiện Nhãn đại sư nghĩ rằng: 'Đời sau ta không nên cùng các đệ tử đồng sanh đến một chỗ. Bây giờ ta hãy tu tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung sẽ được sanh vào cõi trời Hoảng dục. Đàm-di, sau đó Thiện Nhãn đại sư liền tu tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung được sanh vào cõi trời Hoảng dục. Đàm-di, Thiện Nhãn đại sư và các đệ tử học đạo không luống công, được quả báo lớn. Cũng như Thiện Nhãn đại sư, có các Đại sư Mâu-lê-phá-quần-na, A-la-na-giá Bà-la-môn, Cù-đà-lê-xá-đa, Hại-đề-bà-la Ma-nạp, Thù-đề-ma-lệ Kiều-đệ-bà-la và Thất-đa Phú-lâu-hề-đa[18].
"Đàm-di, Đại sư Thất-đa Phú-lâu-hề-đa cũng có vô lượng trăm ngàn đệ tử. Đàm-di, Đại sư Thất-đa Phú-lâu-hề-đa nói Phạm thế pháp cho các đệ tử. Trong số các đệ tử có người không phụng hành trọn vẹn pháp đã dạy, người ấy sau khi thân hoại mạng chung, hoặc sanh lên cõi trời Tứ thiên vương, hoặc sanh cõi trời Tam thập tam thiên, hoặc sanh cõi trời Diệm-ma, hoặc sanh cõi trời Đâu-suất-đà, hoặc sanh cõi trời Hóa lạc, hoặc sanh cõi trời Tha hóa. Đại sư Thất-đa Phú-lâu-hề-đa khi nói Phạm thế pháp, trong số các đệ tử có người phụng hành trọn vẹn pháp ấy, tu bốn phạm thất, lìa bỏ dục ái. Người ấy sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào cõi trời Phạm Thiên. Đàm-di, Đại sư Thất-đa Phú-lâu-hề-đa nghĩ rằng: 'Đời sau ta không nên cùng các đệ tử sanh cùng một chỗ. Bây giờ ta nên tu tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung sẽ được sanh vào cõi trời Hoảng dục'. Đàm-di, sau đó vị Đại sư thứ bảy Thất-đa Phú-lâu-hề-đa tu tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ rồi, mạng chung được sanh lên cõi trời Hoảng dục. Đàm-di, Đại sư Thất-đa Phú-lâu-hề-đa và các đệ tử học đạo không hư dối, được quả báo lớn.
"Đàm-di, nếu có người nào mắng nhiếc bảy vị Đại sư và vô lượng trăm ngàn đệ tử kia, cùng đánh phá, sân nhuế, trách móc họ, chắc chắn chịu vô lượng tội. Nhưng đối với một Tỳ-kheo đã thành tựu chánh niệm, một đệ tử Phật chứng đắc tiểu quả, mà có ai mắng nhiếc, đả phá sân nhuế, trách móc vị ấy thì tội nhiều hơn thế nữa.
"Thế cho nên, này Đàm-di, các ngươi hãy luôn luôn nhắc nhở, thủ hộ lẫn nhau. Vì sao như vậy? Vì ngoài sự quá thất này, không còn sự quá thất nào hơn nữa[19]."
Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:
Tu-niết[20], Mâu-lê-phá-quần-na,
A-la-na-giá Bà-la-môn,
Cù-đà-lê-xá-đa,
Hại-đề-bà-la Ma-nạp,
Thù-đề-ma-lệ Kiều-đệ-bà-la và
Thất-đa Phú-lâu-hề-đa,
Trong đời quá khứ ấy
Danh đức bảy tông sư,
Bi tâm, không nhiễm ái,
Dục kết đã dứt trừ.
Trăm ngàn số đệ tử,
Vô lượng đếm sao vừa,
Cũng đều ly dục kiết,
Dù cứu cánh còn chưa.
Với các tiên nhân ấy,
Thủ trì khổ hạnh này,
Ai ôm lòng oán hận,
Tội mắng nhiếc nhiều thay.
Huống chi với Phật tử,
Quả thấy tri kiến ngay;
Ai chửi mắng, đập phá,
Tội nghiệp lại tràn đầy.
Này Đàm-di, do đó,
Hãy biết thủ hộ nhau;
Sở dĩ hộ trì nhau,
Tội nặng nào hơn đâu.
Như thế thật quá khổ;
Bậc Thánh cũng ghét bỏ,
Màu da lại dữ dằn[21];
Chớ thủ tà kiến xứ.
Đó là hạng thấp hèn,
Thánh pháp gọi như thế[22].
Dù chưa lìa dâm dục,
Có diệu ngũ căn này:
Tín, tinh tấn, niệm xứ,
Chánh định, chánh quán đây.
Khổ kia mình chịu vậy,
Trước phải thọ họa tai[23].
Họa tai đã tự thọ,
Sau nữa gây hại người.
Ai hay tự thủ hộ,
Tất thủ hộ bên ngoài.
Cho nên hãy tự hộ,
Kẻ trí hoan lạc thay!
Phật thuyết như vậy, Tôn giả và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli A.6.54 Dhammika-sutta.
[02] Bản Pāli: Phật tại Rājagaha, núi Gijjhakūṭa.
[03] Đàm-di 曇 彌. Pāli: Dhammika thera, nguyên là một Bà-la-môn ở Kosala, quy Phật vào lúc rừng Jetavana được cúng.
[04] Sanh địa tôn trưởng 生 地 尊 長. Pāli: Jātibhūmiyaṃ āvasiko.
[05] Phật-đồ chủ 佛 圖 主, có lẽ muốn nói Phật tháp. Bản Pāli: sattasu āvāsesu, trong bảy trú xứ (ở địa phương). Hình như tất cả đều do Dhammika làm chủ.
[06] Bản Hán: sanh địa chư Tỳ-kheo 生 地 諸 比 丘. Bản Pāli: āgantukā bhikkhū, các Tỳ-kheo khách.
[07] Bản Pāli nói: Bị xua đuổi, Tôn giả đến một tinh xá khác cũng trong địa phương. Nhưng vừa đđến Tôn giả lại mắng nhiếc các Tỳ-kheo ở đó, họ lại bỏ đi và Tôn giả lại bị các Cư sĩ kéo đến xua đuổi. Cứ như vậy, Tôn giả sống bảy nơi tất cả tại địa phương (sabbaso jātibhūmiyam sattasu āvāsesu). Cuối cùng, Tôn giả phải tìm đến Đức Phật tại Rājagaha, núi Gijjhakūta.
[08] Cao-la-bà 高 羅 婆. Pāli: Koravya, trong các truyện bản sanh thường được nói là vua của bộ tộc Kuru.
[09] Bản Cao-li không có chữ thọ. Ba bản Tống-Nguyên-Minh đều có.
[10] Thiện trụ ni-câu-loại thọ vương 善 住 尼 拘 類 夀 王. Pāli: Suppatiṭṭha- nigrodha-rājā.
[11] Thiên Đế Thích. Pāli: Sakka devānam Inda.
[12] Câu-dực 拘 翼. Pāli: Kosika, biệt danh Thiên Đế Thích.
[13] Tác như kỳ tượng như ý túc. Pāli: tathārūpaṃ iddhābhisaṃkhāraṃ abhisaṃkhāsi, thực hiện một loại thần thông như thế.
[14] Thọ thiên pháp 樹 天 法. Pāli: rukkhadhamma, đây hiểu là đạo lý tự nhiên của cây.
[15] Đại sư Thiện Nhãn 大 師 善 眼. Pāli: Sunetto nāma satthā, một trong sáu vị tôn sư cổ đại, thường được kể trong các mẫu truyện cổ Phật giáo.
[16] Phạm thế pháp 梵 世 法, pháp dẫn đến đời sống trên Phạm thiên. Pāli: Brahama-lokasahavyatāya dhamma.
[17] Phạm thất hay phạm trụ.
[18] Danh sách sáu Đại sư thời cổ: Mâu-lê-phá-quần-na, Pāli: Mūgapakkha; A-la-na-giá Bà-la-môn, Pāli: Aranemi Brāhmṇa; Cù-đà-lê-xá-đa, Pāli: Kuddālakasattā; Hại-đề-bà-la Ma-nạp, Pāli: Hatthipāla mānava; Thù-đề-ma-lệ Kiều-đệ-bà-la, Pāli: Jotipāla govinda; Thất-đa Phú-lâu-hề-đa, Pāli: Satta purohita.
[19] Pāli: Nāham (....) ito bahiddā evarūpam khantim vādāmi. Ngoài sự nhẫn nại này, ta nói không còn sự nhẫn nại nào như vậy nữa.
[20]Sunetta, xem chú thích trên.
[21] Hán: tất đắc thọ ác sắc 必 得 受 惡 色. Pāli: nā sādhurūpaṃ āsīde, dùng công kích người (có sắc diện) đoan chánh. Có lẽ Hán hiểu āsīde là "hãy ngồi gần" do gốc động từ sīdati, ngồi.
[22] Bản Pāli: sattamo puggalo eso, ariyasaṅghassa vuccati, người ấy (xả bỏ tà kiến) được nói là cao cả trong hàng Thánh chúng. Hình như bản Hán hiểu ngược lại?
[23] Dịch sát như vậy, nhưng không rõ nghĩa. Pāli nói: tādisam bhikkhum āsajja, pubbeva upahaññati, ai công kích Tỳ-kheo (dù chưa ly dục nhưng đã có ngũ diệu căn: tín, tấn v.v...) như vậy, nó bị tai họa trước.
131. KINH HÀNG MA[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại Bạt-kì-sấu, trong núi Ngạc, rừng Bố, vườn Lộc dã[02].
Lúc bấy giờ Đại Mục-kiền-liên đang coi việc dựng thiền thất cho Phật[03]. Trong lúc Tôn giả đang kinh hành trên khoảng đất trống, bấy giờ Ma vương hóa hình nhỏ xíu, chui vào trong bụng của Tôn giả Đại Mục-kiền-liên. Lúc đó, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nghĩ như vầy, "Bụng ta cảm thấy nặng, giống như đang ăn phải hạt đậu. Ta hãy nhập Như kỳ tượng định, bằng Như kỳ tượng định ta nhìn vào bụng xem."
Rồi Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đi đến cuối đường kinh hành, trải ni-sư-đàn, ngồi xếp kiết già, nhập như kỳ tượng định, bằng như kỳ tượng định mà nhìn vào bụng mình, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên thấy Ma vương đang ở trong đó. Tôn giả bèn ra khỏi định, nói với Ma vương:
"Này Ba-tuần, ngươi hãy đi ra! Này Ba-tuần, ngươi hãy đi ra! Chớ có xúc nhiễu Như Lai, cũng chớ xúc nhiễu đệ tử của Như Lai. Đừng sống mãi trong sự vô nghĩa, vô ích mà phải tái sanh ác xứ, thọ vô lượng khổ."
Khi ấy, Ma vương liền nghĩ: "Sa-môn này không thấy, không biết, thế mà lại nói: 'Này Ba-tuần, ngươi hãy đi ra! Này Ba-tuần, ngươi hãy đi ra! Chớ có xúc nhiễu Như Lai, cũng chớ xúc nhiễu đệ tử của Như Lai. Đừng sống mãi trong sự vô nghĩa, vô ích mà phải tái sanh ác xứ, thọ vô lượng khổ'. Tôn sư của ông ta có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, cũng không thể thấy mau lẹ, biết mau lẹ như vậy, huống nữa là đệ tử mà thấy biết được sao!"
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên lại nói với Ma vương rằng:
"Ta lại biết trong ý của ngươi, ngươi nghĩ như vầy, 'Sa-môn này không thấy, không biết, thế mà lại nói: 'Này Ba-tuần, ngươi hãy đi ra! Này Ba-tuần, ngươi hãy đi ra! Chớ có xúc nhiễu Như Lai, cũng chớ xúc nhiễu đệ tử của Như Lai. Đừng sống mãi trong sự vô nghĩa, vô ích mà phải tái sanh ác xứ, thọ vô lượng khổ'. Tôn sư của ông ta có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, cũng không thể thấy mau lẹ, biết mau lẹ như vậy, huống nữa là đệ tử mà thấy biết được sao!'"
Ma Ba-tuần kia nghĩ rằng: "Sa-môn này đã thấy và biết ta nên mới nói như vậy." Rồi ma Ba-tuần hóa hình nhỏ xíu, từ trong miệng vọt ra, đứng ngay trước mặt Tôn giả Đại Mục-kiền-liên.
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên bảo rằng:
"Này ma Ba-tuần, thuở xưa, có Như Lai tên là Giác-lịch-câu-tuân-đại[04], Đấng Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Lúc đó ta làm ma có tên là Ác[05]. Ta có người em gái[06] tên là Hắc[07]. Ngươi chính là con trai của nó. Này ma Ba-tuần, vì lẽ đó cho nên ngươi là cháu gọi ta bằng cậu.
"Này ma Ba-tuần, Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác có hai đệ tử, một tên là Âm[08], hai tên là Tưởng[09]. Này Ba-tuần, do ý nghĩa nào được gọi là Âm? Ba-tuần, Tôn giả đó lúc sống trên cõi trời Phạm thiên, tiếng nói bình thường của ngài vang cả ngàn thế giới, lại không có một đệ tử nào có âm thanh ngang bằng, hoặc tương tợ, hoặc trội hơn được. Này Ba-tuần, vì lẽ ấy cho nên Tôn giả đó được gọi là Âm vậy. Ba-tuần, lại do ý nghĩa nào mà Tôn giả Tưởng có tên là Tưởng? Này Ba-tuần, Tôn giả Tưởng nương nơi thôn ấp mà du hành. Khi đêm đã qua, lúc trời hừng sáng, Tôn giả ấy đắp y, mang bình bát, đi vào thôn ấp khất thực, cẩn thận thủ hộ thân, thu nhiếp các căn, giữ vững chánh niệm. Ngài sau khi khất thực xong và sau khi ăn vào lúc giữa trưa, thâu vén y bát, rửa tay chân, vắt Ni-sư-đàn trên vai, đi vào rừng vắng vẻ, hoặc đến dưới gốc cây trong rừng sâu, hoặc đến chỗ không tĩnh, trải ni-sư-đàn ngồi kết già, liền nhập Tưởng tri diệt định một cách mau chóng. Lúc ấy có những người đang lùa trâu, dê, người đi mót cỏ, hoặc người đi đường, họ vào trong núi, thấy ngài nhập Tưởng tri diệt định, bèn nghĩ rằng: 'Nay Sa-môn này ngồi mà chết trong khu rừng vắng này. Chúng ta hãy nhặt cỏ khô chất đống phủ lên trên, ràng rịt cẩn thận, lượm củi chất chồng lên trên thân để hỏa thiêu'. Họ bèn nhặt cỏ chất đống phủ lên thân ngài, nổi lửa đốt rồi bỏ mà đi. Tôn giả kia, sau khi đêm đã qua, trời vừa hừng sáng, ra khỏi định, đập phủi y phục, du hành trở về thôn ấp, đắp y, mang bình bát vào thôn ấp khất thực như thường lệ, khéo giữ gìn thân căn, giữ vững chánh niệm. Những người lùa trâu, dê, những người mót cỏ khô, hoặc người đi đường vào trong núi đã gặp Tôn giả trước kia, họ bèn nghĩ: 'Đây là Sa-môn ngồi mà chết trong khu rừng vắng vẻ này. Chúng ta đã nhặt cỏ khô chất đống phủ trên thân, nổi lửa đốt rồi bỏ đó mà đi. Song Hiền giả này vẫn còn biết tưởng[10].' Này Ba-tuần, vì lẽ đó cho nên Tôn giả Tưởng được gọi là Tưởng vậy.
"Này Ba-tuần, lúc ấy ác ma nghĩ rằng: 'Sa-môn trọc đầu này bị da đen trói chặt[11], bị tuyệt chủng, không con cái, học thiền, dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét[12]. Giống như con lừa trọn ngày mang nặng, bị cột lại trong tàu, không được ăn lúa mạch, nó dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét; Sa-môn trọc đầu này bị da đen trói chặt, tuyệt chủng, không con cái, chúng nó học thiền, dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét.
"'Giống như con mèo ngồi rình bên hang chuột, vì muốn bắt chuột nên nó dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét; cũng vậy, Sa-môn trọc đầu này bị da đen trói chặt, tuyệt chủng không con cái, chúng nó học thiền, dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét.
"'Cũng giống như con cú mèo[13] ở giữa đống củi khô, vì muốn bắt chuột nên nó dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét; cũng vậy, Sa-môn trọc đầu này bị da đen trói chặt, tuyệt chủng không con cái, chúng nó học thiền, dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét.
"'Giống như con chim hạc[14] ở bên bờ nước, vì muốn bắt cá nên nó dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét; cũng vậy, Sa-môn trọc đầu này bị da đen trói chặt, bị tuyệt chủng không con cái, chúng nó học thiền, dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét.
"'Chúng dò xét cái gì? Dò xét với mục đích gì? Dò xét để mong cái gì? Chúng nó loạn trí, phát cuồng, bại hoại. Ta chẳng biết chúng nó ở đâu đến, cũng chẳng biết chúng nó đi về đâu, chẳng biết chúng nó sống ở đâu, chẳng biết chúng nó chết như thế nào, sanh như thế nào? Ta hãy dạy bảo các Phạm chí, Cư sĩ rằng: 'Ngươi hãy đi đến mà chửi, mà đập, mà phá, mà rủa xả Sa-môn tinh tấn kia'. Vì sao vậy? Khi bị chửi, bị đập, bị phá, bị rủa xả, biết đâu chúng nó chẳng nổi ác tâm để ta dễ lợi dụng'.
"Bấy giờ ác ma bèn xúi dục các Cư sĩ, Phạm chí. Các Cư sĩ, Phạm chí ấy chửi, đập phá, rủa xả Sa-môn tinh tấn. Các Cư sĩ, Phạm chí ấy hoặc dùng cây đánh, hoặc lấy đá ném, hoặc vác gậy đập, có khi gây thương tích Sa-môn tinh tấn, có khi làm rách toạc áo, có khi làm bể bình bát. Bấy giờ trong số Cư sĩ Phạm chí ấy do nhân duyên này thân hoại mạng chung phải đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Chúng sanh vào đó rồi, suy nghĩ như vầy, 'Ta phải thọ khổ này, lại phải thọ cực khổ hơn nữa. Vì cớ sao? Vì chúng ta đã đối xử tàn ác với Sa-môn tinh tấn vậy'.
"Này Ba-tuần, đệ tử của Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác mang đầu thương tích, mang y rách toạc, mang bình bát bể, đi đến chỗ Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác. Lúc bấy giờ Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác đang thuyết pháp cho vô lượng trăm ngàn quyến thuộc vây quanh. Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác trông thấy từ xa một đệ tử mang đầu bị thương tích, y rách toạc, bình bát bể đi đến. Ngài thấy vậy, bảo các Tỳ-kheo rằng: 'Các ngươi có thấy chăng, ác ma đã xúi dục các Cư sĩ, Phạm chí rằng 'Các ngươi hãy đến mà chửi, mà đập, mà rủa xả Sa-môn tinh tấn. Vì cớ sao? Khi bị chửi, bị đập, bị rủa xả, biết đâu chúng nó chẳng nổi ác tâm để ta dễ dàng lợi dụng'.' Này các Tỳ-kheo, hãy với tâm tương ưng với từ, biến mãn một phương, thành tựu an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy thượng hạ bao trùm tất cả, tâm tương ưng với từ, Bồ tát kết, không oán, không nhuế, không não hại, rộng lớn bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bi và hỷ cũng vậy. Tâm tương ưng với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng lớn bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Với tâm ấy khiến ác ma không thể lợi dụng'.
"Này ma Ba-tuần, Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác bằng giáo pháp như vậy mà dạy đệ tử. Họ bèn thọ lãnh giáo pháp ấy, tâm tương ưng với từ, không oán, không nhuế, không tranh, rộng lớn bao la, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Với tâm ấy, ác ma kia không thể lợi dụng được.
"Này ma Ba-tuần, lúc đó ác ma lại nghĩ: 'Bằng sự việc ấy ta muốn lợi dụng Sa-môn tinh tấn mà không thể được. Bây giờ ta hãy xúi dục các Cư sĩ, Phạm chí rằng: 'Các người hãy đến phụng kính, cúng dường, lễ sự Sa-môn tinh tấn'. Biết đâu do sự phụng kính, cúng dường, lễ sự Sa-môn tinh tấn, chúng nó chẳng nổi ác tâm để ta dễ dàng lợi dụng'.
"Này Ma Ba-tuần, các Cư sĩ, Phạm chí kia sau khi bị ác ma xúi dục, họ đến phụng kính, cúng dường, lễ sự Sa-môn tinh tấn. Họ lấy áo trải lên mặt đất mà nói rằng 'Sa-môn tinh tấn, xin đạp lên mà đi. Sa-môn tinh tấn thường làm những việc khó làm, khiến cho chúng tôi mãi mãi được lợi ích, được an ổn khoái lạc'. Hoặc có Phạm chí trải tóc lên mặt đất, nói rằng 'Sa-môn tinh tấn, xin đạp lên tóc mà đi. Sa-môn tinh tấn thường làm những việc khó làm, khiến cho chúng tôi mãi mãi được lợi ích, được an ổn khoái lạc'. Hoặc có Cư sĩ, Phạm chí hai tay bưng đủ các loại ẩm thực, đứng bên dưới đợi và nói rằng 'Sa-môn tinh tấn, xin nhận vật thực này, xin cứ mang đi tùy ý mà thọ dụng, để cho tôi mãi mãi được lợi ích, được an ổn khoái lạc'. Các Cư sĩ, Phạm chí thành tín thấy Sa-môn tinh tấn, cung kính bồng bế vào nhà, đem đủ thứ tài vật ra cho Sa-môn tinh tấn và nói rằng: 'Xin thọ nhận cái này, xin thọ dụng cái này, xin mang cái này đi, tùy ý mà thọ dụng'. Lúc bấy giờ trong số các Cư sĩ, Phạm chí đó có người chết, do nhân duyên này thân hoại mạng chung được đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Sau khi sanh vào đó, họ bèn nghĩ 'Ta đáng thọ hưởng sự an lạc này, lại sẽ thọ hưởng cực lạc hơn nữa. Vì sao thế? Vì chúng ta đã làm các việc lành với Sa-môn tinh tấn vậy'.
"Này ma Ba-tuần, đệ tử của Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, sau khi được phụng kính, cúng dường, lễ sự, họ đi đến Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác. Lúc đó Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác đang thuyết pháp cho vô lượng trăm ngàn đệ tử vây quanh. Khi Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác trông thấy từ xa các đệ tử được phụng kính, cúng dường, lễ sự đang đi đến, thấy vậy, ngài bảo các Tỳ-kheo rằng: 'Các ngươi có thấy chăng? Ác ma xúi dục các Cư sĩ, Phạm chí rằng 'Các ngươi hãy đến phụng kính, cúng dường, lễ sự Sa-môn tinh tấn'. Biết đâu do phụng kính, cúng dường, lễ sự Sa-môn tinh tấn, chúng sẽ nổi ác tâm để ta dễ dàng lợi dụng. Này các Tỳ-kheo, các ngươi hãy quán các hành vô thường, quán các pháp hưng suy, quán vô dục, quán xả ly, quán diệt, quán đoạn để cho bọn ác ma không thể lợi dụng'.
"Này ma Ba-tuần, Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác bằng giáo pháp như vậy mà dạy các đệ tử, họ bèn thọ lãnh giáo pháp ấy, quán các hành vô thường, quán pháp hưng suy, quán vô dục, quán xả ly, quán diệt, quán đoạn, khiến cho ác ma không thể lợi dụng.
"Này ma Ba-tuần, lúc đó ác ma bèn nghĩ: 'Bằng việc ấy ta muốn lợi dụng Sa-môn tinh tấn mà không được. Ta hóa hình làm một đứa nhỏ[15] tay cầm cây gậy lớn, đứng bên đường, đánh vỡ đầu Tôn giả Âm, khiến máu chảy ướt cả mặt'.
"Này ma Ba-tuần, Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác sau đó đang du hành trong thôn ấp. Khi đêm đã qua, lúc trời hừng sáng, mang y bát vào trong thôn xóm khất thực, Tôn giả Âm đi hầu theo phía sau. Ma Ba-tuần, lúc ấy ác ma hóa hình làm một đứa bé, tay cầm một cây gậy lớn đứng bên đường, đánh vỡ đầu Tôn giả Âm, khiến máu chảy ướt cả mặt. Ma Ba-tuần, Tôn giả Âm sau khi bị vỡ đầu chảy máu, vẫn đi theo sau Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác như bóng không rời hình. Này ma Ba-tuần, Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác sau khi đến thôn ấp, bằng sức mạnh cực kỳ của bản thân, Ngài xoay nhìn theo phía hữu, như cái nhìn của một voi chúa, không sợ không hãi, không kinh không khiếp, quán sát khắp mọi phía. Này ma Ba-tuần, Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác nhìn thấy Tôn giả Âm đầu bị chảy máu ướt cả mặt, đang đi theo sau Phật như bóng không rời hình, bèn nói rằng: 'Ác ma thật là hung bạo này có đại oai lực, ác ma này không biết vừa đủ'.
"Này ma Ba-tuần, Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác nói chưa xong thì ngay tại chỗ đó ác ma liền bị đọa vào đại địa ngục Vô khuyết[16]. Ma Ba-tuần, đại địa ngục này có bốn tên gọi[17], một là Vô khuyết, hai là Bách đinh, ba là Nghịch thích, bốn là Lục cánh. Trong đại địa ngục đó có ngục tốt đi đến chỗ ác ma ở mà nói rằng: 'Ngươi nay nên biết, nếu đinh hiệp với các đinh, phải biết mãn một trăm năm'."
Ma Ba-tuần nghe nói như vậy xong, trong lòng hết sức rúng động, kinh sợ, khủng khiếp vô cùng, tóc lông dựng ngược, bèn hướng đến tôn giả Đại Mục-kiền-liên mà nói bài kệ:
Địa ngục kia thế nào,
Xưa ác ma ở đó?
Nhiễu hại bậc Phạm hạnh
Xúc phạm cả Tỳ-kheo.
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đáp lại ma Ba-tuần bài kệ rằng:
Địa ngục tên Vô khuyết,
Ác ma từng ở trong.
Nhiễu hại bậc Phạm hạnh,
Xúc phạm Tỳ-kheo Tăng.
Đinh sắt cả trăm cái,
Thảy đều đâm ngược lên.
Địa ngục tên Vô khuyết,
Ác ma từng ở trong.
Nếu như ai không biết,
Đệ tử Phật, Tỳ-kheo,
Tất nhiên khổ như vậy,
Mà thọ báo nghiệp đen.
Trong nhiều loại viên quán,
Loài người trên đất này,
Ăn loại lúa tự mọc,
Đời Bắc châu, tự nhiên.[18]
Đại Tu di triền núi
Xông ướp bởi nhân lành.[19]
Tu tập nơi giải thoát,
Thọ trì tối hậu thân,
Đứng sững trên suối lớn,
Cung điện kiếp lâu bền.[20]
Sắc vàng thật ái lạc,
Như lửa rực huy hoàng[21].
Nhạc trời trỗi các thứ;
Đến Đế Thích thiên cung.
Kiếp xưa với nhà cửa,
Thiện Giác đã cúng dường[22].
Nếu Đế Thích đi trước,
Lên điện Tỳ-xà-diên[23],
Hân hoan chào đón Thích,
Thiên nữ vũ chúc mừng.
Nếu thấy Tỳ-kheo đến[24],
Nhìn lui, vẻ thẹn thùng.
Nếu Tỳ-lan-diên hiện,
Luận nghĩa cùng Sa-môn,
Ái tận, đắc giải thoát[25];
Đại tiên có biết chăng?
Tỳ-kheo liền đáp lại,
Người hỏi đúng như nghĩa.
Câu-dực, ta biết đây,
Ái tận, đắc giải thoát.
Nghe lời giải đáp này,
Đế Thích hoan hỷ lạc.
Tỳ-kheo ban lợi ích,
Nói năng đúng nghĩa chân.
Trên Tỳ-xà-diên điện,
Hỡi Đế Thích thiên vương,
Cung điện tên gì vậy,
Mà người nhiếp trì thành?
Thích đáp: Đại Tiên Nhân!
Tên Tỳ-xà-diên-đá.
Gọi là thế giới ngàn,
Ở trong ngàn thế giới;
Không cung điện nào hơn
Như Tỳ-la-diên-đá.
Thiên vương Thiên Đế Thích,
Tự tại mà du hành.
Ái-lạc na-du-đá[26],
Hóa một thành trăm hàng.
Trong Tỳ-lan-diên điện,
Đế Thích tự tại chơi.
Tỳ-lan-diên đại điện,
Ngón chân đủ lung lay[27].
Thiên vương mắt xem thấy,
Đế Thích tự tại chơi.
Giảng đường Lộc tử mẫu[28],
Nền sâu, đắp kiên cố,
Khó động, khó lung lay,
Lay bởi định như ý.
Kia có đất lưu ly,
Thánh nhân bước lên đi
Trơn nhuần, cảm thọ lạc,
Trải gấm êm diệu kỳ.
Ái ngữ thường hòa hiệp,
Thiên vương thường hân hoan.
Nhạc trời hay khéo trỗi,
Âm tiết họa nhịp nhàng.
Thiên chúng đều hội tụ,
Nhưng thuyết Tu-đà-hoàn[29].
Biết mấy vô lượng ngàn,
Và hằng trăm na thuật.
Đến Tam thập tam thiên,
Bậc Tuệ Nhãn thuyết pháp.
Nghe Ngài thuyết pháp xong,
Hoan hỷ và phụng hành.
Ta cũng có pháp ấy,
Như lời của tiên nhân;
Tức lên cõi Đại phạm,
Hỏi Phạm thiên sự tình.
Phạm vẫn có thấy ấy;
Tức thấy có từ xưa,
Ta vĩnh tồn, thường tại,
Hằng hữu, không biến đổi.
Đại Phạm trả lời kia,
Đại tiên tôi không thấy,
Tức thấy có từ xưa,
Ta thường hằng không đổi.
Tôi thấy cảnh giới này,
Các Phạm thiên quá khứ;
Ta nay do đâu nói,
Thường hằng không biến đổi.
Ta thấy thế gian này,
Bậc Chánh Giác đã dạy.
Tùy nhân duyên sanh ra,
Luân chuyển rồi trở lại.
Lửa không nghĩ thế này:
"Ta đốt kẻ ngu dại"
Lửa đốt, ngu sờ tay,
Tất nhiên phải bị cháy.
Cũng vậy, ma Ba-tuần,
Đến Như Lai pháp khuất,
Mãi làm điều bất thiện,
Tất thọ báo miên viễn.
Ngươi đừng trách Phật-đà,
Chớ hại Tỳ-kheo tịnh.
Một Tỳ-kheo hàng ma,
Tại Bố Lâm rừng già.
Con quỷ sầu áo não,
Bị Kiền-liên quở la.
Hãi hùng mất trí tuệ,
Biến mất bèn đi xa.
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên thuyết như vậy. Ma Ba-tuần sau khi nghe Tôn giả thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli M.50. Māratajjaniya-sutta. Biệt dịch No.66 và No.67.
[02] Ngạc sơn, Bố lâm: xem cht.3, kinh 74.
[03] No.66 cũng nói dữ kiện này. No.67 và Pāli không có.
[04] Giác-lịch-câu-tuân-đại 覺 礫 拘 荀 大. No.66: Câu-lâu-tôn. No.67: Câu-lâu-tần. Pāli:Kakusandha.
[05] Ác 惡. No.66: xúc nhiễu ma. No.67: sân hận. Pāli: Dūsī.
[06] No.66 cũng nói là muội. No.67 nói là tỷ, chị. Pāli: bhaginī.
[07] Hắc 黑. No.67: Yểm hắc. Pāli: Kālī.
[08] Âm 音; Pāli: Vidhura.
[09] Tưởng 想; Pāli: Sañjīva.
[10] Thử Hiền giả cánh phục tưởng 此 賢 者 更 復 想; Pāli: ayaṃ samaṇo... svāyaṃ paṭisañjīvito, sa-môn này tự mình sống lại. Ở đây, sañjīva: người còn sống; bản Hán đọc là saññīva; người còn có tưởng.
[11] Dĩ hắc sở phược 以 黑 所 縳. Pāli: kiṇhā bandhupādāpacca, đen điu, nòi giống ti tiện (sinh từ bàn chân của bà con của Phạm thiên). Trong bản Hán, bandhu, bà con, được đọc là bandha, sự cột trói.
[12] Cố dịch sát: học thiền, tứ, tăng tứ, sác sác tăng tứ 學 禪 伺 增 伺 數 數 增 伺. Pāli: jhāyanti, pajjhāyanti, nijjhāyanti, apajjhāyanti (chúng nó thiền, chúng nó thiền trầm ngâm, chúng nó thiền đắm đuối, chúng nó thiền si dại). Hán tăng tứ thường dịch chữ abhijjhā, tham cầu (theo nghĩa, dòm ngó tài sản người khác), được hiểu cùng gốc động từ jhāyati: thiền hay tư duy.
[13] Nguyên Hán: hưu hồ 鵂 狐, có lẽ chính xác là con hưu lưu 鵂 鶹, loại cú tai mèo, bắt chuột. Pāli: ulūka, con cú.
[14] Hạc điểu 鶴 鳥, chính xác nên hiểu là con sếu; nhưng bản Pāli: kotthu nadītīre, con giả can bên bờ sông.
[15] Bản Pāli: nhập vào một cậu bé (aññataraṃ kumārakaṃ anvāvisitvā).
[16] No.66: danh A-tỳ-nê-lê. Có lẽ, Vô khuyết tức Vô gián, hay A-tỳ (Avici). Bản Pāli không nói tên địa ngục gì.
[17] Bản Pāli chỉ có ba tên: chaphassāyataniko, địa ngục sáu xúc xứ; saṅkusamāhato, địa ngục cọc sắt; paccattavedaniyo, địa ngục thọ khổ các biệt.
[18] Bốn câu trở lên nói đời sống châu Bắc Câu-lô.
[19] Hai câu nói về trời Tứ thiên vương, ở ngay sườn núi Tu-di (Sineru).
[20] Nói về cõi trời Tam thập tam thiên hay Đao lợi thiên (Tavatimsa), ở trên chóp Tu-di. Từ đây trở xuống, nói về các cõi cao hơn.
[21] Hán: Hoảng dục; danh từ bình thường, không chỉ trời Quang âm ở Nhị thiền thiên.
[22] Trong một tiền kiếp, Đế Thích cúng dường nhà cửa cho Sa-môn. Do đó, còn có tên là Vāsava.
[23] Tỳ-xà-diên. Pāli: Vejayanta (Chiến thắng), được gọi như vậy vì xuất hiện khi Thiên Đế Thích chiến thắng A-tu-la (Asura).
[24] Tức Tôn giả Đại Mục-kiền-liên. Xem chú thích ngay dưới.
[25] Thiên Đế Thích (Sakka) được Phật giảng cho về ái tận giải thoát. Trở về cung điện, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên muốn biết Sakka có hiểu hay không, nên tìm đến điện Vejayanta. Thiên Đế Thích từ chối trả lời. Khi Tôn giả thấy đời sống hưởng thụ của Thiên Đế Thích cho rằng quá đáng, nên bấm ngón chân cái, làm rung động điện Vejayanta, Thiên Đế Thích hoảng sợ (xem M.37).
[26] Na-du-đá, Pāli: nahuta hay nayuta, đơn vị đo đường dài. Nhưng trong đây không rõ ý gì.
[27] Xem chú thích 25 trên.
[28] Phật nói về ái tận giải thoát cho Đế Thích tại giảng đường Lộc tử mẫu.
[29] Đế Thích được coi như đắc Tu-đà-hoàn, sau khi nghe Phật nói kinh Sakkapañhā (Pāli: D.21, Hán No.1914).

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Học đạo trong đời


Phật Giáo Yếu Lược


Vào thiền


Chuyện Vãng Sanh - Tập 3

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.29.219 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập