Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Bản Việt dịch Đức Quang Thái Tử Kinh [德光太子經] »»

Kinh điển Bắc truyền »» Bản Việt dịch Đức Quang Thái Tử Kinh [德光太子經]


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.71 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.8 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Thái Tử Đức Quang

Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Nghe như Vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại đỉnh núi Linh điểu thuộc thành Vương xá, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị và năm trăm vị Bồ-tát.
Bấy giờ, Hiền giả Lại-tra-hòa-la vừa mãn ba tháng kiết hạ tại nước Xá-vệ. Sau khi may đầy đủ ba y mới, Hiền giả đắp y, mang bát cùng với một trăm Tỳ-kheo tân học du hóa đến các nước. Các thầy Tỳ-kheo cùng đến đỉnh núi Linh điểu ở đại thành Vương xá. Hiền giả Lại-tra-hòa-la liền tới chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ngài, rồi đứng qua một bên. Lại-tra-hòa-la hỏi Đức Thế Tôn:
-Đại sĩ Bồ-tát phụng hành những gì mà được tất cả pháp công đức kỳ diệu, cho đến trí tuệ siêu việt không sợ hãi và lay động, phát huy biện tài quang minh soi chiếu thấu triệt, hội nhập nơi Nhất thiết trí để giáo thọ chúng sinh, làm cho họ được giải thoát, chấm dứt sự hồ nghi, khéo dùng phương tiện quyền biến thể hiện Nhất thiết trí, lời nói và hành động tương ưng, thường dùng phương cách khéo léo lúc thỉnh vấn hợp ý chư Phật, khiến cho mọi người được nghe giáo pháp đều có thể thọ trì và chóng đạt đến Nhất thiết trí?
Rồi Hiền giả Lại-tra-hòa-la dùng kệ tán thán hỏi Phật:
Thế nào Bồ-tát mãn sở hạnh
Làm sao hành động hợp chân lý
Vẹn toàn nguyện trí tuệ công đức
Xin Đấng Tôn quý giải nói cho.
Thân sắc vàng ròng đẹp vi diệu
Là Đấng Nhân Tôn chứa đức cao
Hộ trì cứu giúp khắp mọi loài
Xin Phật giải nói hạnh Vô thượng.
Thế nào chứng đắc trí vô tận
Vô lượng Tổng trì Phật đạo cao?
Thế nào đạt được hạnh bình đẳng
Giải quyết hoài nghi cho chúng sinh?
Vô số ức kiếp ưa sinh tử
Ý họ mãi không muốn chán nhàm
Đã thấy kiếp người muôn nỗi khổ
Khéo dùng phương tiện khiến mở bày
Tịnh hóa nước Phật quyến thuộc đủ.
Quang minh thọ mạng cũng như vậy
Tất cả cho rằng là tịch mặc
Cúi xin Đức Phật thuyết hạnh trên
Hàng ma, quyến thuộc, đoạn các kiến.
Thoát vòng ái dục, vượt tưởng hành
Thế nào thuyết giảng nghĩa pháp kinh ?
Xin Phật giải nói các thật hạnh
Đấng biện tài tướng hảo đoan nghiêm
Vì chúng sinh thuyết âm vi diệu
Phủ khắp cõi đời như mưa thấm.
Xin Phật giải nói các hạnh giác
Lời nói vi diệu như Ca-lăng
Tiếng Phạm không nghi tuệ âm rõ
Chúng hội khát khao nghe pháp kinh.
Ngài đem cam lộ rưới quần sinh
Nếu ai muốn học Phật đạo quý
Chí phải năng tinh tấn hành pháp
Pháp Như Lai dạy đều bình đẳng.
Cúi xin Pháp vương thuyết đúng thời
Con mong nghe nói đạo chánh chân
Phật, Thiên Trung Thiên biết ý con
Nay con không dám quấy nhiễu Ngài
Chỉ xin Phật giảng hạnh Vô thượng.
Đức Phật dạy Lại-tra-hòa-la:
-Lành thay! Lành thay! Chỉ ông mới có thể hỏi Như Lai những nghĩa này, vì nghĩ nhớ và muốn đem lại an ổn cho nhiều người, vì thương tưởng đến chư Thiên và mọi người trong cuộc đời, lại vì các Bồ-tát nơi đời vị lai mà ban bố để được hành trì. Lại-tra-hòa-la, hãy lắng nghe và nhớ nghĩ kỹ, Ta sẽ giảng nói cho ông.
Lại-tra-hòa-la thưa:
-Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn, con mong muốn được lãnh hội. -Lại-tra-hòa-la, Bồ-tát có bốn pháp đạt đến hạnh thanh tịnh. Những gì là bốn pháp?
1.Thực hành tâm bình đẳng mà không xu nịnh.
2. Tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh
3. Hiểu tường tận về pháp Không.
4. Lời nói và hành động đi đôi với nhau
Đây là bồn pháp mà Bồ-tát tu tập chóng đắc hạnh thanh tịnh. Đức Phật dạy Lại-tra-hòa-la:
-Bồ-tát lại có bốn pháp để đạt đến an ổn, tinh tấn. Những gì là bốn pháp?
1. Được pháp Tổng trì.
2. Được thiện tri thức.
3. Được pháp nhẫn.
4. Việc làm bình đẳng, giới luật thanh tịnh.
Đức Phật dạy Lại-tra-hòa-la:
-Bồ-tát lại có bốn pháp đi vào cảnh giới trần lao mà vẫn an nhiên nơi pháp sinh tử. Những gì là bốn pháp?
1. Bồ-tát thị hiện thân Phật đi vào sinh tử, khuyên các chúng sinh đối với pháp sinh diệt luôn đạt hoan hỷ.
2. Vì chúng sinh thuyết pháp nhu thuận.
3. Không yêu tiếc mọi sở hữu.
4. Thường được vô sinh pháp nhẫn.
Đức Phật dạy Lại-tra-hòa-la:
-Bồ-tát lại có bốn pháp không tham đắm. Những gì là bốn pháp?
1. Bồ-tát không nên tham đắm về đất đai, nhà cửa.
2. Bồ-tát xuất gia không nên tham tài lợi.
3. Bồ-tát không cầu các quả báo về công đức.
4. Bồ-tát không nên tiếc thân mạng.
Này Lại-tra-hòa-la, Bồ-tát lại có bốn pháp đối với pháp không nhàm chán. Những gì là bốn pháp?
1. Đối với giới không có sự khuyết giảm.
2. Thường sống nơi vắng vẻ, tịch tĩnh.
3. Phụng hành bốn hạnh Thánh hiền.
4. Được học rộng nghe nhiều.
Này Lại-tra-hòa-la, Bồ-tát lại có bốn pháp đạt được vô niệm hiện hữu khắp nơi. Những gì là bốn pháp?
1. Được sinh vào chốn lành, thường gặp Phật ra đời.
2. Nghe lời dạy bảo của bậc tôn trưởng mà không xu nịnh.
3. Vui nhận sự dạy bảo, tâm không tham đắm tài lợi.
4. Được biện tài thâm nhập pháp yếu.
Này Lại-tra-hòa-la, Bồ-tát có bốn pháp được hạnh thanh tịnh. Những gì là bốn pháp?
1. Bồ-tát sống không có ý làm tổn hại người.
2. Dứt bỏ các hạnh tà ngụy, dối trá, ưa thích ở chỗ vắng vẻ.
3. Bố thí tất cả mọi sở hữu mà không tham tiếc và mong cầu quả báo.
4. Ngày đêm thường quyết chí mong cầu giáo pháp, thấy người thuyết pháp không tìm cầu sở đoản của họ.
Đây là bốn pháp của Đại Bồ-tát đạt được hạnh thanh tịnh.
Khi ấy, Đức Phật nói kệ:
Tâm ai không đắm pháp trần cấu
Tức là không còn ghét tội lỗi
Chí ý không chán giảng dạy pháp
Có thể đạt đến đạo Vô thượng.
Dầu gặp chẳng lành tâm thường định
Vào khắp tà hạnh gốc ác đạo
Xuất gia học đạo không tiếc nuối
Ở tại núi rừng mong giải thoát
Sống nơi vắng vẻ không móng khởi
Tâm không say đắm sắc, lợi tài
Xả bỏ thân mình không tham tiếc
Hạnh như sư tử sợ gì ai.
Tâm được an vui và biết đủ
Chẳng khác chim bay chẳng sợ gì
Tất cả cõi đời không thường tại
Chí cầu Phật đạo hành tuệ lớn.
Ưa trú một mình như tê giác
Không gì sợ hãi như sư tử
Tâm không lo sợ, không lãng chí
Nếu được cúng dường vẫn an nhiên.
Dứt trừ lời quấy và ác kiến
Trí rõ hạnh lớn, chí hiểu đạo
Ta vì thế gian, hộ tất cả
Khéo dùng phương tiện chẳng buông lung.
Ý chuyên trì giới vì độ chúng
Tâm không loạn đắm trong ái ân
Chánh hạnh cẩn trì như cứu lửa
Thường cầu hạnh mầu Đấng Thế Tôn.
Đã thoát không rồi không có tướng
Mỗi mỗi đầy đủ vắng lặng yên
Trí tuệ rạng ngời trong tĩnh thức
Được vị cam lộ thường hoan hỷ.
Giả sử giác ngộ được ý Phật
Thường hay thanh tịnh chẳng nghi nan
Tổng trì, tài biện tâm chuyên nhất
Chịu tất cả khổ chẳng màng báo.
Nếu có Bồ-tát nghe hạnh này
Muốn cầu Phật đạo phải hân hoan
Chí luôn tinh tấn không lười mỏi
Rõ uế vô tri ý không hại.
Đức Phật bảo Lại-tra-hòa-la:
-Bồ-tát có bốn pháp khiến tự đọa lạc. Những gì là bốn pháp?
1. Bồ-tát kiêu mạn, không cung kính là tự đọa lạc
2. Bồ-tát không báo ân, thường hành động dua nịnh là tự đọa lạc.
3. Bồ-tát tham lợi dưỡng, cầu cúng dường là tự đọa lạc.
4. Bồ-tát hành tà hạnh, dua nịnh cầu sự cúng dường là tự đọa lạc.
Này Lại-tra-hòa-la, Bồ-tát có bốn pháp khiến rơi vào hào tà hạnh. Những gì là bốn pháp?
1. Biếng trễ là pháp rơi vào hào tà.
2. Không có tịnh tín.
3. Khởi vọng tưởng.
4. Thấy người được cúng dường sinh tâm ganh ghét.
Này Lại-tra-hòa-la, Bồ-tát không nên học tập bốn pháp. Những gì là bốn?
1. Bồ-tát không nên thân cận với những người tà kiến.
2. Bồ-tát không nên thân cận với người phỉ báng chánh pháp. .
3. Bồ-tát không nên thân cận với kẻ tri thức xấu ác.
4. Bồ-tát không nên thân cận với người tham lam về y phục, ăn uống.
Này Lại-tra-hòa-la, Bồ-tát có bốn pháp bị tội dẫn đến đau khổ. Những gì là bốn pháp?
1. Dựa vào trí tuệ, tự cao ngạo và ôm lòng ganh ghét.
2. Tâm không vui vẻ, không có hạnh thanh tịnh.
3. Không thể nhẫn nhục, chỉ tham muốn tài vật của người khác.
4. Chấp trước pháp ngã, nhân.
Này Lại-tra-hòa-la, Bồ-tát lại có bốn pháp tự ràng buộc. Những gì là bốn pháp?
1. Bồ-tát thích khinh mạn đối với người, đó là tự ràng buộc.
2. Bồ-tát sống trong thế gian làm những nghề buôn bán, chính trị sinh ra những tư tưởng xảo trá, đó là tự ràng buộc.
3. Bồ-tát với ý tưởng không chấp nhận pháp tuệ mà sống buông lung, đó là tự ràng buộc.
4. Bồ-tát với tâm ý bị lệ thuộc nơi dòng dõi, đó là tự ràng buộc.
Này Lại-tra-hòa-la, vào đời sau này, người học đạo Bồ-tát, sẽ có những kẻ xấu xa vô hạnh. Sẽ cúng dường cho những kẻ vô hạnh ấy, là những kẻ dua nịnh. Sẽ cúng dường cho những kẻ dua nịnh là những kẻ vô trí. Sẽ cúng dường cho những kẻ vô trí là hạng tham cầu về y phục và thực phẩm, tâm không ngay thẳng, chỉ ôm lòng xấu xa, ganh ghét về dòng dõi dua nịnh, không có tâm chất phác thật thà, giỏi lừa dối các bậc tôn trưởng và những người trong gia đình, thọ dụng sự cúng dường, trở lại phỉ báng, ý tham lam tài lợi. đi đi các phố huyện thì không nhớ nghĩ đến việc thuyết pháp để dạy bảo cho người với các phương tiện khéo léo. Đối với những kẻ không có trí tuệ, tự cho mình là có trí tuệ, thấy người khác có trí tuệ, là bậc thầy giỏi, lại tỏ ra khinh thường họ. Giả như có người vô hạnh, là vật dụng phá hoại, trở lại tìm tòi chỗ hay dở hơn kém, bỏ hạnh tinh tấn, làm người vô trí biếng lười, không nhớ nghĩ nhiều về trí tuệ, trở lại hủy hoại giáo pháp, rời bỏ hội chúng, kết bè oán hại, đưa đến sự tranh chấp với nhau, còn cho rằng người khác là vô hạnh, ta mới là người thừa sự giáo pháp, không phụng trì giới cấm, không muốn nghe pháp, Cũng không tinh tấn..., kẻ ấy tất sẽ sinh trong chốn bần tiện, nơi các gia đình nghèo hèn khốn khổ. Nếu làm Sa-môn chỉ lo cầu tài lợi, kẻ ấy ở nơi nào cũng không thể an ổn, huống gì còn loạn chí, tuy nhất tâm thực hành công đức của Phật, nhưng lại tiếp tục tham đắm lợi lộc về nhà cửa, rồi tự xưng ta là Sa-môn.
Đức Phật dạy:
-Ta không gọi hạng người ấy là người thực hành pháp Bồ-tát, hạng người như thế trong trăm ngàn kiếp cũng không thể đạt được pháp nhẫn nhu thuận, huống gì muốn đạt được hạnh Chánh giác của trí tuệ Phật.
Này Lại-tra-hòa-la, Ta không những cho rằng hạng người ấy rơi vào hào sâu nơi ba đường dữ mà còn phải bị đọa vào tám nơi chốn xấu ác. Những gì là tám?
1. Sinh vùng biên địa.
2. Sinh trong nhà bần cùng.
3. Sinh ra nơi nào dung mạo, hình tướng đều xấu ác.
4. Sinh trong nhà tà ác hung dữ.
5. Đời sống thường gặp tri thức tà ác.
6. Nhiều tật bệnh.
7. Sinh ở nơi nào tuổi thọ cũng ngắn ngủi.
8. Chết bất đắc kỳ tử.
Đây là tám nơi chốn xấu ác của Bồ-tát phải bị rơi vào hào rãnh tà vạy. Vì sao?
Này Lại-tra-hòa-la, Ta không cho chỉ với lời nói suông có thể tạo nên hạnh nguyện Bồ-tát, không lấy điều xảo dối của người làm hạnh thanh tịnh, không cho lời dua nịnh là hạnh Bồ-tát, không lấy việc tham đắm về y phục, thực phẩm để cúng dường Phật, không gọi kẻ cao ngạo là bậc trí tuệ thanh tịnh, không cho rằng có trí tuệ hiểu biết là đoạn trừ được nghi hoặc cấu uế. Ta không cho rằng kẻ ganh ghét là có tâm ý thanh tịnh, kẻ nhiều tham cầu đạt được pháp Tổng trì. Ta không cho rằng người không thấy được đức chân thật, luôn có sự trở ngại sẽ sinh vào xứ thiện, kẻ tham đắm về dòng dõi, sắc dục sẽ được thân thanh tịnh. Ta không cho rằng kẻ loạn tưởng sẽ đạt được định ý như Phật, kẻ, thực hành không chí thành sẽ được tâm trong sạch, kẻ kiêu mạn sẽ được hạnh thanh cao, kẻ không biết đủ sẽ được pháp tốt đẹp. Ta không cho rằng kẻ tham tiếc về thân mạng là có chí cầu pháp.
Đức Phật nói kệ:
Kẻ vô trí buông lung tình thức
Nhiều tham cầu, bất kính, khinh khi
Tâm nhơ bẩn sinh ra dục tưởng
Là hạng người cách đạo rất xa.
Tham cúng dường tăng thêm biếng trễ
Không tinh cần, tịnh tín chẳng còn
Phá tịnh hạnh mất luôn chánh giới
Phạm pháp cấm mất hẳn đường lành.
Sinh chỗ bần cùng làm Sa-môn
Nơi nghèo thiếu cầu mong cung dưỡng
Như người nghèo vật báu đều không
Tha phương tìm kiếm cầu tài sản.
Kẻ tham sự cúng, chốn tĩnh, vắng
Nơi đó thỏa mãn với dục tình
Đắc thần thông đủ trí biện tài
Xả bỏ cửa nhà thọ sở hữu,
Không kiến đạo đi theo đường ác
Sinh vào nhà ti tiện bần cùng
Mặt mũi xấu xa không uy lực
Đọa vào kiêu mạn, lắm ngu si,
Làm người ti tiện không danh đức
Tâm ý buông lung tham tài lợi
Đời sau sinh chỗ ác vô cùng
Ức kiếp không tìm ra nẻo thiện.
Giả sử tu hành không tham lợi
Trời, người ắt hẳn sẽ thành Phật
Phong ba bảo táp không lay động
Vì để cúng dường, không vì mình,
Không có công đức mong nơi người
Ý không tinh tấn mất hạnh lành
Phá hoại giới pháp không tuân thủ
Ý không thể đạt đạo trí tuệ.
Cho đến chí thành nơi pháp Phật
Cuối cùng không mất ý đạo hành
Chí nguyện kiên trì thường thanh tịnh
Phụng trì như thế chính là đạo.
Ta vì cầu Phật không nuối tiếc
Thí cả thân mình cầu kinh pháp
Bọn người bỏ pháp không tinh tấn
Để cho pháp đạo mất ý nghĩa.
Có đèn sáng lớn mà khồng tihấy
Ta vốn mong cầu thuyết nghĩa lành
Thích nghe giáo pháp rồi phụng hành
Dứt trừ tất cả các ái dục.
Đã nghe pháp Phật biết bao nhiêu
Không thể rốt ráo một câu pháp
Người hành phi pháp sao đắc đạo
Thí như chỉ kẻ mù đường tắt.
Đức Phật bảo Lại-tra-hòa-la:
-Vào thuở xa xưa vô số kiếp về trước không thể tính biết được, bấy giờ có Đức Phật hiệu Cát Nghĩa Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, Đức Phật là Bậc Thiên Trung Thiên giáo hóa nơi thế gian. Khi ấy, có vị quốc vương tên Át Chân Vô.
Này Lại-tra-hòa-la, quốc vương Át Chân Vô ấy đứng đầu trông coi khắp cõi Diềm-phù-lợi, dài rộng sáu mươi bốn vạn dặm. Tại Diêm-phù-lợi có hai vạn thành lớn và có ức ngàn nhà. Vua Át Chân Vô ngự nơi thành lớn Bảo chiếu minh, thành ấy dài bốn trăm tám mươi dặm, rộng hai trăm tám mươi dặm, dùng bảy báu làm thành, có tám đường ra hướng Nam bắc để trông thấy đầy đủ tất cả công việc, tuổi thọ của dân chúng lúc ấy là mười ức na-do-tha năm.
Này Lại-tra-hòa-la, vua Át Chân Vô có người con tên Đức Quang, tướng mạo khôi ngô tuấn tú, oai thần xuất chúng. Khi thái tử mới sinh ra, tự nhiên cả ngàn kho tàng xuất hiện bảy báu. Trong mỗi kho tàng như vậy, tự nhiên có các thứ quốc bảo, kho bảy báu cao tám trượng.
Lúc thái tử Đức Quang sinh ra, tất cả dân chúng ở Diêm-phù-lợi đều rất vui mừng. Những kẻ bị giam cầm trong lao ngục đều được phóng thích. Thái tử Đức Quang sinh ra chỉ trong bảy ngày đã có trí tuệ thông suốt tất cả sự việc về đạo lẫn đời.
Này Lại-tra-hòa-la, khi ấy chư Thiên ở cõi trời Tịnh cư, nửa đêm đến chỗ thái tử Đức Quang thưa với thái tử:
-Thái tử chớ nên sống buông lung.
Từ đó về sau, trong suốt cả vạn năm, thái tử Đức Quang không hề ham chuyên ngủ nghĩ, cũng không chơi đùa, chưa từng ưa thích ca múa, hát xướng, cũng không đi xem, nghe. Ngài chưa từng tiếc thân mạng, cũng không nhớ nghĩ đến kỹ nhạc, ca múa, không tham cầu tài I lợi, chẳng nghĩ đến gia đình; không tham đắm vương vị, cũng không có lòng mong cầu, không yêu tiếc mọi thứ sở hữu mà thường lập nguyện nhất tâm, luôn ở chốn vắng vẻ, dùng sự tịch tĩnh để xua trừ mọi khó khăn, đạt ít dục biết đủ.
Thái tử suy nghĩ: “Trong cuộc đời này ai sinh ra cũng phải chết, thân mạng không thể bảo tồn, đời sống có gì đáng mến yêu? Ân ái hợp tan, không ai làm thầy dẫn dắt nên phạm tội trái pháp, sinh ra lo buồn sợ sệt. Vậy mà kẻ phàm phu không biết nhàm chán, lấy sức mạnh ngu si luôn ưa thích tranh chấp. Nay ta đang rơi vào nẻo không biết phải làm gì, chỉ muốn im lặng”.
Lúc đó thái tử sống một mình nơi chốn thanh vắng, tâm ý không hề buông lung, xa lìa các thứ ái dục, thực hành tầm bình đẳng.
Này Lại-tra-hòa-la, khi ấy trong một khu vực khác của vua Át Chân Vô có một thành lớn tên Nhạo thí tài. Nhà vua xây dựng cho thái tử một con đường thông Nam bắc có tám lớp với tám trăm giao lộ, dùng bảy báu tạo nên, trong bảy lớp thành ấy cũng dùng bảy báu làm trướng, dùng bạch ngọc kết làm chuỗi. Ở giữa tất cả các hàng rào có tám vạn trụ báu, mỗi trụ báu như vậy có sáu vạn dây báu liên kết nhau. Tất cả các dây báu, mỗi dây có một ngàn bốn trăm ức dây buộc lại. Mỗi khi gió thổi, lần lượt các dây đó rung động phát ra trăm ngàn âm thanh nhạc tấu hợp. Trước những hàng rào có năm trăm thể nữ, đánh trống, tấu nhạc, ca múa vang lên những âm thanh, theo các vũ điệu tuyệt vời nhất, có thể làm vui lòng tất cả mọi người, từ vua quan đến muôn dân, để trình diễn cho thái tử Đức Quang.
Nhà vua bảo các thể nữ:
-Các ngươi hãy bỏ hết các việc khác chỉ hết sức ca múa, hát xướng trong suốt ngày đêm để làm vui lòng thái tử, đừng để cho thái tử thấy bất cứ một việc gì không vừa ý.
Vua cha cho đặt, chứa bên hành lang tất cả những vật dụng bố thí. Người đói thì cho cơm, người khát thì cho uống. Ai cần xe, ngựa thì cho xe ngựa. Ai cần y phục, hoa, hương, tọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc... tùy theo điều mong cầu của họ đều được cung cấp đầy đủ. Vàng, bạc, ngọc minh nguyệt, lưu ly, thủy tinh, voi, ngựa... tất cả bảy báu, anh lạc đều đem cung cấp cho mọi người.
Chính giữa thành này, nhà vua xây cung điện bảy báu, với tám lớp san sát nhau, ở đó có một giảng đường, bên trong có bốn ức giường ghế để cung cấp cho thái tử. Trong thành có vườn hoa với vô số cây trái, cây trong vườn này thường tạo nên các tán lá bao phủ như những chiếc lọng che.
Này Lại-tra-hòa-la, chính giữa khu vườn ấy có ao tắm bảy báu, lấy vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly làm lan can, bên trong có tám trăm đầu sư tử, nước từ những đầu ấy chảy vào ao tắm, ở đây lại có tám trăm đầu sư tử, nước từ nơi đó chảy ra. Trong ao thường sinh ra bốn loại hoa: Hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen trắng, hoa sen vàng. Chung quanh ao là các hàng cây báu, những cây này đều có hoa quả. Cạnh ao còn có tám trăm cây báu tô điểm, khoảng giữa của các cây báu đều có mười hai cây báu, mỗi cây được giăng tám mươi tám loại dây báu nối liền nhau. Khi gió thổi lên, những dây ấy cùng chuyển động và phát ra trăm ngàn loại âm thanh. Phía trên mỗi ao tắm đều có màn bảy báu giăng hàng, thái tử Đức Quang thường đến tắm trong ao này.
Nơi giảng đường có bốn mươi ức giường, ghế bằng bảy báu, đều trải năm trăm tọa cụ. Ngay chính giữa giảng đường được dựng một tòa lớn bằng bảy báu, trải tám mươi ức y đẹp dùng làm tọa cụ, tòa cao năm trượng sáu thước, thái tử Đức Quang thường ngự trên tòa này. Phía dưới tất cả các giường tòa đều có lò hương, xông các hương mật ngày đêm ba lần, rải các hoa đẹp, dùng hoa sen sắc vàng báu bao phủ. Trên điện có trướng ngọc minh nguyệt rủ xuống tám vạn ngọc minh nguyệt. Ánh sáng của những viên ngọc tỏa chiếu muôn phương. Trên tất cả các cành cây đều được treo cờ phướn, lọng báu. Trong tất cả những khu vườn ở đây đều có chín vạn viên ngọc minh nguyệt, mỗi một viên ngọc như thế phát ra ánh sáng đến bốn mươi dặm, tỏa chiếu phấp cõi Phật.
Này Lại-tra-hòa-la, trong vườn cũng có nhiều giống chim như chim Oanh vũ, chim Lô tư, chim Câu kỳ, chim Khổng tước, chim Nhạn, chim Uyên ương, chim Cưu-na-la, chim Trĩ mào đỏ. Chúng cùng phát ra muôn vàn âm thanh tuyệt diệu để làm vui lòng thái tử Đức Quang. Nhà vua thường sai làm năm trăm món ăn dâng cho thái tử.
Bấy giờ có năm trăm đồng nam ở trong tất cả phòng ốc, tuổi từ mười sáu đến hai mươi, được tuyển chọn ở các nước đến thành này, đều có tài nghệ tinh xảo, không việc gì là không thực hiện được. Họ biết tất cả những công việc trong thiên hạ.
Lại có tám mươi ức đồng nữ ở trong thành này. Những cô gái ấy vô cùng đoan trang xinh đẹp, tuổi từ mười sáu đến hai mươi, rất giỏi về ca múa, có thể làm vui lòng những bậc nam tử, nói năng nhỏ nhẹ, khéo léo, hợp thời. Họ không cao thấp, không mập, không gầy, không trắng cũng không đen, trong miệng thường có mùi thơm của hoa Ưu-bát, nơi thân toát ra mùi hương Chiên-đàn, đều giống như những ngọc nữ nơi cõi trời, thường vây quanh thái tử Đức Quang trong khu vườn, đánh trống, đàn ca, nhảy múa.
Khi đó, thái tử Đức Quang thầm nghĩ: “Nay tự nhiên ta như bị đại oan gia, chúng đã khuấy rối pháp thanh bạch của ta. Ta phải thực hiện hạnh không tham tiếc”. Thái tử buồn rầu, không vui. Thí như có người đang bị quản thúc, trong lòng không vui, thái tử Đức Quang cũng như thế. Ngài thấy các thể nữ nhảy múa, hát xướng nhưng tâm ý không hề buông lung, cũng chẳng cho là hay lạ, cũng không tham đắm về thành quách, xe cộ. Hơn một ngàn năm qua, ngài chưa từng ái sắc, cũng không nghĩ tưởng đến, cũng đều dứt trừ các tưởng về thanh, hương vị, xúc mà chỉ nhất tâm chuyên chí nhớ nghĩ: “Đây là các oan gia trói buộc ta, ta phải làm thế nào thoát khỏi để được giải thoát, sống với hạnh không buông lung”.
Lúc ấy, các thể nữ đến tâu vua Át Chân Vô:
-Thái tử không hề nghe, xem ca nhạc, nhảy múa, lại thường buồn bã không vui.
Này Lại-tra-hòa-la, khi ấy vua Át Chân Vô cùng với tám vạn tiểu vương đến chỗ thái tử Đức Quang thương cảm rơi lệ, lo buồn không vui, đến nỗi ngã quỵ xuống đất. Người hầu cận liền đỡ vua đứng dậy. Nhà vua dùng kệ nói với thái tử:
Con hãy xem châu báu của ta
Con mới ra đời tự nhiên có
Ai khuấy rối con nói ta hay
Ta sẽ phạt tội thật thích đáng.
Con hãy xem đây như cõi trời
Ta tùy theo ý muốn của con
Hôm nay thái tử thiếu những gì
Ta sẽ cho con được tất cả.
Xem cảnh dục ấy đẹp mắt con
Các thể nữ đều trổi âm nhạc
Đem lại vui tươi xóa hết buồn
Tiếng trống rộn ràng thường vui vẻ,
Con sẽ thưởng thức tuyệt âm thanh
Trống đàn ca nhạc hòa tiết tấu
Hôm nay chính lúc con hân hoan
Hồ kia sen quý đua nhau nở,
Trong vườn hoa trái đẹp vô ngần
Tất cả tốt xinh không chút bợn
Xem là đệ nhất trí an nhàn
Khả dĩ cho ta bao hỷ lạc,
Vào hồ tắm gội vui thỏa thích
Sen trắng, sen vàng, sen đỏ, xanh
Các loại sen hồng chiếu rạng ngời
Sao con xem thấy chẳng hề vui.
Chim Lô tư, Oanh vũ, Câu-kỳ-hạc,
Ca-na-kỳ-ca hót líu lo
Sen trắng như tuyết hương thơm ngát
Nghe âm thanh trổi con chẳng vui?
Ngọc minh nguyệt chiếu khắp giảng đường
Lưu ly, vàng rồng làm lan can
Châu báu trân kỳ tốt đẹp nhất
Cây lá âm vang phát dặm xa.
Vì con, bên hiên bày vật thí
Hàng ngàn thể nữ tấu khúc ca
Nghe như Thiên nữ muôn nhạc trổi
Con mãi nghĩ gì vẫn chẳng vui?
Nay với xiết bao lời tốt đẹp
Nghe ta nói, con có vui lòng?
Cha mẹ đứng đây nhòa lệ đổ
Há con không xót chúng ta sao?
Bấy giờ, Thái tử Đức Quang dùng kệ đáp lời vua:
Người giữ công đức kia
Lìa các lời ác kiến
Con vì chán khổ vui
Không tham dục vô lợi.
Con thấy nơi năm đường
Mọi người bị tử sinh
Nay phải nói giải thoát
Xin phụ vương hãy nghe:
Xin đừng xúc nhiễu con
Con biết nói thế nào
Con không tham dục lạc
Làm sao vui múa ca.
Tất cả các ái dục
Con xem như oan gia
Các trần lao tham ái
Theo người đắm năm đường,
Bọn thể nữ nơi đây
Không biết nên mê thích
Đó là các việc ma
Trói buộc lớn theo người,
Bậc Thánh hiền đạo sĩ
Chẳng khi nào ngợi khen
Người luôn say ái dục
Là gốc các nguyên nhân.
Vóc hình thể nữ này
Như chiếc túi da người
Gân cốt đan nhau lại
Mong manh chẳng ích gì,
Khác nào chiếc bình đẹp
Trong đựng đầy chất nhơ
Giống như bãi tha ma
Làm sao con vui được.
Tiếng trống và tiếng nhạc
Không thọ cũng không hữu
Tất cả vua giả hợp
Rõ đây không mê hoặc,
Nếu thường luôn nhớ nghĩ
Sẽ liền mất nhất tâm
Người theo tiếng trần lao
Như người già lú lẫn.
Tất cả các cây cối
Khi gặp lửa cháy to
Cũng không thể tồn tại,
Hoặc có khi không ưa
Quả đó cũng vô thường
Cũng không mãi đắm cây.
Con đã hiểu thế này
Phải đâu đùa mạng ngắn
Cha mẹ không giữ được
Anh em và vợ con
Lâm chung không tự tại
Tất cả các sở hữu
Như sương đầu ngọn cỏ
Không nên buông thả tâm.
Tha hồ nơi phóng dật
Ý không thỏa mãn được
Cũng giống như biển cả
Ân ái rộng vô cùng,
Được rồi lại mong nữa
Mọi người vì tham dục
Ai nấy sống buông trôi
Giống như núi Tu-di.
Người dùng ý làm gốc
Thân mạng trôi qua nhanh
Ví như dòng sông chảy
Mới hợp lại vội tan,
Tan hoại, không dài lâu
Như là làn sấm chớp
Tham đắm dục ba cõi
Nên trí tuệ không thông.
Chư Thiên đến bảo con
Không được sống phóng dật
Vì theo hạnh Bồ tát
Không tham các sở hữu,
Chí nguyện thành Phật đạo
Thương tưởng các chúng sinh
Chẳng hành hạnh dâm dục
Khả dĩ đến bờ giác.
Nếu vì thọ tham dục
Tâm ý bị nô lệ
Tự hủy hoại đời mình
Công đức làm sao có.
Con đoạn trừ tham dục
Cũng không khởi sân si
Như chim sa vào lưới
Làm sao được tự tại?
Phát khởi tư tưởng ác
Trở lại tự trói thân
Ý không được tự tại
Vô lợi, lại rỗng không.
Tham làm thân lo sợ
Thí như cây hoa độc
Có gì cho người ưa
Như vượt dòng nước xiết.
Quán sát các chúng sinh
Trôi lãn trong ác đạo
Vì tranh cãi vu vơ
Khởi lên các tà kiến
Phụ vương hiểu ý con
Muốn độ thoát bọn này
Không tích tụ kiêu mạn
Chữa trị lành bệnh tật,
Dứt trừ bao ưu hoạn
Khiến lập nẻo vui mừng
Muốn thoát tam thiên giới
Âm hưởng chớ đắm say.
Vì khéo thuyết kinh nghĩa
No lòng kẻ bần cùng
Dần các kẻ bất toàn
Ra khỏi đường ác đạo,
Giúp người mù sáng mắt
Khiến kẻ điếc được nghe
Thắp sáng đèn giải thoát
Lập trí tuệ thần thông
Cho người nơi ba cõi
Được tam nhẫn bình đẳng
Rưới những cơn mưa
Từ Qua khỏi cõi mây mù,
Vì tất cả chúng sinh
Hiện hào quang chiếu rạng
Liền được ý giác lành
Khiến thoát vòng tăm tối,
Mưa tuôn các y dược
Đem lại khắp bình an
Phụ vương, con nghĩ thế
Liền đạt được nhất tâm.
Đối với tất cả dục
Con không có mong cầu
Chỉ muốn cầu Phật đạo
Vì thương tưởng chúng sinh
Đắm chìm trong tham dục
Ai là người có chí
Lại đam mê dục này
Tại sao phạm điều cấm
Khiến tâm người mê loạn?
Nếu do tham ái sắc
Sẽ đọa đại ác đạo
Ai người hành Phật đạo
Mà lại thả buông lưng
Là người theo dòng chảy
Con sẽ sống ngược dòng
Không thể bằng lời nói
Mà đạt đến Phật đạo.
Con sẽ phóng Từ quang
Chiếu soi khắp mọi người
Con không tham ái dục
Không tham đắm của tiền.
Nay con xin phụ vương
Không về lại với chúng
Con muốn rời hội chúng
Và tất cả phố phường.
Người cầu nhiều như ý
Từ đó tật bệnh sinh
Ngăn ý không phóng dật
Hơn muôn ức phố phường
Không ở nơi ái dục .
Mà đạt đến Phật đạo.
Nếu muốn được Vô thượng
Khoái lạc và bình an N
ên vào trong núi lớn
Ngồi ở dưới gốc cây
Nơi tất cả các dục
Tập sống trong vắng lặng
Sẽ đắc đạo Vô thượng.
Này Lại-tra-hòa-la, bấy giờ thái tử Đức Quang ở trên giảng đường cùng những người có tâm buông lung, khi họ đã nhàm chán sự ô trược, thái tử thể hiện ba phẩm hạnh. Những gì là ba?
1. Đứng thẳng.
2. Kinh hành.
3. Ngồi thiền.
Thái tử không hề ngủ nghỉ và thực hành tinh tấn các hạnh trên nên đạt đến Bát trụ. Nửa đêm hôm ấy, thái tử nghe trên không trung có tiếng của chư Thiên nơi cõi trời Tịnh cư tán thán công đức của Đức Phật đầy đủ, rộng khắp, ca ngợi Pháp và Tăng. Thái tử Đức Quang nghe xong toàn thân rúng động, rơi lệ, sầu ưu không vui, chắp tay dùng kệ hỏi chư Thiên:
Con ở trong ách nạn
Xin chư Thiên xót thương
Nay con vừa nghe nói
Có điều con muốn hỏi:
Ngang qua trong không trung
Vì ai khen công đức
Con nghe âm thanh này
Tâm con đầy hân hoan.
Đức Phật dạy Lại-tra-hòa-la:
-Khi ấy chư Thiên nói kệ cho thái tử Đức Quang:
Nay thế gian có Phật
Thái tử không nghe sao?
Phật hiệu là Cát Nghĩa
Cứu giúp hộ quần sinh,
Phụng hành các pháp thiện
Khai hóa công đức cao
Chúng Tăng đến học hỏi
Có cả ngàn ức triệu.
Thái tử Đức Quang dùng kệ hỏi chư Thiên:
Nếu con thấy Thế Tôn
Làm sao biết là Phật
Xin thuyết công đức Từ
Muốn biết nơi Chánh giác.
Giả sử đến gặp Phật
Sẽ hỏi đạo thế nào?
Bồ-tát hành pháp gì
Cứu hộ được tất cả?
Chư Thiên đáp thái tử Đức Quang:
Trên đỉnh tóc mềm mại
Xoắn phải và tươi sáng
Trên đảnh tướng oai thần
Đẹp như đĩnh núi cao.
Tướng giữa mày chói sáng
Rực rỡ như mặt trời
Mịn màng xoắn bên phải
Sắc như tuyết trắng đẹp.
Ý giác là thanh tịnh
Mắc thì màu xanh biếc
Là vua trong cõi người
Dung nghi đoan chánh đẹp.
Diện mục thường an vui
Phóng muôn ngàn ánh sáng
Chiếu khắp cõi tam thiên
Diệt trừ các nẻo ác.
Răng ở trong miệng Phật
Trong trắng và bằng phẳng
Tươi sạch như hoa sen
Ngọc đẹp như cây sáng.
Mỗi hàm hai mươi cái
Đều khít thành bốn mươi
Tướng miệng, lưỡi mềm mại
Có thể che khắp mặt
Miệng thường thuyết diệu âm
Khiến người nghe hoan hỷ
Không nói lời dua nịnh
Phạm âm rất thanh tịnh.
Những điều Phật giảng thuyết
Vượt trăm ngàn âm nhạc
Dứt trừ các hồ nghi
Người nghe được lợi lạc.
Các đức đều khống thiếu
Khéo léo quyết đạo nghĩa
Giải thông hoa pháp sáng
Như trăm ngàn anh lạc.
Âm thanh của cõi ấy
Phát ra như Thiên nhạc
Thí như âm hưởng trời
Lời Phật cũng như thế.
Chân-đà-la, chim Trĩ
Câu-kỳ và Uyên ương
Lô-tư và chim Nhạn
Cưu-na-la hỏi rằng:
Tiếng nào như Phạm âm
Êm dịu rất an vui
Không khúc mắc cộc cằn
Thấu rõ tất cả nghĩa,
Trong trẻo và sâu lắng
Vừa lòng các bậc thí
Lìa phỉ báng, thanh tịnh
Không có các tưởng nguyện,
Ban bố nghĩa hạnh đức
Không nghe làm điều xấu
Chánh giác hành pháp kia
Nói công đức như thế,
Thân thể Đức Thế Tôn
Đủ các loại tướng hảo
Cánh tay dài quá gối
Bảy chỗ đều tròn đầy.
Ngón tay thon dài đẹp
Có bao tướng tuyệt diệu
Thân thể sắc vàng tía
Tâm như ngọc minh nguyệt.
Lông trên thân mịn đẹp
Xoắn phải và hướng trên
Tròn bằng như cuộn lên
Mã âm tàng không lộ.
Lòng bàn chân bằng phẳng
Có tướng bánh xe tròn
Gối Phật đẹp và thẳng
Các màu sắc như nhau.
Kinh hành như rồng chúa
Bước đi như Sư tử
Khi đi lặng cúi đầu
Nếu người tung hoa cúng
Biến thành những lọng hoa
Cứ mãi không tăng giảm.
Đó là chánh pháp Phật
Dù được lợi hay không
Vẫn tinh tấn an lạc
Ngợi khen hay phỉ báng
Cũng giống như hoa sen
Sư tử chính như thế
Không ai sánh bằng Ngài.
Này Lại-tra-hòa-la, lúc ấy thái tử Đức Quang nghe kệ ca ngợi công đức của Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng thì vô cùng hoan hỷ. Thí như người nghèo nàn đói lạnh được kho tàng châu báu nên người ấy rất vui mừng, thí như người mù gặp được ánh sáng, hoặc như kẻ tù tội giam cầm được phóng thích, người ấy vui sướng vô hạn, thái tử Đức Quang nghe kệ ca ngợi công đức của Đức Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng cũng hoan hỷ như thế.
Thái tử Đức Quang bèn suy nghĩ: “Ta nay nghe kinh pháp chứng minh oai thần Đức Phật, chúng Tăng đầy đủ các hạnh tôn quý. Các ngài ở trong sinh tử đã đi ngược lại nẻo tà vạy, kẻ phàm phu phần nhiều không biết suy xét, họ tham thân, tự thấy điều sai cho là đúng, sống nơi gia đình làm nhiều điều nhơ xấu. Người đắm say trong tham dục phải rơi vào đường đau khổ. Người sống buông lung, bậc trí lìa xa, nên bị ngu si che khuất. Ta phải ở những nơi ấy làm ngọn đèn sáng bình đẳng. Lòng người khó điều phục, đắm mẽ danh sắc, không nhàm chạy theo căn trần, không đoạn trừ những tập khí phải gặp nhiều đau khổ. Thọ nhận bất an, ân ái là cội nguồn phải bị xiềng xích trói buộc, khó thoát ra được. Chúng cùng với các nghiệp khổ hợp lại thành một chuỗi oan gia, đường sinh tử triền miên làm rối rắm bao người, lại thêm tật bệnh vây quanh, thân người chẳng chút bền chắc. Đến lúc sắp chết gần kề thì khổ nhiều vui ít, chỉ có pháp Phật là an ổn đệ nhất. Không thể dùng hạnh trần lao, tâm buông lung, tham dục mà lập được hạnh công đức. Ta nay ở trong ngu si, không thể nhất tâm định ý, không thể dùng ý sinh tử làm vui, cùng người ác hội họp để sống đúng theo con đường thiện, huống gì là muốn đạt đạo Vô thượng Chánh chân! Ta thà từ trên lầu cao ở hướng Đông gieo mình xuông đất, chứ không để cho các gia đình quyến thuộc nơi ta ở trong cửa làm việc chướng ngại, khiến ta không ra khỏi được”.
Đức Phật dạy:
-Này Lại-tra-hòa-la, khi ấy thái tử Đức Quang hướng đến Cát Nghĩa Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác kia, tự nói: “Giả sử Đức Thế Tôn có Nhất thiết trí tất có thể thấy khắp tất cả, ngay lúc này xin Đấng Thiên Trung Thiên cứu độ con”. Tức thì Đức Cát Nghĩa Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác liền đưa cánh tay phải phóng hào quang chiếu đến chỗ thái tử Đức Quang. Trong ánh sáng ấy tự nhiên có hoa sen ngàn cánh to như bánh xe, từ hoa sen đó phát ra ức trăm ngàn ánh sáng chiếu soi khắp chốn. Thái tử Đức Quang liền đứng trên hoa sen này, muốn đến chỗ Đức Cát Nghĩa Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, từ xa thái tử chắp tay đảnh lễ, tự quy y ba lần. Đức Cát Nghĩa Như Lai thu nhiếp ánh sáng trở lại, thái tử tìm theo ánh sáng để đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ nơi chân Ngài. Thái tử trông thấy Thế Tôn các căn tịch định, liền dùng kệ ca ngợi Đức Cát Nghĩa Như Lai:
Con vừa nghe tiếng Đức Y vương
Nay liền được thấy dung nhan Phật
Vì sao lập hạnh nơi nhơ uế
Có thể đạt đến nhất thiết pháp?
Vào lúc nửa đêm đêm vừa rồi
Từ chư Thiên nghe Phật vô tưởng
Nghe xong buồn bã chẳng còn vui
Người ở nơi nào không phóng dật
Người vừa lạc đường chỉ đường chân
Như người mù mắt nhìn thấy hết.
Xin nguyện vì con hiện đạo cả
Lòng Từ chữa trị sinh tịnh tín
Khiến chúng bần cùng được giàu vui
Giam cầm tù ngục liền thoát khỏi,
Đoạn nghi, trừ kết sử nơi con
Cúi xin giải nói đạo hạnh này
Vì con hiển chánh lìa ngoại đạo
Trong tối tăm làm ngọn đèn sáng.
Vì các tổn hại trừ cấu uế
Nguyện đại y vương đoạn nghi con
Xin cứu thoát con, đường sinh tử
Đoạn tuyệt cho con các dục ái,
Khiến vượt qua khỏi biển sầu lo
Và dùng bát đạo nhập Đại thừa
Nay pháp hết, mạng người ngắn ngũi
Phần nhiều bỏ bê hạnh công đức.
Người vô phước thường không như ý
Nay con xin khai nguyện giải nghi
Nghe Đạo Sư chỉ bày pháp yếu
Tại sao Bồ-tát nơi phóng dật
Có thể phụng trì Phật diệu đạo
Độ thoát sinh tử khổ muôn loài?
Đức Phật bảo Lại-tra-hòa-la:
-Bấy giờ, Đức Cát Nghĩa Như Lai biết tâm niệm của thái tử Đức Quang, mới giải thích rộng các hạnh Bồ-tát. Thái tử Đức Quang nghe lời Đức Phật dạy, liền chứng đắc pháp môn Vô tận tổng trì, đạt năm thần thông, liền bay vụt lên hư không, hóa ra những đóa hoa đẹp để tung lên chỗ Đức Cát Nghĩa Như Lai.
Lúc ấy, trời vừa sáng, vua Át Chân Vô đã nghe trong cung của thái tử tiếng khóc của các thể nữ vang ra, vội vàng đi đến hỏi lý do. Các thể nữ tâu vua:
-Chúng thần không thấy thái tử Đức Quang, không biết là thái tử đang ở đâu.
Vua Át Chân Vô nghe tâu như thế liền ngã quỵ xuống đất, cùng muôn ngàn người đều khóc lóc thảm thiết. Lúc ấy, vị thần giữ thành đi đến nội cung, bảo vua Át Chân Vô:
-Đại vương chớ nên ưu sầu, thái tử đã đi về hướng Đông để gặp Đức Cát Nghĩa Như Lai, quỳ gối đảnh lễ vâng thọ lời dạy của Ngài.
Vua Át Chân Vô nghe tiếng vị thần nói, bèn cùng các đại thần, đám quyến thuộc và thể nữ trong hậu cung, cùng với tám mươi bốn ức na-do-tha-trăm ngàn người, đi ra hướng Đông, đến chỗ Đức Như Lai Cát Nghĩa đảnh lễ nơi chân Ngài rồi đứng qua một bên.
Này Lại-tra-hòa-la, Đức Như Lai Cát Nghĩa biết tâm ý của quốc vương Át Chân Vô, tùy theo đó mà thuyết pháp, làm cho tất cả hội chúng đều được pháp Bất thoái chuyển nơi đạo Vô thượng Chánh chân.
Thái tử Đức Quang bạch Đức Phật Cát Nghĩa:
-Cúi xin Ngài nhận bữa cơm thanh tịnh của con dâng cúng.
Đức Phật yên lặng nhận lời.
Thái tử Đức Quang thưa với cha mẹ và các thân bằng quyến thuộc:
-Xin quý vị hỗ trợ cho con, dùng anh lạc trang trí nơi các thành quách, cung điện để dâng cúng Đức Như Lai, không nên có tâm tham tiếc, bỏn sẻn.
Ngay khi ấy mọi người đều đồng lòng khuyên trợ để Thái tử bố thí rộng rãi.
Lúc ấy vua, thái tử Đức Quang và quyến thuộc đem anh lạc trang trí nơi cung điện, thành quách, tâm không còn tham tiếc, rồi cùng nhau dâng cúng Đức Như Lai Cát Nghĩa. Mỗi ngày họ làm năm trăm món ăn để cúng dường Đức Phật và chúng Tỹ-kheo Tăng, lại dùng gỗ thơm Chiên-đàn đỏ và bảy báu làm phòng thất cho các thầy Tỳ-kheo ở, dùng Ma-ni làm chỗ kinh hành ở phía trên dùng châu báu làm màn trướng giăng bày khắp. Các nơi đều có cây hoa thẳng hàng, mỗi bên có ao tắm, trong ao có hoa Ưu-bát, dọc hai bên bờ đều sạch sẽ thanh tịnh. Hoa ưu-bát ấy có trăm ngàn cánh được bày trăm ngàn tòa, mỗi thầy Tỳ-kheo đều có tòa ngồi đầy đủ.
Thái tử Đức Quang khiến cho các thầy Tỳ-kheo không còn lo về y phục, cũng không còn nghĩ đến các thầy Tỳ-kheo khác riêng được y phục.
Như thế, trong hàng ức năm thái tử chưa từng ham việc ngủ nghỉ, không nhớ tới ái dục, không tiếc đến thân mạng của mình. Thái tử đã cúng dường Đức Phật cũng với tinh thần vô niệm như thế.
Khi ấy, thái tử Đức Quang chưa từng có sự nghĩ tưởng về dục vọng cũng như những sự tranh chấp tà vạy, không có tâm tổn hại, không tham đắm về đất nước, ngôi vị, không yêu tiếc bất cứ việc gì, nội thân và ngoại thân đều không vướng mắc. Bấy giờ, thái tử lắng nghe Đức Phật thuyết pháp, thọ trì tất cả lời Phật dạy, không phải hỏi lại Đức Như Lai. Ban đầu thái tử không tắm gội, cũng không rửa chân, cũng chẳng dùng hương thơm xoa thân, không có ý mỏi mệt và chưa từng ngồi xuống, ngoại trừ những lúc thọ thực.
Sau khi Đức Như Lai Cát Nghĩa nhập Niết-bàn, thái tử dùng gỗ Chiên-đàn đỏ để xây dựng chùa tháp, cúng dường trong trăm ngàn năm. Ở nơi hỏa táng Đức Như Lai, thái tử đem tất cả những loại hoa và hương như hương bột, hương tạp trong thiên hạ cùng các thứ kỹ nhạc để cúng dường Phật. Lại xây chín mươi bốn ức cái tháp, đều dùng bảy báu và các vật quý giá để làm cờ phướng, lọng báu che trên tháp. Lại dùng năm trăm ức lọng báu bằng bảy báu, trăm ngàn thứ kỹ nhạc cùng tất cả những hoa, cây quý nhất nơi cõi Diêm-phù-lợi để cúng dường nơi các tháp. Ở trước mỗi tháp, luôn đốt trăm ngàn ngọn đèn, mỗi một ngọn đèn đốt đều dùng loại dầu quý, lại rưới tất cả các loại hoa thơm, đầy đủ tất cả các vật quý như thế để cúng dường trong một ức năm.
Sau đó, thái tử Đức Quang từ bỏ gia đình đi học đạo làm Sa-môn, mặc ba pháp y, thường đi khất thực, không dự vào thế sự, cũng không ngủ nghỉ, không còn lệ thuộc về ăn mặc. Trong suốt bôn ức năm thường ban bố giáo pháp, chưa từng chấp có ngã, cũng không nghi ngờ về người khác, huống gì là mong sự cúng dường, cũng không nói đến sinh tử. Thái tử thuyết pháp cho mọi người nhưng không khuyên họ tu tập để sinh lên cõi trời. Ngài học theo hạnh như thế rồi, truyền trao giáo pháp cho tất cả và quyến thuộc ở trong cung, khiến họ trở thành Sa-môn.
Này Lại-tra-hòa-la, bấy giờ chư Thiên cõi trời Tịnh cư suy nghĩ: “Thái tử Đức Quang đã giáo hóa tất cả mọi người trở thành Sa-môn, nay chúng ta phải thực hiện việc cúng dường Tam bảo, nhờ đấy Tam bảo được tồn tại, không bị đoạn tuyệt”
Sau khi Đức Như Lai Cát Nghĩa nhập Niết-bàn rồi, giáo pháp của Ngài trụ ở đời cho đến sáu mươi bốn ức năm, tất cả đều do Tỳ- kheo Đức Quang ủng hộ. Như thế thái tử Đức Quang đã cúng dường chín mươi bốn ức ức trăm ngàn Đức Phật.
Này Lại-tra-hòa-la, ông có biết quốc vương Át Chân Vô lúc bấy giờ là ai không?
-Bạch Đức Thế Tôn, không biết.
-Chính là Như Lai Vô Lượng Thọ. Ông có biết thái tử Đức Quang lúc ấy là ai không?
-Bạch Đức Thế Tôn, không biết.
-Chính là Ta. Vị thần trong thành lúc ấy nay là Như Lai Vô Nộ Giác.
Này Lại-tra-hòa-la, thế nên Đại sĩ Bồ-tát muốn được đạo Vô thượng Chánh chân Tối chánh giác, cần phải học hạnh của thái tử Đức Quang chỉ dạy về sự tịch tĩnh, xả bỏ ân ái, không sống buông lung. Khi ta cầu đạo Vô thượng Chánh chân, đã tinh tấn theo khổ hạnh mới được như thế. Hạng người vô hạnh chi biết tham đắm y phục, thực phẩm, sầu lo không dứt, thọ dụng sự cúng dường, tự xa pháp Phật, sở học vô ích, làm rối loạn Sa-môn, phá hoại pháp Bồ-tát, buông lung thân, khẩu, ý, dối tạo thệ nguyện, bỏ đi bản hạnh của mình, tham y phục, giường chõng, nệm ngồi và thuốc thang trị bệnh, không có tâm xấu hổ, không thích chánh hạnh và pháp vô thường, không phụng trì giáo pháp, xa lìa hạnh Phật. Đối với đạo, tự ý buông bỏ, không ưa hạnh giải thoát.
Này Lại-tra-hòa-la, thế nên đã nghe được giáo pháp này cần phải học cho rốt ráo, xa lìa ác tri thức, không sống theo người vô hạnh, dứt bỏ các tham dục.
Đức Phật thuyết kệ:
Người học đạo, tham ăn, tham lợi
Tức là chẳng ưa hạnh thập lực
Bỏ đi trăm đức lời Phật dạy
Vì lợi cúng dường đọa nhà người
Cang cường tệ ác, không hổ thẹn
Buông lung sa đọa các chỗ tham
Nên phiền não đọa hạnh tà
Liền tự cho rằng ta đức hạnh
Thong thả nhàn cư dạo khắp thành
Lợi cúng dường nên làm quấy,
Xa lìa giải thoát, chốn Không môn
Thế nên hãy lìa bỏ các nghiệp
Ví không kính Phật và chánh pháp
Viễn ly Tăng chúng nhiều công đức
Đánh mất đường lành, đọa ba ác
Làm mất tám trăm các hạnh cao.
Nếu nghe người thuyết về kinh pháp
Tinh tấn lắng lòng với định tâm
Vô số kiếp ức Phật khó gặp
Phải nên tu tập đúng pháp hành.
Người nào nới được Đại thừa Phật
Nhớ nghĩ gẫm suy nghĩ công đức
Nhớ rồi ghỉ khắc trụ nhất tâm
Đạt đạo an lành đạt vô ngại
Lập hạnh Thánh hiền tu quán đức
Ý nghĩa nhàm chán tự chế tâm.
Các ngươi không được bỏ pháp thiện
Sẽ đọa năm đường như người si
Sống tịch tĩnh và thường tinh tấn
Chớ tự khinh, chớ xem thường người
Biết trách mình, tâm thường an tịnh
Ta làm theo ức người Phật dạy
Ý chất phác, thân mình không tiếc
Pháp hạnh này tốn kính tinh cần
Những điều này Ta thường thuyết dạy.
Đạo mầu dễ gặp nếu hành thâm
Người nghe pháp ấy ưa Đại thừa
Không thể tinh tấn, không ưa nghe
Người mà có trí thích lời này
Oán kết ác tà sau dứt sạch.
Này Lại-tra-hòa-la, nếu có vị Bồ-tát thực hành năm Độ vô cực, thì không bằng học tập trì tụng theo lời dạy của kinh này, công đức của vị Bồ-tát đó không bằng một phần trăm người học tập kinh này.
Khi Đức Phật thuyết kinh giảng này có ba mươi ức trời, người phát ý đạo Vô Tthượng Chánh chân, đều lập được quả vị Bất thoái chuyển. Có bảy ngàn thầy Tỳ-kheo được lậu tận ý giải, đắc vô sinh nhẫn.
Hiền giả Lại-tra-hòa-la bạch Đức Phật:
-Kinh này đặt tên là gì? Thực hành như thế nào?
Đức Phật bảo Lại-tra-hòa-la:
-Kinh này đặt tên là “Ly Si Nguyện Hạnh Thanh Tịnh”. Hãy học tập và trì tụng đúng như Bồ-tát đã hành, chắc chắn là đầy đủ các nghĩa về Bồ-tát hạnh.
Đức Phật dạy như thế, Lại-tra-hòa-la, chư Thiên, dân chúng, Rồng, Quỷ, Thần... trong thế gian rất hoan hỷ, đến trước Đức Phật đảnh lễ và lui ra.

« Kinh này có tổng cộng 1 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Vầng sáng từ phương Đông


Hát lên lời thương yêu


Chuyện Vãng Sanh - Tập 3


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Thượng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.101.95 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập