Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 16 »»

Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 16


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.59 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.75 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Tăng Nhất A Hàm

Kinh này có 51 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 |
Việt dịch: Thích Đức Thắng

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

KINH SỐ 6
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các tỳ-kheo:
“Trong mười lăm ngày, có ba pháp trai[175]. Những gì là ba? Ngày mồng tám, ngày mười bốn và, ngày mười lăm.[176] Tỳ-kheo nên biết, hoặc có khi vào ngày trai ngày mồng tám, Tứ thiên vương sai các vị phụ thần xem xét thế gian, có những ai làm lành, làm ác; những chúng sanh nào từ hiếu với cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn, cùng tôn trưởng; những chúng sanh nào vui thích bố thí, tu giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, diễn rộng nghĩa kinh, trì bát quan trai; thảy đều phân biệt đầy đủ. Hay nếu không có chúng sanh nào hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, cùng sư trưởng, lúc đó phụ thần bạch Tứ thiên vương, ‘Hiện tại thế gian này không có chúng sanh hiếu thuận với cha mẹ, sa-môn, đạo sĩ, hành bốn vô lượng tâm,[177] thương xót chúng sanh.’ Tứ thiên vương sau khi nghe rồi, trong lòng [624c01] sầu ưu, buồn bã, không vui. Bấy giờ, Tứ thiên vương đi đến giảng đường Tập thiện pháp[178] trên trời Đao-lợi,[179] đem nhân duyên này trình bày hết cho Đế Thích, ‘Thiên Đế nên biết, hiện nay thế gian này không có chúng sanh nào hiếu thuận với cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn, cùng tôn trưởng.’ Bấy giờ, Đế Thích, trời Tam thập tam, nghe những lời này rồi, trong lòng sầu ưu, buồn bã, không vui, vì chúng chư Thiên sẽ giảm, chúng A-tu-la sẽ tăng.
“Hoặc giả, lại có khi chúng sanh thế gian có người hiếu thuận cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn, cùng tôn trưởng; thọ trì bát quan trai, tu đức thanh tịnh, không phạm mảy may vào giới cấm lớn. Bấy giờ sứ giả sẽ vui mừng phấn khởi, không tự chế được, bạch Tứ thiên vương, ‘Hiện nay, thế gian này, có nhiều chúng sanh hiếu thuận với cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn, cùng tôn trưởng.’ Thiên vương nghe rồi rất lấy làm vui mừng, liền đến chỗ Thích Đề-hoàn Nhân, đen nhân duyên này bạch Đế Thích, ‘Thiên Đế nên biết, hiện nay thế gian này có nhiều chúng sanh hiếu thuận với cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn, cùng tôn trưởng.’ Bấy giờ, Đế Thích, trời Tam thập tam, thảy đều vui mừng, không tự chế được, vì chúng chư Thiên sẽ tăng trưởng, chúng A-tu-la sẽ tổn giảm. Mọi đánh khảo địa ngục tự nhiên đình chỉ, khổ độc không thi hành.
“Nếu là ngày mười bốn, ngày trai. Thái tử được sai xuống quan sát thiên hạ, dò xét nhân dân thi hành thiện ác; có chúng sanh tin Phật, tin Pháp, tin Tỳ-kheo Tăng, hiếu thuận cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn, cùng tôn trưởng; có ưa thích bố thí thọ trì bát quan trai, đóng bít lục tình, phòng chế ngũ dục hay không? Nếu không có chúng sanh nào tu theo chánh pháp, hiếu thuận cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn, bấy giờ Thái tử bạch Tứ thiên vương. Tứ thiên vương nghe rồi, trong lòng sầu ưu, buồn bã, không vui; đi đến chỗ Thích Đề-hoàn Nhân, đem nhân duyên này bạch đầy đủ Thiên Đế, ‘Đại vương nên biết, hiện nay thế gian này không có chúng sanh nào hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, cùng tôn trưởng.’ Bấy giờ, Thiên Đế, Tam thập tam, thảy đều trong lòng sầu ưu, buồn bã, không vui, vì chúng chư Thiên sẽ giảm, chúng A-tu-la sẽ tăng.
“Hoặc giả, lại có khi, có chúng sanh hiếu thuận cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn, cùng tôn trưởng, thọ trì bát quan trai, bấy giờ, thái tử vui mừng phấn khởi, không thể tự kiềm được liền đến bạch Tứ thiên vương, ‘Đại vương nên biết, hiện nay thế gian này có nhiều chúng sanh hiếu thuận cha [625a01] mẹ, sa-môn, bà-la-môn, cùng các tôn trưởng.’ Tứ thiên vương sau khi nghe những lời này rất lấy làm vui mừng, liền đến chỗ Thích Đề-hoàn Nhân, đem nhân duyên này bạch đầy đủ cho Thiên Đế, ‘Thánh vương nên biết, hiện nay thế gian này có nhiều chúng sanh hiếu thuận cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn, cùng các tôn trưởng, thọ trì tam tự qui, từ tâm, can gián, thành tín, không dối trá.’ Lúc bấy giờ, Thiên Đế, Tứ thiên vương cùng Trời Tam thập tam đều mừng vui, không thể tự kiềm được, vì chúng chư Thiên sẽ tăng ích, chúng A-tu-la sẽ tổn giảm.
“Tỳ-kheo nên biết, ngày mười lăm, thời thuyết giới,[180] đích thân Tứ thiên vương xuống xem xét khắp thiên hạ, dò xét người dân, những chúng sanh nào hiếu thuận cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn cùng các tôn trưởng, ưa thích bố thí, trì bát quan trai, trai pháp của Như Lai. Nếu không có chúng sanh nào hiếu thuận với cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn, cùng tôn trưởng, bấy giờ Tứ thiên vương, trong lòng sầu ưu, buồn bã, không vui, đến chỗ Đế Thích, đem nhân duyên này bạch đầy đủ với Thiên Đế, ‘Đại vương nên biết, hiện nay trong thế gian này, không có chúng sanh nào hiếu thuận với cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, cùng các tôn trưởng.’ Thích Đề-hoàn Nhân, trời Tam thập tam, thảy đều trong lòng sầu ưu, buồn bã, không vui, vì chúng chư Thiên sẽ giảm, chúng A-tu-la sẽ tăng trưởng.
“Hoặc giả, vào lúc ấy nếu có chúng sanh hiếu thuận với cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn, cùng các tôn trưởng, thọ trì bát quan trai, bấy giờ Tứ thiên vương lại vui mừng phấn khởi, không thể tự chế được, liền đến chỗ Đế Thích đem nhân duyên này bạch đầy đủ với Thiên Đế, ‘Đại vương nên biết, hiện nay trong thế gian này có nhiều chúng sanh hiếu thuận cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn, cùng các tôn trưởng.’ Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân, trời Tam thập tam, cùng Tứ thiên vương đều mừng vui, phấn khởi, không thể tự kiềm được, vì chúng chư Thiên sẽ tăng ích, chúng A-tu-la sẽ tổn giảm.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các tỳ-kheo:
“Ngày mười lăm, trì pháp bát quan trai như thế nào?”
Các tỳ-kheo bạch Thế Tôn rằng:
“Như Lai là vua các pháp, là ấn của các pháp. Nguyện xin Thế Tôn nên vì các tỳ-kheo mà giảng rộng nghĩa này. Các tỳ-kheo nghe xong sẽ phụng hành.”
Thế Tôn bảo rằng:
“Hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ! Ta sẽ phân biệt nói đầy đủ cho các ngươi nghe.
“Ở đây, này Tỳ-kheo, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào vào ngày mười bốn, mười lăm trong tháng, là ngày trì trai thuyết giới, đến [625b01] giữa bốn bộ chúng[181] mà nói như vầy, ‘Hôm nay là ngày trai, tôi muốn trì pháp bát quan trai.[182] Nguyện xin Tôn giả vì con mà thuyết giới.’ Bấy giờ chúng bốn bộ nên dạy cho người đó pháp bát quan trai. Trước hết nên bảo người đó nói như vầy, ‘Này thiện nam tử, hãy tự xưng tên họ.’ Người kia đã xưng tên họ rồi, nên trao cho pháp bát quan trai. Bấy giờ, vị giáo thọ nên dạy người trước đó nói như vầy: ‘Nay con vâng giữ trai pháp của Như Lai cho đến sáng sớm ngày mai, tu giới thanh tịnh, trừ bỏ pháp ác. Nếu thân làm ác, miệng thốt ra lời ác, ý sanh niệm ác; thân ba, miệng bốn, ý ba; các điều ác đã làm, sẽ làm, hoặc vì tham dục mà tạo, hoặc vì sân nhuế mà tạo, hoặc vì ngu si mà tạo, hoặc vì hào tộc mà tạo, hoặc vì nhân ác tri thức mà tạo, hoặc thân này, thân sau vô số thân, hoặc không hiểu Phật, không hiểu Pháp, hoặc gây đấu loạn giữa các Tỳ-kheo Tăng, hoặc sát hại cha mẹ, chư tôn sư trưởng; nay con sám hối, không tự che dấu. Nương giới, nương pháp mà thành tựu giới hạnh của mình, thọ trì pháp bát quan trai của Như Lai.
“Những gì là pháp bát quan trai? Thọ trì tâm, như Chơn nhân,[183] trọn đời không sát,[184] không có tâm hại, có tâm từ đối với chúng sanh; nay con tên là … trì trai cho đến sáng sớm ngày mai không sát, không có tâm hại, có tâm từ đối với tất cả chúng sanh.
“‘Như A-la-hán không có tà niệm,[185] trọn đời không trộm cắp, ham thích bố thí. Nay con tên là… trì trai cho đến sáng sớm ngày mai [186] không trộm cắp, từ nay đến ngày mai.
“‘Thọ trì tâm, như Chân nhân trọn đời[187] không dâm dật,[188] không có tà niệm, thường tu phạm hạnh, thân thể thơm khiết; con [189] hôm nay trì giới không dâm, cũng không nghĩ đến vợ mình, lại cũng không nghĩ tưởng đến người nữ khác, cho đến sáng sớm ngày mai, không xúc phạm.
“‘Như A-la-hán suốt đời không nói dối, luôn biết thành thật, không dối người; con* từ nay đến ngày mai không nói dối. Con từ nay trờ về sau[190] không nói dối nữa.
“‘Như A-la-hán trọn đời[191] không uống rượu, tâm ý không loạn, thọ trì cấm giới của Phật không điều nào xúc phạm; nay con cũng như vậy, từ nay cho đến sáng mai không uống rượu, thọ trì giới cấm của Phật không xúc phạm.
“‘Như A-la-hán trọn đời không hoại trai pháp,[192] hằng [625c01] ăn đúng thời, ăn ít biết đủ, không đắm trước mùi vị, nay con cũng như vậy, nguyện (trọn đời)[193] không hoại trai pháp, hằng ăn đúng thời, ăn ít biết đủ, không đắm trước mùi vị. Từ ngày nay đến sáng mai không xúc phạm.
“‘Như A-la-hán (trọn đời)* hằng không ngồi trên giường cao rộng. (Giường cao rộng là giường vàng, bạc, ngà voi, hoặc giường sừng tòa của Phật, tòa của Bích-chi-phật, tòa của A-la-hán, toà của các tông sư. A-la-hán không ngồi trên tám loại toà này);[194] con cũng không phạm ngồi vào chỗ ngồi này.[195]
“‘Như A-la-hán (trọn đời) không đeo hương hoa, trang điểm phấn sáp; nay con cũng như vậy, nguyện một ngày một đêm[196] không đeo hương hoa, phấn sáp tốt đẹp.[197]
“‘Nay con tên là … lìa tám việc này, nguyện trì pháp bát quan trai, không đọa vào ba đường dữ; nhờ công đức này mà không vào trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, và tám nạn; thường được thiện tri thức, không tùng sự ác tri thức; thường được sinh vào nhà cha mẹ tốt lành, không sinh vào nơi biên địa không Phật pháp, không sinh lên trời Trường thọ, không làm nô tỳ cho người, không làm Phạm thiên, không làm thân Đế Thích, cũng không làm Chuyển luân Thánh vương; thường sinh trước Phật, tự mình thấy Phật, tự mình nghe pháp khiến các căn không loạn. Nếu con thề nguyện hướng đến ba thừa tu hành, thì mong sẽ chóng thành đạo quả.’
“Tỳ-kheo nên biết, nếu có ưu-bà-tắc, ưu-bà-di nào trì pháp bát quan trai này, thiện nam tử, thiên nữ nhân đó sẽ hướng đến ba đường, hoặc sinh vào cõi người, hoặc sinh lên trời, hoặc bát-niết-bàn.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này.
Không sát, cũng không trộm,
Không dâm, không nói dối,
Tránh rượu, xa hương hoa,
Người đắm vị phạm trai,
Ca múa cùng xướng hát,
Học La-hán, tránh xa.
Nay trì bát quan trai,
Ngày đêm không quên mất.
Không có khổ sinh tử,
Không kỳ hạn luân hồi;
Chớ tập cùng ân ái,
Cũng chớ hội oán tắng.
Nguyện diệt khổ năm uẩn,
Các bệnh não sinh tử.
Niết-bàn không các hoạn,
Nay Ta tự quay về.
“Cho nên, này tỳ-kheo, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào, muốn trì bát quan trai, lìa các khổ, được chỗ lành; muốn diệt tận các lậu [626a01], vào thành Niết-bàn, phải tìm cầu phương tiện thành tựu pháp bát quan trai này. Vì sao vậy? Vinh vị ở cõi người không đủ làm cao quí, mà khoái lạc trên trời thì không thể kể xiết. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào muốn cầu phước vô thượng, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu pháp bát quan trai này. Nay Ta răn dạy lại các ngươi, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào thành tựu bát quan trai, mà muốn cầu sinh lên cõi trời Tứ thiên vương, cũng sẽ đạt được nguyện này. Những gì mà người trì giới kia ước nguyện đều được như nguyện. Vì vậy nên Ta nói nghĩa này. Vinh vị cõi người không đủ làm cao quí. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào, trì bát quan trai, thân hoại mạng chung sẽ sinh cõi lành, trên trời, hoặc sinh Diễm thiên, Đâu-suất thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên, trọn không hư dối. Vì sao vậy? Những gì mà người trì giới kia ước nguyện đều được như nguyện.
“Các tỳ-kheo, nay Ta nhắc lại cho các ngươi, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào trì bát quan trai, cũng thành tựu sở nguyện của mình sẽ sinh về các cõi trời Dục giới, sinh về các cõi trời Sắc giới. Vì sao như vậy? Những gì mà người trì giới kia ước nguyện đều được như nguyện.
“Lại nữa, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào trì bát quan trai mà muốn sinh về các cõi trời Vô sắc, cũng được kết quả như sở nguyện kia .
“Tỳ-kheo nên biết, nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào trì bát quan trai, muốn sinh vào nhà bốn chủng tánh, lại cũng được sinh.
“Lại, thiện nam tử, thiện nữ nhân nào trì bát quan trai, muốn cầu làm thiên tử một phương, thiên tử hai phương, ba phương, bốn phương thì cũng được như sở nguyện kia. Muốn cầu làm Chuyển luân Thánh vương cũng được như sở nguyện kia. Vì sao vậy? Những gì mà người trì giới kia ước nguyện đều được như nguyện.
“Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào muốn cầu thành Thanh văn, Duyên giác, Phật thừa, ắt sẽ thành tựu sở nguyện. Nay Ta thành Phật là nhờ trì giới kia. Năm giới, mười thiện, không nguyện nào là không được.
“Các tỳ-kheo, nếu muốn thành đạo kia, hãy học điều này.”
Bấy giờ các tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 7[198]
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá-vệ.
Bấy giớ Thế Tôn bảo các tỳ-kheo:
“Có ba sự hiện tiền,[199] khi ấy thiện nam tử, thiện nữ nhân được phước vô lượng. Những gì là ba? Tín hiện tiền, khi ấy thiện nam tử, thiện nữ nhân được phước vô lượng. Tài[200] hiện tiền, khi ấy thiện nam tử, thiện nữ nhân được phước vô lượng. Nếu [626b01] trì phạm hạnh hiện tiền,[201] khi ấy thiện nam tử, thiện nữ nhân được phước vô lượng. Đó gọi là, này Tỳ-kheo, có ba sự hiện tiền thì được phước vô lượng.”
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ này:
Tín, tài, phạm khó được,
Người thọ, người trì giới;
Biết ba sự này rồi,
Người trí tùy thời thí.
Luôn luôn được an ổn,
Chư thiên thường nâng đỡ;
Nơi đó tự an trú
Ngũ dục không đủ chán.
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, thiện nam tử, thiện nữ nhân nào, hãy tìm cầu phương tiện để thành tựu ba pháp này. Này các tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy”.
Các tỳ-kheo sau khi nghe nhữ gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 8[202]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại vườn Cù-sư-la,[203] thành Câu-thâm[204]. Bấy giờ, tỳ-kheo Câu-thâm thường ưa tranh tụng, phạm các ác hành. Mỗi khi đối diện bàn cãi, hoặc có lúc dùng dao gậy gia hại nhau.[205] Bấy giờ, vào lúc sáng sớm, đức Thế Tôn đến chỗ các tỳ-kheo kia. Đến nơi đó, Thế Tôn bảo các tỳ-kheo kia:
“Này các tỳ-kheo, cẩn thận chớ tranh tụng, chớ nói chuyện thị phi, mà nên cùng hòa hợp nhau. Cùng một thầy học, đồng nhất như nước với sữa, tại sao lại tranh tụng?”
Bấy giò tỳ-kheo Câu-thâm bạch Thế Tôn rằng:
“Cúi xin Thế Tôn chớ lo việc này. Chúng con sẽ tự tư duy về lý này. Theo như lỗi lầm này, chúng con tự biết tội của nó.”
Thế Tôn bảo:
“Thế nào, các ngươi vì dòng họ Vua mà hành đạo, vì sợ hãi mà hành đạo, hay vì đời sống thiếu thốn mà hành đạo?”
Các tỳ-kheo đáp:
“Không phải vậy, bạch Thế Tôn.”
Thế Tôn bảo:
“Thế nào tỳ-kheo, các ngươi há chẳng phải vì muốn lìa sinh tử, cầu đạo vô vi, nên hành đạo đó sao? Song thân năm uẩn thật không thể bảo toàn.”
Các tỳ-kheo đáp:
“Thật vậy, bạch Thế Tôn, như lời dạy của Thế Tôn. Chúng con là những thiện gia nam tử xuất gia học đạo là vì lý do cầu đạo vô vi, diệt thân năm uản, nên học đạo.”
Thế Tôn bảo:
“Các tỳ-kheo, không nên hành đạo mà lại đi đấu tranh, đấm đá lẫn nhau, gặp mặt nhau là buông lời thị phi, xấu ác với nhau. Các ngươi cần phải thành tựu hạnh này. Cùng đồng một pháp, cùng theo một thầy, cũng nên thực hành sáu pháp tôn trọng[206] này, cũng nên thực hành thân, khẩu, ý hành này, cũng nên thực hiện việc cúng dường[207] các vị phạm hạnh.”
Các tỳ-kheo [626c01] đáp rằng:
“Đây là việc của chúng con, không đáng cho Thế Tôn lo lắng việc này.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các tỳ-kheo Câu-thâm:
“Thế nào, những người ngu, các ngươi không tin những lời của Như Lai sao mà nói Như Lai chớ lo việc này? Các ngươi sẽ tự nhận báo ứng về tà kiến này.”
Bấy giờ Thế Tôn lại bảo các tỳ-kheo kia rằng:
“Về quá khứ xa xưa, trong thành Xá-vệ này, có Vua tên là Trường Thọ,[208] thông minh trí tuệ, không việc gì không biết. Tuy thiện nghệ về môn đao kiếm nhưng lại thiếu bảo vật, các kho không đầy, tài sản sa sút, binh bốn bộ lại cũng không nhiều, thuộc hạ quần thần phò tá lại cũng ít oi.
“Vào lúc bấy giờ, nước Ba-la-nại, có vua tên là Phạm-ma-đạt,[209] dũng mãnh kiên cường, không đâu không hàng phục. Tiền của bảy báu đều đầy kho. Binh bốn bộ lại cũng không thiếu. Quần thần phò tá đầy đủ. Bấy giờ vua Phạm-ma-đạt nghĩ thầm: ‘Vua Trường Thọ này không có quần thần phò tá, lại thiếu của cải, không có trân báu. Nay ta có thể đến chinh phạt nước này.’
“Rồi vua Phạm-ma-đạt liền hưng binh đến chinh phạt nước kia. Vua Trường Thọ nghe việc hưng binh chinh phạt nước mình liền thiết lập phương kế: ‘Nay tuy ta không có của cải bảy báu, thuộc hạ quần thần phò tá, binh bốn bộ. Vua kia tuy có nhiều binh chúng. Hôm nay theo sức một mình ta cũng đủ để tiêu diệt trăm nghìn binh chúng kia. Nhưng sát hại chúng sanh vô số kể, không thể vì vinh quang một đời mà tạo tội muôn đời. Nay ta có thể ra khỏi thành này, lánh tại nước khác để không xảy ra đấu tranh.’
“Bấy giờ vua Trường Thọ không nói với quần thần, đem Đệ nhất phu phân, cùng một người nữa, ra khỏi thành Xá-vệ, vào trong núi sâu. Lúc này quần thần phò tá, nhân dân trong thành Xá-vệ, vì không thấy vua Trường Thọ, liền sai tín sứ đến chỗ vua Phạm-ma-đạt nói như vầy: ‘Cúi xin đại vương đến đất nước này. Hiện tại vua Trường Thọ không biết ở đâu.’ Bấy giờ vua Phạm-ma-đạt đến nước Ca-thi cai trị. Vua Trường Thọ có hai phu phân, đều mang thai sắp đến ngày sinh. Khi ấy phu phân nằm mộng thấy sinh giữa đô thị. Lại thấy, vào lúc mặt trời mới mọc, binh bốn bộ tay cầm đao năm thước đứng vây quanh. Chỉ sinh một mình, không người giúp đỡ. Thấy vậy, bà giật mình thức giấc, đem nhân duyên này tâu với vua Trường Thọ. Vua bảo phu phân rằng, ‘Chúng ta [627a01] nay đang ở trong rừng sâu này, vì đâu mà bảo là sinh tại giữa đô thị trong thành Xá-vệ? Nay phu phân mà sắp sinh thì phải sinh như nai.
“Lúc ấy phu phân nói. ‘Nếu tôi không được sinh như vậy, thì chắc tôi phải chết.’
“Khi vua Trường Thọ nghe những lời này, ngay trong đêm đó đổi y phục, không đem theo người nào, đi vào thành Xá-vệ. Vua Trường Thọ có một đại thần tên là Thiện Hoa,[210] vốn rất thương mến nhau. Ông này nhân có chút việc ra khỏi thành, gặp vua Trường Thọ đang đi vào thành. Đại thần nhìn sững vua, liền bỏ đi, than thở rơi lệ, rồi cứ theo đường mà đi. Vua Trường Thọ đuổi theo đại thần kia, đến chỗ vắng nói rằng: ‘Xin cẩn thận chớ nói ra.’
Đại thần đáp. ‘Sẽ theo như lời dạy của Đại vương. Không hiểu Minh vương có điều chi dạy bảo không.’
“Vua Trường Thọ nói, ‘Nếu ông nhớ ơn xưa của ta thì nên đền trả.’
“Đại thần đáp, ‘Đại vương có ra lệnh, thần sẽ lo liệu xong.’
“Vua Trường Thọ nói, ‘Đêm qua, Phu nhân của ta nằm mộng thấy sinh giữa đô thị, lại có binh bốn bộ vây quanh; sinh ra một nam nhi rất là xinh đẹp. Nếu như không sinh theo mộng thì trong vòng bảy ngày sẽ chết.’
“Đại thần đáp, ‘Thần có thể lo việc này, theo như lời dạy của vua.’
“Nói lời này xong, mỗi người đi mỗi đường.
“Sau đó, đại thần liền đến chỗ vua Phạm-ma-đạt, tâu như vầy, ‘Trong vòng bảy ngày, ý tôi muốn xem qua quân lính tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh của đại vương, để biết là nhiều ít.’ Vua Phạm-ma-đạt liền ra lệnh cho tả hữu, ‘Hãy hối thúc binh chúng theo lời Thiện Hoa.’
“Khi ấy, trong vòng bảy ngày, đại thần Thiện Hoa tụ tập binh chúng tại giữa đô thị Xá-vệ. Trong vòng bảy ngày phu phân kia đến ở giữa đô thị. Khi đại thần Thiện Hoa từ xa nhìn thấy phu phân lại liền nói, ‘Hãy đến đây, Hiền nữ. Nay là lúc thích hợp.’ Phu nhân sau khi thấy binh lính bốn bộ rồi, lòng sinh hoan hỷ, sai người hầu cho giăng bức màn lớn. Khi mặt trời vừa lên phu phân sinh hạ một nam nhi, đẹp đẽ vô song hiếm có trên đời. Khi phu phân ôm đứa bé trở lại trong núi, vua Trường Thọ từ xa nhìn thấy phu phân ôm đứa bé đến, liền bảo, ‘Mong con sống lâu dài, thọ mạng vô cùng.
“Phu nhân thưa vua, ‘Xin vua đặt tên cho.’
“Vua liền đặt tên Trường Sanh.[211]
“Khi [627b01] Thái tử Trường Sanh lên tám tuổi, phụ vương Trường Thọ có chút việc vào thành Xá-vệ. Bấy giờ có quan kiếp-tỷ[212] ngày xưa của vua Trường Thọ thấy vua vào thành, liền ngắm kỹ mãi từ đầu đến chân. Thấy rồi, vội đến chỗ vua Phạm-ma-đạt thưa rằng, ‘Đại vương, thật là buông lung. Vua Trường Thọ hiện nay đang ở tại thành này.’
“Bấy giờ, nhà vua nổi giận, sai kẻ tả hữu vội vã tìm bắt vua Trường Thọ. Lúc bấy giờ các đại thần tả hữu dẫn kiếp-tỷ này theo, tìm kiếm khắp đông tây. Khi kiếp-tỷ từ xa trông thấy vua Trường Tho, liền chỉ và bảo đại thần, ‘Đây là vua Trường Thọ.’ Họ liền đến bắt, dẫn tới chỗ vua Phạm-ma-đạt. Đến nơi, tâu rằng, ‘Đại vương, người này chính là vua Trường Thọ.
“Nhân dân trong nước, tất cả đều nghe biết vua Trường Thọ đã bị bắt. Bấy giờ phu phân cũng lại nghe vua Trường Thọ đã bị Phạm-ma-đạt bắt được, bà nghĩ, ‘Nay ta còn sống để làm gì? Thà cùng chết với Đại vương một lúc.’ Phu nhân liền dẫn thái tử vào thành Xá-vệ. Phu nhân bảo thái tử rằng, ‘Nay con hãy tìm chỗ sống.’
“Thái tử Trường Sanh nghe xong, im lặng không nói. Phu nhân đi thẳng đến chỗ vua Phạm-ma-đạt. Vua từ xa nhìn thấy bà đến vui mừng phấn khởi, không tự chế được, liền bảo đại thần đem phu phân này cùng vua Trường Thọ đến ngã tư đường phân thành bốn đoạn. Các đại thần vâng theo lệnh vua, đem vua Trường Thọ và phu phân trói ngược dẫn quanh thành Xá-vệ cho muôn dân thấy. Bấy giờ, nhân dân không ai là không đau lòng. Lúc đó thái tử Trường Sanh ở trong đám đông thấy cha mẹ bị đem đến chợ để giết, vẻ mặt không đổi.
“Vua Trường Thọ quay lại bảo Trường Sanh rằng, ‘Con đừng nhìn dài, cũng đừng chớ nhìn ngắn[213].’
“Sau đó nói bài kệ này:
Oán oán không dừng nghỉ,
Pháp này có từ xưa.
Không oán mới thắng oán,
Pháp này luôn bất hủ.[214]
“Bấy giờ các đại thần bảo nhau rằng, ‘Vua Trường Thọ này mê loạn quá mức rồi. Thái tử Trường Sanh là người nào mà ở trước chúng ta nói kệ này?’ Lúc ấy, vua Trường Thọ bảo quần thần rằng, ‘Ta không mê loạn. Ở đây, chỉ có người trí mới hiểu lời ta. Chư hiền nên biết, chỉ dùng sức một người như ta đủ để có thể phá tan trăm vạn người này. Nhưng ta lại nghĩ như vầy: Những chúng [27c01] sanh bị chết này khó mà tính số. Không thể vì một thân ta mà chịu tội nhiều đời. ‘Oán oán không dừng nghỉ, Pháp này có từ xưa; Không oán mới thắng oán, Pháp này luôn bất hủ.’
“Rồi quần thần kia đem vua Trường Thọ, và phu phân đến ngã tư đường phân làm bốn đoạn rồi, sau bỏ về nhà. Lúc đó thái tử Trường Sanh chờ cho đến chiều, gom góp cây cỏ, hỏa táng cha mẹ xong rồi đi.
“Bấy giờ vua Phạm-ma-đạt ở trên lầu cao, từ xa trông thấy một đứa bé hỏa táng vua Trường Thọ và phu phân. Thấy vậy sai kẻ tả hữu rằng, ‘Đây ắt là thân quyến của vua Trường Thọ. Các ngươi hãy nhanh chóng bắt về đây.’
“Các thần dân liền đến chỗ đó. Chưa đến kịp thì cậu bé đã chạy mất rồi. Bấy giờ thái tử Trường Sanh nghĩ thầm: ‘Vua Phạm-ma-đạt này giết cha mẹ ta, lại ở trong nước ta. Nay ta phải báo oán cho cha mẹ ta.’ Thái tử liền tìm đến chỗ ngươi dạy đàn. Đến nơi đó, nói như vầy, ‘Nay con muốn học đàn.’ Thầy dạy đàn hỏi, ‘Con họ gì? Cha mẹ ở đâu?’ Cậu bé đáp, ‘Con không còn cha mẹ. Con vốn ở trong thành Xá-vệ này. Cha mẹ đã mất sớm.’ Thầy dạy đàn bảo, ‘Con muốn học thì học.’
“Tỳ-kheo nên biết, bấy giờ thái tử Trường Sanh học đàn, học ca, học hát kịch. Thái tử Trường Sanh vốn có tố chất thông minh, nên chưa qua mấy ngày mà đã có thể đàn, ca, hát kịch. Không thứ gì không biết.
“Sau đó, thái tử Trường Sanh ôm đàn đến chỗ vua Phạm-ma-đạt. Khi vắng người, ở trong chuồng voi, cậu một mình đàn và cất tiếng ca trong veo. Lúc ấy vua Phạm-ma-đạt đang ngồi trên lầu cao nghe tiếng đàn ca, liền hỏi kẻ tả hữu rằng, ‘Người nào ở trong chuồng voi, đàn ca vui thú một mình vậy?’ Kẻ tả hữu tâu, ‘Ở trong thành Xá-vệ này, có một cậu bé thường đàn ca vui thú một mình.’ Vua bèn bảo quân hầu rằng, ‘Ngươi hãy khiến cậu bé này đến chơi tại đây. Ta muốn gặp nó.’ Người được sai kia vâng lời dạy của vua, đến gọi cậu bé này đến chỗ vua.
“Vua Phạm-ma-đạt hỏi cậu bé, ‘Đêm hôm qua ngươi đàn ở trong chuồng voi phải không?’ Tâu, ‘Thật vậy, Đại vương.’
“Phạm-ma-đạt hỏi, ‘Nay ngươi có thể ở bên cạnh ta, đánh đàn, ca, múa. Ta sẽ cung cấp quần áo, đồ ăn thức uống.’
“Tỳ-kheo nên biết, bấy giờ, thái tử Trường Sanh ở trước [628a01] Phạm-ma-đạt đánh đàn, ca, múa, rất là tuyệt diệu. Khi vua Phạm-ma-đạt nghe tiếng đàn này, trong lòng vô cùng hoan hỷ, liền bảo thái tử Trường Sanh, ‘Hãy giữ kho bảo vật của ta.’
“Thái tử Trường Sanh chấp hành lệnh của vua, chưa từng bị thất thoát; hằng tùy thuận ý vua, cười trước nói sau, luôn nhường ý vua. Bấy giờ vua Phạm-ma-đạt lại ra lịnh rằng, ‘Lành thay, lành thay! Hiện tại ngươi là người rất thông minh. Nay ta cho ngươi vào nội cung, coi sóc mọi thứ, được không?’
Khi thái tử Trường Sanh ở trong nội cung, đem tiếng đàn dạy cho các cung nữ, lại cũng dạy cỡi voi, cỡi ngựa, các kỹ thuật, không việc gì không biết.
“Bấy giờ, ý vua Phạm-ma-đạt muốn xuất du, dạo xem vườn rừng, cùng vui thú, liền sai thái tử Trường Sanh nhanh chóng sửa soạn xe có gắn lông chim. Thái tử Trường Sanh vâng lệnh vua, lo chuẩn bị xe có gắn lông chim, trải thảm lên voi, thắng yên cương bằng vàng bạc xong, trở lại tâu vua, ‘Đã sửa soạn xe xong, xin vua nên biết đã đến giờ.’
“Vua Phạm-ma-đạt đi xe có gắn lông chim, sai Trường Sanh điều khiển, cùng đem theo binh chúng bốn bộ. Lúc này, thái tử Trường Sanh điều khiển xe dẫn đường, luôn luôn cách ly quân chúng.
“Vua Phạm-ma-đạt hỏi thái tử Trường Sanh, ‘Hiện tại binh lính ở đâu?’
Trường Sanh tâu, ‘Thần cũng không biết quân lính ở đâu.’
“Vua bảo, ‘Hãy dừng lại một chút. Người ta mỏi mệt vô cùng; muốn dừng nghỉ một chút.’
“Thái tử Trường Sanh liền cho dừng lại để vua nghỉ ngơi trong chốc lát khi quân lính chưa đến.
“Tỳ-kheo nên biết, bấy giờ vua Phạm-ma-đạt gối đầu trên đầu gối thái tử Trường Sanh ngủ say. Thái tử Trường sanh thấy vua đang ngủ, liền nghĩ: ‘Vua này là kẻ thù lớn nhất của ta, đã bắt giết cha mẹ ta, lại còn ở trên đất nước ta. Nay mà không báo oán thì lúc nào sẽ báo? Bây giờ ta phải dứt mạng hắn.’ Thái tử Trường Sanh tay phải rút kiếm, tay trái tóm tóc vua; nhưng lại nghĩ thầm: ‘Lúc cha ta sắp lâm chung đã bảo ta rằng: Trường Sanh nên biết, đừng nhìn dài, cũng đừng nhìn ngắn. Còn nói bài kệ này:
Oán oán không dừng nghỉ,
Pháp này có từ xưa;
Không oán mới thắng oán,
Pháp này luôn bất hủ.
“‘Nay ta nên bỏ oán này.’ Rồi tra kiếm vào vỏ. Ba phen như vậy, lại tự [628b01] nghĩ: ‘Vua này là kẻ thù lớn nhất của ta, đã bắt giết cha mẹ ta, lại còn ở trên đất nước ta. Nay mà không báo oán thì lúc nào sẽ báo? Nay đúng là lúc ta phải dứt mạng hắn, mới gọi là báo oán.’ Rồi lại nhớ đến: ‘Trường Sanh, con đừng nhìn dài, cũng đừng nhìn ngắn. Phụ vương có những lời dạy này:
Oán oán không dừng nghỉ,
Pháp này có từ xưa;
Không oán mới thắng oán,
Pháp này luôn bất hủ.
“‘Nay ta hãy bỏ oán này.’ Liền tra kiếm vào vỏ. Trong khi ấy vua Phạm-ma-đạt lại mộng thấy con trai vua Trường Thọ là thái tử Trường Sanh muốn bắt mình giết, vì vậy nên kinh sợ thức giấc. Thái tử Trường Sanh thưa, ‘Đại vương! Vì sao nổi kinh sợ đến như vậy?’
“Phạm-ma-đạt nói, ‘Lúc ngủ ta mộng thấy con trai vua Trường Thọ là thái tử Trường Sanh rút kiếm muốn bắt ta giết. Cho nên ta kinh sợ!’ Bây giờ, thái tử Trường sanh nghĩ thầm: ‘Hiện tại vua này đã biết ta là thái tử Trường sanh.’ Tay phải vội rút kiếm, tay trái tóm tóc mà nói vua rằng, ‘Hiện tại, tôi chính là thái tử Trường Sanh con trai của vua Trường Thọ. Song vua là kẻ thù lớn nhất của ta, đã bắt giết cha mẹ ta, lại còn ở trên đất nước ta. Nay không báo oán thì đợi lúc nào?’
“Vua Phạm-ma-đạt liền quay qua Trường Sanh mà nói rằng, ‘Nay mạng của ta ở trong tay ngươi, xin được toàn mạng!’
“Trường Sanh đáp, ‘Tôi có thể cho vua sống. Nhưng vua không để tôi toàn mạng!’
“Vua trả lời Trường Sanh, ‘Xin tha mạng. Ta không bao giờ giết ngươi.’
“Bấy giờ Thái tử Trường Sanh cùng vua thề rằng, ‘Cả hai cùng tha mạng cho nhau, không bao giờ hại nhau.’
“Tỳ-kheo nên biết, bấy giờ Thái tử Trường Sanh liền tha mạng sống cho vua. Lúc đó vua Phạm-ma-đạt bảo Thái tử Trường Sanh rằng, ‘Xin Thái tử cùng tôi trở lại chuẩn bị xe lông chim để trở về nước.’
“Bấy giờ, Thái tử liền chuẩn bị xe lông chim, cả hai cùng ngồi trên xe về đến thành Xá-vệ. Vua Phạm-ma-đạt liền tập họp quần thần nói rằng, ‘Nếu các khanh gặp con trai vua Trường Thọ, sẽ làm gì?’
“Trong đó, hoặc có đại thần tâu rằng, ‘Sẽ chặt chân tay.’ Hoặc có vị tâu, ‘Sẽ phân thân làm ba đoạn.’ Hoặc có vị tâu, ‘Sẽ bắt giết đi.’
“Lúc đó Thái tử Trường Sanh ngồi bên cạnh vua, chánh thân, chánh ý suy nghĩ về những lời nói này. Bấy giờ, vua Phạm-ma-đạt đích thân tự tay [628c01] nắm lấy tay Thái tử nói với mọi người rằng, ‘Đây là Thái tử Trường Sanh. Con trai vua Trường Thọ, chính là người này. Các khanh không được nói lại những lời như vậy. Vì sao vậy? Vì Thái tử Trường Sanh đã tha mạng sống cho ta. Ta cũng tha mạng sống cho người này.’
“Quần thần sau khi nghe những lời này, khen là chưa từng có. Thái tử con vua này thật là kỳ đặc, đối với oán mà có thể không báo oán.
“Lúc đó vua Phạm-ma-đạt hỏi Trường sanh, ‘Đáng ra ngươi bắt ta giết. Nhưng tại sao lại tha không giết? Có nhân duyên gì? Nay xin được nghe.’
“Trường Sanh đáp, ‘Đại vương khéo lắng nghe! Khi phụ vương tôi sắp lâm chung, dặn lại rằng: Nay con chớ nhìn dài, cũng chớ nhìn ngắn. Lại dặn những lời này:
Oán oán chẳng dừng nghỉ;
Từ xưa có pháp này.
Không oán hay thắng oán;
Pháp này luôn bất tử.
“Các đại thần khi nghe những lời này của phụ vương tôi, đều bảo với nhau rằng: Vua này mê loạn nên nói lung tung. Vậy chớ Trường Sanh là người nào? Vua Trường Thọ đáp: Các khanh nên biết, trong đây có người trí sẽ rõ những lời này. Khi nhớ lại những lời này của phụ vương, cho nên tôi tha cho vua toàn mạng.’
“Vua Phạm-ma-đạt sau khi nghe những lời này rồi, lấy làm lạ lùng và khen là chưa từng có ai có thể giữ lời dạy dỗ của người cha quá cố không để trái phạm.
“Bấy giờ vua Phạm-ma-đạt nói Thái tử rằng, ‘Ý nghĩa của những lời ông nói hôm nay, ta vẫn chưa hiểu. Nay hãy nói cho ta nghĩa của chúng để ta được thông suốt.’
“Thái tử Trường Sanh đáp, ‘Đại vương khéo lắng nghe! Tôi sẽ nói. Vua Phạm-ma-đạt bắt vua Trường Thọ giết. Nếu có quần thần rất thân tín nào của vua Trường Thọ bắt vua giết, thì lại có quần thần phò tá của vua Phạm-đạt-ma cũng sẽ bắt quần thần phò tá của vua Trường Thọ mà giết. Đó gọi là oan oán không bao giờ dứt tuyệt. Muốn đoạn tuyệt oán này chỉ có người không báo oán. Vì tôi đã xét nghĩa này nên không giết vua.’
Vua Phạm-đạt-ma nghe những lời này xong, nghĩ vị vương tử này rất là thông minh, mới có thể quảng diễn được nghĩa này, nên lòng rất vui mừng hớn hở không tự chế được.
“Lúc ấy vua Phạm-đạt-ma liền hướng về vương tử sám hối tội lỗi của mình là đã bắt giết vua Trường Thọ. Sau đó cỡi lấy mũ mình đội cho Trường Sanh, rồi gả con gái và giao nước Xá-vệ cùng nhân dân lại cho Trường Sanh thống lĩnh. Vua trở về cai trị Ba-la-nại. [629a01]
“Tỳ-kheo nên biết, các nhà vua thời thượng cổ đã có pháp thường này. Tuy có sự tranh giành đất nước như vậy, nhưng vẫn còn nhẫn nhịn nhau chứ không làm tổn hại nhau. Huống chi các ngươi là Tỳ-kheo, vì lòng tin kiên cố xuất gia học đạo, xả bỏ lòng tham dục, sân nhuế, ngu si, nay lại tranh khắc nhau, không hòa thuận nhau, không ai nhịn nhau, không chịu hối cải. Này các Tỳ-kheo, căn cứ vào nhân duyên này mà biết rằng tranh cãi chẳng phải là điều nên làm. Cùng một thầy học, như nước với sữa, chớ tranh tụng nhau.”
Bấy giờ, Thế Tôn, liền nói bài kệ này:
Không tranh, cũng không cãi;
Tâm từ thương tất cả.
Tất cả không ưu hoạn:
Điều chư Phật ngợi khen.
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, cần phải tu hạnh nhẫn nhục. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Bấy giờ Tỳ-kheo Câu-thâm bạch đức Thế Tôn:
“Nguyện xin Thế Tôn chớ lo việc này. Chúng con sẽ tự phân giải sự việc này. Thế Tôn tuy có dạy những lời này. Nhưng sự việc không phải vậy.”
Thế rồi, Thế Tôn liền bỏ đi đến nước Bạt-kỳ.
Bấy giờ,[215] trong nước Bạt-kỳ có ba thiện gia nam tử là A-na-luật, Nan-đề, Kim-tỳ-la.[216] Các vị thiện gia nam tử này cùng giao ước với nhau: “Nếu ai ra đi khất thực, vị còn lại sau phải rưới nước,[217] quét đất sạch sẽ, không sót việc gì. Vị đi khất thực về sẽ chia phần cho ăn. Đủ chia thì tốt, không đủ tùy ý ăn phần mình. Cơm còn dư, đổ vào đồ đựng, rồi bỏ đó mà đi. Nếu vị nào khất thực về sau cùng, đủ ăn thì tốt, không đủ thì lấy cơm trong đồ đựng kia rồi bỏ vào bát mình mà ăn nhưng phải tự để vào bát mình. Sau đó xách bình nước đặt một nơi. Mỗi ngày phải quét sạch nhà cửa, rồi tìm nơi vắng vẻ chánh thân chánh ý buộc niệm trước mặt tư duy diệu pháp. Họ tự tuyệt đối im lặng, không nói chuyện với nhau.”
Bấy giờ, Tôn giả A-na-luật tư duy dục bất tịnh tưởng[218], có niệm, khinh an và hỷ[219] mà vào sơ thiền. Lúc đó, Nan-đề và Kim-tỳ-la biết trong tâm niệm của A-na-luật, nên cũng tư duy dục bất tịnh tưởng, có niệm, khinh an và hỷ* mà vào sơ thiền. Nếu tôn giả A-na-luật tư duy nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, bấy giờ tôn giả Nan-đề và Kim-tỳ-la cũng tư duy nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Nếu Tôn giả [629b01] A-na-luật tư duy không xứ, thức xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, tôn giả Nan-đề và Kim-tỳ-la cũng lại tư duy không xứ, thức xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ. Nếu tôn giả A-na-luật tư duy diệt tận định,[220] bấy giờ tôn giả Nan-đề và Kim-tỳ-la cũng lại tư duy diệt tận định. Như các pháp này, các hiền giả cũng tư duy như vậy.
Bấy giờ, Thế Tôn đến vườn Sư tử,[221] lúc đó người giữ vườn[222] từ xa trông thấy Thế Tôn đến, liền thưa:
“Sa-môn chớ vào trong vườn! Vì sao vậy? Vì trong vườn này có ba vị thiện gia nam tử tên là A-na-luật, Nan-đề và, Kim-tỳ-la. Hãy cẩn thận chớ quấy nhiểu họ.”
Lúc đó, tôn giả A-na-luật bằng thiên nhĩ thông[223] nghe người giữ vườn nói với Thế Tôn như vậy, không để Ngài vào vườn*, Tôn giả A-na-luật liền ra bảo người giữ cửa[224] rằng:
“Chớ ngăn! Nay Thế Tôn đến đây, là muốn đến thăm chỗ này.”
Sau đó tôn giả A-na-luật liền vào báo Kim-tỳ-la:
“Đi nhanh, Thế Tôn hiện đang ở ngoài cửa vườn.”
Bấy giờ ba tôn giả liền rời khởi tam-muội,[225] đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên. Mỗi vị tự thưa:
“Lành thay, Thế Tôn đã đến!”
Tôn giả A-na-luật đón lấy bình bát Thế Tôn. Tôn giả Nan-đề trải chỗ ngồi. Tôn giả Kim-tỳ-la lấy nước cho Thế Tôn rửa chân.
Bấy giờ Thế Tôn bảo tôn giả A-na-luật:
“Ba ngươi ở đây hòa hợp không có trái ý nhau? Khất thực có như ý không?”
A-na-luật thưa:
“Thật vậy, bạch Thế Tôn, khất thực không gì khó nhọc. Vì sao vậy? Vì khi con tư duy sơ thiền, bấy giờ Nan-đề, Kim-tỳ-la cũng tư duy sơ thiền. Nếu con tư duy nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, không xứ, thức xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, diệt tận định, lúc đó Nan-đề, Kim-tỳ-la cũng tư duy nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, không xứ, thức xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, diệt tận định. Như vậy, bạch Thế Tôn, chúng con tư duy về pháp này.”
Thế Tôn bảo:
“Lành thay, lành thay, A-na-luật! Vào lúc ấy các ngươi có đạt được pháp thượng nhân không?”
A-na-luật thưa:
“Thật vậy, thưa thế tôn, chúng con đạt được pháp thượng nhân.”
Thế Tôn bảo:
“Pháp thượng nhân là gì?”
A-na-luật thưa:
“Có pháp vi diệu này vượt lên trên pháp thượng nhân. Nếu chúng con lại rải tâm từ trải đầy khắp một phương; hai phương, ba phương, bốn phương cũng lại như vậy; bốn phía, trên dưới cũng lại như vậy; trong tất cả, mỗi mỗi đều rải tâm từ trải đầy khắp trong đó, vô số, vô hạn, không thể tính hết, mà tự an trú*. Lại rải tâm bi, tâm hỉ, tâm hộ (xả) đầy khắp một phương, hai phương, ba phương, bốn phương, và bốn phía, trên dưới mà tự an trú cũng lại như vậy. Đó gọi là, bạch Thế Tôn, chúng con đạt thêm được pháp thượng nhân nữa.”
Bấy giờ, tôn giả Nan-đề, Kim-tỳ-la nói với A-na-luật:
“Có bao giờ chúng tôi đến tôn giả để hỏi nghĩa này đâu, mà hôm nay trước Thế Tôn lại tự nói như vậy?”
Tôn giả A-na-luật đáp:
“Các Hiền giả cũng chưa bao giờ đến tôi để hỏi nghĩa này. Nhưng chư thiên đã đến chỗ tôi mà nói nghĩa này, cho nên ở trước Thế Tôn tôi nói nghĩa này vậy. Lại nữa, lâu nay tôi biết tâm ý của các Hiền giả, là các Hiền giả đã đạt được tam-muội này, nên ở trước Thế Tôn tôi nói những lời này.”
Trong lúc thuyết pháp này, đại tướng Trường Thọ đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Rồi đại tướng Trường Thọ[226] bạch Thế Tôn:
“Hôm nay có phải Thế Tôn vì các Tỳ-kheo này mà thuyết pháp?”
Lúc ấy Thế Tôn đem nhân duyên này kể lại cho đại tướng Trường Thọ. Đại tướng bạch Thế Tôn:
“Đại quốc Bạt-kỳ sớm được lợi lớn, vì có ba thiện gia nam tử A-na-luật, Nan-đề, Kim-tỳ-la này du hóa.”
Thế Tôn bảo:
“Đại tướng, thật vậy, như lời ông nói. Đại quốc Bạt-kỳ được thiện lợi. Hãy không nói đại quốc Bạt-kỳ, mà đại quốc Ma-kiệt cũng được thiện lợi mới có ba vị thiện gia nam tử này. Nếu mọi người dân trong đại quốc Ma-kiệt này mà nhớ đến ba thiện gia nam tử này, sẽ được an ổn lâu dài. Đại tướng nên biết, nếu huyện ấp, thành quách nào có ba vị thiện gia nam tử này ở trong những thành quách đó, mọi người dân sẽ được an ổn lâu dài. Nhà nào sinh ra ba vị thiện gia nam tử này cũng được lợi lớn, vì đã sinh ra người được tôn quý nhất này. Cha mẹ năm đời thân tộc của họ, nếu nhớ đến ba người này thì cũng được lợi lớn. Nếu trời, rồng, quỷ, thần nhớ đến ba thiện gia nam tử này, thì cũng được lợi lớn. Nếu có người nào khen ngợi bậc A-la-hán thì, cũng nên khen ngợi ba người này. Nếu có người nào khen ngợi người không tham dục, không ngu si, không sân nhuế thì, cũng nên khen ngợi ba người này. Nếu có người nào khen ngợi người có ruộng phước này thì, cũng nên khen ngợi ba người này. Như Ta ở trong ba A-tăng-kỳ kiếp thực hành cần khổ thành vô thượng đạo, khiến ba người này thành tựu nghĩa pháp này. Cho nên Đại tướng đối với ba thiện gia nam tử này nên khởi lòng hoan hỷ. Đại tướng, hãy học điều này như vậy.”
Đại tướng sau khi nghe những gì Thế Tôn dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 9
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các tỳ-kheo:
“Có ba kết sử trói buộc chúng sanh khiến không thể từ bờ này đến bờ kia được. Những gì là ba? Là thân tà, giới đạo, nghi.”[227]
“Thế nào gọi là kết bởi thân tà? Chấp thân có ngã, nảy sinh tưởng về tôi ta, có tưởng về chúng sanh, có mạng, có thọ, có nhân, có sĩ phu, có duyên, có trước. Đó gọi là kết bởi thân tà.
“Thế nào là kết bởi nghi? Có ngã chăng? Vô ngã chăng? Có sinh chăng? Không sinh chăng? Có ngã, nhân, thọ mạng, chăng? Không ngã, nhân, thọ mạng chăng? Có phụ mẫu chăng? Không phụ mẫu chăng? Có đời này, đời sau chăng? Không đời này, đời sau chăng? Có sa-môn, bà-la-môn chăng? Không sa-môn, bà-la-môn chăng? Đời có A-la-hán chăng? Đời không A-la-hán chăng? Có người chứng đắc chăng? Không người chứng đắc chăng? Đó gọi là kết bởi nghi.
“Thế nào là kết bởi giới đạo? Ta do giới này mà sinh vào gia đình giòng họ lớn, sinh nhà trưởng giả, sinh nhà bà-la-môn, hoặc sinh lên trời, hay trong các thần. Đó gọi là kết của giới đạo.
“Như vậy, này Tỳ-kheo, có ba kết này trói buộc chúng sanh, khiến không thể từ bờ này đến bờ kia. Giống như hai con bò cùng một ách tất không rời nhau.[228] Chúng sanh này cũng lại như vậy, bị ba kết trói chặt không thể từ bờ này đến bờ kia được.
“Thế nào là bờ này, thế nào là bờ kia? Bờ này chính là thân tà; bờ kia chính là thân tà bị diệt. Này Tỳ-kheo, đó gọi là ba kết trói buộc chúng sanh, không thể từ bờ này đến bờ kia. Cho nên, này các Tỳ-kheo, cần phải tìm cách tiêu diệt ba kết này. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 10[229]
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các tỳ-kheo:
“Có ba tam-muội này. Những gì là ba? Là Không tam-muội, Vô tướng tam-muội, Vô nguyện tam-muội.[230]
“Thế nào là Không tam-muội? Không là quán tất cả các pháp đều là không hư. Đó gọi là không tam-muội.
“Thế nào là vô tướng tam-muội? Vô tướng là đối với tất cả các pháp tất cả đều không tưởng niệm gì, cũng không có gì được thấy. Đó gọi là vô tưởng tam-muội.
“Thế nào là vô nguyện tam-muội? Vô nguyện là đối với tất cả các pháp cũng không mong cầu. Đó gọi là vô nguyện tam-muội.
“Như vậy, này các Tỳ-kheo, ai không đạt được ba tam-muội này thì ở lâu nơi sinh tử, không thể tự giác ngộ. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện đạt được tam-muội này. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt:
Tràng, Tỳ-sa, pháp vương,
Cù-mặc, thần túc hóa;
Trai giới, hiện tại tiền,
Trường Thọ, kết, tam-muội.[231]


Chú thích:
[175] Trai pháp. Pāli: uposatha. Tham chiếu, A III 36, 70 (R . 142, 207).
[176] Nếu tính thánh 30 ngày, phải kể thêm: ngày 23, 29 và 30.
[177] Bốn đẳng tâm.
[178] Tập thiện pháp giảng đường 集善法講堂. Pāli, Sudhamma-sabhā, hội trường của chư thiên Tam thập tam.
[179] Đao-lợi, dịch âm mà tiếp theo dưới dịch nghĩa là Tam thập tam.
[180] Ngày bố-tát, Tăng thuyết giới, tức tụng giới Ba-la-đề-mộc-xoa.
[181] Chúng bốn bộ 四部眾 thường chỉ gồm tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di. Nhưng ưu-bà-tắc và ưu-bà-di không truyền trai giới tám chi được. Hán văn nói theo quán tính.
[182] Bát quan trai pháp 八關齋法; hay bát chi trai, bát chi cận trụ. Cf. Trung 55, kinh 202 (T1n26, tr. 770b24): Thánh bát chi trai 聖八支齋. Pāli: aṭṭhaṅga-samannāgata-uposatha.
[183] Chơn nhơn 真人, đây chỉ A-la-hán. Văn thọ tám chi trai, xem Trung 55, dẫn trên.
[184] Văn thọ trai giới tám chi, Pāli, cf. A III 70 (R.i. 211): yāvajīvaṃ arahanto pāṇātipātaṃ pahāya (…) ahampajja imañca rattiṃ imañca divasaṃ pāṇātipātaṃ pahāya (…), như A-la-hán trọn đời đoạn trừ sát sanh (…) tôi nay cũng một ngày một đêm đoạn trừ sát sanh (…).
[185] Hán: vô hữu tà niệm 無有邪念, nghi chép dư.
[186] Bản Hán: tận hình thọ 盡形壽, trọn đời. Hán chép nhầm. Theo văn chuẩn, nên sửa lại.
[187] Bản Hán: ngã kim tận hình thọ 我今; chép dư 2 chữ ngã kim. Theo văn chuẩn, nên lược bỏ.
[188] Văn chuẩn Pāli: Yāvajīvaṃ arahanto abrahmacariyaṃ pahāya brahmacārī ārācārī (…), như A-la-hán trọn đời đoạn trừ phi phạm hạnh, hành phạm hạnh (…).
[189] Hán không có; nên thêm vào cho đúng quy tắc văn thọ giới.
[190] Ý tưởng này không chuẩn xác đối với văn thọ giới tám chi. Đề nghị lược bỏ.
[191] Hán không có, theo văn chuẩn nên thêm vào.
[192] Ý nói: không ăn sau ngọ. Văn chuẩn Pāli: Yāvajīvaṃ arahanto ekabhattikā rattīparatā viratā vikālabhojanā (…), Như A-la-hán trọn đời chỉ ăn một bữa, không ăn đêm, không ăn phi thời (…)
[193] Hán: tận hình thọ 盡形壽; Hán dịch hoàn toàn sai, nên cho vào ngoặc. Trai giới tám chi chỉ thọ trì một ngày một đêm.
[194] Đoạn này nghi là phụ chú giải thích giới điều của người dịch, hay người truyền tụng, chứ không phải chính văn thọ giới, nên cho vào ngoặc. Văn đoạn này cũng thiếu lời nguyện “một ngày một đêm.” Đề nghị thêm vào. Tham chiếu văn thọ Hán, Trung 55, đã dẫn.
[195] Dịch ý. Để bản: ngã diệc thượng tọa bất phạm thử tọa 我亦上坐不犯此坐 “Tôi cũng thượng tọa không phạn chỗ ngồi này” (?). Có sai sót trong tả bản này, nên các bản khác có sửa lại. TNM: bỏ 2 chữ “ngã diệc 我亦”. Bản Thánh: thượng tọa ngã diệc上坐 我亦. Nhưng cũng không làm cho văn sang rõ hơn.
[196] Nguyên Hán: tận hình thọ; không đúng văn chuẩn, đề sửa lại như trên.
[197] Điều học này còn thiếu phân nữa: không ca, múa, xướng hát, và cố ý đi xem nghe. Xem thêm Pāli, và Trung 55 đã dân trên.
[198] Bản Hán, TNM bắt đầu quyển 16.
[199] A. III. 46 (tr.150): tiṇṇaṃ sammukhībhāvā.
[200] Tài 財. Pāli: deyyadhammaṃ, hiện vật bố thí.
[201] Để bản: trì phạm hạnh 持梵行. TNM: trì phạm hạnh nhân, người trì phạm hạnh 持梵行人. Pāli: dakkhiṇeyyānṃ sammukhībhāvā, sự hiện diện của những vị xứng đáng cúng dường.
[202] Tham chiếu Pāli, M. 48 Kosambiyasuttaṃ (R.i. 320ff); Hán, Trung, kinh 72 (T1n26, tr. 532c9)
[203] Cù-sư-la viên 瞿師羅園. Pāli: Ghositārāma.
[204] Câu-thâm 拘深; bản khác: Câu-thiểm-di. Pāli: Kosambi.
[205] Xem Tứ phần 43: vấn đề Câu-thiểm-di 拘睒彌揵度 (T22n1428, tr. 879b23); Thập tụng 30: trường hợp Câu-xá-di 俱舍彌法 (T23n1435, tr. 214a20). Pāli, Mahāvagga, Vin. i. 337.
[206] Lục chủng chi pháp 六種之法. Để bản chép nhầm trọng 重 thành chủng 種. Nên sửa lại là lục trọng pháp 六重法. Cũng thường nói là pháp lục hòa. Pāli, M.i. 322: “chayime, bhikkhave, dhammā sāraṇiyā piyakaraṇā garukaraṇā saṅgahāya avivādāya sāmaggiyā ekībhāvāya saṃvattanti, “Này các Tỳ-kheo, có sáu pháp này, cần ghi nhớ, khiến thành thân yêu, tác thành sự tôn kính, đưa đến đoàn kết, không tranh tụng, hòa hợp, nhất trí.”
[207] Cúng dường, đây hiểu là tôn kính.
[208] Trường Thọ vương 長壽王. Trung kinh 72. Trường Thọ, vua nước Câu-sa-la 拘娑羅國王. Pāli, Mahāvagga, Vin, i. 342: Dīghīti, vua nước Kosala. Chuyện cũng được kể trong Jātaka 428.
[209] Phạm-ma-đạt 梵摩達. Trung, ibid., Phạm-ma-đạt-đá 梵摩達哆, vua nước Da-xá 加赦國王 (Pāli: nước Kāsi). Pāli, ibid. Brahmadatta, vua nước Kāsi, trị vì tại Bārāṇasī.
[210] Thiện Hoa 善華. Trung, ibid., Phạm chí Quốc sư của vua Phạm-ma-đạt-đa. Pāli, ibid. Bà-la-môn tư tế (Purohita-brāhmaṇa) của vủa Brahmadatta, bạn cũ của Dīghīti.
[211] Trường Sanh 長生. Pāli: Dghāvu.
[212] Kiếp-tỷ 劫比. Pāli: kappaka, người hớt tóc. đọc đúng là kiếp-bắc劫[*]北. Xem kinh 4 phẩm 50.
[213] Được hiểu là không nhìn xa cũng không nhìn gần; nghĩa là chớ trông đợi báo thù. Pāli: mā kho tvaṃ, tāta dīghāvu, dīghaṃ passa, mā rassaṃ.
[214] Pāli, Dhp. 5.
[215] Từ đây trở xuống, tương đương Pāli, M. 128 Upakkilesasuttaṃ (R.iii. 155ff).
[216] A-na-luật 阿那律 (Anuruddha), Nan-đề 難提 (Nandiya), Kim-tỳ-la 金毘羅 (Kimbīla), ba vương tử họ Thích. Pāli, ibid., ba vị này ở trong vườn Nai Pācivaṃsa(Migadāya), vương quốc Cetiya. Trung kinh 72, đã dẫn, nói ba vị này đang trú tại rừng Ban-ba-man-xà tự 般那蔓闍寺林.
[217] Hán: hậu trụ giả 後住者. Nhưng Hán dịch này không rõ, hoặc có nhầm lẫn. Các Tỳ-kheo sang sớm phải đi khất thực. Trung kinh 72, và M 128 đều nói việc phân công này chỉ sau khi khất thực về. Ai về trước, ai về sau, phải làm gì.
[218] Dục bất tịnh tưởng 欲不淨想; quán tưởng dục là bất tịnh. Chính xác, đây hiểu là tu bất tịnh tưởng (Pāli: asubhasaññā). Nhưng theo Trung kinh 72, M 128, tôn giả này tu quang minh tưởng (obhāsa). Có sự liên hệ gì giữa asubha (Skt. aśubha) và obhāsa (Skt. avabhāsa)?
[219] Niệm thị hỷ an 念恃喜安.
[220] Chi tiết này có thể Hán dịch diễn thêm.
[221] Sư tử quốc 師子國. Có lẽ là tên khu vườn chứ không phải tên nước. Theo ngữ cảnh dưới, nên hiểu đây là một khu vườn. Có lẽ viên chép nhầm là quốc. Xem cht. dưới. Pāli: Sīha (Skt. Siṃha)? Không thấy trong danh sách các nước đương thời Phật. Hoặc có liên hệ phát âm nào giữa Migadāya (Skt. Mṛgadāya), khu vườn họ đang ở, với Migarājā (Skt. Mṛgarājā), từ khác chỉ Sư tử?
[222] Để bản: thủ quốc nhơn 守國人. TNM: thủ viên nhơn 守國人.
[223] Chi tiêt thêm do Hán dịch.
[224] Thủ môn nhơn 守門人. Có lẽ là người giữ vườn như trên.
[225] Hán: tùng tam-muội khởi 從三昧起. Có lẽ nguyên là nói “từ chỗ thiền tọa đứng dậy.” Người chép kinh hiểu nhầm chỗ thiền tọa với thiền định (tam-muội). Pāli thường gặp: paṭisallānā vuṭṭhito. Hán cũng thường dịch: tùng thiền định giác.
[226] Trường Thọ Đại tướng 長壽大將 (?).
[227] Thân tà, giới đạo, nghi 身邪,戒盜,疑. Cf. Trung 1 (T1n26, tr. 424b28): “Thân kiến 身見, giới thủ 戒取, nghi 疑, ba kết đoạn tận, đắc Tu-đà-hoàn.” Tỳ-bà-sa 46 (T27n1545, tr. 237c5), ba kết: hữu thân kiến 有身見, giới cấm thủ 戒禁取, nghi 疑. Pāli, cf. D 33 Saṅgīti (R.iii. 216): tīṇi saṃyojanāni– sakkāyadiṭṭhi, vicikicchā, sīlabbataparāmāso.
[228] Định nghĩa từ Pl. saṃyojana (=Skt.), do yuga: cách ách, và động từ yuñjati: buộc vào ách.
[229] Tham chiếu Pāli, A III 163 (R.i. 299 ).
[230] Không, vô nguyện, vô tưởng 空 無願 無想. Pāli, A. ibid.: rāgassa, abhiññāya tayo dhammā bhāvetabbā. suññato samādhi, animitto samādhi, appaṇihito samādhi– để biết rõ tham, hay tu ba pháp: Không tam-muội, Vô tướng tam-muộn, Vô nguyện tam-muội. Cf. Câu-xá 28 (T29n1558, tr. 149c13), có ba đẳng trì (=tam-muội): không 空, vô nguyện 無願, vô tướng 無相.
[231] Bản Hán, hết quyển 16.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 51 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phật Giáo Yếu Lược


Vô niệm (Pháp bảo Đàn kinh)


Chuyện Phật đời xưa


Hương lúa chùa quê - Phần 2: Hồi ký của Hòa thượng Thích Như Điển

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.137.218.215 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập