Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Giải Thâm Mật Kinh [解深密經] »» Bản Việt dịch quyển số 4 »»

Giải Thâm Mật Kinh [解深密經] »» Bản Việt dịch quyển số 4


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.51 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.63 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Giải Thâm Mật

Kinh này có 5 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 |
Việt dịch: Thích Trí Quang

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phẩm bảy: Địa Độ (132)
Vào lúc bấy giờ, đại bồ tát Quan tự tại thưa Phật: bạch đức Thế tôn, như đức Thế tôn nói mười Bồ tát địa: thứ nhất là Cực hỷ địa, thứ hai là Ly cấu địa, thứ ba là Phát quang địa, thứ tư là Diệm tuệ địa, thứ năm là Nan thắng địa, thứ sáu là Hiện tiền địa, thứ bảy là Viễn hành địa, thứ tám là Bất động địa, thứ chín là Thiện tuệ địa, thứ mười là Pháp vân địa, lại nói Như lai địa làm thứ mười một; các địa như vậy được bao gồm vào mấy sự thanh tịnh và mấy phần (viên mãn)?
Lúc ấy đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại: Thiện nam tử, nên biết các địa như vậy bao gồm vào bốn sự thanh tịnh và mười một phần viên mãn. Bốn sự thanh tịnh bao gồm được các địa là một, sự thanh tịnh do ý lạc tăng thượng thì bao gồm địa thứ nhất, hai, sự thanh tịnh do giới tăng thượng thì bao gồm địa thứ hai, ba, sự thanh tịnh do tâm tăng thượng thì bao gồm địa thứ ba, bốn, sự thanh tịnh do tuệ tăng thượng thì trong các địa sau đó càng siêu việt và tinh tế hơn lên nên bao gồm từ địa thứ tư cho đến Như lai địa. Đó là bốn sự thanh tịnh bao gồm tất cả các địa.
Thiện nam tử, mười một phần viên mãn bao gồm được các địa là (một), các vị Bồ tát trước tiên ở Giải hành địa (133) dùng mười pháp hạnh (134) mà rất khéo tu tập về thắng giải và thắng nhẫn, nên vượt qua địa ấy mà nhập vào chánh tánh ly sanh của Bồ tát. (Hai), các vị Bồ tát này do lý do này mà phần địa thứ nhất đã viên mãn; nhưng chưa thể chánh trí tu hành (135) trong hiện hành của sự lầm lỡ vi phạm rất nhỏ, vì vậy mà phần địa thứ hai chưa viên mãn; để phần này được viên mãn nên tinh cần tu tập thì chứng được. (Ba), các vị Bồ tát này do lý do này mà phần địa thứ hai đã viên mãn; nhưng chưa thể đạt được đẳng trì đẳng chí viên mãn và văn trì đà la ni viên mãn thuộc loại thế gian, vì vậy mà phần địa thứ ba chưa viên mãn; để phần này được viên mãn nên tinh cần tu tập thì chứng được. (Bốn), các vị Bồ tát này do lý do này mà phần địa thứ ba đã viên mãn; nhưng chưa thể làm cho pháp bồ đề phần nào đã được thì tu tập nhiều lên, tâm trí chưa bỏ được định ái và pháp ái, vì vậy mà phần địa thứ tư chưa viên mãn; để phần này được viên mãn nên tinh cần tu tập thì chứng được. (Năm), các vị Bồ tát này do lý do này mà phần địa thứ tư đã viên mãn; nhưng chưa thể chính xác quán sát các đế lý, chưa bỏ được cái tác ý một chiều bỏ sinh tử hướng niết bàn, chưa tu được các pháp bồ đề phần bao gồm trong phần phương tiện, vì vậy mà phần địa thứ năm chưa viên mãn; để phần này được viên mãn nên tinh cần tu tập thì chứng được. (Sáu), các vị Bồ tát này do lý do này mà phần địa thứ năm đã viên mãn; nhưng chưa thể chính xác quán sát sự sinh tử lưu chuyển, lại vì quá chán sự sinh tử lưu chuyển ấy, nghĩa là chưa thể ở nhiều trong sự tác ý về vô tướng, vì vậy mà phần địa thứ sáu chưa viên mãn; để phần này được viên mãn nên tinh cần tu tập thì chứng được. (Bảy), các vị Bồ tát này do lý do này mà phần địa thứ sáu đã viên mãn; nhưng chưa thể làm cho sự tác ý về vô tướng được không thiếu sót không gián đoạn và tu tập nhiều, vì vậy mà phần địa thứ bảy chưa viên mãn; để phần này được viên mãn nên tinh cần tu tập thì chứng được. (Tám), các vị Bồ tát này do lý do này mà phần địa thứ bảy đã viên mãn; nhưng chưa thể hết được sự dụng công về vô tướng, lại chưa được tự tại với hữu tướng, vì vậy mà phần địa thứ tám chưa viên mãn; để phần này được viên mãn nên tinh cần tu tập thì chứng được. (Chín), các vị Bồ tát này do lý do này mà phần địa thứ tám đã viên mãn; nhưng đối với những danh và những tướng diễn đạt khác nhau về hết thảy chủng loại để tuyên thuyết chánh pháp thì chưa được đại tự tại, vì vậy mà phần địa thứ chín chưa viên mãn; để phần này được viên mãn nên tinh cần tu tập thì chứng được. (Mười), các vị Bồ tát này do lý do này mà phần địa thứ chín đã viên mãn; nhưng chưa thể hiện tiền chứng thọ pháp thân viên mãn, vì vậy mà phần địa thứ mười chưa viên mãn; để phần này được viên mãn nên tinh cần tu tập thì chứng được. (Mười một), các vị Bồ tát này do lý do này mà phần địa thứ mười đã viên mãn; nhưng đối với toàn thể cảnh giới sở tri, vẫn chưa được cái trí thấy biết tinh tế không còn vướng mắc không còn chướng ngại, vì vậy mà phần địa thứ mười một chưa viên mãn; để phần này được viên mãn nên tinh cần tu tập thì chứng được -- Chứng được phần này viên mãn là viên mãn tất cả các phần. Đó là mười một phần viên mãn bao gồm hết cả các địa.
Lược Giải.-
Đoạn Đ1 này có 6 đoạn nhỏ. Trên đây là đoạn nhỏ thứ nhất, nói 10 địa bao gồm trong 4 sự thanh tịnh và 11 phần viên mãn.
Chính Văn.-
Đại bồ tát Quan tự tại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, vì sao địa đầu tiên tên là Cực hỷ địa, cho đến vì sao địa cuối cùng tên là Như lai địa? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan thế âm: Thiện nam tử, thành tựu lợi ích chân thật và vĩ đại, được tâm trí xuất thế mà trước đây chưa được, sinh hoan hỷ lớn lao, nên địa đầu tiên tên là Cực hỷ địa. Rời xa hết thảy mọi sự phạm giới rất nhỏ, nên địa thứ hai tên là Ly cấu địa. Chánh định và văn trì đà la ni mà ở đây đạt được thì có thể làm chỗ dựa cho vô lượng ánh sáng trí giác, nên địa thứ ba tên là Phát quang địa. Do pháp bồ đề phần ở đây thành đạt mà thiêu đốt phiền não, trí giác ở đây như ngọn lửa, nên địa thứ tư tên là Diệm tuệ địa. Chính pháp bồ đề phần nói trên, ở đây phương tiện tu tập cùng cực khó khăn mới được tự tại, nên địa thứ năm tên là Nam thăắng địa. Quán sát các hành lưu chuyển như ở trước mắt, nhưng đối với vô tướng thì tu nhiều về tác ý mới hiện ở trước mắt, nên địa thứ sáu tên là Hiện tiền địa. Đứng xa mà đã được cái tác ý không còn thiếu sót và gián đoạn về vô tướng, tiếp cận với vị trí thanh tịnh, nên địa thứ bảy tên là Viễn hành địa. Đã được vô công dụng đối với vô tướng, trong các tướng thì không còn bị phiền não hiện hành làm xao động, nên địa thứ tám tên là Bất động địa. Đối với sự thuyết pháp bằng tất cả chủng loại thì đã được tự tại, đã được trí tuệ rộng lớn và không tội lỗi, nên địa thứ chín tên là Thiện tuệ địa. Cái thân nặng nề thì như hư không, còn sự viên mãn của pháp thân thì như mây lớn giăng che khắp cả, nên địa thứ mười tên là Pháp vân địa. Diệt trừ vĩnh viễn phiền não chướng và sở tri chướng cùng cực vi tế, không còn vướng mắc không còn chướng ngại, đối với cảnh giới sở tri, tức toàn thể chủng loại, đã thể hiện chánh biến giác, nên địa thứ mười một tên là Như lai địa.
Lược Giải.-
Đây là đoạn nhỏ thứ hai, giải thích danh nghĩa của các địa.
Chính Văn.-
Đại bồ tát Quan tự tại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, trong các địa như thế này có mấy thứ ngu tối? có mấy sự nặng nề (136) ? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại: Thiện nam tử, trong các địa như thế này có hai mươi hai thứ ngu tối và mười một sự nặng nề, toàn là những cái bị đối trị. Một, trong địa đầu tiên có hai thứ ngu tối, một là ngu tối vì ngã chấp và pháp chấp, hai là ngu tối vì những sự tạp nhiễm trong ác đạo, cùng với sự nặng nề của hai thứ ngu tối ấy, là những cái bị đối trị ở đây. Hai, trong địa thứ hai có hai thứ ngu tối, một là ngu tối vì sự lầm lỡ vi phạm rất nhỏ, hai là ngu tối vì các nghiệp, cùng với sự nặng nề của hai thứ ngu tối ấy, là những cái bị đối trị ở đây. Ba, trong địa thứ ba có hai thứ ngu tối, một là ngu tối vì tham lam của dục, hai là ngu tối đôắi với văn trì đà la ni viên mãn, cùng với sự nặng nề của hai thứ ngu tối ấy, là những cái bị đối trị ở đây. Bốn, trong địa thứ tư có hai thứ ngu tối, một là ngu tối vì định ái, hai là ngu tối vì pháp ái, cùng với sự nặng nề của hai thứ ngu tối ấy, là những cái bị đối trị ở đây. Năm, trong địa thứ năm có hai thứ ngu tối, một là ngu tối vì tác ý một chiều bỏ sinh tử, hai là ngu tối vì tác ý một chiều hướng niết bàn, cùng với sự nặng nề của hai thứ ngu tối ấy, là những cái bị đối trị ở đây. Sáu, trong địa thứ sáu có hai thứ ngu tối, một là ngu tối vì hiện tiền quán sát các hành lưu chuyển, hai là ngu tối vì hiện hành nhiều về hữu tướng, cùng với sự nặng nề của hai thứ ngu tối ấy, là những cái bị đối trị ở đây. Bảy, trong địa thứ bảy có hai thứ ngu tối, một là ngu tối vì hiện hành của tế tướng, hai là ngu tối đối với tác ý mong thuần vô tướng, cùng với sự nặng nề của hai thứ ngu tối ấy, là những cái bị đối trị ở đây. Tám, trong địa thứ tám có hai thứ ngu tối, một là ngu tối vì dụng công về vô tướng, hai là ngu tối đôắi với sự tự tại về hữu tướng, cùng với sự nặng nề của hai thứ ngu tối ấy, là những cái bị đối trị ở đây. Chín, trong địa thứ chín có hai thứ ngu tối, một là ngu tối đối với sự tự tại về tuệ biện đà la ni của các địa sau nữa, trong sự thuyết pháp vô lượng và trong vô lượng pháp nghĩa văn tự, hai là ngu tối đối với sự tự tại về biện tài, cùng với sự nặng nề của hai thứ ngu tối ấy, là những cái bị đối trị ở đây. Mười, trong địa thứ mười có hai thứ ngu tối, một là ngu tối đối với đại thần thông, hai là ngu tối đối với sự ngộ nhập về bí mật vi tế, cùng với sự nặng nề của hai thứ ngu tối ấy, là những cái bị đối trị ở đây. Mười một, trong địa thứ mười một có hai thứ ngu tối, một là ngu tối vì sự vướng mắc cùng cực vi tế về toàn thể cảnh giới sở tri, hai là ngu tối vì sự chướng ngại cùng cực vi tế (về toàn thể cảnh giới sở tri), cùng với sự nặng nề của hai thứ ngu tối ấy, là những cái bị đối trị ở đây. Do hai mươi hai thứ ngu tối cùng với mười một sự nặng nề như vậy nên lập ra các địa, và được vô thượng bồ đề thì thoát ly hết cả mọi sự ràng buộc ấy. Đại bồ tát Quan tự tại lại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, vô thượng bồ đề rất kỳ lạ, rất hiếm có, cho đến đạt được lợi ích lớn lao và thành quả lớn lao, là làm cho các vị Bồ tát phá được cái lưới ngu tối lớn lao đến thế, và vượt được cái rừng nặng nề lớn lao đến thế, mà hiện tiền chứng được vô thượng bồ đề ấy.
Lược Giải.-
Đây là đoạn nhỏ thứ ba, phân biệt các địa bằng 22 thứ ngu tối, 11 sự nặng nề.
Chính Văn.-
Đại bồ tát Quan tự tại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, các địa như thế này được lập ra bởi mấy thứ đặc thù? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại: Thiện nam tử, khái lược có tám thứ: một là sự thanh tịnh của ý lạc tăng thượng, hai là sự thanh tịnh của tâm tăng thượng, ba là sự thanh tịnh của bi tăng thượng, bốn là sự thanh tịnh của độ tăng thượng, năm là sự thanh tịnh của sự phụng sự chư Phật tăng thượng, sáu là sự thanh tịnh của sự thành thục chúng sinh tăng thượng, bảy là sự thanh tịnh của sự thọ sinh tăng thượng, tám là sự thanh tịnh của uy đức tăng thượng. Sự thanh tịnh của ý lạc tăng thượng cho đến sự thanh tịnh của uy đức tăng thượng trong địa đầu tiên, cùng với sự thanh tịnh của ý lạc tăng thượng cho đến sự thanh tịnh của uy đức tăng thượng trong các địa sau đó cho đến trong Như lai địa, nên biết những sự thanh tịnh này triển chuyển hơn lên, chỉ trong Như lai địa thì trừ sự thanh tịnh của sự thọ sinh tăng thượng (137) . Thêm nữa, công đức mà địa đầu tiên có thì các địa trên nữa cũng có một cách bình đẳng, nhưng nên biết cái công đức đặc thù của bản địa thì vẫn là đặc thù (138) ; công đức của mười Bồ tát địa toàn là còn có cái trên nữa, còn công đức của Như lai địa thì nên biết không có gì trên nữa.
Lược Giải.-
Đây là đoạn nhỏ thứ tư, phân biệt các địa bằng 8 sự đặc thù.
Chính Văn.-
Đại bồ tát Quan tự tại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, vì lý do nào mà nói sự thọ sinh của Bồ tát đặc thù nhất đối với mọi sự thọ sinh khác? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại: Thiện nam tử, vì bốn lý do: một là do thiện căn cực kỳ trong sạch mà có sự thọ sinh ấy, hai là do sức mạnh của sự cố ý chọn lựa mà lấy sự thọ sinh ấy, ba là vì thương xót cứu vớt chúng sinh mà phải thọ sinh, bốn là bản thân không ô nhiễm vì sự thọ sinh mà còn trừ được cho người sự ô nhiễm ấy.
Lược Giải.-
Đây là đoạn nhỏ thứ năm, nói các địa bằng sự thọ sinh đặc thù.
Chính Văn.-
Đại bồ tát Quan tự tại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, do lý do nào mà nói các vị Bồ tát làm theo cái nguyện rộng lớn, nhiệm mầu và siêu việt? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại: Thiện nam tử, do bốn lý do, (một), Bồ tát biết rõ và biết khéo cái vui của niết bàn và mình đủ sức chứng lấy một cách mau chóng, (hai) nhưng vẫn bỏ sự mau chóng chứng lấy cái vui ấy, (ba) mà không cần mời mọc, không đợi biết ơn, vẫn phát ra tâm nguyện vĩ đại, (bốn) nguyện vì lợi ích chúng sinh mà ở trong cái khổ lớn lao vừa đa dạng vừa lâu dài. Vì vậy Như lai nói Bồ tát làm theo cái nguyện rộng lớn, nhiệm mầu và siêu việt.
Lược Giải.-
Đây là đoạn nhỏ thứ sáu, nói các địa bằng đại nguyện (đủ 3 đặc tính và do 4 lý do).
Nói Về Các Độ
Chính Văn.-
Đại bồ tát Quan tự tại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, các vị Bồ tát (trong mười địa) như vậy có mấy sự phải tu học? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại: Thiện nam tử, sự phải tu học của Bồ tát có sáu: thí độ, giới độ, nhẫn độ, tiến độ, định độ, tuệ độ.
Lược Giải.-
Đoạn Đ2 này có 18 đoạn nhỏ. Trên đây là đoạn nhỏ thứ nhất, nói về số lượng 6 độ.
Chính Văn.-
Đại bồ tát Quan tự tại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, sáu sự phải tu học như vậy, mấy sự thuộc về giới học tăng thượng? mấy sự thuộc về tâm học tăng thượng? mấy sự thuộc về tuệ học tăng thượng? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại: Thiện nam tử, nên biết (thí độ giới độ nhẫn độ) ba sự đầu ấy chỉ thuộc về giới học tăng thượng, định độ một sự chỉ thuộc về tâm học tăng thượng, tuệ độ một sự chỉ thuộc về tuệ học tăng thượng, và Như lai nói rằng tiến độ thì khắp trong tất cả.
Lược Giải.-
Đây là đoạn nhỏ thứ hai, nói 6 độ thuộc 3 học.
Chính Văn.-
Đại bồ tát Quan tự tại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, sáu sự phải tu học như vậy mấy sự thuộc về phước đức tư lương? mấy sự thuộc về trí tuệ tư lương? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại: Thiện nam tử, sự nào thuộc về giới học tăng thượng thì thuộc về phước đức tư lương, sự nào thuộc về tuệ học tăng thượng thì thuộc về trí tuệ tư lương, còn hai sự tiến độ và định độ thì Như lai nói khắp trong tất cả.
Lược Giải.-
Đây là đoạn nhỏ thứ ba, nói 6 độ thuộc 2 tư lương.
Chính Văn.-
Đại bồ tát Quan tự tại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, đối với sáu sự phải tu học như vậy, Bồ tát phải tu học như thế nào? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại: Thiện nam tử, phải tu học bằng năm cách thức sau đây: một là đầu tiên, tin hiểu sắc mạnh đối với giáo pháp tinh tế tương ứng với sáu độ, thuộc về Bồ tát tạng; hai là kế đó, đối với mười pháp hạnh thì đem cái trí được tác thành bởi sự nghe sự nghĩ sự tu mà tinh tiến tu hành; ba là theo mà giữ tâm nguyện bồ đề; bốn là thân gần các vị thiện tri thức đích thực; năm là siêng tu các loại thiện pháp một cách không có gián đoạn.
Lược Giải.-
Đây là đoạn nhỏ thứ tư, nói 6 độ tu bằng 5 cách.
Chính Văn.-
Đại bồ tát Quan tự tại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, vì lý do nào mà qui định sự phải tu học như vậy chỉ có sáu số? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại : Thiện nam tử, vì hai lý do: một là lý do lợi ích chúng sinh, hai là lý do đối trị phiền não. Ba độ trước là để lợi ích chúng sinh, ba độ sau là để đối trị phiền não, nên nhận định như vậy. Ba độ trước lợi ích chúng sinh là Bồ tát do bố thí nên thu thập đồ dùng để lợi ích chúng sinh, do trì giới nên không tổn hại bức bách và quấy rối để lợi ích chúng sinh, do nhẫn nhục nên chịu đựng sự tổn hại bức bách và quấy rối của chúng sinh để lợi ích chúng sinh. Ba độ sau đối trị phiền não là Bồ tát do tinh tiến nên dẫu chưa trừ hẳn phiền não, cũng chưa diệt hẳn tùy miên (139) , mà vẫn dũng mãnh tu hành các loại thiện pháp, phiền não không thể khuynh động sự tu hành ấy; rồi do thiền định mà trừ hẳn phiền não; do tuệ giác mà diệt hẳn tùy miên.
Đại bồ tát Quan tự tại lại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, vì lý do nào mà qui định các độ khác chỉ có bốn số? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại : Thiện nam tử, vì lý do làm sự hỗ trợ cho sáu độ. (Một), Bồ tát lợi ích chúng sinh bằng ba độ trước là dùng các nhiếp pháp (140) làm phương tiện mà thu nhận họ, đặt họ vào thiện pháp, nên Như lai nói phương tiện độ làm sự hỗ trợ của ba độ trước. (Hai), Bồ tát nếu vì hiện tại nhiều phiền não nên không thể tu hành một cách liên tục; vì ý lạc hèn kém và vì thắng giải (xao động) của cõi Dục nên không thể nội tâm an trú; vì không thể lắng nghe, vin theo và khéo tu giáo pháp Bồ tát tạng nên sự tịnh lự không thể dẫn ra cái tuệ xuất thế; (vì ba lý do như vậy), vị Bồ tát ấy thu thập phước đức tư lương đang ít và kém mà phát thệ nguyện chính yếu, để đời sau phiền não được nhẹ và nhỏ đi, như thế đó là nguyện độ; do nguyện này mà phiền não nhỏ và mỏng, có thể thực hành tinh tiến, nên Như lai nói nguyện độ làm sự hỗ trợ của tiến độ. (Ba), Bồ tát nếu thân gần các bậc thiện sĩ để lắng nghe chánh pháp và tác ý đúng lý, do nhân tố này mà xoay ý lạc hèn kém thành ý lạc siêu việt, lại được thắng giải (bình lặng) của cõi trên, như thế đó là lực độ; do lực này mà có thể nội tâm an trú, nên Như lai nói lực độ làm sự hỗ trợ của định độ. (Bốn), Bồ tát nếu đã lắng nghe, vin theo và khéo tu giáo pháp Bồ tát tạng thì có thể phát ra tịnh lự, như thế đó là trí độ; do trí này mà có thể dẫn ra cái tuệ xuất thế, nên Như lai nói trí độ làm sự hỗ trợ của tuệ độ.
Lược Giải.-
Đây là đoạn nhỏ thứ năm, nói lý do của số lượng 6 độ (và của 4 độ hỗ trợ, thành cái gọi là 10 độ).
Chính Văn.-
Đại bồ tát Quan tự tại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, vì lý do nào mà nói sáu độ theo thứ tự như vậy? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại: Thiện nam tử, vì lý do dẫn ra các độ về sau: Bồ tát nếu không luyến tiếc thân mạng và tài sản thì có thể lãnh thọ và chấp trì tịnh giới, để chấp trì tịnh giới nên thực hành nhẫn nhục, thực hành nhẫn nhục thì phát ra tinh tiến, phát ra tinh tiến thì có thể thành đạt tịnh lự, thành đạt tịnh lự thì đạt được cái tuệ xuất thế. Vì thế mà Như lai nói sáu độ theo thứ tự như vậy.
Lược Giải.-
Đây là đoạn nhỏ thứ sáu, nói thứ tự của 6 độ.
Chính Văn.-
Đại bồ tát Quan tự tại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, sáu độ như vậy mỗi độ có mấy loại khác nhau? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại: Thiện nam tử, mỗi độ có ba loại. Ba loại thí độ là bố thí chánh pháp, bố trí tài sản, bố thí vô úy. Ba loại giới độ là tịnh giới diệt ác, tịnh giới sinh thiện, tịnh giới lợi người (141) . Ba loại nhẫn độ là nhẫn chịu oán hại, nhẫn chịu khổ cực, nhẫn chịu chân lý. Ba loại tiến độ là tinh tiến áo giáp (142) , tinh tiến sinh thiện, tinh tiến lợi người. Ba loại định độ là tịnh lự dẫn ra pháp lạc (143) , tịnh lự dẫn ra công đức, tịnh lự dẫn ra lợi người. Ba loại tuệ độ là tuệ giác vin thế tục đế, tuệ giác vin thắng nghĩa đế, tuệ giác vin lợi ích người (144) .
Lược Giải.-
Đây là đoạn nhỏ thứ bảy, nói các loại của 6 độ.
Chính Văn.-
Đại bồ tát Quan tự tại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, vì lý do nào mà sáu độ gọi là độ (145) ? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại: Thiện nam tử, vì năm lý do: một là vì không nhuốm bẩn, hai là vì không lưu luyến, ba là vì không tội lỗi, bốn là vì không phân biệt, năm là vì chánh hồi hướng (145B) . Không nhuốm bẩn là không nhuốm bẩn vì những cái trái ngược với các độ. Không lưu luyến là tâm không buộc vào các thành quả và dị thục quả (146) của các độ, và vào sự trả ơn về các độ. Không tội lỗi là đối với các độ, không có sự tạp nhiễm xen vào và tách rời sự phi phương tiện. Không phân biệt là đối với các độ không theo ngôn từ mà chấp đặc tính. Chánh hồi hướng là đem các độ đã làm đã qui tụ xoay lại mà cầu thành quả vô thượng bồ đề. Bạch đức Thế tôn, những gì gọi là cái trái ngược với các độ? Thiện nam tử, những cái ấy đại khái có sáu: một là ưa thích dục lạc (146B) và giàu có tự do mà cảm thấy sâu xa là hay ho và hữu ích (147) , hai là tung thân miệng ý vào cái mình ưa thích mà cảm thấy sâu xa là hay ho và hữu ích, ba là không nhẫn nhịn nổi khi kẻ khác khinh miệt mà cảm thấy sâu xa là hay ho và hữu ích, bốn là không siêng tu tập và đắm say dục lạc mà cảm thấy sâu xa là hay ho và hữu ích, năm là ở chỗ ồn náo và làm việc tạp loạn mà cảm thấy sâu xa là hay ho và hữu ích, sáu là thấy nghe hay biết rồi ngôn từ hý luận mà cảm thấy sâu xa là hay ho và hữu ích. Bạch đức Thế tôn, những gì là quả báo của các độ ? Thiện nam tử, quả báo ấy đại khái cũng có sáu : một là được giàu có lớn, hai là sinh chỗ tốt lành, ba là không có thù oán, không bị phá hoại, lắm nỗi vui vẻ, bốn là đứng đầu mọi người, năm là thân không tổn hại, sáu là thuộc dòng họ lớn. Bạch đức Thế tôn, những gì là sự tạp nhiễm xen vào của các độ? Thiện nam tử, là đại khái có bốn cách làm: một là làm mà không tình thương, hai là làm mà không hợp lý, ba là làm mà không thường xuyên, bốn là làm mà không thiết tha. -- Làm mà không hợp lý là khi làm một độ mà tách rời và đánh mất các độ khác (148) . Bạch đức Thế tôn, thế nào là phi phương tiện của các độ? Thiện nam tử, Bồ tát muốn đem các độ lợi ích chúng sinh, nhưng chỉ lợi ích chúng sinh bằng tiền của mà cho là đủ rồi, không đưa họ thoát chỗ ác, không đặt họ vào chỗ lành, thì như thế đó là cách làm phi phương tiện. -- Bởi vì, Thiện nam tử, không phải chỉ làm như thế cho chúng sinh mà gọi là lợi ích thật; tựa như phấn uế thì nhiều ít gì cũng không bao giờ làm cho thơm lên được, chúng sinh cũng vậy, vì là hành khổ (149) nên bản chất chúng sinh là khổ, không cách gì chỉ lợi ích tạm thời bằng tiền của mà có thể làm cho họ chuyển thành ra vui, chỉ có cách đem họ đặt vào trong thiện pháp tuyệt hảo mới được gọi là lợi ích bậc nhất.
Lược Giải.-
Đây là đoạn nhỏ thứ tám, nói về cái tên độ của 6 độ.
Chính Văn.-
Đại bồ tát Quan tự tại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, các độ như thế này có mấy sự thanh tịnh? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại: Thiện nam tử, Như lai không bao giờ nói ngoài năm sự nói trên mà các độ có sự thanh tịnh nào khác. Nhưng nay Như lai căn cứ chính năm sự ấy mà nói tổng quát và nói riêng biệt về sự thanh tịnh của các độ. Nói tổng quát về sự thanh tịnh của các độ thì ông nên biết có bảy sự: một là không cầu ai biết các độ ấy, hai là tự thấy có các độ ấy mà không sinh ra chấp trước, ba là không hoài nghi chính các độ ấy rằng đạt được vô thượng bồ đề hay không, bốn là không bao giờ khen mình chê người mà khinh miệt ai, năm là không kiêu ngạo buông thả, sáu là không bao giờ được chút ít mà đã mừng rằng đủ rồi, bảy là không bao giờ vì các độ này mà ganh ghét keo kiết với ai (khi thấy họ cũng có các độ ấy). Nói riêng biệt về sự thanh tịnh của các độ thì (mỗi độ) cũng có bảy sự. (Thứ nhất), các vị Bồ tát tùy thuận làm đúng như bảy sự thanh tịnh của thí độ mà Như lai nói, ấy là do của thanh tịnh, do giới thanh tịnh, do thấy thanh tịnh, do tâm thanh tịnh, do nói thanh tịnh, do trí thanh tịnh và do bẩn thanh tịnh (150) mà làm sự bố thí thanh tịnh. Như thế đó gọi là bảy sự thanh tịnh của thí độ. (Thứ hai), các vị Bồ tát khéo biết giới pháp Như lai thiết lập, khéo biết cách thức ra khỏi sự vi phạm, hoàn hảo giới pháp thường xuyên, giới pháp bền chắc, giới pháp thường làm, giới pháp thường chuyển (151) , và học tất cả giới điều. Như thế đó gọi là bảy sự thanh tịnh của giới độ. (Thứ ba), các vị Bồ tát thâm tín nghiệp báo nên khi có sự bất lợi xảy ra thì không tức bực; cũng không mắng lại, không giận không đánh, không khủng khiếp, không hý lộng, không hại lại bằng những cách bất lợi; không thù oán; khi họ sám hối (152) thì không làm họ bực bội; cũng không mong đợi họ đến sám hối; không vì sợ hay thương mà nhẫn nhục; không phải làm ơn (một lần) rồi bỏ họ liền (mà không tiếp tục lợi ích cho họ). Như thế đó gọi là bảy sự thanh tịnh của nhẫn độ. (Thứ tư), các vị Bồ tát nhận thức tính chất quân bình (chứ không gấp không hoãn) của tinh tiến, không vì dũng mãnh tinh tiến mà tự cao và lấn người, đầy đủ nghị lực lớn lao, đầy đủ tiến thủ lớn lao, có thể làm nổi và làm được, kiên cường, không bao giờ trút bỏ cái ách kéo các thiện pháp. Như thế đó gọi là bảy sự thanh tịnh của tiến độ. (Thứ năm), các vị Bồ tát có tịnh lự biết thế tục đế, có tịnh lự biết thắng nghĩa đế (153) , có tịnh lự biết cả hai đế, có tịnh lự chuyển động, có tịnh lự không dựa, có tịnh lự khéo tu (154) , có tịnh lự y như Bồ tát tạng mà lắng nghe, vin theo và tu tập vô lượng chánh định. Như thế đó gọi là bảy sự thanh tịnh của định độ. (Thứ bảy), các vị Bồ tát tách rời hai cực đoan thêm và bớt mà đi theo trung đạo thì đó là tuệ; do tuệ này mà biết đúng về ba giải thoát môn là không vô nguyện vô tướng; biết đúng về ba tự tánh là biến kế chấp y tha khởi viên thành thật; biết đúng về ba vô tánh là tướng vô tánh sinh vô tánh nghĩa vô tánh; biết đúng về thế tục đế là năm minh xứ (155) ; biết đúng về thắng nghĩa đế là bảy chân như; lại vì ở nhiều nơi lý thể thuần nhất không phân biệt và không hý luận, vì lấy pháp tổng quát vô lượng làm đối tượng, và vì là quán, nên hoàn thành được sự tùy pháp hành (156) . Như thế đó gọi là bảy sự thanh tịnh của tuệ độ.
Lược Giải.-
Đây là đoạn nhỏ thứ chín, nói sự thanh tịnh của các độ.
Chính Văn.-
Đại bồ tát Quan tự tại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, năm sự nói trên, mỗi sự có tác dụng gì? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại: Thiện nam tử, nên biết mỗi sự có một tác dụng: các vị Bồ tát vì không nhuốm bẩn nên trong hiện tại luôn luôn thiết tha, nỗ lực tu tập các độ chứ không phóng túng; vì không lưu luyến nên tạo thành cái nhân không phóng túng trong vị lai; vì không tội lỗi nên chính xác tu tập các độ một cách rất khéo hoàn hảo, trong sáng và tươi trắng; vì không phân biệt nên mau chóng viên mãn các độ bằng phương tiện khéo léo; vì chánh hồi hướng nên sinh ra ở đâu, các độ, và những thành quả cùng dị thục quả khả ái của các độ, đều có đặc tính vô tận, đến tận vô thượng bồ đề.
Lược Giải.-
Đây là đoạn nhỏ thứ mười, nói tác dụng của 5 sự.
Chính Văn.-
Đại bồ tát Quan tự tại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, các độ được nói như vậy, cái gì rất rộng lớn? cái gì không nhiễm ô? cái gì rất sáng rực? cái gì không thể động? cái gì rất thanh tịnh? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại: Thiện nam tử, đặc tính không nhuốm bẩn, đặc tính không lưu luyến và đặc tính chánh hồi hướng là rất rộng lớn; đặc tính không tội lỗi và đặc tính không phân biệt là không nhiễm ô; tư duy quyết trạch mà làm là rất sáng rực; nhập vào vị trí không còn thoái chuyển là không thể động; gồm trong địa thứ mười và Như lai địa là rất thanh tịnh.
Lược Giải.-
Đây là đoạn nhỏ thứ mười một, nói 5 sắc thái của 6 độ.
Chính Văn.-
Đại bồ tát Quan tự tại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, vì lý do nào mà những thành quả và dị thục quả khả ái của các độ luôn luôn vô tận, và chính các độ cũng vô tận? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại: Thiện nam tử, vì triển chuyển dựa nhau mà sinh mãi, và tu tập không hề gián đoạn.
Lược Giải.-
Đây là đoạn nhỏ thứ mười hai, nói sự vô tận của 6 độ.
Chính Văn.-
Đại bồ tát Quan tự tại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, vì lý do nào mà các vị Bồ tát ưa thích sâu xa đối với các độ chứ không đối với dị thục quả (157) khả ái của các độ? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại: Thiện nam tử, vì năm lý do: một, vì các độ là nhân tố của sự vui mừng tối thượng, hai, vì các độ là nhân tố của sự lợi ích rốt ráo cho mình người, ba, vì các độ là nhân tố của dị thục quả khả ái trong thì gian vị lai, bốn, vì các độ không phải là chỗ dựa của mọi sự tạp nhiễm, năm, vì các độ không phải là những cái cuối cùng rồi cũng suy tàn và hỏng mất.
Lược Giải.-
Đây là đoạn nhỏ thứ mười ba, nói sự ưa thích các độ.
Chính Văn.-
Đại bồ tát Quan tự tại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, tất cả các độ, mỗi độ có mấy thứ uy đức tối thắng? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại: Thiện nam tử, tất cả các độ, mỗi độ đều có bốn thứ uy đức tối thắng: một là tu tập chính xác các độ thì trừ bỏ keo lẫn, phạm giới, căm phẫn, lười nhác, loạn động, kiến hoặc; hai là tu tập chính xác các độ thì làm tư lương chân thật cho vô thượng bồ đề; ba là tu tập chính xác các độ thì tự thuần hóa và lợi ích người; bốn là tu tập chính xác các độ thì vị lai được những dị thục quả khả ái vừa quảng đại vừa vô tận (158) .
Lược Giải.-
Đây là đoạn nhỏ thứ mười bốn, nói uy đức của 6 độ.
Chính Văn.-
Đại bồ tát Quan tự tại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, tất cả các độ như vậy nhân tố là gì? thành quả là gì? thật lợi là gì? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại: Thiện nam tử, tất cả các độ như vậy lấy tâm đại bi làm nhân tố, lấy sự ích lợi chúng sinh của dị thục quả khả ái làm thành quả, lấy vô thượng bồ đề làm thật lợi.
Lược Giải.-
Đây là đoạn nhỏ thứ mười lăm, nói nhân quả thật lợi của 6 độ.
Chính Văn.-
Đại bồ tát Quan tự tại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, nếu các vị Bồ tát đầy đủ tiền của vô tận và thành tựu từ bi rộng lớn thì vì sao thế giới này hiện có những người nghèo khổ? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại: Thiện nam tử, ấy là lỗi vì cái nghiệp của họ. Nếu chúng sinh không có ác nghiệp của mình cản trở lấy mình thì thế giới này làm gì có người nghèo khổ khi Bồ tát thường có lòng làm lợi ích cho người, lại thường có tiền của vô tận. Tựa như quỉ đói bị nóng khát dữ dội hành hạ cơ thể, vậy mà thấy nước biển khô cả. Như thế đâu phải lỗi ở biển, lỗi vì nghiệp của quỉ đói mà thôi. Tương tự như vậy, Bồ tát bố thí tiền của thì như biển cả, nên không vì gì Bồ tát, mà chỉ vì ác nghiệp của chúng sinh, như vì ác nghiệp của quỉ đói làm cho quỉ đói có cái ác báo không có nước uống.
Lược Giải.-
Đây là đoạn nhỏ thứ mười sáu, nói nghiệp chúng sinh cản trở chúng sinh hưởng được ích lợi của 6 độ.
Chính Văn.-
Đại bồ tát Quan tự tại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, bồ tát dùng độ nào lĩnh hội cái tánh không tự tánh của các pháp? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại: Thiện nam tử, dùng tuệ độ thì lĩnh hội được cái tánh không tự tánh của các pháp. Bạch đức Thế tôn, nếu tuệ độ lĩnh hội cái tánh không tự tánh thì sao không lĩnh hội cái tánh có tự tánh (159) ? Thiện nam tử, Như lai không bao giờ nói đem cái tánh không tự tánh lĩnh hội cái tánh không tự tánh (như ý ông hỏi), bởi vì cái tánh không tự tánh thì siêu việt văn tự mà chứng ngộ bên trong. Nhưng không thể bỏ ngôn ngữ văn tự mà nói được, nên Như lai nói tuệ độ lĩnh hội cái tánh không tự tánh của các pháp (160) .
Lược Giải.-
Đây là đoạn nhỏ thứ mười bảy, nói tuệ độ chứng thắng nghĩa.
Chính Văn.-
Đại bồ tát Quan tự tại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, như đức Thế tôn nói độ, độ gần và độ lớn, vậy độ là thế nào? độ gần là thế nào? độ lớn là thế nào? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại: Thiện nam tử, nếu các vị Bồ tát trải qua vô số thì gian, tu tập thí cho đến tuệ, thiện pháp thành tựu mà phiền não vẫn còn hiện hành như cũ, chưa chế ngự được chúng mà lại bị chúng chế ngự, thì đó là thắng giải bậc kém và bậc vừa trong Giải hành địa, và gọi là độ. Trải qua vô số thì gian nữa, tu tập thí cho đến tuệ, thiện pháp thành tựu được tăng thượng dần lên mà phiền não vẫn còn hiện hành như cũ, nhưng chế ngự được chúng chứ không bị chúng chế ngự, thì đó là từ địa thứ nhất sắp lên, và gọi là độ gần. Trải qua vô số thì gian nữa, tu tập thí cho đến tuệ, thiện pháp thành tựu càng tăng thượng hơn nữa, mọi phiền não không còn hiện hành, thì đó là từ địa thứ tám sắp lên, và gọi là độ lớn.
Lược Giải.-
Đây là đoạn nhỏ thứ mười tám, và là cuối cùng của đoạn Đ2, nói về 3 cấp của 6 độ.
Nói Về Chướng Ngại
Chính Văn.-
Đại bồ tát Quan tự tại thưa Phật: bạch đức Thế tôn, trong các Bồ tát địa ấy, tùy miên của phiền não có thể có mấy loại? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại: Thiện nam tử, khái lược có ba loại. Một là loại tùy miên hỗ trợ (161) , ở trong năm Bồ tát địa trước, tại sao, vì chính hiện hành của phiền não không phải câu sinh là những thứ hỗ trợ cho hiện hành của phiền não câu sinh, và lúc bấy giờ vĩnh viễn không còn nữa, nên gọi là tùy miên hỗ trợ. Hai là loại tùy miên liệt nhược, là hiện hành nhỏ nhiệm trong địa thứ sáu và địa thứ bảy, nếu (162) tu đạo chế ngự thì chúng không hiện hành nữa. Ba là tùy miên nhỏ nhiệm, là sở tri chướng trong địa thứ tám sắp lên, ở đó mọi phiền não không còn hiện hành nữa (163) .
Đại bồ tát Quan tự tại lại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, những loại tùy miên này do mấy loại thô trọng (164) bị diệt trừ mà làm rõ ra (165) ? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại: Thiện nam tử, chỉ do hai loại: (một), do loại thô trọng da ngoài bị diệt trừ mà làm rõ ra loại tùy miên thứ nhất và loại tùy miên thứ hai; (hai), do loại thô trọng da trong bị diệt trừ mà làm rõ ra loại tùy miên thứ ba; còn (ba), loại thô trọng xương cốt bị diệt trừ thì Như lai nói vĩnh viễn diệt trừ toàn thể tùy miên, và vị trí là ở Như lai địa.
Đại bồ tát Quan tự tại lại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, phải trải qua mấy vô số kiếp mới diệt trừ được những loại thô trọng như vậy? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại: Thiện nam tử, phải trải qua ba vô số kiếp lớn, hoặc vô lượng kiếp mà sát na, nháy mắt, chốc lát, nửa buổi, một buổi (166) , ngày đêm, nửa tháng, một tháng, một năm, không thể (lấy những thì gian này làm đơn vị mà) tính kể.
Đại bồ tát Quan tự tại lại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, trong các Bồ tát địa, Bồ tát phát ra phiền não thì phiền não ấy là sắc thái gì? có nhược điểm gì? có ưu điểm gì? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại: Thiện nam tử, phiền não ấy là sắc thái không ô nhiễm, vì sao, vì các vị Bồ tát này, ngay trong địa thứ nhất, quyết định đã khéo thông đạt pháp tánh các pháp, do đó, các vị phải biết rõ (có cần thiết) mới để cho phiền não phát ra, không phải không biết, thế nên Như lai nói là sắc thái không ô nhiễm. Trong bản thân các vị Bồ tát này, phiền não ấy không thể gây ra khổ não, nên không có nhược điểm gì. Phiền não được các vị Bồ tát này để cho phát ra như vậy có năng lực cắt đứt cái nhân đau khổ trong chúng sinh giới, nên nó có vô số ưu điểm. Đại bồ tát Quan tự tại thưa Phật: Thật là kỳ lạ, bạch đức Thế tôn ! Vô thượng bồ đề có công đức lớn lao đến như vậy, ấy là làm cho phiền não của Bồ tát phát ra mà còn hơn cả thiện căn của chúng sinh, của Thanh văn và Độc giác, huống chi vô lượng công đức khác.
Lược Giải.-
Đoạn Đ3 này có 4 đoạn nhỏ: thứ nhất nói chủng loại của tùy miên, thứ hai nói thô trọng bị diệt trừ, thứ ba nói thì gian diệt trừ thô trọng, thứ tư nói phiền não của Bồ tát.
Nói Về Nhất Thừa
Chính Văn.-
Đại bồ tát Quan tự tại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, như đức Thế tôn dạy Thanh văn thừa hay Đại thừa chỉ là nhất thừa, lời này có mật ý gì? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại: Thiện nam tử, như trong Thanh văn thừa Như lai nói những tiết mục của các pháp là năm uẩn, sáu xứ ở trong, sáu xứ ở ngoài, và các tiết mục đồng đẳng như vậy, thì trong Đại thừa Như lai nói chính các pháp ấy là đồng nhất pháp tánh, đồng nhất lý thú (167) . Thế nên Như lai không nói các thừa có tính sai biệt. -- Chỉ có những kẻ y theo ngôn từ mà vọng phân ý nghĩa, mới thành một số thêm lên, một số bớt đi (168) , lại cho những điểm sai biệt của các thừa là mâu thuẫn nhau, rồi cứ thế mà triển chuyển tranh luận. Mật ý ở đây là như vậy.
Lược Giải.-
Trong phẩm bốn đã nói nhất thừa. Ở đây lại nói nữa. Mỗi chỗ có một lý do. Nên coi kyՠlại. Nhất là phải coi kyլ thật kyլ về nhất thừa của Pháp hoa. Để xác quyết chỗ qui túc của toàn bộ Phật pháp là ở đâu.
Kết Thúc Pháp Thoại
Vào lúc bấy giờ, đức Thế tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói nên nói những lời chỉnh cú sau đây.
Mười Bồ tát địa
bao gồm những gì
danh nghĩa thế nào
đối trị cái gì
đặc thù có gì
phát sinh những gì
đại nguyện ra sao
và bao tiết mục;
đó là đại thừa
Như lai đã nói.
Qua các địa ấy,
khéo léo tu tập
thì sẽ thành tựu
vô thượng đại giác.
Như lai tuyên thuyết
tiết mục các pháp,
lại nói các pháp
đồng nhất lý thú;
nghĩa là đối với
thừa thấp thừa cao,
Như lai nói rằng
không tính dị biệt.
Chỉ có những kẻ
y theo ngôn từ
vọng phân ý nghĩa
mới có thêm bớt,
cho rằng hai thừa
mâu thuẫn với nhau,
nhận thức ngu ngơ
thành ra tranh cãi.
Lúc ấy đại bồ tát Quan tự tại lại thưa Phật: Bạch đức Thế tôn, trong toàn bộ pháp thoại Giải thâm mật, pháp thoại này nên mệnh danh là gì? chúng con phải kính cẩn ghi nhớ như thế nào? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Quan tự tại: Thiện nam tử, pháp thoại này tên là Nghĩa lý hoàn hảo về các địa độ. Ông hãy kính cẩn ghi nhớ theo cái tên như vậy.
Khi đức Thế tôn nói pháp thoại Nghĩa lý hoàn hảo về các địa độ thì trong đại hội có bảy mươi lăm ngàn Bồ tát được chánh định Ánh sáng đại thừa của Bồ tát.
Nói Tâm Ấy Là Quả Sở Đắc
D1. Nói Về Thân Phật
D2. Nói Về Tiếng Phật
Đ1. Nói Về Kinh Và Luật
Đ2. Nói Về Luận
Đ3. Nói Về Tổng Trì
D3. Mấy Điều Quyết Trạch
D4. Kết Thúc Pháp Thoại
Nói Về Thân Phật


Ghi chú:
Ghi Chú (132)
Địa độ: chính văn là địa ba la mật đa, tức 10 địa và 6 độ.
Ghi Chú (133)
Giải hành địa: là Thắng giải hành địa. Coi lại ghi chú 37 . Ở đây nên nói thêm rằng Giải hành địa bao gồm cả Tư lương vị và Da hành vị.
Ghi Chú (134)
Mười pháp hạnh: Du dà luận cuốn 74 nói, trong đại thừa có 10 hạnh làm cho Bồ tát giáo hóa được chúng sinh, đó là đối với 12 loại giáo pháp đại thừa mà biết sao chép, ghi nhớ, hiến cúng, cho người, ai nói thì kính nghe, hoặc đọc, hoặc học, rồi lớn tiếng mà tụng, hoặc giảng cho người, hay ở một mình chỗ thanh vắng mà nghĩ và tu.
Ghi Chú (135)
Chánh trí tu hành: chính văn có 2 bản chép chánh tri nhi hành, 1 bản chép chánh tri nhi trú. Dĩ nhiên tôi chọn số nhiều, nhưng chữ trú thật đáng chú ý, theo đó thì phải dịch: chánh trí mà sống, mà ở hay mà đứng vững.
Ghi Chú (136)
Nặng nề: chính văn là thô trọng, chỉ cho chủng tử của các thứ ngu tối, và chỉ cho sự không kham nhiệm (không gánh vác nổi việc gì cả) do các thứ ngu tối dẫn ra.
Ghi Chú (137)
Chỉ trong... tăng thượng: Thọ sinh tăng thượng là tự tại thọ sinh. Nhưng Phật thì không thọ sinh mà chỉ hóa thân.
Ghi Chú (138)
Nhưng cái... đặc thù: 10 địa đều có 10 độ một cách bình đẳng; nhưng, theo thứ tự, mỗi địa vẫn có một độ đặc thù, và cái độ đặc thù ấy vẫn hơn các địa khác.
Ghi Chú (139)
Tùy miên: chủng tử của phiền não.
Ghi Chú (140)
Nhiếp pháp: ở đây có thể nói bao gồm tất cả phương cách nhiếp hóa chúng sinh, cũng có thể nói là 4 nhiếp pháp.
Ghi Chú (141)
Lợi người: dịch đủ và rõ là lợi ích chúng sinh. Những chữ ở dưới cũng vậy.
Ghi Chú (142)
Tinh tiến áo giáp: dịch đủ là mặc áo giáp. Tinh tiến áo giáp là tinh tiến thệ nguyện, có nghĩa khoác mặc cái tâm mạnh mẽ làm áo giáp mà xông tới, không sợ bất cứ sự khó khăn nào.
Ghi Chú (143)
Tịnh lự dẫn ra pháp lạc: là dịch tắt, dịch đủ là tịnh lự không phân biệt, rất vắng lặng, không tội lỗi, đối trị cái khổ của phiền não mà an trú pháp lạc (ngay trong hiện tại).
Ghi Chú (144)
Chú ý sẽ thấy, trừ thí độ, nhẫn độ và tuệ độ, độ nào cũng có loại sinh thiện ; lại trừ thí độ và nhẫn độ, độ nào cũng có loại lợi người.
Ghi Chú (145)
Độ: nguyên ngữ dịch âm là ba la mật đa, dịch nghĩa là đáo bỉ ngạn, cũng dịch là độ. Tôi chọn chữ độ (vượt) vì đủ cả 2 nghĩa: vượt bỏ bờ bên này và vượt đến bờ bên kia. Mà đại sư Khuy cơ nói chữ ba la mật có đủ cả 2 nghĩa như vậy.
Ghi Chú (145B)
Một là ... hồi hướng: 5 lý do này sau đây gọi là 5 sự nói trên.
Ghi Chú (146)
Các thành quả và dị thục quả: là nói về 5 quả: dị thục quả, đẳng lưu quả, sĩ dụng quả, tăng thượng quả, ly hệ quả. Các thành quả là nói tắt 4 quả sau. Còn dị thục thì chữ ấy chỗ khác gọi là báo, là quả, là quả báo.
Ghi Chú (146B)
Dục lạc: tức là ngũ dục. Pháp số này có 2 cách kể, là sắc thanh hương vị xúc (sắc đẹp, tiếng hay, hơi thơm, mùi ngon, xúc khoái), là tài sắc danh thực thụy (tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn nhậu, ngủ nghỉ). Như vậy dục lạc là nói mọi giác quan đều thỏa thích cả.
Ghi Chú (147)
Hay ho và hữu ích: chính văn là công đức và thắng lợi, cũng có thể dịch ưu việt và thắng lợi (!).
Ghi Chú (148)
Khi làm một độ mà tách rời và đánh mất các độ khác: là nói sự chấp nhất (chứ không phải chuyên nhất).
Ghi Chú (149)
Hành khổ: khổ có 3 loại, là khổ khổ (khổ sở vì lạnh nóng đói khát gây ra, mà những thứ này đã là khổ rồi), hành khổ (khổ sở vì sự biến động của pháp hữu vi ẫ là 5 uẩn mà thân tâm và thế giới chúng ta được phân tích và qui nạp sơ khởi trong đó), hoại khổ (khổ sở vì cái vui mất đi).
Ghi Chú (150)
Bẩn thanh tịnh: bẩn là phiền não; bẩn thanh tịnh là phiền não bị thanh trừng.
Ghi Chú (151)
Hoàn hảo ... thường chuyển: giới pháp thường xuyên là suốt đời không xả giới, giới pháp bền chắc là không phạm giới (thêm nữa: lợi lộc, tôn kính hay phiền não không thể khuất phục tước đoạt), giới pháp thường làm là trì giới không sơ hở, giới pháp thường chuyển là sơ hở cũng chuyển liền cho thanh tịnh lại.
Ghi Chú (152)
Sám hối: chính văn là gián hối (hối bộ ngôn, gián hối là khuyên can). Sám hối là lấy chữ của Ngụy dịch cho dễ hiểu và sát hơn. Và do chữ của Ngụy dịch mà biết gián hối là khuyên can đừng giận để cầu sám hối.
Ghi Chú (153)
Tịnh lự biết thế tục đế và tịnh lự biết thắng nghĩa đế: là dịch theo Vạn 35/32A cho dễ hiểu. Dịch sát là tịnh lự khéo thông hiểu về tướng, tịnh lự viên mãn.
Ghi Chú (154)
Tịnh lự chuyển động... khéo tu: Vạn 35/32A giải thích rằng 3 loại tịnh lự này là đi đôi với 3 phần da hành, chánh hành và hậu đắc của trí.
Ghi Chú (155)
Năm minh xứ: 1, nội minh là Phật học, 2, nhân minh là luận lý học, 3, thanh minh là sinh ngữ, 4, y phương minh là y học, 5, công nghiệp minh là kyՠthuật.
Ghi Chú (156)
Lại vì... là quán: Vạn 35/33B phân câu này thuộc về sự biết đúng thắng nghĩa đế. Nhưng tôi xét thấy bất ổn, nên nghĩ riêng mà phân câu và dịch như vậy.
Ghi Chú (157)
Không đối với dị thục quả: chứ không phải không đối với đẳng lưu quả, sĩ dụng quả, tăng thượng quả, ly hệ quả.
Ghi Chú (158)
Theo Tạp tập luận thì điều một là ly hệ quả của các độ, điều hai là tăng thượng quả của các độ, điều ba là sĩ dụng quả của các độ, điều bốn là dị thục quả của các độ. Vậy là chỉ thiếu đẳng lưu quả.
Ghi Chú (159)
Bạch đức... tự tánh: cái tánh có tự tánh và cái tánh không tự tánh, trước đây dịch tắt là tự tánh và vô tánh, là tánh và vô tánh, tức chỉ cho 3 tự tánh (3 tánh) và 3 vô tánh. Nhưng trong đoạn này, qua lời Phật dạy, thì cái tánh không tự tánh ở đây chỉ nói về thắng nghĩa vô tánh (tức nói về chân như), thế mà lời hỏi này có ý coi cái biết và cái được biết của bát nhã cũng chỉ như của biến kế chấp, biết theo ngôn ngữ và ấn tượng của ngôn ngữ.
Ghi Chú (160)
Như lai không bao giờ... của các pháp: Bát nhã chứng chân như là nội chứng, không thể nói được. Nói bát nhã chứng chân như là tạm dùng ngôn ngữ để nói cho người khác biết như vậy. Câu này, với đại ý được hiểu như vậy nên đã dịch như đã dịch. Nếu dịch sát chính văn thì khó hiểu : Như lai không bao giờ nói đem cái tánh không tự tánh lĩnh hội cái tánh không tự tánh. Nhưng cái tánh không tự tánh tách rời văn tự, tự nội chứng ngộ, không thể bỏ ngôn ngữ văn tự mà nói được. Thế nên Như lai nói rằng tuệ độ lĩnh hội được cái tánh không tự tánh của các pháp.
Ghi Chú (161)
Tùy miên hỗ trợ: Tùy miên thì coi lại ghi chú 139 . Tùy miên hỗ trợ, nguyên danh là hại bạn tùy miên (loại tùy miên hỗ trợ và bị hại trước).
Ghi Chú (162)
Nếu: Vạn 35/39A nói nếu ở đây là nghĩa không quyết định: có Bồ tát chế ngự, có Bồ tát không. Tại sao không chế ngự, và không chế ngự cái gì, thì coi đoạn nhỏ thứ tư.
Ghi Chú (163)
Ba là... hiện hành nữa: Dịch sát thì: Ba là tùy miên nhỏ nhiệm, là ở địa thứ tám sắp lên, từ đó mà đi thì mọi phiền não không còn hiện hành, vì chỉ có sở tri chướng làm điểm tựa.
Ghi Chú (164)
Thô trọng: trước đây đã dịch là nặng nề (coi lại ghi chú 136 ). Ở đây nên nói thêm. Thô trọng là thế lực của chủng tử 2 chướng làm cho cái thân hữu lậu không có kham năng gì: chủng tử ấy, và thế lực ấy, gọi là thô trọng, cũng gọi là tập khí (thói quen).
Ghi Chú (165)
Làm rõ ra: làm rõ ra tùy miên nào bị diệt thế nào, ở Bồ tát địa nào, và diệt rồi được gì.
Ghi Chú (166)
Nửa buổi, một buổi, ngày đêm: ngày đêm là một ngày đêm. Mỗi một ngày đêm, xưa nói có 6 buổi: ngày 3 buổi, đêm 3 buổi; 3 buổi là đầu, giữa và cuối ẫ tức là nay nói mỗi ngày đêm có 24 giờ, mỗi buổi có 4 giờ, nửa buổi có 2 giờ. Ở đây ý nói vô số kiếp (thời kỳ vô số) không phải tính bằng các cấp đơn vị thì gian, mà là tính theo thời kỳ tăng giảm và thành hoại của thế giới, lại tính theo thời kỳ thành đạt các Bồ tát vị (nên không phải không có chậm hay mau).
Ghi Chú (167)
Lý thú: chỗ mà cái lý qui về (tức chân như).
Ghi Chú (168)
Thêm lên, bớt đi: ở đây thêm lên là cho có các thừa khác nhau, bớt đi là cho quyết định chỉ có nhất thừa.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 5 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự giết hại


Những tâm tình cô đơn


Hương lúa chùa quê - Phần 1: Hồi ký của Hòa thượng Thích Bảo Lạc


Tư tưởng Tịnh Độ Tông

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.59.187 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập