Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Diệu Pháp Liên Hoa Kinh [妙法蓮華經] »» Bản Việt dịch quyển số 2 »»

Diệu Pháp Liên Hoa Kinh [妙法蓮華經] »» Bản Việt dịch quyển số 2


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Việt dịch (2) » Việt dịch (4) » English version (1) » English version (2) » Nguyên bản Sanskrit » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 1.44 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.94 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

Kinh này có 7 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |
Việt dịch: Nguyên Thuận

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
(Download file MP3 -59.83Mb
Font chữ:

PHẨM 3: THÍ DỤ
Lúc bấy giờ ngài Xá-lợi Tử vui mừng hớn hở, liền đứng dậy, chắp tay, chiêm ngưỡng Tôn nhan, rồi bạch Phật rằng:
"Con nay nghe được Pháp âm này từ Thế Tôn, cõi lòng vui khôn xiết và được điều chưa từng có.
Vì sao thế? Bởi vào thuở xưa, con đã nghe Pháp như vầy từ Đức Phật và thấy chư Bồ-tát đắc thọ ký thành Phật. Tuy nhiên, đối với việc đó thì chúng con không có phần tham dự. Con cảm thấy đau xót vô cùng vì con đã đánh mất đi vô lượng tri kiến của Như Lai.
Thưa Thế Tôn! Con thường một mình ở dưới gốc cây trong rừng, hoặc ngồi hay đi kinh hành, con luôn nghĩ như vầy:
'Chúng ta đều đồng nhập Pháp tánh. Tại sao Như Lai dùng Pháp Tiểu Thừa để hóa độ? Đây là lỗi của chúng ta chớ chẳng phải lỗi của Thế Tôn.'
Vì sao thế? Bởi nếu chúng con chờ đợi nghe thuyết giảng về nhân duyên thành tựu của Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì chắc chắn rằng chúng con đã được độ thoát bởi Pháp Đại Thừa. Tuy nhiên, chúng con đã không hiểu lời nói phương tiện tùy nghi. Cho nên, khi mới bắt gặp và nghe Phật Pháp, chúng con liền tín thọ, tư duy, và chứng quả.
Thưa Thế Tôn! Từ bấy lâu nay, suốt cả ngày lẫn đêm, con cứ luôn tự trách. Bây giờ, con nghe được Pháp mà chưa từng nghe qua. Thế nên, con đoạn trừ tất cả mối nghi, khiến thân tâm an lạc và được bình an thanh thản. Mãi đến hôm nay, con mới biết rằng mình là đệ tử chân chánh của Phật, sanh ra từ miệng của Phật, hóa sanh từ Pháp, và được một phần trong Phật Pháp."
Lúc bấy giờ ngài Xá-lợi Tử muốn tuyên lại nghĩa lý ở trên nên nói kệ rằng:
"Con nghe Pháp âm này
Được điều chưa từng có
Cõi lòng vui khôn xiết
Lưới nghi đều đã trừ
Xưa nhờ ơn Phật dạy
Không mất đi Đại Thừa
Tiếng Phật rất hy hữu
Khéo trừ chúng sanh khổ
Con đã đắc lậu tận
Nghe cũng trừ ưu não
Con trú nơi sơn cốc
Hay ở dưới gốc cây
Hoặc ngồi hay kinh hành
Luôn tư duy việc này
Than ôi! Lòng tự trách
'Sao tự lừa dối mình?
Chúng ta cũng Phật tử
Đồng nhập Pháp vô lậu
Nhưng vị lai chẳng thể
Diễn nói vô thượng Đạo
Sắc vàng ba hai tướng
Thập Lực các Giải Thoát
Đồng cộng trong một Pháp
Nhưng không được việc này
Tám mươi loại vẻ đẹp
Mười Tám Pháp Bất Cộng
Các công đức như thế
Con đây đều đã mất
Khi một mình kinh hành
Thấy Phật ở đại chúng
Danh vang khắp mười phương
Rộng lợi ích chúng sanh
Tự thấy mất lợi đó
Và tự lừa dối mình
Con suốt ngày lẫn đêm
Luôn tư duy việc này
Muốn thỉnh vấn Thế Tôn
'Đã mất hay vẫn còn'
Con luôn thấy Thế Tôn
Ngợi khen chư Bồ-tát
Cho nên suốt ngày đêm
Suy ngẫm việc như thế
Nay nghe Phật âm thanh
Tùy nghi mà thuyết Pháp
Vô lậu chẳng nghĩ bàn
Dẫn họ đến Đạo Tràng
Con xưa chấp tà kiến
Làm thầy Bà-la-môn
Thế Tôn biết tâm con
Phá tà giảng Niết-bàn
Con trừ sạch tà kiến
Chứng đắc nơi không pháp
Thế rồi lòng tự mãn
Rằng đã đến diệt độ
Nhưng nay mới tỉnh ngộ
Đó chẳng thật diệt độ
Đến khi nào thành Phật
Đầy đủ ba hai tướng
Trời người quỷ dạ-xoa
Chúng long thần cung kính
Lúc đó mới thể nói
'Vĩnh tận diệt vô dư'
Phật ở giữa đại chúng
Nói con sẽ thành Phật
Nghe Pháp âm như thế
Mọi điều nghi diệt trừ
Khi mới nghe Phật nói
Trong lòng thật kinh nghi
'Có phải ma giả Phật
Đến não loạn tâm ta?'
Phật dùng mọi nhân duyên
Thí dụ lời thiện xảo
Lòng họ yên như biển
Con nghe lưới nghi đoạn
Phật nói thuở quá khứ
Vô lượng diệt độ Phật
An trụ trong phương tiện
Cũng đều thuyết Pháp này
Hiện tại vị lai Phật
Số ấy vô hạn lượng
Cũng dùng các phương tiện
Diễn nói Pháp như vầy
Như hôm nay Thế Tôn
Đản sanh đến xuất gia
Đắc Đạo chuyển Pháp luân
Cũng dùng phương tiện nói
Thế Tôn giảng chân Đạo
Ác Giả không hề làm
Thế nên con biết chắc
Chẳng phải ma giả Phật
Bởi con sa lưới nghi
Cho là do ma làm
Nghe tiếng Phật dịu êm
Vi diệu xa thăm thẳm
Diễn sướng Pháp thanh tịnh
Lòng con vui khôn xiết
Nghi vấn đã vĩnh trừ
An trụ trong thật trí
Con quyết sẽ thành Phật
Bậc trời người cung kính
Chuyển vô thượng Pháp luân
Giáo hóa chư Bồ-tát"
Lúc bấy giờ Phật bảo ngài Xá-lợi Tử:
Nay Ta ở giữa đại chúng với hàng trời người, Sa-môn, và Bà-la-môn mà tuyên cáo rằng: vào thuở xưa, ta đã từng ở nơi của 20.000 ức Phật, vì cầu Đạo vô thượng, ta đã luôn giáo hóa ông. Suốt đêm dài, ông cũng theo ta học tập. Ta đã dùng phương tiện dẫn đạo để ông sanh vào trong Pháp của ta.
Này Xá-lợi Tử! Thuở xưa, ta đã dạy ông phát nguyện chí thành nơi Phật Đạo. Thế nhưng, giờ đây ông đã hoàn toàn quên mất mà tự cho rằng mình đã đắc diệt độ. Ta nay vì muốn khiến ông nhớ lại bổn nguyện lúc ông tu hành Phật Đạo và lại cũng vì hàng Thanh Văn, nên thuyết giảng Kinh Đại Thừa này đây với tên gọi là Diệu Pháp Liên Hoa, là Pháp để giáo hóa Bồ-tát và được Phật hộ niệm.
Này Xá-lợi Tử! Trải qua vô lượng vô biên bất khả tư nghị số kiếp ở vào đời vị lai, khi đã cúng dường và phụng trì Chánh Pháp của vài ngàn vạn ức Phật, ông sẽ viên mãn Bồ-tát Đạo và thành Phật, hiệu là Hoa Quang Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Quốc độ tên là Ly Cấu. Nơi ấy bằng phẳng, thanh tịnh trang nghiêm, an bình thịnh vượng, và có rất đông hàng thiên chúng. Đất làm bằng lưu ly và có tám con đường cắt ngang ở một chỗ. Những sợi dây vàng kim được giăng trên đường lộ để phân chia các hàng cây bảy báu. Trên cây luôn có hoa với trái.
Đức Hoa Quang Như Lai cũng sẽ dùng ba thừa để giáo hóa chúng sanh.
Này Xá-lợi Tử! Khi Đức Phật kia xuất thế, mặc dù không phải là đời ác, nhưng do bổn nguyện nên Ngài sẽ dạy giáo Pháp của ba thừa. Kiếp đó tên là Đại Bảo Trang Nghiêm.
Vì sao tên là Đại Bảo Trang Nghiêm? Bởi vì trong cõi nước ấy, Bồ-tát được xem là đại bảo. Số lượng của chư Bồ-tát kia nhiều vô lượng vô biên bất khả tư nghị. Cho dù dùng toán số thí dụ thì cũng không thể lường được. Ngoại trừ trí tuệ lực của Phật, không một ai có thể biết.
Khi họ muốn đi, hoa báu sẽ nâng đỡ bàn chân. Chư Bồ-tát này không phải là những vị sơ phát tâm mà sẽ là các bậc đã từng gieo trồng thiện căn từ thuở xa xưa nơi vô lượng trăm ngàn vạn ức chư Phật, tịnh tu Phạm hạnh, và thường được chư Phật ngợi khen. Họ luôn tu Phật tuệ, đầy đủ đại thần thông, khéo biết tất cả Pháp môn, chánh trực không hư ngụy, và có chí niệm kiên cố. Có chư Bồ-tát như thế đầy khắp quốc độ kia.
Này Xá-lợi Tử! Thọ mạng của Đức Phật Hoa Quang sẽ là 12 tiểu kiếp. Đây không tính thời gian lúc ngài hãy còn là hoàng tử và vẫn chưa thành Phật. Thọ mạng của nhân dân trong cõi nước đó là 8 tiểu kiếp.
Sau 12 tiểu kiếp, Đức Hoa Quang Như Lai sẽ thọ ký Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác cho Kiên Mãn Bồ-tát. Ngài sẽ bảo các vị Tỳ-kheo rằng:
'Vị Kiên Mãn Bồ-tát này sẽ kế đến thành Phật, hiệu là Hoa Túc An Hành Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác. Cõi nước của Đức Phật đó cũng giống như đây vậy.'
Này Xá-lợi Tử! Sau khi Đức Phật Hoa Quang diệt độ, Chánh Pháp sẽ trụ thế 32 tiểu kiếp. Tượng Pháp cũng sẽ trụ thế 32 tiểu kiếp."
Lúc bấy giờ Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa lý ở trên nên nói kệ rằng:
"Vị lai Xá-lợi Tử
Thành Phật Phổ Trí Tôn
Danh hiệu là Hoa Quang
Sẽ độ vô lượng chúng
Cúng dường vô số Phật
Cụ túc Bồ-tát hạnh
Thập Lực mọi công đức
Sẽ chứng vô thượng Đạo
Trải qua vô lượng kiếp
Kiếp tên Đại Bảo Nghiêm
Thế giới tên Ly Cấu
Thanh tịnh không vết xấu
Đất làm bằng lưu ly
Dây vàng giăng đường lộ
Cây tạp sắc bảy báu
Luôn có bông hoa trái
Bồ-tát cõi nước kia
Chí niệm luôn kiên cố
Thần thông Độ Vô Cực
Thảy đều đã cụ túc
Ở chỗ vô số Phật
Khéo học Bồ-tát Đạo
Các Đại sĩ như thế
Hoa Quang Phật giáo hóa
Khi ngài làm hoàng tử
Bỏ nước rời vinh hoa
Trụ ở thân tối hậu
Xuất gia thành Phật Đạo
Hoa Quang Phật trụ thế
Thọ mười hai tiểu kiếp
Dân chúng trong nước đó
Sống lâu tám tiểu kiếp
Sau khi Phật diệt độ
Chánh Pháp sẽ trụ thế
Dài ba hai tiểu kiếp
Rộng cứu độ chúng sanh
Lúc Chánh Pháp diệt tận
Tượng Pháp ba hai kiếp
Xá-lợi phân chia khắp
Trời người rộng cúng dường
Phật sự Đức Hoa Quang
Việc đó là như vậy
Lưỡng Túc Thánh Tôn ấy
Tối thắng không ai hơn
Ngài chính là ông đây
Thế nên hãy mừng vui"
Lúc bấy giờ hàng tứ chúng, gồm Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, cũng như hàng đại chúng với trời, rồng, dạ-xoa, tầm hương thần, phi thiên, kim sí điểu, nghi thần, và đại mãng xà, khi họ thấy ngài Xá-lợi Tử ở trước Phật được thọ ký Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, trong lòng vui mừng khôn xiết và hân hoan vô lượng, rồi mỗi vị cởi phần trên của y phục đang khoác ở nơi thân để cúng dường Phật.
Thiên chủ Đế Thích, các vị vua Phạm Thiên, và vô số thiên tử cũng dùng y phục vi diệu cõi trời, hoa thích ý cõi trời, hoa thích ý lớn, và những vật khác để cúng dường Phật. Y phục cõi trời mà chư thiên rải lên, chúng lơ lửng giữa hư không và tự động xoay chuyển. Khi ấy ở trong hư không, cùng một lúc có trăm ngàn vạn loại âm nhạc cõi trời đồng thời trỗi vang. Họ mưa xuống các thiên hoa và nói lời như vầy:
"Thuở xưa ở vườn Nai, Đức Phật đã sơ chuyển Pháp luân. Cho đến bây giờ, Ngài mới chuyển vô thượng tối đại Pháp luân."
Lúc bấy giờ các vị thiên tử muốn tuyên lại nghĩa lý ở trên nên nói kệ rằng:
"Thuở xưa ở vườn Nai
Chuyển Tứ Đế Pháp luân
Phân biệt giảng các pháp
Sanh diệt của năm uẩn
Nay lại chuyển tối diệu
Vô thượng đại Pháp luân
Pháp này rất thâm áo
Ít ai có thể tin
Chúng con từ xưa nay
Thường nghe Thế Tôn nói
Nhưng chưa từng nghe Pháp
Thâm diệu cao như thế
Thế Tôn thuyết Pháp này
Chúng con đều tùy hỷ
Đại trí Xá-lợi Tử
Nay được Phật thọ ký
Chúng con cũng như vậy
Tất sẽ đắc thành Phật
Khắp tất cả thế gian
Tối tôn không ai bằng
Phật Đạo chẳng nghĩ bàn
Phương tiện tùy nghi nói
Bao phước nghiệp chúng con
Hiện đời và quá khứ
Cùng công đức thấy Phật
Tận hồi hướng Phật Đạo"
Lúc bấy giờ ngài Xá-lợi Tử bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn! Bây giờ chính con ở trước Phật được thọ ký Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nên không còn có điều gì để hoài nghi. Thế nhưng, tuy tâm của 1.200 vị Tỳ-kheo đang hiện diện nơi đây đã đắc tự tại, và lúc họ vẫn còn ở hàng Hữu Học, Phật luôn giáo hóa mà bảo rằng:
'Pháp của Ta có thể thoát ly sanh lão bệnh tử và đạt tới cứu cánh Niết-bàn.'
Lẫn hàng Hữu Học và những vị Vô Học, ai nấy cũng đã xa rời cái thấy của ngã, cái thấy của có và không, cùng những cái thấy khác, và cho rằng mình đã đắc Niết-bàn. Tuy nhiên nay ở trước Thế Tôn, khi nghe những điều chưa hề nghe, họ đều rơi vào nghi hoặc.
Lành thay, thưa Thế Tôn! Con ngưỡng mong Ngài hãy vì hàng tứ chúng mà nói về các nhân duyên ấy để khiến họ thoát ly sự nghi ngờ và điều hối tiếc."
Lúc bấy giờ Phật bảo ngài Xá-lợi Tử:
"Trước kia chẳng phải Ta đã nói qua rằng, chư Phật Thế Tôn dùng mọi nhân duyên, thí dụ ngôn từ, và phương tiện để thuyết Pháp, thảy đều là vì Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác phải không? Tất cả lời giảng dạy đó đều là vì để giáo hóa Bồ-tát.
Tuy nhiên, Xá-lợi Tử! Bây giờ Ta sẽ lại dùng một thí dụ để làm sáng tỏ thêm về nghĩa lý này. Qua thí dụ đó, những ai có trí tuệ thời sẽ hiểu được.
Này Xá-lợi Tử! Giả sử ở quốc gia, thành thị, hay trong một thôn xóm nọ có một đại trưởng giả già yếu với tài phú vô lượng. Ông ta có rất nhiều cánh đồng, nhà cửa, và những người đầy tớ trẻ.
Nhà đó rộng lớn và chỉ có một cánh cửa, nhưng có rất nhiều dân chúng--100, 200, hay cho đến 500 người--đang trú ở trong ấy.
Đại sảnh đường đã cũ kỹ; vách tường rạn nứt. Cột trụ mục nát; cây kèo ngang xiêu vẹo và rất nguy hiểm.
Bỗng nhiên đồng một lúc có cơn hỏa hoạn khởi lên xung quanh và đốt cháy căn nhà.
Các đứa con của ông trưởng giả, hoặc 10, 20, hay đến cả 30 đứa hiện đang ở trong căn nhà đó.
Khi thấy đám lửa phừng phừng bốc cháy từ bốn phía, ông trưởng giả kinh hoàng khiếp sợ và liền nghĩ như vầy:
'Mặc dầu xuyên qua cánh cửa đang thiêu cháy này, ta có thể an toàn rời khỏi, nhưng các con thì vẫn còn ham vui chơi trong căn nhà lửa. Chúng chẳng hay chẳng biết và cũng chẳng kinh chẳng sợ. Tuy ngọn lửa lan tới thiêu cháy và hành hạ thân xác, nhưng trong lòng chúng chẳng hề màng đến và hoàn toàn không có ý định muốn thoát ra.'
Này Xá-lợi Tử! Ông trưởng giả đó suy nghĩ như vầy:
'Thân thể và cánh tay của mình có sức mạnh. Hay là bỏ chúng vào bao hoặc đặt chúng lên bàn, rồi đưa ra khỏi nhà.'
Ông lại suy nghĩ thêm:
'Ngôi nhà này chỉ có một cánh cửa mà còn vừa nhỏ vừa hẹp. Các con của mình thì quá non dại và không biết điều gì. Cứ mải mê vui chơi ở nơi đó thì chúng sẽ có thể rơi xuống và bị lửa thiêu đốt. Ta phải nói cho chúng biết về việc hãi hùng này, rằng căn nhà đã cháy và phải mau ra ngoài thì mới khỏi bị lửa thiêu đốt.'
Nghĩ vậy xong, ông liền nói tường tận cho các con về điều mà mới vừa suy tư:
'Các con ơi, hãy mau ra đi!'
Tuy người cha thương xót vô vàn và đã dùng lời dụ dỗ khéo léo, nhưng mà tất cả các con của ông thì vẫn mải mê vui chơi và chẳng chịu tin. Chúng chẳng kinh chẳng sợ và hoàn toàn không có ý định muốn thoát ra. Lại cũng chẳng biết lửa là gì, nhà là gì, hay mất đi nghĩa là sao. Mặc dù đã trông thấy cha, nhưng chúng chỉ chạy rong chơi khắp nơi.
Lúc bấy giờ ông trưởng giả liền nghĩ như vầy:
'Nhà này đã bị lửa lớn thiêu cháy. Nếu ta và các con không kịp thời rời khỏi thì tất sẽ bị đốt. Ta nay sẽ thiết lập phương tiện để khiến các con được thoát miễn cơn hỏa hoạn này.'
Người cha biết trong lòng của mỗi đứa con ưa thích các đồ chơi trân quý hoặc những vật kỳ lạ nào, thế nên ông bảo họ rằng:
'Những đồ chơi mà các con sẽ ưa thích, chúng rất quý hiếm và khó có được. Nếu không lấy thì về sau các con sẽ phải hối tiếc. Những vật đó như là: xe dê, xe hươu, và xe trâu. Bây giờ chúng đang ở ngoài cửa và các con có thể lấy chơi. Các con hãy mau ra khỏi căn nhà lửa này đi, rồi cha sẽ tùy theo sở thích của mỗi đứa và đều sẽ ban cho các con.'
Lúc vừa nghe cha mình nói về những đồ chơi trân quý với đúng như điều ước mong của chúng, thì lòng ai nấy vui mừng rối rít. Chúng chen lấn lẫn nhau và cùng tranh đua chạy ra khỏi căn nhà lửa.
Khi ông trưởng giả thấy tất cả các con của mình đã bình yên rời khỏi, lại thấy chúng đều ngồi trên đất ở ngã tư đường và không còn nguy hiểm nữa, thì trong lòng thanh thản và vui mừng hớn hở.
Lúc đó tất cả các con của ông đều thưa với cha rằng:
'Thưa cha, hồi nãy cha hứa là sẽ có các đồ chơi tốt đẹp, như là xe dê, xe hươu, và xe trâu. Bây giờ xin cha hãy ban cho chúng con.'
Này Xá-lợi Tử! Lúc bấy giờ ông trưởng giả đều ban cho mỗi đứa con một cỗ xe lớn bằng nhau.
Xe ấy cao rộng và được trang trí xen kẽ với những loại châu báu. Trên xe có lan can xung quanh và ở bốn phía treo chuông. Lại nữa, ở phía trên có lọng che bao phủ và chúng cũng được trang nghiêm với những kỳ trân tạp bảo. Có những sợi dây báu quấn quanh lọng che và có các sợi dây tua bằng hoa gắn trên ấy.
Cỗ xe lót các tấm thảm dày mềm mại và an trí những gối đệm đỏ. Ở đầu xe có con trâu trắng. Màu sắc của nó thanh khiết, thân hình đẹp đẽ, và vạm vỡ lực lưỡng. Bước chân của nó ung dung, lướt nhanh như gió, và còn có rất nhiều kẻ hầu đi theo hộ vệ.
Tại sao ông trưởng giả cho những cỗ xe này? Đó là vì ông đại trưởng giả này giàu sang vô cùng và tất cả kho tàng đều tràn ắp châu báu.
Ông nghĩ như vầy:
'Tài vật của ta nhiều vô số kể. Ta không nên cho các con của ta loại xe nhỏ thấp kém. Những đứa trẻ thơ này đều là con ta và ta thương chúng như nhau. Thêm nữa, ta có vô lượng cỗ xe lớn bằng bảy báu như thế. Với tâm bình đẳng, ta nên cho mỗi đứa bằng nhau không khác.
Vì sao thế? Bởi tài vật của ta, dẫu đem cho hết cả nước thì cũng chẳng thiếu hụt, huống nữa là ta chỉ cho các con của ta.'
Trong lúc đó thì mỗi đứa con của ông đều cưỡi xe lớn. Chúng được điều chưa từng có và vượt hơn sự mong mỏi ban đầu.
Này Xá-lợi Tử! Ý ông nghĩ thế nào? Ông trưởng giả đó ban cho các con những cỗ xe lớn bằng trân bảo giống nhau, có phải ông ta đã lừa dối?"
Ngài Xá-lợi Tử thưa:
"Dạ không, thưa Thế Tôn! Ông trưởng giả đó chỉ muốn làm sao cho các con của ông được thoát khỏi nạn lửa và bảo toàn thân mạng của chúng. Đây không phải là lừa dối.
Vì sao thế? Bởi nếu bảo toàn thân mạng thì chúng sẽ được những đồ chơi tốt đẹp. Huống chi ông lại còn dùng phương tiện để cứu vớt họ ra khỏi căn nhà lửa kia.
Thưa Thế Tôn! Giả như ông trưởng giả đó, dù cả một cỗ xe nhỏ cũng không cho họ, thì vẫn còn không phải là lừa dối.
Vì sao thế? Bởi trước đó ông trưởng giả đã nghĩ thế này:
'Ta sẽ dùng phương tiện để khiến các con được ra khỏi.'
Do nhân duyên này nên không phải là lừa dối. Hà huống là ông trưởng giả tự biết mình giàu sang vô cùng, ông vì muốn làm lợi ích đến các con nên đều đồng ban cho chúng những cỗ xe lớn."
Phật bảo ngài Xá-lợi Tử:
"Lành thay, lành thay! Đúng như lời ông nói.
Này Xá-lợi Tử! Như Lai cũng lại như vậy, là cha của hết thảy thế gian. Đối với các sự hãi sợ, đau đớn, phiền não, ưu lo, hay hoạn nạn, Như Lai đã vĩnh viễn đoạn trừ, một chút cũng chẳng còn. Ngài thành tựu vô lượng tri kiến, lực, và vô sở úy. Như Lai có đại thần lực, trí tuệ lực, đầy đủ phương tiện, Trí Độ, đại từ đại bi, không bao giờ mệt mỏi, luôn cầu việc lành, và làm lợi ích đến tất cả. Cho nên Ngài mới sinh ra ở trong căn nhà lửa mục nát của Tam Giới, là vì để cứu độ chúng sanh ra khỏi ngọn lửa của sanh lão bệnh tử, ưu sầu khổ não, ngu si mê muội, và ba thứ độc. Như Lai giáo hóa và khiến họ đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Như Lai thấy các chúng sanh bị thiêu đốt bởi sanh lão bệnh tử và ưu sầu khổ não. Do bởi ngũ dục, tài vật, và lợi dưỡng mà họ phải chịu đủ mọi thống khổ. Lại nữa, do vì tham trước và truy cầu nên hiện đời phải thọ lấy muôn vàn khốn khổ. Đời sau sẽ thọ khổ nơi địa ngục, trong loài bàng sanh hay ngạ quỷ. Nếu sanh lên trời hay ở tại chốn nhân gian, họ sẽ chịu bần cùng khốn khổ, ái biệt ly khổ, oán tăng hội khổ, và đủ mọi các loại khổ như thế. Mặc dù vậy, chúng sanh chìm đắm trong đó, vui vẻ rong chơi, chẳng hay chẳng biết, chẳng kinh chẳng sợ. Họ cũng không nhàm chán và không cầu giải thoát. Ở trong căn nhà lửa của Tam Giới, họ chạy đông rảo tây. Tuy gặp lắm khổ ách nhưng họ vẫn không màng đến.
Này Xá-lợi Tử! Khi đã thấy việc đó rồi, Phật liền nghĩ như vầy:
'Ta là cha của chúng sanh. Ta nên bạt trừ các khổ nạn đó và ban cho vô lượng vô biên trí tuệ an lạc của Phật để họ vui chơi.'
Này Xá-lợi Tử! Như Lai lại nghĩ như vầy:
'Nếu Ta vì các chúng sanh mà chỉ dùng thần lực cùng trí tuệ lực nhưng bỏ đi phương tiện, rồi tán thán Như Lai tri kiến, lực, và vô sở úy thì chúng sanh sẽ không thể nào được độ thoát bởi cách này.
Vì sao thế? Bởi những chúng sanh này chưa thoát khỏi sanh lão bệnh tử và ưu sầu khổ não, nên phải bị thiêu đốt trong căn nhà lửa của Tam Giới. Vậy thì làm sao mà họ có thể thông hiểu trí tuệ của Phật?'
Này Xá-lợi Tử! Đây ví như ông trưởng giả kia. Mặc dù thân thể và cánh tay có sức mạnh nhưng ông đã không sử dụng. Ông chỉ ân cần dùng phương tiện để cứu các con thoát khỏi hoạn nạn trong căn nhà lửa. Sau đó ông cho mỗi đứa một cỗ xe lớn bằng trân bảo.
Như Lai cũng lại như vậy. Tuy có lực và vô sở úy nhưng Ngài đã không sử dụng. Như Lai chỉ dùng trí tuệ và phương tiện để cứu vớt chúng sanh ra khỏi căn nhà lửa của Tam Giới. Ngài thuyết giảng ba thừa, gồm có: Thanh Văn, Độc Giác, và Phật Thừa. Như Lai bảo họ như vầy:
'Các ông chớ có ưa thích sống trong căn nhà của Tam Giới. Cũng đừng tham sự thô kệch của sắc thanh hương vị xúc pháp. Nếu tham trước thì sẽ phát sanh yêu thích, tức sẽ bị chúng thiêu đốt. Các ông hãy mau ra khỏi Tam Giới thời sẽ được ba thừa: Thanh Văn, Độc Giác, và Phật Thừa.'
Ta nay bảo đảm việc này với các ông là tuyệt đối không có hư dối. Các ông chỉ cần tinh tấn tu hành. Như Lai đang dùng phương tiện này để khuyến dụ và sách tấn chúng sanh.
Ngài lại bảo rằng:
'Các ông nên biết đây là Pháp của ba thừa mà chư thánh đều ngợi khen. Chúng sẽ khiến các ông tự tại, không bị ràng buộc, và không có nơi để mong cầu hay để nương tựa. Cưỡi trên ba thừa này thì sẽ có các căn vô lậu, lực, giác, Đạo, thiền định, giải thoát, và chánh định. Các ông sẽ tự vui sướng và liền đắc vô lượng an ổn vui vẻ.'
Này Xá-lợi Tử! Nếu có chúng sanh nào với căn tánh trí tuệ và khi nghe Pháp từ Đức Phật Thế Tôn mà tín thọ, chuyên cần tinh tấn, muốn mau ra khỏi Tam Giới và cầu đắc Niết-bàn cho bản thân, đây gọi là Thanh Văn Thừa. Họ ví như các đứa con vì mong cầu xe dê mà rời khỏi căn nhà lửa.
Nếu có chúng sanh nào khi nghe Pháp từ Đức Phật Thế Tôn mà chuyên cần tinh tấn, cầu trí tuệ tự nhiên, thích một mình nơi tĩnh mịch, và biết thâm sâu các pháp nhân duyên, đây gọi là Độc Giác Thừa. Họ ví như các đứa con vì mong cầu xe hươu mà rời khỏi căn nhà lửa.
Nếu có chúng sanh nào khi nghe Pháp từ Đức Phật Thế Tôn mà tín thọ, tinh tấn tu hành, cầu Nhất Thiết Trí, Phật trí, tự nhiên trí, vô sư trí, Như Lai tri kiến, lực, vô sở úy, từ mẫn ban an vui cho vô lượng chúng sanh, lợi ích trời người, và độ thoát tất cả, đây gọi là Đại Thừa. Do bởi họ cầu thừa này nên gọi là đại Bồ-tát. Họ ví như các đứa con vì mong cầu xe trâu mà rời khỏi căn nhà lửa.
Này Xá-lợi Tử! Đây ví như khi ông trưởng giả kia thấy tất cả các con của mình đã an toàn rời khỏi căn nhà lửa và đến được nơi thảnh thơi, ông xem xét tài phú vô lượng của mình và ban các cỗ xe lớn cho các con.
Như Lai cũng lại như vậy, là cha của hết thảy chúng sanh. Nếu thấy vô lượng ngàn ức chúng sanh đáng được dùng cánh cửa của Phật để giáo hóa, khiến họ xa rời điều sợ hãi và hiểm đạo của sự thống khổ trong Tam Giới và đắc an lạc của Niết-bàn, ngay lúc đó Như Lai sẽ nghĩ như vầy:
'Ta có vô lượng vô biên trí tuệ, lực, vô úy, và chư Phật Pháp tạng. Hết thảy những chúng sanh này đều là con Ta. Ta phải nên cho chúng đồng một cỗ xe lớn và đừng khiến chúng đắc diệt độ một mình. Ta sẽ dùng Như Lai diệt độ để chỉ họ diệt độ. Khi thoát khỏi Tam Giới, những chúng sanh này đều sẽ được ban cho các đồ vật vui chơi, như là thiền định và các môn giải thoát của chư Phật. Tất cả thảy đều một tướng và một loại mà chư thánh ngợi khen là có thể sanh ra niềm an lạc, thanh tịnh, và vi diệu đệ nhất.'
Này Xá-lợi Tử! Đây ví như ông trưởng giả kia. Ban đầu ông đã dùng ba loại cỗ xe để dẫn dụ các con, rồi sau đó ông chỉ cho chúng một loại cỗ xe lớn. Loại cỗ xe này có vật báu trang nghiêm, thật an lạc và bình yên vô cùng. Cho nên ông trưởng giả kia không có phạm lỗi lừa dối. Như Lai cũng lại như vậy: không có lừa dối. Lúc ban sơ thuyết giảng ba thừa để dẫn đạo chúng sanh, rồi sau đó chỉ dùng Đại Thừa mà độ thoát họ.
Vì sao thế? Bởi Như Lai có vô lượng trí tuệ, lực, vô sở úy, cùng bí tạng của các Pháp, và có thể ban cho hết thảy chúng sanh Pháp Đại Thừa. Tuy nhiên, không phải chúng sanh nào cũng có thể tiếp thọ.
Này Xá-lợi Tử! Ông phải biết rằng chư Phật vì nhân duyên này nên ở trong một Phật thừa mà phân biệt nói có ba."
Khi ấy Đức Phật muốn tuyên lại nghĩa lý ở trên nên nói kệ rằng:
"Ví như ông trưởng giả
Có một căn nhà lớn
Nhà ấy đã cũ kỹ
Mà còn sắp sửa sụp
Đại sảnh cao nguy hiểm
Cột trụ nhà mục nát
Cây kèo ngang xiêu vẹo
Móng nền bị hư hoại
Vách tường thì rạn nứt
Mảnh vôi rụng rơi rớt
Mái tranh lật nghiêng ngả
Cây xà ngang lỏng leo
Vật cách ngăn cong queo
Đồ dơ bẩn đầy rẫy
Hiện có năm trăm người
Đang trú ở trong đó
Cú diều hâu kên kên
Quạ tu hú bồ câu
Rắn độc cùng bò cạp
Rết rít với muỗi nhặng
Tắc kè vật nhiều chân
Nào chồn cáo chuột nhắt
Loài sâu bọ ác độc
Chạy rong ruổi qua lại
Chỗ phân hôi nước tiểu
Bất tịnh chảy lai láng
Bọ hung các loài trùng
Tụ tập bò trên ấy
Chó sói cáo dã can
Gặm nhấm nuốt giẫm đạp
Cắn xé mấy xác chết
Thịt xương nằm ngổn ngang
Rồi thì tới bầy chó
Vồ chụp chạy đến tranh
Gầy đói thật hung hăng
Tìm thức ăn khắp nơi
Tranh giành cấu xé nhau
Gầm hú sủa inh ỏi
Hãi hùng trong nhà ấy
Việc xảy ra như thế
Khắp mọi nơi mọi chốn
Có sơn tinh yêu quái
Dạ-xoa chúng ác quỷ
Đang ăn nhai thịt người
Loài sâu bọ ác độc
Bầy cầm thú dữ tợn
Nở trứng sản sinh con
Chúng tự bảo vệ lấy
Dạ-xoa rượt chạy đến
Tranh nhau bắt lấy ăn
Khi đã ăn no nê
Ác tâm càng mạnh mẽ
Tiếng tranh cãi của chúng
Thật đáng sợ hãi hùng
Các loài quỷ úng hình
Ngồi chồm hổm trên đồi
Có lúc rời khỏi đồi
Nhảy một thước hoặc hai
Chúng rảo tới rảo lui
Tha hồ mà vui thích
Bắt chó tóm hai chân
Đập đến hết la ó
Bẻ chân cuộn quanh cổ
Chó sợ còn chúng vui
Lại có các loài quỷ
Thân nó rất to lớn
Trần truồng gầy đen thui
Luôn sống ở trong đó
Phát ra tiếng dữ tợn
Gào thét tìm thức ăn
Lại có các loài quỷ
Cổ chúng nhỏ như kim
Lại có các loài quỷ
Đầu chúng như đầu bò
Có con ăn thịt người
Hoặc lại xé ăn chó
Đầu tóc rối bù xù
Hung tàn thật hiểm ác
Bị đói khát giày vò
La ó chạy long nhong
Nào dạ-xoa ngạ quỷ
Các chim thú dữ tợn
Đói quá hướng tứ phía
Ngóng nhìn qua song cửa
Các hoạn nạn như thế
Kinh hoàng nhiều vô lượng
Nhà này đã mục nát
Nó thuộc của một người
Người ấy mới ra ngoài
Thời gian không bao lâu
Thì ở đằng sau nhà
Lửa bỗng nhiên bốc cháy
Bốn bên đồng một lúc
Đều bị lửa cháy phừng
Cây kèo ngang cột trụ
Chấn nứt vang tiếng nổ
Bẻ gãy rụng rơi rớt
Vách tường sập ngổn ngang
Tất cả chúng quỷ thần
La ó kêu thảm thiết
Nào kên kên diều hâu
Các loài quỷ úng hình
Chạy loạn xạ kinh hoàng
Không thể tự ra khỏi
Ác thú loài trùng độc
Ẩn náu trong lỗ hang
Loài quỷ hút tinh khí
Cũng trú ở trong đó
Do bởi phước đức mỏng
Chúng bị lửa bức bách
Tương tàn hại lẫn nhau
Uống máu và ăn thịt
Khi bầy thú dã can
Đều đã bị chết rồi
Các loài thú hung ác
Tranh nhau đến xé ăn
Mùi hôi thối nồng nặc
Xông khắp ở tứ phía
Rết rít với muỗi nhặng
Cùng với loài rắn độc
Chúng bị lửa thiêu đốt
Tranh chạy ra khỏi hang
Các loài quỷ úng hình
Tùy ý mà bắt ăn
Lại có các ngạ quỷ
Trên đầu lửa bốc cháy
Đói khát nóng não hại
Chạy rong ruổi khổ bức
Nhà ấy là như thế
Thật đáng sợ kinh hoàng
Nào độc hại hỏa tai
Chúng nạn không chỉ một
Khi ấy ông chủ nhà
Đang đứng ở ngoài cửa
Nghe có người bảo rằng
'Tất cả con của ngài
Hồi nãy vì vui chơi
Nên đã vào nhà đó
Trẻ thơ ngây bồng bột
Yêu thích ham vui sướng'
Ông trưởng giả nghe rồi
Kinh hoàng vào nhà lửa
Ông nghĩ cách giải cứu
Khiến chúng không bị đốt
Dẫn dụ bảo các con
Nói các việc hoạn nạn
'Nào ác quỷ trùng độc
Hỏa tai cháy lan tràn
Khổ này đến ách kia
Liên tục không gián đoạn
Xà độc rắn hổ mang
Với chúng quỷ dạ-xoa
Các loài quỷ úng hình
Chồn cáo chó dã can
Diều hâu cú kên kên
Loài trùng rết nhiều chân
Bị đói khát não loạn
Thật quả đáng khiếp sợ
Nơi này lắm khổ nạn
Huống nữa có lửa lớn
Con ông bởi vô tri
Tuy nghe cha cảnh báo
Nhưng do quá yêu thích
Ham chơi không tạm rời
Bấy giờ ông trưởng giả
Lại suy nghĩ như vầy
'Các con như thế ấy
Làm ta thêm sầu khổ
Giờ ở trong nhà đó
Không thứ gì đáng vui
Nhưng mà các con ta
Ham vui chơi say đắm
Nếu không vâng lời ta
Sẽ bị lửa làm hại'
Khi liền nghĩ như thế
Bèn lập các phương tiện
Rồi bảo các con rằng
'Cha có đủ mọi thứ
Món đồ chơi trân quý
Xe báu đẹp lộng lẫy
Nào xe dê xe hươu
Và cỗ xe trâu lớn
Giờ chúng ở ngoài cửa
Các con hãy ra đi
Cha đã vì các con
Chế tạo các xe đó
Tùy ý như sở thích
Mà có thể vui chơi'
Các con nghe nói có
Những cỗ xe như thế
Lập tức chen lấn nhau
Bôn ba vội chạy ra
Đi đến chỗ đất trống
Lìa xa mọi khổ nạn
Khi trưởng giả thấy con
Ra khỏi căn nhà lửa
Đứng ở ngã tư đường
Ông ngồi tòa sư tử
Vui mừng tự bảo rằng
'Bây giờ ta rất vui
Tất cả các con đây
Nuôi nấng khó lắm thay
Trẻ thơ dại vô tri
Nên vào nhà nguy hiểm
Gặp nhiều loài trùng độc
Quỷ quái thật đáng sợ
Lửa phừng phừng cháy rực
Bốn phía đều bốc cháy
Nhưng mà các con đây
Tham luyến thích vui chơi
Khi ta đã giải cứu
Khiến thoát khỏi tai nạn
Cho nên giữa bao người
Bây giờ ta vui vẻ'
Lúc đó tất cả con
Biết cha đã an tọa
Đều đến chỗ của cha
Mà thưa với cha rằng
'Xin hãy cho chúng con
Ba loại cỗ xe báu
Như trước đã hứa rằng
"Nếu các con ra khỏi
Cha sẽ cho ba xe
Tùy sở thích mong muốn"
Nay chính là lúc này
Xin hãy cho chúng con'
Ông trưởng giả rất giàu
Có rất nhiều kho tàng
Nào vàng bạc lưu ly
Xa cừ và mã não
Dùng những báu vật đó
Tạo các cỗ xe lớn
Trang trí rất trang nghiêm
Có lan can xung quanh
Ở bốn phía treo chuông
Sợi dây vàng quấn quanh
Và màn lưới trân châu
Giăng bủa ở trên ấy
Dây tua hoa vàng kim
Treo lủng lẳng khắp nơi
Đồ trang sức nhiều màu
Trang trí treo xung quanh
Lụa êm bông gòn mềm
Dùng để làm gối đệm
Bao gối mịn thượng diệu
Trị giá cả ngàn ức
Trắng thanh tịnh lấp lánh
Lấy phủ ở trên chúng
Có con trâu trắng lớn
Tròn trĩnh rất dũng mãnh
Thân hình nó đẹp đẽ
Được dùng kéo xe báu
Có rất nhiều kẻ hầu
Đi theo để hộ vệ
Xe vi diệu như thế
Ông ban cho các con
Lúc đó các đứa con
Lòng vui mừng hớn hở
Cưỡi cỗ xe báu này
Du hành ở bốn phương
Chúng rong chơi vui vẻ
Tự tại vô chướng ngại
Phải biết Xá-lợi Tử
Ta cũng lại như vậy
Là chư Thánh Trung Tôn
Là cha của thế gian
Hết thảy các chúng sanh
Đều là con của Ta
Chìm đắm lạc thế gian
Và không có trí tuệ
Khắp Tam Giới không an
Ví như căn nhà lửa
Lắm khổ ách đầy rẫy
Thật quả đáng sợ hãi
Luôn có hoạn nạn sầu
Của sanh lão bệnh tử
Các thứ lửa như thế
Cháy hừng hực chẳng thôi
Như Lai đã lìa xa
Căn nhà lửa Tam Giới
Tịch nhiên sống an nhàn
Nơi núi rừng đồng quê
Bây giờ Tam Giới đó
Đều là thuộc về Ta
Chúng sanh ở trong ấy
Chính là con của Ta
Nhưng giờ ở nơi này
Có rất nhiều hoạn nạn
Duy chỉ một mình Ta
Mới có thể cứu hộ
Tuy chỉ dạy kỹ càng
Nhưng họ chẳng tín thọ
Do tham chấp quá nặng
Nơi ham muốn nhiễm ô
Dùng các phương tiện này
Ta thuyết giảng ba thừa
Khiến cho các chúng sanh
Biết nỗi khổ Tam Giới
Ta khai thị diễn nói
Phật Đạo xuất thế gian
Hết thảy các con đây
Nếu tâm tánh kiên định
Sẽ đầy đủ Tam Minh
Và đắc Sáu Thần Thông
Có người chứng Duyên Giác
Hoặc bất thối Bồ-tát
Phải biết Xá-lợi Tử
Ta vì các chúng sanh
Mà dùng thí dụ này
Để nói một Phật Thừa
Nếu các ông có thể
Tín thọ lời dạy đây
Vị lai tất cả đều
Sẽ đắc thành Phật Đạo
Cỗ xe này vi diệu
Thanh tịnh tối đệ nhất
Ở trong khắp thế gian
Không gì cao quý hơn
Là nơi Phật hoan hỷ
Hết thảy các chúng sanh
Đều phải nên xưng tán
Cúng dường và lễ bái
Vô lượng muôn ngàn ức
Các lực với giải thoát
Thiền định và trí tuệ
Cùng Pháp khác của Phật
Đắc ở thừa như vầy
Khiến tất cả con Ta
Ngày đêm nhiều số kiếp
Luôn du hí vui chơi
Với các vị Bồ-tát
Và Thanh Văn đại chúng
Cưỡi lên thừa báu này
Thẳng tiến đến Đạo Tràng
Do bởi nhân duyên đó
Dẫu cầu khắp mười phương
Cũng không thừa nào khác
Duy trừ Phật phương tiện
Phải biết Xá-lợi Tử
Tất cả các ông đây
Đều là con của Ta
Còn Ta chính là cha
Các ông từ nhiều kiếp
Gặp lắm khổ thiêu đốt
Và Ta đều cứu bạt
Dẫn ra khỏi Tam Giới
Tuy trước đó Ta nói
Các ông đã diệt độ
Nhưng chỉ đoạn sanh tử
Đó không phải thật diệt
Bây giờ hãy nên cầu
Duy nhất Phật trí tuệ
Nếu có Bồ-tát nào
Ở giữa đại chúng này
Có thể nhất tâm nghe
Chư Phật chân thật Pháp
Dẫu chư Phật Thế Tôn
Mặc dù dùng phương tiện
Nhưng chúng sanh giáo hóa
Họ đều là Bồ-tát
Nếu những ai trí nhỏ
Chấp sâu nơi ái dục
Vì hạng người như thế
Ta thuyết giảng Khổ Đế
Chúng sanh tâm hoan hỷ
Được điều chưa từng có
Phật thuyết giảng Khổ Đế
Chân thật không dị biệt
Nếu có chúng sanh nào
Chẳng biết gốc của khổ
Chấp sâu nơi nhân khổ
Không thể chút tạm xả
Vì hạng người như thế
Phương tiện thuyết giảng Đạo
Nhân của tất cả khổ
Tham dục là cội gốc
Nếu diệt trừ tham dục
Khổ không chỗ cậy nương
Diệt tận trừ các khổ
Gọi là Đệ Tam Đế
Vì tu tập Diệt Đế
Họ thực hành Đạo Pháp
Rời các khổ ràng buộc
Gọi là Đắc Giải Thoát
Họ đã từ điều gì
Mà chứng đắc giải thoát?
Chỉ rời xa hư vọng
Nên gọi là Giải Thoát
Kỳ thật còn chưa đắc
Pháp giải thoát tất cả
Phật nói những người ấy
Chưa phải thật diệt độ
Ta không có ý muốn
Dẫn họ đến diệt độ
Bởi vì họ vẫn chưa
Chứng đắc vô thượng Đạo
Ta làm bậc Pháp Vương
Tự tại trong mọi Pháp
An ổn chúng quần sanh
Nên mới hiện ở đời
Phải biết Xá-lợi Tử
Pháp ấn này của Ta
Nói ra là vì muốn
Lợi ích cho thế gian
Du hành bất cứ đâu
Chớ hư vọng truyền dạy
Nếu như có ai nghe
Tùy hỷ đảnh lãnh thọ
Ông phải biết người này
Là vị bất thối chuyển
Nếu có ai tín thọ
Giáo Pháp trong Kinh này
Thì người ấy đã từng
Thấy chư Phật quá khứ
Cung kính với cúng dường
Và cũng nghe Pháp này
Nếu ai như có thể
Tín thọ lời ông nói
Họ tất sẽ thấy Ta
Cũng như thấy ông đây
Cùng các vị Tỳ-kheo
Và với chư Bồ-tát
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
Giảng cho người trí sâu
Kẻ nông cạn khi nghe
Mê muội không tín giải
Tất cả hàng Thanh Văn
Cùng với các Độc Giác
Nghĩa lý trong Kinh này
Sức họ không thể thọ
Phải biết Xá-lợi Tử
Ông đối với Kinh này
Do tín mới vào được
Huống nữa Thanh Văn khác
Hàng Thanh Văn khác đó
Do tín thọ lời Phật
Nên tùy thuận Kinh này
Nhưng trí họ không thấu
Lại nữa Xá-lợi Tử
Kẻ kiêu mạn biếng lười
Tính toán thấy cái tôi
Thì chớ giảng Kinh này
Phàm phu trí nông cạn
Bám sâu nơi ngũ dục
Nghe nhưng không thể hiểu
Thì cũng đừng thuyết giảng
Nếu ai không tín tâm
Và hủy báng Kinh này
Tức sẽ đoạn tất cả
Thế gian Phật chủng tánh
Hoặc lại buồn rười rượi
Họ nghi ngờ mê muội
Ông hãy nghe Ta nói
Tội báo của người này
Nếu Phật còn tại thế
Hoặc sau khi diệt độ
Nếu có ai phỉ báng
Các Kinh điển như vầy
Họ thấy người đọc tụng
Thọ trì biên chép Kinh
Mà khinh khi ganh ghét
Rồi ôm lòng thù hận
Tội báo của kẻ đó
Ông nay nghe lần nữa
Khi người ấy mạng chung
Vào Địa ngục Vô Gián
Suốt trọn đến một kiếp
Kiếp hết lại sanh tiếp
Họ triển chuyển như thế
Cho đến vô số kiếp
Khi ra khỏi địa ngục
Sẽ đọa làm bàng sanh
Như là chó dã can
Thân hình chúng gầy mòn
Đen xạm hủi ghẻ lở
Bị người xua đánh đuổi
Lại khi được làm người
Thân hạ tiện xấu ác
Luôn khốn khổ đói khát
Gầy héo da bọc xương
Sống đau đớn trúng độc
Chết bị ngói đá vùi
Bởi đoạn Phật chủng tánh
Phải chịu tội báo này
Nếu đọa làm lạc đà
Hoặc sanh trong bầy lừa
Thân luôn mang đồ nặng
Bị gậy đập roi quất
Chỉ nghĩ nước và cỏ
Ngoài ra không biết gì
Do hủy báng Kinh này
Nên gặp tội như thế
Có kẻ làm dã can
Chúng đi vào xóm làng
Thân thể đầy ghẻ lở
Lại mất đi một mắt
Còn bị bọn trẻ nít
Đánh đập lấy đá ném
Chịu mọi điều thống khổ
Cho đến chết mới thôi
Ở nơi đó chết rồi
Lại làm thân mãng xà
Thân nó to và dài
Đến năm trăm do-tuần
Ngu ngốc điếc không chân
Uốn éo trườn bụng đi
Bị các loài trùng nhỏ
Chích táp rỉa ăn thịt
Thọ khổ suốt ngày đêm
Không lúc nào thôi nghỉ
Do hủy báng Kinh này
Nên gặp tội như thế
Nếu được sanh làm người
Các căn tánh ám độn
Lùn xấu què khập khiễng
Tai điếc mù gù lưng
Họ có nói điều chi
Thì chẳng ai tin gì
Hơi thở luôn hôi hám
Quỷ quái đột nhập thân
Bần cùng và hạ tiện
Bị người khác sai khiến
Lắm bệnh gầy héo hon
Không chỗ nào tựa nương
Tuy thân cận nhờ người
Chẳng ai thèm để ý
Nếu họ được điều chi
Liền sẽ bị mất ngay
Nếu học về y thuật
Theo phương thuốc trị bệnh
Bệnh nhân càng trầm trọng
Hoặc còn hại chết luôn
Nếu họ tự mắc bệnh
Không ai cứu chữa giùm
Dẫu có uống lương dược
Thì chỉ thêm kịch liệt
Nếu gặp bọn đạo tặc
Họ sẽ bị cướp bóc
Người với tội như thế
Chuốc lấy tai ương đó
Những tội nhân như vậy
Vĩnh viễn chẳng thấy Phật
Bậc vua của chư thánh
Giáo hóa thuyết giảng Pháp
Những tội nhân như vậy
Luôn sinh chốn hoạn nạn
Tai điếc tâm điên cuồng
Vĩnh viễn chẳng nghe Pháp
Trải qua vô số kiếp
Nhiều như cát sông Hằng
Lúc sinh ra câm điếc
Các căn không vẹn toàn
Luôn sống ở địa ngục
Như dạo ở lâm viên
Hoặc tại ác đạo khác
Xem như nhà của họ
Lạc đà lừa chó heo
Là nơi họ tiến đến
Do hủy báng Kinh này
Nên gặp tội như thế
Nếu được sanh làm người
Thì mù điếc câm ngọng
Nghèo mạt gia cảnh suy
Mà lấy để trang nghiêm
Phù thũng thân khô héo
Ghẻ hủi bị ung thư
Các chứng bệnh như thế
Để mà làm y phục
Thân luôn toát mùi hôi
Dơ bẩn thật bất tịnh
Chấp sâu vào cái tôi
Sân khuể càng tăng trưởng
Lòng dâm dục hẫy hừng
Chẳng khác gì cầm thú
Do hủy báng Kinh này
Nên gặp tội như thế
Phải biết Xá-lợi Tử
Ai hủy báng Kinh này
Nếu Ta nói tội họ
Trọn kiếp chẳng tận cùng
Do bởi nhân duyên này
Ta mới căn dặn ông
Chớ thuyết giảng Kinh này
Cho người không trí tuệ
Nếu ai có lợi căn
Với trí tuệ sáng suốt
Học rộng trí nhớ dai
Và chí cầu Phật Đạo
Thì những người như thế
Mới có thể thuyết giảng
Nếu ai đã từng thấy
Trăm ngàn ức chư Phật
Gieo trồng mọi căn lành
Tâm kiên cố thâm sâu
Thì những người như thế
Mới có thể thuyết giảng
Nếu có ai tinh tấn
Luôn tu tập lòng từ
Chẳng luyến tiếc thân mạng
Mới có thể thuyết giảng
Nếu có ai cung kính
Không có tâm nào khác
Xa lìa kẻ ngu dốt
Một mình nơi núi đầm
Thì những người như thế
Mới có thể thuyết giảng
Lại nữa Xá-lợi Tử
Nếu thấy có người nào
Rời bỏ ác tri thức
Thân cận bạn bè tốt
Thì những người như thế
Mới có thể thuyết giảng
Nếu thấy Phật tử nào
Trì giới luật thanh tịnh
Thanh tịnh như minh châu
Chí cầu Kinh Đại Thừa
Thì những người như thế
Mới có thể thuyết giảng
Nếu ai không sân hận
Chánh trực tâm nhu hòa
Luôn thương xót hết thảy
Và cung kính chư Phật
Thì những người như thế
Mới có thể thuyết giảng
Lại có Phật tử nào
Ở giữa hàng đại chúng
Mà với tâm thanh tịnh
Dùng đủ mọi nhân duyên
Thí dụ và ngôn từ
Thuyết Pháp vô chướng ngại
Thì những người như thế
Mới có thể thuyết giảng
Nếu có Tỳ-kheo nào
Vì cầu Nhất Thiết Trí
Đi bốn phương cầu Pháp
Chắp tay đảnh lãnh thọ
Chỉ yêu thích thọ trì
Các Kinh điển Đại Thừa
Cho đến chẳng thọ trì
Một bài kệ Kinh khác
Thì những người như thế
Mới có thể thuyết giảng
Nếu ai tâm chí thành
Khẩn cầu Phật xá-lợi
Hoặc cầu Kinh như vầy
Khi được đội trên đầu
Người này sẽ chẳng còn
Mong muốn Kinh điển khác
Cũng chẳng bao giờ nghĩ
Sách điển của ngoại đạo
Thì những người như thế
Mới có thể thuyết giảng
Phải biết Xá-lợi Tử
Ta nói đặc tướng này
Của người cầu Phật Đạo
Suốt kiếp cũng chẳng hết
Những hạng người như thế
Mới có thể tín giải
Thời ông hãy thuyết giảng
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa"
PHẨM 4: TÍN GIẢI
Lúc bấy giờ, khi Tuệ mạng Thiện Hiện, Tôn giả Đại Văn Sức, Tôn giả Đại Ca-diếp, và Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nghe được Pháp chưa từng có từ Đức Phật. Lại nghe được Thế Tôn thọ ký Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác cho Xá-lợi Tử, các ngài cảm thấy rất hy hữu và trong lòng vui mừng hớn hở. Họ liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉnh y phục, trịch áo lộ hở vai, gối phải quỳ sát đất, nhất tâm chắp tay, rồi cung kính cúi mình, chiêm ngưỡng Tôn nhan, và bạch Phật rằng:
"Ở trong hàng xuất gia, chúng con là những thượng thủ và có tuổi thọ cao thâm. Chúng con tự nghĩ rằng mình đã đắc Niết-bàn và chẳng còn việc gì phải lo nên không còn tiến cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Thuở xưa khi Thế Tôn thuyết Pháp, tuy lúc đó chúng con cũng ngồi nghe nhưng thân thể mỏi mệt, chỉ niệm không, vô tướng, vô tác. Đối với các Pháp của Bồ-tát, như là thần thông du hí, thanh tịnh Phật độ, và thành tựu chúng sanh thì lòng chẳng mấy vui thích.
Vì sao thế? Bởi Thế Tôn đã dẫn chúng con ra khỏi Tam Giới để chứng đắc Niết-bàn. Thêm nữa, giờ tuổi tác chúng con đã cao, nên khi nghe Phật giáo hóa Bồ-tát về Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì tâm chúng con chẳng hề sanh một niệm yêu mến.
Nay ở trước Phật, khi chúng con nghe Như Lai thọ ký Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác cho hàng Thanh Văn thì lòng vô cùng hoan hỷ và được điều chưa từng có. Chúng con chẳng thể nào tin rằng, nay lại bỗng hốt nhiên nghe được Pháp hy hữu này. Cõi lòng mừng rỡ khôn xiết và đạt được lợi ích lành. Đây ví như tự nhiên có vô lượng trân bảo mà chẳng cần phải mong cầu.
Thưa Thế Tôn! Bây giờ chúng con muốn nói một thí dụ để làm rõ nghĩa lý này.
Đây ví như có người lúc còn thơ ấu đã bỏ cha chạy trốn và lưu lạc rất lâu ở tha phương, hoặc 10, 20, hay cho đến 50 năm. Khi đã trưởng thành, cuộc sống càng thêm khốn đốn và phải long đong khắp nơi để tìm miếng cơm manh áo. Lần lần người ấy lang thang về cố hương.
Lúc trước cha của anh ta ra đi để tìm con nhưng vẫn không sao gặp được. Thế rồi người cha đã dừng chân ở giữa trung tâm của một thành phố nọ. Người cha rất giàu sang và trong nhà có vô lượng tài bảo, nào là vàng, bạc, lưu ly, san hô, hổ phách, pha lê, trân châu, và những châu báu khác. Các kho chứa đều tràn ắp đồ vật. Lại có nhiều đầy tớ, quản gia, và người giúp việc, cùng voi ngựa xe cộ và vô số bò dê. Việc kinh doanh mang đến nhiều lợi nhuận và còn phát triển sang đến nước khác. Chúng thương gia và khách hàng cũng có rất nhiều.
Khi ấy, kẻ cùng tử đi lang thang qua các xóm làng và thành ấp của các nước. Cuối cùng thì đi đến một thành phố mà cha của anh ta đang ở.
Mặc dù phụ tử đã biệt ly hơn 50 năm nhưng người cha luôn nhớ về con mình. Đối với việc này, ông chưa từng nói cho ai biết và chỉ ấp ủ một mình với lòng tràn đầy hối hận mà thầm nghĩ:
'Ta giờ đã già nua. Tuy có nhiều tài sản, vàng bạc trân bảo, và các kho chứa tràn ắp đồ vật, nhưng tiếc thay ta lại không có con. Một mai chết đi thì tài sản sẽ tiêu tan và chẳng ai thừa kế.'
Đây là tại sao mà người cha luôn tha thiết nhớ về con mình. Người cha lại nghĩ như vầy:
'Nếu gặp được đứa con, ta sẽ ủy phó tài vật cho nó. Như thế ta sẽ vui vẻ và không còn ưu lo gì nữa.'
Thưa Thế Tôn! Lúc bấy giờ kẻ cùng tử đi làm thuê hết chỗ này đến chỗ khác và bất chợt đến nhà của người cha. Đứng ở cổng, hắn từ xa trông thấy người cha ngồi chễm chệ trên giường sư tử và chân gác lên ghế báu. Hàng Bà-la-môn, vua chúa, và cư sĩ đều cung kính vây quanh. Các chuỗi anh lạc trân châu trị giá hàng ngàn vạn được trang nghiêm trên thân. Kẻ hầu người hạ cầm cây phất trần màu trắng và đứng hầu ở hai bên. Ở phía trên có màn che báu phủ trùm và trên ấy treo bông hoa và cờ xí. Trên đất rưới nước hương và rải các thứ hoa quý hiếm. Báu vật được sắp thành hàng để ông kiểm duyệt. Với đủ mọi thứ trang nghiêm như thế, uy đức của người cha rất thù đặc và tôn quý. Khi kẻ cùng tử thấy người cha có uy thế lớn, hắn liền kinh hãi và hối hận đã đến nơi đây, rồi thầm nghĩ rằng:
'Đây chẳng lẽ là vua, hoặc là người ngang bằng với vua. Đây không phải là nơi mà ta có thể làm thuê. Ta tốt hơn nên đi đến xóm nghèo. Ở đó sẽ có nơi mướn ta và dễ dàng kiếm sống. Nếu còn nán lại đây nữa thì ta sẽ có thể bị cưỡng bức đi làm khổ sai.'
Nghĩ như thế xong, hắn vội chạy đi. Khi ông trưởng giả giàu sang đang ngồi ở trên tòa sư tử thấy cùng tử, ông liền nhận ra đó là con mình, lòng ông vui mừng vô cùng và lập tức nghĩ như vầy:
'Bây giờ thì tài vật và kho tàng của ta đã có người giao phó. Ta luôn nhung nhớ đứa con này nhưng vẫn không sao thấy được. Bất chợt giờ nó tự đến, điều mong ước của ta sắp được mãn nguyện. Mặc dù ta đã già suy nhưng ta vẫn nhớ mong.'
Nghĩ vậy xong, người cha liền sai hạ nhân cấp tốc đuổi theo để dẫn hắn về. Khi ấy, các hạ nhân liền chạy nhanh đến bắt cùng tử. Cùng tử hốt hoảng và kêu la thảm thiết:
'Tôi có phạm tội gì đâu mà sao lại bắt tôi?'
Các hạ nhân lại càng cầm chặt hơn và lôi kéo hắn về. Lúc đó kẻ cùng tử tự nghĩ rằng:
'Ta vốn vô tội mà giờ bị bắt giam, chắc ta phải chết mất.'
Khi ấy, kẻ cùng tử càng thêm kinh hoàng và té xỉu trên đất. Người cha từ xa thấy thế nên ra lệnh các hạ nhân rằng:
'Ta không cần người này nữa. Đừng cưỡng bắt hắn tới đây nữa. Hãy tạt nước lạnh lên mặt để khiến hắn tỉnh dậy và chớ nói thêm với hắn điều gì.'
Vì sao thế? Bởi người cha biết ý chí hạ liệt của con ông và biết rằng sự hào quý của chính mình sẽ làm con ông khó mà tin được. Khi đã biết chắc đó là con mình, ông dùng phương tiện và chẳng nói cho một ai biết rằng đó là con của ông.
Khi ấy, các hạ nhân nói với cùng tử rằng:
'Giờ ta phóng thích ngươi. Ngươi muốn đi đâu thì tùy ý.'
Cùng tử vui mừng khôn xiết và được điều chưa từng có. Hắn từ dưới đất đứng dậy, rồi đi đến xóm nghèo để tìm miếng cơm manh áo.
Lúc bấy giờ ông trưởng giả vì muốn dẫn dụ con mình nên bèn lập phương tiện. Ông bí mật sai hai người với dáng vẻ tiều tụy và chẳng có uy đức gì, rồi nói với họ rằng:
'Các người hãy đi đến chỗ của kẻ bần cùng kia, rồi từ tốn bảo hắn rằng:
"Có nơi này làm việc và sẽ kiếm được gấp hai lần tiền công mà anh đang làm."
Nếu kẻ bần cùng đó đồng ý, các người hãy dẫn về làm việc. Nếu hỏi sẽ làm công việc gì thì bảo rằng:
"Anh được mướn về đổ phân. Hai chúng tôi cũng sẽ cùng với anh làm việc."'
Lúc ấy, hai hạ nhân liền đi tìm cùng tử. Khi đã gặp, họ tường trình sự việc như trên.'
Lúc bấy giờ kẻ cùng tử nhận trước tiền công rồi cùng họ đổ phân. Khi người cha thấy con mình, lòng thương cảm thắm thiết.
Lại một ngày khác, nhìn qua khung cửa sổ, ông trưởng giả từ xa thấy con mình gầy gò héo hon, phân ô uế và bụi bặm bất tịnh dính trên thân. Thấy vậy, ông liền cởi xuống xâu chuỗi anh lạc, y phục mềm mại, và đồ trang sức. Rồi thay vào áo vải thô, rách rưới, và dơ bẩn. Lại trét bùn đất lên thân và cánh tay phải cầm cái xẻng xúc phân. Với dáng vẻ ghê rợn, ông bảo các người làm rằng:
'Các người hãy siêng làm việc và chớ có lười biếng.'
Nhờ bằng vào cách này, người cha đã gần gũi được với đứa con. Về sau trong một dịp nọ, ông nói với kẻ cùng tử rằng:
'Nè chàng thanh niên! Cậu hãy làm việc luôn ở đây và đừng đi nơi khác nữa. Tôi sẽ tăng lương cho cậu. Mọi thứ cậu cần, như là: xoong nồi, gạo, bột, muối, giấm, hay những vật dụng khác. Cậu chớ lo nghĩ thêm về việc này mà làm khổ chính mình. Tôi cũng có một người đầy tớ già xấu, nếu cậu cần tôi sẽ cấp cho. Cậu hãy an lòng đi. Giờ tôi như người cha của cậu. Vậy cậu đừng lo lắng thêm gì nữa.
Vì sao thế? Bởi tôi đã rất già mà cậu thì trẻ trung tráng kiện. Ở mọi lúc làm việc, cậu chưa hề khi nào lừa dối, lười biếng, giận giữ, hay có lời than oán. Tôi chưa từng khi nào thấy cậu phạm các việc ác như mấy kẻ khác. Từ nay về sau, tôi sẽ coi cậu như là con của tôi.'
Rồi thì ông trưởng giả liền đặt tên và gọi cùng tử là con của mình. Dẫu khi ấy kẻ cùng tử vui mừng khôn xiết đối với việc này, nhưng vẫn tự cho mình như kẻ làm hạ tiện ở ngoài. Cho nên suốt 20 năm, hắn vẫn luôn đi đổ phân. Sau thời gian đó, hắn đã bắt đầu có lòng tin tưởng và khi ra vào không còn ái ngại nữa. Tuy nhiên, hắn vẫn ở chỗ cũ như lúc trước.
Thưa Thế Tôn! Lúc bấy giờ ông trưởng giả lâm bệnh và tự biết không bao lâu nữa thì sẽ chết, nên ông nói với kẻ cùng tử rằng:
'Hiện tại cha có rất nhiều vàng bạc trân bảo và các kho chứa tràn ắp đồ vật. Con nên biết tường tận số lượng và khoản thu chi của chúng. Đó là điều mà cha đang ấp ủ trong lòng và hy vọng rằng con sẽ lãnh hội được ý này.
Vì sao thế? Bởi giờ giữa cha và con không có gì xa lạ. Con phải nên thận trọng hơn nữa và đừng để mất mát thứ gì.'
Lúc bấy giờ kẻ cùng tử liền vâng lời dạy bảo và quản lý tất cả tài vật, vàng bạc trân bảo, cùng các kho tàng. Tuy nhiên, hắn không hề khởi ý niệm chiếm giữ dù nhỏ như một bữa ăn. Hắn vẫn tiếp tục ở chỗ cũ và cũng chưa có thể bỏ đi tâm tưởng thấp kém.
Ít lâu sau, người cha biết tâm ý con mình đã dần dần thông thái, thành tựu đại chí, và khinh bỉ cách suy nghĩ của chính mình lúc trước. Khi sắp gần mạng chung, ông bảo con mình triệu tập thân bằng quyến thuộc, quốc vương, đại thần, vua chúa, và hàng cư sĩ. Khi đã đều tập họp đông đủ, ông liền nói với họ rằng:
'Tất cả các vị nên biết đây là con của tôi, do chính tôi sinh ra. Tại một thành phố nọ cách đây 50 năm, nó bỏ tôi mà chạy trốn, lưu lạc nơi tha phương, và chịu nhiều khốn khổ. Con tôi lúc xưa tên là, còn tên của tôi là vậy đó. Tại một thành phố nọ trên quê hương xưa, tôi đã bôn ba đi tìm. Bỗng ở tại xứ này, tôi đã tìm được. Đây đích thật là con tôi và tôi thật sự là cha của nó. Bây giờ tất cả tài sản của tôi sẽ đều thuộc về con tôi. Mọi việc làm ăn trong ngoài của gia tộc, giờ đây con tôi cũng đã biết.'
Thưa Thế Tôn! Khi cùng tử nghe lời nói như thế từ người cha, hắn liền vui mừng khôn xiết và được điều chưa từng có, rồi nghĩ rằng:
'Lòng ta vốn không có một ý niệm mong cầu, nhưng giờ thì bảo tàng này tự nhiên đến.'
Thưa Thế Tôn! Ông đại phú trưởng giả tức là Như Lai. Chúng con đều là hàng Phật tử và Đức Như Lai cũng luôn bảo rằng chúng con là con của Ngài.
Thưa Thế Tôn! Do bởi tam khổ nên ở trong sanh tử chúng con phải thọ các khổ não bức bách, mê muội vô tri, ưa thích và chấp trước nơi Pháp nhỏ.
Hôm nay Đức Thế Tôn đã khiến chúng con khởi tâm tư duy để trừ sạch thứ phân hí luận của các pháp. Chúng con ở trong Phật Pháp đã chuyên cần tinh tấn và kiếm được một ngày tiền lương của Niết-bàn. Khi đã có được, tâm sanh đại hoan hỷ, trong lòng mãn nguyện mà liền tự bảo rằng:
'Do bởi chuyên cần tinh tấn nên điều chúng ta đạt được ở trong Phật Pháp thật quả là nhiều.'
Tuy nhiên, Thế tôn đã biết trước tâm chúng con tham chấp vào điều mong muốn thấp kém và ưa thích nơi Pháp nhỏ, nên vẫn để chúng con tự đi con đường của mình và đã không chỉ rõ rằng:
'Các ông đều sẽ có một phần trong bảo tạng của Như Lai tri kiến.'
Thế Tôn dùng sức phương tiện để thuyết giảng trí tuệ của Như Lai. Chúng con tu học từ Đức Phật và kiếm được một ngày tiền lương của Niết-bàn, rồi cho là đã được lợi ích lớn nên ở trong Pháp Đại Thừa này không có tâm tha thiết cầu mong. Thêm nữa, nhân do chúng con biết rằng trí tuệ của Như Lai là để khai thị diễn nói cho chư Bồ-tát. Thế nên, đối với Pháp này chúng con không có lòng khát ngưỡng.
Vì sao thế? Bởi Phật biết tâm chúng con ưa thích Pháp nhỏ nên đã dùng sức phương tiện mà tùy nghi thuyết giảng. Thế nhưng chúng con đã không biết rằng mình thật sự là con của Phật. Nay chúng con mới tỏ ngộ ra rằng, Thế Tôn không hề bỏn xẻn đối với trí tuệ của Phật.
Vì sao thế? Bởi từ xưa đến nay, chúng con đích thật là con của Phật. Thế nhưng chúng con chỉ ưa thích Pháp nhỏ. Nếu chúng con có tâm yêu mến Pháp lớn thời Phật sẽ thuyết Pháp Đại Thừa. Ở trong Kinh này duy chỉ nói Nhất Thừa. Xưa kia ở giữa chư Bồ-tát, Thế Tôn đã khiển trách những vị Thanh Văn ưa thích nơi Pháp nhỏ, nhưng thật ra Phật đang dùng Đại Thừa để giáo hóa họ.
Vì vậy, chúng con mới nói rằng lòng chúng con vốn không có một ý niệm mong cầu điều chi, nhưng giờ thì bảo tàng của Pháp Vương tự nhiên mà đến. Đây là điều mà người Phật tử nên được, giờ chúng con đều đã được."
Lúc bấy giờ Đại Ca-diếp muốn tuyên lại nghĩa lý ở trên nên nói kệ rằng:
"Ngày hôm nay chúng con
Nghe tiếng Phật dạy bảo
Vui mừng lòng hớn hở
Được điều chưa từng có
Phật nói hàng Thanh Văn
Sẽ đắc thành Phật quả
Có vô lượng trân bảo
Không cầu mà tự được
Ví như đứa trẻ nít
Bồng bột tánh non dại
Bỏ cha chạy trốn đi
Đến tít nơi tha phương
Lang thang qua các nước
Suốt hơn năm mươi năm
Người cha buồn lo nhớ
Bôn ba tìm khắp nơi
Đến khi đã mệt mỏi
Dừng nghỉ thành phố nọ
Rồi xây dựng nhà cửa
Có ngũ dục vui sướng
Nhà rộng lớn giàu sang
Nhiều vàng bạc trân bảo
Xa cừ với mã não
Trân châu ngọc lưu ly
Nào voi ngựa bò dê
Kiệu xe kẻ đón đưa
Tôi tớ người nông phu
Cùng dân chúng rất đông
Kinh doanh mang lợi nhuận
Phát triển sang nước khác
Chúng thương gia khách hàng
Không nơi nào chẳng có
Ngàn vạn ức dân chúng
Họ cung kính vây quanh
Lại có hàng vua chúa
Luôn nhớ thương mến mộ
Quần thần hàng quý tộc
Thảy đều đồng tôn trọng
Do các nhân duyên này
Người vãng lai rất nhiều
Sang giàu như thế ấy
Và có uy thế lớn
Nhưng ông đã già nua
Lòng nhớ con tha thiết
Ngày đêm nghĩ như vầy
'Ta sắp phải ra đi
Con dại đã bỏ ta
Hơn năm mươi năm qua
Kho tàng các tài bảo
Phải xử lý thế nào?'
Khi ấy kẻ cùng tử
Tìm miếng cơm manh áo
Thôn này đến thôn khác
Nước này đến nước khác
Hoặc đôi lúc có ăn
Hoặc đôi lúc chẳng có
Đói khát thân gầy mòn
Mình mẩy sanh mụn nhọt
Lần lần đi lang thang
Đến thành cha anh ở
Triển chuyển làm thuê mướn
Cuối cùng đến nhà cha
Lúc đó ông trưởng giả
Ở bên trong cổng nhà
Màn che báu bao phủ
Ngồi trên tòa sư tử
Hàng quyến thuộc vây quanh
Kẻ hầu người hộ vệ
Hoặc có người tính đếm
Vàng bạc các vật báu
Tài sản trong với ngoài
Biên ghi vào sổ sách
Khi cùng tử thấy cha
Hào quý thật tôn nghiêm
'Đây chẳng lẽ là vua
Hoặc ngang bằng với vua?'
Kinh sợ rồi tự trách
'Tại sao đến nơi này?'
Lại tự suy nghĩ rằng
'Nếu ta còn ở đây
Có thể bị cưỡng bức
Bắt đi làm khổ sai'
Khi đã nghĩ như thế
Liền vội bỏ chạy đi
Đến xóm nghèo rong hỏi
Muốn làm thuê làm mướn
Khi đó ông trưởng giả
Ngồi trên tòa sư tử
Từ xa thấy cùng tử
Liền nhận ra con mình
Tức khắc sai hạ nhân
Đuổi theo dẫn hắn về
Cùng tử kêu hốt hoảng
Té xỉu ngay trên đất
'Những kẻ này bắt ta
Chắc ta sẽ phải chết
Vì miếng cơm manh áo
Sao lại đến nơi đây?'
Ông trưởng giả biết con
Ngu si ý hạ liệt
'Sẽ không tin lời ta
Không tin mình là cha'
Liền dùng sức phương tiện
Sai các hạ nhân khác
Mù một mắt lùn xấu
Không có uy đức gì
Các người nói với hắn
'Có nơi này làm việc
Dọn dẹp đổ phân dơ
Gấp hai tiền anh làm'
Khi cùng tử nghe xong
Vui vẻ đi theo về
Rồi đổ phân ô uế
Quét dọn các phòng xá
Nhìn qua khung cửa sổ
Ông trưởng giả thấy con
Ý hạ liệt ngu si
Ưa thích làm việc kia
Khi ấy ông trưởng giả
Mặc áo dơ thô xấu
Tay cầm xẻng xúc phân
Đi đến chỗ con ông
Nhờ phương tiện gần gũi
Ông bảo 'hãy siêng làm
Sẽ tăng cậu tiền lương
Cho cậu dầu thoa chân
Đầy đủ đồ uống ăn
Và giường nệm êm ấm'
Ông nói cứng rắn rằng
'Cậu phải siêng làm việc'
Lại từ tốn bảo rằng
'Cậu như con của tôi'
Ông trưởng giả có trí
Dần dần cho ra vào
Trải qua hai mươi năm
Quản lý công việc nhà
Chỉ nơi cất vàng bạc
Trân châu và pha lê
Thu chi của mọi việc
Khiến cùng tử đều biết
Nhưng hắn vẫn ở ngoài
Sống trong căn nhà lá
Tự nghĩ mình bần cùng
'Không vật nào của ta'
Người cha biết lòng con
Dần dần đã rộng lớn
Muốn cho con tài vật
Liền tụ họp thân tộc
Gồm có các quốc vương
Đại thần và cư sĩ
Ở giữa đại chúng ấy
Nói 'đây là con tôi
Bỏ tôi đi nơi khác
Trải qua năm mươi năm
Nay thấy nó tự đến
Hai mươi năm ở đây
Xưa ở một thành nọ
Tôi mất đứa con này
Bôn ba khắp nơi tìm
Cuối cùng đến nơi đây
Mọi thứ của tôi có
Nào nhà cửa hạ nhân
Thảy phó chúc cho nó
Tùy ý mà sử dụng
Cùng tử nghĩ xưa nghèo
Ý chí lại hạ liệt
Nhưng nay ở chỗ cha
Có được trân bảo quý
Cùng nhà cao cửa rộng
Và hết thảy tài vật
Lòng vui mừng khôn xiết
Được điều chưa từng có
Phật cũng lại như vậy
Biết chúng con thích nhỏ
Nên chưa hề nói rằng
'Các ông sẽ thành Phật'
Mà chỉ bảo chúng con
Chứng đắc các vô lậu
Thành tựu nơi Tiểu Thừa
Là Thanh Văn đệ tử
Phật giáo sắc chúng con
Thuyết giảng tối thượng Đạo
Những ai tu tập đó
Sẽ đắc thành Phật quả
Chúng con vâng Phật dạy
Vì chư đại Bồ-tát
Dùng những việc nhân duyên
Cùng đủ mọi thí dụ
Nhiều ngôn từ lời nói
Để nói vô thượng Đạo
Khi các Phật tử đó
Nghe Pháp từ chúng con
Rồi ngày đêm tư duy
Tinh cần gắng tu tập
Giữa lúc ấy chư Phật
Liền thọ ký cho họ
'Ông vào đời vị lai
Sẽ đắc thành Phật quả'
Pháp này là bí tạng
Của tất cả chư Phật
Chỉ dành cho Bồ-tát
Diễn nói sự thật này
Không phải vì chúng con
Mà nói chân Pháp yếu
Như kẻ cùng tử kia
Được gần gũi cạnh cha
Tuy biết các tài vật
Lòng chẳng mong chiếm giữ
Đây cũng lại như vậy
Chúng con dẫu thuyết giảng
Phật Pháp bảo tạng mầu
Nhưng không chí nguyện cầu
Chúng con đắc nội diệt
Tự cho đã đủ rồi
Khi việc đó đã xong
Chẳng làm thêm việc gì
Cho dù chúng con nghe
Thanh tịnh cõi nước Phật
Giáo hóa độ chúng sanh
Nhưng đều không vui thích
Bởi vì nguyên nhân gì?
Hết thảy tất cả pháp
Thảy đều vốn không tịch
Chẳng sanh cũng chẳng diệt
Bất đại cũng bất tiểu
Vô lậu cũng vô vi
Khi tư duy như thế
Chẳng sanh niệm an vui
Chúng con suốt đêm dài
Đối với Phật trí tuệ
Không tham cũng không chấp
Lại cũng không khát ngưỡng
Nhưng lại đối với Pháp
Tự cho đã cứu cánh
Chúng con suốt đêm dài
Chỉ tu tập không pháp
Chứng đắc thoát Tam Giới
Lìa khổ não hoạn nạn
Trụ ở thân tối hậu
Nơi Hữu Dư Niết-bàn
Tu tập lời Phật dạy
Đắc Đạo thật chẳng hư
Liền cho đã chứng đắc
Đền đáp ân của Phật
Mặc dầu tuy chúng con
Vì các hàng Phật tử
Thuyết giảng Pháp Bồ-tát
Để họ cầu Phật Đạo
Nhưng đối với Pháp này
Chưa bao giờ yêu mến
Do quán tâm chúng con
Đạo sư vẫn để yên
Lúc đầu chẳng khuyến khích
Nói lợi ích chân thật
Như trưởng giả giàu nọ
Biết con chí thấp hèn
Nên dùng sức phương tiện
Điều phục tâm tánh con
Sau rồi mới phó thác
Hết thảy mọi tài vật
Phật cũng lại như vậy
Thị hiện việc hiếm có
Biết những ai thích nhỏ
Bèn dùng sức phương tiện
Điều phục tâm ý họ
Rồi mới dạy đại trí
Ngày hôm nay chúng con
Được điều chưa từng có
Trước đó chẳng cầu mong
Mà nay tự chứng đắc
Như kẻ cùng tử kia
Được vô lượng trân bảo
Thế Tôn nay chúng con
Đã đắc thành Đạo quả
Ở trong Pháp vô lậu
Chứng đắc Pháp nhãn tịnh
Chúng con suốt đêm dài
Nghiêm trì Phật tịnh giới
Mãi cho đến hôm nay
Mới đắc quả báo này
Trong Pháp của Pháp Vương
Từ lâu tu Phạm hạnh
Bây giờ đắc vô lậu
Vô thượng quả báo lớn
Ngày hôm nay chúng con
Là Thanh Văn chân chánh
Dùng âm thanh Phật Đạo
Khiến tất cả nghe hay
Ngày hôm nay chúng con
A-la-hán chân chánh
Ở trong các thế gian
Giữa trời người ma Phạm
Ở khắp nơi trong ấy
Xứng tiếp thọ cúng dường
Đại ân của Thế Tôn
Dùng việc hy hữu này
Xót thương giáo hóa độ
Làm lợi ích chúng con
Suốt vô lượng ức kiếp
Ai có thể báo đáp?
Dù bố thí tay chân
Đầu đảnh lễ cung kính
Tất cả mọi cúng dường
Đều chẳng thể đáp đền
Nếu để Ngài trên đầu
Hoặc vác lên hai vai
Trải qua Hằng sa kiếp
Lòng hết mực cung kính
Lại dùng món ngon lạ
Vô lượng y phục báu
Cùng tất cả gối nệm
Và muôn loại thuốc thang
Hương ngưu đầu chiên đàn
Cùng với các trân bảo
Mà khởi xây tháp miếu
Y báu trải làm đất
Các việc như thế ấy
Để làm việc cúng dường
Suốt cả Hằng sa kiếp
Cũng chẳng thể đáp đền
Chư Phật rất hy hữu
Có vô lượng vô biên
Có bất khả tư nghị
Sức thần thông quảng đại
Đắc vô lậu vô vi
Là vua của các pháp
Khéo vì kẻ thấp kém
Nhẫn chịu làm việc này
Phàm phu chấp nơi tướng
Ngài tùy nghi thuyết giảng
Chư Phật ở các pháp
Đắc tự tại tột cùng
Biết rõ các chúng sanh
Mọi dục lạc điều vui
Cùng ý chí nguyện lực
Tùy khả năng lãnh thọ
Dùng vô lượng thí dụ
Để thuyết Pháp cho họ
Tùy theo mỗi chúng sanh
Thiện căn ở đời trước
Lại biết ai thành thục
Ai còn chưa thành thục
Muôn sự việc như thế
Phân biệt biết rõ ràng
Ở trong Đạo Nhất Thừa
Tùy nghi nói có ba"
卍 Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Hết quyển 2

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 7 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phóng sinh - Chuyện nhỏ khó làm


Phúc trình A/5630


Tổng quan về Nghiệp


Giai nhân và Hòa thượng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.17.45 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập